TIẾNG ĐÀN ĐÁ TRÊN ĐỈNH SƠN TRÀ

 

 

Phạm Đạt vội vàng xuống núi, anh không thể chờ đợi thời khắc đẹp hơn để chụp cảnh hoàng hôn trên đỉnh Sơn Trà được nữa. Mây đen đã bắt đầu quần tụ kéo tới xám xịt mỗi lúc một dầy thêm trên bầu trời, gió từ phía biển u u thổi càng lúc càng mạnh vào vách núi, anh nghĩ chắc có khi mình không kịp xuống triền núi về phía cây đa ngàn tuổi nơi có con đường nhỏ đưa anh xuống núi nơi có cái quán nước nhỏ của người dân bản địa mà anh thường ghé gởi chiếc xe máy cà tàng mỗi khi cuốc bộ lên núi lần theo theo bước chân của đàn voọc chà vá chân nâu hay các loài hoa, bướm đẹp để chụp ảnh. Mưa bắt đầu trút xuống, anh chạy nhanh đến một lùm cây lấy vội bộ quần áo đi mưa trùm vào người sau khi cẩn thận dùng túi ni-lông bao túi da đựng máy ảnh tác nghiệp. Phạm Đạt không phải là tay săn ảnh chuyên nghiệp cũng không phải là phượt thủ nhà nghề nhưng anh lại có một tình yêu bất tận với Sơn Trà, ngọn núi được mệnh danh là “mắt thần Đông Dương”, lá phổi xanh của Đà Nẵng, yêu quí đàn voọc chà vá chân nâu loài linh trưởng kỳ lạ có một không hai trên bán đảo nầy cũng như trên thế giới, người ta gọi chúng là nữ hoàng linh trưởng vì bộ lông có một không hai tuyệt đẹp của chúng khi anh tham gia dự án bảo tồn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Hải Vân – Sơn Trà. Nếu ai đã từng đi núi gặp phải cơn mưa rừng mới thấy hết cái dữ dội hung dữ của nó. Nó đến rất nhanh không kịp trở tay, có thể ào ạt chớp nhoáng rồi nhanh chóng đi qua như người khách lạ, có lúc lại dai dẳng nhiều ngày như một kẻ thù truyền kiếp đeo bám không rời. Tiếng mưa rào rạt đập vào các thân cây cành lá nghiêng ngả tạo nên những cơn dư chấn đomino khiến người lạc trong núi phải khiếp via. Trên độ cao hơn ngàn mét thần gió mặc sức hoàng hành, những đám mây xám từ biển cứ ồ ạt kéo về, nước từ trên đỉnh núi theo các khe suối nhỏ ào ạt trôi băng băng xuống triền dốc như cơn lũ dữ. Ngày thường đó là những con suối nhỏ hiền hòa, nước trong veo tận đáy, có thể thấy cả đàn cá nhiều màu sắc lội nhởn nhơ, tung tăng một cách thong dong tự tại, bây giờ nó như trở thành con sông, đục ngầu sôi réo điên cuồng cuốn theo bao đá sỏi, nhánh cây khô, lá rừng mục rửa. Phạm Đạt chật vật lắm mới leo xuống một triền núi thấp hơn. Trong thời tiết bình thường chàng có thể xuống núi dễ dàng nhờ hướng mặt trời và tàng cây đa ngàn tuổi nhô hẳn lên nền trời xanh nhưng trong đám mưa gió phũ phàng thì đinh hướng đó không giúp ích gì cho anh lúc nầy cả, anh phải vận dụng mọi giác quan để tìm hướng đi, anh thầm nghĩ nếu mưa dai dẳng như thế nầy có lẽ anh ngủ lại rừng mất thôi.
Bóng tối như đồng lõa với cơn mưa rừng dai dẳng nên Đạt rất khó khăn di chuyển, chiếc đèn pin anh mang theo lấp loáng ánh sáng chỉ ở một biên độ rất gần, Đạt chật vật bám vào một nhánh rể cây lộ ra mặt đất lần xuống một chổ thấp lại rơi vào một tình thế khỏ xử. Dòng suối nhỏ thường ngày anh băng qua rất dễ, chỉ cần anh nhón chân qua những phiến đá nhô lên giữa dòng suối là có thể qua khỏi để tìm đường xuống núi thì giờ đây nó nó biến thành dòng sông rộng, nước nguồn đổ ào ạt xuống đục ngầu không làm thế nào qua được, nếu cố tìm cách vượt qua không khéo bị dòng nước dữ cuốn phăng đi thì nguy mất, có lẽ phải tìm một hốc núi hay bụi cây rậm nào đó trú qua đêm thôi. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan, Bên tai Đạt hình như nghe có tiếng đàn khi xa khi gần hòa lẫn trong tiếng mưa gió núi rừng hoang dã, âm thanh phát ra từ hướng tay trái thì phải, anh đưa mắt hướng về nơi phát ra cái âm thanh lạ lùng đó. Trong màn mưa Đạt thấy hình như có ánh lửa chập chờn khi ẩn khi hiện. Anh chậc lưỡi, ở lại đây cũng đói rét thôi thì cứ phăng theo ngọn lửa, âm thanh phát ra từ tiếng đàn may ra có người sống ở đó mình cũng có thể tạm yên đêm nay. Vừa nghĩ bước chân của anh cũng lần bước theo. Cây cối rậm rạp, đá núi chập chùng nhưng nhờ có ngọn đèn pin nên anh cũng vượt qua. Càng đến gần nơi phát ra tiếng đàn, anh nhận ra đúng là có một căn nhà gỗ nhỏ lúp xúp được dựng trên một nền đá núi khá bằng phẳng, ánh lửa cũng phát ra từ đó. Mừng quá anh đi nhanh về phía căn nhà.
Ngập ngừng giây lát anh đưa tay gõ cửa. Tiếng đàn im bặt. Có tiếng người con gái giọng ra phía sau liếp cửa:
– Ai ở ngoài đó thế? Đêm hôm khuya khoắc sao có mặt ở nơi rừng núi hoang dã thế nầy?
Câu trả lời của Đạt run run vì lạnh:
– Tôi là người chụp ảnh thiên nhiên trên Sơn Trà, Mưa to chẳng may xuống núi không kịp xin chủ nhân tá túc cho qua cơn mưa.
– Nhà vắng người, chắc không tiện cho khách lưu trú đâu.
Đạt nói khẩn khoản:
– Tôi chỉ là người lỡ đường, xin tạm nghỉ qua đêm không có ý xấu đâu. Xin cô đừng ngại.
Một chút im lặng, Đạt nghe có tiếng chân người rồi liếp cửa hẻ mở, tiếng người con gái nói:
– Ông vào đi, kẻo lạnh.
Chàng trai lách người qua liếp cửa bước vào trong, ánh lửa bập bùng trên sàn bếp làm chàng cảm thấy ấm áp. Cô gái nhìn anh nói:
– Ông bỏ áo mưa ra đi, ngồi sưởi bên bếp lửa kẻo lạnh.
Phạm Đạt ngoan ngoãn nghe lời cô gái như một đứa trẻ. Anh hơ hai bàn tay lên ngọn lửa hồng, chốc chốc xoa vào hai má. Cái ấm áp của ngọn lửa trong căn nhà nhỏ làm anh có cảm giác dễ chịụ. Anh đưa mắt nhìn quanh, dưới ánh sáng bập bùng của ngọn lửa ngôi nhà được bày trí thật đơn sơ, ở một góc nhà có cái gùi dùng để đi rừng, một đống khoai củ, trên giàn treo mấy chùm ngô đã khô vỏ, trước mặt chàng là một cô gái còn rất trẻ khoảng độ mười tám hai mươi thì phải, có mái tóc mượt dài, khuôn mặt trái xoăn xinh xắn, đôi mắt đen lay láy đầy nét liêu trai, Đạt chợt giật mình nghĩ đến chuyện hồ của Bồ Tùng Linh mà anh đã từng đọc. Thấy dáng vẻ không được tự nhiên lắm của Đạt, cô gái nói:
– Hình như ông sợ?
Phạm Đạt giật mình vì cô gái đoán đúng suy nghĩ của mình. Chuyện ma quái kỳ lạ trên ngọn núi thiêng anh từng được nghe qua. Nào là có người ban đêm trên đường xuống núi gặp một tốp trẻ con còn lang thang, anh ta xuống núi rồi mà không an tâm về bọn trẻ nên quay trở lên gặp một đôi thanh niên nam nữ chạy ngược chiều xuống hỏi thăm họ bảo không thấy rồi tình nguyện cùng anh lên núi tìm bọn trẻ, anh ta chạy theo lên lưng chừng núi gần ngã ba có vực sâu họ cũng biến mất nốt làm anh hoảng hốt quay trở lại, sau đó lập một trang miếu nhỏ hương khói nơi đó, rồi những nấm đất nho nhỏ tự nhiên mọc lên trên đường lên núi, người ta đồn doán rằng có những cặp tình nhân vụng trộm lén lút chôn cất thai nhi, những linh hồn nhỏ bé ấy không được siêu thoát nên cứ lẩn khuất ở chốn núi non hoang lạnh nầy mãi làm ai cũng e ngại không ai dám ở lại núi lâu hơn khi màn đêm buông xuống, còn về chuyện ma nữ xuất hiện hại người thì anh chưa từng được nghe kể. Tuy có hơi ngán ngại nhưng anh làm ra vẻ cứng cỏi:
– Sao tôi lại sợ? Sợ gì kia chứ?
– Sợ ma. Sợ hồ ly. Rừng sâu núi thẳm không một người ở, ma cỏ đầy rẩy ông không thấy sợ sao?
– Tôi không làm điều gì ác sao phải sợ?
– Ông không làm điều ác nhưng loài người các ông làm điều ác thì sao?
– Nè cô gái, việc ai làm nấy chịu, liên quan gì nhau đâu?
Cô gái phì cười, đôi môi như đóa hoa hàm tiếu vừa nở:
– Hỏi vui chút xíu cũng giận được nữa sao?
Phạm Đạt lòng cũng dịu lại, đúng là mình giận vô cớ thật, anh chuyển qua chuyện khác:
– Thế cô ở một mình không sợ à?
Cô gái nhìn Phạm Đạt, cái nhìn tinh ranh làm anh chột dạ:
– Sợ gì?
– Sợ thú dữ, sợ ăn cướp.
– Cha con tôi ở trên núi bao nhiêu năm có thấy gì đâu?
– Ồ! Thế cô còn có ông cụ à? Sao tôi không thấy ông ấy đâu cả?
– Tôi chưa nói với ông đó thôi. Cha tôi qua bên kia núi trị bệnh cho người quen, gặp mưa chắc không về kịp.
Phạm Đạt nhìn cô gái, ánh mắt cảm thấy như gặp ở đâu, anh mạnh dạn hỏi:
– Cô có thể cho biết tên được không?
– Em tên Linh Nhi. Còn anh?
– Tên dễ thương và đẹp quá. Còn anh Phạm Đạt.
– Sao gia đình em không xuống chân núi mà ở, sống trên đây chi hiu quạnh vậy?
Cô gái nhìn vào khoảng không:
– Cha em nói con người không ai tốt cả, nên ở xa họ càng xa càng tốt đó thôi.
Phạm Đạt phản đối ý kiến đó:
– Đâu phải người nào cũng xấu hết cả đâu em.
– Em cũng biết thế. Nhưng cha già rồi em phải theo đở đần cho cha chứ bỏ đi đâu được.
Linh Nhi vừa nói vừa lấy cây que cời lửa trên bếp, lôi ra mấy củ khoai còn bám tro bếp, đặt trên tấm lá chuối trước mặt anh:
– Anh Đạt chắc đói rồi, nhà chỉ có khoai thôi.
Phạm Đạt xuýt xoa:
– Được vậy tốt quá. Đêm mưa lạnh mà được Linh Nhi cho ăn khoai nóng thì còn gì bằng.
Phạm Đạt bẻ đôi củ khoai, hơi nóng từ củ khoai tỏa ra thơm phức, anh vừa ăn vừa nhìn xung quanh, chợt nhận ra gần đó có một khung gỗ, trên đặt những thanh đá dài ngắn khác nhau, anh đoán đó là bộ đàn đá mà cô gái vừa đánh ban nảy, anh hỏi Linh Chi:
– Âm thanh tiếng đàn anh nghe ở xa chắc phát ra từ bộ đàn nầy phải không?
Linh Nhi khẻ gật đầu, nàng nói:
– Ở núi buồn lắm, mỗi lần ra suối lấy nước, nghe âm thanh dòng nước dội vào bờ đá nghe vui tai nên em nhặt về gõ thử lâu ngày thành quen.
– Anh nghe hay lắm mà.
– Nếu anh thích em đánh lại cho anh nghe nhé.
Không đợi chàng trai trả lời, Linh Nhi bước tới bộ đàn đá, hai bàn tay nhẹ nhàng uyển chuyển đánh thanh gõ lên từng phiến đá, âm thanh một lần nữa phát ra làm Phạm Đạt như chìm đắm vào âm thanh của núi rừng, có tiếng chim hót vang lên buổi sớm, tiếng lá rì rào xôn xao trong cái nắng ban mai hay khi chiều xuống, có tiếng sóng biển từ xa đưa về, tiếng côn trùng hòa tấu những lúc đêm trăng lên, tiếng gió mưa ào ạt, tiếng bão dông cuồng nộ. tiếng thiết tha gọi tình của chim muông vào mùa sinh sản. tất cả tạo thành một bản trường ca thiên nhiên tuôn trào bất tận. Phạm Đạt khẻ bước lại gần cô gái, nhìn đắm đuối vào gương mặt thanh tú của Linh Nhi. Linh Nhi ngừng gõ, ánh mắt cô dịu dàng nhìn anh chờ đợi. Phạm Đạt cúi xuống hôn lên tóc, má cô, rồi môi tìm môi. Phạm Đạt cảm thấy cả hương núi rừng từ trong người cô gái tỏa ra làm anh ngất ngây.Cả hai thân thể quấn quýt tìm lấy nhau nồng ấm trong đêm mưa rừng ẩm ướt lạnh lẽo. Ngọn lửa chập chờn trong đêm khuya tàn lụi dần, thời gian phút chốc như ngừng lại.
Ngoài kia mưa đã tạnh tự bao giờ, ánh trăng hạ huyền lừng lững treo trên cao đã lâu, một vài tiếng chim ăn đêm bay qua để lại một chút âm thanh xao động của núi rừng.
*
Phạm Đạt tỉnh giấc bởi tiếng gà rừng gáy vang một góc núi và tiếng chim hót trên các cành cây đón chào một ngày mới, anh đưa tay sang bên cạnh để tìm Linh Nhi nhưng tay chỉ đụng phải đám cỏ khô lạo xạo, anh mở mắt nhìn sang không thấy cô gái đâu, đệm cỏ vẫn còn hơi ấm chứng tỏ Linh Nhi rời chổ ngủ không bao lâu. Đưa mắt nhìn xung quanh anh ngạc nhiên: Mình đang nẳm trên một vạt cỏ khô chứ không phải là vạt tre nệm cỏ cao ráo, chỗ mình ngủ đêm qua không phải là gian nhà gỗ mà là một hốc núi nhưng bếp lửa vẫn còn vương vất chút khói bảng lảng bay lên. Đang ngơ ngác tay chàng chạm phải một tờ giấy có mấy lời sau:
Anh Phạm Đạt. Khi anh thức giấc là Linh Nhi đã đi xa rồi, duyên kỳ ngộ của chúng ta chắc chỉ có một đêm thôi. Chắc anh còn nhớ vào mấy tháng trước có lần anh vào rừng săn ảnh nghe tiếng kêu thảm thiết của một con voọc chà vá chân nâu, loài linh trưởng mà các thợ săn luôn truy bắt để mua bán làm thuốc, mắc bẩy của bọn thợ săn, anh đã cứu thoát nó khỏi bàn tay tàn bạo của họ. Con linh trưởng đó làm em. Cảm cái ân tình đó của anh em đã dùng tiếng đàn đá lưu anh lại trong đêm mưa gió trên đỉnh Sơn Trà để trả ơn. Anh đừng tìm em làm gì, em đã cùng cha và nhiều đồng loài khác tiến sâu vào đại ngàn hơn nữa để tránh sự truy bức của loài người. Họ là ai và họ có quyền gì mà sát hại bọn em như thế, phải chăng để thỏa mãn những khát vọng và lòng tham lam không đáy chứ gì? Núi rừng ngày càng thu hẹp, chúng em không còn đất sống phải bỏ chốn tai ương nầy càng xa càng tốt thôi, Có một ngày nào đó ngọn núi thiêng nầy sẽ chỉ còn trơ lại núi đá trọc nham nhở. Rừng khô suối độc sẽ tàn phá tất cả, con người rồi sẽ phải trả giá cho những hành động nông nỗi tham lam của mình mà thôi. Anh đừng tìm em, em đã đi rất xa nơi không có dấu chân người hoặc có thể một ngày nào đó có thể em lại sa vào tay của một tên thợ săn khát máu khác, cuộc đời thật quá buồn.
Hãy xem buổi gặp gỡ đêm qua là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của anh, anh nhé.
Linh Nhi
Phạm Đạt thẫn thờ một lúc lâu, anh hiểu vì sao đôi mắt của Linh Nhi anh nhìn sao thấy quen quá, đúng là cặp mắt biết ơn của cô voọc chà vá chân nâu, nữ hoàng linh trưởng nhìn anh rất lâu trước khi trở về với đại ngàn khi anh giải thoát khỏi cái bẩy của người thợ săn. Đêm ân ái phải chăng là một giấc mơ thật đẹp của đời anh nhưng biết bao giờ giấc mơ đó mới có trở lại với anh lần nữa hay không thì thật là điều khó xảy ra nữa rồi.
Phạm Đạt buồn bã xuống núi, Cây rừng còn ẩm ướt mưa đêm, khi băng qua suối Đá, bên những cây sim rừng trổ đầy hoa tím, một đàn bướm đủ màu sắc, anh nhận ra có nhiều loài bướm đẹp đặc trưng của Sơn Trà như bướm phượng đuôi kiếm, bướm phượng đốm vàng, bướm phượng đen đuôi vàng… bay hàng đàn theo bước chân anh như tiễn anh xuống núi giống như ngày xưa các nàng tiên nữ tiễn đưa Lưu Thần và Nguyễn Triệu về trần gian vậy.
*
– Anh nhà báo nói người dân mình không đủ chứng cứ tố cáo, phản biện bọn cậy quyền coi thường pháp luật nhằm băm nát ngọn núi thiêng nầy sao? Nhà báo nên nhớ Sơn Trà ngàn đời là báu vật của thiên nhiên ban tặng người dân Đà Nẵng cho đất nước nầy. Thần rừng thần núi hay thần nanh đỏ mỏ sẽ không dung thứ cho những kẻ nào đụng chạm đến ngọn núi thiêng, không vặn cổ bẻ họng bọn chúng thì chúng cũng chết bất đắc kỳ tử hay sa vào vòng tù tội thân bại danh liệt, con cháu đời đời không thể nào ngóc đầu lên được. Còn bằng chứng phản biện xã hội ư? Bằng chứng là 10.000 chữ ký của nhân dân cả nước phản đối việc xây dựng băm nát Sơn Trà, rồi sự phản biện vào cuộc của nhiều nhà khoa học, hiệp hội đoàn thể báo chí. Kẻ ác cũng phải chùng tay nao núng thôi.
– Ổ! Nhà báo đừng nói thế, tôi biết anh là một trong nhiều nhà báo nhiệt tình, có cái tâm có lòng dũng cảm viết bài đấu tranh cho sự tồn vong của Sơn Trà, lá phổi xanh của thành phố chỉ sợ sự đấu tranh đó gặp sự vô cảm, thiếu hiểu biết thậm chí gian tham dùng quyền lực vô hiệu hóa đi thì sự đấu tranh chìm trong quên lãng, hay chỉ còn là một đóm lửa lẻ loi heo hút giữa đại ngàn thì thật đáng buồn biết bao.
– À! Nhà báo không tin làm gì có chuyện liêu trai giữa đời thường sao? Ban đầu tôi cũng nghĩ vậy nhưng đó là một thực thể tôi không thể chứng minh dù cả trong giấc mơ cũng chưa chắc gặp được. Tôi thề với nhà báo là tôi có thể đánh đổi cả ngai vàng và đất nước nếu tôi là vua để đổi lấy một cuộc đời bình dị giữa núi rừng với Linh Nhi, tôi không cần biết nàng là ma nữ hay loài hồ yêu quái gì hiện thân miễn nàng yêu tôi là được. Sao cuộc đời ta cứ mãi chạy theo tiền bạc, tranh quyền đoạt lợi cuối cùng được gì chứ chẳng qua cũng chỉ là nấm cỏ khâu xanh rì? Chi bằng sống những ngày tháng thong dong tự tại bên cạnh người mình yêu là thỏa chí một kiếp nhân sinh rồi phải không?
– Nhà báo hỏi từ đêm gặp gỡ ấy đến nay tôi có gặp lại Linh Nhi lần nào không? Hai mươi năm trôi qua tôi mong gặp lại nàng từng ngày từng giờ nhưng đó chỉ là bọt nước đầu gành cửa biển chiều hôm. Hạnh phúc đời người mong manh quá, mặc dù nhiều lần tôi đã trở lại đỉnh núi xưa, trong những đêm mưa gió bão bùng, căng tai căng mắt mong thấy được ngọn lửa ấm áp chập chờn như ma trơi kia, mong nghe lại tiếng đàn đá năm nào, mong tìm lại dấu chân của nàng nhưng chỉ là bóng chim tăm cá. Có lẽ nàng và đồng loại nàng đã thật sự bỏ chốn cũ rời đi thật xa giữa chốn đại ngàn bao la tìm chốn an bình hơn trước cơn lốc hủy diệt tàn bạo của loài người, môi trường sống càng thu hẹp dần hoặc có thể xảy ra điều gì xấu hơn với nàng một lần nữa, nếu thế lần nầy nàng không thể thoát khỏi tai kiếp của loài linh trưởng khi những bẩy rập của lũ thợ săn giăng sẳn khắp nơi trong từng ngỏ ngách của Sơn Trà. Trong thâm tâm tôi hy vọng nàng luôn an bình, sống tốt lẩn khuất đâu đó trên những ngọn núi cao không có dấu chân người. Hơn hai mươi năm qua hy vọng của tôi ngày một vơi dần với nỗi ngóng trông vô vọng nhưng tôi vẫn chờ.
Người đàn ông trung niên tóc đã bắt đầu nhuốm bạc im lặng không nói gì mắt hướng về ngọn núi xa xa bắt đầu tím đẩm sương chiều khi anh nhà báo từ giả ra về.
*
Ngôi nhà nhỏ dưới chân núi Sơn Trà đóng kín cửa suốt tháng nay.
Khi nhà báo trở lại Sơn Trà tìm Phạm Đạt thì chủ nhân ngôi nhà đã không còn ở đó nữa, cửa đóng kín im lìm, cỏ đã bắt đầu lên xanh trước ngỏ ra vào, bìm bìm leo lên trên mái nhà xanh um, hỏi thăm người lân cận họ nói Phạm Đạt đóng cửa đi khỏi từ hơn tháng trước, không biết đi đâu và không có lời nhắn gởi lại chỉ biết đêm đó mưa rất lớn và trên Sơn Trà hình như có tiếng đàn văng vẳng. Nhà báo có vẻ bâng khuâng vì không thể báo cho anh một tin vui: Sự đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân và báo chí trong việc bảo vệ ngọn núi thiêng, bảo vệ màu xanh muôn đời của Sơn Trà đã có kết quả bước đầu thắng lợi, tất cả các dự án xẻ thịt Sơn Trà đều buộc phải dừng lại, những kẻ có chức quyền ký những văn bản trái pháp luật và những người có trách nhiệm liên quan đều phải giải trình và có thể sẽ chịu những mức án kỷ luật nặng nhẹ khác nhau. Anh nhà báo nhìn lên Sơn Trà, mây đầu núi vẫn bay, màu xanh của núi rừng muôn đời vẫn huyền ảo và trên dãy núi thiêng đại ngàn đó có một người đang tìm đường về thiên thai. Anh nhà báo hiểu Phạm Đạt chỉ có thể tìm lại được tiếng đàn đá năm xưa khi Sơn Trà không còn nổi sóng hay muôn đời chỉ là một hoài niệm khôn nguôi của một kiếp người như mấy câu thơ trong bài Tống Biệt của Tản Đà ngày trước:
Cửa động, 
Đầu non, 
Đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

NGUYỄN AN BÌNH

Advertisement

THÁNG CHẠP, TÔI VỀ…

Tháng chạp tôi về, qua chân cầu cũ
Chiều bâng khuâng, nghe sóng gọi tên người
Ừ nhỉ, em – mấy mươi năm dâu bể
Một đời người, nước có một dòng trôi?

Nhớ vàm sông, những ngày con nước đổ
Sóng chòng chành, ai khua nhịp qua sông
Xóm Chài xưa, em về trong mưa nhỏ
Một mình tôi, nhặt sợi tóc còn vương.

Tháng chạp tôi về, đi ngang đường nhỏ
Hàng hiên xưa, hoa dại khéo đợi chờ
Đâu cánh bướm của tôi thời bụi đỏ
Đã mang đi biền biệt một vần thơ.

Cám ơn người, trong ngăn đời khép kín
Tim vẫn còn giữ lửa để yêu thương
Bao vết chém cuộc đời – tôi nhẫn nhịn
Sẹo trăm năm, hằn chết thịt da buồn.

Tháng chạp tôi về, cơn mưa trái nết
Tập làm quen như ngựa chứng sân trường
Tình bất kham, bao lần lên cơn sốt
Qua bốn mùa vẫn tấy đỏ vết thương.

Không còn ai mơ màng qua ô cửa
Tôi là gì trong góc nhớ đời em
Năm tháng cũ giạt trôi tình hai đứa
Ngày cuối năm, tháng chạp biết ai đền?

NGUYỄN AN BÌNH

NGỦ DƯỚI ĐỒI HOA

Đêm qua thấy mình – hóa bướm
Bay về tìm lại đồi hoa
Tình yêu tôi thời mới lớn
Còn treo một phiến trăng ngà.

Áo người phơi trong sương sớm
Chờ tia nắng ấm ban mai
Vàng trên từng bông hoa cúc
Lung linh mảnh lụa vừa bay.

Đêm qua ngỡ mình – chim khách
Hót mừng người ở phương xa
Em từ qua sông thuở ấy
Về nằm ngủ dưới đồi hoa

Em nằm như trong cổ tích
Ngủ say giấc ngủ thiên thần
Chiều rơi lá rừng xuống thấp
Tìm em – nỗi nhớ khôn cùng.

Đêm qua nghe mình – chợt lạ
Trôi theo chiếc lá thời gian
Những ngày mưa mù hối hả
Ven đường – em có dừng chân.

Hạnh phúc một thời trai trẻ
Lang thang trên đồi hoa xưa
Thì ra tim mình vẫn thức
Giấu tình – giấu cả nắng mưa.

NGUYỄN AN BÌNH

CHẠM TUYẾT

* Gởi con LAT, thêm một mùa đông xứ người

Khi những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi
Loài bông tuyết ùa về theo gió mùa đông bắc
Những mái nhà lợp tuyết – trắng màu trắng tinh khôi
Ba biết – con lại thêm một mùa đông xứ lạ.

Dòng sông đã đóng thành băng rồi chưa nhỉ
Mặt trời tròn và trắng – lạnh tựa ánh trăng đêm
Cây điểm trang – treo từng khối cầu pha lê kỳ lạ
Lấp lánh suốt mùa – chạy ngang dọc phố chưa quen.

Con mặc áo hoodies* ra đường có mỏng mảnh
Xuống tàu điện ngầm – chỉ thấy trắng mênh mông
Những nhánh tay xương khẳng khiu trong gió lạnh
Hàng cây buồn – công viên Boston Public Garden.

Tiếng chuông nhà thờ Trinity** có âm vang rộn rã
Chào đón một mùa giáng sinh rất đỗi yên bình
Quảng trường Copley – chắc thấy toàn người lạ
Con có nhớ nắng vàng – cái nắng phương đông.

Ôi cái nắng ngọt ngào – ngọt xanh từng cây trái
Con vẫn chưa về – ai thắp sáng chút niềm vui
Đã bao lần ba nằm mơ – thấy mình chạm tuyết
Như chạm vào tay con – thuở con mới chào đời.

Nguyễn An Bình

*Áo hoodies ; áo trùm đầu
** Nhà thờ Trinity: nhà thờ cổ xưa nổi tiếng của thành phố Boston –Hoa Kỳ

LẠI VỀ BẢY NÚI

1- THIÊN CẨM SƠN
Lòng ôm đầy mây trắng
Vồ cao đá chập chùng
Phật cười rung ánh nắng
Chứa một trời bao dung.

2-NGŨ ĐÀI SƠN
Đi không hết Nhà Bàng
Giếng khơi trong lòng núi
Có phải bàn chân tiên
Đã hóa thành cổ tích.

3- PHỤNG HOÀNG SƠN

Tiếng phượng hoàng vỗ cánh
Soài So lấp lánh trăng
Cánh chim trên vồ Hội
Xao xác cả suối Vàng.

4- NGỌA LONG SƠN
Thế rồng nằm uốn khúc
Vắt ngang chốn biên thùy
Đá xanh màu ngọc bích
Khói lam chiều bay đi.

5- LIÊN HOA SƠN

Tre vàng tạo rừng thiền
Đài sen ai chợt ngộ
Náu thân chốn lâm tuyền
Người thành chim trong núi.

6- ANH VŨ SƠN
Sừng sững giữa đất trời
Có chăng loài anh vũ
Sân tiên không bóng người
Ngàn năm ai ngóng đợi?

7- THỦY ĐÀI SƠN
Chìm trong lũ mênh mông
Đá trơ gan cùng sóng
Lạc giữa chốn bụi hồng
Tìm đâu hình với bóng.

8- THẤT SƠN

Ta đứng trên Bồ Hong
Bạn đi che bóng núi
Chén rượu chưa kịp mừng
Giữa Thất Sơn huyền thoại.

NGUYỄN AN BÌNH
Châu Đốc 18/10/2018

SÓNG

Đêm nằm nghe tiếng sóng
Vỗ hoài tận chân mây
Phải chăng đời biển động
Đánh thức người khuya nay?

Ơi mấy con còng gió
Nghe gì lại ngẩn ngơ
Chắc hiểu lòng tôi đó
Giữa biển người chơ vơ.

Thôi em đừng xe cát
Mệt nhoài sóng biển Đông
Cuốn trôi người đi mất
Xóa nhòa dấu chân không.

Tình đâu là đá cuội
Sao sóng xô bạc lòng
Hải âu chiều cánh mỏi
Treo tình vào thinh không.

Biển sâu đầy ngang trái.
Sóng vang ở đầu ghềnh
Sao nghe đau cuối bãi
Bám rong chiều lênh đênh.

Lòng đong đầy tiếng sóng
Gọi người trong mưa ngâu
Em chỉ còn chiếc bóng
Nhớ một thời yêu nhau.

NGUYỄN AN BÌNH

CẢM NGHĨ KHI DỪNG Ở GA ĐÔNG HÀ

*Tặng anh Nguyên Minh người ngồi đối diện
cùng tôi chờ sáng khi tàu đến ga Đông Hà.

Toa nghiêng nhịp lắc lư ngừng
Đường ray bánh nghiến chợt dừng nghe đau
Lòng trôi theo tiếng còi tàu
Trời đêm vừa ửng vệt màu từ xa.

Ga vừa đổ lại Đông Hà
Sông chia Bến Hải tàu qua bến sầu
Câu hò ngày ấy giờ đâu
Còn đau đáu nhớ chân cầu Hiền Lương.

Một thời cách một dòng sông
Người bên bờ Bắc nặng lòng bờ Nam
Máu loang thành cổ điêu tàn
Bạn ta nằm lại vết hằn tháng năm.

Gió Lào đốt thịt xương tan
Đỏ dòng Thạch Hản tóc tang chưa già
Ai về tìm bến thả hoa
Nhắc chi xương cốt đã hòa đáy sông.

Nhọc nhằn câu chuyện văn chương
Biết ai chia sớt nỗi buồn cùng ta
Đất trời chìm nổi phong ba
Tiếng chim lẻ bạn lời ca bùi ngùi

May còn chút nắng buồn vui
Đường xa cách núi ngăn đồi lạ chi
Tàu dừng đón khách rồi đi
Hồn ta ở lại đã di quan rồi.

NGUYỄN AN BÌNH

TÌNH YÊU MÀU HOA ANH ĐÀO

Nghi đáp tàu từ ngoại ô và xuống ga ở trạm Tokyo Metro Kudanshita lúc 8 giờ. Anh lướt nhìn đồng hồ rồi thầm nghĩ chỉ 5 phút đi bộ đến công viên Chidori-ga-fuchi là mình sẽ gặp được lại Khúc Diễm là anh đã cảm thấy niềm vui tràn ngậptrong tâm hồn. Hôm nay hai người hẹn nhau đến công viên nhân ngày nghỉ cuối tuần để cùng ngắm hoa anh đào đang vào thời kỳ nở rộ. Ở đất nước xứ sở mặt trời mọc, khi mùa xuân về tiết trời trở nên ấm áp, cả Nhật Bản tràn ngập sắc hồng và hương thơm dịu nhẹ của một loài hoa sakura mà ta thường gọi là hoa anh đào, người ta có cảm giác muốn được cùng ai đó chia sẻ cảm giác dịu dàng, thân thương trước vẻ đẹp của một loài hoa mảnh mai và thanh khiết. Mùa xuân ở Nhật Bản thường bắt đầu từ tháng 3 và kéo dài đến tận tháng 5. Đây cũng chính là thời điểm hoa anh đào khoe sắc rực rỡ nhất, mãn khai nhất trong năm. Mỗi một bông hoa anh đào được ví như cuộc đời của một võ sĩ đạo samurai khi cần có thể hy sinh trong nụ cười bình thản, vô ưu đi vào cỏi chết nhẹ nhàng như một bông hoa anh đào thanh thản lìa cành về với đất mẹ. Hoa nầy vừa tàn thì hoa khác lại bung nở, rụng xuống đất rồi vẫn còn tươi nguyên và vẫn còn thoang thoảng mùi hương trong gió làm ai cũng phải xao lòng ngất ngây.
Cũng ở thời điểm nầy thường diễn ra lễ hội Hanami – lễ hội ngắm hoa truyền thống nổi tiếng nhất của Nhật Bản và được coi là một quốc lễ của họ. Nghi sống ở Tokyo đã hơn 4 năm, tức là anh đã trải qua 4 mùa lễ hội Hanami trên đất Nhật, hai năm đầu anh còn có cái cảm giác háo hức đi lang thang khắp nơi, hòa vào dòng người đi trẩy hội ngắm hoa anh đào nở khắp nơi tìm cảm hứng cho nét cọ của mình được tung tấy đầy ngẩu hứng về loài hoa đọc đáo nầy, có một cảnh tượng mà anh không bao giờ quên khi tàu điện chạy qua một khu vực trồng toàn hoa anh đào, cảnh một rừng hoa chạy ngược về phía sau như một khúc phim quay chậm làm anh liên tưởng như mình đang lạc vào chốn thiên thai trong câu chuyện Lưu Nguyễn lạc thiên thai vậy. Những năm sau cái háo hức ấy bớt dần đi vì anh cảm nhận niềm vui tràn ngập ấy đơn độc quá, không biết chia sẻ cùng ai nên không còn thích thú khám phá lắm như năm đầu mới đến nữa. Nhưng mùa Hanami năm nay lại khác, hình như ông trời đã ưu ái đem đến cho anh một người có thể san sẻ niềm vui mà tưởng chừng không thể tìm ra được: Đó là Khúc Diễm.
Ở cái xứ Phù Tang nầy người Việt sinh sống và làm việc không phải là quá ít ỏi đến độ ra đường không thể tìm gặp được một người đồng hương nhưng để được làm bạn và có thể tâm sự trao đổi với nhau một điều gì đó trên xứ người thì phải nói khó lòng tìm được người bạn đồng hành với mình. Nghi gặp lại Khúc Diễm cũng là một sự tình cờ hay có thể là do sự run rủi của trời đất chăng? Buổi họp mặt diễn ra ở Đại Sứ Quán Việt Nam với các Việt kiều, sinh viên, nghiên cứu sinh đang sinh sống làm việc học tập trên đất Nhật Bản mừng cái tết cố truyền của dân tộc. Khúc Diễm đã nhận ra anh ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng còn anh lại lớ ngớ đến tội nghiệp trước một cô gái vinh đẹp gọi tên anh với vẻ mừng rỡ, một hồi lâu mới nhận ra được cô em gái của người bạn thân hồi còn đi học ở Sài Gòn. Lúc anh nhận được học bổng sang Nhật nghiên cứu về hội họa đương đại của nước bạn thì Khúc Diễm đang học năm cuối của bậc phổ thông. Sau đó cô cũng tìm được học bổng nghiên cứu về văn học Nhật Bản và qua đây. Thế mà thoáng chốc đã 5 năm rồi còn gì. Khúc Diễm trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, hoạt bát khác xa thời anh gặp cô ở quê nhà mỗi lần đến chơi nhà người bạn – Huy anh Khúc Diễm – cũng là người đam mê hội họa và có một vài giải thưởng trong và ngoài nước khi còn ở quê nhà. Khác với sở thích của Nghi, luôn tìm tòi khám phá những đường nét uyển chuyển, khói sương trong hội họa phương đông thì Huy lại thích những đường nét phóng khoáng, mạnh mẽ trừu tượng trong từng mảng màu của hội họa phương Tây nên Huy đã sang Mỹ để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Gặp lại nhau trên xứ người làm cả hai rất vui, vì họ có chung một người thân quen nên tình cảm cũng cởi mở gắn bó hơn. Hôm ấy Khúc Diễm uống rượu vang hơi nhiều có lẽ vì vui mừng nên má cô có vẻ hồng hơn, mắt long lanh hơn làm Nghi tự hỏi sao hồi ấy mình không thấy cái đẹp duyên dáng tiềm ẩn của Khúc Diễm nhỉ, suy nghĩ ngây thơ ngộ nghỉnh nầy làm anh bật cười đã làm Khúc Diễm hơi ngơ ngác hỏi anh: – Anh Nghi cười gì thế, chắc anh thấy em xấu xí quá chăng? Khiến anh phải vội vã đính chính: – Khúc Diễm đẹp như thiên nga ấy mà, sao hồi đó anh không nhận ra nhỉ? Câu nói của Nghi đã làm Khúc Diễm cảm thấy xôn xao,nao nức trong lòng vì có người khen mình đẹp làm sắc mặt của cô càng đỏ hồng hơn dưới chùm đèn vàng cam dịu dàng của tòa sảnh đường đại sứ quán.
Bước vào công viên Chidori-ga-fuchi một đoạn ngắn phía bên tay phải, Nghi đã thấy Khúc Diễm ngồi chờ sẳn trên một băng đá trống tự lúc nạo. Hôm nay ngày cuối tuần nên khách tham quan khá đông và ồn ào, Khúc Diễm mặc chiếc đầm màu nâu cánh gián và chiếc khăn quàng cổ màu xanh ngọc thạch làm tôn nước da nền nả mịn màng của người thiếu nữ đang xuân, mái tóc được chải khéo, buông xỏa xuống bờ vai một cách tự nhiên trông Khúc Diễm thật xinh xắn tươi mát. Nghi bước tới ngồi cạnh nàng, nói một cách vui vẻ:
– Khúc Diễm chờ anh có lâu lắm không?
– Ồ! Em cũng mới vừa đến thôi mà. Ký túc xá nơi em ở cũng gần đây thôi, chỉ băng qua một con lộ là tới đây ngay. Anh Nghi đi metro có lâu lắm không?
– Em biết giao thông ở Nhật rất tuyệt vời mà khoảng 20 phút là cùng. Mọi cái như lập trình sẳn, giống như người ta cố tình lập trình cho chúng ta gặp lại nhau trên cái đất nước mặt trời mọc nầy vậy mà.
Khúc Diễm nhìn Nghi cười khúc khích:
– Anh làm như ông trời ban cho chúng ta nhiều ân sủng mà không ai có vậy làm cho em mừng hụt. Thôi chúng ta đi dạo ngắm hoa anh nhé.
Nghi khẻ gật đầu. Cả hai cùng đi theo con đường đã có sẳn. Công viên Chidori-ga-fuchi rất rộng lớn nằm gần cung điện hoàng gia, một nơi mang nhiều nét cổ kính nằm lọt thỏm trong một thành phố hiện đại, người ta ví nó như một ốc đảo giữa lòng Tokyo hào nhoáng. Ở đây bạn có thể vừa ngắm hoa anh đào vừa có thể chèo thuyền suốt dọc dòng kênh để chiêm ngưỡng nhiều loại hoa anh đào tuyệt đẹp được đem về trồng tại đây. Nếu bạn đến vào ban đêm sẽ càng hấp dẫn lý thú hơn nữa. Bầu không khí sẽ thay đổi hoàn toàn khác. Từng cây hoa anh đào được thắp sáng, phản chiếu lên mặt nước lung linh một ánh sáng huyền ảo tạo nên một bầu không khí vô cùng lãng mạn. Đây cũng là địa điểm ngắm hoa nổi tiếng khắp nước Nhật bởi nó vừa có hoa đẹp, vừa có mặt hồ lung linh lại được chèo thuyền xuôi theo dòng kênh để ngắm hoa thì còn thú vị nào bằng, không phải công viên nào trên hòn đảo nầy được thiên nhiên ưu đãi như thế.
Họ đi dạo một vòng quanh các con đường trong công viên. Hoa anh đào có nhiều màu sắc đẹp đến nao lòng. Từ màu đỏ rực đến hồng thắm, trắng tinh khôi đến phớt xanh, vàng vương giả, người ta đã khéo léo chọn những giống anh đào đẹp khác nhau khắp nơi đem về đây tạo nên một quần thể hoa có một không hai. Cả hai vừa đi vừa nói chuyện với nhau rất vui giống như một cặp tình nhân đang đi dạo một cách nhàn nhã khiến người ngoài nhìn vào có thể ghen tỵ. Nghi nói với Khúc Diễm:
– Khúc Diễm biết không hoa anh đào được trồng khắp nơi trên đất nước Nhật Bản từ công viên, bờ kênh, ven sông hay trong các sân vườn của người dân, nó là biểu tượng quốc hoa của người Nhật vì nó mang một vẻ đẹp thật tinh khiết. Nhất là về mùa xuân, mọi nơi tràn ngập sắc hồng của sakura. Có một điều rất đặc biệt loài hoa nầy khi lìa cành sắc hoa vẫn còn tươi thắm bởi sự tàn lụi vào đúng lúc dỉnh cao rực rỡ của nó lại chính là cái đẹp thanh cao nhất nên hình ảnh cánh hoa anh đào lìa cành được người Nhật liên tưởng đến cái chết nhẹ như lông hồng của các võ sĩ samurai, vì vậy người Nhật có câu nói thật ví von nhưng không kém phần tôn kính: “Nếu là hoa xin làm hoa anh đào. Nếu là người xin làm võ sĩ đạo”.
Đang đi chợt Khúc Diễm thấy trước mắt mình một hàng cây anh đào mà hoa của nó màu hồng đậm, hình dáng giống như một cái chuông rất lạ mắt làm cô ngạc nhiên reo lên:
– Màu hoa anh đào đẹp quá anh Nghi ơi. Chẳng biết nó có tên gì anh nhỉ?
Nghi nhìn theo hướng tay chỉ của Khúc Diễm cười trả lời cô bạn nhỏ của mình:
– Đó là hoa anh đào Kanhi Zukura, mình gọi là Hàn Phi Anh. Giống hoa nầy xuất xứ từ Đài Loan và đảo Okinawa, nằm trong giống hoa nở sớm vào khoảng tháng 1 và 2.
– Đã vào tháng 4 rồi mà nó vẫn còn nở sao anh.
– Ừ! Đợt hoa nầy tàn thì tới đợt hoa khác bung nở thôi mà.
Rồi Nghi giải thích thêm:
– Ở Nhật có mấy trăm loài hoa anh đào khác nhau như Nhiễm Tĩnh Cát Dã Anh(Somei Yoshino Zakura) hoa có màu hồng nhạt hay trắng. Vẻ ngoài của chúng đặc biệt đẹp nhờ vào lá cây không trồi ra cho tới mùa cao điểm hoa nở. Hoa có sắc hồng chuyển dần sang trắng, các biểu tượng hoa sakura đều bắt đầu từ loài nầy. Còn có Sơn Anh(Yama Zakura) cũng màu hồng nhạt, hoa năm cánh nhưng nhỏ hơn, Chi Thùy Anh(Shidare Zakura), hoa màu hồng có những nhánh rũ xuống, rồi Hàn Anh(Kanzakura) là loại hoa anh đào nở sớm, Hà Tân Anh(Kawazu Zakura). Hàn Phi Anh hoa có màu đỏ đậm giống như cái chuông mà Khúc Diễm thấy đấy. Thời gian rộ nở của hoa anh đào cũng rất khác nhau như Hàn Phi Anh có thể rộ nở từ tháng 1 làm cho du khách rất thích thú có loai nở rất muộn như Nhất Diệp Anh(Ichiyou Zakura) nở vào cuối tháng tư một bông có khoảng 20 cánh, rồi Uất Kim(Ukon) hoa có màu vàng nhạt, Anh Đào Hoa Cúc(Kikuzakura) có khoảng 100 cánh trong một bông, đặc biệt là Anh Đào Mùa Thu(Jugatsuzakura) thời gian nở từ tháng mười đến tháng một và mùa xuân, là một trong những loài hoa nở vào mùa thu và mùa đông. Hoa nhỏ và ít nhưng tạo nên cái nhìn ngạc nhiên trong sự kết hợp cùa màu sắc mùa thu hoặc tuyết trắng.
Khúc Diễm vỗ tay thán phục:
– Ồ!Anh Nghi giỏi thật. Cái gì cũng biết. Em phải học hỏi ở anh nhiều mới được.
Nghi cười khì:
– Làm họa sĩ mà không nắm bắt sự thay đổi kỳ diệu của thiên nhiên xung quanh mình thì làm sao thể hiện trong nét vẽ được phải không Khúc Diễm. Nói vậy chứ sống lâu lên lão làng thôi mà. Biết đâu mai mốt Khúc Diễm còn giỏi hơn anh gấp nhiều lần thì sao?
– Chuyện đó chắc còn lâu đó anh Nghi ơi.
Cả hai cùng cười vang. Có vẻ đi lòng vòng ngắm hoa một lúc thấm mệt, họ tìm một thảm cỏ đối diện với con kênh để nghỉ chân, nơi đây vừa có thể ngắm hoa vừa có thể thấy những chiếc thuyền chèo hai người chèo qua lại trên dòng kênh lòng cảm thấy muôn phần thú vị. Bỗng một cơn gió lớn thổi ngang, hoa từ các cây được một phen tung ngược lên trời tạo thành một vũ điệu hoa đẹp không thể tả. Nghi đột nhiên nhắm mắt lại để xem cảm giác của mình như thế nào trước sự dịch chuyển của những cánh hoa bay trong gió trước khi chạm xuống đất. Khúc Diễm tò mò nhìn anh một cách thích thú rồi hỏi:
– Sao anh Nghi nhắm mắt lại kia chứ? Nhắm mắt có thấy gì đâu nà?
Nghi nhìn cô gái cười ra vẻ bí mật:
– Anh đang thử cảm giác của chàng hiệp sĩ mù Zatoichi nghe gió kiếm ấy mà.
Khúc Diễm ngơ ngác:
– Hiệp sĩ mù ở đâu ra thế?
Nghi bật cười:
– Hiệp sĩ mù nghe gió kiếm trong bộ phim trường thiên của Nhật Bản nổi đình nổi đám những năm đầu thập niên 1970 do tài tử Shintaro Katsu đóng đấy mà. Zatoichi tuy mù nhưng lại có đường kiếm tuyệt luân, với chiếc gậy dò dẫm trên khắp nẻo đường thiên lý để trừ gian diệt bạo. Chỉ cần một tiếng động khẻ là biết vị trí của đối phương ở đâu, ra chiêu như thế nào mà nhanh chóng hóa giải đánh bại được đối phương trong chớp mắt.
– Em thì chịu thôi. Có người tài giỏi như thế sao? Anh Nghi lúc nhắm mắt nghe được gì nào?
– Anh nghe được tiếng gió, tiếng hoa rơi và cả tiếng thì thầm của Trúc Diễm.
– Anh nói sạo ghê. Em có nói thì thầm gì đâu.
– Đó là tiếng thì thầm của hoa anh đào.
– Hoa anh đào cũng biết thì thầm sao anh?
Nghi nhìn vào đôi mắt của Khúc Diễm thật lâu rồi nói:
– Nhắc đến đường kiếm tuyệt luân của chàng hiệp sĩ mù Zatoichi làm anh nhớ đến đường kiếm của chàng samurai Vũ Đằng trong truyền thuyết hoa anh đào của Nhật Bản quá. Hoa anh đào tượng trưng cho mối tình bất diệt của đôi trai gái yêu nhau mà không sống được gần nhau đấy đóTrúc Diễm.
– Thật thế sao anh? Anh kể cho em nghe đi.
– Vào một thời rất xa xưa, nước Nhật sống dưới sự cát cứ của các sứ quân, có một lãnh chúa vô cùng tàn ác đã sai một samurai cũng là một người luyện kiếm tài giỏi đúc cho mình một thanh kiếm chém sắt như chém bùn để trấn áp được thiên hạ. Dưới áp lực của vị lãnh chúa, người samurai ấy buộc lòng phải đúc kiếm. Sau khi đúc xong thanh kiếm báu ông lại không giao cho tên lãnh chúa vì ông biết khi ông giao xong ông sẽ nhận lấy cái chết vì thế nào tên lãnh chúa sẽ giết ông để ông không còn có thể đúc gươm báu cho một ai khác được nữa nhất là đối với kẻ thù đối nghịch với ông ta, người samurai ấy trao thanh kiếm cho vợ bảo bồng con trốn đi, sau nầy hãy giao lại cho con khi nó lớn khôn để nó trả thù cho ông và dặn thêm rằng thanh gươm chỉ phát huy tác dụng của nó khi được tắm máu của một người nữ đồng trinh tình nguyện chết.
– Sao lại tàn độc thế. Sao phải có sự hy sinh của người nữ đồng trinh thanh kiếm mới có tác dụng thế anh?
– Hình như đó là thuật luyện kiếm của người xưa đó thôi. Giống như bên Trung Quốc có truyền thuyết về luyện kiếm Can Tương và Mạc Tà thời Chiến Quốc ấy mà.
– Rồi câu chuyện diễn ra thế nào anh Nghi?
– Người vợ sau đó trốn đi, mười bốn năm sau bà trao lại thanh kiếm cho đứa trẻ và kể lại lời trăn trối của người cha. Đứa trẻ bấy giờ với cái tên Vũ Đằng run rẩy cầm thanh kiếm thốt lên trong tâm trạng nghẹn ngào: – Ta phải trả được mối thù cho cha và sẽ trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất trên đất nước nầy. Thế là Vũ Đằng tìm đến một vị võ sư nổi tiếng xin làm đệ tử. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu tới chân thấy cốt cách thật phi thường nhưng ẩn sau nó là một luồng sát khí vô cùng mạnh mẽ khiến người ngồi trầm ngâm suy nghĩ hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp nhận Vũ Đằng làm đệ tử. Thời gian qua đi, chàng kiếm sĩ đã 18 tuổi, một lứa tuổi đẹp nhất đời người võ sĩ đạo và tay kiếm của chàng khiến cho những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè, cũng là lúc người thầy dạy già yếu qua đời, bên cạnh chàng chỉ còn lại người thân duy nhất là nàng Phương Tử con của vị võ sư cũng là thầy dạy của chàng.
Từ đó mỗi ngày khi nắng bắt đầu lui dần về phía sau đỉnh núi Phú Sĩ, đêm đen tràn về xóm núi, Phương Tử lại thấy Vũ Đằng ngồi buồn bã, trầm tư bên bếp lửa. Vũ Đằng biết thanh kiếm chỉ trở nên dũng mảnh phi thường, biến hóa thần kỳ khi nó tắm được máu của một người nữ đồng trinh chịu hy sinh một cách tự nguyện nhưng ai sẽ tình nguyện làm chuyện đó, không một có thể hy sinh cái chết của mình cho một câu chuyện tưởng chừng hoang đường như thế.
Phương Tử buồn bã hỏi Vũ Đằng:
– Anh thân yêu! Có phải thanh kiếm đó đối với chàng là tất cả chăng? Nếu nó không được tắm máu người nữ đồng trinh để trở thành một thanh kiếm báu thì mãi mãi chàng buồn đau vì không trả được thù nhà ư?
Nhìn bếp lửa chàng trai vuốt ve thanh kiếm và nói chậm rãi nhưng thật quả quyết:
– Chỉ buồn đau thôi ư? Không đâu! Mãi mãi đó là sự tuyệt vọng sẽ làm ta chết mất. Đối với ta, thanh kiếm là sự nghiệp, là con đường đi tới vinh quang của ta, làm sao ta có thể trở thành một samurai chân chính khi thanh kiếm báu không phát huy tác dụng của nó chứ?
Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định lòng quyết tâm của mình mà thôi. Cô dịu dàng nói với Vũ Đằng:
– Anh thân yêu! Hãy cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút để ngắm xem nó đẹp dường nào mà chàng say mê đến vậy.
Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh trong tay, Phương Tử nhìn Vũ Đằng bằng một ánh mắt buồn vời vợi, tội nghiệp cho chàng, tội nghiệp cho ta quá, tình yêu ta dành cho chàng đành đem xuống tuyền đài mà thôi. Phương Tử đột ngột dùng thanh kiếm đâm thẳng vào tim. Một dòng máu nóng trào ra đẩm ướt tấm thân mảnh dẻ, nhuộm đỏ chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch mà nàng đã chuẩn bị từ trước để chấp nhận sự hy sinh của mình cho người mình yêu dấu.
Vũ Đằng hốt hoảng thét lên một tiếng kinh hoàng, vội lao mình tới, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi ngực cô gái nhưng không kịp nữa rồi, cô gái đã lã mình và lịm thiếp đi trước sự bàng hoàng sửng sốt hối hận của chàng trai. Dưới ánh lửa bập bùng, thanh kiếm bỗng đột ngột ngời lên sắc xanh rực rỡ, hào quang lóe lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được uống những dòng tinh huyết của người thiếu nữ trinh bạch và giờ đây nó trở thành một thanh kiếm vô địch.
Chàng trai từ đó thành một samurai lừng danh thiên hạ, chàng bắt tên lãnh chúa phải đền tội, tiếng tăm của chàng làm kẻ thù khắp nơi phải run sợ, chàng hiện thân của cái thiện của chính nghĩa mà những kẻ gian tà chỉ mới nghe nhắc đến tên chàng là hải hùng tháo chạy, nhưng ngược lại bên cạnh chàng không còn một người thân nào, chàng hoàn toàn cô độc.
Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo buồn bã, khi những bông tuyết đầu mùa bắt đầu rơi. Chàng trai bây giờ đã trở thành một người đàn ông trung niên mệt mõi trở về quê cũ, ôm thanh kiếm báu quì xuống bên cạnh mộ cô gái. Chàng thì thầm trong tiếng gió: “ Hãy tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”
Rồi chàng bình thản, lặng lẽ cắm thẳng mũi kiếm vào bụng, rạch một đường thật sâu và rút gươm ra nằm gục bên mộ nàng Phương Tử. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào lòng đất lạnh. Ngoài trời tuyết vẫn không ngừng rơi, rơi mãi.
Những bông tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Từ đó mọc lên một cây hoa lạ, vươn lên tràn đầy sức sống, mỗi độ xuân về, cây hoa ấy bung nở những chùm hoa hồng thắm, rực rỡ dưới ánh mặt trời. Không ai biết loài hoa ấy hóa thân từ thanh kiếm nhuộm máu của hai kẻ yêu nhau nhưng không đến được nhau. Loài hoa ấy được người dân xứ phù tang đặt một cái tên thật thân thương: Sakura tức Hoa anh đào.
Khúc Diễm nhìn lên bầu trời, khắp nơi nền nã một màu hoa hồng thắm tinh khôi, nàng cảm thấy hình như trong từng cánh hoa run rẩy trong gió như đang thì thầm nói với nàng hãy yêu nhau đi, thời gian đi qua sẽ không bao giờ quay lại. Khúc Diễm nhìn Nghi nỏi khẻ:
– Câu chuyện cảm động anh Nghi nhỉ?
Nghi khẽ khàng nắm bàn tay của Khúc Diễm đặt trong hai tay của mình nói một cách chậm rãi:
– Ừ! Rất cảm động. Anh mong mình cũng yêu nhau như chàng trai và cô gái trong truyền thuyết hoa anh đào được không Khúc Diễm?
Khúc Diễm để yên bàn tay của nàng trong đôi tay ấm áp của Nghi. Nàng ngã đầu vào vai chàng và nói:
– Nhưng em không thích cái kết thúc buồn thảm của loài hoa ấy đâu.
– Anh cũng thế. Tình mình sẽ dẹp như mùa hoa anh đào vậy.
Lại một cơn gió mạnh lại thổi lên. Vũ điệu hoa mới lại bắt đầu. Lần nầy trong mắt hai người yêu nhau nó rực rỡ và tuyệt vời biết bao nhiêu.

NGUYỄN AN BÌNH

LÊN NÚI PHỤNG HOÀNG

Lên Phụng Hoàng ngắm mây trắng
Núi cao xóa dấu bụi trần
Đời người mấy lần hạnh ngộ
Đất trời đá cũng vô ngôn.

Chim kêu trên tàng kinh các
Bàng hoàng hồi đại hồng chung
Trong lòng khắc bao kinh kệ
Hương thiền lắng đọng tâm dung.

Bước chân ai qua rừng trúc
Thong dong bóng lá u trầm
Mây che ngang đầu Voi Phục
Bốn mùa soi bóng Tuyền Lâm.

Mái cong vươn mình cao vút
Trầm tư dưới cội bồ đề
Thả hồn vào nơi phật tích
Bình yên tìm chốn đi về.

Bạt ngàn thông reo xanh biếc
Ai người dạo núi cùng ta
Mênh mông đất trời cố xứ
Tìm đâu sợi khói quê nhà?

Nguyễn An Bình

CHUYỆN KỂ Ở ĐỘNG ĐÌNH HỒ

Mùa thu năm ấy, sau hơn hai tháng hành trình, đoàn sứ bộ của Đại Việt đã đặt chân đến Hồ Nam bên bờ hồ Động Đình sau một chuyến đi dài từ ải Nam Quan sang Trung Quốc. Trong hai tháng đó, đoàn sứ bộ do chánh sứ Nguyễn Anh Vũ dẫn đầu di chuyển theo con đường định sẳn của những lần sứ bộ đi trước đó, chủ yếu bằng đường sông: theo dòng Minh Giang và Tả Giang để đến Ngộ Châu, sau đó ngược dòng Quế Giang sang Quế Lâm, rồi đi vào kênh Hưng An xuôi thuyền vào sông Tương, rồi theo sông Tương chảy dọc suốt tỉnh Hồ Nam đến hạ lưu thị trấn Tương Đàm, Tương Âm vào hồ Động Đình nổi tiếng thơ mộng. Tại đây quan chánh sứ Anh Vũ cho các quan lại trong đoàn sứ bộ được nghỉ ngơi vài ngày để dưỡng sức trước khi dùng thuyền vượt qua hồ Động Đình để đến Hồ Bắc đi Bắc kinh hoàn thành trách nhiệm đất nước giao phó đồng thời nhân đó có thời gian tham quan thăm thú một số các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của đất Hồ Nam. Từ lâu Anh Vũ nghe đồn phong cảnh xung quanh hồ Động Đình rất nên thơ hữu tình nên cũng muốn tìm hiểu nhằm mở rộng tầm nhìn đôi chút về xứ người. Xét về mặt địa lý, hồ Động Đình nằm ở phía nam sông Dương Tử và do nhiều hồ lớn hợp thành, có thể nói đây là một cái hồ tự nhiên trời ban dành tặng cho tỉnh Hồ Nam để làm nơi điều hòa lưu lượng rất lớn mực nước sông Dương Tử đổ về vào mùa mưa lũ. Ngoài sông Dương Tử ra, hồ còn được bốn con sông khác đổ nước vào là Tương Giang, Tư Giang, Nguyên Giang và Lệ Thủy. Ngoài ra còn có sông Tiêu đổ vào sông Tương gần Trường Sa trước khi sông Tương đổ vào hồ vì thế khúc sông này được gọi là Tiêu Tương. Sông Tiêu, sông Tương là những con sông nổi tiếng được nói tới rất nhiều trong văn chương Trung Hoa và Đại Việt mà chàng đã từng đọc qua.
Giữa hồ Động Đình mọc lên một hòn đảo lớn gọi là Quân Sơn, tên cũ của nó là núi Động Đình hay Tương Sơn. Đảo cách thị trấn Lạc Dương khoàng 13 km, chiều rộng 1 km, trên đảo có 72 đỉnh núi, có nhiều đình quán đền chùa. Phong cảnh ở đây đi cùng với hồ thật thần Tiên như chốn bồng lai tiên cảnh dưới trần, đã nổi danh hàng ngàn năm nay. Tương truyền rằng ngày xưa có tiên xuất hiện ở đây. Cảnh sắc thay đổi theo bốn mùa. Về mùa xuân hoa cỏ muôn mầu muôn sắc. Mùa hạ, trời quang mây tạnh là lúc thấy rõ toàn cảnh mặt hồ. Mùa thu khói sương huyền ảo như chốn thiên thai. Đêm đêm văng vẳng vọng lại tiếng hát câu hò của người dân chài vang lên trong thinh lặng. Mùa đông là lúc những loài di điểu trở về… Cảnh sắc huyền ảo như trong một bức tranh sơn thủy.
Đến Động Đình Hồ mà không thăm lầu Nhạc Dương là một thiếu sót rất lớn. Lầu Nhạc Dương ở đầu thành Tây Môn, thành phố Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam. Đứng trên lầu có thể thấy bao quát cả Hồ Động Đình với mặt nước hồ xanh thẳm, thuyền bè qua lại và đảo Quân Sơn thấp thoáng xa xa nhất là khi hoàng hôn buông xuống , mặt trời đỏ lừng lựng khuất phía sau đường chân trời và từng đàn chim lũ lượt bay về tổ ấm tạo nên một bức tranh thật rực rỡ của một ngày sắp tàn. Trên đường đi sứ, các sứ thần nước ta khi đến hồ Động Đình đều dừng chân đến ngoạn cảnh ở lầu Nhạc Dương sau đó đến Vũ Hán thăm Hoàng Hạc Lâu . Là một trong bốn danh lâu Trung Quốc nên các sứ thần Đại Việt cũng đề thơ xướng họa lưu giữ bút tích của mình.Trung Quốc có câu Động Đình thiên hạ thủy, Nhạc Dương thiên hạ lâu. Động Đình là hồ đứng đầu thiên hạ, Lầu Nhạc Dương là lầu đứng đầu thiên hạ. Nếu Hoàng Hạc Lâu nổi tiếng với bài thơ Thôi Hiệu, Đằng Vương Các nổi tiếng với bài văn Vương Bột thì Nhạc Dương Lâu nổi tiếng với bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm.
Quan chánh sứ Nguyễn Anh Vũ cũng không ngoại lệ, ngay sáng hôm sau chàng đã đến lầu Nhạc Dương để ngắm cảnh. Lầu Nhạc Dương nguyên là Duyệt Quân Lâu do đại tướng Đông Ngô thời Tam Quốc dựng lên dùng để thao luyện binh sĩ, kiểm duyệt thủy quân, đến đời nhà Đường mới đổi thành Nhạc Dương lâu. Anh Vũ có dịp chiêm ngưỡng bút tích, đọc thơ của các nhà thơ nổi tiếng còn lưu lại như Mạnh Hạo Nhiên, Trương Cửu Linh, Lý Bạch, Đổ Phủ, đề thơ tự vịnh. Mãi vui vãn cảnh nên trên đường trở về sứ quán Anh Vũ bước lạc vào một một làng chài nhỏ ven hồ , những mái nhà thấp lè tè cũ kỷ, thưa thớt vắng người, không khí có vẻ ảm đạm buồn tẻ. Chàng đang đứng chơ vơ chưa biết hỏi thăm ai, bỗng thấy một lão ngư đầu đội nón tơi đang đi tới, chàng hỏi nơi đây là điạ phương nào, lão bảo: Đây là làng chài Đan Phượng, dân trong làng chuyên sống bằng nghề hạ bạc nhờ nguồn lợi thủy sản trong hồ đắp đổi qua ngày. Nói đến đây bỗng lão ngư thở dài ngao ngán: Suốt cả buổi sáng quăng lưới chỉ bắt được một con cá nầy mà thôi. Hôm nay nhà lão chắc thiếu gạo thổi cơm mất thôi. Nói xong lão dợm bỏ đi. Anh Vũ ngăn lại nhìn vào giỏ cá lão đang xách trên tay, quả thật chỉ thấy một con cá chép vẩy màu vàng lấp lánh nằm vật vờ trong đó, con cá nhìn chàng chớp mắt nhiều lần, chiếc đuôi lắc qua lắc lại như có vẻ van lơn cầu khẩn xin chàng cứu mạng. Động lòng chàng trả một số tiền khá lớn cho lão ngư rồi mang giỏ cá xuống bờ hồ để phóng sinh, chàng nói:
– Cá vàng ơi! Mày hãy trở về vương quốc thủy tộc của mày đi nhé. Đừng lạc lối đến đây một lần nào nữa kẻo lại hối không kịp.
Hình như biết nghe tiếng người, dưới dòng nước trong xanh của mặt hồ, cá chép lắc lư cái đuôi của mình mấy lượt, đầu ngước lên như muốn trả lời chàng trước khi lặn sâu xuống đáy hồ mất hút.
Đêm Động Đình hồ nhuốm một màu huyền ảo, trên bờ những hàng quán treo đèn kết hoa rực rỡ, tiếng đàn tiếng sáo du dương hòa lẫn với tiếng cười nói của khách du ngoạn tạo một không khí thật tưng bừng nhộn nhịp . Dưới bến nước, thuyền của tao nhân mặc khách cũng ra vào thưởng ngoạn không khí trong lành mát lạnh của mặt hồ . Anh Vũ cho thuyền chèo ra khơi xa một chút để ngắm trăng. Ánh trăng mười sáu in trên mặt hồ lấp lánh như dát vàng trên làn sóng lăn tăn trông thật huyền ảo. Trước phong cảnh hữu tình có một không hai ấy, Anh Vũ chợt hứng khởi ngâm nga:
Để tử Tiêu Tương khứ bất hoàn
Không dư thu thảo Động Đình gian
Đạm tảo minh hồ khai ngọc kính
Đan thanh họa xuất thị Quân Sơn(1)
Chẳng biết từ đâu theo làn gió đưa về tiếng ngân nga của một bài thơ tả về cảnh đẹp của Động Đình hồ:
Hồ quang thu nguyệt lưỡng tương hòa
Đầm diện vô phong kính vị ma
Dao vọng Động Đình Sơn thủy thúy
Bạch ngân bàn lý nhất thanh loa(2)
Là người am hiểu thơ Đường, Anh Vũ biết bài thơ đó là của Lưu Vũ Tích một danh sĩ đời Đường, chàng cảm khái cao hứng vỗ tay khen hay và cho thuyền chèo đến gần chiếc thuyền có treo đèn kết hoa xem ai là người đã ngâm vịnh bài thơ hay đó. Thuyền vừa cập mạn thì trên thuyền ánh sáng rực rỡ đó, Anh Vũ nghe có một giọng nữ vang lên:
– Quan nhân đã đến rồi thưa tiểu thư.
Có tiếng một người con gái khác ở trong thuyền:
– Em mời ân nhân vào trong thuyền giùm chị nhé.
Tức thì bên kia thuyền có một miếng ván dài bắc ngang qua thuyền chàng. Anh Vũ bước qua tấm ván để vào khoang thuyền, chàng thấy bên trong thuyền được bày trí thật trang nhã, diễm lệ, màn che trướng phủ, đèn sáp lung linh chẳng khác nào cách trang trí của con nhà khuê các giàu có. Giữa thuyền bày sẳn một tiệc rượu đầy những món ngon như đang chào đón khách quý,chàng ngỡ mình đường đột đến không đúng lúc muốn quay lui, thì nàng thiếu nữ xem chừng là chủ nhân, có gương mặt cực kỳ thanh tú, tóc mây xỏa dài như suối, trâm cài lấp lánh màu hổ phách, mặc chiếc áo vàng tươi sáng dưới ánh đèn trông muôn phần diễm lệ bước tới, nụ cười như hoa hàm tiếu mới nở:
– Xin ân nhân đừng ngại. Tiệc rượu nầy thiếp bày ra để chào đón ân nhân đó thôi. Xin mời chàng ngồi xuống đây.
Được ngồi đối diện với nữ chủ nhân xinh đẹp, Anh Vũ cảm thấy bối rối không biết phải mở lời như thế nào, vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của nữ chủ nhân, chàng lại vừa ngạc nhiên khi nghe giai nhân gọi mình là ân nhân:
– Ân nhân ư? Ta với nàng có mối ân nghĩa gì sao? Ta là khách lạ từ xa vừa ghé ngang qua đây và nhớ chưa hề gặp nàng bao giờ thì làm gì có nghĩa ân trong đó.
Thiếu nữ nhìn chàng, cười:
– Chàng thật mau quên. Có phải chàng cho rằng thi ân bất cầu báo chăng? Nhưng người thọ ân không thể quên được. Đạo lý thánh hiền từ ngàn xưa đã dạy như thế. Chẳng phải sáng nay chàng đã phóng sinh một con cá vàng xuống hồ nầy sao?
Anh Vũ giật mình kinh ngạc:
– Phải! Nhưng việc đó nào có liên quan gì đến nầy,chẳng lẽ nàng là…
– Vâng! Chính thiếp. Thiếp là con cá vàng mà chàng đã phóng sinh ban sáng. Thiếp là Tiểu Long Nữ, con vua Thủy Tề cai quản vùng Động Đình hồ mênh mông rộng lớn nầy hàng nghìn năm nay. Sáng nay vì mãi mê ngắm cảnh sông nước của hồ, thiếp đã trốn vua cha hóa thành cá chép lội rong chơi khắp nơi không ngờ dính lưới của ngư ông, cũng may gặp được chàng ra tay cứu giúp nếu không chắc chẳng còn thể xác để trở về gặp phụ thân nữa rồi. Ơn đức ấy thiếp kết cỏ ngậm vành cũng chưa trả hết được, thiếp mượn lời thơ xướng họa mời chàng qua thuyền, bày tiệc mọn để tỏ lòng ơn nghĩa xin chàng chớ chối từ.
Được lời như cởi tấm lòng, Anh Vũ cùng giai nhân trò chuyện vô cùng tâm dắc, Tiểu Long Nữ tỏ ra am tường thi phú làm Anh Vũ càng thêm mến phục. Qua vài tuần rượu,trăng đã xế ngang đầu lúc nào không biết, Tiểu Long Nữ nói với chàng:
– Buổi tiệc nào rồi cũng phải tàn. Buổi gặp gỡ của chúng ta đêm nay cũng là duyên kỳ ngộ. Thiếp biết chàng đang mang trách nhiệm đi sứ, nên không dám lưu khách lại thêm nữa, nhưng đường đi sứ xa xôi sẽ gặp nhiều bất trắc khó lường xin chàng lưu ý cho.
– Ta xin lắng nghe lời khuyên của nàng.
– Chàng ơi, chàng có biết một tai họa đang sắp ập đến với chàng rồi không?
Anh Vũ giật mình kinh sợ:
– Tai họa ư? Xin nàng nói rõ hơn?
– Chẳng phải là họ Nguyễn chàng có ân oán với loài rắn sao? Chàng không nhớ vụ án thảm khốc Lệ Chi Viên năm nào?
Anh Vũ nhìn Tiểu Long Nữ trân trối. Sao nàng lại biết vụ án oan khuất khủng khiếp mà gia tộc chàng phải hứng lấy, chuyện đã xảy ra nhiều năm rồi không phải sao? chàng thảng thốt kêu lên:
– Loài rắn ư? Ta cũng nghe mẫu thân nói điều đó. Nhưng theo ta đó chỉ là truyền thuyết. Riêng ta vẫn luôn mang nghi vấn trong lòng, miệng thế gian thêu dệt, lấy chi là thực, lấy chi làm giả?
– Chàng không tin ư? Thế gian có những điều giả lại biến thành thực, thực lại thành giả. Lộng giả thành chân, chàng là người trí giả không hiểu điều đó sao?
Anh Vũ trầm ngâm, nhớ lại lời kể của mẫu thân về vụ án Lệ Chi Viên năm nàokhi chàng đã lớn, gia tộc đã được giải oan: Đó là vụ án thảm khốc mà gia tộc chàng phải gánh lấy từ cái chết vô cùng bí ẩn của vua Lê Thái Tông khi tuần du về Chí Linh. Chuyện rắn báo oán có lẽ bắt đầu từ đời tổ phụ chàng là Nguyễn Phi Khanh. Khi chưa ra làm quan cho nhà Hồ, ông mở trường dạy học, môn sinh đến thụ huấn khá đông nên ông có dự định cất thêm trường lớp. Một hôm ông dẫn các môn sinh ra phía sau nhà chỉ khu đất trống nhờ họ phát quang cỏ để cất trường. Tối hôm đó, ông nằm mộng thấy một người đàn bà mặc áo trắng đến khẩn khoản xin ông thư thả ít hôm để dọn nhà vì các con còn quá nhỏ, dù không biết là ai nhưng thấy có thể giúp được nên ông nhận lời. Sáng hôm sau ông thức muộn thì đám cỏ sau nhà đã phát xong học trò vào báo lại, trong lúc phát quang, họ đào phải một hang rắn, họ đập chết ba con rắn con, còn con rắn mẹ bị đứt đuôi nhưng đã chạy thoát. Ông mới chợt hiểu người đàn bà trong giấc mơ là con rắn trắng đội lốt, ông thở dài buồn bã thốt: “Thế là ta không cứu được họ rồi”. Mấy hôm sau trong một đêm ông ngồi đọc sách thì trên xà nhà có một con rắn bò ngang. Đuôi của nó nhỏ máu xuống trang sách ông đang xem, giọt máu rơi đúng chữ đại và thấm qua 3 trang giấy như thầm bảo sẽ trả thù mối hận nầy qua ba đời liên tiếp. Khi nhà Hồ mất tổ phụ ông bị bắt giải về Bắc Kinh cùng hai vua nhà Hồ, khi qua biên ải ông có nhắc lại chuyện ấy cho Nguyễn Trải – cha chàng nghe để đề phòng. Nhưng không ngờ chuyện rắn báo oán lại xảy ra cuối đời của cha chàng khi lui về chí sĩ ở Côn Sơn. Tương truyền cha chàng có người hầu thiếp xinh đẹp và thông minh giỏi chữ nghĩa, cuộc gặp gỡ giữa họ phải chăng là mối dây oan nghiệt tạo nên vụ án Lệ Chi Viên khốc liệt? Chàng nghe kể cha mình gặp bà Nguyễn Thị Lộ năm 26 tuổi, lúc làm quan cho nhà Hồ, gặp nàng Thị Lộ 16 tuổi ở Vũ Lăng đi bán chiếu, thấy dung nhan xinh đẹp bèn làm thơ chọc ghẹo:
Ả ở đâu mà bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu bán hết hay còn ?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi ?
Đã có chồng chưa ? được mấy con ?
Không ngờ cô nàng bán chiếu xinh đẹp ứng khẩu đáp lại một cách nhanh chóng:
Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon .
Can chi ông hỏi hết hay còn ?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẽ.
Chồng còn chưa có, có chi con !
Cảm vì sắc mến vì tài Nguyễn Trãi bèn lấy bà làm thiếp. Vì bà có học thức nên được Lê Thái Tông phong làm Lễ nghi học sĩ để dạy dỗ cho cung tần mỹ nữ và giảng sách cho vua nghe, Chính vì thế khi vua Lê Thái Tông đi duyệt võ ở Chí Linh, trên đường về ghé vào Côn Sơn thăm Nguyễn Trãi, lúc Vua rời Côn Sơn, Thị Lộ được lệnh theo vua về triều. Khi xa giá Thái Tông đến Lệ Chi viên (vườn trái vải) ở làng Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, đêm ấy vua bị cảm, đến sáng thì mất, các quan hộ giá giữ kín và rước linh cữu vua về Thăng Long, rồi mới báo tang. Ngay sau đó Thị Lộ bị bắt, Nguyễn Trãi đang đi kiểm tra ở Đông Bắc, được tin Thái Tông mất, vội trở về triều cũng bị bắt và bị buộc tội đồng mưu với Thị Lộ thí vua. triều đình đã khép tội tru di 3 họ Nguyễn Trãi, gây ra một vụ án tàn khốc nhất lịch sử. Tương truyền rằng khi bị hành hình dìm xuống nước cho chết, thì bà Lộ biến thành một con rắn lớn bò xuống nước bơi đi mất. Nhân thế người ta cho rằng Thị Lộ là rắn đội lốt thành để hại con cháu Nguyễn Phi Khanh nhằm báo thù.
Gia quyến Nguyễn Trãi trước tai họa diệt vong đó cũng lưu tán khắp nơi khi biến cố Lệ Chi Viên xảy ra. Người em trai Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Hùng chạy về Phù Khê, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Nguyễn Phù – một người con của Nguyễn Trãi – chạy lên Cao Bằng, đổi họ sang họ Bế Nguyễn. Bà vợ thứ năm của Nguyễn Trãi là Lê thị, đang mang thai, phải trốn về Phương Quất, huyện Kim Môn, Hải Dương nhưng rồi cũng không tránh khỏi sự truy sát. Đặc biệt, bà vợ thứ tư của Nguyễn Trãi là bà Phạm Thị Mẫn lúc đó cũng đang mang thai, được người học trò cũ của chồng là Lê Đạt giúp chạy trốn vào xứ Bồn Man, sau về thôn Dự Quần, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, bà sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ là Phạm Anh Vũ. Sau hơn 20 năm chịu oan khuất, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi và cho tìm con cháu ông để cho tập ấm. Người ta tìm được một người con Nguyễn Trãi là Nguyễn Anh Vũ. Lúc này Anh Vũ đã đỗ Hương cống nên được Thánh Tông cho làm tri huyện và sau thăng dần chức tước được cử làm chánh sứ sang Trung Quốc.
Anh Vũ suy tư nói:
– Ta nghĩ rằng chuyện rắn báo oán đã chấm dứt sau ngày Thị Lộ bị hành hình. Hàm oan của cha ta chẳng phải đã rửa sạch rồi đó sao?
– Chàng quên rằng có truyền thuyết cho rằng khi bị dìm xuống sông chết, người ta thấy xuất hiện một con rắn trắng lội đi mất hay sao?
– Như vậy Thị Lộ tức là rắn biến thành đeo đuổi để trả thù ư?
Tiểu Long Nữ mỉm cười nhìn Anh Vũ:
– Chàng có biết chuyện Trụ Vương cuối đời nhà Thương? Ông ta là một vị vua ham mê tửu sắc hoang dâm vô độ, để làm vui lòng ái phi của mình ông ta không những giết hại trung thần, tận diệt hết loài hồ để lấy bộ lông làm áo, vì thế con cháu loài hồ quyết tâm báo thù rửa hận. Có con chồn chín đuôi thoát chết, thành tinh nhập hồn vào thân xác Đắc Kỷ xúi giục ông ta làm điều bạo ngược đến nỗi nước mất nhà tan. Thiếp cho rằng trong vụ án Lệ Chi Viên thì xác là Thị Lộ còn hồn là loài rắn báo oán thì có gì là lạ đâu. Con rắn thành tinh đó từ ấy đã về ẩn náo làm mưa làm gió ở hồ Động Đình nầy chờ cơ hội để báo thù chàng đó.
Tiểu Long Nữ trầm ngâm một lúc rồi nói tiếp:
– Đó cũng chỉ là một nghi vấn, một truyền thuyết. Nhưng có một điều nầy chàng phải lưu ý: Con đường hoạn lộ cũng là con đường chính trị hiểm ác khó lường, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào. Vua Lê Thái Tông vốn là một ông vua ham sắc, có nhiều vợ, nhiều cung tần mỹ nữ hầu hạ ngày đêm. Chỉ trong 2 năm sinh liền 4 hoàng tử. Các bà vợ vua luôn tranh chấp ngôi thái tử cho con mình, dòm ngó đến ngai vàng, kéo bè kéo phái nhằm hậu thuẩn cho mình, nên trong triều thường xảy ra những hiềm khích, nghi kỵ. Vì thế trong một lúc giận dữ, vua Lê Thái Tông đã truất phế hoàng hậu Dương Thị Bí và phế lập ngôi thái tử con của bà là Lê Nghi Dân lúc ấy mới lên 2 tuổi. Thay vào đó lập bà Nguyễn Thị Anh lên làm hoàng hậu và phong cho con bà nầy là Lê Bang Cơ lên làm thái tử khi chưa đầy 1 tuổi. Cùng lúc đó có một bà vợ khác của vua là Ngô Thị Ngọc Dao cũng sắp lâm bồn. Nguyễn Thị Anh lại sợ đến lượt mẹ con mình bị phế nên tìm cách hãm hại bà Ngọc Dao. Cha chàng đã biết được âm mưu đó đã tìm cách cứu bà Ngọc Dao, đưa ra ngoài thành để nuôi giấu chờ ngày sinh nở. Chính từ môi hiềm thù, cũng có thể bà hoàng hậu cho người bí mật bỏ thuốc độc vào thức ăn để giết vua tại Lệ Chi Viên rồi vu cáo cho cha chàng và bà Nguyễn Thị Lộ cũng nên.
Anh Vũ nghe xong, ngửa mặt nhìn trời than:
– Oan oan tương báo biết bao giờ cho dứt. Nay ta đang mang trọng mệnh triều đình giao phó biết làm thế nào, chẳng lẽ bỏ mạng tại nơi nầy?
Tiểu Long Nữ vội trấn an Anh Vũ:
– Vì cảm ơn chàng đã cứu giúp, thiếp đã có cách giúp đở chàng tránh được tai họa diệt vong.
Nói xong, Tiểu Long Nữ sai người hầu vào bên trong lấy ra một thanh gươm trao cho Anh Vũ:
– Đây là thanh gươm trị thủy của vua cha mà thiếp mượn tạm, chàng cầm lấy sẽ qua hồ bình an, lúc trở về ắt có việc dùng đến. Thôi! Trời đã khuya chàng nên lui gót để sáng mai còn lên đường sớm, còn có cơ duyên chúng ta sẽ gặp lại nhau.
Sáng hôm sau, đoàn sứ bộ Đại Việt dùng thuyền vượt hồ Động Đình, thuyền đi gần giữa hồ bỗng sóng to gió lớn nổi lên dữ dội, từng cột sóng cao ngất như chụp lấy chiếc thuyền mỏng manh, một con rắn trắng lớn rượt theo,vượt ngang mặt thuyền gầm gào gọi tên Anh Vũ đòi mạng . Thuyền chòng chành, nghiêng ngã mấy phen tưởng chìm, ai nấy cũng đều sợ hải, lo âu. Nguyễn Anh Vũ biết rắn hiện hình báo oán, bình tĩnh cầm thanh gươm trị thủy bước ra trước mũi thuyền, đưa thanh gươm lên cao, dõng dạc nói lớn:
– Oan có đầu nợ có chủ, ta sẳn sàng đối diện ân oán của tiền nhân đối với nhà ngươi nhưng ngươi không được làm hại người vô tội. Nay ta đang mang trọng trách đi sứ vua Đại Việt đến Bắc Kinh nối bang giao giữa hai nước. Xin cho ta hoàn sứ mệnh lúc trở về sẽ nộp mình quyết không thất hứa.
Anh Vũ vừa dứt lời thì mặt hồ đang nổi sóng bỗng nhiên sóng yên hồ lặng như chưa hề xảy ra chuyện gì, người trong thuyền ai nấy đều ngạc nhiên. Đoàn sứ bộ qua hồ an toàn. Cuộc hành trình lại tiếp tục. Đường đến Bắc Kinh lần nầy khá vất vả, đoàn đến Vũ Hán, Hồ Bắc rồi theo đường bộ đến Võ Thắng Quang, đến Hà Nam, qua Tín Dương, Yên Thành, Hứa Xương đến Khai Phong, rồi lại theo sông Hoàng Hà đến Trường Ca, Nghiệp Thành, qua Hàm Đan vượt sông Dịch đến Bắc Kinh.(3) Đoàn ở lại Bắc Kinh khoảng 20 ngày hoàn thành công việc. Trở về đến phía bắc hồ Động Đình đã là cuối hạ đầu thu. Nước hồ vẫn xanh trong, hoa cúc nở đầy hai nên đường, sắc vàng như mật trải khắp nơi.
Thuyền lại vượt hồ, Nguyễn Anh Vũ ăn mặc gọn ghẽ, tay cầm thanh gươm trị thủy đứng hiên ngang ở đầu thuyền. Thuyền đi vào giữa hồ, nước hồ bỗng dưng sôi lên sùng sực, rồi sóng gió bắt đầu dâng lên dữ dội mãnh liệt hơn lần trước, trời xám xịt gió rít từng cơn thật ghê rợn. Rắn trắng xuất hiện, nhe năng múa vuốt, ào ào duổi theo thuyền. Anh Vũ nói lời từ biệt với mọi người, rút gươm nhảy xuống dòng nước xoáy trên mặt hồ. Nhờ có thanh gươm trị thủy mà thân pháp Anh Vũ trở nên nhẹ nhàng như đang ở trên cạn, đường gươm trở nên mạnh mẽ sắc bén khôn lường. Trên thuyền mọi người thấy Anh Vũ và con rắn trắng như quây tròn quần thảo lấy nhau trong một trận quyết chiến thật dữ dội. Nhờ có gươm báu trong tay nên đường kiếm của chàng rẽ nước loang loáng chém vào đầu rắn, Bạch xà cũng lanh lẹ không kém né đòn và cái đầu rắn miệng thè cái lưỡi đỏ lòm chực chờ phun nọc độc và tìm cách nuốt chừng lấy chàng. Ai nấy đều lo ngại cho tánh mạnh của Anh Vũ. Bỗng đâu nghe một tiếng thét lớn của Anh Vũ, mọi người chỉ thấy một đường kiếm xanh chém xuống đầu rắn nhanh như tia chớp, máu loang cả mặt hồ, tiếng quấy đạp dữ dội xen lẫn tiếng gầm rú ghê rợn kinh hồn, một lát sau mặt hồ trở lại phẳng lặng nhưng không thấy người và rắn đâu nữa, chỉ thấy máu loang cả một vùng rộng lớn, cả hai chắc đã chìm sâu xuống đáy hồ.
Người đời sau kể rằng Vua nhà Minh nghe trình tấu, cảm kích trước hành động dũng cảm tiêu diệt mãnh xà trừ hại cho bá tánh của vị chánh sứ nước Việt đã xuống chiếu sắc phong Nguyễn Anh Vũ đời đời làm thành hoàng của cả vùng Động Đình hồ bao la rộng lớn. Tuy nhiên còn một chi tiết mà người viết muốn kể thêm chắc chưa ai nhắc đến: Sau trận hỗn chiến dữ dội giữa người và rắn, kết thúc câu chuyện rắn báo oán gây nên vụ án Lệ Chi Viên đẩm máu năm xưa, Nguyễn Anh Vũ- hậu duệ cuối cùng còn sót lại của dòng họ Nguyễn – lại một lần nữa không chết, mà chàng cùng Tiểu Long Nữ – con vua Thủy Tề – sống ung dung tự tại, ngược xuôi sông hồ, chu du tứ hải, non bồng nước nhược, danh lam thắng cảnh không nơi nào không đến, thân xác phiêu diêu thoát khỏi sông mê bến tục nhiều ân oán thị phi, sống luôn tìm cách hãm hại nhau để tranh giành quyền tước địa vị, công danh đối với chàng giờ chỉ còn là bọt nước đầu ghềnh, đám vân cẩu bay cuối trời mà thôi.

NGUYỄN AN BÌNH

__________________________________________________

(1) Bài Du Động Đình của Lý Bạch
Dịch nghĩa : Dạo trên hồ Động Đình
Nơi sông Tiêu Tương vua đi mà không về
Chỉ còn cỏ thu ở Động Đình gian
Gió nhẹ tan sương thấy mặt hồ
Nắng lên họa rõ ra là Quân Sơn.
(2) Bài Vọng Động Đình của Lưu Vũ Tích
Dịch nghĩa: Ngắm hồ Động Đình
Vẻ phong quang của hồ và ánh trăng thu hòa hợp với nhau
Mặt hồ lặng gió giống như mặt gương đồng chưa mài sáng
Từ xa ngắm màu xanh của mặt nước hồ Động Dìnhvà núi Quân
Giống như trên cái mâm bằng bạc có con ốc xanh
(3)Theo “Nguyễn Du qua hành trình đi sứ Trung Quốc” của Mạnh Hà