BÊN LỀ CHUYỆN NHỚ VỀ THÁNG TƯ ĐEN (4.1975)

Kết thúc chiến tranh Việt Nam, sau 30/4/1975, cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt nói “có hàng triệu người vui nhưng cũng có hàng triệu người buồn”. Lời tuyên bố của một quan chức cao cấp cứ tưởng sẽ góp phần định hướng tương lai đất nước, đảng CSVN sẽ hoạch định chính sách từ nền tảng hòa hợp hòa giải dân tộc, hàn gắn vết thương chiến tranh để có hơn “hàng triệu người vui” và không còn “hàng triệu người buồn” nhưng không phải thế!

Bốn mươi ba năm qua, những gì diễn ra trên đất nước này đã làm lộ rõ bản chất gian manh và bịp bợm của những người cộng sản. Hận thù dân tộc ngày càng bị khơi sâu, những người quốc gia và viên chức, sĩ quan chế độ VNCH cùng gia đình họ bị trả thù tàn khốc từ các vùng kinh tế mới đến những nhà tù trá hình mang tên “trại cải tạo”. Điều này dẫn đến việc hàng triệu người bỏ nước ra đi, một số không ít trong số họ chết trên biển, số còn lại, rất may, nhập vào hàng ngũ “hàng triệu người vui” dù cuộc sống quê người không phải là thiên đường.

Càng về sau, kinh tế hoạch định ngày càng thất bại, của cải cướp được từ miền Nam sau 1975, tiền bạc kiếm chác từ thân nhân những người Việt ở ngoại quốc gửi về tập thói quen hưởng thụ cho những quan chức cộng sản. Khi kinh tế suy sụp, họ phải chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa để bảo đảm sự lãnh đạo của nhà nước.

Càng về sau, niềm tin của đảng viên và dân chúng càng suy sụp, họ bán cả Hồ Chí Minh để bảo vệ đảng. Khi internet vào tận các hang cùng ngỏ hẽm Việt Nam, bản chất gian manh và bịp bợm của họ càng rõ hơn, nguy cơ mất đảng ngày càng cao, họ bán nước cho Trung cộng, Việt Nam lệ thuộc vào phương Bắc ngày càng nhiều nhưng vẫn rêu rao trên các phương tiện truyền thông “mười sáu chữ vàng”. Nhờ internet, dân chúng biết rõ vụ Trường Sa 1988 Hải quân không được nổ súng trước quân xâm lăng Tàu cộng, nhờ internet, dân chúng biết rõ ngư dân bị tấn công, bị cướp nhưng không được quân đội và nhà nước bảo vệ khi chính họ không dám nói thẳng mà gọi là “tàu lạ”. Cũng không lạ gì khi dân chúng truyền tụng nhau câu “Ngư dân bám biển, hải quân bám bờ”.

Chưa hết, chưa có thời nào trong sử Việt đen tối như thời gian cộng sản cầm quyền, khi, để đàn áp tôn giáo, đàn áp phong trào đấu tranh cho dân chủ nhân quyền, họ đã dùng một lực lượng đông đảo quân đội, công an và cả bọn “xã hội đen” là những phường lưu manh, cặn bả xã hội! Chưa có thời nào mà công dân bị bắt vào đồn công an bị giết chết rồi vu cáo là tự tử.

Chưa có thời nào mọi nền tảng giá trị suy đồi một cách nghiệm trọng, con người đối xử nhau tệ hơn cả loài thú, bọn ăn cướp là đảng viên gộc, là sĩ quan cao cấp của công an và quân đội, nếu không cũng được chúng đỡ đầu, bảo kê, từ cướp đất đai đến việc làm ăn, kinh doanh, buôn bán.

Cũng chưa có thời nào mà thị trưởng một thành phố lớn là thủ đô lại muối mặt nuốt lời hứa trên giấy trằng mực đen (có cả lăn tay điềm chỉ) với hàng vạn dân làng Sềnh và trở mặt đàn áp.

Không có thời nào mà Bộ trưởng Giáo dục xào nấu kiến thức cũ, ăn cắp kiến thức người khác viết luận án để kiếm học hàm học vị cũng là chủ tịch Hội đồng xét duyệt công nhận danh hiệu Giáo sư, phó Giáo sư.

Những ngày cuối tháng tư này, lãnh tụ hai miền Nam Bắc bán đảo Triều Tiên đã gặp nhau tay bắt mặt mừng để ngồi lại với nhau. Chuyện thống nhất đất nước chưa biết có thực hiện được và lúc nào sẽ có kết quả nhưng hy vọng việc phi hạt nhân hóa đảo quốc này có hy vọng đang đến gần. Chúng ta mừng cho họ nhưng cũng những ngày này, các tầng lớp nhân dân Việt Nam hy vọng gì?

Dĩ nhiên, câu trả lời tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, địa vị xã hội, trình độ nhận thức mỗi người nhưng chắc chắn có một mẫu số chung không chối cãi được là, đông đảo mọi người mơ một cuộc sống khá hơn, môi trường, thực phẩm được bảo vệ an toàn, thiên tai (bão lũ, hạn hán), mất mùa được khống chế và giảm đáng kể thiệt hại. Quan trọng hơn là: chính quyền, công an thôi sách nhiễu dân chúng bằng thuế má, cướp đất làm dự án để chia nhau bán kiếm lời cho gia đình, phe nhóm.

Một bộ phận không nhỏ nhân dân thấy chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng lại nhìn thấy đây là cuộc chiến phe nhóm, xa hơn là cuộc chiến giữa phe miền Bắc và phe miền Nam trong đảng cộng sản mơ rằng chúng nó càng giết nhau thì lực lượng ngày càng suy yếu để mở ra một tương lai mới cho dân tộc. Có vậy, khuynh hướng thoát khỏi sự lệ thuộc Tàu ngày càng dễ thực hiện hơn.

Bốn mươi ba năm từ ngày Mỹ phản bội VNCH để Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam, những thanh niên ngày ấy đã trở thành những ông già. Những đứa trẻ sinh ra từ ngày ấy thành những trung niên, bị nhồi sọ, lừa gạt một thời gian quá dài, khi nhận ra đã trễ vì có một gánh gia đình nặng để chăm lo và nhiệt tình nhẹ để không còn quan tâm đến vận mệnh đất nước. Thế hệ kế thừa có lý tưởng, có trình độ nhưng không thể ngồi chung với nhau và mặc khác, chuyện áo cơm, chuyện an nguy của người thân là điều cộng sản dùng để dập tắt ý chí đấu tranh của họ.

Tháng tư, cầu mong cho đất nước thái bình, nhân dân an lạc, những kẻ gieo gió phải gặt bão. Luật nhân quả thể hiện ngay trên những con người đã và đang gây ra đau thương, mất mát cho đất nước này, dân tộc này. Cầu mong cho những cá nhân, những tổ chức đã, đang và sẽ đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng của đất nước vượt qua khó khăn gian khổ, vượt qua những đàn áp của chính quyền, chân cứng đá mềm để mau đến thắng lợi.

Nguyễn Nhật Huy

Advertisement

NHỮNG CHUYỆN KHÔNG BAO GIỜ CŨ.

1. Hai năm đầu bậc trung học, trường tôi ở ngay huyện lỵ, từ ngoài đường đi qua sân banh, nơi thường tổ chức các sự kiện lớn của huyện là vào đến cổng. Ngày ấy đi học thỉnh thoảng thấy người ta tụm lại ở sân banh coi xác người chết. Đêm trước VC về quấy rối, bị phục kích bắn chết và xác đem về huyện để dân coi. Nhìn những chú VC trẻ măng, chỉ từ 16 – 18 tuổi, mặc quần đùi, áo bà ba cũ, đi dép Bình Trị Thiên (bây giờ gọi là dép râu) tôi nghĩ, anh phá cuộc sống bình yên của xóm làng thì chết là đáng nhưng thấy thương hại.

Vài năm sau, lại thấy xác mấy chú đặc công gài mìn giật cầu, cầu chưa sập đã bị bắn chết, xác ngâm nước đem lên bờ da nhợt nhạt, tím tái. Phá sập cầu sẽ trở ngại trong việc đi lại nên bị bắn chết cũng đáng tội. Tuy vậy, vẫn thấy thương hại, không biết quê ở đâu, cha mẹ thế nào nhất là xác nào cũng lộ rõ nét ốm o do thiếu ăn triền miên.
Có lần coi trên một tuần báo của Mỹ thấy hình mấy cán binh VC chết cháy trên xe tăng T54, trên người còn sợi xích, việc mà trước đây nghe nói cứ tưởng là chuyện tuyên truyền. Thì ra, cấp chỉ huy buộc binh sĩ trên xe phải tử thủ!

Những ngày di tản về SG năm 1975, tôi và đứa em họ tá túc nhà người quen trên đường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ sát góc Cao Thắng. Trưa 30/4 ra ngã tư nhìn toán quân từ hướng Hóc Môn về tiếp quản Sài Gòn, đoàn hùng binh “tiến về SG ta quét sạch giặc thù” mà sao ai cũng trẻ măng, ngơ ngơ ngác ngác và cũng ốm đói như những người chết tôi đã từng thấy? Nhớ lại chuyện “3 thằng Việt Cộng cùng đứng trên nhánh đu đủ không gãy” thấy thiệt đúng, rồi liên tưởng tới tác phẩm “Vượt Trường Sơn” của nhà báo Phan Nghị, họ chiến thắng là phải rồi!

2. Chấp nhận một thực tại cay nghiệt mà không thể làm gì khác và âm thầm thích nghi với công việc của một giáo viên lưu dung là tâm trạng chung của nhiều đồng nghiệp tôi ngày đó. Ai được lưu dung cũng đều mừng nhưng dạy chương trình “cách mạng” khác hoàn toàn quan điểm ngày xưa từng dạy, lại phải tiếp xúc với những cán bộ “giáo viên chi viện ở A vào” là một cực hình. Mở miệng ra là nói toàn chuyện Bác và Đảng, chuyện lập trường quan điểm, chuyện phấn đấu vì một lý tưởng mới đã đành, chuyện dò xét/ soi mói mới là điều đáng nói. Ông hiệu trưởng và mấy ông chi viện là dân xứ Nghệ đều mặc quần bộ đội, áo sơ mi vải tám trắng đã xỉn màu, sandal nhựa nâu, đội mũ cối nhìn chúng tôi mặc lại những áo quần sang trọng ngày trước còn lại, hỏi một câu nhẹ nhàng: “Các thầy cô ăn mặc gì mà diêm dúa thế?” Áo sơ mi trắng hoặc màu rất nhã, quần tây sẫm màu sao gọi là diêm dúa?, đã qua trường đại học chẳng lẽ anh không biết dùng từ?

Cô giáo Anh văn không quen xum xoe nịnh bợ cũng đến trường với y phục ngày xưa bị đám “cách mạng ba mươi”, không rõ có do chỉ đạo của cấp trên hay không, hỏi rằng: “Trong lúc nhân dân ta thắt lưng buộc bụng xây dựng chế độ mới, cô sung sướng gì mà ăn diện?”. Tức máu, cô âm thầm chịu đựng, hôm sau đến trường cô mặc áo quần cũ và xấu hơn, đội chiếc nón cũng cũ mèm, cô lại được hỏi: “Chế độ ta đâu có để cho giáo viên thiếu thốn mà đồng chí ăn mặc như thế vào trường?”.
Một đồng nghiệp lớn tuổi mượn của học trò cái búa chẻ củi, tan trường anh đem về. Cùng đường về có mấy giáo viên chi viện, khi được họ hỏi thầy cầm búa theo làm gì, anh nói đùa: “Học trò dốt quá nên đem búa theo chẻ đầu chúng để nhét chữ vào!”. Vậy là việc này được đưa ra trong phiên họp sau đó để phê phán và đánh giá quan điểm của anh!

Ngày ấy, tuy phải xoay cuộc sống theo hướng hoàn toàn khác trước, kể cả về tư tưởng nhưng nhiều anh em chúng tôi cũng có lúc tin ở một chừng mực nào đó đất nước sẽ khá dần. Mọi việc đều đâu vào đấy, giáo dục cũng như những ngành khác, ai cũng sợ mất sổ gạo, bị cắt tem phiếu nên cắm đầu cắm cổ làm việc dù trong tình thế này, nhiều người nghĩ mình đang sống ở Goulag! Nhưng thực tế đã không như vậy!

3. Theo thời gian, nhất là sau 1986, mọi chuyện dần thay đổi, từ cỡi trói cho văn nghệ đến khoán 10, từ đa dạng hóa, đa phương hóa trong kinh tế đối ngoại với cụm từ “cải cách, đổi mới, mở cửa” đến “xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. . . xã hội VN bắt đầu biến dạng, cán bộ đảng viên hiện nguyên hình, chế độ bắt đầu phơi bày tất cả bản chất xấu xa của nó. Nếu không có những dự án FDI từ sau 1992, không có nguồn vốn ODA và đặc biệt nếu không có nguồn ngoại hối lên đến cả ngàn tỉ đô la phần lớn là của “khúc ruột ngàn dặm” gửi về cho thân nhân, thì cùng với sự tranh ăn, tranh chức, tranh chấp Bắc – Nam, tranh chấp giữa đổi mới và thủ cựu, giữa phe thân Mỹ và thân Tàu, người dân đã nổi loạn và chế độ này khó tồn tại đến ngày nay dầu rằng điểm đặc biệt của người cộng sản từ bao đời nay là họ có thể giết nhau nhưng khi đảng có nguy cơ sụp đổ thì họ lại cùng nhau bảo vệ (dù biết rằng nó không đáng để bảo vệ).

Hơn 30 năm từ ngày “cải cách, mở cửa”, qua truyền thông mạng, người dân, kể cả con gia đình cán bộ đảng viên “gộc” đều đã nhận ra mặt thật của chế độ, qua bao nhiệm kỳ ĐH đảng, nhiệm kỳ Quốc Hội. Đã có nhiều tiếng nói từ trong lòng chế độ, từ những trí thức cộng sản và nhất là giới trẻ sinh ra và lớn lên từ sau 1975. Không chỉ lên tiếng, giới trẻ còn vượt qua sợ hãi, bất chấp sự đàn áp man rợ của chế độ công an trị, họ sẵn sàng nhập cuộc bằng nhiều hình thức khác nhau mà chống Trung cộng là mục tiêu và khẩu hiệu chính trong đấu tranh. Vì giới hạn của bài viết, không thể kể tên những nhân vật điển hình nhưng cũng xin nói lời khâm phục họ, ở đây.

4. Bất chấp dư luận trong nước và sự lên tiếng của các tổ chức nhân quyền thế giới về cải thiện dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, nhà cầm quyền CSVN ngày càng đàn áp những người phản kháng thảm khốc và chìm sâu vào tham nhũng. Điều tệ hại nhất là họ cùng nhau hút máu nhân dân, chia nhau phần bòn rút, ăn cắp từ các dự án mà câm miệng trước những vụ động trời như Vinashin, Vinalines và hàng ngàn vụ lớn nhỏ khác. Môi trường biển 4 tỉnh miền Trung ô nhiễm trầm trọng qua vụ Formosa, hơn một năm qua, chế độ tìm mọi cách lãng tránh một thực tại đau lòng, hàng trăm ngàn người thất nghiệp, hàng triệu người phải ăn hải sản nhiễm độc. Ngược lại, họ đàn áp thẳng tay những ai đòi công lý cho Formosa chỉ vì SỢ TRUNG CỘNG, chỉ vì tay đã nhúng chàm. Mặc khác, chính quyền sở tại còn làm khó các tổ chức thiện nguyện cứu giúp dân 4 tỉnh và khốn nạn hơn nữa là … ăn chặn tiền đền bù!

Xã hội băng hoại cùng cực, luật pháp không được thực thi vì điều 4 hiến pháp vốn đã không thể chấp nhận, người dân bị bắt vào đồn công an đều bị giết bằng hàng chục cách khác nhau đã lên đến số trăm nhưng không được làm sáng tỏ, công an sử dụng cả đám đầu trộm đuôi cướp để trấn áp các cuộc đấu tranh và ngước lại, giả dạng xã hội đen để phá các cuộc biểu tình chống Tàu, chống Formosa. Công an trở thành thù địch của dân chúng nhất là dân thành phố từ nhiều chục năm nay không khác một thứ Hồng Vệ Binh. Rất nhiều vụ việc bùng nổ hoặc báo chí phanh phui đều chìm vào im lặng kể cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân như vụ hành hung phụ nữ của tên công an Phan Sơn Hùng, vụ hiếp dâm nhiều trẻ con chung cư của tên cựu Giám đốc Ngân hàng Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu. Bán đảo Sơn Trà, sân bay Tân Sơn Nhất cũng chưa thể trở thành nguyên nhân để chế độ này sụp đổ nhưng tất cả những vụ việc này nhất là vụ phản kèo Đồng Tâm gần đây đã làm cho những người có nhãn quan sáng suốt nhìn thấy trước ngày tàn của chế độ đang đến gần.

Không ân oán với chế độ nhưng những người có lương tri mỗi ngày đọc báo đều thấy ê chề trước vận mạng đất nước, thấy nguy cơ mất nước ngày một đến gần, nếu không thì “muôn đời con cháu mai sau” phải trả nợ do chế độ này gây ra không ít. Hiện nay, tuy chưa cùng đứng vào một tổ chức để đấu tranh trực diện lật đổ chế độ nhưng tuổi trẻ VN dấn thân ngày càng đông đảo, mạnh dạn và hiệu quả. Một bạn trẻ, nick FB là Thuan Van Bui, trong mục hàng ngày “Điểm tin và bình loạn” với 28 vấn đề điểm từ báo quốc doanh với 389 likes, 67 shares trong ngày 19/6/2017 là một chứng minh để những ai bi quan sẽ lạc quan, những người trẻ thờ ơ với vận mệnh đất nước và sợ sệt sẽ dấn thân với tất cả nhiệt tình và can đảm của mình cho một Việt Nam tươi sáng.

NGUYỄN NHẬT HUY

SAO KHÔNG ĐỨNG DẬY?

nguyennhathuy

1. Trong môn lịch sử cuối cấp cơ sở và PTTH, sách giáo khoa chỉ dành một ít cho sử thế giới, phần lớn còn lại dành cho sử Việt Nam . Trọng tâm là giành độc lập, kháng chiến chống Pháp, Mỹ – dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Đông Dương (nay là đảng CSVN).

Trong hơn bốn mươi năm qua, với những gì tôi đã đọc, đã chứng kiến kết hợp với những hiểu biết qua sách vở trước 1975, nay tổng hợp, lắng hồn lại và suy nghĩ khách quan, công minh dưới cách nhìn của một người học sử, tôi nhận ra vài điều.

Những người viết sách, dĩ nhiên là công cụ tuyên truyền của đảng nên luôn bôi đen hoặc tô hồng quá đáng thậm chí là tự “đặt điều”. Nói về tội ác của phong kiến, thực dân, đế quốc hay “Mỹ – Ngụy” thường cường điệu, nói về sự lãnh đạo của “đảng ta” và lãnh tụ luôn luôn là “tài tình, sáng suốt, nhạy bén”.

Chuyện “dựng khống” lên thì có từ hồi ông Trần Dân Tiên đến anh Lê Văn Tám và có lẽ còn rất, rất nhiều nhưng “chưa bị lộ”! Hẵn mọi người còn nhớ trước 1975, đài Tự Do ở Miền Nam phát một thời gian dài trong chương trình buổi tối giọng nói của chính anh Nguyễn Văn Bé: “Tôi là Nguyễn Văn Bé, hãy còn sống đây”. Anh Bé cũng chỉ là một nhân vật có thật, còn sống nhưng được tôn xưng là đã hy sinh cao cả!

Còn nhớ có lúc, sách giáo khoa lớp 11 nêu chuyện thực dân Pháp bóc lột công nhân đồn điền cao su ở Đồng Nai làm người đọc có cảm giác như họ sống trong địa ngục hay như trong các “trại cải tạo” dành cho sĩ quan và viên chức VNCH ngoài Bắc sau 1975. Sau này (hồi cuối thấp niên 80 thế kỷ trước), có dịp vào sâu trong các đồn điền cao su này tôi còn thấy những nhà ở chủ đồn điền Pháp xây cho công nhân ngày ấy. Chắc chắn hơn hẵn các nhà tình nghĩa bây giờ về độ bền vì không có chuyện bị ăn bớt vật tư ,Theo năm xây dựng được ghi trước nhà thì quả là còn rất chắc chắn.

Tôi cũng biết cuối những năm chống Pháp (1953-54), ở liên khu 5 gồm các tỉnh Nam, Ngãi, Bình, Phú, chính quyền kháng chiến phát động giảm tô tức, cải cách ruộng đất. Đã xãy ra các vụ đấu tố tiêu diệt địa chủ trong làng tôi dầu họ chỉ là trung nông lớp giữa và lớp trên nhưng giàu có trong làng. Làng tôi, huyện tôi nghèo lắm nên chẳng có ai là địa chủ nhưng nếu không làm thế thì làm sao gây căm thù?. Mặc khác, cán bộ thì muốn đủ và vượt chỉ tiêu nên đẩy lên, do đó, có một sồ người chết oan trong hai năm này nhưng chuyện này nhỏ so với ở miền Bắc những năm 1955-56 nên ít người biết đến!

Trở lại chuyện sách lịch sử, sau bài đầu, “đảng Cộng sản VN ra đời” là bài “Phong trào Cách Mạng 1930-31 và Xô Viết Nghệ Tĩnh”, sách viết hay lắm, đảng giỏi lắm trong việc đấu tranh chống khủng bố trắng. Qua bài học, nếu giáo viên có năng lực diễn đạt, rõ ràng học trò sẽ thấy hình ảnh đấu tranh oai hùng của nông dân và công nhân Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của đảng, chắc cũng sẽ có em còn biết căm thù thực dân phong kiến. Sự thật lịch sử có đến mức như vậy không? Câu trả lời không thuộc mục đích của bài viết này nhưng chắc chắn, tìm trong Văn khố Pháp, tìm trong sách lịch sử còn lại và tài liệu trên internet thì độc giả sẽ có câu trả lời.

2. Nguyên nhân cá chết hàng loạt ven biển miền Trung không bàn nữa, ông Nguyễn Phú Trọng quên cá chết mà chỉ đến thăm Formosa . Bốn vị tai to mặt bự Trọng, Phúc, Quang, Ngân không hề lên tiếng, toàn bộ 19 UV Bộ Chính Trị, 200 UVTW và hình như không có ai trong số 496 đại biểu quốc hội phát biểu câu gì liên quan đến việc này cũng tạm cho qua. Những tuyên bố ngu ngốc vì tiền, vì muốn yên thân của BT bộ Công nghệ – Môi trường tạm tha thứ (vì không làm được gì họ) nhưng rất nhiều người không tha thứ được.

Họ là ai?

Họ là Đặng Ngọc Sơn, phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, người tuyên bố nước biển không độc, hàm lượng các hóa chất trong mức độ an toàn, dân có thể tắm biển, ăn cá thoải mái. Lẽ nào một người làm tới chức đó lại dốt nát đến mức không nhận ra mối nguy khi nước biển nhiễm độc? Chỉ có thể là muốn nịnh bợ để tồn tại trên cương vị này hoặc leo lên cao hơn nhưng không nhận ra hoặc vì quyền lợi cá nhân nên nhận ra mà vẫn tuyên bố . Đó là tội ác, tội ác không riêng với dân Hà Tĩnh mà còn với dân tộc Việt Nam vì tiếp tay cho bọn bán nước và cướp nước.

Họ là Lê Quang Hòa, giám đốc Công Ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh, người đã dùng trang trại của mình để che giấu và chôn lấp chất thải cho Formosa . Hòa có biết trang trại này nằm ở đầu nguồn sông Trí, con sông cung cấp cho sinh hoạt của dân Kỳ Phương, Kỳ Anh, Hòa có biết những chất thải này là cực kỳ độc hại? 145,5 tấn đã được Hòa giúp chôn giấu theo dư luận của nhân dân từ tháng 8.2015 sẽ ảnh hưởng thế nào đến nguồn nước, đến sức khỏe nhân dân? Có tin Formosa đã lén lút đổ rác chứa thải tại khu rừng 327 của thị xã Kỳ Anh chừng 100 tấn mà Cty CPXD Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh (không rõ có phải Công Ty của Hòa) là tòng phạm?

Họ là những người điều hành đập nước thủy lợi Sông Trí (Hà Tĩnh), nơi nằm sát trang trại chôn lấp chất thải rắn của nhà máy Formosa , lại ồ ạt cho xả nước bất thường giữa mùa hè. Đây là hành vi được người dân cho là âm mưu xóa hết dấu vết chôn lấp chất thải chưa bị lộ của Công ty Môi trường Đô thị Kỳ Anh.
Nếu phải kể thêm, danh sách còn có thể dài hơn nhưng chỉ với ngần này cũng đủ để giết nhiều thế hệ dân Kỳ Anh, dân Hà Tĩnh, chỉ là bây giờ chưa phải thời điểm chất độc tác dụng đến cơ thể.

3. Hơn mười ngày trước, ngày 07.7.2016, đồng bào giáo dân Cồn Sẻ, Ba Đồn, Quảng Bình với khoảng gần 3000 người đã xuống đường biểu tình đòi Formosa trả nợ vì họ không thể ra khơi đánh cá, vì họ mất việc do Formosa gây ra. Vậy thì, dân Hà Tĩnh nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung, nơi có truyền thống cách mạng kiên cường bất khuất SAO KHÔNG ĐỨNG DẬY?, nơi gánh chịu hậu quả trực tiếp việc xả thải của Formosa, nơi mà quan chức nhà nước tiếp tay giết dần mòn bản thân, gia đình, bà con giòng tộc mình SAO KHÔNG ĐỨNG DẬY?

Thời 1930-31, nghe theo tiếng gọi của đảng, đồng bào đã đứng lên, đã trừng trị bọn cường hào ác bá, bọn tay sai thực dân ở nông thôn Hà Tĩnh, vậy SAO BÂY GIỜ KHÔNG ĐỨNG DẬY TRỪNG TRỊ ĐẶNG NGỌC SƠN, LÊ QUANG HÒA VÀ BÈ LŨ khi tội ác bọn này hơn hẵn bọn tay sai thời phong kiến?

Có thể, nhiều vị lão thành cách mạng không đồng tình với đảng và nhà nước, tuổi già sức yếu, sợ mất mọi chế độ nếu đấu tranh nhưng sao không nói cho con cháu biết rằng sự hy sinh của cha anh qua bao thế hệ cho độc lập dân tộc đã bị bọn cầm quyền hiện tại, bọn tư bản đỏ nhân danh đảng bán đứng?. Sao các mẹ VN anh hùng, các cựu chiến binh, các gia đình cách mạng, gia đình có công không cho con cháu biết bè lũ cầm quyền hiện nay chỉ là một thứ ma quỹ nói tiếng người để con cháu biết MÀ ĐỨNG DẬY LẬT ĐỔ CHÚNG?
Và hơn ai hết, những công dân Hà Tĩnh, đã tiếp thu kiến thức lịch sử ở lớp 9 và lớp 12, thấm nhuần truyền thống Cách mạng 1930-31 và Xô Viết Nghệ Tĩnh ĐỨNG DẬY ĐI CHỨ? SAO KHÔNG ĐỨNG DẬY?
Nguyễn Nhật Huy

BỐN MƯƠI NĂM, ĐÔI ĐIỀU NHÌN LẠI.

nguyennhathuy

Có đến cả năm sau sự kiện 30.4.1975, các phương tiện truyền thông của “Bên thắng cuộc”, cán bộ trong những buổi họp dân ở xã phường, kể cả họ khi ở ngoài xã hội đều nói nhiều về sự “Phồn vinh giả tạo” của miền Nam Việt Nam!

Ai cũng biết, hệ thống tuyên truyền cộng sản bắt đầu từ Ban tuyên giáo TW xuống dần các tỉnh huyện, các cán bộ bên dưới chỉ làm công việc nhai lại như một con vẹt, “trên” nói sao, dưới nói y vậy, không kể còn tô son điểm phấn, cường điệu và minh họa thêm.

1.Chuyện tuyên truyền rằng miền Nam “phồn vinh giả tạo” vừa nhằm biện minh và giải thích cho quân dân miền Bắc điều mà khi bức màn sắt còn đang đóng trước 1975, họ ra rả kêu gọi đi B để giải phóng miền Nam, ở đó người dân bị Mỹ Ngụy kềm kẹp không có lấy một cái chén ăn cơm! Không nói thế, hóa ra cán bộ và nhân dân cho rằng chính quyền lừa bịp dầu đó luôn luôn là bản chất cộng sản!. Nó cũng là thứ vũ khí mà cán bộ từ Bắc vào hay người Nam hồi kết đều nói để xóa đi mặc cảm nghèo hèn, dốt nát, bị chế độ lừa gạt như dân gian truyền tụng rằng sau 75, nghề hái ra bạc ở miền Nam là nghề lượm mũ cối! (Những người Bắc vào đều đội mũ cối, nhìn những nhà lầu nguy nga trong các phố phường miền Nam cứ say sưa đếm số tầng đến quên cả mũ cối rớt) và như chính Huy Đức trong “Bên thắng cuộc” cũng đã nhắc lại câu nói dân gian sau 75: “Miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”.

Nhà văn nữ Dương Thu Hương, khá nhiều nhà văn tên tuổi của chế độ cũng thú nhận rằng họ mở mắt là nhờ những sách vở còn lại tại miền Nam mà họ được đọc, Huy Đức cũng nói ngay trong lời nói đầu cuốn “Bên thắng cuộc” rằng những bộ đội tập kết về thăm quê miền Nam ra thế nào trong đáy ba lô cũng có dăm ba cuốn sách cũ làm quà và khá nhiều người hiểu thêm thực trạng miền Nam, sự tự do trong sáng tác của văn nghệ sĩ đều từ những nguồn này. Đúng là “phản động”, là đi ngược những tuyên truyền một chiều bịp bợm của họ!

2. Nhiều năm sau, thế hệ những người lớn tuổi nghiệm ra rằng những gì nhà cầm quyền ra rả chống, ra rả nói xấu họ đều làm theo, từ chuyện người vượt biển tìm tự do ở ngoại quốc là “theo địch”, là “phản động” rồi trở thành “khúc ruột ngàn dặm” không xa cách nhau là bao, nói chống Mỹ nhưng con cái cán bộ cao cấp xin đi Mỹ du học tự túc, họ không cần biết hậu quả điều mình nói, việc mình làm miễn là đạt được mục đích nào đó mà suy cho cùng, cái tối hậu là đạt mục tiêu xâm lăng miền Nam và thu vén cướp bóc để hưởng thụ trước khi dâng đất nước này cho Trung cộng!

Bốn mươi năm đã qua, nhớ lại những nội dung này thật thấm thía! Tra vài từ điển trên net, thấy giải thích từ “giả tạo” là “không thật, vì được tạo ra một cách không tự nhiên”, miền Nam phồn vinh giả tạo theo lập luận của cộng sản là nhờ viện trợ Mỹ, Đúng, nhưng là viện trợ của một nước tự do bảo vệ một nước nhỏ trước nạn xâm lăng cộng sản.

3. Với viện trợ Mỹ, một dân vệ VNCH (sau này là nghĩa quân) như du kích có lương tương đương một giáo viên hương sư phụ khuyết (thầy giáo trường làng), thấp nhất trong quân đội và giáo dục là một ngàn năm trăm đồng (1500đ), đủ nuôi sống 1 vợ 5 con và cha mẹ già, thời điểm đó gạo 300đ/tạ. Có tham nhũng không? – Có. Có hối lộ không? – Có! Tham nhũng tiền viện trợ nhưng không tày đình kiểu Vinashin, Vinalines và hàng trăm hàng ngàn vụ động trời khác, không ăn chận vốn ODA dành cho các công trình giao thông quan trọng. Hối lộ ở miền Nam chỉ là của những nhà giàu sợ con đi lính chết trận, những nhà buôn muốn yên thân, ăn hối lộ không cạn tàu ráo máng kiểu công an nhận hối lộ của tài xế xe nghèo xơ xác, kiểu phường khóm nhận của người buôn bán lẻ kiếm sống qua ngày. “Chế độ ta ưu việt” hơn “thằng địch” nhiều, do vậy, hối lộ là cả dây chuyền khép kín, từ trên xuống dưới! Nếu không, Nông Đức Mạnh lấy đâu tiền làm ngai vàng, dát vàng tương Hồ Chí Minh, đồng chí X lấy đâu tiền xây nhà thở tộc >70 tỉ trong lúc phần lớn bộ trưởng, viên chức trung ương kể cả Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu của đệ nhất và đệ nhị Cộng hòa không có hoặc có nhưng nhà chưa bằng nhà một… chủ tịch phường ở Hà Nội! (http://www.baomoi.com/Chu-tich-phuong-cung-xay-nha-khong-phep/148/15863770.epi).

Cái giả tạo đó vẫn tốt hơn nhiều so với cái ưu việt của chế độ ta khi những viên chức sống chính bằng đồng lương là điều không thể!

Hãy vào trang này: http://dulichgo.blogspot.com/2012/09/nha-cu-cua-ong-thieu-se-tro-thanh-iem.html để thấy nhà của mẹ Tổng thống Thiệu và nhà mát của ông ta ở Ninh Chữ (Ninh Thuận), hãy đến đường Nguyễn Huy Tưởng (Bình Thạnh), nhìn căn nhà ngày xưa của cựu Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ để mà hiểu và nói cho con cháu biết chúng phải làm gì?

4. Cũng ngày ấy, bộ máy tuyên truyền ra rả câu “Tội ác Mỹ Ngụy trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận” thì cái gọi là tội ác đó nếu có cũng chưa bằng tội xóa bỏ hiệp định Geneve, gây chiến tranh xâm lăng miền Nam, đẩy hàng triệu người rời bỏ đất nước ra đi, hành hạ hàng trăm ngàn người trong các trại tù, bắt bớ, tù đày hàng chục ngàn người yêu nước và trên tất cả mọi thứ, cắt đất dâng cho Tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc! Thử hỏi bốn mươi năm qua, trên giải giang sơn gấm vóc của chúng ta có phải ở đâu cũng thấy nhà cầm quyền cộng sản đã phạm vào đúng điều mà họ lên án Mỹ Ngụy? . Trở lại định nghĩa “giả tạo là không thật, được tạo ra một cách không tự nhiên” người viết tự hỏi, bằng cấp giả là chuyện phổ biến từ trung ương xuống địa phương vài chục năm nay nhưng cái chức danh giáo sư, học giả, danh hiệu do nhà nước phong tặng cho một con người cao quý như ông Vũ Khiêu có phải là “giả tạo” khi mà những gì báo chí phanh phui thời gian sau Tết là điều không thể chối cải, không thể phản bác và như ông Nguyễn Lân cha của 8 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, một gia đình nổi tiếng lại là cha đẻ của Từ điển từ và ngữ Hán Việt, Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Từ điển từ và ngữ Việt Nam với quá nhiều sai lầm mà dầu công luận lên tiếng nhiều vẫn không mảy may đính chính, có quyển được tiếp tục tái bản đã để lại cho các thế hê sau không biết bao nhiêu thiệt thòi khi tham khảo và nhất là làm hỏng tiếng Việt!

5. Có phải tất cả những chuyện nói trên có nguồn gốc sâu xa từ một người đã khuất mà đến gần năm mươi năm nay (ai cũng tưởng là) được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới cũng là “giả tạo” vì chưa chắc cái xác ướp nằm đó của người đúng với tên người ta nghĩ mà là của một anh Chệt nhưng nhân dân đất nước này đã còng lưng đóng thuế vì chi phí tạm tính cho việc chăm sóc nơi anh Chệt này nằm trong 40 năm theo một bài báo (*) là 249 tỉ, số tiền đó xây được 12.480 căn nhà tình nghĩa (20tr/căn) giúp được 49.920 hộ dân thoát nghèo!!.

Có bao người dân Bắc thầm hoan hô “sự phồn vinh giả tạo” đó của miền Nam?

NGUYỄN NHẬT HUY

(*) http://xoathantuong.tripod.com/tdbc_langho.htm
Mời tham khảo thêm một số link sau đây:
http://thuguibanta.blogspot.com/2015/02/february-27-2015.html
http://thuguibanta.blogspot.com/2015/03/march-6-2015.html
http://sangtao.org/2015/03/20/phong-cach-song-cung-dinh/
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4091&rb=06
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=4443&rb=06

“HỠI NHỮNG AI GỤC XUỐNG NGOI DẬY HÙNG CƯỜNG ĐI LÊN!” (*)

 

nguyennhathuy

Những năm miền Bắc bị không quân VNCH và Hoa Kỳ oanh tạc, nghe kể lại ngoài đó có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, người ta hát khi di chuyển trên Trường Sơn, hát trong sản xuất và chiến đấu chống máy bay Mỹ, hát phục vụ bộ đội đi B. Có cả một đoàn văn công mang tên phong trào này. Âm nhạc nói riêng và văn nghệ nói chung có vai trò lớn trong tuyên truyền, động viên và kích thích tinh thần hăng say sản xuất, chiến đấu, nó như một tiếng kèn thúc quân xung trận.

Trong những năm chống Pháp, người ta biết đến Trường ca Sông Lô, Chiến sĩ Việt Nam, Tiếng gọi thanh niên, Du kích sông Thao của các nhạc sĩ tiền chiến. Ở miền Nam, năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài “Việt Nam, Việt Nam” như là phần kết của Trường ca Mẹ Việt Nam, cùng với bài “Tình ca viết từ 1952” mang đầy âm hưởng dân ca, người nghe thấy rõ tác động và sức thu hút của âm nhạc trong đời sống nhất là khi nhiều con người cùng lứa tuổi, có cùng mục đích, lý tưởng hay ước mơ dùng để thể hiện lòng mình. Tôi nhớ đến ba bài hát mà thời sinh viên chúng tôi rất thường hát: Việt Nam Việt Nam (Phạm Duy), Việt Nam quê hương ngạo nghễ (Nguyễn Đức Quang) và Nối vòng tay lớn (Trịnh Công Sơn), chúng tôi hát trong những lần đi trại, những dịp đi cứu trợ, những khi đi ủy lạo chiến sĩ tiền đồn hải đảo, hát trong các sinh hoạt cộng đồng để động viên, nhắc nhỡ nhau…

Ở Huế đầu năm học 1969-70 tôi vào năm I đại học, lần đầu được nghe nhạc đấu tranh, hai bài đầu tiên còn nhớ được là Hát từ đồng hoang của Miên Đức Thắng và Người đợi người của Tôn Thất Lập. Dầu ở độ tuổi sinh viên nhưng nghe kỹ ca từ đã biết những nhạc sĩ này là ai, muốn gửi gắm điều gì!

Cuối tháng 10.2012, khi Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình sắp ra tòa, một tác giả nữ (Nguyễn Thu Trâm) có một bài trên blog cá nhân nhắc đến tên trên hai chục trí thức, nhà thơ, nhạc sĩ trong thời SV tranh đấu và hỏi họ trong kết luận rằng: “ Sao các anh chỉ chống lại và bức tử một chế độ đã bảo vệ cho các anh đầy đủ mọi quyền tự do kể cả quyền được chống lại họ mà các anh không biết chống lại một chế độ độc tài toàn trị đã tước đoạt của các anh và đồng bào các anh hết tất cả mọi quyền tự do, dân chủ cũng như quyền làm người và họ đang cõng rắn cắn gà nhà và đang rước cả voi về dày mả Tổ? Các anh Trương Thìn, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng…và các thi sĩ, nhạc sĩ, các sinh viên trí thức của Việt Nam ở đâu? SAO KHÔNG XUỐNG ĐƯỜNG?” Sở dĩ tác giả nhắc đến những người này vì đóng góp của họ không nhỏ cho cộng sản Bắc Việt hoàn thành công cuộc thôn tính miền Nam cũng có nghĩa là những phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”, những đêm thơ nhạc ở Huế Sài Gòn với những bài “Tổ quốc ơi ta đã nghe”, “Hát cho dân tôi nghe”, “Tự nguyện”, “Dậy mà đi”…có tác dụng rộng lớn đối với sinh viên học sinh, với đồng bào miền Nam và tiếp tay đắc lực cho cộng sản.
Từ khi Tàu cộng đưa giàn khoan HD 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam hồi đầu tháng 5 với những hành động ngang ngược vừa vi phạm chủ quyền vừa làm hại ngư dân, rất nhiều bài viết trong ngoài nước đã lên án hành động này cũng như thái độ bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm của những người lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước, thậm chí làm ngơ trước những vụ cướp bóc, đốt phá ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh nhân các vụ biểu tình mà đến bây giờ, câu trả lời chính thức của nhà nước cho câu hỏi Ai đứng đàng sau những vụ bạo loạn này vẫn còn bỏ ngõ. Trong khi đó, lời hiệu triệu từ các bài viết mỗi ngày một nhiều, gợi ý cách giải quyết êm thắm để bảo vệ nền độc lập tổ quốc trước nguy cơ Tàu cộng ngày càng tăng lên. Tôi đã đọc khá nhiều, chỉ xin trích dẫn một vài ý của vài tác giả để bạn đọc hình dung.
Có thể kể đó là: Của FB nick Thư viện Việt Nam trong Bài : NẾU TA ĐÁNH SỤM GIÀN KHOAN THÌ CHUYỆN GÌ SẼ XẢY RA?
Thiên Hạ Luận (bên dưới ghi tên Huỳnh Ngọc Chênh nhưng tôi không tìm thấy bài này trong blog Huỳnh Ngọc Chênh)
15/05/2014
“………Nhân dân ta cũng không dễ dàng để bị khuất phục. Khi Tàu đã đánh xuống, thì 100% dân chúng không ai hèn nhát.
Sống chết chỉ một lần. Chết đi còn hơn sống nhục như hiện nay và còn kéo dài đời nầy qua đời khác.
Không còn con đường nào khác, chỉ còn con đường chiến tranh vì không thể van xin mà chúng rút đi giàn khoan. Mà hôm nay nhường nhịn chúng vụ giàn khoan thì ngày mai sẽ tiếp tục nhường nhịn chúng nhiều hơn nữa. Và cuối cùng rồi cũng mất nước.
Đánh thôi. Dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Hết đường rồi. Không ai muốn chiến tranh với nước lớn mạnh như Tàu cộng. Nhưng đến lúc ta không còn đường né tránh nữa rồi.”

-Của ông Lê Xuận Khoa, cựu giáo sư Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn trong bài “Khúc ngoặc của lịch sử” viết ngày 14.5.2014:
“Việt Nam đang đứng trước một khúc ngoặt khó khăn, một tình trạng oái oăm chưa từng thấy trong lịch sử vì chính quyền có thể thuận theo ý nguyện của nhân dân hay ngoan cố duy trì chế độ độc tài tàn bạo dù có phải cúi đẩu tuân phục quân xâm lược. Nhưng nhân dân đã đứng lên với khí thế không có lực lượng phản động nào ngăn cản nổi. Cầu mong cho những đầu óc u mê hãy bừng tỉnh để tránh khỏi kết cục bi thảm và muôn đời bị lịch sử và nhân dân nguyền rủa.”

– Của tác giả Trần Trung Tá trong bài “Dậy mà đi, đứng dậy mà đi” đăng trên Tương Tri số ra ngày 23.5.2014 có đoạn kết như sau:
“Buồn quá khi lật lại những trang lịch sử ố vàng…
Lật lại và thấy những câu Hịch Sát Đát, nước mắt cứ tuôn tuôn.
Hưng Đạo Đại Vương quyết tâm đánh quân Nguyên, kêu gọi ba quân một lòng một dạ. Và quân ta đã thắng!
Nay…Hịch không thấy
Chỉ nghe những lời khuyên: Nhẫn nhịn! Dĩ bất biến ứng vạn biến!
Một câu nhịn chín câu nhục! Không thể được!
Thà sống mái một lần. Thà một lần quyết liệt
Quyết Tử cũng là Quyết Sinh!
Hãy dây mà đi hãy dây mà đi
Anh Em Ơi!”
Nhân lời kêu gọi của tác giả Trần Trung Tá, tôi liên tưởng đến bài “Dậy mà đi” của Nguyễn Xuân Tân, một bài hát đã từng cất lên trong một vài lần biểu tình chống Tàu ở Sài Gòn, Hà Nội thời gian trước và cũng được cất lên trong cuộc biểu tình vào các ngày 18&25/5 vừa qua. Bài “Dậy mà đi” là một bài hát rất có ý nghĩa: “Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi, ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần?…” và “Đừng tiếc nữa can chi mà khóc mãi, dậy mà đi núi sông đang chờ!” Hay quá, phù hợp quá, đúng lúc quá!.
Lại nhớ đến Trần Trung Đạo trong một bài viết đã lâu đăng trên Talawas về bài hát “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang. Đây là lời mở đầu: “Nếu phải xếp hạng những bài hát được sinh ra và lớn lên cùng với thăng trầm của đất nước, với thao thức của thanh niên, sinh viên, học sinh, với tâm trạng của những người lính trẻ trong cuộc chiến tranh tự vệ đầy gian khổ ở miền Nam trước đây, tôi tin, Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang sẽ là một trong những bài ca được xếp hàng đầu.”
Với tôi, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” theo mình trong suốt chặng đường sinh viên, ra trường làm việc của những thập niên 70, 80 thế kỷ trước và còn theo trong vài năm gần đây mỗi khi tôi thấy chùng lòng trước hiểm họa ngoại xâm mà lãnh đạo Đảng và nhà nước đứng về phía kẻ xâm lược, tôi tự hát để hâm nóng niềm tin rằng “Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”. Có lẽ tâm trạng của bao nhiêu người Việt yêu nước khác cũng không thiếu trong tâm tưởng những ca từ thiết tha của nhạc phẩm này, vì thế, như Trần Trung Đạo viết: : “Trước 1975, từ thành phố đến thôn quê, từ các trường trung học tỉnh lẻ đến đại học lớn như Huế, Sài Gòn, từ các phong trào Hướng đạo, Du ca đến các tổ chức trẻ của các tôn giáo như Thanh niên Công giáo, Gia đình Phật tử, từ các quân trường Đà Lạt, Thủ Đức, Quang Trung, Nha Trang đến các tổ chức, đoàn thể xã hội từ thiện đều hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ.
Sau 1975, bài hát theo chân hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức miền Nam đi vào tù. Nhiều hồi ký, bút ký kể lại Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã được hát lên, kín đáo hoặc cả công khai, ở nhiều trại tù khắp ba miền đất nước. Trong tận cùng của đói khát, khổ nhục, đớn đau, Việt Nam quê hương ngạo nghễ đã hoá thành những hạt cơm trắng, hạt nếp thơm nuôi sống tinh thần những người lính miền Nam sa cơ thất thế.
Những năm sau đó, bài hát, như tác giả của nó và hàng triệu người Việt khác lên đường ra biển tìm tự do. Việt Nam quê hương ngạo nghễ lại được hát lên giữa Thái bình dương giông bão, hát lên ở các trại tỵ nạn Palawan, Paula Bidong, Panat Nikhom trong nỗi nhớ nhà, hát lên ở Sungai Besi, White Head trong những ngày chống cưỡng bách hồi hương, hát lên ở San Jose, Santa Ana, Boston, Paris, Oslo, Sydney trong những cuộc biểu tình cho tự do dân chủ Việt Nam, hát lên ở các trại hè, trại họp bạn Hướng đạo, các tổng hội sinh viên Việt Nam tại hải ngoại.”

Từ những suy nghĩ trên, tôi thấy rằng đã đến lúc những người trẻ Việt Nam yêu nước, quan tâm đến tiền đồ đất nước và các tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống Tàu cần trang bị cho mình và tiến đến phổ biến sâu rộng ít nhất là hai bài hát trong kho tàng âm nhạc yêu nước của những người Việt miền Nam trước đây: “Việt Nam quê hương ngạo nghễ”, “Việt Nam Việt Nam” và “Dậy mà đi” trong thời SV tranh đấu nói trên. Dầu có chậm nhưng cũng là việc làm rất cần thiết, góp phần cho công cuộc đấu tranh trong giai đoạn này.
(*) Lời bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang.

NGUYỄN NHẬT HUY

TRĂN TRỞ NHỮNG NGÀY THÁNG TƯ

nguyennhathuy

Cuối tháng ba, đã thấy lác đác trên mạng những hình ảnh về cuộc di tản 1975 ở Tây Nguyên, Quảng Trị, Huế, đã đọc được vài bài viết nhắc lại những chuyện buồn quanh sự kiện Ba mươi tháng tư, lục lại những trang hồi ức của mình, tôi đọc được:
“Tìm cách vượt biên từ Đá Bạc, 12/4 vào được Ninh Chữ, Phan Rang trên một chiếc ghe máy F5 chở được 15 người (lúc đó Phan Rang chưa mất vì quân nhảy dù và TQLC thiết lập phòng tuyến mới ở Du Long để chặn đường tiến của Bắc quân). Chị bốn Tuần, một người quen của gia đình tiếp đãi nồng hậu và nhiệt tình tìm ghe lớn để chúng tôi về Sài Gòn. Tàu xuất phát khỏang 19g, sáng hôm sau thì gặp bão biển phải tấp vào hải đăng Hàm Tân trú tạm, ghe tập trung về càng lúc càng nhiều, cũng vui, lại đươc nhìn thấy hải đăng ở khỏang cách gần nhưng lại lo lắng về tin mất Phan Rang, chủ ghe hoặc là phiêu lưu ra khơi khi đang còn bão hoặc thả khách tại chỗ để quay về đón gia đình di tản! Cuối cùng, ghe chúng tôi là chiếc duy nhất ra khơi ! Nguy hiểm vô cùng và sóng lớn đã nhồi đến nổi những người quen sóng nước cũng không chịu nổi, quần áo cứ ướt rồi khô, khô rồi ướt, ói mữa liên tục đến nỗi thằng em đi cùng sợ quá phải trùm kín đầu mỗi khi một con sóng mới ập lên ghe ! Sáng sớm hôm sau đã nhìn thấy từ xa bãi sau Vũng Tàu, thích thú quá tôi hỏi tài công : “Còn bao lâu thì tới ? “, anh trả lời thật thất vọng: “Cũng không chắc có tới được không vì biển vẫn đang còn bão. Hãy yên tâm chờ!”. Cuối cùng, tạ ơn Đất Trời, ghe cập được vào Bãi Sau, ai nấy đều mừng vui vì thóat chết và đến bến bờ tự do dầu vẫn còn lo và tự hỏi không biết còn được sống tự do đến lúc nào ? Không nấn ná ở thêm tại Vũng Tàu, chúng tôi tìm phương tiện về ngay SG, ghé nhà quen ở Đề Thám, gửi đồ đạc rồi ra phố ăn. Ngồi trong tiệm sang, tư thế thân thể thì yên nhưng đầu cứ lắc lư, chao đảo, hậu quả của trận say sóng kéo dài! Ăn mất ngon!”
…..
“ Trong những ngày hấp hối của nền đệ nhị cộng hòa, khi cuộc tiến công như chẻ tre của Bắc quân đến gần cửa ngõ SG, Tổng Thống Thiệu đã rời VN, chính phủ Trần Văn Hương lúng túng trong giải tỏa áp lực quân sự, nhiều nước có liên quan tìm một lối thóat hòa bình cho cục diện, giải pháp đưa tướng Minh thay Trần Văn Hương có thể dẫn đến một cuộc thương lượng với Bắc Việt nhằm tránh đổ máu không cần thiết được xem là khả thi và tại tòa nhà thượng viện (Hội trường Diên Hồng), quốc hội lưỡng viện đã họp khóang đại để biểu quyết việc chuyển giao quyền lực. Tôi đựợc người quen dẫn vào quan sát – như là một phóng viên ở chuồng bồ câu dành cho báo chí. Hình ảnh đập vào mắt mà tôi còn nhớ mãi là dân biểu Phan Xuân Huy Đà Nẵng trong nhóm chống đối việc trao quyền này đã, trong giờ giải lao, ra ngòai hành lang chưỡi rũa, phân bua, nhắc lại quan điểm của mình và lên án phe đối lập sau khi dùng lan can gạt gãy chai rượu Gin uống ừng ực !!. Và hậu quả việc này thế nào thì chúng ta đều biết. Dầu sao, làm chứng nhân của một sự kiện, một giai đọan đen tối của Quốc gia, Dân tộc cũng không thú vị, tự hào gì nhưng ghi chép lại là điều rất nên !”
Không hiểu vì sao, mỗi năm cứ vào tháng tư, khi có những sự kiện nhắc nhớ là lòng người cứ ngược về quá khứ, cứ suy nghĩ về đôi bờ Bến Hải, giòng sông ngăn cách về địa lý, lịch sử, chính trị hai miền Nam Bắc hơn hai mươi năm và cũng chia cách lòng người bốn mươi năm sau khi nước nhà thống nhất như một bài của nhà báo Phạm Tường Vân từ Sài Gòn gửi BBC Vietnamese tháng tư năm ngoái: “Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức”??
Tôi sinh ra trong một gia đình trung nông nhưng bị quy thành địa chủ ở liên khu 5 thời Việt minh nhưng chưa đến lượt đấu tố cha tôi thì đình chiến, gia đình tôi không ưa gì cộng sản nhưng khi học trường quận, sau mỗi trận Việt cộng đánh đồn bị giết, xác không được đồng bọn đem đi, quân đội Quốc gia đem về bỏ ở Sân vận động cho dân chúng nhìn thấy, nhìn những xác người ốm o và còn rất trẻ tôi vẫn thấy thương họ, thật lòng, họ cũng như những người dân quê tôi, trên những khuôn mặt ngây thơ ấy không thấy nét căm thù dầu trước khi vượt Trường Sơn đi B đều thề “sinh Bắc tử Nam”. Khi học trường tỉnh xa nhà chừng ba chục cây số, đi về hàng tuần những năm 1965-68, thỉnh thoảng tôi nhìn thấy những người dân chết vì bị bắn tỉa lúc đeo bám phía sau xe đò những khi chiều muộn, những xác người không nguyên hình dạng kéo vào vệ đường khi chiếc xe đò trước tôi bị cán phải mìn do du kích gài đêm hôm trước, tôi cũng thấy không ưa gì chính quyền Bắc Việt vì họ đã làm xáo trộn miền Nam yên bình thời “Ngô Tổng Thống” và chính phủ của nền đệ nhị Cộng Hòa khi mà không ngày nào các bệnh viện không phải xử lý các ca thương tích do Việt cộng đặt mìn, pháo kích vào các khu dân cư, đặt chất nổ TNT giết thường dân trong các buổi chiếu bóng, các đêm văn nghệ phục vụ đồng bào!
Mậu Thân 1968, Việt cộng chôn sống quân, dân, cán, chính của Thừa Thiên Huế, giết cả những trí thức người Đức tình nguyện qua giúp thành lập và điều hành thời gian đầu trường Đại học Y khoa Huế, tôi không là dân Huế nhưng đã khóc sướt mướt khi coi trên TV phóng sự do tiểu đoàn 105 Chiến tranh chính trị thực hiện về vụ khai quật những mồ chôn tập thể, nhất là cuối phim bao giờ cũng phát kèm nhạc phẩm Thương về cố đô!.
Miền Nam lọt vào tay cộng sản, không thể làm gì khác hơn ngoài việc chờ đợi và mong nhà nước mới nhanh chóng giải quyết những công việc khi tiếp thu chính quyền trong năm đầu để rồi sau đó cùng bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước trong hòa bình, bù đắp những mất mát hư hại do chiến tranh kéo dài và dân tộc sớm về cùng một mối nhưng chỉ vài năm sau là thấy ngay rằng những mong ước đó là ấu trĩ, là hão huyền vì chế độ mới trả thù những người của chế độ cũ và những người cộng sản khi vào miền Nam, mặc cảm vì thấy mình thua sút dân miền Nam (hãy thử đọc ngay dòng 16 trong lời nói đầu sách “Bên thắng cuộc”), thấy mình bị đảng và chính quyền lừa bịp đã phản ứng bằng thái độ tâm lý bù trừ, phải hành hạ bọn ngụy quân ngụy quyền trong các trại cải tạo tập trung và vô hình trung tạo ra hố sâu ngăn cách ngay sau vài năm đầu! Như thế, làm sao có hòa hợp hòa giải dân tộc?
Đối đầu với đói nghèo về kinh tế, với chính sách hộ khẩu, với sổ mua lương thực, với tem phiếu, với tình trạng thiếu thuốc men, phương tiện y tế… một vài năm, năm mười năm, vài mươi năm, những tên cộng sản nằm vùng, những “cơ sở cách mạng”, những gia đình có công, những tên cách mạng ba mươi dần dà thấy mình bị lừa trong khi bộ máy trấn áp của chính quyền, công an cảnh sát ngày càng mạnh, cả quân đội cũng hưởng được nhiều ưu tiên nên sẵn sàng bảo vệ chế độ đến cùng, bọn họ sẵn sàng đục khoét để ngoi lên, dễ nhất là nhận hối lộ, bắt đầu từ những đảng viên, cán bộ cao cấp rồi đến cả guồng máy, lúc đầu của những gia đình còn của cải dành dụm hay có thân nhân từ Mỹ gửi về, sau là của toàn xã hội, tiếp đến là trong hàng chục năm, làn sóng người đi tìm tự do bất chấp sóng gió, hải tặc, bắt bớ tù đày ngày càng đông, làm sao tìm được tiếng nói chung giữa dân miền Nam với chế độ?
Bắt đầu lên tiếng từ những văn nghệ sĩ , có lẽ tiên phong là nhà văn nữ Dương Thu Hương mà tham luận của cô trong ĐH VI hội Nhà văn Việt Nam là một tiếng sét, sự xuất hiện tác phẩm “Những thiên đường mù”của cô rồi Lê Lựu với “Chuyện làng Cuội”, Ma Văn Kháng với “Đám cưới không giá thú”, Phùng Gia Lộc với bài ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”, Nguyễn Huy Thiệp với “Tướng về hưu”, chưa kể các tác phẩm của Bùi Tín và “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, sau này là Nguyễn Khải với “Đi tìm cái tôi đã mất”… đã vạch trần tất cả những mưu mô và tội ác mà cộng sản đã gây ra cho miền Nam, cho đồng bào ở hai miền, nói chung là nói thật cái mặt trái của một “chế độ xã hội ưu việt!”. Sau các nhà văn, các chính khách xuất bản hồi ký, vài trường hợp đáng chú ý là: Tướng Trần Độ, phó Thủ tướng Đoàn Duy Thành, giáo sư Đại học Nguyễn Đăng Mạnh rồi nhạc sĩ Tô Hải …Mỗi người nêu một khía cạnh, cung cấp một số thông tin ngày càng làm sáng tỏ mặt trái của cộng sản, bản chất con người và chế độ cộng sản. Những người một lòng theo Bác, theo đảng ngày càng chán nãn nhưng họ không làm được gì nên khi không còn tại chức, họ không còn sợ sệt gì hay bớt sợ, càng mạnh dạn lên tiếng rộng rãi.
Đói khổ cùng với nhận thức rõ về chế độ, người dân càng phản ứng nhưng càng phản ứng thì càng bị đàn áp nên mới xuất hiện hàng trăm vụ chống đối, thập niên 80 là vụ Thái Bình sau này là vụ Đoàn Văn Vươn, nông dân Văn Giang… Kẻ thù của chế độ bây giờ đã là toàn dân Việt Nam thay vì dân miền Nam như trước nhưng vẫn không thấy một động thái nào thể hiện thiện chí của chính quyền trong việc hòa hợp hòa giải dân tộc, hay họ nghĩ rằng nếu xóa bỏ vĩ tuyến 17 trong tâm tưởng dân hai miền thì lực lượng chống đối sẽ đông đảo và hùng mạnh hơn?
Nền tảng đạo đức của dân tộc sa sút, kinh tế xã hội đảo điên, tham nhũng từ trên xuống dưới, bọn Tàu cộng gặm nhắm từng tất đất, xâm nhập vào VN bằng nhiều đường nhưng xót xa nhất là công khai cướp bóc trên biển Đông mà nạn nhân nhà những ngư phủ chẳng giàu có gì mà Đảng cộng sản và chính quyền vẫn bàng quan, người yêu nước biểu tình thì bị bắt bớ, đàn áp, tù đày…
Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu thì còn cho là bọn Mỹ Ngụy cũ nhưng Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Phương Uyên, Cù Huy Hà Vũ, Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Đinh Nguyên Kha, Đặng Chí Hùng, Lê Văn Quang… và hàng ngàn hàng vạn người yêu nước bị tù đày thì họ là ai?
Khi internet du nhập vào Việt Nam, khi blog, mạng xã hội facebook phát triển ở Việt Nam ngày càng rộng rãi, trở thành một diễn đàn để người dân phát biểu, khái niệm “bức màn sắt” cáo chung dầu báo chí lề phải, truyền hình và các loa truyền thanh phường khóm vẫn ra rả hàng ngày những “đánh giá cao” những “thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới”…những “thành tựu” đáng tự hào, mỵ dân đến thế! Có khác nào kỹ thuật tuyên truyền mà Hitler nhắc đến trong Mein Kamf!
Có bao điều khiến tôi trăn trở và thấy mình lao đao mỗi khi nghĩ đến:
1. Tại sao kết thúc cuộc nội chiến 1954-75 của Việt Nam không giống như cuộc nội chiến 1861-65 của Mỹ?. Yếu tố địa chính trị hay sự hiện diện thường xuyên của Trung Cộng trong và sau chiến tranh VN đã tác động để VN có một kết cục bi đát cho dân tộc đến thế này?
2. Tại sao một phóng viên báo chí người Đức, Uwe Siemon-Netto chỉ sống ở VN hơn 5 năm trước 1975 mà đã dành cho dân tộc Việt Nam, đặc biệt là những người Việt miền Nam những tình cảm lớn lao đến thế khi anh viết “ĐỨC- Tình yêu của một phóng viên cho một dân tộc nhiều đau thương”? *. Mở đầu tác phẩm, tác giả viết lời TƯỞNG NIỆM như sau: “Cuốn sách này được viết nhằm tưởng nhớ vô số nạn nhân vô tội trong cuộc xâm chiếm Miền Nam Việt Nam của Cộng sản, đặc biệt là:” (tác giả liệt kê 7 đối tượng trong đó, đối tượng thứ 5 là: “Các thanh niên Nam, Bắc Việt Nam động viên vào quân ngũ đã bỏ mạng trong cái gọi là “chiến tranh giải phóng” nhưng đã không mang lại tự do cho ai”.
3. Đọc “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, suốt hơn 700 trang kể chuyện nhà tù ở miền Bắc những năm 1968-73, không hề thấy nhà văn thể hiện ở bất cứ đâu lòng căm thù những người đã đưa ông vào tù, những người đã đày đọa tù nhân bằng ngàn lẽ một cách, không căm thù cái hệ thống đã tạo ra nhà tù và những cai tù mà chỉ là kể chuyện, với cách diễn đạt, từng câu, chữ của ông đậm đầy tình đầy nhân ái. Tôi tự hỏi tại sao con người không biết thương yêu nhau mà hành hạ nhau kinh khủng đến thế và nhà tù dành cho con dân của xã hội ưu việt là thế thì nhà thù dành cho người của chế độ cũ sẽ kinh khủng đến mức nào?
4. Bốn năm trước, nhà văn Khuất Đẩu ** trong “Một nước Việt buồn”đã đưa ra 10 câu hỏi rồi tự tìm cách trả lời, đến nay đã có được bao nhiêu giải đáp?. Và sau một năm, nhà báo Phạm Tường Hân đã có thể trả lời chưa cho câu hỏi: Có còn chăng một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?
Gia đình tôi không có nợ máu với Cộng sản, cũng không hưởng ân huệ gì của Quốc gia ngoài những năm tháng thanh bình, no cơm ấm áo, được sống trong không khí tự do dân chủ nhưng đã bốn mươi năm qua rồi, dân tộc Việt Nam vẫn còn điều linh quá. Những lao đao, trăn trỡ này không biết còn đến bao giờ?
NGUYỄN NHẬT HUY

*Quyển sách có đến 8 nhận định và lời ca ngợi in ở trang bìa và 2 in ở bên trong của những nhân vật khá nổi tiếng thuộc nhiều lãnh vực trên bình diện quốc tế. Tác giả hiện nay là một Tiến sĩ thần học và là giám đốc sáng lập Trung Tâm Thần Học Lutheran và Đời Công (bản dịch của Lý Văn Quý & Nguyễn Hiền)