ÔN CỐ TRI TÂN


Hàng đứng: Nhà văn Lâm Chương, nhà thơ Đức Phổ.
Ngồi: Nhà văn Phạm Ngũ Yên, Hồ Đình Nghiêm, nhà thơ Triều Hoa Đại, nhà văn Nguyễn Vĩnh Long.

Người về già thường hay mang tật nhìn lui, vọng tưởng. Có thể để tiếc nuối.

Năm cùng tháng tận, giữa bàn giao chuyển dịch cũ sang mới, ta thường mượn đến bốn chữ “rêu bám” này: Ôn cố tri tân. Cố là quá khứ, tân là hiện tiền. Nhắc chuyện cũ để hiểu thêm chuyện mới. Lâu nay chưa có chữ nào thay thế? Đành lạm dụng cho giản tiện. Ôi, hán với nôm! Nói rêu bám là bởi thế.

Vì sao gọi “ông cố nội”? Cớ sao bảo “kẻ quá cố”? Tựu trung nó thay thế cho một thứ gì được xếp vào hàng cổ vật. Xưa rồi diễm là cụm từ rất đỗi tầm bậy. Năm con Heo xuất hành đúng lối hoàng đạo, thiên thời địa lợi nhân hoà nên cưa đổ được em tên Diễm tuổi tròn trăng, đang cầm tay nhau đôi uyên ương nọ hẵng phật lòng, bất bình khi nghe được. Cái gì xưa, cha nội? Diễm rạng ngời như đoá tường vi vừa bung nở trong đêm giao thừa đấy thôi, sương ướt át còn đọng, mới tinh khôi. Không cứ là tình nhân, Trịnh Công Sơn khi đón nhận, trong dạ cũng chẳng mấy vui. Bá tánh thật lắm chuyện!

Ôn cố, thường phải nương nhờ vào bộ phận mơ hồ gọi là chất xám. Người lớn tuổi ắt trí nhớ phải bị thần thời gian bào mòn đi, lu mờ dần. Nếu nó vẫn bén nhạy, linh hoạt, sung sức, thì một cha nội tuổi 80, giả dụ thế, khi buồn miệng nhắc lại, kể ra thì “mua vui cũng được một tuần”, chí ít. Đêm giao thừa ngồi bên nồi lớn dung tích chứa 80 lít nước dùng luộc bánh tét bánh chưng, đít nồi đen thui hứng đỡ ba thanh củi to đang reo vui do thần hoả kích hoạt. Rét đậm dùng dằng chịu đứng ngoài rào chớ không mon men vào được, sự ấm cúng quây quần kia đã chận đứng “âm mưu hiểm độc” của thần gió muốn bà con phải cảm hàn. Bà con vui xuân không quên nhiệm vụ bánh trái mứt món dâng cúng ông bà đã khuất, để khỏi ngủ gật, bà con vòi vĩnh tới ông cố nội: Kể chiện đi mờ, từ hồi thoát chết vụ cải cách ruộng đất đến bi chừ, ông cố thiếu cha gì biến cố đã kinh qua. Tản cư, chạy giặc, di tản… ui mười ngón tay không đủ để xoè ra đếm những kỷ niệm xám đen máu lửa.

Lửa tí tách reo phà ra làn khói nồng ấm dù đôi phần cay mắt, nước sôi trong nồi kêu lục bục. Má dặn hồi nào ba thanh củi to cháy hết bề dài còn lại than hồng thì xem như bánh vừa chín. Bánh chín mà chuyện ông cố nội vẫn còn râm rang. Thôi mày, tao hổng kể nữa đâu nhen. Đời tao toàn cả chuyện buồn, năm mới năm me nặn óc nhớ lại chuyện nào vui thì hổng có. Xui chi xui vô hậu!

Hoạt cảnh trên xảy ra “vào thuở xa xưa trên đất Thần kinh”. Giờ này chẳng biết có tồn tại? Đó là nói riêng tới dân tình ở trong nước. Chạy ra ngoài này thì mọi sự cầm bằng như nước cuốn hoa trôi, đã xôi hỏng bỏng không, chín bỏ làm mười, vắng ngắt hơn cả chùa bà Đanh ghẻ lạnh. Thốn tim, run lòng. Có phải do lẽ nọ mà mỗi độ nghe ra chữ Tết như gió thoảng qua tai thì đầu óc tự động… ôn cố tri tân. Người yếu bóng vía thì hát thầm “nhạc sến”: Mẹ ơi xuân này con vắng nhà… Mới thấy sến luôn chứa giá trị của sến. “Nếu hoa mai không nở con đâu biết xuân về hay chưa?”. Ui, nức nở thiếu đường chảy nước mắt! Bạn vin vào đâu để luận tới chữ sến? Hà cớ gì để chân đi quàng xiên? Bạn đã làm ra thức gì khiến cho thiên hạ phải “nửa hồn thương đau” tựa thế? Mình xin gọi bạn là Tám. Mình nhỏ nhẹ: Bỏ đi Tám.

Mình vào đội tuyển U-60 nhưng luôn ngồi ghế dự bị. Làm hậu vệ thì yếu việc cản phá bóng, làm trung phong thì chuyền banh chẳng ai nhận, đến khi đôn lên chân tiền đạo thì cứ sút bóng ra khung thành hoặc phạm lỗi trong vùng cấm địa. Nếu bạn chẳng am tường bộ môn túc cầu thì nói như này: Mình loay hoay xoay trở trên chiếu văn chương nhiều trận cứ mãi bị phơi áo, luôn thua lỗ mà chẳng có khi được mở tỉ số làm bàn. Đầu óc bạn “chạy” có ngon lành không chứ bộ nhớ mình rất tệ, phôi pha gần hết bao hình ảnh thơ mộng tuổi đầu xanh. Tình cờ bạn học đệ Lục đệ Ngũ xưa quắc cần câu hổm kìa hôm kia nhìn nhận ra mình, nhắc nhớ bao tuồng tích cũ mà mình cứ đực mặt ra lòng nhăn nhàu hoài nghi. Ai đứng đó lạ lùng như mới gặp, sao dang tay ôm gọi thân ái ngày xưa? Trời không nắng mây chẳng đổ mưa, hãy trách mắng về thịnh tình khô hạn. Khi “ôn cố” mà nghèo nàn kiểu đó thì không rõ “tri tân” có đậm đà?

Bữa tê bữa nhiếp mình nhìn ra tên hai người quen năm cũ, vừa gửi bài đăng trên Sáng Tạo: Nhà thơ Đức Phổ và nhà văn Nguyễn Vĩnh Long. Tự nhiên trí nhớ hao mòn vùng dậy để rục rịch làm một màn ôn cố. Cố sự là vầy, năm 2000 nhà thơ Phan Xuân Sinh ở Boston xuất bản tập thơ “Đứng Dưới Trời Đổ Nát” bèn tổ chức ngay buổi ra mắt sách, hóng được tin hành lang sẽ có lắm thân hữu bốn phương lành lặn chịu đưa đầu trần về đứng chung dưới “bầu trời” bất toàn nọ nên địa phương quân Mộng Lệ An gồm nhà thơ Luân Hoán, nhà văn Song Thao, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn cùng mình không hẹn mà làm cuộc vượt biên mất có hơn bốn tiếng gầm rú trên xe ngốn lấy đoạn đường “an toàn xa lộ” (làm bà xã hài lòng).

Đi buổi trưa đứng bóng, tới buổi chiều còn sáng nắng hoàng hôn. Khi ghé tới nhà anh Trần Trung Đạo làm trạm trung chuyển chưa thật sự đông đủ mặt quần hào, ở đó phút đầu mình gặp Nguyễn Vĩnh Long cùng một nửa rạng ngời mặt ngọc của nhà văn. Dạo nọ Nguyễn Vĩnh Long định cư ở Carolina (?) thường gửi sáng tác đăng ở báo Văn của anh Nguyễn Xuân Hoàng. Nho nhã, hiền từ, thong dong, dáng điệu như một cậu sinh viên chưa giã từ trường ốc. Có thể Vĩnh Long là bút hiệu? Người được sinh đẻ ở thành phố Vĩnh Long nên muốn mang ơn vùng đất từng dinh dưỡng mình? Phút sơ ngộ nên chẳng tâm sự được gì nhiều, dù gì thì cả hai đã nhìn ngó ra nhau thầm lặng tỏ bày hàng tháng trên các trang giấy do Văn magazine thu giữ.

Sau chuyến đi “thực tế” ở Boston, Nguyễn Vĩnh Long có ghi lại đôi điều cảm nhận gửi đăng báo Văn, thứ tuỳ bút chất đủ một trải lòng đáng mến có nơi nhà văn tâm lành ấy. Có thể số báo nọ đã nằm trong hai thùng giấy lớn mình vui vẻ trao tặng cho người trẻ tuổi sanh sau đẻ muộn mãi mến chuộng thơ văn hải ngoại: Nguyễn Trường Trung Huy (Huy Vespa) hiện ở Sài Gòn ngăn cách (bốn phương vô sản đều là bạn văn). Nếu còn giữ hẵng mình đã giở lục nhằm chép lại, đưa lên để nhớ một kỷ niệm chừng đã “đổ nát”, phôi pha.

Bóng tối dồn về, hối thúc mọi người đến nơi sum vầy có ở một hội trường lớn. Hoạ sĩ Nguyễn Trọng Khôi làm người điều khiển chương trình, nhà văn Trần Doãn Nho lên nói về thi tập của nhân vật chính Phan Xuân Sinh. Mình ngồi ở bàn xôm tụ, nơi chật ghế chen vai thích cánh toàn những khuôn mặt “hào kiệt”: Nhà văn Lâm Chương, nhà thơ Triều Hoa Đại, nhà thơ Đức Phổ, nhà thơ Hoàng Lộc, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, nhà văn Nguyễn Vĩnh Long, nhà văn Lương Thư Trung (Hai Trầu)… Ai đó đã điểm danh mang tật kiểm kê vùng miền: Riêng xứ Huế đếm ra được hai chàng, HĐN và Đức Phổ.

Đức Phổ tửu lượng cao, anh uống “tì tì” cho tàn năm canh cũng “ba say chưa chai”. Những ai tiếp cận lần đầu với vị sĩ quan Hải Quân ngày cũ này đều có chung một nhận định: Hiền từ. Thích cười hơn nói. Có nghĩa là nghe bạn vung vít nhặng xị, nhà thơ Đức Phổ chẳng lấy đó làm điều, chỉ bày vành môi cười không tròn nụ. Thơ anh làm cũng vậy, một biểu tỏ thường đằm thắm, nhỏ nhẹ, nói ít hiểu nhiều. Một chắt lọc đầy sâu lắng. Ít ra thì mình quá vui khi được ngồi bên Huế mềnh, thứ lầu son gác tía nay thành “nền cũ lâu đài bóng tịch dương”. Ngồi bên nhau buổi ấy, có thể mình vô tâm không hay biết nhà Sông Thu đã xuất bản cho anh thi tập “Một Chỗ Về”. Hai năm sau, (2002) được biết tạp chí Văn ở Cali đứng tên xuất bản tác phẩm thứ nhì mang tên “Mùa Tình, Xin Kịp Gặt”.

Giống như thành phố mang tên Vĩnh Long, Đức Phổ là một huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Vậy thì danh từ riêng Đức Phổ khoác thân nơi nhà thơ hiền lành ít ăn ít nói chánh quán người Huế này e có ẩn chứa một sự tình khác lạ chăng? Mới đây nhà thơ nhắc lại đôi lần anh từ Atlanta thuộc bang Georgia sang thăm Montréal gặp gỡ quàng vai nhau đi uống cà phê sau những cuộc rượu, mới giật mình hay ra mới đó mà dòng chảy cuộc sống tha phương đã mười mấy năm chìm trôi trong tịch lặng. Đôi lúc chạnh lòng phải mượn lời Trịnh Công Sơn ra để hát thầm “Này nhân gian có nghe đời nghiêng”. Mình xin lấy tạm một bài thơ trong muôn ngàn bài (từng có thơ đăng báo ở Sài Gòn thập niên 1970) của anh Đức Phổ, bài” Gửi Tình Theo Quê” mà mình từng mặn nồng, sau đây:

Sáng nay giống sáng hôm qua
thức dậy. ngồi ngóng xa xa quê tình.
ngóng tin em đến đầu đình
hẹn trăng ngàn núi. hẹn anh phương trời.

mắt buồn theo ngọn lá rơi
thương người xuống vực. lên đồi vẫn thương.
nói chi đời. cuộc vô thường
tử sinh. còn mất. tròn vuông… cũng đành.

em đâu hiểu được ngọn ngành
cuộc ly tan ấy đã thành di căn.
mốt mai dù mãn căn phần
tình thiên thu. vẫn ngàn năm không rời.

sáng nay ngồi ngắm mưa rơi
nguồn cơn nào đã khiến xui bọt bèo.
mây ngang đầu ải lưng đèo
có hay tình đã về theo quê tình.

Đức Phổ

Sáng nay ôn cố tri tân, mình nghe tiếng động lần khân vọng về. Vĩnh Long hề, Đức Phổ hề! Hai nơi kia đã tứ bề mây che. Còn chăng nước chảy lũng khe, hai nhân diện cũ vừa le lói bày. Người xưa dấu mặt độ rày, tri tân năm mới đến vầy cuộc chơi.

Mong sức khoẻ đến với bạn văn, tha thứ nếu trí nhớ mình đã chịu qua định luật nước chảy đá mòn. Chúng ta nay đã tựa nắng quái bên đèo cho nên còn trao được chữ tình với tha nhân là chuyện đáng xiển dương. Hy vọng được đón đọc tiếp các sáng tác của nhị vị. Và như vậy, mai hậu thật dễ cho mình khi muốn vọng động “ôn cố tri tân”. Xa xưa cho đến tận giờ, mình vẫn mang ơn Bùi Giáng:

Giờ đứng lại là bây giờ rất lạ
Là bao giờ từ buổi lạc tin hoa
Nhầm bóng nguyệt là sầu đau khôn tả
Phút trùng lai là ngó vội nhau và…

Hồ Đình Nghiêm

Advertisement

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s