Tạ ơn đời, tạ ơn nhau

phambichhuyen

Người ta có thể hiểu lầm nhau ở nhiều điều, nhưng người ta không thể hiểu lầm nhau ở tấm lòng biết ơn. Biết ơn là một ngôn ngữ chung của của nhân loại, là tiếng nói thiết tha của tâm hồn…

Bây giờ là tháng 11. Chiều chưa đến mà trời đã tối thật là nhanh. Cái lạnh ở đâu ùa về, giá rét. Mùa này nhiều nơi còn bão rớt trên quê hương chúng ta. Tại Hoa Kỳ, lễ Thanks Giving đã đến, mang đến một chút gì một niềm vui ấm áp, một chút gì bâng khuâng xao xuyến vì ngày lễ đáng yêu này.
Từ hàng trăm năm nay, người dân Hoa kỳ có một đời sống tiện nghi nhất, kỹ thuật nhất, an cư nhất trên tòan thế giới. Cho dù nền kinh tế vẫn còn khủng hoảng, nhưng đời sống người dân không đến nỗi xáo trộn. Hàng năm, cả nước đều đón mừng lễ Tạ Ơn. Trường học, học sinh được nghỉ. những ngôi giáo đường vang khúc nhạc Tạ Ơn. Mối liên hệ giữa lễ Tạ Ơn truyền thống với sự cân bằng đời sống xã hội, với sự phồn thịnh về văn hóa….đã đóng góp rất nhiều trong mối tương quan giữa Tạo hóa và và vạn vật, và giữa muôn loài nữa.
Tinh thần ấy hướng dẫn sự phát triển thuận chiều của đất trời.
Có phải chăng tâm tình Tạ ơn tạo nên một chuỗi phản ứng, biến hóa những gì chung quanh ta, biến hóa nhân loại thăng tiến, như phép mầu nhiệm của chiếc đũa thần…Người ta có thể hiểu lầm nhau ở nhiều điều, nhưng người ta không thể hiểu lầm nhau ở tấm lòng biết ơn. Biết ơn là một ngôn ngữ chung của của nhân loại, là tiếng nói thiết tha của tâm hồn. Lễ Tạ Ơn là một trong những ngày lễ được mọi người hân hoan chào đón. Là những ngày đoàn tụ gia đình. Dù ở nơi xa, ai cũng mong ước và thu xếp trở về mái ấm gia đình, hưởng những giờ phút đầm ấm yêu thương. Đây cũng là dịp người ta tạ ơn đời, tạ ơn nhau. Lễ Tạ Ơn là dịp mà hơn lúc nào hết, chúng ta bày tỏ sự yêu thương, chia sẻ, gần gũi bên nhau. Chúng ta cùng đọc bài thơ của Đặng Lệ Khánh, một người phụ nữ gốc Huế rất tài hoa:
Tạ ơn ta còn dài mái tóc
Đêm đêm nằm phủ mặt giữ hương
Tạ ơn ta còn xanh đôi mắt
Nhìn cuộc đời qua rất dễ thương
Tạ ơn ta còn nghe tiếng gió
Gõ đùa chơi qua chiếc phong linh
Nghe như nhạc Thánh ca đâu đó
Tạ ơn ta tình yêu đầy ắp
Chảy trên từng dòng chữ đam mê
Bơi trong mộng khói sương ngây ngất
Quấn quýt theo một dáng ai về
Tạ ơn ta đôi mi chợt ướt
Một sáng nào thức giấc nhìn trời
Bên kia núi có ai thổn thức
Mà mưa hồng gợi nhớ không thôi

Sống trên đời, chẳng ai tồn tại được một mình, cho nên, mang ơn, tự nó là một tình cảm cao quý. Cuộc chiến tranh trên đất nước chúng ta kéo dài từ 1/3 thế kỷ, chấm dứt bằng biến cố 1975. Rồi sau đó là những năm tháng tù đầy, những chuyến băng rừng, vượt biển. Có thể nói phân nửa dân tộc chúng ta còn sống đến hôm nay như những kẻ may mắn sống sót. Nhưng cũng phải trải qua bao nhiêu tóc tang tủi nhục. May mắn thay, có không biết bao nhiêu những bàn tay cứu giúp cưu mang đã chìa ra cho chúng ta nắm lấy, khắp bốn phương trời phiêu bạt.
Đất nước hoà bình rồi. Thế nhưng…
Có bao nhiêu người vợ, hai mươi, ba mươi tuổi vào năm 1975 đã trở thành góa phụ? Bao nhiêu những đứa trẻ đã trở thành những đứa con côi ngay từ lúc sơ sinh? Bao nhiêu người nay đã là cha, là mẹ, nhưng lại không hề biết hay không còn nhớ nổi gương mặt cha hay gương mặt mẹ của mình? Ôi, Có thể nào lại có một đất nước mà mọi người đều sợ hãi bỏ chạy như đất nước chúng ta? Một đất nước mà ai trốn thoát ra khỏi đều coi như điều may mắn? Một quốc gia mà “nửa này đã cố giết một nửa kia để lập chiến công” như một câu thơ mà người ta đã đọc được trên vách một nhà tù? Một đất nước mà người ta ở không được, đi không được. Như vậy thì phải làm sao đây?
Hãy nghe tâm sự của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn:
Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi
Bằng sức người vô hạn
Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom
Tim mang nghìn dấu đạn
Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi để mong ở lại đây.
Nhưng…Đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá
Người bám vào, lửa đã đốt cháy tay
Lửa hơn căm, lửa hiểm thâm
Lửa khốn cùng cay đắng
Người lừa nhau
Trời đất còn bưng mặt thảm thương

Vâng, 100 năm nô lệ. Rồi trận đói năm Ất Dậu. Và lụt lội không năm nào buông tha. Rồi chiến tranh, chiến tranh …kéo dài không ngừng, dân tộc ta có lúc tưởng chừng như kiệt sức. Trong hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã như thế, nhưng chúng ta vẫn phải mang ơn. Mang ơn đời. Mang ơn người. Chúng ta bị xua đuổi, phải chạy trốn, nên phải mang ơn những người đã cưu mang chúng ta. Bên cạnh những người chết , chúng ta mang ơn Thượng Đế, vì chúng ta còn. Vâng, chúng ta còn, nên vẫn còn hy vọng. Hy vọng một ngày quê hương chúng ta sẽ thoát khỏi cơn mê muội. Hy vọng rồi sẽ có lúc “người nhìn ra người” và biết thương yêu nhau với tất cả tấm lòng…
Trong niềm hy vọng ấy, chúng ta dâng một lời cầu nguyện:
Nơi đầu ngửng cao không sợ hãi
Nơi hiểu biết được tự do phát triển
Nơi đời sống không bị phân chia bởi những thành kiến cổ hủ, hẹp hòi Nơi tiếng nói xuất phát từ sự thật, sâu xa
Nơi mọi nỗ lực không ngừng vươn tìm tuyệt đối
Nơi suối lý trí trong suốt tuôn chảy không bị lạc vào sa mạc hoang vu của tập quán khô cằn
Trong thiên đường tự do ấy
Thượng Đế hỡi
Xin hãy cho quê hương chúng tôi thức tỉnh
(Khuyết danh)
Trong cuộc sống bận rộn ở Hoa Kỳ, ai cũng phải tất bật hối hả lao vào cái vòng quay rất nhanh và rất mạnh của đời sống vật chất. Đến nỗi có nhiều khi người ta quên đi đời sống tinh thần.
Cho nên nhân mùa lễ Thanhs Giving , ước mong rằng mỗi người trong chúng ta hãy dành một khảng thời gian , ngồi một mình, nhìn lại quãng đời đã qua. Chúng ta đã cho đi và nhận lại những gì? Hãy nói với nhau những lời yêu thương , hãy trao cho nhau những ánh mắt thiện cảm. Hãy dành cho nhau một chút thời gian để cảm nhận được cái sự may mắn nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống hôm nay. Nhỏ bé thôi nhưng thật gần gũi, ấm áp.
Và cũng nhớ dành vài phút hít thở không khí trong lành buổi sớm mai, ngắm ánh nắng vàng lấp lánh trên những ngọn cỏ còn ướt đẫm sương mai hay ngắm một nụ hoa vừa hé nở nơi góc vườn hay cùng nghe lại một khúc tình ca trong kỷ niệm.
Thanksgiving xôn xao niềm tin cùng niềm vui mới . Mỗi người chung một niềm vui, một lời chúc tụng…Chúng ta gửi đến nhau trong tình thương yêu chia sẻ, chẳng hạn cho một người thương yêu nhất dù không gian có cách xa nhưng lúc nào cũng nhớ nhau từng phút lại từng giây…
Xin cảm ơn mái ấm gia đình, cảm ơn cha mẹ, cảm ơn tiếng cười trong trẻo, giọng nói líu lo của những đứa con yêu. Cảm ơn những giờ phút vui tươi bằng hữu, cảm ơn những thương yêu săn sóc, an ủi và ngay cả những đồng cảm nhớ nhung của một người dành cho một người. Xin cảm ơn đời, cảm ơn người yêu dấu đã cho ta tình yêu thương ngọt ngào, êm dịu ngát hương…
Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá, sóng và em gần quá
Anh còn lời để tỏ một tình yêu

Đâu cứ phải là đôi lứa yêu nhau mới cám ơn nhau? Biết ơn là một ngôn ngữ toàn cầu, là điệu nhạc, ý thơ, là sự rung động của tâm hồn. Lời thơ và điệu nhạc biết ơn ấy tuyệt diệu lắm vì nó có thể xuyên qua mọi thứ cản trở của trần thế, bay lên cao tràn ngập khắp không gian.
*Chúc các bạn mùa lễ Tạ Ơn hạnh phúc

Bích Huyền

Advertisement

Thênh thang mùa hạ tới…

phambichhuyen

Tôi gửi tặng một khoảng trời đầy gió
Mùa hè về lãng đãng ở trên cao
một chút phớt hồng cho mây trời phiêu lãng
một chút phấn thơm cho tình ấy ngọt ngào

Vâng, Cali đang bước vào hè. Từng con đường trong thành phố Santa Ana thuộc quận Cam của chúng ta, một loài tím đồng loạt nở. Tôi gọi là “ thành phố của chúng ta” vì nơi đây có rất đông người Việt cư ngụ. Một nơi mà tôi cũng đã từng ở đó một hai năm.

Thành phố với không gian tím ngát một màu hoa tím của loài cây mang tên Jacaranda. Nhưng hình như ai cũng quên tên này mà chỉ gọi với nhau là cây phượng tím. Từng con đường êm ả như trong giấc mơ, không gian tím ngát một màu tím bâng khuâng, khiến có ai đó đi ngang qua, lòng cũng chùng xuống, mênh mang nhớ về quá khứ.
Cứ vào cuối tháng 5, những cánh hoa tím mỏng manh bỗng một hôm xuất hiện đồng loạt cùng một lúc như một khối hoa tím, tưởng như một đám mây bềnh bồng trên trời bay lạc xuống ôm lấy vòm cây.
Trong kệ sách của tôi, còn lưu trữ nhiều thơ văn của thính giả gửi về. Nhất là những thơ văn màu tím. Có khi đề tài ấy nối tiếp thành hai, ba tuần liền theo lời yêu cầu của thính giả với “Màu tím…nối dài”. Màu tím bâng khuâng, màu tím chung thủy, màu tím đợi chờ… Có lẽ mỗi bài thơ, đoản văn, lời hát mà hchúng tôi trình bày trong chương trình đã khơi dậy trong lòng mỗi người một tình cảm dịu êm, một kỷ niệm mơ hồ nào đó đã tưởng chừng như quên lãng theo dòng thời gian xa xứ…Tôi yêu lắm đoản văn Hoa Khế của Dương Cầm.
“Ngày xưa, cứ mỗi dạo đi học xa trở lại Huế, tôi thường lên Đàn Nam Giao thăm mộ ngoại tôi. Lần nào cũng vậy, tôi rất xúc động. Ngoại nằm đấy. Một điều tôi biết nhưng chưa bao giờ hiểu. Thế giới bên kia có lẽ ảo não và cô tịch lắm. Tôi nghĩ như vậy. Rồi bỗng nhớ những người thân đã qua đời. Chắc họ sẽ nép vào nhau. Như thế, đỡ cô quạnh hơn nhiều… Thời còn sống, ngoại tôi tóc trắng, da mồi. Người hiền lắm. Với đầu óc non nớt, tôi nghĩ rằng: ngoại tóc bạc trước khi tôi ra đời để tôi gọi ngoại là bà ngoại.
Mẹ tôi kể rằng: Thời xuân trẻ, ngoại tôi rất đẹp. Nét đẹp cao sang, quí phái vì ngoại tôi là một người con gái hoàng tộc…
Tôi còn nhớ ngoại đi một đôi guốc gỗ màu đen bóng, lọc cọc giữa buổi chiều Đại Nội. Âm thanh đó, còn khua động tâm hồn tôi đến tận bây giờ…
Ngoại tôi thích ăn chè kê. Bà thường nấu món này để cúng vào những đêm rằm. Người thích hoa khế màu tím dịu nhạt, nhỏ li ti rơi xuống đất như tan vỡ. Tôi còn nhớ có dạo tôi về Huế, ngoại ngồi trên một cái chõng tre dưới bóng cây khế lớn. Hàng trăm hoa khế li ti đậu trên tóc ngoại, lung linh trong bóng nắng. Cái màu hoa thật lạ. Sâu thẳm tím. Như ấp ủ những điều thầm lặng…
Dường như một thời ngoại đi qua mất rồi. Ở đó, có thời con gái. Thời làm mẹ. Và bây giờ là bà ngoại. Thời gian trôi vô tình một cách lặng lờ nhưng thật ra thời gian tỏa ra trăm nhánh, chằng chịt không sao mà tháo gỡ nổi. Rồi ngoại mất. Màu hoa vẫn còn đó, tím một màu Huế. Nhưng…không còn ngoại ngồi lặng lẽ dưới bóng cây cho tôi gỡ trên mái tóc ngoại từng chiếc hoa khế màu tím nhỏ li ti…
Tôi về Huế, không còn ngoại nữa. Các cậu tôi vào hết ở Sài Gòn . Bên thành cổ, rong rêu nhiều hơn trước. Khu vườn xưa, hoa khế rụng nát chiều tím. Tôi soi bóng mình qua giếng. Một con cá đớp hoa khế rồi quẫy mình. Chiều đổ vỡ từng mảnh. Ngày tháng đi qua và một thời quá đỗi xa xưa…(Dương Cầm)
Và một đoạn văn nữa của Q.T viết về một loài hoa mang tên:
Hoa Thạch Thảo
Thạch thảo là một loài hoa mọc rất nhiều ở những thành phố trên cao nguyên. Không biết tên gọi dân dã của nó là gì mà văn nhân, thi sĩ gọi là hoa thạch thảo. Loài hoa của thi ca và âm nhạc. Chắc nhiều người cũng không ngờ, một thứ hoa tầm thường dễ mọc ở đầu bờ góc bụi ấy lại có một cái tên đẹp và sang trọng đến thế.
Thạch thảo mọc từng khóm, than cao độ nửa mét. Lá thuôn nhỏ chạy dọc theo thân. Hoa màu tím, một thứ màu tím thật đặc biệt.
Vào những ngày nắng sáng, màu hoa trở nên đậm hơn. Màu nó tím ngắt đến ngời xanh. Hoa thạch thảo cắm vào bình lâu tàn. Cắm hoa trong bình thủy tinh chừng dăm bảy ngày, rễ đâm ra tua tủa trông đẹp như mái tóc bạch kim. Nước trong bình luôn trong và không bao giờ có mùi hôi. Mùi hương hoa thạch thảo đặc sánh và ngọt như mật. Hoa tỏa hương thơm, nhất là vào những buổi chiều trời ẩm lạnh và không có gió.
Mùi hương và màu hoa thạch thảo bao giờ cũng gợi cho ta nhớ về những kỷ niệm tình yêu đã thoáng qua. Có người kề rằng: “ Để một chiếc bình có cắm một nhánh hoa thạch thảo trong phòng ngủ, nếu có mơ, giấc mơ sẽ trở thành máu tím. Màu tím bang khuâng, màu tím đợc chờ. Bâng khuâng và đợi chờ một tình yêu nào đó, một buổi hẹn hò nào đó với người yêu. Chỉ một vài ngày sau thôi, giấc mơ sẽ trở thành hiện thực…”
Ôi, hoa thạch thảo tuyệt vời quá, nhuộm tím những ước mơ… Cầu mong những giấc mơ màu tím ấy sẽ đến với mọi người, để chúng ta yêu đời hơn, tự tin hơn vì mỗi ngày một cảm nhận cuộc đời với nhiều màu sắc tươi đẹp quá…Với tình yêu, cho dù một lý do nào đó phải chia ly, tan vỡ, mùa thu có chết, hoa thạch thảo có tàn thì ta vẫn không sầu lụy. Mà chỉ buồn một chút thôi! Ta phải vươn lên, mơ một giấc mơ màu tím khác. Vì bốn mùa lần lượt đổi thay. Mùa thu mới rồi sẽ đến, hoa thạch thảo rồi sẽ nở, tím cả ước mơ…(Q,T)
Ngày đó chưa có internet, chỉ có những phong thư từ bốn phuơng qua đường bưu điện. Đôi khi mở ra đọc lại, cảm thấy mình còn nợ thính giả nhiều quá! Tôi lại nhớ tiếc rất nhiều những buổi chiều vội vã miếng cơm, để kịp giờ cùng Quỳnh Lưu on air trong một chương trình dài khoảng 45 phút tâm tình với nhau, sau đó là thính giả gọi vào trò chuyện, không muốn rời vì đã hết giờ. “Lưu luyến chia tay” xuất hiện bắt đầu từ đó cho đến ngày nay trong giây phút cuối của chương trình. Có nhiều vị thính giả yêu chương trình đến nỗi gọi phone nhắc nhở nhau mở radio “Sắp đến giờ Bích Huyền-Quỳnh Lưu” rồi!”
Thư từ, bài vở, kể cả quà nữa…rất nhiều. Vui và cảm động vô cùng. Sau hai năm thì Quỳnh Lưu phải nói lời giã từ thính giả vì bận rộn công việc khai trương một công ty điện tử. Buổi phát thanh ấy của Quỳnh Lưu, tràn ngập nước mắt. Thính giả gọi vào, có người khóc nức nở. …
Ôi, ngày ấy xa rồi!

Bích Huyền

M ẹ

phambichhuyen

Thật đáng yêu và cảm động, mỗi năm tại Hoa kỳ, vào tháng 5 người ta lại rộn ràng chào đón ngày Mothers’Day
Đã có bao nhiêu thơ ca ca ngợi về người mẹ, từ ngàn xưa cho đến ngày nay và mãi mãi mai sau, viết về mẹ vẫn là vô cùng.

Cho dù ở đâu, bất cứ một xứ sở, xã hội nào, văn minh hay lạc hậu, người Mẹ cũng vẫn là thần tượng vĩ đại nhất của con người. Mẹ là người sáng tạo ra nhân loại, ban phát tình yêu, ân sủng cho con người.
Vâng, tình mẫu tử bao giờ cũng là thứ tình cao cả thiêng liêng nhất trên thế gian này. Như một câu danh ngôn của thế giới “ Trong vũ trụ có lắm kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt hảo nhất vẫn là trái tim của người mẹ”
Chẳng ai thay thế được mẹ. Chẳng ai đẹp bằng mẹ. Nhất là chẳng có ai hy sinh cho con tuyệt vời hơn mẹ, hơn cha …
Mẹ bao giờ cũng nhận về mình những nỗi bất hạnh, sự đau khổ, điều oan nghiệt và bất công có khi do chính những người con của mẹ gây nên.
Thiên chức làm mẹ từ nghìn xưa là niềm tự hào cao cả, kiêu hãnh và vinh quang mà mẹ cảm thấy hạnh phúc. Niềm sung sướng hạnh phúc nhất của mẹ phải chăng là cái khoảnh khắc nghe thấy tiếng khóc đầu tiên của đứa con vừa chào đời, thấy gương mặt con với cái nhìn đầu tiên. Mẹ quên cả sự đau đớn thể xác chỉ còn biết đứa con yêu, một thiên thần bé bỏng…
Mẹ nuôi con không kể nhọc nhằn bao ngày tháng.
Mùa xuân đến với trần gian tươi đẹp nhưng mùa xuân mỗi lần đến với mẹ là mỗi lần tóc mẹ, mắt mẹ lại nhạt phai…
Con lớn lên rồi rời xa tay mẹ
Mẹ vẫn cười nghiêng theo bóng đời con
Khi vấp ngã con gọi “Mẹ ơi” rất khẽ
Đỡ con lên, mẹ hỏi “có đau không?”

(Khuyết danh)
Bây giờ xin gửi đến quý bạn, quý em, các con cháu của tôi một câu chuyện cảm động và đầy ý nghĩa , đọc và sẽ …muốn khóc!
Câu chuyện mang một ý nghĩa rất cao cả.
Có những điều tưởng như nhỏ bé thôi nhưng nếu ta vô tình không để ý đến thì ta sẽ không nhận ra rằng hạnh phúc không ở đâu xa mà chính chỉ là những điều giản dị thôi.
Chỉ một câu nói rất hồn nhiên và quá đơn giản:”Thưa chú, Đây là nhà của mẹ cháu!” đã làm cho đau đớn biết bao trái tim của những người đang và đã sống.”
Sau đây là nội dung câu chuyện: Hoa hồng tặng Mẹ
Anh dừng lại tiệm bán hoa để gửi hoa tặng mẹ qua đường bưu điện. Mẹ anh sống cách chỗ anh ở khoảng 300km. Khi bước ra khỏi xe, anh thấy một bé gái đang khóc trên vỉa hè. Anh đến và hỏi : tại sao em lại khóc?
Cô bé nức nở trả lời:
– Cháu muốn mua một bông hồng để tặng mẹ cháu, nhưng cháu chỉ có 75 xu trong khi một bông hồng giá đến 2 đôla.
Anh mỉm cười và nói với nó:
– Đến đây, chú sẽ mua cho cháu
Anh liền mua hoa cho cô bé và đặt một bó hồng để gửi cho mẹ anh. Xong xuôi, anh hỏi cô bé có cần đi nhờ xe về nhà không. Nó vui mừng nhìn anh trả lời:
-Dạ, chú cho cháu đi nhờ đến nhà mẹ cháu.
Rồi nó chỉ đường cho anh đến một nghĩa trang, nơi có phần mộ vừa mới đắp. Nó chỉ ngôi mộ và nói:
– Đây là nhà của mẹ cháu.
Nói xong nó ân cần đặt nhánh hoa hồng lên mộ.
Lặng người chứng kiến cảnh cảm động đó, lập tức anh quay lại tiệm bán hoa, hủy bỏ dịch vụ gửi hoa vừa rồi và mua một bó hoa hồng thật đẹp. Suốt đêm đó, anh đã lái một mạch 300km về nhà mẹ anh để trao tận tay bà bó hoa đó.
***

“Hãy hành động và bày tỏ những tình cảm, yêu thương khi ta còn có thể và khi người nhận còn có thể cảm nhận được”

PHẠM BÍCH HUYỀN

Tưởng niệm thi sĩ Nguyên Sa

phambichhuyen
Tháng Tư có ngày giỗ Nguyên Sa, một nhà thơ lớn của nền văn học VN hiện đại.
Ngoài tài làm thơ, Nguyên Sa còn viết văn, làm báo, mở trường và dạy triết. Nhưng nói đến Nguyên Sa là nói đến Thơ, đến tình yêu đôi mươi, nói đến một vòm trời Tình ái với ngày tháng không thể làm mòn phai những lời đắm đuối.
Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn.
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh”

hoặc
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc.
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường”

…hoặc
“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm.
Chả biết tay ai làm lá sen”

Vâng, Biết bao nhiêu thế hệ đã yêu thơ Nguyên Sa!
*
Thập niên 1960, Những bài thơ tự do của ông xuất hiện tại Sài gòn, thấy cái phong triết học nằm ẩn sâu bên dưới những chữ dùng rất thông thường. Và hình ảnh trong thơ ông ngày càng mới mẻ, lấp lánh một trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Thơ lục bát cũng vậy. Hình ảnh và cách sử dụng ý từ táo bạo rất bất ngờ , như bài thơ có tựa là Bất Ngờ sau đây…
Đêm mưa có chỗ bất ngờ
Chỗ thêm ấm áp chỗ thờ phượng nhau
Mai về mẹ hỏi đi đâu
Đắp chăn chùm kín ngang đầu nghe em
Thiên đường có chỗ màu đen
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời

Những năm đầu của Thập niên 60 ở Saigon, trong khi người ta còn loay hoay với những bài thơ tình tiền chiến của Xuân Diệu, Huy Cận… thơ Nguyên Sa ra đời đã mang đến một không khí thi ca mới, thổi vào trái tim những tình nhân thời đại những lời tình tự mới, một ngôn ngữ mới.
Thơ Nguyên Sa nói hộ cho tuổi trẻ thời ấy, những ngưòi yêu nhau rất nhiều điều mà họ có thể cảm nhưng không thể thốt nên lời.
Những bài thơ tình của NS đã làm cho tuổi trẻ miền Nam thời ấy thêm phong phú và giàu có.Thơ Nguyên Sa đã và đang làm thành kỷ niệm của những mối tình. Những bài thơ của ông chắc chắn sẽ còn ở lại với chúng ta lâu dài, trong nhiều thế hệ sắp tới.
Bao lâu trái đất này còn những người yêu nhau, thơ Nguyên Sa sẽ còn mãi mãi ở với chúng ta.
Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau ?
Để anh gọi tiếng thở buồn vọng lại ….
Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Ngôn ngữ của Nguyên Sa trong bài thơ tuy không mới nhưng hình ảnh thật mới được lồng trong khuôn thức của nhịp điệu làm người đọc dễ rung cảm .
“Mắt e ngại như từng con chỉ rối
Em sợ những ngày trời nắng như hôm nay
Em sợ những đường tàu vướng víu như chỉ tay
Không dám chọn lấy một ga hò hẹn…”

Đọc thơ Nguyên Sa như được thấy những ý nghĩ thầm kín của hồn mình. Nó gần gũi. Nó trẻ và sống. Nó chuyên chở từng dung nhan diễm tuyệt, ngay cả trong lo sợ. Thơ Nguyên Sa không nóng bỏng, suồng sã, đam mê, khăng khít như Xuân Diệu hoặc thâm trầm, tế nhị, kiêu sa như Huy Cận mà nó luân lưu, uyển chuyển giữa hai dòng thơ lớn đó của thời tiền chiến. Tuy đã sống ở Paris nhiều năm, đã am hiểu văn hóa Tây phương nhất là triết học, nhưng khi Nguyên Sa làm thơ, ông vẫn giữ được cái phong thái của thi ca Việt Nam
“Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu
Dòng sông Seine đang mặc áo sương mù
Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc
Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa…”

Xuyên qua ngôn ngữ Nguyên Sa, người đọc hình dung thấy một khung cửa bỏ ngỏ. Từ khung cửa đó, có thể nhìn ra một khu vườn với màu sắc chói chang, với muôn vàn cánh bướm đang múa lượn chập chờn làm rung động những đài hoa ngát nhuỵ. Những cánh bướm của tình yêu, của khát vọng, của dự tưởng, Nguyên Sa dang rộng đôi tay bé nhỏ muốn ôm vào lòng mình. Cái vũ trụ nào đó, mà Nguyên Sa đoán biết hay tìm thấy không phải cái vũ trụ được đo lường và ước đoán bằng chứng nghiệm toán học, bằng những năm ánh sáng, bằng vệ tinh, bằng phi thuyền. Vũ trụ ấy chẳng ai chứng minh được vì nó là Vũ trụ của Tình yêu, do tình yêu hình thành.
Nguyên Sa đi vào thi ca với những bước chân mang nhiều ân tình cho ng ười khác. Người khác ấy , đương nhiên là người con gái, là Tình yêu. Tình yêu đối với Nguyên Sa như ân sủng, như nguồn thương vô tận, với ngọt ngào môi hôn, với rung động tâm hồn, với quấn quít vòng tay, với dịu hiền hơi thở. Mỗi âm thanh ngôn ngữ trong thơ như một lời kể lể, một đắm đuối yêu thương. Tình yêu là chuyện muôn thuở, tình yêu bao giờ cũngvẫn thế
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Thơ NS tô đẹp thêm cho tuổi đời mới
lớn:
“Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mờ ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc…”

Đoạn thơ trên, Nguyên Sa đi rất gần Tế Hanh tác giả thi phẩm Hoa niên thời tiền chiến. Tuổi trẻ nào chả vậy, bước chân thứ nhất vào đời qua ngưỡng cửa nhớ mong, sầu mộng, qua “trời hải đảo”, “tóc bồng bềnh” với “lá gió trăm cây” với “mây trắng lênh đênh” để “lời ngỏ ý sẽ là kinh cầu nguyện”. Chiếc bong bóng tình yêu của thi sĩ thả lên trời cao để mặc cho gió đẩy đưa, mặc cho giông gió cuốn trôi trong nỗi bàng hoàng của biệt ly, thất bại:
Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đã đi rồi
Muôn vị hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi…
Tôi muốn hỏi thầm người rất nhẹ
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi?…”

Bài viết này, Bích Huyền xin phép được riêng kính tặng cô Thúy Nga, cựu GS trường nữ Nữ Trung học Trưng Vương Sàigon, phu nhân thi sĩ Nguyên Sa như một lời cảm ơn “Năm nào cô cũng nhớ đến đám học trò và cho Bich Huyền tham dự ngày tưởng niệm thầy”.

PHẠM BÍCH HUYỀN

Lối Cũ Chẳng Sao Quên

phambichhuyen

Gửi các bạn đọc lại bài này, những hệ lụy sau ngày 30 tháng 4, 75, riêng với cá nhân gia đình Bích Huyền.

Tình trần khôn hàn gắn
Ðường trần quên lối cũ
Người đời xa cách mãi thương lòng..
.
(Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay – Ðoàn Chuẩn-Từ Linh)
*** Vĩnh Phú, địa danh tôi muốn quên mà không thể nào quên. Trong suốt hơn mười năm qua và trong cả cuộc đời . K1, K2, K3, K4…những chữ số ký hiệu kinh hoàng. Của tôi. Của những người tù và gia đình họ. Ở rồi, đến rồi, đi rồi…mấy ai muốn quay trở lại? Vậy mà hôm nay tôi vẫn phải trở về đây. Cảnh vật không khác xưa là bao nhiêu dù thời gian trôi qua bốn năm rồi…

Những khẩu hiệu:”Chào mừng thành công Ðại Hội Ðảng 5″ ,”Ðảng Cộng sản Việt Nam – Người lãnh đạo tài tình”, “Ðảng Cộng sản Việt Nam muôn năm…” lem luốc màu đỏ vì nước mưa, chảy dài xuống như những dòng nước mắt pha máu ngoằn ngoèo trên từng bờ tường loang lổ, cũ kỹ. Ngay phía dưới lại có hàng chữ mang tính “pháp lệnh” bằng những lời thô tục “Cấm ỉa đái” . Có cả những nét chữ nguệch ngoạc chửi thề. Hình như không một ai để ý.

Ở cái ga xép èo uột gần tận cùng của đất nước này, những con người lam lũ, ngác ngơ, còn đang loay hoay với ký trà, bao gạo, rổ rá nhựa, nồi niêu xoong chảo, xấp vải Chợ Lớn hoa xanh, hoa đỏ…Che che, giấu giấu, tránh con mắt dòm ngó của bọn Công an kinh tế. Chính sách của Ðảng đổi mới rồi, tự do buôn bán nhưng người dân lại khổ vì sưu cao thuế nặng.

Theo lời chỉ dẫn, chúng tôi không đến trại Tân Lập bằng đường sông nữa.
Ðạp xe trên bờ đê. Dắt xe đi bộ qua bãi cát lổn nhổn những vỏ sò, vỏ ốc. Băng ngang qua những thửa ruộng khô cằn của vùng đất miền trung du. Cái hình ảnh “quê em miền trung du, đồng chiêm lúa xanh rì…”của một thời hoàng kim nào xa lắm, nay ở đâu? Giặc tràn về đốt phá thôn làng. Gia đình ly tán. “Vườn không nhà trống tàn hoang” còn trong trí óc non nớt của tuổi thơ tôi. Giờ đây, giặc nào đã làm cho miền Bắc điêu tàn?

Ðảng Cộng Sản Việt Nam, đỉnh cao của trí tuệ loài người! Ôi, mỉa mai thay những khẩu hiệu kêu to như những chiếc thùng rỗng! Ðảng lãnh đạo tài tình làm sao để bao nhiêu năm đời ta có Ðảng, bấy nhiêu năm Ðảng phá nát tan? Ðể những người dân quê hiền hoà cởi mở trở nên ngu ngơ câm lặng đến thế kia sao?

Dân cư ở đây rất thưa thớt. Họ sống trong những mái nhà lụp xụp, vách đất, mái tranh. Mảnh vườn. Rào thưa. Khoảng sân đất. Giếng nước. Chiếc gầu..tất cả đều quá nhỏ bé, trơ trụi, xa lạ. Trẻ con gầy còm, ốm yếu. Quần đùi vá víu miếng nọ miếng kia. Cởi trần, ngồi nghịch đất. Không tiếng nô đùa. Không tiếng hát. Không tiếng nhạc của máy thu thanh. Không cả tiếng chim hót. Như một vùng đất chết.

Ba người anh cùng đi với tôi chuyến này đều là những thanh niên đầy nhiệt huyết của hơn ba mươi năm về trước. Thoát ly gia đình, mang tuổi trẻ của mình cống hiến cho đất nước . Ðể rồi khi biết mình bị lừa thì đã muộn. Cũng dòng sông Lô nắng vàng lấp lánh nhưng còn đâu tiếng hát rộn ràng? Cũng con đê này của những buổi chiều vai đeo ba lô từ chiến khu về, rầm rập bước chân.

Trong không gian, hồi chuông ngân nga trong chiều thu lộng gió, ba người anh tôi ôn lại một vài kỷ niệm xưa. Tiếc nuối. Tôi làm các anh tỉnh giấc mơ:”Phải chi ngày ấy các anh không đi theo phong trào Thanh Niên Cứu Quốc thì nay em đâu phải đi bốc mộ chồng ở một nơi đèo heo hút gió này!” Ba người anh im lặng. Họ như muốn quên đi những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. Yêu tự do. Yêu tổ quốc. Ðánh đuổi giặc Pháp ra khỏi đất nước . Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ngày trở về giải phóng thủ đô Hà Nội. Những người bộ độ với tuổi hai mươi. Trẻ trung. Học thức. Hà Nội như đã bừng lên một sức sống mới.

Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Hà Nội tưng bừng tiếng hát. Không bao lâu, những cuộc đấu tố dã man diễn ra khắp nơi. Ông bác tôi bị đấu tố, dù có năm người con đi kháng chiến. Nghe tin dữ, các anh về quê xin Ðảng khoan hồng. Không những không tha, họ còn xúi giục các anh tôi: phải giác ngộ cách mạng, phải đứng vào hàng ngũ nhân dân, cùng vạch tội, chỉ tên địa chủ cường hào ác bá. Ông bác tôi bị tù. Khổ sai lao động. Thất vọng, đớn đau nhìn bố vác cây, đào đất, khiêng đá, trộn hồ…Những người tù già này làm việc suốt ngày đêm để đạt chỉ tiêu biến khu đất hoang quanh hồ Bảy Mẫu, Hà Nội, thành một công viên mang tên Thống Nhất. Ðến thập niên 1980 đổi thành công viên Lê Nin.

Cũng vì sự khổ nhục của người bác thân yêu mà bao lần ra Hà Nội là bấy nhiêu lần tôi không đặt chân vào công viên này. Cũng như tôi đã không đến vui chơi khu K4 Long Khánh, một địa điểm du lịch mới lạ của miền Nam. Vì nơi đây được tạo nên bởi những bàn tay của cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bị Cộng sản tù đầy, hành hạ.

Các anh tôi, vài năm đầu “Sài Gòn giải phóng”, vì đường lối của Ðảng, hay vì muốn các em của mình ở miền Nam sớm “giác ngộ” để hoà nhập ngay với cuộc sống mới, đã có những lần tranh luận. Bao giờ cũng trở thành lớn tiếng cãi nhau. Tôi đã làm các anh nhức đầu không ít. Lần cuối cùng, tôi không cãi lại các anh nữa. “Ðảng đã cho các anh tôi sáng mắt sáng lòng”. Ðó là một lần anh nói với tôi:”Người em không yêu làm em khổ, em đâu có đau bằng anh? Anh đã yêu, anh đã dâng hiến cả cuộc đời mà ngày nay anh bị phụ bạc, anh bị lừa dối…”. Một anh khác:”Viên gạch đã trót để vào xây tường, giờ có rút ra cũng bị vỡ tan. Thôi em ạ, không còn con đường nào khác!” Trên con đê này, giữa khung cảnh hoang vắng của buổi chiều trung du, bốn anh em đi bên nhau. Thương cho thân mình. Thương cho các anh. Lý tưởng sụp đổ tan tành. Ngày mai đen tối.

Trời chạng vạng. Tôi đã bắt đầu đi những bước thấp bước cao. Quãng đường này làm tôi nhớ lại những lần vượt biên. Xuống ghe tại Nhà Bè khi thành phố còn chìm trong màn đêm. Lên bờ đi bộ băng qua bao nhiêu là thửa ruộng. Vấp ngã bao lần mà không cảm thấy đau đớn vì thần kinh đang trong tình trạng căng thẳng: hồi hộp, lo sợ.

Lần này trên cánh đồng: mệt mỏi, chán chường…
Cũng phải vài giờ nữa mới tới trụ sở Ban Chỉ Huy. Tiếng dế nỉ non. Xa xa ánh đèn leo lét. Cố lê bước tới đó để xin ngủ nhờ qua đêm. Nhìn một căn nhà tương đối khang trang, chúng tôi vào gặp chủ nhà xin ngủ đỡ ngoài mái hiên. Nhưng cũng bị từ chối. Ðang lo lắng không biết tôi có đủ sức đi tiếp hay không, thì như có phép lạ, một người đàn bà gánh lúa từ xa đi tới. Bà ta dừng lại:”Các bác tìm nhà ai thế?” Khi biết ý, bà ta mời chúng tôi về nhà. Bốn anh em mừng rỡ như người sắp chết đuối vớ được chiếc phao. Dù gánh lúa nặng trĩu trên vai, bà ta vẫn bước đi thoăn thoắt. Trong khi tôi lẽo đẽo theo sau.

Khi bà đẩy cánh cổng tre, bóng tối làm tôi không thể nhìn rõ một người đàn ông đang xếp lúa ngay đầu nhà. Ông ta không quay lại và cũng không lên tiếng đáp lại lời chào của các anh tôi. Trước thái độ lạnh nhạt đó, chúng tôi hơi e ngại. Trong lòng vẫn mừng thầm không bị đuổi ra.

Một gian nhà ba gian bằng tre sơ sài nhưng gọn ghẽ. Nhìn cách trang trí nhà cửa, nhìn bức tượng Chúa nho nhỏ trên bàn thờ cao, tôi có thể đoán chủ nhân không phải là người quê mùa. Tôi ôm bộ quần áo ra giếng. Những giọt nước mát lạnh làm tôi tỉnh táo lại. Trăng bắt đầu lên. Tôi đã nhìn rõ khung cảnh chung quanh. Mảnh sân hình chữ nhật. Khu vườn nhỏ. Chái bếp cuối sân. Ánh lửa bập bùng. Hàng cây cau vươn cao đón ánh trăng. Tôi liên tưởng tới hàng cau của khu vườn trước nhà tôi ở quê hương. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường trèo lên nhanh như một chú mèo con để hái quả cau cho mẹ tôi têm trầu đãi khách. Trong không gian thoang thoảng mùi hương hoa thiên lý. Âm thanh tiếng đàn mandoline bản Valse Favorite vui tươi, tiếng hát chan chứa tình quê “Làng tôi xanh bóng tre. Hồn lắng tiếng chuông ngân. Tiếng chuông nhà thờ rung…” chợt khua động trong tôi ngày tháng êm đềm thời thơ ấu.

Tôi thở thật sâu để nén xúc cảm. Ðêm yên lặng. Ðêm mờ ảo. Tất cả đều rất mong manh. Một tiếng động nhỏ cũng đủ làm tan vỡ giấc mơ xưa thoáng đến với tôi, đưa tôi về thực tại. Tôi phải vào nhà để bàn chuyện ngày mai.

Tiếng cười nói làm tôi ngạc nhiên. Ông chủ nhà cùng ba anh tôi đang vui vẻ quây quần bên khay trà bốc khói. Thấy tôi vào, ông kéo ghế trịnh trọng mời ngồi. Tôi còn đang ngơ ngác trước thái độ thay đổi nhanh chóng thì một anh đã giải thích: “Ban đầu ông Tuyển tưởng anh em mình đi thăm nuôi tù. Bây giờ ở đây có tù hình sự (những thanh thiếu niên can tội cướp của giết người ). Tù chính trị chuyển đi từ lâu rồi. Một số về trại Hà Nam Ninh. Ða số vào Nam.”

Ông Tuyển đặt ly trà thơm phức trước mặt tôi: “Ðược biết cô về đây bốc mộ cho chồng, chúng tôi vô cùng cảm kích. Gia đình chúng tôi xin hết sức giúp đỡ cô và các ông anh đây.”

Vầng trán cao. Khuôn mặt chữ điền. Cách nói chuyện lưu loát cùng dáng điệu từ tốn, cử chỉ lịch sự, chứng tỏ ông Tuyển là một người có một số vốn kiến thức về học vấn cũng như về xã hội. Ông cho biết có một người anh là linh mục trong một ngôi nhà thờ vùng đất đỏ Long Khánh.

Ông Tuyển đã sắp xếp chỗ ngủ cho chúng tôi. Ðể khách được tự do, ông Tuyển dặn dò vợ con và đi vào thôn tìm người quen chuyên việc cải táng.

Gian phòng khách rộng, sơ sài nhưng ngăn nắp. Giường tre, bàn gỗ mộc mạc, thô kệch, được hình thành có lẽ do bàn tay của chủ nhà. Tượng Chúa và tượng Ðức Mẹ trên cao là một hình ảnh cảm động hiếm có trong những ngôi nhà tại miền Bắc. Theo như lời ông Tuyển, đời sống gia đình ông bắt đầu khá hơn kể từ khi hợp tác xã nhà nước tan vỡ. Lối làm ăn tập thể nhường lại cho lối khoán sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn phải nộp đủ cho nhà nước , cả nhà xúm nhau cày cấy mới có gạo ăn.

Dưới nhà ngang, các con ông bà Tuyển đang đập lúa, giã gạo, sàng sẩy…Mọi người chăm chú làm việc, không tò mò để ý khách phương xa. Tôi mệt mỏi nằm thiếp đi trong chốc lát.

Khi tôi tỉnh dậy, trăng đã lên cao. Ông Tuyển vừa về tới. Tay cầm hai chai rượu và một bó hoa tươi. Ông cho biết đã tìm được một người rất thành thạo trong việc bốc mộ. Chai rượu này để rửa hài cốt. Tìm mua được rượu ở miền núi không phải là chuyện dễ dàng.

Bà Tuyển bưng mâm cơm từ nhà bếp lên. Chúng tôi trải chiếu ngoài hiên, ngồi ăn cơm dưới ánh trăng. Ðĩa thịt gà luộc thơm mùi lá chanh thái chỉ rắc lên trên. Tô canh rau “tập tàng”- đủ mọi loại rau hái ngoài vườn – mát ngọt. Tôi không ngờ anh em chúng tôi được đối xử như một thượng khách ở nơi đây. Thế mới biết ở một nơi tưởng chừng như không có, ta vẫn tìm thấy một tấm lòng.

Qua một đêm ngủ với nhiều mộng mị, sáng sớm hôm sau, tôi và các anh đến Bộ Chỉ Huy. Có quãng đường đi được bằng xe đạp. Có quãng đường đá lởm chởm phải dắt bộ. Chỉ huy trại là người mới. Không phải Thiếu Tá Nguyễn Huy Thùy tôi gặp lần trước. Hắn vồn vã thái quá, khiến tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Hắn kể chuyện, có một người nước ngoài, cách đây không lâu, về đây bốc mộ bố. Cầm bình hài cốt lên xe, xe không nổ máy. Gọi xe ngựa đến kéo, con ngựa nhảy quớ lên không chịu chạy.

Nhìn hắn ba hoa, ngồi bỏ cả hai chân lên ghế, tôi hơi khó chịu. Nhất là cặp mắt hắn thỉnh thoảng lại nhìn vào mấy bao thuốc là “555” anh tôi mang đến làm quà. “Ba con năm vừa nằm vừa ký”, cho nên bọn tôi mới được chấp thuận một cách dễ dàng.

Những chuyện hắn nói có thể xảy ra ở đâu, hắn nghe được. Hắn muốn nói đến đời sống tâm linh. Anh em tôi thì có rất ít thời gian. Cũng có thể sau một thời gian quá dài bị đè nén, những con người triệt để chống chủ nghĩa duy tâm ngày nay bắt đầu duy tâm hơn ai hết.

Xe Volga cọc cạch chở chúng tôi đi lên ngọn đồi, nơi an nghỉ của những quân nhân chế độ cũ. Ít ra từ ngày Việt Cộng muốn bang giao với Mỹ, đã có lúc họ bỏ được từ ngữ “ngụy quân ngụy quyền”. Nhưng tiếc tay những tên gọi này vẫn là vết hằn trong lòng người Việt.

Tôi ngồi đợi trong một căn nhà nhỏ dựng sơ sài bằng tre nứa. Nền đất lồi lõm. Trên vách nhỏ treo đủ thứ khẩu hiệu, kế hoạch công tác hàng tháng, tuần… Hình ảnh các lãnh tụ Cộng Sản thế giới và trong nước quá khổ so với bức vách, treo xộc xệch như sắp rơi. Ðây là nơi làm việc của toán công an canh gác.

Cách đây bốn năm, khi tôi đến nơi đây nhận mộ chồng, cảnh vật chung quanh gọn ghẽ hơn. Hàng ngày còn có bàn tay bạn tù săn sóc. Giờ đây cỏ cây, dây leo chằng chịt, không nhìn thấy lối đi. Hơn một giờ đồng hồ trôi qua, tên công an cầm bản đồ nghĩa trang và các anh tôi trở lại trụ sở với gương mặt thất vọng. Không tìm thấy mộ vì cỏ cây che lấp cả một vùng rộng lớn. Tim tôi như muốn ngừng lại. Chẳng lẽ lại về không?

Tôi xin mọi người hãy cho tôi đến tìm. Tôi thầm cầu nguyện cũng như ở Sài Gòn, mẹ tôi và các em tôi đã cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được tốt đẹp.

Kỳ lạ thay! Tôi chỉ vạch lá chui vào đúng một quãng ngắn là tìm ra mộ. Tôi reo to lên. Các anh tôi đứng ngoài không tin. Ngôi mộ có hai bia đá. Tôi lầm thế nào được. Một tấm bia tôi mang từ Hà Nội lên. Một tấm bia nữa của anh em bạn tù đẽo gọt bằng tay. Nét chữ khắc vào đá mờ đi vì rêu phủ.

Trong khi người thợ cải táng chặt cây cối chung quanh, tôi thắp nhang lui cui cắm trên từng ngôi mộ. Ðêm mưa, cỏ ướt, ngửi thấy có hơi người, những con vắt nhảy ra, bám lấy chúng tôi. Máu chảy ròng ròng. Tôi muốn ngất người đi vì sợ. Cây cối quang dần. Dầu nóng tôi bôi đầy mặt, mũi, chân, tay, khiến những chú dế bé xíu cũng không dám nhảy ra đột kích nữa.

Một ít trái cây mua vội dọc đường, bó hoa ông Tuyển mua dùm, chúng tôi chỉ có những tấm lòng thành trước linh hồn người đã khuất. Người anh lớn nhất của tôi khấn thật lâu. Những cây nhang cháy rất nhanh, tàn cong vòng…khói nhang thơm toả ngát. Nhát cuốc đầu tiên bổ xuống đất, lòng tôi đau buốt. Tiếng cuốc, xẻng đều đều vang vọng giữa miền rừng núi hoang vu. Từng tảng đất bật lên, tâm hồn tôi như vỡ vụn. Cho tới lúc lưỡi cuốc đụng vào quan tài. Tôi hồi hộp. Các anh tôi nôn nóng.

Khi tôi ra đến Hà Nội, các bậc lão thành có trấn an:”Ðất miền núi khô ráo, xương cốt lâu ngày sẽ tan đi. Phải chuẩn bị tinh thần: có thể đứng trước một cái hòm chỉ có đầy cát bụi!”

Thế cho nên khi những nhát búa đầu tiên bổ xuống để nạy nắp quan tài, tôi cứ giật thót mình. Một cảm giác đớn đau như lần đầu tiên nghe thấy tiếng đóng đinh vào quan tài bố tôi lúc liệm quan…

Gỗ áo quan dầy và chắc. Khi chiếc nắp bật lên, tôi lạnh người: chiếc chăn len màu đỏ! Suốt đêm qua, người anh lớn của tôi cứ chợp mắt là nằm mơ thấy xác chồng tôi quấn bằng mảnh vải màu đỏ. Gương mặt các anh tôi xúc động. Bóc lượt chăn len ra là quần áo. Hết lớp áo này đến lớp quần khác. Bàn bè đã dồn tất cả cho người chết mang đi. Nước mắt tôi ràn rụa. Màu xanh lá cây đậm của chiếc áo len mẹ tôi mua tặng, gửi trong năm ký lô quà đầu tiên ra Bắc. Chiếc sơ-mi trắng ngà có từng sợi chỉ xanh xanh, hồng nhạt, mang về Sài Gòn sau chuyến du học tại Mỹ năm 1971. Chai dầu gió, đôi giày ba ta…tất cả tôi đã tự tay xếp vào ba lô trước ngày anh đi trình diện “học tập cải tạo”.

Không còn lầm được. Không còn ảo tưởng:”Ðã trốn trại, còn đang ẩn trốn tại một nơi nào.” Tôi mất anh thật rồi! Thế là hết. Tôi khóc nức lên. Trời như nổi gió. Cỏ cây chao đảo. Ðồi núi quay cuồng. Quanh tôi cảnh vật mờ đi…

Lâu lắm, khi tôi tỉnh dậy, đống tro tàn của áo quần vừa đốt còn âm ỉ cháy. Trong một cái sanh to bằng gang dùng thổi cơm cho trại tù đã gẫy tay cầm, các anh tôi đã đổ bột nhang thơm với rượu trắng để ngâm xương cốt. Người thợ cải táng cùng các anh tôi quấn giấy bao từng lóng xương, đặt từng mảnh vào trong nhiều túi ni-lông …

Không gian mênh mông yên lặng. Tôi lặng lẽ theo các anh tôi bước nhanh cho kịp chuyến đò cuối cùng…

(Chuyến bốc mộ vào năm 1985)
Trích tập truyện Lối Cũ Chẳng Sao Quên (The Trail I Never Forget)

Bích Huyền

Mùa xuân nói về Hoa trong nhạc và thơ

phambichhuyen

Trong kho tàng ca dao của dân tộc Việt, có biết bao nhiêu câu thơ trữ tình đầy hoa và nhạc.

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đi lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay

Mấy câu ca dao ấy như dắt chúng ta trở lại cái thuở quê hương còn đẹp như thần thoại.
Hoa tầm xuân nở ra xanh biếc khắp mọi nơi. Tình là một bài thơ dù có kết thúc ở chỗ không biết đâu mà gỡ nhưng cũng không làm ai lo sợ. Người ta còn ước ao được sống trong đời như thế một lần.
Những sợi dây tơ hồng vấn vương ấy có thể leo mọc từ ca dao, qua thơ qua nhạc rồi cứ vươn dài ra buộc lấy người ta.

Một dân tộc được sinh ra trong một cuộc tình dài như thế, đẹp như thế, sống với nhau bằng tình sâu nghĩa nặng như thế, mà sao cứ mãi lận đận?

Hoa tự ngàn xưa hoa đẹp. Hoa tô điểm cho đời những sắc màu tuyệt diệu. Hoa thay cho lời nói yêu thương.
Tôi chợt nhớ đến lời tỏ tình của anh dành cho tôi một ngày xưa xa lắm…. Nước mắt tôi nhòa nhạt nhưng câu thơ vẫn rõ rệt vì tôi đã từng thuộc, từng yêu từ khi chưa …“gặp lại” anh.
Hồn anh như bông cỏ may
một chiều cả gió bám đầy áo em
(Bông Cỏ May, Nguyễn Bính)

Tôi, giản dị, yêu những gì tự nhiên, trong sáng.
Tôi rất yêu loài hoa cỏ dại. Mỗi lần bắt gặp những bông hoa nhỏ xíu màu vàng, màu lam tím tôi cứ bâng khuâng mãi. Hoa cỏ may đẹp, mong manh , óng ánh dưới ánh nắng mặt trời.
Tôi có một người bạn, anh cũng yêu loài hoa này và từng muốn đổi chữ “cả” thành chữ “lộng” nghe thơ hơn, mênh mang hơn. Nhưng theo tôi, ông nhà thơ Nguyễn Bính đã được gọi là nhà thơ chân quê thì chữ “cả” bỏ đi, câu thơ ấy sẽ không còn là thơ Nguyễn Bính nữa, mà là thơ…của anh (dành cho một người nào đó…).

Cũng có nhiều người gần gũi với hoa cỏ may như nhà thơ Xuân Quỳnh, tôi đã có lần đọc trên đài :

Cát vắng, sông đầy, cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu

Màu trắng bay đi cùng với gió
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ
Đắng cay gửi lại bao mùa cũ
Thơ viết đôi dòng theo gió xa

Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may
Áo em sơ ý cỏ găm đầy
Lời yêu mỏng mảnh như màu khói
Ai biết lòng anh có đổi thay?

Tôi còn nhớ mãi khi Quỳnh Lưu cùng cộng tác với tôi trong một chương trình phát thanh cách đây đã mười lăm năm. Thấy nguyên một bài soạn chỉ nói về hoa cỏ may, Quỳnh Lưu…nản quá và cô nàng bỏ cả một buổi tối soạn thêm nhiều loài hoa khác.
Hoa bày tỏ tình yêu. Hoa thầm kín hẹn hò. Hoa thay lời bằng hữu. Hoa rực tươi ngày cưới. Hoa nhỏ lệ ngày tang. Hoa úa màu tình phụ. Hoa e ấp đợi chờ…
Ôi, làm sao đời sống con người có thể thiếu những đóa hoa?

Bích Huyền

Vườn nhà, một cõi thiên nhiên riêng

phambichhuyen

Một trong những vẻ đẹp, vẻ dễ thương của căn nhà ở xứ Mỹ này là, dù lớn hay nhỏ, cũng được người ta thiết kế sao đó, để mỗi nhà đều có thể có được một chút vườn.

Vườn ở đằng trước, đằng sau hay bên hông nhà.

Vườn rộng người ta trồng thêm cây ăn trái. Cam, quýt, nhãn, ổi…Có lẽ đất đai Hoa Kỳ màu mỡ nên sai trái mỗi mùa, cho đi không hết! Lại phải thuê Mễ đến dọn dẹp đổ đi. Vườn nhỏ thì chỉ có cỏ và hoa thôi. Đối với gia đình có người già, vườn là chỗ tiêu hao ngày tháng rất tốt, lành mạnh.
Ở quận Cam, nhất là khu Little Saigon, thuộc thành phố Westminter hay Garden Grove thì không nói đến, vì nhà nào gần như cũng là người Việt . Nhưng nếu đi xa xa một chút sang thành phố khác, quận khác, thì chỉ cần nhìn thấy thấp thoáng những cây trồng trong vườn hay trước hiên nhà , người ta có thể đoán mà không sợ lầm rằng, chủ nhân là người Việt Nam: một giàn mướp, một bụi chuối, một khóm tre, một cây mận, một cây ngọc lan chẳng hạn.

Người ta cố thu nhỏ quê hương vào trong những hình ảnh bé nhỏ đó cho vơi lòng thương nhớ. ***

Vườn còn là cõi thiên nhiên riêng của người ta nữa.

Thiên nhiên ở ngoài đường, ngoài phố là thiên nhiên chung.
Khi về nhà, bước ra vườn của mình, người ta có cái cảm tưởng nhẹ nhàng, đó chính là chút thiên nhiên của riêng mình. Có đủ cả trời mây hoa lá. Có rào vách ngăn chia cách với láng giềng.

Mấy hôm nay trời mưa, lại thêm người không được khỏe, hay rõi mắt ra ngoài nhìn ngắm cây cối trong vườn. Dù khu vườn không đẹp nhưng tôi vẫn yêu vì đa số cây cối trong vườn là do chính bàn tay tôi trồng khi cây còn bé xíu.
Một trong những cây đào hôm nay hoa vẫn còn tươi thắm. Bao giờ cây đào cho hoa màu đỏ này cũng nở muộn. Năm nay nở càng muộn hơn, đến nỗi tôi tưởng cây đã chết rồi. Tính ra Giêng thuê ông Mễ đào bỏ đi.
Không ngờ có một hôm đứng bên cửa sổ trên lầu, nhìn thấy duy nhất có một nụ hoa nở. Mừng quá! Như vậy là cây vẫn còn mầm sống. Mấy hôm sau lác đác thêm một hai bông…Và cứ thế mà cây nở đầy hoa. Hôm nay còn tươi thắm. Mưa làm rụng bao cánh hoa, gió vun vào thành một khối màu xác pháo trên nền sân trải xi măng.

Mỗi khi ra vườn, hay chỉ đứng nơi cửa sổ nhìn ra lòng tôi bỗng thấy êm ả lạ thường.

Không gian ấy, nhìn từng gốc cây, chậu cảnh, tôi lại nhớ đến gương mặt những người thân thiết với nhau trong cuộc sống .

Nào những cây chanh, một của Minh Phượng- Việt Dzũng đài Radio Bolsa cho khi anh chị em trong đài đến mừng tổ ấm của AnhTú- Uyển Diễm.
Một cây nữa là loại chanh Thái Lan, lá rất thơm của Trần Vũ Bách, kỹ sư Boing. Bách vừa là một nhiếp ảnh gia tài tử, lại có tài nấu nướng. Bách đã từng đến phòng thu thanh giờ tôi làm việc và ghi lại cho tôi nhiều hình ảnh rất tự nhiên và nghệ thuật. (trong đó có bức hình profile, tôi để trên trang FB). Cây chanh của Bách cho, mỗi lần nấu canh chua Thái, Uyển Diễm thường hái một vài lá thả vào, là nồi canh dậy mùi thơm lừng.

Nào cành hồng cắt tại khu vườn nhà cũ của Quỳnh Lưu. Chậu lan chị Hồng Vũ Lan Nhi cho ngày họp mặt các anh chị em trong Diễn Đàn Trưng Vương trên Việt Báo Online cách đây nhiều năm. Các anh chị em bạn văn đã bầu tôi làm Trưởng nhón sinh hoạt. Chậu lan lá đã héo tàn nhưng mỗi năm hoa vẫn nở. Những ngày ấy thật vui, chúng tôi hàng ngày gặp nhau trên Diễn đàn Phố Rùm Việt Báo Online. Mỗi ngày cùng trao đổi thơ văn, to nhỏ đủ thứ chuyện trong cuộc sống. Rồi có khi hẹn hò, gặp gỡ cả các bạn trong Diễn đàn Gia Long, Sương Nguyệt Anh tại nhà tôi, nhà chị Hồng Vũ Lan Nhi …

Những gương mặt thương mến ấy, bây giờ ở đâu? Hay vẫn ở quanh đây, nhưng rất ít khi gặp lại. Không biết có ai còn nhớ tới những tháng ngày vui năm cũ?

Chậu cây sống đời mỗi năm lại cho tôi những chùm hoa vàng nho nhỏ rất dễ thương, chị Minh Chúc, đàn chị Trưng Vương của tôi đã cho khi tôi mới dọn đến căn nhà này. Cây sống đời cho hoa màu đỏ là của chị Nguyệt Điện, chủ nhân một tiệm may áo dài tại Little Saigon. Mỗi lần cần có áo mặc để phù hợp với bài nói chuyện trên sân khấu, chị sốt sắng may trong vòng có một ngày cho tôi chiếc áo thướt tha .

Nào những chậu quỳnh, cành giao và những cây hoa cỏ nở quanh năm những bông hoa năm cánh màu hồng dễ thương duyên dáng của chị Dung Lê Đình Điểu tặng từ ngày đầu tiên dọn đến căn nhà mới , gần mười lăm năm về trước. Chị Dung tôi rất thích làm vườn, gần như bao nhiêu giờ rảnh trong ngày, chị đã dành cho việc chăm sóc từng cành cây, gốc hoa, ngọn cỏ trong khu vườn nhỏ của ngôi nhà kỷ niệm cuả anh chị &các con , từ hàng chục năm nay. Mỗi lần đến nhà tôi chơi hay ghé đài Radio Bolsa, chị đều mang theo một lọ hoa thuỷ tinh nhỏ và dài với hoa lá vườn nhà, cho tôi và tặng đài một bình thuỷ tinh trong suốt, nho nhỏ, thanh thanh…

Những cây chị cho tôi đều là những loại cây trồng trong vườn nhà ở quê hương Duyên Hà, tình Thái Bình xa xưa. Như quất, lựu năm nào cũng sai trái. Cây mang hình bóng tuổi thơ của chúng tôi. Hai chị em san sát tuổi nhau, lại là con gái nên quấn quýt bên nhau, thường thơ thẩn dạo chơi khắp bốn khu vườn bao quanh ngôi biệt thự rộng lớn ở huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình.
Cây lan, chậu cúc Đại Dương, Hùng Cường tặng mỗi năm cò đó. Tết năm nào cũng rực rỡ hoa vàng. Chưa kể vô vàn những bông hoa dạ lý hương màu trắng từ hai bên hàng xóm lặng lẽ leo sang tỏa hương thơm nhẹ ….

Cao nhất là bốn cây đào. Ba cây hoa màu hồng từ vuờn nhà Đặng Trần Hoa, nhân viên phát hành kỳ cựu của nhật báo Người Việt. Gia đình Hoa có một cuộc sống đạo đức , rất giản dị. Vợ là Nguyễn Thị Am, cùng học Trưng Vương, nhưng có lẽ khi tôi rời trường, Am mới vào đệ thất. Hai người chăm sóc dạy dỗ các con thành công nơi xứ người.
Giờ đây chỉ có thú vui cùng cỏ cây hoa lá vườn nhà.

Tôi nhớ mãi bát canh tôm hoa thiên lý, bát canh rau sắng (từ chùa Hương mang về trồng), Đặng Trần Hoa đã mang tới đài cho tôi và buổi trưa khi trời Cali nắng hè chói chang…
Bát canh ngọt lịm tình quê, tình người.

Vợ chồng Đặng Trần Hoa là một người có tấm lòng nhân hậu luôn quan tâm đến những người chung quanh kém may mắn và tận tình giúp đỡ trong khả năng, bất cứ lúc nào.

Nhớ lại ngày mới sang Mỹ, tôi phải làm việc nhiều nơi để cuối tháng mới có thể gom lại trang trải tiền ăn ở (thuê một căn phòng nhỏ cho hai mẹ con), để dành tiền mua một chiếc xe cũ cho Uyển Diễm, sau một năm đủ 16 tuổi có thể tự lái đi học. Tôi đã làm việc miệt mài, bất cứ giờ giấc nào.Tối về viết cho báo Người Việt khoảng. Cộng tác phụ trách mục Sinh hoạt Cộng đồng. Công việc này có lẽ là công việc tôi yêu nhất vì đúng với khả năng của mình. Ghi lại được những cảm xúc nơi vùng đất mới cùng hồi tưởng lại quãng đời đã qua ở Việt Nam. Được độc giả đón nhận, chờ xem. Và được yêu
thương.

Ngòi bút của tôi hướng về những gia đình HO khốn khó. Khi đó chương trình trao trả tù nhân chính trị được tiến hành và di cư ào ạt. Những hội đoàn cựu tù nhân chính trị làm việc không xuể.

Với kinh nghiệm của một người đi trước, với ngòi bút trong tay, với diễn đàn Nhật báo Người Việt dành cho hàng ngày, -lại trả nhuận bút hàng tháng vài trăm đồng- tôi đã lo ổn định đời sống cho những gia đình mới đến định cư.

Đặng Trần Hoa đã mượn xe phát hành báo để chở giường, xe đạp, tủ lạnh cũ, quần áo, nồi niêu, chén bát …mà độc giả của tôi cho ( báo Người Viêt đã dành phòng hội của tòa báo để cho đồng bào mang tới). Nhiều đến nỗi Nhóm HO chúng tôi, phải thay phiên nhau làm việc mỗi ngày. Phân phối tới những gia đình mới tới. Đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh không may, chết người vì những tai nạn thảm khốc: như nổ bình ga khi nấu bánh chưng, đi xe đạp lái vào đường exit, hay tự tử vì quá cô đơn không thích nghi với cuộc sống mới v..v…).
Thư từ, tiền bạc chia xẻ gửi về cho tôi ào ạt… Đêm nào hai mẹ con cũng thức thật khuya ghi chép, tổng kêế kịp thời,eđể sáng hôm sau trên đường đi làm tôi ghé vào tòa soạn đưa bài, để kịp in báo ngày mai.
Nếu thuở đó có Internet , tôi sẽ đỡ vất vả biết bao!

Trong khi tôi cũng như anh chị em HO cùng chung lòng chung sức làm công việc thiện nguyện, chúng tôi nhận được biết bao lời khích lệ của những người đi trước. Thư cảm ơn HO chúng tôi đã mang đến không khí thương yêu ấm áp trong cộng đồng: “ Không có những bài viết của Bích Huyền, của anh em HO làm sao chúng tôi biết được những khó khăn ấy? Làm sao chúng tôi dám cho đồ đạc quần áo cũ? Ngòi bút của HO kéo mọi người đến gần nhau”…

Vậy mà sau đó thơ rơi gửi đi khắp nơi -kể cả nơi tôi đang làm việc- mạt sát tôi đủ điều, hạ cấp.
Tôi buồn vô cùng, con giá tôi khcó biết bao nhiêu! Nhưng đồng thời cũng được an ủi là nhiều người trong cộng đồng khích lệ, thương yêu, tin tưởng. Và họ có nói quăng những lá thư rơi ấy vào thùng rác. Ông anh rể tôi _Lê Đình Điểu -khi đó là Tổng Giám Đốc báo NV đã cười, trấn an tôi: “Ở đây, ai không làm việc gì mà bị chửi, bị thư rơi mới lạ. Làm nhiều việc hữu ích cho cộng đồng như “HO Bích Huyền như thế thì làm sao tránh khỏi! Thôi hãy quên đi. Cứ như thế mà sống nuôi, Uyển Diễm nên người!”

Cho đến ngày nay, niềm vui đôi khi vẫn đến với tôi, khi tôi chợt gặp những người xưa ấy, hay con cháu họ. “Tôi vẫn nhớ những cái chén, đôi đũa…cô mang tới chung cư” “Em vẫn nhớ cái chăn len màu hồng chọn trong đống đồ đạc, quần áo chồng chất trong phòng sinh hoạt nhật báo NV”…v….v…
Nghe thật ấm lòng nhau!
***

Trở lại mảnh vườn nhà,
Một cây nữa hoa màu thẫm hơn, hồng như xác pháo là của Xuyến, một trong những vị thính giả đầu tiên của tôi và Quỳnh Lưu. Quỳnh Lưu là con gái một chị đồng nghiệp dạy học với tôi từ Saigon. Khi mới sang Mỹ, tôi lại là cô giáo tư gia hàng ngày buổi chiều đến nhà dạy tiếng Việt hai cháu con của Quỳnh Lưu. Chúng t ôi có một chương trình trên đ ài VNTT kéo dài một giờ. VNTT là một trong hai hệ thống Radio Việt Nam đầu tiên, cất tiếng nói Việt Nam trên làn sóng quận Cam khoảng thập niên 1990.

Cứ chiều thứ bảy là thính giả báo tin cho nhau, chờ đợi gọi vào trò chuyện với chương trình Bích Huyền-Quỳnh Lưu Tâm Tình Với Nhau do chính thính giả đặt tên cho. Mỗi tuần một đề tài, xoay quanh những sự kiện xảy ra hàng ngày về đời sống gia đình, văn học, nghệ thuật, chính trị…Ngay cả vấn đề thời sự nóng bỏng nhất đang xảy ra chúng tôi cũng đề cập tới. Chẳng hạn như giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn trong cộng đồng. Vợ chồng chia rẽ, mẹ chồng nàng dâu, người già cô đơn bệnh tật…Thính giả cùng chúng tôi thay nhau đến thăm hỏi, tặng quà .
Xa hơn là cả ở VN, vấn đề giúp đỡ thương phế binh VNCH. Đã có vị thính giả cũng như Uyển Diễm về tận Saigon trao tận tay từng gia đình thương phế binh mà chúng tôi có danh sách.
Xuyến là người gửi vào đài cho chúng tôi hàng trăm. Khi đó giá trị đồng tiền còn lớn lắm. Xuyến cũng như rất nhiều thính giả tư tâm khác luôn tin cẩn và mang tiền đến đài giao cho chúng tôi.

Sau này Xuyến là mẹ vợ của Trường tức Họa Sĩ Excetra, chủ nhiệm báo Việt Weekly, một tờ báo trẻ ngày nào mưa gió chốn Bolsa. (vì dám nói thẳng, nói thật cho nên có nhiều người không thích. Nhưng tôi vẫn đến với các em).
Nay tờ báo cũng không còn nữa.

Cuối góc vườn là một cây hoa lồng đèn đỏ cũng từ vườn nhà Xuyến mang về. Lác đác những bông hoa nở bốn mùa trong nắng lung linh, rủ xuống rất dễ thương…

Còn nhiều loại cây giây leo, hai chậu cây liễu ;Tú, Uyển mua về trồng vẫn xanh tươi sức sống. Những loại cây leo giống lá phong, Mùa thu lá chuyển thành màu đỏ làm rực rỡ bức tường gỗ trắng. Ngay cả hai cây sung trời cho mọc tự nhiên trong một góc đầu nhà, cũng vươn cao xanh tốt.
Và mới đây thôi, một giây leo của loại cây tên gì không biết, khi cùng Tuyết Trinh đến thăm ngôi nhà mới của cô bạn Hà Thanh, tôi đã hái một giây mang về cắm xuống trồng hôm nay cũng đã cho tôi vài ba bông hoa màu hồng hé nở . Hoa nhỏ chỉ bằng 1/10 hoa nhà Hà Thanh thôi nhưng vẫn xinh đẹp vô cùng!

Khu vườn nhỏ trước nhà, có cây ổi từ khu vườn của anh chị Vinh-Dần, thông gia của thông gia của tôi, có năm ra trái rất thơm ngon. Và cây ngọc lan của chị Dung-Lê Đình Điểu, hoa nở gần như bốn mùa. Tôi thường hay hái một đĩa hoa trắng muốt ngát hương thơm đặt cúng trên bàn thờ. Đôi khi nhìn cây, tôi lại nhớ tới cây ngọc lan trong khoảng vườn nhỏ ngày xưa, trước nhà của gia đình tôi ở đường Hoàng Diệu, Khánh Hội.

Mẹ tôi hay ngắt một bông hoa cài lên búi tóc sau ót. Hoa tỏa hương thơm nhẹ. Ngày đó, các anh lớn ở mãi tận miền Bắc, còn anh Thế, chị Dung thì du học Mỹ. Cho nên, nơi đó mỗi buổi chiều mẹ tôi và tôi hay đứng trước thềm, thầm nhớ những thành viên gia đình ở xa. Hóng mát từ bến tàu thổi về. Ngọc Tâm cũng thường sang chơi nơi đó. Ngọc Tâm, cô bạn cùng trường cùng chung lối xóm nhỏ Đỗ Thành Nhân, sau này bà mẹ của NgọcTâm- mà gia đình tôi luôn trân trọng gọi là “Cụ Phủ”, vì ngày xưa ông cụ làm quan trong triều Nguyễn, cũng mua nhà trên con đường Hoàng Diệu. Chúng tôi có những năm dài thơ mộng của tuổi mới lớn bên nhau cho đến ngày nay. Cũng giống như tôi , Ngọc Tâm luôn có đàn con cháu luôn quấn quýt quây quần trong một mái nhà.

Cảm ơn những người thân yêu trong cuộc sống, cảm ơn cây cối vườn nhà đã thầm lặng mà cùng chung sống, dẫu biết rằng những thành viên trong ngôi nhà , như tôi, Tú và Uyển cùng hai bé cháu ngoại, chẳng có ai biết làm vườn và chăm sóc thường xuyên!

Vườn nhà tôi không đẹp bằng những khu vườn Việt Nam khác trên đất Mỹ nhưng tôi vẫn yêu vì những hình ảnh và tình cảm của biết bao nhiêu người thương mến dành cho.

***

Thi ca và âm nhạc của Việt Nam, của thế giới cũng không thiếu những người ca ngợi vườn. Tagore có tập thơ mang tên “Người Làm Vườn”. Catherine Mansfield có tập truyện ngắn nổi tiếng, được đặt tên có một chữ “Vườn” thôi. Những người yêu thơ Đường không ai lại không biết câu thơ tuyệt bút của Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” . Xin tạm dịch: Con thuyền lẻ loi buộc chặt hồn người với nơi vườn cũ bằng một sợi giây.

Có thể nói, thi sĩ của chúng ta , không một ai không nói về vườn trong thơ của mình. Hàn Mặt Tử viết:

Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Xuân Diệu thì lúc nào cũng như bị giục giã bởi thời gian:

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi
Tình thổi gió , màu yêu lên phất phới

Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến, tình yêu đi…ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa nay đã tuyệt dấu hài

Chưa ai bỏ công để đếm xem Nguyễn Bính đã bao nhiêu lần nhắc đến vườn trong thơ của ông. Nhưng chỉ đọc và chỉ nhớ thoáng qua thôi, người ta cũng biết ngay rằng, Nguyễn Bính là người yêu vườn hơn ai hết.

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh
Tôi đi gian díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình

Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa là nay Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mươi lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê

Xóm chị em Nhi ở, mấy nhà
Bến đò đông vắng, chợ gần xa
Nhà Nhi thuê, có vườn không nhỉ
Vườn có giồng cam, có nở hoa?

***

Tôi nhớ có một chương trình thơ nhạc trên đài VOA vào những năm tháng đầu tiên thập niên1990, có nói về cảm nhận mảnh vườn xưa của Tế Hanh, sau đó nhận được nhiều thư của thính giả cao niên từ Việt Nam chung tiền bưu phí gửi sang Mỹ :

Vườn Xưa

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?

Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.

Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em ngước nhìn vòm cây gió thổi
Lá như môi khẽ gọi anh về.

Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa…

***
Theo một tài liệu, bài thơ Vườn Xưa của Tế Hanh bị cán bộ Văn hóa và ông Tố Hữu phê bình gay gắt, thu hồi tạp chí đã đăng bài thơ. Sau đó được một trí thức miền Bắc hồi chánh trong trận chiến Mậu Thân phổ biến, bài thơ được đón nhận vì tâm tình rất thật , rất đáng trân trọng trong khi người Cộng sản lại rất sợ những bài thơ như thế và cấm đoán.

Vườn là nỗi mong ước gần gũi nhất người ta muốn trở về để nhìn thấy những người thân yêu. Ngôi từ đường , mảnh vườn cũ , biểu tượng cho nguồn gốc Tổ tiên, ông bà rồi cha mẹ đã ở, truyền lại cho nhau. Nhưng những biến động của lịch sử đã làm cho người ta cứ phải trôi giạt mãi…Đến nay, có mấy gia đình có thể nói là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ cùng ở trong một nhà). Nhất là những khu vườn của Người Việt trên xứ Mỹ này nữa. Hai đời cũng khó nói chi đến bốn. Có người già nào tin được rằng cái khu vườn mình chăm bón , mai này con cháu sẽ về ở? Ngay cả đến ở nơi quê nhà, khu vườn xưa của cha mẹ mình hay ngôi nhà xưa của chính mình nếu có trở về thì cũng chỉ đứng ngoài nhìn vào….ngậm ngùi.

Cuộc sống đã đổi khác. Nhưng sao lòng vẫn không nguôi khi nhớ về những mất mát đổi thay.

***

Làm sao tôi có thể quên được ngôi nhà to đẹp của bố mẹ tôi ở Thái Bình.
Ngôi nhà này, tôi đã mô tả thật chi tiết trong bài Những Ngày Thơ Ấu , bài đầu tiên trong Tập bút ký Lối Cũ Chẳng Sao Quên của tôi xuất bản thập niên 1992 tại Nam Cali.

Khi bài này xuất hiện trên báo Người Việt, có một vị độc giả viết thư rằng “Ngày xưa tôi cũng ở Duyên Hà, Thái Bình. Tôi đã từng đi ngang qua nhà BH nhiều lần và có ghé vào lối đi trước cổng, rửa chân nơi cái ao có hai bậc cầu đi xuống, dòng nước rất trong …”.
Ngôi nhà ấy khi xây cất lên như vậy, có lẽ anh chị em tôi chỉ sống có vài ba năm thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Hai người anh lớn trong gia đình tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc. Người anh thứ ba lúc đó đang bị bịnh nên cha mẹ tôi giữ lại nhà. Vì thế sau này mới cùng gia đình di cư vào Nam, trở thành một bác sĩ Quân Y Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ ông anh tôi cũng không còn nữa.

Vì ngôi nhà cao nhất một vùng, lại rộng lớn nên trong thời chiến tranh, đã trở thành căn cứ trấn đóng của Tiểu đoàn do Trung uý Tôn Thất Đính là Tiểu đoàn trưởng. Rồi chẳng bao lâu, nguyên vùng đó trở thành bình địa, trong đó có ngôi nhà tuổi thơ của tôi. Bốn khu vườn bao quanh luôn xanh tươi cây trái, lá hoa bao bọc quanh nhà giờ đây vẫn còn mường tượng trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi với bao tiếc nuối.

Vào Nam theo bố mẹ, ở qua mấy căn nhà từ nhỏ xíu đến rộng lớn hơn , di chuyển vài ba lần. Căn nhà đầu tiên trong một con hẻm sâu đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội. Rộng ba mét, dài bẩy mét. Chỉ có mỗi một phòng. Không có bếp. Nấu ăn rửa chén, chỉ có một chút xíu đất lộ thiên bên hông nhà . May mà có gác xép, thấp lè tè, người có chiều cao có thể đụng đầu. Vậy mà chị em chúng tôi vẫn thấy ấm cúng. Căn gác hoàn toàn không có bàn ghế, chỉ có chiếu chăn nằm mỗi đứa một góc. Sau này cũng có chiếc bàn vuông nhỏ, hai ba chiếc ghế đẩu -loại ghế thấp để chị em tôi ngồi học. Ông anh lớn thì ở trong Đại học xá, được chính phủ nuôi.
***

Nhớ năm học đệ thất (lớp 6), giáo sư Việt Văn cho đề Luận văn “ Hãy tả ngôi nhà em đang ở”. Thế là tôi mơ mộng , tả một ngôi nhà trong tưởng tượng. Có cổng, có khu vườn trước, vườn sau. Nhà có phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ tiện nghi…Trong khi bài văn hạng nhất được đọc cho cả lớp nghe là của một bạn tả lại ngôi nhà nhỏ bé, y chang ngôi nhà của gia đình tôi ở một xóm lao động Khánh Hội. Ngôi nhà của gia đình bạn tôi ở trong khu Bàn Cờ, nhà cửa chi chít dọc ngang, cũng nhỏ xíu. Đa số là của người dân miền Bắc di cư 1954.

Buổi tối, dưới ánh đèn câu mờ ảo, mấy anh chị em ngồi học lúi húi bên nhau, phải ngồi trên sàn gác xép, bàn viết là chiếc vali bằng gỗ mang từ miền Bắc vào v…v… Tại sao gọi là “điện câu”? Vì ngày đó không phải nhà nào cũng có dòng điện riêng vì đắt lắm. Phải nối đường dây điện từ một người trong xóm và trả tiền mỗi tháng cho họ. Nhiều nhà câu quá nên dòng điện yếu, cứ mờ mờ tối. Bài hát Xóm Nghèo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng mô tả như thế.

Tôi rút ra được một kinh nghiệm: Mơ mộng, tưởng tượng không thế nào bằng thực tế cùng với quyết tâm vượt khó của mình. Tuy nhiên cũng đừng vì thực tế quá mà đời sống khô khan. Đôi khi vẫn có những phút giây mơ mộng, lãng mạn một chút cho cuộc sống thêm nhiều nhiều màu sắc.

***

Cuối cùng là khu vườn nhà tôi ở tại Đà Lạt ngày nào…

Với cây hoa sứ ban đêm phảng phất hương. Màu cỏ úa vàng xơ xác. Cây lá thi nhau mọc và mùa thu trút lá vàng. Ngày nào chú lính phụ trách cũng lo quét gom những lá vàng thành từng góc nhỏ. Tôi vẫn yêu và từng ngắm nhìn những bông hoa dại mỏng manh mọc ven đường, lối vào cổng nhà hay trên bãi cỏ non xanh tr ước cổng nhà .

Chúng mọc tự nhiên như món quà tặng từ trời, từ đất dành cho con người . Những bông hoa giống như một loại cúc dại nho nhỏ màu vàng, tự nhiên đua nhau mỉm cười trong nắng gió như tự khoe sắc với thiên nhiên.

Trải qua bao dâu biển, những ngôi nhà xưa chỉ còn trong trí tưởng.
Mảnh vườn nơi quê cũ chỉ còn là nơi chốn đi về của một ký ức xa xôi trong một thoáng nào đó chợt khơi dậy, nhớ về.

Đôi khi, nhìn vạt nắng vàng vọt cuối ngày, nhìn từng chiếc lá lặng lẽ rơi giữa mênh mang chiều nhẹ xuống bỗng dưng lòng chùng xuống như một nốt nhạc trầm, rồi thoáng bâng khuâng nghĩ về một cuộc sinh tồn của con người ,của thiên nhiên cỏ cây đang lặng lẽ diễn ra trong đời sống.
Và mỗi lần như thế, như trong lúc này đây, đối với tôi mỗi lần nhớ tới, lại cảm thấy như được trở về với bao thiết tha gần gũi, như một phần không thể thiếu trong mỗi đời người.

Hồi tưởng để nhớ về những ngày tháng trôi qua trong cuộc đời, những khoảng cách không gian hư hư thực thực, mờ ảo như mây như khói. Lòng lại dặn lòng, cần phải sống nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa hơn trước bao nhiêu sự đổi thay của cuộc sống, kể cả sự thay đổi của lòng người…

Cali, 2014
Bích Huyền

Lễ Thanksgiving Day

phambichhuyen

Tháng 11 hàng năm, thứ năm, ngày 27 sắp tới này là ngày lễ Thankgiving. Người Việt Nam thường gọi là lễ Tạ Ơn, một này lễ đặc biệt tại Hoa kỳ. Không khí giống như một ngày Tết ở Việt Nam vì được nghỉ liền 3 ngày cuối tuần. Mọi người dù ở nơi xa cũng trở về mái ấm gia đình đoàn tụ trong không gian ấm áp, hạnh phúc.
****
Truyền thống ngày Lễ Thanksgiving nói lên sự khiêm tốn và niềm tin vào lòng người. Tạ ơn là một hành động trân trọng phát xuất từ lòng chân thành và thể hiện bằng việc làm trong đời sống hàng ngày. Quý mến, chia sẻ, giúp đỡ nhau…mỗi ngày một hành động nhỏ thôi, nhưng cũng đủ góp thêm cho cuộc sống trên trái đất này mỗi ngày một thêm tốt đẹp.
Trong cuộc sống ở Hoa Kỳ, như mọi người đã và đang trải qua,ai cũng phải vội vàng,hối hả lao vào cái vòng quay rất nhanh và rất mạnh của đời sống vật chất. Đến nỗi có nhiều khi người ta quên đi đời sống tinh thần và những người trong gia đình có khi chẳng được gần nhau. Lễ Tạ ơn do đó là dịp gặp gỡ nhau, quay quần bên nhau, tô đậm tình yêu thương gia đình, gia tộc. Hạnh phúc của mình do chính mình tạo ra. Thế nhưng vẫn phụ thuộc vào những người khác nữa, không chỉ gia đình mà còn tuỳ thuộc vào người khác nữa, vào môi trường thiên nhiên, xã hội à văn hoá chung quanh mình.
Chúng ta khó sống được hạnh phúc riêng mình lắm. Vâng, quan tâm đến nhau, chia sẻ với nhau một chút, có lẽ cuộc sống ý nghĩa hơn nhiều, phải không ạ?
Không quên ơn, dù mình nhận được rất nhỏ
Cho nên nhân mùa lễ Thanhs Giving , ước mong rằng mỗi người trong chúng ta hãy dành một khoảng thời gian , ngồi một mình, nhìn lại quãng đời đã qua. Chúng ta đã cho đi và nhận lại những gì? Hãy nói với nhau những lời yêu thương dịu
ngọt , hãy trao cho nhau những ánh mắt trìu mến nồng nàn. Hãy dành cho nhau một chút thời gian để cảm nhận được cái sự may mắn nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống hôm nay, Nhỏ bé thôi nhưng thật gần gũi, thật ấm áp.
Và cũng nhớ dành vài phút hít thở không khí trong lành buổi sớm mai, ngắm ánh nắng vàng lấp lánh trên những ngọn cỏ còn ướt đẫm sương mai hay ngắm một nụ hoa vừa hé nở nơi góc vườn, hay cùng nghe lại một khúc tình ca trong kỷ niệm…
***
Anh nằm đó , nghìn thu giấc ngủ
Nhưng sao trong gió ta nghe có tiếng thì thào”
Trước ngày lễ Tạ Ơn không xa là ngày lễ Cựu Chiến Binh – 11/11 vừa qua, người dân trên toàn nước Mỹ cũng được nghỉ làm việc, để cùng tưởng niệm –trong tâm tưởng hay tại một nơi nghĩa trang quân đội nào đó, những người lính đã hy sinh vì đất nước. Hoặc trên con đường nào đó, những khúc voan màu vàng thắt nơ thật trang trọng quanh thân cây…Hay có những khu nhà ở, lác đác những bông hoa vàng đặt trên bãi cỏ trước nhà…
Xúc động nhất vẫn là tại DC, nơi có Bức Tường Đá Đen, nơi ghi dấu vết chiến tranh Việt Nam. Đây là một trong những nơi thu hút số lượng du khách đến thăm viếng thật đông.
Nơi ấy chiếm một diện tích khá rộng, quang cảnh không có gì là có bàn tay con người sắp đặt, mà rất thiên nhiên. Rừng cây cao rì rào trong gió như tiếng thở dài nhẹ . Đó đây tượng những người lính Mỹ , tư thế trong đủ mọi hoàn cảnh, rất sống động. Nỗi buồn toát ra trên gương mặt mỗi bức tượng. Và hình như trong gió vẫn vang vọng lời thầm thì của họ – những người lính Mỹ da trắng cũng như da đen đứng bên cạnh nhau, đã viết ra một trang sử bi hùng tráng bảo vệ tự do cho một vùng đất nhỏ bé xa xôi có tên gọi Việt Nam.
Giữa khung cảnh tự nhiên đó, chỉ có một hàng dài những tấm bia tưởng niệm, nối tiếp nhau thành một bức tường bằng đá màu huyền, chi chít tên 58 ngàn ngưới lính Mỹ hy sinh trên chiến trường Viêt Nam. Đứng trước bức tường ấy, chúng ta có một cảm giác lạ lùng như nhìn thấy một bầu trời đen huyền diệu, và nhìn thấy cả bóng du khách và ngay cả bóng mình đang chuyển động trong vùng trời huyền hoặc đó…
Trên hai mươi năm trôi qua, kể từ khi bức tường được dựng lên như một vết đau chung không riêng gì Mỹ, Việt Nam mà cho toàn nhân loại, những ai yêu chuộng tự do, dân chủ, hòa bình. Một du khách Việt Nam , ông là một cựu chiến binh quân đội Bắc Việt và sau này là nhà báo, nói rằng: Đến thăm nước Mỹ, trong không gian tưởng niệm những người lính Mỹ chết ở Việt Nam, tôi thấy tôi Việt Nam hơn. Tôi biết tôi Việt Nam hơn chính là khi tôi công khai điều tôi nhận thức: Cuộc đời của những người lính Mỹ đã vĩnh viễn mất đi này, linh hồn họ cùng những linh hồn những người lính Việt Nam không phân biệt Bắc Nam, không phân biệt màu quân phục, tất cả đồng hành trong lịch sử của mỗi người dân ở đất nước tôi.”

Nếu đến đây vào mùa thu, ngồi trầm ngâm dưới tàng lá cây vàng nâu đỏ tím rực rỡ nhưng cũng rất dịu dàng, người ta mới cảm nhận được hết những vang vọng của thảm kịch Việt Nam. Những chiếc lá vàng lá đỏ lá tím theo gió bay lả tả rồi quấn quýt lay động trên lối đi, trên thảm cỏ xanh đã làm cho khu tưởng niệm đó trở nên một bức tranh thiên nhiên đượm nét hoang đường… Trong tôi hình như nơi đây, có hàng triệu linh hồn những người lính Việt Nam Cộng Hoà phảng phất trong không gian êm đềm ấy…
Lễ Tạ Ơn là dịp chúng ta tự đặt mình vào dòng suối tâm linh, nối liền con người nhỏ bé của mình vào với cõi siêu việt, nơi chúng ta tìm đến để nương tựa tâm hồn mỗi khi trên bước đường đời gặp gian truân. Ngày lễ Tạ Ơn còn nối liền con người nhỏ bé của mình với lịch sử truyền thống dân tộc nữa -của Hoa Kỳ quê hương thứ hai của hang triệu người Việt tỵ nạn Cộng sản. Trong mỗi gia đình, ngày Lễ Tạ Ơn là thời gian tốt đẹp nhất để mọi thành viên gia đình dù có ở nơi xa thì cũng cố thu xếp thời gian để trở về đoàn tụ nơi mái ấm gia đình, họp mặt với cha mẹ, với anh chị em, con cháu .Không khí vui tươi, đầm ấm thương yêu tựa như những ngày Tết Nguyên đán Việt Nam vậy.
Vâng, chỉ riêng có sự đoàn tụ thôi, tinh thần Lễ Tạ Ơn cũng đã là cao quý, thiêng liêng, sâu xa nhiều lắm.
Không quên ơn, dù chỉ nhận một chút.
Câu nói của người xưa còn mãi “một miếng khi đói bằng một đói khi no” và “của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng”. Cái tình cảm “ăn quả nhớ kẻ trồng cây, Ăn gạo nhớ kẻ đâm, xay, vần, sàng…” mà chúng ta có, đã thấm nhuần từ các bậc tiền nhân là một truyền thống đạo đức quý báu đã làm cho dân tộc Việt , dù đi khắp bốn phương trời cũng mang theo, gắn bó với nhau, vượt qua những thăng trầm, và điêu linh của lịch sử, tồn tại đến ngày nay, nơi xứ người.
Xin cảm ơn nước Mỹ.
Chúng ta hãy thể hiện tinh thần Lễ Tạ ơn một cách chân thành. Bằng hành động mỗi ngày, góp cho cuộc sống trên trái đất này mỗi ngày một thêm tốt đẹp hơn. Có như vậy, mà lễ Tạ Ơn trở thành có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý….

PHẠM BÍCH HUYỀN