Cuộc phiêu lưu của đôi vợ chồng

truongvandan

Nguyên tác : L’avventura di due sposi
Tác giả: Italo Calvino ( Italia)

Italo Calvino (1923-1985) là một trong những nhà văn Ý quan tâm đến nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng đến chính trường, văn học và văn hoá Ý vào những năm sau chiến tranh.
Sinh năm 1923 tại Santiago de Las Vegas, Cuba: Cha ông là một nhà nông học và mẹ là một nhà sinh vật học. Họ sống và mở một vườn thực vật nhiệt đới tại Cuba nhưng sau một trận bão (1925) làm đổ nát nhà cửa và khu vườn này, họ quyết định quay về Ý và sống tại thành phố biển San Remo thuộc vùng Liguria, Italia.
Ngay từ thời trung học ông đã kết bạn thân thiết với Eugenio Scalfari và Eugenio Curia, sau này đều trở thành những nhà văn và trí thức lỗi lạc của Ý. Nhưng quan hệ quan trọng nhất trong văn nghiệp của ông là khi theo học văn khoa ở Torino, ông quen thân nhà văn nổi tiếng Cesare Pavese, sau trở thành người hướng dẫn và cũng là “độc giả đầu tiên” cho nhiều trang viết của ông.
Là tác giả của nhiều tiểu thuyết, tập luận văn, ông còn chủ biên rất nhiều công trình văn học quan trọng. Bắt đầu xuất bản từ năm 1947, ông đã đoạt nhiều giải thưởng và vinh dự lớn như sau: giải Viareggio 1957; giải Bagutta, 1959; giảiVeillon, 1963; giải Feltrinelli về truyện kể, 1972; viện sĩ danh dự của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ, 1975 giải Premio Riccione (Italy), 1984. .. Cùng với nhà văn Vittorini ông chủ biên tạp chí Menabò.
Ngoài việc sáng tác , ông còn là một nhà phê bình rất tên tuổi và cũng là nhà văn Ý trong thế kỷ 20 được dịch nhiều nhất ở Anh và Bắc Mỹ. Sau giải thưởng quốc tế Formendor ở Maiorca, năm 62, trong cuộc gặp gỡ với các nhà văn quốc tế ông đã gặp nữ phiên dịch nguời Argentina Esther Judith Dinger, thường được thân mật gọi là Chiquita và hai năm sau(1964) lấy bà làm vợ. Đám cươi được tổ chức tại Cuba nhưng họ về sinh sống tại Roma. Trong thời gian ở Cuba ông có gặp Che Guavara và về sau này ông có viết về cái chết của nhân vật này.Ông đã cộng tác với nhà xuất bản Einaudi và thành lập hội thân hữu Ý- Cuba.
Ông mất ngày 19-9-1985 tại bệnh viện Siena vì chứng xuất huyết não.
Các tác phẩm chính :
Phần lớn tác phẩm của Calvino là kiệt tác: bộ ba tiểu thuyết với tên gọi chung “Tổ tiên của chúng ta” gồm “Tử tước bị phân đôi ” (1952), “Nam tước leo cây” (1957) và “Hiệp sĩ không hiện hữu” (1959); “Cosmicomics” (1965); “Những thành phố vô hình” (1972), và đặc biệt là “Nếu một đêm đông người lữ khách…” (1979).
Sau khi ông mất, ba tác phẩm khác của ông cũng được lần lượt xuất bản: “Dưới bóng mặt trời Giaguaro”, “Con đường ở San Giovanni” và “Trước khi bạn nói sẵn sàng”.

Câu chuyện sau đây được viết về một gia đình Ý vào những năm sau đệ nhị thế chiến. Sự bùng nổ công nghiệp đã giúp nước Ý thoát khỏi những tàn phá của chiến tranh và mau chóng trở thành một trong những nước phát triển ở Âu Châu. Thế nhưng về phương diện xã hội, tinh thần đoàn kết, gắn bó truyền thống của gia đình Ý đã bị biến đổi và có nguy cơ bị phá vỡ.
Được viết từ năm 1958. Sự cảnh báo của Calvino đã đặt các nhà nghiên cứu trước vấn đề lương tâm và những năm tiếp đó ( 1961) nhiều trí thức Ý đã tham gia trong các thảo luận về đề tài “ Văn Học và Công nghiệp ”.

Công nhân Arturo Massolari làm ca đêm, công việc của anh chấm dứt vào sáu giờ sáng. Để về nhà, anh phải đi một quãng đường dài. Những khi trời tốt anh đi bằng xe đạp còn lúc có mưa hay những tháng muà đông anh phải dùng xe điện. Anh về đến nhà trong khoảng sáu giờ bốn mươi lăm đến bảy giờ, nghĩa là trước hoặc sau tràng chuông báo thức mà vợ mình, cô Elide, đã cài đặt.
Có hai thứ tiếng động vang lên cùng lúc: tiếng chuông báo thức và tiếng chân của chồng bước vào nhà. Hai thứ tiếng động đó chồng chất trong đầu Elide, cùng đến trong giấc ngủ say, mà cô còn muốn kéo dài thêm bằng cách áp sát mặt vào chiếc gối. Sau đó cô bước xuống giường, mắt nhắm mắt mở cho hai tay vào chiếc áo choàng, và những sợi tóc phủ loè xoè xuống mắt. Cô đi xuống nhà bếp và thấy Arturo đang lấy từ túi xách các thứ mà anh mang đến hãng: chiếc cà mèng đựng thức ăn, bình thermos…và những chiếc hộp không rồi đặt chúng trong chậu rửa bát. Lúc đó anh cũng vừa đốt bếp để pha cà phê. Biết chồng đang nhìn, Elide cảm thấy bối rối. Cô mở to mắt và muốn đưa hai tay lên che đầu, cứ như mỗi lần cô đều xấu hổ cho cái hình ảnh đầu tiên mà chồng nhìn thấy mỗi khi bước vào nhà, đầu tóc cô luôn rối bù trên khuôn mặt ngái ngủ. Khi hai người ân ái hay ngủ chung thì là chuyện khác, buổi sáng khi thức dậy, cả hai cùng phờ phạc và có chung cảm giác thiếu ngủ như nhau.
Có đôi khi Arturo bước vào phòng ngủ để lay thức vợ, anh còn mang cho cô tách cà phê nóng trước khi chuông báo thức reo; nhưng lúc đó mọi sự đều rất tự nhiên, vẻ nhăn nhó lúc cô thức giấc trông giống như một sự lười biếng ngọt ngào, cô ưỡn người, hai cánh tay trần duỗi ra và cuối cùng cô quàng vào cổ chồng một cách âu yếm. Họ ôm nhau. Arturo còn mặc trên người chiếc áo khoát và lúc anh đến gần là cô hiểu ngay thời tiết hôm đó: trời mưa, có sương mù hay tuyết, tùy theo hơi lạnh giá hay sự ẩm ướt trên người anh. Tuy vậy cô vẫn hỏi: “Thời tiết thế nào, anh?” và lúc ấy anh bắt đầu than thở, kể lể về những khó khăn đã gặp. Anh thường bắt đầu từ đoạn cuối: hành trình trên xe đạp, thời tiết khi vừa bước ra khỏi xưởng, nó khác với chiều hôm trước ra sao rồi những bực bội trong công việc và những chuyện ngồi lê đôi mách trong hãng xưởng…
Vào giờ đó căn nhà chỉ vừa được sưởi ấm, nhưng Elide cũng phải khoả thân, rùng mình bước vào phòng tắm. Sau đó anh chồng cũng vào theo, bình tĩnh cởi đồ, chậm rãi kỳ cọ, và chăm chú xoá những vết dầu trong xưởng máy. Cứ thế, cả hai trần truồng và lạnh lẽo, đứng quanh cái bồn rửa nhỏ xíu, thỉnh thoảng họ đụng, đẩy nhau hay giật lấy cục xà phòng, ống kem đánh răng và tiếp tục nói với nhau những điều cần nói; Cũng có lúc họ biểu lộ vài cử chỉ thân mật, giúp nhau kỳ lưng, khe khẽ vuốt ve và cuối cùng ôm lấy nhau một cách vội vã. Nhưng bất thình lình Elide kêu lên: “Chúa ơi! Mấy giờ rồi vậy?” rồi vội vã chạy đi mang vớ, mặc váy, vừa đứng soi mặt trước tấm kính trên bàn phấn vừa đưa bàn chải chạy lên chạy xuống trên mái tóc bù, hai hàm răng còn cắn chặt cái kẹp tóc. Arturo bước đến sau lưng vợ, đốt một điếu thuốc và nhìn vợ đang đứng bên mình, mỗi lần rít thuốc anh đều cảm thấy bối rối vì đứng đấy mà không biết phải làm gì. Cuối cùng Elide đã sẵn sàng, cô vội tròng lên người chiếc áo khoát, hôn vội chồng rồi mở cửa, chạy nhanh xuống cầu thang.

Còn lại một mình Arturo theo dõi tiếng chân của Elide bước trên các bậc thang cho đến khi không còn nghe thấy và anh vẫn tiếp tục theo dõi bằng suy tưởng tiếng nhún nhảy vội vã trong sân, tiếng mở cửa chính của toà nhà, tiếng chân bước trên vỉa hè cho đến tận trạm dừng xe điện. Riêng tiếng bánh sắt trên đường ray thì anh nghe rất rõ khi nó rít lên để dừng lại, và tiếng động khô khốc của bàn đạp khi có người leo lên. “May quá, cô ấy đã bắt kịp”, anh nghĩ và thấy vợ mình đứng chen chúc giữa đám công nhân đông đảo, nam và nữ, trên xe số 11 đang chở họ đến nhà máy như mọi ngày. Anh dụi tắt điếu thuốc, đứng lên khép hai cánh cửa sổ, căn hộ tối sầm lại và anh đi ngủ.
Chiếc giường ngủ vẫn như lúc Elide đứng dậy, nhưng về phần giường của mình, Arturo thấy nó vẫn còn nguyên, như vừa mới trải giường. Leo lên giường, anh nằm ngay ngắn ở phần mình, nhưng lát sau lại thò một chân qua phía bên kia, nơi có hơi ấm của vợ, sau đó anh còn thò thêm chiếc chân kia nữa…và cứ thế dần dần anh lăn người di chuyển toàn thân sang phần giường của vợ, trong cái hơi ấm được giữ lại ở cái chỗ lõm có hình dạng của thân hình Elide. Anh áp má vào chiếc gối của vợ để cảm nhận mùi thơm của cô và thiếp dần vào giấc ngủ.
Buổi chiều khi Elide trở về nhà cô thường thấy Arturo đang quanh quẩn trong nhà: Anh đang đốt lò sưởi hay nấu nướng cái gì đó. Anh thường làm một vài việc trước bữa cơm chiều, như trải lại giường nằm, quét dọn chút đỉnh hay ngâm quần áo để chờ vợ về giặt. Nhưng Elide thấy mọi việc chồng làm đều rất qua loa. Cô quá biết chồng mình cẩu thả và ít quan tâm đến những việc này: những gì anh làm thực ra chỉ để đánh lừa thời gian trong lúc chờ vợ về, như để giúp vợ chút ít khi anh vẫn còn ở nhà, trong lúc bên ngoài đèn đường đã bật sáng và vợ đang hối hả đi từ cửa tiệm này sang cửa tiệm khác trong sự nhộn nhịp khác thường vì đó là thời điểm các bà nội trợ đang vắt chân mua sắm những thứ cần thiết cho bữa cơm chiều.
Cuối cùng Arturo nghe tiếng chân vợ bước lên cầu thang, tiếng vang hoàn toàn khác tiếng động vào ban sáng, lúc này nặng nề hơn bởi cô bước từng bước mệt mỏi sau một ngày làm việc và còn phải mang những túi thức ăn vừa mua được. Anh mở cửa bước ra hành lang, đỡ lấy các thứ cho vợ, rồi cả hai cùng bước vào nhà và trò chuyện. Chưa kịp cởi áo khoát cô vợ đã ngồi phịch xuống chiếc ghế trong nhà bếp trong khi chồng lấy thức ăn từ túi xách ra. Ngồi nghỉ một lát rồi Elide kêu khẽ “ Thôi, làm cái gì đi !” vừa nói cô vừa đứng lên, cởi áo khoát và thay quần áo mặc trong nhà. Cô bắt đầu nấu bữa ăn tối cho hai người, sau đó chuẩn bị bữa ăn nhẹ để chồng mang vào nhà máy cho giờ nghỉ giải lao vào một giờ khuya và bữa điểm tâm cho mình để mang theo vào sáng hôm sau ; Ngoài ra cô còn phải sửa soạn sẵn sàng bữa cơm cho chồng vào ngày mai lúc anh thức giấc.
Elide vừa làm, thỉnh thoảng cô ngồi nghỉ vài giây trên chiếc ghế mây trong nhà bếp và nhờ chồng làm giúp vài điều gì đó. Nhưng anh chồng vẫn còn đang nghỉ nên chỉ đi quanh quẩn, có lẽ anh cũng muốn làm tất cả mọi việc ấy, nhưng lơ đãng, đầu óc bỏ tận đâu đâu. Trong những lúc như vậy, giữa hai vợ chồng có khi xảy ra va chạm, nói với nhau những lời bực tức bỡi vì cô vợ muốn chồng chú ý hơn về những gì đang làm, tập trung hơn hay gần gủi với mình hơn, đến gần bên mình, an ủi mình nhiều hơn. Nhưng anh chồng, sau lúc phấn khởi vì vợ đã về nhà, đầu óc anh thả rông ra ngoài, anh muốn mọi việc được làm sớm vì anh cũng sắp phải đi làm.
Khi dọn thức ăn lên bàn, tất cả đều nằm trong tầm tay để cả hai khỏi phải đứng lên nữa, thì cũng chính là lúc hai người cảm thấy thấm thía vì có quá ít thời gian để sống gần nhau, buồn đến nỗi không ai đưa nổi muổng thức ăn lên miệng. Họ chỉ muốn ngồi đó mà nắm tay nhau.
Dường như tách cà phê chưa kịp uống cạn thì anh chồng đã đứng sau chiếc xe đạp, kiểm tra xem có còn thiếu thứ gì không. Họ ôm nhau. Hình như chỉ lúc đó Arturo mới cảm nhận thân hình mềm mại và nóng ấm của vợ mình. Anh vác lên vai chiếc xe đạp và cẩn thận bước xuống cầu thang.
Elide đứng rửa chồng chén bát. Cô nhìn từ đầu đến cuối những việc nhà mà chồng làm khi cô vắng mặt rồi khe khẽ lắc đầu. Bây giờ thì anh ấy đang đạp xe trên một con đường tối tăm, có những cột đèn thưa thớt. Có thể anh đã đi qua khỏi trạm ga.
Elide tắt đèn, đi ngủ.Từ phần giường của mình, cô đưa một chân về phía chồng để tìm hơi ấm, nhưng mỗi lần như thế cô đều nhận thấy nơi mình nằm là ấm nhất, dấu hiệu là Arturo cũng đã ngủ ở chỗ này và lòng cô dấy lên một niềm thương cảm.

Trương Văn Dân chuyển ngữ

Advertisement

Vì tôi là con của mẹ

truongvandan

Nguyên tác: I due autisti. Tác giả: Dino Buzzati (Ý)

“Dino Buzzati sinh năm 1906 tại Belluno, mất năm 1972 ở Milano (Italia). Trước khi viết văn, ông là họa sĩ, nhạc sĩ và nhà báo, từng là phóng viên chiến trường và phụ trách mục phê bình nghệ thuật cho Corriere della Sera, một nhật báo quan trọng nhất nước Ý. Với Sa mạc Tartari (1940), tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, ông đã trở thành một trong những tên tuổi lớn của thế kỷ 20. Nhiều truyện dài của ông đã được chuyển thành kịch bản sân khấu, phát thanh và truyền hình. Truyện Con chó gặp Chuá, đã được trình diễn trên đài truyền hình Pháp.

Ông viết nhiều tiểu thuyết nhưng hình như thể loại yêu thích của ông là truyện ngắn. Chủ đề quen thuộc của Buzzati là những ám ảnh và nỗi bất an của kiếp người, sự chạy trốn thời gian, định mệnh, sợ hãi đối với hư vô, thất bại của sự sống, mong manh của tình yêu, bí ẩn của nỗi đau và cái ác…”

Bằng bút pháp độc đáo ông dắt người đọc ra khỏi cuộc sống thường ngày để bước vào một thế giới khác, rồi đẩy họ vào những sự kiện nghịch lý, ly kỳ và đầy bí ẩn. Bí ẩn vì nằm ngoài cánh cửa của đời sống thường nhật nhưng cũng có thể đồng hiện hữu với diễn biến thường ngày mà chúng ta đã vô tình không nhận thấy để cuối cùng phải kinh ngạc, suy nghĩ… trong một niềm xúc động sâu xa.”

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn thầm hỏi hai người tài xế đã nói gì trên đường chở linh cửu mẹ tôi đến nghĩa trang .

Ðó là một cuộc hành trình dài hơn 300 km, tuy đường vắng người nhưng xe đi rất chậm. Lũ con chúng tôi theo sau bằng xe hơi, giữ khoảng cách chừng 100 thước, và đồng hồ đánh dấu tốc độ 60 km/giờ. Có thể loại xe tang được chế tạo để di chuyển chậm nhưng sao tôi cứ nghĩ là có một quy luật nào đó, xem tốc độ là một điều bất kính với người đã khuất. Ðiều này hơi vô lý – bởi tôi tin mẹ tôi sẽ rất thích nếu xe chạy 120 km/giờ, ít ra cũng tạo cho người cái cảm giác về một chuyến đi bình thường như những dịp hè về Belluno nghỉ mát.

Bữa đó là một ngày tháng sáu tuyệt vời, hai bên con đường quen thuộc mà mẹ tôi đã đi qua lại hằng trăm lần đang hiện ra những cánh đồng bát ngát mà bây giờ người không nhìn thấy nữa. Mặt trời lúc ấy đã lên cao, hơi nóng trên đường nhựa bốc lên làm đoàn xe phía trước giống như đang lửng lơ trong không khí.

Ðồng hồ vận tốc chỉ 60 km/giờ, xe tang như đứng yên một chỗ vì có nhiều xe qua mặt , trên đó chở những người đang sống tự do, hay những cô gái thả tóc bay trong gió, ngồi cạnh các thanh niên trên xe mui trần. Rồi những xe cam nhông, kể cả loại kéo rờ mọt cũng vượt qua phía trước … Tôi nghĩ sao mà dại thế, phải chi người ta chở linh cửu mẹ tôi trên một xe thể thao màu đỏ, phóng hết tốc lực để hiến dâng cho người thêm chút nữa về đời sống thực, thay vì chậm chạp lăn trên đường như một đám tang.

Bởi những lý do đó nên tôi muốn biết là hai người tài xế đã nói những gì; một người khoảng ba mươi lăm tuổi cao chừng thước tám, khuôn mặt hiền lành, còn người kia cũng to con với màu da sạm nắng. Tôi thoáng thấy họ ngay từ lúc khởi hành và chợt nghĩ với vóc dáng như thế, họ không mấy phù hợp với việc lái xe tang; một chiếc cam nhông chở ống sắt có lẽ sẽ thích hợp với họ nhiều hơn .

Sở dĩ tôi muốn biết là họ đã nói với nhau những gì bởi vì đó là câu chuyện cuối cùng của loài người, những lời lẽ cuối cùng của cuộc sống mà mẹ tôi còn nghe được; vì trong cuộc hành trình dài và nhàm chán đó thế nào mà hai gã tài xế không nói chuyện với nhau. Còn việc sau lưng họ có linh cửu mẹ tôi thì đối với họ nào có quan trọng gì, dĩ nhiên, công việc này đã quá quen với họ, nếu không chắc họ đã chọn nghề khác .

Ðó là những lời cuối mà mẹ tôi còn nghe được vì sau khi đến nghĩa trang, các nghi lễ của nhà thờ sẽ bắt đầu, và từ lúc ấy những âm thanh và lời lẽ sẽ không còn dành cho cuộc sống này nữa, mà dành cho một thế giới khác.

Họ đang nói với nhau về chuyện gì? Về sự oi bức? Về thời gian cần thiết khi quay lại? Họ kể chuyện gia đình hay bàn về kết quả các trận túc cầu bữa trước? Họ chỉ cho nhau những quán ăn ngon nằm rải rác trên đường rồi tiếc rẻ vì không ngừng lại được? Hay bàn tán về xe hơi với những hiểu biết về cơ giới như những tay sành sõi? Tuy là tài xế xe tang, nhưng có mấy ai dính líu đến ngành cơ khí mà không đam mê máy móc? Hay họ tâm sự với nhau về những cuộc phiêu lưu tình ái? Mầy còn nhớ con bé tóc vàng bán nước ở cái quán cạnh cây xăng mà bọn mình thường dừng lại ? Ðúng là con đó đó. Thôi đừng xạo cha nội, tao không tin. Thiệt mà, tao thề liền đó… Hoặc họ đang kể cho nhau những chuyện tiếu lâm tục tĩu? Bỡi vì hai gã đó cứ tưởng chẳng có ai; cái hòm gỗ đóng kín nằm đằng sau như không hiện hữu, vì họ đã quên rồi…

Và mẹ tôi phải nghe những lời đùa bỡn ấy cùng với những trận cười khoái trá? Chắc thế, người đã nghe và con tim đớn đau của người lại co thắt thêm lên, chẳng phải vì xem thường hai gã đàn ông lạ mặt mà chính vì nỗi cay đắng là phải nghe những lời lẽ đó thay vì nghe giọng nói của những đứa con mà người hằng yêu thương.

Tôi còn nhớ lúc gần đến Vicenza, khi cái nóng trưa tròn bóng làm rung mờ bóng hình mọi vật, đã bàng hoàng nghĩ lại là thời gian sau này tôi đã sống quá ít bên cạnh mẹ. Rồi chợt nghe một mũi nhọn buốt đau giữa ngực, như người ta thường gọi là niềm ân hận.

Ngay lúc ấy – không hiểu sao trước đó vẫn chưa hề xảy ra – âm vang giọng nói của người bắt đầu dội lại trong tôi, của những buổi sáng đến phòng người trước khi ra tòa soạn: “Mẹ có khoẻ không? “ “đêm qua mẹ ngủ được “ ( mà tôi biết là nhờ những mũi thuốc an thần ) “con đi làm nghen mẹ” “ừ thôi con đi đi ”.

Tôi bước được vài bước trong hành lang thì giọng nói đầy sợ hãi của người vọng đến: “ Dino!” Tôi quay lại . “Con về ăn trưa chứ ?” “Dạ” “ Còn bữa cơm chiều?”.

“Còn bữa cơm chiều?” Chuá ơi, trong câu hỏi bình thường đó có ẩn chứa một ước vọng nhỏ nhoi. Người không yêu cầu cũng không đòi hỏi gì ở tôi, chỉ nói để hỏi thăm một tin tức thế thôi.

Nhưng tôi đang có những cuộc hẹn hò ngu xuẩn, với những đứa con gái chưa chắc đã thương yêu gì tôi, thậm chí còn cóc cần đến tôi nữa… nhưng ý nghĩ trở về nhà lúc tám giờ ba mươi tối trong căn nhà buồn thảm, đượm không khí già nua bệnh hoạn như nỗi chết cận kề đã làm tôi sợ hãi; mà đã có mấy ai can đảm thú nhận những điều kinh khủng này, dù rằng rất thật? “Con cũng không biết nữa, con sẽ điện thoại về sau ” Tôi thường trả lời như thế. Và tôi chắc thông báo là sẽ không về. Có lẽ người cũng biết là tôi sẽ nói thế nên hai tiếng “đi đi” mang một nỗi buồn vô tận. Nhưng tôi là một đứa con ích kỷ. Ích kỷ như tất cả mọi đứa con.

Lúc đó tôi không hề ân hận, không hề ăn năn hay có một ray rức nào. ” Con sẽ điện thoại về” và người đã thừa hiểu là tôi sẽ không về nhà ăn tối.

Mẹ tôi già nua, bệnh tật và biết là ngày tàn sắp đến nên rất hài lòng nếu tôi về ăn tối ở nhà để bà bớt cô đơn. Bà chỉ cần tôi hiện diện, dù không nói lời nào hay đôi khi gắt gỏng về những việc bất như ý trong ngày. Nằm bất động trên giường nhưng bà sẽ thấy ấm lòng và được an ủi nếu nghe tiếng lục đục của tôi ăn cơm trong bếp.

Nhưng tôi thì không. Tôi quả thật là thằng khốn nạn và ngu đần vì trong khi tôi đi khắp thành phố Milano để vui chơi cùng bè bạn thì chính đấng sinh thành, điểm tựa thật và duy nhất, sinh vật có một không hai trên cõi đời có khả năng thông cảm và yêu thương, trái tim duy nhất có thể rướm máu vì tôi ( và tôi sẽ không bao giờ tìm được dẫu sống thêm ba trăm năm nữa ) đang nằm chờ chết .

Tôi chỉ cần nói vài lời với người trước bữa ăn tối về công việc và sinh hoạt trong ngày, tôi ngồi trên đi văng và mẹ nằm duỗi cẳng trên giường. Rồi sau bữa cơm tối, mẹ vui lòng để tôi đi đâu mặc kệ ; người đâu có tiếc gì, trái lại, còn vui mừng nữa nếu tôi có những cơ hội giải khuây. Nhưng trước khi ra khỏi nhà để lao mình trong đêm tối tôi sẽ đến chào người “mẹ đã chích thuốc chưa ?” “Chích rồi, mẹ hy vọng là đêm nay ngủ được”.

Mẹ chỉ yêu cầu có thế. Nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi này tôi cũng không làm được, do lòng ích kỷ thấp hèn. Bởi vì tôi là con; và trong sự ích kỷ của kẻ làm con tôi đã không cần biết là mình đã thương mẹ bao nhiêu. Ðể bây giờ, trong khoảng khắc cuối đời, trên đường ra nghĩa trang, người phải nghe những lời tán gẫu, những chuyện tiếu lâm và tiếng cười thô lỗ của hai gã đàn ông lạ mặt. Ðấy là món quà cuối cùng mà cuộc đời đã dành cho mẹ.

Giờ thì quá muộn rồi. Không còn gì nữa. Đã muộn quá rồi. Gần hai năm qua, tảng đá đã hạ xuống để mãi mãi đóng kín ngôi mộ trong lòng đất, nơi ánh sáng lờ mờ có linh cửu của ông bà, cha mẹ nằm chồng chất lên nhau. Ðất đã lấp kín những đường rãnh, đây đó mọc lưa thưa vài chùm cỏ dại. Mấy chậu hoa mới đặt trong chậu đồng vài tháng trước giờ phai tàn đến nỗi không còn nhận ra hình dáng. Không. Những ngày mẹ bệnh hoạn và biết mình sắp chết chắc chắn sẽ không bao giờ lùi lại. Mẹ vẫn câm lặng, mẹ không trách móc gì tôi và có thể là người đã tha tội cho tôi, bởi vì tôi là con của mẹ. Mà chắc là mẹ đã tha tội cho tôi. Thế nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến, tâm hồn tôi lại bất an.

Mỗi một niềm đau sẽ được khắc lên tấm bia bằng chất liệu diệu kỳ, so với nó cẩm thạch vẫn còn mềm như đất sét. Và thời gian dù vô tận cũng chưa đủ để làm nó phai mờ. Sau một triệu thế kỷ niềm đau và nỗi cô đơn của mẹ do tôi gây ra sẽ còn mãi mãi. Và tôi sẽ không thể nào cứu vãn. Tôi chỉ còn biết thở dài, và hy vọng là người nhìn thấy.

Nhưng mẹ không nhìn thấy tôi. Người đã chết, xác thân bị huỷ hoại, không còn sống nữa hay đúng hơn là chẳng còn gì ngoài sự mục rữa hình hài đã bị tháng năm xúc phạm, theo sự phân hủy kinh hoàng và đau đớn của thời gian.

Không còn gì? Ðúng là không còn gì. Mà quả thật về mẹ tôi đã không còn gì nữa?

Biết đâu! Có khi, nhất là trong những buổi chiều đơn độc, tôi lắng nghe một cảm xúc lạ lùng. Có một điều gì đó xâm nhập trong tôi mà trước đó vài giây chưa hề có, như một bản thể mơ hồ ngự trị trong tôi làm tôi không còn cô độc, và mỗi cử chỉ, mỗi một lời đều như có chứng nhân của một linh hồn bí ẩn. Mẹ! Nhưng phép lạ chỉ kéo dài rất ít, chừng một giờ rưỡi chứ không hơn. Rồi sau đó dòng đời lại tiếp tục nghiền nát tôi dưới những bánh xe khô khốc và bạo tàn của nó .

Trương Văn Dân chuyển ngữ

Thư viết cho mẹ.

elenapucillo

(Nguyên tác : lettera alla madre)
Bản dịch của Trương Văn Dân

Mẹ thương yêu,
Con thường nghĩ về mẹ nhưng trước đây con chưa viết được gì cho mẹ. Con muốn kể cho mẹ nghe rất nhiều điều, tất cả những gì đã xảy ra với con, về cuộc đời mà con đang sống, dù đôi khi con có cảm giác là mẹ đã biết tất cả rồi. Mẹ luôn có một thứ giác quan thứ sáu, một thứ trực giác bén nhạy để linh cảm về những điều sắp sửa xảy ra. Chỉ tiếc là những linh cảm ấy không giúp mẹ tránh khỏi những khổ đau. Và trong đời, mẹ đã đau khổ biết bao!
Ngay từ lúc còn bé, một cơn sưng màng não đột phát trong vài giờ đã cướp đi người em gái, và sau đó, vì quá đau đớn bà ngoại cũng ra đi.
Kể từ ngày đó mẹ luôn luôn mang theo cái bóp đầm trong đó có hai bức hình đen trắng.
Từ nhiều năm nay trong chiếc ví của con cũng có bức hình trắng đen của mẹ: khuôn mặt mẹ thật đẹp nằm giữa những lọn tóc gợn sóng, hai mắt to màu đen và nụ cười chớm nở trên môi. Lúc đó mẹ chỉ vừa 19 tuổi, trước khi lập gia đình với người yêu và cũng là mối tình đầu và duy nhất của mình. Suốt một đời mẹ chỉ muốn tận tình chăm sóc chồng, thế mà sau ngày cưới chẳng bao lâu, người chồng đã bắt đầu làm khổ mẹ. Niềm an ủi duy nhất của mẹ chính là những đứa con : anh trai và con, đứa con gái mà mẹ muốn giữ, chống lại ước muốn của chồng. Tám năm sau lần sinh nở đầu tiên, chính mẹ đã quyết liệt chống đối để con có thể tiếp tục lớn lên trong bụng mẹ. Thật là khó khăn vì ba muốn mẹ phải phá thai để khỏi bị ràng buộc, nhưng mẹ nhất định không. Mẹ muốn giữ con, và biết chắc là sẽ sinh con gái. Mẹ đã nhiều lần kể lại cho con nghe là ba đã giận dữ như thế nào: Nếu phải có con, ba chỉ muốn tất cả đều phải là trai!
Thế nhưng, rất nhiều năm về sau, chính ba đã lớn tiếng tuyên bố là người duy nhất mà ba có thể trông cậy và tin tưởng là con, đứa con gái của ba mà trước đây ông muốn bỏ đi !
Thỉnh thoảng con cũng có nghĩ về ba, nhưng trong những giấc mơ, con chỉ mơ thấy mẹ.
Trong những giấc mơ ấy con luôn luôn mơ thấy ngôi nhà mình từng sống. Dường như có lần con từ trường đại học trở về và thấy mẹ đang ngồi cạnh cửa sổ, đôi mắt kính xệ xuống sống mũi, cuí đầu cặm cụi khâu lại ống quần hay kết lại viền khăn trải bàn bị đứt chỉ. Những lần khác con nhìn thấy mẹ đang làm nước sốt cho món mì đút lò. Bao nhiêu lần con đã phụ mẹ để nấu những món mà gia đình thích, thường là ngày chủ nhật vì những ngày khác ba đi làm còn mẹ cũng đi dạy nên có ít thời gian. Nhắc lại, con như nghe trên đầu lưỡi của mình mùi vị thơm ngon của thứ nước sốt rất đặc biệt đó.
Trong các giấc mơ khác con cũng nhìn thấy mẹ, mà là những lúc thật buồn, thật đau khổ, rồi con thức giấc như vừa tỉnh một cơn ác mộng và lòng sầu đau khôn tả. Phải cần vài giây sau con mới định thần được rồi lòng chợt thấy vui vì con được ở gần bên mẹ. Dù chỉ trong một giấc mơ.
Mẹ ơi, trong những ngày cuối, chao ôi, con thấy mẹ dịu ngọt và mỏng mảnh làm sao! Con biết không phải mẹ khóc vì mình sẽ lìa bỏ cõi đời mà khóc cho những đứa con mà mẹ phải rời xa. Đó không phải là ý muốn của mẹ, mà là do cái khối u tàn nhẫn đang lớn dần bên trong và từng ngày cướp đi sức sống.

Sau khi mẹ mất, con luôn giữ những tấm hình của mẹ, lần này là hình màu, trong ảnh mẹ tươi cười và hình như không có nhiều lo âu. Có lẽ chỉ có một chút màu đen nơi vành mắt là dấu vết của nỗi buồn vì cô độc. Mẹ quá cô độc, nhưng có lẽ tất cả mấy mẹ con mình đều cô độc. Cho đến tận bây giờ con vẫn còn nhớ cái cảm giác bị ruồng bỏ, bị bỏ rơi. Suốt buổi tối cả nhà ngồi quây quần quanh chiếc bàn cơm đã dọn sẵn, im lặng đợi chờ. Nhưng ba con đã không về trong đêm đó. Và sau đó thì không bao giờ về nữa.
Con không bao giờ muốn nghĩ về những ngày tháng ấy. Ngược lại, con muốn nghĩ rằng giờ này mẹ đang bình an, không còn đau đớn và cuối cùng thanh thản ở một cõi giới khác.
Bây giờ thì con xin báo cho mẹ biết là trong những ngày tới, mẹ sẽ có một cuộc gặp gỡ quan trọng. Đến gặp mẹ là một người đàn bà mà mẹ đã từng gặp rất nhiều năm trước: mẹ của chồng con. Con tin chắc rằng hai người sẽ trở thành bạn, sẽ kể cho nhau nghe nhiều rất chuyện, về những cuộc đời ở mãi tận phía bên kia trái đất. Bà ấy hay cười và thích nói đùa. Đây là điều mà con đang tưởng tượng: hai người ngồi bên nhau như thể là hai người bạn lâu năm, vui đùa, cười nói. Mẹ chồng của con sẽ nói về Việt Nam, sẽ giải thích về lễ Vu Lan, một ngày lễ Phật Giáo rất đặc biệt dành cho các bà mẹ vì họ giữ một vai trò quan trọng trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
Ngày lễ đó cũng là một cơ hội để các con có thể nói lên tình yêu thương và báo đáp lòng hiếu thảo với mẹ, người đã chịu đựng biết bao đau đớn để sinh con, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng nên người. Bao nhiêu khó khăn thường nhật mà người mẹ phải vượt qua, kiên nhẫn, hy sinh và xem nhẹ những đớn đau hiện tại để nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp.
Mẹ biết không? Sau khi mẹ mất, hằng năm vào lễ Vu Lan con thường đi đến chùa để thắp nhang và cầu nguyện. Lần nào trước cửa thiền con cũng được chào đón bởi các em học sinh, để gây quỹ giúp chùa hay để làm từ thiện, họ gắn lên áo quan khách những chiếc bông hồng làm bằng vải hay bằng giấy lụa: Bông hồng màu đỏ tượng trưng cho những ai còn mẹ và màu trắng cho những ai có mẹ đã qua đời. Nhờ màu của những hoa hồng trên áo nên mọi người dễ dàng nhận biết ai là kẻ may mắn còn mẹ để chúc mừng, ai là người không còn mẹ để chia buồn với họ.
Ngày hôm đó con có bỏ một ít tiền vào chiếc hộp giấy mà các em mang theo và yêu cầu họ gắn lên áo mình một bông hồng màu trắng và một bông hồng màu đỏ. Cô bé học trò, đã ngạc nhiên khi nhìn thấy một người ngoại quốc đi chùa, nói chút ít tiếng việt, và lại có yêu cầu khác thường nên hơi bối rối. Con vội giải thích với cô ta rằng chiếc hoa hồng màu trắng là cho mẹ ruột của cô, còn hoa hồng màu đỏ là dành cho mẹ của chồng, mà con xem là bà mẹ thứ hai. Ý nghĩ này đến với con thật tự nhiên, vì bà mẹ chồng gầy gò nhưng tính cách rất mạnh mẽ kia luôn quan tâm đến con; Còn đứa con dâu ngoại quốc, có dáng vẻ bên ngoài có lẽ rất khác với những gì bà chờ đợi, nhưng luôn dành cho bà một tình thương và lòng kính mến như chính là con gái. Kính mến và yêu thương thật sự, đến nỗi con thường tránh chữ mẹ chồng ( vì những ý nghĩa mà thông thường người ta hay đem ra chế diễu); Có khi con xem gọi thế là một sự xúc phạm. Mẹ. Là mẹ, thế thôi.
Con không thể nào quên được là sau ngày mẹ mất, người mẹ thứ hai của con đã đem hình của mẹ đặt lên bàn thờ của gia đình và in ra nhiều tấm để gởi đến rất nhiều chùa để cầu nguyện. Đối với con, đó là một cử chỉ thân thương có nhiều ý nghĩa mà không lời lẽ nào nói lên được. Mẹ biết không, cho đến hôm nay trong các chùa từ Sài Gòn đến tận miền quê xa như Tây Sơn, Bình Định, mỗi lần tụng kinh các sư thầy đều có cầu nguyện cho mẹ.

Bây giờ thì mẹ và mẹ của chồng con đang ở bên nhau và ý nghĩ là cả hai đều bình yên đã cho con rất nhiều an ủi. Con sẽ luôn nghĩ đến hai người mẹ và mùa Vu Lan này, giữa các nghi thức cúng kiến, con muốn được đốt một chiếc điện thoại di động bằng giấy theo truyền thống của người Việt Nam để có thể nghe được giọng nói thân thương của mẹ.
Và bắt đầu từ nay, các em bé sẽ gắn lên trên ngực áo của con hai bông hồng trắng.
Con ôm hôn mẹ, thật mạnh.
Con gái của mẹ

Elena Pucillo Truong
Trương Văn Dân

Phùng Nguyễn, chiếc lá thu bay…

truongvandan

Thật bàng hoàng khi nghe tin nhà văn Phùng Nguyễn vừa giã từ cuộc chơi văn chương và người thân để đi vào cõi vĩnh hằng. Mới đây thôi, bạn bè văn nghệ gặp mặt đông đủ ở phòng tranh của họa sĩ Trương Vũ, anh còn ký tặng tôi và Elena tập truyện “ Đêm Oakland và những truyện ngắn khác”. Nét mực hãy còn hôi hổi, thế mà…
Biết anh qua vài truyện ngắn đăng trên tập san vhnt Văn Học (do nhà văn Nguyễn Mộng Giác chủ biên)… từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước nhưng mãi đến 2011 mới gặp anh lần đầu ở quán cà phê Điểm Mới (Phú Nhuận) cùng anh Nguyễn Hòa (chủ biên vanchuongviet.org) và một số văn hữu khác.
Bạn bè ngồi kín quanh mấy chiếc bàn cà phê kê sát nhau nên không tiện nói chuyện nhiều. Chỉ quanh quẩn chuyện thời tiết, cuộc sống và tình hình văn học. Tôi nhớ có một lúc anh bảo là Sài Gòn có nhiều quán nhậu quá, lớp thanh niên lêu lổng ăn chơi mà tại nhà văn hóa thanh niên người ta chỉ mở các lớp dạy khiêu vũ hay luyện chữ đẹp, viết thư pháp…
Tôi gật đầu và mở màn hình điện thoại cho anh xem bức ảnh chụp tấm bích chương quảng cáo trên đường phố: Người ta đang hồ hởi thông tin là sẽ cố gắng phấn đấu để VN tiêu thụ… 3 tỷ lít bia một năm. Anh chỉ kêu lên một tiếng “trời!” rồi im lặng.
Không nói gì thêm nhưng tôi thấy nét ưu tư qua ánh mắt anh như của bất cứ trí thức nào còn trăn trở về hiện tình đất nước. Tôi sực nhớ hai câu thơ của Phạm Cao Hoàng viết về những kẻ ở xa:
Khi về thăm lại cố hương
Thấy quê nhà nghĩ càng thương quê nhà…

&

“Kỷ niệm” của chúng tôi chỉ có thế. Lần gặp đâu chỉ chừng hơn 30 phút vì sau đó anh có việc phải đi, nhưng hơn bốn năm sau, trong lần gặp ở nhà nhà văn/họa sĩ Trương Vũ ở Virginia, giữa nhiều người anh vẫn nhận ra tôi.
Sau cái bắt tay thân tình anh ký tặng tôi tập truyện ngắn và quyển kỷ yếu về buổi triển lãm và hội thảo về một tờ báo thời tiền chiến. Anh còn nhờ tôi chuyển một tập sách của nhà văn Đặng Thơ Thơ cho nhà văn Trần Thị Nguyệt Hồng ở SG. Tôi từ Mỹ mới về lại Việt Nam, chưa kịp giao sách thì trái tim của anh đã ngừng đập.
Sự ra đi đột ngột và bất ngờ của Phùng Nguyễn làm anh em và bạn hữu sững sờ. Họa sĩ Đinh Cường nghẹn ngào, nửa tin nửa ngờ, rồi cuối cùng kêu lên, thảng thốt :

có khi nào tim ngừng đập
rồi đập lại không Phùng
?
&

Chúng tôi , bốn anh em trong nhóm Quán Văn đến Virginia vào giữa mùa thu. Những chiếc lá trên cành từng ngày khoe sắc xanh vàng tím đỏ. Khi chúng tôi chia tay nhau để bay về lại San Jose thì lá đã bắt đầu rơi.
Buổi sáng đó trời mưa. Nhè nhẹ. Nhưng vẫn thấy lòng mình se lạnh. Chia tay với những người bạn thân tình, chia sẻ với nhau bằng tấm lòng cùng tình yêu văn chương và những khát khao về cuộc đời và quê mẹ… thật chẳng chút dễ dàng. Vì nói như họa sĩ Đinh Cường thì” Chúng ta chỉ còn chừng đó niềm vui”.
Ngồi trên xe mà nhà thơ Nguyễn Minh Nữu (*) đưa ra sân bay, tôi nhìn qua khung kính những chiếc lá đầy màu sắc đang lìa cành. Lảo đảo. Khác với cách rơi tự nhiên, thong thả, nhẹ nhàng tự tại như khi trời yên, gió lặng.
Mưa tuy không lớn, nhưng những chiếc lá đang rơi như thể bị cuộc đời vùi dập. Trước khi trở về với hư vô. Khi xe dừng ở cột đèn đỏ, tôi chăm chăm nhìn vào một chiếc lá vẫn còn xanh đang rơi bên lề đừng, chưa chạm đất thì được gió thốc lên, rồi như bị những giọt nước mưa rơi trúng, nặng nề thêm, đột ngột rớt nhanh xuống đất.
Giờ nhớ lại cảnh ấy. Nghe hung tin, tôi giật mình đánh thót. Xương sống buốt lạnh. Chiếc lá còn xanh ấy là anh sao, Phùng Nguyễn?
Hơi ấm từ bàn tay anh như còn đọng đây mà.

Xin thắp một nén nhang tiễn anh về nơi cuối trời….
Và cầu nguyện cho linh hồn anh ra đi thanh thản, Phùng Nguyễn ơi!

Trương Văn Dân
Sài Gòn 18/11/2015

(*)http://phamcaohoang.blogspot.com/2015/11/2102-tho-nguyen-minh-nuu-tan-mua-le-hoi.html

Về một ánh sao

truongvandan

Khi một người nào đó mất đi luôn để lại chúng ta một khoảng trống. Nhưng khi mẹ mất, khoảng trống ấy mênh mông vô cùng. Bởi mẹ là tác nhân đưa ta từ cõi vô hình đến với thế giới hữu hình. Mẹ là chiếc cầu nối giữa ta và vũ trụ. Mất mẹ, sợi dây thiêng liêng kia đứt phụt.

Nhiều năm trước, khi thấy tôi hằng năm đều từ Ý về VN mà lần nào cũng chỉ quanh ở Sài Gòn, một người bạn mắng: “Mầy làm gì mà về VN hoài vậy? mà lần nào về cũng xớ rớ ở nhà…” Anh mắng là phải, mùa hè nào vợ chồng anh cũng đều chu du khắp Âu Châu, năm khi mười họa có về VN thì phần lớn thời gian đều dành cho những chuyến du hành Nam Bắc. Nghe mắng mà tôi chỉ cười huề, ít khi đối đáp. Duy chỉ một lần tôi từ tốn nói : “Đi đâu thì cũng thế! Nhưng tao chắc là trên thế gian này không có cảnh nào đẹp bằng nụ cười của mẹ tao!” Sau lần đó thì tôi không bị mắng nữa.

Từ nay, tóc bạc đã lâu nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả những lời khuyên răn, trách mắng dù hằng năm có quay về, xúm xít đứng trước bàn thờ lung linh hương khói.
Từ nay, tóc bạc đã lâu nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả những lời khuyên răn, trách mắng dù hằng năm có quay về, xúm xít đứng trước bàn thờ lung linh hương khói.

Tôi chạy xe mà nước mắt cứ lăn dài. Mặt ướt đẫm nhưng tôi vẫn nghĩ là mình không khóc. Những giọt nước đó có thể là những nỗi ân hận tiềm ẩn được chôn giấu từ một nơi nào đó trong ký ức đang trào ra từ những bùng nhùng của cuộc sống. Không biết dòng nước mặn chát ấy có thể rửa sạch những xót xa hay không… vì lúc này thần trí tôi đang bềnh bồng trong một cõi mơ hồ, vô ý thức.

Đường phố tấp nập…tôi chạy xen vào dòng người hối hả lòng ngổn ngang những tâm sự rối bời. Anh Bông (Nguyên Quả) ngồi đằng sau luôn miệng nhắc tôi bình tĩnh. Tôi nói anh yên tâm vì tôi chạy xe rất cẩn thận.

Cái duyên với anh Bông, người không thân thích mà tình như ruột thịt, luôn ở gần tôi và gia đình trong những biến cố quan trọng, niềm vui hay trong những sự cố mất mát đau buồn nhất. Tôi nghĩ nếu không có anh thì tôi sẽ rất khó khăn trong mớ bòng bong thủ tục, hợp thức chuyện sử dụng ba thước đất làm nơi an nghỉ cuối cùng…

Đôi lúc, dừng xe ở đèn đỏ, bàn tay tôi vuốt lấy bàn tay anh trong vô thức, như ngầm nói là tôi luôn quý và tri ơn anh.

Lòng tôi ngổn ngang. Dù mẹ vẫn còn nằm đó. Như đang thiếp ngủ. Nhưng là một giấc ngủ dài không bao giờ tỉnh thức. Lúc gần một giờ khuya mẹ thức giấc, bảo cháu Thảo đỡ dậy nhìn căn phòng, ngồi thở theo phương pháp dưỡng sinh một lát rồi nằm xuống. Sau vài phút tựa lưng xuống giường, mẹ than mệt rồi hơi thở yếu dần, phều phào nói gì nghe không rõ. Sợ hãi, Thảo qua gọi Thịnh, chị Hương… khi cả ba chạy đến, mẹ mở mắt nhìn, khẽ phẩy tay rồi hắt hơi và ra đi trong ánh mắt hốt hoảng của ba người.

Mấy tháng yếu sức, mẹ đã căn dặn mọi điều…bây giờ mẹ thanh thản ra đi, chắc mẹ cũng chẳng có gì hối tiếc. Di chúc, lễ tang, ấn tống kinh sách…mẹ đã trù liệu và dặn dò từ hơn 10 năm nên các con cháu cứ theo di chúc mà làm. Giản đơn nhưng trang trọng trong ánh sáng từ bi của cõi Phật.

Sống ở nước ngoài hơn 40 năm, thế nhưng những ngày cuối được về sống bên mẹ, được ôm mẹ, ngủ cạnh mẹ, được xoa bóp chân tay hay vui đùa cùng mẹ… nên các bạn cho rằng tôi may mắn nhưng nghĩ cho cùng, tất cả những chuyện linh tinh ấy chỉ là chuyện hữu hình, kéo dài trong chốc lát. Còn tinh thần? Điều mà trong đời người, có lẽ là điều quan trọng nhất…

Mỗi con người đều có một tâm tính và tính cách ấy tạo nên những số phận. Rồi trong cuộc sống, tùy theo hoàn cảnh có những lúc va chạm hay làm buồn nhau là điều không tránh khỏi. Những đáng tiếc xảy ra, do vô tình hay cố ý, do tham sân si và khoảng cách thế hệ, khó mà đong đếm…và một khi mẹ mất đi, khoảng trống mênh mông và nỗi ân hận trồi lên là điều chắc chắn. Dù người con đó lúc sinh thời có hiếu thảo và chăm sóc mẹ đến đâu đi nữa.

Nỗi ân hận sẽ còn xót xa hơn khi hiểu ra rằng, sau những lần làm buồn nhau, những đứa con khờ dại có khi hờn trách mẹ. Còn mẹ thì không. Bởi trong mắt mẹ, dù tuổi nào các con vẫn cứ là trẻ thơ nên trên môi mẹ luôn nở một nụ cười độ lượng. Mẹ tha thứ. Vì chúng là con của mẹ.

&

Trời hãy còn sớm lắm. Ngồi uống cà phê vỉa hè để chờ văn phòng quản lý Nghĩa Trang chùa Quảng Bình mở cửa, anh Bông ngồi trầm ngâm còn tôi thì đầu óc ngổn ngang, những ký ức lộn xộn về vài chi tiết xen nhau trong cuộc đời mẹ.

Tính cách mạnh mẽ. Mồ côi cha trong thời phong kiến ở làng quê còn thịnh, thế mà mẹ dám đơn phương đem trả lại lễ hỏi của người bạn của anh trai mình, không muốn bị áp đặt một cuộc hôn nhân. Dĩ nhiên sau đó là một trận đòn nhừ tử, thừa sống thiếu chết.

Hồi tưởng, con tin rằng mẹ đã sống một cuộc đời đáng sống. Mẹ dám phấn đấu để chọn cho mình người đàn ông tài hoa và đức độ để có thể hy sinh trọn một cuộc đời, thực hiện thiên chức ích phu vượn tử. Con tin rằng mẹ đã mãn nguyện có được người cha kính mến cho các đứa con thân yêu của mình. Ý chí kiên cường tinh thần cứng rắn, mẹ không chấp nhận thỏa hiệp, làm việc nửa vời.. chịu đựng hoặc hy sinh vô ích cho người nào mà mẹ không kính phục. Thật vậy…Người mà mẹ đem trả của, về sau là một gã đàn ông thô bạo, rượu chè bê tha, đánh đập vợ con tàn nhẫn.

Khi còn ở nước ngoài, những lần về thăm, các em thường kể về sự dũng cảm của mẹ. Sau 1975, tài sản, nhà cửa ruộng đất đều bị kiểm kê…gia đình bị dồn đến đường cùng nhưng mẹ sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh mà không hề nao núng. Từ một bà chủ có của ăn của để, mẹ điềm nhiên xăn ống quần lội xuống ruộng làm cỏ, cấy lúa, trồng cải, nuôi gà, nuôi heo để vực dậy kinh tế gia đình như một nông dân thực thụ.

Niềm vui của mẹ là cho đi chứ không phải nhận lại. Hy sinh cho con nhưng chưa bao giờ đòi hỏi một chút gì. Ngay cả những lúc đau đớn mẹ cũng cắn răng chịu đựng, sợ con cháu ưu phiền. Mẹ xót. Mẹ chẳng muốn làm phiền bất cứ một ai. Chả bao giờ đòi hỏi hay yêu cầu con, cháu bóp chân, bóp tay…khi không cần thiết. Mẹ thích tự mình làm lấy. Tự giúp mình. Tự cứu độ mình. Mẹ bảo nhận của người đâu dễ, cho thì dễ hơn nên cứ cho đi.

Với ý nghĩ đó mẹ sống khác với những ông bà còn khỏe mạnh nhưng cứ bắt con cháu suốt ngày xoa bóp, sai đủ thứ việc này việc nọ, hành hạ đủ điều. Nhiều lần tôi thấy mẹ tự giặt giũ đồ lót, không để cho con cháu hay người giúp việc làm hộ. Mẹ nói để không “tạo nghiệp. Thuốc giảm đau cho mẹ từ nước ngoài mang về, nghe ai tê nhức, mẹ đem cho hết, khi cần không có. Con cháu khuyên mẹ hãy để dành mà dùng, mẹ nói “kệ, để làm phước”.

Ngay trước lúc lâm chung mẹ vẫn tiếp tục trút từng giọt yêu thương cuối cùng cho con cháu: Thấy cháu Thảo còn nằm bên, thức khuya, đọc sách… mẹ còn bảo ngủ đi, ngoại khỏe, đừng lo gì cho ngoại…

Đời làm sao tránh được buồn phiền nhưng chắc chắn là mẹ đã sống một cuộc đời hạnh phúc, được làm những gì mẹ muốn và sống theo cách của mình. Và bây giờ mẹ đang chuẩn bị đi hội ngộ với ba, với anh Hiếu…đứa con trưởng mà mẹ thương yêu nhất.

&

Nhìn hai cháu nội, ngoại đang quây quần bên thi hài mẹ làm tôi nhớ những đêm cuối năm ngày xa xưa gia đình quấn quít ngồi bên bếp lửa hồng. Nhưng lúc này lửa vừa tắt và nguội dần. Giá băng như tràn trong trái tim của từng người… Chiều nay hai em Nga, Tự từ Qui Nhơn sẽ vào đến. Sáng mai các em Nguyệt, Đạo, Xuân, Minh ở Úc bay về và đến trong chiều. Tất cả anh em, con cháu sẽ tụ tập ngồi quanh bếp ấm. Tang lễ của mẹ phải chờ thêm một ngày nữa vì hai cháu Quỳnh Như, Vivian từ London cũng cấp tốc bay về, để nhìn ngoại lần cuối cùng qua màn kính. Thời gian các cháu đi/về chỉ vừa đủ để tham dự lễ tang, lưu lại 48 giờ rồi phải về lại Âu Châu.

Sau đó thì… mẹ sẽ rời xa tất cả các con, cháu, người thân, từ giã bạn bè, các thầy, đạo hữu để về nơi vĩnh hằng.

Khi một người nào đó mất đi luôn để lại chúng ta một khoảng trống. Nhưng khi mẹ mất đi, khoảng trống ấy mênh mông đến vô cùng. Bởi mẹ là tác nhân đưa ta từ cõi vô hình đến với thế giới hữu hình. Mẹ là chiếc cầu nối giữa ta và vũ trụ. Mất mẹ, sợi dây thiêng liêng kia đứt phụt. Và những đứa con của mẹ chơi vơi. Hụt hẫng. Bềnh bồng…

Đời người là một chuỗi nhân duyên huyền bí, biến chuyển theo duyên khởi trùng trùng cho đến khi nhắm mắt lâm chung.. Từ một chấm nhỏ li ti ta tách rời thân mẹ để hiện hữu thành một hình hài. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu cha mẹ không gặp nhau thì ta không có. Ông bà chẳng gặp nhau thì ta cũng chẳng sinh ra. Đó không phải là một điều kỳ diệu do duyên nghiệp mầu nhiệm hay sao?

Mấy mươi năm trước, mẹ đã từ bỏ những ràng buộc thế nhân để tu hành. Kể từ đó, mẹ ăn chay trường. Mẹ giao lại nhà cửa và gia sản cho các con.

Một đời vốn liếng mẹ trao
Cho con tất cả, mẹ nào giữ riêng

Các anh em ở nước ngoài đều từ bỏ tất cả để nhường cho anh chị em của mình còn ở lại. Vì vậy có người thừa hưởng để sinh sống và để lại cho con cháu đời sau. Những đứa khác tự đứng lên bằng đôi chân của mình, nhận chữ Tâm của mẹ để đời sống bình yên.

Mẹ sống đơn giản, chỉ thỉnh thoảng hỏi tiền các con để cúng dường chư Phật, xây chùa, dựng tượng hay thực hiện hạnh bố thí, trao quà cho người nghèo hay bất cứ ai cần đến.

Mười tuýp thuốc thuốc giảm đau từ Ý Elena mua về cho mẹ, chỉ trong một tuần mẹ đem cho tất, khi cần phải mua hàng nội. Sự rộng lượng của mẹ thường vượt ngưỡng, đôi khi làm các con lo lắng.

Tôi nhìn lên khung ảnh mà mẹ đã chuẩn bị từ hơn 10 năm trước cho sự ra đi của mình. Thật quá vô tâm! Mẹ đưa cho các con từ bấy đến nay, nhưng chỉ đến lúc này tôi mới tìm hiểu ý nghĩa: Ảnh chụp ngày mẹ nguyện thọ trì Bồ Tát giới, sống và giữ nếp sống thanh tịnh, nuôi lớn lòng đại bi làm mọi điều thiện để có được cuộc sống an vui lợi lạc. Trên người mẹ là chiếc áo tràng, cổ áo viền nâu có thêu bốn chữ Bồ Đề Tát Đỏa (Bodhisattva). Bồ đề là Giác. Tát đỏa là Hữu tình. Người thọ giới nguyện giúp mọi người xả bỏ vọng niệm, xả bỏ để khỏi dính bụi trần.

Dưới gọng kính trắng, ánh mắt mẹ như đang trìu mến nhìn các con, cháu và cô ba đang ngồi kiết già niệm Phật dưới chân giường của mẹ. Cô ba đang thành kính cầu nguyện để linh hồn mẹ siêu thoát. 70 năm chị dâu em chồng, họ còn như hai người bạn chân tình, chưa một lần xích mích, giận hờn. Chị em ruột thịt cũng chưa mấy ai chia sẻ được mọi điều như thế. 70 năm qua, kể từ ngày mẹ về làm dâu trong gia đình hai người luôn che chở và bảo bọc cho nhau. Nét mặt cô phúc hậu. Đức dày. Nên trong thời đại hôm xô bồ và hỗn loạn hôm nay, giữa thành phố Sài Gòn mà cô là tâm điểm của một đại gia đình chung sống tứ đại đồng đường. Dâu rể, cháu con hòa thuận.

Tiếng niệm kinh của cô vang đều…cái tang lớn của cô là ngày ba tôi mất. 28 năm nay, mỗi lần nhắc đến anh trai là nước mắt cô lưng tròng.

Nhìn dáng mẹ nằm như đang thiếp ngủ, nước mắt tôi muốn trào ra. Mới hai ngày trước tôi còn nhìn thấy mẹ nằm trên giường tập thể dục, vẫy tay, đạp chân theo lối đạp xe đạp. “Phải tập chứ nằm hoài, chân yếu làm sao đi”. Nỗi đau. Khó thể chấp nhận! Âm thanh của tiếng gào thê thiết như muốn nổ bùng trong lồng ngực nhưng tôi kìm lại.

15 năm trước khi anh Hiếu, con trai yêu của mẹ hắt hơi thở cuối cùng và trái tim ngừng đập, lũ chúng tôi ồ ra khóc. Mẹ nghiêm trang căn dặn “Đừng khóc! Để anh con ra đi thanh thản”. Âm thanh mẹ dịu dàng. Ánh mắt mẹ bình thản nhưng lúc đó tôi biết là sấm sét đang bị ý chí và nghị lực của mẹ nhốt kín trong im lặng, bắt nằm im và câm nín trong trái tim đau đớn của bà.

Chỉ có thể giải thích là niềm tin sắt son vào chư Phật đã cho mẹ sức mạnh thần kỳ đó.

Các cháu vẫn còn ngồi quanh mẹ, nhưng yên lặng, không ai nói với ai lời nào…âm thanh đầy ý nghĩa của yên lặng, hồi tưởng ngân vang trong trái tim mỗi người theo một độ rung và cung bậc trầm bỗng khác nhau.

Ý thức rằng một ngày nào đó sẽ không còn nhìn thấy bóng mẹ ngồi lần tràng hạt, quỳ gối tụng kinh trước bàn thờ Phật hay ngồi trên võng đong đưa, giọng rổn rảng dặn dò các con tu tập, hay kể chuyện sinh hoạt ở chùa. Lòng tôi buồn vô hạn. Điều an ủi duy nhất là trong bốn cửa ải của đời người, mẹ chỉ đi qua Sinh, Lão rồi nhẹ nhàng bước qua cửa Tử chứ không đi ngang ải Bệnh hành hạ xác thân, khổ mình, khổ người thì cũng được xem là đại Phước.

Qua ánh mắt hoen mờ, tôi như nhìn thấy bóng mẹ như những sợi khói đang từng bước rời xa căn nhà này.

Từ nay, khi không còn mẹ, mấy anh em, con cháu chúng tôi từ xa thỉnh thoảng quay về chắc cũng ít khi ghé lại.

&

Trời hãy còn sáng cả nhà ngồi chờ hòa thượng Huệ Minh và các sư, tôi lặng lẽ ngồi bên cô tôi, Elena và các cháu đang thành kính niệm Tây phương tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

Gương mặt nghiêm trang Elena cũng đang chắp tay cầu nguyện cho mẹ ra đi thanh thản. Vợ tôi trong lúc này không còn là một người đàn bà Tây phương, mà chính là một Phật tử thuần Việt. Có lẽ vì thế mà nhà văn Dạ Ngân đã gọi đó là “sự nhập cuộc trôi chảy”?(*)

Trong không gian vang đều tiếng niệm Phật…nhưng tôi lại thấy mình bị mất tập trung. Đầu óc tôi như quay về những những ngày xưa cũ, về suốt cuộc đời tảo tần của mẹ và những công ơn, lời dạy dỗ khi còn thơ bé, mà có lẽ cho đến khi hắt hơi thở cuối, xuôi tay, cũng khó thể nào quên.

Là con gái út của một gia đình trung nông, nhiều người trong họ bảo thuở nhỏ mẹ sáng láng, nhưng chỉ được học vừa đủ để đọc. Đàn bà ngày xưa dù có đĩnh ngộ đến đâu cũng không được học đến nơi đến chốn.

Thế nhưng mẹ chính là người dạy dỗ “nếp nhà”. Bởi vì trong thời buổi chiến tranh khốn khó, ba bận làm ăn, “thầy thì xa, mẹ lại gần”. Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu ca dao mộc mạc mà mẹ thuộc lòng. Lớn lên, mẹ dắt chúng tôi về quê ở Vĩnh Thạnh hay An Thái ăn giỗ, đưa chúng tôi đi chùa, còn những đêm trăng sáng mẹ rủ rỉ kể chuyện đời xưa rồi nhân đó giảng giải đạo lý ở đời. Lời mẹ dặn chỉ đơn giản trong những chuyện đời thường thế nhưng đến khi lớn tuổi nghiệm lại tôi vẫn thấy mình chưa học hết lời của mẹ.

Điều đầu tiên mẹ dạy các con phải đoàn kết, yêu thương và bảo bọc nhau. Tuyệt đối không dính líu đến cờ bạc, ngay cả việc ngồi xem mẹ cũng chẳng bằng lòng. Có lẽ vì thế mà chúng tôi hoàn toàn ngờ nghệch về các trò chơi này, nói chi đến việc ăn thua đen đỏ.

Những bài học kế tiếp là đừng bao giờ lệ thuộc miếng ăn. Thức ăn, qua cổ họng là biến thành chất thải, việc gì mà tham? Miếng ăn làm mình khổ, đó là chưa nói đến những thứ ăn không lành mạnh, “ăn rồi làm sao lấy ra?”, “Bệnh tật, nhục nhã đều do ăn bẩn.” Lớn lên mẹ dặn, chỉ được ăn những thứ gì của mình làm ra hoặc mua được do đồng tiền mồ hôi nước mắt. Ăn lạm vào phần người khác là “ăn bẩn”; “ăn cắp tiền bá tánh” chẳng những thất đức mà còn gây hại cho sức khỏe và tinh thần. Miếng ăn cay đắng lắm, nếu kiếm ăn qua làm các việc trái đạo lý thì càng cay đắng bội phần. Không được gian dối. Không được làm chuyện gian lận rồi biện hộ vì lo cho gia đình. Anh em, con cháu có thể hưởng lợi nhưng chỉ người làm điều xấu là có tội. Quả báo nhãn tiền, nhiều kẻ thoát được lưới người nhưng lại không thoát lưới trời.

Mẹ tin ở luật nhân quả. Gieo và gặt thuận theo lẽ tự nhiên. Mẹ nói đó là “quy luật sắt của vũ trụ” nên không bao giờ nhầm lẫn.

Qua những chuyện kể, mẹ thường răn phải sống ngay thẳng. Đừng bao giờ lường gạt một ai. Phải biết tiết kiệm và sống dưới mức kiếm được. Và khi có điều kiện nên dành thì giờ và tiền bạc làm việc thiện.

Ngày còn bé, thời gia đình sung túc nhất, nhưng mẹ vẫn không cho phép tôi ăn không ngồi rồi. Khi các xe chở thuốc tây về, mẹ bảo tôi khuân các thùng thuốc sắp vào kho. Tuổi ham chơi, tôi phản đối thì bị mẹ nghiêm mặt: “ Con phải tập làm. Lỡ gặp bất trắc về sau thì phải biết tự đứng lên”. Ấm ức vì phải khuân vác, nhưng thâm tâm xem câu nói của mẹ là vô căn cứ. Nào ngờ, đời thay đổi, những những năm tháng khốn khó ở nước ngoài, từ 1975 bị cúp chuyển ngân, vừa đi làm để tự nuôi mình học nhưng tôi đã vươn lên, tốt nghiệp đại học với kết quả a pieni voti legali! (ưu hạng). Chính mẹ cũng ngạc nhiên khi biết tôi đã không bán và còn giữ sợi dây chuyền vàng có tượng Quán Thế Âm mà mẹ đã chú nguyện ở Chùa để tôi mang theo lúc lên đường du học hơn 10 năm trước.

Bằng ngôn ngữ đơn giản mẹ dạy đừng bao giờ mong chờ cuộc đời đối xử với các con sòng phẳng, nhưng không vì thế mà oán hờn, làm nhiễm độc tâm mình. Hãy bình tĩnh đón nhận mọi việc, niệm Phật đi, rồi tự khắc mình sẽ tìm được cách hóa giải.

Quan niệm đen trắng rạch ròi nên mẹ cực ghét thói ăn cháo đá bát, không ưa kẻ vô ơn bạc nghĩa, chịu ơn người rồi quên, có khi còn phản bội hay đặt điều nói xấu người ân. Những kẻ ấy, mẹ nói : “Khi có sự thì quỳ lạy vái van đủ kiểu, khi xong việc thì phủi tay”. Mẹ gọi sự vong ân là ác nghiệp, dặn các con đừng bao giờ quên những gì người khác đã làm để giúp đỡ mình. Không ai bị bắt buộc, mọi việc họ giúp đều do từ tâm. Nhờ những lời dạy này mà anh em chúng tôi luôn nhắc mình phải sống trung thực.

Lớn lên, va chạm với đời tôi càng thấm thía lời mẹ và hiểu rằng kẻ vô ân là một “tên ăn quỵt” và là kẻ hèn hạ nhất: Tính cách tham lam, hay phản phúc nhưng đồng thời cũng là kẻ hay quỵ lụy và ngu xuẩn. Nó quen thói chiếm giữ niềm vui hay tiền bạc nhờ công sức và từ tâm của người khác nhưng chóng quên các điều người khác làm cho mình. Nó chỉ nhớ những điều người khác không giúp được nên đợi dịp là chì chiết, trách móc, mỉa mai.

Tôi chưa bao giờ thấy những người thông minh là những kẻ vô ơn!

Bằng những kinh nghiệm thực tế qua những lời lẽ mộc mạc, tôi nghĩ mẹ đã dạy các con cụ thể hơn các bà mẹ trí thức hiện đại. Thời này người ta hay nói dạy theo “kỹ năng”, làm các bà mẹ bị “tẩu hỏa nhập ma”, không biết dạy con theo các kiểu nào, Pháp, Đức, Hà Lan, Nhật, Mỹ, Do Thái… nghe điếc cả tai, hoa cả mắt…

Bởi triết lý của mẹ là rút ra từ đời sống chứ không phải góp nhặt từ sách vở rồi áp lên cuộc sống.

&

Đêm cuối cùng con nằm bên mẹ. Chỉ còn đêm cuối cùng này nữa thôi và mẹ sẽ từ giã căn nhà này. Và con sẽ không còn cơ hội nào nằm bên mẹ nữa.

Hai người bạn thân thiết của gia đình, luật sư Dũng và bác sĩ Trị, vẫn còn thức và đang ngồi nói chuyện trước hiên. Lúc 23h, tưởng chẳng còn ai, thì bất ngờ có ba người, hai nam, một nữ, xin đến xin thắp hương cho mẹ. Tôi ngạc nhiên vì không biết họ là ai nhưng chưa kịp hỏi thì họ nói là những người chạy xe ôm thường chở cụ đi chùa. Tôi nghe sống mũi mình cay cay.

Sau khi thành kính thắp nhang cho mẹ, mấy người bạn này cho biết là họ có mang theo đá lạnh và mấy lon bia, muốn mời tôi uống một ly. Ngồi nói chuyện một lát rồi họ xin về.
Dũng và Trị lúc này mới kê mấy chiếc ghế để ngả lưng, tôi bảo cả hai vào ngủ, nhưng cả hai nói “quen” rồi.

Đêm khuya. Đường phố vắng và chìm trong yên lặng. Chúng tôi tổ chức lễ tang cho mẹ trong yên tĩnh, không có những ban nhạc kèn trống ầm ĩ làm phiền lòng hàng xóm. Chỉ có tiếng tụng kinh từ chiếc máy mở vừa đủ nghe. Tôi và Nga, em gái nằm cạnh linh sàng, không ai ngủ được nhưng chẳng ai nói với ai lời nào. Mỗi người chỉ im lặng gặm nhấm nỗi đau riêng trong lòng mình.

Thỉnh thoảng tôi đứng dậy thắp nhang rồi bước đến nhìn mẹ qua tấm kính trên mặt áo quan. Nước mắt hoen mờ tôi thấy mẹ như đang thiếp ngủ. Những sợi khói nhang màu xám từ bàn thờ bay lên, phất phơ như tóc mẹ. Hơi thở của mẹ như vẫn đều đều theo tiếng chuông mõ nhịp nhàng. Mẹ vẫn nằm đây nhưng chỉ còn vài giờ nữa thôi, dù sau này có bay trăm nghìn dặm tôi sẽ không còn bao giờ thấy mẹ. Từ nay, tóc bạc đã lâu nhưng tôi vẫn là một đứa trẻ mồ côi. Mồ côi cả những lời khuyên răn, trách mắng dù hằng năm có quay về, xúm xít đứng trước bàn thờ lung linh hương khói.

Trong cảm giác xót xa và đau buồn đó, tiếng chuông mõ đều đều dội lại trong lòng tôi. Có lúc tôi cảm giác là những đợt sóng âm linh thiêng kia cũng có thể là những bậc thang đưa đường, dắt mẹ lên cõi vô cùng. Tôi mơ hồ nhìn theo bóng mẹ, khuất dần, tà pháp y bồ tát giới lất phất trong gió chiều, lòng hồi tưởng những kỷ niệm của người còn đọng lại nơi trần thế, trong trái tim tôi…

Sau khi ba mất, sợ mẹ gục ngã vì nỗi đau quá lớn, chúng tôi đưa mẹ qua Ý và Úc cho khuây khỏa. Lần nào ở xứ người mẹ cũng quyên được một số tiền lớn để về cúng chùa hay làm việc thiện.

Hai hình ảnh cũ và mới hiện về trước mắt tôi như những bức tranh treo trong tâm tưởng và khó thể nào quên:

Sau 10 năm du học ở xứ người, tôi được phép về thăm nhà lần đầu vào tháng 8-1981. Tài sản gia đình lúc này gần như mất trắng. Có lẽ nhìn thấy sự lo lắng của tôi nhưng mẹ không nói gì. Một đêm, đang thiêm thiếp trong ưu tư thì bị mẹ đánh thức, mẹ ra dấu bảo tôi im lặng và đi theo mẹ.

Cầm trên tay chiếc đèn hột vịt, tôi và mẹ mở cửa bước ra ngoài dưới ánh sáng mập mờ như hai bóng ma trơi. Đến gần chuồng heo, mẹ ngồi xuống, nhìn ước lượng, gang tay ra đo rồi bắt đầu đào. Tôi im lặng và nín thở quan sát. Dưới ánh đèn tù mù, tôi không thể nhìn thấy sự hồi hộp và ưu tư trong mắt mẹ. Lát sau mẹ cầm lấy gói nylon to bằng hai nắm tay “đây rồi”! Cẩn thận lấp đất lại, rồi bảo tôi theo vào nhà.

Vào phòng của Nga, lúc đó vừa sinh cháu Thảo chừng hơn tháng, mẹ khép cửa rồi mở túi. Sau mấy lần vải và nhựa, cuối cùng là một túi đựng vài chục chiếc nhẫn vàng và vài sợi dây chuyền. “Còn nè”. Trời ơi! cả một đời ba mẹ tôi làm lụng, phát triển công ty dược, chắt chiu tiết kiệm…chìm nổi đều bị đời biến thành sương khói.. giờ còn lại một nhúm “khâu” mà mắt mẹ vui mừng! Điếng hồn. Tôi im lặng để định thần. Mãi lúc sau mới chợt hiểu rồi ồ khóc thành tiếng. Mẹ sợ tôi lo. Hành động ấy như ngầm bảo là cả nhà sẽ không đói đâu, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, thôi mà…

Về sau Nga bảo là số vàng ấy mẹ giấu được, hay bán những vật dụng trong nhà như máy phát điện, bộ sa lông…để mua.

Tháng 9 -2014 vừa rồi tôi phải mổ mắt. Trước đó, mẹ gọi điện để nhắc tất cả con cháu cầu nguyện. Buổi sáng phẫu thuật, không yên, mẹ gọi điện rất nhiều lần. Đến khi mọi việc đã ổn mẹ mới yên lòng. Ngày hôm sau, thấy tôi chưa đi lại được, mẹ lấy taxi đến nhà thăm.Tôi xúc động hình dung một bà cụ 93 tuổi đang leo từng nấc thang đến tầng 2 chung cư để thăm con. Thái Bình Dương xem ra chỉ là một thứ ao hồ so với biển tình của mẹ.

Mẹ ơi ! Nếu có thể tóm tắt vài dòng về tính cách thì con sẽ nhớ về mẹ như thế này đây: “Mẹ là người đàn bà “thàng hậu” tiêu biểu của quê hương Bình Định: cứng rắn, kiên cường, nhân ái, từ tâm. Ý chí mãnh liệt và sẵn sàng dấn thân cho những điều mình xem là đúng… nhưng đồng thời cũng là người vô cùng nhạy cảm, tuy nghiêm khắc nhưng rộng lượng và sẵn sàng tha thứ.”

&

Viết thêm

Hơn 4 năm trước, tôi có mặt trong đám tang mẹ của bạn Vũ Thế Thành. Sau khi những bận bịu về lễ nghi đã hoàn tất, tôi đọc được tâm trạng của anh trong đoản văn “Đừng như tôi, còn ray rứt với những gì thiếu sót.”:

“Sáng nay, khi xuống lầu đi làm, tôi buột miệng “ Mẹ ở …” (… nhà, con đi làm đây!). Tôi khựng lại, chợt nhớ ra bà mất rồi. Tôi nhìn lên bàn thờ, thắp nén nhang, rồi đi… ”

“Tôi thấm thía và cảm thấy ớn lạnh toàn thân! Giọng văn của Thành sắc và lạnh, cảm giác dồn dập như đang chạy, gặp phải bức tường mà dừng không kịp. Mấy dấu chấm bỏ lửng sau hai chữ “rồi đi”… giống như những giọt nước mắt của người vừa mất mẹ đang chảy lên trang viết…

Tôi thẫn thờ buông trang giấy. Cảm giác hụt hẫng, mất mát, thất vọng, tuyệt vọng, tiếc nuối cứ như những luồng khí lạnh đang lan toả toàn thân.

Đột nhiên tôi thấy mình hạnh phúc và cũng cảm thấy lo sợ vì tôi còn mẹ ” (**)

Bây giờ thì cái ngày hãi hùng ấy đã đến, với tôi.

Tôi biết là từ nay, bất cứ lúc nào nhìn thấy những bà già gầy ốm, mặc áo tràng đi chùa lễ Phật, hay nghe cụ già nào nói một câu đôn hậu là tôi sẽ chạnh lòng nghĩ đến mẹ…rồi sẽ tủi thân vì cảm giác bơ vơ và lạc lõng như đứa trẻ mồ côi.

Mẹ ơi, mẹ sẽ về đâu?

Ngày mai. Ngày mai hình hài mẹ được an táng ở nghĩa trang nhưng linh hồn mẹ chắc không nằm trong lòng đất lạnh lẽo mà bay vút lên trời như một ánh sao. Và như thế đêm đêm chúng con sẽ nhìn lên trời để tìm mẹ.

Có người dĩ nhiên sẽ hỏi giữa triệu triệu vì sao, biết đâu mà tìm?

Dễ thôi!

Nhờ lần theo sự nối kết của sợi dây thiêng liêng bí ẩn mà những lúc cô độc và cần đến mẹ, các con có thể dõi theo và nhìn thấy mẹ giữa triệu triệu vì sao lấp lánh. Nhưng phép lạ ấy chỉ lướt qua trong một thoáng và bóng đêm lại sẽ phủ đầy vì đời không còn mẹ.
Rồi niềm đau ngân dài và vọng mãi trong tim, khó thể nào nguôi.

TRƯƠNG VĂN DÂN

Sài Gòn 4-2015

MILANO – SÀI GÒN: ĐANG VỀ HAY SANG?

truongvandan

1-
Mới chỉ 6 giờ mà may bay đã hạ cánh! Theo hành trình, tôi sẽ đến phi trường Malpensa vào lúc 6h35 sáng. Qatar là một hãng máy bay mà từ nhiều năm nay lúc nào cũng đến sớm hơn giờ ấn định. Elena đã có mặt. Nàng đã về Ý truớc tôi hai tuần, để có thể có thời gian quây quần với người thân lâu hơn; sáng đó nàng đã thức từ 4h để chuẩn bị đón tôi từ VN sang.
Tối hôm trước tôi đã nói với các cháu ra tiễn ở sân bay Tân sơn Nhất: Chú (cậu) là người đàn ông may mắn, đi người đưa, đến người đón. Người khổ nhất là Elena, lúc nào cũng cô độc, thui thủi, việc gì cũng phải tự lo, thế mà luôn ân cần và vui vẻ, lúc nào cũng muốn mọi người xung quanh được chăm sóc một cách chu đáo.
Niềm vui của Elena là cho đi chứ không phải nhận lại.
Nhiều lúc tôi nghĩ là cô ta còn “nợ” tôi từ tiền kiếp. Và kiếp này “phải” trả.
Và cô ta đang sẵn lòng “trả nợ”.
Tự chấp nhận và biến mình thành “con nợ truyền kiếp”. Với niềm vui.
2-
Trên con đường từ sân bay về thành phố Milano, những hàng cây bên đường lá xanh mơn mởn: Elena cho biết là mấy ngày trước có vài cơn mưa, rửa sạch bụi. Nhờ thế nên màu xanh của lá còn xanh hơn, thật khác với những tán lá vàng nâu của thành phố Sài Gòn, lúc nào cũng đầy khói, bụi vì xây dựng và đào bới.
Có lẽ nhờ cơn mưa bất chợt mấy ngày trước đó nên cuối tháng 5 mà trời vẫn còn mát mẻ như mùa Xuân.
Con đường 3 làn rộng rãi, quang đãng, xe chạy bon bon hoàn toàn khác với cảnh hỗn loạn, chen lấn từng thước đất, tranh nhau nửa vành bánh xe ở nơi tôi vừa bỏ lại.

3-
Con đường thẳng tắp. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã rời xa lộ. Xe rẽ vào đường làng. Thành phố chưa thức giấc nên có ít người qua lại. Sự xô bồ của đời sống Tây phương vẫn còn đang ngái ngủ, làm tôi cảm thấy như mình đang hòa vào một dòng sống khác.
Chỉ ít phút nữa là tôi sẽ về đến nhà. Nhà. Nhưng đây là đâu? Là Milano, nơi tôi đã từng sống 40 năm, sao mà xa lạ, chỉ sau một năm xa cách. Liệu đây có phải là lần cuối cùng tôi quay lại thành phố này, trước quyết định sẽ không, hay còn rất ít lần quay lại?

4-
Lúc Elena đậu xe, tôi nhìn thấy những chú sóc nhanh lẹ nhảy nhót trên thảm cỏ trong vườn. Chợt nhớ những buổi sáng mùa Xuân ngồi uống cà phê ở ban công trên tầng 3, tầng cao nhất ở căn nhà Cassina de Pecchi này. Bầu trời rộng mở. Không có những cao ốc che mất tầm nhìn. Những hàng cây xanh lá mướt. Chim chóc bay lượn, ca hát líu lo. Tôi thường nhìn những cụm mây trắng trên nền trời xanh. Thỉnh thoảng có vài cánh chim lao vút ra vườn. Và tiếng quạ kêu quang quác trong không gian yên tĩnh. Các chú quạ hay làm tổ trên cây thông thật cao gần đó nên nhiều khi đáp xuống trục antene trên nóc nhà đối diện làm chúng rung rinh.
Cây betulla (bouleau) trước nhà lúc này cành lá rất xanh. Đỉnh của nó chỉ cao hơn sàn nhà tôi chừng hơn 1 mét, cành xa bờ chưa đầy 2 mét, nên những buổi sáng mùa đông, cầm tách cà phê nóng trên tay, tôi thường đứng trên ban công nhìn tuyết đang tan hay những bụi sương theo cành trụi lá chạy xuống, nhưng đến cuối ngọn thì dừng lại, đọng thành giọt mà chưa đủ sức nặng để rơi; đong đưa treo mình như hạt ngọc. Nó kiên nhẫn chờ đợi, lung linh phản chiếu tia nắng như một lăng kính, mãi đến khi những bụi nước li ti khác hoà nhập, hạt nặng hơn, lúc đó mới gieo mình rơi xuống, hòa với lớp tuyết đang tan nằm dưới gốc cây.
Bước vào nhà, Elena thao thao nói chuyện mà tôi chỉ nghe tiếng được tiếng không. Đầu óc tôi đang “tơ tưởng” về mấy quyển sách đang nằm trong túi xách. Đó là 3 quyển “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, bản thảo vi tính mà anh Nguyên Minh đã in ở VN để tôi đem qua đây tặng bạn. Sách in thử mà rất đẹp. Tôi sẽ dành riêng cho: Thiện (Paris), Vũ (Milano) và chị Huỳnh Ngọc Nga (Torino), chị bạn văn duy nhất của tôi ở Ý…
Đầu óc tôi còn đang mơ mơ màng màng về hành trình văn học của mình, về “Bàn tay nhỏ dưới mưa”, tiểu thuyết đầu tay mà đã được công ty văn hoá Phương Nam ký hợp đồng để mua tác quyền 5 năm và sẽ in trong năm nay (nxb Hội nhà văn-2011).
Khi còn ở Ý và viết “Hành trang ngày trở lại” ( nxb trẻ, 2007) tôi đã xem Việt nam là nơi trú ẩn an toàn sau những bon chen của xã hội Tây Phương.
Còn khi đi về để viết “Bàn tay nhỏ dưới mưa”… thì xã hội Việt Nam đã như xã hội Tây Phương. Đã và đang bị Tây Phương hoá.
Thời gian chẳng bao lâu mà thay đổi quá nhiều.
Tôi đã mệt mỏi với những xô bồ. Cần sống chậm lại. Đó có thể là cách kìm hãm sự thao túng của kỹ thuật lên văn hoá, văn minh và thiên nhiên. Những chiêm nghiệm và bức xúc đó, phần nào đã tuôn trào, rơi trên mặt giấy và biến thành những con chữ.
“Bàn tay nhỏ dưới mưa” vì thế đã được lồng trong bối cảnh xã hội mà tôi chứng kiến và đối chiếu, từ bên này hay bên kia trong các chuyến đi về. Thế nhưng câu chuyện của người đàn bà tuổi bốn mươi mới gặp được “một nửa” của mình có điểm xuất phát từ đâu? Vì sao chỉ sau 3 năm hạnh phúc nàng đã phải đối diện với căn bệnh nan y và nhìn lại toàn bộ đời mình, rồi cuối cùng tự hỏi, ta là ai?
Vậy Gấm là ai?
Hai năm trước, khi đọc bản thảo đầu tiên trong lần họp mặt ở Thân Trọng điền trang – (Đà Lạt), nhà văn Lữ Kiều (bác sĩ Thân Trọng Minh) và nhà văn Khuất Đẩu, cũng đều hỏi tôi câu hỏi đó.
Nhưng tôi im lặng. Không hiểu vì sao mình lại “thai nghén” nó !

5-
Nghỉ một hôm vì chênh lệch giờ giấc, sáng hôm sau chúng tôi đi thăm ba của Elena bị bệnh. Sau trận tai biến, gần một năm ông phải ngồi xe lăn và nói chuyện rất khó khăn. Elena rất buồn vì có lúc phải áp sát tai mà vẫn rất khó hiểu những lời phì phào của ông. May có bà dì Fiore chăm sóc và một nữ y tá đến theo dõi tình hình và chích thuốc vào mỗi sáng.
Buổi chiều, khi chúng tôi đang trên đường về nhà thì Giuseppe gọi điện mời đến nhà. Tôi hẹn bạn sáng hôm sau.
Chúng tôi ngồi với nhau dưới mái hiên nhà bạn. Cũng hơn năm rồi rồi tôi và Giuseppe mới gặp lại nhau, kẻ thì bận áo cơm, người ngược xuôi lăn lộn. Chuyện cũ, chuyện mới cứ tự nhiên ộc ra như suối. Giuseppe từng là một kẻ rất… rất giang hồ. Nhưng ở anh, có tấm lòng với anh em huynh đệ thật chí nghĩa chí tình.Từng hoạt động trong phong trào thiên tả, rồi về sau hụt hẫng. Quen nhau từ khi tôi mới qua Ý và học cùng phân khoa Hoá và Công Nghệ Dược. Lúc đó anh hoạt động trong phong trào sinh viên.Tôi còn nhớ có lần đi biểu tình chống Mỹ can thiệp ở Việt nam, khi về ngang qua khu San Babila, tay anh cầm cờ mặt trận nên bị bọn phát xít nơi đây vây đánh đến chảy máu mũi rồi bỏ chạy trước khi cảnh sát ập đến.
Năm tháng đi qua, lý tưởng ngày xưa chỉ còn là kỷ niệm. Sau bao chìm nổi, giờ anh là một quan chức cấp cao của tập đoàn dược phẩm Bayer (Đức). Lên cao, lại chán trò đấu đá tranh giành quyền lợi trong công ty, anh thu mình, tìm lối thoát và trở thành chủ tịch một câu lạc bộ đọc sách. Biết tôi viết và dịch, anh ân cần mời tôi một tối đến tham dự một buổi họp mặt của các thành viên trong nhóm.Tôi và Elena vui vẻ nhận lời.

6-
Buổi sáng, trời mát mẻ. Tôi và Elena đến nghĩa trang thăm mộ mẹ nàng. Gọi là “mộ” nhưng thực ra đây là một hộc nhỏ trên tường, trong đó lưu giữ tro than của bà. Cuộc đời thật lạ. Chúng tôi sống với nhau những ngày đáng nhớ và từ “lúc ấy” không còn gặp nhau lần nữa. Sống chết là quy luật nhưng đây đó vẫn còn có bao người đang sống như mình sẽ không bao giờ chết.
Elena cẩn thận lau bụi trước khung ảnh của bà rồi thắp một nén nhang. Chấp tay đứng gần bên, tôi nhìn vợ mình đã bị “Việt hoá” như thế nào. Tàn nhang, chúng tôi dạo bước ra về.
Nghĩa trang vắng vẻ.
Vài chiếc lá rơi, lìa cành nhánh khẳng khiu, buồn đến ngậm ngùi…
Khi bước vào xe, đột ngột Elena bảo : Mình về và bắt đầu dọn nhà là vừa. Phải chuẩn bị nhà trống để cho thuê và có thể lần tới quay về Ý mình không còn được ở căn nhà này nữa.
Tôi bàng hoàng. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước khi về lại Ý trong chuyến đi này… nhưng tôi vẫn không tránh khỏi bất ngờ.
Thế là bắt đầu một cuộc ném đồ đạc. Băng cassette. Video phim ảnh. Báo chí.Tài liệu. Các vật dụng… mỗi lần vứt bỏ là một nhát dao cắt vào da thịt.
Bốn mươi năm tôi đã sống ở đây, đã thay đổi chỗ ở nhiều lần và những vật dụng thân thiết ấy đã theo tôi. Giờ thì phải đành bỏ lại… vì không thể nào mang theo được. Sách vở là điều làm tôi khó nghĩ. Bỏ đi, tiếc. Đành phải chia bớt môt ít cho bạn bè, hy vọng họ có thời gian để đọc, còn những sách “quí”, phải gói ghém cẩn thận để đem về VN trong những chuyến đi về.
Bốn mươi năm. Tôi đã gắn bó với đất nước này thật mật thiết, bạn bè Ý rất đông, lấy vợ người Ý, học, làm việc, kinh nghiệm tích lũy nhờ học hỏi với các nhà khoa học rất giỏi và khiêm tốn.
Tôi chợt nghĩ đến nhưng người tôi đã mang ơn. Nhiều lắm. Những bạn sinh viên Franco, Guido, Giuseppe… lúc nào cũng sẵn lòng chia sẻ cùng những lời khích lệ lúc ngã lòng. Những đồng nghiệp chí tình Umberto, Loris, Marco, Enrica, Anna, Sandra… những vị thầy đáng kính và tận tâm Berti, Villa, Trabucchi.
Sống đời sống ở phương Tây mọi việc đều rõ ràng, sòng phẳng, thế nhưng lòng tôi luôn luôn canh cánh một món nợ. Nợ nước Ý. Nợ tình yêu của Elena, người con gái bốn mươi năm trước đã quen và yêu tôi hơn mọi thứ quý giá nhất trên đời. Một tình yêu hoàn toàn trong sáng, vô vụ lợi, không toan tính nhỏ nhen. Nàng chấp nhận đến với tôi từ khi còn là một “công tử” ngu ngơ du học, đến những năm tháng khó khăn, sau 75, ở căn nhà không lò sưởi, mùa đông bên trong nhà còn lạnh hơn bên ngoài; Nàng chẳng rời tôi thời không tiền ăn sáng… nhịn đói ôm sách ra thư viện để được ấm thân, vừa học vừa mong đến giờ ăn ở quán cơm sinh viên (mensa). Nàng động viên, khuyến khích và cho tôi sức mạnh để vượt qua bao nỗi khó khăn, từ khi tốt nghiệp, việc làm tạm bợ bị bóc lột đến xương tuỷ vì không có quốc tịch, lương ba cọc ba đồng, cho đến lúc vươn lên, trở thành giám đốc kỷ thuật và trưởng phòng nghiên cứu phát triển dược thú y cho một công ty thuộc tập đoàn lớn nhất nước Ý (Ferruzzi group).
Bốn mươi năm, tôi đã đi theo sự chọn lựa mà nhiều khi cũng không có quyền chọn lựa. Nhiều lúc tôi đã phải cắn răng chịu đựng nhưng có lúc cũng mỉm cười, nhìn chướng ngại như môt cuộc thử sức rồi ngẩng đầu để đi lên. Rất nhiều năm, thân mình chưa lo nổi còn tự gánh lấy trọng trách cưu mang cả gia đình. Mười ba năm quen nhau mà chưa dám làm đám cưới… thế mà Elena vẫn chờ cho đến lúc gánh nặng trên vai tôi nhẹ bớt. Giờ thì tôi hiểu ra, khó khăn còn là một thứ xúc tác để những bông hoa trong khu vườn tình người nở rộ. Thăng trầm, vinh nhục… tất cả đều đã trải, đều đã vô thường, thay đổi, và chỉ có hằng số Elena là còn ở lại. Nàng luôn ở bên tôi. Lúc nào cũng ở bên tôi. Dù có khi chúng tôi cách xa nhau hơn 10.000 km.
Là người luôn chấp nhận hy sinh, Elena yêu tôi bằng một tình yêu mãnh liệt. Tình yêu ấy như hai trái tim nằm giữa lằn ranh, vừa Hoà vừa Nhập, thách thức mọi khác biệt của hai nền văn hoá. Mới đây nàng còn từ bỏ tất cả những gì thân thương để tiếp tục theo tôi trong một hành trình mới, về sống ở Việt nam, một đất nước còn bao khó khăn và ngổn ngang những vấn đề.
Tất cả những hồi tưởng này, lướt qua đầu tôi như một cơn gió nhẹ nhưng mơ hồ làm bật ra một vài ý tưởng. Lời giải đáp cho những câu hỏi còn loé sáng hơn khi tôi có cơ hội trình bày tác phẩm “Bàn tay nhỏ dưới mưa” trong buổi họp mặt tại câu lạc bộ người yêu sách.

7-
Ở thư viện Albairate, sau khi chào hỏi Giuseppe đặt lên bàn 3 quyển bản thảo vi tính BTNDM rồi yêu cầu tôi tóm tắt câu chuyện cho các bạn. Qua vài lời giới thiệu ngắn ngủi tôi kể chuyện về người đàn bà bất hạnh, tuổi bốn mươi mới gặp được “một nửa” của mình, là tri âm thể xác và tri kỉ tâm hồn. Đến lúc ấy Gấm mới nhận biết được tình yêu, say đắm “như yêu lần đầu” và hiểu ra là “hạnh phúc thật ra ở ngay trong những điều nhỏ nhặt”. Gặp “Anh”, kiến thức Gấm được mở mang và học được nhiều điều quan trọng. Nhưng số phận éo le, đúng khi tưởng nắm giữ được hạnh phúc với người đàn ông của đời mình thì Gấm lại bị ung thư.
Từ căn bệnh thời đại này tôi đã lồng câu chuyện tình yêu vào một bối cảnh xã hội rộng lớn, trong đó lòng tham của con người đang làm trái đất cạn kiệt, xã hội rối loạn, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm… và con người càng ngày càng sống phản lại tự nhiên.
Còn Gấm, đứng trước cái chết được báo trước, nàng trăn trở, hoảng loạn, suy tư, ý thức “lẽ sống còn quan trọng hơn sự sống”… và cuối cùng tự hỏi “Ta là ai”.
Tôi bất ngờ và thú vị vì thấy có nhiều người đồng tình. Một cuộc thảo luận về nhịp sống hối hả làm thời gian bị đo lường, chắt bóp. Có người nói hiện nay tuy phương tiện giải trí có nhiều mà niềm vui dường như rất hiếm.Tâm trí của mọi người đều bị động. Có người nhắc đến các công nhân lắp ráp làm việc theo nhịp máy trong dây chuyền sản xuất, các động tác phải tuân theo các công đoạn trong một thời lượng quy định. Xong việc, về nhà, vội vàng, căng thẳng vì đường phố đông đúc. Cái gì cũng “express”, cũng “fast”… từ ăn uống đến mua sắm.
Giuseppe nói “Thế giới thay đổi quá nhanh trong những năm gần đây làm con người không kịp thích nghi và do đó đánh mất thăng bằng tâm lý. Có các phương tiện để liên lạc mà trong xã hội chẳng ai biết nhau. Sự gia tăng các phương tiện truyền thông hình như tỉ lệ nghịch với sự giao tiếp giữa các cá nhân, con người sống Bên nhau nhưng không sống Với nhau. Tiếp xúc qua không gian ảo, nhìn nhau qua màn hình.”
Tôi dịch một vài trích đoạn cho các bạn, từ tình yêu ngút ngàn của Gấm dành cho “anh” đến nỗi hốt hoảng của Gấm khi biết mình sắp chết, đoạn phân tích tâm lý lúc nàng chạy về phía Bình Quới nhìn mây trắng hợp tan rồi nghĩ về lẽ tử sinh làm mọi người rất thích.
Một thành viên câu lạc bộ hỏi tôi, viết xúc động vậy sao không dịch ra tiếng Ý? Trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc này. Nhưng tại sao không? Có thể lược bỏ bớt những phần không thiết yếu..

Mọi người xôn xao bàn tán nhưng lúc đó đầu óc tôi chỉ nghĩ đến quyển tiểu thuyết đang chờ in ở Việt nam. Giuseppe nói: “Mới đây mà đã bốn mươi năm!” Bốn mươi năm! Bốn mươi năm! Tôi giật mình. Chợt tỉnh. Bốn mươi năm chẳng phải là số tuổi của Gấm đó sao? Cớ sao số tuổi của Gấm trùng với 40 năm tôi từng sống ở đây? Vì sao nàng chỉ hưởng hạnh phút có 3 năm rồi bị ung thư? Những trùng hợp này chỉ là ngẫu nhiên hay là tiếng gọi của tiềm thức, về một tình yêu cuồn cuộn của một thời tuổi trẻ, si mê, đầy nhiệt huyết và mộng mơ ở trời Âu và giờ đây như những đám mây bay qua bầu trời và sắp biến mất? Những thăng trầm, khổ đau, hạnh phúc của Gấm có khác gì đời sống của tôi mấy mươi năm qua? Thương yêu hờn giận, gắn bó đến thế, làm sao lòng không vương vấn, không đau như cắt ruột khi phải chia xa, dù được quay về nơi mình cất tiếng chào đời? Thế thì 40 năm sống ở trời Âu có khác gì 40 năm cuộc đời của Gấm? Rồi ba năm hạnh phúc, cũng chính là 3 năm mà tôi đã trở về quê hương. Tôi đã bình an biết bao. Nhưng khi ánh hào quang của cuộc trùng phùng chấm dứt, những biến đổi xã hội Á đông đang thay da đổi thịt, hoà theo nhịp sống cuồng loạn của toàn cầu hoá… đã xoá mất nếp bình thản cũ xưa, xuất hiện nhiều mâu thuẫn trong thời hội nhập. Những bất an thực phẩm, ô nhiễm môi trường, trái đất cạn kiệt… tạo ra bao căn bệnh ung thư.
Gấm chết. Như chết một ước mơ, chết một đời sống bình yên.
Ba năm, thời gian đủ để tôi nhận ra là đời sống như tôi nghĩ đã không còn. Con người, gia đình con cái ít quây quần bên nhau. Người già cô đơn. Các căn bệnh thời đại xuất hiện: lo âu, buồn rầu vô cớ rồi sinh ra trầm cảm. Rồi tự sát. Sức khoẻ cơ thể có thể tốt nhờ tiến bộ y học mà sức khoẻ tâm thần và sức khoẻ xã hội ngày càng kém sút. Chúng ta sống thọ hơn mà cuộc sống lại ít ý nghĩa hơn. Có khác gì những điều đang xảy ra ở trời Tây?
Ba năm, ngồi cà phê quán cóc ở vệ đường, tôi cũng nhìn thấy nhiều người lái xe bằng một tay, tay kia bấm phiếm nhắn tin, nghe điện thoại. Những bà mẹ chở con đi học thêm, đứa bé ngồi phía sau tranh thủ ăn, tranh thủ uống. Những người khác luồn lách, chạy xe với tốc độ kinh khiếp như đi vào chỗ không người. Có lần, trên chuyến xe đò về miền Trung ăn Tết, tôi kinh hồn thấy tài xế vừa chạy xe vừa dụi mắt chống cơn buồn ngủ. Chiếc xe chao đảo, suýt lao đầu xuống vực…
Nhịp sống đã thay đổi từng ngày, nếp sống văn hoá quay cuồng theo.Tình người đảo lộn. Ngay trong gia đình, cũng chẳng thiếu cảnh anh em vác dao chém nhau, chuyện con chửi mẹ, đánh cha, thậm chí giết cha mẹ cũng chỉ vì cơn sốt đất. Người người đang sôi lên vì kiếm tiền, kiếm việc làm thêm và mua sắm tất bật.

Những trăn trở ấy, không biết tự lúc nào đã đưa đẩy những ngón tay lên bàn phím, và từ tiềm thức, “Bàn tay nhỏ ” đã biến thành những con chữ.
Cầm trên tay, thấy sách được chia thành từng nhiều đoạn nhỏ, Giuseppe tò mò hỏi tôi đã lấy nguyên mẫu và cảm hứng từ đâu?
“Nguyên mẫu lấy từ nhiều nhân vật. Tôi đem gộp lại chuyện đời, hạnh phúc và khổ đau của nhiều người và viết thêm nỗi băn khoăn và tâm sự riêng của chính mình. Theo đó, tôi đã viết “Bàn tay nhỏ dưới mưa” như nhiều mảnh gương, mỗi mảnh phản chiếu theo một góc. Có mảnh quay vào trong, soi nội tâm nhân vật, có mảnh hướng ra ngoài để nhìn ra thế giới. Qua các trang viết đều có phản chiếu một chút người, một chút ta, một chút bạn bè và những cảm nhận về những vấn đề mang tính bản thể: sự sống và cái chết, nhân phẩm và sự sa ngã, khát vọng vô cùng của con người và những hữu hạn của tồn tại…” Il trauma che stiamo vivendo in questo momento assomiglia al trauma che abbiamo vissuto 80 anni fa, durante la Grande Depressione, ed è stato causato da una serie di circostanze analoghe. Allora, come oggi, abbiamo affrontato un crollo del sistema bancario. Ma allora, come oggi, il crollo del sistema bancario era in parte una conseguenza di problemi più profondi. Anche se risponde correttamente al trauma (i fallimenti del settore finanziario) ci vorrà un decennio o più per raggiungere il pieno recupero. Se noi rispondessimo in modo inappropriato o con gli stessi strumenti neoliberisti che hanno favorito la crisi, questa durerà ancora a lungo e il parallelo con la Grande Depressione assumerà una nuova dimensione tragica. [ I macro-economisti mainstream sostengono che il vero spauracchio in una recessione non è caduta dei salari, ma la loro rigidità: se i salari fossero più flessibili (cioè bassi), la disoccupazione si sarebbe ridotta, auto- correggendo il problema! Ma questo non è stato vero durante la Depressione, e non è vero oggi. Al contrario, bassi salari e redditi portano semplicemente a una riduzione della domanda, indebolendo ulteriormente l’economia.]
Secondo la vulgata tradizionale, la politica restrittiva della FED ha causato la crisi del 1929, oppure il crollo (autunnale) di Wall Street ha provocato la recessione (che inizia in estate!!!) dell’economia americana. Il problema oggi, come allora, è un’altra cosa: la cosiddetta economia reale.
I paralleli tra la storia delle origini della Grande Depressione e quella della nostra crisi sono forti. Allora ci stavamo muovendo dall’agricoltura alla industria. Oggi ci stiamo muovendo dalla manifattura ad un’economia di servizi. Negli USA si calcola che il calo dei posti di lavoro nel settore industriale è stato drammatico, da circa un terzo della forza lavoro 60 anni fa a meno di un decimo di oggi. Il ritmo si è accelerato notevolmente nell’ultimo decennio. Ci sono due ragioni per il declino. Uno è una maggiore produttività, la stessa dinamica che ha rivoluzionato l’industria e costretto la maggioranza degli operai americani a cercare lavoro altrove. L’altro è la globalizzazione, che ha inviato milioni di posti di lavoro all’estero, a paesi a basso salario o quelli che hanno investito di più nelle infrastrutture o nella tecnologia. Qualunque sia la causa specifica, il risultato inevitabile è esattamente lo stesso di 80 anni fa: un calo del reddito e posti di lavoro. Per un certo tempo, la bolla immobiliare ha nascosto il problema creando una domanda artificiale, che a sua volta ha creato posti di lavoro nel settore finanziario e nella costruzione e altrove.
Giuseppe vỗ vỗ lên vai tôi: “Tác phẩm này giống như cuộc hành trình của con người đi tìm tình yêu, hạnh phúc và sự bình an trong một thế giới hỗn độn và điên loạn. Hãy cố dành thời gian để dịch ra tiếng Ý!”
Tôi gật đầu. Còn một điều nữa cũng vừa lóe lên trong trí nhưng tôi không nói với bạn. Đó là về cái chết của Gấm? Tại sao nàng đi trước mà không phải là anh? Bởi đó là nỗi khắc khoải, nỗi lo sợ, ước muốn và cũng là trách nhiệm của người chồng… Anh không thể “đi” trước, bỏ lại vợ mình trong một đất nước xa lạ… Uớc muốn này mới đầu tôi tưởng chỉ của riêng tôi, nhưng thời gian sau, khi Elena viết truyện ngắn đầu tay “Bàn tay trong một bàn tay”1 thì tôi chợt hiểu đó cũng chính là những ám ảnh và ước muốn thầm kín của nàng.

8-
“Nền kinh tế hiện nay giống như một chiếc xe đạp. Nó buộc chúng ta phải làm việc và đạp liên tục thì mới chạy được, dừng lại là té ngã”. Anh bạn Franco đã từng nói với tôi như thế. Và hôm nay hình như mọi người đang kiệt sức, không đạp nổi. Nền kinh tế rất mạnh của Ý và Âu châu đã suy thoái từ vài năm qua. Nhiều hãng xưởng đóng cửa hay làm việc cầm chừng. Bạn bè nhiều người lo lắng.
Buổi sáng, Elena cầm tờ báo và gọi tôi đến xem. Một cửa tiệm nợ lương 5 tháng không trả. Một thanh niên Phi Châu đến hối thúc lương tháng. Chủ và thợ sinh ra cãi vả. Ông chủ vào nhà lấy tiền và ném vào mặt người làm công. Lúc anh ta cúi nhặt, ông rút súng bắn mấy phát vào lưng. Một phát trúng gần tim và anh ta chết trên đường cấp cứu. Cô gái Ý đi cùng anh ta cũng bị thương. Cô là nhân viên tư vấn của một tổ chức thiện nguyện. Cô đến giúp vì anh bạn ngoại quốc không nói rành tiếng Ý.

“Ở mọi nơi trên thế giới, sự tàn ác đều như nhau. Lòng tốt có giới hạn. Mà cái ác thì không cùng.” Tôi đắng họng. Không biết bình phẩm ra sao. Mãi sau Elena mới nói: “Cuộc đời này là gì? Chẳng qua chỉ là một hơi thở! Tại sao chúng ta không sống cho cái Tâm mình đẹp? Chỉ vì Tham mà người ta ganh ghét và chém giết nhau. Thế mới biết Phật giáo thật thâm diệu: Ai biết xem thường danh lợi thì đời sẽ bình an và lúc nào cũng cũng có thể mở lòng chào đón mọi người, với tình thân ái.”
Tôi nhìn vợ mình. Một tình yêu vô bờ bến đang dâng trào. Và bỗng dưng tôi nhớ là khi viết về cái chết của Gấm, chẳng có trang nào mang theo niềm tuyệt vọng. Sức sống của tình yêu luôn có phong cách khác thường, dù biết sắp đi đến đoạn cuối cuộc đời nhưng đôi mắt tình yêu vẫn nhìn đời sống ngời ngời khát vọng, bao dung.

9-
Mới đến Milano “hôm qua” thế mà nay đã sắp về lại Việt nam rồi. Một tháng trôi qua trong nháy mắt. Tôi xuống phố Cassina dé Pecchi để mua sắm vài món đồ. Đang bước, tôi bỗng nghĩ là mấy mươi năm trước những con đường này hoàn toàn xa lạ với tôi, thế rồi trở nên quen, đã đi qua đi lại bao nhiêu lần và bây giờ lại sắp hóa ra xa lạ.
Sự vật biến đổi. Còn duyên thì hợp, hết duyên thì tàn.
Milano-Sài Gòn.
Sài Gòn-Milano.
Hai ngày nữa là có chuyến bay rồi!
Nhắc nhở đó làm loé lên trong trí tôi mấy câu thơ của người bạn vong niên ở Hà Nội mà tôi rất quý:
Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê
Sang về chẳng biết mình về hay sang.

TRƯƠNG VĂN DÂN

THIÊN ĐÀNG VÀ ĐỊA NGỤC.

truongvandan

…Chủ nhật chúng tôi chỉ muốn nằm nhà bên nhau. Quỹ thời gian sống còn được bao lâu? Nhưng bè bạn lại đến chơi. Sao anh lắm bạn thế nhỉ? Anh hiếu khách, nên bạn bè thường đến chơi chuyện trò rôm rả. Ông nào cũng hăng, từ tranh luận đến tranh cãi đủ chuyện trên trời dưới đất, chuyện kinh tế, xã hội, môi trường, từ chuyện hôm nay đến chuyện cả ngàn năm sau.

Hai khách hôm nay, một là anh vợ, họa sĩ Lâm, một là em rể, thương gia Hưng. Anh vợ em rể, nhưng xưng hô mày tao thoải mái. Họ là bạn thân từ hồi trung học. Hình như anh Hưng vừa đi chơi golf về, trên đường về tiện ghé chở anh Lâm và họ tranh luận điều gì đó trên đường đi chưa đã, nên ghé đây cãi tiếp.
Anh thích những buổi tranh luận như thế, thường kiên nhẫn lắng nghe, đôi khi chen vào…

Tôi đứng dậy pha cà phê, anh ngả mình trên ghế nghe các bạn đang mải câu chuyện, thỉnh thoảng liếc sang như thể anh là trọng tài
– Kinh tế phát triển. Tao thấy bây giờ đời sống tốt hơn xưa nhiều, Hưng ngồi vắt chân chữ ngũ, nhấp nhấp ly cà phê…
– Chưa chắc đâu, Lâm thủng thỉnh, hồi trước, gần nhà tao có ông công chức quèn đi làm, vợ ở nhà trông con, nội trợ, vậy mà họ vẫn sống, ba đứa con đều con tốt nghiệp đại học, thành đạt cả. Bây giờ cuộc sống tăng lên, nhưng mấy ai đã làm được thế? Chồng là kỹ sư, vợ là nhà giáo, cả hai đều đi làm, nuôi một đứa con còn thấy chật vật. Không ai dám bỏ việc.
– Cái giá của tăng trưởng là phải thế. Đời sống cao hơn, nhiều vật chất hơn, nhiều tiện nghi hơn. Phải xài tủ lạnh, máy lạnh, máy DVD, karaoke, computer, internet,… Mấy cái tiện nghi của thời đại thông tin này, bộ bỏ qua không xài à? Muốn thụ hưởng, phải có tiền. Muốn có tiền phải đi làm, chồng đi làm không đủ, vợ cũng đi làm. Con cái hả? Cho đi học trường quốc tế. Có tiền là xong tuốt. Chẳng lẽ hàng xóm hưởng thụ mấy cái tiện nghi đó, còn mình thì nhắm mắt à ? Thời buổi cạnh tranh mà !.
– Đồng ý, nhưng tại sao lại phải cạnh tranh? Chẳng lẽ không có lối sống nào khác sao? Ai cũng làm việc quần quật với nhịp độ kinh khủng để sản xuất ra cái mobile phone đủ model, mà tiện ích có khi người dùng cũng chưa biết xài hết. Rồi đến lượt người khác cũng phải đầu tắt mặt tối mới có thể mua nổi mobile hiện đại đó. Đây là cách sống dựa vào vật chất.
– Mày hoài cổ. Cứ hay phê phán đời sống mới. Có thấy đầu tư nước ngoài vào nhiều hơn không?
– Thấy chứ. Đầu tư nhà máy ở Việt nam là…bèo. , chỉ cần mang dây chuyền cũ, công nghệ lạc hậu cũ, không biết bán cho ai, qua Việt Nam hợp tác liên doanh là làm giàu đủ rồi, định giá công nghệ cũ cao, công nhân rẻ, quảng bá thương hiệu, . . Không giàu to à?
– Họ có đóng thuế cho ta mà!
– Thuế? Lâm cười lớn. Thất thoát lớn ông bạn ơi. Không ít doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã khai giá nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài cao hơn giá mua thực tế để tăng chi phí, dẫn đến thua lỗ để khỏi phải nộp thuế thu nhập doan nghiệp. Nhiều doanh nghiệp khai lỗ mấy năm liền để tránh thuế nhưng liện tục mở rộng quy mô sản xuất.
– Chắc cũng có chuyện này, nhưng nghĩ cho cùng, chẳng lẽ chúng ta ngồi im nhìn Việt Nam nghèo đói mãi? Cũng phải tạo công ăn việc làm cho người dân chứ. Tao nghĩ là muốn hiện đại để bắt kịp Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan chúng ta cần phải dựa vào nước ngoài và viện trợ quốc tế. Dĩ nhiên phải trả một cái giá nào đó. Không ai cho không cái gì.
– Việc làm hả? Hiện đại hóa để bắt kịp người ta hả? Muốn thế phải khởi đầu từ công nghệ mới, năng suất hơn, giá thành rẻ hơn, chứ không phải từ công nghệ lạc hậu. Đó là lợi thế của thằng đi sau, mày hiểu không? Đó là chưa nói đến môi trường, công nghệ lạc hậu sản xuất bột ngọt, men bánh mì,… thải ra môi trường cả đống chất độc hại. Giải quyết nước thải ở mấy quốc gia đó, có mà đẩy giá thành sản phẩm lên đến tuyệt đỉnh. Thôi mang qua Việt Nam sản xuất cho thoải mái, luật môi trường còn lỏng lẻo, viên chức nhà nước cũng lỏng lẻo luôn…Không sướng à? Còn ô nhiễm môi trường, đâu cần đến thế hệ sau mới thấy. Tôm cá chết đầy sông, trồng trọt cái gì thì thua cái đó, nuôi heo nuôi gà cũng thua luôn, mày không thấy à? Vậy đâu là mục tiêu của phát triển ? Để con người hạnh phúc hơn hay để họ bị lệ thuộc nhiều hơn ?
– Mầy cũng có lý, nhưng không thể phủ nhận giá trị tăng trưởng. Những năm vừa rồi, thu nhập bình quân đầu người đã tăng nhiều lần
– Đừng vận dụng quá khứ đói khổ, so sánh với những năm tháng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc để nhấn mạnh đến thành tựu chứ ông bạn. Đồng ý là mặt bằng có tăng, nhưng cũng phải xét đến các khía cạnh khác nữa.Vì nếu không trừ những thiệt hại đối với nông, ngư, môi trường, số tiền phải chi trả cho bệnh viện để chăm sóc các vấn đề nảy sinh như sức khỏe, thì chưa đủ. Tao sợ rằng chúng ta tăng trưởng theo mẫu hình : đổ tiền ra đầu tư, sản xuất vô độ, huỷ hoại môi trường. Trên mặt báo không thiếu những câu chuyện cầu không ai đi, cảng không ai đến, sân bay không ai dùng, hàng đống biệt thự sang trọng bỏ không. Đừng có hù tao, GDP tăng trưởng 7-8% , thu nhập đầu người một hai ngàn đô la. Tăng trưởng và phát triển khác nhau xa…
– Khác chỗ nào?
– Tăng trưởng càng cao, của cải xã hội càng nhiều, phân hóa giàu nghèo càng tợn. Của cải chỉ chui vào túi một nhóm người. Đâu là an sinh xã hội? Đâu là phúc lợi mà người dân được hưởng? Cá nhân trong cộng đồng có điều kiện tiến thân như nhau không? Hay con bác sãi chùa thì cứ tiếp tục quét lá đa cho được việc… Một quốc gia phát triển hay không là ở chỗ đó đấy. Còn ỷ vào viện trợ quốc tế hả? Xin lỗi… Chơi dao hai lưỡi, quờ quạng là phá sản như chơi…
– Phá chỗ nào?
– Tao cho mày một thí dụ của Philippines. Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế viện trợ cho nước này với yêu cầu mở cửa thị trường cho hàng hóa và vốn đầu tư nước ngoài. Họ khuyên Philippines tập trung sản xuất quần áo, giày dép, hàng điện dụng, nói chung là các ngành thâm dụng lao động, cần nhiều nhân công và kỹ thuật không cao. Nói thì nghe ngon, nhưng sau khi phá giá đồng pesos, để dễ xuất khẩu, xuất qua mấy nước giàu, một hai năm đầu còn trôi chảy, về sau, tưởng ngon, xuất nhiều thì những mặt hàng này bị cạnh tranh khốc liệt với các nước Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan…cũng đang nhận viện trợ và được khuyên sản xuất các mặt hàng tương tự. Thế là hàng ứ đọng. Kẻ bán nhiều mà ít người mua, thế mà sau đó các ông nhà giàu cho vay còn kiếm chuyện, lập hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống phá giá… như ngón đòn ác hiểm đá vào hạ bộ. Gục. Nhiều doanh nghiệp đã “chết”, hay trên bờ vực phá sản. Đầu tư nước ngoài đổ vào, ai mà không sướng, tiền bạc rủng rỉnh, tiêu xài hàng cao cấp nhập khẩu, xe hơi, nước hoa,… Đến giai đoạn trả nợ bằng đô la , mới khốn khổ. Xuất không được lấy gì trả nợ? Phá giá đồng tiền nữa để dễ xuất hàng, thì dân khổ. Việt Nam có rơi vào trường hợp của Philippines hay không thì tự mày đoán ra… Quẹt gas, xe đạp mà tụi Châu Âu còn áp thuế chống phá giá muốn nín thở, nói gì đến hàng thực phẩm tôm cá, giở chiêu đánh phá giá mà mày còn lỳ đòn hả?, đánh luôn tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… là sụm ngay. Có Chúa mới hiểu thế nào là “an toàn thực phẩm tuyệt đối” kiểu Châu Âu.
– Thì nước nào chẳng có chính sách bảo hộ mậu dịch. Mình phải biết luật chơi chứ!, Hưng chống chế
– Trước khi nhận đầu tư từ ngoài, phải biết dự đoán và bảo vệ mình.Tao thấy nền kinh tế hiện nay rất mong manh, dễ vỡ. Hiện nay chỉ số giá tiêu dùng cao hơn tốc độ tăng lương thì chất lượng nằm ở đâu ? Người dân không cần biết kinh tế tăng bao nhiêu; người ta chỉ biết lương mình trước đây mua được 200 tô phở, sau vài năm chỉ còn mua được 150 tô. Đấy là chưa kể giá nhà đất. Một người bạn của tao hai năm trước dành tiền mua một căn hộ 60 m2, còn thiếu một 100 triệu ; năm nay cũng căn nhà khu đó, cần phải thêm 300 triệu mới mua được. Vậy về mặt xã hội, căn hộ 60 m2 đất vẫn chỉ là 60 m2, có tăng thêm được chút nào đâu !
Nếu phát triển kiểu này thì không thể nào xuất khẩu ra thế giới và kiếm tiền của người mà chỉ có thể trấn lột dân nghèo.
– Mầy rắc rối. Suy nghĩ nhiều quá! Đời sống cao hơn thì cứ làm giàu đi. Hãy hưởng thụ.
– Không! Tao nghĩ tăng trưởng kinh tế cần phải đi đôi với phát triển xã hội. Có nơi như Bhutan không nhắc đến tăng trưởng mà nói đến chỉ số hạnh phúc GNH .
– Nữa! Lại tự làm khổ mình. Này nhé, về chuyện này tao thấy nghịch lý : Nhiều quốc gia có chỉ số hạnh phúc vượt trội so với các quốc gia tiên tiến có nền kinh tế phát triển, nhưng người dân tại các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao vẫn có nhu cầu tìm đến và xin định cư ở những quốc gia có chỉ số hạnh phúc thấp. Hàng ngày có bao người sắp hàng trước sứ quán các nước phương Tây!
– Họ nghèo quá nên trước hết phải kiếm lấy miếng ăn….

Cuộc tranh luận đang sôi nổi thì bác Thuận đến. Ông bác sĩ già xem ra thoát tục, chẳng có gì trên cõi đời này làm ông vội vã.
– Bác đi ngang, ghé thăm Gấm xem có khỏe hay không thôi. Tới đây, thấy đang ngồi hóng chuyện, chắc là khỏe rồi ! Các anh cứ tiếp tục đi…, Bác Thuận từ tốn.

Lâm hào hứng vào cuộc tiếp…
– Họ nghèo, nên phải kiếm miếng ăn. Họ chưa hiểu hết những gì chờ đợi họ nếu được gia nhập vào “thiên đường” ở nước người. Nhiều người Việt sống lâu năm ở Mỹ và các nước Tây phương đều đang vỡ mộng. Họ có nhiều thứ hơn xưa: điện thoại di động, xe hơi, cao ốc…mà so với thời trước đời sống căng thẳng và thiếu hạnh phúc. Quốc vương Thái Lan mới đây cũng phát biểu: “Là một con hổ không quan trọng. Điều quan trọng là có một nền kinh tế có thể cung cấp đủ để ăn và sống”.
– Nhưng chúng ta không thể tự cô lập mình. Cần phải làm giàu. Và phải thoát cảnh nghèo đói
– Thì đúng thôi! Ngay cụ Khổng ngày xưa cũng quan tâm đến chuyện làm giầu, có lúc còn khuyến khích : “Ở một nước có đạo lý mà mình nghèo hèn thì đáng xấu hổ ; ở một nước không có đạo lý mà mình giầu sang thì đáng xấu hổ ”. Bác Thuận tiếp lời.
– Hay quá! Đúng quá. Nghèo cũng là một cái tội. Hưng như được tiếp sức.

Bác Thuận trầm ngâm một lát rồi nói như tâm sự :

– Nhưng nếu sống chỉ chạy theo vật chất là sai lầm. Hạnh phúc là sống bình an. Có lẽ vì thế mà nhiều nước đang xét lại sự phát triển của mình và nghiên cứu kinh sách Phật giáo và triết học Đông phương.
Suốt buổi, đây là lần đầu tiên anh lên tiếng: “ Theo con, đây là quyết định đúng đắn. Cần phải dừng lại và suy ngẫm. Chúng ta đang quá đà.”
– Chẳng những cần mà còn phải nữa. Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của thời đại kỹ nghệ đặt căn bản trên các nhiên liệu hoá thạch, trên dầu lửa, trên các loại khí đốt thiên nhiên. Nghĩa là nguồn năng lượng làm chuyển động nền văn minh kỹ thuật của các thế kỷ trước đang bắt đầu tàn lụi. Và chúng ta sắp bước vào một kỷ nguyên mới.
– Vì dầu lửa sẽ hết?
– Đúng! Ai cũng biết là nguồn nhiên liệu này có hạn. Có hạn không có nghĩa là cạn kiệt, dưới lòng đất chỗ nào cũng có, nhưng để khai thác có hiệu quả kinh tế thì từ nay sẽ càng ngày càng khó. Đã rất xa cái thời đào đâu cũng thấy dầu tràn. Vì chúng ta đã đào khắp nơi, trong lòng đất, dưới đáy biển.
– Không nhiên liệu là bế tắc. Nay mai chắc sẽ thấy người kéo xe xuất hiện trên đường phố quá! Mà tại sao con chưa thấy nước nào có hành động cụ thể?
– Vì lòng tham và ích kỷ. Chúng ta đang sống như không cần tương lai. Chúng ta sống như chỉ muốn hiện tại không bao giờ kết thúc. Với phương tiện hiện nay, sự vùi đầu dưới cát của các nước Âu Mỹ không thể đổ lỗi tại thiếu tiền hoặc thiếu kiến thức. Cái thiếu lúc này là một chữ Tâm làm nền tảng cho những tư duy và hành động
– Vậy theo ý bác thì tương lai sẽ ra sao? Chúng ta sẽ phải làm gì?
– Bác nghĩ là thế giới này cần tạo một cuộc cách mạng mới, một cuộc cách mạng kỹ nghệ thứ ba. Mục đích là loại bỏ nguồn năng lượng dựa vào nhiên liệu hoá thạch và triệt để sử dụng năng lượng tái tạo trong thế kỷ XXI. Con thấy không, mặt trời ngày nào không soi sáng thế giới. Mỗi ngày gió đều thổi vi vu trên khắp địa cầu. Từ bất cứ nơi nào trên thế giới chúng ta đều có nguồn hơi nóng dưới lòng đất và biến nó thành năng lượng không khó. Nếu sống ở vùng quê, chúng ta có thể sử dụng những phế phẩm của nông nghiệp và lâm sản. Nếu sống ở vùng biển chúng ta có thể khai thác chuyển động của sóng. Chúng ta còn có thể biến các thứ rác thải thành năng lượng. Trí tuệ nhân loại phải hướng về điều này thay vì làm điện thoại di động, TV, xe hơi, computer… đời mới. Và đây mới là sự thách thức cho tương lai. Bắt buộc. Mọi quốc gia thành viên đều phải tham gia . Ngoài ra chúng ta còn phải hợp lực đối phó với sự biến đổi khí hậu, điều này không chỉ có nghĩa là trái đất nóng dần lên mà còn phải quan tâm đến chế độ mưa nắng đổi thay và nền sản xuất nông phẩm nhiều nơi bị tàn phá.
-Ý tưởng tuyệt vời !
Anh reo lên. Còn anh Hưng và hoạ sĩ Lâm dường như bị lôi cuốn về những ý kiến của bác.
– Nhưng có lẽ thay vì gọi là cuộc cách mạng, bác thấy nên gọi là “cuộc tiến hoá mới của loài người”. Bác hy vọng là các thế hệ tiếp nối sẽ biết là chúng ta đang đi trên con đường sai lạc và phải đổi chiều. Rất tiếc là hiện nay mỗi cá thể đều bị trói buộc bởi những chính sách thối nát, những ràng buộc vào sự giả dối của các hệ thống ngân hàng và phải chấp nhận tất cả những gì mà các chính khách và giới tài chính đang lũng đoạn và áp đặt.
Bác quay sang anh, “Bác vừa dịch một tiểu phẩm từ email của một người bạn từ Ý gửi qua. Thấy hay, nên đến đây, vừa thăm Gấm, vừa đưa cháu, xem có báo nào thích thì đăng. “Bác già rồi, tranh luận không còn sôi nổi như mấy anh chị, thôi thì nói chuyện ngụ ngôn cho ngắn gọn”, giọng ông già hóm hỉnh.

Bác rút trong túi áo mảnh giấy gấp tư đưa anh, nhưng Hưng chồm sang, cầm lấy và đọc to :

Thiên Đường & Địa Ngục

Một người đàn ông gặp Chúa và thỉnh cầu: “Lạy Chúa, con rất muốn biết thế nào là Thiên Đường và Địa Ngục”. Chúa dắt ông ta đến trước hai cánh cửa.Ngài mở một cánh cửa và bảo ông ta nhìn vào bên trong. Ông ta thấy, một chiếc bàn tròn thật lớn, giữa bàn bày rất nhiều thức ăn, mùi thơm phưng phức làm ông ta thèm chảy nước miếng. Nhiều người ngồi quanh bàn, nhưng trông họ gầy gò, nước da xanh tái, bệnh hoạn. Họ có vẻ rất đói. Trên cánh tay họ gắn những chiếc muỗng nhưng cán rất dài. Họ có thể với lấy thức ăn nhưng vì cán muỗng dài hơn cánh tay nên không thể đưa thức ăn vào miệng .
Người đàn ông rùng mình khi nhìn thấy đau khổ của họ .
Chúa phán : “Con vừa nhìn thấy Địa Ngục”

Sau đó Chúa dẫn ông ta đến chiếc cửa thứ hai. Chúa mở cửa. Quang cảnh mà người đàn ông nhìn thấy vẫn giống như lần trước. Có một chiếc bàn thật lớn bày biện nhiều thức ăn làm ông ta chảy nước bọt. Nhiều người ngồi quanh bàn có những cánh tay gắn những chiếc muỗng cán dài. Nhưng lần này ông ta thấy mọi người đều khoẻ mạnh và vui vẻ nói cười.
Chúa phán “ Đây là thiên đường”
Người đàn ông ngạc nhiên, “Lạy Chúa, con không hiểu!”
– “Đơn giản thôi”, Chúa trả lời, “những người này biết là cán muỗng quá dài, không thể tự đút ăn cho mình được…Tuy nhiên họ có thể đút thức ăn cho người ngồi cạnh mình. Bởi vậy họ đã thực hành việc người này đút thức ăn để nuôi người kia.
Chúa tiếp: “ Con biết không, ta còn muốn nói thêm một điều này nữa… Trên trái đất này có đủ thức ăn để thoả mãn nhu cầu của tất cả nhưng không thể thoả mãn lòng tham lam của một nhóm người. Những ý nghĩ của chúng ta, dù có tốt lành đến đâu cũng chỉ là những viên ngọc giả nếu nó không được biến thành hành động. Con phải là sự thay đổi mà con muốn nhìn thấy điều đó xảy ra trên thế giới ”
– Tuyệt vời quá!
Bác Thuận nhìn chúng tôi và nói thêm :
– Bác nghĩ, cuộc cách mạng duy nhất là cuộc cách mạng nội tâm. Cuộc cách mạng chuyển hoá lòng tham, giận dữ thành nhân ái, thân thiện với người và với thiên nhiên. Con người không thể sống bình an và hạnh phúc khi dùng cái ác làm phương tiện.

Bác ra về, nhưng chúng tôi ai cũng trầm ngâm về câu chuyện chiếc muỗng dài…

TRƯƠNG VĂN DÂN

TỪ SÔNG SEINE PARIS ĐẾN KINH NHIÊU LỘC SÀI GÒN

truongvandan

1
Sau chuyến “ Tập làm người hối hả…”, chạy hút hơi để bắt kịp những chuyến metro chuyển tiếp dưới lòng đất Paris, ngày về lại Sài Gòn nhà thơ Cao Quảng Văn và phu nhân gọi điện mời “nhóm 6 người” đến quán phở cạnh cầu Bông. Để thỏa cơn nghiện hương vị quê nhà sau những ngày xa quê gặm bánh mì baguette.
Sau bữa điểm tâm, anh Văn còn mời mọi người đến uống cà phê tới một quán nhỏ nằm trên đường Hoàng Sa, dưới chân cầu Thị Nghè. Cà phê thì cũng như mọi chỗ nhưng phong cảnh thì rất hữu tình. Nguyên Minh lững thững thả bộ băng qua đường, đi dọc theo kênh Nhiêu Lộc và sau mấy phút bước vào, “phán” một câu xanh rờn làm anh em nhảy nhỏm:
Đẹp! Chẳng kém gì sông Seine!
Thấy nét mặt “kinh hoảng” của mọi người, Nguyên Minh còn bồi thêm :
Sông Seine đâu có hơn gì! Nó chỉ sạch hơn thôi. Lúc phẳng lặng, dòng sông Seine soi bóng những lâu đài, còn kênh Nhiêu Lộc phản chiếu mái chùa hay bóng những hàng cây…
Mấy người chạy ra. Bán tín bán nghi… nhưng sau đó cũng phải công nhận là dưới ánh nắng mai, mặt sông phẳng lặng như gương.
2
Cách đây vài mươi năm, có lẽ chắc nằm mơ cũng không ai dám nghĩ là có ngày nhìn thấy một phong cảnh như thế trên dòng nước từng được mệnh danh là kênh nước đen, nước đặc sệt vì rác thải ngập ngụa, hôi thối và muỗi màng sinh sôi nảy nở.
Một điều không tưởng đã xảy ra.
Như từ một hàng rào kẽm gai rỉ sét, giờ biến thành dòng nước trong xanh tươi mát ôm lấy Sái Gòn. Cá tôm sẽ tung tăng bơi lội.
Nhìn dọc theo bờ kênh, chúng tôi nhìn thấy các cụ ông, cụ bà tập thể dục bên những bồn hoa vừa mới được trồng và rất nhiều người thả bộ thư giãn dọc ven bờ, nhìn kỹ chẳng khác một công viên thu nhỏ : thảm cỏ xanh trồng sát vỉa hè, những cụm hoa tầng thấp, tầng cao…khoe màu rực rỡ.
Chu Trầm Nguyên Minh trầm trồ :
Đẹp thật! Phải viết một chút gì đi về điều tốt đẹp này.
Tôi biểu đồng tình :
Anh còn nhớ những chiếc ổ khóa amorchetto gắn trên cầu đá Pont de Archevêque gần nhà thờ Notre Dame không? Hay hôm nào mình gặp nhau cà phê rồi luôn tiện gắn những chiếc khóa đầu tiên để chứng tỏ tình yêu thành phố và mừng dòng nước hồi sinh?
Phải đấy! Nguyên Minh chen vào. Và phải tổ chức một chuyến đi thuyền suốt tuyến kênh Nhiêu Lộc hay kênh Tàu Hũ. Phải viết về dòng kênh đã sống lại và vinh danh những cây bút một thời đã thương yêu thành phố mà chúng ta đang sống…
Mọi người chia tay và hẹn ngày gặp lại.

3
Sau các số Quán Văn 16, 17, 18, 19 với các chủ đề về Sông Seine đến sông Mường Mán, từ núi đồi Đà Lạt đến số 20 là số Xuân Quý Ngọ…anh em được nghỉ Tết một thời gian để chuẩn bị cho số 21 với chủ đề Sông Sài Gòn, dòng Nhiêu Lộc. Mọi người háo hức gọi nhau chuẩn bị bài viết…và hẹn nhau sáng 22/2/2014 để gặp cà phê, gắn ống khóa và ném chìa xuống lòng sông gần cầu Thị Nghè, rồi sau đó cùng đi bơi thuyền trên kênh Tàu Hũ…
Nhà thơ Đoàn văn Khánh và họa sĩ Nguyễn Sông Ba đã công phu chuẩn bị buổi tố chức cho ngày vui ấy.
Nhưng tiếc thay, trời chẳng chiều người!
Liên tiếp vắng mặt ba lần trong buổi ra mắt Quán Văn, sau Tết Quý Ngọ thì nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh phải nhập viện và chẳng mấy chốc đã giã từ anh em để về cõi vĩnh hằng. Sáng sớm ngày 22/2/2014 anh em vẫn họp nhau đông đủ, nhưng không phải để bơi thuyền mà tiễn bạn về nơi an nghỉ. Những giọt nước mắt xót thương…lặng lẽ chảy trên khuôn mặt mọi người.
Cũng mùa này năm trước, nhà văn Huỳnh Kim Bửu, tác giả tập tùy bút “ Nơi con sông Côn chảy qua” ở Qui Nhơn cũng đã từ giã Quán Văn để bay theo “tiếng hạc”!

4
Làm chủ bút một tạp chí văn chương, Nguyên Minh chắc phải là người “cứng cựa” và quyết đoán. Nhưng gần anh mới biết anh là người rất giàu cảm xúc. Trong rất nhiều tình huống, khi thấy đôi mắt anh ngấn lệ hay giọng nói run run là biết anh đang vô cùng xúc động.
Tai ương đến với bạn, Nguyên Minh trân trọng thắp một nén nhang. Nén nhang thành kính của anh là một nén nhang không khói, là tâm nhang, và chính là những trang sách góp nhặt công phu những bài viết của bạn hay của những ai viết về bạn, anh cẩn thận gói ghém cảm xúc và nước mắt anh em để tưởng nhớ những người bạn đã vĩnh viễn giã từ trần thế.
Quán Văn số đặc biệt để tưởng nhớ nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh vì thế đã ra đời trong thời gian kỷ lục. Làm việc suốt 3 ngày đêm nên 10 bản in đầu tiên có nhiều thiếu sót, nhưng quan trọng là kịp đặt lên linh cữu người ra đi, góp mặt trong đêm thơ tưởng niệm trước khi tiễn bạn về nơi an nghỉ cuối .
Hình bìa nén nhang đó là bức ảnh chân dung hai người bạn ngồi choàng tay nhau ở Paris: Chu Trầm Nguyên Minh và Nguyên Minh. Hai-ông-Nguyên-Minh trong nhóm Quán Văn nên nhiều người ở xa thường hay lầm lẫn. Lúc ở nhà bác sĩ Thiện Paris, phần do tên dài, phần để tránh trùng lặp nên Chu-Trầm-Nguyên-Minh bị …rụng mất 50 phần trăm, biến thành Chu Trầm.
Hai người bạn gặp nhau từ nhiều năm trước trong tình yêu văn chương, lạc nhau trong chiến tranh loạn lạc bể dâu, hơn 35 năm sau tái ngộ và cùng cầm bút trở lại trong tình yêu Quán Văn. Họ viết như chạy đua với thời gian, chống lại bệnh tật và tuổi tác đang tiến dần.
Hợp tan, tan hợp. chuyện đời như gió thoảng mây bay.
Quán Văn đặc biệt là nén nhang không khói. Không tan. Nên cảm xúc và lòng yêu thương được lưu giữ giữa lòng những trang giấy.
5
Sau “Cuộc hội ngộ của những trái tim ”,i nhóm sáu anh em đại diện “cõng” Quán Văn qua họp mặt chân tình với văn nghệ sĩ Âu Châu, khi trở về đã chọn lọc và tập hợp những văn thơ nhạc hoạ… của những người Việt đã từng đến sống và sáng tác trên đất Pháp và cho ra đời Quán Văn số 16 với chủ đề Bên dòng sông Seine.
Mới chưa đầy môt năm mà đóa hoa sáu nhánh đã rụng bớt một …

Nhưng Quán Văn có phải chỉ là sân chơi hoài niệm của những người tuổi tác, tâm hồn hoài cổ, sống ở trời Tây mà hồn vẫn đắm đuối mơ về quê cũ, lòng bùi ngùi nhớ những mùi hương? Hoàn toàn không. Vì đến với Quán Văn còn có nhiều bạn trẻ, để góp mặt bằng thơ văn hay đơn giản chia sẻ những trang viết đầy cảm xúc của những người yêu văn chương chữ nghĩa.
Bên ngoài cái dòng đời vùn vụt đây đó vẫn còn nhiều không gian văn hóa thấm đậm tình người, đây đó vẫn có những bạn trẻ, hòa nhập với công việc trong thời đại toàn cầu nhưng tâm hồn không chịu hòa tan trong môi trường tư bản hoang dã, trong lòng vẫn còn bám chắt nét đẹp quê hương.
Trong khi chuẩn bị bài vở và chọn địa điểm cho buổi ra mắt Quán Văn có chủ đề về Kênh Nhiêu Lộc, một nhóm bạn trẻ qua tiếp xúc với nhà thơ Việt Nguyên đã mời gặp chủ bút Nguyên Minh vào một sáng thứ bảy. Họ đến bằng xe máy, chở theo các vật liệu cần thiết rồi tự nhiên trải chiếu bên lối đi dành cho người đi bộ sát dòng Kênh vừa được cải tạo, đoạn ở Tân Định nằm trước cổng chùa Vạn Thọ.
Bàn tay Minh Hoàng thoăn thoắt, động tác khá thuần thục của một người còn rất trẻ nhưng thường hay tụ bạn bè vào những buổi uống trà, trao đổi kiến thức và chia sẻ tâm tình. Đề tài yêu thích của họ phần lớn là việc giữ thơm quê mẹ và tôn vinh nét đẹp quê hương. Thỉnh thoảng các bạn Như, Thùy cũng giúp Hoàng chiết trà ra chén mời mọc mọi người. Họ hồn nhiên, thoải mái, không cầu kỳ…hay bám vào những nghi thức cứng ngắt.
Ngồi tâm tình với họ, tôi chợt nhớ đến lần trò chuyện mấy năm về trước với nhà văn Nam Thi “Người Nhật cái gì cũng nâng lên thành “đạo”: trà đạo, kiếm đạo, không thủ đao,…Người Việt nam thì ngược lại: biến những cái lẽ ra là “đạo” thành đại chúng để mỗi tầng lớp đều có thể thưởng thức phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh ”. Buổi uống trà sáng ấy không giống với các nghi thức miêu tả của Elena trong “Tà áo lụa và những cánh sen”ii ở quán Trà Việt của Viên Trân hay trong “Vang bóng một thời” của Nguyễn Tuân. Nhưng là một buổi gặp gỡ thân tình của những người yêu cái đẹp, ngày ngày vui cùng trà, kể cả lộ thiên hay quán cốc,… “Đạo khả đạo phi thường đạo”, đạo có đó mà như không có đó…
Tôi nhìn Minh Hòang, Như, Thùy…trông họ hiện đại mà chân phương, nghiêm trang mà đơn giản… khác xa những lớp trẻ hãnh tiến đâu đó bắt gặp trên đường: sống ở Việt Nam mà bán linh hồn ra tận New York, London… trên người tân trang những phụ kiện đắt tiền…nói tiếng Anh như gió mà tiếng Việt tù mù, viết mấy từ đã ngập đầy lỗi chính tả ; họ cũng chẳng giống các nhóm đầu tóc bù xù, nhuộm xanh vàng tím đỏ, đua xe, lạng lách hay nốc bia như nước,…đánh cược đời mình vào những trò vớ vẩn vì tâm hồn vất vưởng chẳng biết bám vào đâu….sống giữa quê hương mà cuống rún gắn ở nơi nào vô định…
“ Xin phép các anh, em phải đi làm bây giờ đây !” Đang ngồi bỗng Thùy đứng lên từ giã. Mấy phút sau buổi gặp mặt nhấm trà trong sương sớm cũng sắp sửa tan. Hoàng, Như… cũng lục tục thu gom dụng cụ , gói ghém cẩn thận rồi móc lên xe. Tiếng máy nổ giòn. Tôi nhìn theo bóng họ chạy dọc theo khúc kênh đẹp nhất của thành phố Sài Gòn. Mới quen, tôi chưa biết họ có viết hay không, nhưng tin chắc họ sẽ là những độc giả trung thành và giữ lửa để Quán Văn có thể phát huy cái đẹp của tình người và gìn giữ văn hóa cội nguồn.

Sài Gòn 3-2014
TRƯƠNG VĂN DÂN

LỖI KẾT NỐI

truongvandan

Sợ trễ, tôi đi làm thủ tục sớm. Trên máy bay tôi đươc xếp ngồi giữa ở dãy ghế nằm bên phải. Như vậy là tôi có thể nói chuyện với cả hai người bên cạnh. Ưu điểm của ghế giữa là vừa được ngắm trời mây, vừa có thể dễ dàng đi lại.
Ngồi trên máy bay tôi chợt nhớ lại đoạn đường từ nhà thằng cháu đến sân bay.
Lúc hai cậu cháu khởi hành thì đã hơn 9 giờ sáng mà trên đường vẫn còn rất đông người. Tuy mồm mũi đứa cháu có bịt khẩu trang mà nó cứ nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất: Từ chuyện giá xăng tăng giữa thời kinh tế khó khăn đến trận đá banh kết quả không như ý, thua một chầu cà phê… Đang nói trời nắng đẹp rồi bỗng dưng bắt qua chuyện bầu cử ở Mỹ rồi nhảy sang chuyện thủ tướng Pháp ban hành cải cách để cứu nền kinh tế. Cái miệng nó huyên thiên, vừa chạy xe vừa giảng giải đủ mọi đề tài.
Tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện và mắt nhìn hai bên đường phố…
Nhiều cao ốc đã được xây lên. Rất nhiều công trường được che kín bởi các pano quảng cáo. Hình ảnh, sắc màu loè loẹt. Nhiều bảng hiệu viết bằng tiếng Anh. Trên phố chính đã đành mà ngay cả các các con hẻm cũng viết bằng tiếng nước ngoài.
Không quen bịt khẩu trang. Miệng mũi tù túng, có lúc tôi cảm tưởng như mình là con chó bị khoá mõm…
Chiếc xe bon bon chạy giữa phố phường tấp nập.

Bỗng thằng cháu lách xe một cái làm tôi giật thót. Một chiếc xe máy từ đường nhỏ đâm ra, suýt chút là hai xe đối đầu, chạm thẳng. Giao thông ở đây rất lạ! Nhiều tài xế vừa lái xe vừa vừa nghe điện thoại, hay chạy xe mà không nhìn đường phố, cúi mặt nhìn màn hình điện thoại, tay bấm bấm nhắn tin. Nhiều chiếc loạng choạng như người say rượu!
Trong cái thành phố phát triển nhất nước này tôi thấy cái gì cũng gấp gáp. Người ta đi làm, đi chơi, đi mua sắm… gì gì cũng hăm hăm hở hở, muốn làm cho thật nhanh, thật gấp.

Sau một tuần sống ở thành phố… tôi đã học được bao chuyện lạ. Ngay ngày đầu đến với thằng cháu trong căn hộ của một chung cư, tôi đã nhìn ra ngay sự lạnh nhạt bủa vây. Chung cư nhỏ, chẳng “cao cấp” gì cho lắm, thế mà chẳng ai biết ai. Mỗi tầng có bốn căn hộ, chủ là các thanh niên trẻ nhưng cửa đóng im lìm, chỉ mở cửa vào buổi sáng đi làm, chiều về là khoá cửa. Năm khi mười hoạ có gặp nhau, thì mặt họ trơ trơ, bước đi vội vã, hay móc điện thoại… làm như đang bận để khỏi phải chào nhau. Làng giềng gần mà xa lạ, như cách một đại dương.
Cách sống lạnh, nhạt nhẽo như vậy thật khó chịu, rồi cũng quen. Thứ gì tôi cũng đã thấy. Thế mà sáng nay có một điều làm tôi kinh ngạc.
Tôi thấy có nhiều người vừa đi vừa hoa tay múa chân bên lề đường. Một người. Hai người. Trên vỉa hè cũng có. Mà ở nhà chờ xe buýt cũng có. Mấy lần tôi định hỏi nhưng thằng cháu cứ nói nên tôi chưa thể ngắt lời. Mãi đến khi, ở một đoạn khác tôi cũng thấy một thanh niên ăn mặc lịch sự, áo vest, cà vạt… đàng hoàng.. cũng vừa đi vừa múa máy…
Lần này thì không thể im miệng nữa. Tôi đập vai, hỏi cháu: “Sao thành phố có nhiều người bị tâm thần thế?” “Tại sao?” “ Cậu thấy có quá nhiều người bị “chạm dây”, lảm nhảm một mình.” “Đâu?” Tôi chỉ gã thanh niên đang đứng trước toà cao ốc. Thằng cháu cười ngất, tiếng cười lớn quá, làm tay lái chao qua chao lại. “ Không phải đâu! Họ nói chuyện bằng điện thoại đó!”. “Bậy nào. Cậu thấy hai tay họ có cầm gì đâu. Đấy, tay không múa máy kia kìa”. Tiếng cười của thằng cháu to hơn “Tại họ gắn tai nghe đó”. “Tai nghe là cái quái gì ?” “Là cái dụng cụ áp vào tai, tránh sóng điện từ có thể làm hại não” “ Nguy hiểm thế sao không cấm? Và sao lại có người dùng?” “Thị trường mà cậu! Có cung có cầu. Thời đại này không thể sống mà không dùng điện thoại di động.”
Tôi định nói ở quê tao đâu cần ba cái thứ lằng nhằng này nhưng chẳng lẽ cãi lý với cháu. Rồi tiếng gió cứ ù ù bên tai nên cái câu định nói “ Văn minh gì lạ vậy, biết nguy hại mà vẫn cứ làm ” cũng nằm yên trong đầu.
Thằng Thiện này có tật nói nhiều nhưng tính tốt. Nó là con trai của người chị cả. Ba mẹ mất sớm, chị đã cưu mang tôi ăn học để thành ông giáo làng. Chồng chị là người bủn xỉn, xem đồng tiền rất lớn nên chị phải chắt chiu và lén lút giúp tôi ăn học. Anh mất vì té xe, say rượu, chị bạo bệnh và cũng mất mấy năm sau đó.
Chính thằng cháu lần này ân cần mời tôi về thành phố.
Tôi chưa chịu đi… nhưng dịp giỗ mẹ, nó mua vé xe lửa gửi về để tôi vào Sài Gòn. Vừa đến sân ga, nó hứa: “ Vào bằng xe lửa nhưng chuyến về thế nào cậu cũng phải đi máy bay một lần cho biết”. Tôi còn do dự, nó bồi thêm “Con sẽ xin nghỉ phép để đưa cậu về, sẵn dịp thăm quê. Hai cậu cháu cùng bay, lo gì”
Thế mà… công việc đột xuất đã giữ chân nó lại. Chỉ còn mình tôi phải thui thủi “bay” một mình…

&

Sau khi ngồi xuống chừng mấy phút thì có một cô gái trạc 20 ngồi vào ghế bên trái. Miệng mũi cô bịt khẩu trang bằng vải trắng có in những chấm nhỏ màu hồng. Chưa kịp buông mình cô đã lấy điện thoại ra nói chuyện với bạn trai một lát rồi mới tắt máy. Suốt cuộc đàm thoại tôi không thấy cô ta gỡ khẩu trang. Lý do vệ sinh? Tôi thấy có mấy vết bẩn vì bụi đường.
Ngồi yên một lát, cô lấy một chiếc tai nghe ( giờ thì tôi biết là cái gì và đã tận mắt trông thấy) gắn vào chiếc điện thoại rồi ngả lưng ghế về phía sau, nhắm mắt lim dim nghe nhạc.
Chừng 10 phút sau có người thiếu phụ chừng 35-40 tuổi, ăn mặc thật sành điệu, váy đen sơ mi trắng, áo vest xám… bộ dạng chắc là đại gia như báo chí thường mô tả. Tôi đứng lên để dọn dường cho bà ta ngồi gần cửa sổ.
Vừa ngồi xuống là bà ta lấy kính râm ra đeo rồi cũng hạ lưng ghế, ngã người ra sau.
Trên trần máy bay tôi thấy có mấy cái nút mà tôi chẳng biết công dụng, nên định hỏi. Quay qua trái, cô bé còn giữ nguyên chiếc khẩu trang và đang nghe nhạc. Thực ra tuổi cô bé chỉ đáng học trò hay con cháu tôi thôi, thế nhưng thái độ xa cách ấy làm tôi e ngại.. Nhìn bên phải, thiếu phụ đang thiêm thiếp. Chẳng dám phiền vì những câu hỏi ngớ ngẩn của mình nên tôi đành ngồi im.
Trên mặt sau của lưng ghế ở hàng phía trước tôi thấy có mấy tờ tạp chí. Tôi lấy tờ Heritage Fashion ra xem. Chả có gì để đọc. Tôi nhìn các kiểu quần áo sắc màu rực rỡ một lát rồi lật nhanh qua các trang quảng cáo. Resort Furama Đà Nẵng thật bắt mắt. Giữa hai hàng dừa, một cô gái thân trần, đội mũ dứa rộng vành, ngồi quay lưng nhìn ra biển… cạnh đó là hình chụp các phòng ốc sang trọng mà tôi thầm nghĩ, nếu bán căn nhà ở quê và tất cả tài sản dành dụm một đời… không biết mình có thể trang trải chi phí ăn ở được mấy hôm.
Câu hỏi ấy làm tôi thoáng buồn nhưng những trang quảng cáo khác làm tôi bật cười. “Alipa., tăng cường và phục hồi sinh lực phái mạnh”: trang bên cạnh còn có phần dành cho quý bà : “Sâm Angel. : women’s Ginseng phục hồi tuổi xuân: sức khoẻ, sắc đẹp và sinh lý nữ.” “Chà, tôi tắc lưỡi. Thời này nam nữ… lấy nhau chưa đầy năm đã li dị. Xã hội không còn tình yêu nhưng chuyện làm tình hình như đang nở rộ.”
Tôi buông tờ báo, đặt vào chỗ cũ.

Qua khe hở giữa hai hàng ghế, tôi nhìn về phía trước. Băng trước cũng chẳng ai nói chuyện với ai. Có mấy cậu thanh niên đang chơi game. Nhìn qua hàng bên trái tôi thấy có ba nữ tu, họ cũng đang lim dim cầu nguyện. Quay ra hàng sau tôi thấy có mấy người đọc báo. Có một thanh niên đang say sưa đọc tờ bóng đá. Chắc anh là người ham mê thể thao và ưa vận động.

Ngồi giữa hai người đàn bà thế mà chẳng nói được câu nào. Đúng là âm thịnh dương suy! Tôi tiếc nuối. Phải chi có thằng cháu líu lo như lúc nãy thì hai cậu cháu tha hồ tám chuyện.
Chẳng biết làm gì, tôi nghiêng đầu nhìn ra khung cửa sổ. Từng đám mây bên dưới trôi lặng lẽ. Có những áng mây tản mác, lờ đờ, hình thù như những chiếc lông gà, có chỗ to dày, mềm mại như một tấm nệm vĩ đại. Trên mặt nệm chỗ nhô cao, chỗ lõm xuống. Lúc máy bay đảo nghiêng, tôi còn thấy những con đường đất ngoằn nghoèo hiện lên giữa những mái lá xanh… còn những căn nhà, ao hồ, cây cỏ… như những chấm đen bé tí.
Máy bay bay qua vùng trũng, rớt vào khoảng không.
Cô gái bên trái đang ngồi vòng tay, giật mình nhìn qua lại rồi tiếp tục nghe nhạc. Tiếp viên nhắc hành khách cài dây an toàn dựng đứng lưng ghế. Thiếu phụ bên phải trở mình, chỉ mở mắt chừng vài giây, đủ để kiểm tra dây an toàn rồi tiếp tục ngã vai về phía thành cửa sổ. Nhưng có lẽ thế ngồi không thoải mái, bà ta ngồi thẳng người, tỉnh ngủ. Khuôn mặt bà có vẻ mỏi mệt. Thấy tôi nhìn, bà nghiêm mặt, lật lật tờ báo nhưng cuối cùng bỏ xuống rồi rút xấp hồ sơ trong túi xách ra xem. Tôi nghĩ bà không muốn ai làm phiền và đang tính toán những công việc sắp tới.

Tiếng loa vang lên : “Máy bay đang giảm độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Xin quý khách vui lòng cài dây an toàn, dựng thẳng đứng lưng ghế…”
Ba nữ tu hàng bên trái ngồi vươn vai, duỗi thẳng tay và áp trán vào lưng ghế phía trước..
Cô gái phía trái xoả tóc… sửa lại mái tóc, cuộn thành một bó tròn trên đỉnh đầu…
Nhìn nét mặt mọi người, ai nấy cũng đều khẩn trương.
Và tôi ngồi im gần suốt chuyến bay mà chẳng trò chuyện được với ai.

Táy máy tôi sờ thử cái nút đen nằm trên trần máy bay.Thấy nó lung lay, tôi vặn thử. Một luồng gió lạnh ùa ra làm tôi giật mình. Vội đóng lại. Loay hoay thế nào, tôi đụng cái nút khác làm đèn bật sáng. Hai người đàn bà người bên trái, kẻ bên phải, cùng lúc mở to mắt, nhìn tôi.Vội tắt, nhưng lính quýnh thế nào, tôi lại chạm tay vào chiếc nút màu vàng. Một cô tiếp viên chạy đến: “Thưa bác cần gì ạ? ” Tôi đỏ mặt ..à, à.. rồi lắc lắc đầu…à à.. xin lỗi… Chắc khuôn mặt tôi lúc đó trông buồn cười lắm.
Lúc cô tiếp viên quay đi, tôi chợt nhận ra đây là cuộc đối thoại duy nhất mà tôi có được trong suốt cuộc hành trình.

Ngồi bất động gần hai tiếng đồng hồ, cuối cùng rồi máy bay cũng chuẩn bị hạ cánh.
Mặc dù tiếp viên đã nhắc nhở mọi người phải tắt điện thoại di động và các thiết bị thu phát sóng FM cho đến khi máy bay dừng hẳn nhưng tôi đã thấy ai cũng đều nhốn nháo và vội vàng.
Nhiều người réo gọi nhau ầm ĩ. Có mấy người rút điện thoại oang oang báo tin cho người thân, bạn bè là mình đã đến. Có kẻ huyên thiên, có người ngắn gọn. Có người lặng lẽ nhắn tin.
Thiếu phụ ngồi bên phải vươn vai rồi uể oải gọi tài xế đem xe đến đón.
Cô bên trái lấy một chiếc gương con từ túi xách, thoa thêm chút son môi.
Tôi cũng chuẩn bị bước xuống.
Chỉ có hành lý xách tay nên tôi không phải đợi. Rảo bước ra ngoài.
Đi bên tôi là một người có dáng dong dỏng cao, người hơi gầy, chỉ có cái bụng bia là hơi quá khổ. Nhìn kỹ tôi nhận ra anh thanh niên ngồi ở băng sau. Anh xếp tờ bóng đá bỏ vào túi xách rồi châm thuốc hút. Tôi thấy anh hít vội vàng. Kéo hơi dài như đang hút thuốc lào. Thở khói. Và khạc nhổ.
Trên đầu anh ta tôi nhìn tấm pano quảng cáo có vẽ chiếc điện thoại thời trang. Dưới đó có ghi chữ : “Noki…, kết nối mọi lúc mọi nơi.”
À, À… Phương tiện liên lạc chỉ dùng để kết nối những người ở xa.

TRƯƠNG VĂN DÂN
SÀI GÒN 9/2014

VỀ VỚI HƯ KHÔNG

truongvandan

…Cùng với sự xuất hiện không được chào mời của cơn ho, tôi vừa được nhắc nhở rằng cái ngày cuối cùng sắp đến. Giây phút hiếm hoi, chỉ xuất hiện một lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng của một kiếp người.
Có ai đó nói rằng một người sắp chết thường nhìn thấy toàn bộ cuộc đời của mình trong những phút giây chớp nhoáng cuối cùng. Còn tôi, tôi chẳng nhìn thấy gì rõ rệt. Chỉ thấy những xáo trộn của một chuyển hoá, như những bức ảnh trong một cuốn phim quay nhanh mà không có hình thù nào rõ nét.
Tôi là ai?
Là con Gấm? Là đứa bé bị đời bạc đãi, là người con gái trôi sông lạc chợ, bám víu vào những cuộc hôn nhân, thực chất là những bè gỗ mục, chấp chới giữa dòng chảy xiết? Tôi là kết tinh của sự bất hạnh hay là người đàn bà được yêu, được vỗ về, che chở để có thể tự cho mình là người hạnh phúc nhất trần gian? Tôi là một, hay là tất cả những hình ảnh phản chiếu từ những chiếc gương xung quanh mình do cuộc đời sắp đặt: Tôi phản chiếu thành bóng trên gương và bóng phản chiếu lên những tấm gương khác, tạo thành những chuỗi hình ảnh vô cùng, vô tận. Phản chiếu của phản chiếu, hình ảnh của hình ảnh cùng với tiếng vọng của âm thanh có pha lẫn giọng cười, tiếng khóc?
Nhiều ý nghĩ trôi qua mà thực sự tôi chẳng biết mình là ai. Có lẽ xưa nay tôi chỉ nhìn tôi qua những ảo ảnh và nhận biết diện mạo của mình qua ánh mắt phán xét của tha nhân. Tất cả thực ảo lẫn lộn. Không thể phân biệt. Không có khởi đầu, không có kết thúc. Không có trung tâm, không có ngoại giới. Chỉ có một chuỗi hình ảnh, âm thanh, mùi vị, ý nghĩ, hành động liên tục nối tiếp nhau với trùng trùng nghiệp chướng. Và trong cái vòng xoay của màn luân vũ quay cuồng tôi đã thành người như mọi người, như mong muốn của đời… phản kháng hay tuân phục theo ý chí của gia đình và bối cảnh xã hội. Tôi đã mang trên người vô vàn cảm xúc, buồn giận, yêu thương, ngọt ngào, cáu gắt … và tâm trạng liên miên hoán đổi. Liên miên biến hoá. Tôi đã thích ứng, đổi thay…và cuối cùng mọi thứ trộn lẫn, chẳng có gì nguyên vẹn, như thể chưa từng tồn tại một ý nghĩ, một tư tưởng hay hình hài gì…mà chỉ có những chuyển đổi nối tiếp nhau rồi mờ nhạt thành một thứ vật chất và tâm linh hỗn độn.
Tôi là ai? Là hình thể của giây phút hiện tại hay tập hợp của muôn vàn khuôn mặt, trong quá khứ, vị lai, mang đủ hạnh phúc, khổ đau, tài hoa, mê muội, sức khoẻ và bệnh tật rồi bây giờ chuẩn bị bước vào cõi vô sinh vô diệt?
Trước đây, qua các truyện cổ tích tôi đã mong được trường sinh bất tử. Các truyện thần thoại mê hoặc tôi. Nó làm tôi mơ mộng và lãng mạn. Chỉ đến khi bệnh tật tôi mới nhận thức được rằng, như tất cả mọi vật thể, mỗi ngày trôi qua thì tôi cũng đang tiến gần đến sự huỷ diệt. Mỗi ngày…tôi đang bước đến gần ngôi mộ của mình. Con Gấm ngày hôm qua khác với con Gấm ngày hôm nay, và lúc này, lúc sau, nó sẽ đổi khác…Mỗi thời khắc trôi qua là con Gấm sống và tự giết chết một phần của chính mình. Những tế bào này chết, những tế bào khác sinh ra. Con Gấm thay đổi, tự bác bỏ, tự mâu thuẫn, tự hoài nghi giữa đúng và sai, giữa chân lý và sai lầm…và đó chính là sự trưởng thành, là sự hoà nhập vào hiện thực cuộc sống thiên hình vạn trạng.

Một cơn ho chí tử nữa vừa ập đến.
Ngực tôi như muốn nổ bùng.
Và đất trời yên ắng bỗng chao đảo như sụp đổ.
Nó sẽ vỡ từng mảng và đổ ụp xuống trần gian.
Tôi còn bao nhiêu thời gian nữa ?
Từ đây đến “đó” còn bao xa ?
Những thời khắc còn lại mình sẽ phải làm gì ?

Hỏi thế nhưng tôi bỗng nhận ra là mình chẳng còn gì để làm nữa cả, vĩnh viễn chẳng còn gì để làm nữa cả.

Bây giờ không.
Ngày mai không.
Mãi mãi sẽ không.

Tôi hít một hơi dài và thấy lòng nhẹ hơn bao giờ hết. Tất cả mọi vật dường như hoà nhập vào trong tôi và chỉ trong giây lát mọi băn khoăn lo nghĩ bỗng tan biến như mây khói. Một niềm vui, phấn khởi vươn tới một chuyển hoá mới mẻ bỗng xuyên suốt và bừng nở trong người tôi. Trong giây phút tôi thấy mình sắp được giải thoát. Thoát khỏi chính mình. Thoát khỏi mọi hệ luỵ của đời mình. Nhẹ hẳn người đi, tôi thấy một cái gì lâng lâng, như một niềm sảng khoái chưa từng thấy. Trái tim và da thịt tôi như bừng sáng, như vừa hiểu là mình sắp bay qua tuyệt vọng.

Thái độ trầm tĩnh và sung sướng ấy làm cho chính tôi cũng phải ngạc nhiên.

Ngước mắt nhìn mây trắng trên bầu trời xanh lơ, lấp loáng sau những vòm cây lòng tôi bỗng dâng lên một cảm xúc lạ lùng. Gió lay động lá cành, như một vật xúc tác, một cái nút điện mà lâu nay tôi từng mò mẫm trong bóng tối đã bật sáng cho thấy tâm mình bình lặng, xua tan bóng tối sợ hãi.

Bỗng dưng tôi tưởng như chính mình đang bồng bềnh bay trong một cõi mà thời gian không còn ý nghĩa. Bản hòa tấu thánh thót của chim chóc, sâu bọ dọc bờ sông như không làm tan biến đi cái tĩnh lặng của thinh không mà chỉ làm sâu thêm cái tĩnh lặng thăm thẳm của tâm linh. Một cảm giác thanh thản lan khắp cơ thể. Bất chợt, tôi thấy mình bay lên cao. Lên cao. Trước mắt tôi là một nơi chốn lạ lùng. Tôi chưa bao giờ đến đây nhưng cảm thấy vùng không gian xung quanh này đang bao bọc lấy mình bằng một sự thân mật khác thường. Cứ như thể mỗi khoảng tối sáng đều đang thể hiện sức hút của nó, giống như sức hút của lỗ đen với các hành tinh trong vũ trụ và nó chi phối mọi chuyển động của mình.
Chỉ đến khi tỉnh táo vì bắt đầu giữ được thăng bằng tôi mới quay nhìn cảnh vật chung quanh. Tôi lần lượt nhìn các thành phố…. Sài Gòn, Hà Nội…Bắc Kinh, Thượng Hải, Bangkok hoa đèn rực rỡ…. Tôi thích thú ngắm các đỉnh của dãy Hy Mã Lạp Sơn, nhìn những dải băng chảy dài theo dốc núi, ngắm các thác nước bọt tung trắng xoá, đổ ào ào từ đỉnh cao xuống các thung lũng. Tôi nhìn thấy dòng Mêkông uốn khúc, trắng như một dải lụa giữa trời xanh, chỉ tiếc là sự phấp phới đã bị gián đọan bởi những nút gút xù xì, có lẽ đó là những con đập Tiểu Loan, Mạn Loan bên Trung Quốc hay các thanh chắn nằm trên lãnh thổ Thái Lan, Cam Bốt hay trên đất nước Triệu Voi. Ở rải rác trên triền núi tôi còn thấy các tu viện hay những ngôi nhà xinh xắn nằm giữa vách đá chon von, như ẩn mình trong khe núi rộng. Và bao trùm lên tất cả là một màu của núi rừng xanh ngắt, tràn đầy sức sống và niềm vui. Lần đầu tiên trong đời mình tôi thoát khỏi cái thế giới bé nhỏ và chật hẹp của mình. Tôi không thể không nhìn mà không thấy lòng ngây ngất. Có lẽ hàng ngàn năm nay các dinh lũy khổng lồ của tạo hoá vẫn ngự trị trên thế giới này mà tôi nào hay biết. Vũ trụ to rộng ngoài sức tưởng tượng. Mà nếu không có được chuyến bay thật tình cờ này chắc hẳn tôi chỉ có thể tan rữa trong các nấm mồ và không bao giờ biết là cái thế giới này vẫn còn bao điều diệu kỳ và huyền bí.

Sự hiện hữu của tôi trước đây chỉ trôi qua trong một không gian bé tí, chỉ vừa đủ để chui ra chui vào, bước qua bước lại.
Giống như một kẻ quen nghe những âm thanh u uất của độc huyền cầm, rồi, bất ngờ, choáng váng trước dòng thác âm thanh của một dàn nhạc khổng lồ.Tâm hồn tôi rạo rực, như rung lên theo từng cung bậc và màu sắc mờ ảo mà thiên nhiên vừa hé ra cho thấy. Tôi nghe, tôi nhìn không chán mắt.
Gió lồng lộng.
Tôi chợt nghe từ trong không gian có những tiếng lùng bùng, khi thưa thớt, khi dồn dập. Tôi ngẩn ngơ vì chưa biết đó là âm thanh gì, nhưng có lẽ đó không phải là tiếng sấm. Bởi nắng còn chiếu sáng. Chói chang. Nắng. Gió. Cuối cùng tôi mở được cánh cửa bước vào khoảng không và bám vào một áng mây.Tựa mình vào đó tôi đắm mình trong cảm giác êm ấm hoàn toàn mới mẻ. Tôi vẫn nhìn xung quanh với một sự háo hức kỳ lạ. Tôi ngắm không chán mọi cảnh vật đang hiện ra trước mắt. Dường như chẳng còn ý nghĩ nào của tôi quay về quãng đời xưa cũ. Về quá khứ hay những gì đã trải qua. Tôi chẳng còn nhớ gì đến làng mạc, quê hương, ngay cả cái tôi hôm qua của mình cũng quên hết. Tôi nhìn như uống cạn đến giọt cuối cùng cái màn hình vĩ đại đang đổi màu, và sự ngất ngây đó đang làm tiếng đập trái tim của tôi trở nên âm vang và mạnh mẽ hơn.
Tôi mê mải chiêm ngưỡng cái sân khấu khổng lồ và phong cảnh bài trí thay đổi liên tục, hết lớp này đến lớp khác, tầng tầng lớp lớp.
Có lẽ chưa lần nào trong đời mình tôi có thể quan sát thiên nhiên chăm chú và tuyệt vời như vậy.Có lẽ chưa bao giờ tôi đắm mình trong say mê và xúc động đến thế. Tôi như chỉ hướng thẳng vào thiên nhiên và hoàn toàn quên bẵng cả thời gian và bản thân mình.
Trong đầu tôi, tâm trí tôi hoàn toàn trống rỗng, và thấy mình cứ bay như vậy, thoải mái cảm nhận thật đầy đủ là mình không còn lệ thuộc vào thời gian.Tôi chẳng còn phải tất bật ngược xuôi với những chiếc kim đồng hồ, cuốn theo tiếng tích tắc vô nghĩa mà đầy thúc giục của nó rồi vật vờ trôi đi như con thuyền không mái chèo cuốn theo dòng nước.
Đột ngột tôi thấy hơi lạnh của độ cao trên thân thể mình. Tất cả xao động. Tất cả biến đổi. Chỉ có sự nhận thức là mọi chuyển biến đều không tránh khỏi là còn ở lại.Và tôi thả rơi cái tôi của mình trong cảm giác tự xoá mà không đau đớn, sẵn sàng hoà nhập và chìm trong mênh mông. Từ trên cao nhìn xuống tôi thấy khói sương.Tất cả núi sông, thành quách, nhà cửa…dưới trần gian bỗng thu nhỏ lại, dần dần biến mất.
Tất cả chỉ còn là khoảng không. Vô tận và mờ ảo.
Bản ngã, vô ngã sắp hoà vào đại ngã.

TRƯƠNG VĂN DÂN