ĐẤT KHÁCH MƯA CHIỀU

 

Chiều nghiêng
đất khách mưa bay
Hạt rưng rức vỡ…
lòng hoài cố hương
Lệ mưa
ướt đẫm con đường
Cây tay rời lá
vàng vương lối về

Bước chồng…
thêm bước…nhiêu khê
Mưa ?
Hay mắt khóc
ướt thề hẹn
đau
Mộng du
thơ rót điệu sầu
Mưa chiều đất khách
nát nhàu nhớ thương

Huỳnh Duy Lộc

Advertisement

LẠC BƯỚC MÙA XUÂN

(Tặng vợ yêu lẻ bóng quê nhà )

Tết quê người
lạc mất cánh mai vàng
Hai bên cửa
thiếu chậu hoa vạn thọ
Không bàn thờ
bày cúng mâm ngũ quả
Rưng lạnh lòng
thèm ấm khói nhang thơm

Không bánh tét
mặn mà vị dưa món
Thiếu dưa hành
củ kiệu trộn tôm khô
Nghe thèm lắm
canh khổ qua ngọt đắng
Tết hàng năm
em luôn cúng ông bà

Xuân Mal-ta
trong rét ngoài mưa
Bên cốc rượu vang
đợi bước giao thừa
Thiếu hạt dưa rang
” thèo lèo cứt chuột
Không mứt hạt sen
lẫn ngọt mứt dừa

Nhớ tay em
ủi bộ quần áo mới
Lòng nôn nao
xa vẳng tiếng chuông chùa
Qua giao thừa
vai kề vai đi lễ
Viếng chùa Ông
cùng hái lộc đầu năm

Chắc giờ này
em tựa cửa ngóng trông
Bóng tình xa…
trái tim buồn bật khóc
Nỗi nhớ thương
bào phai màu sợi tóc
Mà anh về
chưa kịp bước xuân sang !..

Không tan kỉ niệm

 

Ở phương nào có giữ nỗi đau xưa
Mà mây bay ở trưa hè chợt khóc
Người chợt đến ngày xưa như nắng ấm
Chợt vội đi tơi tả những cơn mơ

Ở Sài Gòn người có nhớ Cần Thơ
Nắng lổ đổ nghiêng vai vàng sông Hậu
Người có nhớ những chiều xưa tan học
Nơi bến sông ai đó đợi con đò

Áo người trắng mây trời bay hờn dỗi
Giữ trong tôi chút bẽn lẽn ngại ngần
Môi chưa nói sao chân người vội bước
Mái chèo khua xao gợn sóng trong lòng

Hè năm ấy người bỏ đi biền biệt
Bảy năm dài lặng lẽ bước theo sông
Tôi vẫn đợi bến xưa chiều tan học
Lặng chờ nghe nhịp guốc thuở bâng khuâng

Chiều thoảng bay bao nhiêu tà áo trắng
Tôi dõi tìm qua mấy bận đò ngang
Áo người xưa chợt về vương sóng mắt
Sợi mây buồn chấp chới trắng trên sông

 

Huỳnh Duy Lộc

 

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm từ trần

Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm, tác giả “Gọi Người Yêu Dấu,” vừa qua đời tại San Jose, miền Bắc California, vào sáng thứ hai 24 tháng 7 năm 2017, hưởng thọ 87 tuổi.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh ngày 30 tháng 6 năm 1930 tại Nam Định. Ông gia nhập quân đội năm 1951, theo học khóa 1 Trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, cấp bậc cuối cùng là Trung tá, Huấn luyện viên Tiếp vận, Trường Chỉ huy & Tham mưu Đà Lạt- Long Bình, quân đội VNCH.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm bị tập trung cải tạo suốt 13 năm. Cuối năm 1990, ông cùng gia đình sang Hoa Kỳ theo diện cựu tù nhân chính trị. Sau khi định cư ở Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm đã thực hiện các CD “Tôn Vinh Ca” và 2 CD: “Mùa xuân Thung lũng Hoa vàng” và “Dòng sông đứng lại” (cộng tác với nhạc sĩ Phạm Anh Dũng).
Năm 2002, nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm được thành phố Santa Clara, California, tuyên dương và trao giải thưởng đặc biệt dành cho những nghệ sĩ cao niên đã phục vụ nghệ thuật trên 50 năm, đã tạo thành tích ở Việt Nam và tiếp tục sau khi định cư ở Hoa Kỳ.
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm qua đời vì bệnh ung thư máu sau một thời gian dài chữa trị.

Image may contain: 1 person, playing a musical instrument

Vũ Đức Nghiêm và “Gọi người yêu dấu”
Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm sinh 1930 tạI làng Hoàng Nha, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định trong một gia đình tin kính Chúa. Ông đã say mê âm nhạc từ nhỏ và bắt đầu sáng tác ca khúc vào năm 17 tuổi. Ông kể về bước đầu đến với âm nhạc: “Tôi đến với âm nhạc từ lúc còn rất nhỏ. Năm 10 tuổi, mẹ tôi đã mua cây đàn violon nhỏ xíu cho tôi. Tôi đã hát ở các ca đoàn của Hội thánh Tin Lành Hà Nội. Sau đó, tôi tự học và sáng tác những bản nhạc đầu tay…”. Năm 1951, ông nhập ngũ, học Khóa 1 Trường Sĩ quan trừ bị Nam Định, ở trong quân ngũ suốt mấy chục năm, làm huấn luyện viên ở Trường Chỉ huy và Tham mưu tại Đà Lạt (Những kỷ niệm với thành phố Đà Lạt đã được ghi lại qua những câu hát của nhạc phẩm “Mùa thu thành phố sương mù”: http://cothommagazine.com/…/MuaThuThanhPhoSuongMu-NguyenThu…)

Sau năm 1975, vì mang cấp bậc trung tá, ông đi học tập cải tạo suốt 13 năm ở các trại Long Giao, trại Suối Máu (Tân Hiệp), trại Yên Bái ở Hoàng Liên Sơn, trại Văn Bàn ở Lào Cai, trại Xuân Phước, mãi đến cuối năm 1990 mới sang Mỹ định cư theo diện H.O.
Dòng nhạc Vũ Đức Nghiêm có thể được chia làm 4 thể loại tương ứng với 4 giai đoạn khác nhau trong cuộc đời ông:
1. Quân hành ca: Các ca khúc viết lúc còn trẻ khi còn ở trong quân đội.
2. Tình ca: Các ca khúc viết ở tuổi trưởng thành.
3. Ngục tù ca: Các ca khúc viết trong 13 năm học tập cải tạo trong trại tù
4.Tôn vinh ca: Các ca khúc viết từ khi được trả tự do cho đến nay.
Trong thời gian ở trong trại tù, ông sáng tác ca khúc “Đóa hồng cho người yêu dấu” để tặng cho người vợ đã không quản khó nhọc đi thăm nuôi ông và hết lòng chăm sóc con cái và ca khúc “Muôn trùng xa em” ghi lại hình ảnh người vợ từ giã ông trong trại tù để về nhà. Vào thời gian này, ông cũng sáng tác nhiều bản thánh ca như: “Tôi ước mơ là viên than hồng”, “Vững bước đi trên khổ đau” hay “Khi tôi quỳ bên chân Chúa” với những câu hát như:
“Khi tôi quỳ bên chân Chúa,
Hồn bay thánh thoát về chốn cao vời.
Dâng lên Ngài lòng tan vỡ,
Nghẹn ngào cay đắng lầm lỡ trong đời…”

Thế nhưng ca khúc nổi tiếng nhất của Vũ Đức Nghiêm là bản tình ca “Gọi người yêu dấu” viết ở Đà Lạt vào tháng 11 năm 1969, lúc vừa chia tay người yêu như lời kể của ông: “Tôi viết ‘Gọi người yêu dấu’ vào năm 1969 trong một cuộc phiêu lưu tình cảm”. Điều hết sức tình cờ là nữ ca sĩ Thanh Lan lên Đà Lạt chơi, đã gặp Vũ Đức Nghiêm và hỏi ông có viết ca khúc nào mới không. Ông đã đưa cho Thanh Lan ca khúc “Gọi người yêu dấu” và tháng giêng năm 1970, cô đã trình bày lần đầu tiên bản tình ca này trên Đài Truyền hình Việt Nam. Khán giả rất yêu thích ca khúc trữ tình chậm buồn theo điệu Boston này:

“Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương.
Người yêu dấu ơi, sao lòng se sắt đầy vơi?
Người yêu dấu ơi, thu về tim vẫn đơn côi.
Người yêu dấu ơi, khi ngàn sao đêm lấp lánh.
Tâm hồn bâng khuâng, nhớ ngày vui đã qua nhanh.
Thương đôi mắt sao trời lung linh.
Thương yêu ngón tay ngà xinh xinh.
Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng…
Thương em mong manh như một cành lan.
Gọi người yêu dấu xa vời.
Mà lòng lưu luyến bồi hồi.
Ngày biệt ly đành nhớ nhau thôi khi chiều nhẹ rơi…
Gọi người yêu dấu muôn đời.
Nghẹn ngào không nói thành lời.
Tình yêu xưa ngày tháng phai phôi biết bao giờ nguôi…”

Ca khúc “Gọi người yêu dấu” với giọng ca Thanh Lan:
https://youtu.be/RmqeE7Z0heg
Ca khúc “Gọi người yêu dấu” với giọng ca Ngọc Lan: https://youtu.be/lRrZLPe8L9w
Ca khúc “Gọi người yêu dấu” với giọng ca Thanh Hà: https://nhac.vn/goi-nguoi-yeu-dau-thanh-ha-solm34L
Ca khúc “Gọi người yêu dấu” với giọng ca Vũ Khanh: https://youtu.be/P-lEKUIAf0U

Huỳnh Duy Lộc

BÁNH KHỌT QUÊ TÔI

huynhduyloc

13450742_236020040115921_5380006452416420294_n

Ở đồng bằng Nam bộ quê tôi hầu như ai cũng biết đến món bánh khọt. Bởi nó là thứ bánh dân dã, dễ làm và rẻ tiền nhưng rất ngon. Khuôn bánh được làm bằng đất nung, giá rẻ dễ mua dành dùng trong gia đình, đôi khi chòm xóm mượn nhau dùng. Bánh được làm bằng bột gạo, bột nghệ, nước cốt dừa và đậu xanh. Chỉ đơn giản có thế nhưng nó mang rất nhiều ý nghĩa về y học, chứng tỏ rằng ông bà ta xưa kia rất am hiểu trong lĩnh vực ăn uống và trị bệnh. Gạo có chất bột đường và đạm, dinh dưỡng cao, đậu xanh nhiều đạm, vị mát, giải độc, dưỡng tì vị, kèm theo nghệ có vị cay, tính ẩm, tiêu thực.
Ở đầu đường nhà tôi có một hàng bánh khọt của bà Tư, chiều chiều tôi hay ra đó. Khách hàng, người lớn, con nít nôn nao ngồi trên những chiếc ghế nhỏ, thấp lè tè. Trên chiếc bàn con được bày biện một rổ rau sống gồm nhiều thứ, như: Cải xà lách, cải bẹ xanh, rau húng cây, húng lủi, rau thơm… một ống đũa, hai keo thủy tinh( một đựng nước mắm tỏi ớt, một đựng những cọng củ cải trắng và đỏ ngâm trong giấm). Bà Tư loay hoay bên chiếc lò than, lửa lúc nào cũng cháy đỏ liu riu. Trên miệng lò là chiếc khuôn bánh bằng đất nung đã ngả màu. Khách hàng kẻ đã ăn vài ba cái, người thì chưa, không hẹn cùng đưa mắt dõi theo đôi bàn tay bà Tư thoăn thoắt. Tay trái bà giở nắp khuôn, tay kia cầm thanh tre mỏng cạy những chiếc bánh cho vào dĩa nóng hổi nghi ngút khói. Rồi bà lại nhanh nhẩu múc bột cho vào khuôn. Những âm thanh xèo xèo vang lên khi bánh gần chín kêu khọt khọt như tiếng kèng lá thúc giục bụng đói cồn cào của khách hàng. Bà Tư giở nắp khuôn cho những vá nước cốt dừa vào. Chỉ tích tắc thôi chất nước dừa ấy đọng lại trên mặt bánh một lớp kem màu trắng sữa. Hương nước cốt dừa, đậu xanh, nghệ bay ập vào mũi. Chúng tôi nhanh nhẩu lặt rau, cặp với bánh chấm nước mắm cho vào miệng. Chỉ cần chép chút thôi phần kem trên mặt bánh mềm tan trộn lẫn trong rau thành một thứ hương vị hòa hợp khó diễn tả. Chất béo, ngọt và cay nồng của nghệ và rau pha với vị mằn mặn lẫn vị cay của nước mắm hòn Phú Quốc, khách hàng cúi đầu ăn thỏa thích, miệng hít hà, còn bà Tư thì tay không ngừng nghỉ, thoăn thoắt cho bột vào khuôn. Âm thanh xèo xèo, khọt khọt, hít hà cùng với mùi khói mỡ cháy quyện vào nhau rất vui tai và hấp dẫn.
Tôi đã xa quê lâu lắm, giờ trở về, con đường nhỏ ngày xưa được mở rộng tráng nhựa phẳng lì. Hai dãy nhà giờ biến thành những hàng quán bán đủ thứ thức ăn. Nhưng hàng bánh khọt vẫn còn đó. Tôi ghé vào và ngồi xuống chiếc ghế nhựa. Chiếc bàn gỗ và những chiếc ghế con ngày xưa không còn, ngay cả chiếc rổ rau cũng được làm bằng nhựa. Nhưng với chiếc lò than và chiếc khuôn bánh bằng đất nung kia giờ đã đen bóng hơn như một thứ đồ cổ bằng đồng đen thật quý báu. Cô gái đưa cho tôi một dĩa nhỏ, tôi vội vã gắp cho vào miệng, hả hê ngậm nhấm vị béo ngọt lẫn cay bùi, mộc mạc, phong phú của quê hương mà tôi không bao giờ quên được trong những năm tháng xa quê…

HUỲNH DUY LỘC