Má Tôi

 

Viết tặng má thân yêu của con nhân ngày giỗ má .

Ngồi nhìn ánh nắng nhảy múa lung linh ngoài cửa sổ, tôi chợt nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở còn nhỏ, khi còn sống bên má trong một thành phố nhỏ ven biển Qui Nhơn. Má tôi giờ đã không còn nữa, các con của má giờ tóc đã muối tiêu, nhưng mỗi lần nghĩ lại là tôi còn có cảm giác như mình còn bé bỏng lắm, như ngày nào còn thơ dại, nắm áo lẩm đẩm bước theo má. “Cái đuôi của tôi!” như má ngày xưa thường bảo với mấy bà hàng xóm. Gần đến cuối đời, tôi mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc cho những ai được sống trong tình thương yêu của cả cha lẫn má từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Vào thập niên 1960, quê hương tôi còn quê mùa lắm, dầu là ở thành phố nhưng nhà cửa thưa thớt, xóm nhà nầy cách xóm nhà kia là một bãi cát trắng dài hoang vu. Lúc đó, tôi đang học lớp hai trường Mai Xuân Thưởng. Tôi nhớ mang máng là tôi đã học qua cô Mai, cô Cầm và thầy Bút, thầy Đính làm hiệu trưởng. Nhà trường lúc ấy phát động phong trào: Mỗi em một cây xanh, hoa hay cây trái nhỏ trồng trước cửa lớp. Cuối ngày xếp hàng ra về tôi cố ý xếp hàng cuối cùng và đi thục lùi, lén ở lại trường, chờ thầy cô leo lên xe đạp ra khỏi cổng là tôi bứng vội cây hoa mà mình ngắm nghía suốt cả ngày đem về nhà. Sáng mai, tôi đi học sớm thế vào đó là những cây hoa khác mà tôi đã trồng rất nhiều ở nhà. Vào những buổi sáng mùa đông, trên đường từ nhà đến trường, tôi thường bị các bà nội trợ kéo vào nhà, săm soi chiếc áo len đan hay móc, màu sắc pha trộn rất đẹp của tôi rồi hỏi :
– Ai móc cho con cái áo len này vậy ?
Tôi hãnh diện trả lời :
– Má con móc cho đó !
Tôi còn muốn khoe với bà ta là má còn biết làm bánh mứt, biết cắt hoa đu đủ pha màu chưng trong ba ngày Tết giống y như hoa thược dược thật.
Đời sống ở tỉnh lẻ rất nhẹ nhàng và bình yên. Dưới thời ông Diệm, đất nước được thanh bình và êm ả. Tầng lớp được mọi người kính trọng lúc bấy giờ là công chức, làm việc hay đi dạy cho chính phủ. Tầng lớp thứ hai còn sướng hơn mấy ông công chức, khỏi đi làm mà vẫn được hàng xóm, láng giềng nể trọng. Đó là mấy bà vợ mấy ông công chức. Má tôi thuộc thành phần này. Bà sống rất phong lưu mặc dù lương dạy học của ba tôi không được bao nhiêu. Ở phía trước nhà, má tôi bán phụ thêm sách báo, sách giáo khoa, bút mực và văn phòng phẩm. Bà giao tiệm cho người cháu gái trông nom. Sáu đứa con giao cho người làm săn sóc. Bà dành hết thì giờ để tới nhà bạn bè, bà con chuyện vãn. Đi chơi cũng có lịch trình: ngày thứ hai nhà bà Quảng, ngày thứ ba nhà bà Trang, ngày thứ tư nhà bà Định, ngày thứ năm nhà dì Tâm, thứ sáu nhà dì Dung, thứ bảy và chủ nhật là nhà cậu Cả, lúc nào cũng có tổ chức ăn uống hay đánh bài tứ sắc. Tôi lúc nào cũng là cái đuôi của bà, má tôi đi đâu là tôi theo đó. Bởi vậy, chuyện dâu con bà Tâm, bà Trang, chuyện con bà Định… chuyện thiên hạ làm sao là tôi biết hết tỏng.
Hòa bình kéo dài được dăm ba năm. Năm 1963 ông Diệm bị lật đổ, phe đảo chính lên nắm chính quyền, quân miền Bắc tràn vào ở nông thôn, Mỹ đổ bộ dồn dập xuống cảng Đà Nẵng, Qui Nhơn và Cam Ranh. Qui Nhơn biến thành một cái chợ trời hàng Mỹ Nhật cho cả nước, Bar bảy mọc lên khắp nơi, nhiều gương mặt lạ, nhiều giọng nói khó nghe, tiếng nhạc ồn ào kích động át tiếng sóng biển. Thế lực kim tiền bắt đầu xuất hiện. Người ta nói đến những người mới giàu nổi: mấy bà chủ khách sạn, mấy ông nhà thầu rác, mấy vị chủ quán Bar nổi lên như nấm sau cơn mưa. Bar nào Bar nấy sơn phết loè loẹt, đèn đuốc sáng trưng, lưới B40 rào kín phía trước chung quanh, nhạc sống nhạc chết kích động rập rình thâu đêm suốt sáng, chị em ta ở Sài Gòn ra dập diều trên đường phố, ong ỏng mời gọi khách vào Bar của mình. Nhà tôi nằm ngay trung tâm của vùng Tam Giác Vàng của chị em ta, cái địa điểm lý tưởng để hái ra tiền, nhiều người thèm thuồng đề nghị xin thuê hoặc hợp tác làm ăn nhưng ba tôi đều một mực lắc đầu giận dữ: Đói cho sạch, rách cho thơm, tuyệt đối không chạy theo đồng đô la, không cho thuê phía trước nhà, không Bar bảy.
Má tôi không chịu thua, cờ tới tay phải phất. Bà dắt đứa con gái, cái đuôi của bà, ra phố Gia Long mua sỉ những gì mà lính Mỹ thích: rượu, thuốc lá, bánh kẹo, bong bóng, áo Kimono, rương gỗ, móc áo … đem về tiệm mình bán, biến tiệm sách thành tiệm tạp hóa hầm bà lằng. Má tôi thôi không đi chuyện vãn nữa mà dành hết thì giờ của mình để kiếm tiền đô. Buôn bán rất phát đạt, tôi lúc đó mới mười tuổi, ngoài giờ học tôi xách xe đạp lên phố cất hàng và chở hàng về bằng xích lô. Một ngày tiền lời bằng tháng lương ba tôi đi dạy lúc ấy. Không ham sao được! Nhưng dù sao đồng tiền má tôi kiếm được là đồng tiền trong sạch, mua đi bán lại kiếm lời.
Má tôi còn bươn chải tìm cách kiếm thêm tiền như một người trụ cột trong gia đình. Nhà cửa lúc ấy cho thuê đắt như tôm tươi. Gia đình tôi có miếng đất ở gần biển nhưng không có tiền để xây cất, bà làm một lúc 10 cái hụi, mượn vàng người bạn trên quê gom lại để xây cất căn nhà thứ hai cho nhân viên RMK làm đường sá, cầu cống của Mỹ thuê. Sau năm năm, bà trả hết nợ nần.
Dân Qui Nhơn làm ăn khấm khá được vài năm cho đến ngày Mỹ rút về nước. Những ngôi nhà đúc bê tông cốt sắt hai, ba tầng ra đời, nhà nầy nối tiếp nhà kia, san sát với nhau làm thay đổi bộ mặt của thành phố. Đến mùa hè đỏ lửa năm 1972, má tôi lo âu, thấp thỏm sợ rằng đất nước sẽ bị chia cắt thêm một lần nữa. Bà cho tôi cùng với chị dâu và các cháu nội còn nhỏ đi trước cho nhẹ gánh, lỡ bề có chuyện gì xảy ra, ba má tôi với đứa con trai còn lại dễ tìm đường đi hơn nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra. Ba tôi mất năm 1973 vì bệnh ung thư, bỏ lại mình bà phải lo lắng cho sáu đứa con trong thời buổi nhiễu nhương.
Mặc dù đất nước không bị cắt chia lần thứ hai, nhưng ba năm sau đó là ba năm đầy biến động. Chiến sự xảy ra khắp nơi, từ thôn quê lên đến cao nguyên rồi lan tràn xuống thành thị. Người ta bồng bế nhau chạy trốn trong khốn cùng tuyệt vọng và khi điểm cuối cùng là thủ đô Sài Gòn bị thất thủ, không còn đường để chạy, người ta lại bồng bế nhau chạy ngược trở về. Lần về nầy, mọi người lại tìm đủ mọi phương tiện để trở lại chốn cũ cho thật nhanh. Phải nhanh hơn kẻ gian có thì giờ ra tay hôi của, phải nhanh hơn bàn tay dán tờ giấy niêm phong của chế độ mới lên.
Sau tháng tư năm 1975, gia đình tôi được “công nhận” là gia đình ngụy quân ngụy quyền. Ngôi trường tư thục mà gia đình có nhiều cổ phần trong đó bị tịch biên, biến thành trường trung học của nhà nước. Ngôi trường mà ba tôi và những người bạn đã bỏ ra bao nhiêu tâm huyết lẫn ước mơ, bao nhiêu niềm vui và nỗi buồn. Má tôi trở thành trắng tay, bà cầm hai lượng vàng còn sót lại khi di tản vào Nam, tần ngần tự hỏi không biết ngày mai sẽ ra sao?
Thấu hiểu nỗi khổ tâm của bà, chúng tôi chia nhau đi kiếm tiền để mua gạo. Chị tôi ra chợ trời chạy mánh, tôi xuống chợ bán khoai mì. Vì không quen buôn bán ở chợ, mua thì bị cân non, bán thì bị cân già. Suốt buổi chợ, cuối ngày tôi huề vốn chỉ còn sót lại vài củ mì eo ỏng. Chị tôi lanh hơn tôi, ra chợ trời ngày thứ hai đã đem được tiền về để má tôi đi chợ và đong gạo.
Đứa em trai lên Bảo Lộc làm cho nông trường trà của nhà nước. Anh Hai làm mì sợi ở Sài Gòn, một ông anh không quân bị học cải tạo ở Phan Rang, có vợ anh ấy lo thăm nuôi. Một ông anh hải quân độc thân bị học tập cải tạo ở Kim Sơn, má tôi phải lo tiếp tế lương thực, thăm nuôi anh ấy. Phần tôi ba tháng sau được sở giáo dục gọi cho đi dạy trở lại, được nâng cấp từ giáo sinh đào tạo cho cấp một trở thành giáo viên ngoại ngữ cấp hai môn Anh Văn, không được ở thành phố mà phải về nông thôn để dạy vì thành phần gia đình không tốt, cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa.
Trong 6 anh chị em, chị tôi là người buôn bán khá nhất nhờ lanh lợi, thức thời hợp với xã hội bấy giờ. Mỗi cuối tuần tôi về thăm nhà nhìn người má hiền gầy còm, tóc bạc phơ, áo rách vai ngồi dện bánh in bằng bột ngũ cốc cho anh Năm trong trại cải tạo mà nước mắt rưng rưng. Chị ở chợ trời về bảo :
– Suốt ngày má cứ rảnh giờ nào là làm đồ tiếp tế cho anh Năm. Tao mua miếng thịt bò về, trước khi nấu nướng cũng chừa một miếng bỏ vào lò nướng làm thịt bò khô, thịt heo thì làm sả ruốc. Tối thì ngồi dện bánh đến mỏi lưng mới đi ngủ.
Má của con! Má không quản thân gầy, ngày một ngày hai lo lắng cho đàn con đã lớn khôn. Tôi bị thuyên chuyển đi dạy ở Vĩnh Thạnh, vì cơ thể bị dị ứng với miền rừng núi, chân tôi bị lở lói, huyết thanh ra liên tục, ngứa ngáy, khó chịu vô cùng. Bà tưởng rằng hiệu trưởng có quyền điều người đi hay ở, má tôi cùng với tôi lên Vĩnh Thạnh để xin thuyên chuyển về đồng bằng. Muốn qua trường học, phía tả ngạn sông Côn, phải lội ngang qua sông chỗ cạn nhất là nước đến đầu gối, đá to lởm chởm dưới lòng sông. Má con tôi chờ mãi chẳng thấy có chiếc thuyền độc mộc hay chiếc sõng nào đi ngang qua để xin quá giang. Bà ái ngại nhìn chân băng bó của tôi :
– Để má cõng con qua sông.
– Không được đâu! Con nặng hơn má.
Má tôi cứ khăng khăng đòi cõng tôi, tôi đành phải leo lên lưng má, hai tay quàng cổ má, bọc hành lý đội trên đầu. Đến giữa sông, má trượt phải cục đá dưới lòng sông, hai má con té lăn nhào xuống nước. Qua tới bờ bên kia, hai má con tôi ướt loi ngoi, lóp ngóp, tôi không bao giờ quên được hình ảnh má thương yêu của tôi lúc ấy.
Rồi phong trào người Việt gốc Hoa rời nước chính thức bằng tàu lớn chạy máy. Thế là một số người giàu có dùng vàng đút lót để trở thành thân nhân của người Hoa và có tên trong danh sách lên tàu. Rồi phong trào người Việt gốc Việt rời nước lén lút bằng tàu nhỏ chạy máy cũng ra đời. Người ta lén lút chôn dầu, góp vàng, đóng ghe, mua bãi để đi vượt biên. Má tôi cũng nôn nóng muốn cho các con đi ra, bà quyết định bán căn nhà lớn và dọn về căn nhà trống, đang để bảng cho thuê để tìm đường cho chúng tôi. Chúng tôi dọn nhà mà nước mắt lưng tròng, quyến luyến nơi chốn chúng tôi sống từ bé thơ và lớn lên từ căn nhà này.
Bây giờ tôi còn hình dung được tiếng nói cười rạng rỡ của đám cháu của cả bên nội lẫn bên ngoại từ quê xuống trọ học, những đêm tối nhát ma, tiếng la hét rân vang trong căn nhà. Những bữa ăn rào rào như tầm ăn dâu. Tới mùa thi, mỗi người một góc, người trên sân thượng, người thu lu bên hồ nước, người cắm trại trên nóc nhà để ôn bài. Chúng tôi sắp sửa mất tất cả những kỷ niệm êm đẹp nhất thời ấu thơ của mình. Nhìn lại má, mắt bà cũng đỏ hoe. Không biết bao nhiêu là kỷ niệm từ thời mới tiếp thu, chân ướt chân ráo từ quê mới ra tỉnh cùng ba tôi, ấp ủ không biết bao nhiêu là câu chuyện vui buồn trong đời sống vợ chồng cũng bắt nguồn từ căn nhà nầy. Căn nhà trị giá ba trăm cây vàng bây giờ, lúc đó bán vỏn vẹn chỉ có mười hai cây, vừa đủ cho sáu anh em tôi đi tìm đường vượt thoát.
Bốn anh em tôi đi trót lọt, tới phiên tôi thì trầy trật. Nhóm tổ chức bị động ổ, sẵn cơ hội lường gạt chúng tôi để lấy vàng. Ở khe núi Phương Mai, ban tổ chức chia người làm hai nhóm: một nhóm gồm thân nhân của chủ ghe quay trở về Qui Nhơn, nhóm khách cho ghe nhỏ bỏ chúng tôi lên một ghe lớn đã thủng đáy. May vừa lúc đó, có một con sóng thật lớn đánh ụp xuống, kéo chiếc ghe lớn vào bờ. Chúng tôi thoát chết nhưng bị công an tóm gọn. Trên đường giải nhóm vượt biên về Qui Nhơn, tôi trà trộn vào đám người đi chợ chạy trốn về nhà. Má tôi tất ta tất tưởi xách nón lên nhà người bà con, nhờ họ giúp đỡ chở tôi ra ngã ba Phú Tài, đón xe chạy trốn vào Sài Gòn.
Mấy tháng sau, má tôi cho người đem vào hai cây vàng cuối cùng của bà cho tôi để tìm đường vượt thoát lần thứ hai với anh Hai. Lần này, chuyến đi thành công nhờ phước đức của má tôi, một người mà lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ những người bà con nghèo khó ở quê xuống, một bà chủ hụi đã đứng ra trả giúp cho bốn năm người hụi chết quỵt nợ mà không một lời than van, mắng nhiếc.
Mười mấy năm sau quay trở về quê nhà. Má tôi giờ lưng đã còng, tóc đã bạc phơ. Bà ngồi một chỗ trên ghế xếp, hầu như là không thấy tôi bước vào. Tôi chạy lại ôm má, bà đưa tay sờ vào mặt tôi, tóc tôi, tay tôi rồi ôm tôi khóc. Hai má con nước mắt đầm đìa, ôm nhau khóc ròng cho bỏ những ngày thương tiếc, nhớ nhung. Tôi kể cho má nghe những khó khăn, khổ cực, gian nan trong những ngày đầu tiên đến Mỹ, những lo âu, chán chường khi nhìn hai đứa con được sinh ra ở Mỹ và khôn lớn không giống như mình mong ước. Kể cho má nghe những việc tôi đã làm và những dự định ở tương lai.
Mắt má tôi lúc ấy đã chập chờn, không trông thấy rõ lắm nhưng bà giả vờ như một người bình thường để cho tôi được yên tâm trong những ngày về thăm bà. Tôi đứng lặng nhìn bà bóp ống kem đánh răng lên tay thay vì lên bàn chải đánh răng. Lần thứ hai về VN, tôi thức dậy nửa đêm, đưa má đi tiểu, trên đường trở về giường, tự động phân rơi vãi mỗi bước chân đi, bà ngồi xuống, cố gắng thu nhặt không để cho tôi biết, bà càng thu vén càng làm cho chỗ ấy dơ thêm. Tôi khóc :
– Má để con dọn! Con biết má không thấy đường nữa rồi. Má đừng giả vờ nữa, con biết từ khi nhận được lá thư cuối cùng của má, chữ càng lúc càng lớn, chữ nọ chồng lên chữ kia, má không giấu được con đâu. Má than thở :
– Má đâu có muốn như vậy! Bây giờ cơ thể của má nó không chịu nghe lời má. Bây giờ không nhìn thấy được con, má sợ có ngày không nói chuyện được với con, không nghe được con nói.
Tôi an ủi bà: Sinh Lão Bệnh Tử, ai cũng phải qua cầu, mình phải chấp nhận số mệnh. Nếu thể xác quá đau đớn thì chết là con đường giải thoát sớm nhất của má. Chết là bắt đầu một sự sống khác, cứ nghĩ tới một ngày nào đó, má sẽ gặp được ba, gặp được hai đứa con gái bạc mệnh của má ở Thiên Quốc thì má sẽ an bình, không còn lo lắng nữa. Chúng con sau nầy cũng sẽ giống như má ngày hôm nay. Thân thể của má đang bắt đầu suy yếu, hư hao theo tuổi đời chồng chất. Má cứ tự tại, vui vẻ mà sống, cái gì đến sẽ đến. Ai trong chúng ta cũng sẽ bị luật Vô Thường chi phối, đó là quy luật tự nhiên của tạo hóa Sinh Trụ Hoại Diệt, mình không thể cải lại được. Sống được một ngày là hãy vui đi một ngày nghe má.
Lần thứ ba tôi về thăm má, bà đã nằm một chỗ, thiêm thiếp, da bọc xương. Cho dù trí não còn minh mẫn nhưng bà không còn nói được. Một lần bà nắm lấy tay tôi, siết chặt, mặt đỏ lên, miệng mấp máy, muốn nói gì đó nhưng nói không ra lời. Lúc đó, tôi không biết tìm cách nào để nói chuyện cùng với bà trong những ngày cuối đời, chỉ còn biết nắm tay má vỗ về, an ủi: Má! Con đây! Má còn sống ngày nào là con sẽ thường xuyên về thăm má.
Má tôi mất vài năm sau đó, hưởng thọ được 93 tuổi. Chắc bà ra đi cũng mãn nguyện vì đàn con của bà lúc nào cũng ân cần lo lắng và lúc nào cũng có người săn sóc cho bà chu đáo đến cuối đời. Niềm an ủi lớn nhất của má tôi ở tuổi tri thiên mệnh là anh Năm, đứa con mà bà thương nhất trong khi bị cải tạo, đã quanh quẩn ở bên bà cho đến giây phút cuối cùng. Tôi bây giờ giống như má tôi ngày xưa, không nghe, không nói, không cười, không đi đứng được ở lứa tuổi 57, nhưng tôi biết dùng hai ngón tay gõ trên bàn phím để cho mọi người hiểu mình, biết biến ước mơ thành sự thật, biết biến những ngày ảm đạm, nỗi cô đơn buồn rầu thành bồng lai tiên cảnh với những người đẹp như tranh vẽ. Đáng tiếc chỉ có ba người ở bên cạnh tôi lại không bao giờ hiểu tôi là chồng và các con tôi vì họ không bao giờ đọc truyện của tôi viết.

Sương Nguyễn

Advertisement

U UẤT

suongnguyen

Xương cốt trời ơi lạnh buốt mình
Tan tành nhật nguyệt cõi vô thanh
Vẫn biết cuộc đời là hư ảo
Mà hồn vẫn nuối một bình minh
Tiếng chim khắc khoải buồn trong nắng
Hạnh phúc còn mơ những bóng hình
Cho tôi níu một vầng tinh tú
Và ngã bên bờ cỏ rất xanh.

SƯƠNG NGUYỄN

Tôi Muốn

suongnguyen

Tôi muốn du hồn ra biển đêm
Muốn ôm nhật nguyệt giữa tay mềm
Hoà chung mật đắng vào men rượu
Quyện chốn nhân gian với thác ghềnh

Tôi muốn đừng ai đến khóc than
Đừng chôn tôi với ánh trăng vàng
Đừng nhìn tôi giữa hai hàng nến
Đừng để hồn tôi theo gió tan

Tôi ngước nhìn lên trời bạt ngàn
Hồn xanh xao gợn chút hoang mang
Sao nỡ vùi tôi trong huyệt lạnh
Lác đác mùa thu lá rụng vàng

Hồn tôi bay bổng giữa phù vân
Trôi theo bóng sáng những khuya rằm
Tôi cúi nhìn tôi thân xác lạnh
Sương vẫn còn rơi như lệ ngân…

SƯƠNG NGUYỄN

Được Phước

 suongnguyen

Mẹ tôi vẫn thường nói: con hưởng được nhiều phước báu khi con chào đời làm con của mẹ ! Quả vậy ! tôi không biết cha tôi là ai vì mẹ tôi không bao giờ nhắc đến, mà tôi cũng không quan tâm tìm hiểu thêm, vì tôi có mẹ thương yêu và săn sóc cho tôi quá chu đáo.

Từ buổi sáng tinh mơ, mẹ đã chuẩn bị bữa ăn sáng sẵn sàng cho tôi rồi mẹ mới đi làm. Buổi trưa tôi ăn ở trường. Buổi tối mẹ mang về một phần ăn thật ngon ở nhà hàng sang trọng mà mẹ làm phụ bếp. Cuối tuần mẹ dẫn tôi đi mua sắm những thứ gì tôi thích mà không để ý gì đến giá cả. Bạn bè tôi xầm xì : con nhà lính, tính nhà quan hay nghèo mà học làm sang. Vì bởi quần áo, đồ chơi, điện thoại, máy gamẹ của tôi toàn là những thứ đắt tiền. Lớn thêm một chút nữa, khi tôi học ở trung học, mẹ tôi chuyển sang làm tiệm giặt dry clean, tôi bắt đầu mặc những bộ quần áo xịn, được ủi thẳng nếp. Đời sống của tôi quá đầy đủ, tôi không mong muốn gì hơn là được sống trong tình thương yêu và đùm bọc của mẹ. Có một lần tôi nghe lén được qua mẩu đối thoại của bạn bè mẹ về quá khứ của mẹ. Mẹ đã có một đời chồng, nhưng không có con cái mặc dù mẹ đã cố gắng đi chữa trị bệnh hiếm muộn. Sau đó hai người đã đồng ý chia tay để cho chồng mẹ đi tìm con nối dõi. Trong thời gian làm tiệm ăn, mẹ  quen một người đã lập gia đình, nhưng thật đẹp trai, cao lớn, mẹ xin người đó một đứa con với điều kiện không cho biết cha đứa bé là ai .Vì vậy tôi ra đời được cưng chiều hết mực, mẹ tôi nhịn hết tất cả mọi nhu cầu của đời sống để lo cho tôi không thua thiệt bạn bè Tiếp tục đọc

MÁ TÔI

Sương Nguyễn

646104
Viết tặng má thân yêu của con nhân ngày giỗ má
.

Ngồi nhìn ánh nắng nhảy múa lung linh ngoài cửa sổ, tôi chợt nhớ lại những kỷ niệm êm đềm thuở còn nhỏ, khi còn sống bên má trong một thành phố nhỏ ven biển Qui Nhơn. Má tôi giờ đã không còn nữa, các con của má giờ tóc đã muối tiêu, nhưng mỗi lần nghĩ lại là tôi còn có cảm giác như mình còn bé bỏng lắm, như ngày nào còn thơ dại, nắm áo lẩm đẩm bước theo má. “Cái đuôi của tôi!” như má ngày xưa thường bảo với mấy bà hàng xóm. Gần đến cuối đời, tôi mới cảm nhận hết được niềm hạnh phúc cho những ai được sống trong tình thương yêu của cả cha lẫn má từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành.
Vào thập niên 1960, quê hương tôi còn quê mùa lắm, dầu là ở thành phố nhưng nhà cửa thưa thớt, xóm nhà nầy cách xóm nhà kia là một bãi cát trắng dài hoang vu. Lúc đó, tôi đang học lớp hai trường Mai Xuân Thưởng. Tôi nhớ mang máng là tôi đã học qua cô Mai, cô Cầm và thầy Bút, thầy Đính làm hiệu trưởng. Nhà trường lúc ấy phát động phong trào: Mỗi em một cây xanh, hoa hay cây trái nhỏ trồng trước cửa lớp. Cuối ngày xếp hàng ra về tôi cố ý xếp hàng cuối cùng và đi thục lùi, lén ở lại trường, chờ thầy cô leo lên xe đạp ra khỏi cổng là tôi bứng vội cây hoa mà mình ngắm nghía suốt cả ngày đem về nhà. Sáng mai, tôi đi học sớm thế vào đó là những cây hoa khác mà tôi đã trồng rất nhiều ở nhà. Vào những buổi sáng mùa đông, trên đường từ nhà đến trường, tôi thường bị các bà nội trợ kéo vào nhà, săm soi chiếc áo len đan hay móc, màu sắc pha trộn rất đẹp của tôi rồi hỏi Tiếp tục đọc

NGUYỆT ÁO ĐỎ

Sương Nguyễn

little-red-riding-hood-and-the-big-bad-wolf-under-a-yellow-moon-jeff-burgess

Ông Cung uống một hớp trà nóng rồi khẻ thở dài, nhìn con gái đang ngồi bằm cây chuối chuẩn bị cho lợn ăn, ông xót xa vô cùng. Tre già măng mọc, tuổi già sức yếu, gần đến cuối đời mà hai vợ chồng ông không làm gì được cho cô con gái rượu của mình. Ông bà Cung lập gia đình rất trễ cho nên đến gần bốn mươi tuổi mới sinh ra Nguyệt, hàng xóm ai đến thăm cũng quở ông bà:
– Cha mẹ cú mà sinh con tiên!
Nguyệt từ nhỏ đã xinh đẹp, nước da trắng bóc, mặt hoa da phấn, miệng lúc nào cũng tươi cười, bạn bè ai ai cũng thương mến.Ông Cung làm nghề gõ đầu trẻ tại gia, được hơn mươi đứa học trò. Bà Cung bán rau ở chợ xổm, tiền đem về đủ để đắp đổi qua ngày, bữa rau bữa thịt, không có dư tiền để lo cho con gái tiếp tục học Đại Học. Tốt nghiệp xong Trung Học, Nguyệt phải ở nhà phụ mẹ buôn bán và chăm sóc bầy heo con. Cô con gái xinh đẹp của ông đáng lẽ ra phải tốt nghiệp Đại Học rồi kiếm một tấm chồng kha khá có địa vị ở Sài Gòn thì mới phải, bây giờ lại phải ở nhà, tay lấm chân bùn, mặt mày lem luốt làm sao ông không thương tiếc cho số phận của con mình cho được Tiếp tục đọc

Những Giọt Mưa

Sương Nguyễn

flickr-163256129-original

Ở đời như giấc chiêm bao
Làm chi mà phải lao đao nhọc mình ?

Lý Bạch

Viết tặng T. Tân , Ái N & Đ .H. Tâm những người bạn đang cùng đi chung với tôi một con đường

-Trời kêu ai nấy dạ . Biết làm sao bây giờ ? không biết đến khi nào thì tới phiên mình ?

Bích trầm ngâm cúi mặt xuống, dấu vội giọt nước mắt vừa ứa ra làm nhập nhoè đôi mắt , tay xoay tròn chiếc muổng trong ly nước chanh .

– Đã đành là Thành , Trụ , Hoại , Diệt , ai cũng phải qua cầu nhưng tao không cam tâm khi nhìn thấy Thoa như vậy . Một người suốt một đời làm việc và hoạt động xã hội không ngừng nghỉ mà bây giờ phải ngồi một chỗ , héo hon gầy còm và bị cơn bệnh hành hạ mỗi ngày . Trang một thời là hoa khôi của Trường Sư Phạm , giờ phải ngồi xe lăn , muốn nói chuyện với bọn mình mà nói cũng không được.

-Trang dầu sao cũng đỡ hơn Thoa , có chồng lo lắng săn sóc chu đáo , còn Thoa bị gia đình ruồng bỏ , phải chạy bán sống bán chết và sống vất va vất vưởng ở ngoài đường Tiếp tục đọc

Đá Xanh

Sương Nguyễn

daxanhnts

Nước chảy đá mòn, tôi là cục đá xanh nằm ở giữa giao lưu của hai nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát đổ vào sông Phú Phong. Tôi đắm mình dưới một thác nước sâu, đổ vào một hầm đá rộng, phát ra tiếng kêu ầm ồ, cho nên người ta gọi chỗ tôi ở là Hầm Hô. Tôi sống giữa cảnh núi non hùng vĩ và tận hưởng những kỳ diệu, tuyệt tác của thiên nhiên ngay dưới lòng sông. Khi những tia nắng ban mai rọi xuống những trụ đá hoa cương thiên hình vạn trạng phản chiếu lên muôn màu lung linh, rực rỡ như muôn ngàn, muôn vạn kim cương lấp lánh dưới làn nước trong xanh.

Chung quanh tôi là những khối đá chập chùng, chỗ thì dựng đứng như bức trường thành, chỗ thì nhọn hoắt, lởm chởm như những thanh gươm, chỗ thì chồng chất lên nhau thành đống như hòn Chồng, hòn Trứng. Riêng tôi, không giống như những hòn đá khác, tôi là một khối vuông to tướng và bên cạnh tôi là hai tảng đá tròn, có hình dạng như hai cái ghế, lúc nào cũng theo sát tôi như hình với bóng. Bốn ngàn năm trôi qua, trải qua không biết bao nhiêu là thăng trầm, nước đã bào mòn tôi trơn tru, nhẵn nhụi như một bàn cờ với hai cái ghế đá bên cạnh. Nhờ có hình dạng này mà người ta gọi tôi là Bàn Cờ Tiên và cũng chính ở chỗ này tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh thương tâm, là vật chứng cho những âm mưu, những thay đổi của thời cuộc, những cuộc thanh trừng đẩm máu… Nếu có dịp tôi sẽ kể cho bạn nghe vì bởi mặc dù là đá xanh nhưng trong tôi có con tim và có trí tuệ của con người.

Một hôm có một toán hướng đạo sinh đến cắm trại chung quanh Bàn Cờ Tiên, các huynh trưởng dạy các em cách truyền tin bằng Morse, có thể dùng máy để đánh điện tín hoặc dùng ánh sáng hay hãm khói để truyền tin như người Da Đỏ. Suốt mấy ngày liền, Đá Xanh tôi đã học lóm và thuộc nằm lòng 26 chữ cái, mười số truyền tin bằng Morse và tự nhủ: Đã đến lúc tôi phải nói những gì tôi ấp ủ bấy lâu nay. Phải cho thế giới biết những gì đang xảy ra chung quanh tôi. Phải cho mọi người biết được mặt trái của con người Tiếp tục đọc

Phản Hồi Và Liên Tưởng

Sương Nguyễn

phanhoilientuongsn

Thất nghiệp đã hơn hai tháng rồi, tôi đi mòn cả giày, cạn cả xăng mà vẫn chưa tìm ra job mới. Chưa có việc làm tôi lại càng sốt cả ruột, đau cả dạ dày khi thấy mấy con số trong trương mục nhà bank cứ càng ngày càng nhỏ lại. Nếu cứ cái đà này chẳng chóng thì chầy đời tôi sẽ tàn như lá úa, phất phơ trước gió biết vào tay ai  …

Bần thần lật tờ báo tìm việc làm thì tình cờ một cái quảng cáo rao vặt kiếm người share phòng hơi ngồ ngộ và hổng có giống ai đập vào mắt, tôi tò mò chăm chú đọc. Cái mẩu quảng cáo nó như thế này:

Muốn tìm người share cái phòng lớn nhất, đẹp nhất và tốt nhất, nói chung mọi thứ đều nhất nhất trong nhà, với cái giá cho thuê cũng rẻ nhất, 200 đô một tháng. Nhà ngay khu Việt Nam, gần chợ Việt Nam, gần quán cà phê, gần cây xăng, gần trạm xe bus, gần trạm cảnh sát, gần bệnh viện và ngay cả nghĩa địa cũng gần. Điều kiện: phải biết nói tiếng Việt, thông thạo sách báo tiếng Việt, phải thích nhạc tiền chiến, phải thích coi phim bộ Đại Hàn. Nếu đủ điều kiện xin gọi cho Dina, số 888 888-8888, 24/24 và 7/7.

Cái bà chủ nhà Dina này có giỡn không đây? Tìm cái kiểu này là tìm người bạn share phòng share tình chứ theo cái lệ thường tình ở đời ai tìm người share phòng cũng yêu cầu ít nhất là có tiền, có việc làm, không hút thuốc, không nấu ăn, không giặt quần áo, không tắm rửa tiêu tiểu trong nhà … chứ đâu có như cái bà chủ nhà này. Mà sao cái mà là lạ, đọc tới đọc lui, đọc xuôi đọc ngược, tôi thấy mấy cái điều kiện này hình như cái nào tôi cũng có. Chả lẽ bả kiếm tôi? Cứ gọi thử xem sao! Biết đâu sẽ được ăn ở miễn phí Tiếp tục đọc

NƯỚC MẮT CHẢY XUÔI

Sương Nguyễn

tumblr_lx1wqg5qv61qaacqmo1_r1_500

Già năm nay bao nhiêu tuổi ? già không còn nhớ rõ, chỉ nhớ một điều là vợ chồng già có nhiều con lắm, 10 đứa con, đứa nào cũng ăn học thành tài. Già rất mãn nguyện với đám con của già, có nhắm mắt xuôi tay, già cũng không ân hận gì. Chắc mấy đứa con già nó bực bội lắm vì ngày nào già cũng nhắc chuyện ngày xưa, chuyện khi chúng còn nhỏ, chuyện khi già làm trưởng ty Canh Nông, chuyện mẹ chúng tần tảo nuôi heo, nuôi bò, nuôi gà công nghiệp để nuôi đàn con khôn lớn.

Sau khi tu nghiệp ở Mỹ về, già được bổ nhiệm làm việc tại ty Nông Lâm Súc tại Đồng Bằng Sông Cửu Long . Ở đây, gìa đem tất cả những kiến thức mà già đã học được bên Mỹ giúp cho nông dân của nước mình. Già khuyên các chủ điền cơ giới hóa việc đồng áng, lập thành các nông trại lớn, làm ruộng tính theo điểm, xóa bỏ bờ, ao, làm hệ thống dẫn thủy nhập điền . Già hướng dẫn nông dân chọn giống lúa sạ tốt, biết kỷ thuật cấy hạt giống thẳng xuống ruông, từ 80 tới 120 kí lô lúa giống cho mỗi mẫu ruộng, mục đích giữ cho hai hàng mạ được thoáng, ít sâu bệnh, cây lúa sẽ dễ tẻ nhánh thật nhiều, cuối mùa nông dân sẽ thu hoạch được cao.

Ngoài ra già còn giúp đỡ các nông dân cách chọn heo giống tốt, thịt nhiều mở ít , giới thiệu giống Yerkshise large white, Landrace, Berkhire và giống Duroc là những giống tốt, ăn tạp, khỏe manh, cho được nhiều thịt, ít bệnh tật . Già chỉ cho nông dân cách gầy giống heo, cách chọn heo nái và heo nọc để đạt được hiệu quả cao. Già hướng dẫn họ nuôi gà công nghiệp lấy thịt và lấy trứng. Khuyên họ xây cất chuồng , trại xa nơi ở của dân chúng để tránh di truyền bệnh tật và lây lan từ súc vật đến bà con chòm xóm. Trong vòng một năm, bà con nông dân ở các tỉnh An Giang, Tiền Giang và Sóc Trăng đã thu hoạch được hai vụ lúa cao 10 tấn lúa / hecta. Heo thịt và gà và trứng đủ để cung cấp cho Sàigon, còn heo giống khỏe mạnh được chở đi bán khắp các tỉnh miền trung Việt Nam.

Nhận thấy thí điểm miền Đồng Bằng Sông Cửu Long thành công rực rỡ . Bộ gọi già về bổ nhiệm làm ty trưởng ty Canh Nông tại Bình Định . Ngày đầu tiên nhậm chức tại quê nhà, già không khỏi bồi hồi xúc động khi thấy cảnh nghèo nàn của người dân miền trung so với cảnh sung túc của người dân nam bộ . Già tự hứa với lòng là sẽ làm cho nông dân ở tỉnh mình được cơm no ,ấm áo, sẽ có những cánh đồng bát ngát với những bông lúa vàng trĩu nặng chạy dài đến chân núi Tiếp tục đọc