SỐNG Ở MỸ DỄ HAY KHÓ

 

Phần 6: VỀ CÔNG ĂN VIỆC LÀM

Chúng ta đã biết, có 3 cấp độ kiếm tiền cơ bản, cho dù ở đâu: 1. Dùng sức để kiếm tiền; 2. Dùng tri thức, kỹ năng để kiếm tiền; 3. Dùng tiền để kiếm tiền. Với một người mới nhập cư, như mình đã nói ở phần đầu, hầu hết mọi loại bằng cấp ở VN đều không “tương thích” trên đất Mỹ. Nên “cấp độ” kiếm tiền thứ 2, chỉ có một số ít người thỏa mãn được. Cấp độ kiếm tiền thứ 3, nhiều người tuy có vốn, nhưng để đầu tư, dùng đồng tiền sinh lợi ngay cũng không hẳn là việc có thể triển khai trong ngày một ngày hai. Nên “cấp độ” kiếm tiền phổ thông nhất vẫn là “dùng sức để kiếm tiền”. Thời đoạn này kéo dài bao lâu, hẳn nhiên tùy thuộc vào sự hòa nhập nhanh hay chậm của “chủ thể”.

Với việc “dùng sức để kiếm tiền” cũng có mấy yếu tố, tỉ lệ thuận với thành công: Khả năng tiếng Anh, sức khỏe và nỗ lực. Trong đó yếu tố thứ ba dường như lại quan trọng nhất, tất nhiên chúng ta tạm coi yếu tố sức khỏe mọi người đều ở mức chấp nhận được. Có một điều khiến người nhập cư cảm thấy tự tin hơn, đó là ở Mỹ anh làm việc gì, vị thế cao hay thấp, đều không bị cái rào cản “sĩ diện” gây khó dễ. Mình biết có người Mỹ gốc, rất thành đạt, nhưng lúc đã nghỉ hưu, thấy buồn tay buồn chân bèn vô siêu thị xin làm cái việc… bỏ hàng vô bịch ni lông cho khách. Vẫn thưa gửi lịch lãm, gọi khách hàng là “ông bà”, cảm ơn, chúc một ngày tốt đẹp… Ngay cả làm cùng một công ty, người ta cũng chẳng biết lương ai cao, ai thấp, “lính” hay “sếp”, chủ hay tớ cũng cày hùng hục như nhau… Mới hôm rồi, gia đình mình kiểm tra trong nhà, thấy trên mái thiếu một con ốc, bèn gọi điện cho chủ đầu tư. Rất bất ngờ khi người xuất hiện là ông kiến trúc sư trưởng, phụ trách toàn bộ việc thi công của cả khu hàng trăm nhà. Ông này bắc thang hì hục trèo lên mái, kiểm tra, rồi đi lùng tìm đúng con ốc còn thiếu, sau đó lại hì hục trèo lên lắp con ốc, hoàn toàn không kêu bất cứ một “lính lác” nào làm thay cái việc nhỏ nhặt ấy.

Để bắt tay ngay vào một công việc phổ thông trên đất Mỹ là không hề khó. Các tiệm nail như ở bang mình luôn dán thông báo tuyển người dày đặc khắp nơi. Một người chưa biết gì về nail, bắt đầu đi học rồi túc tắc đi làm, trong vài tháng đã có thể có thu nhập 700- 800 đô/tuần. Một thợ nail giỏi ở bang mình có thể kiếm 6-7 ngàn đô/tháng. Một công việc khác, đối tượng du học sinh hay chọn, đó là bồi bàn, phụ bếp, lương tính theo giờ, cộng thêm tip (ở VN hay gọi theo kiểu Pháp là tiền “boa”), một ngày có thể kiếm trên dưới 100 đô. Một công việc khác, thích hợp với nam giới, đó là vào làm trong các hãng, xưởng, đứng dây chuyền sản xuất, phụ việc trong các siêu thị… Mấy công việc này thường xuyên có ở các trung tâm giới thiệu việc làm miễn phí của chính phủ. Bạn tới đó, để lại hồ sơ, số điện thoại của mình, khi có việc trung tâm sẽ kêu ngay, bằng những nhân viên nói ngôn ngữ của bạn. Mấy việc này, lương trung bình, khởi điểm ở mức thấp, khoảng 8- 10 đô/giờ. Tuần làm 40 giờ. Nếu làm quá số giờ có thể được tính lương lũy tiến. Nhiều người chọn làm đúng 40 giờ/tuần, nhưng dồn vô, ngày làm 10- 12 tiếng. Coi như giải quyết trong nửa tuần, nửa còn lại đi kiếm việc khác. Vì vậy nhiều người siêng, có thể “cày” từ 2- 3 việc. Với mức thu nhập trên 2 ngàn đô một tháng, cả hai vợ chồng cùng đi làm là hoàn toàn đủ trả góp một căn nhà khang trang, hai chiếc xe, nuôi hai đứa con cùng toàn bộ chi phí. Làm trên hai ngàn đô là bắt đầu có dư, tích lũy, hoặc du lịch đó đây khi rảnh. Đó là tình hình ở Texas, bang mình. Mức thu nhập và chi phí này có thể khác biệt ở những bang khác.

Nói ra có thể đơn giản, nhưng sự cực nhọc là có thật, tùy từng công việc, từng môi trường. Sự cạnh tranh giữa những người cùng hoàn cảnh có thể rất gay gắt. Môi trường làm việc ngột ngạt. Giờ giấc thay đổi lộn xộn, việc phải làm các ca từ tối đến sáng hôm sau xảy ra thường xuyên, vợ chồng con cái có thể ít gặp mặt nhau, nhất là với những người… quá siêng kiếm tiền. Tuy nhiên, với tình hình chung như vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao sau vài năm “cày ải”, hầu hết những người nhập cư bắt đầu ổn định dần với số tiền tích góp được. Thêm nữa nhiều người tranh thủ vừa làm vừa học, nên sau vài năm họ vừa có vốn tài chính, vừa có vốn tiếng Anh, nhiều người lận lưng thêm được tấm bằng Mỹ. Vậy là cất cánh. Nếu đã giữ được chữ “siêng”, cũng như “trời cho” sức khỏe ổn định, chẳng mấy người lâm vào cảnh thất bại.

Sau khi bước qua giai đoạn dùng sức để kiếm tiền, người ta bắt đầu kiếm tiền bằng kỹ năng, bằng cấp. Thu nhập từ tính giờ, chuyển sang tính lương theo năm. Ngoại trừ những giai đoạn khủng hoảng trầm trọng- khá hiếm hoi, hầu hết người dân Mỹ sống “hồn nhiên”, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu, không cần lo nghĩ quá nhiều tới “ngày mai”, vì tiền thuế họ đóng hằng năm đã đảm bảo cuộc sống về già. Các hàng quán còn rút ra một đặc điểm rất… lạ, đó là ngày người ta xài tiền nhiều nhất là những ngày… sắp phát lương mới. Đúng, khi sắp có lương, dân Mỹ bắt đầu kiểm tra tài khoản và… xài cho bằng hết số còn tồn đọng của tháng trước! Qua cách sống này, mình có một sự liên tưởng đến hoàn cảnh sống của người dân bắc bộ và nam bộ trước đây. Miền bắc, vì thời tiết thay đổi thất thường, đất đai khá khô cằn bởi hệ thống đê điều đắp kín, không bồi mới phù sa, con người sống phụ thuộc, bấp bênh vào “mệnh trời”, nên người dân dần hình thành thói quen tích góp, phòng cho những năm mất mùa, đói kém. Còn người dân đồng bằng nam bộ, thời tiết khá ôn hòa, sản vật luôn có sẵn, vì vậy họ ít có thói quen tích góp, phòng hờ, làm bao nhiêu xài bấy nhiêu. Nước Mỹ giờ đây cũng vậy, nếu có ai đó sống tiết kiệm không phải là họ thiếu thốn mà đó là tác phong sống giản đơn. Anh tiết kiệm 100 năm, số tiền giữ được chưa chắc đã bằng anh học lấy một tấm bằng, từ đó có thu nhập vượt trội.

Cấp độ thứ ba là dùng tiền để kiếm tiền. Ngay khi đặt chân đến đất Mỹ mình đã thấy hai biểu hiện rất rõ của một nền kinh tế phát triển, đó là lãi suất ngân hàng thấp, tiền thuê mặt bằng rất rẻ. Hai yếu tố này khiến người ta rất dễ làm ăn và nó khuyến khích, tạo điều kiện cho người ta làm ăn. Ngược lại, nó loại trừ những đối tượng “ăn sẵn”, như bỏ tiền vô ngân hàng rút lãi suất, hoặc có mặt bằng cho thuê rồi sống phè phè, mặc người kinh doanh è cổ gánh trên vai cái gánh nặng rất phi lý. Khi đã ở Mỹ một thời gian, có một số vốn trong tay, dù mình chưa có kinh nghiệm, nhưng quen một số bạn bè doanh nhân họ đều nói: Khi đã có vốn thì nhìn quanh ở đâu cũng có cơ hội kiếm tiền. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tối giản, mọi mắt xích vận hành đã đâu ra đó hàng trăm năm, từ nhân sự, thuế má, hệ thống luật… Bạn cứ đặt đồng vốn vào hệ thống ấy và nó chạy, rất minh bạch. Ai càng có nhiều ý tưởng, nhiều sáng kiến, càng có nhiều khả năng thành công. Ngược lại, bạn đặt vào hệ thống ấy… sự gian trá, lập tức nó sẽ hất ra ngoài, hoặc phải trả những cái giá rất đắt.

Mọi thứ có vẻ “thông thoáng” như trên, vậy tại sao ở Mỹ vẫn có dân thất nghiệp, thậm chí là vô gia cư? Thực sự có hai đối tượng rất khó để có thể hòa nhập vào xã hội Mỹ, khó hơn rất nhiều so với cùng đối tượng ấy nếu sống ở VN: Đó là nghiện ma túy và… từng ngồi tù. Bất cứ hãng xưởng, công ty nào, sau khi phỏng vấn xin việc, ứng viên đều phải đi xét nghiệm máu. Nếu bạn dương tính với ma túy, coi như mọi cánh cửa đóng sập. Tương tự như thế, nếu bạn từng ngồi tù. Án tích đeo bạn cả đời, không xóa được trong hệ thống. Ngay cả việc bạn từng vi phạm luật lệ giao thông ở mức nặng, ví dụ say rượu lái xe, “cái vết” ấy cũng bị lưu luôn. Hầu hết các nhà tuyển dụng, các công ty, cho đến các ông chủ nhỏ đều e ngại khi tuyển những đối tượng này. Và sự “khắc nghiệt” ấy dần đẩy người “có vết” trôi từ nhà ra ngõ, rồi trôi dần tới gầm cầu. Tất nhiên, khi rơi xuống đáy cùng, trở thành những đối tượng như vậy, chính phủ lại có những kế sách an sinh khác dành cho họ. Tuy nhiên điều đó là rất nhục nhằn, giữa một xã hội coi trọng tự ái như đất Mỹ.
Hẹn các bạn tiếp tục ở kỳ sau, mình sẽ nói về hệ thống nhà cửa và việc mua nhà trên đất Mỹ.

NGUYỄN DANH LAM

Advertisement

Những kẻ thất lạc

nguyendanhlam

Xe ngang chừng dốc thì dừng lại. Ngồi yên một lúc rồi bác tài ngoảnh ra sau:
– Xin lỗi, bà con xuống ít phút. Có thể đi vệ sinh… Có tiếng nhốn nháo: Dừng bao lâu đây? Một tiếng khác, có vẻ rành: Hư thế này, không khéo tới tối.
Anh quảy cái ba lô, nhảy xuống lòng đường. Nắng run trên mặt nhựa. Xung quanh trống hoác. Một sắc cỏ khô vàng, nhòe tận chân mây. Dòm xuôi dốc, thấy có bóng cây, một mái lá, anh quyết định thả bộ về hướng ấy. Tuy khá xa, nhưng còn hơn ngồi chịu trận ở chỗ này. Anh rất dị ứng với cái nóng. Xe sửa xong sẽ đổ thuận chiều, sẽ nhảy lên, chẳng sao. Anh quay bảo gã lơ:
– Tôi xuống cuối dốc, kiếm nước uống. Lát đi ngang bấm còi kêu giùm.
Hơi nóng hất lên từ mặt đường khiến anh sa sẩm. Lâu lắm rồi anh chưa lội bộ trong tình trạng nắng gắt như thế này. Anh quờ tay xuống bụng, thấy da mình lạnh ngắt. Mới có mấy năm, tất cả đã bệ rạc đi nhanh chóng. Cơ thể dường như không còn hòa hợp với xung quanh nữa. Hơi thở anh từ mũi tụt dần xuống hai đầu gối, khiến nó run lên bần bật.
Thật may, đã tới quán. Có cả võng, vài chiếc ghế bố. Anh lựa góc ngồi xuống, đưa tay vét những giọt mồ hôi quanh cổ. Có giọng nói từ chái sau vọng lên:
– Có khách, lên coi người ta mua gì kìa.
Thay cho câu trả lời, là tiếng chậu thau va đổ, tiếng con nít khóc ré lên. Lặng im lúc nữa. Một bà già tay cầm quạt đi vào. Anh gọi chai nước ngọt. Bà già với tay lên cái tủ gần đó, quơ chai nước, đặt trước mặt anh, thêm cái mở nắp chai. Chai nước có dung tích dễ đến nửa lít, bên trong chứa một chất lỏng vàng vàng. Anh đoán là nước cam.
– Bà cho con ly nước đá.
– Ở đây không có đá.
Anh chỉ nghe được thế, không có thêm gì khác. Anh mở nắp, dốc ngược chai, hơi ga ộc ngược cuống họng, đắng ngắt. Anh phun búng nước ra nền. Một đám bụi bốc lên từ chỗ vệt nước, một đám ruồi phóng ào lên một lượt, và ngay lập tức, hàng chục con khác lại lấp vào.
Coi như mua một chỗ ngồi. Anh duỗi mình, úp cái nón lên mặt, đám ruồi lập tức bò rơn rơn mu bàn tay. Những vệt mồ hôi chảy sau cổ gây cảm giác nhột nhạt khó chịu. Anh lại cất mình dậy, ngoảnh qua khoảng liếp trống phía sau, nhìn thấy cái giếng. Bên giếng, là bóng một người đàn bà. Anh lục ba lô, tìm chiếc khăn.
Lúc anh bước vào, người đàn bà cũng vừa rời giếng nước. Anh liếc ngang khoảng lưng, dáng đi…
– Chị làm ơn cho xin miếng nước rửa tay!
Người đàn bà đã bước vào đến chái bếp, ngoảnh mặt lại:
– Ông cứ lấy xài.
Anh giật nhoàng người, suýt chút nữa đã buông tiếng “Em” nhưng lập tức kịp kềm lại.
Vục mặt vào cái khăn đến mấy chục giây, anh phà ra một hơi thật mạnh. Không, không thể nào! Chỉ là một phiên bản trùng lắp. Hé mắt ra, anh nhìn vào khoảng bếp, thấy thấp thoáng một bóng trắng. Rõ ràng cô ta đã nhìn thấy anh mà chẳng hề phản ứng gì. Nhưng… biết đâu… Hình dung anh đã thay đổi quá nhiều, mái tóc, cách phục trang, cả tướng tá cũng đã trôi ra ngoài hình dạng cách đây mấy năm…
Anh cố ý rửa thật kỹ mặt mũi, cả hai cánh tay, khoảng lưng đẫm mồ hôi cũng được cái khăn mát lạnh lùa vào. Bóng trắng khi nãy đã khuất hẳn phía sau bếp.
Anh nhắm mắt, cố ghì hai chân xuống mặt đất, trong khi chúng tiếp tục run. Khoảng lưng ấy, mái tóc ấy… không thể là người khác… Duy có đoạn hông đã hơi bè ngang. Xương chậu phụ nữ là nơi có thể thay đổi dễ thấy nhất trên cả cơ thể. Sau khi sinh nở, chúng có hình chữ nhật, chứ không phải hình thang cân như thuở con gái. Mà rõ là cô ta đã có con, cái tiếng khóc óe lên khi nãy.
Anh thẫn thờ trở lại ghế ngồi, đầu ráng ngoảnh đằng sau. Như trêu ngươi, khi anh vừa buông mình xuống ghế, người đàn bà lại trở lại giếng nước. Anh kéo ghế, xích ra một đoạn, điều chỉnh sao cho thuận hướng nhìn nhất.
Anh nhớ rõ từng cọng lông mày, mỗi đường cánh mũi, những gợn môi. Bao đêm rồi, tất cả cứ hiển hiện. Giờ thì chúng đấy, ngay trước mắt anh, tuy hơi thấp thoáng. Chỉ có nước da là hơi khác… Có lẽ nào?
Cánh cửa bên hông quán kẹt mở khiến anh giật mình. Bà già khi nãy xuất hiện, vẫn cái quạt phe phẩy.
– Bà ơi, bà đến ở vùng này lâu chưa?
– Có ở đây đâu. Nhà chỗ khác. Chỗ này mướn cất quán…
– Bán được không bà?
– Thì ông thấy đó.
– Bà ở đây một mình sao? Vắng vẻ thế này…
– Còn con trai, dâu, cháu – Bà già thở ra một tiếng, buông mình xuống cái võng gần đó.
Vậy là anh có thể khẳng định “người ấy” đã yên phận chồng con. Nhưng bà già đang nằm kia, đu đưa cánh võng, quạt úp bụng, hai mắt khép hờ. Anh chẳng thể nối dài thêm câu chuyện cho đến khi tìm được những thông tin khả dĩ, cũng chẳng thể đường đột quay lại giếng nước, càng không thể gọi tính tiền để buộc cô xuất hiện. Ánh mắt anh càng rụt rè hơn trong những cái ngoái nhìn về phía giếng.
Con đường trước mặt vẫn ngút dài trong nắng. Phía xa, ngược chiều với chỗ xe anh dừng xuất hiện một chấm đen. Tiếng nổ xe máy đinh tai từ khoảng cách cả cây số. Chiếc xe tấp vào quán. Gã đàn ông đen nhẫy nghiêng người gạt chống, uỵch từ trên xe xuống một cái bao.
Bà già cất mình khỏi võng, lơ đãng ngó ra, rồi lại thả mình xuống. Gã đàn ông văng một câu chửi thề, kèm theo tiếng quát to:
– Bộ đui hay chết hết trơn rồi hả, sao không ra phụ một tay?
Như phản xạ, anh đứng dậy:
– Để tui phụ anh.
Gã đàn ông hất một cái nhìn sang phía bà già:
– Ông này ở đâu ra vậy?
– Khách thôi…
– Khách thì ngồi đó đi…
Anh lóng ngóng ngồi xuống. Vừa lúc ấy, thiếu phụ bước lên.
– Biến đâu nãy giờ, bộ không nghe người ta về sao?
– Tui đang kẹt…
– Kẹt cái gì cũng quăng đó – Lại nối tiếp một tràng những tiếng chửi tục.
Anh không kềm được cái nhìn trực diện về phía người đàn bà. Trong khi hướng mắt cô ta lại là cái bao nửa nằm dưới nền, nửa trĩu trên tay gã đàn ông.
Hàng trăm hình ảnh chồng lên nhau, nhòe đi như những bản in bị lỗi. Quá khứ – hiện tại, xác định – hồ nghi… Bàn tay ghì chặt thành ghế, anh như ngất đi trong tích tắc. Tiếng chân huỳnh huỵch về hướng nhà sau. Vẫn những chuỗi chửi thề tục tằn.
Anh ước sao ngay khoảnh khắc ấy được nghe tiếng còi xe toe lên trước quán, để lên đường ngay tức khắc. Một cái gì đó trào lên ngang ngực. Sự tổn thương? Sự tan rã? Anh nghĩ mình đang lên máu. Để lại chiếc ba lô chứng tỏ mình chưa rời quán, anh bước ra khoảng sân phía trước. Bóng cái xe vẫn câm lặng trên sườn dốc. Lốm đốm vài bóng khách.
Quang cảnh như thể siêu thực. Bốn phía chói chang, dựng ngược. Ngôi quán kỳ lạ hệt một tảng thiên thạch vừa rơi xuống từ vũ trụ. Anh còn thức hay đang mơ? Chuyến xe kia từ đâu đến, và sẽ đưa anh về đâu? Tại sao anh lại hiện diện ở chốn này?
Những vệt nắng như đổ ngược từ sườn dốc xuống, cuốn quanh chân anh tựa một dòng suối. Mồ hôi lạnh ngắt cứ nhỏ dọc sống lưng, vài đốm đen nhảy nhót, lửng lơ trước nhãn cầu. Anh có cảm giác mình sắp rơi vào sự cố nguy hiểm cho sức khỏe…
Lựa chọn sáng suốt nhất là ngay lập tức quay lại chỗ ghế bố. Anh buông mình xuống ghế. Da thịt òa ra tứ phía. Anh nhắm mắt, đắp cái khăn ướt lên mặt. Trong khoảnh khắc bồng bềnh, anh nghe có tiếng cãi vã ở nhà sau. Giọng cộc cằn chát chúa của gã đàn ông. Những lời phân bua, rên rỉ trách cứ của người đàn bà.
Không thể nhầm lẫn được, ngay cả giọng nói ấy, hình như có khàn đi tí chút, nhưng vẫn là của cô. Chỉ có thể là cô. Lắng qua ký ức anh, cái âm rên rỉ kia chùng xuống thành thủ thỉ. Xa ngút mà gần gũi. Đau đớn mà dịu êm. Cô đã nhìn ra anh chưa? Anh tin, dù chỉ một cái liếc mắt của cô, anh vẫn thu được, ngay cả những phản xạ nhỏ nhất. Nhưng anh vẫn không dám chắc là cô chưa hề nhìn ra anh. Một người khách lạ bỗng xuất hiện trong cái quán nhỏ này, đâu phải là việc hay xảy ra… Anh sừng sững đứng đó, lẽ nào cô chỉ chú mục vào cái bao hàng và gã chồng?
Nhưng anh nhận ra mình đã ngồi khá lâu, nên lại đảo mắt vào tủ hàng. Chẳng còn gì có thể mua ngoài mấy gói thuốc rẻ tiền. Anh không hút, nhưng vẫn gọi một gói, để sẽ quăng đi chứ không thể cứ tiếp tục ngồi ỳ ra thế này.
Không phải cô, lại vẫn bà già xuất hiện. Sau khi lấy gói thuốc cho anh, bà hỏi anh có cần diêm. Anh lắc đầu, cảm ơn, tìm cách gợi lại câu chuyện.
– Cái anh hồi nãy là con bà phải không?
– Nó đó chớ ai. Trời cho có một mình nó. Hồi nhỏ cưng quá, lớn chẳng ra làm sao. Tưởng cưới vợ về, lo chí thú làm ăn, thì khá được, vậy mà nghèo cũng cứ nghèo. Tiền bạc có bao nhiêu đưa hết cho nó… Bà già nửa như nói với anh, nửa như độc thoại.
– Vợ anh ấy hình như không phải người ở đây?
– Thì vậy đó…
Những câu nói của bà già cứ như treo trước anh một quả bóng. Anh dồn sức đấm vào, nó lại bật sang hướng khác. Bà già tiếp tục rơi vào trạng thái lơ mơ. Anh nhón chân ngồi dậy, nhìn ngược về hướng chiếc xe. Nó vẫn còn đấy.
Cô lại hiện ra bên giếng nước, tay cắp cái thau. Anh ngồi thụp xuống ghế, ghé mắt qua khe liếp. Cô nhướn người kéo sợi dây gàu. Một khoảng lưng lộ ra, trắng run dưới nắng. Đây mới đích thực là làn da thuở ấy. Tháng ngày, bao thăng trầm, thay đổi chỉ có thể làm sạm đi duy nhất gương mặt cô… Anh càng tin chính là cô đang ở bên mình…
Cô đổ nước, vớt những bộ quần áo nặng trịch, đen đúa ra. Hai cánh tay chống vào cái thau, đỡ cả khoảng lưng trĩu nặng. Mắt anh nhòa đi.
Bóng gã chồng lảng vảng. Vẫn những tiếng hậm hực, lầm bầm. Anh làm sao có thể bước lại bên giếng mà hỏi chuyện cô trong tình cảnh thế này?
Thời gian nặng trĩu trôi qua cái bóng cây cứ dài dần ra trước cửa quán. Đã hơn hai tiếng đồng hồ, kể từ khi anh rời khỏi xe. Đúng là tiến thoái lưỡng nan, anh không thể nào rời mắt khỏi cô, nhưng cũng không có lý do để nấn ná thêm được nữa. Mà chẳng lẽ quay trở lại xe, ngồi dưới cái nắng cong người và chờ đợi chẳng biết đến lúc nào… Anh định gọi thêm chai nước nữa, nhưng lại nhìn thấy chai kia còn bỏ dở trên bàn, ruồi bu đen. Anh chưa hề đụng đến nó, từ ngụm đầu đắng ngắt.
Anh ỳ câm, thiêm thiếp, ráng rũ khoảng bồng bềnh trong trí óc. Có lẽ hãy nghĩ về công việc ngày mai, thứ công việc đã nhồi anh suốt bao năm. Anh đã ném mình vào đó và tất cả rã ra từng mảng, tan chảy, trôi đi cùng thời gian, cuốn theo cả linh hồn cả thể xác…
Cô vẫn hì hục cùng thau quần áo. Có lẽ đây là thứ công việc của ngàn ngày. Giữa cái nơi quạnh vắng, hoang vu bát ngát này, phải định nghĩa cuộc đời cô là gì? Ngẫm vậy chứ đời cô thì có mấy khác anh? Giữa anh và cô, nếu thực đấy là cô, có những tương đồng đầy hài hước, đắng cay về ý nghĩa cuộc đời. Cái tương đồng ấy trôi song song qua một hố thẳm ngay giữa, không cách gì bồi lấp…
Có tiếng máy xe ỳ lên phía đầu khoảng dốc. Trái tim anh như bị ai bóp nghẹt. Một cuộc chia tay? Có đúng là lại một cuộc chia tay? Hay người đàn bà trong kia chỉ là một sản phẩm của ảo giác. Cả vụ hỏng xe, cả ngôi quán này, đều là sản phẩm của một cuộc đào thoát ngắn hạn khỏi hiện thực quá nhàm chán bởi chính linh hồn? Và anh đang bập bềnh trong giấc mơ giữa một cơn say?
Điều ấy vẫn xảy ra. Ngay cả cô của ngày xưa cũng chỉ là một âm bản, một nửa của chính anh thất lạc mà anh mãi mỏi kiếm tìm… Anh lìm lịm với những ý nghĩ ấy trong khoảng thời gian để chiếc xe trôi từ lưng dốc xuống cuối dốc.
Và giờ nó đã đến, thật rồi. Còi toe lên. Bóng gã lơ đu cửa, đập thình thình vào thành xe những tiếng ầm ầm như có láy âm:
– Lên xe, lên xe! Nè, ông kia, ngủ rồi hả?
Anh muốn cất mình khỏi ghế mà không sao nhúc nhích được. Bóng cô nhòe đi trước mắt. Anh thèm lao lại, siết chặt hình thể ấy trong tay, vùi mặt mình vào gương mặt ấy, hứa định một thời điểm trở về…
Anh cầm ba lô, bước lùi ra khỏi quán sau khi ném vội lên bàn tờ giấy bạc. Bà già hiện ra, nhìn tờ bạc trên bàn và ông khách đang thất thần lùi khỏi quán bằng ánh mắt ơ hờ.
Chiếc xe trôi chầm chậm. Anh nhào lên, tay vít cửa xe. Bóng cô từ giếng nước bỗng lao vụt vào nhà trong. Từ mé ấy, một đứa trẻ chạy chúi về phía cô. Gã đàn ông lăm lăm cây roi trên tay, quất nháo nhào theo sau con bé. Cô gào lên, ôm con bé vào lòng.
Trong khoảnh khắc cuối cùng, anh thấy gã đàn ông vung roi. Cô đưa tay ra đỡ. Bàn tay xòe lên trong không khí với năm ngón cong oằn.
Anh thét to một tiếng, tay bưng ngực, ngã chúi vào người gã lơ. Những ánh mắt trên xe dồn cả lại.
– Ông ấy bị sao đó?
– Trúng gió, hay là cảm nắng… Trời nắng thế này… Có ai giúp một tay?
Xe xuôi hết dốc. Nó phải chạy bù cho khoảng thời gian đã mất khi phải dừng lại sửa.
Chiều xuống dần phía đồi núi mênh mông…

NGUYỄN DANH LAM

NHỚ

nguyendanhlam

Xa xăm ngồi nhớ xa xôi
Lưng chừng rụng, nửa chừng rơi, chưa về
Quê nào cho bống làm quê?
Dòng buông chấm cuối bống nhòe vào sông

Mênh mang ngồi nhớ mênh mông
Nhớ chi vàng cả cánh đồng mênh mang
Vàng chi cho hắt hiu vàng
Đò ơi chở nắng đi sang nắng nào?

Chênh chao ngồi nhớ chênh chao
Nhớ ra nẻo vắng, nhớ vào bờ không
Biển về sông hết là sông
Chẳng sông mây vẫn bềnh bồng sao mây?

Mai sau ngồi nhớ mai này
Bàn tay rằm nhớ ngón tay xuôi rằm
Muôn phương gợi nhớ muôn trùng
Vàng ơi cho gửi đáy sông chấm vàng…

NGUYỄN DANH LAM

Mất tích

nguyendanhlam

Anh Hai mất tích. Ấy là việc cả nhà biết sau ba ngày anh không ló mặt khỏi phòng. Bà giúp việc báo trong bữa tối:
– Không biết thằng Hai đi đâu, mấy đêm rồi tui không thấy nó về ăn cơm?
– Chắc lại đi đâu đó với đám bạn. Nó đòi tôi tiền mua cái xe mới. Nhưng tôi chưa cho. Nó có vẻ vùng vằng- Mẹ bảo.
– Bà lên phòng nó một lần nữa coi sao- Ba đặt cái điện thoại vừa bấm tin sang bên.
Bà giúp việc đi lên. Báo phòng vẫn khóa. Mẹ bảo:
– Hay lấy cái chìa dự phòng mở thử coi?
Cửa phòng mở. Cả nhà thấy chiếc xe được dựng ngay cạnh giường ngủ, trước dàn máy tính. Trong phòng còn váng vất mùi thuốc lá, hình như từ cái gạt tàn đặt gần bàn phím bay lên. Song không có điếu thuốc nào đang cháy dở trên đó.
Chẳng một tin nhắn hay thư từ để lại. Cái điện thoại anh Hai vẫn dùng đặt cạnh gối nằm, pin vẫn còn. Áo quần bận dở treo nguyên trên móc. Vấn đề đầu tiên ai cũng thắc mắc, tại sao cái xe nằm đó. Đúng loại xe anh Hai xin tiền mẹ mua. Vóc dáng cỗ máy vô cùng đồ sộ. Phòng anh Hai ở lầu ba. Nếu muốn khiêng cái xe lên, đặt đúng vị trí ấy cũng cần tới ba bốn người hò hét. Trong khi bà giúp việc bảo, tui chỉ ra đến chợ đầu hẻm là xa nhất, chưa bao giờ đi quá nửa tiếng đồng hồ.
Sự việc được trình báo. Nhà chức trách cho người tới làm việc. Mọi địa chỉ bạn bè anh Hai được lần tìm. Tất cả những nơi anh thường ghé đều bị xới tung. Kết quả nhà chức trách báo, vẫn là không.

Mẹ bảo, chờ ít hôm nữa coi sao. Ba, theo lời ông nói, đã bỏ hẹn mấy đối tác, vì chẳng còn đầu óc đâu để làm việc. Song cũng chẳng mấy khi ông có mặt ở nhà. Nửa đêm tài xế thả trước cổng, ông xách cái cặp lảo đảo lên phòng. Mấy phút sau nghe tiếng ọe lồng lộn. Bà giúp việc thất thần đi lên. Mẹ hậm hực với màn xức dầu, lầm bầm chửi vu vơ.
– Bà chửi ai chớ hả?- Tiếng ba từ phòng vọng ra- Nó đòi cái xe thì cho mẹ nó đi. Tôi biết bao giờ bà chẳng cho nó. Nhiều cái nó xin còn động trời hơn. Tôi nói nhất định không cho, rồi bà cũng dấm dúi cho. Kiểu này nó “dằn mặt” bà, mua cái xe ném trong phòng rồi bỏ đi, chớ không có nguyên nhân nào khác.
– Ông có bao giờ hé cho tôi số tiền nào vô cớ? Đến một cắc cũng phải giải trình đầy đủ, thậm chí đưa lại từng tờ hóa đơn. Thêm nữa, ông tối ngày ngoài đường, có biết gì việc nhà mà nói. Con ông mấy đứa, ông còn không rành nữa đó.
Lại tiếng ba ọe lồng lộn, rên hừ hừ. Cô nhét cặp phone vô tai. Mấy bản nhạc số đứt đoạn. Chẳng mấy khi cô gặp mặt anh Hai. Mỗi anh em một phòng, giờ giấc mỗi người một kiểu.
Đã nửa tháng trời qua đi. Ba bảo:
– Bà lên đài truyền hình với mấy tờ báo nhắn tin thử coi sao?
Mẹ bảo:
– Tôi loay hoay tối ngày. Thêm nữa cũng có biết đài báo ở đâu mà loan tin? Còn chi phí nữa. Ông muốn chi bao nhiêu, lên đó mà chi trực tiếp. Rồi lại còn bắt tôi đi lấy hóa đơn.
Bà giúp việc bảo:
– Hay ông bà để tui đi. Đài báo chắc họ có hóa đơn đàng hoàng. Chỉ có điều không biết rao như thế nào?
– Bà cứ lên đó, mấy mẫu tìm người mất tích họ có cả. Cứ điền tên thằng Hai với địa chỉ nhà mình vô.
Bà giúp việc đi.
Đài truyền hình phát tin nhắn. Mấy tờ báo đăng rao vặt. Con ở đâu mau về. Ba mẹ tha thứ mọi lỗi lầm. Mẹ đang bệnh nặng… Chẳng một hồi âm. Mẹ đã đi gần hết mấy cái chùa trong bán kính ba trăm cây số, theo chỉ bảo của mấy bà cùng câu lạc bộ thể dục buổi sáng. Anh Hai chẳng về.
Tròn một tháng ngày anh Hai mất tích. Bà giúp việc nửa đêm bỗng dựng cả nhà dậy:
– Tui nghe có tiếng game vẳng ra từ phòng nó. Rồi tiếng gì như thể tiếng xe máy đang nổ.
Cả nhà lên thang gác. Áp tai vào cửa phòng. Đúng những âm thanh quen thuộc từ khi anh Hai còn ở nhà. Cửa phòng được mở. Một mùi ẩm mốc ùa ra, dù đèn bật sáng. Chiếc xe vẫn lừng lững ở vị trí ấy. Màn hình máy tính lặng câm. Mẹ nhòm gầm giường. Ba lầm bầm:
– Cái giường cách đất có mười phân, nó có là thánh mà chui vào đó.
– Thế ông không nghe rõ tiếng gì à? Cái phòng kín thế này, nó còn trốn chỗ nào nữa?
Cô không thể phủ nhận thính giác mình. Mọi người đều vậy. Nhưng có lẽ chỉ là một cơn ảo giác tập thể.
– Bà có mở đèn trong này không thế?- Mẹ hỏi bà giúp việc.
– Tui vẫn tắt chớ có mở bao giờ đâu, phòng chẳng có ai, mở làm gì cho tốn điện.
– Nhưng rõ ràng hồi nãy đèn mở?
– Quả thực tui cũng đang thắc mắc về điều đó…
Một cơn rùng lạnh chạy dọc sống lưng cô. Hay tất cả chỉ là những lớp ảo giác chồng lên nhau? Cô về phòng. Suốt từ đó đến sáng dở giấc. Những tiếng động, rất rõ ràng từ phòng anh Hai tiếp tục vẳng xuống. Mẹ đi lên đi xuống mấy lần. Ba nửa nằm nửa ngồi nơi cái đi-văng trong phòng khách. Bà giúp việc bắt đầu nấu bữa sáng từ lúc ba giờ.

Những ngày kế tiếp, ba về thưa thớt hơn. Ông bảo, tôi phải đi, nó có thể về lại, chứ những cơ hội làm ăn nếu đi sẽ chẳng dễ gì đến lại. Những ngày hiếm hoi ông về nhà, tiếng cãi vã lại vẳng ra từ phòng ba mẹ. Cô nghe hết. Hình như mẹ hồ nghi ông có một gia đình khác. Một đứa con trai ở đâu đó để ông chuyển hướng “đầu tư”.
Ngày giỗ ông nội. Ba đứng trước bàn thờ khấn:
– Con có lỗi với ba. Con không giữ được đứa cháu đích tôn. Ba sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cả nhà.
Cô đứng gần ba. Nghe chữ “đích tôn”, bèn trở về phòng.
Trong bữa ăn, mẹ đột nhiên bảo:
– Ông phải cho tôi mã số két sắt. Ông đi tối ngày, lỡ có việc gì, tôi chẳng biết xoay xở thế nào.
Ba cứng người trong giây lát. Giọng ông gằn lại:
– Bộ bà muốn tôi chết bất đắc kì tử hay sao mà lại đề nghị ngang xương như thế?
– Dù gì tôi cũng là vợ ông. Cái két ấy để trong phòng ông, cũng là phòng tôi suốt bao năm nay. Vậy mà chưa một lần tôi thấy nó hé mở.
– Nếu không phải là tôi giữ mã số cái két ấy, giờ nó rỗng tuếch ra rồi. Mà tôi có giữ riêng cho mình đâu? Bà, chúng nó, cần tiền xài, tôi vẫn đưa đủ cơ mà?
– Đưa, nhưng một cắc cũng ghi hóa đơn, cũng cộng trừ, số má- Mẹ nhếch mép.
– Đấy, cũng chính vì thế mà nó còn, nó có nhiều thêm lên. Công việc của tôi dĩ nhiên phải là những con số rồi. Tiền không phải là số thì là gì?
– Thế đưa cho người khác ông có lấy hóa đơn không?- Mẹ cười cười.
Ba buông xoảng chén đũa.
– Bà nghi ngờ tôi chứ gì. Tôi thừa biết. Nhưng tôi thề trước bàn thờ cha tôi cho bà hay, tôi chẳng có ba cái máu me lăng nhăng ấy. Tôi không như bao thằng dại gái khác, làm cả đời, rồi để cho gái nó “hút máu”.
Ba ngậm cây tăm bước ra vườn ngoài. Trên bàn thờ ông nội mấy nén nhang cháy cong cong.
Từ đêm đó, mẹ ôm đồ xuống ngủ nơi cái phòng vẫn dùng đón khách tới lưu trú ở lầu dưới. Nó vốn bỏ trống hầu như quanh năm.
***

Và ba mất tích. Thường ba có thể đi suốt tuần, nhưng bao giờ cũng báo. Nhưng lần này ông đi đã mười hôm. Điện thoại luôn ngoài vùng phủ sóng. Hộ chiếu ông không bỏ két sắt, vẫn nằm tủ ngoài. Chứng tỏ ông không xuất cảnh. Bà liền gọi gã tài. Gã cũng ngớ ra:
– Con tưởng chú đi công tác nước ngoài. Đêm cuối cùng chở chú về, con vẫn bỏ xe ngoài bãi gởi, rồi không thấy chú gọi. Thường chú vẫn đi bất ngờ, chỉ khi nào cần mới kêu con đánh xe qua.
– Mày chạy liền ra bãi, coi chiếc xe còn đó không?
Gã tài đi ngay. Mười lăm phút sau báo lại, xe vẫn còn. Những cuộc điện thoại dồn dập tới mọi ngõ ngách. Vô vọng. Nhưng bằng tính toán của mình, mẹ chưa báo nhà chức trách. Những mối quan hệ làm ăn nhằng nhịt của ông, nếu để nhà chức trách nhảy vào, đôi khi sẽ rắc rối. Không loại trừ đây là sự mất tích có chủ đích của ông. Mẹ bàng hoàng nhớ tới cái két sắt.
Cái két sắt vẫn ở đó, câm lặng trong hốc tường. Bà bảo bà giúp việc:
– Bà đi tìm ngay một thằng thợ, tới mở cái két ra cho tôi.
Thợ mở két sắt tới. Lần mò một hồi, mồ hôi nhễ nhại, gã thở ra:
– Cái két này lạ lắm cô…
– Là sao?
– Hình như nó không có cửa.
– Như thế là sao?
– Dạ, rõ ràng nó không có cửa mà đúc liền thành một khối.
– Cửa kia thôi. Làm gì có két không cửa. Không có cửa người ta bỏ đồ vô ngõ nào?- Mẹ trợn mắt.
– Nhưng đó chỉ là cửa giả. Quả tình nó được đúc liền.
– Vậy thì đục nó ra.
– Với bề dày thế này- Gã gõ gõ vào cái két, lắng nghe- Muốn phá được chắc phải dùng… mìn cô ạ.
Mẹ dường như phát điên.
– Anh nói giỡn à? Cứ khoan vô thử coi?
Gã thợ mở máy khoan. Mũi khoan tóe lửa như ủi vào kim cương. Vài phút sau, đầu mũi khoan phẳng lì. Gã thợ thở ra:
– Con đầu hàng.
Trong nhà chỉ còn toàn phụ nữ. Sự việc anh Hai và ba mất tích nhiều người đã biết, khiến mẹ lo lắng về khả năng an ninh. Nhưng báo nhà chức trách vẫn là điều bà chưa tính đến. Gọi gã tài xế tới ngủ canh, cũng không phải giải pháp hay. Mẹ mua về hàng loạt ống khóa. Lắp thêm còi báo động.
Đêm ấy, những tiếng động lạ lại vẳng ra từ phòng ba. Tiếng đi lại, tiếng thở phì phì, tiếng ọe. Và đèn mở, dù trước đó đã được tắt.
– Cái nhà này bị ma ám rồi. Để tao về lại phòng ngủ- Mẹ ôm mớ mền gối trở về phòng cũ.
Bà liệng tấm nệm mỏng nằm ngay cửa cái két, mở máy lạnh, chùm mền kín mít.
Bà giúp việc run rẩy:
– Bà có cần tui lên đó ngủ chung không?
– Không, tôi xưa nay chẳng sợ gì ma cỏ. Bà cứ ở dưới ấy.

Rạng ngày, cô xách giỏ tham gia chuyến du lịch biển cùng đám bạn. Xe đi hai trăm cây, mẹ gọi vào điện thoại.
– Mày biến đâu sáng giờ?
– Con đi chơi xa. Ở nhà đến điên mất.
– Nhà đã vắng người. Cái két vẫn ở đây. Mày biến đi luôn, để hai cái thân già ngồi canh, chúng nó vào giết sạch thì sao?
– Mẹ thuê người đến mà canh. Sức con làm gì được nếu chúng nó đã cướp.
– Thuê ai? Tin ai được mà thuê? Rồi chính cái đám mình thuê nó giết mình thì sao?
– Con chả biết. Con không chịu nổi nữa rồi- Cô rút phone khỏi tai. Mặc tiếng bà vẫn léo nhéo thêm một lúc.
Rạng ngày, khi gã bạn trai đang hì hục lần thứ ba trong căn phòng tối mờ, ì ầm tiếng sóng, cái màn hình điện thoại của cô lóe sáng, chớp liên tục trên đầu nằm.
– Mẹ kiếp, sao em để điện thoại giờ này?
Cô nhắm nghiền mắt:
– Em quên.
– Kệ nó đi.
– Ừ- Cô nhét cái điện thoại dưới gối.
Gã xong. Cô quờ cái điện thoại. Mấy cuộc gọi nhỡ. Toàn số máy nhà. Cô gọi lại.
– Bà đi đâu mất rồi cô ơi. Đêm qua tui ngủ với bà trong phòng. Mới thiếp đi một lúc, mở mắt ra bà đã biến mất- Giọng bà giúp việc run bần bật.
– Anh lấy xe chở em về thành phố trước tụi nó.
– Cái gì, giờ này về á hả? Anh đang mệt lả ra nè.
– Nếu anh không chở, em phải ra đường bắt xe thôi. Đến lượt bà già mất tích rồi.
– Chắc bả đi đâu đó.
– Nhưng ở nhà chỉ còn mỗi bà giúp việc, với chừng ấy tài sản. Em cũng chẳng biết bả từ đâu ra. Mối mẹ em mướn. Lỡ có chuyện gì.
Quá trưa, xe về đến cổng. Bà giúp việc kê ghế ngồi bên thềm.
Gã bạn trai theo hai người lên phòng. Hai tấm nệm mỏng, cùng mền gối vẫn còn nguyên. Tấm của mẹ trước két sắt. Tấm của bà giúp việc kề cánh cửa ra vào phòng.
– Đó, tui nằm chỗ này. Làm sao bà có thể mở cửa ra ngoài mà tui không hay?
– Vậy mẹ tôi đi đâu?
– Tui sợ lắm cô ạ. Nói ra thấy kì, nhưng cứ như… bà đã biến mất vào trong chiếc két vậy. Cô nhìn đi, đôi dép bà vẫn mang trong phòng nằm ngay cửa chiếc két. Cứ như bà bỏ đó, bước vào trong.
– Ảo giác. Tất cả chỉ là ảo giác thôi. Tôi đang mơ hay tỉnh vậy nè? Hả hả?- Cô lắc lắc gã bạn trai.
– Em bình tĩnh đã.
Bà giúp việc thì thào:
– Thêm nữa, sau khi phát hiện bà mất tích, tui đang đi lòng vòng trong nhà kiếm, bỗng nghe tiếng ông bà cãi nhau trong phòng. Tui chạy lên. Tiếng ấy vẳng ra từ phía cái két. Còn trên phòng cậu Hai, cái xe ấy nó vẫn nổ máy. Nhưng vào thì không có gì.

Gã bạn trai về, cô như người rơi khỏi mép vực, chới với, chẳng còn nơi bám víu. Bà giúp việc làm cơm trong nhà bếp, chợt kêu ối. Cô lao vào. Bà đang bụm ngón tay, máu chảy ròng ròng.
– Bà còn cơm nước làm gì nữa. Có ai ăn đâu?
– Dù gì cô cũng phải ăn. Nếu không bệnh mất.
– Tôi chẳng ăn uống gì nữa đâu. Bà cứ nằm mà nghỉ.
Cô lên phòng. Mặc tất cả, chốt kín cửa, ngủ vùi sau hai ngày mỏi mệt. Gần chín giờ tối, cô xuống thang. Bà giúp việc ngồi như cái bóng nơi phòng khách, mắt hướng ra phía cổng. Thấy cô, bà ngước ánh nhìn mệt mỏi.
– Tui nói ra thiệt không phải. Nhưng tình cảnh này khiến tui không thể chịu đựng nổi nữa…
– Ý bà muốn về quê?
– Không- Bà quơ quơ cánh tay trong không khí, rồi khựng lại giữa chừng- Tui về rồi cô ở với ai?
– Bà không phải lo việc ấy. Đến tôi còn xì- trét, bà lớn tuổi rồi, lỡ đâu căng thẳng gục xuống thì thêm khổ. Lúc ấy tôi cũng chẳng biết xử trí thế nào. Nên bà cứ về quê là tốt nhất.
– Cô ở lại một mình sao?
– Việc ấy bà không phải lo. Mà như bà nói, ba mẹ tôi còn trong cái két. Anh Hai tôi vẫn ở trong phòng. Tôi có một mình đâu.
Đêm ấy bà giúp việc lục tục dọn đồ. Rạng ngày bà gõ cửa phòng cô, òa khóc. Cô tiễn bà ra cổng. Trời còn mờ sáng. Gã bạn trai hẳn chưa dậy để cô có thể nhắn tin.

Cái ghế đá bên cánh cổng đồ sộ ướt hơi khuya, cô ngồi như hóa thạch. Những tiếng động mơ hồ vẫn từ tầng cao căn nhà vọng xuống.
Trưa ấy, gã bạn trai cô lái xe tới. Xách từ khoang chở đồ phía sau xuống cái va li nhỏ, gã cười cười:
– Anh ở tạm với em. Càng tự do chớ sao. Qua một thời gian rồi tính.
– Nhà này không có garage. Xe ba em còn phải bỏ ngoài bãi.
– Thì cứ để xe trong sân, chỗ này. Anh có ở lâu đâu mà lo.
– Sao anh bảo, chỉ cặp gương chiếu hậu xe anh đã mắc bằng cái xe máy. Lỡ mất mát gì thì sao?
– Ờ thì vậy. Cổng nhà em có chuông báo động, đúng không?
– Nghe mẹ em bảo, gắn rồi.
Gã lao vào cô ngay bậc cầu thang. Cô ngã người nghiêng xuống, nhắm mắt. Ngày đầu tiên, hắn đòi hỏi cô bốn năm lần. Một tuần qua đi, nhịp độ ấy giữ đều. Cô mặc đồ, cởi đồ như một cái máy mỗi khi hắn ập lại. Những lúc tàn canh, bợt bã, sức nặng của hắn khiến cô nghẹt thở.
Đêm ấy, khi lồng ngực bị chèn cứng, cô mở mắt, thấy một chiếc xe hơi đang đè xuống người mình.

NGUYỄN DANH LAM

Thành Phố Khi Xa

nguyendanhlam

Chào nhé những dòng xe
Những khung cửa lấm đầy bụi khói
Những hàng người kim đồng hồ dồn tới
Những đôi môi tiếng nói cứ thưa dần …

Một người đi thành phố chẳng vắng hơn
Mà ngàn người cũng dễ gì trống trải ?
Phía sau lưng chẳng một người con gái
Phung phí nữa giờ cho nỗi nhớ chiều nay !

Cuộc sống thăng bằng trên những cái bắt tay
Mặt trời và máy lạnh
Cơn khát và nước ngọt
Căn phòng hẹp và chiếc Ti-vi …

Một người xa thành phố chẳng hề gì
Sao quay quắt một người lại nhớ
Không hẳn như thói quen
Mà đó là hơi thở
Dẫu chỉ một lần
Nuôi nhịp đập – Trái tim !

NGUYỄN DANH LAM

Những con chim chết –

 

nguyendanhlam

Vừa mở cửa anh đã thấy nó nằm đó, giữa nền sân thượng, một con chim sẻ, loại chim vẫn bay đầy trời, nhất là ở nông thôn vào những ngày mùa vụ xưa kia. Giờ nghe nói chúng đã bớt nhiều, bị săn bắt đến hàng xe tải. Ở thành phố, chúng nấp khéo léo đâu đó phía trên những mái ngói, cứ rạng ngày là nghe lích rích. Anh chưa bao giờ làm thử một cuộc điều tra coi chúng sống ở đâu, làm tổ bằng cách nào.

Tiến lại gần, anh hơi hoảng, khi thấy con chim đã bị mất phần đầu, dấu vết của một cú cắn khá tàn bạo. Thủ phạm đích thị là con mèo. Chỉ có điều anh hơi lấy làm lạ, tại sao con mèo không ăn con chim một cách trọn vẹn cho bữa khoái khẩu của nó mà lại bỏ ngang?

Những con chim chết – Truyện ngắn của Nguyễn Danh Lam – ảnh 1 Mời các bạn nghe toàn bộ tác phẩm
Anh rướn đầu qua khe giàn bông, nhìn lên phía cái bồn nước. Quả đúng con mèo đang nằm ở đó, liu thiu trong nắng sớm. Búm lông vàng thanh cảnh, thư thái đến thờ ơ, chẳng có vẻ gì chứng tỏ nó vừa bỏ lại vật thể tội tình phía dưới kia. Anh muốn bằng cách nào đó bắt được con mèo, đưa nó xuống phía con chim. Để nó chứng kiến, kèm theo đó là lời răn đe, từ sau không được làm thế nữa. Thứ nhất, bắt một con chim là việc thật bất nhẫn, dù anh biết chim sẻ vẫn là thứ loài mèo dùng để luyện tập săn bắt. Thứ hai, nếu bắt rồi cắn ngang bỏ đó, cái xác sẽ là mồi nhử kiến, chẳng mấy chốc chúng sẽ bò đầy sân thượng và tấn công xuống nhà dưới. Tuy nhiên khi anh “meo meo” một lúc lâu, con mèo vẫn nằm ì, đầy biếng nhác. Tất nhiên nó chưa chết, búm lông vẫn phập phồng, uể oải. Không còn nhiều thời gian cho việc dạy dỗ con mèo về hành động kia, bốn lăm phút nữa anh sẽ phải đến công ty. Còn phải thể dục mười lăm phút, kể cả tắm và ăn sáng. Anh gắp con chim, bỏ vào cái lỗ đào dưới bồn cây, lấp đất lên, dằn thật kỹ.

– Em đưa con đến trường. Đĩa bánh cuốn để trên bàn nè, có chả đó, anh coi chừng con mèo – Tiếng cô từ nhà dưới.

– Được rồi, em đi đi, con mèo nó ở trên này. Cu Tít chào ba chưa con?
Không có tiếng thằng nhỏ đáp lại. Anh quơ tay, vặn vẹo. Vẫn nghe tiếng lích rích đâu đó, rất bình an, của lũ sẻ.

Cô và thằng nhóc đã đi. Anh nhìn đĩa bánh cuốn, giật mình khi thấy mấy con kiến đã bò men miệng đĩa. Có lâu la gì, anh vừa tập thể dục chưa đến mười lăm phút, kể từ lúc cô gọi. Nhà có thằng nhỏ, anh và cô căm thù đám kiến. Có lần chúng đã chích thằng bé khiến nó khóc suốt một đêm, dù anh và cô đã xức cho nó đến nửa chai dầu xanh chống côn trùng.

***

Công việc ở công ty mau chóng đẩy vụ con chim sẻ chết trên sân thượng khỏi đầu anh suốt ngày hôm ấy. Nhưng chiều tối về đến nhà, anh nghe tiếng cô hoảng hốt:

– Chẳng hiểu kiến ở đâu ra mà đầy nhà anh ạ. Nhiều một cách bất thường.

– Hồi sáng anh đã thấy mấy con bò vô đĩa bánh cuốn.

– Đó, anh cứ lơ đãng thế cũng là nguyên do khiến kiến đầy nhà ra.

– Em nói hay chưa, không lẽ kiến sinh ra từ bánh cuốn?! Mà anh thì thù chúng tận xương tủy chớ ưa gì.

– Nhưng cái tật anh là hay quên, cơm nước, đồ ăn cứ để ngang ra đó. Không chỉ kiến mà còn con mèo.

– Mà thôi, đừng để mấy con kiến hóa thành voi cả ra. Anh đang rất mệt đây. Phải lấy dầu lửa đổ vô mấy chỗ vách tường.

– Em vẫn đổ đó chớ. Đổ thường xuyên.

– Thôi để anh coi chúng xuất phát từ đâu.

Anh cúi sát mặt đất, lần theo vách tường. Vệt kiến dẫn về phía khoảng sân sau bếp. Tiến thêm chút nữa, anh giật mình. Một con chim sẻ khác. Đã bị đám kiến bu đen kịt. Lần này cái đầu của nó không bị cắn bỏ mà ngoẹo qua một bên, vùi dưới lớp lông cánh tõe ra như những nan quạt. Anh nhặt con chim lên, đập đập. Nó đã cứng đờ, lạnh ngắt. Không có bất kỳ chứng tích nào của ngoại lực. Cũng không ẩm ướt hay có dấu vết tật bệnh. Tuy nhiên, lũ kiến đã gặm hết một phần ngực và đôi mắt nó.
– Hồi sáng anh đã thấy một con y vậy chết trên sân thượng. Nhưng đầu nó bị mất chứ không giống con này. Anh đã nghĩ thủ phạm là con mèo…

– Vậy thì có thể con này cũng do nó cắn. Cái con mèo quái quỷ, nếu nó cứ giết chim rồi bỏ ngang kiểu này, rồi có ngày nhà mình ngập cả kiến mất thôi.

– Nhưng chẳng có dấu vết nào chứng tỏ điều đó. Hơn nữa nếu mèo cắn thì ít nhiều nó cũng phải ăn chứ?

– Chẳng lẽ con chim tự lao đầu xuống mà chết?

– Thế chẳng phải em nói trong nhà không thể không nuôi mèo, chỉ cần có tiếng mèo là đám chuột chạy sạch?

– Ừ thì thế, nhưng…

– Thôi, giờ không phải lúc tìm nguyên nhân. Anh chỉ sợ hậu quả là đám kiến đây này. Hay mình đi tìm mấy dịch vụ diệt kiến mối?

– Vụ đó tính sau, giờ anh quét sạch nhà đi, để em còn cho con ăn. Nó ngủ gà ngủ gật rồi kìa.

Anh gật gật:

– Tạm thời anh sẽ tìm tổ chúng rồi chế nước sôi vô.

Trong khi cô bón cháo cho thằng nhỏ, anh đi quanh quất với ý nghĩ rồi sẽ thấy thêm xác những con chim khác, nhưng anh không thấy gì nữa.

***

Sáng kế tiếp, không có con chim nào chết. Cũng có thể do anh không nhìn thấy cái xác mới nào của chúng. Anh hoàn thành bài thể dục dưới cái nắng đầu ngày dinh dính và bầu trời xanh gay gắt. Ăn xong đĩa bánh cuốn, vẫn là bánh cuốn, anh lên công ty.

Chiều, gần năm giờ. Mây đen kịt vun vút lùa qua cửa sổ kính đóng kín trước anh, nơi tầng mười hai của tòa cao ốc. Một cơn cuồng nộ câm lặng của thời tiết, bởi từ vị trí của anh nhìn ra, chỉ thấy hình ảnh chứ không nghe âm thanh. Và mưa trút xuống. Những hàng cây ngã rạp. Sáu rưỡi, anh nghe tiếng cô hoảng hốt trong điện thoại:

– Chừng nào anh về?

– Cũng chưa biết nữa. Trời mới bớt mưa, giờ này đổ ra đường vừa kẹt xe, vừa ngập nước. Em đón con được chưa? – Chỗ làm của cô gần nhà, nên cô kiêm luôn việc đón thằng nhóc từ trường mầm non về mỗi chiều.

– Về tới nhà rồi đây. Nhà mình đầy những nước với rác.

– Mưa tạt à?

– Làm sao em biết được. Em và con đang đứng ngoài đường đây nè. Vô nhà cho điện giật chết à?

– Sao lại thế được?

– Thì nền nhà đầy nước chứ sao. Anh đừng có hỏi nữa, về thì biết.

Anh hoảng hốt, lao vội ra thang máy. Mất gần tiếng đồng hồ mới nhích về được đến nhà. Một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt anh. Nước từ bức tường trên giếng trời không hiểu vì lý do gì cứ thế trút thẳng xuống phía dưới. Nền nhà đầy cát, lá cây, đồ chơi của thằng con. Anh rón rén bước vào, sau khi liều bật một ngọn đèn.

Men theo cầu thang lên sân thượng, đập vào mắt anh là cả một hồ nước mênh mông. Thế nghĩa là cả hai lỗ thoát nước từ sân thượng xuống dưới đã bị bít. Trước kia ở vị trí hai đầu lỗ này, thợ xây có lắp hai quả cầu lưới ngăn rác. Về sau chúng bung ra, nằm lăn lóc đây đó. Anh thấy mớ lá cây rụng vẫn có thể theo lỗ mà thoát xuống, nên cũng không lắp lại hai quả cầu. Thế là chiều nay cống tắc. Không nên nói cho cô nguyên nhân, lại thêm chuyện tránh móc, phiền hà. Anh dùng cây xăm hai cái lỗ một cách bất lực.

– Em biết chỗ nào có dịch vụ khơi cống không? Sân thượng nhà mình ngập rồi, nên nước mới tràn xuống đây.

– Giờ này hả?

– Thì cứ gọi thử coi sao.

– Anh ra dòm mấy cây cột điện trong xóm, người ta dán đầy quảng cáo thông cống, số điện thoại đầy ra đó.

Anh ngớ ra rồi làm theo. Một cuộc gọi. Gã thông cống nói chắc như bắp, giờ tối rồi, ông có trả cỡ nào tui cũng thua, biết đâu mà mò. Gọi thêm mấy số, đều vậy. Anh điên tiết, nhưng bất lực. Nếu để đến sáng nghĩa là anh phải xin nghỉ phép. Phép không báo trước, cận giờ chẳng thu xếp được người thay, cách gì cũng bị trưởng nhóm cằn nhằn.

Thằng nhỏ khóc ngằn ngặt trong cái cũi đã được kê cao khỏi nền nhà. Hai vợ chồng hì hục vừa tát nước vừa lau dọn. Người ngợm rã rời. Gần mười giờ đêm công việc mới tạm ổn.

Anh dậy sớm hơn mọi ngày, bò lên sân thượng. Nước vẫn còn lấp xấp. Thế là đành gác lại màn thể dục.

Gần chín giờ gã thông cống mới đến. Sau nửa tiếng hì hục, gã lắc đầu:

– Chẳng biết cái quỉ gì trong đó nữa. Tui xăm hết cuộn dây rồi đây. Phải lần xuống đầu ống phía dưới nhà.

Mấy viên gạch dưới sân, chỗ đường ống đi xuống bị gỡ tung ra. Gã thông cống lôi từ lòng ống ra một đống bầy hầy lông, thịt, xương vụn… Những cái xác chim sẻ, phải đến năm sáu con mỗi bên.

Anh kinh hoàng, lập tức lên phòng mở máy tính. Truy cập những trang web đưa tin nhanh nhất. Chẳng hề có một dòng đề cập những con sẻ quái quỷ, hay tin tức gì về cái chết hàng loạt của bọn chúng. Lần sang web tìm kiếm, hơn một triệu kết quả cho việc định nghĩa chim sẻ, những món ăn, bài thuốc tuyệt hảo chế biến từ chim sẻ, đặc biệt là công dụng bổ dương, cường thận cho các quý ông…

Vậy là không hề có dịch bệnh hay lý do nào đó cho những cái chết khá bất thường kia. Chẳng lẽ những cái xác chim sẻ nằm đầy sân thượng nhà anh là một hiện tượng duy nhất? Hay con mèo đã lên cơn tàn sát, và chỉ trong thời gian ngắn nó đã ra tay một cách chuẩn xác kinh hoàng, rồi bỏ đó không ăn, khiến xác đám sẻ trôi xuống làm tắc lỗ cống?

Anh bấm điện thoại gọi thằng bạn thân nhất, ở cùng quận.

– Ở chỗ mày có con chim sẻ nào chết không?

– Cái gì?

– Chim sẻ. Chúng chết đầy nhà tao đây này.

– Không thấy gì cả. Mà cũng không để ý. Ủa, ở thành phố mình có chim sẻ à?
– Mày có khùng không? Chúng đậu đầy các mái nhà đó.

– Vậy sao? Tao chỉ nhớ, trong thực đơn mấy quán nhậu có món này. Còn trên mái nhà… Tao nhìn lên mấy cái mái nhà làm gì. Ở nhà mày chúng chết à?

– Ừ, suốt mấy bữa nay. Kiến đầy hết. Rồi tắc cả ống cống, gây ra lụt…

– Mày nói giống phim quá. Ờ… mà tự nhiên nhắc đến món chim sẻ, lại thấy thèm. Chiều nay đi làm vài chai không?

– Để tao gọi thêm mấy thằng nữa. Có gì sẽ a-lô mày.

Anh gọi thêm mấy thằng bạn. Hầu hết đều không để ý, hoặc không thấy hiện tượng gì. Bù lại, cuộc nhậu dự tính vào buổi tối có ba gã đồng tình, thêm anh là bốn. Buổi chiều anh vẫn đến công ty. Suốt dọc đường đi anh quan sát xem có thấy xác chim sẻ có nằm lăn lóc đâu đó không. Kết quả vẫn là không. Thấy ông bảo vệ đang ngồi lơ đãng dưới sân, mắt dòm lên mấy tán cây, anh hỏi ngay:

– Hổm rày bác có thấy con chim sẻ nào chết ở đây không?

– Anh cần kiếm chim sẻ chết à?

– À, không phải. Cháu hỏi vì thấy mấy bữa nay ở khu nhà cháu chúng chết nhiều lắm.
– Vậy à. Ở đây thì không. Nếu thấy, tui sẽ báo với anh.

– Có lẽ bác hiểu lầm ý cháu. Cháu không cần dùng chúng vào việc gì cả. Chỉ lo là chúng chết…

– Trời, anh cứ làm như đang nuôi tụi nó vậy.

Anh đẩy xe vào dãy nhà trong cùng, nơi có mấy tán cây. Nhìn quanh lần nữa, anh bủn rủn. Dưới gốc mận, lẫn trong đám trái rụng là xác một con chim sẻ. Cái xác còn mới nguyên, chưa hề bị kiến bu. Anh cảnh giác lấy một cành cây khều thử. Con chim còn mềm, không có dấu vết thương tích. Rõ ràng đã có một điều gì đó bất ổn. Nhưng tại sao chưa thấy bất kỳ tờ báo nào đưa tin? Hay là những việc vớ vẩn thế này đã trở nên quá nhàm chán, không đáng viết thành tin nữa? Tương tự như người ăn chim sẻ là chuyện thường, còn chim sẻ ăn người mới là chuyện của báo chí.
Anh quay lại chỗ ông bảo vệ, với xác con chim gói trong bịch ni-lông.

– Ở đây cũng có chim chết nè bác!

– Ủa, anh thấy nó ở đâu? Cũng có thể là chim được phóng sinh rồi chết. Ờ, mà đúng rồi, ở mé đường bên kia có cái chùa, hay miếu gì đó… Người ta hay phóng sinh chim lắm. Chúng bay loạng quạng vài chục mét rồi lao xuống chết.

Anh thấy có lý, lục trí nhớ coi quanh khu vực nhà mình có đền miếu gì không. Nhưng vụ việc mới xảy ra mấy bữa nay thôi mà.

– Lỡ có dịch bệnh thì sao bác?

– Ờ, xưa giờ cũng cứ nghe ba cái dịch này dịch nọ, rồi có ai bị sao đâu?

Đã đến giờ làm buổi chiều. Anh xách xác con chim bỏ vô thùng rác gần đó.
Tối ấy, trên bàn nhậu là món chim sẻ nướng tiêu. Cô rót bia, cười cùng cả đám:

– Mấy anh ăn món này thì các bà ở nhà chỉ có mệt.

– Sao em biết?

– Nhà hàng em bán thứ này, sao em không biết.

Anh đột nhiên giật thót:

– Nè, ở đây có lấy chim sẻ chết làm món nhậu không đó?

Cô gái nửa đùa nửa thiệt:

– Trời, chim không chết thì làm sao thành món nhậu. Bộ anh muốn ăn chim sống hả?
– Hê hê, cái đó phải dành cho em chớ – Thằng bạn anh nâng ly, cợt nhả – Mà thôi, mày dẹp vụ ba con chim chết đi. Mấy bữa nay tao có thấy gì đâu.

Món chim sẻ giòn rụm, bắt mồi. Cả bọn kêu đến hai dĩa.

***

Ba ngày sau, hai miệng cống đã được che lại. Lũ kiến cũng không xuất hiện, sau khi anh kêu dịch vụ diệt kiến mối về, quét xịt nhà cả buổi sáng. Đám chim sẻ vẫn lích rích bình an trên mái ngói khi anh lên tập thể dục lúc bình minh.

Chủ nhật, anh thở phào:

– Vậy là đám chim sẻ hết chết rồi em ạ. Có lẽ do một nguyên nhân tức thời nào đó thôi.

– Anh vẫn để ý vụ đó à?

– Trời đất ơi, nó làm mình khổ sở cả mấy ngày, không để ý sao được. Nếu chúng cứ chết lăn lóc ngoài đường thì anh mặc kệ, bận tâm làm gì.

Cô mỉm cười:

– Mai lại đầu tuần rồi, lẹ quá đi. Mà con mèo nhà mình đâu nhỉ? Em không thấy nó từ sáng tới giờ.

– Chẳng lẽ nó đi hoang? Mình đã thiến nó rồi mà?

Nói đến đó, tự nhiên anh bủn rủn. Lần theo cầu thang, lên sân thượng, miệng anh gọi quanh quất “meo meo”. Búm lông vàng nằm đó, đúng ngay vị trí xác con sẻ sáng hôm nào.

Con mèo đã chết.

Không hề có dấu vết của ngoại lực tác động…

NGUYỄN DANH LAM