GIẾT CON CHIM NHẠI…

nguyenphuoctieudi

images (11)

images (12)

Harper Lee, nhà văn vĩ đại của văn học Mỹ thế kỷ 20 với tiểu thuyết “Giết con chim nhại” lừng danh, qua đời hôm 19/2 tại quê nhà Monroeville, Alabama (Mỹ), hưởng thọ 89 tuổi.
Harper Lee sinh ngày 28/4/1926. Bà là con út trong gia đình có 4 người con và ở Monroeville. Cả cuộc đời bà sống ẩn dật. Sau khi bị đột quỵ vào năm 2007, Lee chuyển về sống hẳn ở quê nhà. Dù rất nhiều nhà báo tiếp cận và thuyết phục, bà rất ít khi trả lời báo chí.
Bố mẹ bà là luật sư Amasa Lee và Frances Lee, giống như nhân vật Atticus Finch trong 2 tiểu thuyết Giết con chim nhại (To Kill a Mockingbird) và Go Set a Watchman. Đây cũng là 2 tác phẩm được xuất bản của Harper Lee khi bà còn sống.
“Giết con chim nhại”, cuốn sách đầu tay và cũng là quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Lee, được coi là tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ hiện đại. Sách được viết ấm áp và hài hước dù lấy đề tài nạn cưỡng dâm và phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ.

…Dill chia tay chúng tôi vào đầu tháng Chín, để trở về Meridian. Chúng tôi tiễn nó lên chuyến xe buýt năm giờ và tôi đau khổ vì vắng nó cho đến khi nhớ ra còn một tuần nữa là phải đi học. Tôi không bao giờ mong chờ bất cứ điều gì hơn việc ấy trong đời. Nhiều giờ trong mùa đông tôi ở trong ngôi nhà nhỏ trên cây, nhìn qua sân trường, theo dõi bọn trẻ bằng ống nhòm phóng đại hai lần mà Jem cho tôi, say mê những trò chơi của chúng, dõi theo chiếc áo khoác đỏ của Jem qua những nhóm bạn  chơi trò bịt mắt bắt dê, bí mật chia sẻ những vận rủi và những chiến thắng nho nhỏ của tụi nó. Tôi thèm được nhập bọn với chúng.
Jem hạ cố dẫn tôi đến trường ngày đầu tiên, một công việc mà bố mẹ phải làm, nhưng bố Atticus nói Jem sẽ thích chỉ cho tôi biết phòng học của tôi chỗ nào. Tôi nghĩ hẳn anh được một số tiền trong việc này, vì khi chúng tôi chạy qua góc phố, ngang  ngôi nhà Radley tôi nghe tiếng rủng rẻng khác thường trong túi của Jem. Khi gần đến trường chúng tôi đi chậm lại , Jem nghiêm trọng giải thích rằng trong những giờ ở trường tôi không được làm phiền anh ấy, tôi không được lại gần anh ấy để yêu cầu diễn một đoạn trong Tazan and the Ant Men, làm anh mất mặt qua việc nhắc tới cuộc sống riêng tư của anh ấy, không được lẽo đẽo theo sau anh vào giờ giải lao  buổi trưa. Tôi phải chơi với bọn lớp một của tôi còn anh ấy chơi với bọn lớp năm. Tóm lại, tôi phải để anh yên.
“Ý anh là tụi mình không chơi chung nữa hả?” Tôi hỏi.
“Ở nhà mình vẫn chơi chung,” anh nói, “nhưng em biết đó, trường học thì khác.”
Chắc chắn như vậy rồi. Trước khi buổi sáng đầu tiên trôi qua, cô Caroline Fisher, cô giáo của chúng tôi, lôi tôi lên trước lớp và khẻ tay tôi bằng cây thước, rồi bắt tôi đứng ở góc phòng đến khi tan học.
Cô Caroline chưa quá hai mươi mốt tuổi. Cô có mái tóc màu nâu sáng, má hồng, và sơn móng tay màu đỏ thẫm. Cô cũng mang giày cao gót và mặc váy sọc trắng đỏ. Cô trông giống và có mùi của một giọt bạc hà. Cô ở trọ bên kia đường cách nhà chúng tôi một căn, trong phòng trên lầu của cô Maudie Atkinson, và khi cô Maudie giới thiệu tôi với cô, Jem bối rối trong nhiều ngày.
Cô Caroline viết tên cô bằng chữ in trên bảng và nói, “Câu này nghĩa là: Tôi là cô Caroline Fisher. Tôi quê ở Bắc Alabama, hạt Winston.” Cả lớp lầm bầm đầy lo lắng, liệu cô có chứng tỏ mình mang những nét kỳ dị đặc trưng của vùng đó không đây. (Khi Alabama ly khai khỏi liên bang ngày 11 tháng Giêng năm 1861, hạt Winston đã ly khai khỏi Alabama, và mọi đứa trẻ ở hạt Maycomb đều biết vụ này.) Bắc Alabama vẫn đầy những tập đoàn kinh doanh rượu, những tay Big Mule, các công ty thép, các đảng viên Cộng hòa, giáo sư, và những người khác không rõ lai lịch.
Cô Caroline bắt đầu ngày học bằng việc đọc cho chúng tôi nghe một câu chuyện về những chú mèo. Lũ mèo có những cuộc chuyện trò không dứt với nhau, chúng mặc quần áo nhỏ trông hấp dẫn và sống trong ngôi nhà ấm áp bên dưới một cái bếp lò. Vào lúc bà Mèo gọi điện đến cửa hàng dược phẩm đặt mua món chuột ướp mạch nha sôcôla cả lớp ngó ngoáy giống như một thùng đựng sâu nho. Cô Caroline có vẻ không biết rằng bọn lớp một mặc váy bằng bao bột mì và áo sơ mi bằng vải bông sờn rách này, hầu hết đều chặt cây bông và cho heo ăn từ lúc mới biết đi, đã miễn nhiễm với thứ văn chương tưởng tượng. Cô Caroline kết thúc câu chuyện và hỏi, “Thế nào, chuyện hay không?”
Sau đó cô lên bảng và viết bảng chữ cái bằng những chữ in vuông thật lớn, quay xuống lớp và hỏi, “Có ai biết những chữ này không?”
Mọi đứa đều biết rằng không một đứa lớp Một nào đọc được- trừ tôi,
Tôi cho rằng cô chọn tôi vì cô biết tên tôi; khi tôi đọc bảng chữ cái, một nét nhăn mơ hồ xuất hiện giữa cặp chân mày cô và sau khi tôi đọc lớn hầu hết cuốn My First Reader và những bảng báo giá thị trường chứng khoán trên tờ The Mobile Register, cô phát hiện ra rằng tôi đã biết chữ và nhìn tôi với vẻ không hài lòng hơn nữa. Cô Caroline bảo tôi nói với bố tôi đừng dạy tôi nữa, nó sẽ gây trở ngại cho việc học của tôi.
“Dạy em?” Tôi nói với vẻ ngạc nhiên, “Bố em chẳng dạy em gì cả, cô Caroline. Bố Atticus không có thời gian dạy em bất cứ thứ gi,” tôi nói thêm, khi đó cô Caroline mỉm cười lắc đầu. “Ồ, buổi tối bố em rất mệt và chỉ ngồi ở phòng khách đọc sách báo thôi.”
“Nếu ông ấy không dạy em thì ai dạy?” Cô Caroline hỏi có vẻ ân cần. “Ai đó đã dạy em. Em đâu có bẩm sinh là đọc được tờ The Mobile Register.”
“Jem nói em đọc được. Anh ấy đọc trong một cuốn sách trong đó em mang họ Bullfinch thay vì Finch . Jem nói tên em thật ra là Jean Louise Bullfinch, rằng em bị tráo lúc mới sinh và em thực tình là một….”
Rõ ràng cô Caroline đang nghĩ tôi nói láo. “Đừng để những tưởng tượng chi phối chúng ta, em yêu,” cô nói. “Bây giờ hãy về nói với bố em đừng dạy em nữa. Tốt nhất là bắt đầu tập đọc với đầu óc mới mẻ. Em hãy nói với bố từ bây giờ cô sẽ lo việc này và cố cứu vãn nó…”
“Thưa cô?”
“Bố em không biết cách dạy. Em có thể ngồi xuống.”
Tôi lí nhí nói rằng tôi rất tiếc và về chỗ ngẫm nghĩ về tội của mình. Tôi không hề chủ tâm học đọc, nhưng bằng cách nào đó tôi đã đắm mình một cách lén lút vào những tờ nhật trình. Trong những giờ đằng đẵng ở nhà thờ- có phải tôi đã học lúc đó? Tôi không nhớ được có lúc nào mình không đọc được những bài thánh ca. Bây giờ tôi buộc phải nghĩ về nó, việc đọc là một điều gì đó tự nhiên đến với tôi, như việc học cách cài chặt đũng quần của bộ áo liền quần mà không cần nhìn quanh, hoặc việc thắt được hai cái nơ từ mớ dây giầy rối nùi. Tôi không thể nhớ khi nào những dòng chữ bên trên ngón tay di chuyển của bố Atticus tách ra thành những từ rời, nhưng tôi đã chăm chú nhìn chúng suốt những buổi tối trong ký ức tôi, trong khi lắng nghe tin tức trong ngày, những dự luật được thông qua thành luật, nhật ký của Lorenzo Dow – mọi thứ mà bố Atticus ngẫu nhiên đang đọc khi tôi nằm lên đùi ông mỗi tối. Cho đến khi tôi sợ rằng sẽ mất nó, thì tôi chưa bao giờ yêu thích việc đọc. Ai mà lại đi yêu việc thở cho đến khi gần mất nó?
Tôi biết mình đã quấy rầy cô Caroline, vì vậy tôi được yên thân và nhìn ra cửa sổ cho đến giờ ra chơi khi Jem tách tôi ra khỏi đám học trò lớp một trong sân trường. Jem hỏi tôi xoay xở ra sao. Tôi kể anh ấy nghe.
“Nếu không phải vì anh, em đã bỏ về. Jem, cái cô đáng ghét đó nói bố Atticus đã dạy em đọc và bố phải ngừng chuyện đó lại…”
“Đừng lo, Scoutt,” Jem trấn an tôi. “Thầy anh nói cô Caroline đang giới thiệu một phương pháp dạy mới. Cô học điều đó ở trường đại học. Rồi tất cả các lớp sẽ áp dụng nó ngay thôi. Em không phải học nhiều từ những cuốn sách theo cách ấy- nó giống như nếu muốn biết về loài bò, em phải đi vắt sữa  bò vậy, hiểu không?”
“Hiểu, Jem, nhưng em không muốn học về bò, em…”
“Chắc chắn rồi. Em phải biết về loài bò, chúng là phần quan trọng trong đời sống ở hạt Maycomb.”
Phải cố gắng lắm tôi mới ngăn được ham muốn hỏi Jem có phải anh bị mất trí hay không.
“Anh chỉ rán nói cho mày biết về cách dạy mới mà người ta áp dụng cho lớp một, đồ lì lợm. Đó là Hệ thống thập phân Dewey.”
Chưa từng nghi ngờ về những tuyên bố chính thức của Jem, nên tôi thấy không có lý do gì để hỏi lúc này. Hệ thống thập phân Dewey, trong chừng mực nào đó, bao gồm việc cô Caroline vung vẩy trước mặt chúng tôi những tấm bảng trên đó viết những chữ như “the””, “cat”, “rat”, “man” và “you”. Có vẻ như cô giáo không chờ đợi ở chúng tôi lời bình luận nào, và lớp học nhận được những tín hiệu đầy ấn tượng này trong im lặng. Tôi thấy chán, vì vậy tôi bắt đầu viết thư cho Dill. Cô Caroline bắt gặp tôi viết, cô nói. “Chúng ta không viết trong lớp một, chúng ta chỉ tập đồ mẫu tự rời thôi. Em sẽ không học viết cho đến khi lên lớp ba.”

(Bà Calpurnia là người chịu trách nhiệm về việc này. Nó giúp bà khỏi phát điên vì tôi vào những ngày mưa, tôi đoán vậy. Bà ấy đặt cho tôi bài tập viết bằng việc vẽ nguệch ngoạc bảng chữ cái ở phía trên một tấm bảng, sau đó chép lại một chương Kinh Thánh bên dưới. Nếu viết lại được theo nét của bà một cách thỏa đáng, tôi sẽ được bà thưởng một miếng sandwich phết bơ và đường. Trong việc dạy dỗ của bà Calpurnia, không hề có sự đồng cảm: tôi hiếm khi làm bà hài lòng và bà hiếm khi thưởng cho tôi.)

“Em nào về nhà ăn cơm trưa giơ tay lên?” Cô Caroline nói, cắt ngang cơn bực bội mới mẻ của tôi đối với Calpurnia.
Những đứa bé thị trấn giơ tay lên, và cô nhìn khắp chúng tôi.
“Em nào mang bữa trưa theo để lên bàn.”
Những chiếc xô mật mía đột nhiên xuất hiện, và trần nhà lấp loáng ánh sáng kim loại. Cô Caroline đi lên đi xuống các dãy bàn nhìn và ấn ngón tay vào các hộp đựng bữa trưa, gật đầu nếu thứ bên trong làm cô hài lòng, hơi nhíu mày trước những thứ khác. Cô dừng lại trước bàn của Walter Cunningham. “Bữa trưa của em đâu?” Cô hỏi.
Khuôn mặt của Walter Cunningham cho mọi đứa trong lớp một biết rằng nó bị giun móc. Việc nó không đi giày cho chúng tôi biết rằng nó bị nhiễm giun ra sao. Người ta bị giun móc khi đi chân không trong chuồng ngựa và bãi đầm mình của heo. Nếu Walter có giầy nó sẽ mang vào ngày đầu tiên đến trường sau đó vứt chúng đi cho đến giữa mùa đông. Nó mặc chiếc áo sơ mi sạch và bộ áo liền quần được sửa vừa vặn.
“Sáng nay em quên mang bữa trưa à?” Cô Caroline hỏi.
Walter nhìn thẳng trước mặt. Tôi thấy một bên cơ hàm trơ xương của nó giật giật.
“Em quên mang bữa trưa hả?” Cô Caroline hỏi. Hàm của nó lại giật.
“Dạ, thưa cô,” cuối cùng nó lí nhí.
Cô Caroline đến bàn của cô và mở ví tiền ra. “Đây là đồng hăm lăm xu,” cô nói với Walter. “Hôm nay xuống phố ăn đi. Mai trả lại cô.”
Walter lắc đầu. “Không, cảm ơn cô,” nó nói .
Giọng cô Caroline bắt đầu mất kiên nhẫn, “Đây Walter, cầm lấy.”
Walter lại lắc đầu.
Khi Walter lắc đầu lần thứ ba có đứa thì thào, “Lên nói với cô đi, Scout.”
Tôi quay quanh và thấy hầu như cả đám dân thị trấn và toàn bộ nhóm đi xe buýt nhìn tôi. Cô Caroline đã nói chuyện với tôi hai lần, và chúng nhìn tôi với sự tin tưởng ngây thơ rằng sự quen biết dẫn đến thông cảm.
Tôi đứng dậy đàng hoàng nhân danh Walter,
“Dạ thưa cô Caroline?”
“Gì đó, Jean Louise?”
“Cô Caroline, bạn ấy là người nhà Cunningham.”
Tôi ngồi xuống.
“Là sao, Jean Louise?”
Tôi cứ nghĩ mình đã làm mọi việc trở nên rõ ràng lắm rồi. Nó quá rõ ràng với tất cả chúng tôi: Walter Cunningham đang ngồi đó gục đầu xuống. Nó không quên bữa trưa, nó không có bữa trưa gì cả. Hôm nay nó không có và cả ngày mai hay ngày mốt cũng không có luôn. Chắc cả đời nó chưa từng thấy ba đồng hai mươi lăm xu cùng một lúc bao giờ.
Tôi thử lần nữa, “Walter là người của nhà Cunningham, cô Caroline.”
“Rất tiếc, cô không hiểu, Jean Louise.”
“Phải rồi, thưa cô, cô sẽ biết rõ mọi người dân thị trấn chỉ sau một thời gian ngắn. Người nhà Cunningham không bao giờ nhận bất cứ thứ gì mà họ không thể trả lại- Họ không bao giờ nhận bất cứ thứ gì của ai, họ sống với những gì họ có. Họ không có nhiều, nhưng họ xoay xở được với điều đó.”
Hiểu biết đặc biệt của tôi về dòng họ Cunningham- tức là một nhánh của họ- có được từ những sự kiện năm ngoái. Ba của Walter là một trong những thân chủ của bố Atticus. Một đêm, sau cuộc nói chuyện không vui trong phòng khách của chúng tôi về vụ hạn chế thừa kế của ông, trước khi ra về, ông Cunningham nói: “Ông Finch, tôi không biết chừng nào mới trả thù lao cho ông được.”
“Đừng lo lắng chuyện đó, Walter,” bố Atticus nói.
Khi tôi hỏi Jem hạn chế thừa kế là gì, và Jem mô tả nó như tình trạng bị kẹt đuôi trong một khe nứt, và tôi hỏi bố Atticus liệu ông Cunningham có trả tiền cho nhà mình không.
“Không trả bằng tiền,” bố Atticus nói, “nhưng trước cuối năm họ sẽ trả. Con cứ để ý xem.”
Chúng tôi đã để ý. Một sáng Jem và tôi thấy một đống củi ở sân sau. Sau đó một bao hạt hồ đào nằm ở bậc thềm sau nhà. Giáng sinh là có một thùng dây leo và cây ô rô để trang trí. Mùa xuân đó chúng tôi thấy có một bao đầy rau củ cải, bố Atticus nói ông Cunningham đã trả cho bố quá nhiều.
“Sao ổng lại trả cho bố như vậy?” Tôi hỏi.
“Vì đó là cách duy nhất ông ấy có thể trả cho bố. Ông ấy không có tiền.”
“Nhà mình có nghèo không, bố Atticus?”
Bố Atticus gật đầu. “Mình nghèo.”
Mũi Jem nhăn lại. “Mình có nghèo như nhà Cunningham không?”
“Không hẳn. Nhà Cunningham là dân nông thôn, là nông dân, và vụ sập tiệm chứng khoán giáng vào họ mạnh nhất.”
Bố Atticus nói những người có tay nghề đều nghèo bởi vì các nông dân nghèo. Vì hạt Maycomb là hạt nông nghiệp, bác sĩ, nha sĩ và luật sư khó kiếm được những đồng năm xu và mười xu. Việc hạn chế thừa kế chỉ là một phần trong những ưu tư cho ông Cunningham. Những cánh đồng không bị hạn chế thừa kế đã được cầm cố gần hết sạch, và số tiền mặt ít ỏi ông kiếm được thì phải trả tiền lãi. Nếu biết giữ mồm giữ miệng, ông Cunningham có thể kiếm được một việc làm ở WPA , nhưng đất đai của ông sẽ tàn lụi nếu ông rời bỏ nó, và ông sẵn sàng nhịn ăn để giữ đất và quyền bỏ phiếu theo ý thích. Bố Atticus nói ông Cunningham thuộc loại người ngoan cố không bao giờ  chịu thay đổi lập trường.
Vì người nhà Cunningham không có tiền để trả cho luật sư, nên họ chỉ trả cho chúng tôi bằng những gì họ có. “Con có biết,” bố Atticus nói, “bác sĩ Reynolds cũng làm việc theo cách này không? Với một số người, ông tính thù lao một lần đỡ đẻ là một thúng khoai tây. Scout, nếu con chú ý bố sẽ nói cho con biết hạn chế thừa kế là gì. Định nghĩa của Jem đôi khi cũng khá chính xác.”
Nếu giải thích được những chuyện này với cô Caroline, hẳn tôi đã tránh được ít nhiều phiền toái cho mình và cảnh ê chề sau đó cho cô Caroline, nhưng giải thích mọi việc rõ ràng như bố Atticus là chuyện nằm ngoài khả năng của tôi, vì vậy tôi nói,
“Cô đang làm nó xấu hổ, cô Caroline. Walter không có đồng hai mươi lăm xu nào ở nhà để trả cô đâu, và cô cũng không thể dùng củi mà ba nó đem tới.”
Cô Caroline đứng bất động, rồi cô nắm lấy cổ áo tôi và lôi tôi lên bàn của cô. “Jean Louise, em như vậy sáng nay  là đủ rồi,” cô nói. “Trong chuyện nào em cũng làm cho hỏng bét cả. Giơ tay ra.”
Tôi nghĩ cô sẽ nhổ nước bọt lên đó, đó là lý do duy nhất mà mọi người ở Maycomb chìa tay ra: đó là phương thức đánh dấu hợp đồng miệng có từ lâu đời. Tự hỏi không biết cô và tôi đã thỏa thuận được điều gì, tôi quay xuống lớp tìm câu trả lời, nhưng cả lớp nhìn lại tôi đầy hoang mang. Cô Caroline cầm cây thước lên, phết lẹ làng vào đó sáu cái, rồi bảo tôi đứng vào góc lớp. Một trận cười vỡ òa khi cả lớp rốt cuộc nhận ra rằng cô Caroline đã đánh tôi.
Khi cô Caroline dọa cả lớp sẽ bị y như vậy, cả lớp  lại ôm bụng cười nữa, chúng chỉ nghiêm túc lại khi bóng cô Blount trùm lên chúng. Cô Blount, một người chính gốc Maycomb cho đến lúc đó chưa biêt gì về những bí ẩn của Hệ thống thập phân, xuất hiện ngay cửa lớp, tay chống nạnh và thông báo,
“Nếu còn nghe thấy âm thanh nào khác từ phòng này, tôi sẽ thiêu rụi mọi người trong đây. Cô Caroline, lớp sáu không thể tập trung vào kim tự tháp vì tất cả sự ồn ào này!”
Tôi chỉ phải đứng trong góc một lát vì tiếng chuông hết giờ cứu tôi, cô Caroline nhìn theo cả lớp xếp hàng  để đi ăn trưa. Khi rời khỏi phòng sau tất cả những đứa khác, tôi thấy cô ngồi sụp xuống ghế và vùi đầu vào cánh tay. Nếu cô cư xử tử tế với tôi, tôi sẽ cảm thấy tiếc cho cô. Cô cũng thuộc loại khá xinh xắn… nhưng vì cô đã thế nên tôi bước đi không thèm ngoái lại…

Nguyễn Phước Tiểu Di ( dịch)

Advertisement

MẮT BIẾC

nguyenphuoctieudi

Không còn chiếc lá nâu
Rơi xuống lòng phố lạ
Cỏ hồn nhiên xanh màu
Rêu thơm bờ tường cũ
Những cánh chuồn về đâu
Lang thang chiều ngái ngủ?

(Em có còn tóc xõa
Như tơ trời mong manh…)

Không còn một vầng trăng
Soi xuống hồ lạnh biếc
Đôi mắt đêm dịu dàng
Khẽ như lời tiễn biệt
Ngàn năm và ngàn năm
Chớm một niềm luyến tiếc!

(Em có còn mắt biếc
Thuở học trò long lanh…)

Không còn tiếng chim khuyên
Rộn ràng vườn cổ tích
Những vọng âm đã chìm
Những ngày xưa biệt dạng

(Em có còn áo trắng
Của một thời xuân xanh…)

Nguyễn Phước Tiểu Di
( Những bài thơ từ tuần báo TUỔI NGỌC)

PHỐ BIỂN

nguyenphuoctieudi

Phố biển
Mùa sương huyền hoặc.
Đêm đêm
Tiếng sóng ru hoài.
Có những nỗi buồn giấu mặt.
Giữ giùm tôi nhé
Tàn phai…

Phố biển
Khép bờ mi rối.
Bên kia bờ
Là mưa bay.
Có những vì sao thắp vội.
Xanh xao
Như tiếng thở dài…

Phố biển
Đã là biền biệt.
Người đi
Thuở ấy xa vời.
Còn lại
Nửa vầng trăng khuyết.
Con thuyền nhỏ bé
Ra khơi…

(Từ đó
Hồn tôi sợi khói.
Lang thang
Tìm ngọn tình rơi…)

Nguyễn Phước Tiểu Di (12/02/2015)

BÀI THÁNG CHẠP

nguyenphuoctieudi

Tháng chạp buồn như những hạt mưa
Lơ đãng rơi ướt đường về xa lắc
Cổ xe ngựa mơ hồ rung lục lạc
Chuông Giáng Sinh còn vọng thuở xa người

Tháng chạp buồn sao chỉ có mình tôi
Em chia tay thản nhiên về lối khác
Chiếc khăn len bay trong chiều bàng bạc
Tôi trở về nghe cỏ hát xót xa

Tháng chạp buồn tiếng chân gió đi qua
Sao thăm thẳm một nỗi niềm ly biệt
Còn mình tôi và những ngày hoài niệm
Còn mình tôi quanh quẩn phía không người…

Nguyễn Phước Tiểu Di

BÀI TẶNG THIÊN TÀI…

nguyenphuoctieudi

Thiên tài không thể làm thơ
Bởi vì buồn quá ,
phất phơ xuống đường
Ngắm hồ nước- nhớ chuồn chuồn
Ngắm tàn hoa – nhớ bướm vàng thuở xưa …
Thiên tài không thể làm ngơ
Khi con người cứ ỡm ờ nghĩa nhân…
Thiên tài đôi lúc phân vân
muốn trôi về cõi chập chùng…
…nhưng …
…thôi…

P/S:
Thiên tài không phải là TÔI
TÔI- THIÊN TAI – đến bên người TÔI thương…

Nguyễn Phước Tiểu Di

NÓI , TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN…

nguyenphuoctieudi

1
Em không nói gì ,mắt em khép kín, nhưng tôi biết em đang nhìn tôi , tôi gỡ một cọng tóc vướng trên môi em , em hơi nhếch môi , cười , môi hồng hồng và mệt mõi .
– Đó là tình yêu , Nhóc .
Hàng mi em lay động , dễ thương lạ lùng như một cánh chim chấp chới tập bay… Tôi vẽ lên má em một trái tim , một đôi môi bằng thỏi son màu nâu nhạt. Em ôm tôi với đôi tay gầy mảnh khảnh , nụ hôn của em dành cho tôi cũng hệt như nụ hôn của một bé con… ấm áp , dịu dàng và tin tưởng.
– Em giống hệt Hải Duy.
– Bọn em rất thân nhau , em thích cái mùi của anh nơi bạn ấy .
Em hít hà vào ngực tôi , cổ tôi… như một con chó con đi lạc vừa được về nhà. Tôi chứng kiến tình bạn của Hải Duy và em trong suốt nhiều năm dài thơ dại.
Tôi đã thấy Hải Duy và em choàng vai nhau trên con dốc đến giảng đường với những áo thun rộng thùng thình , Quần Jeans bạc phếch đặc trưng của dân Mỹ Thuật…hai đứa như hai bức tranh sinh động, rực rỡ và tươi trẻ của mùa hè.
Tôi đã thấy Hải Duy và em mặc hai chiếc áo khoác da đỏ giống hệt nhau lang thang trên rừng đồi sau nhà ngắm nhìn lũ thú hoang ngơ ngác bên bờ suối trong những ngày đông muộn.
Tôi đã thấy Hải Duy và em ngồi trong xe , duỗi dài trên ghế , mỗi đứa một đầu Headphone , mắt lim dim nghe nhạc giờ này qua giờ khác mà tuyết thì đang rơi trắng xóa cả đường về.
Hải Duy nói với tôi :
– Bạn ấy yêu ba.
– Có sao đâu con . rất nhiều cô bé yêu ba qua những bài thơ ba đăng báo .
– Ba không hiểu rồi. Bạn ấy không hề là một – trong- nhiều –cô-bé… vì, có thể bạn ấy làm thơ còn hay hơn ba nữa.
Tôi cười , mẹ Hải Duy bỏ đi từ rất lâu , hai cha con đã trở thành hai người bạn từ khi nào tôi chẳng còn nhớ nỗi… nhưng thật sự rất hiểu lòng nhau và dễ dàng nói với nhau những điều khó nói nhất.
– Ba tưởng bạn ấy và con là một cặp rất đẹp đôi… Ở trường , ai cũng nói với ba như vậy
Hải Duy nheo mắt :
– Bạn ấy vẫn thường xuyên lập đi lập lại: mình tưởng mình yêu cậu , nhưng thật sự mình yêu ba cậu … Ba đừng làm tổn thương bạn ấy , ba nhé !
Tôi đã nghĩ chỉ là một trò đùa cợt trẻ con.

2.
Tôi không thích tình yêu , tôi không thích yêu những cậu con trai bằng lứa… Riêng Hải Duy là đứa bạn trai tôi gắn bó yêu thương nhất vì mẹ nó bỏ đi từ lúc nó mới 12 tuổi. Mười mấy năm thân thiết với nhau đủ để tôi biết rằng Hải Duy là một con người cô độc, nó không yêu ai , không thích ai , không quan tâm tới ai ngoài ba nó , tôi và những bức tranh…
Tôi hỏi :
-Ba cậu không định lấy vợ khác sao ?Ông ấy tài hoa và từng trãi đến thế.
Hải Duy nhún vai :
-Tình nhân của ông ấy xếp hàng dọc chắc cũng dài tới vài cây số .
-Mình không muốn nói đám tình nhân của ông ấy , mình muốn biết ông ấy đã quan tâm hay gắn bó với ai một cách đặc biệt không ?
Hải Duy gõ gõ ngón tay vào thái dương , suy nghĩ :
– Có lẽ không , hoặc chưa …
Rồi nó nhìn tôi bằng đôi mắt của một con chim ưng săn mồi :
– Sao tự nhiên bạn lại hỏi vậy ?
Tôi khẳng định :
– Mình yêu ba cậu .
Hải Duy cười ngặt nghẽo :
-Nhóc con điên khùng , bạn còn nhỏ hơn tôi vài tuổi .
– Có sao đâu!
– Bạn yêu tôi có lẽ tốt hơn.
– Ai cũng đều nghĩ vậy , nhưng tiếc là bọn mình không yêu nhau được vì mình giống nhau từ bản chất : Coi thường tình yêu …
– Ngớ ngẩn , ai coi thường tình yêu người đó đời đời kiếp kiếp sẽ bị đọa đày trong địa ngục.
Không biết Hải Duy nhận ra điều gì trong mắt tôi mà nó dang tay ôm tôi thương xót và không ngừng lập đi lập lại :
– Nhóc con điên , nhóc con điên…

3
Tôi đang lên chương trình hành động, không cần nhờ Hải Duy trợ giúp , mặc dù nếu tôi nhờ thì Hải Duy vẫn nhắm mắt mà giúp tôi kể cả những điều phi lý nhất. Và tôi cũng vậy, sẵn lòng cùng Hải Duy chia sẻ mọi buồn đau… như ngày xưa , Khi mẹ Hải Duy bỏ đi, đêm đầu tiên vắng mẹ , Hải Duy chạy đến nhà tôi… hai đứa lấy một chai Chivas trong tủ rượu ra đối ẩm trong đêm chập choạng vì nghe nói rượu phá thành sầu… Nhưng thành sầu muôn đời không phá nỗi… Say , hai đứa ngủ vùi ngoài hiên lạnh khi cố ra vốc những nắm tuyết trắng để là dịu mát cổ họng đang cháy bỏng để rồi cùng đi cấp cứu… và di chứng tổn thương phổi đã không bao giờ dứt trong suốt quãng đời còn lại .

4
Tôi đam mê tạc tượng sau khi hết hứng thú viết những bài thơ tình từng làm mưa làm gió… Tôi cần một người phụ tá có chút kiến thức về điêu khắc …
Hải Duy nói :
– Để con gọi bạn ấy , bạn ấy có đến 10 hoa tay trên 10 đầu ngón , ba sẽ hài lòng.
Em đến VƯỜN ĐÁ TẢNG của tôi, như con bướm vàng nhởn nhơ trong nắng , ngây thơ , trong trẻo và tài hoa… Nhiều khách hàng , bạn hữu yêu thích , hỏi thăm , Tôi trả lời :
– Bạn của con trai tôi.
Thật vậy, em và Hải Duy là một đôi tri kỹ … Khi tôi hỏi về một ý tưởng hai đứa đều chung một quan điểm , chung một câu trả lời , dù Hải Duy đang lang thang trong một thành phố xa lắc xa lơ nào đó và em thì đang ngồi cạnh tôi ở Studio trong VƯỜN ĐÁ TẢNG.
5
Không ai biết điều ấy có ý nghĩa đối với tôi như thế nào đâu !
Tôi phác họa một nàng Vệ Nữ cổ điển với mớ tóc dài che kín ngực…
Tôi phác họa một nàng Tiên Cá bị đọa đày ở trần gian khi mất đi tiếng hát…
Tôi phác họa một chân dung , một chân dung mà tôi không muốn nói đó là ai …
Sao những phác- thảo- người của anh đơn giản và tài hoa quá mà qua tay tôi thì thê thảm từ hình thức đến nội dung dù tôi hết sức chuyên tâm ngày đêm học hỏi…
Đến một ngày , anh cầm tác phẩm đầu tay của tôi lên , ngắm nghía , xoay ngang rồi xoay dọc… anh hỏi , đầy trêu chọc :
– Cái gì thế này , Nhóc ?
Tôi cáu kỉnh :
– Nothing.
– Nó phải mang một chủ đề , một cái tên chứ!
Tôi bực mình giằng lại , Hải Duy trước khi khoác ba lô lên đường đi Seattle đã dặn : Cố lên Nhóc , Hãy nói điều mình muốn trước khi quá muộn .
Tôi nhìn vào mắt anh, thật lâu , thật buồn, thật đắn đo và ngập tràn tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình không thể …Tôi nghẹn ngào thầm thì :
– Vâng , nó cũng có một cái tên … một cái tên…
Anh quẹt một ngón tay còn dính đầy thạch cao vào má tôi , khuyến khích :
– Nói đi , Nhóc , nói đi …
Tôi thở mạnh , lấy hết can đảm , rụt rè :
– Vâng … nó tên là… nó tên là EM YÊU ANH.
Tôi thấy ngón tay anh run run trên mặt mình , tôi lập lại ,lần này rõ ràng từng tiếng một :
– EM YÊU ANH … Đó là tên của nó .
Anh dịu dàng :
– Nhóc , một lời đã lỡ nói rồi sao có thể chối là không ???

NGUYỄN PHƯỚC TIỂU DI

Thuỷ Tinh Tan Vỡ

nguyenphuoctieudi
Nguyễn Phước Tiểu Di

CHƯƠNG 3:

-Đó là một thảm kịch, cháu hiểu không Diệp … Một thảm kịch mà chúng ta sẽ phải giải quyết một cách hết sức hợp lý hợp tình…
-Cháu không cần hiểu gì hết. Ba cháu sắp được thả rồi … ba cháu gởi thư về nè bác
-Lâu lắm mới thấy cháu vui, nhưng cháu dùng từ “thả” là không ổn rồi … Học tập xong thì về chứ có ai bắt bớ giam cầm gì đâu mà “thả”, cháu.
-Bác có đến những trại cải tạo bao giờ chưa??? Đến bất ngờ thôi chứ không phải kiểu quan lớn vi hành??? Cháu đã từng chui rúc trong rừng tìm thăm ba cháu khi chưa được phép thăm nuôi…
Ông đặt bàn tay to lớn lên tóc tôi, vỗ nhè nhẹ:
-Bình tĩnh kể bác nghe.
( nhiều người phục ông ở tài dân vận … ông đã lấy lòng được một con bé đa nghi, thủ thế và khó chịu như tôi.)
Tôi chớp mắt, cố giữ mình không khóc, tôi nghĩ mình đã cứng rắn chai lì đi nhiều lắm. Im lặng, tôi nhớ lại những gì xảy ra cách đây 8 tháng mà vẫn còn hiển hiện rõ ràng như mới hôm qua.
…Từ con đường mòn xuống núi, một dòng người xiêu vẹo nương trong bóng  chiều nhập nhoạng … Như đám tàn quân chiều trận mạc/ Khoác chiến bào che giấu vết thương … (VDC)   những chiếc áo lính trở nên rộng thùng thình, bạc phếch màu hoang phế … Những vết thương đâu thể che giấu trong những đôi mắt mõi mòn tuyệt vọng… mà cần chi che giấu??? Tôi níu chặc tay người đàn bà vừa quen trong chuyến đi này, hốt hoảng:
-Sao chẳng thấy ba em đâu cả chị ơi! Hay còn đường nào khác nữa?
– Chờ chút đi em. Chỉ có một đường thôi, đi từng đội một…
Người đàn bà vừa nhìn thấy chồng  buông tay tôi, chạy ùa tới. Tôi ngơ ngác đứng lại một mình. Một người đàn ông lớn tuổi rời đoàn, đến cạnh tôi:
-Cháu tìm ai?
-Ba cháu, ông TTD, trước chỉ huy Trung Tâm Huấn Luyện Công Chức ở Nha Trang. Chú có thấy ba cháu không?
– Có chứ, ba cháu đi sau cùng đó. cháu về Nhatrang cho chú gởi lá thư,
Ông đặt khúc gỗ xuống, lấy trong túi ra một lá thư nhàu nát, vuốt ngay lại, trao tôi… Tôi mở ba lô cất vào cẩn thận … những lá thư được đưa về cho người thân bằng mọi cách …những tin tức rất mơ hồ đến tay người nhận trãi qua những quãng thời gian rất xa…
Có ai vỗ vai tôi, tôi giật mình đứng thẳng người lên, hét lớn:
-Ba, trời ơi, ba.
Nước mắt tôi ràn rụa chảy…Tôi tưởng mình không còn vắt ra một giọt nước mắt nào nữa sau 2 ngày chui rúc tuyệt vọng trong rừng… Tôi ôm chặt lấy ba tôi, hít hà đánh hơi ông như con chó con hệt những ngày thơ ấu … Không còn mùi xì gà La Habana thơm thơm , không còn mùi cognac nồng nồng, không cả mùi hương gỗ của những lần ông đi rừng về nữa … Chỉ là mùi chua của mồ hôi, mùi khét của nắng đốt, mùi nồng của một loại thuốc lá rẻ tiền… nhưng tôi vẫn được bao bọc bởi một mùi hương yêu thương  tuyệt đối…Tôi rúc vào ông để tìm một hạnh phúc, một niềm hy vọng được chở che như ngày xưa, để tôi có thể dõng dạc tự hào: tôi không hề sợ ai khi có ba tôi bên cạnh!!! Chiếc rựa trên vai ông đè nặng vai tôi đau điếng…ông ném chiếc rựa xuống đất, dịu dàng:
-Can đảm lên, nhóc con. Nước mắt đâu mà nhiều vậy, ướt hết cả áo ba rồi.
Tôi không ngừng nức nở…tôi muốn kể chuyện này chuyện nọ cho ba nghe  nhưng không thể nói khi đang khóc tức tưởi. Ba tôi hỏi:
-Mẹ và tụi nhỏ sao rồi??? Con đem gì nhiều vậy??? Xách nặng giỏi quá ta!
Tôi chùi mặt vào vai áo ba chua lét:
-Mẹ đem thuốc tension, thuốc lá, thức ăn khô và tiền … con cố đem nhiều thứ để ba dùng.
Ba tôi cười:
-Con gái ba giỏi quá, chỉ có điều là mít ướt quá đi! Duy làm gì ở nhà vậy con?
– Nó đi làm thủy lợi ở Đồng Tròn  ba ơi, hôm nó về tay chân rướm máu vì chưa quen cầm cuốc,
Nói xong tôi thấy mình ngu và lanh chanh kinh khủng. Duy là cậu trưởng nam yêu quý của ông. Ông vẫn so sánh để chọc cho tôi giận hồi còn ở nhà: Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô… Tôi ân hận vì đã dại dột nói điều không nên nói, tôi lén nhìn mặt ông dò xét … nhưng ông rất thản nhiên, bất cứ tình huống nào ông cũng thản nhiên và chấp nhận:
-Để nó cực khổ cho quen con à. Con lớn nhất nhà, phải giúp mẹ để ý bọn nhỏ học hành nghen con.Tôi cắn môi:
-Ba ơi, ba học tập có sao không???
Hiểu ý tôi, ông cười, những vết chân chim ở cuối đuôi mắt nheo lại  hiền lành :
-Không sao, ba ở trại chung với mấy chú, mấy anh trong trung tâm …toàn người nhà cả đó mà…
Để chứng thực lời nói đó, người đàn ông đứng chờ ba tôi nãy giờ tiến tới …đó là anh Thiện, người vẫn đi cạnh ba tôi từ ngày trước, anh nhìn tôi, xót xa:
– Diệp theo người ta về chứ lạc đó. Lúc nào bọn anh cũng bên  ba .
Ba vuốt tóc tôi, dịu dàng:
-Về đi con, chắc tết ba sẽ về.
Ông quay lưng đi, anh Thiện cúi xuống lượm chiếc rựa ông quên nhặt … Bóng hai người dềnh dàng đi  trong chiều âm u … những sợi nắng quái rơi rớt  trên từng đám cây rừng đe dọa một đêm mưa tầm tả …Ước chi ba tôi quay lại một lần, nhưng ông không hề quay lại … tôi ngồi xuống, khóc nức nở, cho đến khi người đàn bà mới quen đến dẫn tôi về Tiếp tục đọc

PHỤC HỔ

Nguyễn Phước Tiểu Di

tonnuthudung

Lần đầu tiên tôi ra ngồi dưới gốc me , đường Gia Long . uống cà phê chờ mua bán tem phiếu chợ đen của những người được nhận hàng từ nước ngoài gởi về thì Anh đến. Xuống xe nhìn quanh quẩn … một đám rằn ri , xăm mình vằn vện lập tức đứng lên , chào thầy râm ran. Anh thật ra là một võ sư , có một võ đường khá nỗi tiếng trong thành phố từ những thập niên 70. Anh nói bâng quơ thôi :
-Thầy gởi cô em gái của thầy nhé .
Bọn rằn ri nhìn tôi, chưa kịp dở trò ma cũ bắt nạt ma mới theo thông lệ đã vội vã trả tiền cà phê cho tôi và nhao nhao:
-Tưởng ai , chứ em gái thầy thì bọn em bảo kê , mời vô băng của bọn em luôn. Cho tụi Sài Gòn de hết !
Tôi muốn chết khiếp với những giọng điệu giang hồ đó … tôi nhìn những khuôn mặt của họ, thấy chẳng có gì dữ dằn đáng sợ sao cách nói thì thật tà ma ngoại đạo . Nhưng có Anh đó rồi , tôi yên tâm …từ nay , tôi chọn quán cóc này làm đại bản doanh , có giang hồ bảo kê các thứ …không sợ ai ăn hiếp !! Tiếp tục đọc

NẾN TRỜI AI THẮP

SAM_0629

Tác giả: Nguyễn Phước Tiểu Di

Và theo đúng truyền thống hào hoa của ông già Noel anh Huy lôi một nắm kẹo bạc từ trong túi ra chia đều. Em nhìn thấy trong đôi mắt Ngọc Trâm rạng rỡ những ngọn nến trời ai thắp.

Ngôi nhà thường ngày em vẫn thấy, tường cao, vôi trắng, sân đá cuội và những khóm hoa vàng chạy dọc theo con đường uốn khúc, những đóa hoa cọng dài mong manh dễ thương kinh khủng. Trong nhà cũng có một cô bé dễ thương không kém, nghe Đường Thu nói cô bé tên Trâm, Ngọc -Trâm. Gởi chiếc xe đạp nhỏ ở nhà người bạn, em đi bộ đến đây, con đường tối với hai hàng cây lộng gió, chiếc khăn quàng trên cổ em bay bay, chiếc mũ chóp có những tua ngũ sắc ngộ nghĩnh và những vòng lục lạc leng keng theo bước chân em, chỉ thay bộ pan này bằng một chiếc xà rông là em giống hệt cô công chúa Jarai trong ngày đại hội. Giáng Sinh, tiếng nhạc như tỏa từ trên hàng cây rơi xuống êm đềm. Em nhón chân nhìn qua cánh cổng, những hoa vàng trong đêm rủ xuống, ngủ yên. Cửa khóa, em nhớ rồi, chỗ tường trống em và Đường Thu vẫn chui vào hái trộm hoa. Men theo con đường cuội xám, em bước lên những tam cấp cao, hương Ngọc Lan thoang thoảng đâu đây, em gõ nhẹ vào cánh cửa gỗ nâu, tiếng vang nhỏ và trầm không gọi nổi người nghe. Em kêu nhỏ:
– “Ngọc Trâm”.
Căn phòng khách tối khiến em không nhìn rõ bên trong, chỉ nghe tiếng Ngọc Trâm:
– “Ai đó?”
Đèn bật sáng cho thấy cái dáng gầy gầy của Ngọc Trâm trong chiếc xe lăn, em ra dấu cho Ngọc Trâm thấy:
– “Du đây, Tiên Du đây”.
Bên trong cánh cửa, đôi mắt Ngọc Trâm nhíu lại, cái nhìn có vẻ dò hỏi và xa lạ:
– “Tiên Du nào cơ?”
Em áp má vào khung cửa gương lạnh ngắt, đùa:
– “Mở cửa vào rồi nói, ngoài này lạnh lắm, Trâm”.
Ngọc Trâm cười, có lẽ cô bé nhìn thấy vài nét quen quen nào đó, nơi em: -“Đúng rồi, Tiên Du đi học ngang đây hoài phải không?”
Em gật đầu:
– “Đi ngang và trộm hoa nữa. Vườn hoa nhà Trâm đẹp nhất Nha Trang”.
Ngọc Trâm chỉ ghế cho em ngồi, lên tiếng:
– “Tiên Du đi chơi hở?”
– “Du đến chơi với Ngọc Trâm. Du biết cả nhà đi lễ, Ngọc Trâm ở nhà một mình chắc buồn kinh khủng. ”.

Ngọc Trâm nắm tay em:
– “Tiên Du không đi lễ sao?”
– “Không, Du không có đạo. Nhưng Du cũng thích vào nhà thờ ; đông và vui lắm”.
Đôi mắt Ngọc Trâm tối lại, em đưa chiếc mũ chóp và vòng lục lạc ra trước mặt:
– “Ở đâu vậy Tiên Du?”
– “Mua đó, họ bán ở đường Nhà Thờ . Trâm thích không?”
– “Xinh quá hở? Nhưng… để làm gì?”
Em hớn hở  đáp ( em luôn là một con nhóc lanh chanh  không hề suy nghĩ 7,8,9 lần trước khi nói như lời Soeur Hiệu Trưởng nhắc nhở hằng ngày) :
– “Để mang vào cổ tay hoặc chân, lúc đi hay chạy nó kêu leng keng …”.
Em chợt khựng lại khi nhìn Ngọc Trâm, từng tiếng nói thốt ra khó khăn:
– “Hay… Ngọc Trâm mang vào cổ con mèo cũng được, nó khỏi chạy lạc, Trâm à!”
– “Cám ơn Tiên Du.”
Mân mê thanh sắt lạnh ngắt trước mặt Ngọc Trâm, em cố kể chuyện cho NgọcTrâm vui:
– “Ngọc Trâm có biết Đường Thu không nhỉ? Cô bé vẫn đi chung với Tiên Du đó.”
– “Cô bé có chiếc cady màu huyết dụ chứ gì?”
– “Ờ, Ngọc Trâm rành ghê.”
Ngọc Trâm cười buồn:
– “Ở đây mãi Ngọc Trâm biết hết những khuôn mặt quen thuộc của trường Sacré-Coeur của bạn.”
– “Tụi bạn Tiên Du đứa nào cũng biết Ngọc Trâm .”
Đôi mắt Ngọc Trâm tròn lên, long lanh dễ thương vô cùng tận:
– “Ai cơ?”
– “Thì Đường Thu nè, Hòa nè, Nguyện nè, Phi nè, cả… Tiên Du nữa.”
Ngọc Trâm reo lên:
– “Ngọc Trâm biết Nguyện rồi, Nguyện là cô bé tóc bím và ôm chiếc cặp có hình mấy trái táo chứ gì?”
“Ừ, Nguyện là hoa khôi của lớp Tiên Du đó.”
– “Còn Tiên Du, Tiên Du là gì?”
– “Tiên Du là con nhỏ nghịch nhất lớp.”
Ngọc Trâm lắc đầu nghịch ngợm:
– “Không tin, Tiên Du là… “
– “Là gì cơ?”
– “Là cô Poupée xinh. Không, Tiên Du là thiên thần nhỏ.”
Em giữ nụ cười trên môi:
– “Ghê vậy?”
Ngọc Trâm cắn môi, đôi môi hồng mim mím rất xinh:
– “Khi hồi Trâm ngồi một mình tự nhiên Trâm nghĩ rằng đêm nay Chúa sẽ sai các thiên thần xuống thế, ban niềm vui cho mọi người, nhất là… Ngọc Trâm nghĩ rằng Chúa thương Trâm lắm, con chiên nhỏ không đủ sức đến quỳ bên chân Chúa, nhưng Chúa vẫn biết… Rồi Tiên Du đến, Trâm không ngạc nhiên chút nào. Chúa thương Ngọc Trâm , phải không Tiên Du?”
– “Ừ, Chúa thương Ngọc Trâm lắm.”
Khuôn mặt Ngọc Trâm rạng rỡ, em tiếp:
– “Bây giờ mình đi chơi nghe Ngọc Trâm.”
Ngọc Trâm ngạc nhiên:
– “Đi chơi? Ngọc Trâm ngại lắm.”
Em dỗ:
– “Không sao đâu, có Tiên Du mà.”
– “Khi hồi Trâm vừa từ chối đi với gia đình nhưng chắc Trâm sẽ đi với Tiên Du.”
Em reo lên:
– “Nhất Ngọc Trâm rồi. Bây giờ Tiên Du dìu Trâm xuống tam cấp nha.”
– “Đừng, đi cửa sau xuôi hơn.”
Ngọc Trâm lăn xe xuống, em khóa cửa phòng:
“Chìa khóa cổng đâu Trâm?”
– “Trong hộp thư.”
– “Thôi mình đi.”
Em tháo chiếc Foulard choàng cho Ngọc Trâm:
– “Ngoài đường lạnh quá, Trâm hở?”
Ngọc Trâm gật đầu, con đường thênh thang dẫn vào phố đông. Ngọc Trâm nhìn em:
– “Vui quá, chưa đến giờ lễ sao mà phố còn người đông vậy Tiên Du?”
Em nhìn đồng hồ:
– “Còn nửa tiếng, tí nữa Ngọc Trâm đi lễ không?”
Ngọc Trâm lắc đầu:
– “Trâm nhìn vào thôi, rồi về.”
– “Cũng được.”
Bên kia đường, tụi bạn đưa tay vẫy em. Định trốn nhưng tụi nó ùa qua, Đường Thu chỉ:
– “Anh Huy kìa Tiên Du.”
Anh Huy cũng ngừng xe lại, đám bạn vây quanh em và Ngọc Trâm:
– “Tiên Du định trốn há!”
– “Đâu có.”
Đường Thu cười:
– “Ngọc Trâm phải không? Tối nay Ngọc Trâm bắt cóc Tiên Du của tụi này.”
Ngọc Trâm chớp mắt:
– “Tiên Du rủ Trâm đi.”
Nguyện lên tiếng:
– “Bây giờ tụi mình đi đâu?”
Em nói:
– “Ngọc Trâm đề nghị đi vòng vòng chơi.”
Đường Thu kêu lên:
– “Mỏi chân chết.”
Em nhìn anh Huy, xúi dại:
– “Tối nay ba ở nhà. Anh Huy về mượn xe ba đi.”
Phi reo lên:
– “Ý kiến hay. Tụi mình sẽ đi tuốt lên Đà Lạt hái Anh Đào.”
Đường Thu:
– “Lên tận thiên đàng luôn.”
Ngọc Trâm tròn mắt:
– “Để làm chi?”
– “Làm những cô thiên thần nhỏ.”
Ngọc Trâm nhìn Đường Thu, nhỏ nhẹ , đôi khi Ngoc Trâm cũng thật  biết ga lăng:
– “Không cần phải lên thiên đàng, học trò ở Sacré-Coeur đều là những cô thiên thần nhỏ.”
Anh Huy lên tiếng xí phần:
– “Còn anh nữa chi.”
– “Anh hở? Anh là ông Noel”.
Em đùa, vì chiếc mũ hóa trang của anh Huy giống chiếc mũ của ông già Noel kinh khủng. Và theo đúng truyền thống hào hoa của ông Noel, anh Huy lôi một nắm kẹo bạc từ trong túi ra chia đều, em nhìn thấy trong đôi mắt Ngọc Trâm rạng rỡ những ngọn nến trời ai thắp.

(Gởi  mùa Giáng Sinh còn đủ bạn bè.)

Nguyễn Phước Tiểu Di