GẶP LẠI SÀI GÒN

 

…Về Sài Gòn, tôi bỗng nhớ khôn nguôi những con đường cụt có hai hàng cây phủ um bóng mát Tôi nhớ những góc phố xưa. Tôi hy vọng người ta chưa xử tệ nó. Những con đường ngắn đủ để đi bộ. Những con đường ngắn châu đầu nhau nơi góc nhà thờ như câu thơ Haiku. Đẹp. Vài chữ đã xuống dòng. Những con đường ngắn. Khi chân vừa mỏi, kịp để dừng lại trước bức tượng Đức Bà bằng cẩm thạch trắng do nhà điêu khắc lừng danh G. Ciocchetti tạc tại Ý. Đứng hồi lâu cho trái tim đập chậm lại vì nỗi choáng váng của một cơn vui bất ngờ. Tôi tiếp tục bước. Bước thật chậm. Bước một vòng. Cơn vui như càng huyên náo khi thấy từng viên gạch trần đỏ au của ngôi thánh đường còn y nguyên. Thèm được ngồi xuống nơi bậc tam cấp nơi toà Bưu điện. Có khi ngồi đó nhìn người Sài Gòn loang loáng trước mắt. Hoặc để hy vọng bắt gặp lại mùi thơm của từng khuôn Pâté Chaud vàng ngậy năm nào nơi góc đường. Có khi chỉ ngồi là để ngồi. Có khi là để đợi. Đợi một buổi chiều đi qua. Đợi mặt trời nồng nàn đi qua, những vách tường màu gạch tôm cao ngất của khu Thánh đường sáng lên bỡ ngỡ. Và trời, trời như một ngày nào trẻ thơ cao vút mênh mông trên đầu tôi – như trang trải của mộng mơ và tình tự.

Tôi đứng lên. Lách qua dòng xe, ngoái đầu kịp nhìn chiếc đồng hồ trước vòm mái còn nằm trên bệ gạch giữa hai tháp chuông. Tôi không biết nó còn chạy không. Tôi không hy vọng nó chạy đúng giờ, nhưng tôi mong cái đồng hồ được làm từ năm 1877 chưa bị thay đổi. Xin đừng thay đổi. Hãy để đó. Xin hãy giữ một chút Sài Gòn quá khứ của tôi. Tôi rưng rưng nấn níu nhìn khối kiến trúc đồ sộ như sợ nó biến mất, rồi nép mình dọc theo hè phố. Tôi như bị vây bọc bởi những âm thanh điên cuồng chói tai trên đường phố, nơi có từng đàn xe khổng lồ, người người tay chân mặt mũi bị bịt kín chỉ còn chừa đôi mắt đổ tới, lao nhanh tủa ra các hướng với đủ kiểu. Không ai cần quan tâm chú ý gì tới các bảng hiệu đi đường, đèn tín hiệu, hay thậm chí một chút ít trật tự trong một khung cảnh hỗn loạn ồn ào. Chung quanh tôi nhộn nhạo xe cộ, người, bụi, khói và tiếng ồn. Tôi phải trông chừng khi có vài chiếc xe gắn máy vọt lên vỉa hè, lanh lẹ né tránh những đám người đi bộ và biến tuyến vỉa hè của thành phố này thành một làn đường nhỏ cho xe qua lại. Nổi lên trong dòng người xe chuyển động rùng rùng……..
( trích GẶP LẠI SAIGON )

Advertisement

TÌNH NHƯ BÓNG BAY

Tôi đang cố tình quên anh, vì để làm được điều này tôi nhất định tạm ngưng không gửi bài đến tờ báo do anh phụ trách hoặc giở đọc những trang báo có bài viết của anh. Có lẽ với suy nghĩ đơn giản, tôi biết, chỉ cần nhìn thoáng thấy giòng chữ hay tên của anh  là tất cả sẽ phục hồi, tất cả sẽ y như cũ và một lần nữa, tôi, sẽ khổ sở trong sự bắt buộc phải chọn lựa – Hoặc anh, hoặc đời sống của tôi lâu nay – Khổ thay, đời sống của anh, đời sống của tôi – cả hai đã mọc rễ trong hoàn cảnh cố định từ lâu rồi và, nếu chọn nhau, chúng tôi liệu có đủ nhẫn nại để kéo dài sự chịu đựng giằng co của tình lý? Đó là chưa nói đến sự phán xét nghiêm khắc của những người chung quanh? Và, liệu chúng tôi có yêu nhau đủ, để, có thể đương đầu với vô số hệ lụy chung quanh ?

Trong khi tôi đang hài lòng về quyết định độc đoán của mình thì bỗng dưng sáng nay, tôi nhận một bài viết mới nhất của Nguyễn Xuân Thiệp về quán Café Trieste ở San Francisco xa tít nơi góc bờ Tây nước Mỹ do một người bạn chuyển tới khiến trong lòng tôi lại sóng sánh một nỗi buồn, và tâm trạng này vừa đủ để đánh thức nỗi quên lãng tưởng đã ngủ yên, vừa đủ cho tôi bỗng bàng hoàng sợ hãi nhận ra những hồi ức đẹp về anh tưởng tôi đã vùi lấp được rồi lại ào ạt tràn về….Tự nhiên, ngực tôi thắt lại với một nỗi bất an đột ngột, ngỡ ngàng khi nhận ra một sự thật mà suốt năm nay tôi thực hiện để quên anh, nhưng, sự kết thúc đó chỉ là vẽ vời cho một ảo tưởng mà thôi.
Chuyện của chúng tôi cũng thường tình và kéo dài đã hơn mấy mươi năm. Cuộc tình lén lút nhiều lần tưởng chừng đã vào quá khứ, vì, chúng tôi có khi thân nhau, thân nhau nồng nàn, có lúc rời rạc, không ít lần đứt khúc, rồi gặp lại rồi mất hút cho đến khi cả hai không là của nhau…Tuy nhiên, mỗi lần gặp bất trắc, gặp muộn phiền là tôi men đến anh – như một chỗ dựa tin cậy vì biết anh một mực rất thương tôi. Có lẻ, trên đời này, nếu có người nào đó thầm yêu tôi với một tình cảm say đắm, hoặc có người nào đó đã yêu tôi trong cách yêu thật liều lĩnh kể cả bất chấp nhưng đến khi tình không thành là tan, là hết, là xong một cuộc tình…Cuối cùng, tôi nghiệm ra – chung thủy với duy nhất một bóng hình suốt hơn mấy mươi năm thì không ai hơn anh ! Dù rằng, từ đầu hình như tôi chẳng hứa hẹn điều gì với anh, thậm chí anh không cần điều này hay cần bất cứ điều gì từ phía tôi, anh chỉ nói “ Anh yêu em rồi, nên không còn yêu ai được nữa…” ….Những lời chí thiết như thế nhưng tôi cứ lay lắt chỉ muốn buông tay, thả tình cho gió, thả tình cho tình bay vì sợ không chịu nỗi những áp lực vô hình quá lớn.

Tôi thay quần Jeans bạc thếch rách ống, áo sơ mi và ra đường. Tôi có ý muốn khuây khỏa bằng một cuộc đi dạo, và tôi cứ như thuận theo tiếng bước chân dẫn dụ của mình. Bước chân nhẹ tênh, người tôi như bị hút trống, lung lay như một cánh lá mềm. Trời trên đầu buông những chùm nắng chói loà của một mùa hè lộng lẫy khiến tôi thầm hài lòng trong bầu không khí ấm áp hiếm hoi trên con đường có nhiều mảng hoa Tulip đã nở bung từng cánh. Tôi tạt vào quán cà phê quen đến phía quầy chờ đợi mua cho mình ly cà phê rồi bưng ra ngồi thoải mái trong chiếc ghế sắt có nệm đặt dọc theo mái hiên. Tôi ngồi một mình, nhấm nháp ly cà phê lâu lâu lơ đãng ngửng nhìn như chờ đợi mà có chờ đợi ai đâu, có khi cắm cúi săm soi những giọt nước đóng lăn tăn ngoài thành ly mà đầu óc rưng rưng nhớ đến khoảng ngày tháng này năm ngoái anh nhắn “ Về nghe em, chúng mình phải đến Givral trước khi người ta đập bỏ nó” Tâm trạng của anh giống như của nhiều người yêu Saigon khác, muốn bảo tồn nơi chốn – kỷ niệm ” Xưa vốn thế – nay vẫn thế..” nên đtq đã có lần tức tối : “ Ôi, hãy tưởng tượng một người Paris một buổi sáng ra phố, bỗng thấy ở cái chỗ bao nhiêu năm là nơi có cái bảng hiệu Café des Deux Magots, hay Café de Flore, nay chỉ là những đống gạch vụn, để rồi sau đó thấy dựng lên một thứ Mỹ không ra Mỹ, Tàu không ra Tàu, Ấn Độ không ra Ấn Độ…”…
Có lần, để an ủi, tôi hẹn “ Khi nào qua thăm, em sẽ đưa anh đến cà phê Trieste, viếng lại San Francisco nơi hơn 30 năm trước anh đã từng ghé qua và hiện nay nơi đây vẫn còn giữ quá khứ, hiện tại trong một khúc đường ẩn chứa nhiều điều thú vị”

Anh là một nhà văn đã gắn bó với chữ nghĩa từ rất sớm, lại là nhà văn Quân Đội, nên tôi tuy không thể mường tượng hết những năm tháng “ đầy thất kinh lận đận” của những nhà văn còn kẹt lại sau năm 1975 ra sao, nhưng tôi biết họ và anh khốn khó trăm bề, khốn khổ trăm đường, vì vậy được làm người thật thân hiếm hoi của anh, được anh cho xem hàng trăm bài viết ngắn, dài về cuộc đời được giấu kín đâu đó mới thấy được sự mê say miệt mài viết của anh là điều gì đó rất mãnh liệt thầm kín và mới cảm nhận sức phấn đấu của anh mới thật là dễ sợ, thật đáng phục. Anh là một nhà văn lững thững đi gần tận cuối cùng trên văn đàn. Anh chọn thái độ sống một mình, tránh né hết thảy mọi đàn đúm bè phái xu nịnh. Đối với bạn cùng tâm ý anh hết lòng hết mực, mặc dù nhìn bên ngoài người ta thấy anh với dáng cao khều gầy nhom và vẻ xương xẩu lúc nào cũng phớt lờ một cách điềm đạm. Đối với tôi, anh cũng ít khi nào tỏ bày bằng lời, anh chỉ lặng lẽ nhìn tôi bằng cái nhìn lơ đãng như thăm thẳm thương yêu. Tôi nhớ, ngày đầu, chỉ một ánh nhìn thôi, tôi cũng đủ ngất ngây với nỗi rung động thanh khiết đầu đời. Mỗi cái nhìn sau đó gặp nhau cũng đủ cho tôi sống trọn vẹn những khắc giây đắm đuối của một kiếp đàn bà.
Qua ánh mắt đó, tôi biết chắc chắn trong đáy sâu trái tim anh lúc nào cũng cất giữ những góc ký ức của chúng tôi cho riêng mình và sẽ mang nó về nơi thiên cổ cùng anh.

Khi gặp lại nhau lần vừa rồi sau mười mấy năm ( tôi không nhớ là lần thứ mấy ) anh chưa bao giờ nói về những chuyện riêng của gia đình, nhưng tôi mơ hồ thấy anh có vẻ như dè dặt và thu nhỏ đời sống mình lại. Tôi cảm thấy hình như anh đang sống trong một cái lưới, với một không khí tức thở ngột ngạt, nhưng anh vẫn không muốn cựa quậy – hoặc để thoát ra – có lẽ anh tự tin là người biết chịu đựng, có lẽ anh tự biết dù gì đi nữa cũng phải hoàn tất những trách nhiệm của mình… Chính vì thế, anh làm việc thật nhiều để lấp trống những nỗi muộn phiền, cũng như đang tận dụng từng năm tháng ngắn ngủi của sự sống để làm nốt những việc còn lại…

Tôi uống hết ngụm cà phê cuối cùng và cảm thấy mùi vị đăng đắng thấm sâu trên đầu lưỡi và tự hỏi “ Có nên báo cho anh biết tôi vừa xong thủ tục ly dị ? “

thụyvi

( Hầm Nắng, 17 tháng 3 năm 2017 )

 

 

BẠN TA

thuyvi

15682637_1239791562733584_801736863_n

Cách đây mấy tuần, nghe T. nói ông đang đau, thì cũng tưởng không có gì, mặc dù Thư Gửi Bạn Ta thưa dần….Cho đến khi lại được tin ông …đi rồi !
Đúng là nghe xong, ngẩn ngơ, cố không tin, nhưng rồi buồn ngất ngư…
Bây giờ, có lẽ, ông về lại khu ngã sáu rồi, không còn phải mắc công tưởng tượng như bài thơ ông viết như rút ruột vì nổi nhớ nhà…
“ Tưởng tượng mai về khu Ngã Sáu
Chiều ra đầu ngõ đứng trông xe
Có người quen hỏi : “Lâu không gặp?”
Đáp khẽ: “Đi xa mới trở về.”

Cũng hệt như Hồi Hương Ngẫu Thư (*)
Tóc xanh giờ đã bạc như tơ
Tiếng quê nghe vẫn đầy âm cũ
Mà cũng lạ tai câu trẻ thơ

Ô hay, tiền bối Hạ Tri Chương
Tiền bối xa quê thuở Thịnh Đường
Sao thơ hệt chuyện bây giờ nhỉ
Thuở ấy mà sao cũng não lòng

Tôi cũng như ông, đời biệt xứ
Trẻ ra đi, già vẫn tha hương
Mấy chục năm buồn trên xứ lạ
Tôi đọc thơ ông nát cả hồn.”
( BBT )

Sáng nay, nhận được “ Thông báo Lễ viếng “ do những người bạn hiểu tính cách của ông viết ra, đang buồn, tôi, bỗng mĩm cười..
Hãy như cuộc rong chơi, khỉ mốc gì mà Cáo Phó rồi kèm theo một dọc tên lại một dọc nghề nghiệp của thân bằng quyến thuộc cho đời biết mặt ông nhỉ!
Rồi, chúng ta sẽ gặp lại nhau thôi.

thuyvi
Michigan 20 tháng 12 năm 2016

THÍ DỤ, MAI TÔI VỀ…..

thuyvi

( Tặng những người bạn Saigon trong VI, VIẾT VỤN )
Khi những nỗi nhớ lay động, tôi muốn ghi xuống để tìm lại giấc mơ đã thất lạc của mình….
* Tôi sẽ đi thăm từng thầy cô giáo cũ. Tôi sẽ lễ phép khoanh tay như ngày xưa và nói lời cảm ơn chân tình muộn màng. Tôi biết giữa cái xã hội hình như nhiều người sùng thượng hư danh – nhưng thầy cô tôi vẫn một mực giữ cái tiết tâm chánh một loại hoa quân tử y như ngày nào khi bước chân ra đời đã hãnh diện chọn cho mình một nghề như một thiên chức – Đem đạo tải cho đám học trò.
* Tôi sẽ tìm lại dấu vết con đường có những tàng cây dày đặc những cánh lá lãng mạn từng ghi dấu những bước chân mong manh của bầy con gái đi từng tốp trong những tà áo trắng, hồn như trang giấy mới, điểm xuyết vài tà áo lụa màu thật yểu điệu – dập dềnh, lượn lờ như đàn bướm – trôi dài, tràn đến cổng trường Trung học ngày xưa.
* Tôi sẽ tìm lại nền cũ của ngôi trường thời tuổi nhỏ. Ngôi trường như một phần da thịt dù nó cũ kỹ và lam nham những vết bùn xấu xí. Tôi sẽ tìm lại góc sân chơi được che phủ bởi màu xanh hồn nhiên của hàng điệp chỗ chúng tôi chạy đuổi nhau, nô đùa một thuở.
* Tôi sẽ đến xóm chợ, đi lại từ đầu, thêm một lần nữa nhớ lại, chắp nối những mảnh đời, đoạn đường những ngày tháng cũ . Sẽ nhớ lại vài khuôn mặt được nhắc lại. Hoặc thỉnh thoảng bắt gặp những hình ảnh giông giống nào đó, dừng lại ngẩn ngơ… Thèm ngóng cổ nhìn vào hướng Khu Thành Công, để thấy cánh quạt máy bay chấp chới. Thèm ngửi được mùi bụi đỏ khi con trốt chạy dài về hướng ngôi nhà ngày đó.
* Tôi sẽ tìm một góc, phóng tầm mắt – lặng lẽ ngắm bà chị học chung trường. Một người đàn bà thân cò nhỏ bé – ngày xưa từng là một cô gái con nhà thừa hưởng hết hương vị cuộc đời, ngoài
ra, chị còn có một giọng hát nhạc Tây rất Tây, chị nhả từng chữ thật tròn trịa – một nữ sinh tỉnh lẻ buồn ngắt hát Bésame Mucho hay hơn một nữ sinh Thành Đô đã cào xé trái tim những kẻ yêu nhau, là một niềm kiêu hãnh cho cả trường.
Đúng là ân sủng trời ban không dành hết cho ai – bao kỳ vọng tương lai với một hành trang kiến thức, nhưng chị phải chịu theo số phận cay nghiệt, số phận bắt chị phải một đời giang tay bảo bọc nhường cơm xẻ áo cho các em, san sẻ gánh gồng buồn nhiều hơn vui cùng thống khổ với cả đại gia đình…
Tôi cứ ngậm ngùi tự hỏi, sức mạnh nào đã khiến chị sống qua những năm tháng trùng trùng khó khăn và gần tới mức cuộc đời vẫn chưa có ngày an thân !
* Bên ngoài, trời đang mưa, những giọt nước rơi rào rào trên mái nhà khiến tôi mường tượng đến cơn mưa rơi trên vùng Củ Chi, tôi mường tượng đến cái bóng gần như đổ ập của người phụ nữ lớn tuổi ngồi hắt hiu cạnh xe bán bánh mì trong cơn mưa nơi lề đường, miệng móm mém chỉ còn sót lại vài cái răng cùn mằn trong tấm hình trên trang Web của trường mấy hôm nay.
Thú thật, khi vừa nhìn thấy tấm hình mới nhất của cô Hồng Châu, lòng tôi sững lại, tôi chưa kịp buồn, chưa kịp nghẹn ngào, chỉ im sững chăm chú nhìn, để tìm, mà không thấy còn lại chút nét xưa nào !
Vào thời gian học với cô, tôi sắp bước sang tuổi mười lăm. Mặc dù, lúc đó chỉ là trí nhớ của một đứa trẻ con, nhưng, không hiểu sao, tôi nhớ về cô nhiều nhất, có lẽ, cô là một giáo sư mà hàng tuần đến giờ cô dạy, bầy con gái chúng tôi bao quanh cô…
Trong thế giới con gái trong lớp, tôi là con bé vụng về thêu thùa lại rụt rè, ít nói nhưng ương bướng nhất nên không được cô “cưng “ như nhiều đứa khác.
Tấm hình mới nhất của cô, còn dẫn tôi lội sâu vào những kỷ niệm… tuy có lúc rõ, có khi mơ hồ, và, xúi tôi ngồi viết lụn vụn về
một chút góc đời và phác họa hình ảnh của cô dạy môn Nữ Công ngày đó.
Cô Hồng Châu không là một trời nhan sắc, nhưng làn da trắng như hoa sứ của cô ngời ngợi trong những tà áo lụa màu đã khiến bọn nữ sinh chúng tôi nhiều lúc trầm trồ, ngẩn ngơ. Tuy cô thiếu bờ lưng thật thẳng, nhưng cô khéo léo bước những bước đi thật ngắn, vì thế từ cửa văn phòng bước ra, dáng cô thật uyển chuyển khi băng qua khoảng sân cỏ để vào lớp. Nhưng đối với tôi, cô nổi bật hơn hết thảy các cô khác là màu son cánh sen lúc nào cũng thật tươi, thật đượm trên vòng môi khép lại thật khéo.
Lúc cô về dạy ở Kiến Tường, ngôi nhà của thầy cô là một phòng học nằm ngang cuối dãy mà mỗi buổi chiều ánh nắng hắt vào thật gay gắt cùng với sức nóng của mái tole ụp xuống như chảo lửa. Tuy nhiên, căn phòng trống trải không vách ngăn đó là một khoảng không gian tuyệt vời hạnh phúc, và những ngày tháng đó, là, những ngày tháng mật ngọt, thanh thản, viên mãn nhất đến khi biến cố xãy ra.
Thường, giờ ra chơi, tôi hay mon men đến “mái ấm” để nghe cô kể những chuyện… Như chuyện cô đi thăm thầy (?) trên những chuyến xe ô tô buýt ở Sài Gòn dạo trước, hay cô kể về những món ăn nào đó thầy muốn cô nấu, hay những cái tên thật ý nghĩa mà thầy cô chọn cho em bé đầu lòng… Cô vừa nói, vừa đi tới đi lui lắc xắc làm công chuyện nhà. Lúc đó, tôi thấy cô thật đẹp, thật duyên dáng, quý phái và thật …dễ thương hơn khi cô ngồi coi tôi thêu từng mũi kim xệu xạo…
Tôi rời trường trở về Saigon từ năm đệ Tứ. Tiếp theo những mảng sóng cuộc đời dồn dập xô đẩy chập chùng, và tôi mất tin tức cô từ đó.
Tuổi già đi chung với sự tàn tạ, là lẽ hằng thường của con người… Nhưng tôi vẫn ngỡ ngàng tự hỏi: Có lẽ, đau khổ của cô đã chạm đến đáy cuộc đời hơn hẳn nhiều người khác !
* Tôi nhất định phải đi thăm bà chị có mái tóc dài liêu trai, đã khiến nhiều chàng ngẩn ngơ một thời. Mặc dù tôi chưa gặp chị lần nào, nhưng tôi có cảm tưởng tâm hồn mình hòa nhập vào ánh mắt bao dung của một người phụ nữ tuy trầm mặc hướng về nội tâm nhưng không kém ý nhị và dí dõm. Tôi sẽ ở với chị trọn một ngày để kịp cầm bàn tay giấu đi những ưu phiền cuộc đời để điểm lục chuốt hồng những mảng màu sắc tuyệt đẹp trên từng tà áo lụa tô đẹp cho người. Để nói cho chị biết, có rất nhiều tình cảm hướng về chị. Bởi chị đã đãi mọi người bằng tình cảm chân thành. Bởi chị đã sống với mọi người bằng một cuộc sống chân thành. Người đàn bà thiếu sự chân thành trong tình cảm, thiếu sự chân thành trong cảm xúc thì làm sao mà khả ái cho được. Tôi nhớ bà nhà văn nào đó đã nói vậy.
* Về Saigon, tôi sẽ mặc lại chiếc áo dài lụa màu nắng, sẽ nép mình vào dòng chuyển động rùng rùng xe cộ, để đi dọc theo hè phố những con đường nhìn những cánh lá me rơi lắc rắc. Tôi sẽ bước tới góc đường xưa – nơi một thời có người thanh niên đứng đợi. “Tôi chờ em một vòng đời lộng gió. Em chờ tôi đợi lúc dẫn qua đường”
Hai câu thơ khiến tôi rưng rưng, nên tôi biết, bước tới nơi nào tôi cũng hình dung ra được tình yêu…Tình yêu lẫn khuất trong chùm nắng hanh hao, trong vòm lá, trong bóng cây… Vì tất cả hầu hết là mùa Xuân. Nhưng có một mùa Xuân của anh mang đến, tôi vẫn giữ trong đời, cho nên dù chỉ một mình tôi trong thành phố này, tôi vẫn say đắm cảm ơn anh cho tôi biết ý nghĩa tuyệt vời của tình yêu và nghĩa lý vô cùng của cuộc sống.
* Tôi không chắc mình sẽ đi thăm đủ người quen, thân. Sẽ không nói đủ lời tạ ơn…Bởi, tạ ơn còn là tiếng nói sâu xa nào đó của người và người, của tình và tình. của kể lể, của bày tỏ của mình.
Cảm ơn bạn tôi : NM, LNT, TNN…
Tôi cũng sẽ tự tay nấu từng món ăn của từng miền, sẽ nắm chặt tay từng người. Tôi sẽ mời món canh chua thơm nức mùi ngò om với những lát bạc hà xanh giòn mát mắt cùng với tô cá kho màu hổ phách còn sôi sùi sụt đúng điệu miền Nam.
Sẽ nấu nồi nước xương ngọt lừ đỏ au màu ớt, sẽ đặt miếng giò mỏng vừa chín tới, điểm xuyết thêm vài lát hành trắng ngan ngát cùng những nhánh ngò gai xắt nhuyễn với từng lớp bún to sợi đãi món bún bò đúng Huế.
Sẽ xối lớp mỡ thật sôi nghe xèo xèo vui tai trên từng miếng cá vuông vức ánh lên màu nghệ, lẫn với những khúc Thì Là, kèm theo chén mắm tôm đánh sủi bọt dậy mùi quyện chút ớt thết món chả cá Thăng Long Hà Nội…
Sẽ có cảm giác nôn nao chờ đợi bạn tôi gắp miếng đầu tiên, và sẽ thỏa lòng chảy nước mắt khi bạn tôi gật đầu thích thú.
Còn hạnh phúc và sung sướng nào hơn nỗi hân hoan đem chút tình ra tặng.

thụyvi

TẶNG AI…MỘT MÌNH..

thuyvi

Tôi, lặng lẽ một mình.
Cười, nụ cười thật ngọt.
Vui, những nỗi vui thầm…

Tôi vẫn độc hành trên đường cô đơn. Những hàng cây rũ bóng, nhưng tôi không khóc. Chỉ nhẹ nhàng chia nhau chút buồn tội nghiệp.

Tôi vẫn một mình và một mình. Nhưng nỗi cô đơn không làm tôi bằng bặc. Kề môi hôn mỏng nỗi sầu, gửi trong đó ngàn câu an ủi.

Tôi một mình ra đi, lặng lẽ trở về, Bóng trên vách với tôi là một. Tôi thở dài mà không hiu hắt, bởi chưng mình chỉ một mình.

Sống trên đời khéo biết nhân chia. Nỗi vui buồn theo từng con số. Vui không nghĩa là sự tận cùng, buồn không nghĩa là nguồn tuyệt vọng.

Dẫu một mình tôi, lặng lẽ. Tôi vẫn cho đều những nụ cười tươi. Tôi vẫn sớt đều những dòng nước mắt. Với đời, với người, và có gì gọi là lặng lẽ.

Đời đâu là bóng tối. Đời đâu là bão nổi. Nên dẫu một mình. Tôi vẫn vui, những nỗi vui thầm. Như gieo trong trái tim cho mình chút lửa.

thụyvi

BỠN CỢT VỚI NGƯỜI NỔI TIẾNG

thuyvi

Xưa, người Thầy trong mắt học sinh là : nghiêm trang, uyên bác và tự trọng.
Thời nay,
Ông thầy trong mắt nhiều người là :… bệ rạc !
( nhân chuyện thầy hiếp dâm trò )
Mời đọc lại…( trong BỠN CỢT VỚI NGƯỜI NỔI TIẾNG – thụyvi )

Con gái Saigon đi học, hình như đứa nào trên tay cũng cầm những cuốn thơ tình, triết lý, văn chương… Chứ mấy ai đọc truyện quê mùa của cụ Hồ Biểu Chánh.
Ấy vậy, thời này, đâu cần phải chờ bước qua tuổi ” tri thiên mệnh ” hoà đạo Trời mới nhận ra một xã hội đầy chán chê, tồi tệ, và càng ngày càng tồi tệ…..
“…. Hiện nay sự tồi tệ của mình nó tràn lan cùng hết, từ trong gia đình ra tới ngoài xã hội. Trong nhà trường, thì học trò không biết cung kính mang ơn thầy, mà cũng khổ, có nhiều thầy không biết kính trọng cái thiên chức giáo dục, coi môn đệ là kẻ nạp lương cho mình xài mà thôi. Trong gia đình thì vợ không biết kính trọng chồng, mà nhiều ông chồng cũng không biết thương yêu vợ; con không biết ơn sanh thành dưỡng dục, mà nhiều cha mẹ cũng không cần dạy dỗ con; anh không biết thương em, mà em cũng không biết kính trọng anh, còn xã hội thì quá lắm, mọi người đều đuổi theo một chủ nghĩa này: “Kiếm tiền cho nhiều đặng ăn xài cho ngỏa nguê sung sướng” kiếm tiền mà không ưa cần lao, dùng phương chước tốt xấu gì cũng được, miễn là được đồng tiền là thôi, không kể nhơn nghĩa, không kể liêm sỉ, không kể danh dự.”…
Cụ Hồ Biểu Chánh mà sống lại, cụ sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì lời cụ đặt trên miệng ông Huyện Hàm Tân trong tác phẩm Cư Kỉnh vào năm 1941 không…xi nhê chút nào với xã hội Việt Nam thời Cộng Sản hôm nay. Và, những câu chảnh choẹ khó nghe của các bà Phủ tiểu thư con nhà ngày xưa cũng thua xa các bà Phủ thời hiện đại gốc bần cố nông, ít học, nhưng hãnh tiến một cách trơ trẽn hợm hĩnh với những thú xa hoa ngập ngụa trên đống tiền từ những thủ đoạn đến thần thánh cũng chào thua.
Ngay cả những ông thầy dạy học, người, vốn được xem là biểu tượng của đạo lý truyền thống cũng không ngượng ngập khi tuyên ngôn về triết lý sống theo thời bằng cách: Gạ tình, dâm ô với học sinh hầu đổi điểm, chèn ép đồng nghiệp đủ trò dơ bẩn.
Vào năm 1935. Nhân vật Hà Tấn Phát trong Ăn Theo Thuở Ở Theo Thời đã song tàng “Thiên hạ cư xử thế nào, em cũng cư xử theo họ như vậy. Tuy vậy mà dầu làm theo thiên hạ chớ cái gốc đạo đức em vẫn nắm vững bền, cái lòng nghĩa nhân em vẫn nuôi kỹ lưỡng. … Đối với thiên hạ thì em cũng là một thằng điếm trong xã hội này như họ vậy, nhưng mà
thằng điếm có lương tâm, có nhơn nghĩa. Cái mệnh đề “Thằng điếm có lương tâm có nhơn nghĩa” đời Cộng Sản làm gì có, sau năm 1975 xã hội từ Nam chí Bắc nói đến nhân nghĩa là một điều chua chát, thậm chí có những đứa trẻ tù mù về danh từ này. Ngữ vựng trong đời sống là, ăn chơi, thần tượng, hàng hiệu, người mẫu, hoa hậu, lộ hàng, sex, bán dâm, đĩ đực… Và, nếu giở báo ra xem, hoặc liếc qua những trang điện tử sẽ thấy toàn: Vú, mông, khu, đít, đùi, hoặc những tin tức thật ” hot” nhan nhản đủ kiểu con giết cha, vợ giết chồng, hiếp dâm cụ bà, cha lấy con, vợ đốt xác, chặt, chém, giết, băm, vằm …Thật lạnh xương sống!
Giờ, nếu có hàng trăm cây bút như cụ cũng chưa chắc cảm hoá được xã hội này, huống chi hàng chục ngàn cây bút Việt Nam đang chọn cách viết như loài đà điểu.

thụyvi

CUỐNG RÚN

thuyvi

Chưa đầy sáu tuổi, tôi đã không còn Mẹ.
Đó chính là điều bất hạnh nhất đối với bất cứ đứa trẻ nào trên đời.

Sau này, lập gia đình và sinh con.
Nhiều lúc “… ngồi thật lâu để nhìn con say đắm, để lẩm bẩm những lời vô nghĩa, ngọng nghịu trò chuyện cùng con”. Phải rồi, chỉ với một tình yêu thiêng liêng đắm đuối chết ngộp như thế nào đó thì người ta mới có thể trở nên ngọng nghịu, lẩm bẩm những lời vô nghĩa với nhau thôi. Dễ gì có được!
Từ lâu người ta biết tình mẫu tử không sẵn có mà chỉ sẽ dâng lên từ từ cùng sữa mẹ.
Sữa mẹ là thân xác, là những tế bào của mẹ vỡ ra mà thành.
Cho nên tình mẫu tử là một thứ tình ngọng nghịu, cuống cuồng như thế. Ta hiểu vì sao con gà hiền lành ngây thơ kia khi có bầy con thì trở nên hung dữ nhường nào để ấp ủ bảo vệ con khỏi nanh vuốt của những diều hâu! Ta hiểu vì sao khi bắt voi, người ta chỉ cần lùa voi con vào chuồng thì voi mẹ riu ríu đi theo! có biết bao bà mẹ có “nỗi đau cao hơn sự vĩ đại, lớn hơn sự hy sinh”. Lấy gì bù đắp?
Hỏi mà không cần phải trả lời* ”

Vì con, hầu như tôi không có một ngày rảnh rang. Nhưng lại là những năm tháng vui sướng mỹ mãn và hãnh diện nhất trong cuộc đời.

Mấy mươi năm trôi qua, những đứa bé ngày nào giờ đã vụt lớn, nhưng tôi vẫn thấy sung sướng, hạnh phúc khi ủi từng chiếc quần chiếc áo cho con, làm giường sắp đặt thật phẳng phiu và dọn dẹp như lau như ly từng nơi riêng của chúng nó.
Vẫn còn cảm giác nôn nao khi dọn những món ăn ra bàn – chờ đợi chúng gắp miếng đầu tiên – hồi hộp và thoả lòng muốn khóc khi thấy chúng nó gật đầu thích thú.

Khi con đủ lông cánh và bay. Người mẹ lặng thầm thắt thẻo theo dấu để biết con vui buồn ấm lạnh mà kịp bươn tới đỡ đần.
Bây giờ,
Có thêm dâu, thương dâu.
Có thêm rể, thương rể.
Có cháu ngoại, thương cháu ngoại.
Có cháu nội, thương cháu nội
Dù còn một chút hơi, vắt kiệt … để thương.
Mặc kệ, nếu….có… ngày như bài thơ….

…. TRONG MỘT NHÀ DƯỠNG LÃO Ở MONTRÉAL

Họ ngồi đó, bên nhau. Đàn ông, đàn bà. Không nhìn. Không nói.
Họ ngồi đó. Gục đầu, nín lặng. Ngửa cổ. Giật nhẹ tay chân.
Có người, trên chiếc xe lăn, chạy vòng vòng. Có người, trên chiếc xe lăn, bất động.
Họ ngồi đó. Hói đầu. Bạc trắng. Móm sọm. Nhăn nheo.
Mới hôm qua thôi. Nào Vương. Nào Tướng. Nào Tài Tử. Nào Giai Nhân. Ngựa xe. Võng lọng.
Mới hôm qua thôi. Nào lọc lừa. Nào thủ đoạn. Khoác lác. Huênh hoang.
Mới hôm qua thôi. Nào galant. Nào quý phái. Nói nói. Cười cười. Ghen tuông. Hờn giận.
Họ ngồi đó. Không nói năng. Không nghe ngóng. Gục đầu. Ngửa cổ. Móm sọm. Nhăn nheo.
Ngoài kia. Tuyết bay. Trắng xóa.
Ngoài kia. Dòng sông. Mênh mông. Mênh mông…

(Montréal, 1993)
Đỗ Nghê

thụyvi

NGÀY BUỒN DÀI QUÁ.

thuyvi

Grand Rapids, ngày… tháng… năm…
Nguyệt Cầm ơi Nguyệt Cầm,
Hôm tuần rồi khi đưa người bà con ra phi trường, sẵn rảnh rỗi mình loanh quanh trong khu bán đồ kỷ niệm. Bỗng mình chú ý đến một người phụ nữ trước mắt. Nhìn một hồi… Trời ạ, mình gọi lớn “Mai Anh!” Người đó lập tức quay lại nhìn mình im sững một hồi rồi mừng rỡ kêu lên rối rít “Tương Như… Tương Như… ” Mình với Mai Anh ôm chặt nhau nghẹn ngào tưởng như đây là một giấc chiêm bao…
Sau khi Mai Anh làm thủ tục dời chuyến bay rồi theo mình về nhà. Mình định gọi cho bồ để báo tin vui này, nhưng Mai Anh yêu cầu giữ kín vì trong hoàn cảnh hiện tại cô rất ngại ngùng chưa muốn gặp lại những người quen. Mình hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh éo le của bạn mà lại thấy thương bạn mình nhiều hơn.
Lần đầu tiên gặp người bạn thân của mẹ nên hai đứa con mình vui lắm, cứ ríu rít và hỏi Mai Anh những chuyện ở nước ngoài, nhất là mẹ mình, bà lăng xăng làm những món mà ngày nhỏ khi đến nhà chơi, Mai Anh cứ nhõng nhẽo đòi mẹ nấu.
Chắc bồ đang nóng ruột lắm vì tò mò muốn biết Mai Anh giờ sao phải không? Mai Anh của chúng ta vẫn còn y nguyên nét dễ thương với mái tóc cắt ngổ ngáo như thưở nào, tuy nhiên có lẽ chịu nhiều áp lực từ những tai tiếng của người cha một thời quyền uy, lại thêm chuyện tư riêng tan nát do cuộc hôn nhân bất ý, nên cô nàng thiếu mất đi vẻ dí dỏm ngày xưa, Mai Anh trầm mặc hơn, tuy nhiên cái nét tư lự u ẩn kia mình lại thấy cô bạn của mình thật đẹp, cái đẹp đằm thắm làm nao lòng người, bây giờ Mai Anh lại có thói quen hút thuốc, dáng dấp mignone càng thấy cô thật Tây. Về chuyện riêng cô cho biết cô cảm thấy bằng lòng với cuộc hôn nhân hiện tại với một người Ý, cả hai là quản trị viên và có cổ phần trong một hãng rượu vang nhỏ tại một miền quê nước Pháp.
Nguyệt Cầm biết đó, dù cả gia đình trong lúc này đều rất ý tứ không dám nhắc đến những năm tháng bi thảm sau ngày mất nước, sợ nhắc đến Mai Anh ngại ngùng nhưng lúc ngồi ăn, chợt thấy di ảnh của ba mình trên tủ, Mai Anh chựng lại, ngạc nhiên, hỏi han rồi chép miệng thẫn thờ “Không ngờ bác lại mất sớm, mình nhớ ngày xưa bác trai khoẻ lắm!” Lời của Mai Anh như chạm đến nỗi đau của những người ngồi quanh bàn. Chỉ tội Mai Anh, cô thật lúng túng khi nhìn thấy những khuôn mặt chợt lặng lờ ủ ê và giòng nước mắt âm thầm của mẹ.
Đêm đó cả nhà đi ngủ sớm vì dự định ngày mai sẽ đưa Mai Anh đi chơi xa, viếng vài cảnh đặc biệt nơi vùng Bắc Mỹ. Nhưng mình biết đêm nay hai đứa làm sao ngủ được, mấy mươi năm mất hút lạc nhau, hai đứa có biết bao nhiêu chuyện để nói với nhau, anh Nam như đồng cảm đi pha một bình trà rồi tế nhị tránh mặt.
Mai Anh nói rất ngắn về gia đình, cô bạn của chúng ta dường như không thích kể lể cũng như không muốn bào chữa về những quyết định của cha mình, một vị tột đỉnh uy quyền. Là một trong những người đã giao miền Nam Việt Nam vào tay CS.
Sau kết cục của ngày 30 tháng 4 năm 1975, một kết cục đưa đất nước vào nơi tận cùng bất hạnh. Mấy mươi năm vừa qua là mấy mươi năm u buồn, cha mẹ và những người trong gia đình của Mai Anh sống gần như tránh mặt với tất cả mọi người, họ sống ê chề ngột ngạt như bị nhận chìm trong những lời nguyền rủa. Họ gần như nghẹn thở trong cái thòng lọng mênh mông thù hận, họ sống giấu mặt trong những tủi hổ ăn năn và tâm hồn của họ có lẽ chưa có một ngày yên ổn bởi những trăn trở, ân hận và thất vọng cứ dằn vặt không thôi. “Cái bi kịch của gia đình mình là Papa không đủ can đảm chết. Ông cũng không đủ can đảm sống” Mai Anh ngừng lại một chút rồi nói tiếp với giọng thật cay đắng “Mình may mắn không có đứa con nào, nếu có, thì tội nghiệp cháu vô cùng vì phải chịu chung cái hệ lụy oan nghiệt này, phải không?”.
Mình tránh cái nhìn hiu hắt của Mai Anh, thẫn thờ lướt mắt qua khung cửa sổ, cố giấu tiếng tiếng thở dài. Bên ngoài, trời đêm mùa hè vùng Bắc Mỹ ánh sáng lấp ló còn soi rõ những tàng cây kiểng Nhật thấp lè tè ngoài kia, chung quanh là những tảng đá sù sì, thô nhám nhiều góc cạnh không rõ hình thể nằm rải rác, đó là những đam mê mà ba mình đã góp nhặt cho khu vườn tĩnh lặng đầy nghệ thuật lãng đãng chút triết lý thiền học của ông và không gian đầy sách vở là nỗi vui đơn giản cuối đời của một người lính già thua trận.
Mai Anh nhắc tên những người bạn xưa, hỏi thăm từng người một, khiến lòng mình chùng xuống nôn nao nỗi buồn. Mình nhớ thật rõ cảm giác ngơ ngác, ngỗn ngang, sợ hãi, hồi hộp, não nề trong những ngày đầu mất nước, cái cảm giác đó cứ lì lợm bám chặt không rời cũng như những hình ảnh thê lương ngày hôm đó như còn tươi nguyên trong trí nhớ. Mình dường như còn nghe được những tiếng súng vang lên từ hướng phi trường, cũng như tiếng ầm ĩ của những chiếc trực thăng lên xuống từ phía bên kia đường. Mình còn như thấy rõ những khuôn mặt thiểu não, rã rời, thất thần, méo mó của mọi người, mình còn nhớ rõ dáng trầm ngâm và nét mặt của ba, có lẽ ba đau đớn lắm khi nhìn những người lính vừa bỏ ngũ tan hàng trần trụi không súng ống đi gầm mặt bơ vơ ngoài kia, cho nên ba lặng lẽ khép cửa quay lại nhìn mẹ, cả hai không nói gì, đăm đăm nhìn nhau, chảy nước mắt. Chứng kiến cảnh đó, không hiểu sao mình không khóc, nhẹ nhàng trở vào phòng ngủ, ngồi xuống dỗ dành hai đứa em …
Rồi, những năm tháng tả tơi kéo theo trùng trùng tai ương đổ xuống mọi gia đình, lúc đó hình như mỗi gia đình là một bi kịch. Mình hồi tưởng lại những bi kịch và sụt sịt kể cho Mai Anh nghe chuyện thương tâm của gia đình Ngự Hương…
… Mấy tháng sau ngày mất nước, ba của Ngự Hương là thầy Đạt giáo sư dạy trường Lê Qúi Đôn, bất ngờ – có gia đình người bà con xa đi tập kết ngoài Bắc về ghé thăm, đó là gia đình ông năm Phước, quê ở Xoài Hột, tỉnh Mỹ Tho. Ngày đầu tiên bước chân đến nhà thầy, họ ngẩn người há hốc trước ngôi từ đường xưa cổ kính nóc bánh ít mà họ cứ trầm trồ khen đó là một dinh thự nguy nga tráng lệ.
Ở được vài ngày, họ thật thà thố lộ những mơ ước trong lòng, cái ước muốn thôi thúc nhất là bà cụ mẹ vợ ông Năm Phước, trong suốt cuộc đời, cụ luôn luôn thèm thuồng có được một cái mùng may bằng vải tuyn mát rượi mềm mại, cũng như gia đình ông Năm Phước cái ước mơ đầu tiên là cả nhà được ăn cơm đựng trong những cái chén sành trắng vẽ những bông hoa sặc sỡ. Nghe những mơ ước đơn sơ của họ, thầy cô Đạt thương tình chu cấp cho họ nhiều hơn những gì một đời họ ước mơ tưởng rằng không bao giờ với tới.
Trong khi chờ đợi nhà nước phân phối nhà, gia đình ông Năm Phước được thầy Đạt thù tiếp rất chí tình chí nghĩa, ấy vậy mà… Hôm vợ chồng ông Năm Phước về Xoài Hột thăm gia đình thì bỗng dưng nửa đêm ủy ban Quân Quản kéo tới bao vây nhà thầy, họ nói được mật báo nhà thầy có tài liệu phản động chống phá chính quyền cách mạng. Họ lùa mọi người vào góc phòng rồi họ lục lọi khắp nơi, để chỉ thấy nhà toàn sách vở, những bộ sách quí tiếng Pháp, những bộ từ điển, những bộ sách nghiên cứu, văn học, lịch sử… họ lôi ra xé nát quăng tung toé, cuối cùng họ tìm được cuốn sổ, trong đó có bài thơ viết tay mà họ nói đây là bằng chứng thầy Đạt chống chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa!
Bài thơ mà họ vịện cớ bắt thầy là bài thơ thất ngôn, tựa “vịnh con khỉ”, bài này thầy cảm tác lúc đi dạo vườn bách thú. Họ chụp cho thầy tội danh “phản động” và anh Trọng chồng của Ngự Hương đang dạy tại trường Mạc Đĩnh Chi vì ở chung nhà với thầy cũng bị gán tội đồng lõa?!
Sau khi bắt nhốt thầy Đạt và anh Trọng, họ tới niêm nhà, đuổi cô Đạt, Ngự Hương và cháu Triết ra. Gia đình bên anh Trọng cưu mang ba người khốn cùng này. Ngôi từ đường của thầy bị tịch thu, người chủ mới nghiễm nhiên là ông năm Phước – người em bà con tội nghiệp, ngày nào.
Tai ương như cố tình đeo đẳng gia đình cô bạn Ngự Hương của chúng ta. Sau mấy năm bị giam cầm, thầy Đạt, anh Trọng lần lượt được họ thả cho về, anh Trọng vì mang án nên mất việc, thầy Đạt đã lớn tuổi cộng thêm mấy năm lao tù vì thế sức khoẻ rất kém, nhưng vì cũng muốn đỡ đần với con cháu cho nên thầy ra ngồi bán vé số nơi đầu hẻm, còn anh Trọng thì sửa xe đạp ngoài lề đường. Trong hoàn cảnh cô liêu tịch mịch của đất nước, lúc đó đứa học trò nào gặp lại thầy cũng chảy nước mắt, chỉ biết thương thầy mà có giúp gì được đâu, chung quanh dân tình ai nấy đều khổ như nhau cực cùng đói ăn thiếu mặc đủ bề.
Cuối cùng, ba má anh Trọng lo cho vợ chồng anh cùng cháu Triết đi vượt biên. Chiếc tàu lọt được ra biển, bất ngờ lại gặp hải tặc, bọn chúng cướp của và hãm hiếp phụ nữ. Ngự Hương bị làm nhục trước mặt anh Trọng, anh không chịu nỗi nhào lại cứu vợ, tụi nó lia một dao đứt cuống họng, anh gục xuống chết ngay. Ngự Hương đau đớn sảng sốt như người điên, vùng vẫy kháng cự, tụi nó ôm người đàn bà này liệng xuống biển mất xác. Tội nghiệp bé Triết, chưa đầy mười tuổi phải chứng kiến người ta giết cha giết mẹ của mình, đứa bé này không mất trí là một kỳ tích.
Chiếc ghe bi thảm như chiếc quan tài nhấp nhô trôi nổi trên biển Đông, như có phép lạ, nó cập bến và cháu Triết được một mục sư người Mỹ nhận làm con nuôi.
Mẹ của Ngự Hương, dòng dõi hoàng phái, được tin rể và đứa con gái chết thảm, như sét đánh, bà uất hận lên cơn đau tim, không bao lâu thì qua đời. Thầy Đạt bị khủng hoảng đến ngẩn ngơ, cuối cùng nhờ những người bạn cũ vận động với các hiệp hội nhân đạo bảo lãnh thầy định cư tại Pháp.
Cháu Triết là một đứa bé rất mỏng manh so với cái thế giới rộng lớn này, và cháu là người bất hạnh thiếu thốn tình cảm, khao khát gia đình hơn bất cứ đứa trẻ nào, nhưng ai ngờ ý chí của cháu thật ghê hồn, cháu tự vượt lên số phận và hiện là một sinh viên ưu tú của trường đại học tiểu bang Michigan.
Nói về ông Năm Phước, một tay phá tan nát gia đình thầy Đạt, lại là một cán bộ “tiếp thu” thật nhanh, ông cướp nhà thầy Đạt không bao lâu thì ông được giữ chức vụ hiệu trưởng trường đại học Tổng Hợp thành phố HCM. Nghe nói ông Năm Phước đã chê ngôi từ đường cũ kỹ của thầy Đạt, gia đình ông đang “ngự” trong một toà nhà cao tầng thật lộng lẫy hiện đại của một nhà tư bản bị tịch thu.
Mai Anh lặng lẽ hút thuốc trong gian phòng ngập tràn bóng tối, hai đứa như chìm giữa đêm khuya trong không gian im ắng ngoài kia. Qua đốm lửa đỏ rực, mình thấy đôi mắt cô bạn đầm đìa nước mắt.
Trong những ngày thảng thốt đó, mạng sống của những người thua trận như chỉ mành treo chuông. Có người bạn thân rủ ba thoát đi, thoát một mình – chuyến bay chót, hình như chung chuyến với gia đình một nhân vật lẫy lừng trong ngành tình báo, ba kiên quyết lắc đầu, ba cam lòng cùng với vợ con đón đợi những điều xấu nhất. Ông nội của mình lúc đó đang nằm tại bệnh viện và yếu lắm. Tuy nhiên ông nội cứ nài ép năn nỉ đứa con trai duy nhất hãy kiếm đường ra đi. Ba chỉ vâng dạ cho ông nội yên tâm, chứ ba đâu thể nào một mình ra đi trong hoàn cảnh này. Ngày ba của mình quẩy cái túi nhẹ bổng đi trình diện ở trường Taberd là ngày ông nội qua đời. Cả nhà sợ ba đau lòng nên cố tình dấu kín. Họ đưa ba ra Bắc, ba ở tù đúng tám năm ba tháng, rồi khi được thả ba yếu lắm phải chống gậy trở về. Tuy nhiên ba còn may mắn về gặp vợ con trong khi nhiều người bạn tù của ba phải nằm lại.
Kể lại, lúc ba vừa đi tù là Thành Ủy đến tịch thu ngay ngôi nhà của gia đình. Mẹ sợ đi kinh tế mới nên dắt díu ba chị em mình về bên ngoại ở Rạch Kiến, quận Bình Chánh. Mặc dù nơi đây gần Saigon nhưng ngày trước là vùng xôi đậu, không điện, không nước, lại là vùng đất phèn nên đất khô cằn không trồng được cây ăn trái, chỉ có bờ tre bao quanh nhà với vài cây me, ô môi. Mỗi nhà đào một cái hào sâu để tắm giặt và một dãy lu dành đựng nước mưa để uống.
Trong những năm tháng không có ba ở nhà, mình mới thấy cái dũng cảm đáng kính nể của mẹ mình. Mẹ như người bị dồn tới đường cùng và sẵn sàng đương đầu, không khóc lóc than van. Là một công chức yểu điệu sống và làm việc tại Sài gòn. Bây giờ mẹ điềm nhiên xăn cao ống quần lội xuống ruộng làm cỏ lúa, cấy lúa, trồng cải, nuôi gà, nuôi heo, như một nông dân thực thụ.
Trong thời gian bốn mẹ con tá túc dưới ngôi nhà hương hỏa của ngoại, ngôi nhà mênh mông với những hàng cột bằng gỗ quí lên nước đen mun, mẹ không nệ cực nhọc ra công chăm sóc tươm tất trong ngoài và cư xử đẹp lòng bà con chòm xóm. Mẹ lại âm thầm tất tả ngược xuôi sắp xếp và nghiến răng gửi gấm cho Quỳnh Như và Tố Như đi vượt biển.
Lúc nhận được tin hai đứa em gái tới đảo bình yên, mình sững người vì thấy tóc mẹ gần như bạc trắng.
Mai Anh và mình đón buổi sáng với ly cà phê nóng hổi và một tâm hồn thời trẻ nhỏ thân tình. Ánh mặt trời nhô lên tít tắp đàng kia như mỉm cười độ lượng chào hết thảy nhân sinh. Một ngày với những rộn ràng tiếng chân khua vang của những đứa con, tụi nó bây giờ vào lứa tuổi “bỗng nhiên mà chợt lớn” như bọn mình ngày xưa đến không ngờ, mới biết chúng ta giờ bắt đầu già thật rồi.
Ngày hôm đó anh Nam đưa cả nhà đi chơi thật vui, đến những bờ hồ thật đẹp, như thầm khoe với cô bạn những thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang Michigan thật hiền hòa. Lúc cả nhà mướn xe đạp chạy dọc theo bờ cát có những ngọn đồi quanh co trên hòn đảo nhỏ còn giữ nguyên vẹn nét thiên nhiên, vắng bặt mọi tiếng động cơ, chỉ còn lại trong không gian hùng vĩ thơ mộng lồng lộng nắng và gió. Hai đứa ngồi riêng với nhau như cùng níu lại những giờ phút gần gũi còn lại thật hiếm hoi, cùng phóng tầm mắt ra khơi, phía xa kia cây cầu treo nổi tiếng như cọng dây mỏng manh trên vạt nước màu xanh trãi rộng tới chân trời.
Mai Anh nhắc mình xin tấm hình của gia đình Nguyệt Cầm, cô nàng đặc biệt thích thú về đứa con trai “Trời cho” của bồ, trong những mẫu chuyện về cậu bé nay tròm trèm bảy tuổi được mình kể đi kể lại cho Mai Anh nghe còn có những mẫu chuyện về ông ngoại của cháu là một trong những nhà văn nổi tiếng thời đó đã không chịu nỗi sự đói lạnh đã kiệt sức chết trong tù, trong khi bên ngoài gia đình của Nguyệt Cầm luôn luôn phải đối diện với những bất công tàn bạo, đành gạt nước mắt bỏ lại ông bố nằm quạnh hiu trên một cánh rừng hoang sơ nào đó để trốn đi ra khỏi nước. Vài năm, sau khi cuộc sống định cư ổn định và trong sự tận lực kiếm tìm, mẹ của Nguyệt Cầm đã cải táng ông cụ và ôm tro cốt của ông qua Úc để đoàn tụ cùng với con cháu. Đặc biệt cậu bé con hiếm quí muộn màng của Nguyệt Cầm được mang tên ông ngoại.
Ngày mai, hai đứa phải chia tay. Mai Anh cứ căn dặn mình đi đâu thì đi nhưng cũng nên qua Pháp thăm nhau, cũng như người cha đỡ đầu của mình là thầy Lê Bá Sằng, dạy trường đại học Minh Đức ngày xưa cứ nhắn nhủ “con gái, nên đến Paris một chuyến nghe con” khiến mình bồi hồi, cảm động, lòng tràn ngập yêu thương và thầm nghĩ: nhân gian đâu chỉ là giọt lệ, phải dành nhiều thì giờ với nhau hơn nữa, kẻo rồi, không kịp.
Và, trong đống hành lý ngổn ngang của Mai Anh, mình sẽ gửi theo vài cuốn tạp ghi, bút ký của hai bác Trà Lũ và Phan Lạc Phúc cũng không quên kèm theo vài cuốn thơ của ông Trần Vấn Lệ. Có phải đến tuổi này, chúng ta mới thấy thời gian thật gấp rút?..
Tạm biệt,
Tương Như

thụyvi

TÁN GẪU : ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN ĂN VỤNG

thuyvi

“Thế giới có triệu điều không thể hiểu
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao khi đã nằm trong đất
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi”

(Mai Thảo)

Đúng là thế giới có triệu điều không hiểu, như sáng hôm nay, dậy uống cà phê, đọc bản tin buổi sáng, chưng hửng, thất vọng khi thấy mặt mày tướng tá người đàn bà mà ông tài tử kiêm cựu Thống đốc tiểu bang California vụng trộm suốt chục năm nay…

Chuyện ngoại tình của thiên hạ là chuyện “muôn đời” hấp dẫn, nhất lại là chuyện của những người nổi tiếng thì càng đình đám, tỷ như chuyện ông chính khách này hay bà tài tử kia… léng phéng ăn vụng thì chính là đề tài cho mấy bà mụ gọi điện thoại “tám” mệt nghỉ. Tôi cũng thuộc loại “chúa” tò mò nên mấy ngày nay bận rộn nghe ngóng liên miên -Cứ canh ngay giờ Talk- show, nghe mấy ông mấy bà Host đủ chuyện trên đời – Chỉ cần một đề tài “nóng” là dịp mấy ông mấy bà chẻ băm cắt nhỏ kéo lê thê nói từ chuyện này qua chuyện kia còn hơn mấy bà hàng xóm ngồi lê ở xóm tôi hồi đó.

Như chuyện mới đây thôi – chuyện ông chính khách gì đó nghe nói rất sáng giá, thiên hạ kháo nhau kỳ này ông chắc mẻm sẽ đuổi ông Tổng thống Pháp có bà vợ ca sĩ kiêm người mẫu đẹp hết xảy và thiệt là sexy về vườn để ông lên ngự trong kỳ bầu cử sắp tới…. ai dè mới vừa bị cảnh sát cùm tay mời vô nghỉ mát trong nhà tù nước Mỹ vì con lợn lòng mắc bịnh kinh niên “nổi cơn” rọ rạy bất tử khiến cô bồi phòng người da đen kêu tá lả trong khách sạn tại New York… Chuyện thực hư, gài bẫy dính chấu sao chưa biết – vì tòa chưa xử, nhưng kỳ này ông mới thiệt là tiêu tán thoòng cái sự nghiệp đang sáng rực như đám sao chổi trên trời… Thiên hạ bàn dân cả thế giới đang xì xầm, kẻ chắc lưỡi, người hít hà, bàn ra tán vô còn nóng hôi hổi thì kế tiếp ông tài tử nổi tiếng nước Mỹ lên truyền hình thú tội ngoại tình và có con với bà ôsin khiến một lần nữa thiên hạ có chuyện “tám” tiếp…

Chuyện đàn ông không qua khỏi “ải mỹ nhân” là chuyện…thường tình – Bị bầm dập vì mỹ nhân là thường tình – Bị thân bại danh liệt vì mỹ nhân cũng “who care”. Nhưng lạ một điều đàng này lại bị một người đàn bà không gì đặc biệt, tướng tá thô ráp knock-out ông chồng lừng lẫy, húc té ngửa luôn cả bà vợ đẹp đẽ thanh mảnh, có gout ăn mặc thẩm mỹ, lại vừa là con cháu dòng họ Kennedy danh gia thế tộc mới là chuyện… không hiểu nổi! Hèn chi bà không đùng đùng xách vali ra khỏi nhà sao được!

Bà ra đi là phải. Vì sự tôn nghiêm, bà không cần phải hơn thua với tình địch “nặng ký” hơn bà, và không cần phải làm mình làm mẩy vì người đàn bà như thế. Cái mà tôi thắc mắc, thiệt tình thắc mắc, giống như chuyện tình tay ba của ông Thái tử chờ ngai vua “dài cổ” mặt mày nhăn nhăn nhó nhó Charles nước Anh – Ai đời ông hững hờ với cô vợ trẻ đẹp Diana chỉ để ôm lòng tình si với bà nạ dòng Camilla suốt mười mấy năm dài. Khi công nương Diana chết vì tai nạn, ông Thái tử mừng quá ôm ngay người đàn bà cục mịch “về dinh” tức khắc.

Thế giới có triệu điều không hiểu. Đúng như ông nhà văn Mai Thảo than thở – Úy, mà cũng ngộ – ông này thời trẻ cũng đâu tệ, cũng thuộc loại điển trai đó chứ… Sao ông không có vợ vậy cà? Ông không có vợ vì ông không thèm lấy vợ, hay đàn bà không thèm lấy ông…..?!
Có đề tài để khua môi rồi.
Vậy nghen !

thụyvi

.

” CHỈ CÓ ANH VÀ EM, CÙNG TÌNH YÊU Ở LẠI”

thuyvi

Hai câu thơ của Xuân Quỳnh, tôi ngắt ra làm tựa cho bài viết này, thật đúng với hoàn cảnh của những cặp vợ chồng lớn tuổi như chúng ta, khi những đứa con đủ lông cánh đã bay đi…

Cũng sẽ có không ít người sẽ hứ… “Già tình yêu nỗi gì?!” Sao không? Hãy nghe nhà văn André Maurois nói :
“Tại sao chỉ vì tuổi tác mà ngăn cản tình cảm chân chính của con người? Người già yêu nhau là lố bịch sao? Chỉ lố bịch khi họ quên mất rằng họ là những người già? Đẹp lắm chứ, một đôi vợ chồng già yêu nhau chân tình. Mỗi người thấy lại như xưa những điều đẹp đẽ mà họ đã say mê ở nhau lúc trẻ. Hơn thế nữa, sau những cơn bão tố, tình già lại trở nên đằm thắm, trang nghiêm, mang một hương vị mộc mạc, chân chất. Bất đồng biến mất, dục vọng bồng bột không còn, lòng ghen tuông cũng hết. Cuộc đời lứa đôi như những dòng sông, đầu nguồn nhiều ghềnh thác, càng ra biển càng trở nên hiền hòa, trong trẻo… Tình yêu của người già có sự trong sáng của tình bạn, lại có sự chăm sóc nhau nồng ấm…”

Tận hưởng những giờ phút bên nhau có nghĩa là cùng đồng cảm, cùng bắt chung một nhịp điệu, là tri kỷ, hiểu thấu nhau mọi chuyện như Saint Exupery định nghĩa: là cùng nhìn về một hướng.
Theo tôi chúng ta đã quá dễ dãi với mình, quá hời hợt với những cảm xúc của người bạn đời, vì thế, giờ trong nhà, chỉ còn hai người mà oái ăm lại “đồng sàng dị mộng”….Không thể nào hiểu, vì cứ hễ mở miệng ra thì y như rằng ông nói gà, bà hiểu vịt…
Như người bạn của tôi, hai vợ chồng nghĩ rằng họ “khắc khẩu” cho nên người chồng ngoài giờ đi làm, thời gian còn lại thì hầu như ông nhốt mình dưới basement làm bạn với cái computer. Nếu bạn bè thắc mắc, ông lắc đầu nói như rên – vì ông chỉ muốn êm nhà, tránh cãi cọ thậm vô lý của vợ.
Người vợ thì nghĩ mình bị bỏ bê, cứ ấm ức, hễ có ai nhắc tới thì bà hằn học đắng cay “mê cái máy thiếu điều ôm nó luôn mà ngủ! ”
Tuy ông chưa ngủ chung với cái computer, nhưng ông khá thoải mái, có lần ông than “ mấy bà… càng già, càng nói nhiều, nói dai, cái gì cũng nói..”

Rõ ràng là cặp vợ chồng này rất thương nhau, nên đã sống với nhau tới ngày hôm nay. Nhưng vì họ không biết cách diễn đạt tình cảm của mình cho người hôn phối hiểu để được tương giao thông cảm, hoặc là họ không chịu hiểu đối phương muốn gì để chia sẻ và an ủi…
Vì thế, tuy chung nhà, hai người thường nhìn nhau với đôi mắt không gì vui lắm.

Người đàn ông, tâm sinh lý họ khác biệt với phụ nữ, ngoài ra cách làm việc của họ cũng khác phụ nữ. Bởi vì do sự cấu trúc bộ não của người nam và người nữ khác nhau, vì thế người phụ nữ có thể làm nhiều việc cùng một lúc như vừa nấu ăn, vừa trông con, vừa có thể… coi phim bộ. Nhưng người đàn ông thì không thể được như vậy, thường khi làm việc gì thì họ rất chăm chú tập trung vào công việc đó (có lẽ nhờ sự tập trung cao độ, cho nên thường thì người đàn ông thành công thì thành công lẫy lừng hơn người phụ nữ, thí dụ như những người đứng đầu trong kỹ thuật nấu ăn, thời trang…vẫn là đàn ông).
Vì lẽ đó, người đàn ông khi đang làm việc, họ rất khó chịu bị ai đó quấy rầy. Những lúc thế này, ta cứ mặc kệ họ, cứ lẳng lặng tránh xa ra, ý tứ dành cho họ một khoảng không gian êm ả và tôn trọng thế giới riêng ấy.
Chắc chắn người chồng sẽ biết ơn vợ, có khi họ không nói ra, nhưng ánh mắt đã cho chúng ta thấy ngoài tình yêu chồng vợ, trong đó còn có lòng tương cậy.

Chúng ta không phải chỉ nuôi ngọn lửa tịch mịch. Dĩ nhiên, chúng ta không sống với những chuỗi ngày vô vị trong đời sống chỉ có hai người. Người vợ chúng ta phải luôn tự đổi mới, chỉ cái mới, mới có sức thu hút, chỉ có cái mới làm ta hôm nay khác với hôm qua. Điều này không có gì bí hiểm, ai cũng có thể hiểu nhưng lại có quá ít người vợ chịu tự thay đổi. Đó là bi kịch, một bi kịch phải chịu đựng nhau.
Tôi cứ thắc mắc tại sao nhiều người vợ không chịu khơi động bằng cách rủ chồng cùng nhảy với nhau một bản nhạc vui. Hay cùng ê a hát với nhau bản tình ca kỷ niệm nào đó. Hay cùng nhau đi loanh quanh uống café – lúc này, sao không ôm tay của chồng, vợ chồng tay trong tay mà đi. Hay kể lại một chuyện vui, rồi cười như cách hồi trẻ thơ đùa giỡn. Hay khôi hài tếu táo với nhau và cười thật sảng khoái. Hay cùng nhau trong những chuyến viễn du, đến những chân trời mới. Nhớ, phải tận hưởng cho thỏa thích những cảnh đẹp đường xa xứ lạ. Hay cùng nhau bàn luận tin tức thời sự, những gì sự kiện gì đó trên TV. Hay cùng nhau tham gia với các tổ chức của hội đoàn, các đoàn thể tôn giáo. Hay cùng nhau làm việc với nhau trong những công tác xã hội, cộng đồng.. Chồng thích gì thì hãy để chồng hào hứng ….
… Hãy lợi dụng những dịp này, nắm lấy bàn tay của chồng, nói lời cám ơn, hoặc hôn trên trán ông, trên tóc ông, như ngầm nói rằng “chàng của ta” là số một !

Chúng ta hãy tận hưởng những thời khắc bên nhau, vì đây là thời khắc không còn áp lực của đời sống. Hãy tự tỏa sáng bằng cách riêng của mình,

Người vợ già của ông họa sư danh tiếng đời nhà Nguyên tên Trần Mạnh Phủ, khi thấy ông muốn cưới thiếp, bà bèn viết mấy câu thơ:

…Lấy một nắm đất sét,
Nặn thành hình anh,
Đắp thành hình em.
Rồi đập phá cả hai, nhào chung lại.
Lại nắn thành hình anh
Lại đắp thành hình em.
Trong chất đất của em có anh
Trong chất đất của anh có em…

thụyvi