ĐƯỜNG SỐ MƯỜI BẢY

(Gửi hai nhà thơ Trần Vấn Lệ Đà Lạt Cali, Nguyễn Hàn Chung Đà Nẵng Houston- nhờ nhà thơ Tôn Nữ Thu Dung Nha Trang Mỹ chuyển giúp)

“em mười sáu tuổi tôi mơ
em mười bảy tuổi hai bờ sông xanh”.

Thơ ai vậy? Dạ, của Trần Vấn Lệ. Những câu chữ như một bài kệ. Dạ, tình yêu vốn đong đầy hợp tan, phải câu nệ. Yêu ai như thể mình đang tụng chú, sân si hoặc sám hối đôi lúc là một cái thú. Thú thương đau, vô duyên chẳng ôm mâm trầu cau. Đời vốn lẫn lộn những vàng, thau. Người đi lối khác, nhạt phai mau?

Thử làm một phép tính trừ giản đơn, mười bảy nằm trên mười sáu, kết quả đẻ ra một. Không chắc đã tròn 365 ngày đêm dại khờ. Bị sao vậy? Dạ, tự dưng hai bờ sông xanh hiện tới, chia lìa. Chuyện chi rứa? Dạ, mười bảy tuổi người nớ lên đò, sang ngang.

Mười Bảy. Có sớm quá chăng? Dạ, hình như luật pháp quy định phải đủ tuổi 18 mới có quyền “xác pháo vướng gót chân”? Không biết được, đôi khi chúng ta phải đối mặt với hai chữ trái ngang hy hữu. Lại bày thêm một công thức toán (lớp đệ Ngũ đệ Tam trong tưởng tượng). Hy hữu @ Buồn + Thở Than = Nhà Thơ. Xin rộng lòng bỏ lỗi nếu đứa dốt toán bày ra thứ phương trình tầm bậy, ưa quậy. Tầm bạ, lang chạ.

Nhà thơ có lần giải thích: “Nếu mình lấy-nhau-đặng thì tôi đâu có làm thơ!” Rồi cũng có lần tự vấn: “Phải chi hồi đó tụi mình đừng nhỏ… như bây giờ, không biết đã ra sao?”. Và hồi đó, quá khứ cho tới hiện tại vẫn khẳng định: “Ai sinh em vậy làm con gái cho cõi đời này hết Mỹ Nhân?”

Lại của Trần Vấn Lệ? Dạ, nghe dễ thương cách gì! Tác giả của thi tập mới (một hai năm trước) mang cái tên cũng ngộ “Ở Chi Xa, Xa Mút Chỉ Chân Trời”. Ở tận bên Mỹ mà ngó về Đà Lạt biểu sao chân trời chẳng mút chỉ? Ở Canada cũng rứa, xêm xêm. Mờ mịt thức mây, ngó không êm. Nỗi nhớ hơn cả trái gió trở trời thấy mình rêm. Nghìn trùng chất thương yêu thêm.

Mình từng ở Đà Lạt, có mối tình đầu dại khờ ở tuổi 17. Thành ra thích mượn thơ Trần Vấn Lệ, thế tấm gương soi về tháng ngày cũ. Có chút trùng lẫn giữa mình và hình ảnh chất chứa trong dòng thơ mang mang tâm sự kia. Nếu hồi đó, biết làm thơ, đứng trước ngõ nhà nàng ở đường Phan Đình Phùng để ký gửi nỗi niềm thì có lẽ hai đứa đã lấy-nhau-đặng-thương-hoài-muôn-năm. Chữ “nếu” ngàn đời vẫn hăm he gây nhiễu sự. “Nếu” luôn còn đó để tạo dựng ra cớ: Một nửa tiếc uổng, một nửa hối hận. Ba phần ganh tị bảy phần phân trần. Nếu hồi đó mình cầm tay Hiệp (tên người như tên rạp chiếu bóng Ngọc Hiệp nằm dưới dốc Minh Mạng đầu đường Phan Đình Phùng) nói lời thề nguyền “bao giờ thác Cam Ly cạn, nước hồ Than Thở khô hạn, anh mới thôi làm bạn cùng em”. Nếu hồi đó tình hình không lem nhem, anh bình thân như vại mong làm mộc đóng con tem. Ra cầu ông Đạo lên khu Hoà Bình chỉ em xem, thông đồi Cù cứ đứng giữa trời mà reo, nào cheo leo. Hai trái tim vàng đâu thể đói meo. Nếu này nối nếu kia theo để mười bảy tuổi sớm nhận cơn gió heo may dồn về.

Thấy tóc dài đi hớt. Thợ hỏi: hớt làm sao? Trả lời: hớt thế nào mà đầu vẫn còn tóc. Chao ơi, nếu mình là thợ ắt phải mang cảm tình với ông khách lạ đời. Hiệp nói: Chăm học đi, kẻo thi hỏng tú tài phải rời cao nguyên xuống Đồng Đế Dục Mỹ làm Trung sĩ. Mình trả lời: Học yêu chưa thành thì làm sao toại chuyện khoa bảng? Gió bên đường Hai Bà Trưng làm đồng minh thổi qua, lạnh run. Hiệp cởi chiếc áo laine màu xanh bleu ủ nhiệt cho thân người tình mãi xớn xác. Mai hẳn trả. Bài thơ chưa tượng hình thốt lời đáng yêu, nếu anh cưỡng đoạt báu vật ấy liệu em có than kêu? Áo đan bằng tay nhốt giữ tất thảy những hương hoa được trồng trên hoàng triều cương thổ. Có mùi thơm nào sánh được mùi trinh nữ chăng? Ngây ngất, biết cách gì để khiến Hiệp dậm cẳng: Vật đi thay người? Đêm về ôm ấp tấm áo ngự hàn không ngủ được, hôn hít trở trăn không cách gì tả xiết. Bao sách giáo khoa lưu trữ trong bộ nhớ đều đổ biển trôi sông. Khuy nút cài lại sao nách, cổ, ngực thảy đều vừa kích, sít sao hơn quần áo đặt may ở hiệu Văn Gừng. Vô tình Hiệp cấy vào người mình một rung động: Bưng chén cơm lên mà đũa rớt hồi mô chẳng hay. Ai nói mười bảy bẻ gãy sừng trâu? Người ấy đáng bị đánh đòn. Thật dại khờ thay!

Chưa mở mắt khôn lanh được chút nào thì vân cẩu bay nát nhừ bầu trời Đà Lạt. Có thể gia đình Hiệp trốn về Sài Gòn mong tìm được lối thoát thân. Sao mình vẫn lần khân? Răng cứ thúc thủ trói chân? Yêu người lậm khiến dạ phân vân? Đi qua đa-nhim tôi kêu hồ nước mắt. Mình cải chính: Dạ, Hồ Thuỷ Lệ chính là tui đây. Gạt lệ thua buồn mình xuống núi hàng lại hàng ngó mờ mịt cảnh bể dâu. Đi xe qua cầu Đà Rằng cúi trông xuống dưới cát bồi khe khô. Điệu hò người dân Tuy Hoà nghe nẫu ruột:

Chứ bây giờ mà em ở kìa nơi đâu?
Để cho anh, anh trông đứng nửa trông ngầu, rầu canh khuya.
Chứ bây giờ em không ngó nữa em không ngàn
Lấy chồng nghèo nó cực khổ mà gian nan nó cơ hàn.

Nghèo! Tháp Nhạn cũng vắng thưa chim bay én lượn. Gặp lại người thầy cũ thiếu đường chắp tay bẩm đạo sĩ. Dép mòn vẹt xách bị lát người gầy khô như cây xương rồng bị vặt sạch gai nhọn. Căn nguyên lưu lạc thổ lộ bên đường tựa giọng cảm hoài của Cao Bá Quát: “Mười năm xuôi ngược dọ hỏi cốt tìm thanh gươm cũ. Một đời cúi đầu chỉ vái lạy trước hoa mai”. Thầy khuyên mình nên ra Đà Nẵng ở nếu còn thân nhân ngoải. Bây chừ thì thôi còn đất lành để chim đậu, tan nát những cánh hoa thời hậu loạn, nhưng chốn ấy nghiệm ra vẫn hơn chốn đây, tin thầy đi. Để xác quyết, đạo sĩ bất đắc dĩ dặm pha thêm lời “vàng ngọc” cơ hồ sao chép từ Charles Bukowski: Này, chỉ tính riêng giấc ngủ của thầy thôi, cũng đủ dài hơn quãng đời mà mi từng trải qua.

Cũng là đà, bỏ Đà Rằng, nhưng không Đà Lạt mà Đà Nẵng. Lại đâm nhớ em má đỏ môi hồng mặc áo laine xanh, sửa đổi ca dao:

Hỡi người ôm sách khoá sinh
Vợ con chưa có nên chưa thành thất gia
Ngộ tình cờ bướm mới gặp hoa
Anh mà lại gặp Hiệp hoạ là trời xây.

Vô duyên với Hiệp thì gặp Hoa. Chợ Cồn, cầu Vồng, Hùng Vương ra tuốt Bạch Đằng thì châu về hiệp phố. Mênh mông chi xứ mà chẳng dè có sợi dây vướng cẳng khiến bổ nhào cảm ơn ông Địa. Nhủ thầm lần ni chắc hẳn hoà hợp. Chánh quán cô hàng cà phê bụi thì ở tuốt trong Điện Bàn. Em mô có tự hồ người thành thị, ở trong quê đúa cơm rách ố mới lần mò roa lồm eng chỗ ni. Reng em biết được lòng doạ anh, có nên trao lời thề thốt giữa hươi đứa mình? Thì cứ thong thoả nhìn mẹt mà bắt hình dong, mình nói, lòng anh ngay thẳng ghét dối gian, y như cái lốp xe đạp thì kêu là cái láp xe độp, không thay đổi mảy may. Hoa cười: Chửi choa không bèng phoa tiếng, đừng có ở đó mà cạnh khoé khó nghe. Mình cúi đầu: Mô có, thiệt hàm oan. Hoa không biết đó thôi, ông nội bà ngoại của anh đều được sinh ra ở Cẩm Lệ quận Hoà Vang làm ăn ở Hoà Khánh. In tuồng như mình cùng xứ, chu choa ơi mình phải tự hồ được đẻ ở đất Ngũ Phụng Tề Phi đó con bạn mình ơi!

Không dưng xúi nhớ bài “Nhìn Em” của thi nhân Bùi Giáng:

Nhìn em nhìn thấy một muôn nơi
Ngó em ngó thấy một muôn trời
Nghe em thỉnh thoảng vô ngần lúc
Ngóng đất đôi phen tuyệt đối đời
Cũng thể em là tiên rất mực
Cầm bằng anh chỉ đứa điên thôi
Trùng lai thái thậm Thiên Đường cũ
Tương kiến tung hoành lệ máu rơi.

Qua êm màn phỏng vấn với tự giới thiệu lý lịch. Bà chủ rất mực rộng lòng thâu nhận nhân viên mới. Mình phụ Hoa pha cà phê chặt nước đá rửa ly tách thu dọn bàn ghế đóng khoá cửa nẻo và kiêm luôn chức vệ sĩ bảo toàn khối tài sản biết di động. Được tin tưởng giao cho giữ chìa khoá chiếc xe gắn máy để sẵn sàng chở tiên cô đi mua nhu yếu phẩm trà đường chanh thuốc lá bột cà phê hoặc mánh mung chuyện tối mật gì đó. Đất Quảng Đà chưa mưa đã thấm, hợp phong thổ nên chỉ hơn tháng mà cây si bén rễ cành lá ra rậm rạp tựa lá bồ đề. Nắm tay xong nắm chân, mới cởi áo chưa cởi quần thì giông bão ập về, gió giật liên hồi kỳ trận để cuốn phăng bao dự tính chõng cọng dơ que. Một bộ phận không nhỏ đã xông vào quán nước làm tan đàn sẩy nghé. Họ bắt Hoa đi với tội danh: Mở hàng bán cà phê chỉ nhằm làm bình phong che đậy, thực chất đây là tụ điểm nhằm liên lạc móc nối tổ chức người vượt biển. May mà họ chẳng sờ gáy mình, sẵn có xe gắn máy của Hoa mình chơi một màn tẩu vi thượng sách. Ôi, ông Bùi Giáng ơi: “Khóc em duy nhất tình đầu, đã đầy đủ quá sức người của anh”.

Hoa có trách móc mình không? Vướng vào vòng lao lý, ở trong tù chắc Hoa sẽ đối mặt với toà án lương tâm: Có nên quy kết tội danh hắn bằng bốn chữ “quất ngựa truy phong”? Cũng oan cho hắn quá, bởi thân này còn nguyên vẹn chưa bị hoen ố xẻ ra làm đôi. Nếu hén thiệt bụng thương yêu, thế nồ hén cũng đợi chờ ngày mình thoát cũi sổ lồng, nửa in gối chiếc nửa chì chiết trong ruột gan. Cho dù không mất đi sự tỉnh táo, hắn mô có tiền của để chạy chọt tìm đường dây mà gỡ rối, bị Bùi Giáng từng cảnh báo: “Trái mít ra quả sớm chiều, Đại Ca Chủ Tịch còn nhiều bận tâm”.

Có một chuyện Hoa không lường được, chính mình cũng ngỡ nằm mơ, do số phận run rủi, một đêm tối trời bên quận 3 mình đu bám được theo nhóm người lên ghe vượt biển. Kỳ lạ thay, ngày mình làm đứa phản bội tổ quốc, tờ lịch in con số 17. Sang tới Hồng Kông mất chỉ năm ngày, lịch chỉ số 22. Từ đây tôi mất Hiệp Hoa, trước thân đơn chiếc mơ hoà hợp sau.

Đà Lạt, Đà Nẵng là hai địa danh. Riêng chữ đà còn mang nghĩa là màu nâu. Người miền Trung thường nói áo lam, áo đà nhằm chỉ tới những vị tu hành khoác áo xám, nâu sòng khổ hạnh. Hoa thấy tóc dài nên đi hớt. Hỏi: Hớt làm sao? Trả lời: Hớt thế nào mà đầu trơ trụi chẳng còn tóc. Cô này nhiều chuyện quá! Sao không bảo là cạo trọc cho dễ hiểu? Khi mình sang định cư ở tệ tam quốc gia, tình cờ có một chị trước ở đường Hoàng Diệu gần Ngã Năm cho hay: Hoa ở tù đúng một năm, sau đó xuống tóc quy y cửa Phật, trú thân trong chùa nhỏ gần bãi biển Thanh Bình, mang tên mới ni cô Lãng Nghiêm.

Ở xứ người, hàng năm mình thử len lỏi đi chung vui ở những đêm liên hoan gặp gỡ các cựu học sinh Đà Lạt. Dọ hỏi cùng khắp, chẳng một ai hay cô bạn đầu đời dấu yêu: Hiệp. Khi viết ra bài hồi ức này, mình hy vọng mong manh có ngày cả Hiệp lẫn Hoa đọc thấy, chỉ để gửi theo một lòng ăn năn và xin được thứ tha. Tuổi 17 có người sang ngang vui duyên mới, có đứa vượt qua biển rộng mà lòng mang nặng một kiếp dại khờ. Cho mình cúi đầu: A di đà Phật. Tội lỗi… Hoa ngừng gõ mõ, gióng tiếp cho một tiếng chuông từ bi.

“Bây giờ sự đã tam bành
Cũng chi một chút cho đành chút chi”.
(B.G)

Hồ Đình Nghiêm
Sau lễ Tạ Ơn

Advertisement

One thought on “ĐƯỜNG SỐ MƯỜI BẢY

  1. lê ngọc duyên hằng nói:

    Mười sáu mười bảy chênh nhau.
    Có một tuổi thôi mà sao lắm chuyện!?
    Hiệp-Hoa giao duyên mối tình.
    Bị cười chưa vị thành niên sớm Yêu!
    ….Thú đau thương vô duyên chịu!
    Ai biểu thương chi máu liều quá đổi!
    Hai bờ sông xanh lở bồi.
    Đây đó ngó mong một trời Tình Nhớ…
    ”Xác pháo vướng gót chân Mơ
    Anh về VẤN những lời Thơ đọc thầm…
    Ai biểu em là Mỹ Nhân?!
    Em là con gái môi thắm má hồng?”
    Để anh tương tư tình mộng.
    Yêu em chết cả cõi lòng Nhớ Nhung!
    …..Đà Lạt-Đà Nẵng ĐÀ Thương…
    Đà Buồn cứ trượt dài xuống vũng SẦU.
    Yêu em cũng bởi dài lâu!
    Sao quên Ký Ức nhuộm màu Thương Đau!?

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s