ký ức

dunga

Mưa
Cho tôi thấy em
Thuở thì xanh
Vai nghiêng tóc duỗi
Má sen ngày đắm đuối
Tay ngó thơm từng giọt thuôn dài

Mưa
Cho tôi thấy tôi
Lá sẫm cây ướt chiều
Hai mi đường cô độc
Con mắt đêm đổ vào tay rỗng quạnh hiu

Mưa
Không ai thấy ai
Về chìm dầm dề lá cỏ
Trôi lịm chân ngày ráng úa
Lướt thướt áo ngày xưa

Mưa
Nỡ dìm chi giấc nhỏ
Suốt mùa mơ.

DU NGÃ

Advertisement

chuyện chép từ Cuốn Sách Cũ (5)

dunga

Tôi rất thích mười ngón tay của tôi. Ba tuổi, tôi đã sử dụng chúng khá thành thạo, để ăn, để chơi, để nghịch và để thể hiện tình yêu với những người trong gia đình. Tôi thích dùng các ngón tay vuốt ve khuôn mặt của mẹ cảm nhận làn da mịn, thơm ngát. Và khi tôi mân mê ti-của-mẹ thì thế giới quanh tôi biến mất, chỉ còn một cõi thần tiên, mặc kệ những ai lêu lêu mắc cỡ tôi.

Thích mười ngón tay mình, tôi cũng rất thích bài hát Finger Family với giai điệu hấp dẫn. Mẹ tôi, sau này, nói là tôi hát suốt ngày bài đó, khi tôi ba tuổi.

Daddy finger, daddy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Mommy finger, Mommy finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Brother finger, Brother finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Sister finger, Sister finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?
Baby finger, Baby finger, where are you?
Here I am, here I am. How do you do?

Có ngón tay ba, ngón tay mẹ, ngón tay anh chị và em bé. Một gia đình ngón tay trên bàn tay bé xíu của tôi.

Mẹ bắt đầu dạy tôi tự cầm muỗng, rửa tay và dần dần tự đánh răng, mặc quần áo, mang giày dép… Mẹ mua cho tôi một hộp màu và cuốn tập tô màu. Nhưng tôi không thích tô mấy cái hình trong sách, vì hễ tôi muốn cho quả đu đủ mặc áo tím, con ếch có bộ da hồng, con cua màu xanh da trời… là người lớn lại chê tôi tô sai với hình mẫu hoặc chê tôi không biết nhìn ra màu. Ghét ghê lắm.

Với người lớn, hình như, chỉ có một thế giới mà họ thấy được bằng mắt. Họ đâu có biết thế giới trẻ con của tôi đầy những sắc màu vô cùng kỳ ảo, đầy những mộng tưởng thần tiên, đầy những phép màu tuyệt diệu. Họ đâu có nghe con nhện ở góc nhà vừa treo cái mạng tí xíu vừa nói chuyện với tôi về những hạt sương long lanh trên cái mạng của nó giăng ngoài sân. Họ cũng đâu có thấy sáng sáng tôi vui đùa cùng Phù Thủy và Bốn Con Ma ở bốn góc mùng.

Tôi muốn tự nguệch ngoạc mọi thứ theo ý mình nên mẹ cho tôi một cuốn vở giấy trắng. Nhưng vẽ trên tờ giấy nhỏ tí tẹo và luôn bị tôi xé vụn ra rắc đầy nhà, cũng không làm tôi hứng thú được bao lăm. Tôi thích vẽ những hình ảnh của tôi trên tường nhà, những bức tường trắng, rộng lớn, thỏa thích cho tôi vung bút và quan trọng hơn là chúng tồn tại rất lâu. Ở nhà tôi, ở nhà ông bà nội, ở nhà ông bà ngoại, ở đâu cũng có những bức tường cho tôi vẽ cả. Ở đâu, cũng đầy những vệt thẳng nghiêng ngã, những vệt ngang xiên xẹo, những vệt cong xoắn xít rối rắm… Chúng có khi là những hàng cây, những hạt mưa, những con đường, những vòm lá, những đám mây… trong trí tưởng thơ bé. Có vẻ như không ai thích thú và khuyến khích tôi ở cái trò vẽ vời này. Nhưng được cái, không ai la mắng tôi trầm trọng, họa chăng là chút càm ràm, chút lắc đầu, chút chép miệng… Với họ, những hình vẽ của tôi sẽ không tồn tại lâu, vĩnh cửu như tôi nghĩ.

Mãi sau này, khi lớn lên, tôi mới hình dung cái lý do của một đứa bé chỉ thích vẽ lên tường những đường nét nguệch ngoạc.

Tôi có nhiều thứ của tôi : thú bông, đồ chơi, quần áo giày dép mũ nón. Tôi có ông bà ba mẹ và người thân của tôi. Tôi có căn nhà của tôi. Nhưng những thứ đó là những cái bên ngoài, được sắm sửa cho tôi, chứ không phải cái-tự-có-trong-bản-thân-tôi. Chỉ qua suy nghĩ của tôi, qua ngón tay tôi, qua công cụ là cây bút, tôi mới tự làm nên thế giới của riêng mình. Khi đè những nét chì lên tường, tôi đang là một đấng sáng thế. Tôi không muốn thế giới của tôi mai một trên tờ giấy nhỏ, tôi muốn chúng tồn tại trên những bức tường cứng chắc và rộng lớn, vĩnh cửu đối với tôi.

Đó là niềm vui sáng tạo mà Thượng Để muốn chia sẻ cho con người. Ngài đã đặt nó ngay trong sâu thẳm của từng đứa bé và thúc dục nó thể hiện từ khi biết ngọ ngoạy mười ngón tay xinh…

DU NGÃ

ký ức noel

dunga
Sắp Noel. Chợt nhớ xóm nhỏ ngày xưa ở ven thị xã.

Có ba lối để đi ra khỏi xóm, một là băng qua chiếc cầu nhỏ bắc qua con mương lọt thỏm giữa một cái bàu nước rộng mênh mông là bèo xanh sang xóm Tân A, hai lối kia dẫn ra lộ lớn đều phải đi qua những xóm đạo. Bên kia con lộ là xứ đạo chính, gần như toàn tòng, nhà cửa xúm xít lô xô trong một mê hồn trận những con hẻm nhỏ quanh nhà thờ Chính Trạch với tháp chuông cao và cái sân rộng càng thênh thang hơn trong những trưa ngập nắng.
Xóm của tôi gồm những người lương, hoặc theo đạo Phật, nên dù muốn dù không cũng có một khoảng cách với những cư dân có đạo chung quanh.

Đa phần các xứ đạo ở Đà Nẵng thời đó đều là dân di cư từ vùng Quảng Bình vào, tiếng nói khác thung thổ rất khó nghe rõ, nhất là khi người ngoài đó thường nói rất nhanh, như chim hót và trộn lẫn rất nhiều phương ngữ.
Tôi lóm thóm biết nước là “nát”, ruột là “rọt”, sân là “cưi”, vườn sau là “nương”, quét nhà là “suốt nhà” v.v…

Các xứ đạo đều nổi tiếng là “hung” – từ Chính Trạch đến Tam Tòa, Thanh Bồ, Đức Lợi. Sau này, hiểu ra người ta bỏ làng mạc quê hương vào Nam, dẫu sao thì cũng mang tiếng ở nhờ, riết rồi phải tự co cụm, hung dữ để tự bảo vệ mình, khỏi bị dân tại chỗ ăn hiếp…
Những điều đó cộng thêm niềm tin tôn giáo khác nhau, làm con người xa rời, thù nghịch nhau.
Bọn con nít tôi chưa bao giờ dám đặt chân vào các xóm đạo, vì sẽ có đủ lý do để bị ăn đòn, mà thường là đòn hội chợ.
Và ngay ở trong xóm mình, khi bọn tôi đang chơi đùa, lũ trẻ con xóm đạo có thể ngang ngược phá rối, đá tung những chồng hình đang chơi tán, trấn lột mấy viên bi…, mà chúng tôi đành nhịn không dám ho he. Bởi ho he thì có đường mô mà ra khỏi xóm đi chơi đi học.
Nhưng cũng ấm ức trong lòng lắm!
Thành ra khắc sâu vào trong đầu: dân đạo không tốt.
Người ta đồn đãi nào nước thánh làm phép ngâm từ xương trẻ con, nào dưới nhà thờ có hầm bí mật của mấy ông cần-lao (ý đảng Cần lao Nhân vị của ông Nhu) để tra tấn rồi thủ tiêu mấy người Phật giáo. Thỉnh thoảng đi ngang nhà thờ, thấy thấp thoáng bóng cha xứ, mấy bà xơ áo chùng đen, nghe tiếng kinh nguyện rì rầm tưởng chừng như thấy một thế giới bí hiểm, xa vời, huyền hoặc và đáng sợ.

Cái thế giới đó lạnh lùng suốt một năm, rồi bỗng nhiên tưng bừng lên vào những ngày cuối Chạp. Khi thấy những chiếc lồng đèn ngôi sao ngũ sắc được treo lên, những tua kim tuyến lấp lánh trong gió, chúng tôi biết sắp đến Noel và tự nhiên, trong lòng cũng thấy náo nức, dù mình chả có dính dáng một tí teo nào đến ngày lễ đó cả.
Trẻ con mà!

DU NGÃ

thân phận bọt bèo

dunga

Thuở nhỏ, đến mùa hè, cả nhà lại chuyển giường chõng ra ngủ ngoài sân. Trong căn nhà bé nhỏ, chật chội lợp tôn, không khí ngột ngạt nóng bức, không tài nào chợp mắt nổi. Với đám trẻ con đó là một trong những điều thích chí nhất.
Những đêm có trăng, ánh trăng dìu dịu đi suốt khoảng sân đầy bóng lá, đi tận vào trong giấc ngủ với những làn gió mát rượi. Những đêm không trăng, bầu trời lại vằng vặc đầy sao, hàng triệu tinh tú nhấp nhánh trong không gian trong vắt và tinh sạch của làng mạc chưa có chút khói bụi ô nhiễm thuở ấy.
Một trong những đêm vằng vặc sao ấy bỗng nhiên trở thành một ám ảnh cho đầu óc một thằng bé mới lên mười. Một thằng bé ham đọc, ngấu nghiến cái tủ sách đủ loại dành cho người lớn của bà chị đầu, bị những khái niệm siêu thực, hiện sinh, vực thẳm… làm bối rối.
Nó nhìn lên không trung sâu thẳm, nghĩ tới những chiều kích vô cùng của vũ trụ, để thấy, trái đất này chỉ là một hạt bụi giữa những thiên hà và con người và NÓ còn nhỏ bé hơn hạt bụi trái đất, quá mong manh, quá vô nghĩa, quá chừng vô nghĩa. Những chuyện nó đang làm, nó đang học, nó đang ước mơ… tất cả đều VÔ NGHĨA.
Nó như đang đứng trên một rìa núi, cô đơn, nhìn xuống cái vực thẳm hun hút của vô cùng.
Anh em nó, đang cuộn tròn trong chăn, say ngủ, chỉ mình nó thao thức với ngàn sao, với vũ trụ, với thân phận tí xíu của con người. Cái vô cùng đè bẹp nó, gây sốc nó.
Và hôm sau, nó đổ bệnh, ban đầu chỉ là cơn sốt gây gây, rồi nặng thêm, nó sốt bừng bừng, một cơn bệnh của kiếp người đổ lên một thân thể bé nhỏ, một trí óc bé nhỏ, yếu đuối không đủ sức chống chọi.
Nó chỉ muốn chết. Vì có gì đâu nữa để mà sống, một kiếp người bèo bọt, phù du.

Qua đi cơn bệnh, nó như trở thành một người khác, bất thường với cái tuổi lên mười. Nó rời khỏi những chuyện vui đùa của lứa tuổi, rút vào nội tâm, tự suy nghiệm, tự lý giải. Nó nhìn đến những người lớn tuổi hơn, hỏi han, tìm tòi một câu trả lời cho câu hỏi vô vọng của nó.

Cho đến một ngày, nó đọc một cuốn sách. Cuốn sách bình thường của lứa tuổi nó, kể về một đứa bé, được người ngoài hành tinh, đưa vào vũ trụ, đi xuyên qua các vì sao. Khi trở lại trái đất, đứa bé cũng đổ bệnh. Nhờ một ông thầy lang – ông Khờ, ẩn dật trong rừng, cứu chữa, cho đứa bé uống thảo dược, chỉ cho nó thấy một thế giới nhỏ bé của cây lá, của bươm bướm chuồn chuồn, của giun dế, của côn trùng. Một thế giới cực kỳ bé nhỏ so với những thiên hà, những vì sao. Thế giới bé nhỏ đó giúp nó cân bằng. Hình như là một cuốn truyện trong tủ sách Tuổi Hoa.
Thằng bé, như nhân vật trong sách, chợt bừng tỉnh, như một thiền sư hoát ngộ. Nó rời khỏi cái vô vọng của một con người trước vô cùng, trở lại với cuộc đời, an nhiên và minh triết.

Mãi sau và rất lâu, thằng bé trở thành một người đàn ông luống tuổi. Ông ấy tìm lại cuốn sách cứu vớt ông ngày xưa, và đọc lại những giòng chữ:
“Em độc giả thân yêu, em hãy thử đặt mình vào trường hợp của Sĩ Nhân? Em sẽ cảm thấy như thế nào? Một đứa bé được nuông chiều, tin mình là trung tâm của vũ trụ, chả có gì quan trọng hơn cậu ta cả! Đứa bé ấy tin tưởng tất cả những sáng tạo đều thoả mãn nhu cầu và ý thích của cậu ta: các con vật quen thuộc, các cánh đồng, các rừng, các bầu trời đầy sao… Đứa bé cảm thấy chinh phục được tất cả, khuất phục được tất cả, kể cả bầu trời… cho đến lúc đứa bé ấy đã khám phá được mình chỉ là một sinh vật bé tí ti, bé hơn cả một hạt bụi bơ vơ trong vũ trụ bao la ngút ngàn. Địa cầu đối với cậu ta dường như quá rộng, cũng chỉ là một vật bé nhỏ trong vũ trụ mênh mông!”

“Còn rất nhiều lãnh vực chưa được khám phá ! Sự kỳ diệu lướt trước mắt chúng ta, nhưng muốn khám phá, chúng ta phải cần có đôi mắt trẻ thơ.
Ðây là lần đầu tiên, cậu bé trở lại chỗ đáp phi thuyền.
Chim chóc hót vang chào đón khách. Ngôi chòi của ông Khờ vẫn im lặng, nằm khiêm nhượng trong rừng…”
_______

Trong truyện, Sĩ Nhân ở trong một căn nhà màu hồng. Và có một đóa hồng trong đoạn kết. Một đóa hồng rất quan trọng cho một con người, khi người ta đứng giữa sa mạc mênh mông của Cõi Người Ta, như đóa hồng của Hoàng Tử Bé – Saint Exupery.
Một đóa hồng duy nhất của một đời người.

DU NGÃ

hoa lưu ly

dunga

1.
Có bao giờ bạn uống bia với một phụ nữ chưa? Một người-đàn-bà-uống (nhại người-đàn-bà-hát í mà) đích thực, chứ không phải những quý cô làm cảnh cho bữa nhậu.

Nhìn một người đàn bà Tây uống rượu bia, hút thuốc, bạn thấy cũng bình thường như… bông hường phải không. Chắc chắc bạn không gợn gì trong lòng cái suy nghĩ đó là đàn bà… hư, hay nhẹ hơn một chút, đàn bà chơi bời!

Đừng nói chi tới đàn bà Tây, đàn bà Việt thôi, nhưng già già (nghĩa là hết thời xuân sắc rồi), thì chuyện hút thuốc uống rượu lại bình thường. Xóm làng nào cũng có những “bà già chịu chơi” đó, sáng ra, chiều xuống ghé tiệm chạp phô mần vài ly đế là chuyện nhỏ như… ngọn cỏ. Còn hút thuốc, chơi luôn cả điếu sâu kèn Cẩm Lệ mới kinh!

Vậy nhưng sao một quý cô xinh đẹp tự dưng trở thành người không đứng đắn khi cầm ly bia, kẹp điếu thuốc như mọi quý ông! Giống gái làng chơi, các em út quán bar chăng? Hỏi là đã trả lời phải không bạn!

Bạn ủng hộ nam nữ bình quyền, nhưng gai lòng khi thấy một quý cô “giành” mất cái độc quyền của đàn ông: rượu bia, thuốc lá.

2.
Được nhậu (có bia rượu, có thuốc lá) bình đẳng với đàn bà là hạnh phúc của người đàn ông, (chứ không phải là ngược lại). Bạn Heniken ư, nàng sẽ Tiger chai; bạn 3 số ư, nàng sẽ Con Mèo; cuối buổi, Campuchia, nàng sẽ móc ví, góp độ như mọi chàng khác.

Bạn sẽ không lo hỏi han suốt buổi: “Em ăn gì?”, “Em uống Coca nhé!”

Bạn không phải lo đưa nàng về, vì có khi xét về tửu lượng nàng dư sức bỏ bạn vào trong túi (túi xách, tất nhiên, hổng phải túi quần, hehe).

Và tất nhiên, nàng vẫn là đàn bà với đủ nét quyến rũ, mê hoặc cả đám đàn ông!

Há không thú vị sao?

3.
Chỉ có một thắc mắc nhỏ cho người: khói thuốc có ám vào người nàng, tóc nàng làm mất đi hương thơm của đàn bà. Vì sao, vì sau một bữa nhậu tè le tét lét, ngày hôm sau, ngửi cái áo của mình, nghe sặc sụa mùi khói thuốc!

Chỉ có một thắc mắc nhỏ cho mình: hổng biết có giữ nổi phong độ để nhậu với các nàng, chớ nửa chừng say bét nhè mà quý nàng vẫn tỉnh bơ thì… xong phim!

Để phân biệt với các chàng Lưu Linh, hãy gọi nàng là Hoa Lưu Ly.

DU NGÃ

sao lạ

dunga

1.
Trước Giáng Sinh, người Công giáo có một thời gian phụng vụ, gọi là Mùa Vọng Giáng Sinh, phẩm phục các vị chủ lễ màu tím, màu của mong đợi, hối lỗi, tinh sạch.

Trong mùa này, tôi thích nhất một bài Thánh Vịnh (những bài ca trong Cựu Ước của dân Do Thái tôn vinh Thiên Chúa) có những câu:

Trời cao hãy đổ sương xuống
Ngàn mây hãy mưa Đấng Cứu Đời.

Khi đó, Chúa Giêxu chưa ra đời, dân Do Thái đang mong chờ Đấng Cứu Thế đến!

Đất Do Thái, dẫu được coi là miền Đất Hứa – chảy đầy sữa và mật ong – thật ra là vùng đất khô cằn, chắc chỉ có cây ô liu là chịu đựng được. Hiện nay, người Do Thái vẫn có một hệ thống tưới cho cây xanh cực kỳ tiết kiệm, tự động hóa hoàn toàn, khi nào cần mới… nhễu cho cây vài giọt đủ sống thôi!!!

Từ đất đai cằn cỗi đang chờ từng giọt mưa để sinh sôi nảy nở, người Do Thái mang tâm tình ngóng trông đó mong chờ từ trời mưa xuống Đấng Cứu Thế cứu rỗi cuộc đời nhân thế quá trầm luân!

Đó cũng là niềm mơ ước chung của nhân loại. Dân ta cũng có câu:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày…

Đất mãi mãi mong mưa! Con người mãi mãi hy vọng!

2.
Có câu chuyện trong Kinh Thánh, một người mang của lễ đến đền thờ để dâng lên Thiên Chúa, anh ta bộc bạch với Ngài là người hàng xóm của anh ta quá tệ và hai người đang có chuyện xích mích với nhau. Thiên Chúa mới bảo anh ta rằng: Con hãy mang của lễ này về, làm lành với người anh em của con đi, rồi hãy quay lại đây! Sự hòa giải với người con ghét bỏ, tức giận, mới là của lễ mà ta cần!

3.
Khi chúa phục sinh, gặp lại các môn đệ, câu chào của người là: Bình an cho các con!

Tôi không biết có câu chào nào hàm chứa sâu xa những hy vọng của con người đến vậy. Chúng ta tìm kiếm gì khi đến với cuộc đời này, có phải là sự bình an. Bình an cho tâm hồn mình, bình an cho anh em mình, bình an cho thế giới mình! Tiền bạc, danh vọng, của cải… có ý nghĩa gì khi không có bình an!

Và đêm Giáng Sinh, từ trời cao thiên sứ hát vang:

Vinh danh Thiên Chúa trên trời!
Bình an cho người dưới thế!

4.
Những điều trên, không phải nói về đạo công giáo, phải không bạn! Dù bạn theo hay không theo bất kỳ một tôn giáo nào, thì mong mỏi hạnh phúc, hòa giải mọi hiềm khích, tìm kiếm sự bình an là những điều ta phải làm, cần làm để thế giới quanh ta như một mầm xanh, được mưa móc, được chăm bón, vươn lên xum xuê dưới ánh sáng!

Ánh sáng của một vì sao lạ!
Rực rỡ trong đêm Giáng Sinh!

DU NGÃ

chuyện bút

dunga

1.Chắc không có nhiều thứ vật dụng gắn bó với con người từ bé đến lớn ngoài áo quần giày dép nón mũ che thân, chén tô bát đĩa đũa muỗng để ăn nhậu và tiền để chi xài…

Có một vật, đã gắn bó với con người từ ngày hồng hoang, còn ăn lông ở lỗ (tức là chưa có đồ che thân, chưa có vật đựng thức ăn và cũng chưa có… tiền) đến tận thời kỹ thuật số này: vật để vẽ viết – cái que, hòn than, cây bút…

Dẫu bây giờ, gõ phím và rê chuột nhiều hơn, cây bút vẫn chưa rời nắp túi áo con người.

Mới quơ quào được tay chân, còn bò lổm ngổm, nếu vớ được cây bút chì, hòn than, cục phấn, con người sẵn sàng vạch những nét sáng tạo đầu tiên.

Đến ngày tay run lẩy bẩy, mắt mờ tai điếc, tuổi già cẩn trọng vẫn còn bắt con người vạch những nét cuối cùng của cái tên mình vào tờ di chúc!

Hầu hết mọi sáng tạo của con người đều bắt nguồn từ cây bút: viết văn, làm thơ, vẽ tranh, kiến trúc, viết nhạc…

Và mọi nền văn minh được lưu lại cho hậu thế cũng bằng cách ghi chép qua ngòi bút. Ngòi bút dẫn dắt con người đi xuyên thời gian không gian, từ bóng đêm mông muội đến ánh sáng hiện đại. Ngòi bút góp phần biến đổi con người từ một-sinh-vật trở thành một-lịch-sử, quán xuyến quá khứ-hiện tại-tương lai.

2.Cây bút gắn với một người, na ná cũng giống như nó từng làm với loài người từ khởi thủy đến nay. Bắt đầu từ hòn than cục phấn, vẽ nhăng nhít cùng nhà, đến cái bút chì – đen cũng như màu – nghuệch ngoạc những nét trên tờ giấy trắng.

Thêm một bước nữa để lớn lên, là lúc nhóc nắm cây bút chì lọng ngọng trong những ngón tay vụng về, tạo ra những nét bút còn vụng về hơn, tô những chữ đầu đời trên trang vở. Hình ảnh một nhóc, bặm môi hay thè lưỡi, vẹo đầu, nghiêng cổ theo từng đường chì là hình ảnh chung của nhân loại khi vẽ những bích họa hình bò ngựa trong các hang động thời đồ đá cổ xưa.

Khi cô giáo cho rời cây bút chì, chuyển qua dùng bút mực, là nhóc đã lớn hơn với những ngón tay cầm bút đã chắc chắn và thành thạo, đi thêm một bước nữa về phía trưởng thành.

3.Tôi được may mắn trong đời mình sử dụng hầu hết các loại bút mực.

Học trò tiểu học dùng bút chấm mực: ngòi lá tre, ngòi rông. Thời này cái bình mực không đổ là phát minh thần kỳ, giúp sách vở, quần áo các ông nhóc thôi loang lổ mực xanh mực tím.

Học trò trung học trở lên, dùng bút máy, bút bi. Cây bút bi xuất hiện ở miền Nam mang hiệu Bic với logo thằng người đầu tròn to. Bút bi là gọi theo bây giờ, chứ thời đó nó có một cái tên rất dữ dội làbút-nguyên-tử. Cái tên này từ đâu ra, hay đó là thời chiến tranh lạnh bom nguyên tử lơ lửng trên đầu thế giới, ám ảnh thời đại vào cây bút; hay ngòi của nó là một viên bi tròn, gợi lên hình ảnh của một nguyên tử! Như cây bút máy, cái tên cũng ám ảnh thời thế giới công nghiệp hóa, chứ máy móc gì đâu, nó chỉ có cái thêm ống đựng mực để cung cấp liên tục cho ngòi bút, khỏi phải chấm như cây bút thường.

Trước 75, miền Nam bút máy là Paker, Pilot. Sau năm 75, tiếp xúc với bút Hồng Hà, bút Kim Tinh từ miền Bắc. Thời khốn khó hậu chiến, có thêm nghề tái chế bút bi, ruột bút dùng xong bơm mực trở lại xài tiếp, gặp phải mực dở có khi dắt bút vào áo, mực chảy ra tè le tùm lum. Đầu bút bi trở thành là món hàng buôn lậu có giá.

Dân học kỹ thuật như bọn tôi, còn được sử dụng bút tire-ligne, một loại bút vẽ chấm mực, điều chỉnh được nét. Môn kỹ nghệ họa (giờ gọi là vẽ kỹ thuật) thời đó rất khắt khe, trên bản vẽ từng loại nét mịn, vừa, lớn… bắt buộc phải có độ dày giống nhau, không sử dụng tire-ligne thành thạo, có nghề, bài tập vẽ có nguy cơ rớt hạng. Sau này được dùng bút kim (chiến nhất là hiệu Rotring), sướng hơn tire-ligne do mỗi cây bút kim có cỡ nét khác nhau, khỏi phải điều chỉnh mệt xác! Bút gì mực đó, với dân kỹ thuật, mực Pelikan là số zách, đen không gì đen hơn, chịu được nước, khó nhòe.

Mê nhạc, tôi được Hạ Ngọc Tể bày cho làm cây bút kẻ 5 dòng: một miếng vỏ hộp diêm được cắt răng cưa 5 đầu nhọn, gắn vào một quản bút, thế là khỏe re như con bò kéo xe, một đường bút là có ngay 5 dòng nhạc đều tăm tắp.

Mê vẽ, tôi cũng từng xài bút lông cho các bức màu nước, panhxô cho các bức sơn dầu.

Chắc chỉ có cây bút lông ngỗng thất truyền là chưa xài thôi!

4.Lên lớp sáu, mẹ thưởng cho tôi cây bút máy. Lâu này thèm thuồng cây bút máy Pilot màu xanh ngọc, ngòi mạ vàng, vội vàng đến nhà sách, khảo giá rồi xin tiền mẹ. Khi mang về nhà săm soi mới phát hiện không phải là cây Pilot mà mình mơ ước. Một cây bút hàng nhái, giống y chang, chỉ có cái hiệu là hổng phải! Chạy ra nhà sách coi lại, cây bút thật có giá… trên trời. Nhà nghèo đâu có dám xin một số tiền lớn vậy!

Đau khổ tràn trề, trằn trọc suốt một đêm!

Hôm sau, vạch ra một kế hoạch liều mạng, lận lưng cây bút nhái, ra hiệu sách hỏi mua cây bút thật, cầm lên đặt xuống săm soi, và thừa cơ cô bán hàng lơ đễnh, tráo cây bút nhái của mình, rồi trả lại. Ông nhóc từ nhỏ đến lớn vốn thiệt thà, giờ làm việc dối trá, ngoài mặt làm bộ tỉnh nhưng trống ngực đánh rầm rầm, ruột gan rối loạn tùng phèo. Đến khi điệp vụ hoàn thành, giả đò bước chậm rãi ra khỏi nhà sách, vừa khuất cửa, ba chân bốn cẳng vội rảo lên, rồi chạy biến vào con hẻm quanh co một lúc mới về nhà.

Sự sung sướng được thỏa lòng ước ao, làm mờ đi mặc cảm tội lỗi. Nhưng vụ dối gạt này cả đời không thể nào quên được.

Cây bút này theo tôi mãi cho đến năm 75 rồi bị đánh mất cùng cái va li trong đêm chạy loạn!

DU NGÃ

ngày đông nhớ

dunga

1.

Cuối năm, trời se lạnh, dậy lên nỗi nhớ quê! Xứ Quảng được nói đến nhiều, rất nhiều, quá nhiều. Mà nhiều nhất có lẽ từ cái sự-tự-nói-về-mình của dân Quảng (xứ nhà báo cũng lắm, nhà văn cũng nhiều)! Thành ra, có viết thêm cái gì sau đây, cũng là muối bỏ biển thôi!

Nhớ lần tình cờ gặp anh bạn đồng xứ trên chuyến tàu. Nghe tôi đi viếng Thánh Địa La Vang, anh đã rất bất bình, ca bài ca vỡ… xứ cho tôi nghe liền: “Ủa,dân Quảng Nam sao lại đi La Vang, mình phải đi Thánh Địa Trà Kiệu chớ! Quê miềng mà!” Nói tình yêu quê hương cuồng nhiệt cũng đúng mà nói cục bộ địa phương cũng chẳng sai! Đố ai thuyết phục được người Quảng, cái gì của xứ Quảng mà đứng… hạng nhì! Gân cổ lên cãi liền, hehe, dân hay cãi mà!

2.
Rồi hai ông tâm sự nhau về… xứ Quảng! Nói tới nói lui một hồi, thấy hai ông Quảng này (hay suy rộng ra mọi người dân xứ Quảng) có những “sở thú”ăn uống sao mà trùng nhau quá đỗi!!!

Kho cá phải có nước cá kho. Ôi, cái thứ nước màu nâu quánh của đường thắng, thơm phức mùi cá, nồng cay của vị ớt vị tiêu, mặn mặn ngọt ngọt, khi chấm rau lang, rau muống… luộc đã tê ngon đầu lưỡi, còn khi chan vào tô cơm nguội buổi xế chiều lúc bụng réo thì tuyệt vời không biết đến chừng nào mà kể!

Nước mắm phải là mắm nguyên chất chỉ dằm ớt! Mọi thứ nước mắm chua ngọt,thậm chí giã thêm tỏi, đều không phải là món gốc Quảng Nam!

Mắm cá xứ Quảng là mắm cái! Cá cơm còn nguyên con, đã ngấu chín đỏ trong màu mắm nâu nâu! Gắp một con mắm, kèm lát chuối chát, miếng khế xanh, ngắt thêm mấy ngọn rau thơm nhỏ rí, chừng đó là món nhắm đưa cay tuyệt cú mèo kèm thêm một ly rượu đế trong những buổi chiều đông! Khi người ta lọc nước từ mắm cái làm ra mắm nêm, thì đã mất đi phần dân giã, để dùng cho các món “cao cấp” hơn: bò tái (bê thui), thịt heo luộc cuốn bánh tráng!

Còn cá ngừ, để ăn với bún, thì nấu với nhiều nước hơn. Vùng miền trong cũng nấu như vậy, gọi là nấu mẳn! Nhưng trong này, sản vật phong phú giàu có, người ta ít ăn cá ngừ. Dân tôi vốn nghèo gắn bó với con cá ngừ nhiều hơn! Mãi khi vào trong này, tôi mới biết nhiều đến cá thu, cá mú, cá ngân…chứ cả thời từ nhỏ lớn lên, cá biển lớn lớn chỉ biết con cá ngừ!

Bánh tráng thì vùng nào cũng có! Nhưng xứ Quảng người ta thích nướng bánh lên, rồi nhúng nước đi, để cuốn cá nục với rau muống chẻ. Mà không có gì,thì cuốn bánh tráng nước nhúng nước chay, chấm nước mắm, nước cá kho hấp dẫn không kém!

… Vậy đó, ông này nói ra, ông kia vỗ đùi khoái trá hưởng ứng, y như đi guốc trong bụng nhau! Hai bà vợ xứ khác, ngồi nháy nhau cười lắc đầu, trong bụng chắc cũng vừa thích thú vừa chán chường, tưởng chỉ có thằng cha chồng mình ăn uống lạ lùng như vậy, ai dè có một bầy!!!

3.
Lỡ nói, đành nói luôn cho nó vuông! Bánh mì là món phổ biến khắp nơi. Nhưng bánh mì xứ Quảng có mấy thứ này, chưa thấy đâu có.

Bánh mì kẹp bánh bột lọc! Bánh bột lọc này đúng tên theo tự điển là bánh tai vạc, xòe ra như cái tai bằng bột lọc trong suốt nổi rõ nhân tôm thịt đỏ au! Nặn miếng bột hình tròn mỏng mỏng, đặt nhân vào, gấp lại làm đôi, hai ngón tay nhân quanh viền cái miếng bột đã là hình bán nguyệt, hấp đi, thành cái tai vạc! (Bánh bột lọc thì dài, cũng bột lọc nhân tôm thịt, nhưng gói trong lá chuối).

Bánh mì gà, giờ cũng thất truyền. Ổ bánh mì to như cái nắm tay, tròn trùng trục, kẹp thịt gà xé sợi kiểu thịt chà bông, cộng đồ chua ngọt, tương ớt cay). Đây là món truyền thông thuở đi học trung học gặp ngày có 2 giờ học cuối(sáng) liền 2 giờ học đầu (chiều), xin mẹ ở lại trường buổi trưa, kèm theo ít tiền, ăn ổ mì gà và ly chanh muối!

Bánh mì que, to cỡ hai ngón tay, dài cỡ một gang, dòn rúm rùm rụm. Có gì mà không dòn, vì nhỏ quá, ổ bánh toàn là vỏ, đâu có ruột gì nữa! Phết patê và sốt masonaise rắc muối tiêu! Bánh mì này thấy có thấp thoáng gần đây ở Saigon!

4.
Trời lạnh, nhớ quê, mà nhớ toàn đồ ăn thức uống, chớ có nhớ cha mẹ gia đình bạn bè gì đâu ta! Thật ra là có chứ! Nhớ các món ăn là nhớ mẹ lui cui trong cái bếp nấu củi mịt mù khói ngày xưa! Nhớ món cá ngừ là nhớ những lúc ba đi làm về tối muôn, tạt qua chợ Cồn xách con cá mới từ bến cảng chuyển lên! Nhớ bánh tráng nướng nhúng nước là nhớ bạn bè những buổi chiều gặp nhau đúng giờ bụng đói!

Nỗi nhớ cứ bảng lảng như mây mù, da diết như sương lạnh, thao thức như cơn gió đông đang vờn thả ngoài trời, ngay lúc đúng ngọ, mà tịnh không thấy một tia nắng nhỏ!

DU NGÃ

TÌM NHAU

dunga

Tôi về
Trong một ngày mưa
Mưa làm ướt mái nhà thờ xám trắng
Ướt cây thánh giá trên cao
Ướt cả kỷ niệm tôi
Ướt một màu tím ngát
Ướt dấu môi em
Trên bàn tay đánh mất

Mưa theo tiếng thánh ca nhà tập
Lăn theo con dốc dài
Còn đâu rập rờn bướm trắng
Áo người chập choạng tàn phai

Mưa nhòa ký ức giáng sinh
Nép bên mái hiên đường chật
Những ngón tay tìm nhau lật bật
Thoáng gần rồi lại xa

Tôi đi mãi những mùa nến tắt
Đếm mưa qua chiều mưa qua ngày lặng
Mưa này rồi mưa mai

Về trong một ngày mây
U ám
Tôi đứng trong chiều
Như là đứng tạm
Một chỗ không phải của mình
Cho đến lúc phải rời xa

DU NGÃ

CHUYỆN TRÊN TÀU

dunga

Lên tàu về quê. Mới vào sân ga đã thấy quanh mình “ngân vang” lên những âm thanh đất Quảng. Người Quảng, tất nhiên phải nói giọng Quảng, cái chất giọng nghe đầy vị khoai sắn, chơn chất, mộc mạc đến tận cùng, cái chất giọng trầm và nặng ngay cả khi phát ra từ đôi môi hồng gợi cảm. Chuyến tàu này từ Sài Gòn ra và điểm cuối cùng là Huế, khách đi tàu người Quảng khá đông. Toa tôi nằm, chỉ có một chị không phải là người Quảng Nam, chị ấy là người… Quảng Ngãi (!!!). Nghĩa là chạy trời cũng không khỏi người… Quảng, hehe!

1.
Đầu tiên là cặp trai gái trẻ nằm ở tầng 3, chắc là một đôi tình nhân đang du lịch đất Nha Trang trở về. Lên tàu xong, hai cô cậu mang hết ba lô túi xách va li tuốt lên… tầng 3 luôn, kể cả đôi giày cao gót của cô gái và đôi giày trắng sành điệu của cậu trai. Hehe, cho nó “chéc eng”, vật bất ly thân, kỹ càng đúng kiểu xứ Quảng. Chàng còn dặn dò nàng phải nằm quay đầu ra hành lang, đỡ xóc hơn, gối phải lật trái lại để nằm cho sạch, vv và vv… Kỹ sư như tôi cũng thầm bái phục chàng “sư kỹ”!!! May mà cô gái (cũng là dân Quảng) ngoan ngoãn nghe lời, không…. cãi tí nào!

Anh chàng tầng 2 mang theo cháu bé khoảng 2-3 tuổi gì đó, cháu đang nhớ mẹ, thỉnh thoảng lại nhè ra khóc. Lát sau, thấy anh chàng gọi điện về cho vợ, bắt đầu chuyện dặn dò. Ngoài những chuyện báo giờ về tới nhà, chàng dặn chuyện đóng cửa nhà, cửa trước gài ra sao, cửa sau khóa ra sao… và 3-4 lần xen giữa câu chuyện luôn nhắc đi nhắc lại: Em nhớ dắt chiếc honda 67 vô nhà, khóa cổ cẩn thận không thì “thèng mô nó vô nó dét mất”! Chắc chàng ta là dân “chơi xe cổ”, chiếc honda này là của hiếm thời nay mà!

Đến bà chị Quảng Ngãi, tới tầm 3 giờ sáng, chỉ hốt hoảng tung mền ngồi dậy, la hỏi tới ga Đức Phổ chưa? Trong khi cả toa còn ngái ngủ, chị bước ra hành lang kêu ông trực tàu inh ỏi. Giọng Quảng giữa đêm vắng vẻ, vang lên như kẻng báo động, át cả tiếng máy tàu xình xịch, làm tôi giật cả mình tưởng như đang ở thời chiến tranh, pháo kích vô thành phố, hốt hoảng chực chạy xuống hầm trú ẩn! Hú hồn là chưa tới ga Đức Phổ, rứa mà ông trực tàu cũng bị chị lên lớp, mắng mỏ một cấp! Hehe, ông trực tàu này cũng dân Quảng, chắc muốn cãi cọ ghê lắm, nhưng vóc dáng nhỏ thó bên bà chị đang nổi đóa to như gấu mẹ, đành… nhịn cho lành!

2.
Chợt nhớ những chuyện về người xứ Quảng.

Ông anh vào Sài Gòn, mở xưởng làm cửa nhôm, sau mấy năm đưa người ở quê vào làm thợ, chịu không thấu vì chủ nói đâu thợ cãi đó, đến lắp ráp cửa cho chủ nhà, cũng cự cãi chủ nhà luôn, báo hại ổng phải đi năn nỉ. Giờ đến chơi thấy ổng trương cái bảng tuyển thợ có hàng ghi chú: không tuyển người Quảng Nam!

Rứa nhưng một ông anh khác, mần nghề luật sư, lại trương cái bảng hiệu rất oách: Luật sư Phạm Văn G. (chính gốc Quảng Nam). Hahaha, dân Quảng Nam mà làm thầy cãi thì số dách rồi!

Còn thằng cháu, vô Sài Gòn làm nghề xe ôm, một bữa về nhà nhăn nhó với mẹ: lần sau tui thề không chở mấy cha người Quảng nữa! Mẹ nó mới la: Cha mày, chớ mày là dân gì? Mà sao? Thằng cháu cáu kỉnh: Mình đã biết đồng hương rồi. Nói bằng già nửa giá chở người ta, rứa mà chả còn kỳ kèo trả tới trả lui, hổng chịu đi nữa. Nghĩ tình, con cũng chở, mà ghét quá đi!

Hổng biết khi kể những chuyện này có mang lỗi nói xấu quê mình hông ta!

3.
Nhưng rồi một ý nghĩ lóe lên, lẩm nhẩm nghĩ và cười thầm trong bụng: Lấy thằng người Quảng làm chồng thì tạm OK, nhưng chọn làm bồ… thì nhiều lúc cũng điên cái đầu lắm hỉ???

DU NGÃ