
1.
Bỏ chiếc khung xe đạp chưa sơn xuống thềm nhà, anh ôm con búp bê bằng nhựa, ngồi chờ. Đây là con búp bê anh mua được với một cái giá gần như cho không trên đường phố Sài Gòn sau ngày Miền Nam giải phóng. Đương nhiên nó không đẹp như búp bê của Nga, nhưng vẫn đẹp hơn những búp bê bằng gỗ hay đất sét ở Hà Nội. Chân tay nó hồng hào, mũm mĩm, mà mắt lại biết nhắm biết mở nữa. Để nằm là nó ngủ, để ngồi là nó thức. Nhất định con gái anh sẽ reo lên, bố ơi, bố ơi, con yêu bố lắm.
Và vợ anh, chắc chị sẽ ôm lấy anh mừng mừng tủi tủi. Chị sẽ khóc, khóc nghẹn ngào vì mừng vui chứ không phải vì lo sợ, như 5 năm trước khi tiễn anh lên đường đi B.
Năm ấy, người ta đã không cho chị khóc. Trong buổi liên hoan, chị phải tươi cười, phải hát hò, phải hô khẩu hiệu để động viên anh. Nhưng khi về đến nhà, chị đã rũ xuống như một cọng rau héo. Có bao nhiêu nước mắt là chị để nó tuôn ra hết bấy nhiêu. Cả anh cũng vậy, khóc mùi mẫn, khóc dầm dề, khóc gần như suốt đêm.
Mãi đến khi đã đeo ba lô lên vai, hai người mới nhận ra rằng, sao ngu dữ vậy, sao cứ khóc lóc than thở hoài mà không yêu nhau đi.
Thế là, cũng trên thềm nhà này, chính chỗ anh đang ngồi này, anh vật chị và chị cũng vật anh, nên cả hai cùng ngã xuống một lúc để cho những thứ cần có nhau tự tìm đến nhau. Những thứ đó không thèm dỗ dành, không cần an ủi, cũng không hứa hẹn, cứ trần trụi xông thẳng vào nhau, hùng hục cắn xé như ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, khiến cả anh và chị cùng quằn quại, rên siết một cách hả hê đến nỗi người hàng xóm thức giấc chỉa miệng sang: “định giết nhau đấy à?!”.
Chính lần “yêu” tưởng chừng đã chạm đến gót chân của cái chết ấy mà trong những trận đánh khốc liệt nhất, anh đã sống sót một cách thần kỳ. Và cả trong những cơn sốt rét rừng bải hoải, trong những lần bị thương thịt da thối rữa dòi bò lỏm ngỏm, anh cũng vượt qua khi nhớ tới tiếng kêu đắm đuối “em chết mất anh ơi”!
Rồi chốc nữa đây, chỉ nghĩ tới thôi đã thấy sướng ran, thì hãy cứ để mặc cho con bé chơi với con búp bê nhắm mắt mở mắt, cả hai sẽ lén đưa nhau vào buồng, sẽ không dữ dội điên cuồng như buổi sáng hôm ấy, nhưng nhất định không có cuộc ăn mừng hòa bình nào thắm thiết và no say bằng.
2.
Anh chưa hút xong điếu thuốc thì chị dẫn con gái đi vào sân gạch. Ôi, đúng là con bé xinh đẹp và dễ thương làm sao! Nó xúng xính đi cạnh mẹ, miệng lí nhí hỏi nói gì kia, chắc là hỏi có phải bố về rồi, phải không mẹ? A, dường như nó đang chạy tới bên anh. Và anh rướn người lên để dang tay ra, đón bé.
Nhưng không, nó bấu chặt lấy ống quần của mẹ, rồi giấu mặt vào đó.
Nó sợ! Đúng rồi, nó chưa gặp anh lần nào, sợ là phải.
Nhưng mẹ nó, sao lại nhìn anh với cái nhìn lạnh lẽo, khó chịu như nhìn một người lạ.
Anh đang lúng túng, chưa kịp thốt lên hai tiếng “chào em”, thì đã nghe đau nhói vì những tiếng nói khô lạnh, như đá sỏi ném xuống cái mặt hồ đang nổi sóng của lòng anh.
‘Ông gì kia, sao lại ngồi trước hiên nhà tôi?”
Anh ú ớ, : tôi là …là…là sao vậy trời? anh thoáng nghĩ, vợ mình đây sao, người mà mình thường nghĩ tới cứ như Phật như tiên, sao lại có bộ mặt mắt xanh nanh vàng của một bà chằng hé?! Chắc là đùa đấy thôi, phải không nào, cũng có thể là làm mặt lạnh chứ giữa ban ngày ban mặt mà mình đè ra thì xấu hổ chết!
Nghĩ thế, anh lấy lại bình tĩnh, nói như vuốt ve, dỗ dành:
“Thôi mà em, đừng trêu anh nữa, anh đây mà!”
“ Ông là ai mà dám xưng hô anh em với tôi?”
Thế này thì không phải là đùa dai nữa rồi! Anh điên tiết phun ra:
“ Là chồng cô, rõ chưa?”
Chị cũng không vừa, nói như tạt cả một thau nước vào mặt.
“Đồ điên! Bước ra ngay khỏi nhà tôi!”
Như thế này thì trời đất đảo điên hết rồi! Anh phanh ngực ra, gào to:
“ Cô dám đuổi tôi đấy à? Đây là nhà tôi, nếu cô không còn muốn nhận tôi làm chồng thì cứ việc cút xéo đi, nhưng kia là con tôi, con gái tôi”.
Anh lao xuống thềm, giằng lấy đứa bé. Cả hai đều cố sức kéo về mình khiến đứa bé dài ngoằng ra, ngất lên ặc ặc như sắp đứt làm đôi.
Thấy vậy, người hàng xóm bước qua can ngăn. Rồi cả xóm cùng kéo tới chở che cho đứa bé. Anh phân bua:
“ Làng nước có thấy lạ lùng chưa? Tôi sinh ra ở làng này, là thằng Trần Mạnh T. này, thế mà ma xui quỷ ám khiến con mụ này bảo tôi không phải là chồng, con bé này không phải con tôi, nhà này là của cha mẹ tôi chết đi để lại cho tôi, mà dám bảo tôi không phải chủ nhà, đòi đuổi tôi ra, thế là thế nào, thưa bà con làng nước?!”
Tuôn ra cả một hơi dài những người thật việc thật tưởng sẽ được nghe mọi người cùng kêu lên: thì đúng là ông chứ còn ai vào đây nữa, không ngờ những người đứng vây quanh đều im lặng, không một ai nói ra lời nào.
Anh lại gào lên hoang dại: không phải tôi là chủ nhà này sao? Tôi đã chết đâu, tôi là người thật đây mà, tôi bị thương cùng mình nhưng vẫn sống để về với vợ con, tôi đâu phải là ma hiện hồn về, phải không?
Đúng lúc ấy, một người đàn ông rẽ vào. Ông ta quát:
“Mày là thằng chó nào mà dám bảo là chủ nhà này?”
Một tay ông thộp ngực, một tay ông co lại thành nắm đấm dí sát vào mặt anh. Mặc dù vậy, anh vẫn thoát ra được và gằn giọng:
“Tao cũng muốn hỏi mày là thằng nào mà đến đây cướp nhà, cướp vợ con tao?”
Lúc này ông hàng xóm mới lên tiếng:
“Thôi tôi xin. Dù gì, hai đồng chí cũng là bộ đội phục viên. Đồng chí Trần Mạnh T. này (chỉ người đàn ông), thì đúng là người của làng này, ở sát cạnh nhà tôi, trước khi vào Nam còn qua chào tôi thì không thể là ai khác được. Nhưng đồng chí gì đây, chắc cũng có điều chi ẩn ức, hoặc là bị thuốc độc khai hoang của Mỹ nó làm cho đầu óc không còn sáng suốt nữa, nên mới có thể nhận lầm quê quán vợ con người khác là của mình. Tôi đề nghị hãy đem nhau ra đồn công an để làm sáng tỏ mọi việc chứ không nên hầm hầm muốn giết nhau như thế này.
3.
Tại đồn, trưởng công an nói:
“Đồng chí Trần Mạnh T. cấp bực thượng úy, tình nguyện đi B ngày…tháng, tham dự hơn mười trận đánh, trong đó có trận tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân, bốn lần bị thương, được trao huy chương chiến công hạng ba, huy chương anh hùng diệt Mỹ, ngày …tháng…phục viên, được tái nhập hộ khẩu, nhận sổ mua gạo… ”.
“Đó là lý lịch của tôi, anh nói, tuy chưa được nhập hộ khẩu và nhận sổ gạo vì người lạ mặt này (chỉ người đàn ông), đã nhận vơ là tôi, chiếm đoạt tất cả”.
“Tôi không nhận vơ, rõ ràng tôi là con dân của làng này, là thừa kế của dòng họ Trần nhà tôi, là chồng của Nguyễn thị Y. vợ tôi, là cha của con gái tôi tên là Trần thị Tiểu Quyên, yêu cầu đồng chí công an, căn cứ vào hồ sơ lý lịch, giải quyết việc này một cách mau chóng, trả lại danh dự cho tôi. Đồng thời tôi cũng đề nghị điều tra làm rõ âm mưu đen tối của tên Mỹ ngụy CIA này đội lốt bộ đội ta, trước mắt làm tan rã gia đình tôi, sau đó là lót ổ cho đế quốc Mỹ trở lại lần nữa để đánh chiếm nước ta”.
“Tôi còn muốn yêu cầu nhiều hơn nữa, anh nói. Phải đối chiếu chỉ tay và thử ADN của bố và con”.
Sự việc có hai người cùng một lý lịch, cùng một màu tóc, cùng một màu mắt tranh nhau nhà cửa vợ con quả thực chưa hề xảy ra ở làng này. Chỉ có một người biết rõ ai là thật ai là giả, chính là người mẹ. Chỉ cần nghe tiếng bước chân thôi cũng đã biết ai là con của bà, nhưng tiếc thay bà mất rồi. Rối mù như thế nên công an thôn không giải quyết được phải đưa lên các cấp cao hơn.
Trong quá trình điều tra, đồng đội và các cấp chỉ huy đều xác nhận người mà tác giả đang kể chuyện, chính là Trần Mạnh T. Trong khi tại cơ sở, chính quyền và dân làng, nhất là vợ anh, lại khẳng định người đàn ông mà anh tin là ma quỷ đó, thực sự là chồng của mình.
Nhiêu đó đủ điên cái đầu rồi, mà chỉ tay hai người lại giống nhau, ADN cũng phù hợp với ADN của con gái!
Vụ án vì thế thật khó để tuyên bố ai là thật ai là giả. Dẫu có kiện lên tận Trung ương, Đảng cũng bó tay mà thôi. Hồ sơ đành phải xếp lại, Người ta không làm tội anh, nhưng cũng không thừa nhận anh.
Từ đó, anh không nhà cửa, không vợ con, không hộ khẩu, không sổ gạo, sống lang thang vất vưởng như hồn ma bóng quế.
Anh không tài nào hiểu được, bằng phù phép ma thuật nào mà một thằng lưu manh như hắn có thể làm mờ mắt cả làng nước, và vợ anh, người đã chia xương xẻ thịt cho nhau đến nỗi tưởng không còn gì để cho nhau hơn được nữa, lại có thể nhận hắn làm chồng!
Sau này, trên những dặm dài lưu lạc, bới rác kiếm thức ăn, ngủ dưới gậm cầu, anh cũng đã gặp chục hàng trăm, những người đàn ông đi xa một hôm trở về, bỗng thấy trong nhà mình có một kẻ lạ hươ lạ hoắc mà vợ mình lại âu yếm gọi là chồng, con mình lễ phép thưa là cha.
Và cũng không ít những người vợ mất chồng theo cách có một con mẹ nào đó ngang nhiên chui vào giường, làm cái chuyện ấy miên man, rồi má má con con với lũ con mình ngọt xớt.
Phải rất nhiều năm sau nữa, anh mới hiểu được rằng đây là thời của lú, của mê, thời của bọn lộn sòng lộng giả thành chân. Một thời mà nước còn có thể mất, khi có kẻ lạ cứ lăm le nhảy vào làm vua, thì chuyện anh mất cả nhà cửa, mất cả vợ con chỉ là chuyện nhỏ.
Thôi nhé, hãy tìm một chị mất chồng nào đó mà làm lại cuộc đời. Một khi cả hai đều bầm dập thì chẳng còn thằng cha con mẹ nào thèm cướp nữa đâu.
MIẾNG MO CAU
Trong những kỷ vật hiếm hoi mà cô tôi để lại, ngoài đôi bông tai màu đỏ bằng đồng, một chiếc kẹp tóc bằng bạc, những thứ trang sức dành cho một cô gái nghèo, còn có một miếng mo cau hình tam giác to bằng bàn tay, mỗi góc nhọn đều có cột sợi dây dài chừng nửa mét. Tất cả đựng trong một chiếc hộp phủ khăn nhiễu đỏ, chỉ đến ngày giỗ cô, bà tôi mới mở ra lau chùi một cách nâng niu trìu mến.
Vào cái thời mà một miếng trầu cay được đưa vào miệng thường ngày sau miếng cơm, thì cây cau cũng được coi như một loại cây thân thiết của dân quê chỉ sau cây lúa.
Nhà tôi, nhờ vườn rộng nên bà tôi trồng đến cả trăm cây cau. Khi tôi được sinh ra, chúng đã lớn lên cao vút. Những thân cau xám bạc, mảnh mai, đội trên đầu những tàu lá xanh đen, trông từ xa cứ như có hàng trăm người khách đội dù đang đi cà khêu đến thăm nhà tôi vậy.
Vườn cau đối với bà không chỉ vui mắt, phong nhã, đẹp thanh tao mà còn là một nguồn lợi đáng kể trong số thu nhập ít ỏi của gia đình.
Dù đã nhịn ăn đến nỗi cả nhà, ngay cả khi đau bệnh cũng không một ai dám động đến hạt gạo, mà lúa vẫn không đủ để đóng thuế nông nghiệp, vì ông tôi bị quy là địa chủ.
Thực ra, ruộng ông tôi chưa đến hai mẫu ta, dù công cấy và công cày phải trả đến hai mươi công. Nhờ chút danh của ông anh con người bác làm thơ lại ở huyện, mà trong một lần bầu lý trưởng, ông tôi đã được dân làng dồn phiếu cho.
Cái gốc rễ đôn lên địa chủ là từ đó.
Nhưng, nguồn cội sâu xa là từ cái đầu óc đen tối của một tay bần cố nông cốt cán. Hắn ở sau lưng nhà tôi, trong một cái lều xập xệ nhỏ như lỗ mũi. Ngoài cái rẻo đất đó ra, hắn chẳng còn có cục đất nào nữa để ném chó ỉa như cách người ta mỉa mai.
Hắn sống bằng cái nghề mà ai cũng ghét nhưng chẳng dám nói ra. Người ta sợ, cũng đúng thôi, vì hắn thông thuộc hết mọi ngõ ngách của từng nhà, biết chỗ nào cất giữ của quý, biết ai nằm đâu ngủ đâu…
Dù phải tiết kiệm dầu đèn, nhưng mỗi tối bà và mẹ tôi vẫn phải thắp lên soi rọi khắp nhà, vì trong lúc chạng vạng hắn có thể lẻn vào đu người trốn dưới gậm giường, đợi cả nhà ngủ say là khoắng sạch những thứ đồ thờ và nồi chảo làm bằng đồng thau.
Ngoài ra, hắn còn có cái tật ban đêm thích lẻn vào vườn sau nhà tôi để rình xem cô tôi tắm. Cô tôi rất ghét, dù khi tắm vẫn để nguyên cả quần áo. Trong một lần thấy hắn thập thò sau bụi chuối, cô tôi đã lôi cả ông bà tổ tiên nhà hắn ra mà đổ cả xuống sông xuống biển.
Đó là lúc chưa có chính sách thuế nông nghiệp và chưa phát động cải cách ruộng đất. Khi được đảng ủy đưa vào ngồi một trong năm cái ghế chủ tịch đoàn, thì người đầu tiên mà hắn quy địa chủ chính là ông tôi.
Chuyện đó hãy nói sau, giờ xin trở lại với những cây cau của bà tôi. Dù những năm kháng chiến, chẳng còn mấy ai ăn trầu nữa, ngay cả những người già, nhưng cau khô vẫn được mua rất đắt. Người ta bảo cau có thể trị sốt rét và nhất là cầm máu khi bị thương. Ngoài cau sấy khô, bà tôi còn tướt tàu cau bó thành chổi để bán cũng khá được tiền. Mo cau kết thành gàu múc nước, cắt thành quạt mo hay đựng cơm vắt đem ra đồng, rất tiện lợi. Thế nhưng cái miếng mo cau be bé của cô tôi dùng để làm gì, hỏi thì bà chỉ mếu máo cười không nói, ra dấu bảo đi chỗ khác chơi.
Trở lại chuyện trả thù của tay bần cố nông cốt cán.
Dạo ấy là cuối năm 54. Cả làng rùng rùng trống mõ, không đêm nào là không học tập phóng tay phát động quần chúng, tố khổ địa chủ. Ông tôi và cả chục địa chủ phú nông trong làng bị đem ra cho mọi người mắng nhiếc, chửi rủa…tức là đấu lý trước khi đấu lực. Mà đấu lực là bị đánh cho dập mình dập mẩy, ngoan cố thì bị đánh cho đến chết!
Pháp đi càn, đốt nhà hãm hiếp, mổ bụng trẻ con, sợ lắm! Nhưng chưa sợ bằng những cảnh đấu lực khủng khiếp sắp diễn ra! Vì vậy, trong một đêm, ông tôi đã leo lên cây cau cao nhất, định nhảy xuống tự tử. Nhưng khi trông thấy cô tôi đứng dưới gốc gào khóc thảm thiết, ông không còn lòng dạ nào mà chết nữa, đành phải tụt xuống và cả hai cha con cùng ôm nhau ngồi khóc.
Cô tôi, người rất thuộc Kiều, đã nói với ông tôi:
“Thôi xin cha, hãy để cho con bán mình mà chuộc cha!”
Mãi một lúc, ông tôi mới hiểu ra cớ sự, hỏi:
“Bán à, nhưng bán cho ai?”
Cô tôi nói: “bán cho thằng Còn!”
“Thằng Còn nào?”
“Thằng Còn sau nhà chứ còn thằng nào nữa!”
“Thằng ăn cắp đó à?”
“Dạ!”
“Không đời nào! Thôi để cha chết phứt cho rồi! Cha chết là hết chuyện!”
“Không đâu cha! Cha chết, hãy còn mẹ và con. Nhất là con. Nó thèm muốn con từ lâu, nếu lấy được con làm vợ, chắc nó sẽ tha mạng cho cha!”
“Không được! Vậy thì cả cha và con cùng chết, sống như thế nhục nhã lắm!”
“Không sao đâu cha, con có cách sống được mà!”
Ngay từ sáng sớm, cô tôi đã qua báo cho hắn biết cái tin không bao giờ hắn ngờ được, là sẽ lấy hắn làm chồng, thì ngay tối hôm đó, ông tôi đã không bị điệu ra đứng trước nhân dân nữa.
Và, liền hôm sau là động phòng mà không cần cưới hỏi.
Trước cái quyết định như đi vào hang cọp của cô con gái út, thay vì khóc lóc than thở, bà tôi bỗng trở nên im lặng như đất trời trước cơn bão lớn. Bà lấy một cái mo cau còn mới, gọi cô tôi vào buồng, rồi hai mẹ con rầm rì làm những gì trong đó mãi đến chiều tối mới bước ra.
Cô tôi mang theo một bọc áo quần, lặng lẽ ra sau vườn, vạch rào chui qua nhà hắn. Hồi đó chó đã bị giết sạch, nên khi thấy cô tôi bước vào, hắn giật mình kêu ớ ớ, lúng túng không biết gọi cô bằng gì.
Không đèn lồng, không pháo nổ, không đưa dâu, không đón dâu, một đời con gái mà lấy chồng trốn chui trốn nhủi như thế, ông bà tôi rất xấu hổ đau lòng. Ông thì nằm dài trên phản như chết đã ba ngày mà chưa chôn, bà thì cứ ngồi ngoáy mãi cái cối giã trầu đến nỗi làm nó thủng một lỗ mà chưa chịu đưa miếng trầu lên miệng.
Suốt đêm hôm đó hai ông bà không hề ngủ, nín thở chờ đợi mà chẳng biết chờ gì. Có thể là tiếng khóc, cũng có thể là tiếng thét, để cả hai có cớ mà ôm nhau khóc cho đứa con tội nghiệp của mình.
Mặc dù đảng ủy bảo như thế này là sai quan điểm lập trường, là không đúng với đấu tranh giai cấp, nhưng hắn bảo các nữ bần cố có ai chịu làm vợ hắn đâu!
“ Thưa thiệt với các đồng chí, hắn vừa nói vừa cười, con nít thì em biết, nhưng lớn lên thành đàn bà thì em không biết cái đó nó nằm ngang hay nằm dọc, thôi hãy nhắm mắt thông qua giùm cho. Mà nhà đó chiếu theo tiêu chuẩn thì cũng chỉ là trung nông thôi. Địa chủ là do em đẩy lên đấy!”
Vì cần một tên trơ khất có lý lịch đến bảy đời là cố nông để cơ cấu vào trong đội cải cách, nên đảng ủy cũng đành phải bớt cố chấp mà gật đầu. Một trong các vị liền vỗ vai nháy mắt, bảo sắp lên tiên rồi đấy nhé. Sướng thế!
Suốt buổi chiều hắn ngâm mình dưới sông kỳ cọ và vuốt ve cái của nợ, rủ rỉ nựng nịu: “mày sắp sướng ngất trời rồi đấy con ạ. Dài ra hơn nữa đi, to ra hơn nữa đi, cứng lên nào! Đấy, thế đấy, chưa chi đã thấy sướng điên lên rồi!”
Khi cô vợ bước vào, hắn liền đóng kín cửa, và như bọn trai làng cười cợt, chắc là hắn đè nghiến ra như hổ đói vồ mồi. Nhiều người, mặc dù sợ hắn như sợ cọp, nhưng vẫn tỏ ra bất bình và xót xa thương cảm cho cô tôi hoa nhài cắm bãi cứt trâu. Họ bảo bị Tây đen hiếp mà còn ít nhục hơn là làm vợ hắn!
Sáng ra, ai cũng tưởng vớ được con gái nhà địa chủ da trắng tóc dài, là coi như giai cấp vô sản đã chiến thắng, thế nào mặt hắn cũng câng câng, đã dễ ghét lại càng dễ ghét hơn nữa. Rồi thừa thắng xông lên, hắn sẽ đấu cho các nhà khác cũng phải nôn ra hết của cải vòng vàng, nếu muốn giữ lại chút danh tiết của vợ con.
Nhưng không, mặt hắn bỗng trở nên ỉu xìu như một miếng giẻ lau vừa mới đem nhúng nước. Thay vì vác mặt lên hiu hiu tự đắc thì hắn cụp đuôi tiu nghỉu như chó mất chủ. Đêm đấu lý hôm đó, hắn ngồi im re bỏ cả hai chân lên ghế, không còn xỉa xói hò hét, đánh đánh, giết giết như mọi đêm trước nữa.
Chẳng ai hiểu vì sao, nên khi tan buổi đấu lý, nhiều kẻ tò mò liền đi theo hắn về nhà để rình xem. Cả bọn vô cùng kinh ngạc khi thấy hắn bò xuống sàn nhà, vừa van xin vừa rên rỉ như một tên đầy tớ đang chịu tội, trong khi cô vợ nằm lặng thinh trên giường như một bà chủ uy nghiêm khó tính.
Người ta xì xào nhỏ to bàn tán. Có kẻ bảo hắn đã từng đào mồ lên lấy trộm đồ, giờ cùi tận mạng nên bị cô vợ hất xuống giường là phải lắm. Nhưng cũng có người thâm trầm hơn thì bảo, cái giống lưu manh bần tiện nó hùng hùng hổ hổ là vậy, nhưng khi đứng trước một nhan sắc trời cho lại run bắn lên. Làm bậy thì dễ chứ làm chồng một người cách xa mình cả một trời một vực đâu có dễ.
Chẳng biết đâu mà lần. Nhưng cô tôi dù đã sa chân vào hang cọp, cũng vẫn không mất đi cái cốt cách đằm thắm tự nhiên của một người đã được bà tôi dạy dỗ một cách cẩn thận. Mặc cho thằng chồng mặt lúc nào cũng nhăn như khỉ ăn ớt, cô tôi vẫn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Thế rồi, mấy tháng sau, xệch xạc như một manh chiếu rách, hắn thất thểu bước lên tàu Ba Lan đi tập kết ra Bắc. Cô tôi trở lại nhà, coi như vừa mãn hạn tù.
Khi chính quyền quốc gia đến tiếp thu, có một trung úy muốn ra tay nghĩa hiệp cưới cô làm vợ, nhưng cô lắc đầu từ chối. Cô tâm sự với mẹ tôi: “dù gì, em cũng đã mang tiếng chung chạ với một thằng cán bộ bẩn thỉu, thì chồng và con em nếu có sau này, cũng sẽ chỉ xấu hổ lây mà thôi. Em nhất định ở vậy, thề sẽ không lấy ai nữa!”
Cô sống đến năm ba mươi tuổi thì mất vì một căn bệnh hiểm nghèo.
Phải nhiều năm sau, trong một bữa giỗ cô, cha tôi vừa nhìn lén mẹ tôi vừa giải mã cái bí mật của miếng mo cau do cô tôi để lại.
“ Có gì khó hiểu đâu, ông nói, cô mày đeo cái miếng mo cau ấy vào, giống như cái đai trinh tiết của lính La Mã thời xưa đeo cho vợ trước khi ra trận, thằng Còn chỉ có nước ngồi khóc mà thôi! Nó héo ruột héo gan là vì thế!”
Mặc dù mẹ tôi nguýt dài tưởng chừng vung một đường dao sắc hơn cả dao cau, cha tôi vẫn đưa ly rượu lên môi, uống cạn. Xong, ông khà một tiếng, vuốt chòm râu lơ thơ một cách đắc chí, nói lớn:
“Giỏi thiệt! Chống cọng mà bản lĩnh mưu trí như bà nội và cô mày, đúng là giỏi hơn cả Mỹ!”
QUÊ NGOẠI
Thưở bé, được về ngoại là không gì thích bằng. Mà tôi lại có đến những ba nơi gọi là quê ngoại: một của tôi, một của cha và một của ông nội.
Hai tiếng quê ngoại lúc nào nghe cũng dịu ngọt, ấm áp. Và những chuyện bên ngoại nghe cứ như chuyện cổ tích.
Quê ngoại của tôi ở làng Thuận Thái, một ngôi làng bao quanh những tre là tre nằm dọc phía hạ lưu của sông Kôn, con sông chảy qua thành Đồ Bàn, nơi mà bóng dáng Huyền Trân tưởng chừng vẫn còn thấp thoáng đâu đó bên tháp Cánh Tiên.
Quê ngoại giáp ranh với quê nội, nên tôi có thể chạy một mạch từ nhà nội thẳng đến cổng nhà ngoại, chỉ chừng mười lăm phút. Bà ngoại đã mất sau khi sinh mẹ tôi, nên chỉ có ông ngoại râu trắng và dài tận ngực, ra đón cháu với một miếng đường phèn ngọt lịm.
Tôi nói có thể là sau này lớn lên, chứ lúc ấy tôi mới có bốn tuổi và mẹ tôi phải bồng, tôi mới có thể qua được con đường rẽ vào nhà tối om, đầy gai tre mục.
Nhà ông tôi nằm cạnh nhà ông nghè, là em họ của ông. Ông ấy đậu cử nhân thứ nhì nhưng không ra làm quan, nên vẫn là nhà lá mái lợp tranh, chỉ cửa ngõ xây gạch có đắp hình ông Lã Vọng ngồi câu. Ông là hình ảnh của nạn nhân đấu tố qua nhân vật cụ nghè Nhã của Những tháng năm cuồng nộ.
Làng có một ngôi chợ rất nhỏ lèo tèo vài chiếc lều chỏng chơ, gọi là chợ Rượu, nhưng dạo ấy cấm bán rượu, chỉ nhóm vào buổi sáng và là nơi bà tôi thường đem cau chuối trong vườn nhà lên bán.
Vào dịp Tết, chín cái chòi bé tí mỗi cái chỉ đủ chỗ cho một người ngồi được dựng lên giữa chợ, rồi trống kèn, hò hát, để mọi người từ khắp nơi kéo đến thử vận may. Những ông Ầm, Nọc Đượng, Sáu Cẳng, Bạch Huê …trong trò chơi đánh bài chòi ấy đã in vào đầu óc tôi từ đó. Và cũng không bất ngờ khi nó đi vào tác phẩm Lão tiền bối.
Dân làng, trong một lần đốt rác sau khi dựng chòi xong, đã bị máy bay Pháp trông thấy ném xuống một trái bom giữa chợ. Miểng văng vào tận vườn sau nhà ngoại, giết chết cô cháu gái tám tuổi con dì cùng một tuổi với tôi. Chị ấy mắt đen, da rất trắng, chẳng hiểu sao có tên là Quạ. Đến thời chống Mỹ, một trái nữa lại rơi ngay cạnh nhà, giờ hãy còn một cái hố sâu thẳm không bao giờ cạn nước.
Những ấn tượng đó ít nhiều làm mất dần cái vẻ ngọt ngào đầy yêu thương của quê ngoại, chỉ còn là những vang bóng lạnh lẽo của thương đau mà thôi.
Cái hình ảnh đẹp nhất còn để lại trong tôi, chính là bộ râu dài của ngoại. Trông nó rối rắm nhưng chưa bao giờ làm bối rối những ngón tay bé bỏng của đứa cháu nhỏ, mỗi khi nó được ông cho phép vuốt thử. Cũng may, trong những bài tập làm văn dù đã được nhồi nhét, tôi vẫn không một lần nào đem ra so sánh râu của ông với râu…Bác Hồ!
Quê ngoại thứ hai là của cha tôi. Dù đi bộ phải mất hơn nửa ngày, nhưng tôi vẫn thích theo bà về thăm trong những lần cúng giỗ hay Tết đến.
Mỗi lần như thế, tôi được dịp đi chơi xa, thoát khỏi sự dạy dỗ nghiêm khắc của con trai bà. Tôi lại được những người cháu gọi bà bằng cô chìu chuộng, cho rất nhiều quà bánh và tiền lì xì. Làng tên Lục Thuận, gần ngã ba sông có bắc một cây cầu chữ Y. Bên kia cầu là quê chồng của người chị ruột ông tôi. Ở đó, lính Đại Hàn đã dồn những người đàn ông mà bọn họ nghi là cọng sản vào trong một căn nhà, bên ngoài tưới xăng rồi châm lửa đốt. Một người cháu gọi ông bằng cậu may mắn thoát được nhờ nằm dưới một tấm vách bị ngã đổ.
Con đường đi qua làng của bà là con đường liên xã khá rộng và bằng phẳng, dạo sau này có xe ngựa, đi rất thích. Không gì vui bằng những ngày đầu năm, xúng xính trong bộ quần áo mới, giày mới, được ngồi bên cạnh bác xà ích nhìn cái bờm ngựa vàng hoe phơ phất và nghe tiếng nhạc ngựa leng keng ngọt ngào. Và càng thích hơn nữa, khi trong xe có một cô bé áo tím kiềng vàng cũng theo mẹ đi chùa hay về thăm quê ngoại. Đừng tưởng lấy cớ xe chật mà đụng tay đụng chân như bây giờ, cả hai ngồi im như pho tượng bằng đất sét, chỉ có trái tim, nếu tượng có một trái tim, là nhảy choi choi như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Nhưng cũng hơi buồn là chẳng có một cái liếc mắt nào dù là liếc trộm, chứ nếu có thì chắc đã nhớ nhau từ độ lâu rồi.Quê ngoại thứ ba là của ông nội tôi. Xa, rất xa, tận chân núi Chuông mây phủ, nơi có hai hòn đá một lớn một bé giống hình người mẹ đang ngồi bắt chí cho con. Từ đó phát sinh câu chuyện huyền hoặc: hòn vọng phu. Vẫn là chờ chồng hóađá, nhưng người chồng lại là người anh ruột bỏ đi sau khi biết mình phạm tội loạn luân! Câu chuyện ấy khiến quê ngoại của ông trở nên huyền bí và hấp dẫn. Tôi từng ao ước được một lần leo lên, tận mắt ngắm và tận tay sờ thử cái da thịt kia một khi đã thành đá nó như thế nào. Mãi đến năm đình chiến, ông tôi lần đầu và cũng là lần duy nhất đưa tôi về thăm quê mẹ của ông.Đứa cháu ngoại già đương nhiên không còn mong gặp ông bàngoại, cũng không mong gặp cậu mợ, chỉ mong gặp những người anh giờ cũng đã già như ông. Họ đứng mãi bên thềm, xúc động không nói lên lời. Mãi một lúc sau mới bước vào nhà. Ông tôi khoe đứa cháu trai mười bốn tuổi và họ xem mắt xemmũi tôi thật lâu như thể cố tìm trên đó một chút gì của nhà họPhạm còn lưu lại ở đứa cháu đời thứ tư. Rồi đó, hết nhà ông bác này đến nhà ông bác nọ mở tiệc đón mời. Chưa bao giờ tôi được ăn nhiều thịt như thế. Các mâm cỗ đầy ắp thịt, có cả thịt nai và heo rừng.
Trong bữa ăn, họ hỏi nói đủ thứ chuyện, nhất là chuyện cải cách ruộng đất vừa qua. Họ cũng không quên nói chuyện đi săn, chuyện cọp trả thù và chuyện bắt rết rừng trong những cơn mưa đầu mùa để làm mồi nhậu. Không ai nói chuyện hai mẹ con trên núi Chuông, không biết có phải vì quá quen thuộc hay vì đó là nơi linh thiêng có đầy âm khí.Nhà họ Phạm khá giàu, đã chia một phần gia tài cho cô em, và bà cố tôi đã đem số của cải ấy về tậu ruộng ở quê chồng. Ruộng sát vườn nhà, gọi là đám Ngõ. Lúc bé, mùa lụt tôi thường ra ngồi câu, đến mùa gặt xem thợ gặt và mùa cấy xemthợ cấy. Hình ảnh những cô thợ cấy trên đồng, tuy lam lũ, nhưng theo tôi là dịu dàng và xinh đẹp nhất. Ruộng vừa bừa xong, nước bùn lênh láng, biến thành một tấm gương thật to in cả mây trời long lanh nắng. Các cô gái mười tám đôi mươi, quần đen xắn lên quá gối, nón trắng nghiêng nghiêng, xếp thành hàng dài như những con thiên nga đen trong vở ballet Swan lake. Khi con đầu đàn dứt một câu hò là cả đám cùng cất tiếng hế hò hê nghe thật êm ái.Nhưng, giống như quê ngoại của tôi và của cha, quê ngoại của ông cũng không tránh khỏi bất hạnh do chiến tranh.Một người có cha đi tập kết, mà con lại bị Thượng cọng bắn chết trên đèo Mang Giang, khi bác ấy chạy xe đò trên đường Quy Nhơn An Khê.Một người nữa, là gái, tôi gọi bằng cô, một mình lái xe geep đưa mẹ tôi vào Ninh Hòa trước khi chạy vào Sài Gòn, đến Phan Thiết thì bị lính di tản cướp mất xe. Nghe nói cô ấy ngã xuống bất tỉnh dù không bị bắn, vì trong bánh xe secours có chứa đầy vàng! Quê ngoại buồn như thế đấy! Mà quê nội cũng không ít buồn hơn. Ông tôi đã bị bắn chết bên bờ dậu sau khi ngôi nhà đã bịđốt cháy. Thật không may, thế hệ của chúng tôi, ai cũng có một tuổi thơ ít nhiều ngậm ngùi. Ngậm ngùi hơn nữa nếu mai đây, chẳng những không còn quê nội quê ngoại, mà cả thành phố cũng trở nên xa lạ, nếu đất nước này biến thành một tỉnh của những con chó sói
phương bắc. Đi đâu, dứng đâu, ngồi đâu cũng chỉ thấy rặt một giống tàu, tàu và tàu!Thì thôi, hãy khóc lên đi hỡi quê hương yêu dấu*!
mượn tựa tiểu thuyết nổi tiếng của Alan Paton
Khuất Đẩu
Đầu năm 2019