
Tôn Nữ Thu Dung làm thơ (và viết văn) rất sớm, vào thập niên 70 khi còn là một nữ sinh trung học của miền Nha Trang cát trắng. Vừa xuất hiện, thơ văn của Tôn Nữ Thu Dung nhận được sự chú ý đặc biệt của những người phụ trách toà soạn các tạp chí Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc. Thơ văn ấy có nét tươi mát của tuổi trẻ, đồng thời mang hơi hướng của một tâm hồn đã trưởng thành. Ấy thế mà thơ văn ấy không có vẻ “bà cụ non” một chút nào. Chúng như lời tự sự của một tâm hồn tươi trẻ mà chín chắn (mang thêm một chút/khá nhiều nét lãng mạn quyến rũ.) Cho đến nay, đã một nửa thế kỷ trôi qua, vẫn có những người lưu giữ nhưng trang thơ văn ấy như những báu vật của một thời văn chương mật ngọt ở miền Nam Việt Nam thuở trước.
Ra nước ngoài, Tôn Nữ Thu Dung là cây bút Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc tiếp tục sáng tác và xuất bản nhiều nhất và đều đặn nhất. “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng, Còn Tôi Lơ Đãng Nhặt Hồn Cỏ Hoa” là tập thơ mới nhất, lạ nhất với cái tên dài kỷ lục đầy sáng tạo vừa hoàn thành ở hải ngoại, do Tương Tri xuất bản và phát hành.
Thơ Tôn Nữ Thu Dung quá đa dạng, có tính trong sáng, tươi mát, chín chắn và lãng mạn. Theo dòng thời gian, tính tươi mát bớt đi nhưng sâu sắc nội tâm thì tăng lên. Nét lãng mạn vẫn rất rõ, khác chăng là cách biểu lộ nét lãng mạn ấy.
Nếu phải định nghĩa về thơ (mà thật ra không nên và không cần định nghĩa) thì “thơ là ý tưởng và tình cảm lắng đọng trong hình ảnh và ngân vang trong nhạc điệu, được diễn tả bằng ngôn từ, làm rung động tâm hồn người đọc.” Nếu định nghĩa như thế thì thơ của Tôn Nữ Thu Dung quả thật là… thơ, trong đó có ý tưởng, tình cảm, nhạc điệu, ngôn từ khiến cho tâm hồn người đọc rung lên theo từng câu thơ, từng từ ngữ.
Tôi đọc “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng…” một cách chậm rãi (không chậm chạp) để cho ý thơ, lời thơ thấm vào tâm và thức; từ đó khám phá ra khá nhiều điều.
Tôn Nữ Thu Dung có lối lặp lại một nhóm từ vựng. Điều này khiến người đọc phải để tâm, ý vào lời thơ, vì mỗi một lần lặp lại nhóm từ vựng đó, nhà thơ dẫn dắt người đọc vào một ngõ ngách tâm hồn khác, một cảnh vực đời sống khác.
Điển hình, xin cùng tôi đọc vài đoạn trong “Có Một Điều Rất Lạ” với nhóm từ ngữ “Khung cửa nhỏ- mở ra-.”
Ở tấu khúc 1, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” dẫn ta vào “ngày nắng hạ” trong đó có
Ngày thương yêu, thuở ấy,
nắng Sài Gòn.
Những hàng cây ven đường lay bóng lá.
Chỉ dám nhìn- guốc mộc- gót chân son.
Ở tấu khúc 2, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” vào một “chiều rơi chậm” để rồi người trong thơ phải yêu cầu (đúng hơn là năn nỉ):
“Chiều đừng rơi
để nhớ mãi Sài Gòn.
Căn nhà gỗ,
con đường Hồng Thập Tự.
Một điều gì… rất lạ, rất bâng khuâng.”
Ở tấu khúc 3, “Khung cửa nhỏ- mở ra-” vào một “đêm nguyệt tận.” Buổi ấy khiến người trong thơ hồi tưởng đến
“Đêm hoang vu
xanh mướt dáng Sài Gòn.
Có vì sao- buồn- cô đơn- bật khóc.
Giọt lệ này
rơi,
ướt lạnh trăm năm…”
Ba lần “khung của nhỏ- mở ra-” dẫn người đọc đến những cảnh, những tình khác nhau, để rồi đọng lại trong hồn mình nỗi bâng khuâng, ngậm ngùi, tưởng tiếc về một dáng người nữ ngày nào đã xa, hình như xa lắm.
Thì cũng là thơ tám chữ đấy, nhưng cách tác giả ngắt câu, xuống hàng khiến người đọc không thể đọc nhanh được, mà phải chậm rãi bước những bước nhẹ nhàng và thận trọng theo dòng thơ. Đọc và thích!
Có vẻ như Tôn Nữ Thu Dung chuộng lối gieo vần gián cách (trong một khổ thơ, vần trắc gieo ở cuối câu 1 và cuối câu 3; vần bằng gieo ở cuối câu 2 và cuối câu 4.) Xin đọc:
Nhánh sông Tôi,
tiền kiếp
Tìm lối về đại dương
Sóng bờ xa tiễn biệt
Cuối chân trời,
đêm buông…
Trái tim Tôi,
tiền kiếp
Lơ đãng nhiều tơ vương
Và khi lòng mỏi mệt
Biết giấu vài vết thương…
(Tôi)
Sao lại gián cách? Tôi đoán nhé: thứ nhất, lối gieo vần này làm cho người đọc thích thú. Hơi thơ đi, tưởng là đi… tuốt luốt, nhưng rồi hơi thơ dừng lại ở tiếng cuối, một sự trở lại với vần đã gieo bên trên khiến cho khổ thơ tràn đầy, trọn vẹn. Thứ hai: lối gieo vần gián cách khiến người đọc cảm nhận được cái ý, cái tình của sự ngăn cách. Ngăn cách giữa tôi và người, giữa chung và riêng, giữa những cảm giác/cảm xúc lẫn lộn và khác biệt, giữa hiện tại và quá khứ, giữa và và và…
Tôn Nữ Thu Dung cũng viết một số bài theo lối gieo 3 vần bằng, có phần nào sự cổ kính của Đường thi, cộng thêm chút nghiêm cẩn, trang trọng:
Tôi lạc lòng tạt qua lối xưa
Bâng khuâng khung cửa có ai chờ
Bàn tay nhỏ bé thơm hương quế
Khua động hoài tôi những giấc mơ
Tôi lạc lòng đi ngang phố rêu
Nghe cơn đau cũ nhói trong chiều
Và tiếng phong linh rời rã khóc
Có phải thu vừa rơi khúc yêu
Tôi lạc lòng, lạc dạ thế thôi
Đêm đêm vẫn nhớ góc em ngồi
Ngọn nến tàn canh run từng giọt
Thảng thốt vầng trăng lạnh cuối trời
Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi
Hồn tôi như chiếc lá chơi vơi
Trăm ngàn sông suối- em là biển-
(Tôi lạc lòng xin em hiểu tôi).
(Lạc Lòng)
Tôn Nữ Thu Dung cũng viết Lục Bát; lời, ý, hình rất đẹp:
Gọi người từ phía hoàng hôn
Nghe câu tử biệt
rợn buồn sinh ly,
Bến Vân Lâu chẳng hẹn kỳ
Trùng lai nội cỏ
thầm thì hạt sương.
Gọi người từ phía tà dương
Có chờ ta
cuối con đường trắng mây.
Một mai tàn cuộc
buông tay,
Nghiêng vai cho gió về lay dặm buồn.
Biết còn viễn phố giăng sương.
Biết còn tan hợp mây tuôn non đoài.
Lòng ta gác xế u hoài,
Cuối trời một bóng đổ dài hoang vu…
(…Nếu xưa đừng lạc lối về
Trao yêu lơ đãng,
quên thề trăm năm…)
(Gọi)
Trong Lục Bát “Gọi,” có những câu đẹp cổ kính như “Đoạn Trường Tân Thanh”:
Bến Vân Lâu chẳng hẹn kỳ
Trùng lai nội cỏ
thầm thì hạt sương.
hay
Biết còn viễn phố giăng sương.
Biết còn tan hợp mây tuôn non đoài.
Có một tí Bùi Giáng ở trong đó, nhưng không phải là Bùi Giáng.
Dường như Tôn Nữ Thu Dung thích ban đêm. Trong “Con Chim Ngậm Hạt Ngô Đồng…,” nhà thơ viết khá nhiều câu, bài về ĐÊM: “Khung cửa nhỏ- mở ra-/đêm nguyệt tận, Đêm hoang vu/ xanh mướt dáng Sài Gòn, Đêm Hồ Ly, Đêm Lưu Xứ, Đêm Nguyệt Quế, Đêm Chờ Quỳnh Hé Nụ, Đêm tàn… lạnh một chia phôi, Đêm thắp muộn một vì sao bé nhỏ…”
Xuân Tâm viết:
“Tôi đổi hai mai lấy một chiều
Để tìm trong ấy ít lời yêu.
Ban ngày sáng quá, ban đêm tối,
Tôi sợ không mơ tưởng được nhiều.”
Xuân Tâm sợ “ban đêm tối” khiến nhà thơ “không mơ tưởng được nhiều.” Tuy nhiên, với Tôn Nữ Thu Dung, hình như “đêm càng tối,” cô lại càng “mơ tưởng… được rất nhiều!”
Tôi viết bài giới thiệu này không được trọn vẹn, nhất là mới chỉ phớt qua một chút hình thức, chưa đi vào nội dung các bài thơ. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nói đến nội dung là nói về ý, tâm và cảm; mà ý, tâm và cảm là những gì người ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn mẫn cảm của người đọc, không phải là những thứ để phân tích. Tôi tin người đọc “Con Chim Nhặt Hạt Ngô Đồng” đều là những độc giả có tâm hồn không những mẫn cảm và còn nhạy cảm.
Vậy, xin phép tác giả và độc giả cho tôi ngừng ở đây.
Riêng tôi, xin được thưa với nhà thơ Tôn Nữ Thu Dung: “Thơ ơi, cứ nói! Tôi đang lắng nghe.”
QUYÊN DI
(Một ngày đầu Thu 2022)