AI LÀ “BÊN THẮNG CUỘC”?

vulinhchau

Tuy đã được nghe biết rất nhiều ý kiến về nội dung cuốn sách “Bên Thắng Cuộc” này, nhưng vì chưa từng đọc qua, nên xin được miễn bàn về nội dung cuốn sách.
Không biết nội dung cuốn sách chứa đựng những gì, trúng trật ra sao.
Nhưng tôi biết chắc chắn rằng cái đầu đề của cuốn sách, cái tên của cuốn sách “ BÊN THẮNG CUỘC” là sai, HOÀN TOÀN SAI, nếu cụm từ “bên thắng cuộc” này là để dành cho Miền Bắc VN và phe Cộng Sản quốc tế.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, BẮC VIỆT VÀ KHỐI CỘNG SẢN QUỐC TẾ KHÔNG PHẢI LÀ BÊN THẮNG CUỘC”.

Kính thưa qúi vị,Theo định nghĩa thông thường:
– Kẻ thắng trận là kẻ đạt được mục tiêu của cuộc chiến.

– Kẻ bại trận là kẻ không đạt được mục tiêu của cuộc chiến.

Từ định nghĩa đó, mọi người có thể dễ dàng đi tới kết luận là Cộng Sản Miền Bắc và CS quốc tế không phải là “Bên Thắng Cuộc” vì họ đã không đạt được mục tiêu của cuộc chiến tranh Việt Nam do họ gây ra.

Như vậy, muốn phân thắng bại, muốn biết ai là “Bên Thắng Cuộc” trong cuộc chiến VN, chúng ta cần phải biết rõ ràng về mục tiêu của cuộc chiến tranh này là gì.

Hai phe đối nghịch trong Chiến tranh Việt Nam là:

– Một bên là Hoa Kỳ, Thế Giới Tự Do và Việt Nam
Cộng Hoà.
– Chiến tuyến bên kia là Nga ,Tầu, Thế Giới Cộng Sản
và Miền Bắc Việt Nam.

Như mọi người đã biết, đất nước Việt Nam chúng ta có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trên bản
đồ thế giới. Chúng ta vừa là “Bàn đạp để tiến vào Châu Á, vừa là bao lơn trông ra Thái Bình Dương”.
Riêng vào thời gian đó, Việt Nam, không những là nơi chế ngự con đường hàng hải huyết mạch của thế
giới tại Biển Đông mà còn là một địa điểm chiến lược để án ngữ làn sóng đỏ của cộng sản, nhất là CS Trung Hoa tràn xuống miền Đông Nam và Nam Châu Á. Cho nên Việt Nam mới được gọi là Tiền Đồn Chống Cộng của Thế giới Tự Do.

Tuy những điều nói trên đã được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, hầu hết mọi người ai ai cũng đều đã biết, nhưng vẫn xin được đi vào chi tiết hơn một chút nữa. Như chúng ta đã biết, dẫy núi Hi Mã Lạp Sơn là một trong các dẫy núi cao và hiểm trở nhất trên thế giới. Đặc biệt, dẫy núi này lại có chiều cao gần như liên tục, chạy dài suốt từ Tân Cương, Tây Tạng tới biên giới Lào-Việt, gần như không hề có một ngọn đèo thấp nào để dễ dàng băng qua. Ngày nay, với các phương tiện kỹ thuật tối tân, Trung Quốc vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thiết lập được những đường giao thông từ Trung hoa băng ngang qua dẫy núi cao chót vót này để tới các nước Án Độ, Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao… cũng như để thóat ra Ấn Độ Dương. Huống chi là vào thời gian của thế kỷ trước. Vào lúc đó, con đường thuận lợi và dễ dàng duy nhất để đi tới các quốc gia tại Nam và Đông Nam Châu Á là con đường băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam. Tại vì khi tiếp giáp với biên giới Hoa – Việt thì dẫy núi Hy Mã Lạp Sơn này đã không còn hiểm trở nữa. Chính vì vậy mà một đường hỏa xa đã được thiết lập để vận chuyển hàng hóa từ cảng Hải Phòng vào các vùng đất Miền Nam Trung Hoa.

Tóm lại vì đất nước chúng ta có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng như vậy, cho nên:
– Khối Cộng Sản quốc tế, nhất là Trung Cộng và Nga Sô, đã quyết chiếm cho bằng đựợc .
– Hoa kỳ và Thế giới Tự Do cũng phải cương quyết bảo vệ bằng mọi giá.
Như vậy, mục tiêu của cuộc chiến tranh Việt Nam là:
– Mục tiêu của Khối Cộng Sản quốc tế và Cộng Sản VN là chiếm Miền Nam Việt Nam để tràn xuống Đông
và Nam Châu Á.
– Mục tiêu của Hoa kỳ, Thế Giới Tự Do và Miền Nam VN là ngăn chặn Làn Sóng Đỏ nói trên.
Cuộc chiến VN đã kết thúc vào ngày 30/4/1975 và như đã thưa với qúi vị ở trên, nếu phân biệt thắng
bại dựa trên mục tiêu của cuộc chiến , thì chúng ta đã thấy rõ ràng:
– Trung cộng, Nga sô, khối CS quốc tế và CS Việt Nam là “Bên Thua Trận”, vì họ đã không đạt được mục tiêu củả cuộc chiến là nhuộm đỏ Miền Đông Nam và Nam Châu Á.

– Hoa Kỳ, Thế Giới Tự Do và Việt Nam Cộng Hoà là “BÊN THẮNG TRẬN” vì đã đạt được mục tiêu của cuộc chiến là đã ngăn chặn được Làn Sóng Đỏ.

Mọi người ai ai cũng đều đã biết, với sự dàn xếp của Kissinger, Mỹ đã bắt tay được với Trung Quốc cho nên vai trò “Tiền Đồn ngăn làn sóng đỏ tại Đông Nam Á” không còn cần thiết nữa. Và Hoa Kỳ đã không còn gắn bó với chuộc chiến Việt Nam nữa.
Tuy nhiên, đó là nói một cách tổng quát trên bình diện quốc tế. Riêng với Việt Nam CH và CS Bắc Việt, chúng ta thấy việc phân biệt thắng bại lại được nhìn theo một khiá cạnh hơi phức tạp hơn. Với vai trò là Tiền Đồn Chống Cộng,
VNCH đã ngăn chặn được Làn Sóng Đỏ tràn xuống Miền Nam Châu Á, nhưng VNCH đã không bảo vệ được nền Tự Do của chính mình. CS miền Bắc VN đã không gíup chủ nghĩa CS tràn xuống được Miền Nam Châu Á, nhưng họ đã chiếm được Miền Nam VN, đã thống nhất được đất nước.
Tuy nhiên đấy chỉ là mặt nổi, trong thực tế CS Miền Bắc đã thất bại hoàn toàn, họ đã không hề chiếm
được cảm tình, không hề chiến được trái tim của nhân dân Miền Nam VN. Phong trào vượt biên, với cả triệu người lao ra biển cả, lao vào chỗ chết để tìm kiếm hai chữ Tự Do, để thoát khỏi ách cai trị của
những “kẻ thắng cuộc”. Mọi người sẽ không bao giờ quên được câu nói của nghệ sĩ Trần văn Trạch
“Nếu cái cột đèn biết đi, thì nó cũng đã đi khỏi VN rồi”.Hơn nữa, mục tiêu của những người CS Miền Bắc là áp đặt chủ nghĩa CS lên cả nước VN, nhưng ai cũng biết, về điều này, là họ cũng đã và đang thất bại hoàn toàn. Vào những năm cuối của thập niên 1980, Võ văn Kiệt đã phải hô hào “đổi mới hay là chết”, nhưng trong thực tế, đổi mới nghĩa là “bỏ đi những cái sai, những cái dở của Miền Bắc để thay vào bằng những cái hay cái đúng của Miền Nam”.
Điều này thì từ năm 1980 đến nay, càng ngày mọi người càng nhận thấy rõ ràng hơn. Không có ngày 30/4/75 thì Miền Bắc VN vẫn còn đói khổ lạc hậu như người dân Bắc Hàn hiện nay.Không phải VNCH đã chỉ chiến thắng CS Bắc Việt về phương diện kinh tế và chính trị như trên, mà ngay cả về nếp sống, về văn chương, về nghệ thuật, về văn thơ, và ngay cả về… NhạcVàng nữa. “Ai thắng ai” thì mọi người đều đã và đang quá rõ. Chính vì vậy mà nhà văn Lê Hiếu Đẳng, một trong các nhà bất đồng chính kiến tại quốc nội, trong cuốn “Viết trong những ngày nằm bệnh” đã công khai minh định như sau: “Sự thật là Miền Nam đã giải phóng Miền Bắc trên tất cả các lãnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa, tư tưởng…”
Tóm lại, Cộng Sản Miền Bắc và Cộng Sản quốc tế đã không đạt được mục tiêu của cuộc chiến tranh
VN do họ phát động là nhuộm đỏ toàn miền Nam và Đông Nam Châu Á nên họ không phải là
“Bên Thắng Cuộc”. Thế giới tự do, Hoa kỳ và VNCH đã đạt được mục tiêu “Ngăn chặn làn sóng đỏ” nên chúng ta là
“Bên Thắng Cuộc”.
Xin được mượn câu chuyện thắng bại trong chiến tranh Việt Nam của danh tướng độc nhãn Moshe Dayan sau đây để kết thúc ý kiến “Ai Thắng Ai” như sau:
Cuối tháng 7 năm 1966, danh tướng độc nhãn Do Thái là Moshe Dayan được Hoa Kỳ mời đến Miền Nam VN. Sau khi thăm viếng khắp các chiến trường, trong một cuộc họp với các cấp lãnh đạo Miền Nam VN, khi được hỏi rằng làm thế nào để chiến thắng Cộng Sản VN. Tướng Moshe Dayan đã trả lời như sau:
QUÂN ĐỘI BẮC VIỆT SẼ THẤT TRẬN KHI HỌ CHIẾM ĐƯỢC SAIGON.
(“North Vietnam will lose the war when it takes over Saigon.”) (TS Nguyển tiến Hưng trong The Palace File).

Vũ Linh Châu.
Ngày Quốc Hận 2015.

Advertisement

THẢM SÁT TẠI SÂN VẬN ĐỘNG QUI NHƠN

vulinhchau

1- DIỄN TIẾN ĐÊM LỬA TRẠI.

Trong suốt 15 năn dậy học tại thành phố ven biển này, một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, một cảnh tượng đã ám ảnh tôi suốt cuộc đời. Đó là vụ Việt Cộng ném lựu đạn giết chết một nữ giáo sư, hơn 10 học sinh và làm bị thương khoảng 100 em học sinh và nhiều người khác tại sân vận động Qui Nhơn đêm 9 tháng Giêng 1972.
Theo lệnh của Đại Tá tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức, một đêm lửa trại đã được tổ chức tai sân vận động thị xã, qui tụ các đoàn thể thanh niên như Hướng Đạo, Gia đình Phật tử, Thanh niên Hồng thập tự và học sinh của tất cả các trường trung học trong thị xã. Sân vận động đã được chiếu sáng bằng nhiều ngọn đèn pha cực mạnh. Một đống lửa lớn được đốt giữa sân, các chương trình văn nghệ sẽ được trình diễn tại đây. Học sinh và các đoàn thể thanh niên xếp hàng chung quanh đống lửa này. Đại Tá tỉnh trưởng ngồi trên khán đài của sân vận động. Nữ tu hiệu trưởng của trường chúng tôi và một nữ tu phụ tá cũng ngồi trên khán đài này cùng với các vị hiệu trưởng và các quan khách khác. Riêng tôi, như thường lệ, có nhiệm vụ trực tiếp hướng dẫn và ở bên cạnh các em nữ sinh của trường.
Các nữ sinh của trường Nữ trung học công lập Ngô chi Lan và các nữ sinh của trường Nữ trung học tư thục Trinh Vương chúng tôi được điều động làm hàng rào danh dự từ cổng sân vận động vào đến khán đài để nghênh đón Đại Tá Tỉnh Trưởng. Chập choạng tối, còi hụ rền vang, đoàn xe của Đại Tá Tỉnh Trưởng tới, ông và tất cả các chiến sĩ cận vệ đều được trang bị như là đang đi hành quân ngoài mặt trận, tất cả đều mặc áo giáp, đội nón sắt, súng M 16 lăm lăm trên tay, nòng súng chĩa thẳng lên trời.
Chung quanh đống lửa, nữ sinh trường chúng tôi được sắp xếp cạnh trường nữ trung học công lập. Về sườn phía đó thì yên tĩnh, nhưng sườn phía bên kia, cạnh một đơn vị con trai, thì xem ra có đôi điều không ổn, hơn nữa chúng tôi lại ở cuối gió, càng khuya, gió càng lớn, sợ tro than từ đống lửa làm cháy áo dài của các em. Nhất là vì chương trình văn nghệ cũng đã khá lâu, trời đã về khuya, hơn 9 giờ đêm rồi, chưa thấy con em về, sợ phụ huynh lo lắng, nên tôi quyết định dẫn tất cả các em ra xa chỗ trình diễn văn nghệ, bên cạnh một chùm đèn sáng sủa, xa khoảng 100 mét. Cho các em sắp hàng ngay ngắn và điểm danh xong, tôi liên lạc với trường để cho xe đến đón các em về. Vì phía sau các chùm đèn, ánh sáng không được đầy đủ, nên tôi đã sai hai em nữ sinh lên khán đài mời Bà Hiệu trưởng và nữ tu phụ tá xuống để cùng với tôi trông coi các em và chuẩn bị lên xe về trường luôn thể.

2- GIÂY PHÚT ĐỊNH MỆNH.

Trời về khuya đã bắt đầu trở lạnh, tôi ngồi trên chiếc Honda phì phèo hút thuốc. Loa phóng thanh loan báo đến mục Đại Tá Tỉnh Trưởng xuống sinh hoạt với học sinh cạnh đống lửa. Xướng ngôn viên cũng mời tất cả quan khách trên khán đài cùng tháp tùng Đại Tá. Rất may là hầu hết quan khách vẫn ngồi yên tại chỗ vì biết đó chỉ là lời mời lơi cho có lệ.
Tôi hút chưa tàn điếu thuốc thì em Nguyễn ngọc Tôn, đoàn trưởng đoàn Thanh niên Hồng Thập Tự từ trong vòng lửa vội vã chạy ra nói với tôi rằng Giáo sư Tạ quang Khanh, cố vấn của đoàn Thanh Niên Hồng Thập Tự, mời tôi vào để chụp một tấm hình kỉ niệm với ĐT/Tỉnh Trưởng. Tôi nhất định từ chối, vì tôi không thể bỏ các em nữ sinh để đi được, dù chỉ là vài phút. Không hiểu tại sao, lý lẽ đã rành rành như vậy mà em Tôn vẫn không chịu nghe, cứ chần chừ năn nỉ mãi – và chính những giây phút lấn lá này đã cứu mạng em. Đại Tá Tỉnh Trưởng đã bắt đầu hát, em mới chịu chạy mau về phía đống lửa.
Tôi còn nhớ rất rõ, đêm hôm ấy, Đại Tá một mình vừa đệm guitar vừa ca bản Làng Tôi.
Đại Tá đang say sưa hát: “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng lượn quanh, êm xuôi về nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, khóm tre…” thì một tiếng nổ chát chúa vang lên giữa đống lửa trại. Tiếng ca, tiếng đàn và vạn vật đều đột nhiên im vắng hoàn toàn. Theo phản xạ tự nhiên của một người lính, tôi lăn ngay xuống đất, rồi hét lớn như đang ra lệnh cho các Sinh Viên Sĩ Quan ngày trước, lúc tôi còn làm Sĩ quan cán bộ tại trường Bộ Binh Thủ Đức:
– Tất cả nằm xuống.
Các em nữ sinh thì vẫn đứng im, hàng ngũ vẫn chỉnh tề, có lẽ vì quá ngạc nhiên và cũng là lần đầu tiên trong đời nên các em chẳng biết phải phản ứng ra sao. Mấy phút sau mới hoàn hồn, ôm chặt lấy nhau mà run rẩy. Tôi thì nhớ lại, những lần trước đây tại Sài Gòn, Việt Cộng thường chờ cho các toán cấp cứu tới, rồi khai hỏa trái mìn thứ hai, nên lại hét lớn:
– Chắc là lựu đạn hay mìn định hướng. Coi chừng còn một trái nữa.
Nhưng chắc các em vẫn chẳng hiểu tôi đang nói gì, nên chỉ biết ôm nhau mà khóc. Bà Hiệu trưởng và mọi người cũng vừa hốt hoảng chạy tới. Tôi dẫn tất cả ra đường lớn bằng lối cổng sau để chạy bộ về trường vì cũng chỉ cách xa khoảng chừng mươi phút.

3- VIỆC TẢI THƯƠNG

Tôi trở lại, nổ máy xe Honda, phóng về phía đống lửa. Một cảnh tượng hãi hùng mà suốt đời, tôi không bao giờ quên, không bao giờ phai nhạt khỏi trí nhớ. Người chết và bị thương đã xếp thành một vòng tròn chung quanh đống lửa, tròn trịa giống hệt như là bất cứ buổi lửa trại thông thường nào khác còn đang trong lúc sinh hoạt. Đại đa số thương vong là các em nhỏ thuộc các đoàn Ấu Sinh và Sói con của Gia đình Phật tử, Hồng Thập Tự và Hướng đạo. Lý do là vì các em đã được ưu tiên xếp hàng ở vòng trong, chung quanh đống lửa để coi văn nghệ cho rõ. Hơn nữa, đây là trái lựu đạn M 26, loại lựu đạn có tới 3,600 mảnh nhỏ, mỗi mảnh chỉ lớn hơn đầu que tăm, được chế tạo với chủ đích sát thương nhân mạng tối đa. Với vòng người dầy đặc chung quanh đống lửa như vậy, coi như tất cả mọi miểng của trái lựu đạn này đều đã ghim trúng thân xác con người. Số thương vong là các em nhỏ còn cao hơn nữa là vì đúng vào lúc đó, TV tạm ngưng chương trình cải lương để đọc tin tức và bình luận, nên một số các em nhỏ cư ngụ chung quanh sân vận động, nhất là tại khu thương phế binh cạnh đường Võ Tánh, nghe loa phóng thanh loan báo Đại Tá Tỉnh Trưởng sắp xuống đàn hát giúp vui, các em đã chạy ùa vào sân rồi len lỏi sát tới vòng lửa để coi cho rõ. Hầu hết các cháu bé này cũng đều đã chết hoặc bị thương nặng vì ở quá gần trái lựu đạn.
Khi tôi tới nơi, ngoài số người chết và tiếng rên la kêu cứu của các người bị thương đang nằm la liệt chung quanh đống lửa, sân vận động hoàn toàn trống vắng. Vì quá sức kinh hoàng, nên tất cả những ai còn khỏe mạnh đều đã thoát chạy đi hết. Tuy nhiên cả sân vẫn được chiếu sáng đầy đủ như trước, các chùm đèn pha vẫn hoạt động bình thường vì mỗi chùm đều có một máy phát điện riêng. Thấy xe tôi trờ tới, mọi người nhao nhao kêu xin tôi cứu chữa. Một số các em trai còn khỏe mạnh đã nhào lên, bám chặt phía sau xe Honda của tôi. Tôi chẳng biết phải xử trí ra sao, lại sợ mọi người khác sẻ ùa lên bám kín lấy chiếc xe, nên tôi đã rồ máy, tính chở các em thẳng tới bệnh viện. Ra tới ngã tư đường phố, tôi chợt nghĩ rằng chở như thế này, các em yếu sức sẽ rớt xuống đường mà chết, nên tôi ngừng lại, đậu xe giữa đường, một chiếc xe jeep nhà binh trờ tới, tôi chặn lại và nói vắn tắt:
– Nổ trong sân vận động, chết nhiều lắm, chở dùm các em này đến bệnh viện.
Mấy người lính trên xe chưa kịp trả lời thì các em bị thương đã nhào lên xe và người tài xế rồ ga phóng đi.
Thấy có kết quả, tôi vẫn đứng im chỗ cũ, chặn mọi chiếc xe qua lại, hầu hết là xe nhà binh. Tôi nói vắn tắt như trước và yêu cầu họ vào trong sân vận động cứu người. Hầu như tất cả đều hưởng ứng. Nhiều em Hướng Đạo và Phật tử, Hồng Thập Tự vừa chạy thoát từ sân vận động ra còn đang lảng vảng gần đó, thấy vậy cũng xuống đường phụ với tôi. Em Tôn cũng xuất hiện. Tôi nghĩ tới Giáo Sư Tạ quang Khanh nên bảo Tôn vào ngay sân vận động tìm thầy Khanh và các đoàn viên Hồng Thập Tự bị thương rồi chở tất cả tới thẳng Nhà thương Thánh Gia, vì tôi biết anh Khanh rất thân với các dì phước người Mỹ tại đây.
Ngoài Nhà thương Thánh gia, thị xã lúc đó còn có ba bệnh viện lớn khác là Dân Y viện, Quân Y viện và bệnh viện dã chiến của quân đội Mỹ. Đặc biệt, quân y viện của Mỹ này đã đóng góp một phần rất quan trong trong việc làm giảm bớt số người tử vong. Vì vào thời gian đó, Bộ binh của Mỹ không còn trực tiếp tham chiến nữa, nên số thương binh ở bệnh viện gần như không có, trong khi các Bác sĩ và phương tiên cấp cứu vẫn còn đầy đủ. Do vậy, tuy số người bị thương là trên 100, nhưng chỉ có trên 10 người chết, gồm một giáo chức và khoảng 10 em học sinh.
Chừng 15 phút sau, tiếng còi xe cứu thương gầm rú từ mọi phía bắt đầu ùa tới sân vận động. Hầu hết các xe đã vào cứu người do chúng tôi hướng dẫn lúc trước, đều cũng đã trở đi trở lại nhiều lần. Quân cảnh, cảnh sát, nhân dân tự vệ, cùng các lực lượng an ninh bắt đầu xuất hiện mỗi lúc một đông.
Tôi nổ máy xe, chạy vọt về nhà, chỉ cách đó vài block đường, ngừng xe ngoài cửa rồi hét lớn vào nhà:
– Nổ tại sân vận động, chết nhiều lắm, anh không sao, trường mình cũng không sao. Anh phải đi cứu người đây. Khuya lắm mới về.
Tôi lại quay vội ra sân vận động. Nhưng nhân viên công lực đã chặn mọi ngả đường, không cho ai qua lại. Dòng xe cứu thương, kể cả của quân đội Mỹ, đã từ khắp nơi ùa tới, hụ còi và chiếu đèn sáng rực suốt con đường Võ Tánh là đường chính dẫn tới các bệnh viện. Dân chúng hiếu kì và phụ huynh học sinh vây kín chung quanh ngã tư trước sân vận động và dọc theo đường Võ Tánh. Tôi biết rằng dù có vào trong lúc này cũng chẳng giúp được việc gì, nên cũng chỉ biết bồn chồn đứng nhìn như mọi người.
Sau này chúng tôi mới biết, vì sau khi bị thương, trung bình các em đã phải chờ đợi khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ mới được cứu chữa, nên hầu hết các em đã chết vì mất máu. Đường bộ từ sân vận động đến các bệnh viên xa khoảng từ 15 tới 20 phút lái xe. Hơn nữa, lúc đó mọi người đều hốt hoảng và hoang mang cực độ, vào thời gian này, phương tiện liên lạc còn rất thiếu thốn hạn chế, việc chuyên chở nạn nhân tới các bệnh viện hầu hết lại là tự phát, không thể điều hợp chỉ huy thống nhất được. Do đó, phần lớn nạn nhân đều đã được chở tới Dân Y Viện, nằm sắp lớp dọc theo hành lang. Các xe chở người vì thấy ngoài sân vận động, số nạn nhân còn quá đông, nên cho các người bị thương xuống hành lang xong là lại vội vã vọt trở ra ngay. Vì vậy, phòng cấp cứu của Dân Y Viện đã trở tay không kịp. Một số khá đông các em khác đã may mắn thoát chết vì được chở thẳng tới Nhà thương Thánh gia, Quân Y viện, nhất là Bệnh viện dã chiến của Mỹ. Khi được Dân Y viện kêu cứu, ba bệnh viện kia đã tới tiếp tay, chở bớt nạn nhân về cứu chữa, nên số tử vong đã giảm đi rất nhiều. Tôi biết gia đình anh chị Liên, nhờ có chiếc xe Jeep riêng, nhà lại ở gần ngay sân vận động, nên hai vợ chồng đã phóng tới Dân y viện, tìm kiếm trong đống xác người dọc theo hành lang, một số đông vẫn còn đang hấp hối, cả nửa giờ sau mới gặp được cháu bé và đã lanh trí chở ngay cháu sang Quân Y viện nên đã cứu kịp.
Rất nhiều người khác không được may mắn như vậy, vì vào thời gian đó, điện thoại tư gia cũng gần như chưa có, đại đa số phụ huynh, nếu nhà không ở gần sân vận động, đều không thể hay biết để đến Dân y viện tiếp tay cứu chữa con em kịp lúc như anh chị Liên.
Trong số những người không may đó có cô Yến, giám học trường Nữ Trung Học công lập, cô cũng là phu nhân của thầy Tạ quang Khanh. Khi Đại Tá Tỉnh Trưởng xuống sinh hoạt bên đống lửa, cô Yến ngồi phía trước, vì trời rất lạnh, nên cô Tùng, một nữ Giáo sư cùng trường, ngồi phía sau, cô Tùng đã ôm chặt cô Yến để hai người cùng ấm. Khi lựu đạn nổ, cô Yến đã che chắn cho cô Tùng hoàn toàn, cô Yến tử thương, cô Tùng chỉ bị thương nhẹ ở miệng. Trong lúc hoang mang cực độ, tôi đã không nghĩ tới cô Yến, chỉ nhắc các em chở Thầy Khanh xuống Bệnh viện Thánh Gia, nên người ta đã chở cô Yến tới Dân Y viện và cô cũng đã chết vì mất máu.
Riêng thầy Khanh, theo lời em Tôn kể lại, thầy bị rất nhiều mảnh ghim vào bụng, khi các bác sĩ hút nước tiểu ra và thấy không có máu, họ đã cùng reo lên, vì nếu có máu, tức là đã bị lủng bọng đái thì sẽ vô phương cứu chữa. GS Khanh đã bình phục sau khoảng vài tuần lễ, nhưng vấn đề gai góc nhất cho mọi người là làm cách nào để ông đón nhận về tin cái chết của chị Yến một cách không quá ngỡ ngàng đau khổ, nhất là ba đứa con của họ đều còn rất nhỏ dại và chị Yến lại đang mang bầu đứa con thứ tư…
Đại Tá Tỉnh Trưởng đã lên truyền hình vào tối ngày hôm sau để trấn an đồng bào, ông cho biết chỉ bị vài vết thương nhẹ. Mọi người đều biết là Đại Tá và các người trong đoàn tùy tùng đã thoát chết là nhờ mặc áo giáp và đội nón sắt, nhưng rất có thể chính ông thì lại nghĩ khác. Tối ngày hôm trước, khi ra nghênh đón Đại Tá tại cổng sân vận động, tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy một vị sĩ quan cận vệ của Đại Tá trịnh trọng mang theo một thanh trường đao lớn bằng gỗ, có cán dài, thanh đại đao đã được sơn son thiếp vàng láng bóng, loại mà chúng ta thường thấy trưng bày trước cửa chính của các đền miếu. Vị sĩ quan cận vệ này đã rất nghiêm chỉnh giơ cao thanh đại đao để dẫn đầu phái đoàn vào sân vận động. Tôi nghĩ bụng, chắc là Đại Tá sẽ dùng thanh đại đao này để làm phần thưởng cho trường nào trình diễn văn nghệ xuất sắc nhất. Nhưng sau khi Đại Tá thoát chết thì danh tiếng của thanh trường đao linh thiêng này mới được loan truyền và mọi người mới biết đó là bùa hộ mạng mà Đức Thánh Trần đã ban cho Đại Tá!

4 – PHE TA GIẾT PHE TA?

Vụ tàn sát các em học sinh tại sân vận động Qui Nhơn này cũng là một tội ác rất ghê tởm dã man của Việt Cộng, dã man và tàn bạo hơn hẳn vụ chúng pháo kích vào sân trường tiểu học sát hại các em học sinh tại Cai Lậy, man rợ và tàn ác không thua gì trong tết Mậu Thân tại Huế. Tại vì trong vụ tàn sát tại Qui Nhơn này, tuy số nạn nhân ít hơn ở Huế rất nhiều, nhưng vì Việt Cộng đã cố tình giết hại các em học sinh ngây thơ và hoàn toàn vô tội, đa số là các cháu còn rất bé nhỏ. Những em chết đi đã đành, nhưng còn rất nhiều em sống sót đã phải mang thương tật suốt đời. Đáng thương nhất là các em nữ sinh, vì miểng lựu đạn, vì than củi và đất đá văng trúng, nhiều em đã bị mù cả hai con mắt suốt đời. Người em trai của Nguyễn Ngọc Tôn bị nhiều mảnh lựu đạn ghim vào háng, cho đến nay em vẫn chưa có gia đình.
Nhưng, một chuyện khác cũng rất đáng đau buồn, đó là hành động tội ác dã man này của VC đã rất ít được đồng bào Miền Nam biết tới, báo chí tại Sài Gòn và ngay cả các cơ quan truyền thông của chính phủ, của quân đội và cả Bộ Quốc Gia Giáo Dục cũng rất ít đề cập tới biến cố đau thương đứt ruột này. Lý do là vì, không biết xuất phát từ đâu, chính thức hay tin đồn, vô tình hay cố ý, mà dân chúng trong thị xã và trong tỉnh, cũng như báo chí và các cơ quan truyền thông ở trung ương đều nhận được và hầu hết đều tin rằng vụ việc này là do tham nhũng gây ra, nghĩa là do nội bộ của người quốc gia chúng ta thanh toán lẫn nhau.

5 – BẮT ĐƯỢC THỦ PHẠM.

Cho tới một buổi chiều, khoảng chừng hơn kém một tháng sau, trong khi các anh em Địa Phương Quân đang làm nhiệm vụ tại một cánh đồng trống vắng thuộc một vùng đất hoàn toàn mất an ninh gần chân núi tại quận Phù Cát. Trời đã về chiều, nhưng toán quân này lại thấy một cậu học sinh trung học, với áo sơ mi trắng có bảng tên một ngôi trường tại thị xã Qui Nhơn, đang vội vã đi nhanh về hướng chân núi. Dĩ nhiên cậu học sinh này đã bị chặn lại ngay, cậu ta đã tỏ ra rất lúng túng run sợ, khiến các anh em Địa Phương Quân càng thêm nghi ngờ và đã giải giao cậu ta về cho cơ quan an ninh ngay. Và thật là bất ngờ, trước nỗi sửng sốt của mọi người, cậu ta đã thú nhận chính mình là người đã ném trái lựu đạn ghê tởm trong đêm hôm đó tại sân vận động Qui Nhơn, sợ lộ tông tích nên Việt Cộng đã sắp xếp cho cậu chạy trốn lên núi. Người trực tiếp chỉ đạo cậu là cô gái giúp việc tại quán cà phê Kinh Bắc cạnh rạp hát Kim Khánh (Hình trong Attachment: các nữ sinh Trinh Vương đang diễn hành ngang qua trước tiệm Cà phê nói trên). Cô gái này đã hứa hẹn, nếu hoàn thành tốt công tác, đêm hôm đó anh ta sẽ được cá nhân cô này tưởng thưởng và thỏa mãn mọi điều anh ta yêu cầu …
Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền đã thiết lập một phiên tòa công khai để xét xử thủ phạm, dân chúng đã tới dự khán rất đông. Trước các lời khai báo thành thật và thái độ ăn năn đau khổ của thủ phạm, ít có ai còn thắc mắc nghi ngờ điều gì. Nhưng lúc đó, có lẽ vì niềm đau thương đã được vơi bớt, lòng căm thù oán hận cũng đã nguôi ngoai đi nhiều. Và có lẽ chính các cơ quan truyền thông cũng không muốn nói đi nói lại, không muốn tiền hậu bất nhất. Cho nên tội ác ghê tởm này của Việt Cộng đã từ từ rồi hoàn toàn chìm vào quên lãng. Hơn nữa, chi tiết về việc bắt được thủ phạm cũng có vẻ hơi bất bình thường, nên một số người vẫn còn bán tín bán nghi, vẫn cho rằng có chuyện sắp xếp dàn dựng. Riêng tôi, ngoài những điều mắt thấy tai nghe tại hiện trường, trực giác và lương tâm còn cho tôi biết, chỉ có những con người không tim không óc, những con người tôn thờ chủ thuyết “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”, “Giết lầm còn hơn tha lầm” … mới có đủ can đảm, mới đủ gan dạ để tung một trái lựu đạn M 26 vào giữa một đám trẻ con như vậy.
Thủ phạm nhất định phải là một tên Cộng Sản.
Hiện nay, rất nhiều nạn nhân hay những người trực tiếp liên hệ và hiểu biết tường tận về biến cố trên, ngay cả những người đã từng lỡ dại ở cùng phe với thủ phạm nữa, rất nhiều người hiện đang sinh sống ở ngoại quốc. Xin đừng để tội ác ghê tởm, man rợ này hoàn toàn rơi vào quên lãng, hãy lên tiếng, hãy bổ sung thêm các chi tiết còn thiếu sót, để tội ác này cũng được ghi vào sử sách, như vụ thảm sát tết Mậu Thân tại Huế.
Xin hãy tiếp tay, giúp cho bài tường thuật này được phổ biến sâu rộng khắp nơi.

6 – TÔI CÓ SỐ HÊN.

Bài này được trích trong cuốn bút ký Trường Sơn Trường Hận, nói về chuyến đi thập tử nhất sinh của vợ chồng tôi dọc theo Xa Lộ Hồ chí Minh. Nếu đã đọc qua cuốn sách, hẳn quí vị đã thấy rằng kẻ viết bài này, đã luôn luôn gặp được rất nhiều may mắn, trong suốt cuộc đời, tôi đã nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, kể cả có lần bị kẻ gian ác thuê người sát hại. Nhưng trong cái đêm định mệnh tại sân vận động Qui Nhơn đó, Thần Hộ Mạng không những đã cứu sống tôi, mà còn che chở cả cho những người chung quanh tôi nữa. Chúng tôi là ngôi trường duy nhất trong thị xã đã được hoàn toàn bình yên vô sự, không những tất cả các em nữ sinh của trường đều đã không hề hấn gì, đều đã thoát chết, mà ngay cả nữ tu hiệu trưởng và dì phước phụ tá, nếu còn ngồi lại trên khán đài, rất có thể chính họ hay Giáo sư Khanh đã mời họ xuống cạnh đống lửa, rất khó lòng thoát được thương vong. Riêng em Tôn, hiện đang ở Garland, Texas, nếu không ra mời tôi, chắc em cũng ở đâu đó bên cạnh Thầy Khanh và cũng đã lãnh đủ. Mời tôi không được, em vừa chạy về tới vòng ngoài, phía sau lưng khán giả thì lựu đạn nổ, chỉ sớm hơn một vài tích tắc nữa, hầu như chắc chắn là em cũng đã bị trọng thương hay đã chết, vì thế nào em cũng vào gặp GS Khanh ngay để nói lại việc tôi từ chối vào chụp hình. Nhưng một người em trai của Tôn trong đoàn Ấu Sinh HTT đã bị nhiều mảnh lựu đạn ghim vào hạ bộ, tuy thoát chết nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy lập gia đình.

7 – VIỆT CỘNG TỰ THÚ.

Hàng năm, tại miền nam California, Hội Ái hữu cựu học sinh các trường Trung học Qui Nhơn đều có một ngày họp mặt và đều xuất bản một tờ Đặc San, có tên là Đặc San Liên Trường, năm nay, để góp mặt, tôi đã gửi tới bài tường thuật trên đây.
Đã bảo rằng số tôi luôn luôn gặp nhiều may mắn mà. Tôi vừa gửi bài tới Ban biên tập thì liền nhận được một bài báo của Việt Cộng do anh Tạ Chí Thân gửi tới. Khi gọi phone để báo tin này, Tạ Chí Thân đã nói như sau:
“… khi về lại Qui Nhơn, đọc được bài báo này của VC, máu em đã sôi lên, vì em cũng có mặt trong cái đêm rùng rợn đó… chúng em cũng đang sửa soạn viết về chuyện này…”
Xin trích nguyên văn từ tờ báo Cộng Sản đó, tờ “Quốc học Qui Nhơn”, trang 193, 194 và 196 để quí vị, nhất là những người đã có mặt trong cái đêm hãi hùng đó, thấy được những kẻ thù của Dân tộc, của Nhân loại và của chúng ta, vẫn luôn luôn đáng khinh bỉ, đáng phỉ nhổ đến như thế nào:
“ … Huỳnh thị Ngọc — một nữ thanh niên cơ sở cách mạng Nội Thị Qui Nhơn, kiên cường, dũng cảm và mưu trí — được tổ chức phân công đặc trách bám sát cuộc nổi dậy từ đầu để lãnh đạo… Ngồi chưa kịp nóng ghế, tỉnh trưởng Chức đã bày ra cái trò tổ chức một “đêm không ngủ” tại sân vận động Qui Nhơn cho toàn thể giáo chức và học sinh hòng ru ngủ họ. Nhận được tin này, Huỳnh thị Ngọc thấy lóe lên một tia sáng, “cơ hội đến rồi, phải chớp ngay lấy để đánh một trận phủ đầu cho chúng nó biết dân Bình Định là thế nào”. Cuộc hội ý chớp nhoáng giữa Ngọc, với bốn anh em trường trung học Cường Để: Lợi, Danh, Xuân, Sinh đã diễn ra ngay sáng hôm đó. Tất cả nhất trí phải đánh! Cách đánh và võ khí được bàn bạc cặn kẽ, được sắp xếp và phân công cụ thể, chu đáo. Hẹn nhau 3 giờ chiều hội ý lại để rà soát lại lần cuối cùng.
Gần 7 giờ tối, tất cả đều đủ mặt ở điểm hẹn. Theo tinh thần tự nguyện xung phong lúc sáng, bí thư Lợi sẽ mang lựu đạn vào sân vận động vì chân Lợi bị tật, địch ít nghi ngờ. Nhưng trước khi Lợi vào phải bố trí một người mang kiềm sắt bỏ trong túi quần vào trước thử xem địch có lục soát kiểm tra không. Kết quả vẫn trót lọt được. Đúng 7 giờ tối, xe quân sự địch đã bắt đầu dàn sẵn đầy chung quanh sân vận động. Chị Lê thị Nhỏ gánh hàng rong ngang qua chỗ hẹn, mật giao võ khí cho Nguyễn thị Duy Ân để chuyển lại cho Lợi và Danh. Trên chiếc xe Honda ở một góc bên ngoài đường, Xuân và Sinh sẵn sàng đón Lợi và Danh khi chạy ra tẩu thoát. Huỳnh thị Ngọc điểm trang thanh lịch, mặc áo dài như một cô giáo, quàng tay một cô giáo trẻ khác vượt qua cửa lớn sân vận động, vừa đi vừa nói chuyện. Ngọc rảo bước, đổ dồn đôi mắt, tìm thấy được chỗ xếp hàng của mấy chi đoàn, đủ cả, trong đó có chi đoàn Trần văn Ơn. Tất cả bọn họ đã nhìn thấy nhau và tỏ ra hớn hở phấn chấn. Cái khó là cả lũ chỉ huy chóp bu ngụy đều ngồi trên cao, giáo viên và học sinh ngồi dưới thấp, nếu ném lựu đạn, dễ cho địch phát hiện và không chắc đã ném đúng đối tượng là tên tỉnh trưởng Chức. Ngọc đến sát bên Lợi, nói vào tai: “Nó đã tổ chức một đêm không ngủ thì mình cũng thức trắng một đêm đợi thời cơ đến”.
Hơn 7 giờ rưỡi tối, đại tá tỉnh trưởng Chức xuất hiện trên bậc cao. Lũ quan quân hộ vệ vây quanh. Bên dưới sân vận động hàng mấy ngàn học sinh, giáo chức im lặng lắng nghe. Khoảng hơn 9 giờ đêm, cảm thấy có phần yên tĩnh, tỉnh trưởng Chức khệ nệ xuống đài, đi thẳng ra giữa sân vận động, kéo theo cả đoàn vệ sĩ nối đuôi nhau. Học sinh phấn khởi reo mừng, tung hoa giấy đón chào. Vô tình Chức tiến bước đến trước mặt tổ Trần văn Ơn thì hoa giấy càng tung lên gấp bội đến choáng cả mắt. Lợi rút nhanh chốt lựu đạn rồi ném thẳng vào đích. Lựu đạn vừa lóe xì khói, tên vệ sĩ – thiếu úy Linh – áp mạnh xô Chức ngã xuống rồi nằm chồm lên phủ gọn cả người tỉnh trưởng vào lòng. Một tiếng nổ “oàng” chát chúa! Cảnh ong vỡ tổ ầm ầm, mạnh ai nấy chạy ra đường lớn thoát thân.
Kết quả 7 địch chết tại chỗ trong đó có một tỉnh phó và thiếu úy vệ sĩ Linh, 4 tên trọng thương trong đó có tỉnh trưởng Chức…
Theo lời kể của đồng chí Huỳnh thị Ngọc. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. M.Đ”. -(Hết trích)-(Xin coi phóng ảnh bài báo nói trên trong Attachment)

8 – VIỆT CỘNG NÓI LÁO.

Xin có vài nhận xét về bài báo nói trên:
“7 địch chết tại chỗ, trong đó có một tỉnh phó và thiếu úy vệ sĩ Linh”. Ai ở Qui Nhơn vào thời gian đó thì cũng đều biết là bài báo nói láo về hai người chết là tỉnh phó và thiếu úy Linh. Như đã nói, Đại Tá tỉnh trưởng và đoàn tùy tùng đều mặc áo giáp và đội nón sắt nên miểng lựu đạn M 26 không thể xuyên vào đầu và các cơ phận trọng yếu để gây tử thương. Hơn nữa, tất cả những người đã học quân sự, khi thấy lựu đạn xẹt lửa sắp nổ, đều sẽ phản xạ nằm xuống, chỉ có các em học sinh, các cháu nhỏ mới nhỏm dậy để chạy, hay là cứ “nai vàng ngơ ngác”, cứ trố mắt ra nhìn như các em nữ sinh trường chúng tôi và như cô Yến, cô Tùng… nên mới lãnh trọn. (Tối 19/2/2006, Tạ chí Thân đã gặp Thiếu Tướng Nguyễn văn Chức để kiểm chứng các chi tiết trong bài tường thuật trên, nhân dịp này cựu Đại Tá Tỉnh Trưởng Bình Định cũng cho biết các lời lẽ trong bài báo nói trên của Việt Cộng là hoàn toàn bịa đặt. ).
Ngoài GS Khanh, ông chủ nhà sách Việt Long, không biết loay hoay làm sao, hay là cũng bỏ chạy, mà lại đưa nguyên cả hai cái mông về phía trái lựu đạn, nên đã bị rất nhiều mảnh ghim vào hai mông, tuy vậy, vì không có miểng nào trúng vào chỗ hiểm, nên ông cũng được cứu sống. Trong buổi họp mặt ngày 16/4/2006 vừa qua của các cựu nữ sinh trường Nữ trung học công lập Qui Nhơn, ngôi trường mà bà xã tôi theo học, vợ chồng tôi đã được bà Hiệu trưởng Vương Thúy Nga cho biết là ông Phó thị trưởng Bùi xuân Thích đã xuống cạnh đống lửa cùng với Đại Tá Tỉnh Trưởng và đã bị thương nhẹ. Còn Ông phó tỉnh trưởng Nguyễn Hữu Độ, hiện đang ở San Jose, trong một cuộc điện đàm mới đây, tác gỉa đã được cho biết ông đã không có mặt trong đêm lửa trại đó. Lý do là vì đêm văn nghệ này được tổ chức dành cho học sinh các trường trong thị xã nên là phần việc của ông Phó Thị trưởng Bùi Xuân Thích, chứ không liên quan tới ông, vì ông là Phó Tỉnh trưởng. Nhưng nghe nói, chính việc này đã gây cho Ông phó tỉnh Nguyễn Hữu Độ rất nhiều phiền phức và đã khiến cho giả thuyết tham nhũng là thủ phạm càng được nhiều người bán tín bán nghi hơn.
Tuy vậy, lựu đạn M26 với 3,600 miểng, nổ giữa mấy ngàn học sinh và giáo chức, như bài báo đã tả, mà lại chỉ làm chết và bị thương toàn … địch thôi. Việt cộng tài thật!
Tôi cũng dẫn cả trường ra về trước, nhưng không hề bị nghi ngờ, vì Qui Nhơn là một Thị xã nhỏ, mọi người đã biết rất rõ lập trường chính trị của nhau. Hơn nữa chúng tôi là một tư thục nên không dính dáng gì tới công qũy. Theo Cô Vương Thúy Nga cho biết, cô cũng có mặt tại sân vận động trong đêm hôm đó, nhưng vì trường đã có cô Yến, với chức vụ Giám học đại diện, nên cô Nga chỉ đứng dự khán bên ngoài. Nhưng sau đó cô đã trực tiếp tham gia vào việc tiếp cứu các em bị thương vong. Cô khoác bên ngoài một chiếc áo măng tô bằng vải dầy, chiếc áo đã ướt đẫm máu tươi của các học sinh bị nạn. Biến cố này bất ngờ trở thành một đề tài nóng bỏng trong cuộc họp mặt, mọi người đều ngậm ngùi thương nhớ bạn bè và thầy cô xấu số.
Huỳnh thị Ngọc, người trực tiếp chỉ huy vụ tàn sát này, theo bài báo cũng là người đã lãnh đạo các cuộc xuống đường biểu tình của học sinh Qui Nhơn mấy năm trước đó, trong cái đêm ghê tởm này, Huỳnh thị Ngọc đã giả dạng là một cô giáo trẻ, lọt hẳn vào sân vận động và đã ở sát một bên để trực tiếp chỉ huy Võ tấn Lợi. Trái lựu đạn cũng được di chuyển rất công phu, từ bà gánh hàng rong Lê thị Nhỏ, qua tay Nguyễn thị Duy Ân, rồi mới tới tay Võ tấn Lợi là người đã rút chốt rồi ném vào Đại Tá Tỉnh trưởng đang đứng giữa mấy ngàn giáo chức và học sinh. Sức công phá và khả năng sát thương của trái lựu đạn M 26 cũng đã được Việt Cộng hiểu biết rất rõ vì “Cách đánh và võ khí đã được bàn bạc cặn kẽ” như trong bài báo của VC đã ghi. Như vậy, cuộc tàn sát này là do Thị Ủy Việt Cộng tại Qui Nhơn chủ mưu và trực tiếp chỉ huy, chứ không phải chỉ là do một học sinh mới lớn, nhẹ dạ, mê gái như đã được loan truyền ngày trước.
Vì chiến công này mà Huỳnh thị Ngọc được phong là Anh Hùng Lực Lượng Võ Trang Nhân Dân. Bảo sao nhà văn Dương Thu Hương đã chả gọi cuộc chiến tranh của cái Lực lượng võ trang nhân dân đó là một cuộc chiến tranh ngu dốt và nhơ bẩn nhất trong lịch sử dân tộc. Máu của Tạ Chí Thân đã sôi lên, không phải chỉ vì ghê tởm, mà còn vì khinh bỉ nữa. Mọi người đã có mặt tại Sân vận động Qui Nhơn trong cái đêm hôm đó, khi đọc bài báo trên đây, cũng sẽ đều khinh bỉ và ghê tởm như vậy.
Cùng lúc với bài báo trên, tôi cũng nhận được nhiều lời thăm hỏi rằng sao sắp sửa lên đồi Rose Hills nằm đắp cỏ rồi, sắp sửa “six feet under” rồi mà vẫn còn hăng hái giống như là “ngũ thập niên tiền” vậy? Xin thưa thế này, sau cái ngày 30/4 oan nghiệt đó, chả thấy có chi là vững bền dài lâu cả. Càng gần đất xa trời, càng thấy rằng trên thế gian này cũng chả có chi là đời đời bền vững, chả có chi tồn tại muôn năm cả, hùng mạnh ghê gớm như Hitler, tàn bạo như Stalin và “đỉnh cao trí tuệ loài người” như Lénine rồi cũng tan thành mây khói… Cho nên mới ngộ ra rằng, thôi thì cứ chung thuỷ với những cái mà mình đã tôn thờ từ trước cho nó chắc ăn, chính trường, chiến trường và cả … tình trường cũng vậy.
Với lại, đúng như lời Tạ Chí Thân và bạn bè anh đã nói, cũng sợ nó…hèn người đi nữa.
Nhìn gần, khi viết lại, khi phổ biến hay là cho đăng tải câu truyện này là chúng ta đang chống Cộng, nhưng đối với các thế hệ con cháu, thì chúng ta đang làm công tác viết Sử, Sử của Qui Nhơn, Sử của Bình Định, Sử của Việt Nam. Sử thì phải trung thực vô tư, không được vị nể và nhất là không được sợ làm mất lòng những người đương thời. Trong tương lai rất gần, chắc chắn một xã hội thực sự Tự Do Dân Chủ sẽ hiện diện trên quê hương chúng ta, khi đó lịch sử dân tộc từ năm 1945 trở về sau, sẽ được viết lại hoàn toàn. Cung cấp những dữ kiện trung thực khách quan và chính xác, do mắt thấy tai nghe, là bổn phận của tất cả chúng ta, của thế hệ chúng ta, đối với con cháu đời sau.
Khi nói chuyện với đồng nghiệp Nguyễn Hữu Thời về vấn đề này, chúng tôi có nhắc tới việc Nữ tướng Bùi thị Xuân và con gái bị voi giầy. Thái độ can trường quả cảm của Bà và tình cảnh đáng thương của người con gái bé nhỏ ngây thơ tại pháp trường đã được giáo sĩ De La Bissachère ghi lại. Nhờ vậy mà thái độ hiên ngang và kiên cường bất khuất của vị nữ anh hùng này, nhất là bụng dạ hẹp hòi tiểu nhân của Gia Long mới được lưu truyền cho hậu thế muôn đời.
Do vậy, ghi chép lại một cách trung thực những điều mắt thấy tai nghe là trách nhiệm của chúng ta với lịch sử, với con cháu đời sau.
Riêng về tội ác của chúng tại sân vận động Qui Nhơn đêm mồng 9 tháng Giêng, 1972, chúng ta đã may mắn nắm được chính những lời thú tội của chúng. Xin hãy tiếp tay phổ biến và lưu giữ những dữ kiên này vào trong các kho sử liệu để cho con cháu đời sau được biết. Nếu quí vị cần một phó bản toàn bộ nội dung bài báo của Việt Cộng nói trên, tờ Quốc Học Qui Nhơn, xuất bản tại Qui Nhơn ngày 15-9-1996, xin vui lòng liên lạc với Tạ Chí Thân (antwheels@hotmail.com).
Cũng xin được nói thêm về con số thương vong của biến cố nói trên. Mặc dầu đã cố gắng tiếp súc với các giới chức cao cấp trong chính quyền, các giáo chức đồng nghiệp, các cựu học sinh… nhưng không có ai còn nhớ hay biết được con số chính xác, kể cả ngay chính tác giả bài viết này nữa. Lý do là vì trước một biến cố tang thương khủng khiếp như vậy, mọi người không ai để tâm tìm biết con số chính xác làm gì, chỉ biết chết và bị thương hàng trăm là đủ. Hơn nữa, lúc đó, Qui Nhơn có 4 bệnh viện, các em được chở tới và chết tại đó sẽ được thân nhân lẳng lặng mang về quê quán chôn cất, đâu có ai nghĩ đến chuyện khai báo với chính quyền làm gì. Những người bị thương cũng thế. Ngay cả về phía chính quyền, thì lúc đó cũng không có cơ quan nào đặc trách về việc tổng kết con số nạn nhân … và nhất là tin đồn tham nhũng là thủ phạm, lại càng khiến cho Ty thông tin, Đài truyền thanh, truyền hình, ngại ngùng trong việc ghi nhận con số chính xác…
Chính vì các lý do đó mà con số thương vong nêu lên đã không được đồng nhất, riêng bà Tạ Hạnh Đức là chị ruột của Giáo Sư Tạ Quang Khanh thì cho biết con số các em học sinh bị chết là 14. Một điều chắc chắn, mà tất cả mọi người đã cư ngụ trong Thị Xã Qui Nhơn vào thời gian đó đều biết rất rõ ràng, là trong số những người tử vong, không có một viên chức chính quyền hay quân đội nào cả, ngoài cô giáo Đặng thị Bạch Yến, tất cả các người bị chết đều là học sinh.

G.S VŨ LINH CHÂU

BREAKING NEWS: Hãng máy bay Mã Lai lại gặp đại nạn.

vulinhchau

Hơn ba tháng trước, chuyến bay MH 370 của Mã Lai bỗng dưng biến mất trên bầu trời và bị nghi là rớt xuống Ấn Độ Dương. Sau hơn một tháng tìm kiếm, với sự cộng tác của máy bay, tầu biển, tầu ngầm thuộc nhiều quốc gia…Nhưng cho đến hôm nay, người ta vẫn chưa hề thấy bất cứ một di vật hay một dấu vết nào từ chiếc máy bay lâm nạn đó…

Hôm nay, theo tin của CNN, lúc 12 am, July 18, 2014, một chiếc máy bay Boeing 777 khác cũng của hãng hàng không Mã Lai, chiếc MH 17, đã nổ tung trên bầu trời gần thành phố Tores thuộc phía đông Ukraine, giáp giới với nước Nga.
Chiếc Boeing này khi đó đang bay ở độ cao 10 ngàn mét.
Cả phó TT Mỹ Biden và TT Mã Lai Nazib đều cả quyết rằng chiếc máy bay đã bị bắn hạ.
Nó đang trên đường từ Amsterdam, thủ đô của Hòa Lan bay về thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai.
Hành khách là 298 người gồm 154 Hòa Lan (Dutcth), 27 Úc, 23 Mã Lai, 11 Indonesia, 6 Anh, 4 Đức (German), 4 Bỉ, 3 Philippines, 1 Canada…

Đây sẽ là một tin vô cùng quan trọng, không phải chỉ vì số người thương vong qúa cao mà còn vì những lý do sau đây:
– Máy bay đã bị bắn hạ tại Tores thuộc phía Đông Ukraine, đây là vùng đang có giao tranh ác liệt giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai thân Nga.
– Nga đã cung cấp rất nhiều vũ khí tối tân hạng nặng cho phe Ukraine ly khai. Hai ngày trước đây, một máy bay của chính phủ Ukraine cũng đã bị một hỏa tiễn của phe ly khai bắn hạ tại một độ cao tương tự.
– TT Putin luôn luôn chối rằng Nga không hề cung cấp võ khí cho phe ly khai Ukraine thân Nga…Nhưng lần này, với việc một chiếc máy bay dân sự bị hỏa tiễn bắn hạ, với số thương vong to lớn như trên, chắc chắn, các cơ quan điều tra quốc tế sẽ có lý do chính đáng để hành động và sẽ đem sự việc ra ánh sáng…
– Như vậy, sau cùng thì thủ phạm bắn hạ chiếc máy bay dân sự này và nhất là xuất xứ của chiếc hỏa tiễn đó sẽ được phơi bày ra ánh sáng.
– – Trong thực tế thì ai ai cũng biết là các võ khí tối tân, kể cả chiếc hỏa tiễn này, của phe ly khai Ukraine đều do Nga cung cấp. Nga đã không bao giờ nhìn nhận. Tuy nhiên với cuộc điều tra lần này, mọi chuyện sẽ được bạch hóa rõ rang.
– Từ trước đến nay, quốc tế, nhất là Mỹ và Liên Âu, đã phải bó tay trước các luận điệu dối trá của Nga, nhưng nay thì cơ hội ngàn vàng đã tới.
– -Con cáo già Putin với các mưu chước thần sầu qủi khốc đã và đang làm điên đầu TT Obama của Mỹ và làm rất nhiều lãnh tụ chóp bu trên thế giới mất ăn mất ngủ. Chắc chắn hiện giờ, với việc hỏa tiễn của Nga, do phiến quân ly khai Ukraine điều khiển, đã trông cò hóa quốc, mà bắn nổ tung một máy bay dân sự…Chắc chắn biến cố này cũng đang làm cho TT Putin vò đầu bứt tóc, ăn không ngon ngủ không yên.
– – Biến cố này chắc chắn sẽ là một vố trời giáng vào uy tín của TT Putin… Chắc chắn cuộc điều tra sẽ kết luận là chiếc hỏa tiễn này là do Nga chế tạo.
– – Cả thế giới đang nóng lòng chờ xem con cáo già, cựu điệp viên KGB, sẽ đối phó ra sao. Phải chăng “ Người tính không bằng Trời tính”. Phải chăng “Trời có mắt”.
– Và biết đâu, biến cố đau thương này sẽ có lợi cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và sẽ bất lợi cho âm mưu lấn chiếm vùng đất chiến lược Crimea tại Hắc Hải của TT Putin.
– Riêng đối với hãng hàng không Mã Lai thì đúng là họa vô đơn chí. Riêng với tai nạn hôm nay, chắc chắn họ sẽ gặp những vụ thưa kiện về sự bất cẩn, họ đã không cho máy bay tránh xa khu vực đang có giao tranh nguy hiểm này.

Vũ Linh Châu.
(16 pm, July 17, 2014)

VỤ TRẦN TRƯỜNG TẠI LITTLE SAIGON QUẬN CAM 1999.

vulinhchau

(Nhân lúc dầu sôi lửa bỏng tại quê nhà về những cuộc biểu tình ôn hòa, bạo động… tuongtri.com xin giới thiệu bài viết về biểu tình kiên trì 52 ngày đêm của cọng đồng người Việt tại Mỹ cách đây 15 năm của giáo sư VŨ LINH CHÂU (trường trung học TRINH VƯƠNG QUI NHƠN) cựu sĩ quan biệt phái QUÂN LỰC VNCH. Mong được đóng góp phần nào kinh nghiệm)

Vào thời gian đầu năm 1999, Trần Trường đã bất ngờ treo một lá cờ đỏ sao vàng và một tấm hình Hồ Chí Minh trong cửa tiệm sang băng của anh ta tại phố Bolsa.
Vào thời gian cuối thập niên 90 này, lòng căm thù Cộng Sản còn rất sâu đậm trong Cộng đồng tỵ nạn Việt Nam. Các tội ác của chúng gây ra cho nhân dân Miền Nam còn quá gần kề mới mẻ, những vết thương chiến tranh, những cảnh tan cửa nát nhà, đau thương mất mát cho từng cá nhân, từng gia đình vẫn còn chưa được nguôi ngoai. Các vết thương vẫn còn đang âm thầm rướm máu. Nợ nước thù nhà vẫn còn chồng chất. Nhất là các đợt di dân của các cựu Tù nhân chính trị qua chương trình HO đang dồn dập đổ vào Hoa Kỳ… Do vậy, khí thế chống Cộng trong giai đoạn này đã tràn dâng lên đến tột đỉnh. Một số người vì ý chí chống Cộng còn quá hăng say quyết liệt, họ không chấp nhận bất cứ một hành động, một lời nói, một cử chỉ nào có dính dáng xa gần tới bọn Cộng Sản Việt Nam. Thí dụ, bất cứ một chương trình văn nghệ nào mà có mặt, dù chỉ là một nghệ sĩ hay một ca sĩ đến từ trong nước là sẽ bị biểu tình chống đối rất dữ dội quyết liệt…
TRẦN TRƯỜNG, HÌNH HỒ CHÍ MINH VÀ LÁ CỜ MÁU.
Trong khi đó, một vài người có đầu óc chủ hòa dễ dãi, lại không hoàn toàn đồng ý với những hành động và thái độ mà họ cho là quá khích cực đoan đó. Trần Trường là một trong những người này. Anh ta thường có những lời lẽ công khai chống lại những hành động chống Cộng tích cực của Cộng Đồng. Trong các cuộc biểu tình chống nghệ sĩ trong nước chẳng hạn, Trần Trường thường công khai dẫn vợ con đi giữa hai hàng người biểu tình để vào trong rạp.
Trần Trường có một tiệm sang băng nhạc trên đường Bolsa, thuộc thành phố Westminster, tiểu bang California. Chắc là đã được ai đó bầy biểu, cho nên Trần Trường đã treo trong tiệm sang băng của anh ta hình Hồ Chí Minh và một lá cờ đỏ sao vàng của Cộng sản Việt Nam để thách thức Cộng Đồng, nhất là nhóm người mà anh ta cho là “quá khích” kia.
Anh ta đã biết sẽ không có ai dám hạ hai biểu tượng đó xuống hay dám hành hung, đập phá cửa tiệm của anh ta. Họ sẽ bị Cảnh Sát bắt giữ ngay vì đã xâm phạm vào quyền Tự Do Ngôn Luận của người khác.
Phải chăng sự việc chỉ đơn giản như vậy, chỉ do tính tình ngông nghênh của cá nhân Trần Trường, chỉ vì thích chơi nổi, chỉ vì muốn thách thức người khác cho bõ ghét, chứ không có một âm mưu gì ghê gớm hay một thế lực chính trị tầm cỡ quốc gia quốc tế nào đứng đàng sau Trần Trường cả.
Với thời gian, hình như sự việc đã sáng tỏ như vậy.
TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN.
Tuy nhiên vào lúc đó, nhất là vào những tuần lễ đầu tiên của biến cố, Cộng đồng chúng ta đã rơi vào tình trạng hoang mang cực độ. Càng là người trí thức, càng thông hiểu luật pháp Hoa Kỳ, càng ý thức được tính cách bất khả xâm phạm của tấm hình và lá cờ mà Trần Trường đã treo lên, người ta càng phân vân dè dặt hơn. Chính vì vậy mà trong những tuần lễ đầu, rất nhiều người, kể cả hầu hết các cơ quan truyền thông lớn tại Quận Cam, hầu hết các đài phát thanh, các nhật báo, tuần báo…, tất cả đều đã giữ thái độ “wait and see”, chờ xem sự việc sẽ diễn tiến ra sao. (Khi đó tại Miền Nam California chưa có đài truyền hình VN). Riêng một đài phát thanh tiếng Việt lớn nhất lúc ấy tại Miền Nam Cali, thì vì qúa dè dặt, nên đã im lặng chờ đợi, quan sát… và chờ mãi cho tới phút chót, nghĩa là chẳng đóng góp, chẳng đề cập gì tới cái biến cố đã và đang làm rung rinh thủ đô tỵ nạn ngay chung quanh họ. Đây là một bài học đắt giá mà những người làm truyền thông trong Cộng Đồng nên học hỏi để rút tỉa kinh nghiệm cho mai sau.
Tuy vậy, một số khá đông những người sẵn có tinh thần chống Cộng quyết liệt, được sự yểm trợ của một số cơ quan truyền thông, nhất là đài Radio Bolsa của Việt Dzũng-Minh Phượng, được lãnh đạo bởi các vị có trách nhiệm trong Cộng Đồng lúc bấy giờ như qúi ông Bùi Bỉnh Bân, Trần Ngọc Thăng, Hồ Anh Tuấn… những chiến sỹ tiên phong can trường này đã không hề nản chí, đã không hề run sợ, họ đã rất quyết liệt, rất kiên cường bất khuất, đã bất kể mọi gian nan nguy hiểm, mọi rụt rè đắn đo…, họ đã liên tục tổ chức những cuộc biểu tình trước cửa tiệm của Trần Trường, suốt ngày suốt đêm.
Một đặc điểm rất quan trọng trong giai đoạn mở đầu này, đó là các người có trách nhiệm lãnh đạo đã rất thông hiểu luật pháp của xứ tạm dung, qúi vị này đã điều khiển và hướng dẫn cho các người tham dự tuyệt đối tôn trọng luật pháp, tuyệt đối bất bạo động.
Đây là một yếu tố chiến lược hết sức quan trọng cho sự thành công vẻ vang sau này.
Tinh thần bất bạo động và thượng tôn luật pháp đã được tiếp tục trải dài trong suốt thời gian tranh đấu, khiến cho nhân viên công lực không thể sử dụng võ lực để can thiệp giải tán, nhất là nhờ đó mà dân chúng Hoa Kỳ đã thấy rõ sự trưởng thành về ý thức chính trị và tinh thần thượng tôn luật pháp của Cộng Đồng Tỵ nạn Việt Nam.
Cũng phải công tâm mà nói ngay rằng, tuy ít mưu lược, tuy vai trò của họ đã mờ lạt đi vào giai đoạn cuối của biến cố này, nhưng những con người qủa cảm nói trên đã có những đóng góp rất lớn, rất quan trọng trong vụ Trần Trường. Với ý chí chống Cộng kiên cường mãnh liệt, chính họ đã phát khởi và nuôi dưỡng ngọn lửa đấu tranh lúc ban đầu để rồi sau đó đã lôi cuốn được sự tham gia của cả Cộng Đồng và sau cùng thì đã đi đến thành công vô cùng vẻ vang rực rỡ.
ÁC Ý CỦA TRUYỀN THÔNG MỸ.
Riêng đối với các kí giả của Báo chí và Truyền thanh, Truyền hình Hoa kì. Ngay từ khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, hầu hết giới truyền thông và bọn phản chiến Mỹ đã cố ý trút bỏ tất cả trách nhiệm về sự thất trận của Mỹ tại Việt Nam lên đầu Quân dân Miền Nam Việt Nam, khiến rất nhiều người Hoa Kỳ đã bị đầu độc tai hại, kể cả cưụ Tổng Thống George Bush, khi so sánh Việt Nam với Iraq, Ông đã phát biểu: “Vì Miền Nam Việt Nam không chịu chiến đấu, nên họ đã mất Tự Do”. Sau ngày 30/4/1975, truyền thông Mỹ càng không tiếc lời phỉ báng bôi nhọ người tỵ nạn Việt Nam, công khai gọi chúng ta là bọn lưu manh đĩ điếm. Họ cũng cố ý liên tiếp thổi phồng những sơ sót, bêu rếu những sai lỗi nhỏ nhặt liên quan tới Cộng đồng tỵ nạn Việt nam trên báo trên đài.
Đối với Cộng đồng Việt Nam, khi vụ Trần Trường treo cờ Việt Cộng và hình Hồ Chí Minh nổ ra, không phải chỉ có những người lâu nay vẫn tích cực tham gia quyết liệt vào các cuộc biểu tình chống Cộng, mà cả Cộng Đồng đã bị dồn vào ngõ cụt tưởng như không còn lối thoát.
Về mặt tình cảm, chúng ta không thể cho phép lá cờ và tấm hình đó hiện diện ngay giữa thủ đô tỵ nạn được.
Nhưng về mặt pháp lý, chúng ta, và ngay cả mọi cơ quan quyền lực tối cao tại Hoa Kỳ, mọi nhân vật quyền uy nhất nước Mỹ như Tổng Thống, Chủ tịch Quốc Hội, Chánh án Tối cao Pháp viện… cũng không ai có thể ra lệnh hạ lá cờ và tấm hình đó xuống, vì làm như vậy là vi phạm vào Tu chính án số một của Hiến Pháp Hoa Kỳ, xâm phạm vào quyền Tự do Phát biểu, Tự do Ngôn luận của cá nhân Trần Trường, một quyền tự do cao cả của mọi công dân Hoa Kỳ, đã được Hiến pháp long trong bảo vệ gần như tuyệt đối. Nếu bất cứ cá nhân hay tập thể nào, dù to lớn, giầu có hay dù ngang tàng quyết tử đến đâu… mà dám cả gan vi phạm – trong trường hợp này, là việc hạ tấm hình HCM và lá cờ máu đó xuống – mà không đươc Trần Trường đồng ý, thì các cơ quan quyền lực của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ – gần kề và trực tiếp nhất là Lực lượng Cảnh Sát Westminster – có nhiệm vụ phải bảo vệ việc treo tấm hình và lá cờ đó bằng mọi giá.
Đó là luật pháp và truyền thống của quốc gia Hoa Kỳ, không thể làm khác đi được.
Chỉ có một người duy nhất có thể hạ được chúng xuống một cách hợp pháp, đó là Trần Trường. Nếu muốn cưỡng bức Trần Trường phải hạ chúng xuống, thì chỉ còn một phương cách hợp pháp duy nhất là… sửa đổi Hiếp Pháp Hoa kì. Một ý nghĩ điên rồ không thể thực thi.
TRUYỀN THÔNG MỸ NHẬP CUỘC.
Dĩ nhiên giới truyền thông Mỹ biết rất rõ điều đó, họ hiểu tường tận thế kẹt này của cộng đồng Việt Nam. Hơn nữa họ cũng bị tự kỷ ám thị bởi những điều xấu xa mà chính họ đã tạo ra và gán ghép cho cộng đồng Việt Nam. Một vài lời nói và hành động quá khích hời hợt của một số người năng động ồn ào tại Little Saigon lúc bấy giờ, càng khiến họ tin rằng trình độ và thái độ của tất cả cộng đồng tỵ nạn Việt Nam đều giống như vậy. Chắc chắn bọn cao bồi, du đãng, đĩ điếm… mà họ cho rằng đang đầy dẫy tại Little Saigon, sẽ nhân cơ hội này để cướp bóc, hôi của, đốt nhà… Nhiều tờ báo Mỹ còn công khai tiên đoán Little Saigon sẽ bị thiêu rụi trong nay mai.
Thế là tất cả các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã rầm rộ đổ dồn về khu phố Bolsa, cần ăng ten, xe phát sóng của các đài TV tua tủa khắp nơi, máy quay phim, máy chụp ảnh, ký giả của các tờ báo, các hãng thông tấn, các phóng viên truyền thanh truyền hình… chen chúc trước khu biểu tình chật hẹp. Nhiếp ảnh gia danh tiếng của hãng AP là Nick Út cũng được gửi tới, sẵn sàng thu vào ống kính những hình ảnh tồi tệ nhất của người Việt Nam.
Trần Trường, được các luật sư Mỹ trong hội ACLU tình nguyện cãi thí, được tòa án xử cho thắng kiện, dương dương tự đắc, được cảnh sát Mỹ hộ tống, vợ chồng anh ta mở toang cửa tiệm, nhang khói nghi ngút, quì gối lạy lục trước ảnh già Hồ và lá cờ máu.
Bên ngoài, đồng bào sôi sục căm hờn, giận muốn phát điên, nhưng đành uất ức đứng nhìn.
Tất cả các hình ảnh này đều đã được trình chiếu hàng ngày trên các đài truyền hình Mỹ.
Đám đông càng ngày càng vĩ đại thêm, họ chỉ biết điên cuồng hò hét, hoan hô đà đảo suốt ngày suốt đêm, nhưng vẫn trong vòng trật tư, nên cảnh sát cũng không thể can thiệp giải tán.
Tại quốc nội, dĩ nhiên chính quyền CS đã hết sức vui mừng phấn khởi. Một chiến dịch quyên góp cho Quĩ pháp lý yểm trợ Trần Trường đã được phát động rầm rộ trên toàn quốc, tất cả Công Nhân Viên đều bị trừ lương để góp vào quĩ này. Chả biết số tiền đó đã đi về đâu, có đồng nào đến tay Trần Trường hay không?
CỘNG ĐỒNG TỴ NẠN KIÊN CƯỜNG BẤT KHUẤT.
Tinh thần chống Cộng của đồng hương tỵ nạn vẫn hừng hực cháy, suốt ngày suốt đêm, như một lò lửa căm hờn, mỗi ngày một thêm mãnh liệt gay gắt hơn. Nhiều ý kiến đã dần dần được đóng góp vào. Như là:
– “Nếu treo hình Hitler giữa một cộng đồng Do Thái thì sẽ ra sao”
– “Vì Hồ Chí Minh mà 58 ngàn lính Mỹ đã chết”
– Ngoài cờ Việt Nam, còn phải treo nhiều cờ Mỹ và cả cờ MIA (Lính Mỹ mất tích) nữa…
Nên cuộc biểu tình càng ngày càng đông, nhiều cựu quân nhân Mỹ cũng đã bắt đầu tham gia, rất nhiều đồng bào túc trực 24/24, đồ ăn, tiền bạc ào ạt gửi tới.
Do sự góp ý của một số thính giả ở xa gọi về các đài phát thanh, phần lớn là ý của các bà các cô, một buổi trình diễn Văn nghệ Tự phát qui mô đã được tổ chức vào đêm 22 tháng 2, 1999.
Số người tham dự đã lên tới mức kỷ lục.
Hầu hết giới truyền thông Mỹ đều tin rằng bạo loạn sẽ bùng ra trong đêm này. Cảnh sát Westminster và các thành phố lân cận đã sẵn sàng ứng chiến, mỗi người đã được trang bị cả bó giây trói bằng nhựa cứng. Những tiếng lóng chửi bới nhục mạ người Việt Nam vang vang trong hệ thống truyền tin nội bộ của cảnh sát Mỹ. Họ công khai tuyên bố, nếu cần sẽ huy động, sẽ back up tất cả lực lượng của toàn miền nam California để bắt hết số người làm loạn. Chỉ cần một vi phạm giao thông rất nhỏ của một vài cá nhân, như bước xuống lòng đường chẳng hạn, hay một vụ gây gỗ ẩu đả của một vài người – chống đối và ủng hộ treo cờ và hình chẳng hạn – cảnh sát sẽ bắt giữ những người này ngay. Đám đông man rợ và vô kỷ luật, theo họ tưởng tượng, sẽ ào vô không cho cảnh sát bắt người. Lực lượng cảnh sát đang túc trực sẵn sẽ can thiệp ngay, hỗn chiến sẽ bùng lên. Bọn côn đồ sẽ thừa cơ cướp phá các tiệm buôn, thiêu hủy nhà cửa. Little Saigon sẽ biến thành một biển lửa…
Tưởng tượng ra như vậy, nên khi cuộc biểu tình đến mức cao điểm, trên bầu trời Little Saigon, trực thăng của các đài truyền hình vần vũ dầy đặc, giống như bầu trời Saigon trong dịp Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968. Tất cả mọi phương tiện truyền thông đều đã sẵn sàng, mọi người, nhất là khán giả của các hệ thống truyền hình Hoa Kỳ, nóng lòng chờ Breaking News…
Đám người biểu tình mỗi lúc một đông, tràn ngập cả sang phía bên kia lề đường Bolsa, có lẽ lên tới cả bốn năm chục ngàn.
Rừng người sôi sục, điên cuồng hò hét, hoan hô đà đảo vang vọng cả một góc trời, như triều dâng sóng dậy, như muốn xé nát không gian. Tất cả mọi nỗi căn hờn uất hận, nợ nước thù nhà, bom đạn chết chóc, tù đầy nhục nhã, tan cửa nát nhà, sóng dữ biển đông, giặc cướp hải tặc… và cả như những tiếng thét Xung Phong oai hùng trên trân địa ngày xưa nữa…
Tất cả đang ầm ầm bùng cháy, một rừng Cờ Vàng đang cuồn cuộn dâng cao.
Đoàn người tị nạn Việt Nam, một nhóm di dân bé nhỏ mới tới, đang bắt bí toàn quốc Hoa Kỳ, đang thách thức cả Hiến Pháp Mỹ, đang dồn cả Ba cơ quan Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp của nước tạm dung vào một ngõ bí.
Về phương diện pháp lý, đúng, hoàn toàn đúng, không có bất cứ một ai, không một nhóm người nào được đứng trên Luật Pháp và trên Hiến Pháp. Cũng như mọi công dân Hoa Kỳ khác, quyền Tự do phát biểu của Trần Trường phải được luật pháp tuyệt đối bảo vệ.
Nhưng mà, nhưng mà, về phương diện… tình cảm, cộng đồng tỵ nạn Việt Nam chúng tôi cũng không thể chấp nhận cho tấm hình và lá cờ đó ngang nhiên phơi bày ở giữa khu phố Bolsa này được.
– Đả đảo Cộng Sản. Đả đảo Hồ Chí Minh.
Cả rừng nắm tay vẫn liên tiếp vung lên, cả biển Cờ Vàng vẫn cuồn cuộn như triều dâng sóng dậy, như bão táp cuồng phong, hàng vạn tiếng hô vẫn ào ạt vang dội, long trời lở đất, bằng cả hai ngôn ngữ Việt-Anh, như muốn xé nát bầu trời thủ đô tỵ nạn, như muốn vang vọng tới tận Hà Nội và Washington, như muốn lan ra trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ. Những tiếng thét xuất phát từ trong đáy lòng, từ tận trái tim, bất khuất, gan góc, lì lợm, 52 ngày, 52 tuần, hay 52 tháng… cho đến khi nào tất cả chúng tôi gục chết tại đây, cho đến khi nào tấm hình và lá cờ đó biến mất mới thôi.
Điên cuồng hò hét, say sưa đà đảo hoan hô, quyết liệt đấu tranh, diễn văn nẩy lửa… nhưng tất cả đều hoàn toàn trong vòng kỷ luật trật tự, tuyệt đối không hề có một vi phạm luật lệ nào, dù chỉ là một sai lỗi về giao thông rất nhỏ.
Và rồi, gần đến nửa đêm, cuộc biểu tình chấm dứt, biển người yên lặng ra về trong vòng kỷ luật và trật tự tuyệt đối, giống hệt như vừa tan một đại lễ ở nhà thờ ra.
Đã vậy, hai bên lề đường Bolsa lại hoàn toàn sạch sẽ, mọi người đã tự động thu dọn không còn sót lại một cọng rác nhỏ. Tờ mờ sáng ngày hôm sau, từng toán cụ ông cụ bà và nhiều nhóm thanh niên trai trẻ, tay cầm theo túi ni lông, lại dàn hàng ngang, lượm cho bằng hết mọi rơi rớt còn sót lại trong các lùm cây bụi cỏ.
Tất cả các hình ảnh này, cùng với không khí sôi sục căm hờn của buổi tối ngày hôm trước, đã được các phương tiện truyền thông, nhất là vô tuyến truyền hình, chuyển đi khắp nơi, đến tận phòng khách của rất nhiều gia đình người Hoa Kỳ.
“DIỆN HAY LÀ ĐIỂM”, BIẾN CỐ BẤT NGỜ ĐƯA TỚI THÀNH CÔNG?
Cũng trong cuộc mít tinh quan trọng này, Việt Dzũng, một xướng ngôn viên quen thuộc của đài Radio Bolsa tại Litlle Saigon đã lớn tiếng hô hào:
“Chống hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng Sản chỉ là Diện. Chống Thương Ước Việt – Mỹ mới là Điểm. Phải nhân lúc lòng người đang sôi sục này để vùng lên, phá cho bằng được cái Thương ước đó”.
Phải chăng chưởng lực này đã vô tình giáng trúng tử huyệt của cả Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn?
Vào thời gian đó, Hiệp Ước Thương Mại sắp được ký kết giữa Hoa Kỳ và Hà Nội. Đây là một biến cố vô cùng quan trọng cho cả hai bên. Không những nó là một lối thoát sống còn cho Cộng Sản Việt Nam, mà nó cũng là một bước ngoặc quyết định cho đường hướng ngoại giao hoàn toàn mới của Mỹ tại Á Châu nữa. Chính phủ Mỹ đang cố gắng dùng Hiệp Ước Thương Mại Việt – Mỹ này để biến kẻ tử thù cũ thành một Đồng minh Chiến lược mới. Road Map về Việt Nam đã ghi rõ ràng như vậy.
Bằng mọi giá, Hiệp ước này phải được thông qua. Cả hai phía Việt và Mỹ đều không muốn để cho bất cứ một trục trặc nào có thể cản trở hay là gây chậm trễ cho việc ký kết thương ước này.
Phải chăng chính vì chưởng lực này mà chỉ vài ngày sau đó, cảnh sát trưởng Westminster đã mở một cuộc họp báo để tuyên bố rằng từ nay, việc cờ và hình này không còn thuộc trách nhiệm của thành phố nữa mà sẽ do chính quyền Trung ương tại Washington giải quyết.
Nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ vẫn liên tục tiếp diễn suốt ngày suốt đêm, nhưng sự hiện diện của giới truyền thông Mỹ thì mỗi ngày mỗi thưa dần. Cho đến cuộc tập họp đêm 26 tháng 2, tuy chỉ cách cuộc tập họp lớn nói trên một tuần lễ, lại do giới trẻ tổ chức, không những số người tham gia đã đông đảo hơn cả các lần trước mà lại là một đêm thắp nến, nên nếu bị phá hoại bằng bom xăng, thì với một rừng người như vậy, rất có thể sẽ gây nên những hậu quả tai hại khó lường…
Tuy vậy, các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ thì đã gần như hoàn toàn vắng bóng, bầu trời chỉ còn đơn độc một vài chiếc trực thăng của cảnh sát, dưới đất lác đác vài đài truyền hình địa phương…
Bụng dạ hẹp hòi của giới truyền thông Mỹ đã được phơi bày quá sức trơ trẽn lộ liễu.
AI ĐÃ RA LỆNH HẠ CHÚNG XUỐNG?
Trước cửa tiệm của Trần Trường vẫn dầy đặc người, suốt ngày suốt đêm.
Tuy nhiên không biết vì lý do gì, vì ngứa mắt, vì vô tình hay cố ý, tất cả cửa kiếng trước tiệm Trần Trường đã được dán kín bằng nhiều lớp giấy báo cũ, không thể nhìn thấy bên trong. Biểu tình vẫn sôi sục bên ngoài vì mọi người tưởng rằng hình và cờ vẫn còn trong đó.
Cho tới một hôm, một người da trắng đến xé một mảng giấy che và la to lên là hình và cờ đã biến mất rồi!
Ai đã hạ chúng xuống? Chắc chắn chủ phố và cả cảnh sát địa phương, cả chính quyền sở tại, không ai đã dám dại dột mà tự ý phạm vào cái tội tầy đình đó. Giới chức nào ở Washington đã dám vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ, đã coi thường Tu chính án số I, đã bất kể tới Lập pháp, Tư pháp, đã khinh thường tập đòan luật sư ACLU của Trần Trường… để ngấm ngầm ban ra cái lệnh ghê gớm này?
Một bí mật lịch sử, phải chờ cho thế hệ này qua đi, mới dám tiết lộ. Cựu Tổng Thống Clinton đã viết hồi ký, nhưng dĩ nhiên Ông không dại gì mà đề cập tới trọng tội này.
Nhất lý, nhì lỳ. Ý chí chống Cộng kiên cường sắt đá, lòng căm thù Cộng Sản tận xương tận tủy, tinh thần bất bạo động và thượng tôn luật pháp của Cộng Đồng tỵ nạn Việt Nam đã oanh liệt chiến thắng.
Lá cờ máu và hình bóng của tên đồ tể bán nước hại dân đã âm thầm biến mất khỏi tiệm thâu băng của Trần Trường và sẽ không còn bao giời xuất hiện tại khu phố Bolsa nữa.
NHỮNG HẬU QỦA TO LỚN BẤT NGỜ.
Đây là một chiến thắng có tính chiến lược cho công cuộc chiến đấu chống Cộng, nhất là tại hải ngoại.
Rõ ràng là Trời đã trả công cho Quân Dân Miền Nam qua vụ Trần Trường.
Rõ ràng là các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ đã quảng cáo miễn phí cho cộng đồng tỵ nạn Việt Nam.
– Trước hết, về Hồ Chí Minh, mọi người trên thế giới, nhất là công chúng Mỹ đã phải tự hỏi, chắc chắn là Hồ Chí Minh và Cộng Sản Việt Nam phải độc ác và tàn bạo khủng khiếp lắm nên dân chúng Việt Nam mới căm thù và ghê tởm đến như vậy.
Kể từ sau biến cố Trần Trường này, tất cả các cuộc vinh danh, suy tôn, ca tụng Hồ Chí Minh, kể cả của UNESCO, đều đột nhiên hoàn toàn chấm dứt trên toàn thế giới. Cuộc triển lãm sau cùng về Hồ Chí Minh diễn ra tại San Francisco trong thời gian vụ Trần Trường gần kết thúc đã phải âm thầm dẹp bỏ vì số người tới xem quá lèo tèo. Những năm trước đó, tại nhiều nơi trên thế giới, nhiều đoàn thể, tổ chức, hiệp hội… đã liên tục tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo, triển lãm… để ca tụng, để thần thánh hóa, để suy tôn tên đồ tể sát nhân này. Thậm chí, chính cơ quan Unesco của Liên Hiệp Quốc cũng đã phạm phải lỗi lầm đáng trách này…
Nhưng từ sau vụ Trần Trường, cho tới ngày hôm nay, đã hơn 10 năm, trên khắp thế giới, không có bất cứ một cá nhân hay tập thể nào còn công khai tái diễn cái trò hề ngây ngô đó nữa.
– Hà Nội cũng chợt nhận ra rằng, hận thù còn lâu mới có thể xóa sạch, tội ác của họ còn lâu mới đi vào quên lãng được. Nợ nước đã vậy, còn thù nhà thì sao. Nợ nước, đối với nhiếu người thì nó xa vời và hơi hơi trừu tượng. Nhưng THÙ NHÀ thì nó dính liền với da với thịt, nó day dứt ngày đêm…Biết bao nhiêu người đã táng gia, bại sản, gia đình tan nát, mất vợ mất con… (năm mười năm tù chỉ là chuyện nhỏ). Vật chất càng dư gỉa sung túc, thì càng thêm thương vợ nhớ con, căm thù oán hận càng thêm nung nấu ngày đêm… Càng được ăn ngon mặc đẹp, lại càng nghĩ tới những ngày nheo nhóc đói khổ cuả thân nhân cha mẹ… Ấy là chưa kể sóng dữ Biển Đông, hải tặc hiếp vợ giết con…
Chính vì vậy, mà mãi cho đến ngày hôm nay, Cộng Sản VN vẫn chưa dám công khai ra một tờ báo hay mở một đài phát thanh, một cơ sở truyền hình.
Nếu không có biến cố Trần Trường này, thì từ cả chục năm nay, hình ảnh của khu phố Bolsa đã như thế này:
Tôi đi không thấy phố thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ.
Trước đây, người ta thường mỉa mai người Việt Nam là rời rạc, chia rẽ, thiếu đoàn kết, ba người Việt Nam không bằng một người Nhật…. Nhưng hình như, cũng thấy vậy mà không phải vậy. Hình như khi hữu sự, thì các cá nhân rời rạc này, sẽ tự động dính kết lại với nhau thành một khối tảng kiên cố vô cùng, kẻ thù nào cũng bị đánh bại, chướng ngại nào cũng bị vượt qua. (Xong việc thì lại tiếp tục đường ai nấy đi, nhà ai nấy ở, báo ai nấy viết, đài ai nấy nói, hội ai nấy họp… tiếp tục rời rạc, chia rẽ, mất đoàn kết.)
Nhưng mà coi chừng đấy nhá, đừng có chọc, khôn hồn thì để cho chúng tôi yên.

Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là thành quả quan trọng nhất của vụ Trần Trường.
– Hậu quả to lớn hơn cả của biến cố này là uy tín và danh dự của người tỵ nạn Việt Nam đã được phục hồi. Trước biến cố này, như đã nói ở trên, cộng đồng chúng ta đã bị giới truyền thông Mỹ bôi đen hoàn toàn. Thí dụ, chính các con tôi cho biết, nhiều em sinh viên Việt Nam tại trường Đại học UCI, thèm đồ ăn Việt Nam, nhưng không dám ghé Little Saigon, vì nghe đồn ở đó toàn là lưu manh du đãng, mời được một người bạn Mỹ đến đó lại càng khó hơn…
Ngay cả nhiều người lớn tuổi, để dễ dàng cho công việc làm ăn, cũng phải thay tên đổi họ hầu che đậy gốc gác Việt Nam của mình. Họ Nguyễn thì đổi là Win hay Yen, Lê thì thành ra Lee, Vương thành Vern, Vũ thành Wu … Rất nhiều người đã cố cải trang thành …người Hoa.
Nhưng sau biến cố này, nhờ giới truyền thông Hoa Kỳ, mọi người, nhất là dân chúng Mỹ, đã thấy rõ ràng Việt Nam là một cộng đồng văn minh, có trình độ giáo dục cao, biết thượng tôn luật pháp, biết tranh đấu ôn hòa bất bạo động trong khuôn khổ luật pháp. Và hình như…không có cả cao bồi du đãng trong cộng đồng nữa.
– Nhưng quan trọng nhất là giới trẻ, từ sau biến cố Trần Trường, họ đã gột rưả hết được các điều ngộ nhận, đã xóa sạch được các mặc cảm tự ti, hãnh diện ngước mặt lên cao, hiên ngang vỗ ngực xưng tên mình là người Việt Nam, rồi tích cực tham gia vào các sinh hoạt làm vẻ vang cho cộng đồng, cho quê hương đất nước.
TRỜI PHẬT TRẢ CÔNG?
Nghe nói mỗi phút quảng cáo trên TV Mỹ giá tới cả ngàn dollars, trên báo chí Mỹ cũng vậy. Như thế, nếu mà thuê họ, có lẽ cả trăm triệu bạc cũng không trang trải cho đủ.
Thế mà cộng đồng chúng ta lại không tốn mất một đồng xu teng. Xin gửi tới giới truyền thông Mỹ một lời cám ơn vì đã giúp nhân dân Hoa Kỳ hiểu biết chính xác rõ ràng về trình độ dân trí, nếp sống văn minh và nhận thức chính trị của người Tỵ nạn Việt Nam.
Phải chăng vì những hậu qủa to lớn và vô cùng quan trọng như vậy, cho nên “thùng tiền chính nghĩa” tuy đã bị Ủy Ban Bảo Vệ Chính Nghiã Quốc Gia của ông Hồ Anh Tuấn dành quyền quản lý, nhưng sự việc này cũng đã trở thành “ba cái lẻ lẻ”, cho đến hôm nay, Cộng Đồng chẳng có mấy người quan tâm.
Sau đó cửa tiệm của Trần Trường đã bị Cảnh sát lục xét và Trần trường đã bị bắt về tội…sang băng lậu. Nhưng đó cũng lại là một chuyện nhỏ nữa, chẳng có mấy ai lưu tâm để ý hay là ngay cả vui mừng sung sướng.
Dĩ nhiên, phải thành thật mà nói, không phải tất cả mọi thành phần trong Cộng Đồng tỵ nạn Việt Nam chúng ta đều đã có được một trình độ nhận thức chính tri và một tinh thần thượng tôn luật pháp toàn hảo như vậy.
Cho nên thành qủa vô cùng to lớn vĩ đại của biến cố lịch sử này, trước những chướng ngại tưởng như vô phương giải quyết, trước những khó khăn pháp lý tưởng như không thể vượt qua, trước con đường cùng tưởng như không còn lối thoát… Thành công to lớn bất ngờ này chỉ có thể giải nghĩa được bằng sự trợ giúp của Trời Phật, bằng sức Hộ Trì của Hồn Thiêng Sông Núi và của Anh Linh biết bao Anh Hùng Tử Sĩ, nhất là các Anh Hùng Tử Sĩ thuộc Quân Lực Viêt Nam Cộng Hoà…
Với những thủ đoạn vô cùng gian manh tàn ác, với những mưu mô qủi quyệt của “đỉnh cao trí tuệ loài người”… nhưng Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam đã phải bó tay, đã đành ngơ ngác đứng nhìn Lá cờ máu và hình ảnh già Hồ biến mất đi khỏi khu phố Bolsa cùng với biết bao hậu qủa tại hại kéo dài cho tới tận ngày hôm nay.
Một ngày không xa, phép lạ bất ngờ như vậy cũng sẽ lại tái diễn ngay chính trên quê hương Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Trời Phật đã và sẽ trả công cho chúng ta.
Quân Dân Miền Nam, đã hoàn thành nhiệm vụ “Tiền Đồn Chống Cộng” của Thế Giới Tự Do. Chúng ta đã không giữ được Miền Nam, nhưng chúng ta đã ngăn được Làn Sóng Đỏ tràn xuống Miền Nam Châu Á. Nhờ những hy sinh gian khổ vô cùng to lớn của Quân Dân Miền Nam Việt Nam mà Vùng Nam Châu Á, mà các nước Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Indonesia, Philippines, Miến Điện, Ấn Độ, Tích Lan… đã không bị nhuộm đỏ và vẫn còn được tự do thờ Trời cúng Phật như hiện nay. Nếu không có Quân Dân Miền Nam kiên cường chống đỡ, thì trong thời gian cực thịnh của phong trào Cộng Sản quốc tế, toàn thể Miền Nam Châu Á đã bị nhuộm đỏ, đã biến thành cộng sản và chắc chắn cục diện thế giới đã khác hẳn với ngày hôm nay.
Không có một ai, kể cả người dân các nước nêu trên, đã biết nghĩ đến điều đó, họ đã không có ngay cả một lời cám ơn xã giao thông thường cho chúng ta. Nhưng Trời Phật có mắt. Công của chúng ta với Trời với Phật to lớn như vậy, nên Các Ngài đã trả công cho Cộng đồng Tỵ nạn Việt Nam hải ngoại qua biến cố Trần Trường.
Và Các Ngài cũng sẽ trả công cho đồng bào và tổ quốc của chúng ta. Một Vụ Trần Trường thứ hai cũng sẽ tái diễn tại quê hương Viết Nam trong một ngày không xa.

VŨ LINH CHÂU
Tháng Tư năm 2007.

TB:
Hôm nay đã là giữa năm 2014, biến cố Trần Trường đã được 15 năm tuổi. Lần đầu tiên, xin được bật mí về đóng góp nhỏ bé của mình trong biến cố đó như sau:
Tác giả là người đã đóng góp các ý kiến sau đây.
1- Ý thứ nhất:
– “Nếu treo hình Hitler giữa một cộng đồng Do Thái thì sẽ ra sao”
– “Vì Hồ Chí Minh mà 58 ngàn lính Mỹ đã chết”
– Ngoài cờ Việt Nam, còn phải treo nhiều cờ Mỹ và cả cờ MIA (Lính Mỹ mất tích) nữa…
(Ông Bùi Bỉnh Bân còn nhớ điều này)

2- Ý thứ hai:
– “Chống hình Hồ Chí Minh và cờ Cộng Sản chỉ là Diện. Chống Thương Ước Việt – Mỹ mới là Điểm. Phải nhân lúc lòng người đang sôi sục này để vùng lên, phá cho bằng được cái Thương ước đó”.
(Việt Dũng đã ra đi nhưng Minh Phương cũng biết chuyện này).