VÀI KỶ NIỆM VỀ NHẠC VŨ THÀNH AN.

1. Tôi biết đến nhạc Vũ Thành An từ năm 1969 khi đang học dự bị MPC Đại học Khoa học Đà Lạt. Hè năm ấy, SV Đại học Đà Lạt được gửi xuống Quân trường Lam Sơn gần Dục Mỹ, cách Nha Trang 45km để học quân sự trong chương trình Quân sự Học đường, chuẩn bị kiến thức cho SV khi phải cầm súng.

Từ Đà Lạt, vào phi trường Cam Ly đi máy bay C123 xuống phi trường Nha Trang rồi xe quân sự chở ngay ra Lam Sơn. Chương trình kéo dài 5 tuần lễ, học các kiến thức quân sự căn bản để trở thành một người lính như sử dụng vũ khí, bắn súng, chiến thuật, cách đọc và dùng bản đồ địa hình . . . Nam SV các khoa sắp xếp thành một tiểu đoàn, mỗi khoa là một đại đội, học hành, ăn ở như một tân binh quân trường.

Hôm ấy chúng tôi học chiến thuật vào ban đêm. Sau bữa cơm chiều, trước giờ học, tiểu đoàn đốt lửa trại sinh hoạt, anh tiểu đoàn trưởng là SV năm tư Chính trị Kinh doanh lên hát góp vui bài “Tình khúc thứ nhất” của Vũ Thành An. Giữa núi rừng đêm, bên ánh lửa bập bùng, tiếng đàn guitare thùng và giọng hát trầm ấm của anh lôi cuốn tôi – một người yêu âm nhạc, biết và thuộc khá nhiều nhạc tiền chiến, dân ca và cả giòng nhạc Bolero 1960-65 – một cách khá đặc biệt, nhất là khi luôn trong tâm trạng nhớ nhà, nhớ thành phố, không người tâm sự ngoài bạn học cùng lớp nay trở thành đồng đội. “Tình vui, theo gió mây trôi, ý sầu rơi xuống đời. Lệ rơi, lấp mấy tuổi tôi mấy tuổi xa người. .”, “Tình vui, trong phút giây thôi, ý sầu nuôi suốt đời, “Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai. . .” những câu hát cứ làm tôi bâng khuâng, xao xuyến mà không hiểu vì sao?.

Năm sau về Huế học, tôi có nhiều dịp nghe nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này và thuộc được khá nhiều “bài không tên” bên cạnh bài “Tình khúc thứ nhất”. Khi biết rằng có hai bản nhạc Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn (“Tình khúc thứ nhất” và “Anh đến thăm em đêm ba mươi”sáng tác khi đang ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa) tôi càng thích thú hơn vì tinh thần triết Đông với tư tưởng “Âm trung hữu dương căn/ Dương trung hữu âm căn” thấm đẫm trong từng ý nhạc.

2. Năm 1973, tại đêm sinh hoạt Đại Hội Liên Đoàn SV Công Giáo Huế, tôi mới được gặp Vũ Thành An. Anh cao lớn, đẹp trai, râu quai nón, với giọng Bắc trầm ấm, anh hát hai bài tặng những người có mặt “và riêng tặng các chị cư xá Mai Khôi”(Cư xá Jeane D’Arc ngày ấy). Đó là “Anh đến thăm em đêm ba mươi” và một sáng tác mới “Một lần nào cho tôi gặp lại em”. Được gặp một nhạc sĩ mình mến mộ, được nghe anh hát, với tôi là một hân hạnh. Có lẽ đây cũng là tâm trạng chung của những người sinh viên yêu âm nhạc ngày ấy. Hãy tưởng tượng, bạn đến thăm nàng “đêm ba mươi”, tận cùng năm, tận cùng tháng, tận cùng ngày, không gặp nàng nên phải “nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Lãng mạn và đa tình quá phải không?

3. Từ một “Phó tế” ở Mỹ, Vũ Thành An về Việt Nam theo đuổi một số công việc từ thiện. Dịp này, Vũ Mạnh Hà phỏng vấn ông và gửi cho BBC Vietnamese (*) mà tôi có duyên được đọc. Từ đây, điều ngày xưa nhóm bạn chúng tôi thường nhận định về ông được xác nhận: ông là người “khổ vì tình”. Điều này thể hiện qua nhiều tình khúc của ông, nhất là qua chuỗi những “Bài không tên”. Những trích dẫn dưới đây trong ca từ của một số bài nói lên điều này: (số đứng đầu mỗi đoạn trích là số của các “bài không tên”).

3. Đêm sâu mái tóc em dài
Buông xuôi, xuôi theo dòng đời
Mà đời dài như tiếng kinh cầu
Còn sầu mang đến cho nhau

4. Triệu người quen có mấy người thân
Khi lìa trần có mấy người đưa?

5, Hãy cố yêu người mà sống
Lâu rồi đời mình cũng qua

6. Chờ nhau, xót xa chờ nhau, hắt hiu chờ nhau,
Năm vàng ngày héọ

7. Bao nhiêu mộng mơ đó
đã tan theo một cơn gió
bơ vơ dòng tóc vỡ
trôi dạt về bến nghìn đời.

Khi được hỏi có phải ông khổ vì tình, Vũ Thành An nói: “Cuộc đời của tôi khổ vì tình chứ. Mình thất tình. Tất cả là tôi thất tình không à. Là khi yêu mình không lượng sức. Mình đặt niềm tin vô quá cái sức của mình, nên là mình thất bại thôi”

Bốn câu trích trong 4&5 là những câu bây giờ người ta hay dùng để nói với nhau khi trong câu chuyện có nội dung phù hợp cho thấy sức cuốn hút trong âm nhạc của ông cũng như việc nó đi vào lòng người yêu nhạc là điều không thể chối cải, chỉ là tính quảng đại của nó hẹp hơn nhạc Trịnh Công Sơn.

4. Qua bài phỏng vấn tôi được biết thêm là trong bài không tên cuối cùng ông viết năm 1965 và đến 1991 viết lời 2 “Bài không tên cuối cùng tiếp nối” có sửa chữa nội dung vì sợ hại cho người ngày xưa ông yêu. Mời các bạn đọc đoạn trả lời dưới đây thay cho lời kết của bài viết này:

“Cái ý chính là thế này, Bài không tên cuối cùng tôi viết: “Con đường em đi đó đúng hay sao em/ Mưa bên chồng có làm em khóc/ Có làm em nhớ những khi mình mặn nồng…” Thì cũng hay nhưng nó lại hại cho người đó. Tự nhiên người ta cứ đi chỗ này chỗ kia hát như vậy thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của cô đó. Ông chồng đó cứ nghe cái đó là nổi nóng lên.

Cho nên tôi hối hận là đã viết câu đó. Nhất là trong thời gian tôi cải tạo từ 1975 cho đến 1985. Nhưng đến khi tôi được ra, được tự do nói lại, thì tôi nói thêm một cái lời như lời xin lỗi cùng người bạn đó: “Này em hỡi con đường em đi đó/ Con đường em theo đó đúng đấy em ơi/ Nếu chúng mình có thành đôi lứa/ Chắc gì ta đã thoát ra đời khổ đau…”.

PS: Khi tôi tìm thêm một số thông tin cho bài viết này thì được biết thêm rằng, ca sĩ Lệ Quyên mà tôi từng ca ngợi trong vài bài viết về cô và giòng nhạc Bolero cũng là người “mê” và thành công với các nhạc phẩm của Vũ Thành An. Tôi thật sự vui vì điều này.

NGUYỄN HOÀNG QUÝ

Sài Gòn tháng 3/2019

(*)https://www.bbc.com/vietnamese/world-47550216

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s