Hạt lệ vỡ như nửa vành trăng khuyết
Mắt hoàng hôn chìm đắm lụa sương mù
Em có thấy hồn tôi mây ngũ sắc
Những gam màu diễm tuyệt của thương đau
Hồn ẩn nguyệt bên đồi xưa mộng mị
Lá vàng phai chợt rụng buổi xuân thì
Em có thấy tình tôi dòng sông chảy
Buổi xanh hồng lục tím rũ nhau đi
Ôi ẩn nguyệt nửa vành như lệ vỡ
Suối quỳnh hương chảy thắm giấc mơ buồn
Môi phượng đỏ và sen hồng ngực biếc
Có bao giờ thắm lại đóa thanh tân
Em từ buổi thuyền trăng neo bến nguyệt
Tôi lều mây giăng mấy sợi thơ chiều
Thơ vẫn chảy giữa vô cùng bất tuyêt
Em linh hồn ẩn nguyệt có tan theo?
25. 04. 20
ÁNH SÁNG LƯU ĐÀY
Tôi thắp hồn tôi nghìn ngọn nến
Đêm buồn sưởi ấm một niềm thu
Trăng từ thiên cổ còn soi bóng
Sao biệt? Người đi chẳng trở về
Tôi hóa thân thành những giọt sương
Lóng lánh trong đêm giọt lệ buồn
Nghe tiếng trăm năm về réo gọi
Bóng người tan giữa cõi trời không
Chiếc lá rơi vàng bên xác bướm
Như tiễn đưa nhau cuối phận người
Sao chẳng ai về, câu kinh lặng
Rớt nhẹ vào đêm nỗi lẻ loi
Tôi đứng bên thềm trăng lạnh buốt
Ngọn nến run vì động bóng mây
Tôi rơi chìm giữa miền vô thức
Mộng du qua những cõi lưu đày.
ÁO BẠC MƯỜI PHƯƠNG TÌNH MỘT PHƯƠNG
Ta về, áo bạc, lòng trăm mảnh
Chén rượu tương phùng trắng thế nhân
Tay cầm sợi tóc đau đoài đoạn
Hà cớ vì đâu ta phong trần
Tay cầm sợi tóc mà nước mắt
Chảy ngược vào tim, chảy nghẹn ngào
Ta cầm đời ta, sao em khóc
Ta cầm đời ta, sao em đau
Ta nghe sầu tận trời ly xứ
Ta nghe buồn xót đời lưu phương
Ta gọi tên mình nghe lạ hoắc
Ta gọi tên em mà quặn lòng
Năm mươi năm trôi giạt thác ghềnh
Làm sao đành nhớ, không đành quên
Tay cầm sợi tóc mà thương xót
Mái tóc ai xưa đen dáng huyền
Tay cầm sợi tóc mà không thể
Nối cuộc tình xưa đã chớm phai
Ta cầm đời ta như chén rượu
Bình không, ly vỡ, không đành say.
PHỐ XƯA
Có kẻ đêm nay về ngang phố
Nhớ từng chiếc lá rơi bên đường
Nhớ lời ru lặng buồn trong gió
Nhớ áo quỳnh hương nhuộm bóng trăng
Có kẻ đêm nay ngồi giữa phố
Quán lạnh đèn vàng mưa hắt hiu
Nhìn giọt cafe rơi rất chậm
Rơi hoài cho kín một niềm đau
Rơi mãi chưa tròn lời hẹn ước
Lòng còn soi quạnh bóng trăng khuya
Lòng còn lạnh suốt mùa sương cũ
Còn mãi hoang mang một nẽo về
Phố bổng không quen, người cũng lạ
Đường hút mù xa, tình cũng xa
Hình như có chuyến tàu qua phố
Vô tình bỏ lại một sân ga
PHÙ VÂN
Khi về với là muôn chiều hư tưởng
Là hoang vu chìm cuối mộng hoang đường
Là bát ngát một hồn sương gió lộng
Là tịch liêu vời vợi khói hoàng hôn
Khi về với là về muôn nẻo biệt
Nẻo chia lìa tàn cháy mộng trùng lai
Khi về với là mộ sầu đã khép
Là thiên thu lạc giữa cõi lưu đày
Trăng viễn mộng trên vực bờ mê hoặc
Hồn Đông Phương cháy rực lửa điêu tàn
Ta về giữa trần gian bưng mặt khóc
Con đường nào không nhỏ lệ đau thương
Khi về với là vòng xoay kiếp kiếp
Là luân- hồi – là – sinh – diệt – tồn – vong
Là không – có là tương phùng – chia biệt
Sợi tóc nào bay trắng xóa cõi phù vân.
QNh tháng 4. 2019
KHI CHIA TAY NGƯỜI
Gió réo mùa đông về buốt lạnh
Cho vàng cho úa lá tương tư
Cho mây chiều phố chùng thương nhớ
Cho nắng tình phai nỗi đợi chờ
Gió réo buồn như lời tiễn đưa
Em đi như thể chẳng quay về
Chẳng vẫy tay nhau, nhìn nhau nữa
Tôi cầm sợi nhớ thả trong mơ
Em đi như thể là đi mãi
Bóng khuất trong chiều xa khuất xa
Tôi muốn gửi lòng tôi ở lại
Tình em như một chốn quê nhà
Tôi muốn gửi tình tôi ở lại
Mà gió sầu đông cứ sụt sùi
Mà nỗi đời tôi còn xa ngái
Nẻo về hun hút một mình tôi
Thôi đành thôi, thôi chia tay người
Gió réo buồn thay lời tiễn đưa
Tôi vẫy tay chào con ngõ vắng
Trời hanh vàng hay trời đang mưa?
Khi Đứng Bên Này Sông Thu Bồn
Anh trở lại bến ngày xưa đứng gọi
Con đò không nằm đợi khách chưa về
Cây cổ thụ trơ cành khô cháy rụi
Quán tranh buồn xơ xác vách phên tre
Dòng sông vắng cụm bèo trôi dờ dật
Làng thôn xa lành lạnh khói sương mờ
Trên lối cũ vườn hoang cây cỏ mọc
Con chim buồn bóng lặng hút trong mưa
Anh đứng đợi bên này sông bến cũ
Thật đìu hiu mây khói gợi ưu phiền
Chắc bây giờ phương trời xa biền biệt
Mẹ già nua lòng dõi đợi trăm miền
Thương dòng nước tội tình cây cổ thụ
Mấy năm rồi không một kẻ qua sông
Đêm trầm tịch rợn người nghe gió hú
Mái tranh nghèo lạnh ngắt buổi tàn đông
Anh trở lại bến ngày xưa đứng gọi
Con đò không nằm đợi khách chưa về
Thương nhớ lắm nhưng làm sao nhắn gửi
Dòng sông buồn con nước có mang đi.
Lê Văn Trung
(tạp chí Bách Khoa 1970)