NHỮNG CHIẾC LÁ

 

Nhà viết kịch Lữ Kiều, từng có lần muốn viết một vở kịch không lời. Bối cảnh chỉ có một chiếc ghế dài.

Màn một: Có hai đứa bé, một trai và một gái ngồi trên ghế, phía sau là những khóm cây xanh non. Âm nhạc trẻ trung, tươi vui.

Màn hai: Một chàng trai, một cô gái, cùng ngồi trên ghế, những khóm cây bắt đầu lớn lên, ra hoa. Rất nhiều hoa. Âm thanh có thêm, tiếng trống, tiếng kèn.

Màn ba: Chàng và nàng đã là hai người đàn ông và đàn bà. Âm thanh nỉ non réo rắt bỡi tiếng violon. Những khóm cây trĩu quả.

Màn bốn: Một ông già, một bà già. Vài chiếc lá rơi. Rồi lá đổ muôn trùng. Lá phủ kín cả người họ, ngập tràn cả sân khấu trong tiếng nhạc trầm buồn của contre bass.

Vở kịch nếu được trình diễn, có thể coi như nghệ thuật sắp đặt và tên của nó là cuộc đời.

 

Cũng có một câu chuyện về những chai rượu như thế này:

Một nhóm bạn ở Mỹ trong thế chiến thứ hai, trước khi ra mặt trận, hẹn nhau ngày trở về sẽ gặp nhau một ngày nào đó, ở một nơi cũng nào đó, mỗi người nhớ mang theo một chai rượu để uống mừng.

Chiến tranh chấm dứt. Rất may là hãy còn đủ cả và không một ai bị thương. Họ gặp nhau rất vui, uống hết những chai rượu đã được mang tới.

Năm sau và nhiều năm sau nữa, họ vẫn gặp nhau, có cả vợ con, cùng uống mừng được sống thêm một tuổi.

Rồi có người chết, những chai rượu cứ ít dần đi. Sau còn hai, cuối cùng chỉ còn một. Người chủ của chai rượu buồn quá, không uống nổi. Ông ta dặn con, khi ông chết hãy mang chai rượu chôn theo ông.

Cũng vẫn là cuộc đời, vẫn là nghệ thuật sắp đặt, nhưng người nghệ sĩ dấu mặt kia chính là tạo hóa.

 

Những năm gần đây, bạn bè như những chiếc lá cứ rơi rụng dần. Cái chết của họ dù có tiếng khóc của vợ con, cũng chỉ gây nên một tiếng động rất khẽ như khi lá rơi chạm đất.

Cho dù nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được đưa tiễn đông đến hàng vạn người, hay cả ngàn người lặng lẽ đứng chào theo kiểu nhà binh nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông, thì đối với cuộc tồn sinh cũng chẳng hơn gì nhạc sĩ Trúc Phương, chết trong đói nghèo và quên lãng.

Buồn là buồn cho những chiếc lá cứ rơi rụng dần, cho những chai rượu cứ ít dần đi. Nếu sau một trận chiến khốc liệt, chỉ còn một mình mình sống sót, thì đó là cái may hiếm có. Nhưng trong cuộc tồn sinh, nếu là chiếc lá cuối cùng, hay chai rượu cuối cùng, thì không còn nỗi buồn nào buồn hơn.

Vậy nên, giả sử 20 năm nữa mà vẫn còn sống, trong khi bạn bè đã về nước Chúa ráo trọi, thì dù cho chế độ này có tiêu tùng, cũng đâu có gì vui. Đâu có còn ai nữa để mà nâng ly chúc mừng. Một ly mình mà nhiều ly không thì uống để lam gì!

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người viết rất hay về tuổi gió heo may, về già sao cho sướng, một hôm bàng hoàng nhận ra giờ mọi sự sao trở nên nhạt nhẽo, rồi lẩn thẩn tự hỏi xếp lại cái kệ sách này để làm gì, lục tìm những bức thư cũ, những bức ảnh cũ, cũng để làm gì? Suốt ngày ba tiếng để làm gì cứ gõ đều như tiếng kêu tích tắc của đồng hồ. Để làm gì?! Để làm gì?!

Thế, có nghĩa là đã tới lúc hết muốn sống nữa rồi, mới đó mà đã thấy mình đứng bên bờ huyệt chênh vênh. Cho nên nhiều người bảo sao mà muốn chết quá, là nói thiệt chứ không phải nói chơi.

Thế nhưng cắc cớ bảo những người muốn chết đó, thôi thì một hai ba chúng ta cùng chết, ai cũng bảo để coi lại đã, tưởng đã thu xếp xong xuôi từ lâu rồi mà hình như vẫn chưa, có vẻ như đâu đó còn có tiếng nức nở, ông ơi (hay bà ơi), ông chết đi thì tôi biết sống với ai!

Rắc rối là vậy đó. Con người có thể ví như chiếc lá, nhưng chết không như lá. Lá đổ muôn chiều nhưng con người thì xin đừng rơi rụng cùng một lúc.

 

27/8/2019

Khuất Đẩu

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s