BÀN TAY TRONG MỘT BÀN TAY

elenapucillo

Trương Văn Dân
dịch từ nguyên tác Tiếng Ý

Chìm trong tiếng ồn của cuộc sống bon chen đô thị, phần lớn là những người trẻ, tuổi ba mươi, bốn mươi…lúc nào cũng vội vàng, hấp tấp, đi và đến bằng các phương tiện tân thời, xe hơi, bus, taxi…
Giữa những cao ốc nguy nga, tráng lệ, ánh đèn chiếu sáng những bảng hiệu, biểu tượng của sự phát triển về một thế giới hiện đại và lý tưởng, về tính hiệu quả, mang vẻ ngoài thật xinh đẹp và trẻ trung…
Bỗng có hai người già như lạc lõng, bước từng bước nhỏ đến chiếc băng gỗ quen thuộc đặt ở góc công viên. Tay trong tay, nụ cười như in trên hai khuôn mặt đã có nhiều nếp nhăn theo năm tháng. Ông lão nắm tay bà, cẩn trọng đỡ người bạn đời của mình, giúp bà ngồi xuống một cách nhẹ nhàng và thoải mái. Mỗi cử chỉ của ông đều ân cần, chậm rãi và cẩn thận như đang che chở và ve vuốt một chú chim non bằng những lời yêu thương ngọt ngào.
Ngày nào cũng thế…tôi chẳng biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng có lẽ từ lâu lắm. Mỗi ngày mỗi mới và có vẻ như mỗi ngày tình cảm giữa hai người mỗi thiết tha mạnh mẽ. Nó tương phản hoàn toàn với thế giới xung quanh, đến nỗi giống một nghịch lý.
Trong cái vũ trụ thu hẹp của họ, giữa những vụn bánh cho vài chú chim sẻ, có những cái vuốt ve cô mèo con bị lạc hay tiếng cười rạng rỡ của một em bé tập đi đang ngã vào vòng tay người mẹ. Họ luôn mang theo mình một chiếc dù, để che nắng hay phòng ngừa sự chòng ghẹo từ những cụm mây, riêng bà thì không bao giờ quên chiếc khăn quàng khổ rộng, sau khi ngồi vững liền âu yếm quấn quanh cổ ông để che chắn những cơn gió lạnh.
Tôi tưởng đó là một bức tranh đang đặt trước mắt mình; sự thực đó đang nằm ngoài thế giới này. Chẳng biết gì về họ nhưng lâu nay tôi không thể làm gì khác là nhìn ngắm và quan sát cho đến khi nào, sau chừng một giờ, bằng những cử động ban đầu rất yếu ớt, về sau mạnh mẽ hơn, họ chống tay đứng dậy tay nắm tay bước đi cho đến khi mất hút giữa dòng người vô cảm.
Rồi sau đó thì sao? Họ sẽ làm gì trong quãng thời gian còn lại trong ngày? Tôi tưởng tượng như mình đang tò mò theo dõi, bị cuốn hút bởi thứ hào quang hạnh phúc bao quanh người họ. Một cuộc đời đơn giản. Chỉ có những cử chỉ quen thuộc nhưng thật ngọt ngào và trìu mến dành cho người thân. Dĩ nhiên tôi không thể nào tưởng tượng là họ sống trong ác mộng, trong lòng họ đang chất ngất bao điều ưu tư. Hằng ngày lo lắng và đau khổ, một nỗi đau kinh khiếp có thể cướp mất hơi thở tối cần cho cuộc sống

Trong bóng tối của buổi chiều tàn, bà vợ mắt nhắm nghiền, nằm bất động trên chiếc giường đôi. Hai bàn tay bà đặt trên ngực, những ngón tay nắm chặt chuỗi tràng hạt. Trên chiếc ghế đẩu đặt cạnh giường, ông chồng ngồi gục đầu, kiệt sức sau một cơn khóc tuyệt vọng. Ông liên tục lau mặt bằng chiếc khăn giấy ướt rã vì nước mắt. Rồi, bất thình lình, trong tay ông loé lên ánh thép lạnh lẽo của một khẩu súng. Ông đăm đăm nhìn họng súng, những giọt nước mắt vẫn tiếp tục rơi, làm ướt chiếc nòng lạnh giá. Ông thì thầm vài lời gì đó, rồi bằng một cử chỉ thật nhanh đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ trong tích tắc.
Bàn tay rớt xuống! Chẳng có tiếng nổ nào xảy ra.
Giống như trong phút chót sự can đảm đã biến mất…
Cuối cùng ông dợm đứng lên, lấy lại tự chủ, rồi đặt khẩu súng trong ngăn kéo của chiếc bàn đêm.
Bây giờ tới phiên ông.
Ông nằm bất động trên chiếc giường đôi, mắt nhắm nghiền và cũng với chuỗi tràng hạt trên tay. Bà vợ, thận trọng và run rẩy đặt một bàn tay lên trên quyển sách nằm trên ngực chồng. Đó là quyển sách mà ông đã viết và nó sẽ theo ông làm bạn trong thế giới bên kia. Một vài giọt nước mắt ứa ra, rớt xuống trang bìa làm ướt những ngón tay khẳng khiu, gầy yếu…Rồi bà lão như kiệt sức, ngã gục xuống chiếc ghế đặt bên cạnh giường. Những ngón tay bà cố gượng vuốt ve lên thân thể thân thương. Bà vuốt đôi mắt, vành môi, khi vuốt đến ngực những ngón tay bà ngập ngừng dừng lại, như thể còn muốn vuốt ve cả trái tim ông…Cuối cùng bà áp tay mình lên bàn tay ông, bàn tay đã từng nâng đỡ và che chở bà suốt một cuộc đời. Nước mắt vẫn tiếp tục lăn xuống nhưng bà chẳng có chiếc khăn nào để ngăn. Sau những tiếng rên rỉ, bà thì thầm bên tai ông những lời ngọt ngào như xưa nay bà đã từng làm. Rồi gượng đứng lên, bà áp môi mình lên môi ông, đặt thêm một lần nữa chiếc hôn cuối cùng.
Run run, bà với tay lấy khẩu súng đặt trên chiếc bàn đêm. Một tay bà nắm chặt tay chồng, còn tay kia, rất tự tin, bà đưa họng súng chỉa vào màng tang mình. Chỉ một tích tắc. Rồi bà ngã xuống trên xác chồng, như muốn ôm lấy ông một lần cuối.
Cứ thế, từ hai tháng nay mỗi buổi tối cảnh đó luôn được lập lại như đang trình diễn trong rạp hát.
Mọi chuyện bắt đầu từ sau hôm đi khám bác sĩ. Trước đó bà thường thấy mệt, nhiều lúc thở rất khó khăn, như bị ngạt, tưởng như có một khối đá đè lên lồng ngực trong những chuyến cùng chồng đi dạo. Tay trong tay, trong nước mắt, họ lắng nghe phán quyết của người thầy thuốc.
“Tôi rất lấy làm tiếc nhưng trái tim của bà nhà rất yếu…một cuộc giải phẩu là điều không thể thực hiện…Rất tiếc là tôi không biết phải làm gì để có thể giúp bà…Nguy cấp lắm rồi…bà yếu quá…” rồi sau câu hỏi thầm lặng từ đôi mắt đau đớn và khẩn cầu của họ là câu trả lời ngập ngừng nhưng thành thật và xúc động của bác sĩ:
“Rất tiếc…điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào…”
Sau đó thì hai người già vẫn tiếp tục sống cuộc đời họ như đã từng, nhưng mỗi ngày đều rất đau đớn vì ý nghĩ là bà sẽ đột ngột ra đi, bỏ ông lại một mình; Bà, người chưa bao giờ rời xa, chưa bao giờ phản bội ông.
Bởi, suốt một đời họ đã luôn sống bên nhau. Trong một thoáng bà hồi tưởng thời hai người còn trẻ, những cử chỉ ngập ngừng và vụng về trong mối tình đầu, trái tim bà chỉ đập khi chờ đợi ông, chỉ vì ông, người đàn ông duy nhất có thể lấp đầy cái khoảng trống trong tâm hồn bà; cũng như chỉ ánh nhìn nhân ái của ông mới có thể xoa dịu đi nỗi đau hay mang lại cho bà niềm hạnh phúc. Cứ thế, họ đã sát cánh bên nhau đi qua cuộc đời này. Rồi họ cùng nổi tiếng với tất cả các nhà hát kịch trên thế giới. Trên tường nhà họ hiện vẫn còn treo đầy các biểu ngữ giới thiệu các vở kịch: Shakespeare, Mann, Eliot, Racine, Molière, Pinter…. có tấm in khuôn mặt, miệng mỉm cười của họ, có tấm chụp họ đang mặc đồ diễn trên sân khấu, đứng giữa những bạn diễn thân thiết mà đến nay tên tuổi vẫn còn sáng chói. Hình như hào quang hạnh phúc đã bao quanh họ từng ngày. Và họ luôn ở bên nhau.
Có lẽ trong cuộc sống hạnh phúc và bình an đó, chỉ có một nỗi đau trong trái tim bà, đó là sự thiếu vắng một đứa con…điều duy nhất của riêng họ, chỉ của họ mà thôi. Nhưng mỗi lần bà vật vã, chỉ cần những lời ngọt ngào của chồng “ Em yêu ơi, xin em đừng tuyệt vọng. Không có con chúng ta sẽ yêu nhau nhiều hơn…” là có thể làm dịu nỗi đớn đau, để nó trốn ngay đi, dù chưa hoàn toàn xoá mất.
Rồi cuộc sống đổi thay. Thăng trầm. Chìm nổi. Có lần họ cũng rơi vào cảnh nghèo túng vì từ chối các vai diễn không phù hợp hay không chịu ký hợp đồng với những công ty ca kịch không hoạt động vì nghệ thuật…và cuối cùng, với tuổi tác, họ bình thản từ giã ánh đèn sân khấu, chấp nhận cuộc sống giản đơn, bùi ngùi nhìn lại những kỷ niệm sáng ngời trong quá khứ. Nhưng họ luôn ở bên nhau, luôn luôn hạnh phúc vì người này chỉ sống cho người kia. Và ngược lại.

Là những diễn viên tài hoa nên mỗi buổi tối họ đều chuẩn bị cho chính mình vai diễn, cố thể hiện thật xuất sắc vở kịch cuối cùng.
“ Cái chết của chúng mình. Sự chia lìa sẽ bất ngờ là điều không thể tránh khỏi. Nhưng người nào đi trước sẽ không phải hứng chịu nỗi cô đơn ở thế giới bên kia”.
Ông thường đi lập lại rất nhiều lần:“ Ước muốn lớn nhất là chúng ta có thể chết cùng một lúc, nhưng dễ gì Chúa ban cho ta ân sủng này!”
Nhưng, ông đã lầm…
Vài tháng trôi qua. Và chỉ có vài hàng trên một tờ báo.
Trong lúc ngủ trái tim mệt mỏi của bà đã vĩnh viễn ngừng đập. Và ông, bất thình lình thức giấc, tin là còn có thể cứu bà, ông lao tới chụp ống điện thoại để gọi xe cấp cứu…nhưng đã không kịp nữa. Trái tim của ông cũng ngừng đập vì đau đớn, nó chỉ cho ông một tích tắc thời gian để đưa cánh tay nắm lấy tay bà.
Sự việc chỉ xảy ra trong tích tắc.

Elena Pucillo Truong

Advertisement

Một phút tự do

elenapucillo

( Nguyên tác : Un istante di liberta’)
Bản dịch của Trương Văn Dân

“ Kính chào bà tiến sĩ De Rossi”
Tôi vừa bước ra thang máy thì một trong các cô thư ký đã mang đến tách cà phê đầu tiên trong ngày. Tôi nói đầu tiên vì sau đó hãy còn nhiều tách nữa, không biết là bao.
Một cô thư ký khác vội chạy đến giúp tôi cởi chiếc áo choàng, còn tôi, bó mình trong chiếc tailleur cực kỳ sang trọng, đi vòng qua phía sau vị trí điều hành, đặt chiếc cặp da có đựng notebook lên bàn làm việc.
Biết bao kẻ muốn được mó tay vào chiếc máy tính cá nhân này! Chỉ cần nhấn vài nút bấm là tất cả những áp phe quan trọng của các công ty lớn, những chuyển dịch hằng triệu đô la trên sàn chứng khoán sẽ tuần tự hiện lên bằng các mã số, để đảm bảo an toàn.
Một cú nhắp chuột… thế là tất cả những kế hoạch chi tiết và toàn bộ hồ sơ tuyệt mật của công ty Intracodex sẽ nằm gọn trong tay tôi. Định bật máy và liếc mắt vào công việc …nhưng mùi cà phê thơm phức đang kích động khứu giác làm tôi dừng lại.
Cầm tách cà phê nóng, tôi bước đến cạnh bức tường và nhìn xuống dòng đời từ tầng thứ 23! Ở trên đây không bao giờ nghe thấy tiếng ồn đô thị và dường như trong không gian luôn có một lớp sương mù nên quang cảnh trông có vẻ lãng đãng, giống như nhìn từ một giấc mơ.
Rồi trong lúc áp môi lên tách cà phê lên tôi bất chợt nhìn thấy bóng mình phản chiếu lên tấm kính.
Tôi đang đứng đối diện với tòa nhà bằng kính. Mái tóc đen và dài, chiếc tailleur trang nhã bó sát người, như thể người thợ may khéo léo ướm xấp vải vào thân mình trước khi đo cắt. Đôi chân khỏe và dài, còn được kéo dài thêm với đôi giày son cao gót. Chuyên nghiệp, quyền hành và nữ tính. Tất cả những vũ khí tối cần cho thế giới này. Thế giới của tôi.

Nhưng nét xanh xao tái nhợt trên khuôn mặt dường như tương phản với đường viền bằng son đỏ trên môi. Hai bờ môi thẳng nếp, mỏng manh mà sắc bén như một lưỡi lam, lạnh lùng như cái nhìn khinh mạn khi tôi quắc mắt. Bỗng dưng tôi không thể nhấm tiếp mùi vị cà phê. Hình như lúc này nó có vị chát của acit.
Phản chiếu trên tấm kính tôi nhìn thấy sau lưng mình cô ba cô thư ký tay cầm xấp hồ sơ đang chờ tôi ký. Cả ba căng thẳng đi qua đi lại sau lưng, hồi hộp chờ tôi quay mặt để trình bày công việc, báo cáo những cú điện thoại, nhắc nhở các cuộc hẹn và chờ tôi ra lệnh…nhưng tôi không thể tách đôi mắt đang nhìn bóng mình trên kính. Tôi không còn nhận ra mình nữa… sao mà tôi có thể biến thành một con người khô cứng và lạnh lùng đến thế?
Mười năm trôi qua như một ánh chớp… và bất thình lình tôi cảm thấy chúng đè nặng lên vai, một con mụ già cáu gắt. A! đúng rồi, đây chính là cái tôi đang nhìn thấy trên kính, một mụ đàn bà khô khốc, khó tính và cáu kỉnh.
Tất cả bắt đầu như một phản ứng.
“ Con sẽ không bao giờ giống mẹ! ” tôi nghe vọng lại tiếng mình hét vào mặt mẹ. Bà yếu đuối, vâng lời, cam chịu, thụ động và chấp nhận mọi thứ… không bao giờ dám phản ứng, ngay cả những lúc ba tôi đối xử với bà bằng bạo lực, trước khi ruồng bỏ. Thế mà bà vẫn nhẫn nhục và chịu đựng. Rồi, không thèm nói một lời, ông lặng lẽ bỏ đi. Bỏ lại bà một thân một mình với nhiều món nợ. Gồm cả giấy cầm cố căn nhà.
Và chỉ vài ngày sau đó mẹ con tôi phải dọn đi.
Và thế là tôi không thể sống giống mẹ mình. Tôi không cần trái tim. Tôi không còn tình cảm. Chỉ lao đầu vào việc học, làm mọi thứ để tích lũy kinh nghiệm, dẫm đạp lên mọi thứ và mọi người. Tôi là mẫu người đàn bà của sự nghiệp, hay đúng hơn là một gã đàn ông trong thân xác một con đàn bà. Bởi vì tôi không còn giới tính, không có tình yêu; dĩ nhiên tôi vẫn có đàn ông, nhưng họ chỉ là những công cụ để tôi sử dụng rồi quên ngay, vì họ không cho tôi được gì mà tôi cũng chẳng để lại cho họ chút gì.
Cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ dừng lại để nhìn thấy mình đã trở thành người như thế nào. Chắc rồi…tôi đang đứng trên đỉnh cao của danh vọng, vị trí cao ngất mà mọi người thèm muốn… nhưng đó thực ra là thứ danh vọng gì? Bao nhiêu người đang cho rằng tôi đang thành đạt.
Đúng rồi, mà “đạt” được gì? Đã bốn mươi tuổi mà tôi không có một mái gia đình, không có một đứa con, chẳng có một ai đó thỉnh thoảng hỏi tôi có khỏe không và quan tâm đến việc tôi có vui vì những công việc của mình không. Không ai cả. Gia đình, thậm chí một người bạn.
Chậm rãi, tôi xoay lưng lại, thật khó nhọc rời hình ảnh của mình trên kiếng. Bàn tay tôi run rẩy khi đặt tách cà phê lên bàn. Bỗng dưng tôi cảm thấy như có một cơn nôn mửa đang trồi lên từ phía dưới.
Tôi đã không muốn sống như mẹ mình, nhẫn nhục, cam chịu…nhưng vì thế mà tôi đã trở thành một bản sao của ba tôi. Tôi hận ông! Thế nhưng bây giờ tôi thấy mình giống ổng, tôi đã cư xử với mọi người giống ổng, có khi còn tệ hơn.
Đối với tôi không còn ai cả, không một người nào, chẳng chút tình cảm…và tiền bạc thực ra chỉ là một phương tiện để tiếp tục dẫm đạp lên người khác.
Lạnh lùng và minh mẫn, tôi mạnh mẽ bước đến chiếc ghế bành bọc da và chễm chệ thả người lên đó trong lúc ba đôi mắt đang hồi hộp nhìn tôi từ phía bên kia bàn giấy.
“Mấy cô nhìn cái gì? Đặt mọi thứ lên bàn đi. Một lát nữa tôi sẽ gọi!”
Tôi nói to, làm cả bọn giật mình.
Ngay lúc đó tôi cũng chẳng nhớ tên của bọn họ là gì. Tôi chỉ muốn ngồi lại, một mình. Tôi mệt mỏi lắm rồi! Trong lúc ấp đầu vào giữa hai tay, bàn tay áp chặt vào mắt để khỏi phải nhìn thấy sự thật đang phản chiếu từ khung kính. Hằng ngàn khuôn mặt, tất cả đều là những góc cạnh của chính mình. Tất cả để cuối cùng chỉ còn lại một mình. Cô độc. Cô độc trong công việc. Cô độc giữa đám đông. Hoàn toàn cô độc. Cố tình cô độc. Rồi, như bất thình lình, cơn nôn mửa vụt biến thành cơn giận dữ, và bằng tất cả sức mạnh, tôi cầm lấy chiếc tách cà phê, ném thẳng vào mặt kính.
Vô ích!
Mặt kính chỉ hơi rạn một chút chứ chẳng hề hấn gì. Đó chỉ là hành động vô ích nhằm giải thoát cơn giận. Thôi, đủ rồi! Tôi thấy mình ngạt thở. Tôi không thể nào tiếp tục ngồi đây.
Phủ vội chiếc áo khoác lên người, tôi cầm chiếc túi xách rồi chạy ào ra thang máy.
Bàn tay run rẩy, tôi nhấn nút đi xuống, im lặng chờ xuống mặt đất, luồn lách giữa dòng người vô danh mà chưa bao giờ tôi muốn thân quen. Ra ngoài thôi, hít chút không khí giữa đất trời mở rộng.
Ánh nắng ngoài đường làm tôi lóa mắt. Một tay che mắt, còn tay kia nắm chặt bâu áo khoác để che cơn gió lạnh vừa ập đến lúc bước ra khỏi cửa. Cho đến lúc đó, đối với tôi chưa bao giờ có nắng, có mưa, có ánh đỏ hoàng hôn hay tiếng cười, giọng khóc.
Máy bay, điện thoại di động, bàn giấy, máy tính…tất cả khô khan, vô cảm…tôi luôn luôn chạy đua với thời gian mà chẳng biết mình đi đâu, ngược lại, hình như chỉ để rời xa thêm cái cuộc đời mà tôi muốn có mà chỉ lúc này tôi mới biết là mình đã đánh mất. Tôi đã sinh ra mà chưa từng sống và lúc này mới đau đớn nhận ra là cả cuộc đời mình trống rỗng và vô ích.
Thiếu chút nữa là tôi bị một chiếc xe hơi đụng phải. Tôi ngơ ngác không biết mình đang làm gì và cứ băng qua đường mà không nhận biết. Nhưng không phải phản xạ đã giúp tôi tránh được tai nạn… mà có một bàn tay vừa nắm cánh tay tôi, giật mạnh. Tôi xoay người theo bản năng để nhìn xem đó là ai.
Một đôi mắt màu hạt dẻ là cái đầu tiên mà tôi nhìn thấy. Nhưng nó không xa lạ với tôi. Đó là đôi mắt của một trong ba cô thư ký…
Sao lại có thể như vậy được?
“ Tôi đây, Lidia đây mà, thưa bà tiến sĩ. Bà theo tôi… chúng ta đến chỗ kia ngồi một lát nhé!”
Như đứa bé, tôi để cô gái kéo mình đến một chiếc băng dài, tâm trạng gần như vui thích vì có một ai đó để ý và quan tâm đến mình.
“ Đây rồi, bà đã đỡ chưa? Có chút nắng nữa. Sau mấy ngày mưa mặt trời sẽ sưởi ấm chúng ta.” Có lẽ tôi chẳng nghe cô ấy nói gì nhưng tôi bắt đầu thấy mình bình tĩnh lại, giọng nói của cô gái làm tôi an tâm.
Cô ta tiếp tục mà dường như tôi không hiểu hết những gì cô ta nói. Điều bất ngờ là những giọt nước mắt bỗng dưng lăn dài xuống má, chảy xuống cằm và tôi phải dùng bàn tay để lau. Lidia vội lấy khăn giấy và nhẹ nhàng chặm mắt cho tôi. “ Bà cứ để tôi lau cho, còn mấy vết đen nằm dưới mắt nữa kìa!”. Lâu lắm rồi chẳng còn ai để ý và chăm sóc tôi. “ Bây giờ đỡ rồi đấy. Đi! Chúng ta phải về lại văn phòng …”
Tôi vùng vẫy, cố gỡ bàn tay của cô gái đang nắm chặt lấy cánh tay mình.
Cô ta giữ lại trong khi tôi cố vùng ra để trốn chạy, thật xa cái tòa tháp mạ vàng lâu nay cứ làm mình ngộp thở.
“ Mình đi lên nhé… còn bao nhiêu việc phải làm. Bao nhiêu hồ sơ đang chờ bà ký….Bà chưa thể bỏ đi được đâu…”
Bàn tay thép của cô gái như đang siết chặt hơn. Lidia kéo tôi, và từng bước chúng tôi bước vào cửa tháp, bên trong những bức tường bằng kính và tôi như không còn sinh lực, cứ để mặc cho cô ta kéo mình vào bên trong nhà ngục.

Elena Pucillo Truong

TRÊN CHUYẾN TÀU VỀ QUÊ ĂN TẾT

elenapucillo

Elena Pucillo Truong
(Nguyên tác: il mio ritorno in paese)

Bản dịch của Trương Văn Dân

Mệt mỏi! Chiếc xe lửa liên tục dằng xóc tạo nên những va đập trên lưng làm toàn thân tôi ê ẩm. Có lúc cơn mệt nhọc đã làm tôi thiếp đi trong một giấc ngủ ngắn, rồi giật mình thức giấc vì cái đầu lắc lư, đập lên thành toa, đau điếng.
Nhưng không phải cơn mệt mỏi hay sự thiếu tiện nghi đang làm tôi khó chịu mà chính là cảnh hành khách bị nhồi nhét trên toa. Nhiều người bị chèn ép, nửa nằm nửa ngồi giữa những hành lý ngổn ngang: vali, giỏ xách, thùng giấy được bó, cột sơ sài; Ngoài tiếng ồn còn có thêm tiếng khóc inh ỏi của các bé. Đó đây lốn nhốn những thân hình lèn sát vào nhau để chống lạnh hay để làm giảm sự cứng rắn của những thanh gỗ ghép làm lưng dựa và ghế ngồi.
Bao nhiêu nhọc nhằn mà hành khách phải trải để có được vài ngày vui Tết với những người thân! Nhiều người trong số họ đã phải làm việc tất bật suốt một năm dài, chắt chiu để có thể dành dụm được ít tiền trang trải cho chiếc vé về quê ăn Tết; Mà mua được một chiếc vé trong những ngày cuối năm là có thể tự xem mình may mắn, là đạt đến đích sau những vật vã, lăn lộn giữa muôn vàn khó khăn, chen lấn.
Niềm hạnh phúc ấy thật nhỏ nhoi, dù đổi lại là một chỗ ngồi chẳng mấy tiện nghi. Nhưng chắc chắn có người vẫn đang nghĩ là dù có phải bó gối ngồi nép mình trong suốt chuyến đi trên băng gỗ cũng vẫn hơn là phải ép xác trên những chuyến xe đò nguy hiểm, nhồi nhét người lẫn đồ vật, có khi có cả gà vịt, xe máy dưới ánh nắng gay gắt ban ngày và cái lạnh buốt giữa đêm khuya.
Và, trong những ngày này, dù chọn bất kỳ phương tiện nào, giá vé cũng có thể tăng gấp hai, gấp ba… những ngày thường! Thế nhưng các hành khách cũng đành phải chấp nhận vì trong những tình huống dù xấu đến đâu con người vẫn phải bám vào một lý do gì đó để tự cho là mình may mắn.
Đây là tất cả những ý nghĩ đã chồng chất lên nhau trong đầu tôi giữa những cơn ngủ gật. Tôi đã may mắn lắm mới có được một chỗ ngồi trên toa tàu này, ngay lúc cảm thấy mình tuyệt vọng và sắp sửa từ bỏ ý định về quê ăn Tết. Tôi không muốn nhớ đến những tằn tiện của mình để có thể góp nhặt được số tiền, bước đến quầy mua chiếc vé ước ao… rồi bẽn lẽn biết vẫn chưa đủ vì những ngày cận Tết giá vé đã tăng! Hoàn toàn tuyệt vọng! Phải làm gì bây giờ? Làm sao tôi có thể tìm được số tiền còn thiếu trong ngần ấy thời gian?
“Chiều tôi sẽ quay lại!”
Tôi nói thế nhưng không tin là mình có thể quay lại! Rồi, như một phép lạ, cuộc gặp tình cờ với một người bạn cũ… và đây là những tờ bạc còn thiếu để có thể mua được tấm vé tàu mơ ước.
Đã 3 năm rồi tôi không thể về quê và nhiều lúc tôi cảm thấy mình có tội vì không gặp mẹ trong suốt quãng thời gian ấy. Mỗi lần nói chuyện với bà qua điện thoại tôi thường cố kìm lòng không khóc để bà khỏi nhận ra là trong lòng tôi đang đau đớn xiết bao. Chẳng những không khóc tôi còn cố vui cười nhiều hơn bình thường, khen ngợi và chia sẻ về những gì bà kể, dù trong đầu tôi lúc nào cũng chất đầy lo lắng về một tương lai vô định. Qua đường dây điện thoại, nghe giọng nói của mẹ tôi thường hình dung đến đôi mắt trũng sâu của bà, người mẹ chất phát và đơn giản, nhớ đến đôi bàn tay xương xẩu và sần sùi, mỗi ngày mỗi khô khốc từ mưa nắng sau nhiều năm phơi người trên đồng ruộng.
Mẹ tôi thường lạnh lùng và nghiêm khắc nhưng đôi lúc mẹ cũng hết sức ngọt ngào. Cách đây vài tuần, trước khi tôi bước lên toa tàu này, mẹ có gửi cho tôi một bức thư, mà giờ tôi vẫn còn mang theo bên mình. Nó như một hòn than đỏ và nóng bỏng đang âm ỉ trong túi áo của tôi, những lời bà viết giờ tôi đã thuộc lòng, như thể đó là những dấu ấn bằng lửa in hằn lên tâm trí.
“ Con yêu thương! có bao điều mẹ muốn nói với con, vì mẹ hiểu là trong lòng con đang chất chứa rất nhiều nỗi đau… Điều làm mẹ đau lòng nhất là mẹ không thể làm gì được cho con, bởi mẹ ở quá xa và một bà già quê dốt nát như mẹ thì đâu biết có gì về những chuyện trong một thành phố lớn; Thế giới ấy quá xa lạ với trí óc của mẹ… Từ lúc sinh con ra mẹ chẳng cho con được gì… mẹ không biết là mình còn thời gian để có thể cùng đón một cái Tết nữa bên nhau… Nhưng dù sao mẹ cũng cảm ơn con đã hiện diện ở cuộc đời này”
Phải chi đó là một bức thư nguyền rủa và oán trách vì tôi không thường xuyên gọi về thăm mẹ… rồi ý tưởng là sẽ không còn thời gian để cùng mẹ đón ông bà trong những ngày đầu năm làm lòng tôi tơi bời và đau khổ. Bức thư ấy, đọc đi đọc lại nhiều lần rồi bỏ vào túi áo, thực tình là tôi không hề chờ đợi. Và chính vì bức thư đó mà lần này tôi đã cố gắng hết sức để có thể về thăm nhà.
Tôi nghĩ đến tất cả những điều này trong lúc chiếc xe lửa vẫn tiếp tục lao tới. Trong đêm những tiếng ồn trong toa như bị làm nhỏ lại, bị che lấp bởi tiếng bánh xe nghiến trên đường sắt. Tuy nhiên cuộc hành trình cũng có nhiều lần dừng lại, rất lâu, trong bóng tối, để xe lửa có thể tránh những chuyến tàu ưu tiên. Nơi chờ đợi là những bãi đậu có đường ray phụ, nằm giữa vùng quê hay núi rừng hoang vắng. Thỉnh thoảng tôi có nghe tiếng khóc của một vài em bé, tiếng hát ru con của các bà mẹ, vài tiếng nói thì thầm hay tiếng ngáy của vài người khách. Những khoảng không gian ban ngày bỏ trống như lối đi chính giữa, giờ đây đã được lấp đầy bởi những thân người nằm la liệt, họ xem nơi đây là một chỗ ngủ khá tiện lợi, chỉ cần trải lên sàn một vài tờ báo. Ở phía xa hơn tôi còn nhìn thấy mấy anh bộ đội, đang ngồi chơi bài với mấy chàng sinh viên, thỉnh thoảng cười lên vui vẻ. Các anh mặc áo thun ba lỗ màu xanh, chiếc áo đồng phục đã được cởi ra và gấp cẩn thận với chiếc mũ lưỡi trai, đặt trên giá hành lý để khỏi bị nhàu nhò trong cuộc hành trình.
Trước mặt tôi có một cô gái đang nghiêng mình, ngồi áp đầu vào ngực bạn trai bên cạnh. Cô ta đang ngủ, còn anh bạn thì đang ôm cô vào lòng dù thế ngồi không mấy thuận tiện cho lắm. Thỉnh thoảng anh cúi xuống nhìn cô gái hay kéo lọn tóc dài của cô đang rớt xuống phủ mặt. Cảnh âu yếm đó thật dễ thương, và lòng tôi bất chợt dấy lên một chút ganh tị. Trong một thoáng tôi ước muốn là mình cũng được yêu thương và che chở… muốn đổi cuộc đời tôi với cuộc đời cô ấy… nhưng giật mình vì ý nghĩ ích kỷ này thật bất công cho cô gái, có thể tôi sẽ có một cuộc đời tốt đẹp hơn… nhưng tội nghiệp, cô ta sẽ mang lấy tất cả những bất hạnh của đời tôi!
Tôi nhắm mắt cố ru mình vào giấc ngủ cùng với ước mơ là khi mở mắt sẽ bất ngờ nhìn thấy mình ở một nơi khác, trong một thế giới khác, xa thật xa với tất cả những điều đang làm tôi lo nghĩ và khổ đau.
Bao nhiêu lần rồi, mẹ ơi, con vẫn chưa dám kể cho mẹ biết! Con cũng chưa dám kể với mẹ là con đã làm như thế nào để có thể trở về nhà đón tết cùng mẹ. Bao nhiêu đêm rồi, con về nhà rất trễ sau khi làm hàng nghìn công việc, bao nhiêu cánh cửa đã dập trước mắt con, từ những người chỉ cần búng ngón tay là có thể giúp được con. Có một thời gian con tìm được một việc làm mà con tưởng là đã giải quyết được vấn đề của mình. Buổi sáng con có thể đến trường đại học còn buổi chiều và buổi tối phục vụ trong một nhà hàng. Tất cả trôi qua bình yên cho đến một hôm, một thực khách, sau một chầu say xỉn, đã giở trò bông lơn rồi sàm sỡ, sờ soạn lên người con.
Bằng tất cả sự bình tĩnh và dịu dàng con đã yêu cầu ông ta không nên làm thế nhưng chỉ làm ông ta giận dữ thêm lên. Con không biết điều gì đã đến trong đầu ông ta, mà, như trong một cơn điên, ông hất đổ nồi lẫu đang sôi vào người con. Cho đến lúc này con vẫn còn nghe tiếng thét của mình và tiếng còi hụ của chiếc xe mang con đi cấp cứu. Và sau đó, khi trở về nhà, con tháo gỡ tất cả các gương soi và phủ kín các cửa kính trong cái ổ chuột gọi là “nhà” của con. Con không có đủ can đảm để nhìn khuôn mặt mình bị biến dạng, cái đầu không tóc và một cánh tay bị bong da. Sau đó, chừng gần một năm dài tóc mới mọc lại và một chiếc thẹo xấu xí nằm trên khuôn mặt để nhắc con nhớ đến câu chuyện đau lòng đã xảy ra…
Về sau con đã tìm mọi cách để che dấu cái thẹo kinh khủng ấy với những lọn tóc uống quăn và phủ xuống mặt. Con thường chọn chỗ ngồi bên góc, cạnh cửa sổ để không ai nhìn thấy. Tuy vậy, thỉnh thoảng con vẫn nhìn thấy bóng mình hiện trên mặt kính rồi phải giật mình cố nghĩ là mình đang nhìn một ai khác. Một cái “tôi” của con thuộc về quá khứ mà con phải mang theo.
Có một quãng thời gian con gần như không đủ can đảm bước ra khỏi nhà. Nhưng dần dà tóc cũng mọc lại, và con đã có thể đi dạo mà không sợ bị người ta nhìn thấy. Rồi về sau con tìm được một việc làm khác vào buổi sáng sớm hay buổi chiều tàn, những công việc không cần ngoại hình xinh đẹp : quét dọn và lau chùi trong các văn phòng. Bằng cách ấy con đã có thể dành dụm tiền để trang trải cho chuyến về quê và đáp ứng lời kêu gọi của mẹ.
Một cú giật mạnh và chiếc xe lửa bắt đầu chạy lại sau nhiều lần ngừng tương tự. Tôi mở mắt và nhìn thấy ánh nhìn của một trong mấy chàng sinh viên lúc nãy chơi bài với các anh bộ đội. Trước đó tôi cũng đã nhận biết sự chú ý của anh ta, nhất là lúc tôi giả bộ ngủ. Thấy tôi đang ngủ nên có lẽ anh ta mạnh dạn hơn và tôi đã cảm nhận đôi mắt của anh ngừng lại khá lâu trên người … chỉ vài phút và khi tôi bất thần mở mắt làm anh giật mình quay nhìn về hướng khác.
Tôi có thể ngay lập tức tháo gỡ cho anh ta những ảo ảnh bằng cách chìa ra khuôn mặt có chiếc thẹo của mình. Chắc chắn đó sẽ là một cú schock cho anh!!
Nhưng có quan trọng gì đâu!…Tôi cứ để anh ta tự do nhìn ngắm và cũng không muốn phá huỷ cái cảm xúc về một câu chuyện đẹp đang hình thành trong trí tưởng của anh. Và làm thế khác nào tôi cũng từ bỏ cho mình một niềm hạnh phúc trong một cuộc đời khác.
Trời bắt đầu sáng, bình minh đang lên, và toa tàu cũng bắt đầu sinh động. Có tiếng điện thoại reo, tiếng nói chuyện thì thầm trộn lẫn với tiếng khóc của trẻ con… Một vài người khó nhoc, vừa vịn vừa đi, tránh các thân thể nằm trên lối đi để tìm đường ra toilet.
Có lẽ cũng là lúc tôi phải duỗi chân một chút và đi rửa mặt. Anh chàng sinh viên hay e thẹn lúc này đang còn ngủ và trời cũng chưa sáng lắm để anh ta có thể nhìn thấy vết sẹo trên mặt tôi.
Vượt qua bao chướng ngại, tôi đi cẩn thận và cố gắng tránh không dẫm phải ai trên đường đi.
Khi quay lại, tôi đi theo lối cũ nhưng lần này dễ hơn vì đã có vài người thức dậy, lên ngồi trên băng, đỡ em bé đang nằm trên ghế hay xích ra ngồi ở trong góc. Một vài người mở hành lý, tìm vật gì trong túi xách hay trong các thùng, gói đặt dưới ghế rồi lôi ra một chai nước hay vài thứ đồ ăn…
Có lẽ chì vài phút nữa sẽ có người đẩy xe đi bán cà phê và các thức điểm tâm. Ừ, một tách cà phê nóng lúc này có thể giúp tôi sưởi ấm bên ngoài lẫn bên trong. Bao nhiêu lâu rồi tôi không hề biết thế nào là tình yêu, niềm vui hay tình cảm… trong tất cả mọi thứ tôi làm không có tình yêu và trong cuộc đời tôi chưa bao giờ có niềm vui và cũng chẳng hy vọng là sẽ có trong tương lai.
Mà đủ rồi! Chỉ còn vài giờ nữa là tôi sẽ đến nơi. Hai bạn trẻ ngồi trước mặt tôi bây giờ cũng đã thức, cô gái đang soi guơng để chải lại mái tóc trong khi anh bạn đùa giỡn, lấy tay kéo những lọn tóc vừa được chải và bó vào một cái đuôi dài. Có lẽ họ chỉ trẻ hơn tôi chừng vài tuổi mà trông họ hồn nhiên như trẻ thơ trong khi tôi lụ khụ như một mụ già.
Anh chàng sinh viên lúc này cũng đã thức giấc. Anh mở mắt nhìn tôi giống như một em bé vừa thức dậy trong đêm Giáng Sinh và nhìn thấy những món quà của ông già Noel mang lại. Rất tiếc là tôi không thể nói với anh là mình rất muốn được là một món quà cho anh, lời hứa về một tương lai bình an và tươi sáng.
Thế nhưng tôi cũng dịu dàng nhìn lại anh và mỉm cười, như thể cám ơn anh về phút giây lãng mạn và đầy những ảo ảnh mơ mộng này.
Cuối cùng rồi chiếc xe bán cà phê cũng đến. Tôi gần như không nhận biết vì lúc đó cũng đang ngủ gà ngủ gật. Tôi lục túi xách chuẩn bị ít tiền để khỏi mất thời gian khi chiếc xe đẩy đến gần.
Cô gái bán hàng bước đến, nhưng tôi chưa kịp gọi thì cô ta đã mang đến cho tôi ly cà phê bốc khói và trong lúc tôi đưa tiền thì cô mỉm cười nhìn tôi rồi chỉ tay về phía chàng sinh viên:
Đã thanh toán rồi! Anh ta mời chị cà phê. Chúc chị vui vẻ!
Tôi gật đầu cảm ơn. Có lẽ anh ta không đến nỗi nhút nhát như tôi tưởng. Nhưng bây giờ chỉ còn ít phút nữa thôi và tôi cần phải chấm dứt cái trò chơi trốn tìm này trước khi nó trở thành khó xử. Và có lẽ anh chàng sinh viên kia cũng đã hiểu rằng tôi chưa “ngã” nên, hơi thất vọng, anh ta cũng bắt đầu thu xếp hành lý.
Mấy anh bộ đội lúc này cũng đã mặc đồng phục, họ đang vuốt tóc vừa thấm nước khi rửa mặt ngoài bồn và đang ngắm mình vào tấm kính trên thành xe lửa để sửa chiếc mũ. Tôi cũng nhìn ra ngoài, những cánh đồng thẳng tắp, xóm làng và những mái nhà tranh, cảnh thôn quê với những con đường nhỏ có đàn vịt đang lạch bạch ra ao. Lúc còn ở thành phố, tưởng nhớ về màu sắc ở thôn quê, đến những màu xanh lá mạ và màu vàng của mùa lúa chín thường làm lòng tôi dịu lại. Rồi tôi nghĩ đến màu nước lấp lánh trên những dòng sông, đến những đồng ruộng trâu cày trước mùa gieo mạ rồi nhớ đến những phụ nữ chân lấm tay bùn suốt ngày phơi mình trên đồng ruộng… rồi tôi còn nhớ đến những cánh cò trắng bay lượn trên bầu trời xanh lơ trước khi đáp xuống… hay những đám lúa bị gió làm cúi rạp mình trông như biển xanh đang gợn sóng… ôi, thân thiết biết bao bầu trời của tuổi thơ, nó hằn lên tâm trí tôi càng thêm sâu đậm từ ngày tôi phải rời xa để sống trong thành phố.
Và chính vì những hình ảnh thân thiết này mà tôi phải về quê, để tìm lại cảm xúc ngày nào, như có thể uống cạn nó để có thể tiếp tục đi tới.Tôi muốn tìm lại vài phút giây hạnh phúc, bình an và được ngã vào vòng tay của mẹ thêm một lần nữa. Tôi hình dung đến phút giây cảm động này trong khi chiếc xe lửa đang bắt đầu vào sân ga và chợt mỉm cười khi thấy chàng sinh viên đang tiến đến gần, lúc này dường như anh không còn vẻ nhút nhát mà có lẽ đang chuẩn bị tấn công.
– Tôi có thể mang giùm chiếc vali cho cô không? Anh hơi ngập ngừng nói với tôi.
Đột nhiên tôi cảm thấy mình thật lạ và dường như chiếc thẹo trên mặt tôi cũng vừa biến mất, có gì quan trọng đâu… nó chỉ hiện diện trong hồn tôi … nhưng trong thế giới này còn có nhiều chuyện trầm trọng hơn nhiều, còn tôi thì chỉ muốn có được một tẹo hạnh phúc. Tôi chuyển chiếc vali cho anh, hai bàn tay chúng tôi chỉ tình cờ chạm nhau mà tác dụng như một sự chạm điện. Tôi ngước mắt nhìn anh và thấy anh cũng đang nhìn lại tôi. Và dường như anh không có vẻ giật mình:
Đừng bận tâm! Với tôi, cô vẫn còn đẹp lắm!!!

Bản dịch TRƯƠNG VĂN DÂN

MÙI THƠM BUỔI SÁNG

Elena Pucillo Truong

bookstalls-in-winter-paris-eugene-galien-laloue

Nguyên tác  Il profumo del mattino
Bản dịch  Trương Văn Dân

(Thân quý tặng nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh)

Lạnh ! Cái lạnh buốt giá vây phủ căn phòng.
Tôi khó nhọc lắm mới mở được đôi mắt hãy còn ngái ngủ, cố tìm một chút hơi ấm trong chiếc mền quấn quanh người, lúc nầy đang cuộn toàn thân, chỉ chừa ra chiếc mũi và hai tai lạnh cóng. Một cơn rùng mình làm tôi chấn động, phải dậy thôi, tôi cần phải vận động một chút cho bớt lạnh. Tôi khẽ tháo mền, bắt đầu từ cánh tay và chợt thấy tiêng tiếc một chút hơi ấm còn vương lại. Bước vài bước cho máu lưu thông, tôi tranh thủ xếp mền, đặt chiếc gối cho ngay ngắn rồi sau đó mới ra bồn rửa mặt, vốc nước xoá đi những dấu vết của cơn buồn ngủ.
Khi bước vào phòng tắm tôi tò mò áp mặt vào khung kính để nhìn ra ngoài. Độ ẩm ban đêm đã bị đông thành đá ở mặt ngoài, bám thành một bảng mỏng, lấp lánh phản chiếu ánh sáng. Ngoài vườn, trên những những cành hồng khẳng khiu và gai góc, những hạt đá li ti đang làm trĩu nặng những cánh hoa.
Một cách bản năng tôi tì tay lên mặt kính và dường như cái lạnh từ bên ngoài đang theo những ngón tay chạy thẳng vào tim. Đột nhiên tôi cảm thấy buồn. Đáng lẽ mùa này phải là mùa hè, thế nhưng thời tiết mà tôi đang gặp ở Paris là một mùa xuân buốt giá : Thi thoảng lắm mới có được những phút giây ngắn ngủi có bóng mặt trời
Phản ứng đầu tiên của tôi để tìm một niềm vui là khẽ hát một bài ca quen thuộc. Rồi tôi khoác lên mình chiếc áo choàng, đặt chiếc mũ bê rê lên đầu, quấn khăn len quàng cổ, đeo găng tay rồi nhẹ nhàng để khỏi gậy tiếng động, tôi mở cửa bước ra khỏi nhà. Tôi mở cổng, khép nhẹ và khoá lại cẩn thận … tất cả các động tác tôi đều thận trọng và khẽ khàng để khỏi đánh thức các bạn trong nhóm Quán Văn từ VN qua hãy còn đang ngon giấc.. Tiếp tục đọc