NHA TRANG

Ráng chiều thấp thoáng phía đường xa
Đứng giữa quê hương bỗng nhớ nhà
Ai lạ ai quen ai tri kỷ?
Mịt mù quê quán nhớ gì ta?
Lửa khói binh đao thời trẻ nhỏ
Oan hồn ngựa hí có bọc da?
Thôi thì như lính qua sông lạnh
Lạnh khói chiều lên lạnh mái nhà

Nhọc nhằn năm tháng cũ phôi phai
Đụn rơm nắng xế bóng rơi dài
Ta cũng đã qua ngày cặm cụi
Bây giờ con dế gáy bi ai
Ngồi nhớ xa xưa mà chẳng nhớ
Áo màu quá vãng áo vị lai
Hình nhân nhảy múa trong trí tưởng
Xin được thấy em tóc ngắn dài

Xin về tuổi của những ngày xanh
Chiều đạp xe đi nắng cổng Thành
Có ai đứng lại trên cầu Dứa
Chầm chậm thôi mà nhanh ơi nhanh
Nhanh chậm gì đâu giờ cũng hết
Xế chiều con nước chạy loanh quanh
Sông Cái đưa người về Trại Thủy
Qua Gò Dê nhớ Yersin

Bây giờ ta đứng gọi tên Vân
Mấy lứa con trai đã ngại ngần
Mây trắng thuở nào trôi mất biệt
Thương ngày xoã tóc cõi trần gian
Có lão già đi qua Ngã Sáu
Mắt mờ thánh giá thành chấm than
Áo dài ngày đó là quá khứ
Bây giờ chỉ biết gọi Nha Trang

LÊ PHÚ HẢI

Advertisement

CHUYỆN CỦA TÈO

Sau khi thất thủ Ban Mê Thuột ngày 10 tháng 3, hàng đoàn người tháo chạy tán loạn về phía đồng bằng. Tỉnh lộ 7 (QL 25 ngày nay) được chọn cho con đường di tản. Đã có nhiều tài liệu mô tả về cuộc tháo chạy này, tưởng không cần nói thêm. Ở đây chỉ nói chuyện thằng Tèo.
Đoàn di tản về tới dốc cây Me thì rẻ phải, đi ngang qua giáo xứ Tịnh Sơn để về quận lỵ Sơn Hòa với ước mong tìm một sự che chở. Rồi quận lỵ cũng tháo chạy, đoàn người tản đi về hai phía, một băng xuống Thạnh Hội theo cầu phao đi qua đường 9, một tiếp tục đi theo đường 7, tất cả đều tuyệt vọng… Theo những gì được biết bi giờ thì ngày 24/3, “quân giải phóng” đã hoàn toàn làm chủ quận lỵ nên bây giờ 24/3 là ngày kỷ niệm của địa phương này.
(Quận lỵ Củng Sơn nằm chơ vơ phía tây Phú Yên. Ở đây có giáo xứ Tịnh Sơn lâu đời nằm cách khoảng 2 km. Năm 1963, vì tình hình an ninh, nhà thờ Tịnh Sơn đóng cửa, một nhà nguyện nhỏ được xây dựng tại Củng Sơn ngay trung tâm quận lỵ, có lẽ để nương náu vì trong lịch sử, thời chín năm kháng chiến, Phú Yên đã có 2 linh mục bị sát hại: Cha Dẫn ở Trà Kê và Cha Tôn ở Tịnh Sơn)
Bi giờ ngồi hình dung lại thì thật là bi đát. Dài dòng chỉ thêm niềm uất nghẹn. Chỉ có Tèo là vô tư vì lúc đó nó có mặt nhưng với tư cách là một sinh linh bị bỏ lại bên cạnh bờ sông Con ở Ngân Điền. Mấy người nông dân địa phương đi lượm đồ rơi rớt của người di tản đã bắt gặp Tèo, chưa cắt rún, nằm quấn trong cái khăn lông trắng muốt của Mỹ. Mọi người bàn tán thằng này chắc con của nhà giàu… Tèo được đưa về quận lỵ Củng Sơn (lúc đó) giao cho linh mục Nguyễn Cao Hiên, cha sở nhà thờ. Cha Hiên đón nhận Tèo, cắt rún, ấp ủ và nuôi bằng những gì ngài có thể.
Cũng trong những ngày này, vợ chồng anh Mười Hòa mừng đón đứa con đầu lòng. Nhà thương chưa hoạt động lại nên phải nhờ bà mụ vườn. Bà mụ cắt rún bằng cái cật tre, bốn ngày sau thằng bé chết vì uốn ván, lưng cong vòng. Chôn cất con xong vợ chồng anh Mười nhớ tới cha Hiên và thằng bé sơ sịnh èo uột. Hai người chở xe đạp tới nhà thờ đón thằng nhỏ về. Cha Hiên mừng, nói đã rửa tội, có tên thánh, và dặn vợ chông anh Mười đem về nhớ làm khai sanh cho nó.
Và Tèo đã lớn lên, vượt qua cái xanh xao còm cõi nhờ vào bầu vú sữa của chị Mười, không nhớ gì về quá vãng, cội nguồn. Cái làng quê nó sống thì tôi có biết, cũng buồn bã như bao làng quê VN khác sau ngày hòa bình. Có lần tôi tới chơi thấy nó lon ton chạy quanh sân, lần khác nó đã lớn hơn, cầm roi chận bò ngoài ruộng. Ngày đó tôi còn trẻ, chẳng quan tâm để ý gì nhiều. Thêm nữa vợ chồng anh Mười Hòa sinh thêm một đàn con, lo miếng ăn khá vất vả rảnh đâu nghĩ chuyện tinh thần.
Cũng như nhiều đứa trẻ con khác chỗ nó sống, ngày đó đói khổ quá nên đi học cũng lôm côm được chăng hay chớ. Tôi cũng vất vả mưu sinh nên cũng thiếu sót nghĩ tới người khác. Chỉ biết lúc này qua đàm tiếu của thiên hạ thằng Tèo đã biết nó là con nuôi, là đứa rớt rơi trong ngày di tản. Nó gặng hỏi, anh Mười nói cứ từ từ lớn rồi đi tìm. Và từ đó trong Tèo có một nỗi niềm đau đáu…
Miết cho tới cách đây vài năm, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của cô Thu Uyên rộ lên trên truyền hình, thằng Tèo ghi tên rất sớm. Cũng nhiêu khê lắm cuối cùng đoàn làm phim về Tịnh Sơn gặp Tèo, mô tả, kể lại, nhắn nhủ v.v… Và ngày tháng trôi đi Tèo không nhận được chút phản hồi nào. Cũng dịp này cậu bạn bên phía Đức Bình đã được đoàn tụ. Tèo chờ miết nhưng không có dù dữ kiện của Tèo khá rõ ràng và rành mạch. Bà con làng xóm nói thôi, chắc ba má mày không qua nỗi sông Con rồi. Mà có qua được sống Con cũng chưa chắc về tới được Tuy Hòa…

Mười Hòa là anh họ của tôi. Năm này 30/4 trúng ngày chủ nhật, tôi chạy xe Honda từ Tuy Hòa về Tịnh Sơn 50 cây số, ý là để hỏi thăm thằng Tèo. Vợ chống anh Mười đã đi từ sớm lên An Khê thăm thằng trai út đi bộ đội, đơn vị đang đóng ở đó. Lâu quá không gặp nên thằng trai lớn của anh Mười không biết tôi, tôi chỉ hỏi sơ qua chút đỉnh, biết sau khi đưa thằng Tèo về thì sau đó anh Mười sinh thêm 6 đứa con nữa. Thằng Tèo cũng đã lấy vợ và đưa vợ con về Gia Lai sống mấy năm nay. Tôi nghĩ chắc thằng này muốn tìm về nguồn cội, dù chỉ là cái nguồn cội mù mờ. Có khi nó chỉ cần hít thở bầu không khí mà nó nghĩ trước đây ba má nó đã hít thở, đi lòng vòng cái không gian mà trước đây ba má nó đã đi, rồi tưởng tượng ra có người đàn ông nào đó, người đàn bà nào đó là ba và má nó. Nghĩ vậy để bớt tủi buồn… Tính hỏi tên khai sanh của thằng Tèo nhưng nghĩ lại không cần. Chắc chắn là cái tên nào đó theo họ của anh Mười thôi, gọi theo tên ở nhà có khi lại hay hơn. Tèo đã chẳng có tên từ khi bị để rớt ở bờ sống Con ngày đó…
30/4, đài phát thanh truyền hình rôm rả vui mừng, loa kèn inh ỏi. Tôi đứng bên bờ sông Con nghĩ tới thằng Tèo.

Lê Phú Hải

MÙA VỌNG

lephuhai

Đêm phương nam trời ào mưa rồi tạnh
Lỡ hẹn rồi thôi để lại mùa sau
Áo em bay trên phố xá sắc màu
Như trông ngóng dịu dàng và cởi mở

Trời mưa xuống chợt vỡ òa nổi nhớ
Những ngày mùa quê quán thuở xa xưa
Dáng mẹ gầy cần mẫn đội cơn mưa
Như con vạc cái cò kia tận tụy

Cảm ơn trời những cơn mưa ngỏ ý
Mảnh đất cằn mai lúa sẽ lên xanh
Nuôi bao người vui phận nhỏ mong manh
Có ai đếm đã qua bao mùa Vọng

Chúa giáng thế ủi an người đang sống
Mẹ chẳng còn đây nữa để mà vui
Tiếng ru xưa như có chút ngậm ngùi
Lời con nhỏ cuộn vào trong nỗi nhớ

Cơn mưa nghịch để lòng ai trăn trở
Con phố dài gió trỗi điệu lê thê
Noel nay có ai ngóng ai về
Thiếu vắng người bếp lửa nào có ấm

Tình xa rồi biết bao nhiêu mùa Vọng
Ai âm thầm gác nhỏ tối Noel
Phố bỗng dài ngơ ngác một lối quen
Thoáng kỷ niệm mịt mờ theo ký ức

Mưa nghịch mùa trong chăn con mắt thức
Giáo đường đâu chuông nguyện tiếng thở dài
Ừ mà thôi, ngày cũng đã nhạt phai
Hãy nhắm mắt khép lại mùa xưa cũ

Ta cuộn mình làm con sâu trong tổ
Tự ru ta trong giấc mộng thiên đường
Những phận nghèo chia sẻ chút yêu thương
Đêm phương nam nằm nghe lời mùa Vọng.

Lê Phú Hải

TAM TẤU THÁNG 11

lephuhai

1. Mùa thu cúc vàng chưa nhỏ?
Hiên nhà có nắng về không?
Ở đây hết mùa hoa đỏ
Là mùa nước lũ mênh mông

2. Đất trời chuyển mình sang lạnh
Cò về mấy cặp bay ngang
Cây rơm một mình cô quạnh
Quê nhà sao cũng lang thang

3. Bài thơ tháng mười, mười một
Ngại ngùng chả nói lời yêu
Hỏi han nhìn qua mái dột
Lâu ngày đá cũng rong rêu

Lê Phú Hải

PHƯƠNG NAM MÙA LŨ

lephuhai

Đêm phương Nam bập bềnh cơn mưa lũ
Tiếng đàn kìm thao thức ngập ngừng xa
Đã bao năm quên về con nước dữ
Để hôm nay cuồn cuộn chảy trôi nhà

Em bé khóc bên kia mương khát sữa
Mẹ mệt nhoài đôi vú đã cạn khô
Mùa hoa quả chưa qua mà quá lứa
Phương Nam buồn cây trái rụng lô xô

Chàng trai tráng chống xuồng qua kinh rạch
Mắt đục ngầu nhìn nước chảy về mau
Mấy mùa qua bạc màu manh áo rách
Tương lai nhàu cuồn cuộn đổ về đâu

Lòng đau đáu những ngày trên phố thị
Cô gái ngồi thờ thẩn nét mặt hoa
Đồng tiền nát và đôi tay kim chỉ
Nhớ thương em chạy nước ở quê nhà

Đồng ngập trắng mỏi đôi chân bìm bịp
Khản cổ kêu con nước lớn nước ròng
Điệu buồn nghẹn lời “xự xang xê cống”
Tóc mẹ già bạc trắng giữa mênh mông

Cánh cò chiều bay về không bến đậu
Nếp nhà tranh vắng bóng khói lam vờn
Trường đóng cửa… em có còn đi học?
Bóng xuồng nào lặng lẻ phía cô thôn

Phương Nam ơi trĩu lòng người viễn xứ
Giấc mơ đau còn ngóng một quê nghèo
Thương mẹ cha, thương em nhiều vất vả
Suốt một đời gánh nặng mãi còn đeo

Ôi phương Nam sao lòng đau đến thế
Cá tôm chiều xao xác bến bờ xa
Vòng đời nhỏ bấy nhiêu rồi thế hệ
Bao phận người mòn mỏi những bài ca

Liên Hương – Lê Phú Hải

NHỚ MÁ TÔI XƯA

lephuhai

Từ Tuy Hòa đi ra phía bắc khoảng 30 cây số là đến thị trấn Chí Thạnh. Qua khỏi Chí Thạnh chút xíu rẻ phải dọc theo sông Phường Lụa là đường đi về nhà thờ cổ Mằng Lăng. Đường đi đến nhà thờ ngang qua một con đập có tên Tam Giang. Đứng đó nhìn qua phía bên kia bờ thấy có một nhà nguyện be bé. Đó là xứ đạo Gò Chung, là quê quán bên ngoại của má tôi.
Ngày đó bà ngoại tôi về đây sinh má tôi, bà mất trong lần sinh nở này, má tôi sống với cậu dì và họ hàng bên ngoại. Khoảng 5 năm sau, có người đàn ông cởi ngựa về tìm dẫn má tôi đi. Nghe nói đó là cha, má tôi xúc động và đi theo ngay không cần suy nghĩ. Sau này má nói có lẽ do sự thiêng liêng của huyết thống.
Mười chin tuổi má tôi lấy chồng. Lúc đó Phú Yên là vùng kháng chiến do Việt Minh kiểm soát kể từ sau cách mạng tháng tám năm 1945. Khoảng đầu năm 1951, Pháp thả bom Cầu Máng, không có nước tưới tiêu nên cả vùng đồng bằng bị mất mùa và lâm vào cảnh thiếu đói. Ba má tôi ở miền núi nhưng vẫn phải ăn bắp thay cơm suốt nhiều tháng liền. Đến năm 1953, ba má tôi trốn ra khỏi vùng Việt Minh kiểm soát và bắt đầu cuộc đời lưu lạc…

xxx

Miền Nam Việt Nam trải qua hết thời đệ nhất lại đến thời đệ nhị cộng hòa. Và cứ mỗi một thời gian qua đi, chúng tôi càng lớn thì thấy gia đình mình càng nghèo đi, càng bớt sang trọng, càng thắt lưng buộc bụng nhiều hơn. Sau năm 1975 thì đúng là nghèo thiệt…
Năm 1979 gia đình tôi đi KTM Hòa Nguyên, những chuyến xe chở đồ đoàn của người đi kinh tế mới lũ lượt đổ về Tuy Hòa, ghé nghỉ trưa chút xíu ở cầu Ông Chừ rồi tiếp tục rẽ theo hướng tây đi về phía mặt trời lặn. Nhìn má tôi buổi trưa hôm đó, một mình với lỉnh kỉnh đồ đạc chất đầy phía sau xe: cái gạc măng rê cũ kỹ, cái đi văng làm bằng ván ép Mỹ đã tróc véc ni loang lổ, mấy tấm tôn đầy vết đinh rỉ, mấy cái giường đã tháo rời ra thành mấy bó, thanh giường, vạt giường, thúng mủng, nong nia, rỗ rá và lóc nhóc những chai lọ, hũ ghè… chợt nhớ hồi Mậu Thân nhà tôi cũng một lần chuyển đi như vậy từ xóm Máy nước về xóm Bóng, cũng má tôi ngồi sau xe một mình với đống đồ đạc…
Về sau tôi có viết bài hát “Bài ca người di trú” mở đầu bằng câu: “Năm mươi năm sao vẫn đi đi hoài, chiều dần trôi về đây lòng con tê tái…” và kết thúc: “… Năm mươi năm đã mỏi cánh chim bay, cơn mơ là vùng đất vui hiền hòa”… là tôi viết cho má tôi. Năm đó má tôi 50 tuổi.

xxx

Sống ở KTM mười mấy năm, mang bệnh sốt rét trong người lâu ngày lại không có nhiều thuốc men để điều trị nên dần dà má tôi chuyển sang sưng lá lách. Bước qua tuổi sáu mươi lăm má tôi bắt đầu suy sụp. Cái lá lách sưng to thường hay gây sốt. Đi bệnh viện mấy lần nhưng bác sĩ không dám mổ. Họ nói má tôi sức yếu sợ không chịu đựng được. Bà bước đi khó nhọc vì cái bụng sưng to.
Năm 1996, tôi và vợ con chuyển về Tuy Hòa. Không lâu sau đó tôi được tin má bị té, hôn mê và đang hấp hối. Tôi hấp tấp chạy về nhưng chỉ còn thấy má tôi nằm im trên giường, thỉnh thoảng hai bên khóe ứa ra những giọt nước mắt. Đến chiều tối hôm đó má tôi trút hơi thở cuối cùng. Năm đó bà được 67 tuổi. Chỗ chúng tôi ở lúc bấy giờ không có cửa hàng bán hòm đóng sẵn nên nhà nào cũng có để dành mấy tấm ván phòng khi hữu sự. Tôi đạp xe ra tiệm mua đinh và mấy lon sơn.
Ngày hôm sau trời vẫn còn mưa phùn gió bấc. Chiếc xe bục bịch chở xác má và mấy anh em tôi nặng nhọc tiến về phía nhà thờ. Những người đưa tang mặc áo mưa đi xe gắn máy hoặc xe đạp chạy theo sau. Sau thánh lễ Misa và nghi thức làm phép xác, cái hòm màu xanh da trời có má tôi trong đó được một nhóm trai tráng khiêng đi. Nghĩa trang công giáo đang bị ngập nước nên má tôi về nằm trên một cái gò cao, bên cạnh em gái tôi đã mất vì bệnh sốt rét hơn mười năm trước đó. Thường thì người công giáo khi chết chôn trong hòm sơn đen, cha Hiên nói sơn màu gì cũng được vì chết cũng là một sự vui mừng… Nghe kể lại trước đó bác Huy ở Sơn Nguyên mất, chôn trong một cái hòm sơn màu hồng, bên hông có ghi hàng chữ: “Ta đi về nhà Cha”, và bây giờ là má tôi với cái hòm không ghi chữ, chỉ có màu xanh da trời như sáng lên giữa một ngày đông xám.

xxx

Hồi còn ở Nha trang, mỗi lần đến lễ Vu lan, bạn tôi sinh hoạt trong Gia đình phật tử thường hay rủ tôi đi chùa. Tụi nó kể tôi nghe về bông hồng và bông trắng. Tôi cũng biết bài hát “Bông hồng cài áo”… nhưng chưa khi nào tôi quan tâm đến ý nghĩa người mẹ… Má tôi mất khi mấy anh em tôi ai cũng cắm đầu cho việc mưu sinh, cho “giọt nước mắt chảy xuống” của qui luật cuộc đời…

Lê Phú Hải

CON VỀ

lephuhai

Con về thăm mẹ chốn yêu xưa
Lặng lẽ chiều nghiêng mấy bóng dừa
Giậu đổ bìm leo sâu đẻ trứng
Con cò đứng ngóng những cơn mưa
Em lấy chồng xa đời lưu lạc
Chị còn chạy gạo buổi cơm trưa
Nhìn quẩn quanh tìm cây gậy trúc
Cha già tai điếc đã nghe chưa?

Bao người lữ thứ vắng quê hương
Một nửa đồng xanh nửa phố phường
Lỡ mối mang rồi nên gả bán
Mai còn gì nữa để yêu thương
Cởi áo phơi ra lời trách móc
Sao tình cốt nhục chẳng thiên lương
Ngựa chạy đâu còn che mắt nữa
Mà mờ mịt mãi những đêm sương?

Con về rũ lại bụi phù vân
Thắp nén hương xa chuộc tình gần
Đứng ngắm giang sơn nghìn mảnh vá
Chạnh lòng con quốc khóc thương thân
Dĩ vãng nhẹ tênh tình non nước
Dặm trường mê mãi mõi đôi chân
Đành nợ anh linh người đi trước
Lối vào thương tiếc cỏ trên sân

Chút tình xưa cũ cũng phôi phai
Bừng tỉnh cơn mê giấc mộng dài
Đất khổ lòng đau kêu thống thiết
Mẹ già tóc trắng xác xơ bay
Niềm riêng xa lắc ngồi nghe ngóng
Đồng vọng về đâu liễu chương đài
Xiềng xích trên vai người hào kiệt
Cổng nhà chó đá sủa chân ai?

Lê Phú Hải

VỀ PHƯƠNG NAM

lephuhai

Ta đi về phương Nam
Nghe khúc hành ca của một thời mở đất
Nghe tiếng cha ông và những gì được mất
Ai có buồn đêm nay

Phương Nam ơi ta về đây
Một gánh trên vai tang bồng hồ thỉ
Bỗng nhớ Huyền Trân mối tình ý nhị
Châu Ô châu Rí
Đã về đâu những kẻ chung tình

Ta đi về phương Nam
Dừng nghe điệu buồn của sông Ba sông Cái
Người cứ đi và tháp xưa vẫn còn ở lại
Đèo Cả đèo Cù Mông xa ngái
Phương Nam ơi phương Nam

Phương Nam bình minh
Gió thổi sờn vai mặt trời lên phía biển
Biển Đông dậy sóng
Trời Tây én liệng
Mùa xuân sao mãi vẫn chưa về

Ta đi về phương Nam
Xình xịch toa xe ru đời lận đận
Mắt ai buồn rân rấn
Người ơi đừng giận
Mặt hoa da phấn
Đừng thẩn thờ bịn rịn những sân ga

Ta đi về phương xa
Tay xách nách mang tâm tình kẻ khổ
Bỏ rừng về chợ
Đêm nằm nghe núi động mà thương

Phương Nam tình vương
Lặng lẽ đóa sen hồng trần gian hạnh ngộ
Biển sông sóng vỗ
Xao xác lục bình trôi

Ta đi về phương Nam
Nhìn hết dọc ngang mấy đời kinh rạch
Có ai buồn áo rách
Nhà nghèo phận nhỏ thương nhau…

Lê Phú Hải

SÔNG CÁI VÀ THẰNG CÙ LẦN

lephuhai

Sông Cái nói ở đây là sông Cái ở Nha Trang. Theo tài liệu thì sông phát nguyên từ hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh, vào thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở cửa biển Nha Trang. Từ thượng nguồn, sông về tới Nha Trang thì chia làm 2 ngã: một ngã chảy về Cửa Bé, ngã kia chảy về Vĩnh Ngọc. Đoạn chảy về Vĩnh Ngọc là đoạn chính, tại đây sông lại chia ra 2 nhánh, một nhánh chạy lòng vòng rồi chảy ngang cầu Hà Ra, tôi hay gọi nôm na là sông Hà Ra, nhánh kia rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng – Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Nha Trang như nhánh kia. Hai nhánh trước khi chảy ra cửa biển, gặp nhau và cùng ôm lấy cồn đất phù sa, tên gọi dân gian là Gò Dê, chúng tôi thường gọi là Phù Sa. Đây là nơi chúng tôi thường đến cắm trại chơi trong những ngày nghỉ lễ…
Hồi đó, muốn đi Phù Sa phải đi từ phía Hà Ra sang, vì ở đó có một cây cầu gỗ nhỏ bắc qua sông. Chúng tôi thường hay bông nhông ở cây cầu này để tắm và đùa giởn, chờ tụi con gái mặc váy đi ngang phía trên thì ầm ĩ chọc ghẹo… Từ phía tháp Bà qua thì không có cầu, phải đi bằng ghe hoặc bơi.

Năm lớp 8, có một lần tôi cùng một thằng bạn đi tắm sông đoạn gần chùa Hang phía trên tháp Bà. Đứng ở đây ngó thẳng qua là xóm Phù Sa xanh mát, nhìn tưởng gần như chỉ với tầm tay là tới được. Tắm một lát, tôi rủ: “Bây giờ tụi mình bơi qua bên Phù Sa chơi nghen?”. Thằng bạn phân vân: “Liệu mình có bơi qua được không ta?”. Khoảng giữa đoạn sông có một cồn đất, tôi nhìn và ước lượng: “Đây qua cái cồn kia chừng 50 mét. Mình bơi qua đó nghỉ rồi bơi tiếp, chắc là được”… Hai thằng nhảy xuống nước bơi ra. Chưa có kinh nghiệm tắm sông nên tôi quên mất con sông đang chảy. Đến chừng ngó lại thì thấy mình bị trôi về phía dưới. Tôi hoảng hồn. Bơi về thì không được vì đã khá xa bờ, bơi lên thì ngược nước. Không còn cách nào tôi chỉ còn biết nhắm hướng cái cồn đất mà quạt. Hai cánh tay mõi dần, người nặng trịch. Nhìn qua thằng bạn thấy nó cũng đang như tôi, bơi lia lịa về phía cồn đất. Tôi đuối dần và bắt đầu uống nước. Tôi khóc và kêu to thành tiếng: “Ơi má ơi! Ơi má ơi!”. Thằng bạn nghe tôi khóc thì lên tiếng: :Ráng lên Hải ơi!”. Tôi chợt nhớ má tôi thường dặn nếu gặp chuyện bất trắc hay hoạn nạn thì đọc Kinh trông cậy. Tôi cố gắng lần cuối và làm theo lời má tôi dặn. Xong, thả thử cái chân xuống vẫn không thấy đất. Tôi tuyệt vọng. Và trong lúc chuẩn bị buông xuôi để chết thì bất ngờ chân tôi chạm đất. Tôi quạt thêm mấy sải thì chớn nước chỉ còn tới miệng. Thẩn thờ lê lết vào đến bờ đất tôi quị xuống và ói. Thằng bạn khỏe hơn nên đã vào bờ trước tôi. Nó vỗ vỗ vào lưng tôi để giúp tôi ói hết năm bảy ngụm nước vừa uống… Nằm nghỉ khoảng gần tiếng đồng hồ hai đứa tôi bơi về, lần này cẩn thận chọn khoảng sông hẹp và có tính toán nương theo con nước…
(Mới đây tôi chợt có ý định mai mốt “chết già” dặn con cháu đem tro cốt về đây liệng cho tiện…)

xxx

Nói đến rừng có lẽ hình ảnh đầu tiên ai cũng nghĩ đến là núi. Bởi dãi đất nam trung bộ dài và hẹp là nơi tiếp giáp giữa núi rừng và biển cả; nơi mà có lẽ cách đây nhiều triệu năm sóng vỗ không ngừng …
Rừng trong tuổi thơ tôi là hòn núi Sạn cạnh nhà, nơi hàng ngày tôi và mấy thằng bạn háo hức chờ những người thợ chẻ lăn những viên đá hoa cương từ trên lưng chừng núi xuống. Những hòn đá vuông lăn long lóc từ triền núi xuống bên dưới rồi dừng lại sát cạnh những ngôi nhà. Những lúc ấy chúng tôi hồi hôp lắm… Bởi vì những viên đá lao đi như chở theo muôn vàn suy nghĩ của tuổi thơ theo từng vòng lăn đầy bất trắc.

Lớn hơn một chút, hòn núi Sạn của tôi bỗng dưng nhỏ lại. Tôi lại hướng mắt về phía chân trời xa hơn, tìm một hòn núi lớn hơn. Đó là núi Cô Tiên. Đứng từ phía Hòn Chồng nhìn ra hướng Bắc, những hòn núi nằm trong cụm núi của đèo Rù Rì đổ ra biển tạo thành dáng chân, ngực và đầu của một thiếu nữ đang nằm, tóc xõa dài ra biển. Không biết từ lúc nào trên núi có tượng một anh lính màu trắng, nhìn xa trông nhỏ xíu. Tôi chưa có dịp đến gần để coi, hỏi mấy anh lính đang học ở quân trường Đồng Đế gần đó thì có anh mĩm cười đọc hai câu thơ truyền miệng:

Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ
Em nằm xỏa tóc đợi chờ ai?

Có anh cười hà hà nói: “Tụi anh thường gọi bức tượng đó là thằng cù lần”. “Sao vậy hả anh?” “Vì nó xấu quắc”.

Sau năm 1975, tôi chưa kịp leo lên núi coi mặt “thằng cù lần” thì người ta đã cho nổ mìn, bức tượng ngã xuống triền núi, đứng xa chỉ còn nhìn thấy một vệt trắng mờ.
Mãi cho tới mới đây, tình cờ thấy hình bức tượng này trên internet. Trời đất! Bức tượng xấu thiệt!

Dù sao cũng thấy có một chút ngậm ngùi cho “thằng cù lần”, cho cả tuổi thơ tôi…

LÊ PHÚ HẢI

Thoáng Hương Qua & Em Lễ Chùa Này

lephuhai

Có thể mạnh dạn nói rằng phổ nhạc cho thơ chắc chắn không ai qua được nhạc sĩ Phạm Duy. Và thực tế đã chứng mình điều đó. Có vẽ như ông phổ nhạc cho thơ khi bắt gặp ngẫu nhiên bài thơ nào đó hợp ý, hợp tình chớ không cố ý tìm nơi các nhà thơ. Có thể kể ra một số nhạc phẩm như “Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà” (bài thơ Màu Tím Hoa Sim của Hữu Loan), “Ngậm Ngùi” (thơ Huy Cận), “Hoa Rụng Ven Sông” (bài thơ Còn Chi Nữa của Lưu Trọng Lư), “Kỷ Vật Cho Em” (bài thơ Để Trả Lời Một Câu Hỏi của Linh Phương), “Còn Chút Gì Để Nhớ” (thơ Vũ Hữu Định) v.v… Tuy nhiên có hai nhà thơ được Phạm Duy phổ thơ nhiều hơn cả là Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Thiên Thư.

Không thể nghĩ đơn giản rằng bất cứ bài thơ nào cũng đều có thể phổ thành ca khúc. Rất khó. Bởi tuy có cùng tính chất nhịp điệu nhưng thơ và nhạc có bố cục và nguyên tắc khác nhau. Có thể có thơ tự do nhưng không có nhạc tự do, bởi nếu có thì người ta sẽ gọi thể loại này là “hát thơ”. Do đó người nhạc sĩ thường hay “chỉnh” lời thơ (như thêm vào, cắt bớt, đảo câu v.v…) cho phù hợp với tiết tấu âm nhạc. Thỉnh thoảng có bài thơ được phổ nguyên vẹn (nhưng rất ít), ví dụ như bài thơ Ngậm Ngùi của Huy Cận.

Trở lại với thơ Phạm Thiên Thư, bài đầu tiên được Phạm Duy phổ nhạc là “Ngày Xưa Hoàng Thị”. Ca khúc vừa ra đời đã được nhiều người ưa thích ngay. Nhạc sĩ Phạm Duy kể lại: “Lúc bấy giờ tôi đang soạn những bài ca cho tuổi học trò như Con Đường Tình Ta Đi, Trả Lại Em Yêu… Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh trao cho, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay: Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ, anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…
Cũng theo lời Phạm Duy, về ca khúc Em Lễ Chùa Này thì : “Khi Phạm Thiên Thư đưa thêm thơ cho tôi phổ nhạc thì tôi chọn bài Em Lễ Chùa Này vì cả hai chúng tôi đều muốn quay về xưng tụng những gì thuộc về văn minh Việt Nam, như ngôi chùa cổ ở miền Bắc là nơi lúc còn nhỏ tôi thấy đôi kẻ tình nhân thường hẹn nhau tới dâng hương cầu nguyện…” Đây chỉ là cảm nhận riêng của người nhạc sĩ chớ thật ra đọc trên nguyên tác bài thơ ta sẽ thấy cái “tình” kia ảo diệu hơn nhiều. Phạm Thiên Thư là một nhà thơ-tu sĩ, tình của ông là tình của người đứng xa ngắm nhìn và cảm nhận. Phạm Duy là một nhạc sĩ-người tình nên dĩ nhiên tình của ông là tình của người trong cuộc, cũng như nhan đề bài thơ chỉ là Thoáng Hương Qua chớ không cụ thể như Em Lễ Chùa Này như tên ca khúc.

Bài thơ Thoáng Hương Qua được viết theo thể loại thơ 6 chữ, khi chuyển thành ca khúc Phạm Duy viết lại theo thể loại thơ 7 chữ, tuy nhiên phần ý nghĩa nội dung vẫn không ra ngoài nguyên tác. Cả bài thơ và nhạc đều có 8 khổ, có thể tạm chia thành mấy khúc như sau:

– Khúc 1: khổ thơ đầu, thể hiện ở cung La trưởng, nhịp 3/4 chậm vừa:
Thơ:
Ðầu xuân em lễ chùa này
Có búp lan vàng khép nép
Vườn trong thoáng làn hương bay
Bãi sông lạc con bướm đẹp
Nhạc:
Đầu Mùa Xuân cùng em đi lễ
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Và ngàn lau vàng màu khép nép
Bãi sông bay một con bướm đẹp

– Khúc 2: khổ thơ 2, giai điệu như khúc 1:
Thơ:
Vào hạ em lễ chùa này
Trên đồi trái mơ ửng chín
Lò hương có làn trầm bay
Vờn trên bờ tóc bịn rịn
Nhạc:
Mùa Hạ qua cùng em đi lễ
Trái mơ ngon đồi gió mơn man
Từ lò hương làn trầm nghi ngút
Khói hương thơm bờ tóc em vờn

– Khúc 3: khổ thơ 3, chuyển sang cung Rê trưởng, nâng cao độ của nốt nhạc để tạo hiệu ứng âm thanh mới:
Thơ:
Giữa thu em lễ chùa này
Lầu chuông có con chim hót
Tiếng ca theo làn gió may
Lá vàng sương gieo nhẹ hạt
Nhạc:
Rồi Mùa Thu cùng em đi lễ
Có con chim đậu dưới gác chuông
Hòa lời ca vào làn sương sớm
Gió heo may rụng hết lá vàng

Khúc 4: khổ thơ 4, trở lại như khúc 1 và 2:
Thơ:
Sang đông em lễ chùa này
Ngoài sân có mưa bụi bay
Hắt hiu trong cành gió bấc
Vườn chùa rụng cánh lan gầy
Nhạc:
Vào mùa đông cùng em đi lễ
Lễ chùa này một thoáng mưa bay
Và ngoài sân vài cành khô gẫy
Gió lung lay một cánh lan gầy
Về mặt lý thuyết âm nhạc thì đến đây đã hoàn chỉnh bố cục của một ca khúc theo cấu trúc Đk1 – Đk2 – Pk – Đk3. Tuy nhiên ở bài thơ này, 4 khổ thơ đầu chỉ mới là điệp khúc để dẫn tới hiệu ứng ở hai khổ thơ tiếp theo (hiệu ứng này ở Việt Nam hay gọi là “cao trào”)

– Khúc 5: hai khổ thơ 5 và 6, chuyển sang cung La thứ, nhịp chậm lại để tạo âm hưởng thiết tha, tiếc nuối:
Thơ:
Cuối đông đưa em tới đây
Trong lòng áo quan gỗ trắng
Tóc em tợ óng làn mây
Cội hoa tưởng ai trầm lặng

Em vừa nằm xuống đất này
Vườn trong có bông đào nở
Con bướm chập chờn hương bay
Quơ sợi râu vàng bỡ ngỡ
Nhạc:
Tàn mùa đông vào chùa bỡ ngỡ
Tiễn đưa em trong áo quan này
Từng cội hoa trầm lặng thương nhớ
Tóc em xưa tơ óng như mây

Vườn chùa đây vào nằm trong đất
Nép bên hoa ôi những hoa vàng
Vườn đào thơm chập chờn cánh bướm
Bướm khua râu ngơ ngác bay ngang

– Khúc 6: hai khổ thơ cuối, trở lại tiết tấu như ban đầu, để kết:
Thơ:
Nắm đất nào vừa lấp mộ
Có con chim hót đầu cành
Tiếng tan trên giòng suối xanh
Nước ơi sao buồn nức nở

Bây giờ tôi biết em đâu
Cuối vườn nụ mai nhiệm mầu
Vừa thoát làn hương trinh bạch
Em ơi ! Mây đã qua cầu…
Nhạc:
Mộ của em, mộ vừa mới lấp
Có con chim nào hót trên cây
Lời của chim chìm vào tiếng suối
Suối xanh lơ buồn khóc ai hoài

Rồi từ đây vườn chùa thanh vắng
Đến thăm em ngày tháng qua mau
Một nụ mai vừa nở trong nắng
Hỡi em ơi mây đã qua cầu…

Như ở trên đã có đề cập, cả hai bài thơ và nhạc đều hay, và nhờ có nhạc mà bài thơ đi vào lòng người sâu rộng hơn. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận ra ca khúc Em Lễ Chùa Này mang tính đời thường nhiều hơn, còn bài thơ Thoáng Hương Qua cứ giống như một lửng lơ thanh thoát.
Phạm Duy đã nói về ảnh hưởng của thơ Phạm Thiên Thư đối với ông: “Tóm tắt lại, khi tôi gặp thi sĩ Phạm Thiên Thư (cựu tu sĩ, pháp danh Tuệ Không) vào năm 1971 là tôi như thoát xác, vượt ra khỏi những đắng cay, chán chường và bế tắc của Tâm ca, Tâm phẫn ca, Vỉa hè ca… Tôi muốn tạm bỏ việc xưng tụng cái nhất thời để tìm về cái muôn đời, nghĩa là tạm bỏ việc soạn nhạc nhân hòa để soạn nhạc nhiên hoà, tạm bỏ soạn nhạc tình cảm, xã hội để soạn nhạc tâm linh…

LÊ PHÚ HẢI