CHU TRẦM NGUYÊN MINH
Phần 20
_______________
Có một chuyện cười ra nước mắt.
Quảng, tên nhân vật chính, biên chế tổ 7, khối 2, khu có cấp bậc từ Đại úy trở lên, trại A.38.
Lý lịch cũng chẳng có gì “ghê gớm”. Học chưa hết Đệ Tam bị động viên, vào Hạ Sĩ Quan Đồng Đế. Ra trường về sư 23 bộ binh, trấn giữ vùng Cao Nguyên Trung Phần. Qua bao ngày tháng năm, từ thời trai trẻ đến lúc vợ con “đùm đề”, thì được cho về trường Đồng Đế học lớp Sĩ Quan Đặc biệt, đó là vào năm 1973. Ra trường được gắn omega chuẩn úy. Về lại đơn vị được bố trí làm việc ở bộ phận truyền tin sư đoàn. Tháng 2/75 được ít ngày phép về thăm vợ ở Hòa Đa. Tình hình chiến sự biến đổi nhanh không kịp về đơn vị. Ngày 17/4 quân cách mạng giải phóng Tuy Phong, Hòa Đa, Phan Rí. Ngày 30/4 Quảng ra trình diện. Quảng thuộc những người có mặt ở A.38 sớm nhất.
Như đã nói, tờ tự khai phải thông qua tổ, qua khối mới nộp lên Trung Đoàn, một người không được thông qua là cả tổ, cả khối, dừng lại, chờ.
Thường nếu xảy ra như vậy thì cá nhân đó phải tự viết lại cho đến khi được thông qua. Đó là việc nội bộ trại viên, cán bộ quản giáo không can thiệp.
Nhưng khi Quảng cứ viết đi viết lại mãi, khi tổ, khối thông qua thì lần này Trung Đoàn lại không thông qua.
Cán bộ quản giáo gọi Quảng lên trung Đoàn và hỏi:
– Lần này… anh biết là lần bao nhiêu rồi không?
– Thưa… lần… lần…
– Lần thứ 7, cả tập thể chờ anh.
Quảng ngơ ngác:
– Tôi tình thiệt, có gì khai hết trong tờ tự khai rồi mà.
– Anh khai hết hay chưa, chúng tôi sẽ biết… nhưng…
– Nhưng … sao?
– Anh khai gian!
– Khai gian?
– Đúng, anh khai không đúng sự thật.
– Chỗ nào không đúng sự thật? Cán bộ chỉ giùm…
Cán bộ trợn mắt:
– Chúng tôi chỉ giùm thì nói làm gì… Cách mạng yêu cầu các anh phải tự giác.
– Tự giác… thì tôi tự giác hết rồi.
Cán bộ gằn giọng:
– Nhưng có đúng sự thật hay không?
– Đúng, nhất định đúng… vì làm sao che giấu cán bộ được việc gì.
– Anh hiểu được như vậy là tốt.
– Tôi xin thề, tôi khai gian thì cha, mẹ, vợ con tôi sẽ bị trời đánh, thánh đâm.
– Anh thề nghe hay quá.
– Cán bộ nói sao?
– Anh đem hết mọi người ra chết… trừ anh…
– Tôi nghĩ nhiều người chết thì cán bộ mới tin.
– Anh sai rồi. Nhiều người chết chỉ tổ thúi đất. Tôi cần cái chết của anh hơn.
Quảng bỗng cà lăm:
– Thì… thì… tôi nữa…. chế… chết… treo ngành… nếu tôi khai láo.
Không hiểu chữ “treo ngành” mà Quảng dùng là nghĩa gì và lúc nói có ý thức về từ đó hay không. Chỉ biết Quảng, về cuối cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ, bỗng ngơ ngơ như người mộng du.
Ba ngày sau khi nộp tờ tự khai mới, anh tổ trưởng tổ 7 lại gọi: “Anh Quảng… Anh Quảng”, và khi Quảng xuất hiện, anh tổ trưởng lập lại như bao lần đã nói… “cán bộ quản giáo gọi lên Trung Đoàn.”
– Lần này là lần thứ 11. Chúng tôi không đủ kiên nhẫn chờ anh giác ngộ.
Quảng rắn rỏi:
– Tôi cũng chịu hết nổi cảnh “gọi lên Trung Đoàn” kiểu này rồi.
– Anh nói chịu hết nổi là ý gì?
– Là “chết sướng hơn” sống…
Cán bộ quản giáo gầm như cọp gầm:
– Chết sướng hơn… được… d/c.L đâu… cho tên cứng đầu này … biệt giam.
Có cả thảy 80 trại học tập cải tạo ở hai miền Nam Bắc. Đó là con số thống kê chưa chính thức của giới truyền thông. Nghe nói những trại ở Miền Bắc, dành cho những “phần tử” có nợ máu với nhân dân, những tên ác ôn cần nghiêm trị hơn là giáo dục. Phương pháp giáo dục và cách đối xử với trại viên có khác hơn những trại cải tạo phía Nam.
Những người ra Bắc, thường từ cấp tá trở lên, nhưng không ngoại trừ cấp thấp hơn mà giữ những chức vụ trọng yếu như an ninh, chính trị, tâm lý chiến……
Tựu trung, dù trại cải tạo Nam hay Bắc, cũng phải tuân thủ đúng những bước tiến hành cơ bản:
Dùng lao động để cải tạo tư tưởng. Có ba nội dung phải –dạy- cho tù cải tạo
1- Tội ác của Mỹ Ngụy.
2- Lý thuyết CNXH.
3- Chính sách khoan hồng của ĐCSVN
Ở mỗi nội dung, có những bài được cho là điển hình, cần phải xoáy sâu, nhấn mạnh tình tiết có vai trò làm nổi bật chủ đề, ví dụ ở nội dung 1, vụ Mỹ Lai. Nội dung 2, kết quả tốt đẹp của cải cách ruộng đất Miền Bắc. Nội dung 3, Đặc xá tù cải tạo.
Vì vậy, chương trình ngoài 9-10 bài chính thức, nhiều nơi bài học tăng theo yêu cầu thực tế 13-14 bài.
Học tập chính trị tập trung, một công tác không mấy khó khi tổ chức, nên nó đã đồng loạt hình thành. Những trại học tập mau chóng có mặt rải rác khắp nơi, từ Bắc vô Nam. Nhưng xây dựng một bản lý lịch cho từng tù cải tạo, đó là việc không dễ nếu không nói là rất khó khăn. Phải cần rất nhiều thời gian, phối hợp nhiều ban ngành, điều tra tận gốc, từ cơ quan an ninh, đến quần chúng, sau đó tổng hợp, đối chiếu, so sánh mới có thể có bản lý lịch hoàn chỉnh ba đời của tù cải tạo, hình thành một bản đánh giá từ quá khứ đến hiện tại.
Sự biến chuyển nhận thức, sự hối cải, sự lao động tích cực và cần mẫn, học tập tốt, lao động tốt… đồng nghĩa với “tiến bộ”. Đó là danh từ dùng đánh giá những tù cải tạo có thể được khoan hồng. Cũng phải cộng thêm nhân thân trong quá khứ và cả hiện tại…
Bản kết luận, đánh giá của Ban Quản Giáo phải phù hợp, khớp với bên an ninh. Nếu có sự khác biệt, bên nào sai, bên đó chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vì vậy cán bộ quản giáo truy cho được chỗ sai của Quảng.
Ngày thứ ba, Quảng được thả ra, bước liêu xiêu, mắt lờ đờ, quần áo lếch thếch, dơ bẩn, miệng lép nhép chửi thề:
-Đ M… CS gian ác… ĐM… CS…
Cán bộ lớn tiếng:
– Anh lảm nhảm cái gì thế?
– Tôi chửi cha… đứa nào… khai gian.
Cán bộ biết Quảng đã liều mạng, nên không truy.
– Bây giờ anh thấy khai gian chỗ nào chưa?
Quảng nhướng mắt, cố mở to:
– Cán bộ… khai gian… là khai láo… là…
– Tôi hỏi anh tự giác sửa sai chưa?
Quảng nói lớn:
– Khai gian chỗ nào, cán bộ nói nó ra… còn tôi…
– Anh thì sao?
– Không có gì phải khai gian cả…
– Anh muốn biệt giam nữa phải không?
– Bây giờ cán bộ có treo cổ tôi lên trời, chôn tôi xuống đất thì tôi cũng không biết tôi khai gian ở chỗ nào.
Cán bộ như đến lúc phải lật bài:
– Tôi nói cho anh biết, chúng tôi đã về địa phương của anh để điều tra xác minh quần chúng nói…
Quảng hơi nhanh:
– Họ nói gì?
– Anh là thiếu tá… lỗ… mà anh khai là chuẩn úy… Thế có phải khai gian không?
Quảng thét lên, và té xỉu như bị ôn dịch:
– Trời ạ… ạ… a…
Quân đội VNCH, một hoa mai, thêm một gạch phía dưới là thiếu tá. Chuẩn úy là chữ Omega, hình hao hao phù hiệu thiếu tá, có điều hoa mai có cái lỗ ở giữa. Để nói cà rỡn, trêu chọc, hay mỉa mai, người ta gọi chuẩn úy là thiếu tá lỗ.
Sau vụ “thiếu tá lỗ” Quảng trở thành một trong nhiều tù cải tạo, khùng khùng, điên điên… Có lúc cười giỡn, nói năng to họng.
– Đ M… tao là thằng “thiếu tá lỗ”… chúng bay nghe không… lỗ… Lỗ như lỗ… L… mẹ nó… mẹ nó…
Những lúc như vậy, tội cho anh khối trưởng khối 2, có nhiệm vụ “khớp mỏ nó lại” như lệnh của cán bộ. Thường thì anh khối trưởng chọn giải pháp… “Tao lạy mày Quảng ơi.” Nghe câu đó, Quảng cười vang trời, rồi đột ngột nín thinh. Có lúc nằm khóc, lảm nhảm:
– Gia đình… tổ quốc… anh em… Nghe không rõ là Quảng muốn nói gì, chỉ biết những lúc như vậy, Quảng khóc ngon lành như con nít.
– Anh giả khùng phải không?
Quảng cười lớn:
– Đảng Cộng Sản VN quang vinh …muôn năm.
– Anh…
– Hồ… Chủ “tịt” muôn năm.
– Anh…
– Phe ta muôn năm.
Cán bộ chận họng:
– Anh không qua mặt chúng tôi được đâu. Anh sẽ tù rục xương.
Quảng lại cười to, quơ hai tay:
– Đừng nghe cái gì CS nói… đừng nghe…
Cán bộ chồm tới, thúc ké tay Quảng:
– Thằng chó… mày tận số rồi.
Chuyện như vậy xảy ra nhiều lần. Kết quả mỗi lần như vậy, Quảng bị biệt giam và cả trại ầm ỹ tin đồn, mà tin đồn thì không mấy đúng sự thật, có khi còn phịa ra nói cho đã miệng… Cán bộ bác bỏ và răn đe “ai đồn đãi xuyên tạc sẽ bị biệt giam.” Dù có răn đe thế nào cũng không bịt hết gần 1000 cái miệng, muốn chửi mà chưa có dịp. Câu độc miệng đáng tội chém đầu là Quảng dám nói trước cán bộ: “Bác Hồ có 12 bà vợ và 30 đứa con rơi”. Câu này, tất cả tù cải tạo, hễ nghe là cười lăn chiên té ngửa, dù nó chẳng hề chút nào.
Dĩ nhiên là không thể để cảnh như vậy tái diễn. Phải cách ly tên tù khùng với tập thể tù không khùng. Quảng được đưa lên Trạm Xá để chữa trị bệnh khùng…
Quảng được “bố trí” nằm khu riêng dành cho bệnh nhân có thể cắn người khi nổi cơn, chân bị xích vào chân giường. Lúc mới lên Trạm Xá, suốt ngày Quảng hát rất to và rõ “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Dần về sau, tiếng hát không to và rõ nữa, nó nhừa nhựa như người hết hơi “như có… ác… h.ô… ồ… tr… o… n… g….”
Và Quảng cũng biệt tăm theo tiếng hát. Không ai biết chết hay còn sống và ở nơi nào…
…………
Phần 21
__________________
Để chuẩn bị cho ngày 2/9 thật hoành tráng, đúng với tầm cỡ 2/9 đầu tiên tổ chức ở Miền Nam, việc học tập được dừng lại một thời gian để: -làm vệ sinh, cổng chào, trang hoàng doanh trại… thậm chí có khối còn bứng hoa dại về trồng dọc lối đi. Đêm đêm thời gian kiểm điểm thường lệ cũng bỏ bớt, dành cho tập hát vì từ sáng ngày 2/9, thân nhân đăng ký thăm nuôi đã có mặt ngoài vòng rào, khu nhà dân, chờ đến lượt thăm nuôi trong những ngày 3 và 4/9. Phải hát to, vì hát là vui… hát là hạnh phúc… hát là không có gì khổ cả… Ban cán bộ quản trại muốn tù cải tạo nhắn gởi điều đó cho thân nhân, cho quần chúng… để nói lên lòng nhân đạo của Đảng và của Bác.
Hạt Mè bị cuốn hút vào buổi văn nghệ.
– Kỳ Khu… Kỳ Khu…
– Có việc gì mà ỏm tỏi…
– Lâu quá không gặp… nhớ bồ.
– Tớ… tớ… can cậu.
Hạt Mè cười toe tét, cứ nắm tay Kỳ Khu giục giặc.
– Tớ báo cho cậu biết tin vui.
– Gì thế?
– Kỳ này có vợ tớ… thăm nuôi.
– Chuyện…
– Đặc biệt cán bộ hứa nếu làm tốt buổi văn nghệ, sẽ cho tớ ra chợ.
– Ra chợ?
– Ngủ với vợ một đêm.
– Trời đất.
– Tớ nói thiệt đó.
Kỳ Khu ghé tai nói nhỏ:
– “Đừng nghe những gì CS nói.”
Hạt Mè như chìm trong ảo tưởng.
– Tớ… tớ… cũng báo cáo… công của cậu sáng tác lời bài “Bài Hoan Ca Ở A.38″ mà cán bộ ai cũng khen hay.
– Thôi… thôi tớ xin cậu.
Và như ngủ trong mơ:
– Và xin cho cậu cũng được như tớ…
– Được như cậu?
– Phải, ngủ với vợ một đêm… ngoài chợ.
Hạt Mè vừa thoát nhanh vừa nói:
– Tiếng chim báo tin vui… đã hết….
Lần đầu tiên kể từ lúc nhìn Hạt Mè dạy chim cho đến hôm nay mới nghe Hạt Mè nói, cười một cách khác lạ như vậy. Thái độ như trẻ con, yêu đời, không cay cú nhát gừng. Hắn cũng cầu mong cho Hạt Mè được toại nguyện. Phút chốc, Hắn nghe:
Đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh
Tiếng hát ai vang động cây rừng
Phải chăng em cô gái mở đường
Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát
Ôi những cô con gái đang ngày đêm mở đường
Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường…
Hạt Mè cả tin vào lời nói của cán bộ, như Hắn đã tin là chỉ học chính sách một tháng ở trường NLS. Hắn ân hận là có thời đã ngây thơ, tin vào lời của CS. Bây giờ, tiếng hát vang vang như hối hả… Hắn thương Hạt Mè như thương bản thân ngày nào.
Buổi sáng 2/9 là buổi sáng khó quên vì ở đâu cũng có tiếng hát, mà còn cố hát cho to nữa…
Âm thanh chồng chéo, nhưng không phải bè mà là sự hỗn độn của ca từ, bài này chồng lên bài kia, của âm thanh, giai điệu … gần như loạn xà ngầu. Khối khối hát, ban văn nghệ hát… gần một ngàn cái miệng được dịp hả to và hét lớn, đến gần đứng bóng mới nghỉ ăn trưa…
Buổi chiều có ba toán, mỗi toán 4 người, đến từng khối: Tổ hớt tóc làm đẹp cho trại viên, lý do ngày vui, tiếp vợ, thân nhân, phải sạch, đẹp. Cán bộ nói như vậy. Gọn Gàng, Sạch Đẹp là nhiệm vụ mà ai cũng phải tuân thủ thực hiện. Tất cả đều vui và chờ đợi.
Sân khấu thực hiện dã chiến nhưng vẫn có hai cánh gà, phông và màn kéo rộng đủ cho tốp hợp ca 30 người đứng 3 hàng ngang mỗi hàng 10 người. Đối diện và cách sân khấu 3m là 5 hàng ghế, mỗi hàng liên kết nhau bằng 4 ghế dài học sinh. Đó là nơi cán bộ quản giáo và cán bộ khách mời từ các đơn vị trong vùng. Hai bên nơi cán bộ ngồi là ban đồng ca, mỗi bên 120 người, xếp thành 3 hàng ngang mỗi hàng 40 người. Sau lưng chỗ ngồi cán bộ là toàn thể trại viên còn lại của trại đứng thành hàng ngay ngắn, như sắp duyệt binh.
Đèn sân khấu cũng được bắt rất chuyên nghiệp, đủ loại, đỏ xanh, sáng tối. Điện được lệnh ưu tiên cho sân khấu.
Đúng 20 giờ, buổi lễ bắt đầu. Cán bộ điều khiển chương trình giới thiệu khách mời về dự Buổi Văn Nghệ 2/9 đêm nay có:
– đ/c Ngu văn Thái, bí thư huyện ủy huyện…
– Đ/c Tài thị Hồng, hội trưởng Hội Phụ Nữ huyện…
– Đ/c Thiếu Tá Lưu văn Bộ….
và “Toàn thể cán bộ và trại viên A.38 tham dự”
Tiếng vỗ tay vừa dứt.
– Tiếp theo, xin giới thiệu Thiếu tá Hiền Lương, cán bộ Trưởng Trại A.38 phát biểu và tuyên bố lý do buổi lễ…
Thiếu tá Hiền Lương, nai nịt chỉnh tề, ngực bên trái đeo một dề huy chương, cầu vai màu vàng, đầu nón cối, chân dép râu… từ hàng ghế đầu tiên, nơi cán bộ ngồi, bước lên sân khấu. Lại có tiếng vỗ tay. Thiếu tá Hiền Lương móc tờ giấy từ túi áo, và…
– Kính thưa các Đ/c…
Sau khi thưa hết những quan khách và thành phần tham dự, bắt đầu đọc:
– Với sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình, Hồ Chủ Tịch đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bằng cuộc khởi nghĩa mùa thu tháng tám 1945 đến thắng lợi vang dội, xóa bỏ ách thống trị của bè lũ Phong Kiến, Thực Dân, quyền làm chủ đất nước về tay nhân dân lao động…
Thiếu tá ngừng lại để thở, rồi tiếp:
– Tuyên ngôn độc lập bất hủ 2/9/1945 được Bác Hồ đọc, công bố với toàn dân, và toàn thế giới, Việt Nam là nước độc lập, tự do. Việt Nam đã bắt đầu một kỷ nguyên mới đang ngẩng cao đầu, thẳng bước đến tương lai….
Ngưng để lật trang, đọc tiếp:
-Kính thưa các Đ/c, Miền nam đã hoàn toàn giải phóng, non sông đã liền một dải, hôm nay, ta ăn mừng Lễ Quốc Khánh đầu tiên được tổ chức tại Miền Nam Thành đồng Tổ Quốc…
Bài diễn văn chấm dứt cùng tiếng vỗ tay rào rào. Cán bộ điều khiển chương trình xuất hiện trên sân khấu:
– Sau đây là chương trình Văn Nghệ -cây-nhà-lá-vườn. Tiết mục đầu tiên: nhạc cảnh “Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân” do Ban Văn Nghệ A.38 trình diễn. Dàn dựng: Ngọc Toàn. Ngọc Toàn là tên cúng cơm Hạt Mè.
Màn 1: Một tốp ca 20 người, đồng phục bộ đội cụ Hồ, xếp 3 hàng ngang, hàng một 4, hàng hai 7, hàng sau 9, Hạt Mẻ đứng trên cái bục cao 0,3m, quay lưng lại khán giả, tay phải cầm đũa chỉ huy, hai tay đưa ngang vai, tiếng hát cất lên.
Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận
Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác
Nả ngàn hoa chiến công ta dâng lên người
Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời
Theo chiếc đũa trên tay phải Hạt Mè, nhịp được giữ lúc lên cao, lúc xuống thấp, lúc ầm ầm như tiếng bước chân hành quân, lúc chậm, lúc hối hả.
Đi ta đi giải phóng Miền Nam
Khi quê hương nhà vẫn còn bóng quân xâm lược
Tay trái điều khiển bè, lúc hai lúc ba, lúc trầm, lúc bổng, bài hát được hát hết ba điệp khúc, và kết thúc lập lại, êm đềm, nhỏ dần…
Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân
Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân
….nhỏ dần………
Màn hạ, tiếng vỗ tay hoan hô vang động ầm ào.
Màn 2: Ánh sáng mờ, như ánh trăng khuya… Tiếng hát cất lên, bóng đoàn quân đang hành quân ra chiến trường hiện trước phông rừng núi Trường Sơn…
Lúc này, lẫn trong tiếng hát có tiếng súng trận vang xa đì đùng… Tiếng vỗ tay rào rào.
Màn 3: Tốp 20 của màn 1, vai mang ba lô, súng đạn… hát dưới ánh mặt trời chói chang, vừa hát vừa nhịp bước quân hành, thay đổi đội hình, lúc tiến lúc lui, lúc khom lúc đứng…
Tất cả cán bộ đứng hết lên, và cùng tất cả trại viên… đồng loạt vỗ tay… hoan hô.
– Sau đây, xin giới thiệu tứ ca “Tiếng Đàn Ta Lư”.
4 trại viên, đồng phục bộ đội cụ Hồ, cải trang thành Bộ Đội Cái đầu đội nón cối, không biết mượn đồng phục ở đâu mà người thì chật cứng, đứa rộng phùng phình, lại còn mang gùi, đi nhỏng nhảnh…. Khán giả cười ồ…
Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu
Đàn Ta Lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng
Mừng thắng trận quê em…
Khán giả bất ngờ vì chất giọng ngon lành của 4 tên, như hề Charlot, mà có giọng oanh vàng, lại còn thay đổi đội hình, lắc mông nhún nhảy, vừa tức cười, vừa nghe sướng tai.
Từ trên đỉnh núi cao chon von
Thánh thoát nhịp nhàng cùng lời em ca
Tính… tính… tinh tang… tang tình
Con chim….
Tiết mục chấm dứt, 4 cô gái cúi chào khán giả, khán giả vừa vỗ tay vừa cười, 4 ca sĩ cũng cười toe toét.
Tiết mục tiếp theo: “Tiếng Chày Trên Sóc Bambo”. Một nhóm 10 trai tù, cải trang già trẻ, nam nữ, múa quanh đống lửa… Nhóm khác, ẩn phía xa, đang giã gạo.
Lửa bập bùng
Tiếng chày khua
Cắc cùm cum …cắc cùm cum
Đuốc lồ ô
Bập bùng bên ánh lửa
Sóc Bambo rộn rã tiếng chày khua
Tiếp theo là đơn ca “Nhạc Rừng” rồi tốp ca “Đường Trường Sơn, Xe Anh Qua”.
Sau đó là đồng ca “Hò Kéo Pháo”. Hạt Mè xuất hiện, đứng trên bục cao 0m3, mặt hướng về khán giả, dàn đồng ca đứng phía trước, hai bên sân khấu, mỗi bên 120 người. Hạt Mè cúi chào, trịnh trọng, cứ y như đang đứng trước dàn hợp xướng, tay phải cầm đũa. Hắn nhìn và cười thầm “chỉ thiếu cái áo đuôi tôm nữa thôi” thì Hạt Mè đã tròn vai nhạc trưởng.
Khi bài hát cất lên, tất cả đều nín lặng.
Hò dô ta… nào
Kéo pháo ta vượt qua đèo
Chừng ấy lời ca, mà nghe như trùng trùng vang động khắp núi đồi. Tay trái búng dây, chỉ… bè thấp, cao… tiếng dây kéo kẻo kịt… tiếng thở… tiếng hụt hơi… Có cả tiếng thét của anh bộ đội lấy thân mình chận đà tuột của khẩu pháo… Nghe như có một dòng thác đổ đâu đó hòa cùng tiếng thở của muôn binh…
Rồi tất cả im bặt, chỉ còn nghe tiếng gió ngàn vi vu… cả tiếng chim đâu đó hót vang… Hai tay Hạt Mè đưa cao, tay trái xòe ra, thình lình nắm lại… cùng chiếc đũa đưa thẳng lên trời…
Ầm… một tiếng nổ, một phát pháo đầu tiên, do 240 cái miệng của 240 tù binh họp lại, tất cả đều bất ngờ giật mình… và vô số tiếng ầm… ầm… ầm… chồng nhau chen lẫn tiếng nổ của đạn pháo từ Điện Biên vọng lại…
Tất cả cán bộ đều đứng cả dậy, vỗ tay hoan hô. Còn trại viên thì vỗ tay… la bis… bis… vang trời. Hắn nghĩ Hạt Mè đã thực sự bung xác để thực hiện màn trình diễn này.
Người dẫn chương trình:
– Sau đây là đồng ca “Bài Hoan Ca Ở A.38” do trại viên sáng tác và biểu diễn.
Hạt Mè xuất hiện, hắn trịnh trọng cúi chào rồi ngẩng lên nhìn dàn đồng ca ở phía trước, hai bên sân khấu. Yên lặng hắn đột ngột ra hiệu. Không nghe tiếng hát, chỉ có tiếng bước chân… rồi… đưa đũa… và 240 cái miệng cùng cất cao tiếng hát:
Anh em ta về đây
Vui bên nhau vui sum vầy
Hắn lấy hai cục bông, đã chuẩn bị sẵn, nhét vào hai lỗ tai. Hắn thấy chiếc đũa ở tay phải của Hạt Mè, lúc kéo ngang lúc đưa dần lên cao, lúc xuống thấp… Hắn cũng nghe âm thanh ầm ào… Bàn tay trái của Hạt Mè, lúc chỉ bên trái, lúc hướng bên phải, lúc xòe lúc nắm chặt… Hình như có cả tiếng nổ… long trời lở đất… Không biết Hạt Mè làm thế nào mà tiếng vỗ tay hoan hô kéo dài mãi, dài mãi trong đêm. Sương đã bắt đầu rơi…
Sáng 3/9, chưa bao giờ trại A.38 có một buổi sáng lạ lùng đến thế. Có người hồi hộp đợi chờ, đi tới đi lui, có lúc nói cười vô cớ. Có người ủ rủ như gà mắc nước. Nỗi thất vọng hiển hiện trên những khuôn mặt, có cười chăng, cũng chỉ là tiếng khóc khô không lệ.
Trại viên sẽ có thăm nuôi và trại viên không có thăm nuôi là hai thế giới khác biệt. Kẻ vui, người buồn. Kẻ nói cười luôn miệng, người lặng căm.
Hắn đến Người sĩ quan già.
– Hôm nay…
– Thưa không, gia đình tôi tận Quảng Trị…
– Tôi hiểu.
– Còn anh khối trưởng…. Chị nhà có vô không?
– Thưa… không.
– Sao thế?
– Từ lần chết hụt ở chợ Sông Mao, tôi không cho nhà tôi vô nữa.
– Rõ khổ.
– Cũng như một số anh em… như anh … thôi mà.
– Ừ, có sao đâu … anh khối trưởng hỉ…
Người sĩ quan già đột ngột:
– Chai Khuynh Diệp anh khối trưởng cho…
– Trời đất, hôm nay còn sao?
– Nó hết rồi, nhưng tôi giữ cái chai không để làm kỷ niệm.
Hắn từ giã và nói rất nhỏ, như để mình Hắn nghe.
– Cảm ơn anh.
V từ xa gọi lớn:
– Anh khối trưởng… anh khối…
– Cái gì mà hét lên vậy?
– Anh thất nghiệp phải không?
– Phải, thì sao?
– Tới đây… tới đây…. đảng thất nghiệp… nhậu chơi.
Hắn ba chân bốn cẳng chạy đến, trong phòng đã có nhiều người.
– Anh Khối Trưởng… khai cuộc đi.
– Trời đất … không…
– Thôi mà… có chết thì cũng chỉ được chết một lần thôi… anh khối…
Hắn nghĩ, lúc này mà phản đối, cấm cản là không xong, cho dù phạm nội qui, cũng phải liều thôi.
– Chơi luôn…
Tiếng vỗ tay… hoan hô… Khối Trưởng…
– Khối Trưởng chịu chơi
– Chơi chịu.
– Nào, nâng ly…
Ly là ca uống nước, là chén ăn cơm, là nắp gà mèn…
– Uống… nào…
– Uống cho quên đời.
– Anh em ơi… uống… uống…
Rượu vào, lời ra… đủ thứ chuyện… có người cười… có kẻ khóc… Chia nhau giọt rượu cuốí cùng.
V nói:
– Em đưa anh về phòng.
Hình như Hắn nghe tiếng còi tàu, tiếng còi tàu xa xăm mơ hồ. Trong giấc mơ, Hắn thấy Vân và các con đang đứng ở đầu ngõ Quang Trung chờ Hắn. Hắn chạy theo con tàu. Hắn với tay, kêu gọi, gào thét, nhưng con tàu vẫn chạy… và xa dần… hút mất trong đêm…
Ngày 4/9 là ngày cuối được thăm nuôi dịp Lễ 2/9. Vợ anh H, P, C, Tđ, B… vô hôm qua. Chị N vô hôm nay. Anh N rinh một xách quà về phòng, mặt tươi như hoa.
– Chú có quà thiếm ấy gởi.
Hắn nhận gói quà Vân gởi.
– Anh có cảm ơn chị giùm không đây?
Anh N cười.
– Có cái thư thiếm ấy … đọc đi
Hắn lấy thư đọc: Vân và các con đều khỏe. Nguyễn đã đi học. Tay Ca Dao đã trở lại bình thường, không có hiện tượng cong co. Hương Thư cao hơn. “Anh đừng lo gì cho em và con”và “anh nên giữ gìn sức khỏe”.
Anh N nói:
– Nghe nói Thiếm ấy vẫn ngồi bán chuối nướng trước cổng nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật.
– Em cũng không ngờ là Vân… có thể làm được những việc như vậy.
– Anh cũng vậy… thời thế cả…
Có một trại viên lạ xuất hiện:
– Anh khối trưởng.
– Tôi đây.
– Anh Toàn nhờ tôi gọi Khối trưởng.
Toàn là Hạt Mè, sao lại gọi…
– Có việc gì?
– Anh Toàn… như gà chết…
Hắn đi vội.
Hạt Mè nằm mẹp trên chiếc chiếu đã rách tơ đầu, mắt nhắm nghiền, tiếng thở yếu đứt quãng.
Hắn gọi nhỏ:
– Hạt Mè…
Giọng run run:
– Kỳ Khu… cậu đó hả…
– Tớ đây…
Đôi mắt lờ đờ.
– Tớ chết mất …
– Vì sao ra nông nỗi…
Hạt Mè nhướng cặp mắt vô hồn.
– Tớ đã chơi hết mình hết sức…
– Cậu đã bung xác.
– Phải tớ đã bung xác, hy vọng đổi được những phút tự do… Thế mà…
Hắn lờ mờ hiểu lý do Hạt Mè “như gà chết”.
– Họ không giữ lời hứa?
– Chúng nuốt lời một cách thô bỉ… ..
Hắn động viên:
– Đó là chuyện bình thường…
– Bình thường, bình thường với lũ man rợ.
Quê vợ Hạt Mè ở Đơn Dương, nơi có đặc sản khá nổi tiếng.
– Bỏ đi, chị có đem chuối LaBa vô không?
– Có, có cả khoai lang mật cậu thích nữa…
– Ngồi dậy… Đưa quà cho tớ… rồi đi ra ngoài kia với tớ.
Hạt Mè ngồi dậy một cách khó nhọc xem ra đã kiệt sức, rồi run tay lôi trong túi lát khá lớn.
– Chuối… khoai… Cậu về đi… Tớ đuối sức quá.
– Phải cố vượt qua thất vọng… Đừng để nó vật ngã cậu.
Hạt Mè cười như mếu.
– Nhất trí. Papillon muôn năm.
– Muôn năm.
Ngày mai 5/9 bắt đầu học tiếp lý thuyết CNXH và những thắng lợi to lớn của CNXH miền Bắc.
…….
Thiếu tá lổ…Thật ấn tượng! Hu hu…he he…
Điên lên được!Những bức xúc ẩn ức trong lòng..Trào tuôn!Buồn lên được!Nghe những ca khúc một thời để nhớ không quên..Nhớ quá!Tiếc hết sức!Bắt đầu từ đây phải kiêng những món yêu thích như Chuối khoai.Kỷ vật – Chai dầu khuynh diệp…Phải chiến thắng bản thân..Như thế đó!Buồn quá sức tưởng tượng!Vì ai nên nỗi!?
Reblogged this on Giai01's Blog and commented:
xem
Thật đau.