ĐÔI KHI NẮNG LÊN

Đôi khi nắng lên làm tôi nhớ
Trịnh Công Sơn

Mưa!

Không chỉ một cơn mà nhiều cơn. Không chỉ một ngày mà nhiều ngày. Mưa gần như suốt mùa đông. Có một nhà thơ đã phải kêu lên:

Mưa chi mưa mãi
Mưa mãi mưa hoài
Lòng biết thương ai
Trăng lạnh về non không trở lại.

Đó là những cơn mưa xứ Huế, mưa dầm dề, mưa lê thê. Mưa như một người đàn bà ghen ngồi tỉ tê kể tội chồng mình suốt đêm dài không cho anh ta ngủ.Đất trời chìm trong màn mưa trắng đục, lạnh cả chiếu chăn, lạnh cả hồn.

Thế rồi bỗng dưng mây tan, và nắng lên. Ôi nắng mới ngọt và ấm làm sao. Nắng xối xả, nắng vàng tươi, nắng trên mái nhà, trên đường phố, trên bãi cỏ ven sông… nắng cũng có âm thanh trong veo như tiếng cười. Mọi người đều đổ ra đường kể cả những cụ già suốt ngày ngồi ôm lồng ấp trước ngực. Tiếng người nói, tiếng guốc khua, tiếng còi xe sau bao nhiêu ngày như mất tăm trong mưa bỗng dưng xuất hiện đông vui, rộn rã.

Nhưng cũng chỉ một ngày, có khi chỉ một vài giờ, rồi lại mưa, mưa dầm dề mưa lê thê, mưa như để bù lại cái bất chợt nắng lên.

Lại lạnh cả chiếu chăn. Và, lại lạnh cả hồn.

Nhưng, đôi khi, hay chỉ là một vài khi, như thế cũng đủ ấm lòng người. Trịnh Công Sơn hát:

Đôi khi nắng lên làm tôi nhớ

Nhớ gì nào?

Nhớ những buổi sáng đầy sương mù trên sông Hương, những con thuyền hư ảo như trôi trong mơ, những tà áo trắng của nữ sinh Đồng Khánh biến thành mây trên bến Thừa Phủ.

Và những chiều tím với bao tà áo màu tím than rất riêng của Huế, nhớ tiếng rao hàng ngọt ngào nũng nịu, đã nghe là y như rằng không thể không muốn ăn.

Nhớ sen nở trắng như tuyết quanh hồ thành nội, những mảng tường rêu xanh ở cữa Thượng Tứ, nhớ những quan văn quan võ bằng đá cung kính đứng chầu trước sân đại nội cho dù các ông vua triều Nguyễn đã đi vào thiên cổ, nhớ chợ Đông Ba trên bến dưới thuyền và cầu Trường Tiền như một nét mày cong duyên dáng của giai nhân.

Có lẽ, người ta chỉ thật sự yêu Huế khi đã đi xa. Và cũng chỉ một đôi lần nhớ Huế khi mùa mưa tới. Nhất là một đôi khi nắng lên.

Tôi chỉ ở Huế một mùa thu và nửa mùa đông. Tôi không có một chút ấn tượng nào của núi Ngự, dù rằng Bùi Giáng đã rất thực và cũng rất dí dỏm khi viết:

Thưa rằng: xứ Huế bây giờ
Hãy còn núi Ngự bên bờ sông Hương

Ngọn núi trở thành bình phong của kinh thành nhà Nguyễn ngày nào đã không còn thông reo vi vu xanh ngắt, giờ trơ trụi với mồ mả chênh vênh trồi sụt. Tôi cũng không ưa những lăng tẩm tàn phai buồn hiu hắt. Lăng Gia Long khiến tôi nhớ đến cuộc hành hình tàn bạo đối với mẹ con nữ tướng Bùi Thị Xuân, lăng Minh Mạng nhớ tới cái chết của lão thần Nguyễn văn Thành, lăng Tự Đức nhớ tới giặc Chày Vôi, còn lăng Đồng Khánh thì nửa Tây nửa Tàu rất dị hợm.

Cái còn đọng lại trong tôi ấy là, gần như các gốc cây cổ thụ trong thành nội đều có những ngôi miếu nhỏ lúc nào cũng khói hương ấm áp. Người Huế đã không quên cái đêm kinh thành thất thủ khiến mấy ngàn người chết. Và lại càng khó quên những người chết trên bãi Dâu trong trận Mậu Thân.

Tôi cũng không quên được cái rạp hát bội cũ nghèo nàn trên đường Phan Bội Châu, chỉ lèo tèo một vài chục khách mà đêm nào cũng sáng đèn hự hự ứ ư, quán thịt dê bên cạnh với những con dê chờ chết suốt đêm kêu be be như oán như than.

Và lại càng không quên những chiếc bánh nậm mỏng như chiếc lá, bánh bột lọc trong vắt như kiếng trông thấy cả con tôm nằm im bên trong, chén nước mấm ngon dầm ớt xanh vừa cay vừa thơm ngát.

Hỏi rằng có nhớ riêng cô gái Huế nào không, thì thưa rằng không dám. Nhưng bảo rằng quên thì thực khó mà quên được những chiếc nón bài thơ e ấp, nép bên trong là những mái tóc thề. Gần như các cô gái Huế chưa chồng không cô nào chịu phi dê. Các cô chỉ ra khỏi nhà khi đi học và chỉ đi bộ hay đi xe đạp tới trường rồi lặng lẽ ra về, không tụm năm tụm ba ăn quà vặt hay dung dăng dung dẻ lang thang trên đường. Cho nên cô nào cũng có vẻ tiểu thư con nhà khuê các.

Những cô gái ấy, sau này trở thành bà quận trưởng, bà đại úy lại nói rất nhiều và ghen đáo để.

Tôi có anh bạn, bảo rằng anh đã lầm cái vẻ khuê các đó trong nhiều năm và ngao ngán chịu đựng suốt cả một đời.

Mà thôi, hãy yêu Huế một đôi khi và nhớ Huế một đôi lần, để thấy mình giàu có thêm đôi chút, vậy là vui rồi.

Khuất Đẩu

Advertisement

One thought on “ĐÔI KHI NẮNG LÊN

  1. lê ngọc duyên hằng nói:

    Mưa dầm dề mưa lê thê..
    Mưa suốt mùa đông xứ Huế thật buồn!
    Mưa gì như mưa ghen tuông?
    Tỉ tê kể lể giận chồng không yêu….
    Mưa gì như miệng lắm điều?
    Nói chi nói dữ nói nhiều như mưa!
    Nắng lên cảm giác dễ ưa.
    Rộn ràng thanh âm vui chưa từng thấy.
    …..Xe chạy nổ máy vui tai
    Tiếng cười trong gió ban mai nắng đầy…
    Trắng tinh màu áo như mây
    Nữ sinh Đồng Khánh cầm tay trên đường
    Thuyền ai giữa dòng sông Hương?
    Sóng nước đẩy đưa tiếng buồn Huế thương….
    Trường Tiền nhịp cầu dáng cong.
    Tưởng đó mày liễu bóng hồng giai nhân.
    Chợ Động Ba vẫn các hàng…
    Cung cầu nhộn nhịp âm thanh đổi trao…
    Thành Nội Triều Nguyễn ghé vào…
    Tượng đá quan tướng đứng chầu cúc cung.
    Dãy núi như bức bình phong.
    Che các Lăng Tẩm nằm trong u tịch.
    Chẳng nghe thông reo vi vút.
    Theo tiếng gió chiều nhẹ lướt qua đây.
    Buồn trông mồ mả nằm đây.
    Khói nhang lạnh ngắt buồn vây lấy hồn!
    ….Bỗng nhớ những cuộc thanh trừng…
    Đẫm máu tàn ác Gia Long hành xử…
    Bùi thị Xuân bị bức tử.
    ”Voi dày ngựa xéo” trả thù kinh hồn!
    -Lăng Minh Mạng nhớ hồn oan.
    Cái chết tướng tài Nguyễn văn Thành đó!
    Lăng Tự Đức bỗng trực nhớ.
    Giặc Chày Vôi ôi lắm sự buồn đời!
    Lăng Đồng Khánh rơi vào thời.
    Tàu Tây lẫn lộn ngậm ngùi người xưa!
    Còn đây gốc cây cổ thụ
    Có ngôi miếu nhỏ đỏ lửa nhang đèn.
    Đó nhắc nhớ Trận Mậu Thân.
    Biết bao oan hồn bỏ mạng vong thân!
    ……Huế đó những ngày mưa dầm…
    Lê thê kéo dài buồn lạnh dằng dai .
    Rồi nắng cảm giác cho say..
    Thoáng chút vui ấy mơ hoài được thế!
    Cho tâm hồn nghe đê mê..
    Trong mưa có nắng chiều đi dịu dàng…
    Tuổi trẻ một thuở mơ hoang…
    Say sưa ngày nắng điệu đàng lúc mưa…

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s