Với Tôn Nữ Thu Dung

Thời mà tuần báo Tuổi Ngọc thịnh hành – trước 1975 – hầu như mỗi độc giả đồng thời cũng là một cây viết đóng góp cho báo. Thơ văn nhận được hàng ngày từng xấp, từng xấp chất đầy tủ đầy bàn, có khi nguyên bó bỏ đâu đó quanh góc trống, cái tòa soạn chỉ là chỗ đi ăn nhờ ở đậu của nhà in. Vì thế để ghi hết những “bài nhận được” kịp thời đã khó, khó gấp nghìn lần để phải đọc hết chọn lấy bài đăng không được bỏ sót, với nhân lực loe ngoe vài ba người trong tòa soạn quả như… hên xui. Nhưng không phải thế, chúng tôi quen từng nét chữ, từng màu mực và loại giấy, bạn nào viết được là chúng tôi nhận ra ngay. Rất nhiều năm sau những cây viết này vẫn còn thấy xuất hiện đó đây, dù trong môi trường nào hoàn cảnh nào họ vẫn không từ bỏ đam mê của mình. Báo Tuổi Ngọc xưa chỉ như là chốn vỡ đất cho một thế hệ non trẻ ươm mơ của mình một thời. Tôi còn nhớ, một buổi chiều ở tòa soạn, có cô bé dáng nhỏ nhắn, còn nguyên bụi đường bám theo áo dài trắng nữ sinh, nói là từ Nha Trang mới vào, tôi nhận ra ngay đó là cây viết Tuổi Ngọc thường đăng bài. Tôn Nữ Thu Dung.

Cũng là duyên, chừng mươi năm sau có dịp ra Nha Trang tôi gặp lại cô trong buổi họp mặt Gia Đình Áo Trắng miền này. Những người thích viết không là nghề thì cũng là nghiệp chẳng thể nào vì… ngứa đầu bó tay mà thôi viết được. Tôn Nữ Thu Dung có trang Tương Tri quy tụ được nhiều bằng hữu yêu văn thơ từ nhiều năm nay. Và cũng từ nhiều năm nay cô cũng tự in truyện và thơ của mình, chẳng để làm gì cả, huề vốn là may, như là thú vui, như là hơi thở riêng để gợi biết mình còn sống, sống tha thiết để nuôi những đam mê. Tôi yêu thích những cây viết như thế, riêng những người làm thơ, những rung động thực của họ theo từng giai đoạn cuộc sống có thể cộng hưởng và lan tỏa rộng. Thơ Tôn Nữ Thu Dung thoát ra tự tâm mình qua thời gian luôn đổi thay nên phong phú ý và chữ. Không ai đặt hàng trước cho những bài thơ. Những câu thơ theo người và người viết theo những câu thơ của mình. Có khi chẳng ai nhớ ai, người buông ra nó hay nó chui từ tâm người như một điều tự nhiên, thế thôi. Đó là sáng tác.

Trước đây, từng trình bày sách cho một người cầm bút lâu năm, từ tập thơ đầu tay đến tập thơ kể như… cuối tay, tôi có dịp lướt qua hàng trăm bài thơ của ông. Bài thơ nào cũng mượt mà và vần điệu không thể bắt bẻ cũng như chữ nghĩa không thể chê vào đâu được. Đọc một bài ta thích thú có thể nhớ, nhưng trăm bài ta… khỏi cần nhớ nữa vì hầu như cũng thế thôi. 50 năm trước hay 50 năm sau không thay đổi tâm trạng với tình thơ trăm năm của ông. Mọi thứ chuyên nghiệp đều đáng kể, đáng quý, nhưng với thơ thì không, không có thi sĩ chuyên nghiệp. Dù không được đọc những tập thơ trước đây của Tôn Nữ Thu Dung, trong tập thơ này cũng đủ cho tôi nhận ra tính phong phú của một tâm hồn lãng mạn (thi sĩ nào chẳng thế, nam lãng 1 thì nữ lãng 10). Người vẽ hay viết không “chụp” hình ảnh hay sự kiện quanh mình mà chui ra từ bên trong để diễn giải, có thể đúng hoặc sai nhưng là cái gì rất riêng cảm nhận để như sáng tạo một lần nữa, (đôi khi mang tiếng dở hơi hay điên điên khùng khùng cũng là cấp bậc siêu, đạp lên nhân gian mà đi!). May thay điều này chỉ thường đến với các cây viết nam. Những cây viết nữ dù nhiều phản kháng dữ dội tới đâu cũng chỉ… tới đó… rồi thôi! (như: chiếc lá vừa rơi… nghiêng, chao/ tôi cũng muốn lòng mình… chao, nghiêng như thế/ nhưng cuộc sống vốn mang hình giọt lệ/ thì… thôi.)

Bài thơ đầu tiên rất hiền trong tập thơ này có lẽ viết từ thuở học trò, có Sàigòn và những khung cửa nhỏ, có chạm tới căn nhà gỗ đường Hồng Thập Tự trong ký ức của tôi. Tôi nhớ. Và tôi cũng nhớ một câu gần cuối trong tập thơ: Tôi muôn đời thiếu nợ những đa đoan… Và còn muốn nhớ nhiều nữa nhưng thôi, mời bạn đọc để thấm hơn một tâm hồn nữ, người yêu nắm chặt thủy tinh vỡ trong bàn tay mình không ngại. Gần gũi hơn để hiểu: Trao yêu lơ đãng quên thề trăm năm…

Đinh Tiến Luyện, (Houston cuối tháng 9, 2022)

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s