BẾP LỬA CHIỀU

Có phải buổi chiều làm người ta nhớ nhà hơn buổi sáng?
Có phải làn khói cơm chiều tỏa lên từ mái tranh nghèo làm mình nhớ quá ngày còn thơ bên dáng mẹ hiền.
Có phải vì “ lúc chiều về là lúc yên vui” (*), khi mình nhìn thấy xa xa bóng mục đồng dẩn trâu về chuồng.
Có phải vì ngôi sao hôm mọc trên nền trời xanh thẩm đang nhìn xuống, mang đến cho mình một nổi buồn sao quá dịu ngọt.
Không đèn điện, không radio, không TV, chỉ có ngọn đèn dầu leo lét đặt trên bàn mà sao những buổi tối chỉ có tiếng ếch nhái kêu cứ còn hoài trong ký ức?
Hồi nhỏ, nhớ có vở cải lương tên “Bếp Lửa Chiều Ly Biệt” .
Nhớ chiếc xe lam rao tuồng chạy qua xóm phát tờ rơi. Không được xem tuồng nhưng hai chữ “Ly Biệt” đã làm cho lòng mình rưng rưng lo sợ.
Có phải rồi có lúc mình phải rời xa “Bếp Lửa Chiều” của mẹ?
Từ thuở nhỏ mình đã yêu lửa. Chẳng phải lửa là phản ứng hóa học tuyệt vời , huyền ảo nhất, gần gủi nhất với mình sao? Nhớ lắm hình ảnh của đống củi khô mẹ chất bên chái bếp, nhớ lắm dáng mẹ cầm rựa chẻ làm ba, làm tư thanh củi cong queo.
Mẹ kể “Hồi mẹ còn nhỏ vẫn thường theo người lớn lên rừng hái củi. Người lớn chặt cây to, mẹ gom những cành nhỏ gánh về cho bà ngoại nấu cơm. Rừng đẹp lắm , có suối chảy, có trái dâu, trái đỏ , trái xay tha hồ hái.” Mình nghe mà ước gì được đi hái củi.
Nhóm lửa là điều thú vị nhất đối với mình thuở đó nên mình hay xin mẹ được làm công việc này.
Cho đến bây giờ mình vẫn nhớ cái cảm giác mắt cay xè khi thổi hoài lửa không bùng lên và chỉ có khói bay đầy gian bếp.
Và đẹp làm sao khi bếp lửa hồng rực sáng.
Thuở ấy mẹ nấu cơm trong nồi bằng đồng. Nấu canh, kho cá trong niêu bằng đất.
“Lọ nghẹ” là chữ trẻ nhỏ bây giờ không hiểu nhưng đối với mình thật quen thuộc khi vào bếp.
Buổi chiều đi làm đồng về, cha xổ từ trong “đụt” (**) ra một mớ cá. Mẹ chạy ra vườn hái nắm lá me, vài trái khế. Mẹ sai mình ra bụi tre bẻ vài đọt măng vòi. Đi ngang qua mương nước mình không quên nhổ một tàu môn.
Mấy con cá lóc nhỏ mẹ nấu canh chua, còn lại mớ cá sặc, cá rô mẹ kho với ớt bột nêm lá lốt xắt nhỏ.
Mâm cơm chiều được dọn ra giửa sân. Cả nhà bên nhau trong màu trời xâm xẩm tối.
Tô canh chua ấy không có bột ngọt. Ớt bột kho cá thuở ấy không trộn phẩm màu công nghiệp.
Cơm nóng hổi, cá kho béo ngậy cay cay hăng mùi lá lốt.
Nhớ quá đi thôi, bếp lửa chiều quê cũ.
Nhớ câu thơ của Phạm Hữu Quang trong bài “ Giang Hồ”

“Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”

Tôi tin rằng tiếng cơm sôi trong câu thơ của Phạm Hữu Quang là từ một nồi cơm nấu trên bếp lủa củi chứ không phải nấu từ lò ga.
Chao ôi, còn đâu nữa những bóng mẹ hiền ngồi chẻ củi.
Còn nâu nữa làn khói lam chiều trên mái nhà tranh.
Có lần, trên TV người ta khoe khoang rằng đã đưa bộ tộc người Rục ở vùng núi cao về đồng bằng làm quen với đời sống văn minh. Bộ tộc này sắp tuyệt chủng, chỉ còn một nhóm người sống trong rừng sâu. Họ không có nhà cửa và ngủ trong hang đá.
Người ta cất cho bộ tộc này những ngôi nhà gạch nhỏ và tập cho họ bỏ những thói quen hoang dã.
Nhưng sau đó, nhóm người này lại bỏ trốn lên núi, trở về hang đá cũ.
Làm sao họ quên được tiếng chim kêu, vượn hú. Làm sao họ quên được ngọn lửa rừng đêm rực sáng. Hàng triệu hecta rừng đã bị phá. Người miền núi tuyệt chủng vì không còn rừng chứ không phải vì họ không biết cách sống văn minh.
Bếp lửa củi bây giờ đã dần đi vào ly biệt!
Đã không còn ai đi hái củi. Nông thôn bây giờ cũng chỉ dùng lò ga.
Nồi đồng đã tuyệt chủng, trẻ em chỉ nhìn thấy nồi cơm điện.
Nếu đi lạc trong rừng không biết chúng có biết cách nhóm lên một ngọn lửa để mưu sinh?
Ngọn lửa ấm cúng ngày nào bị lãng quên nhưng ngọn lửa hung bạo của thời văn minh đang tấn công đất nước tôi. Ngày nào trên báo cũng có đăng tin những vụ cháy nhà, cháy xưởng, cháy rừng , cháy xe đò, xe máy. Ngay cả tàu đang chạy trên biển cũng cháy.
Tiếc quá đi ngọn lửa yêu dấu ngày nào.
Ngọn lửa trong tuổi thơ tôi không bao giờ làm cháy nhà , cháy rừng, cháy xe cộ…
Chỉ có ngọn lửa dìu dịu đủ làm nồi đồng cho mình những miếng cơm cháy ngọt bùi.
Hè này cháu nội tôi về thăm, tôi sẽ dẩn cháu vào chơi trong rừng, dạy cháu gom củi khô tự nấu một nồi cơm bằng ngọn lửa do chính mình nhen nhóm.

Huyền Chiêu

(*) Trong Nương Chiều. Phạm Duy.
(**) dụng cụ đan bằng tre để đựng cá.

Advertisement

NẰM NGỦ TRÊN CẦU

 

 

Thuở bé, đọc Tây Du Ký tôi rất thích đoạn tả  vua khỉ Mỹ Hầu Vương (Tôn Ngộ Không sau này) nằm dựa thành  cầu ngủ say sưa trên đường về,  sau một chầu nhậu với bạn bè gồm vua của các loài thú .Trong giấc ngủ,  Mỹ Hầu Vương bổng thấy  có hai tên quỷ sứ đến mời đại vương khỉ đi chầu…Diêm Vương.
Gặp Diêm Vương, vua khỉ hỏi :” Diêm Vương mời ta đến đây có chuyện chi?”
Diêm Vương đáp “Đại vương đã tới ngày tận số nên không còn được sống trên dương thế. Đại vương phải xuống âm ty để chờ xét xử. Nếu đại vương ăn ở hiền đức, đại vương sẽ được  tiếp tục đầu thai  làm khỉ.. Nếu ăn ở ác nhân,  ác đức , đại vương sẽ bị trừng trị ở chín từng địa ngục, sẽ bị cưa hai, bị nấu dầu, bị cắt đuôi, cắt  lưỡi…”
Mỹ Hầu Vương rụng rời tay chân thầm nghĩ :” Chẳng lẻ từ nay ta không còn được  đánh đu, rong chơi, bơi lội … làm vương làm tướng lủ khỉ nhỏ nơi Thủy Liêm Động thân yêu?”
Bọn Diêm Vương này là ai mà dám xét xử ta. Vốn thông minh, Mỹ Hầu Vương biết lúc này mình phải tỏ ra nhún nhường:
”có gì làm bằng chứng rằng ta đã tới số ?”
Diêm Vương sai thư ký   mang ra cho Mỹ Hầu Vương xem một quyển sổ dày ngoài bìa ghi  “Hộ Tịch Loài Khỉ” , trong đó có ghi rành rành Mỹ Hầu Vương ngày , tháng đó là phải chết.
Vua khỉ giả bộ liếc ngang qua rồi bất ngờ xé toang quyển sổ.
Mỹ Hầu Vương nằm ngủ  trên cầu mấy ngày bổng tỉnh dậy. Bọn khỉ nhỏ vui mừng hò reo  khi Đại Vương  của chúng  kể lại câu chuyện  chầu Diêm Vương và cho biết rằng từ nay loài khỉ được miển dịch với cái chết.
Mấy ngàn năm sau có một  người  cũng nằm ngang thành  cầu mà ngủ,  mặc cho  người qua kẻ lại dòm ngó, mặc cho nắng chiếu xiên trên  mặt. Người ấy tên là Bùi Giáng. Có lẻ những câu thơ sau được làm trong những lúc ông thơ thới nằm ngủ bên cầu:
“Rụng rời dĩ vãng xô ngang
Kết thành tố mạch đôi đàng chia nhau
Nửa xin để lại bên cầu
Nửa xin trường mộng nhiệm màu mang đi” (1)

Từ ngàn xưa thi nhân đã lưôn trải hồn thơ lên những chiếc cầu:
Cảnh tiển đưa bên cầu lúc nào cũng buồn và đẹp hơn ở  siêu thị  hay  bến xe đò:
“Ngòi đầu cầu , nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non
Đưa chàng lòng dặc dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền” (2)

Buổi chiều trong  thơ Nguyễn Du sao êm dịu  đến vậy  khi có bóng dáng một cây cầu:
“Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha”.

Nhưng các nhạc sĩ mới là những người mê cầu nhất. Hãy nghe văn Cao mô tả niềm hạnh phúc lần đầu đón  bước chân nàng tìm đến:
“Nhà tôi bên chiếc cầu soi bóng
Em đến tôi một lần
Bao lũ chim rừng
Hợp  đoàn trên khắp bến xuân” (3)
Bài hát “Bên Cầu Biên Giới” của Phạm Duy thì lại mang đến cho ông tai họa.
Theo lời ông kể trong một hồi ký, Bên Cầu Biên Giới được sáng tác tại Chợ Neo,  năm 1948.mô tả mối tình say đắm của ông với một cô ca ve tuyệt đẹp  đã hoàn lương. Vì bài hát này ông bị kiểm điểm tơi tả và có lẻ vì không được tự do sáng tác, ông bỏ kháng chiến,  tìm cách vào Nam.

Chẳng phải  bài “Trăng Rụng Xuống Cầu” đã đưa Nguyễn Hữu Thiết lên hàng nhạc sĩ được yêu thích một thời ?

Ngày xưa  chưa có nhiều sắt thép, chưa phát minh ra xi măng nên loài người chỉ có thể bắt những nhịp cầu nho nhỏ. Những  cầu ván cũ kỷ , những cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi thân quen, gần gủi với khách bộ hành  biết bao.
Cầu thường cao hơn mặt đường nên khi đi qua cầu người ta thường đi chậm lại và được  nhìn thấy nhau nhiều  hơn. Cầu bao giờ cũng là nơi mát mẻ  nên  các chàng trai, cô gái thường hay ra cầu  để hóng gió hay để chờ đợi ai đó ,  làm sao mà biết được.
“Ngày đó trên chiếc cầu, em nhớ chăng?
Một chiếc áo dài màu trắng xinh xinh
Một nụ cười, mời anh, đưa em vào đời
Và từ đó hai đứa mình quen nhau (4)

Những cây cầu dài đến mấy cây số thời văn minh hầu như  không mặn mà với  thơ nhạc như thời “Ví dầu cầu ván đóng đinh”.Thật lạ. Những cây cầu dây văng  lộng  lẫy và tuyệt đẹp mới mọc lên ở nước tôi không gợi cho người ta một niềm tự hào dân tộc mà khiến cho người ta nghĩ đến cái chết.Tin trên báo,  cho đến nay đã có 42 người nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
Buồn quá!
Không còn cảnh chờ phà để có cớ chuyện trò rôm rã,  không còn nữa những giây phút được  thấy cuộc đời trôi đi bình yên, chậm rãi.
Xe chạy vun vút trên cầu đưa ta về nhà nhanh hơn nhưng biết đâu cũng đưa ta về quá sớm  với những tuyệt vọng  , rối ren chưa kịp phân giải.
Tôi vốn sợ tốc độ. Một thời  báo đăng tin, Việt Nam dự tính mua tàu  siên tốc của Trung Quốc  để người dân có thể  ăn sáng, uống cà phê ở Hà nội rồi  ăn trưa ở Sài Gòn. Nghe mà ớn lạnh.

Bỗng nhớ và ngưỡng mộ  họa sĩ Hoàng Lập Ngôn với chiếc xe ngựa đưa ông cùng gia đình và bạn bè lãng du từ Bắc  chí Nam. Chiếc xe ngựa được họa sĩ thiết kế như một ngôi nhà gọi là “ Nhà Lăn  Mê Ly” vừa là phương tiện di chuyển, vừa là phòng triển lãm di động vừa là nơi hội họp bạn bè.
Ôi! Một thời lãng mạn, đáng yêu quá chừng:
“Ồ mê Ly đời sống với cây đàn
Tình tình tang dạo phím rồi ca vang” (5)

Rồi mấy cái hầm nữa chứ! Trời ơi! Tôi ghét mấy cái hầm quá đi thôi.
Khi những cây cầu dây văng thay thế cho phà Mỹ Thuận, phà Rạch Miểu, tôi tiếc cái cảm xúc  khi  đứng trên phà ,  nhìn những mãng bèo lục bình trôi trên   dòng nước mênh mông. Nhưng dầu sao khi xe qua cầu,  mình vẫn  còn nhìn thấy trời nước  , làng mạc  xa xa.
Chuyến lữ hành còn ý nghĩa gì khi  xe chui qua hầm chứ không  chạy  ngang qua đèo  Cả, Đèo Hải Vân, Đèo Ngang ? Chẳng lẽ ngày nay người ta tất bật kiếm tiền để được  hẹn nhau ở Thái Lan, Singapore chứ không còn muốn  hẹn nhau ở Cầu Ngói Thanh Toàn (8)? Chẳng lẽ ngày nay người ta ngồi  với nhau ở Cà Phê tầng 68 chứ không còn thích  ngồi  “Bên Dòng Sông Trẹm”? (7). Chẳng lẽ ngày nay người ta chỉ biết chúi mũi  nhìn vào màn hình Ipad chứ không thèm nhìn nhau   để  thấy lòng rưng rưng  khi cùng nhau   nhìn ngắm những con đường cây  cỏ  chen nhau,  cheo leo qua vách núi khi chiều nắng xế , rồi nhìn thấy mấy chú tiều lom khom gánh củi, rồi ngâm nga: “Nhớ nước đau lòng con “Quốc Quốc”? (6)

Huyền Chiêu

(1) Hôm Qua Mộng- Thơ Bùi Giáng

(2) Trích Chinh Phụ Ngâm

(3) Bến Xuân- Văn Cao

(4) Ngày đó (nhạc của…)

(5) Ô Mê Ly-Văn Phụng

(6) Thơ Bà Huyện Thanh Quan

(7) Tên một quyển tiểu thuyết thập niên 50

(8) tên một cây cầu cổ nhỏ bé ở Huế.

 

 

SAO LẠI LÀ BOLERO?

 

 

huyenchieu

 

Hồi tôi còn đi học, khi tan trường về đôi khi  có vài  chàng lính đi theo sau  lưng.
Có một chàng trông  cũng hiền lành, nho nhã,  đóng quân ở Dục Mỹ. Chàng làm quen với em trai tôi. Mỗi lần xuống phố, chàng nhờ thằng em trao cho tôi một bản nhạc.
Và cũng bởi những bản nhạc này mà chàng không còn cơ hội làm quen với tôi.
Những bản nhạc chàng tặng đã nói  cho tôi biết chàng mê nhạc Bolero!
Và chàng không hề biết rằng  cô học trò nhỏ  rất  không thích dòng nhạc này.

Cuộc đời của mỗi người đều có nhiều khúc quanh.  Những năm đi học,  tôi không quan tâm đến Lính, đến tâm trạng của những “Kẻ  Ở Miền Xa”, của mấy người đàn ông:

“quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói
Trút tâm tư vào đêm vắng canh dài” (1).

Thời gian  ấy, tôi say mê  đọc Camus, Saint Ex,  Yukio Mishima, Tagore, Gibran.
Chữ nghĩa cuốn tôi vào một thế giới  cách biệt,  xa rời hiện tình của đất nước.
Ngoài nhạc Pháp, Tôi chỉ  thích nghe  Thái Thanh, Lệ Thu mà hai ca sĩ  này không hát nhạc Bolero.

Anh Lính ấy bây giờ ở đâu rồi? Có thể anh đã tử trận, có thể anh sống sót như một thương binh, có thể anh đã chết già ở một nơi xa xôi nào đó  không phải là Việt Nam. Nhưng tôi biết từng  có lúc,  anh đã một mình  đếm bước trên đường khuya và lẩm nhẩm hát:

“Thôi nhắc nhở để mà chi
Quay về xưa làm gì
Giờ hai lối mộng hai hướng đi
Niềm ưu tư tôi đếm
Từng bước trên phố nhỏ đau gót mềm.
Sao rụng nửa đường đêm”(2)

Cuộc bể dâu 1975 như một trận động đất  kinh hoàng  đã  đưa  Miền Nam  vào cảnh  sụp đổ,   tan hoang, chia lìa, nghi kỵ.
Chúng tôi bị phá sản.
Chúng tôi sống như người mộng du.

Tất cả người dân miền Nam như sống trong một nhà tù bao la.  Những người tù ấy,  mỗi năm được mua 4 m vải thô để may quần áo, mỗi ngày phải ăn cơm độn bo bo để ra đồng theo tiếng kẻng, muốn đi đâu phải có giấy phép.
Âm nhạc, sách báo trước 1975 đều bị cấm phổ biến. Chúng tôi chỉ được nghe nhạc, nghe tin tức  từ chiếc loa  phường.

Đầu óc trống rỗng, chúng tôi đã già đi , biến thành   những  cây khô   vô tri  và không hề biết  chuyện gì đã xảy ra bên ngoài  nước Việt.

Một hôm có một xe bán kẹo kéo đậu ở góc phố.
Xưa bán thuốc dạo  phải “Sơn Đông Mải Võ”
Nay bán  kẹo kéo thì phải hát nhạc  Bolero.
Từ đó ngọn lửa  Bolero bùng phát trở lại.

Thật  ngạc nhiên khi người dân miền Bắc mấy mươi năm chìm đắm trong Chủ Nghĩa Cộng Sản lại  vô cùng  say mê   những ca khúc viết theo điệu Bolero  do các nhạc sĩ miền Nam sáng tác trước 1975!

Có phải  tiếng lòng chân thật thì dễ ở lại với lòng người? Và có phải vì  người ta đã quá chán ngán  phải nghe  những câu ca  là những lời giả trá?

Khi Việt Nam bắt đầu  thực hiện   nền kinh tế gọi là  Thị Trường Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa, mọi người đều cảm thấy bất ổn với cái đuôi “Định Hướng”. Kinh tế  thì chưa ra sao nhưng thị trường âm nhạc thật nhạy bén khi rầm rộ mang về sân khấu, màn hình những Chế Linh, Phương Dung, Giao Linh, Hương Lan, Trường Vũ… bất chấp họ đã trở thành ông nội, bà ngoại,  bất chấp  cả  “Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Những cánh chim rời xa  quê nhà hơn 30 năm đã quay về trên đôi cánh mỏi mệt . Nhưng không sao, khán giả vẫn nồng nhiệt chào  đón họ, khao khát được nghe lại  giọng ca gợi nhớ một thời  dĩ vãng  trong  điệu bolero    pha phách giữa điệu nhạc bập bùng  của  Nam Mỹ với điệu xàng xê mang tính tự sự đặc trưng của miền sông nước .

Và tôi cũng bắt đầu cảm mến cuộc quay về ngoạn mục của dòng nhạc Bolero.

Bolero đã chứng minh rằng nền văn hóa chơn chất có gì nói nấy  của miền Nam không chết mà đang trổi dậy  một cách âm thầm, lặng lẽ.
Tìm nghe qua internet những ca khúc của Trúc Phương ,  tôi tự trách mình trước đây đã  bỏ qua giọng ca Thanh Thúy.
Thật là một ca sĩ kỳ lạ khi bà có thể hát “Giọt Mưa Thu”, “Đêm Tàn Bến Ngự” một cách chững chạc khi còn rất trẻ rồi bước qua   “Phố Buồn” theo điệu Tango nhịp nhàng thanh thoát  và  tiếng hát của bà cũng là con thuyền chở  nổi  những ca khúc Bolero trầm uất  của Trúc Phương

Không ai qua được Thái Thanh trong  các ca khúc của Phạm Duy nhưng tôi tin rằng bà   đã phải chịu thua và  nhường “Ngày Em Hai Mươi Tuổi”   cho Thanh Thúy.

Dòng nhạc Bolero đã cho tôi  sống lại  cuộc sống  tội nghiệp  của một lớp người trẻ hoang mang và cô đơn trong cuộc chiến mà tôi cho là phi lý.

Nhiều đêm trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em
Kêu chỉ một tên” (3)

Tôi cũng  nhớ đến chàng lính trẻ tặng nhạc Bolero cho tôi năm nào. Hồi đó,  chàng khoảng  bằng tuổi con trai út của tôi hiện giờ nhưng chàng đã phải sống  qua một tuổi trẻ đầy gian truân nghiệt ngã:

“mây mù che núi cao
Rừng sương che lối  vào
Đồng ruộng mênh mông nước
Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù
Áo nhà binh thương lính, lính thương quê.
………………………………………….
Gio Linh khói bom đạn về làm rừng cây thôi xanh lá.
Pleime gió mưa mùa.
Tây Ninh nắng  nung người mà trận địa thì loang máu tươi.” (4)

Nếu chàng đã chết, xin thắp chàng nén hương lòng, nếu chàng còn sống,  mong chàng  cứ hãy vui  cùng  Bolero.

Huyền Chiêu

Tháng giêng 2017

1.Quán Nửa Khuya – Tuấn Khanh-Hoài Linh
2.Hai Lối Mộng-Trúc Phương
3.Bông Cỏ May-Trúc Phương
4.Trên Bốn Vùng Chiến Thuật-Trúc Phương.

 

 

 

 

 

ANH CHO EM MÙA XUÂN

huyenchieu

 

Viết về nhạc sĩ Nguyễn Hiền khó quá!

Khó vì ông quá hoàn hảo
Khó vì ông quá nổi tiếng
Khó vì ông  quá được  yêu mến.

Người ta thường bảo “người có tài hay có tật” . Nhạc sĩ Nguyễn Hiền tìm mãi không ra tật  nào…Vì vậy viết về ông như khen phò mã tốt áo.
Nhưng tôi vẫn muốn viết , cũng như chưa bao giờ chán nghe nhạc của ông.
Sinh ra   ở Hà Nội và dù   không gắn bó với nơi mình đã lớn lên , Nguyễn Hiền  luôn mang nét đẹp lịch lãm của  người Tràng An.
Di cư vào Sài Gòn,  ông là một công chức mẫn cán với chức vụ chủ sự phòng chương trình đài phát thanh Sài Gòn,  là phụ tá giám đốc đài truyền hình Việt Nam.
Ông giao du với hầu hết giới nghệ sĩ nỗi tiếng, những ca sĩ tài sắc nhất thời đó. Nhưng ông không sa ngã  như Phạm Duy,  không gây phản ứng trái chiều  như  Trịnh Công Sơn, không ồn ào, rộn ràng như Hoàng Thi Thơ…
Không có tật thì…nhạc làm sao hay được?
Không bị  vợ bỏ, tình phụ, bạn bè phản trắc, không phải sống đói nghèo  thì làm sao  có những tác phẩm xé lòng?
Với tôi,  nhạc sĩ Nguyễn Hiền  vượt lên khỏi những cái “tật” ấy.
Tâm hồn ông chan chứa một mùa xuân yêu thương và những khúc nhạc của ông là khúc nhạc hướng về một thế giới rạng rỡ  có người biết yêu người.
Ông thường giao cảm với thi nhân  để cùng nhau cho ra đời những ca khúc đẹp.
Tác phẩm  đầu tay ông phổ thơ Thiệu Giang để chúng ta có ca khúc “Người Em Nhỏ”.
Nghe “Người Em Nhỏ” ta hình dung được tình yêu của các chàng trai Việt thuở ấy nhẹ nhàng  ,thắm thiết và trong sáng đến như thế nào.

“Chiều nay buồn viễn xứ
Nhớ người em gái xưa
Tôi thấy chân trời cũ
Giăng giăng một hàng mưa”
“Lá Thư Gửi Mẹ”. Phổ thơ   của Thái Thủy ,  người miền Nam  sống qua  thập niên 1960 làm sao quên được:

Mẹ ơi thôi đừng khóc nữa
Cho lòng già nặng sầu thương
Con đi xây tình viễn xứ
Đâu có quên tình cố hương.”

Trong ca khúc của  Nguyễn Hiền không có tiếng kêu gào hung hăng   theo kiểu: “Giết người đi, giết người đi, giết người  trong mộng đã bội tình”(1) không  khổ cực ,  vất vả  vì yêu như :
“Ta lần mò leo mãi
Không qua được vách sầu
Ta tìm một tiếng yêu
Thấy toàn là sầu đau”(2)
Tình yêu, niềm thương nhớ trong nhạc Nguyễn Hiền lảng đảng như mây trời , nhẹ nhàng như khói sóng

Nhớ nhau, khi mây vương vương màu tím
Dư âm câu ca trìu mến
Mang một lời thề nguyền
Ngàn kiếp mây bay mang theo niềm nhớ
Thu sang lòng thấy bơ vơ
Giờ chỉ còn mộng mơ” (3)

Bài thơ “Nụ Hoa Vàng Mới Nở” của Kim Tuấn khi được Nguyễn Hiền viết thành ca khúc “Anh Cho Em Mùa Xuân” đã cứ hồi sinh như cành nẫy lộc mổi độ xuân về, dù có thời gian bị xếp vào loại nhạc vàng cấm kỵ,

“Đất Mẹ gầy có lúa,
 Đồng xa xanh mấy mùa,
Ngoài đê  diều căng gió
Thoảng câu hò đôi lứa”

Những hình ảnh rất thân quen, đầy xúc cảm ấy làm sao  phai nhạt được trong lòng người dân Việt?

Ngoài tình yêu dành cho mẹ, cho em, tình yêu quê hương  của Nguyễn Hiền ngọt ngào  như một khúc hoan ca mơ về một đất nước thanh bình,  chưa bao giờ có thực nhưng đẹp như tranh vẽ.
Bạn đã bao giờ nghe Thái Thanh hát “Thanh Bình Ca” của Nguyễn Hiền do Thanh Nam viết lời?
Thật bất ngờ khi Thanh Nam viết được những  câu ca hay  đến vậy. Và sự kết hợp tuyệt vời của Thái Thanh, Nguyễn Hiền, Thanh Nam đã làm tôi tiếc nuối một thế hệ tài hoa của đất nước bây giờ ngày một vắng xa.
Thanh Bình Ca  làm lay động lòng người  bằng những ngôn từ giản dị nhất :

Về nơi đây chung xây đắp quê hương
Và nơi nơi vui câu hát yêu thương
Lúa reo mừng mùa về ngát thôn làng
Đời  vui tươi như muôn sóng trùng dương”

Giản dị nhưng phải thật , không phỉnh gạt dối trá thì lời ca, tiếng hát ấy sẽ mãi mãi lắng đọng trong hồn  người.

Một chút riêng tư, “Tìm Đâu” là ca khúc của Nguyễn Hiền mà tôi cảm thấy tâm hồn mình phảng phất đâu đó . Đó là một ca khúc không phổ biến  lắm và cũng ít ca sĩ nào chọn hát . Nhưng  “Tìm Đâu” có giai điệu đẹp quá. Nỗi buồn rất nhẹ trong “tìm Đâu”  sao cứ làm lòng mình vương vấn.

Chẳng phải  mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm  ta đã    trôi tuột biết bao điều ,  cả cuộc đời ta cứ nhớ hoài, tìm hoài . Chẳng phải những hoài vọng tưởng như mơ hồ ấy cứ  luôn làm trái  tim ta  rạn vỡ :

“Niềm thương dù cho xa cách muôn trùng không phai mờ
Ngày tháng vấn vương theo áng  mây trôi,  đi bơ vơ
Tìm lúc chiều về những phút say mơ
Tìm về lối cũ nên thơ
Hàng cây in bóng ven hồ”

Tôi gọi những ca khúc của Nguyễn Hiền là “Khúc Nhạc Thanh Bình” Vì chúng được viết bởi một tâm hồn tràn ngập tình  yêu người, yêu đời, yêu hòa bình.
Đất nước chúng ta đã từng có một lớp người tài năng , nhân hậu và tư cách.Tiếc ! Đáng lẽ  lớp người ấy  đã phải được cùng nhau:

“Ôi mừng sao khi sông núi thanh bình
Lau nước mắt xóa tan mùa chiến chinh” (4)

Huyền Chiêu

Xuân Đinh Dậu 2017

 

  • Giết Người trong Mộng (Phạm Duy)
  • Đời Đá Vàng  (Vũ Thành An)
  • Ngàn Năm Mây Bay (Nguyễn Hiền)

(4) Thanh Bình Ca (Nguyễn Hiền)

QUÊ NGHÈO

huyenchieu

que-ngheo-p

 

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo.

Mẹ  và tôi sống chung với bà ngoại  trong một ngôi nhà cũ kỷ. Ngôi nhà ấy dành phần tốt nhất gọi là nhà trên để thờ ông bà. Đàn bà và trẻ nhỏ sống ở nhà dưới là một gian nhà tranh vách đất .

Tôi không có ý niệm về giàu nghèo vì chung quanh tôi nhà nào cũng nghèo.

Đứa bé nghèo lớn lên bên gốc khế, bụi chuối, khóm tre và cảm thấy cuộc sống thật tươi vui. Tôi hay theo bà tôi vào bếp nhóm lửa nấu cơm để được nhìn những cây củi khô hóa kiếp  thành một bếp lửa hồng .Khi lửa bắt đầu reo tí tách , tôi thường chạy ra ngoài nhìn những làn khói len lỏi chui ra  từ mái tranh rồi lan tỏa lên bầu trời xanh trong.

Năm tôi lên sáu, mẹ  cho tôi đi học.

Đứa trẻ nào cũng vậy, ngày đầu  đến trường luôn  là một ngày thiêng liêng .

Tôi run run bước chân vào lớp học như bước vào một ngôi đền thiêng và khi vòng tay cúi đầu chào thầy , tâm hồn tôi xao xuyến dâng lên  một nỗi kính yêu chưa từng có .

 

Mẹ tôi nói “đứa nào không chịu đi học thì phải đi chăn bò”

Trẻ chăn bò và trẻ đi học hồi đó địa vị thật cách biệt.

Tôi yêu thầy tôi, tôi kính phục và biết ơn  thầy tôi. Thầy giỏi thật, chỉ một năm học với thầy tôi đã biết đọc, biết viết, đường hoàng bước vào một thế giới xán lạn , không phải là thế giới của chăn bò.

 

 

Ngoài giờ học, tôi thích nhất được đi long rong trong xóm để  lắng nghe sự sống sinh động  trôi qua từng phút , từng giây..

Thật thú vị khi nhìn ngắm những dăm bào cuộn tròn , tuôn ra từ cái bào của chú thợ mộc.

Thật vui khi được phép phơi chiếc bánh vừa tráng xong lên chiếc vỉ tre ở lò tráng bánh.

Tôi hay lén nhìn mâm cơm nhà hàng xóm xem  hôm nay họ có gì trong bửa cơm đạm bạc.

Đọc đến đoạn văn trời rét căm căm không ai thuê mướn,  nhà mẹ Lê với đàn con nhỏ nhít   không còn hạt gạo nào để nấu, tôi đã khóc.

“Quê Nghèo” của  Phạm Duy là bài hát ưa thích của tôi hồi đó.

“Ruộng khô có những ông già rách vai,

cuốc đất bên đàn trẻ gầy,

có người bừa thay trâu cày”

Ông Phạm Duy giỏi thật, ông đã làm tôi rưng rưng nhớ đến những chiếc áo vá của bà tôi, mẹ tôi và của nhiều đứa bạn  trong xóm.

 

Ở nhà trên, trong nhà  ngoại, cậu tôi có để trên bàn một tập nhạc. Cậu đi học xa nhưng cây đàn violon của cậu vẫn treo trên tường. Cây đàn  làm tôi biết rằng  có một điều gì đó làm cho gia đình tôi khác với  những nhà  trong xóm.

Mổi ngày tôi đều rón rén bước lên nhà trên, nhẹ nhàng mở tập nhạc , say mê nhìn ngắm từng bản nhạc. Những nốt nhạc như đang nhảy múa trên những dòng kẻ. Tôi tưởng tượng ra nhiều thứ từ những nét vẽ lập thể ngộ nghĩnh trên bìa nhạc của họa sĩ Duy Liêm và tôi đặc biệt thích những bài hát mô tả  làng quê  nghèo.

Dần dần tôi hiểu ra người dân quê tôi nghèo vì luôn có chiến tranh. Chiến tranh đồng nghĩa với chết chóc, điêu tàn , xác xơ,   nghèo khó.

“Về đây nhìn mây nước bơ vơ

Về đây nhìn cây lá xác xơ

Về đây đâu còn bóng chiều mơ

Đâu còn  mái tranh chờ

đâu tìm thấy người xưa

(Trở Về- Châu Kỳ)

Và Phạm Duy đã dạy cho tôi bài học hay nhất về sự tang thương:

“Người đi trên đống tro tàn

Thương em nhớ mẹ muôn vàn về đâu

Chiều khô nước mắt rưng sầu

Thương thân thiếu phụ, gục đầu hài nhi

(Về Miền Trung-PD)

Khi  súng đạn im tiếng , ai cũng mong  quê hương sẽ được an hưởng thanh bình dù phải bắt đầu từ một đống đổ nát của  chiến tranh.

Nhưng  một cuộc chiến khác lại bắt đầu.

Lần này cuộc chiến còn  bi thảm khủng khiếp hơn nữa  khi  đứa con  tàn sát  chính  mẹ  của mình, bà mẹ thiên nhiên đã ngàn năm nuôi nấng , bảo bọc mình..

Nhớ lại   cái nghèo của chúng tôi thuở ấy sao mà đẹp quá.

Đó là thuở không ai tưới hóa chất lên ruộng đồng

Dòng sông thuở ấy  không bị tấn công bởi bao ny lông, trong  vắt  lượn lờ giữa hai bờ tre xanh

Bãi biển ngày đó hoang vu, tuyệt đẹp với trùng điệp  những  động  cát trắng tinh tồn tại từ hàng triệu năm trước không bị san bằng chia lô làm resort, xây biệt thự nghỉ dưởng, xây nhà cao tầng cao vút.

Rừng già quê tôi thuở ấy hùng vỹ , kỳ bí, thâm u  hào phóng ban phát oxy cho người  và là nơi ẩn náu  của hàng triệu thú rừng.

“Ăn của rừng rưng rưng nước mắt”

Người dân thuở ấy trân trọng và biết ơn rừng chỉ dám làm “tiều phu” xin rừng ít củi khô về đun nấu  chứ không dám làm “lâm tặc” trắng trợn thảm sát hàng triệu thân  gỗ quý ngàn năm tuổi.

 

 

Rừng xanh cũng biết ơn  người, giữ gìn cho mưa nguồn  thấm sâu vào từng gốc cây, bụi cỏ rồi  từ tốn  gom nước để dành  cho những cánh đồng thân yêu.

Và hạt lúa thuở ấy đã ban tặng  người dân nghèo những bát cơm thanh sạch dù chỉ ăn với muối.

 

Thương cái  nghèo  đã giữ cho  quê hương chúng tôi còn nguyên vẹn.

Tôi nhớ “Nắng lên Xóm Nghèo” (1), Tôi yêu “ quê tôi, yêu mãi bây giờ còn yêu”.(2)

Những “Mẹ quê vất vả trăm chiều nuôi một đàn con chắt chiu” (3) nay  còn đâu  nữa.

Tôi ước gì người dân quê tôi được  sống giản dị, yên lành, nghèo một chút như xưa  nhưng giữ nguyên núi, rừng, sông biển cho con cháu mai sau

 

Huyền Chiêu

Tháng 1- 2017

(1) Nắng Lên Xóm Nghèo –Phạm Thế Mỹ

(2) Tôi Yêu –Trịnh Hưng

(3) Bà mẹ Quê- Phạm Duy.

 

 

THƯƠNG AI CƯỜI KHÔNG NÓI

huyenchieu

Năm nay lũ lụt miền Trung kinh hoàng hơn bao giờ, trong khi lượng mưa cũng chưa phải là cao nhất trong lịch sử. Hình ảnh hàng vạn nhà dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nước ngập đến nóc tràn ngập trên báo chí. Hàng triệu người dân nghèo ngày thường đã rất khốn khó bây giờ lại bị đẩy vào tình trạng không nhà cửa, không chăn màn, không tài sản, không heo gà, bò, chó, không củi, không gạo để nấu cơm và không nước sạch để uống.
Người bịnh không thể đến bệnh viện. Người chết không thể đem chôn!
Nhiều bài báo tố cáo nguyên nhân của lũ và gọi đó là nhân tai.
Nhà báo Đức Hoàng ở VnExpress viết:
“Và cứ mỗi trận lũ lớn, người ta lại chỉ tay về phía những cánh rừng. Từ lâu, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của lũ lụt, đặc biệt ở miền Trung đã được chỉ ra là diện tích rừng phòng hộ; rừng đầu nguồn bị thu hẹp. Thảm thực vật bị suy kiệt làm tăng tốc độ dòng chảy mặt nước.”
Ngoài lý do rừng đầu nguồn bị chặt phá gây ra lũ lụt một nguyên nhân khác còn đau lòng hơn là các nhà máy Thủy Điện thản nhiên xả lũ nhấn chìm làng mạc phía hạ nguồn chỉ trong vài tiếng đồng hồ, làm người dân không kịp thoát thân.
Lạ thay, hầu như nạn nhân không hề phản ứng trước cách cư xử ngang ngược, coi thường sinh mạng người dân của các nhà máy thủy điện. Hình như họ đã quen cam chịu mọi nỗi khốn khổ từ hàng trăm năm rồi.
Trong những tấm hình chụp người dân vùng lũ ngồi trên mái nhà, trong ô cửa sổ rầm thượng, trong khi nước lũ vẫn dâng mải miết, có người đã mỉm cười khi nhìn thấy máy ảnh của phóng viên.
Thật muốn khóc khi nhìn nụ cười của người được trao cho 10 ký gạo cứu trợ. Khi ăn hết số gạo này, ngày mai của họ sẽ ra sao?
22 người đã chết trong cơn lũ này và còn nhiều người mất tích và chắc chắn năm tới lũ lại về…
Xem trên TV, hình ảnh người dân Sài Gòn, sau một ngày làm việc vất vả đang hì hục đẩy chiếc xe chết máy trên đường phố ngập nước nhưng họ không cáu kỉnh oán hận chửi rủa. Khi thấy máy quay, họ mỉm cười và phân bua: “Chung quanh đây, ai cũng thế thôi, tất cả xe cộ đều chết máy”. Nước mưa không ngõ thoát vì thành phố phát triển vô tổ chức, kênh rạch bị lấn chiếm, các hồ nước bị lấp đất san nền, và chỉ cần một cơn mưa rào, đường phố biến thành sông.
Có người mẹ ở Bình Dương ngồi gục đầu lặng im bên miệng cống, nơi đứa con trai 8 tuổi của bà bị trôi tuột vào đó và 2 ngày rồi không tìm được xác.
Rừng đầu nguồn bị tàn phá với tốc độ khủng khiếp, những sông hồ biển cả bị đầu độc bởi hàng ngàn ống xả thải từ các nhà máy không qua xử lý, đồng bằng miền Nam đang biến dần thành một vùng đất chết khi nước sông Cửu Long bị chặn dòng cho thủy điện của Lào, Thái Lan, Trung Quốc .
Người dân Việt vẫn chỉ biết mỉm cười cam chịu những gì đã , đang và sẽ đến với họ.
.
Nhưng có một người đã quá ngạc nhiên không hiểu nổi và từ đáy lòng, anh ta cảm thấy xót thương cho những nụ cười Việt Nam.
Anh tên Réhahn, một thanh niên Pháp sinh năm 1979.
Anh Réhahn sang Việt Nam vừa đi du lịch vừa làm người chụp ảnh.

Từng đi qua 35 quốc gia trước khi đến Việt Nam nhưng có lẽ Réhahn nhìn thấy ở Việt Nam có quá nhiều điều kỳ lạ và hình như điều kỳ lạ nhất là sức cam chịu của người dân. Trong trí tưởng tượng của một thanh niên châu Âu, cuộc chiến vừa qua với số người chết nhiều hơn thế chiến thứ hai, với số lượng bom đạn khủng khiếp của các siêu cường trút xuống, với một nền kinh tế bị kìm hãm bởi định hướng xã hội chủ nghĩa, hẳn ở đây anh sẽ gặp một dân tộc đang ôm nhau ngồi khóc.
Nhưng anh đã không nhìn thấy những điều như anh nghĩ.
Một hôm anh bước lên một chiếc thuyền trên dòng sông Hoài ở phố cổ Hội An và anh làm quen với một bà lão chèo đò.
Bà lão gầy yếu như bao bà lão khác ở Việt Nam. Bà không có lương hưu, không có trợ cấp cho người già, không có bảo hiểm y tế.
Có thể bà có vài đứa con trai thuộc bên này hay bên kia đã chết trong trận chiến vừa qua. Có thể nhà của bà đã từng bị cháy và bà đã từng gánh con đi chạy loạn?
Nhưng bà vẫn mỉm cười khi khua mái chèo đưa khách sang sông.
Réhahn đã chụp được nụ cười của bà lão Bùi Thị Xong trên sông Hoài và tác giả đặt tên tấm ảnh là “Nụ Cười Giấu Kín” (The Hidden Smile).
Nụ Cười Giấu Kín được Réhahn chọn làm bìa cho tập sách ảnh “Việt Nam – Những Mảnh Ghép Tương Phản” (Vietnam, Mosaic of Contrast) gồm 145 trong số hàng ngàn bức ảnh mà anh chụp được ở Việt Nam.
Tấm ảnh bìa ấy được báo chí MỸ bầu chọn là “Bà Cụ Đẹp Nhất Thế Giới”.
Réhahn nói: “Nụ cười ẩn giấu này là một nụ cười không tuổi.
Bà Xong tuy đã già nhưng bà ấy luôn can đảm, mạnh mẽ, dễ thương…”
Rồi anh nói thêm: “Người Việt Nam là những người lạc quan và tích cực nhất mà tôi từng gặp trong đời.” (*)
Khi tập sách ảnh của Réhahn với ảnh bìa có nụ cười của bà lão Việt Nam già nua móm mém, chèo đò trên sông Hoài nổi tiếng khắp thế giới, nhiều tờ báo ở Việt Nam hoan hỉ loan tin rằng hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam đã được cả thế giới biết đến, nụ cười của bà Xong nói lên rằng đất nước Việt Nam đang rất đáng sống!
Tôi thì lại cảm thấy rất buồn khi cảm nhận được nỗi xót xa, thương cảm của một người ngoại quốc khi anh ta ngắm nhìn nụ cười của một bà lão người Việt ở tuổi phải được nghỉ ngơi, được chăm sóc, đang ngày ngày phải làm việc kiếm sống.
Ở đất nước tôi, các bà mẹ già luôn phải “mạnh mẽ, can đảm, lạc quan” trong nghèo đói, trong chiến tranh và cả khi đất nước hòa bình.
Có phải vì vậy mà Réhahn đã dùng chữ “Tương Phản” trong tựa đề tập sách ảnh của anh?

Huyền Chiêu

20-10-2016

(*) Những câu nói của Réhahn được trích từ một bài viết về Réhahn trên báo Dân Trí.

HOÀNG THI THƠ, CÒN YÊU YÊU MÃI ĐẾN BAO GIỜ?

huyenchieu

Tôi chưa bao giờ đến Quảng Trị nhưng hình ảnh của làng Bích Khê nơi huyện Triệu Phong qua các nhạc phẩm của Hoàng Thi Thơ luôn làm tôi xao xuyến.
Một làng quê có “bóng tre che thôn nghèo”, có “em tôi áo nâu in đường trăng”, có mẹ già “run run đi tìm con” (1) người dân miền Trung ai mà quên được.
Thuở ấy người dân quê nước mình nghèo nhưng cái nghèo sao quá dễ thương, có lẽ vì mảnh ruộng bé nhỏ vẫn là của mình và chưa có hợp tác xã:
Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những ngày
Những ngày rau cháo với dưa cà
Quê nghèo vui sống trong mặn mà
Đời vang lên ngàn câu ca
Mà tình thấy càng bao la
Ngàn lòng như chan hòa”
.

Đó là thuở chưa có đấu tranh giai cấp, dù cuộc sống đạm bạc, trái tim yêu vẫn vô cùng giàu có:
“Ai nhớ chăng ai
Ai nhớ chăng những chiều
Những chiều gặp gỡ nhau trên cầu
Nước trời xanh ngắt in một màu
Lặng nhìn nhau hồi lâu lâu
Rồi tình ta càng ăn sâu sâu
Mối duyên ban đầu”
(2)

Nền tân nhạc Việt Nam thật may mắn khi lịch sử đưa đẩy thế nào để Hoàng Thi Thơ không tập kết ra Bắc mà lại vào Nam để chúng ta có được hơn 500 ca khúc thật chất lượng .
Vậy mà cái tên Hoàng Thi Thơ cùng với Phạm Duy đã bị chôn sống sau 1975 đến mấy mươi năm . Một thế hệ người trẻ ở VN không có may mắn được tưới mát tâm hồn bằng những khúc nhạc nồng nàn của hai vị nhạc sĩ lỗi lạc.
Rồi thời thế lại thay đổi. Ca khúc của hai ông lại đội mồ sống dậy.
Sáng nay, trời đã vào thu, trong cái se lạnh của tuổi già, ngồi nghe lại một ca khúc của Hoàng Thi Thơ bổng mỉm cười nghiệm ra nhiều điều thú vị.
Tôi muốn nhắc đến bản “Một Lần Cuối”.
Người đàn ông Hoàng Thi Thơ khi rời khỏi ngôi làng có “khói chiều vương vấn mái tranh nghèo” (2) xuất hiện sáng chói nơi ánh đèn đô thị, ông đã trở thành một Don Juan thứ thiệt.
Ca khúc “Một lần Cuối” của ông theo ý riêng của tôi sướt mướt bằng mười bài Không Tên của Vũ Thành An gộp lại.

Hãy nghe Hoàng Thi Thơ kể lể:
“Anh vuốt tóc em
Anh vuốt tóc em
Một lần cuối cùng rồi thôi”

Không tưởng tượng được lời văn hoa mỹ của ông:
“anh hốt trăng thanh
Trên áo em xanh
Một lần cuối
Như những lần đó xa xôi”

Rồi ông tiến thêm một bước:
“Anh nắm tay em
Anh nắm tay em
Để thấy đời êm lần cuối
Một lần cuối cùng thôi em ơi”

Bước thứ ba là tận dụng sở trường:
“Anh hát cho em nghe
Anh hát cho em nghe
Một lần cuối cùng rồi thôi”

Bước thứ tư là hăm dọa:
“Anh chết trong mắt em
Anh chết trong mắt em
Một lần cuối như những lần đó xa xôi”

Cuối cùng nếu nàng vẫn chưa ngã gục ông dùng tuyệt chiêu ít ai nghĩ ra:
“anh khóc trên vai em
Anh khóc trên vai em
Một lần cuối cùng rồi thôi”

Tôi tin rằng khó có người con gái nào mà không xiêu lòng trước người đàn ông quá nhiều kinh nghiệm tình trường này.
Tôi đã nghe Quang Dũng, Quang Lê hát bài này nhưng đến khi nghe bản thu Chế Linh hát “Một Lần Cuối” trước 1975 thì mới thấy Quang Dũng và Quang Lê chỉ là những anh con trai mới lớn chẳng biết gì về đàn bà.
Ai cũng biết câu “Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai”.
Dễ hiểu tại sao các nhà văn, các nhà thơ, các họa sĩ khó chinh phục được trái tim của các giai nhân.
Các giai nhân thường thích đi shopping chứ ít chịu khó ngồi đọc sách, ngâm thơ hay đi xem tranh ở các gallery.
Lợi thế thuộc về những lời nỉ non lọt vào tai nàng của các chàng nhạc sĩ, ca sĩ.
Ngày xưa nàng Mỵ Nương ở chốn lầu cao. Dinh thự của cha nàng năm tầng bảy lớp tường rào nhưng không ngăn nổi tiếng sáo của chàng Trương Chi nương theo không khí chạm vào trái tim nức nở của nàng.
Nghe Chế Linh hát “Một Lần Cuối” của Hoàng Thi Thơ, tôi nghĩ hai ông đã làm tan nát trái tim không phải chỉ một nàng Mỵ Nương.
Việt Nam Cọng Hòa tồn tại chỉ 20 năm nhưng đã đủ dưỡng khí để cho hàng ngàn bài hát ra đời trong tự do, không bị định hướng. Những ca khúc thuở ấy có hay, có dở, có cao sang, có bình dân, có nghiêm chỉnh đằm thắm , có lẳng lơ tình tứ, có nói thật , có nói láo, nhưng sống động, đầy màu sắc như chính cuộc đời.


Huyền Chiêu

tháng 9- 2016

(1)Đường Xưa Lối Cũ -HTT
(2) Ai Nhớ Chăng Ai – HTT

Đôi Khi Nắng Lên Phố Xưa Làm Tôi Nhớ *

huyenchieu

Nha Trang của tôi thuở ấy nhỏ bé, yên tĩnh, nằm lọt thỏm vào một vùng mênh mông cát trắng. Nha Trang thật đẹp nhưng đó không phải là vẻ đẹp của một cô thôn nữ.

Dầu nằm ngay khúc eo khô cằn của miền Trung, Nha Trang không là quê hương của:

“Xứ dân gầy
Ôi bông lúa
Con sông xưa
Thành phố cũ”

(Về Miền Trung – Phạm Duy)

Nha Trang là một thành phố mới, rất mới. Đó là một thành phố không có lũy tre làng bao quanh. Thành phố ấy không có tiếng ếch, nhái kêu khi đêm về. Nha Trang kỳ lạ như được thần đèn, một đêm nào đó, mang từ châu Âu về đặt trên bãi biển đẹp nhất miền Trung.

Nha Trang rất “Tây” . Tây từ cái nhà ga xe lửa đến cái nhà thờ nằm chênh vênh trên vách đá. Tây từ Viện Pasteur đến nhà hàng Fregate, Tây trên những mái nhà, trên những ô cửa theo kiến trúc Gô-tích, trên những cánh cổng có màu hồng của hoa ti gôn khép hờ trước những căn nhà ấm cúng.

Nha Trang Tây nhưng không ồn ào, bởi người Nha Trang thuở ấy biết yêu quý thành phố của mình và họ rất sợ bất cứ sự thay đổi nào làm mất đi vẻ nhã nhặn, duyên dáng của một thành phố thanh lịch. Biển Nha Trang, linh hồn của thành phố này là niềm hãnh diện thầm kín của người dân nơi đây. Biển Nha Trang mang màu xanh kỳ ảo tuyệt đẹp. Có ai quên được những giây phút ngồi trên bãi biển ngắm những con sóng bạc đầu xô vào bờ cát, ngắm cánh chim hải âu bay vút về hướng những ngọn đảo ngoài khơi xa. Con đường Duy Tân trải dài theo bờ biển thật yên tĩnh. Khép nép nhìn ra biển sau khu vườn cây cỏ, hoa lá xinh tươi có ngôi nhà ai sao quá bình yên.

Nha Trang Tây trong ngôn ngữ. Bán cho tôi ký đậu “vert”, ký cà “tomate”, hộp” beur Bretaigne…” Rạp xi nê treo bảng bằng tiếng Tây: Tant Qu’Il Y Aura Des Hommes”, “Les Trois Mousquetaires”, “Giant”…

Đường phố Nha Trang như dành riêng cho người đi bộ. Một vài chiếc vespa chạy thong dong, một vài chiếc xích lô chậm rãi lăn bánh. Đi dạo phố thời đó là một thói quen thú vị, nhàn nhã của người Nha Trang, dù chỉ ghé tiệm vải của người Ấn xem qua một vài khúc vải đẹp, dù chỉ bước vào tiệm sách giả vờ xem vài tờ báo để có cớ nhìn trộm cô hàng sách, dù đi lên, đi xuống con phố Độc Lập, Phan Bội Châu chỉ để mong gặp được một ai đó. Người Nha Trang luôn thấy lòng bâng khuâng khi bước chân xuống phố. Đang bước đi vô định, lòng bỗng bồi hồi nghe có tiếng hát rất chậm, rất khẽ từ chiếc radio nhà ai:

“Phố chiều bao tà áo trắng
Lượn trên hè phố nắng
Những cô nàng xuân tròn trăng.
…………………………..
Có chàng đi tìm quá khứ
Lần theo đường phố vắng
Nắng hanh vàng đan chiều mơ

(Phố Chiều – Hoàng Thi Thơ)

Nha Trang thuở ấy là như thế. Không giàu có nhưng cuộc sống thật lãng mạn, yên bình và quý phái.

Còn bọn trẻ chúng tôi, con đường thân quen nhất cũng mang một cái tên rất Tây, đường “Bá Đa Lộc”. Trường Võ Tánh nằm trên con đường ấy. Đó là một ngôi trường có vẻ bề ngoài rất uy nghiêm với mái ngói rêu phong, tường vàng, cửa sổ màu nâu sậm nhưng lại chứa bên trong một lũ học trò trẻ trung, vui nhộn, nghịch ngợm, phá như quỷ. (Ở lớp Đệ Nhất C, nữ sinh Nữ Trung Học được học gửi chung với nam sinh Võ Tánh).

Bọn chúng tôi thuở ấy sao vô tình quá.
Mãi đến khi xa tất cả, mất tất cả mới thấy lòng bồi hồi thương yêu quá đỗi.

Mười tám tuổi, rời trường đi học xa, sắp phải làm người lớn rồi, cuộc sống bộn bề âu lo phía trước làm tôi ra đi không nhiều lưu luyến.
Tôi bỏ lại Nha Trang những ngày áo dài trắng đến trường, bỏ lại chàng trai lóc cóc xe đạp theo sau, bỏ lại những lần hồn nhiên vui mừng nghe tin thầy bệnh được nghỉ học kéo nhau ra biển ngồi chơi, bỏ lại tiệm sách hình ngũ giác nằm giữa chợ Đầm, bỏ lại rạp Tân Tân những lần đi ngang ngước nhìn tấm bảng quảng cáo phim đang chiếu, thèm lắm mà không có tiền mua vé.

Ở một nơi rất xa Nha Trang, thoáng chốc nghe trong tim có chút gì thổn thức khi nghe tiếng ai hát:

“Nha Trang, ngày về
Mình tôi, trên bãi khuya
… Khóc người tình”

(Nha Trang Ngày Về – Phạm Duy)

Xa Nha Trang nhưng không mất Nha Trang.

Cho đến ngày ngôi trường Võ Tánh bị bức tử.
Cho đến ngày đường Bá Đa Lộc biến thành đường Lý Tự Trọng.
Cho đến ngày đường biển Duy Tân, linh hồn của Nha Trang, biến thành đường Trần Phú.

Có đôi khi tôi thấy lòng quặn đau, nhưng đó là những cái chết đẹp và đúng lúc.

Cũng có khi trở lại Nha Trang.
Cầu Xóm Bóng vẫn còn, Tháp Bà vẫn còn, Cầu Đá vẫn còn và biển vẫn xanh nhưng tất cả đều trở nên phô trương, huyên náo, lòe loẹt.

Còn đâu Nha Trang xưa!

Huyền Chiêu

* lời nhạc Trịnh Công Sơn

NGUYỄN TẤT NHIÊN VÀ DUY QUANG, HAI CHÀNG “ KHỜ” ĐÁNG YÊU CỦA THẾ KỶ

huyenchieu

Tôi nhìn thấy Duy Quang lần đầu trên màn hình TV đen trắng khoảng năm 1971.
. Chàng con trai đầu của nhạc sĩ lừng lẫy Phạm Duy đang nghêu ngao hát khúc Bình Ca của cha mình:
“mang giày vớ tốt
mang khăn áo lành
tôi chào đất nước tôi đang thái bình
tôi cúi lưng tôi chào anh
tôi đứng lên tôi chào em
tôi vói lên cao chào đức tin

……………………………..”
Bổng dưng tôi thấy tồi tội cho chàng trai này.
Chàng quá lu mờ trước cái bóng quá lớn của người cha Phạm Duy, người Bác Phạm Đình Chương, người cô Thái Thanh.
Vóc dáng chàng gầy yếu, khuôn mặt buồn bã , giọng hát không hay, không dở.
Tôi nghĩ ông bố Phạm Duy chắc phải khổ công lắm mới “gò” được chàng hát được đến mức đó.
Phạm Duy không là người chồng chung thủy nhưng là người chủ gia đình rất có trách nhiệm. Những nghệ sĩ thực sự thường quá mơ mộng và hay lâm vào cảnh nghèo túng.
Phạm Duy thì không. Thuở ấy ông là một nhạc sĩ biết cách kiếm tiền và có xe hơi riêng.
Các con ông được nuôi dạy đầy đủ. Chỉ tiếc rằng vợ ông thì đẹp mà con thì không xinh bằng mẹ, không tài bằng cha (cảm nhận riêng của người viết).
Dù sao, làm con Phạm Duy sung sướng thật. Được đi học ở những trường danh tiếng, được học viết nhạc, học hát và được bố sắm sửa nhạc cụ, tập dợt để thành lập ban nhạc trẻ The Dreamers. Rồi bố lại còn sáng tác những ca khúc dành cho các cô gái tuổi mới lớn cho con gái cưng Thái Hiền .Có lẽ khi phổ nhạc thơ Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Duy cũng muốn cùng con trai sống lại những cảm xúc tuyệt đẹp của tình yêu thuở mới lớn.
Tình yêu thương của Phạm Duy dành cho các con thật mênh mông.
Nhưng trông Duy Quang vẫn cứ buồn bã và yếu đuối.
Sau năm 1975, nhạc Phạm Duy bị cấm hát. Rồi tôi không còn nhớ gì về Duy Quang và cũng chẳng biết đại gia đình Phạm Duy đi đâu, về đâu .
Lịch sử đang nhấn chìm người dân Việt xuống vũng bùn của cái đói và dần mất đi những nhu cầu tinh thần.
Cho đến một hôm tôi nghe lại giọng ca Duy Quang ở hải ngoại qua một băng casette.

“năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mãi
Đời chia những nhánh sông”(****)

Không ngờ bây giờ giọng Duy Quang chửng chạc và hay đến vậy.
Ngoài bài “Lời Tình Buồn” do Phạm Duy phổ thơ Phạm Văn Bình, giọng ca nhủn nhặn, thủ thỉ của Duy Quang như được sinh ra để kể lể tâm trạng của những chàng trai mới lớn, hoang mang, tuyệt vong vì những mối tình đầu đầy bất trắc trong những ca khúc phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên.

“Em bây giờ có lẽ
Toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ
Xin làm người tình thua” (**)

Duy Quang mang dáng vẻ hiền lành, nhút nhát. Chàng gần với Nguyễn Tất Nhiên hơn người cha tự tin, mạnh mẽ.
Và chắc Phạm Duy cũng không ngờ rằng cuộc đời của Duy Quang , tâm trạng bi thương của Duy Quang dường như cũng bị thơ của Nguyễn Tất Nhiên vận vào.
Trong ca khúc Kiếp Đam Mê, Duy Quang đã thố lộ :

“tôi không cần và nghi ngại chi
Ai chê bai thân tôi khờ dại” (*)
.

Công nhận chàng “khờ dại” là rất thương Duy Quang . Thực ra người đàn ông này “ngu” lắm và cũng chân thật lắm mới dám nói rằng:

“Tôi xin người cứ gian dối
Khi tôi hỏi người có yêu tôi
May ra còn được thấy đời vui
…………………………………
Tôi xin người cứ gian dối
Nhưng xin người đừng lìa xa tôi”
(*)
Mà đâu có sao.
“Khôn đường cờ bạc là khôn dại
Dại chốn yêu đương ấy dại khôn”
(nhại thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Cái “ngu” dễ thương của Duy Quang chỉ có thể sánh với cái “khùng” của Nguyễn Tất Nhiên.
Duy Quang sinh năm 1950, Nguyễn Tất Nhiên sinh năm 1952. Tuy là vai đàn em nhưng Nguyễn Tất Nhiên cuồng si, khùng điên vượt xa đàn anh.
Đọc Thơ của Nguyễn Tất Nhiên ai cũng hiểu được câu chuyện lòng vòng của một cậu học trò ở Biên Hòa yêu một cô Bắc di cư .
Cô rất ngây thơ, trong sáng, chưa biết yêu và chẳng để ý gì đến chàng thi sĩ “vô đạo” (***).
Nàng kính yêu Chúa, siêng đi nhà Thờ.
Vậy là chàng thi sĩ ghen với Chúa.
Ghen quá phát rồ.
Chàng hùng hồn phân tích:

“dù sao thì Chúa Cũng
Một thời làm trai tơ
Dù sao thì Chúa cũng
Là đàn ông…dại khờ”(**)

Cũng giống như họa sĩ Đinh Cường thích vẽ nhà thờ hơn vẽ chùa, hình ảnh liên quan đến nhà thờ , tượng chúa, thánh giá được nhắc nhiều trong thơ Nguyễn Tất Nhiên dù các cô gái mà chàng si mê không phải cô nào cũng có đạo. Chàng thích nhìn người yêu của mình trong hình ảnh một ma soeur và Nguyễn Tất Nhiên có lúc là linh mục.

.
“Vì tôi là linh mục
Tưởng đời là hạnh phúc
Nên tin vào thiếu nữ”(**)

Linh mục “khùng” này chỉ có một tín đồ và tín đồ ác ôn đó đã giam hãm chàng trong tín đồ.:

“Tín đồ là người tình
Có ngờ đâu người tình là ác quỷ”(**)

Làm linh mục chưa vừa ý chàng lại đòi trèo lên làm :
“cây thánh giá
Trên nóc cao nhà thờ”
(**)

Trong bài thơ “Duyên Tình Cô Gái Bắc” Nguyễn Tất Nhiên đã làm cho chúng ta phải bậc cười vì tính trẻ con của một chàng trai đang chịu đựng nổi đau của một tình yêu vô vọng.
Chàng không dấu được vui mừng khi nghe nàng thi rớt trường luật (vì chàng đã thi hỏng tú tài 2):
Nghe nói em vừa thi rớt luật
Môi trâm anh tàn héo nụ xa vời
Mắt công nương thầm khép mộng chân trời
Xin tội nghiệp lần đầu em thất vọng

(Dù thật sự cũng đáng đời em lắm
Rớt đi Duyên , rớt để thương người)
Ta-thằng ôm hận tú tài đôi
Không biết tìm ai mà kể lể.

Nhưng đằng sau những khùng điên, dại dột và trẻ con, Nguyễn Tất Nhiên đã làm ta kinh ngạc về một cỏi hồn ngập tràn cô đơn , bi thiết và hoảng loạn.

”người từ trăm năm
Về qua sông rộng
Ta ngoắc mòn tay
Trùng trùng gió lộng”(**)

Sau khi ngoắc mòn tay mà chẳng ai dừng lại, chàng bèn chạy theo :

“ta chạy lòng vòng
Ta chạy mòn hơi
Quỳ té trên đường đời
Sợi tóc vương chân người.(**)

Tưởng tượng cảnh chàng thi sĩ chạy té lên, té xuống mà thương.
Để xem chàng sẽ làm gì sau khi té rất đẹp, rất khôn, té mà để tóc quấn lấy chân người ấy như các nam diễn viên chuyên nghiệp trong kịch của Shakespeare.
Nhưng chàng không chịu đứng dây, chàng nằm vạ và khao khát được nàng đâm mình một nhát cho xong đời.:

“người từ trăm năm
Về như dao nhọn
Ngọt ngào vết đâm
Ta chết âm thầm
Máu chưa kip đổ.(**)

Nhiều nam ca sĩ hát “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận” do Phạm Duy Phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên nhưng với tôi chưa ai hát hay như Duy Quang.
Hai chàng “khùng” này làm tôi nhớ đến tác phẩm “Tình Sầu Của Chàng Werther” của Goethe. Chìm đắm trong cơn mê tình yêu, chàng Werther cuối cùng quyên sinh trong buồn đau, tuyệt vọng.

Nhưng tôi không nghĩ rằng Werthner hay Nguyễn Tất Nhiên quá bi lụy vì tình đến không đứng vững nổi trong cuộc đời này. Nổi đau vì tình chỉ là một cửa sổ nho nhỏ cho ta nhìn vào trái tim dư thừa cảm xúc của họ.
Tôi cho rằng kiếp người không phù hợp với một số người. Và họ chọn ra đi sớm để được trở về một tinh cầu bình yên hơn.
Còn Duy Quang , chàng vẫn muốn sống cuộc đời bình thường được mãi hát ca cùng trái tim yếu đuối.
Vì vậy, khi Duy Quan giả biệt cỏi đời, chắc chắn Phạm Duy, ông già chẳng biết sợ ai, đã suy sụp.
Tôi tin rằng nếu Duy Quang chưa ra đi, Phạm Duy vẫn còn ráng sống để nâng đở đứa con trai mà ông yêu thương nhất.
Bây giờ, chỉ còn lại chúng ta và những tác phẩm âm nhạc là sự kết hợp tuyệt vời của Phạm Duy, Nguyễn Tất Nhiên và Duy Quang.

Huyền Chiêu
Tháng Giêng 2016

(*)Trong Kiếp Đam Mê của Duy Quang
(**) Thơ Nguyễn Tất Nhiên
(***)Chữ dùng của Nguyễn Tất Nhiên

Xe lửa ở quê tôi

huyenchieu

-Ngày xưa ông bà mình đi Nha Trang bằng xe gì hả mẹ?
– Đi bộ. Ông ngoại con đi ra Bình Định học cũng đi bộ. Khi qua đèo Cả, sợ cọp, phải chờ những người buôn trâu dẫn trâu qua đèo, ông đi theo. Đến thời của mẹ, muốn đi Nha Trang mẹ được đi xe ngựa. Phải mất một ngày mới đến được Nha Trang”
Như vậy, tôi đã hưởng được một nền vận tải văn minh khi tôi được đi Nha Trang bằng xe lửa.
Khác với bến xe ngựa hôi hám, bến xe đò chật hẹp, ồn ào, ga xe lửa là nơi sang trọng có cảnh quan đẹp nhất ở quê tôi.
Tôi không biết Ga xe lửa Ninh Hòa được khánh thành từ năm nào, chỉ biết các ga và tuyến đường rầy đều do người Pháp xây.
Thuở ấy xe lửa chạy bằng đầu máy hơi nước. Sợ hãi nhưng thích thú nhìn đoàn tàu tới gần với đầu máy nặng nề tỏa khói đen sì là một cảm giác khó quên của bọn trẻ nhà quê chúng tôi thời đó. Tiếng bánh xe nghiến ầm ĩ trên đường rầy, tiếng còi tàu lanh lảnh cũng thật kỳ vĩ.
Ga Ninh Hòa là một trong những nhà ga hiếm hoi còn nguyên vẹn sau chiến tranh và có cảnh quan vô cùng ấn tượng.
Ga có vị trí thoáng mát với bốn bề núi non, ruộng đồng xanh ngát. Đứng trên sân ga chúng ta có thể nhìn thấy một kiến trúc uy nghi và có dáng dấp của một ngôi nhà kiểu đền đài Hy Lạp, thực ra nó là đề pô, nơi sửa chữa đầu máy. Cái bồn nước trên cao để tiếp nước vào nồi súp de cũng thật lạ mắt và còn cả một cái lô cốt chắc là nơi ngày trước quân đội Pháp canh gác cho an ninh của ga…
Chiếc cầu dành riêng cho xe lửa bắt qua sông Dinh cũng rất quen thuộc với người dân Ninh Hòa mặc dù hình ảnh con tàu ầm ầm vượt qua cây cầu bằng sắt thật tương phản với phong cảnh êm đềm hai bên bờ sông.
Nói đến chuyện đi xe lửa, thú vị nhất là được chui qua hầm.
Tối thui, ngộp thở, kinh hoàng vì tiếng bánh xe nghiến trên đường rầy bất ngờ nghe như tiếng núi lở, nhưng cũng thật ngây ngất.
Rồi bóng tối nhạt dần báo hiệu… hết hầm. Không khí mát rượi tha hồ tràn đầy buồng phổi, ánh sáng chói chang làm lóa mắt và dù mặt mũi có thể dính đầy bụi than bọn trẻ con vẫn chờ đợi nhất được hưởng giây phút xe lửa chui qua hầm.
.Thập niên 50, cuộc sống không nhiều biến động và người nông dân ít có lý do di chuyển. Ga xe lửa luôn vắng vẻ với năm ba người khách mỗi lần tàu vào ga.
Cuối tuần, tàu nhiều khách hơn nhưng những vị khách ấy cũng chỉ là đám học trò đi học ở Nha Trang về thăm nhà và hầu hết là khách đi cọp!
Dầu sao truyền thống của một ngành hỏa xa văn minh cũng còn lưu dấu trên bộ đồng phục của sếp ga, của nhân viên soát vé, của người gác ghi với lá cờ hoặc chiếc đèn có mặt kính nhiều màu mà ông ta cầm lắc lư báo hiệu cho tàu ra vào ga trong đêm tối.
Từ năm 1964 hệ thống hỏa xa miền Nam ngưng hoạt động. Đường rầy ở nhiều nơi bị phá dỡ, xe lửa bị đặt mìn. Từ Nha Trang muốn đi Saigon phải đi bằng máy bay vì không ai dám đi xe đò qua Rừng Lá. Từ Tuy Hòa vào Nha Trang chỉ có thể đi bằng ghe bầu.
Sau năm 1975 ngành hỏa xa được tái thiết và được gọi là Đường Sắt Việt Nam.
Không còn dáng vẻ văn minh năm nào, Đường Sắt Việt Nam đã trở thành một phương tiện giao thông xô bồ chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ lặp lại.
Xe lửa đã trở thành phương tiện để người ta bấu víu vào kiếm sống.
Những năm ấy, những chiếc xe đò cũ kỹ lại càng thêm kỳ dị khi phải gắn một thiết bị phía sau để chạy bằng than. Giá tiền đi xe đò lại đắt nên người ta ùn ùn rủ nhau đi buôn bằng xe lửa.
Đường sắt trở nên quá tải và chen được một chân lên xe lửa là một kỳ công.

Đường cát trắng hồi đó biến mất và người dân quê tôi theo xe lửa ra tận La Hai để buôn loại đường vàng làm từ mật mía, cô lại thành bánh. Người đi củi cũng biến gon xe lửa thành xe chở củi. Xe lửa không dừng lâu nên người ta cứ quăng bừa các thân củi vào cửa sổ toa xe… Rồi hàng chục bao gạo, bao bắp, bao khoai mì tiếp tục được nhồi nhét, rồi cá khô, mắm muối, đậu mè từng bao tới tấp quăng lên mặc cho những tiếng chửi rủa náo động cả toa tàu. Khi tàu chuyển bánh, hàng chục người vẫn thản nhiên chạy nhảy…
trên mui xe để di chuyển từ toa này sang toa khác. Đã có mấy em bé bán nước trà đá đã rơi xuống đường rầy khi tàu chuyển bánh. Và không ít dân nghèo đã mất mạng vì không tiền mua vé phải nhảy tàu khi tàu đã tăng tốc.
Nhớ lại những ngày khốn khổ ấy mà thương cho người dân của thời hòa bình thống nhất.

Ngày nay ga Ninh Hòa không còn hỗn loạn như thế nữa. Sân ga, nhà ga được tu sửa sạch sẽ hơn và đầu máy hơi nước đã được thay bằng dầu máy diesel.
Tuy nhiên khách nước ngoài đến Việt Nam rất ngạc nhiên vì hàng trăm năm rồi sao Việt Nam vẫn còn sử dụng đường ray có chiều ngang 1 mét.
Riêng tôi, tôi rất sợ một ngày nào những đường tàu cũ kỹ ấy biến mất.
Và tôi sẽ không còn được bồi hồi ngắm nhìn những đường tàu trăm năm chạy song song rồi giao nhau ở đầu sân ga như lời nhắc nhở cho con tàu rằng bạn đã về tới bến.

Huyền Chiêu
(- Ninh Hòa – Tháng 9-2014)