Đúng ngày hôm nay, cách đây 200 năm, vào đêm áp lễ Giáng sinh – 24 tháng 12, 1818 – trong một nhà thờ nhỏ bé tại vùng quê thuộc nước Áo, bài thơ Stille Nacht được đem phổ nhạc lần đầu và không ngờ bài hát đó trở thành một trong những bản thánh ca được nhiều người yêu thích nhất.
Lễ nửa đêm năm đó, Stille Nacht (Silent Night) được hát lần đầu tiên tại nhà thờ Thánh Nicholas tại Oberndorf, một ngôi làng nằm sát biên giới của đế quốc Áo và Đức. Bài thơ do cha Joseph Mohr, một linh mục trẻ và được một nhạc sĩ đàn ống (organ), Francis Xavier Gruber, sáng tác.
Truyền thuyết cho rằng chiếc đàn ống trong nhà thờ bị hư nên cha Mohr nhờ ông hiệu trưởng kiêm nhạc sĩ đàn ống Gruber phổ nhạc bài hát, nguyên thủy bằng tiếng Đức, cho đờn guitar để hát vào lễ nửa đêm. Câu chuyện thêm thắt rằng khi khám phá ra chiếc đàn ống hư hỏng (theo truyền thống thánh lễ phải có tiếng đàn ống, và bằng tiếng Latinh), vị linh mục trẻ hoảng hốt không biết xoay xở thế nào thì chợt nhớ đến bài thơ và nhờ ông Gruber phổ nhạc chỉ vài tiếng trước thánh lễ nửa đêm.
Thật sự cha Mohr viết lời thơ Stille Nacht vào năm 1816, tại Mariapfarr, một thị trấn nằm gần Salzburg, thuộc nước Áo. Hai năm sau, 1818, ngài được bổ về phục vụ tại nhà thờ Thánh Nicholas thuộc Oberndorf, và ngài nhờ ông Gruber phổ nhạc. Chuyện tuần tự xảy ra và đơn giản như thế. Có lẽ vì bài hát quá nổi tiếng nên người ta thêm thắt một vài huyền thoại để tăng thêm nét bi hùng cho bản nhạc. Điểm chính xác là bài hát lần đầu tiên hát trong thánh lễ nửa đêm Vọng Giáng sinh năm 1818.
Kể từ đêm 24/12/1818 đó, bài thánh ca lan dần sang các làng mạc xung quanh trong nước Áo và dần dần được phổ biến rộng rãi trên thế giới. Bài thơ Stille Nacht thật đơn sơ, hiền hòa. Gruber phổ nhạc với một giai điệu cũng bình thường, không cầu kỳ phức tạp. Thế mà tính đến đầu thế kỷ 20, Stille Nacht được hát và trình diễn trên khắp năm châu và không một nhà thờ nào mà không hát bản nhạc này trong đêm Giáng sinh. Hiện nay, bài hát đã được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ và thổ ngữ.
Giáo sư Thánh nhạc Sara Pecknold thuộc Đại học Catholic University of America nhận định, “Cha Mohr sáng tác bài thơ trong bối cảnh thật đặc biệt. Hậu quả của cuộc chiến (1803-1815) do Napoleon phát động vẫn còn đè nặng trong tâm trí con người. Bài thơ diễn tả sự tĩnh lặng và an bình trong một đêm đông buốt giá, khi Chúa Hài đồng được sinh ra đơn sơ và nghèo hèn trong chuồng gia súc. Bài hát mời gọi sự thinh lặng của tâm hồn, rũ bỏ mọi ưu tư để đắm chìm trong sự an bình đích thực mà Ngôi Hai mang đến cho nhân loại.
Trong thinh lặng và thầm thì hát bản nhạc này, ai cũng cảm nhận được một sự bình an lạ lùng. Thơ và nhạc quyện vào nhau êm ả như một lời ru khiến lòng bồi hồi khó tả. Trong Thế chiến I, quân Pháp và Anh đóng chốt ở giao thông hào, ghìm nhau khốc liệt từng giờ với quân Đức. Đó là đêm Vọng Giáng sinh năm 1914, trời đông buốt giá, tuyết rơi phủ đầy mặt đất. Bất ngờ đâu đó có tiếng ai ngân lên bài Stille Nacht. Tiếng hát ban đầu mỏng như sợi tơ và rồi lạ lùng thay, binh lính hai bên cùng nhau hát theo thật tự nhiên. Ngoài súng đạn hận thù, Stille Nacht là ngôn ngữ yêu thương duy nhất của binh sĩ của hai đầu chiến tuyến. Bài hát Stille Nacht vang lừng khắp hai thông hào, dội vào đêm khuya như tiếng chuông ngân kêu gọi một thế giới vun đắp tình thương. Ngày hôm sau, tất cả binh lính nhỏm dậy từ hai chiến tuyến, bước đến chào hỏi bắt tay nhau. Đôi bên không hẹn trước, đã bỏ hết hận thù, cùng nhau vui chơi suốt một ngày.
Bài hát được chuyển sang tiếng Anh nhờ linh mục Anh giáo John Freeman Young năm 1859. Ngài chỉ giữ 3 phiên khúc so với 6 của bài thơ nguyên thủy. Đã có rất nhiều ca sĩ hát và thu âm bài hát nhưng chỉ riêng đĩa mang tiếng hát của ca sĩ Bing Crosby phát hành năm 1935 được xếp hạng Ba với số lượng bán chạy và nhiều nhất trong lịch sử ngành đĩa thu âm của Hoa kỳ.
Cho đến nay, bài hát vẫn nổi tiếng và phổ biến hơn bao giờ. Theo một cuộc khảo sát của báo Time, bài Silent Night được thu âm nhiều nhất tại Mỹ, và bài Joy to the World xếp hạng nhì nhưng cách bản Silent Night rất xa. Năm 2011, UNESCO tuyên bố bản nhạc Stille Nacht là “di sản văn hóa.” Stille Nacht được cố nhạc sĩ Hùng Lân dịch sang tiếng Việt mang tên Đêm Thánh Vô Cùng. Cố nhạc sĩ Nguyễn văn Đông cũng dịch ra lời Việt mang cùng tên.
Trong bối cảnh thế giới nhiễu nhương ngày nay, bài Stille Nacht càng mang một ý nghĩa đích thực về sự an bình trong cõi lòng mỗi người, để thế giới thật sự hưởng được nền Hòa Bình chân chính. Rũ bỏ hết mọi tị hiềm, thù hằn, ganh ghét để Tâm mỗi người được bình an, và thế giới sẽ được an bình, như lời của Đức Phật, “Tâm Bình, Thế Giới Bình.”
Cầu chúc mọi người một đêm Giáng Sinh an lành.
HẠ NGÔN
Sức mạnh Âm Nhạc.
Sự lan tỏa…
Thấm vào mạch máu.
Khiến bao trái tim lâng lâng..
Sự liên tưởng…
….Giáng Sinh.
Đêm Thánh Vô Cùng…
Trần Thế đón mừng.
Chúa Hài Đồng.
Ra đời trong Hang Đá.
Bên Máng Cỏ.
Niềm Tin có Chúa.
Đất nước bình an
Thế giới không Chiến Tranh.
Người với người đến nhau …
Bằng trái tim chân thành.
…..Bài Thánh Ca.
Vọng Giáng Sinh.
Lễ Nửa đêm.
Huyền Thoại khởi nguyên…
”ĐÀN ỐNG HƯ…
Thay bài Thơ phổ Nhạc…
”ĐÊM THÁNH Vô Cùng…”