
Mùa Hè năm 1972.
Hải Đường nhìn mọi thứ màu sắc hơn. Có gì đó đang dần thay đổi trong tâm hồn thơ dại của cô. Nó đến bất ngờ như cậu bé mỗi đêm ngồi dưới giàn hoa giấy. Hải Đường viết trong Đặc san Thềm Văn năm bảy hai : “Em ước ao được nói với những kỷ niệm thương yêu của ngày xưa cũ rằng. Ánh mắt và ý nghĩ trầm mặc đã đưa em vào cõi thần tiên. Để em lạc lối trên những đường mây rộng thênh thang..”( Lời Cho Kỷ Niệm)
Mùa hè thay đổi cuộc đời cô sau này.
Khách đến quán thường xuyên xuất hiện người đàn ông khoảng hai lăm tuổi. Một trung úy đang làm việc tại TTHL Lam Sơn. Đều đặn và chăm chỉ mỗi đêm, tiếp đó là cả thời gian sau giờ làm việc. Người đàn ông này nói giọng Bình Định rất khó nghe, hay chăm chú nhìn khi Hải Đường xuất hiện trong quán hay lúc đi học về. Đâu phải cô chưa chạm với những ánh mắt như vậy nhưng sao con người này có một cái nhìn rất khác. Nó vừa mãnh liệt lại vừa đáng sợ. Cái nhìn như nuốt chửng lấy con người cô, buộc Hải Đường cảnh giác với cái nhìn đó vì linh tính như có điều gì không hay đang đến.
Một thời gian sau, người đàn ông này bắt đầu lân la vào nhà nói chuyện với Ba Mẹ và cả anh của cô nữa. Số lần đến ngày càng nhiều và thời gian cũng cứ kéo dài thêm ra. Hải Đường có ý đề phòng ông ấy dù chưa rõ được ý đồ của ông ta lắm.
Cậu bé si tình cũng chăm chỉ đến uống cà phê. Ngồi dưới giàn hoa giấy vào khoảng thời gian từ bảy đến tám giờ mỗi đêm sau đó mới chịu về học bài, cũng là lúc Hải Đường ngồi học bên cửa sổ. Cô bắt đầu chú ý đến cậu bạn học cùng lớp kỳ lạ này vì tò mò pha lẫn chút khó chịu. Không như những người khác, cậu bé hay ngồi quay lưng lại phía cô. Đó là điều ngạc nhiên Hải Đường muốn biết. Sau này anh nói vì quá lo sợ cho cô trước những người lính mặc đủ loại quân phục này. Anh ví Hải Đường là con mèo con và anh cũng vậy. Anh đã nhiều lần nhìn cô phải chống chọi đơn độc trước những lời lẽ khiếm nhã của một số người. Đã trông thấy nhiều lần cô phải vụt chạy lên lầu trước hành động suồng sã của một vài người lính có học nhưng thiếu nhân cách. Cậu bé vẫn ngồi đó nhưng chỉ biết im lặng bất lực nhìn.
Rồi mùa hè đến, phải chia tay bạn bè, lớp học . Ba tháng này là khoảng thời gian buồn chán nhất. Hải Đường ngồi quầy ban đêm, còn ban ngày trông giữ mấy đứa em, giúp mẹ pha chế cà phê. Với cô, mỗi tối bốn tiếng đồng hồ là thời gian như bị đày đọa. Trừ những lúc phải tính tiền cho khách, cô luôn cúi đầu đọc sách hay tờ báo nào đó để tránh những cặp mắt nhìn, những lời chọc ghẹo.
Một hôm, Mẹ nói chuyện với Hải Đường:
– Quán cà phê mình bây giờ ngày mỗi đông khách, việc làm ăn đang thuận lợi. Thôi, con nghỉ học để giúp Ba Mẹ, rồi vài năm nữa lấy chồng, Mẹ đã chọn người cho con rồi.
Hải Đường choáng váng. Mọi thứ đổ sập trước mặt. Không nói được lời nào nhưng nước mắt cô tuôn dài. Mẹ! Mẹ nỡ đối xử với con như vậy sao? Hải Đường thảng thốt, nghẹn ngào.
Đêm đó vào phòng nằm úp mặt trong gối cô chỉ biết thổn thức khóc thầm. Từ bên ngoài, Hải Đường nghe tiếng Ba mẹ cãi nhau. Ba nói:
– Con nó còn nhỏ. Bà hãy để cho nó yên thân mà học hành.
– Nó không còn nhỏ nữa. Mười sáu tuổi rồi. Gia đình người ta giàu sang, có địa vị xã hội – Rồi sau này bầy em nó cũng được nhờ.
Tiếng Ba hét lớn rồi sau đó là tiếng ly tách vỡ. Hải Đường sợ hãi đóng kín cửa phòng ngồi khóc. Ba ơi! chỉ có ba yêu thương con gái thôi.
Hải Đường khóc suốt đêm, không hề chợp mắt. Đầu óc quay cuồng với hình ảnh bạn bè, trường lớp. Cô mất hết rồi sao? Chẳng lẽ niềm vui tuổi hồng đã nhường bước cho nỗi buồn tuổi trẻ, như lời anh viết trong bài “ Ngỡ ngàng” cuối năm học lớp 10 Đặc San Thềm Văn Hè 1973. Nửa khuya, Hải Đường bật dậy lấy tập vở ra viết vội nỗi lòng mình.
Bài viết “Cho mùa Hạ Cuối” cũng được đăng trong cuốn Đặc San năm đó.
Ba mẹ giận nhau cả tuần, hai người không nói với nhau một lời nào. Thỉnh thoảng ba đến bên cô an ủi:
– Con gái đừng lo nghĩ nhiều, Ba không để cho con nghỉ học đâu…
Niềm hy vọng được đến trường nhen nhúm. Trái tim bắt đầu vui trở lại nhưng Hải Đường không còn những ý nghĩ ngây ngô như trước nữa. Sau sự cố đó cô trầm lặng hơn, chỉ nói chuyện với Mẹ khi cần thiết.
Nghỉ hè một tuần không thấy “ Nửa Miệng” xuất hiện nơi cái bàn gần gốc cây bông giấy. Đầu óc Hai Đường phải đối phó với chuyện bị mẹ ép nghỉ học lấy chồng nên cô ít quan tâm đến mọi chuyện chung quanh. Dù vậy Hải Đường cũng cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó ở góc sân nhà. À! Vậy là “Nửa Miệng” về quê nghỉ hè rồi. Hải Đường không biết năm học đến cậu ấy có còn vào nữa hay không? Và hơi thắc mắc, tại sao về quê lại không từ giã cô một lời nào. Tệ vậy sao?
Mỗi đêm ra ngồi quầy, bao cặp mắt nhìn ngắm nhưng cô vẫn thấy thiếu vắng một cái gì đó, nó mơ hồ, trong suốt, Hải Đường không nhận ra là cái gì. Dưới gốc cây hoa giấy đỏ, chiếc ghế ấy luôn có người ngồi nhưng không phải là dáng ngồi quen thuộc cô hay nhìn thấy. Dáng ngồi quay lưng về phía cô.
Giữa tháng tám năm bảy hai. Trong một tối ngồi quầy, Hải Đường vẫn thường cúi đầu để đọc sách. Bất ngờ cậu bé xuất hiện trước mặt, khẽ nói: “Hải Đường này! Quà quê mình ..”. Thoáng giật mình, cô ngước nhìn. Cũng bất ngờ với chính mình, Hải Đường nhoẻn miệng cười với anh.
– Khỏe chứ!
– Ừ, khỏe. Về quê có chi vui không?
– Vui lắm, gặp lại bạn học cũ, bọn nó dẫn đi suốt ngày… mà nhớ quá nên vào.
Hải Đường nhận gói kẹo gương :
– Cám ơn… nhé!
Cậu bé cười nửa miệng:
– Cám ơn… rứa thôi à? Mà thôi. Được trả lời, vui rồi. Cám ơn lại nhé.
Từ đó hai người gần nhau hơn, bắt đầu trò chuyện qua lại dù chỉ vài câu ngắn ngủi trong mỗi đêm cậu bé đến ngồi bên gốc cây bông giấy.
Thỉnh thoảng Hải Đường có cảm giác như ai đang vân vê mấy sợi tóc của mình từ phía sau. Thỉnh thoảng cô lại hay nghiêng mình nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi có nhánh sầu đông đơm hoa tím rung nhẹ trong gió.
Sự gần gũi thân mật của Hải Đường và anh không qua được cặp mắt của người mẹ. Cô không được ngồi quầy mỗi khi anh đến nữa. Bà nghiêm khắc không cho cô quan hệ với bất cứ người con trai nào, ngoại trừ một người. Người cha quyết liệt đấu tranh để cô được đi học trở lại, đó là niềm mơ ước và hy vọng nhất của cô. Bởi nơi đó cô còn có được bạn bè, còn được anh vô tình vuốt những sợi tóc cố tình để quên trên bàn học sau lưng. Bởi cô biết, chỉ cần quay lưng sẽ có nụ cười. Tuyệt tác của Leonardo Da Vinci.
Rồi năm học mới cũng đến, Hải Đường vui hót như chim sơn ca, líu lo với bạn bè. Điều này khác với tính dịu dàng, nhỏ nhẹ, trầm tư của cô học trò mười sáu tuổi khiến cho bạn bè ngạc nhiên. Nhưng tận trong sâu thẳm cô vẫn lo lắng về một ngày phải xa trường, may mắn điều đó bây giờ chưa xảy ra.
Hải Đường và cậu bé không còn học chung một lớp nữa. Dốt Toán nên cô chọn ban C. Còn anh học ban B. Học riêng hai lớp nhưng hằng ngày họ vẫn gặp nhau. Tình cảm chưa bộc lộ rõ ràng với nhau bằng lời nói nhưng mỗi lúc tan hoc mắt lại vội vã tìm mắt, gởi đi thông điệp dại khờ của tuổi học trò. Chàng trai luôn sôi nổi giữa đám đông, còn Hải Đường kín đáo, rụt rè giữa hai người bạn gái.
Sau này gặp lại nhau giữa tiệc cưới con trai Hải Đường, anh nói đùa với hai bạn của cô rằng ngày ấy anh ghét hai người lắm .
Người đàn ông vẫn xuất hiện thường xuyên bên trong quán cà phê. Có thể bất cứ giờ nào trong ngày. Hải Đường ghét con người này, nhất là cái nhìn đắc thắng, thách thức dành cho cô.
Một lần đang ngồi học bài, ông ấy đến sau lưng Hải Đường tự lúc nào, cúi đầu sát mái tóc cô. Nghe hơi thở nóng ran từ phía sau, Hải Đường giật mình quay lại và bắt gặp cái nhìn nóng bỏng trên khuôn mặt của ông ấy. Cô đứng phắt dậy, hét lên: “Anh làm cái trò gì vậy?”. Người mẹ xuất hiện đúng lúc giải cứu cho ông ta: “Giao! giúp cô cái này tí ”- Ông ta vội vã quay đi, còn tôi không còn tâm trí nào để học nữa.
Người đàn ông cứ luẩn quẩn trong nhà như bóng ma, khủng bố tinh thần khiến Hải Đường bắt đầu cảnh giác mỗi khi ông đến. Nhiều lần ông Giao lân la đến trò chuyện, nhưng cô tuyệt đối không nhìn, không trả lời. Cô ghét con người này và đôi lúc tỏ ra thái độ khó chịu, lẫn chút coi thường cho ông ta biết.
Không thuyết phục được Hải Đường, ông ấy càng ngày càng tìm cách thân mật với Ba Mẹ cô hơn. Mặc dù còn nhỏ nhưng cô cũng nhận ra được con người này đang tìm mọi cách để chiếm đoạt được mình. Ba cô càng ngày càng xuôi theo ý Mẹ. Vì ông là con người mềm mỏng, dù không muốn nhưng người mẹ quá cương quyết và cứng rắn nên cũng đành buông xuôi.
Anh vẫn thường đến uống cà phê mỗi đêm. Vẫn ngồi nơi cái bàn cũ dưới giàn hoa giấy và quay lưng lại phía Hải Đường ngồi học. Hiếm hoi lắm hai người mới nói được với nhau vài câu. Nhìn nhau, gửi cho nhau nụ cười.
Thời gian này Hải Đường nghe mọi người nói anh quen một cô nữ sinh tên Kim Anh học sau cô hai lớp. Cô hỏi điều này có đúng không nhưng chỉ nhận ở anh nụ cười.
Nụ cười đáng ghét! Nụ cười đểu, không còn thánh thiện nữa. Hải Đường giận anh.
Sau lần ấy, Hải Đường không nhìn anh, không nói câu nào dù mỗi đêm cô vẫn trông ngóng anh và anh vẫn đến ngồi bên gốc cây bông giấy.
Một buổi tối, vào khoảng tháng mười hai, sau giờ học bài Hải Đường đứng dậy nhìn ra không thấy anh ngồi đó nữa. Trên cửa sổ có bì thư nhỏ tự gấp, cô cầm lên và mở ra xem. Đó là bức thư đầu tiên anh gởi cho cô: “ Xin lỗi chuyện vừa qua. Không có điều gì xảy ra như Hải Đường nghĩ đâu. Chỉ mong rằng nếu Hải Đường là một loài hoa thì ta xin làm Xuân bốn mùa để hoa nở mãi”. Đọc thư, Hải Đường mỉm cười “ Bày đặt! Bốn mùa hoa nở mãi. Không tin!”
Có phải lá thư ngỏ lời của anh dành cho cô? Hải Đường cố suy nghĩ để tìm hiểu về ý nghĩa của lá thư anh viết. Phất phơ quá! Anh không đến quán trong mấy ngày sau đó. Hải Đường ghét, giận, hờn nhưng vẫn đợi chờ mỗi đêm bên cửa sổ nhìn ra. Hằng ngày đi học hai người vẫn gặp nhau nhưng cô cương quyết nén lòng không nhìn mặt anh lần nào, Hải Đường vẫn còn giận anh.
Một ngày, hai ngày, ba ngày rồi đến đêm thứ năm anh đến, vẫn ngồi quay lưng. Hải Đường xếp sách vở lại sớm hơn và đi ra quầy thu ngân, cố tình đi ngang qua chỗ anh ngồi nhưng giả vờ như không thấy. Anh gọi khẽ:
– Ơ!.. này!.
Cô vẫn không quay lại. Lát sau anh đứng dậy và ra quầy tính tiền để về. Hải Đường ngước mắt lên nhìn anh hỏi nhỏ:
– Đúng vậy không?
– Là sao?
– Chuyện hôm trước nói đó.
– Không đúng! Còn lá thư của họ thì sao? Giận dai rứa?
– Đọc rồi. Có gì đâu mà giận. Có giận ai đâu.
Hải Đường trả lời mà như không quan tâm đến câu hỏi.
– Vậy huề nhé. Mai lên trường gặp nghe. Mà nè! Suy nghĩ gì không?
Cô nhăn mặt khó chịu:
– Không thèm suy nghĩ. Có chi đâu bận tâm.
– Thiệt không?
– Sao lại không?
– Không mà sao lại giận? hơ..
Hải Đường nhìn sâu vào mắt anh:
.- Thôi, về đi. Mẹ gần ra rồi.
– A! Hết giận rồi. Nhớ vui nghe.
Anh nở nụ cười của Mona Lisa rồi quay lưng bước đi không thèm chúc cô ngủ ngon. Hải Đường tức lắm.
Trái tim cô gái mười sáu tuổi đang vui, hạnh phúc với tình yêu đầu đời vừa chớm nở. Hải Đường hay cười và nói chuyện nhiều hơn với bạn bè.
Năm học này cô tham gia văn nghệ của trường với nhiều tiết mục nên chuyện ảnh hưởng rất nhiều đến việc học. Có những buổi không đi học nhưng vẫn phải đến trường để tập dợt. Có lý do để thoát ra khỏi nhà, Hải Đường rất sung sướng vì thấy mình được thật sự tự do, được thoát khỏi đôi mắt theo dõi của Mẹ và nhất là tránh được con người mà cô ghét nhất, ông Giao.
Một hôm nghỉ học buổi chiều, đang quét dọn trong nhà thì ông Giao đến gần:
– Hải Đường cho phép anh ngồi nói chuyện chứ?
Cô nhìn thẳng vào mắt ông, mặt nghiêm nghị không cảm xúc:
– Được! Nhưng hình như anh đã nói hết với Ba Mẹ tôi rồi mà?
Ông Giao ngồi xuống ghế đối diện:
– Em ngồi đi. Em mới là người tôi cần nói.
Im lặng lúc lâu như để lấy can đảm, ông nhẹ nhàng từng tiếng:
– Tôi muốn lấy Hải Đường làm vợ. Em có cho tôi cơ hội không?
Cô trả lời ngay không do dự vì cũng đã đoán được câu hỏi của ông ta:
– Tôi chưa hề nghĩ đến chuyện lấy chồng.Tôi còn nhỏ và đang còn đi học. Anh nên suy nghĩ lại và để cho tôi yên lòng học hành.
Ông đứng lên nhìn cô rồi nói:
– Thôi được, anh sẽ chờ. Anh tin rằng một ngày nào đó em sẽ đồng ý.
Nói xong ông bước nhanh ra cửa, nổ máy xe và đi, không chào từ giã mẹ như thường lệ. Ông ấy đi rồi, ngực Hải Đường như khó thở, mặt cô tím tái vì giận con người lì lợm đó. Câu nói của ông ấy nhắc cho cô biết một điều là ông ta sẽ không bỏ cuộc. Ông ta sẽ dùng mọi thủ đoạn để chiếm cho bằng được Hải Đường.
Trời ơi! Cô chỉ là con bé mười sáu tuổi.
Đúng như suy nghĩ của Hải Đường. Hôm sau ông quay lại, không thèm chào hỏi gì cô. Mặc dù rất ghét nhưng điều đó cũng làm cho cô khó chịu. Hải Đường chuẩn bị đối đầu với con người đa mưu này. Đồng minh của ông là người mẹ và anh trai cô.
Người mẹ cũng dịu dàng với cô hơn, không cáu gắt như trước nữa. Tiếng “con” thay vì “mi” như thường dùng. Một tối, sau khi đóng quán, Mẹ vào phòng Hải Đường:
– Mấy hôm nay thấy con đi học cả ngày, Mẹ lo lắm.
Cô trả lời Mẹ:
– Dạ, con đi học rồi tập văn nghệ nữa, Ba biết mà Mẹ.
– Ba không nói cho Mẹ biết nên Mẹ nghĩ là con đi chơi. Thôi được, nhưng mà xong phải lo về nghe con.
– Dạ.
Mẹ cầm tay cô:
– Con nè! Mẹ thấy thằng Giao. nó cũng hiền, nhà nó giàu có, học thức.
Hải Đường im lặng:
– Nó xin mẹ rồi. Ba Mẹ đã đồng ý. Qua năm sau gia đình nó sẽ đến xin hỏi. Ráng nghe lời Mẹ, Mẹ chỉ muốn con được sung sướng. Hơn nữa, nó đã mua nhà riêng cho con ở Sài Gòn, sau này các em con cũng có chỗ để tá túc học hành.
Nước mắt Hải Đường lại chảy dài. Không! Cô không thể lấy ông ta. Cô ghét ông ta. Hải Đường sẽ đấu tranh đến cùng. Nhưng mà ai sẽ bảo vệ, giúp đỡ cô đây? Ba ư? Người đã bao lần bất lực nhìn cô khóc thầm thì làm sao có thể giúp được chứ?
Còn anh, anh chỉ là một cậu bé.
Người mẹ không nói gì nữa và đi ra cửa. Lời của bà như đóng đinh vào trái tim cô. Khóc suốt đêm, sáng hôm sau Hải Đường quyết định nghỉ buổi tập văn nghệ vì không thể nào nhấc người ra khỏi phòng được. Trưa cô ăn vội qua loa rồi ôm cặp đi học. Người cha nhìn theo. Cô nghe tiếng thở dài.
Chiều hôm đó đến trường Hải Đường trao vội vàng cho anh tập Tuổi Ngọc. Bên trong cuốn sách có mảnh giấy cô gởi anh: “Tối lên quán sớm nha. Đang có chuyện buồn.”
Anh đến sớm như cô dặn, bước thẳng vào quán, đến cửa sổ đặt lá thư xuống trên thành cửa sổ. Cô đang ngồi học bài, mỉm cười rồi len lén với lấy bức thư. Anh không quay lưng lại như thường lệ mà ngồi nhìn cô mở bức thư ra đọc: “Có chi buồn rứa? Họ chưa ăn chi hết, sốt ruột lắm” Hải Đường lấy phấn viết mấy chữ vào tấm bảng nhỏ đưa lên cho anh nhìn thấy: “ Mẹ bắt lấy chồng, buồn lắm”. Anh đến quầy xin vỏ gói thuốc, tháo tờ giấy bạc bên trong, hý hoáy viết rồi vo lại ném qua cửa sổ cho cô “Viết kể rõ mai gởi đọc nghe. Nhớ đừng buồn!”.
Anh xoay người, quay lưng lại, quán bây giờ đông khách nên cô không bút đàm với anh được nữa. Hải Đường ngạc nhiên khi thấy anh phả khói thuốc lá về phía trước mặt, điều mà cô chưa gặp bao giờ.
Ba mươi bốn năm, sau anh nói với Hải Đường đó là điếu thuốc đầu tiên trong đời anh hút.
.
Bốn ngày nữa là Tết. Năm nào cũng vậy, Tết ở đây rất buồn. Không như ngày còn bé gia đình ở Huế, những ngày sắp Tết đám trẻ như luôn cảm thấy niềm vui rạo rực, niềm hạnh phúc vô biên; không khí trong gia đình lúc nào cũng rộn ràng ấm cúng.
Tối hai bảy Tết anh đến quán, không ngại ngùng, sợ sệt bước thẳng vào nhà.. Hải Đường đang ngồi nói chuyện với Ba Mẹ, ánh mắt cô ngạc nhiên lẫn chút lo lắng. Anh gật đầu chào Ba Mẹ cô:
– Cháu chào hai bác.
Anh xoay về hướng cô chìa tấm thiệp chúc tết và nói:
– Gởi Hải Đường tấm thiệp chúc Tết.
Cô lí nhí:
– Cám ơn…
Hải Đường cũng có tấm thiệp chúc Tết định chờ anh lên để gởi tặng. Nhưng trong tình thế như vậy cô không thể vào lấy đem ra dưới con mắt giám sát của Mẹ, nên chỉ biết nhìn anh như một lời tạ tội mà thôi. Anh không nán lại để uống cà phê như mọi hôm mà đi về ngay.
Tối vào phòng ngủ Hải Đường mới mở tấm thiệp của anh ra. Cũng một tấm thiệp có đóa hồng nhung đỏ thắm rất đẹp, lớn hơn tấm thiệp năm ngoái. Bên trong kẹp hai mảnh giấy hồng và trắng. Bốn câu thơ ghi trên mẫu giấy trắng và lời chúc tết ghi ở giấy hồng:
Yêu em tôi hái trăng mơ
Lấy mây chắp nối làm thơ cho tình
Lấy sao làm chiếc độc bình
Cắm hoa hàm tiếu cho mình gần nhau.
Lá thư được đặt ở trong tấm thiệp, khi đó Hải Đường vẫn chưa nhìn thấy cho đến lúc đặt lại tấm thiệp vào lại bì. Anh viết: “Sớm mai họ về. Nhớ lắm, sẽ cố gắng vô sớm. Hãy đợi nhé!”
Ông Giao không về quê ăn Tết như Hải Đường mong đợi . Quanh quẩn suốt thời gian trước và những ngày Tết trong nhà cô. Trừ những lúc phải vào đơn vị ứng trực, còn không lúc nào vắng mặt khiến Hải Đường vô cùng khó chịu .Vì ngày Tết nên không thể tỏ thái độ khó chịu ra mặt được.
Hải Đường thường so sánh giữa anh và ông Giao, một trẻ con và một người lớn. Ông Giao có dáng người thấp đậm, dáng đi cứng cáp, cách nói mạnh mẽ, dứt khoát, môi luôn mím lại khi sắp diễn đạt một điều gì. Mẫu người như ông xứng đáng đại diện cho giới quân đội. Một sĩ quan nghiêm khắc, chững chạc. Anh, một thư sinh luôn có một nụ cười mỉm trên môi. Khi cười anh diễn đạt tình cảm bằng cả khuôn mặt. Từ mắt, môi cho đến hai gò má, hai cái lúm đồng tiền làm anh tươi hơn, trông như một đứa trẻ. Một cậu bé có tâm hồn của người lớn. Một tâm hồn lãng mạn mà anh đã biểu lộ qua cái nhìn, cách nói chuyện với bạn bè, cách đi đứng và cả những lúc đăm chiêu.
Người Hải Đường không yêu thương muốn cưỡng đoạt làm vợ bằng mọi cách. Người cô mong đợi lại không dám nói lời yêu thương.
Tết rồi cũng qua, Hải Đường trở lại với trường lớp. Không được vui như trước nữa nhưng ngày đầu năm cô cố gắng hòa đồng với bạn bè, hỏi thăm mọi người ăn Tết có vui không? Điều cô mong đợi bây giờ là được trông thấy anh nhưng bóng dáng anh vẫn không thấy đâu? Hải Đường hay lo sợ vẩn vơ vì không biết anh trở về bằng phương tiện gì, có đi đến nơi về đến chốn hay có điều gì xảy ra với anh . Lòng cô như lửa đốt. Sân trường vắng vẻ hơn. Mọi cảnh vật chung quanh như bất động.
Rồi ngày vui cũng đến. Anh trở vào sau Tết một tuần, trông bơ phờ, hốc hác. Tối đó anh đến quán muộn hơn thường ngày. Lúng túng tìm chỗ ngồi vì cái bàn quen thuộc đã có người khác chiếm hữu mất rồi. Người đàn ông này không quay lưng lại như anh.
Hai cái ghế kéo lại chỗ góc sân gần lối ra vào, một cái làm bàn, anh ngồi dựa vào tường nhìn Hải Đường đang học bài. Cô đã nhìn thấy anh vào nhưng cố tình làm ngơ, vẫn cúi đầu nhưng trái tim đập liên hồi.
Anh đốt thuốc. Giả như không thấy nhưng Hải Đường biết anh đang chăm chú nhìn . Không chịu nổi cái nhìn của anh, lát sau cô quay lại mỉm cười. Anh cười đáp lại và nháy mắt chỉ người đàn ông đang ngồi nơi chiếc bàn dưới giàn bông giấy. Hải Đường lắc đầu. (sau này người mà anh muốn hỏi là ai. Đó chính là anh Thịnh, sẽ nói rõ hơn ở phần sau).
Hải Đường xếp sách vở, đứng dậy, tay cầm cuốn sách kẹp lá thư gởi anh lúc đi ra quầy, cô viết: “Họ chờ, đi lâu dữ rứa!” Lát sau anh bước đến quầy, nhẹ nhàng đẩy mảnh giấy viết vội : “Không còn giận nữa chứ?”. Hải Đường không trả lời mà chỉ lắc đầu khi anh quay về ngồi lại chỗ cũ. Suốt buổi tối đó cả hai chỉ biết mỉm cười với nhau. Ánh mắt họ đã nói với nhau những lời thương nhớ.
Sau Tết nửa tháng ông Giao về thăm nhà. Ngày trở lại ông tặng Hải Đường đủ thứ quà. Từ sách vở, bút viết đến chiếc kẹp tóc… Cô không thể không nhận nhưng chưa một lần đụng đến chúng. Thái độ bất cần của cô, Mẹ và ông Giao đều nhận ra nhưng không nói gì.. Hải Đường càng tỏ ra lạnh nhạt, ông Giao càng đeo đuổi quyết liệt hơn, càng cố lấy cảm tình với mẹ nhiều hơn. Điều đó làm cho cô khó chịu và cảm thấy áp lực vô cùng nặng nề.
Một buổi tối thứ bảy Hải Đường không phải học bài, cô xuống phụ mẹ pha cà phê cho khách. Anh đến quán sớm hơn cùng với hai người bạn. Nhìn ra cửa, cô mỉm cười, anh cũng vẫy tay, cười với cô và nói gì đó với hai người bạn. Cặm cụi làm việc nhưng trong lòng rất vui vì được nhìn thấy anh nên không để ý đến Mẹ đã bước ra quán. Sau đó anh theo Mẹ vào trong nhà, ngồi xuống hai chiếc ghế đối diện. Linh tính có điều gì không hay đang xảy ra, Hải Đường đứng gần cửa lên xuống lắng nghe mẹ nói gì với anh. Mẹ nói rất nhỏ, cố gắng lắm cũng chỉ nghe được vài từ.. Cô biết anh không cần nghe, không muốn nghe gì hết vì những điều bà nói anh biết trước rồi. Bà nói rất nhiều. Khoảng mười phút sau cô nghe anh xin phép để ra ngoài với bạn. Bước chân anh nặng nề đi qua khoảng sân trống, đầu anh cúi xuống và chắc là anh đang giận. Hải Đường nghĩ vậy.
Hai ngày sau đi học lại Hải Đường không nhìn thấy ánh mắt và nụ cười của anh. Nhìn dáng anh đi buồn bã, trong lòng cô xót xa lắm nhưng không thể nào đến hỏi chuyện gì đã xảy ra giữa mẹ và anh.
Đó là thời gian bước vào kỳ thi học kỳ 2 năm lớp 10. Hải Đường không còn tâm trí đâu ôn bài vở để thi. Không gặp nhau suốt tuần, cô nhớ và thương anh lắm nhưng không có cách nào liên lạc được với anh. Mười ngày sau anh đến quán, ngồi hút thuốc liên tục và không hề nhìn cô lần nào. Lúc học xong, Hải Đường bước ra quầy, anh đến tính tiền, trao vội cho cô mảnh giấy. Anh viết: ” Phải quay về nhà thôi. Mình gặp nhau một lần nhé Được không?”
Trời ơi! Tình yêu của Hải Đường chỉ có vậy thôi sao? Cô buồn, nước mắt chảy dài suốt đêm. Hải Đường thương cho tình yêu vừa chín, thương anh vô cùng. Anh đến với cô bằng con người khác không giống như cái bề ngoài của mình,sôi nổi và nghịch ngợm. Anh đến bên cô bằng trái tim nồng cháy, tâm hồn lãng mạn nhưng với nụ cười buồn.
Được không?! Một câu hỏi khiến tim cô tan nát. Một cuộc gặp chẳng để làm gì. Chẳng cứu vãn được gì nhưng là cần thiết. Thật ra điều này là không dễ đối với Hải Đường trong lúc này. Được không? Một câu hỏi xé nát tim cô.
Hải Đường biết anh đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để được có tình yêu này. Anh đã từ chối lời gọi về của gia đình mà ở lại đây cho đến lúc này cũng vì cô.
Được không?
Một ý nghĩ táo bạo và bất ngờ trong cô. Trốn học và một ngày với riêng anh.
Hôm sau đến trường Hải Đường trao vội mảnh giấy cho anh lúc giờ ra chơi trên hành lang của lớp: “Hải Đường cần nói chuyện với anh. Mai mình gặp nhau buổi sáng nhé.”
Hôm sau cả hai vẫn đi học bình thường dù không có giờ học buổi sáng. Hải Đường nói dối với Mẹ trưa ở lại để chiều tiếp tục thi học kỳ.
Đây là lần đầu tiên Hải Đường liều lĩnh bước chân ra khỏi nhà mà Ba Mẹ không biết cô đi đâu. Con bé mười sáu tuổi như cô dám làm một chuyện động trời như vậy. Trốn học một ngày để đi theo tiếng gọi của tình yêu. Với người lớn ngày đó quả là một chuyện không thể chấp nhận được.
Hai người đi bên nhau như bạn bè. Bước chân đưa đẩy họ về phía biển lúc này vắng hoe, nắng lên chói chang. Anh cầm tay cô dẫn đến bên gốc dừa sát biển và ngồi xuống.
Hơn mười ngày rồi họ chưa được nói với nhau một lời nào, đến lúc đã ngồi bên nhau rất lâu rồi vẫn còn ngại ngùng. Cả hai quên hết những lo lắng, tim vẫn đập nhưng nhịp đập bây giờ có lẽ khác hơn, vội vã, rộn ràng, không thứ tự, nhịp sau như chồng lên nhịp trước. Anh nhẹ nhàng cầm tay Hải Đường. Bàn tay cô run run:
– Mình liều quá anh! Lỡ ai bắt gặp thì chỉ có chết.
Anh nắm chặt hơn:
– Ừ, liều thật nhưng anh không sợ. Chỉ lo cho em thôi. Chuyện mình buồn quá.
– Anh định quay về thật sao?
– Có lẽ vậy, anh xin lỗi đã làm cho em buồn. Đã hứa với Mẹ rồi, sẽ không đến tìm nữa. Nhưng đêm khuya không ngủ được, không học hành được chi hết.
– Vậy còn chuyện mình…?
Anh thở dài, im lặng khá lâu rồi thầm thì:
-Đây chỉ là nơi anh đến trọ, đến thì có ngày phải đi. Anh ghét vùng đất này nhưng chân lỡ vướng sợi tóc em rồi. Lẽ ra anh đã trở về từ năm học vừa qua nhưng em đã giữ anh lại..
– Anh gỡ sợi tóc ra rồi hay sao mà lại muốn về?
– Không! là mẹ em đã buộc anh gỡ nó ra.
– …
– Thi học kỳ xong anh sẽ quay về với gia đình, trường cũ. Đành phải vậy.
Hải Đường hỏi anh:
– Mẹ đã nói gì với anh hôm đó?
Anh hơi nhăn mặt, chậm rãi từng tiếng một:
– Mẹ nói nhiều lắm. Nói rằng nếu anh thương em thì hãy rời xa để cho em hạnh phúc, tương lai em tươi sáng hơn. Mẹ nói: “Cháu còn nhỏ lắm. Hải Đường thì đã đến tuổi lấy chồng được rồi. Cháu chỉ là cậu học trò mười sáu, mười bảy tuổi làm sao có thể…”
– …
– Mẹ em nói đúng. Anh chỉ là thằng trẻ con. Mẹ còn nói em đã đồng ý lấy ông Giao nhưng chưa tiện cho anh biết thôi. Đúng vậy không?
Hải Đường ngước mắt nhìn anh:
– Không đúng! Em không nói điều đó và cũng không bao giờ có ý định đó. Em ghét ông ấy. Em đang tìm cách trì hoãn để rồi trả lời không đồng ý. Nhất định em sẽ làm được.
– Không làm được đâu. Em không đủ sức. Mình còn nhỏ, không lường trước điều gì sẽ xảy ra. Anh chưa đủ lớn để bảo vệ được em. Hơn nữa anh ở xa lắm, đang sống nhờ Bà cô nơi đây thì làm sao cùng em chống chọi lại được. Ông ấy dù sao cũng là một sĩ quan, một người học thức. Ông ấy có mọi thứ, còn anh chỉ là thằng trẻ con..
– Em sẽ tìm cách trì hoãn đám hỏi cho đến khi thi xong tú tài rồi đi tìm việc làm đâu đó…
Anh ném nắm cát ra xa, quay lại nhìn xoáy vào mắt Hải Đường. Đôi mắt anh lộ vẻ giận dữ, tuyệt vọng:
– Em có biết Mẹ nói gì với anh không?
Hải Đường thoáng sững sờ trước cơn giận dữ bất ngờ của anh:
– Mẹ đã nói gì?
Anh lắc đầu không trả lời câu hỏi của tôi.
Mãi mãi cho đến tận bây giờ, khi hai người đã gặp lại nhau, hoặc khi gọi điện thoại thăm nhau, Hải Đường có hỏi lại anh điều bí mật ấy anh cũng chỉ lắc đầu, không nói ra. Điều bí mật của câu nói vẫn chìm sâu trong tâm hồn anh.
– Anh muốn mình xa nhau phải không?
– Không muốn! Không bao giờ anh muốn điều ấy. Anh có thể ở đây đợi em một hai năm nữa. Nhưng không thể được. Không bao giờ được. Em không hiểu.
– Vậy sao anh lại có ý định quay về?
Anh lay nhẹ vai cô:
– Anh không muốn về nhưng phải làm vậy.Anh chưa phải là người lớn như họ nhưng có lòng tự trọng và không muốn em đau khổ vì anh.
Hải Đường không gặng hỏi anh nữa. Cô kể cho anh nghe mọi chuyện xảy ra, cho anh biết cô phải chịu đựng và chống chọi lại như thế nào. Anh im lặng lắng nghe cho đến khi Hải Đường dừng lại.
Rồi bất ngờ anh đưa hai tay ôm đầu cô, xoay lại:
– Cách đây mấy hôm anh đến quán sớm và đã nhìn thấy em nhận gói quà của một ông sĩ quan, phải không? Ông ấy đã đến chiếm chiếc ghế của anh dưới cây bông giấy.
Anh hỏi thật đột ngột khiến Hải Đường bối rối. Cô đã cố tình giấu anh chuyện này nên trả lời:
– Ông Thịnh nhờ em giữ bức tranh, chỉ có vậy thôi. Em chưa mở nó ra.
Anh nhìn thẳng vào mắt cô:
– Tại sao em nhận? Bức tranh vẽ gì, em biết không?
Hải Đường hơi run vì câu hỏi tiếp theo của anh:
– Họ gởi thì mình nhận… có sao đâu anh?
Anh rút tay về ngồi bó gối, nét mặt nhìn xa xăm:
– Anh hỏi em lần nữa. Bức tranh ấy vẽ cái gì? Có phải một cô thiếu nữ xinh đẹp ngồi dưới ánh đèn màu không?
Hải Đường giật mình. Làm sao anh có thể biết rõ đến như vây. Cô nói:
-Nhưng sao anh lại nghĩ đó là chân dung của em?
Anh không trả lời câu hỏi này của cô. Lúc đó Hải Đường hơi hoảng vì sao anh có thể biết bức tranh ấy của ông trung uý Thịnh vẽ nàng thiếu nữ ngồi bên ánh đèn là cô. Đó là sự thật. Hải Đường đã nhận bức tranh ấy vì thấy nó đẹp và có hồn. Hơn nữa, nhân vật trong bức tranh là mình.
Hải Đường mong được hạnh phúc bên anh hôm đó. Mong được anh vỗ về, an ủi. Nhưng không phải như vậy. Hai người tranh cãi nhau rất nhiều.
Anh giận dữ đứng dậy và cô cũng vậy. Sau này mỗi lần nghĩ lại Hải Đường thấy hối hận nhưng lại bật cười chua chát rằng sao hồi đó cả hai quá trẻ con đến dại khờ như vậy. Ngu ngơ đến mức đánh mất cả mối tình đầu của mình.
Cả hai không ai nhường nhịn ai. Không ai chịu lên tiếng xin lỗi. Đến gần trường anh buồn bã nhìn cô bước qua cánh cổng sắt, còn anh vào quán nước bên kia đường.
Tan học, Hải Đường vội vã bước ra khỏi cổng trường dáo dác tìm anh. Tần ngần ngay giữa đám bạn khiến mọi người ngạc nhiên về thái độ của cô. Nhìn khắp chung quanh vẫn không thấy bóng dáng anh đâu.
Bỗng từ phía dưới ngược lên, chiếc xe jeep quân đội chở một ông sĩ quan trờ tới bên cạnh. Hải Đường hốt hoảng tránh dạt vào lề đường. Người ngồi trên xe là một ông khách đeo đuổi cô bấy lâu, ông ta làm việc ở quân trường Pháo binh. Hải Đường đã nhiều lần tỏ thái độ lạnh nhạt, khó chịu nhưng ông ấy vẫn cố tình như không nhận biết.
.Bước xuống xe đứng cạnh Hải Đường ông ta lên tiếng:
– Hải Đường ! Mời em lên xe tôi đưa về.
Hải Đường không trả lời. Miệng cô mim chặt. Cơn giận dữ xen lẫn lo lắng khiến Hải Đường không thể bình tĩnh được nữa:
– Tôi không về. Ông đi đi.
Hải Đường vội vã băng qua đường dưới ánh mắt ngạc nhiên của mọi người. Đoạn đường về nhà sao mà dài lê thê. Tâm trạng cô thật nặng nề nhìn xuống lòng đường. Con đường nhựa cứ lướt qua, lướt qua đắng sau xe, mang theo nỗi buồn, nỗi bực dọc trải dài .
Tối đó anh lên quán rất muộn. Không ngồi ở cái bàn quen thuộc nữa mà chọn một bàn khác, sát bên đường luồng vào nhà. Hải Đường đã ra ngồi quầy, anh xoay mặt về hướng cô, hút thuốc liên tục. Khuôn mặt anh bất động, lạnh băng, vô hồn. Linh tính như có điều gì không hay đang xảy ra. Một linh cảm như sẽ mất anh mãi mãi bùng lên trong cô. Nước mắt Hải Đường chảy dài xuống má. Cô không còn sợ sệt gì nữa. Ném cái nhìn giận dữ vào ông Giao đang ngồi bên chiếc bàn giữa phòng khách, vội vào nhà tìm tấm hình vừa mới chụp cách đây hai tháng, gói cẩn thận và đi đến bên anh, nhẹ nhàng đặt trên bàn:
– Anh sao vậy? Không thể nhìn anh như thế được. Anh về nghỉ, sáng mai đi học mình gặp nhau nghe.
Anh vẫn không ngước nhìn. Đầu gục xuống, khuôn mặt vẫn lạnh băng.
– Anh nhớ cất cẩn thận tấm hình của em.
Khi không còn người khách nào nữa anh mới đứng dậy bước ra khỏi quán sau khi nhét tấm hình cô đặt trước mặt vào túi áo.
Đêm sau và đêm sau nữa cũng vậy, anh đến uống cà phê và hút thuốc liên tục. Không mỉm cười với cô. Khuôn mặt như tượng đá.
Lần cuối cùng Hải Đường nhìn thấy anh ở quán lúc đó đêm đã khuya lắm rồi. Ông Giao vẫn còn ngồi nơi chiếc ghế trong phòng khách. Anh nặng nề đứng dậy ra về, không nhìn cô. Dáng anh liêu xiêu bước ra khỏi cửa, đưa hai tay lên vuốt mặt. Hình như anh đang nén lại những giọt nước mắt. Bóng anh khuất hẳn về phía trái.
Anh vĩnh viễn không bước vào quán cà phê Hải Đường một lần nào nữa.
Ba đêm liền anh đến ngồi bên chiếc bàn xa lạ, hút thuốc liên tục và không đến quầy trả tiền như mọi lần.
Đã thi xong học kỳ 2, xem như đã xong một năm học, nhưng Hải Đường cũng phải đến trường bình thường như mọi ngày. Cô vào lớp nhưng tâm trí để nơi anh đang ngồi cách lớp học của cô hai phòng. Có lẽ anh cũng đang gục đầu trên bàn. cô nghĩ vậy. Hải Đường hình dung nụ cười của anh, đôi mắt hay nhìn nghiêng đáng ghét. Cô nhớ dáng anh ngồi trước ly cà phê, hút thuốc liên tục. Nhớ dáng anh bước ra khỏi quán đêm trước, nặng nề cúi đầu, hai tay ôm mặt.
Bỗng nhiên Hải Đường hoảng sợ rồi bật khóc, úp mặt xuống bàn học.
Có tiếng bước chân vội vã bên ngoài hành lang. Nhanh dần, nhanh dần về phía phòng học của Hải Đường. Như một linh tính bất an, cô ngước mặt lên nhìn ra ngoài, nơi tiếng bước chân đến gần.
Anh hiện ra, lướt đi bên ngoài khung cửa. Anh bước nhanh nhưng cũng cố quay đầu nhìn vào. Hải Đường chạm đôi mắt anh trong mắt mình. Nét mặt anh buồn lắm. Khi anh lướt qua khỏi phòng học, cô hốt hoảng đứng dậy, bước ra ngoài hành lang nhìn theo anh. Anh đến cuối hành lang, xuống cầu thang. Cô chồm người qua lan can nhìn xuống sân trường.
Bóng anh mờ mờ dưới tán cây phượng rủ lá. Màu hoa phượng choàng lên người anh một màu đỏ rực. Anh mất dần, mất dần dưới sân trường rồi tan biến sau hai cánh cổng sắt.
Lần cuối cùng Hải Đường nhìn thấy anh. Cô mất anh từ đó!
Anh ra đi sau ba đêm liên tục đến ngồi trên chiếc bàn xa lạ sát đường luồng vào nhà trong.
Uống ba ly cà phê và hút không biết bao nhiêu điếu thuốc.
Anh nợ Hải Đường ba ly cà phê. Còn cô nợ anh nửa cuộc đời mình.
Một ngày, hai ngày, rồi ba ngày không thấy anh đi học. Không còn thấy bóng anh ngồi dưới giàn hoa giấy đỏ. Không tìm thấy ánh mắt và nụ cười của anh khiến Hải Đường hoang mang. Về nhà, không nói với ai một câu nào. Mẹ có hỏi gì cô cũng im lặng.
Hải Đường nuốt nỗi buồn vào trong để đến trường, không để lộ ra cho bạn bè biết chuyện gì xảy ra. Lúc nào cũng như muốn khóc, có lẽ mọi người nghĩ cô buồn chuyện Ba Mẹ bắt lấy chồng nên cũng không hỏi điều gì, chỉ nhìn nhau ái ngại.
Một tuần sau đó Hải Đường mới tin chắc rằng anh đã bỏ đi. Không một lời từ biệt. Anh không hề nói đã hờn giận hay oán trách cô. Hải Đường không biết gì hết ngoài hình ảnh anh bước vội trên hành lang buổi chiều hôm trước. Tiếng bước chân và ánh mắt buồn rười rượi của anh cứ ám ảnh cô suốt nhiều năm sau này.
Anh đã dứt khoát ra đi. Có lẽ anh đau khổ nhiều lắm khi bỏ lại đây một mối tình thơ dại. Hải Đường nghĩ vậy.
Nhưng còn một lý do khác khiến cô suy nghĩ. Không hiểu vì sao ra đi mà anh không từ giã lời nào với cô. Đi đâu về đâu cô không thể biết được. Hải Đường lại có ý nghĩ giận anh, hay anh về thành phố của mình với một người con gái nào khác. Cô nhớ thương anh lẫn lộn với một chút giận hờn, ghen tương khiến tim cô như thắt lại. Phải chi trước lúc ra đi anh cho Hải Đường một lời giải thích, hoặc một câu từ giã có lẽ đời cô sau này cũng đỡ ray rứt hơn.
Đúng vậy! Hải Đường đã ray rứt suốt cuộc đời còn lại của mình. Sau này có gia đình rồi cũng vậy. Cô đã cố gắng quên đi, giấu đôi mắt u buồn của anh lúc ấy vào tận sâu trong trái tim mình để làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ trong gia đình. Hải Đường đã làm được điều ấy một cách thật khó khăn.
Nhiều đêm, Hải Đường ôm hai tấm thiệp chúc tết và những lá thư anh gởi vào lòng để ngủ. Cuốn Đặc San hè 1973 có hai bài viết của họ. Nếu tinh tế, sâu sắc hơn, mọi người sẽ nhận ra nhiều điều giống nhau ở hai bài này. Cái buồn man mác, cái hụt hẫng của người con gái khi sắp chia xa người mình yêu thương để lấy chồng, cô đã gởi gắm vào trong bài viết ấy. Hải Đường và anh đã chia sẻ buồn vui trong tháng ngày qua, hòa tan trong những câu văn mình viết.
Thật ra hai bài văn ấy là đứa con tinh thần, cùng tác giả là của hai người. Anh học toán nhưng lại viết văn rất hay, lôi cuốn người đọc. Còn Hải Đường tuy học văn nhưng bài của mình luôn cần đến góp ý, chia sẻ của anh.
Cuốn đặc san này Hải Đường vẫn còn giữ cho đến hôm nay cùng với những lá thư và hai tấm thiệp chúc Tết như một kỷ vật quý giá đời mình.
NGUYỄN THỊ NGỌC LAN