NƯỚC MẮT TRƯỚC CƠN MƯA, nguyên tác Anh Ngữ “Tears Before The Rain” là một tập sử liệu về sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam, do Larry Engelmann, Giáo Sư Đại Học San Jose State thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn nhiều thành phần: người Mỹ, người Việt, kẻ thắng người bại …Những cuộc phỏng vấn này khởi sự từ 1985, sách xuất bản năm 1990. Bản dịch Việt Ngữ do nhà văn Nguyễn Bá Trạc thực hiện năm 1993, xuất bản năm 1995 tại California.
LILY
“Cháu đã phải chứng kiến nhiều chuyện xảy ra trong đời”
Tên cháu là Hương, người ta vẫn quen gọi cháu là Lily. Dạ, Lily thôi (chứ không có tên họ gì khác). Cháu mười bảy tuổi. Cháu không rõ ai là cha cháu. Cháu cần phải đi Mỹ. Ở Việt Nam này cháu không được đi học, cháu chỉ đến trường có ba năm rồi phải đi làm.
Ở ngoài phố ngày nào người ta cũng kêu cháu: “Hê lô, Mỹ!” Thấy mặt cháu, người ta biết cha cháu là người Mỹ. Lúc đi học trẻ con trong trường không ưa cháu, chúng cứ bảo: “Mỹ lai không tốt”. Nghe thế cháu buồn lắm.
Cháu nói được tiếng Anh là nhờ tập nghe những người nói tiếng Anh đến đây, nên bây giờ cũng nói được. Cháu làm cho du khách; cháu thông dịch cho họ, đưa họ đi xem thành phố. Cháu muốn đi Mỹ, muốn được đi học, sau này làm họa sĩ. Bây giờ làm sao mà vẽ, cháu phải bận đi làm. Cha cháu ở Mỹ tức là theo đạo Chúa, còn mẹ cháu là người đạo Phật. Cháu muốn vẽ các thứ tranh ảnh đạo giáo, mấy tranh ảnh này làm cháu nghĩ đến những chuyện tốt lành, chứ cháu đã phải chứng kiến nhiều chuyện xấu trong đời rồi. Cháu chịu khổ nhiều rồi nên cháu không muốn nghĩ đến nữa.
Cháu thích nhạc Mỹ. Cháu nghe nhạc Mỹ, nhờ thế cũng học được tiếng Anh.
Chuyện chiến tranh, cháu cũng biết chút ít. Cháu có đọc chuyện ấy, nhưng cháu mong không ai nghĩ xấu cho cha cháu vì chuyện chiến tranh cả. Cháu rất mong có một tấm ảnh cha cháu để nhìn cho biết cha cháu thế nào. Cháu không muốn sống với cha cháu. Cháu chỉ muốn gặp cho biết vì hiện giờ cháu không biết gì về cha cháu cả.
Tương lai, sau này cháu muốn có một vài đứa con. Nhưng cháu mong con cái của cháu đừng phải khổ như số cháu, đừng lâm vào cảnh con không cha.
Sau này cháu sẽ dạy cho con cháu kinh nghiệm đời cháu để hiểu cuộc đời khó khăn mà cố làm cho nên người, đừng lâm vào hoàn cảnh cháu bây giờ.
Không, cháu không có gì vui. Cháu cười đây là vì cháu đang nói chuyện, chứ có gì vui.
Cháu hay nghe bài “We are the World” (Chúng ta là thế giới). Nghe bài này cháu thích lắm. Bài này nói về người trên các nước ca hát, họ chẳng có vấn đề khó khăn gì. Cháu thích mọi người đều được như thế. Nghe người ta hát thích hơn là chiến tranh. Những người sung sướng thường hay ca hát.
MỸ LINH
“Cuộc sống khó khăn”
Tên cha tôi là Isaac. Má tôi có cho tôi xem ảnh cha tôi. Bây giờ tôi đã có chồng Việt Nam, sắp có con tôi, như thế ông Isaac sắp làm ông ngoại rồi. Tôi mong có thể báo tin cho cha tôi biết như thế.
Tôi đã học lớp Sáu rồi ở nhà phụ má tôi buôn bán lặt vặt ngoài đường thành phố Hồ chí Minh. Tôi muốn đi Mỹ vì cha tôi ở bên ấy. Tôi muốn học nghề may. Cha tôi có viết thư bằng tiếng Mỹ, kể chuyện nước Mỹ.
Cuộc sống khó khăn lắm. “Tôn giáo” là gì vậy? Không, tôi không có đạo nào.
Tôi hy vọng năm nay được đi Mỹ. Tôi đã xin đi từ năm tám mươi mốt đến giờ nhưng người ta không cho tôi đi.
NGUYỄN THỊ DIỆP TRANG, “Ở đây rất khó khăn cho tôi”
Tôi mười chín tuổi. Tôi không được biết gì về cha tôi cả. Cha tôi người Mỹ. Tin tức cha tôi thì không có, nhưng tôi có một tấm ảnh của người bạn cha tôi. Bạn cha tôi là người mối lái cha tôi cho mẹ tôi.
Tôi đã học xong Trung học hồi năm ngoái. Hiện nay tôi đang phụ với mẹ tôi, mẹ tôi làm nghề đở đẻ. Mẹ tôi thường may quần áo cho tôi, nhiều bộ mẹ tôi may giống quần áo Mỹ lắm.
Tôi muốn đi Mỹ vì trông tôi không giống người ở đây, tôi nghĩ tôi giống người Mỹ hơn, sang Mỹ tốt cho tôi hơn. Tôi cũng tự biết khổ người tôi cao lớn hơn các bạn, tôi cảm thấy khác người ta, ở đây khó cho tôi.
Tôi biết được về người Mỹ là nhờ xem hình cha tôi, với lại nhờ các du khách. Tôi cũng có đọc qua báo. Tôi muốn được sang Mỹ đi học Đại học ở bên ấy, để trở thành hóa học gia.
Tôi không biết gì về chiến tranh. Không biết gì cả.
Tôi đoán cha tôi là người cao lớn, vì khổ người tôi cao lớn. Nếu cha tôi biết được tôi ở đây, chắc cha tôi thương tôi lắm. Mẹ tôi bảo hồi xưa cha tôi thương mẹ tôi thật tình. Nhưng họ đứt liên lạc với nhau.
Tôi mong ngày sau có con, tôi sẽ kể chuyện đời tôi, chuyện tôi sang Mỹ như thế nào.
Một ngày kia tôi sẽ lập gia đình, có hai đứa con. Nhưng bây giờ, trước hết tôi mong được sang Mỹ cùng với mẹ tôi và hai đứa em cùng cha khác mẹ của tôi.
MINH
“Thằng lai”
Cháu không có tên nào khác, tên cháu là Minh thôi. Cháu mười sáu tuổi. Cháu sống ở Tây Ninh. Cháu chăn bò cho gia đình cháu. Cháu ở với họ từ lúc nhỏ nên cháu gọi họ là chú thím. Rồi cháu lên Saigon, bây giờ cháu làm ở một quán cà phê.
Có người đưa cháu lên Saigon, cũng không biết người ấy là ai. Bây giờ cháu đang ở với một gia đình mở quán cà phê, cháu ăn ở luôn tại đây. Cháu chưa đi học bao giờ. Cháu không biết đọc.
Hồi ở nhà quê người ta đối với cháu không được tử tế. Cháu lai Mỹ, họ gọi cháu bằng đủ thứ tên. Họ gọi cháu là : “thằng lai”. Nhưng ở quán cà phê này người ta đối xử với cháu tử tế hơn.
Cháu không biết gì cha cháu cả. Chẳng hiểu ai là cha mẹ cháu. Cháu chẳng biết gì hết. Cháu nghĩ cháu thương cha mẹ cháu mặc dầu cháu cũng chẳng biết cha mẹ cháu là ai, cha mẹ cháu ở đâu. Tình thương cha mẹ, cháu nghĩ là vẫn ở trong lòng người ta.
Bây giờ cháu cũng mong được đi Mỹ tìm cha. Cháu thấy người ta đi Mỹ, cháu cũng muốn đi. Cháu không biết gì đất Mỹ, chỉ nghe người ta nói chuyện thôi.
Cháu không biết gì chiến tranh cả. Khi sang Mỹ cháu sẽ làm bất cứ nghề gì. Cháu không có đạo. Chẳng biết là gì. Cháu là người Mỹ. Ở đây người ta bảo cháu là người Mỹ, vì thế cháu biết cháu là người Mỹ.
VÕ THỊ QUAN YÊN “Cháu biết cháu là người Mỹ”
Cháu mười lăm tuổi. Lúc đầu cháu tưởng mình là người Việt, nhưng rồi cha cháu liên lạc được, nên bây giờ cháu mới biết cháu là người Mỹ. Trước cháu không biết tên cha, bây giờ mới biết. Cháu học đến lớp Bảy rồi nghỉ để bán chuối ngoài đường. Hiện nay cháu ở với chú thím. Chú thím cháu nuôi cháu. Mẹ cháu cũng có liên lạc. Nhưng cháu không thấy gắn bó gì vì mẹ cháu đã bỏ cháu từ năm lên sáu.
Cha cháu muốn cháu sang Mỹ, nên bây giờ cháu muốn sang bên ấy. Cháu muốn được đi học lại. Ở đây khó sống quá. Cháu mong có ngày trở thành bác sĩ như cha cháu. Cha cháu trước là Bác sĩ ở bệnh viện Grall, bệnh viện Pháp ở đây. Cha cháu đi từ hồi 1973. Cháu không biết gì về chuyện chiến tranh. Nhưng có xem chiếu bóng, cháu nghĩ chính phủ Mỹ đối xử không đúng đắn vói người Việt. Họ đã làm nhiều chuyện khủng khiếp cho người Việt Nam.
Cháu sống thời nhỏ bình thường cho đến năm lên sáu. Nhưng bây giờ ở với chú thím, chú thím nghèo nên cháu phải làm việc. Cháu là người Phật giáo vì chú thím đều theo đạo Phật. Nhưng cha cháu là người đạo Chúa, khi sang Mỹ cháu sẽ theo đạo Chúa. Từ lâu lắm cháu chẳng có thể tưởng tượng mặt mũi cha cháu thế nào, đến khi nhận được ảnh thì bây giờ mới biết cháu giống cha.
Ngày nào cháu cũng phải làm việc. Cháu thích đánh banh và đi bơi, nhưng không được vì cháu phải đi làm. Bây giờ cháu rất mong đến ngày gặp cha, cháu hy vọng cuộc sống cháu sẽ khá hơn.
Cháu muốn đi mà rồi cũng buồn vì phải xa chú thím với đứa em cùng mẹ khác cha. Còn mẹ cháu thì chẳng cần, không ăn thua gì đến cháu. Khi sang Mỹ, cháu sẽ đưa chú thím và đứa em gái cùng mẹ khác cha của cháu sang.
NGUYỄN NGỌC LINH “Cuộc sống sẽ khá hơn”
Cha mẹ cháu bỏ cháu từ nhỏ. Năm 1972 họ có quay lại tìm, nhưng lúc ấy cháu không muốn đi. Cha cháu tên John Small.
Cha mẹ cháu liên lạc được với cháu rồi là mất Saigon, họ lại liên lạc được lần nữa. Cháu đi học đến lớp Sáu thì nghỉ, không thích đi học nữa. Bây giờ cháu không làm gì. Chỉ ở nhà. Cha mẹ cháu ở Mỹ có gởi tiền sang cho. Cháu không nói được tiếng Mỹ. Khi sang Mỹ cháu sẽ học. Cũng chẳng biết khi đến Mỹ cháu muốn làm gì. Cháu nghĩ có lẽ cháu muốn trở thành cầu thủ bóng đá.
Cháu không biết gì về chiến tranh cả.
Cháu muốn đi Mỹ vì cha mẹ và các anh chị em đều ở bên ấy, có lẽ đi thì sống khá hơn.