Trăng Thu

diemchaunguyen

Càng gần đến ngày lễ Trung Thu, lòng Dung càng đầy hy vọng sẽ có dịp gặp lại con cháu ngoại của mình.
Năm nào cũng thế, cứ đến gần Trung Thu là vợ chồng Thanh đưa con Kimmy về Garland TX chơi, để thăm hai ba má hai bên, và nói cho cùng, theo lời của Thanh thì:
– Con thích ăn bánh trung thu của tiệm cháo vịt vùng ba mẹ ở nhất, vì đi nhiều nơi, con thấy mấy tiệm bánh chỗ khác làm dở lắm… không ngon như ở nơi nầy.
Con Thanh nó thích ăn bánh Trung Thu cho đến độ đã thử lên Internet, mở trang web có dạy làm loại bánh nầy để tự làm, nghe nói mất nhiều thì giờ, thử đi thử lại vài bận… nhưng sau đó thì đành lắc đầu, ỉu xìu nét mặt gọi phôn đến mẹ cho biết là thất bại…
– Con làm xong thấy dở quá, dục cho chó ăn nó cũng chê!
– Con tập làm bánh bía, mẹ nghĩ là dễ hơn…
– Bánh bía chỉ có nhân đậu xanh thì thà con mua đậu xanh ăn cho rồi…
– Con đi làm lại mắc trông cháu, thì giờ đâu mà làm!
– Cuối tuần con mới làm mẹ à…
Rồi than thở:
– Mất thì giờ kinh khủng, lại còn phải dọn dẹp bếp núc… mệt quá!
– Chỗ con ở có tiệm Việt Nam không?
– Có chợ Tàu, nhưng hiện nay tụi con sợ thức ăn làm ở Tàu lắm mẹ ơi… nhất là mấy cái bánh Trung thu, họ phải ướp đủ thứ hoá chất độc hại để giữ cho lấu mốc, lâu hư… ăn vào kinh hãi lắm, bịnh như chơi!
– Phải đó… mẹ thấy trên Web cũng có bán, chụp hình quảng cáo thấy cũng OK… nhưng ngon hay không thì mình không biết…
– Con hay thử mấy món bánh Việt và Mỹ… con thấy thích hương vị của bánh trung thu nhất, vì nó có mặn ngọt… lạp xưởng, rồi hột trái cây thập cẩm, thêm bào ngư vi cá lại càng ngon, có điều mắc quá…
Dung hứa hẹn:
– Hôm nào con về đây, mẹ sẽ mua cho con vài hộp bánh bào ngư vi cá, ăn cho đã…
Thanh khoái chí:
– Cám ơn mẹ… nhưng mẹ nhớ mua đúng cái tiệm mà con thích đó nhé… đừng mua tiệm khác là con biết liền.
– Mẹ biết rồi… mà sao cũng lạ, tiệm đó làm bánh trung thu ngon, lại quảng cáo món khác…
– Món gì mẹ?
– Thì món cháo vịt Thanh Đa chứ gì nữa…
– À há… con thấy khách tới mua bánh trung thu cũng nhiều.. có khi còn nhiều hơn ăn cháo vịt đó mẹ..
– Đúng vậy…
Chợt Thanh ngập ngừng:
– Mẹ nầy…
– Gì con…
– Lần nầy về, con có đưa theo một đứa bạn của con Kimmy nghe mẹ…
– Vậy à, nó ra sao?
– Thì cũng phá phách… nhưng nó thích chơi với con Kimmy, và chỉ có con là nó nghe lời, nên ba má nó gởi con kèm nó giùm… Đúng ra thì ba má nó ở xa, giao nó cho bà mẹ họ nuôi. Bà ở gần nhà con, mà bà ngoại nó già rồi, hay đau yếu… nó sợ con mẹ à, còn bà ngoại nó cưng quá quen rồi, không dạy cháu được… thằng bé xinh xắn lắm…
– Ừ, thì có vợ chồng con với 2 đứa nhóc cũng được, không sao hết…
Thanh nói thêm:
– Con kèm thằng John nầy đã ba năm rồi… Nhiều khi nó ăn ở luôn nhà con… Mấy năm trước không đưa về vì bà ngoại nó còn ở nhà, nay bà yếu phải vô dưỡng lão nằm điều trị vài tháng… mà ba má nó không về, nên gởi cho con giữ luôn… Bữa nào gặp mẹ sẽ biết… con nói trước cho mẹ hay…
– Ok, Ok… thêm chén thêm đũa thôi… với lại bố mẹ cũng nhớ tụi con lắm rồi, nhất là con Kimmy… Con vẫn nói tiếng Việt với nó chứ?
Thanh ngập ngừng:
– Ưmmm… nó đi học trên trường toàn bạn Mỹ… Thôi, hôm nào gặp mẹ sẽ biết…
Dung cúp phôn, hỏi thì hỏi… chứ nàng biết cháu mình chắc chỉ nói toàn tiếng Mỹ! Ba mẹ nó cứ xổ tiếng Mỹ với nhau, thì làm sao con cái nói tiếng Việt cho được!
Thôi thì mặc cho dòng đời đưa đẩy… nàng muốn cho con cháu giữ được lề lối Việt Nam, nhưng ở xa như thế nầy đành bó tay!
Mới nói chuyện với con qua phôn hôm nào, mà ngày mai là gia đình nó tới rồi. Dung thấy thời gian ở đây qua đi thật nhanh. Thấm thoát mà nay Dung đã đến tuổi bốn mươi lăm rồi! Bà ngoại mà 45 tuổi còn trẻ chán!
Con Thanh lấy chồng khi chưa xong đại học. Hai đứa nó cùng trường cùng lớp phải lòng nhau, khi ra trường thì con nhỏ đã vác cái bụng chình ình sắp sanh. Bắt buộc vợ chồng Dung phải cho chúng làm đám cưới… không thì thiên hạ cười cho thúi cái đầu!
Mà cũng lạ, sau lần đó thì lại không thấy Thanh đẻ đái gì nữa! Dung đã hỏi Thanh, thì nó trả lời giờ chỉ muốn một đứa con thôi!
– Tội nghiệp cho con Kimmy!
– Sao tội mẹ?
– Vì nó lớn lên không có anh chị em để chơi… khi mình già mất đi rồi, nó cô độc một mình…
– Cũng như con đó hả mẹ!
Câu nói của Thanh làm cho Dung cứng họng!
Hồi đó Dung cũng vì sinh kế, không muốn sanh thêm con bận bịu, dùng thuốc ngừa thai liên miên… cho đến khi nghĩ lại giật mình, thì không thể mang bầu được nữa! Cho dù hai vợ chồng làm mọi cách, nhưng Dung cứ trơ ra đó!
Cuối cùng hai người đành nói với nhau: “Có lẽ Trời cho mình chỉ có một đứa con”!
Vì thế cho nên không bao giờ Dung hối thúc hay bắt bẻ con gái mình về vấn đề sanh thêm một đứa cháu nữa! Nhưng may cho Dung là Thanh cũng là đứa biết thương mẹ.
Nhiều lần Thanh đã than với mẹ:
– Con không có chị em… buồn quá mẹ ơi…
Vơ vào câu đó, Dung mới nói:
– Con thấy không… không có chị em thì buồn lắm… mẹ thì không thể sinh sản thêm được cho con vui… Còn con, đẻ thêm vài đứa nữa rồi nghỉ… chăm tụi nó một lần, sau đó tụi nó lớn là con đỡ cực… hơn là lâu lâu sanh một đứa, thì lúc nào cũng phải vướng bận con nhỏ!
Lúc đó thì con Kimmy cũng hơn bốn tuổi… Bây giờ con cháu đã bảy tuổi, cũng chẳng thấy mẹ nó nhúc nhích gì! Chán thật!
Dung đi ngủ sớm để mai dậy ngóng con. Nàng đã nấu sẵn một nồi xôi gấc, và làm cả một trăm cuốn chả giò cua ngon đáo để… Còn bánh Trung thu, Dung sẽ đưa con tới tiệm cháo vịt cho Thanh lựa đã đời… chắc là nó vui lắm…
o o o
“Trời hồng hồng sáng trong trong, ngàn phượng rung ngoài song…”
Dung vui vẻ hát thầm trong lòng. Ở đây không có phượng đỏ, mà lại có phượng tím. Con đường phượng tím lúc nào cũng trải một lớp hoa tím đầy trong lòng đường, do những cánh hoa rơi thi nhau phủ xác thắm lên đó, trông đẹp như một bức tranh vẽ.
Con đường đó ở công viên cạnh nhà Dung. Nơi mà cộng đồng Việt Nam đã mượn chỗ để tổ chức tết trung thu sắp tới cho năm nay.
Khu công viên có căn phòng lớn để làm chỗ họp mặt cho các bô lão người Mỹ khi có dịp, và sân khấu lộ thiên cùng những hàng cây phượng tím rào quanh đẹp đáo để.
Dung quay vào bếp. Mấy đứa nhỏ cùng ông ngoại chúng nó đã chở nhau đi đâu mất, khi Dung đang đứng nấu nồi bún mọc trong bếp cho bữa trưa.
Nhìn chúng nó úp úp mở mở, lén lút như đang giấu nàng một cái gì, khiến cho Dung nghĩ ngợi… Có lẽ cha con chúng nó đang đi mua cho “bà ngoại” món quà gì đó, mà không muốn cho bà ngoại biết. Dù sao cũng gần đến ngày kỷ niệm đám cưới 30 năm rồi.
Hôm mới đến, hai đứa nhóc đứng trước mặt Dung, khoanh tay cẩn thận, cúi đầu sát rạt, miệng đứa nào cũng nói:
– Chào bà ngoại.
Thằng John cũng nói tiếng Việt câu chào y như con Kimmy. Chắc là Thanh đã dạy cho nó nói câu đó. Ngoài ra thì không còn câu nào khác.
Điều nầy cũng dễ hiểu vì chắc mẹ Kimmy đã dặn trước… chúng sợ mở miệng nói tiếng Mỹ, thì bà ngoại sẽ không hài lòng! Hai đứa cứ châu đầu vào nhau mà thì thầm nhỏ giọng. Dung không thể nghe được chúng đang nói chuyện gì, và chắc chắn bằng ngôn ngữ Mỹ chứ còn gì nữa!
Dung làm lơ, cứ lo nấu nướng, dọn dẹp… tạm quên sự quan tâm về “tiếng Việt Mến Yêu” của mình.
Ngày mai là ngày Hội Trung Thu rồi. Trẻ em sẽ tụ về mừng lễ, rước đèn và nghe nói có phát bánh free…
– Chắc là mấy cái bánh con heo nhưn đậu xanh chứ gì!
Chồng Dung hỏi, Dung gật:
– Chứ làm sao họ đủ tiền mua bánh trung thu cho tụi nó được anh! Nhưng có phần thi văn nghệ, nghe nói con nít sẽ biểu diễn hát hò vui lắm…
– Ừ… hy vọng là em sẽ vui…
– Vui chứ… tiếc rằng thằng cháu mình có nói được tiếng Việt đâu! Nhưng đi coi con người ta biểu diễn cho đỡ ấm ức trong lòng! Với lại nó thấy còn học theo…
– Em đừng có than thở như vậy… Đi ra ngoài chơi là anh thấy vui rồi, nhất là có mấy đứa trong nhà cùng đi… Vui quá là vui…
– Hồi sáng em thấy anh xách một cái túi lớn, mua cái gì mà nhiều vậy?
– Bánh Trung thu.
– Cái gì, cha con anh đi qua tiệm cháo Vịt rồi à? Sao không kêu em đi với?
– Em mắc nấu nướng gì đó không nhớ sao… Anh rủ đi chơi em đâu có đi..
– Tại em cũng muốn qua mua bánh trung thu ngon cho con Thanh. Nó thích ăn bánh bên tiệm đó. Em sẽ mua nhiều cho nó mang về…
– Thì anh đã mua cho nó rồi… công nhận bánh họ làm ngon hơn mấy chỗ khác, lại lớn nữa!
– Vậy tối mai, gia đình mình thưởng trăng, ngồi ăn bánh trung thu, uống nước trà xanh… rồi kể chuyện Hằng Nga Hậu Nghệ cho hai nhóc con nghe… Ờ… mà nó có hiểu tiếng Việt đâu mà kể!
– Không hiểu thì em khuya tay múa chân một hồi, rồi nó cũng hiểu… nó có máu nhà mình mà!
– Còn thằng kia? Nó có phải Á Đông đâu, vậy anh có nhiệm vụ làm cho thằng kia hiểu ý nghĩa của câu chuyện đêm Trung Thu Việt Nam nhé…
Rồi Dung nhỏ giọng:
– Em thấy nó ăn đồ Việt còn ngon lành hơn con Kimmy nhiều… Nó xử sự giống y như là con nhà Việt Nam vậy…
– Sao em lại nghĩ vậy?
– Nó ăn được mắm tôm với lại mắm nêm đó… trong khi chaú mình thì lại chê thối! Bữa hổm em còn thấy mấy mẹ con nó ngồi ăn sầu riêng với nhau mới ghê chứ! Thằng John còn chu cái mỏ ra nói: good, good… trong khi con Kimmy ăn có chút xíu rồi biến, còn nó với con Thanh thì lủm hết cả trái!
– Thằng Mỹ con nầy có tâm hồn ăn uống giống con gái em…
– Thì thầy nào trò nấy mà… Nó ở nhà con Thanh chắc cũng phải giống thày nó chứ! Mà nầy… anh nhớ phải có nhiệm vụ giải nghĩa cho thằng John biết về tết trung thu của trẻ em Việt nhé… Làm sao mà nó chịu ảnh hưởng Việt Nam là hay lắm.
– OK… nhưng để làm chi??? Nó đâu phải Việt Nam mà cần giữ gìn gốc gác tông ty… với lại mỗi lần em cho anh uống trà xanh, là anh hay bị tào tháo rượt chạy dài dài…
– Thì em sẽ làm trà hoa lài…
– Rồi, thằng John để anh lo…
Dung nghĩ ông chồng mình cái gì cũng nói Ok, nhưng khi cơn buồn ngủ đến, thì ổng “xù” cũng nhanh như chớp! Nhưng không sao, đã có ba má chúng giúp Dung lo vụ nầy. Dung mỉm cười khi nghĩ đến hai vợ chồng nàng từng đối thoại…
– Thằng John thì cần quái gì phải học tiếng Việt…
– Nó đang ở trong nhà con Thanh… biết đâu sau nầy nó… lấy con Kimmy thì sao!
– Đúng là em lo xa con hơn cà nông bắn! Anh thấy con Kimmy nó ăn hiếp thằng John quá trời… nó là lấy thằng John… thì tội cho thằng nhỏ!
– Ủa, anh phải về phe mình chứ! để anh coi…
Buổi chiều nhẹ nhàng nắng vàng hoe, mấy mẹ con, bà cháu rộn ràng thay đồ đi dự Tết Trung Thu.
Vì công viên gần nhà nên họ rủ nhau đi bộ cho giản gân cốt. Dung và chồng thong thả cất bước theo sau hai nhóc đang bước đi phía trước, đầu châu vào nhau thầm thì… vợ chồng Thanh thì đã qua công viên từ sớm, nghe nói là giúp Ban tổ chức làm cái gì đó…
Dung nhíu mày nhìn chồng:
– Anh, hình như em nghe hai nhóc nầy đang hát thì phải?
– Vậy sao? Tụi nó hát cũng OK mà… nhiều khi nó nói chuyện chứ hát hỏng gì!
– Em nghe như có tiếng ư ư…
– Ối, để ý tới tụi nó làm gì… có người đẹp trai đang đi bên cạnh… em lại không biết, toàn để ý chuyện gì đâu!
– Gớm… đẹp trai mà cái bụng chang bang, uống bia cho nhiều vào!
– Tướng “đại gia” vầy mà chê sao trời!
– Già mà còn xí xọn!
Hai đứa nhỏ nghe ông bà ngoại đối đáp, không biết có hiểu gì không mà quay lại cười…
Hai đứa hôm nay được mẹ diện cho thật nổi…
Kimmy áo dài hồng, quần trắng, mang guốc mộc, đầu đội nón lá nho nhỏ ra dáng một cô bé nhu mì. Thằng John thì quần tây màu xanh dương đậm, áo dài Việt, đội cái khăn đóng cùng màu với quần, trông dễ thương vô cùng, nhất là nó có mái tóc vàng quăn quăn, khuôn mặt đẹp trai thật là ngộ nghĩnh. Thằng bé có vẻ thích chí khi mặc quốc phục Việt Nam.
Tới nơi, sân khấu lộ thiên hôm nay có khá nhiều gia đình tham dự. Họ gồm có ông bà, cha mẹ, con cái cháu chắt… đưa nhau đến, một dịp để cho trẻ con nhớ về cội nguồn…
Mỗi đứa trẻ trước khi qua cổng để vào chỗ ngồi, đều được phát cho một túi quà, gồm có bánh trung thu, đúng như chồng Dung đã đoán là bánh hình con heo nhân đậu xanh, và một chiếc đèn xếp cùng đèn cầy để đi rước đèn khi ánh mặt trời tắt.
Có đứa cầm những lồng đèn hình ngôi sao, con cá, trống cơm… đây là dùng để dự thi lồng đèn đẹp nhất.
Dĩ nhiên những món nầy do chính tay ông bố hay người anh trong gia đình làm giùm, để đứa bé cầm đi thi…
Ngoài thi làm lồng đèn còn có thi hát, thi quốc phục trẻ em… Chắc tiết mục sẽ vui nhộn, hấp dẫn.
Thanh đã dành cho gia đình cô một chỗ gần sân khấu, hàng ghế thứ ba nhìn lên sân khấu cũng khá rõ, và không nổi bật quá… Tính của bố mẹ thì Thanh đã rõ… Mẹ Thanh không thích trịnh trọng thái quá sẽ bị người ta chú ý.
Thanh nghĩ hôm nay chắc bố mẹ sẽ vui và hãnh diện ghê lắm, vì Thanh cho hai đưá nhỏ, con gái và bạn của con dự tiết mục hát song ca.
Bản nhạc “Con Thương Ba Con Thương Má” ý nghĩa nầy, Thanh đã lựa chọn, thu vào đĩa, mở ra hàng trăm lần cho hai đứa nghe để học hát… Chưa kể là những lời hứa hẹn của bà mẹ trẻ, nếu hai đứa làm hay, sẽ được thưởng, dẫn đi chơi Disneyland.
Con Kimmy bắt thằng John phải học cho thuộc. Nó biết thằng bạn nó hay nghe lời, nên thằng nhỏ còn thuộc bài còn hơn cả Kimmy.
Ngoài ra, Thanh còn ghi tên cho hai đứa dự thi quốc phục nữa.
Dung cảm động bất ngờ khi thấy cháu của mình trên sân khấu, tay con bé cầm cái quạt, tay kia thì quàng vào cánh tay của John… Hai đứa vừa đi quanh sân khấu vừa nhìn nhau cười… Thiên hạ vỗ tay vang trời khi thấy thằng bé Mỹ ngộ nghĩnh với bộ đồ thuầy túy Việt Nam…
Nhìn con bé Kimmy nhún chân chào thật điệu, Dung thì thào vào tai chồng:
– Không ngờ con Thanh nó cũng biết làm những cái màn nầy…
– Chứ em tưởng chỉ có mình “bà ngoại” là hay sao!
Hai đứa cháu lọt vào vòng chung kết. Phần thi tài năng, hai đứa trình diễn bài hát Thương ba Má thật là trót lọt, không sai chữ nào… nhất là khi thằng John gân cổ: “Con thương ba là con thương má”… thì thiên hạ khoái chí vỗ tay rần rần…
Kết quả, ban giá khảo chấm thằng John nhất, con Kimmy nhì… chỉ vì thằng bé có khuôn mặt Mỹ mà hát hay, trúng giọng, lại trả lời rành rọt nói theo kiểu miền Nam: “Sáu câu vọng cổ”!
– Cha mẹ con là Mỹ, nhưng con yêu Việt Nam…
Khi thân nhân các bé được mời lên sân khấu, Thanh đại diện cho bé John, còn ông bà ngoại đại diện cho bé Kimmy.
Dung lung túng ngượng ngập muốn từ chối, nhưng nhìn ánh mắt con Kimmy rạng ngời đang đợi ông bà ngoại, nàng ráng liều mà đi lên. Họ cùng đứng trên sân khấu bên cạnh nhau…
Anh MC hỏi:
– Tôi hỏi hơi có tò mò… Xin anh chị cho biết tại sao anh chị nhìn giống y Việt Nam, mà cháu lại giống Mỹ? Có phải con ruột hay con nuôi ạ?
Thanh cười, lắc đầu:
– Cháu không phải con chúng tôi…
– Hả! Xin chị nói rõ hơn…
– Con gái tôi là Kimmy, còn cháu John là bạn cùng lớp với Kimmy. Tôi dạy thêm cho cháu John ở nhà, nên đã chỉ cho cháu nói và hát tiếng Việt…
Dung nhìn qua Thanh với ánh mắt có vẻ không tin, con bé cười, tiếp:
– Dạ phải, John biết tiếng Việt nhưng không rành cho lắm, cũng giống như con gái của tôi… chúng nó được cho đi học lớp Việt Ngữ đã ba năm nay rồi… và có thể nghe hiểu tiếng Việt, cũng như nói chuyện chút chút…
– Hay quá… theo trong tờ đơn thì chị ở tiểu bang khác đến đây, làm sao mà chị biết có chương trình nầy để cho hai cháu tham dự?
Anh MC quay qua vợ chồng Thanh, nhưng Thanh lại ra dấu cho Dung trả lời. Dung ngượng ngùng:
– Dạ hàng năm các cháu về thăm tôi, là bà ngoại của cháu Kimmy, nên chúng tôi nói cho cháu biết chương trình nầy.
– Tốt quá… xin cám ơn những câu trả lời và chúc mừng gia đình các anh chị…
Dung đi xuống, trong lòng hồi hộp như trống đánh, nhưng kèm theo nỗi mừng vui vì hai đứa cháu trúng cuộc thi quốc phục…
Thằng John được quàng một cái khăn thêu chữ Quốc Phục hạng nhất, tay ôm cái cúp vàng, dưới chân vô số phần thưởng… Cu cậu thích quá, nó giơ cái cúp lên cao, miệng hét:
– Vui quá, vui quá…
Nhờ hai đứa cháu trúng giải, vợ chồng Dung thấy vui vẻ trong lòng… Không ngờ chúng nó học tiếng Việt mà con Thanh giấu nàng. Chắc nó thấy chưa hài lòng nên chưa nói ra điều nầy cho mẹ biết, hay muốn làm mẹ ngạc nhiên.
Dung ngồi chờ lũ trẻ đi rước đèn khi ánh nắng vừa lặn đi, bóng tối bao trùm vạn vật. Vợ chồng Thanh và ông ngoại đã hợp cùng ban tổ chức đi theo giữ gìn trật tự, an ninh cho lũ trẻ…
Có đứa đốt cháy cả lồng đèn đang khóc ré lên vì tiếc! Có đứa đánh nhau vì đã lấy bánh của bạn bỏ tọt vào miệng, trong lúc bánh của nó vẫn ôm khư khư trong tay…! Mặc, đoàn rước rồng rắn vẫn lung linh màu sắc dưới ánh trăng.
Khi về đến nhà, thì đồng hồ chỉ gần mười giờ đêm! Thằng John bây giờ khăn đóng đã tuột đâu mất! Cái áo dài xanh dính một mảng nước ngọt trước ngực, quần thì lấm lem vì đi rước đèn đạp cả vào nước đọng ven đường.
Con Kimmy thì khá hơn. Con nhỏ nầy điệu hơn má nó nhiều. Áo quần vẫn nề nếp thẳng thớm… có điều bao quà của thằng John mà nó cầm giùm, thì để đâu cũng không biết, chỉ có quà của nó thôi, hỏi cũng chẳng nhớ!
Ngồi vào xa lông nghỉ mệt, lúc nầy, con Thanh mới tằng hắng:
– Hai đứa biểu diễn tiếng Việt cho ông bà ngoại nghe đi…
– Dạ…
Thằng John và Kimmy tới trước mặt Dung, khoanh tay, nói tiếng Việt rành rọt một cách… cố gắng:
– Thưa ông bà ngoại, chúng con thương ông bà lắm…
– Trời ơi, sao mấy hôm nay các cháu không nói tiếng Việt cho ông bà nghe?
Thằng John lắc đầu:
– Dạ không được… chỉ nói biểu diễn thôi…
Dung cười:
– Cha mầy, thằng Mỹ con dễ thương quá… còn Kimmy, thằng John nói rồi, tới phiên con nói cái gì đây?
– Dạ… con nói bà ngoại đẹp lắm…
– Trời đất… thiệt hay xạo đây???
– Dạ thiệt, mẹ con dạy vậy…
Ông ngoại xen vô:
– Mẹ dạy hả… vậy con thấy bà ngoại có đẹp không?
– Dạ… bà ngoại đẹp hơn ngoại thằng John…
Nghe con nói, Thanh ôm bụng cười to lên, chồng Thanh buột miệng:
– Con bé nầy, bà ngoại thằng John to như thùng phi mà đẹp gì… bà ngoại nầy mới đẹp nè…
– Dạ đúng, ngoại con to nhưng hiền lắm… nuôi con từ nhỏ tới giờ.. con thương ngoại nhiều, dù ngoại to như con voi con cũng thấy đẹp, thấy thương…
Tiếng thằng John làm cho Dung cảm động ngang xương… Nó là người Mỹ, tình cảm thì cũng như Việt Nam thôi… Nó lại nói tiếngViệt dù chưa trôi chảy…
Dung ôm hai đứa bé vào lòng:
– Các cháu giỏi lắm… bà thương lắm… Bà mong hai đứa sẽ về thăm ông bà hoài hoài nghe… và nhớ nói tiếng Việt cho giỏi nghe…
– Dạ bà…
Lần đầu tiên, Dung đi ngủ trong sự thương cảm còn tràn đầy tim… Một đứa trẻ không liên hệ máu mủ mà sao thương thế không biết!!! Thật đúng là “Tình thương không biên giới”

DIỄM CHÂU

Advertisement

NGỌC TRONG TIM

diemchaunguyen

Từ ngày mẹ chết, Ngọc thường hay ngồi khóc…cô khóc liên hồi, nhất là mỗi khi trời mưa… Hôm nay ngoài trời, những tiếng sấm chớp giống tiếng súng cà nông, như đang gầm gừ, phẫn nộ… báo hiệu trời sắp có cơn mưa lớn!
…Thời tiết dạo nầy thay đổi khá nhiều… Trên TV, hình ảnh và giọng nói của cô xướng ngôn viên đang loan báo tin nhiều người ở chính tiểu bang nầy, và các tiểu bang lân cận bị lũ cuốn trôi…
Ngọc vẫn ngồi đó bất động, hai mắt rưng rưng… Cô đã đổi qua đài Việt Nam, một bài nhạc êm êm vang lên từ chiếc loa, nhưng lâu lâu lại bị át bởi tiếng sấm nổ dữ dội, và những ngọn gió mạnh kéo lê trên mái, quất vào những gốc cây cành lá trong vườn rung quằn, gây ra những tiếng động kinh hãi…
Cô vẫn ngồi im không phản ứng! Chỉ thấy nỗi sợ hãi trong người càng lúc càng tăng, tê liệt cả chân tay… như hôm cô nhìn thấy mẹ bị dòng nước hung dữ kéo băng băng vào ống cống lớn cạnh nhà, cuốn đi mất tăm… mà cô không làm gì được!!!
Ngọc gục đầu xuống thẫn thờ… chợt cô nghe bụng mình kêu lên rột rột… cô đói… hình như từ hôm qua đến giờ, Ngọc đã ngồi như thế này, trên chiếc sofa phòng khách, và chưa có gì bỏ bụng!
Chắc là Ngọc phải đi tìm cái gì đó để ăn.. Cô từ từ đứng lên, thân thể hơi ngã nghiêng vì đuối sức… dáng đi chao đảo. Thì cũng phải… cô đã ngồi quá lâu rồi còn gì. Đêm qua có vào giường ngủ đâu! Hai mắt cô cứ thao láo nhìn ra cửa sổ, mà bên ngoài trước có đường mương và ống cống lớn ở đó, cơn nước lũ tràn vào thành phố bất ngờ, các miệng cống đầy ắp nước cuồn cuộn chảy xiết… đôi bàn chân Ngọc bị tê cứng, giờ mới được di động, tê rần, mỏi nhừ…
Căn bếp im lìm và lạnh ngắt. Tủ lạnh chẳng còn gì có thể ăn được… Bà chị đã lấy về hết bên nhà khi sự cố xảy ra cách đây vài tháng… Chỉ còn thùng gạo và mấy gói bún, bánh phở khô chưa luộc! Ngọc thở dài mệt mỏi… đôi chân lại rung lên từng cơn!
Bụng Ngọc lại réo lên sùng sục… Khó chịu, cô lần ra phòng khách, nằm úp mặt xuống cái gối trên ghế sôfa, nơi mà Ngọc đã ngự trên đó hai ngày. Phải ngủ thôi, để cho quên cơn đói, quan trọng là làm cho Ngọc tạm quên hình ảnh mẹ đang chới với kêu gào trên dòng nước xoáy cuốn đi…
Khi Ngọc thiếp vào giấc ngủ, thì mưa bắt đầu rơi xuống, mưa lớn và nặng hạt… Mưa năm nay nhiều quá, trái đất có thay đổi rõ rệt! Khi cô đã chìm sâu vào giấc ngủ, thì cảm nhận giấc mơ ấy lại hiện về….
– Mẹ ơi… trời ơi…. ai cứu mẹ tôi…! Mẹ ơi…!
Ngọc thấy mình đang đứng trên miệng cống, ở dưới chân dòng nước hung hãn chảy ào ào… Mẹ đứng gần đó bỗng dưng ngã ùm xuống nước vì mảng đất dưới chân bị xụp một khoảng lớn… Ðôi mắt mẹ mở căng đầy kinh hãi… Cô cuống quýt nhìn quanh để tìm một vật dài khả dĩ cho mẹ bám vào, nhưng hoài công… cô không thấy cái gì có thể tìm ra ngay lúc đó, trong khi mẹ đang bị dòng nước kéo dần tới miệng cống…
Cô giật mình, mồ hôi tuôn ra đầy người và hốt hoảng ngồi bật dậy! Lại nữa, cũng là giấc mơ tàn nhẫn đó.
– Mẹ chết thật rồi!!!
Ngọc ôm đầu lẩm bẩm… vẫn chưa hết nỗi sợ hãi trong giấc mơ, dù cố gắng trấn áp.
Ai cũng bảo cô bị tâm thần sau cái chết kinh hoàng của mẹ. Cô cứ thẫn thờ hối tiếc, tự trách mình mãi… sao lúc đó không tìm được một cái cành cây nào để cứu mẹ! Ngọc thỉnh thoảng lại nói lầm bầm một mình, còn khóc thì nhiều vô kể.
Ngọc đang sống yên ổn với mẹ thì tai nạn đến, mẹ mất đi và cô trở thành vô hồn, “mát mát”…
Khi Ngọc tỉnh lại trong bệnh viện, cô gào khóc như điên… sau đó, cô nói lảm nhảm! Cô cố gắng làm nỗi đau trong tim giảm bớt.
Sau khi tai nạn xảy ra, chị Hai đưa cô về nhà chị ở một thời gian, nhưng rồi nhận thấy phải để cô về ngay chính ngôi nhà cũ cô đã sống thì sẽ tốt hơn… dù cô đơn độc một mình!
– Mẹ cho dì Út về đi… con sợ dì Út quá!
Ba đứa con chị Hai đã kêu lên như thế, vì thấy dì Ngọc cứ khóc thầm, rầu rĩ như một bà điên, làm chúng nó sợ!
– Em không sao… em muốn về nhà…
Thế là chị Hai lại đưa cô về, với một túi thức ăn cho ngày hôm ấy… rồi sau đó, cô thường hay bị đói, ăn kem triền miên! Vì chỉ có ông bán cà rem là đẩy qua trước nhà cô, lắc cái chuông kêu leng keng… bạc cắc thì cô có cả thau…
Cô cứ sống một mình qua ngày như thế, cô độc trong ngôi nhà có mẹ ngày xưa, và không nhớ đến phương hướng…
Người thường xuyên đến thăm là chị Hai. Chị hay nhìn vào tủ lạnh, rồi mua cho cô vài thứ thức ăn làm sẵn từ nhà hàng, nấu cho cô nồi cơm điện, các thứ trái cây cô thích… Chị Hai ngạc nhiên khi thấy trên ngăn đá, có nhiều loại kem cây trong đó…
Ngoài ra, chẳng còn ai quan tâm đến cô…
Ðêm nay lại mưa…. Mưa lớn… Mấy ngày nay chị Hai không sang, chắc là vì trời mưa và bận gì đó, vì lần sau cùng gặp, chị hỏi cô có cần gì không, cô đã đáp, rất tỉnh táo:
– Không cần… em lo được mà…
Chị cười khi thấy cô em Út có vẻ bình thường hơn:
– OK… có gì kêu chị nghe cưng…
Thế nhưng chị đâu có biết là khi chị về, nhiều khi cô Út ngủ và vẫn khóc rấm rức một mình quên cả không gian, thời gian! Cô cảm thấy cô độc chi lạ!
Trời vẫn còn mưa rả rích…Ngọc choàng tỉnh dậy, thấy nhức mắt khủng khiếp. Chắc tại ngủ nhiều? hay khóc nhiều? Cái bụng lại kêu lên rột rột!!!
Cô ngồi lên, lần ra trước mở cửa nhìn trời. Trời buồn mưa màu xám! Ông cà rem cũng nghỉ bán! Mưa mà bán cho ai! Nếu có, chắc cô cũng mua vài cây cất trong tủ đá ăn cứu rỗi khi đói! Bỗng dưng Ngọc cảm thấy chóng mặt, và cô lao đao, quờ quạng, rồi ngã vật xuống trước thềm thật nhanh!
Một lúc khá lâu, thấy có gì ướt ướt trên mặt, Ngọc mở to mắt và nhìn người thanh niên đối diện đang đắp cái khăn ướt lên mặt cô với vẻ ngạc nhiên:
– A, cô tỉnh rồi…
Ngọc nhìn anh ta, nhận ra là người hàng xóm, nhưng vẫn hỏi:
– Anh là ai?
– Tôi ở kế bên nhà cô… hôm trước bác rớt xuống nước, tôi có chạy dọc theo đường mương tìm cả ngày, mà không được…
– Sao tôi không biết?
– Cô gào khóc đến xỉu, sau đó tôi kêu xe cứu thương đến chở cô vào nhà thương thì làm sao biết được!
– Là anh cứu tôi à… Sao mấy hôm nay không thấy anh?
– Cô không thấy tôi nhưng tôi thấy cô… Cô đừng sợ, tôi chỉ dòm chừng cô thôi… và qua đây khi thấy cô bị té xuống, với lại mang cho cô một chút súp và bánh mì…
Nghe anh ta nói, Ngọc ngửi thấy mùi súp thoảng khắp không gian, khứu giác của cô làm cho cái bụng lại cồn cào lên!
Người thanh niên mặc áo pull màu xanh đứng lên:
– Ðể tôi đem thức ăn cho cô… chắc cô bị đói phải không? Hôm nay không có ông cà rem đâu!
“Ủa, sao anh ta lại biết mình hay mua cà rem? Anh ta làm gì mà để ý mình kỹ thế?”
– Sao anh biết tôi mua kem?
– Ðã nói là tôi theo dõi cô mà… thôi, ngồi lên ăn nhé…
Chàng trai đưa cho cô chiếc muỗng sắt cùng tô súp gà thơm ngon, thêm miếng bánh mì lát màu trắng.
Ngọc ăn uống hấp tấp trước ánh mắt thương hại của anh ta. Chợt bắt gặp nụ cười nhếch miệng của anh khi cô bưng tô súp húp đến giọt nước cuối cùng, không dưng Ngọc nổi giận! Không, cô không thể nhận sự thương hại của bất kỳ ai… Có thể họ cho cô là con nhỏ mồ côi bị khùng đây mà.. Khốn kiếp!!!
Ngọc bỗng dưng hất tung mớ chén bát lên, mảnh vỡ văng trúng vào chân chàng trai… Anh ta đau quá, rút lui thật nhanh…
Cô lặng lẽ nhìn những thứ mình vừa đập phá văng tứ tung khắp nơi… một lúc sau, co ro trên ghế và thấy hơi đau đầu, có lẽ cô hối hận vì hành động của mình trước mặt anh chàng nọ!
Nhìn bốn bức tường lạnh lẽo trong căn nhà, cô nhớ lại khi mẹ còn sống, buổi tối hai mẹ con hay ngồi coi TV ngay trong phòng, trên chiếc ghế nầy…. bây giờ chỉ còn mình cô! Vậy mà Ngọc đã làm cho chàng ta bỏ đi!
Ðêm đã qua, buổi sáng Ngọc dậy muộn khi có tiếng chuông điện thoại reo… Ngọc không bốc phôn, ngồi lên nghe tiếng chuông reo… và sau đó nghe lời nhắn:
– Tôi là Tim… Trong tủ lạnh tôi có để súp, bánh mì và trái cây cho cô, đừng ăn kem lúc đói không tốt đâu… bye…
Tim… Một cái tên nghe êm ái, như là “Ngọc trong Tim”… Bất giác Ngọc đứng lên đi vào nhà bếp, cẩn thận tránh những miếng vỡ dưới đất. Mở tủ lạnh, cô thấy nhiều bánh trái, hoa quả, mấy hộp súp, xâu bánh mì lát, phô mai đầu bò và cả hộp chocolate gói nơ hồng xinh đẹp…
Lâu quá rồi Ngọc không có ai quan tâm ân cần như vậy, ngoại trừ chị Hai đôi khi ghé ngang…
Ngọc cảm thấy sung sướng bất chợt! “Tại sao đêm qua tôi lại quá cà chớn với anh như vậy!”… Cô cắn miếng bánh mì và phô mai, ngậm trong miệng để thấy vị ngọt toát ra đầu lưỡi… Lần nầy, Ngọc ăn trong trạng thái vui vẻ, khác hẳn với những lần trước, từ khi mẹ mất đi!
Mưa vẫn chưa dứt, không rền rĩ như trước mà nghe giống bản nhạc tình da diết ngân vang… Có bóng người ngoài cổng… Ngọc nhìn thấy chàng thanh niên trên tay có cây dù xanh đậm, còn một tay thì cầm bó hoa….
– Chào cô… Hôm nay cô đỡ chưa?
Anh đưa cho cô bó hoa… lúc nầy thì Ngọc không giấu nổi nụ cười, nhưng cô vội cúi xuống để tránh ánh mắt đang nhìn mình…
Tim bắt đầu dọn dẹp khắp mọi ngõ ngách trong nhà, những mảnh vỡ đêm qua được bỏ vào thùng rác… Trên bàn ăn, một bình hoa hồng làm rạng rõ căn phòng…
Thỉnh thoảng Tim nhìn cô, ánh mắt âu yếm… Một lát sau, họ ngồi trong bếp, trước mặt là ly trà xanh bốc khói, và hộp bánh bơ thơm phức… Tim nhỏ giọng:
– Lý do anh hay để ý đến em là vì anh thương em, anh đã thích em từ lâu rồi, nhưng chưa được làm quen… Từ khi mẹ em mất, anh muốn được che chở cho em mỗi ngày…
Trái tim của Ngọc như nhói lên, cô bỗng ước muốn được ở trong vòng tay người thanh niên này, người mà mẹ cô khi còn sống đã từng nhận định:
– Có thằng Mỹ ở kế bên nhà mình mẹ thấy nó tử tế lắm, hay giúp những người già quanh đây…
Ngọc đã trở lại bình thường, là con người trước kia của cô…Tim đã đem cô ra khỏi sự u buồn, phiền muộn…
+++
Một năm sau họ làm đám cưới. Buổi tiệc nhỏ nhưng đầy thân mật và ấm cúng, tổ chức ngay tại nhà cô dâu. Tim đã bán ngôi nhà của mình để về ở với Ngọc trong nhà cô, căn nhà nhiều kỷ niệm…
Ngọc ngồi bên Tim, nhìn vào mắt chàng, hỏi:
– Tại sao hồi đó anh không nghĩ em bị điên mà lại yêu em?
Tim quàng tay ôm vợ:
– Vì anh thường nhìn thấy em khóc khi ra đứng ở đường mương phiá trước cổng… Lúc đó, anh thấy em cô đơn và bé bỏng lạ lùng… anh cầm lòng không đậu… muốn được ôm em vào lòng… à… mà em coi chừng nhé…
Ngọc ngơ ngác:
– Coi chừng gì anh…
– Mấy hôm nay mưa nhiều, đừng có bao giờ ra phiá trước đường mương nhé!!!

Diễm Châu

Tiệc Cưới Ðầu Năm

diemchaunguyen

Vợ chồng Long đến buổi tiệc thì đồng hồ trên tay đã chỉ bảy giờ hai mươi lăm phút. Ðón khách phiá trước thì cũng như bao nhiêu đám cưới khác, là cô dâu chú rể đang đứng tươi cười ở cửa, chung quanh có hoa hoè, ánh sáng từ nhiều ngọn đèn chiếu vào sáng rỡ… những thứ nầy là của nhiếp ảnh viên thực hiện hình cưới, được gia đình cô dâu thuê mướn rinh tới.
Sau khi đứng vào chụp hình chung, thì vợ chồng Long được các “hướng dẫn viên”, con cháu trong gia đình đưa tới bàn của mình.
– May quá, không bị ngồi gần cái loa!
Thu kề vai Long nói nhỏ với khuôn mặt hơi mừng. Nàng đã quên béng đi chuyện vừa cãi cọ với ông chồng thuộc loại “cứng đầu, cứng cổ”… mà năm năm trước, nàng cũng từng đứng ngay cửa đón khách với “him”, làm đám cưới như hôm nay.
Cãi nhau là vì Thu đã bắt Long chờ quá lâu, mười lăm phút ngồi ngoài xe, chỉ vì Thu mắc chọn lựa những thứ trang sức cho hợp với màu áo của mình.
Ði đâu Long cũng muốn đúng giờ đúng khắc, nhưng Thu thì biết đa số các đám cưới người Việt Nam không bao giờ đúng giờ, cho nên nàng cứ rình rang, thay đổi hết áo nầy tới áo khác! Thu không hối hả vì biết tiệc cưới nào sớm nhất, cũng trễ một tiếng rưỡi đồng hồ!
Bàn tiệc hai vợ chồng được xếp vào ngồi có nửa trẻ nửa già. Mấy người ngồi chung bàn với vợ chồng Long – Thu hình như họ tới đã lâu, nhất là một bác cao niên nhưng lại có bà vợ trẻ măng… chắc thua bác ta khoảng ba mươi tuổi là có vẻ nôn nóng nhất… Những khuôn mặt bắt đầu tỏ vẻ sốt ruột, đang ngóng đầu nhìn ra cửa coi tới đâu… với vẻ mệt mỏi.
– Thường thường họ mời sáu giờ, thì đến tám giờ mới bắt đầu!
Tiếng một người vang lên mà ai nấy đều thấy chí lý, rất là đúng. Thu quay qua Long:
– Thấy chưa, em đã nói là tám giờ người ta mới bắt đầu, mà anh cứ hối mãi… làm người ta không lựa được đúng màu…
Long im không phải vì nhịn vợ, mà thấy nàng nói đúng. Trong bàn, từ khi có thêm Thu, thì mấy bà vợ bắt đầu nói chuyện về nữ trang, vàng lá hột xoàn… Khi họ thấy Thu mang một xâu chuỗi rất đẹp trên cổ và bông tai.
Một bà không e ngại, hỏi ngay:
– Xin lỗi cho tôi hỏi… chị mua xâu chuỗi ở đâu mà đẹp thế?
Thu không giấu nổi vẽ hãnh diện, trả lời:
– Em đặt người bạn “design” riêng cho mình, chị ạ.
Bà vợ trẻ của ông bác xen vào:
– Thảo nào mà màu đẹp quá, em không thấy bán ở ngoài tiệm…
– Em chọn màu và chất liệu của hột, rồi người bạn làm theo ý thích của em…
Bà kia gật gù:
– Quá đẹp… Hết bao nhiêu vậy cô?
– Tiền công và vật liệu là ba trăm…
– Trời đất, sao mắc thế?
Thu giảng giải:
– Không mắc đâu… Ðây là “only one design”… chỉ riêng mình có… Vì tiền công là bảy mươi lăm đồng, còn đa số các loại hột, phần nhiều là “Crystal” nhập từ Nga Sô… nếu chị mua ở Costco hay trong tiệm Mỹ, thì những xâu chuỗi có những hạt nhỏ hơn nhiều, mà cũng gần hai trăm đồng một xâu…
Bà kia xuýt xoa:
– Ðắt thế cơ à! Tôi chưa bao giờ thử mấy thứ nầy. Chỉ đeo đồ thiệt…
Nói xong câu nầy, bà đắc ý cười, như ngầm khoe mình là người không thích chơi đồ giả! Nhưng bất ngờ khi ông chồng bà lại góp lời:
– Theo tôi thấy thì đeo đồ thật chỉ tổ hại vào thân!
Tiếng bà vợ hơi gay gắt:
– Ông nói vậy nghĩa là sao?
– Ðây nhé, đeo đồ thật thì quân gian hay để ý, theo dõi, có khi lại còn bị giết để cướp của… mà thứ thiệt thì lại không chói loá và hấp dẫn cho bằng thứ giả…
Bà vợ ông nổi cáu:
– Ý của ông là gì? Ðồ giả… đồ giả cũng có thứ được thứ không! chẳng hạn như ngực giả mông giả… là tui không chấp nhận rồi…
– Chí phải, nhưng nữ trang giả vừa đẹp lại an toàn… bà có nghe nói thằng ăn cướp nào đè một bà ra cướp xâu chuỗi giả lóng lánh tuyệt đẹp giá mấy trăm đô chưa? Nhưng nếu bà đeo cái giây chuyền nhỏ tí như sợi chỉ, thì nó cũng giựt xướt cổ là chuyện thường… không tiếc thương!!!
– Mấy thằng ăn cướp nó cướp đồ giả đem bán cho ai? Nhưng tui đeo đồ không phải là cái giây chuyền nhỏ tí như ông nói…
– À há… Thì vậy… bà toàn là đeo thứ tổ chảng… Hột nào hột nấy cả năm bảy ngàn… nhưng đeo một hột thì có nổi gì đâu! Ngày nay muốn chơi sang, thì đeo cả vòng hột xoàn như mấy tài tử… người ta mới nể!
Bà vợ bỉu môi! Bà đang hận ông chồng hay chống đối bà nơi đám đông, chỉ vì ông không thích tật mua sắm vòng vàng quá lố của bà, trong lúc ông chỉ muốn một khẩu súng săn hai nòng, giá bảy trăm bạc, mà bà nhằn tới nhằn lui, không cho mua!
Thấy hai vợ chồng hơi găng, trong bàn lại quay qua chuyện đồ giả trên thân thể người ta! Chuyện hút mỡ bụng, cắt mí mắt khá hấp dẫn, làm cho các bà, các cô lẫn các ông chăm chú nghe, nhất là ông già lấy vợ trẻ! Ông nghe để coi có gì sửa dễ thì ông sẽ làm theo, cho hợp thời trang với cô vợ trẻ đang ngồi kế bên!… Vì vậy thời gian chờ đợi ăn cỗ cưới cũng từ từ trôi qua.
Gần tám giờ vẫn chưa thấy động tĩnh. Giờ nầy ở nhà, mấy ông bà lão chắc đã leo lên giường đi ngủ! Nhạc trong loa vẫn dặt dìu… họ hàng, bố mẹ cô dâu, chú rể vẫn chạy ra chạy vào tiếp đón khách, chẳng biết còn bao lâu mới bắt đầu đây?
Rất may vừa đúng tám giờ thì có tiếng anh MC lên micro thông báo:
– A lô, a lô… thưa quý vị quan viên hai họ… chương trình sẽ bắt đầu trong chốc lát.
– Sắp được ăn rồi!
Một giọng đàn bà già bàn bàn kế bên vang lên, tuy khó nghe nhưng mà mọi người thấy rất chí lý quá!
Anh MC lại xin lỗi lần nữa, bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh, tuy anh chẳng có lỗi gì, nhưng cứ xin lỗi, vì được gia chủ trả tiền, vậy thôi!
Có vài chục người bạn Mỹ còn trẻ, chắc là bạn cùng sở của cô dâu và chú rể cũng kiên nhẫn chờ đợi… nhưng hình như bàn của họ có rượu và đồ nhắm để cù cưa, vì chú rể biết rằng Mỹ không quen cho sự “giây thung” thời giờ của Việt Nam mình.
Rồi cuộc “tiếp rước” cô dâu, chú rể cũng bắt đầu. Khi dàn nhạc chơi bài: “Tàn tan tan tan, tàn tán tàn tan, tàn tan tan tán…”, thì đi vào phòng tiệc đầu tiên là bốn em thiếu nhi, hai nam hai nữ tay cầm hoa, tiếp đến là ba chú phù rể và ba cô phù dâu váy hồng xinh ra phết, họ đi cặp đôi với nhau, cùng thong thả tiến lên sân khấu. Sau hết là hai nhân vật chính cô dâu, chú rể.
Khi “đám rước” đã yên vị trên sân khấu, anh MC liền thao thao bất tuyệt… “nghề của chàng”, là giới thiệu cha mẹ, bà con đôi bên, nói đến tên ai, thì người đó chỉ việc đứng lên ngay tại bàn là được rồi… Cũng đỡ, nếu mà kéo nhau lên trên đó, vừa tốn thêm giờ, vừa sợ sập sân khấu!
Ðám cưới nầy không có cha mẹ hai bên đứng trên sân khấu, mà cho đến khi anh MC mời “tứ thân phụ mẫu” lên, để có đôi lời với quan khách… thì người ta mới biết ai là cha mẹ cô dâu, chú rể.
Cha phia cô dâu nói trước, vì bên Mỹ coi trọng đàn bà là “Number one”. Ông bố cô dâu hôm nay chơi nổi, mặc quốc phục khăn đống, áo gấm lục chữ thọ trắng, cho có vẻ quốc hồn quốc túy… coi cũng tựa như Chú Rể trong phần chào bàn! Ông cầm sẵn một tờ giấy chi chít chữ, rồi đọc như kiểu đọc bài học… Làm cho không ít quan khách lớn tuổi nhớ lại thuở còn đi học trường làng!
Ông đọc ê a hơi lâu, khiến cho bà vợ ông đứng cạnh kéo tà áo dài nhắc mãi. Cặp nầy nhìn cũng không tương xứng. Vì trong lúc ông hướng về “hoài cổ”, thì bà vợ chơi một cái xoa rê “tân thời” hở ngực hơi sâu! Nhìn ngốn cả mắt! Thực khách bên dưới nóng ruột ngồi nghe, anh MC thì cứ như là “nóng đít” lắm, thỉnh thoảng lại giật nảy người lên, lắc mông lên một cái!
Khi ông chấm dứt trao trả Micro, người ta vỗ tay thật to vì mừng thoát nợ, nhiều người thở phào nhẹ nhõm!
Nhưng chưa hết, lần nầy tới phiên “Anh Xui” đáp lời sông núi! Không có không được. Màn nầy anh xui đã chờ đợi lâu lắm rồi! Trong lúc cái bụng của Thu bắt đầu thỉnh thoảng sôi lên, kêu rột rột nho nhỏ, như nhắc nhở cô chủ đã quá giờ ăn, và chờ đợi… thì trên sân khấu, chữ “Thưa quý bà con quan khách”, Anh Xui lập đi lập lại không biết bao nhiêu lần.
Cuối cùng thì “xui gia” nói xong! Cám ơn Trời Phật! Bên dưới bắt đầu ồn lên như cái chợ, khi nhà hàng đem ra món khai vị. Thực khách ào ào nói chuyện với nhau, mạnh ai nấy nói, chẳng thèm đếm xỉa gì đến cô dâu chú rể đang có đôi lời “cám ơn công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”
Phần trình diện quan khách đã xong, phái đoàn dâu rể theo nhau lục tục bước xuống, vào chỗ ngồi. Bây giờ thì chính thức nhập tiệc, không sợ phải lắng nghe ai nói nữa! Ðây mới là lúc chính thức ăn tiệc cưới.
Các món ăn liên tiếp được bưng ra theo giờ giấc quy định. Trong bàn của Thu & Long, ai nấy cũng đều thấy đã quá trễ cho sự ăn tối nầy. Ban nhạc chơi cho ca sĩ nhà hát trước. Hình như tâm lý các ban nhạc sợ đám đông thực khách không chú ý nghe họ đàn ca, nên vặn âm thanh lớn tối đa.
Long và Thu có quá nhiều kinh nghiệm khi đi ăn cưới, nên hay dặn bạn sắp bàn cho ngồi xa cái loa, thì vô vàn cám ơn. Khi nào vô phước bị gần loa, thì hai tai sẽ bị nhức nhối, buốt óc, về nhà phát điếc cả tuần… vì cảm giác khó chịu. Thường thường, những người đi tham dự tiệc cưới hay văn nghệ, đều có than phiền giống nhau là nhạc mở lớn quá.
Những ca sĩ cộng tác với ban nhạc đám cưới thường không phải “danh ca”! Nhạc chơi bự, họ càng thét lớn hơn… kiểu tiếng hát át tiếng bom! Kết cục: “Cả hai chúng ta cùng gào” ! Kết quả: “Ðám thực khách tội nghiệp cùng điếc!”. Cho nên kết luận: “Ði nghe nhạc từ chết đến bị thương!”
Nói cho cùng, thực khách họ đến để “Ăn… khi người ta cưới”, nên ai cũng mãi bận ăn, ăn và nói! Ít ai đến để nghe ban nhạc ca sĩ hát! Biết điều nầy, ban nhạc phải “nhồi nhét” nhạc vào tai “chúng mày”! Cũng vì như vậy, mà những ai hát trong lúc bồi bưng đồ ăn lên, ít khi được chú ý và vỗ tay, vì khách bận ăn!
Trong bàn của Thu – Long, có hai cặp mặt mày sang trọng, quần áo bảnh bao, nhưng ăn uống thì rất mạnh bạo, món nào cũng không từ!!! Nhất là khi món tôm hùm mang ra, thì có bà hăm hở, không ngại cởi đôi găng tay mỏng để bốc tôm mà gặm! Ăn mà không dùng tay, thì nhiều món không thể thưởng thức tận tình được! Nhất là trong bữa tiệc cưới, món tôm hùm coi như giá trị nhất!
Nói không ngoa, cũng có ông chê là tôm hùm là dở, không thích! ăn thua tôm thường! Và tôm hùm thì nhiều “Choletero”, nên không động đũa! Mấy bà ham tôm được lợi thêm một phần!
Không biết sau đó, khi qua đến món khác, bồi bàn bưng đi mấy đĩa tôm hùm của các bàn khác, có số thực khách sợ “chất béo”, còn trong tình trạng y nguyên, chỉ vơi vài miếng thì như thế nào? Họ để dành ăn, hay là đổ vào thùng rác… Trong khi thế giới ngoài kia, vô số người thiếu ăn thiếu mặc, sống trong những xó xỉnh tăm tối, rách nát, không có miếng gì bỏ bụng qua ngày.
Nói thì nói vậy, chứ bồi bàn cũng tinh ranh đáo để. Món nào ngon còn dư nhiều mà không ai lấy về, thì họ giữ lại để xin chủ đem về nhà ăn. Thời buổi kinh tế khó khăn, phải thế!
Nhiều người chảnh chẹ, đa số phụ nữ tuổi sồn sồn không chồng, đi đám cưới, đám tiệc mục đích cốt là khoe son phấn, áo quần, nữ trang. Ở bàn trước mặt Thu, nàng thấy có hai bà chưng diện, ăn uống rất từ tốn, điệu nghệ, thường hay soi gương tô lại màu môi, chốc lại dặm thêm tí phấn hồng, có khi họ nhìn những người ăn uống thực tình bằng cặp mắt khinh khỉnh, và sự suy nghĩ dành cho người ta không mấy đẹp.
Bưng ra khoảng năm món ăn, khi thực khách vừa lưng lửng cái bụng, thì lại phải ngưng, vì thân bằng quyến thuộc sửa soạn để đón tiếp cô dâu, chú rể đi chào bàn.
Ðến bàn nào, bố cô dâu cũng phát ngôn:
– Chúng tôi cám ơn quí vị đã thương các cháu mà đến đây chung vui với gia đình. Xin mời quý vị tự nhiên ăn uống vui vẻ…
Ðiệp khúc được lập đi lập lại như vậy. Có ông kia lầm bầm:
– Giá lấy cái máy cattsette vặn lên cho nó nói thì đỡ mỏi miệng! Lại là mốt mới!
Nghe câu nầy ai cũng cười… Mà thực đấy, thời đại máy móc tân tiến, làm vậy cũng đâu có lạ!
Có những người đám cưới chủ trương chỉ mời bạn bè, và gia đình có liên hệ thật thân thiết. Thì cũng có đám cưới thích mời thật đông cho thêm phần long trọng. Gặp ai cũng mời, bất kỳ thân quen. Ðến nỗi, nhiều người nhận được thiệp cưới, mà chẳng biết người mời mình là ai!
Theo quan niệm của họ, đám cưới một đời có một lần (thời nay thì chưa chắc, một đời mười lần cũng có), mời lèo tèo mấy chục, một trăm người thì không bề thế. Người ít xã giao, không có bạn, khi nhận được thiệp, nghĩ: “người ta đã có lòng mời mình, thì cũng nên đến mừng cho có vẻ toại lòng nhau…”.
Ở hải ngoại, quen biết thêm một người bạn cũng tốt. Nhiều gia đình làm một cái bản đồ trên tờ lịch. Một tháng chỉ đủ sở hụi đi một, hoặc hai cái đám cưới là cùng. Thời buổi nầy mà mừng đôi tân hôn một trăm bạc coi như là bủn xỉn lắm. Người ta hay đi hai trăm cho một đôi. Thôi thì thiệp đến nhiều đành phải chọn lựa.
Bác Ba cao niên ăn tiền già có bao nhiêu đó, ham vui đám nào cũng đi thì không đủ sở hụi, mà vác mặt đi cho quá ít, người ta “kiềng”! Ðó là chưa kể phải kêu điện thoại hỏi han coi có ai đi cùng, cho mình ké xe. Như vậy thì lệ thuộc vào người kia, cũng không hứng thú gì!
Mặt khác, nhiều “cụ” nghĩ rằng đã đi ăn thì ăn cho đáng… quên mất mấy cái vụ cao huyết áp, cao mỡ, hay cao tiểu đường! Ðến nỗi mỗi lần đi ăn cưới về, là sức khoẻ có mòi không khá, có cụ còn phải đến bác sĩ chuẩn bịnh, hay vào nhà thương cứu cấp…
Một bà tuổi nửa chừng xuân bị bệnh tiểu đường, đi ăn cưới thấy đồ ăn ngon quá, vui miệng ăn không nể nang, lại còn chơi một ly nước ngọt tổ bố! Vì bà cho rằng lâu lâu thả lỏng một bữa thì không ăn thua gì! Thế là lượng đường trong máu tăng vọt lên quá cao, bà gục xuống bàn! Xe “Ambulance” chạy đến cấp kỳ, đèn đỏ loé sáng rực trong đêm… Có những đám cưới, khi đi chào bàn, ngoài hai nhân vật chính, còn có em hay chị cô dâu chú rể, tay xách một cái túi để đựng tiền mừng cho chắc ăn. Nhìn cách thức tổ chức, giống như là thu hụi chết không bằng! Nhưng đám cưới nào thì cũng cách thức như nhau, đành phải chịu thôi!
Người Tàu hay để cái thùng tiền mừng ngay bàn tiếp tân, ai ký tên xong là bỏ bì thư vào đó… . Nhiều gia đình Việt cũng ưa thích tục lệ nầy, để một cái thùng ngay cửa… Như vậy thì đỡ tốn thì giờ… Nhưng lợi nhất có lẽ là nhà hàng, vì họ có thể rút ngắn thời gian được khoảng một tiếng hay hơn. Nhưng sau đó, cũng lại phải chơi màn đi chào bàn, vì có người không biết là cái thùng quà đứng đàng trước, nên không bỏ bì thư vô… nếu không đi chào, thì coi như… “tiền mất nợ mang”!
Khi nhà hàng bưng lên hai món cá và cơm chiên sau cùng, thì nghe có tiếng đàn bà la khóc đàng trước… Rồi thì xuất hiện một cô coi cũng “hồng nhan bạc phận”, bồng con tiến vào sân khấu.
Thế là màn bất ngờ xảy ra. Tiếng ồn ào qua lại, người ta bu quanh bàn anh xui chị xui để thoả tính tò mò… tiếng cô dâu chửi chú rể, tiếng trẻ con gọi má, tiếng anh xui mắng vốn chị xui… Còn hơn một đám hội!
– Thì ra là chú rễ nhà nầy chơi màn “quất ngựa truy phong”…
Bà khách vừa chạy lên gần sân khấu thám thính, trở lại bàn phát ngôn. Cả bàn ngơ ngác nhìn. Ðây là “xen” đáng chú ý nhất trong đêm hội cưới nhau nầy.
Ai nấy đều ngóng cổ lên nghe ngóng, một số người cứ mặc kệ thế nhân, cúi đầu ăn cố, dù bụng đã no kềnh ra rồi… Không ăn thì cũng chẳng biết làm gì? Ði về lúc nầy thì không “nỡ”, vì chưa biết tin chính xác cuối cùng sẽ ra sao!
Nhưng rồi không biết hai bên cư xử ra sao, mà bà mẹ trẻ ngoan ngoãn bồng con ra về. Bây giờ, tới phiên anh MC mới trổ tài “hùng biện”… Anh giải thích rằng đây là sự hiểu lầm đáng tiếc xảy ra… Nhưng anh không nói rõ là ai hiểu lầm ai? Lỗi phải ra sao??? trong lúc hai bên xui gia hằm hằm nhìn nhau… say… đấm! Cả bàn đang thắc mắc thì ông bác lấy vợ trẻ phát ngôn:
– Cái đám nầy rồi không biết được bao lâu! Con vợ dữ quá chừng!
Ai nấy cũng thấy ngao ngán và suy nghĩ lời của ông già! Công nhận sự việc xảy ra không hay, nhưng tiếng của cô dâu chửi chồng xối xả lồng lộng như thế… thì hầu như ai cũng nghe thấy!
Người ta chán chường, nên trước khi đến màn cắt bánh, nhiều người đã ra về… gần ba phần tư nhà hàng! Ăn no rồi, coi sự cố xảy ra rồi, thì còn ngồi làm gì! … đám cưới chỉ còn đa số người nhà, cho dù anh MC mời quí vị ở lại để nhảy đầm với cô dâu chú rể.
Anh nói thì kệ anh, chúng tôi cứ về!
Thu nhìn Long. Bàn của hai người thì đã về hơn một nửa. Ông già lấy vợ trẻ vẫn còn ngồi lại. Long nhìn ông, làm quen:
– Bác ở lại nhảy đầm hả bác?
Chỉ là câu hỏi xã giao cho vui, không ngờ ông già gật đầu:
– Phải, bà đầm tôi mê nhảy, nên tụi tôi ở lại dợt với bả vài bài cho vui.
Bà vợ nghe thế, phản đối:
– Chời ơi… anh mới là người mê chứ không phải em à nha!!!
Ông già cười. Thu nhập cuộc:
– Noí vậy thì ai là người thích nhảy đầm đây? Bác hay chị?
– Sao cô lại gọi như vậy. Kêu tôi bằng anh cũng được… Tôi đã già gì đâu mà gọi tôi bằng bác?
Thu hỏi:
– Xin lỗi chứ bác… à anh năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ?
Chữ “ạ” nàng kéo dài như giễu cợt! Ông già đáp:
– Tôi mới có sáu mươi tư chứ mấy! Coi bả trẻ vậy chứ bà cũng lớn tuổi rồi!
– Lớn là… chị bao nhiêu tuổi?
– Bả cũng năm mươi rồi đó!
Thu ngạc nhiên:
– Thật sao? Vậy mà nhìn chị thấy còn rất trẻ… Em tưởng chị chỉ khoảng ba mươi lăm thôi chứ…
Long chêm vào:
– Bà xã tôi nói đúng. Lúc nãy tôi cũng tưởng chị còn rất trẻ… Công nhận chị hay thật, nhìn trẻ măng à!
Bà vợ nhìn ông chồng, trách:
– Ông nha, chuyên môn là đi khai tuổi của tui cho người ta biết hết trơn à… Ai bảo ông già thì cứ chịu già đi, sao cứ kéo tui vô hoài vậy!
Ông chồng chống chế:
– Thì tui có nói oan cho bà đâu!!!
– Ông khoái nhảy đầm sao lại đổ thừa cho tui?
Giọng ông già ỉu xìu:
– Nói cho vui vậy mà, không chịu thì thôi… làm gì mà cự nự người ta hoài!
– Cự cái gì… anh mới là khó chịu á… bởi vậy nhìn anh mới già háp, còn em thì trẻ lâu là vậy đó!
Nói xong, bà đưa tay nhéo lên cằm ông một cái. Nhìn cũng tình tứ lắm.
Thu và Long đứng lên chào từ giã. Ðêm đã khuya. Ra ngoài trời lành lạnh. Hai vợ chồng đi sát vào nhau. Bãi đậu xe chỉ còn rất ít xe. Ông bảo vệ ốm tong ốm teo đang cầm đèn bin đi lòng vòng quanh quẩn.
– Thằng cha nầy mà bảo vệ được ai… Xô một cái là té liền…
– Thì cũng có người trông coi xe, còn hơn là không có ai!
– Chắc là lương lậu cũng không bao nhiêu!
– Nhìn ổng thì biết… nhưng ổng còn đỡ hơn nhiều người, hoàn cảnh rất tội nghiệp…
Long mở cửa xe cho vợ. Gì chứ vấn đề ga lăng chàng vẫn còn. Không phải là do tự nguyện, mà vì vợ bắt phải làm. Lâu dần thành thói quen.
Thu còn căn dặn Long nhiều thứ:
– Khi nhảy đầm, mời ai nhảy thì xong bài bản, phải nhớ đưa người ta trở lại bàn mới đúng điệu, chứ không phải bỏ con người ta lang thang tự tìm về chỗ một mình… là bất lịch sự lắm đấy nhé! Ði vào một tiệm nào, có đàn bà thì nhớ giữ cửa cho người ta vô trước, đừng có chen lấn mà đi .v.v…
Ðóng cửa xe cho Thu xong, Long lái chầm chậm về nhà. Lúc nãy chàng cũng có uống một ly rượu mạnh.
– Từ nay anh đừng có bao giờ hối em phải đi đúng giờ cho mấy cái đám cưới của người Việt Nam nhé… Lúc nào người ta cũng trể hai tiếng.
– Anh nhớ rồi… nhưng mình là người lịch sự phải đi đúng giờ… Nếu ai cũng đi sớm như mình thì quá tốt… em phải biết là ngày nay, thời giờ cũng quí như tiền bạc. Mời sáu giờ mà tám giờ mới khai mạc, làm cho người Mỹ họ nghĩ sao về mình! Ai không đến đúng giờ thì mặc kệ họ… Phải ghi trong thiệp là đám cưới tổ chức đúng giờ, vui lòng tới sớm… Cô dâu chú rể đã có mặt thì cứ theo giờ đã định mà thực hành. .. Cứ cái đà nầy, ai mà dám đi dự đám cưới người Việt nữa…
Thu cười:
– Anh làm cái gì mà hăng tiết vịt lên vậy! Chuyện đi trễ đã làm nên sách vở rồi!
– Em nói cái gì anh không hiểu?
– Anh nghe câu nầy đây: “Không ăn đậu không phải là Mễ, không đi trễ không phải Việt Nam”!!! Vậy thì còn nổi sùng làm gì!
– Ðâu có sùng, nhưng bực thôi!
Căn nhà đã hiện ra trước mắt. Về tới nhà, thư giản và thoải mái hơn ra ngoài nhiều. Ðậu xe xong, Long khoác vai vợ vào nhà, thì thầm bên tai nàng: “Home sweet home”…

DIỄM CHÂU

Mưu Cao

diemchaunguyen

Thế rồi ngày vui trong gia đình cũng đến. Hôm nay, Tú hẹn cha mẹ sáu giờ chiều ra nhà hàng Panata, một nơi sang trọng lịch lãm, thực đơn có đầy đủ các món ăn Mỹ và Á Đông, để gặp mặt mẹ con người yêu, cô Thương và bà “cựu hoa hậu” cộng đồng Việt Nam hải ngoại của mấy chục năm về trước.
Tú cẩn thận dặn dò mẹ:
– Nhớ ăn mặc sang sang một chút nghe mẹ…
– Được rồi… mẹ sẽ mặc cái áo kim tuyến vàng Noel năm ngoái…
Nghe mẹ nói, Tú vội vã căn dặn:
– Thôi thôi… I “can” you, mẹ mặc áo màu bình thường được rồi… đừng có loè loẹt diêm dúa quá…
– Loè loẹt cái gì? Không phải áo đó là do con tặng mẹ năm ngoái sao?
Tứ ngớ mặt ra:
– Nhưng giờ đâu phải mùa lễ!
– Tao tưởng mày khen áo đó đẹp thì tao bận… nếu không thích thì thôi… Vậy mà hồi đó mày cứ khen mãi, làm tao tưởng thiệt, không dám mặc sợ hư!
Thấy mẹ giận, Tú vội giả lả:
– Thì con có nói là xấu đâu… nhưng kiểu đó giờ xưa rồi, mà màu sắc thì chỉ hợp với ngày lễ lạy, đêm đen…
Bà Hoan quay lại, nghiêm giọng:
– Vậy từ nay đừng có “đãi bôi” với mẹ mày nữa nhé!
– Con có đãi bôi hồi nào đâu… Tại mẹ cũng hay nói vậy cho người khác vui mà!
Cái thằng nầy, nói gì nó cũng lèo lái lẽo lự được! Rốt cuộc thì cuối cùng cũng “tại mình”! Đấu khẩu với cha con nhà nầy quả thực bà thường thua cuộc! Đôi khi bà nghĩ lẩn thẩn:
– Chắc tại ở cùng chung một nhà lâu ngày, cuối cùng “họ” biết được tẩy mình để mà lật ngược thế cờ!
Không muốn đôi co thêm chỉ tổ bực mình, bà xua tay:
– Thôi được rồi cậu ấm… tôi sẽ chọn cái áo nào màu nhu thô sơ và kiểu cọ đơn giản nhất… nhưng lại đẹp nhất nước cho cậu vừa lòng, được chưa!
Thằng con gân cổ:
– Không được… mẹ nói vậy là không đúng rồi! Làm gì mà lại có chuyện áo “nhu nhược” lại đẹp nhất thế giới được!
– Áo màu “nhu” thôi, mày thêm chữ “nhược” vào làm gì! Đúng là chữ với nghĩa!
– Con thêm vào cho có cặp mà mẹ!
Nghe con cà rỡn, bà Hoan biết nó đang chọc mình, bà đuổi thẳng cánh:
– Thôi, đi chỗ khác chơi cho mẹ làm việc! Mẹ sẽ nổi bật đêm đó cho mày hãnh diện với đàng gái!
Tuyên bố mạnh miệng như thế… Và thực ra bà Hoan cũng đã suy nghĩ đến chuyện ăn mặc nầy nhiều hơn thằng con bà lo. Bà làm gì không biết mẹ của Thương, bà Tracy Minh Thanh là người nổi tiếng trong cộng đồng, báo chí đăng hình mãi. Bà ta ăn mặc thời trang, vóc dáng vẫn còn đẹp, giao thiệp rộng, lại ở trong thế giới thượng lưu… chắc chắn rằng khi đối diện, bà chỉ là một nhân vật tầm thường không đáng nói.
Nhưng không vì thế mà bà Hoan chịu lép vế để mặc kệ thân mình ra sao thì ra. Cho dù bà ta có là hoa hậu đương thời, thì bà cũng không “care”, phải ăn diện lên cho đối phương nể, nhất là đối với ông chồng “đang âm mưu bước vào hoạn lộ với gái trẻ” của bà phải dương con mắt hí ra mà nhìn, mà kinh ngạc… còn bà “sui” tương lai thì phải phục trong lòng!
Lúc suy nghĩ thì hùng hổ, nổ bôm bốp như thế… nhưng càng gần tới ngày hẹn, thì bà Hoan càng bối rối, lo lắng! Bởi vì xưa nay tính bà ít khi ăn diện se sua! nhất là không hay ra ngoài, nên áo quần không nhiều, làm sao mà ganh đua kiểu cọ với đời! Bà chỉ có tính “tự cao” không chịu thua ai, mà kinh nghiệm về “fashion” thì non nớt!
Bà thở dài thườn thượt! Ngay đến mái tóc của bà cũng chỉ ngắn ngũn một kiểu từ xưa đến giờ, vì bà có biết chải chuốt kiểu cọ gì đâu! Con người bà không phải khéo tay, nghệ thuật… mà chỉ giỏi làm lụng chân tay!
– Thế nầy thì lại phải gọi bà Thu vấn kế!
Bà không thích lúc nào “đụng chuyện” một chút là phải gọi hỏi bà Thu! Con mẹ Thu cái gì xảy ra ở nhà bà nó cũng biết vanh vách… vì chính miệng bà khai cho nghe chứ nào ai khác! Bà Hoan sợ bà Thu cười thúi đầu! Nhưng… bà Thu có cười thì mặc kệ, vì không nói bả cũng biết bà Hoan coi vậy mà quê quê, có biết sửa soạn là gì đâu!
– A lô…
Tiếng bà Thu nhỏ nhẹ:
– Bà đang cần tui chỉ mánh phải không?
– Sao bà biết hay vậy?
– Chứ gì nữa… Mỗi lần gọi tui là bà hay hỏi nầy hỏi nọ… có khi nào tui nghe bà gọi để hỏi thăm tui đâu!
Con mụ Thu đang trách móc bà!!! Nhưng mụ ấy nghĩ cũng không sai!
– Ờ há… sao bà nói trúng quá… Thôi để lần sau nhớ bà, tui sẽ gọi và nhất định là không “quét sân, quét siếc” gì hết… được chưa?
– Được, thôi muốn hỏi gì thì hỏi đi!
Bà Hoan tiếp tục:
– Tui thấy bà hay thiệt, lúc nào ăn mặc “fashion”, ra đường ai cũng nhìn…
– Đi thẳng vào nội thành đi bà… Bộ bà tính khen nịnh tui hả?
– Không, tui nói thiệt mà.
– Câu nầy tui nghe chín trăm chín mươi chín lần rồi… Bà muốn gì đây?
– Thì cũng không ngoài vấn đề thời trang, ăn mặc…
– Tiếp đi…
– Tui sắp đi gặp một nhân vật quan trọng?
– Ai? Tổng Thống hả?
– Không, còn quan trọng hơn?
– Ai mà ghê vậy?
– Bà xui gia của tui!
Bà Thu cười ré lên:
– Trời đất, có vậy thôi mà làm dữ! Rồi sao?
– Bà đó là cựu hoa hậu…
– Hoa hậu gì?
– Tracy Minh Thanh, bà biết không?
– Tên nghe lạ hoắc… tui không biết… bả là hoa hậu bên đây hay Việt Nam? Thời tiền sử hay thượng cổ?
– Giởn hoài… Hoa hậu bên đây, mà hai mấy năm trước rồi…
– Vậy cũng nói… coi như là hoa hậu “tiền chiến”!
– Nhưng bả còn đẹp và thành công lắm, nếu bà làm địa ốc thì biết bả…
– Giờ bà muốn gì?
– ThằngTú khoái con gái bả nên hai gia đình hẹn gặp nhau… Bà nổi tiếng biết cách thời trang ăn mặc… tui muốn bà giúp tui.
Bà Thu thở ra:
– Chuyện đó dễ như trở bàn tay… nếu bà chịu bỏ tiền ra… có tiền mua tiên cũng được mà…
– Bà nóí rõ thêm chút nữa đi.
– Rồi, tui chỉ bà đi tới mấy cái Shopping, vô những tiệm lớn, thì sẽ có người giúp bà cố vấn nên mặc thế nào cho ngon lành… càng chịu chi tiền mua những bộ áo đắt giá, thì sự cố vấn càng tinh tế… đến ngày hẹn thì đi ra ngoài tiệm chải tóc và “make-up” là xong.
Nghe những lời bà Thu nói, bà Hoan như mở đầu óc ra… Phải, dễ dàng có thế mà bà không nghĩ đến… Lần nầy, bà sẽ bỏ một số tiền lớn cho sự ăn mặc, để còn nở mày nở mặt với người đời…
Tú mở to mắt nhìn mẹ mình, anh chàng không tin là mẹ có thể trở nên sang trọng như thế trong bộ đầm đen, đơn giản nhưng lịch sự, đeo chuỗi hạt trai trắng và mái tóc được chải phồng lên trước trán thật là điệu nghệ.
Chiếc khăn quàng mỏng màu rêu khoác hờ hững trên vai làm cho bà Hoan thêm phần dịu dàng nữ tính… trong lần gặp gỡ đầu tiên của hai gia đình, bà Tracy đã có ấn tượng tốt về bà Hoan là Tú vui rồi.
– Không ngờ mẹ mình cũng sang ra phết…
Bà Hoan hãnh diện về điều nầy khi nhớ lại sự tròn mắt ngạc nhiên của Tú và Thương trong ngày hôm đó. Thương đến nhà chơi có gặp bà vài lần thấy bà rất bình dị… Bà Tracy thì xuýt xoa:
– Bà chị đẹp quá… nghe cháu Tú và Thương nhắc mãi, hôm nay mới được hân hạnh gặp anh chị…
Bà Hoan hãnh diện vì bà Tracy đẹp nổi tiếng mà còn phải mở miệng khen bà. Bà khoái chí nhất là khi ông chồng nhìn bà với ánh mắt ngạc nhiên. Ông không khen nhưng lại phát ngôn có vẻ như bắt bẻ:
– Làm gì mà điệu dữ vậy?
– Điệu gì, đơn sơ mộc mạc thôi, tui “nhà quê” mà…
Ông chưa ngừng lại, môi trề ra:
– “Nhà quê” mà lại còn bày đặt đeo chuỗi hạt trai!
Nghe cách ông nói, bà biết là ông “ngưỡng phục” bà lắm rồi! Thiệt ra thì chuỗi hạt trai thời bây giờ đâu có còn quý giá như xưa! Đây lại là thứ hạt trai do người cấu tạo mà thành, không như ngày xưa nên giá cũng bình thường.
– Bà mặc đồ đen đeo chuỗi hạt trắng là sang nhất…
Tiếng người nhân viên bán áo quần trong shop cố vấn còn trong đầu… “Ừ, màu mè mà chi cho chúng nó khi!”. Bà bật cười khi nghĩ vậy! Nếu cho phối màu, chắc bà cũng chẳng biết nghệ thuật để mà phối!
Cũng may, khi đi xuống cầu thang, ngang qua chỗ bán khăn quàng, tình cờ bà nghe được hai bà nói tiếng Việt với nhau:
– Cái khăn màu rêu nầy đẹp quá… của Ý… khoác lên với áo cụt tay thì hết biết… nhìn sang nhưng giá hơi mắc… thôi chắc để tui nghĩ lại… có gì trở lại lấy sau…
Bà Hoan nhìn chiếc khăn quàng họ vừa tiếc nuối bỏ xuống… Ôi trời, nó đẹp thiệt, bà chưa từng thấy loại lụa nào mà mềm mại óng ả như vậy. Chiếc áo đầm bà vừa mua đúng là đẹp, nhưng tay ngắn, bà đang muốn có cái gì che hai cánh tay trần cho đỡ trống trải, chiếc khăn nầy thật là hợp thời hợp cảnh.
Thế là bà ướm cái khăn lên người nhìn vào trong gương, quá đẹp… sau đó bà nhìn giá tiền, xót ruột khi thấy đến gần hai trăm đô!
– Cái áo hơn ba trăm, cái khăn nữa là gần năm trăm… đúng là tụi ăn cướp!
Nhưng rồi cuối cùng thì bà cũng đành ngậm ngùi cầm chiếc khăn ra trả tiền cho… quân ăn cướp, vì nhìn tới nhìn lui chẳng còn chiếc nào có màu đẹp như chiếc nầy nữa! Không mua rồi khi về đến nhà nhớ, lại tiếc hùi hụi!
Nhưng dù tốn tiền, bà Hoan cũng cảm thấy vui quá là vui. Có tới hai niềm vui lận, thứ nhất là bà Tracy và Thương cũng như thằng Tú đều hài lòng về bà, hai nữa là ông chồng bà hình như dạo nầy hay để ý “theo dõi” bà, chứ không phớt lờ như trước. Vì sao thì bà chưa biết! Có lẽ thấy bà “đẹp” nên “sợ mất” chăng?
– Mấy ông đang tòm tem bên ngoài, họ như vậy thành ra nghĩ vợ mình cũng như vậy… khi thấy vợ ăn diện, đẹp lên… thì họ sợ bà vợ có tình nhân, rồi bị xuí bẩy chia chác gia tài…
– Bà cứ nói lung tung… Tui với ổng giờ sống như bạn cũng quen rồi…, và tui chỉ muốn ngăn chận ông già nhà tui mê gái, rồi làm ra những điều xấu hổ mà thôi!
– Thì cứ cho thằng chả mơ mộng đi… mấy em sau khi nạo hết của thì tự động gài số de… lúc đó mấy ông chồng vừa tỉnh ngộ, lại có kinh nghiệm đau thương, nên tử tế với vợ nhiều hơn!
– Thôi đi! Đừng quên là nhiều ông cũng vì mắc cở nên nhất quyết ly dị vợ, xa con… biến đi ở một nơi sơm lâm cùng cốc… tui không muốn đi đến trường hợp đó!
– Thì bà phải canh chừng ổng thôi!
– Canh cách nào?
Bà Thu tự nhiên quạu:
– Sao cái gì bà cũng hỏi tui vậy! Bà phải tự nghĩ ra chứ…
Tự nghĩ ra? Bà Hoan thấy mình nổi cơn tự ái khi bị bạn phê bình! Đây là hạnh phúc đời mình, dù ông bà giờ đây hết tình còn nghĩa, nhưng vẫn còn thằng con trai, cũng là một gia đình gia giáo… chẳng lẽ gần cuối đời lại để cho chuyện tồi tệ xảy ra, rồi một mình bà sống đơn côi chắc chán lắm!
Chưa kịp nghĩ ra kế, thì một hôm ông chồng bà Hoan nói:
– Anh phải về Việt Nam có chuyện gấp!
Đối phương đã lò mặt ra rồi!
– Có chuyện gì mà về vậy ông?
– Má Hai bịnh, muốn gặp anh lần cuối…
– Má Hai bịnh gì? Mới mấy tháng trước còn mạnh mẽ lắm mà?
– Người già mà… Tui với bà mạnh hay bịnh còn không biết, huống chi là má Hai…
Tự nhiên trong đầu bà Hoan loé ra một kế… Mình phải tự giải quyết lấy chuyện của mình, cho bà Thu lé mắt!! Bà nói:
– Vậy ông có muốn tui cùng đi không?
– Mình mới đi chung tốn tiền quá, không lẽ bây giờ bà đi nữa thì tốn chịu gì nổi… với lại bà nên ở nhà lo tiến tới vụ thằng Tú lấy vợ… người ta nói “lấy vợ thì lấy liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha”!
– Chuyện đó xưa rồi… không cần áp dụng cho ngày nay… tụi nó đâu cần tui lo!
– Thì nói là vậy… với lại cũng chưa biết bịnh má Hai có nặng không, nếu không sao thì tui sẽ trở về ngay…
Giọng bà Hoan chợt ngọt ngào, dịu dàng như Thánh Mẫu:
– Thì ông đi một mình, tui không muốn về theo đâu, ngồi máy bay lâu mỏi giò lắm… Nói với má Hai tui gởi lời thăm…
Ông vừa hồ hỡi lên đường, thì ngày hôm sau bà cũng đếm số tiền để dành mang về theo, nhất quyết tiêu cho đã vào chuyến đi nầy, chẳng hơi đâu mà tiếc rẻ như trước… Có tiền không tiêu cũng uổng!
Lúc trước bà đã tính khi thằng Tú làm đám cưới, sẽ cho nó năm lượng vàng ròng. Bà mua vàng khi còn giá tám trăm một lượng. Bây giờ thì vàng leo lên tột đỉnh… đắt hơn gần gấp ba lần khi xưa, làm quà vậy cũng được rồi… Nhưng thằng Tú nhất định từ chối, lại còn bảo:
– Thôi thôi… Mẹ giữ mà xài… tụi con sẽ chi tiền đám cưới hết, bố mẹ đừng lo…
– Đây là quà của mẹ…
Thằng Tú nhăn mặt:
– Mà con lấy vàng làm gì? À, hay là mẹ bán đi, rồi mua sắm áo quần cho đẹp để đi dự đám cưới tụi con!
– Cha mày!!!
Đã vậy thì bà xài cho sướng thân! Tụi trẻ thời nay nó ăn nên làm ra, đâu có cần đến tiền của ông bà cha mẹ! Chẳng bù với bên Việt Nam… chia gia tài không đều là có chuyện!
Bà Hoan khôn khéo mướn khách sạn Mini ở ngay đầu ngõ nhà má Hai để dễ bề quan sát. Không những thế, bà còn mua chuộc được một anh xe ôm khôn lanh làm “thám tử” cho bà, với giá ba trăm ngàn đồng Việt Nam một ngày, tức là khoảng 15 đô la.
Anh ta chỉ việc ngồi đó không chở ai cả. Khi thấy bóng dáng chồng bà, thì lập tức chạy theo coi ông ta đi đâu, rồi gọi phôn báo cáo cho bà biết. Mỗi lần gọi 1 cú phôn cho bà Hoan, thì được trả thêm 20 mươi ngàn.
Ông chồng bà đâu có biết vợ đang theo dõi mình, ông cũng không thể ngờ là bà Hoan dám làm vậy, tức là bỏ nhà đi theo để rình mò ông! Và ngày đầu tiên, bà biết chắc là má Hai chẳng có bịnh hoạn gì, vì chính mắt bà thấy má ra cửa kêu cả gánh bánh canh giò heo vào nhà với âm thanh còn lanh lảnh chói tai!
Đêm thứ hai ở Sàigòn, thì chính anh xe ôm chở bà đến cửa quán cà phê ôm ngồi chờ đợi phía trước, gần hai tiếng đồng hồ mới thấy ông chồng bà đi ra cùng với một em tuổi đáng con cháu, tay trong tay họ tình tứ ôm nhau sát rạt…
Bà Hoan quay video hết tất cả những cảnh nầy trong sự bình tĩnh khiến anh xe ôm cũng ngạc nhiên! Chính bà cũng không ngờ là mình đã đứng yên mà hành động như thế! Lẽ ra khi thấy chồng phản bội ngay trước mắt, bà phải ghen tức nhảy chồm lên mà túm lấy ông xỉ vả, cấu xé, lăng nhục… cho thoả tâm hồn!!!
Nhưng sau đó, bà yên lặng về phòng, coi lại đoạn phim trong Video bình thản như chuyện của ai đó… Chắc bà đã hết “tình” với ông rồi? Vợ chồng già chỉ còn “nghĩa”?
Luôn suốt một tuần, đi theo ông và người tình bé nhỏ, bà đã có nhiều tài liệu “ăn vụng”, “ăn chả”, “ăn phở”… của ông. Lâu lâu bà cũng giả vờ gọi phôn hỏi thăm, thì ông nói má Hai bịnh thấy ông về thăm cũng đang dần dần bình phục…
– Ông ở bên đó đừng có làm gì bậy bạ mà mang tiếng nghe… Con mình sắp đám cưới rồi…
– Tui chán cái lũ con gái bên nầy lắm rồi… lúc nào cũng chỉ biết có tiền… ai mà không biết! Bà đừng có vớ vẩn!
– Thì tui dặn phòng hờ… Nếu ông biết rồi thì tốt!
Bà còn hăm:
– Ông mà làm gì vớ vẩn là hối hận không kịp… tui nói trước rồi đó, ráng mà nhớ lấy…
Bà Hoan cười nửa miệng khi thốt lên câu đó. Nhờ anh xe ôm điều tra phụ giúp, bà biết tỏng tại sao ông thốt nên câu đó.
Bởi vì con nhỏ bia ôm nó đang xin ông năm ngàn đô để mua xe xịn, ông còn chưa cho vì tiền mặt mang theo giới hạn, mà mua bằng Visa thì sợ lộ… với lại ông đâu phải là người hào sảng mà cho gái một lúc năm ngàn!
Anh xe ôm trẻ có khuôn mặt dễ coi, mới vào quán để dò hỏi “con đó” theo lịnh của bà Hoan, thì cô ả đã xà tới làm quen. Khi nghe anh buông vài câu tán tỉnh, cô đã bóc lột hết tâm sự cuộc đời mình, dĩ nhiên là khoe khoang về ông bồ già Việt Kiều kẹo kéo đang “bám” lấy cô… và cả trăm điều kể xấu khác nữa… dĩ nhiên đều được thu vào cái máy ghi âm nhỏ giấu trong túi quần của anh ta.
Qua cuộn băng thu lén, bà Hoan an tâm khi biết ông chỉ muốn đi chơi kiểu “ăn bánh trả tiền”, không di hậu về sau! Cũng đỡ tức vì chính miệng cô bia ôm “bồ nhí” đương thời lại chê bai “bồ già” hết lời… kiểu nầy ông nghe được chắc sẽ “độn thổ”! Để đấy, rồi có ngày rồi bà sẽ cho nghe!
Bà thích nhất là câu:
– Trời… em coi lão ấy như ba em, nói thiệt nhìn ổng đã xấu trai mà còn già hơn ba em nhiều… làm sao xứng với em được, đụng vô là rùng mình nổi gai ốc!!! chẳng qua ổng tự xưng là Việt Kiều, thì em tử tế để được “boa” nhiều… vậy thôi…
Đúng là không có cái ngu nào bằng cái ngu nào! Dù sao chồng bà cũng chưa đến nỗi ngu lắm để đánh đổi cả gia đình cho gái như một số người khác! Bà có nên tha thứ cho ông không?
Đã lên kế hoạch với anh xe ôm, bà biết là từ ngày hôm đó, ông không thể nào gặp được cô gái ấy nữa, vì bà sắp đặt cho anh ta một số tiền, hẹn hò rủ cô gái đi Vũng Tàu chơi một tuần, cũng như giả vờ ghen tuông, không cho cô gặp mặt ông bồ già nữa… cho đến khi bà về Mỹ.
Biết được điều mình cần biết, một buổi chiều bà bốc phôn gọi cho ông:
– Ông mạnh giỏi? Má Hai sao rồi?
Đang bực mình vì “bồ nhí” trốn đi với nhân tình trẻ như lời mấy cô trong quán nói lại, nghe vợ gọi, giọng ông bỗng dưng chùng xuống bất ngờ:
– Má ngồi dậy được và bắt đầu ăn cháo!
– Má còn yếu lắm hả ông?
Lúc bà hỏi câu đó, má Hai đang ở phòng khách cười nói oang oang, và bà còn ra sức bóc vỏ trái sầu riêng to đùng để cả nhà ăn. Ông vội đưa ngón tay lên miệng suỵt nhỏ ra dấu bảo im, vừa trả lời:
– Tui đang đỡ má ngồi dậy cho má ăn cháo…
– Ông thiệt hiếu thảo… tốt quá…
Tiếng nói sau cùng nghe có vẻ như vang lên ngay sau lưng. Ông quay lại và tái mặt khi thấy bà đang đứng chình ình ở trước cửa phòng khách!
Mặc cho ông và cả nhà sững sờ, bà tươi cười tiến vào:
– Nghe ông nói má Hai bịnh nặng, tui sốt ruột nên bay về thăm…
Rồi quay qua má Hai và ông chồng:
– Má khoẻ lại rồi mà ảnh không nói cho con biết… Tụi con sẽ ở đây ít lâu nữa để săn sóc má, nghe ông…
Giọng má Hai tự nhiên “yếu” hẳn đi:
– Ừ… bây nói vậy má mừng lắm…
Khỏi nói thì hai tuần ở lại Việt Nam của bà Hoan rất ư là thoải mái, vì ông chồng bà không dưng tính tình bỗng “nhũn như con chi chi”, ngoài sự tưởng tượng của bà… tỏ ra là người đàn ông “Việt Kiều” sống ở ngoại quốc rất mực ga lăng và lịch sự với vợ… chưa từng thấy.
Ai nhìn thấy cảnh ông bà đưa nhau đi du lịch nơi nầy nơi khác, ông tỏ ra đằm thắm săn sóc vợ… cũng tấm tắc khen đôi vợ chồng “già” hạnh phúc…
Họ đâu biết rằng khi ở trong khách sạn Mini, ông đã ngồi im với gương mặt ỉu xìu sau khi được bà cho coi những tấm hình của ông cặp kè “gái…, cũng như sôi sục giận dữ cuối cùng vỡ mộng… khi ông coi những hình của anh xe ôm và cô bồ nhí mùi mẫn với nhau, được chính anh xe ôm chụp bằng “cell” phôn, mà không còn tâm trí nào để nghĩ rằng: tại sao thằng đang ôm bồ mình lại tự chụp, rồi vợ mình có mấy tấm hình? Khi nghe vợ hăm:
– Ông đã sáng mắt ra chưa? Nếu ông không biết điều tu tỉnh lại, tui sẽ nói cho thằng Tú biết hết chuyện ông làm…
Chỉ nhẹ nhàng vậy thôi… cũng may mà ông không có ý định “trả thù dân tộc”… lại ngoan ngoãn gậm nhấm, hối lỗi những sự việc đã qua…
Bà Hoan mỉm cười khi thấy mình xử sự đúng… Từ nay thì không sợ ở một mình khi về già… Thà lui một bước còn hơn “vỡ bờ”! Cám ơn “anh xe ôm”, tốn có năm trăm đô mà xong việc, chỉ bằng giá của một bộ đồ thời trang… Còn bà Thu, chắc khi nghe chuyện sẽ phục bà sát đất!

DIỄM CHÂU

Rượu Vang Ở California

diemchaunguyen

Mang tiếng là cư ngụ ở tiểu bang có những hãng rượu vang ngon nổi tiếng trên thế giới, nhưng chưa bao giờ chúng tôi đi sâu tìm hiểu vào vấn đề nầy. Vì bận rộn công việc, vì đủ thứ lý do, có khi lười nữa…

Nhưng năm nay, gia đình tôi quyết định đi nghỉ lễ Giáng Sinh và Tết Tây cùng với các con tại khu vực thử rượu Wine Country ở phía Bắc (North) California, hứa hẹn sẽ có những thú vị bất ngờ.

Những ngày cuối năm 2012 tại vùng đất California trời giăng giăng mây mù, đôi khi nắng lên vài tiếng, rồi mưa đổ xuống… Có lẽ ảnh hưởng bởi các trận bão tuyết bên miền Đông Hoa Kỳ… Nhưng mưa hay nắng đều có cái đẹp, cái hay riêng của nó… có điều mưa thì đường xá ướt át, đi xa lộ nguy hiểm hơn là tiết trời khô ráo.

Dù mấy hôm nay không được khoẻ, nhưng đây là dịp lễ để gia đình tụ họp với nhau, nên tôi đành cố gắng. Con gái tôi nói:

– Dịp lễ Giáng Sinh tại đây nhiều nơi tổ chức những buổi thử rượu hay lắm… ai thích uống rượu vang là người ta thường đi cho biết. Con đã mướn sẵn phòng có đủ cả bếp núc rồi… Mẹ nhớ đưa đồ nấu phở…

Những gia đình trẻ bây giờ, dù lấy chồng hay vợ người ngoại quốc, nhưng đa số đều không quên món ăn Việt Nam, nhất là món Phở truyền thống và gỏi cuốn đã nổi tiếng trên thế giới. Sự yêu cầu đó đúng với niềm mong muốn của tôi, là nấu cho con mình những món chúng thích, như ngày nào còn trong vòng tay gia đình…

Còn về rượu… Từ hồi nào tới giờ tôi không biết uống rượu, sau đó bao tử lại yếu, nên chỉ “enjoy” cà phê thôi… nhưng tôi biết nếm rượu, chỉ cần nhấp một chút ở đầu môi, thì biết ngay đó là rượu ngon hay dở…

Hồi nào tới giờ đã hụt nhiều lần đi thử rượu, giờ thì quyết định tham gia, nhất là chồng tôi lại là dân uống rượu vang chuyên nghiệp.

Dân Việt sành uống rượu hay tham gia các buổi tiệc tùng, chắc hẳn nhiều người đã từng đến nơi nầy. Đến để biết thêm những tên rượu mới, hay phám phá ra vị rượu ngon, và mua các món quà lạ không có bán ngoài thị trường…

Sáng hôm đó, tôi để đồng hồ reo lúc bốn giờ. Một tiếng cho sửa soạn cũng đủ rồi, lúc trước khi còn trẻ thì phải lâu hơn. Thật ra tối qua tôi có ngủ nghê gì được đâu! Có những người giấc ngủ đến dễ, có người thì cứ trằn trọc mãi! Tôi thuộc diện thứ hai… thêm cái tính thấy trời mưa lại càng lo!

Rời khỏi nhà lúc năm giờ hai mươi, tôi mang đôi giày bốt, quàng khăn và giữ cho người thật ấm, nhất là hai bàn chân. Chân mà ấm thì trong người dễ chịu ngay…

Từ cuối miền Nam đi khoảng tám tiếng thì tới. Tôi cầu trời cho đừng mưa và không bị kẹt xe ở Los Angeles. Ra khỏi nhà có vài phút thì bắt đầu mưa lâm râm… Trên xa lộ cũng không bị kẹt mấy, có lẽ thiên hạ ít đi chơi xa trong năm nay? Hay là họ đã đi rồi? Vì chúng tôi khởi hành ngay sáng sớm thứ hai, tức trước buổi tối ngày Giáng Sinh.

Chúng tôi sẽ ghé qua Irvine để đón con trai cùng đi, rồi thẳng tiến đến thành phố của Rượu. Trên xa lộ mưa hơi lớn. Tôi mở to mắt để quan sát chung quanh, hoàn toàn tỉnh táo chứ không buồn ngủ vì thức suốt đêm qua.

Gần đến Irvine, khi vừa chạy vào trong “carpool lane”, chỉ khoảng mười phút thì sự lo lắng “trời mưa trơn trợt” của tôi hiện ra ngay trước mắt! Một chiếc xe truck nhỏ bên hông vì chạy nhanh nên bị lạc tay lái, từ lane bên ngoài đã đâm sầm vào trong, sát trước xe chúng tôi với tốc độ rất kinh khủng, phía sau thân xe cạ vào thành vệ đường chắn bên trái làm bùng ra những tia lửa như pháo bông và tiếng cọ sát kêu rầm rầm. Chưa kịp phản ứng thì tự nhiên chiếc xe đó lại quay đầu lao về phía bên tay phải, băng qua một lúc năm “lane” vào rìa đường bên kia… mà thật là phép lạ, không tông phải bất cứ chiếc xe nào đang lưu thông cùng chiều!

Tôi run lên, tim đập loạn xạ… thắc mắc không biết chiếc xe đó ra sao? Chồng tôi nói nhìn vào kiếng chiếu hậu, thấy “nó” đã đậu lại được bên đường, chắc thân xe phía sau hư hại hết!

Thật là may mắn. Nếu như chiếc xe tông đó vào vệ cản lề đường rồi quay vòng tròn, thì chắc xe mình không tránh khỏi! Hay lúc nó băng ngang năm làn đường mà tông nhằm xe khác đang chạy đến, thì chắc chắn sẽ có nhiều xe không tránh kịp!

Tôi thầm cám ơn Thượng Đế đã che chở cho gia đình mình và nhiều người thoát được một tai nạn trong tích tắc. Sự việc nầy là cho tôi cảm thấy mệt mỏi, và lo sợ khi đi tiếp.

Nhưng rồi sau đó mọi sự bình an. Tôi đã ngủ được một giấc khi con trai tôi cùng chồng cầm lái, qua ngọn núi ở Los, thẳng tiến về hướng Bắc ít xe hơn.

Hai bên đường vẫn xanh tươi, khí hậu miền Bắc Cali thường hay nhiều mưa hơn miền Nam. Khu nghĩ dưỡng đây rồi, một căn ở khách sạn lớn có cả bếp và phòng khách, phòng ăn cùng ba phòng ngủ mới và đẹp, lịch sự.

Đây là nơi trung điểm của Napa Valley Wine Country. Từ nơi đây, đi tiếp tục lên hướng North thì sẽ gặp các địa danh như Napa, Yountville, Oakville, Rutherford, St. Helena, Calistoga… Nơi nào cũng có những nhà kinh doanh rượu sẵn sàng mời qúy vị đến thử. Có nhà bán rượu lớn như lâu đài tên Castello di Amorosa có hầm chứa rượu lớn, bên trong vẽ tranh lên tường giống thành La Mã…

Bạn muốn đi tour cũng có xe hay Wine Trolley đưa đi nhiều địa điểm, khởi đi từ Sonoma Plaza, chuyến đi kéo dài sáu giờ, có “Tour Guides” dẫn giải qua mỗi địa danh, ghé bốn chỗ thử rượu, có ăn trưa và thức uống nhẹ…

Nếu muốn đi xe đạp cũng có chỗ cho bạn thuê, nhưng phải đặt trước cho chắc chắn.

Còn như muốn lên lơ lửng trên trời để hít thở không khí lành lạnh thì đi bằng Ballons, những trái bong to lớn đủ màu sắc tuyệt đẹp tại Napa Valley… Có điều chơi thú nầy hơi tốn, khoảng 2 ngàn đô cho hai người, được phục vụ bằng xe Limo đưa đón, uống rượu champagne, uống rượu thử và áo bay… Đi nhiều người thì giá rẻ hơn…

Chúng tôi vào phòng, bên trong ấm áp thoải mái. Thay đồ xong, ra ngoài ban công nhìn xuống dưới, hồ bơi lớn nước trong xanh cùng cái bể nước nóng bên cạnh bốc khói nghi ngút vì nóng. Thiên hạ bơi lội thong dong, vài người ngâm mình trong bồn nước nóng (hot tub) để được thư giản…

Nhiệt độ bên ngoài lạnh khoảng 40 độ, được ngồi trong bồn ngâm nước nóng chắc đã lắm! Nhưng rất tiếc tôi không nhớ mang theo áo tắm, nên đành chịu.

Buổi tối, ăn thịt bò nướng với rau xà lách trộn dầu giấm cùng bánh mì Pháp nóng hổi, bên cạnh những ly rượu vang sánh đỏ, lại không phải làm công việc dọn dẹp, vì mấy tên con trai phải lo điều nầy… cảm thấy hơi nhàn hạ…

Ngày hôm sau là một ngày trời quang mây tạnh, có chút nắng vàng trên cao… Chúng tôi xuống Lobby ăn sáng. Trên chiếc bàn phủ khăn trắng, có khoảng hơn chục món và tôi chỉ ăn độc nhất một món trứng đúc với ham, được biết do nhà hàng nổi tiếng mang lại, uống thêm ly cà phê Mỹ cho ấm bụng… cũng thấy OK… Sau đó, chúng tôi cùng lên đường đi thử rượu.

Nói đến thử rượu, tức nhà hàng mời khách uống, thường là rượu trắng trước, sau đó mới đến rượu đỏ. Có những nơi được uống “free”, và cũng có nơi phải trả tiền, giá từ mười đồng trở lên, được thử khoảng bốn năm loại. Có đi uống thử mới biết không phải là rượu của nhà nào cũng ngon… vì vậy mà khách hàng mới phải thử, nếu thấy ưng ý thì sau đó sẽ mua. Giá trung bình một chai rượu khoảng ba chục trở lên. Nhưng nếu bạn phải trả tiền để uống thử, thì không mua không sao, còn chỗ nào không lấy tiền, mình mua một thứ gì đó nếu rượu dở… để không phải áy náy công người ta tiếp khách, rửa ly và uống “chuà”!

Nhiều nhà cho thử rượu kèm với chesse hay trái olive. Bất cứ thứ gì cho “thử” cũng để bán. Tôi thử một miếng bánh mì Sourdough Pháp, chấm với dầu Olive ép tại chỗ, ăn thêm một trái olive màu xanh nho nhỏ. Rượu ở nhà nầy cho thử “free” nhưng không được ngon, nên tôi mua một ổ bánh mì còn nóng giá tám đô, một chai dầu olive nhỏ xíu để chấm với bánh mì khoảng ba chục… Nói chung, tất cả mọi thứ đều mắc hơn ngoài tiệm rất nhiều, nhưng “home made”, “organic”… và mình có thú vui khác, là được đi nhìn ngắm những nơi thiên nhiên hoang dã xanh mát…

Đi loanh quanh trong vùng thử vài nhà làm rượu, điều tôi thích nhất là bắt gặp nhiều cây chanh mọc đầy đường sai trái không ai hái. Lại còn cây hồng dòn đầy trái lớn đã chín ngoài sân, trước một nơi thử rượu mời mọc…

– Tôi có thể hái hồng được không?

Ông chủ gật đầu cười tươi khi nghe tôi hỏi:

– OK, you lấy hết dùm tui… lấy bao nhiêu cũng được…

Thế là tôi ra sân, lấy cây sào dựng gần bên có cái lồng để hái trái rớt vào trong lồng không bị rơi ra ngoài bể… Nhưng tôi hái dở quá, vì giật hoài một trái mà nó không chịu rớt! Con gái tôi thấy thế phải phụ, hái giùm cho vài trái, còn tôi thì đi loanh quanh tìm mấy trái gần tầm tay.

Chu cha, những trái hồng quá lớn. Tôi lại vào hỏi ông chủ:

– Mấy trái nầy you không ăn thì trồng làm gì?

Được trả lời là cây có tự lâu rồi nhưng họ không nỡ đốn, trái ra nhiều quá “chim ăn” cũng không hết, chín rụng phải quét dục thôi…

Ở đây là không khí nhà quê, tiếng chim trên cành chuyền qua lại kêu chíp chip thật vui…

Sau khi đi một vòng, chúng tôi cùng đồng ý là có một hãng rượu của Ý, những thùng rượu vang được chất trong một hang động lớn để giữ nhiệt độ mát lạnh, gây cho người uống cảm giác đúng cách cất rượu… Ở đây họ cũng tính mười đô cho một người uống thử, có khá đông khách thăm viếng.

Trở về với chiến lợi phẩm gồm mấy chai rượu ngon, ăn trưa lúc hai giờ chiều ở một tiệm Mễ của vùng Sonoma, trên con đường gọi là “old town”. Thức ăn Mễ cay cay, lạ miệng cũng ngon.

Tối hôm đó tôi o bế nồi phở của mình, với những cánh hoa hồi, quế vị và đinh hương mang theo. Phở không có hành hương nhưng khá độc đáo vì được thay thế bằng hành tây, ăn cùng thịt bò tái mềm, thịt chín là bò bắp. Bánh phở thì dùng tạm “pad Thai” mua ở chợ Mỹ, cũng như các loại rau húng, hành ngò giá, chanh… Đêm trời lạnh, ăn một tô Phở nóng thì còn gì bằng… Nồi Phở còn dư vậy mà làm cho trẻ con thích, ngày nào cũng phải ăn hai tô mới chịu.

Ở Mỹ, California là một nơi trồng nho làm rượu, nổi tiếng với nhiều danh hiệu, cũng như chúng tôi tự chọn được một nhãn hiệu ngon, loại Cabernet Sauvignon phù hợp với mình.

Ngoài nước Mỹ, trên toàn thế giới, thì nước Úc có hơn 60 vùng trồng nho được công nhận, có tiếng tăm trên toàn thế giới với những loại rượu vang đoạt nhiều giải thưởng.
Khám phá một số vườn nho shiraz lâu đời nhất thế giới ở McLaren Vale và thung lũng Barossa miền Nam Úc, hay loại vang trắng sauvignon từng đoạt giải thưởng ở Margaret River miền Tây Úc. Tham gia vào các sự kiện của xưởng rượu được tổ chức ở Thung Lũng Hunter gần Sydney, hay nếm loại vang Chardonnay thượng hạng, vang đen Pinot Noir và vang nổ của Thung Lũng Yarra gần Melbourne.

Hầu hết các vùng trồng nho hàng năm đều tổ chức lễ hội, trong đó du khách có thể nếm thử đồ ăn, rượu vang địa phương và tìm hiểu nét văn hóa. Lễ hội lớn nhất là lễ hội Tasting Australia tổ chức hai năm một lần, trưng bày những loại rượu vang ngon nhất của Úc.

Ở Chi Lê, Cayao là một trong những chai vang hàng đầu. Được làm từ những loại nho ngon nhất, được kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ những vườn nho nổi tiếng nhất Chi Lê. Hình dáng bên ngoài, vị ngon của nho đã được các chuyên gia đánh giá và lựa chọn tại từng vườn nho theo từng mùa thu hoạch hết hợp với quy trình ủ tinh tế, hoàn hảo tạo nên sự cô đọng, vị giác cân bằng, mùi hương đậm đà mà thanh tao của từng chai vang.
Chai nầy uống ngon nhất khi khui trước 45 phút. Thưởng thức cùng với pho mai, trứng cá hồi, pate gan ngỗng, thịt cừu, giá mỗi chai khoảng 200 đô.
Ở Úc và Chi Lê cũng như các nước khác trên thế giới tuy có rượu vang, nhưng không nổi tiếng với người Việt Nam, hiện ở trong nước thường cho rượu vang Pháp là hảo hạng, là thiên đường của các loài rượu. Lý luận đó không đúng với những người sinh sống ở hải ngoại sành rượu ngày nay.

Rượu vang Pháp bắt nguồn từ miền Nam nước Pháp vào thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, thời Hy Lạp đóng chiếm. Nghề trồng nho bắt đầu phát triển ở thành phố Marseille, thuộc địa của người Hy Lạp. Đế Chế La Mã đã cho phép những vùng ở phía Nam nước Pháp sản xuất rượu. Thánh Martin of Tours (316 – 397) đã tham gia tích cực truyền bá đạo Cơ Đốc Giáo và nghề trồng nho. Trong suốt thời Trung Cổ loạn lạc, những thầy tu đã có công giữ gìn các ruộng nho và kỹ thuật làm rượu. Các tu viện có sự bảo hộ cao, nguồn lực lao động dồi dào để sản xuất rượu vang cho những dịp lễ và nhờ nó tăng thêm thu nhập đáng kể. Trong thời kỳ đó, những ruộng nho lớn thường thuộc về các nhà thờ thiên chúa giáo và rượu của họ luôn được coi là rượu cao cấp. Sau này, giới quý tộc mở rộng thêm diện tích trồng nho. Tuy nhiên, cuộc cách mạng Pháp đã lãnh đạo phong trào tịch thu bớt ruộng đất của nhà thờ, giới quý tộc chia cho nhân dân. Chính vì lý do này, sản lượng nho cũng tăng lên.

Mặc dù thời đó Bordeaux đã xuất khẩu rượu nhưng mãi đến năm 1850 hầu hết rượu của Pháp vẫn chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa. Do sự phát triển của ngành đường sắt và đường bộ, chi phí vận chuyển giảm nhờ đó mà lượng rượu xuất khẩu cũng tăng lên đáng kể như ngày nay.

Tại Pháp có 4 vùng sản xuất rượu vang:

*Vùng Alsace nổi tiếng về rượu Vang trắng. Sản lượng rượu Vang trắng của Alsace chiếm 30% tổng sản lượng rượu Vang trắng của nước Pháp. Rượu Vang trắng ở đây có tên gọi duy nhất là Vang Alsace.

* Vùng Bordeaux sản xuất rượu Vang nổi tiếng và quan trọng của Bordeaux là: Médoc, Haut Médoc, Graves Barsac, Sauternes, St Emillion, Pomerol, Cérons, Loupiac, Fronsac, Bourg

* Vùng Burgundy nằm ở miền Trung nước Pháp với diện tích 47.700ha. Ở đây không có các vườn nho cỡ lớn mà chỉ có những vườn nho thuộc diện gia đình, diện tích chỉ khoảng 50 hécta nhưng lại có đến 56 ông chủ vườn. Phần đông các chủ vườn đều bán nho cho các tiệm rượu để họ pha chế và bán ra thị trường.

* Vùng Champagne, sản xuất loại rượu Vang tinh tế, quí tộc mà không nơi nào trên thế giới bì kịp. Nhờ vào giống nho, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là kỹ thuật sản xuất và kinh nghiệm nên nước Pháp đã sản xuất loại Vang đặc biệt này. Phần lớn rượu Champagne được sản xuất từ hỗn hợp giống nho đỏ thẫm Pinot Noir có chất đường, nước trắng nên độ rượu mạnh và giống như Chardonnay có màu vàng kim, đem lại vị thanh cao và hương thơm.

Tóm lại, Pháp đã qua Việt Nam đô hộ một trăm năm, do đó du nhập rượu vào nước Việt trong thời gian lịch sử gần nhất, khiến dân gian khi nói đến rượu vang là nhớ đến rượu Tây. Lý do là vậy chứ theo ý riêng của người viết, chưa chắc rượu Pháp đã là ngon nhất. Và khi khui một chai rượu vang, còn tùy vào giá tiền cũng như tên hiệu của chai rượu đó… Các tên tuổi của rượu cũng phải qua những kỳ thi đua khảo sát do các tay sành rượu chủ khảo, chứ không phải tự hãng quảng cáo tung ra thị trường.

Bên Việt Nam hiện nay cũng có sản xuất một số rượu vang, điển hình nổi tiếng là Vang Dâu, giá một chai khoảng từ ba – bốn chục ngàn trở lên. Uống thử chai loại trung bình khoảng một trăm ngàn thì thấy nhạt như công thức tự làm rượu vang tại nhà bên Mỹ!

Bây giờ thì trên thị trường Việt xuất hiện nhiều loại Rượu Vang trái cây. Trước đây phần lớn là sản xuất chỉ trong gia đình, ngày nay đã phát triển ở công nghiệp. Một số nhà máy đã sử dụng các loại quả Mơ, Dâu, Táo … để sản xuất, như: Rượu Vang Thăng Long, Vang Gia Lâm, Vang Đà Lạt. Ngoài ra một số địa phương tận dụng nguồn quả tự nhiên như rượu Chuối, Dứa, Mận, Mơ… Nghe như là tên nước xi rô… Cũng có những sản phẩm Rượu Vang đặc trưng. Đặc biệt rượu Vang Đà Lạt nổi tiếng với các loại Vang trắng, Vang đỏ tạo được chỗ đứng thị trường được nhiều người trong nước ưa chuộng.

Có một loại rượu mà các bà nội trợ gia chánh thường hay dùng, đó là rượu Rhum.

Rượu Rhum có lịch sử rất hứng khởi, bắt nguồn khởi đầu từ Châu Á, theo chân con người trong cuộc hành trình về Phương Tây. Đó chính là cây Mía, đã được Columbus mang đến Châu Mỹ, Cuba, và không lâu sau đó Rhum xuất hiện đầu tiên tại vùng này.

Rhum ngày nay hiện diện ở những nơi có trồng mía, như vậy rượu được chưng cất từ nước cốt mía hay sản phẩm của cây mía (xirô mía, mật mía). Nó được chưng cất đến khoảng dưới 95 độ cồn và thường được đóng chai ở độ thấp hơn nhiều. Rhum còn giữ lại phần lớn mùi vị tự nhiên của sản phẩm gốc (mía).

Có 3 loại chính: – Rhum trắng, nhẹ mùi, chưng cất bằng cột – Rhum vàng, mùi trung bình, chưng cất bằng nồi, ủ trong thùng gỗ sồi hơn 1 năm. – Rhum nâu, đậm mùi, chưng cất bằng nồi.

Rượu Rhum có mùi thơm, chủ yếu dùng pha chế Cocktail, nhưng nếu thích thì các bạn cũng có thể uống séc, hay pha với nước cốt trái cây, các bà nội trợ thì bỏ vào bánh, mùi bánh sẽ trở nên thơm, vô cùng quyến rũ.

Khi tôi viết bài nầy, lan man về Rượu… thì cũng đã đến giờ đón chào năm mới. Bên ngoài trời lạnh, nhưng trên bầu trời thì rất trong… Những chiếc pháo bông thi nhau rầm rộ bắn lên, nở hoa trên bầu trời đen tối, loá ra muôn ngàn tia sáng sắc màu rực rỡ, lung linh…

Một năm mới lại đến…

Diễm Châu Nguyễn

Trả Được Mối Thù!

diemchaunguyen

(Truyện ngắn xã hội hiện thực)

Đã bao năm nay, đi làm Nail cho mụ chủ hà khắc, Thu thường mong mỏi có ngày trả cho được cái thù nhục nhã đã mang nặng trong lòng! Cho dù bên ngoài lúc nào Thu cũng phải làm mặt giả nai, rất tử tế và tình cảm với bả, lý do là mong bà đừng đuổi việc!
Không hiểu sao trong tiệm có bao nhiêu là thợ, mà bả không ghét lại ghét mình? Phải chi Thu là một người chảnh chẹo, thích khoa trương hay đua đòi khiến bà ngứa mắt cho cam! Đàng nầy Thu lúc nào cũng bình thường, áo quần sạch sẽ chứ không mốt miếc gì cả! Thời trang của Thu thường là quần Jean xanh đậm hoặc lợt, áo sơ mi trắng, đen hay xanh da trời, thế thôi, vài màu ít kiểu…
Có điều bà chủ tên Thoa và Thu lại nhìn hơi giống nhau về nhân dáng, công tâm mà nói thì Thu dễ thương hơn bà, tính tình lại hiền lành và có mái tóc bồng bềnh nghệ sỹ… trong lúc bà Thoa tóc tém, rất chưng diện, đánh phấn thoa son kiểu cọ hàng hiệu thay đổi mỗi ngày.
Nhưng dù có tiền, bà lại không phải là người biết cách làm đẹp! Quần áo mua hàng hiệu, nhưng không hợp với tuổi tác và nhân dáng của bà. Còn son phấn thì bà trát cho nhiều lên mặt, tô xanh tô đỏ như phường tuồng, không khéo tay và thiếu thẩm mỹ! Dầu thơm bà xức quá nhiều, khiến đôi khi nức mũi người khác!
Thu có dáng của một qúy bà phong lưu dù Thu nghèo, còn bà Thoa thì lắm tiền nhưng nhìn có vẻ rẻ tiền! Đó là lời phê bình của những cô biết ăn diện vào làm, bị bà đuổi việc, đã tức giận mà thốt lên như vậy!
Điều bà Thoa bực mình nhất mỗi khi người ta lầm Thu là bà chủ! Điều nầy khiến bà thấy mình bị xúc phạm nặng nề!
– Nghĩ sao vậy Trời! Tui ngồi đây mà lại hỏi bên đó là sao!
Thu cũng lật đật đính chính:
– Dạ, tôi chỉ là thợ, không phải bà chủ!
Nói xong nàng vội nhìn xuống, cắm cúi tiếp tục với công việc của mình!
Bà Thoa nhìn Thu khinh khi ra mặt. Dù không ưa Thu, nhưng bà chưa sa thải lý do dễ hiểu là Thu đi làm đúng giờ, không hay lấy cớ nghĩ việc tầm bậy, chưa bao giờ bị khách khó chịu xài xể, và Thu còn nói tiếng Mỹ lưu loát trong tiệm, gặp chuyện gì khó xử với khách hàng ngoại quốc… là Thu phải đứng ra dàn xếp cho êm…
Nhờ điều đó mà bà Thoa còn dung dưỡng cho Thu. Nếu trường hợp bà có tay thợ nào tin cẩn và biết rành tiếng Mỹ, chắc Thu đã không còn ngồi đây!
Nhiều khi bực mình chuyện gì, thấy Thu đi qua, bà bĩu môi, khơi khơi phát ngôn:
– Lúc nào cũng có nhiêu đó… đúng là hãm tài… cục nợ đời trời bắt tui phải gánh hay sao vậy ta!!!
Đôi môi bà trề ra sau câu nói. Nhiều khi Thu tức, muốn hỏi:
– “Bà nói vậy là có ý gì? Bà ám chỉ ai???”
Nhưng Thu đã cố dằn miệng, vì bà ta không nói thẳng tên, hơi đâu mà tức cho thiệt thân!
Thấy Thu lì mặt ra, bà Thoa càng bực hơn! Bà cho rằng Thu coi thường mình… Bà chì chiết thêm vài câu nữa cho đã miệng, và rốt cuộc trong tiệm cũng không ai hiểu bà muốn ám chỉ cái gì!
Vừa dũa nail, Thu vừa suy nghĩ nát óc, không biết mình phải làm nghề ngỗng gì cho có tiền ngoài nghề làm Nail! Thu có hai đứa con phải nuôi, thằng Phước mười lăm và con Hiếu mười bốn tuổi. Cũng may là chúng nó tự lo cho bản thân được, nên Thu mới cắm đầu cắm cổ mà kiếm tiền!
Bị chồng bỏ từ mấy năm nay, khi Thu sống chết miệt mài với nghề nail để kiếm tiền, vì nàng bị thất nghiệp, đi kiếm hãng điện khác không ai mướn!
Ông chồng Thu thấy vợ cứ lo đi làm thì chán, kiếm cớ theo bạn bè về thăm Việt Nam, được các em gái o bế, chàng trở lại Mỹ Quốc đòi xé hôn thú với vợ, dứt áo một mình ra đi không thương tiếc, cũng không đòi chia con chia của!
Chàng dư biết của không có để mà chia! Ngôi nhà thì ở mướn, tiền mỗi tháng chàng đưa cho vợ có bảy trăm, coi như hùn trả tiền nhà tiền cơm… Con thì đi học trường chính phủ không phải tốn kém, vợ làm nail lậu vì trả tiền mặt, không khai báo gì hết.
Thu lo chi tiêu trong nhà, tiền nàng kiếm được chồng không biết chính xác là bao nhiêu, nhưng anh ta nghĩ rằng nhiều lắm, cho nên số tiền chàng đưa coi như là OK, bởi chàng nghĩ Thu kiếm cả bốn năm ngàn một tháng, quá nhiều còn gì!
Thực tế thì từ ngày nền tài chính thế giới đi xuống, thì Thu cao lắm có được ngàn rưỡi một tháng, ít nhưng đâu phải là thời làm nail huy hoàng như xưa mà muốn cho đầy túi. Nhiều người tay nghề vụng thì đói thê thảm, chẳng ai thèm thuê! Mình vậy mà có khách, còn may mắn, chỉ bực là mụ chủ cứ chiếu tướng hoài!
Thu ngồi làm việc, vừa nói chuyện với khách, đôi khi lại mơ màng nghĩ đến việc mình trở nên giàu xụ, có một cơ sở làm ăn lớn… Lúc đó khỏi còn lo lắng chuyện tiền bạc như hiện nay! Và mối hận thằng chồng bạc bẽo không đoái hoài đến con cái, mối thù con mụ chủ hay hạch hoẹ và luôn mắng Thu như tát nước… bà sẽ cho chúng mày biết thế nào là lễ độ, lẽ phải!
Nghĩ vậy cho đỡ tức, chứ cho dù giàu thiệt, thì chắc Thu sẽ chẳng bao giờ đi kiếm ai mà trả thù cả, vì cái tính Thu vốn hiền lành xưa nay. Ngày xưa mẹ vẫn nói Thu lúc nào cũng hay cười và lành tính, có lẽ sau nầy cuộc đời sẽ sung sướng!
Nhưng làm thế nào để giàu đây?
Tiếng chị bạn ngồi kế bên đang nói chuyện với bà Mỹ:
– Mega Millions nay lên đến hơn ba trăm triệu rồi, bà có mua chưa?
Bà Mỹ có vẻ không hứng thú:
– Thế à, tôi không chơi đâu, tôi thấy khó trúng lắm!
– Tui mua năm đồng, còn ông chồng tui thì tuần nào cũng tốn cả hai chục để chơi vé số đấy!
– Thế cơ à, tôi thấy trúng số khó còn hơn là bị sét đánh đấy!
Nghe bà Mỹ nói, Thu thấy buồn cười! Nếu bà không mua số, thì làm sao trúng! Mà trúng thì cũng có thể do hên xui, làm gì mà cho là khó… Cũng có nhiều người Việt Nam được trúng số đấy thôi!
Có lần Thu nhớ một cô bạn đã nói với Thu rằng:
– Số phận của những người trúng số sau đó đa số đều bi thảm, không tốt chút nào… Trúng số là tới số!
Dù không chơi số, nhưng Thu không chịu lý lẽ đó, nàng cãi:
– Thu nghĩ có đa số người trúng số do họ nghèo, trúng được mẻ lớn, theo thói thường là lao đầu vào ăn chơi trác táng, nhất là rượu chè, hút sách, bài bạc… cho bỏ những ngày cực khổ… thì chỉ vài năm sau là hết tiền, lại thân tàn ma dại còn hơn xưa… nếu họ biết tính toán, đầu tư, làm phước để lấy đức… thì đâu đến nỗi! Cũng có nhiều người giàu trúng, họ biết thuê luật sư lo giùm mớ tiền, chẳng những không bị phiền toái, mà còn khuếch trương thêm cơ sở, thảnh thơi với cuộc sống giàu có… dĩ nhiên là đa số họ cũng đều giúp cho nhiều cơ quan từ thiện… của trên trời rơi xuống phải chia bớt, không nên giữ một mình!
Mặc cho những lời bàn ra tán vào, từ đó Thu chịu khó bỏ ra hai đồng mỗi tuần để mua vé số. Phải, không mua số thì lấy đâu mà trúng! Mấy đứa nhỏ ngạc nhiên đôi khi thấy Thu thường chịu khó đừng xe ở mấy chợ để vào mua vé số, chúng bàn tán:
– Khó trúng lắm mẹ ơi…
– Con thấy vé mẹ cứ dục lung tung, mua chi cho uổng tiền!
Mấy đứa nhỏ nhận xét đúng. Thu nhớ mua vé, nhưng lại hay quên dò số. Có khi tấm vé số bỏ bóp nầy bóp nọ rồi quên, những cái bóp mà nàng thay đổi hàng ngày, là thú đam mê trong đời Thu…!
Có khi Thu cũng chăm chỉ ngồi dò, nhưng được vài lần lại nản, mua thì mua và chẳng bao giờ theo sát chuyện dò vé…
– Cả mấy triệu người mua vé số mỗi tuần… bon chen với bao nhiêu đó người, khác nào mò kim đáy biển!
Thôi kệ, mò cũng được, chỉ tốn hai đồng không bao nhiêu. Biết đâu cây kim lại nhảy vào tay mình thì sao!
Ngày mai là ngày bà chủ đãi tiệc kỷ niệm 10 năm mở cửa tiệm. Chẳng phải bà chủ tốt lành gì mà đãi ăn mọi người chi cho tốn kém. Chỉ vì bà mới lượm được trong “parking” một chiếc nhẫn xoàn của ai làm rơi, bà đưa vào tiệm vàng hỏi cho biết đồ thật hay giả, và bán được ba ngàn đô.
Với của lượm nầy, bà bèn ăn mừng bằng cách đi cắt mỡ hai mí mắt cho trẻ trung và nhìn trong sáng hơn, còn dư hai ngàn thì đãi bọn thợ ăn một bữa để khánh thành cặp mắt, và nghe những lời khen sẽ tới tấp gởi cho bà…
Nghĩ đến đó là bà khoái rồi.
Bà Thoa đứng trước gương tô xanh lè hai mí mắt của mình! Trong những màu dùng cho mắt, bà thấy màu xanh blue là bà thích nhất. Nhìn vô là biết có trang điểm. Bà kẻ lên hai mí đường line màu đen, nhưng mỗi khi tô, tay bà cứ run rẩy, nên vệt kẻ lem luốc chứ không ngay hàng thẳng lối như người ta!
Cuối cùng thì bà cũng hài lòng với cặp mắt mới của mình!
Chọn chiếc áo hở vai hoa hòe đủ màu khoác vào, trông bà nổi lắm. Những người biết ăn mặc hay Thu mà thấy, có thể nghĩ rằng bà là một con két xứ nóng di động!
– Nếu bả biết thời trang, thì bả trông sẽ qúy phái hơn là ăn mặc hở hang như thế!
Thằng Ryan nó rất thân với Thu, từng phê bình rằng:
– Bà Loan có tiền mà nhà quê!
– Ê… coi chừng bả nghe là toi đời!
– Nói thiệt chứ bộ!
– Mày ngon thì mày làm đi, phê bình người ta hoài… mà mầy thì cũng có bảnh bao gì đâu mà nói ai!
– Tui có tiền đâu mà diện hả bà!
Thu phán:
– Đợi đấy, khi nào trúng số tao sẽ chia cho mầy 1 triệu, để mày mua nhà, mua xe, và mở tiệm riêng cho mầy, tha hồ ăn diện, cua đào…
– Tui mà có tiền thì tui sẽ mua một cái nhà nhỏ để ở, và tui cho trẻ em mồ côi, người già neo đơn…
– Cha, mày tốt quá há… chứ không phải chui vô sòng bài ngay à?
– Muốn biết tui có tốt hay không, thì chị cứ cho tui một triệu đi, tui làm cho chị coi! Không có tiền tui mới vô sòng bài ăn chực, coi văn nghệ chùa… có tiền vô đó làm chi cho nó thu tóm hết!
– Hãy đợi đấy…
Câu nói nầy Thu chẳng lấy gì làm chắc chắn cho lắm! Mụ chủ thì lúc nào cũng nhìn Thu với cặp mắt hổng ưa, còn ông chồng cũ ngoài những cô bồ sơ cua bên VN, thì nay cặp bồ với một bà rất đô con, kèm theo đức tính dữ như chằng, họ đi đâu cũng có nhau, dính như đôi sam… Cứ nghĩ đến là Thu sôi gan! Cho dù không còn một chút tình cảm nào sót lại trong lòng!
Thu ước ao một ngày nào đó, mình sẽ ngồi vào chiếc xe chiến, như Phantom Rolls Royce, yểu điệu từ trên xe bước xuống, quần áo bóp xách sang trọng, mùi dầu thơm bay thoảng ngạt ngào hương… cho mụ chủ và tên cựu chồng nhà nó lé mắt chơi!
Bà chủ đã cho dẹp lại căn phòng thành khoảng trống vuông vức khá lớn, một chiếc bàn hình chữ nhật có phủ khăn trắng bên trên, bày những thức ăn được “order” từ những người nấu nướng tại gia mang đến.
Thu nhìn vào những khay thức ăn, thấy có con heo sữa quay dòn rụm, bánh bao, xôi gấc, gỏi chân gà, bánh mì, cơm chiên, tôm chiên dòn, và cái bánh kem to tổ bố. Nàng ghé tai Ryan:
– Hôm nay mày tha hồ ăn, đồ ăn nhìn ngon.
– Tui có mang theo mấy cái bao ny lông sạch, chút nữa có gì dư, tui lấy về cho bạn và mai ăn tiếp!
Thu trố mắt:
– Lấy vậy không sợ người ta cười cho thúi đầu à?
Ryan biũ môi:
– Ai cũng sợ cười thúi đầu như bà… thì đồ ăn bỏ tội, tui “chụp giựt” lấy cho mấy người bạn “homeless”, và cất mai ăn…
– Gì mà dùng danh từ “chụp giựt” nghe ghê vậy mày!
– Bà nầy ngây thơ! Bà thấy cứ cái gì free là người ta nhào vô tranh dành… ai cũng như bà thì không có chiến tranh! Lát nữa bà cũng dành cho tôi vài thứ nghe…
Thu suy nghĩ, thấy thằng nầy nói cũng có lý! Bà Thoa thì chắc chắn là không phải dân chịu thương chịu khó, thu lượm đồ ăn dư và cất tủ lạnh ăn dần! Thế nào hôm nay bả cũng sai mấy người thợ thu dọn, chia nhau mang về mà ăn.
Trong số thợ, thì ai cũng ăn diện nhưng tinh thần nhường nhịn thì phải coi lại! Chút nữa, chắc là Thu sẽ lấy cho thằng Ryan vài cái bánh bao và ít xôi.
Bà Thoa mở lời:
– Hôm nay chị muốn mời mấy cưng là vì cám ơn Trời Phật đã cho tiệm của chị sống được lâu dài, mới đó mà mười năm rồi… Cám ơn mấy cưng đã làm với chị, nhất là chị Tám đã ở đây năm năm…
– Chúc chị ngày càng trẻ đẹp…
– Nhìn chị cứ y như là con gái!
– Tướng chị Thoa số sướng hiện rõ ra mặt… đời chị được sống trong lá ngọc cành vàng… nhiều người nhờ phước đức của chị
Nghe cô Tim khen lộ liễu. Thằng Ryan ngứa miệng:
– Nếu không lượm được cái nhẫn, chị có đãi tụi em không?
Bà Thoa hơi quê, nhưng làm tỉnh:
– Thì đó, cũng nhờ nó mà mình ăn một bữa thoả thê hôm nay. Nào, mời mấy cưng nhập tiệc…
Chỉ đợi có thế, bà con thi hành lời mời ngay. Thằng Ryan hỏi đúng, nếu không lượm được của rơi, chắc chắn không đời nào bà đãi nhân viên cả! Ngu sao móc tiền túi cho tụi nó ăn! Cái tính của bà lâu nay là chỉ chi cho bản thân của mình thôi!
Vì vậy tuy cho là thằng Ryan cà chớn, nhưng bà Thoa không giận nó, vì nó hỏi đúng quá! Bà cần những người tính nết như nó để hiểu thêm về nhân viên … Trong đám nầy có ai dám làm phiền lòng bà đâu… nếu không nói là luôn nịnh nọt để công việc của họ được thoải mái.
Lúc về, Thu xách tong teng bịch đựng ba cái bánh bao, còn xôi gấc thì không có phần, vì người ta đã chia nhau hết mất rồi. Nhưng Thu có bốn cái giò heo nho nhỏ, do chị Tám bỏ vào bao cho Thu:
– Lấy mấy cái giò nầy về hầm khoai tây cũng ngon đó em…
Thu hơi mắc cở, lí nhí:
– Cám ơn chị.
Gặp thằng Ryan ngoài bãi đậu xe, Thu đưa cái bao cho nó:
– Em có lấy được thức ăn nhiều không? Đồ ăn dư quá trời!
– Có chứ, em chạy ra chỗ mấy người bạn “homeless” ngay bây giờ, cám ơn chị.
Nhờ vậy mà Thu bớt mặc cảm khi cầm cái bao đồ ăn thừa nãy giờ! Thu nhớ rõ cặp mắt bà Loan sắc lạnh chiếu tướng vào Thu rất soi mói, khi thấy nàng bốc ba cái bánh bao bỏ vào bịch, cái bịch ny long thằng Ryan đưa cho Thu giữ trước đó!
– Nhà quê… đi ăn tiệc mà đem bao ny lông theo! chuẩn bị sẵn sàng dữ hén!
Bà Loan nói ra câu bà nghĩ thầm trong đầu! Thu định trả đũa thì thằng Ryan trờ tới, hất nhẹ tay nàng một cái, như nhắc nhở “một câu nhịn chín sự lành…”. Nhìn mắt thằng Ryan nháy lia, Thu hạ cơn tức, làm mặt lỳ quay ra.
Phải chi mình giàu, mình trúng số thì Thu sẽ nói lý lẽ với con mụ cà chớn nầy cho biết mặt! Rồi không thèm làm ở đây nữa, có khi mình còn mua bứt cái tiệm của nó, cho nó biết thân! Không biết bao giờ mình mới được trúng số đây!
Bà Thoa chỉ cà khịa với Thu thôi, hôm nay là ngày vui, bà mặc kệ cho đám nhân viên dọn dẹp và thâu tóm đồ ăn. Bà biết đưa về để vào tủ lạnh thì cũng được, nhưng rồi không ai ăn lại mất công dục uổng! Lâu lâu bà cũng muốn cho nhân viên có cơ hội như được của chùa, để họ vui.
Nhìn họ chia chác đồ ăn, bà cảm thấy như đang làm chuyện phước thiện, vì vậy bà khoan khoái, hài lòng.
Đưa cho Ryan cái bịch đồ ăn xong, Thu chậm rãi lái xe về nhà. Ngày nào cũng lái cái xe cà rịch cà tang nầy… thấy chán!
Vừa ngừng xe lại, Thu thấy hai đứa con ló mặt ra cửa:
– Có gì ăn không mẹ?
– Sáng nay mẹ chiên cơm trên bếp đó, sao không ăn đi…
– Con không thích lạp xưởng… mẹ cho tiền con đi ra đầu đường mua gà chiên đi mẹ.
Thu gắt:
– Nghèo mà cứ muốn chơi sang!
Nói vậy, nhưng nàng cũng móc ra tờ mười đồng đưa cho hai đứa! Tội nghiệp, ăn cơm chiên mì gói mãi, cũng chán!
Vào nhà, Thu rót ly rượu vang to bưng ra ngồi xuống bàn máy nốc một hơi ngon lành! Lúc nãy Thu cũng đã uống mấy ly, có vẻ mệt rồi… uống thêm cho đã khát và dễ ngủ!
Thấy có tờ vé số ở trên bàn… “Chắc con Hiếu lại tìm thấy vé số trong bóp nàng, lấy ra bỏ đây cho Thu nhớ mà dò”… Mở Internet, Thu bắt đầu dò số, và nàng chợt nghe tim đập thình thịch, trợn tròn mắt khi nhìn thấy những con số ở tấm vé giống y như trên màn ảnh.
– Trời ơi, tôi trúng số rồi….
Phải trấn tỉnh lắm Thu mới thấy con tim mình bớt nhảy mạnh. Thành triệu phú rồi…. Phải làm gì bây giờ? Bao nhiêu khôn ngoan trong đầu Thu bay đi mất trơn, nàng chẳng biết làm cái gì, chỉ còn bàn tay rung rẩy nắm khư khư tờ vé số, làm như sợ nó tan biết đi vậy!
Không thể cho hai con biết được! Cứ từ từ, để các con sinh hoạt như ngày thường… Mai, mình sẽ hỏi người quen làm ở văn phòng luật sư…
Giờ thì Thu đang đứng trước mặt con mụ chủ dễ ghét, nàng bắt đầu tấn công trong lúc con mụ đang há hốc miệng, trợn mắt mà nghe:
– Tôi nói cho bà biết, bà thưởng bà giàu lắm hả? Thật ra thì bà không đáng xách dép cho người ta! Bà quen thói ăn hiếp tôi vì thấy tôi hay nhịn bà…. Hãy nhìn bà kìa, son phấn không biết đánh, nhìn thấy gớm, mắt xanh lè như con tắc kè bảy màu, quần áo thì giống như đồ của bọn con nít tuổi “teen”, nhìn bà tôi chỉ muốn đá cho một phát!!! Có tiền mà không biết gì là đẹp, chỉ biết a dua theo thời… kêu tôi là thầy thì tôi sẽ dạy cho mà làm đẹp… Kiểu của bà thấy gớm… không tin hỏi tụi nó coi, mấy người ở đây sợ bà đuổi việc nên phải nịnh bà thôi… Phải không mấy anh chị em?
Thu nhìn quanh, chẳng ai dám biểu đồng tình, nàng hét lên:
– Nói thật đi, rồi tôi sẽ tặng cho mỗi người vài ngàn đô xài chơi…
Chẳng mặt nào dám lên tiếng! Thu tức quá, biết vậy đi lãnh tiền trước rồi chửi con mụ chủ sau! Giờ chỉ có mấy chục trong bóp, có đâu mà lôi ra cho bà con tin là mình giàu đây!
Bất ngờ, mụ chủ đứng bậy dậy, tay xỉa sói vào mặt Thu:
– Mầy là con cà chớn, khốn nạn… mày là cái gì mà dám chê tao hả mậy???
Miệng nói, tay bà túm lấy Thu…nàng hoảng hốt quơ quào, vung tay tát bốp bốp vào mặt bà ta được hai cái, thì nghe tiếng con Hiếu và thằng Phước gọi lớn:
– Mẹ ơi, mẹ sao vậy… vô phòng ngủ đi mẹ…
Thu mở mắt ra, miệng thều thào:
– Để mẹ cho con mụ nầy một bài học cho nó chừa… không phải sợ nó nữa… mình trúng số giàu rồi con ơi…
– Trúng số gì mẹ? Hôm qua mẹ dò số rồi, có trúng đâu!
– Cái vé số trúng mới đây đâu rồi?
– Vé nào?
Thì ra là Thu vừa nằm mơ! Nàng mới trải qua một giấc mộng sôi động mà trong đời sống thường nhật không bao giờ dám bày tỏ! Thu vào phòng, hai mắt nhíu lại, nhưng cũng hơi tỉnh mà nghĩ ra rằng:
– Giấc mơ sôi động cũng làm mình hả dạ lắm rồi…

Diễm Châu Nguyễn

Làm Đẹp

diemchaunguyen

Trong nhà ồn ào hẳn lên khi thằng Tam Minh đi học về báo một tin nghiêm trọng:
– Minh mới thấy ba đi với cô nào trẻ măng, trẻ như chị Mai ở trong thương xá Eden, mà đẹp hơn chị Mai…
Nhất Mai trề môi:
– Ê, đụng chạm nghe mày… con nhỏ đó có đi thi hoa hậu chưa mà biết ai đẹp hơn ai? Với lại ba mình hành nghề địa ốc, thì đi với mấy bà mấy cô là chuyện thường, có gì đâu mà nói!
Tam Minh cãi:
– Ai mà không biết, nhưng lần nầy ba đi kỳ lắm….
Mẹ ngẩn đầu lên, bắt đầu chú ý đến câu chuyện:
– Đi kỳ là đi làm sao?
– Ba vừa đi vừa ôm eo cô kia!
– Ôm eo?
Miệng mẹ há to khi thốt câu đó, cặp lông mày bắt đầu nhăn tít lại!
– Minh có chắc không? Hay nói tầm bậy lại làm cho mẹ lên tăng xông bây giờ.
– Sao không, ba ôm eo cô đó, còn cô đó thì ôm eo ba!
– Are you sure (1)? Nói vậy có nghĩa là hai người vừa đi vừa ôm nhau?
– Chính xác.
Mẹ bắt đầu rên:
– Mày nói thiệt sao? Trời ơi là trời, sắp tới ngày tháng tư đen, người ta đang xôn xao kỷ niệm ngày đau buồn bỏ nước ra đi, còn ổng vợ con đùm đề lại chỉ biết ra đường ôm gái… nhục nhã chưa… đúng là đồ vô lương tâm!
Nhất Mai trấn an mẹ:
– Coi chừng thằng Minh nó nhìn lộn người thì sao mẹ… thằng nầy cận thị hay nói vớ vẩn… để con hỏi nó kỹ càng rồi mình tính.
– Còn hỏi gì nữa, lần trước mẹ đã bỏ qua cho ba bây vài lần rồi, bây giờ trò nầy lại tái diễn… sao thân tôi khổ quá vầy nè trời! Già mà không nên nết!
Nhị Long vừa chở con em út Tứ Qúy đi học về bước vào cửa, thấy trong nhà ồn ào, mẹ than thở như vậy, hai anh em ngồi xuống cạnh mẹ với đôi mắt dò hỏi. Minh khai báo:
– Chuyện là vầy… em đi học về, ngang qua khu thương xá Việt Nam, thấy ba đang ôm eo một bà, bà kia cũng ôm lại ba là huề!
– Nhiều khi họ là bạn bè cũ gặp lại thì sao?
– Phải đó mẹ, bạn cũ thì gặp nhau mừng, họ cũng hay ôm vậy…
Mẹ rống lên:
– Bạn cũ gì… thằng Minh nói con đó nhỏ chỉ nhỏ bằng chị con, bạn cũ nào của ba bây mà nhỏ nhít vậy? Thật không ngờ…
– Chuyện nầy thì mẹ phải hỏi ba cho rõ, nhiều khi nhìn thấy vậy mà không phải vậy!
Nhỏ Tứ Qúy nghe chuyện thở dài, nhích qua ôm lấy mẹ:
– Thôi mẹ đừng buồn, đừng giận mà có hại cho sức khoẻ… Mình đã biết chuyện thì cứ từ từ mà dò xét, đừng làm um xùm lên khi chưa có bằng cớ…
Miệng lưỡi nhỏ nầy đúng là Luật sư tương lai có khác. Mẹ lắc đầu không chịu:
– Từ từ cái gì… để ba bây cuỗm hết tiền cho gái rồi mới ngăn chận hay sao… Cái tính ông ấy “dại gái” từ hồi nào tới giờ…
Trong nhà Nhị Long là người chững chạc, tính nết đàng hoàng, đâu ra đó nên ngồi im suy nghĩ. Cậu rất ghét những gì mờ khuất trong cuộc đời. Cũng may là Long còn yêu thích nghệ thuật, nên nhờ vậy mà đầu óc đỡ căng thẳng!
Long vẫn sưu tầm trên Net những cuốn phim trinh thám, những giai thoại văn chương… và thường xuyên coi hai đề tài nầy. Cũng không lạ vì từ nhỏ, anh chàng hay hát mấy câu trong bài Bang Bang “Khi xưa đôi ta bé ta chơi, chơi công an đi bắt quân gian…”, đúng y như ý thích của Long.
– Ông ấy mà về đây là mẹ phải hỏi cho ra lẽ…
– Con nghĩ mẹ khoan hỏi, cứ im lìm dò xét hay hơn…
Nghe Long nói, mẹ nổi cáu:
– Im lìm dò xét! Mẹ không biết lái xe thì dò làm sao được!
– Bởi vậy con mới nói từ từ, chúng con sẽ đòi lại “công đạo” cho mẹ…
– Con Út nhiễm phim bộ của mẹ hơi nặng! Rồi Út tính làm sao?
– Em nghĩ trước tiên anh Long phải làm thám tử, đi theo sát ba để rình coi ba làm gì?
– Rình ba… tao mắc đi học giờ đâu mà rình?
– Anh quên là chúng ta chỉ còn học một ngày nữa, rồi tuần tới nghĩ “spring break”(2) sao!
– Ờ há…
– Đó, anh là thám tử, còn tụi em phụ tá cho anh.
Minh cười phá lên:
– Anh Long sẽ là điệp viên “không không thấy”!
– Ừ, khi đi rình ba thì nhớ chú tâm vào một chuyện, chứ đừng có mơ mộng văn chương hay nhìn gái… là mệt đó nghe!
– Được rồi… Long chứ bộ giỡn sao! Nhưng để làm điều nầy mẹ đưa cho con ít tiền mua một cuốn sổ tay và cây bút chiến.
– Chiến với đấu! Thằng nầy chỉ giỏi đòi tiền… Nhưng phải, con nhớ ghi lại cho trung thực những gì ba làm là được rồi!
Cuối tuần đó, khi ông Tính tắm rửa, ăn mặc tinh tươm, thắt cà vạt và nói với vợ rằng ông đi dự
một buổi ra mắt sách, chương trình sau đó nhà văn mời dùng cơm tối, thì bà Tính tươi cười khuyến khích đi chơi vui vẻ, chứ không cằn nhằn “sao cuối tuần nào ông cũng đi” như mọi khi.
Bà biết chắc chắn rằng, trong hoặc sau buổi nầy thế nào ông cũng giở trò! Hy vọng thằng con trai sẽ cho bà những tin tức chính xác.
Ông Tính vừa lái xe ra khỏi nhà, thì Nhị Long cũng đã ngồi sẵn trong xe đậu ngoài đường phóng theo. Đi làm nhiệm vụ “bất khả thi” do mẹ và em giao phó, nhưng Long cảm thấy mệt! Tối qua coi phim quá khuya, giờ cũng còn buồn ngủ!
Tới nhà hàng nơi ra mắt sách trong khu Việt Nam, Long thấy ba đậu xe vào bãi, và khi bước ra thì gặp một người đàn ông, có lẽ là bạn, hai người cùng sánh vai bước vào trong.
– Chắc họ đi dự ra mắt sách… vậy là ba sẽ không thể hẹn hò với ai nơi đây, mà là sau khi xong buổi nầy…
Nghĩ vậy, Long ngồi trong xe chờ đợi. Ra ngoài đi theo ba, không ít người biết mặt Long thì sẽ bị lộ! Chiếc xe của ba đậu ở xéo bên kia, có động tĩnh gì là Long biết liền.
Nhìn lên trời, mây trắng pha chút nắng vàng thật đẹp, Long hí hoáy viết vài dòng vào quyển sổ trong lúc chờ đợi… Được một lát, cơn buồn ngủ kéo đến, cuốn sách rớt xuống đùi và Long chìm vào giấc mộng…
Khi Long giựt mình thức giấc, thì chung quanh bãi đậu xe trống trơn, chỉ còn một hai chiếc lác đác!
– Ủa, họ đâu cả rồi? Chẳng lẽ xong rồi sao!
Thì ra buổi ra mắt sách không được đông, nên ban tổ chức nghĩ sớm.
Long uể oải lái xe về. Vừa bước vào nhà, Long đã thấy mấy khuôn mặt nhìn mình chờ đợi. Con Út hỏi trước:
– Sao, anh có thu thập được điều gì không?
Long nhăn nhó:
– Người ta đông như kiến… với lại có mấy ông bạn của ba biết mặt anh, nên anh phải núp ở ngoài xe!
Mấy cái miệng cùng kêu to:
– Núp ngoài xe! Vậy thì làm sao thấy được?
– Sao lại không… có ghi lại đây mà…
– Đưa cuốn sổ cho mẹ coi!
Mẹ nóng nảy giật cuốn sổ nhỏ trong tay Long, bà mở ra lẩm nhẩm đọc:
– Cái gì vậy trời!
– Mẹ đưa con coi…
Út đọc những dòng chữ Long ghi cho mọi người cùng nghe:
– Trời xanh có nắng vàng
Đậu xe giữa mù quang
Thiên hạ đi lang thang
Tôi ngồi đây ê càng!
Đôi mắt buồn mỏi mệt
Nhắm lại cho quên hết
Chuyện nhân thế chán chết
Không vui như ngày Tết…
hết rồi cả nhà ơi…
– Gì vậy trời! Thơ thẩn nghe cóc nhái thế, còn ba làm gì sao không ghi?
– Núp trong xe có thấy gì đâu mà ghi! Con đã ghi lại cảm nghĩ và khung cảnh chung quanh rồi!
Sau vụ đó, cả nhà tẩy chay Nhị Long và quay qua Tam Minh, khen cu cậu coi vậy mà khôn lanh hơn anh, dù chỉ đi xe đạp… làm cho Minh hứng thú nhận trọng trách không một tiếng phàn nàn, trong lúc Long thoát gánh nặng thở phào nhẹ nhõm!
– Con cứ vô ngay chỗ ba làm việc vì chung quanh đó có nhiều hàng quán, ba đi với ai là biết ngay, mà lại nhiều chỗ núp…
– Mẹ phải cho con tiền để con còn ngồi trong quán người ta mà rình…
– Lại tiền, hai chục được không?
– Mẹ đưa năm chục đi… nhiều khi ngồi cả ngày mà ăn có một lần kỳ lắm…
– Đứa nào cũng chỉ biết có tiền! Mà nầy, không cần phải viết sổ viết sách gì hết, cứ lấy phôn ra mà thâu nghe chưa…
– Trời, mẹ hay quá, thứ nầy tiện nghi vậy mà con quên… mà con xài phôn của mẹ hay sao? phôn của con ẹ lắm!
Bà Tính móc trong cạp quần ra cái phôn còn mới tinh nóng hôi hổi. Minh kêu:
– Nóng quá, mẹ tính luộc nó hay sao chứ… phôn “xịn” vầy mà có biết xài không?
– Mẹ chỉ biết gọi nói chuyện thôi, còn mấy thứ khác không biết…
– Nếu con làm thám tử hay, mẹ cho con cái phôn nầy nhá!
– Ê thằng nhóc kia, phôn đó chị tặng sinh nhật mẹ mà…
– Mẹ đâu biết xài, cho em đi… thám tử mà không có phôn cùi chết, người ta khinh là “thám tử vườn”!
– Ai biết mà khinh! Đúng là “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”…
– Cho em đi mà, mẹ chịu rồi…
Tam Minh sau khi được hứa hẹn sẽ có cái điện thoại, nên suốt một tuần lễ theo rình, đã đem về cho mẹ kết quả bất ngờ:
– Ba với cô Nhàn đang cặp kè nhau… mà con cũng không biết chắc chắn sự thật bên trong… con chỉ thấy họ đi với nhau, hay ôm bụng nhau, và thích hôn nhau….
– Cái gì mà nhau, nhau hoài vậy…
– Tóc cô Nhàn như dòng suối mát thơm…
– Ai bảo vậy?
– Đây, có chứng cớ hẳn hoi… hình ảnh và lời nói của ba, mẹ coi…
Qua những gì Minh ghi lại bằng cái phôn, quả thật ông Tính đã ngoại tình!
Bà Tính buồn, lúc đầu lồng lộn lên, sau đó nghe các con khuyên bảo, trấn an bà mới dịu xuống… Bà không thể ngờ một người già đầu như ông còn thích một đứa con nít như thế! Cái tính của ông là hay quơ quào chơi ngoài đường, chán lại mò về! Chắc ông thương mấy đứa nhỏ!
Bà vào trong phòng tắm đứng trước gương nhìn…
Xưa nay bà chỉ là cái bóng âm thầm lặng lẽ sống bên cạnh ông, chưa bao giờ bà đi theo ông đến những nơi công cộng. Ở những nơi đó không thích hợp với bà, vì bà không biết ăn diện, ngoại giao, lại ít thích làm quen với người lạ!
Bà quen thuộc với căn nhà nhỏ bé của mình, nấu nướng hầu chồng nuôi con, tối ngày hết trong bếp, đến ra mảnh vườn cỏn con trồng những cây rau xanh mướt, lại trở vào phòng khách lau chùi nhà cửa, bếp núc…
Khuôn mặt của bà nhìn trong gương mới chán làm sao! Đúng là dung nhan “chị Doãn” của một nhà văn xưa, tức người đàn bà có nhan sắc của gã đàn ông không đẹp trai! Lũ con bà đã có lúc nói bà giống phù thủy, vì những khi tức bà hay trợn mắt la hét, cau có, cằn nhằn chúng nó… ai cũng ngán!
– Hay là nghe lời bà bạn đi sửa sắc đẹp cho ông chồng bỏ tật mê gái ngoài đường…
Phải rồi, bà cũng có hai ba bà bạn quen hàng xóm. Họ thường gặp nhau ở khu chợ Mễ bán thịt thà trái cây rất rẻ gần đây. Họ đi bộ và gặp nhau hai ngày mỗi tuần để nói dăm ba câu chuyện ở cái bàn đá trước chợ, với ly cà phê nóng hổi…
Những người bạn bà Tính quen là giới bình dân, nên kiến thức không nhiều… Lại thích a dua theo thời, chẳng hạn như khi phong trào xâm lông mày, mí mắt viền môi, và xâm cả đầu nhủ hoa… thì hai bà bạn đều hưởng ứng. Riêng bà Tính thì chưa.
Chưa làm theo vì những bà bạn ham của rẻ, đi trao mặt mình cho những người không biết thế nào là đẹp… để làm đẹp cho mình! Thế nên nhìn đôi lông mày của hai bà bạn, bà Tính cũng thấy không được mảnh mai cho lắm, mà nó đậm y như hai con giun nằm ngang trên trán!
Bà đã có quyết định riêng cho mình. Buổi chiều khi ông đi làm về, bà phớt lờ im lặng ở trong bếp dọn thức ăn lên bàn, làm như không có chuyện gì xảy ra. Ổng nhìn có vẻ yêu đời lắm, miệng húyt sáo và luôn mỉm cười, đến nỗi thằng Minh còn khen:
– Lúc nầy nhìn ba đẹp trai ra phết…
Chưa bao giờ mà bà nghe mấy đứa con khen bà đẹp một tiếng. Nghĩ mà tủi trong lòng! Cha nó mất nết vậy mà cứ khen hoài… cho nên ổng mới lờn mặt!
Nhìn mấy cha con, bà lầm bầm: “Rồi cha con chúng mày sẽ thấy sự thay đổi lớn lao của bà”.
Không lâu sau đó, bà Tính nói cho mấy đứa con biết vì bà buồn, nên muốn đi học khóa nấu ăn ở tiểu bang kế cận với một bà bạn. Khoá học trong vòng một tháng.
– Phải, mẹ đi chơi cho khây khoả, hồi nào tới giờ mẹ cứ ở nhà miết! Sống như vậy mất cả thi vị!
– Các con ở nhà tự lo cơm nước… nhớ lo cho ba với nhé.
Mấy đứa con vô tư:
– Trời, lâu lâu mới được ăn ngủ tự do… mẹ đừng có lo…
Hôm sau, khi chồng và mấy đứa con ra khỏi nhà, bà Tính cũng thay quần áo, rồi gọi điện thoại cho bà bạn:
– Bà qua đón tui ngay, cả nhà đi hết rồi…
– Đợi chút, tui qua liền.
Hôm nay, bà Tính quyết định đi cắt mắt, sửa mũi là hai thứ bà phải làm trước, nơi văn phòng một ông bác sĩ đến từ Phi Luật Tân, vì ông nầy tính giá rẻ hơn các bác sĩ khác!
Bà Tính cắt hai mí trên và dưới cho mắt hết bị bụp, độn mũi cao mà ông lấy có hai ngàn rưỡi, người dẫn mối được ăn 10% hoa hồng. Nhìn bà bạn đã sửa, bà Tính thấy an lòng, vì bà nầy trước kia con mắt xấu đui, da dư che gần sụp hết cả con mắt, nay thì to tròn, khi nhìn không còn khó chịu vì bị “mắt bèo” che lấp nẻo tương lai, lại đẹp hơn trước…
Sau khi sửa, bà Tính sẽ ở nhà của bà bạn trong một tháng để dưỡng thương, rồi các bà rủ nhau đi học khoá trang điểm cho đẹp hơn… Nói chung, từ lâu rồi, bà Tính còn ao ước muốn độn ngực bự cho hấp dẫn, vì hồi nào tới giờ ngực bà xẹp lép! Bà nghĩ rằng đàn ông đa số thích cái đó!
Nhìn bà bạn, bà Tính nghĩ mình đẹp hơn bà kia. Sửa xong, chắc chắn bà sẽ còn đẹp hơn nữa…
Khi điền giấy tờ, chỗ ghi ai là thân nhân nếu trường hợp khẩn cấp phải gọi, thì bà Tính muốn ghi tên bà bạn, nhưng bà ta phản đối:
– Tui chỉ là người giới thiệu, chị phải ghi tên chồng hay con chị vô…
– Tui không muốn họ biết…
– Thì họ sẽ không biết, nhưng bắt buộc phải ghi tên người nhà vào…
Đắn đo một hồi, rồi bà Tính cũng điền tên ông Tính vô. Sau đó là thủ tục trao tiền, và bà được vào phòng mổ.
Thời gian hai tiếng sau, bà được đẩy ra nằm nghỉ ngơi vài tiếng ở phòng ngoài. Lúc nầy khuôn mặt bà bị sưng húp vì sửa hai thứ, ai mà trông thấy không biết bà sửa sắp đẹp, sẽ thất kinh hồn vía!
Bà Tính có da lành, nên dù đã năm mươi lăm tuổi, mà bà vẫn mau hồi phục hơn một số bà khác. Một tuần sau bà đã bớt sưng. Khi đi cắt chỉ, bác sĩ còn khen bà lành nhanh hơn nhiều người khác cùng tuổi.
Mỗi lần nghĩ đến chồng, là bà Tính lại nổi cơn tự ái… bà chỉ muốn mình đẹp, để cho “thằng chồng” sáng mắt ra… Nhưng khi sửa sắc đẹp xong, còn phải biết trang điểm khéo thì mới nhìn đẹp được. Dĩ nhiên bà Tính có khi nào biết make-up là gì! Bởi vậy, bà đang cùng bạn đi học lớp hướng dẫn tự trang điểm cho mình.
Học trang điểm không phải là ai cũng tự làm được, mà phải có khiếu thẩm mỹ. Đây cũng là một bộ môn nghệ thuật, phải có tài năng. Bà Tính cũng như hai bà bạn chỉ biết tô mặt xanh xanh đỏ đỏ… chứ nào có biết dùng màu phấn lên gương mặt sao cho đẹp, lại là một chuyện khác.
Khi theo hai bà bạn đi chụp hình kỷ niệm, đươc chuyên gia trang điểm làm mặt cho bà, nên trông cũng được lắm. Những tấm hình sau đó còn được cho vào “photoshop” chà kỹ trao chuốt , nên hình bà Tính nhìn láng o, trẻ lại cỡ hai mươi tuổi, dù bà phải chi cho mấy tấm ảnh chân dung cộng thêm tiền trang điểm khá bộn, nhưng bà rất vui lòng.
Một tháng đã qua. Bà Tính trước khi về còn ra tiệm cắt mái tóc ngắn chải phồng, và nhờ thợ trang điểm hộ… Thế là bà cũng nhìn được lắm.
Bà chọn về nhà lúc giờ cơm chiều, khi cả nhà thường có mặt đông đủ thì bà mới xuất hiện, gây cho họ sự ngạc nhiên. Đúng như sự suy đoán của bà. Nhìn gương mặt ông Tính trố mắt nhìn mình, bà hãnh diện ngồi vào ghế…
– Ở nhà bình yên chứ… sao, hôm nay cơm có gì đây?
Tiếng thằng Minh vang lên:
– Mẹ đi sửa cái gì trên mặt phải không? Sao mẹ sửa chi vậy?
– Cái thằng nầy, thấy mẹ đẹp không khen à?
– Không, con không thích…
– Minh… mầy ích kỷ vừa chứ… mẹ thích là được rồi…
Nhất Mai la em, thằng nầy con trai mà có sự suy nghĩ y như ba! chỉ thích mẹ ở nhà lo nấu nướng giặt giũ, làm như con người sinh ra là phải hầu hạ kẻ khác… mà không cần biết đến nhu cầu riêng của cá nhân người đó!
– Con không có ý kiến… với con … “lòng mẹ bao la như biển thái bình”… không phải là vẻ đẹp bề ngoài.
Tứ Quý nói câu nầy không hiểu là khen hay chê, còn Nhị Long thì lắc đầu nhè nhẹ…
Bữa ăn có nhiều gượng gạo khiến bà Tính phát chán! Bà tưởng khi thấy bà thay đổi dung nhan, xa nhà lâu ngày như vậy trở về, thì “chúng nó” sẽ ồ lên súyt xoa khen ngợi, chào đón ân cần… ai ngờ chẳng có gì là hồ hởi cả.
Buổi sáng hôm sau, bà Tính đợi mọi người đi hết mới ra bếp. Lúc nãy khi vào phòng tắm, bà đã nhìn mặt mình thật lâu trong gương… cái mũi cao nhòng, đôi mắt hai mí to lồ lộ, không được che giấu dưới lớp son phấn, trông nó làm sao ấy! Bây giờ mà trét phấn lên thì bà thấy khó khăn, vụng về. Vả lại, còn phải vẽ mắt, tô son môi… tất cả mọi thứ ấy trên khuôn mặt bà lại cảm thấy làm sao đó, hơi quá lố!
Bà cứ nghĩ ngợi về khuôn mặt của mình mãi! Từ khi đi sửa thẩm mỹ về, bà chỉ vui có hai lần, là khi được chuyên viên trang điểm làm mặt trước khi chụp hình, họ đánh phấn nhìn lịch sự với chỉ một gam màu kem và nâu, chút hồng trên môi, không như bà có mấy màu xanh, đỏ… lần thứ hai là lúc coi những tấm hình được in ra… Còn lại thì bà thấy mặt bà khác lạ quá! không thích chút nào, càng nhìn càng dữ… chắc trong nhà nầy chắc cũng chẳng ai thích!
Ông Tính thì ngày càng ở lại văn phòng lâu hơn, về nhà chẳng thèm nhìn bà một cái! Từ lúc đó, bà Tính dàu dàu, bà buồn nhưng mặt không thấy sầu, nhìn lại càng dữ hơn…
Cuối cùng, bà nhủ lòng:
– “Thôi, chắc phải tốn thêm mớ tiền làm bộ đi học gia chánh tiếp tục… để lấy cái mũi giả cao nhòng ra cho yên chuyện… còn cặp mắt, cắt lỡ rồi, dù sao bỏ lớp mỡ thừa nhìn đời cũng rõ ràng thấu đáo hơn”!!!
Diễm Châu
(1) Có chắc không?
(2) Kỳ nghỉ mùa Xuân