Tôi chắc rằng cả thế gian từ Âu sang Á ai cũng sợ ma. Tôi cũng vậy, nhưng đó là trước kia, thuở còn bé. Sau nầy vì thương khó, làm ăn lụn bại, của cải, cả nhà cửa đội nón ra đi. Nợ vây bủa bốn hướng, nửa đêm tôi phải gồng gánh cùng vợ dẫn bầy con trốn nợ. Đến xứ khác làm lại đời, tha nhân thương tình cho bầu đoàn tôi thuê một căn giá rẻ kề bên nghĩa địa.
Buồn cho thân phận, tối nào tôi cũng giăng võng vào hai cây Bạch Đàn nghe vi vu gió thổi, kề bên là chai ba xị với tí mồi, mắt chong ra mồ mã mong gặp một anh chị ma để phiếm luận cho vui. Có đêm say quá tôi ngủ luôn trên võng, suốt một thời gian dài, tôi chả mơ thấy một giai nhân, hoặc một anh áo trắng tay cầm lưỡi hái nào gọi là ma hay thần chết cả, mới hay rằng ông Bồ Tùng Linh thật đáng mặt tài danh, bộ truyện Liêu Trai Chí Dị của ông thừa sức để cả thế giới tin rằng có ma và ông ấy từng gặp ma.
Có người bạn nói tại vía tôi nặng nên ma không cho thấy, lại thêm rằng có ngon tôi cứ ra giữa nghĩa địa kê đầu lên một cái mã nào đó sẽ biết ma có chân hay không chân. Gì chứ ra giữa nghĩa địa ngủ có mà điên, đúng ra là tôi cũng hơi ơn ớn. Sau nầy khi con gái út của tôi chẳng may về đất mẹ, thêm thằng con lớn bị ma túy, thêm đứa con dâu bỏ cháu cho tôi để đi theo tình mới. Buồn quá, tôi ra nghĩa địa thắp sáng cho con ấm mả lúc mới chôn. Đầu hôm lũ trẻ bạn con tôi đông đảo lắm, chúng rượu trà đàn ca ( Miền Đông, có đám ma là có đàn địch hát xướng) đến nửa đêm chúng về ráo. Còn lại tôi, buồn ơi buồn, tôi kê đầu lên một ngôi mộ, mệt mỏi sau ba ngày thức trắng tôi ngủ một giấc, tỉnh dậy là do ánh sáng mặt trời rọc vô mặt. Nghe tôi ngủ cả đêm ngoài nghĩa địa ai cũng kinh tâm. Về sau tôi ra thăm con bất kể đêm ngày, Tôi còn biết được ở nghĩa địa những đêm có trăng đáng sợ hơn không trăng. Vì sao? Ánh trăng mờ ảo rọi ánh sáng xuống những ngôi mộ xây, hắt cái bóng đen mờ của những tấm bia làm ta liên tưởng đến có ai đó đang ngồi bên mộ mình. Đêm đen thì tối mịt, thành không thấy cái mờ ảo đó. Chỉ vậy thôi. Ma ở đâu? Hay là tôi nặng vía? Chưa hề thấy ma vì thế tôi không sợ.
Tôi lại chắc rằng mười tay dân ngu tầm tôi sợ nhất cái anh công quyền. Đi chuyển hộ khẩu, chứng cái giấy, làm khai sanh cho con vân vân. Nghèo muốn cho mau chóng, nhưng vấp cái dân cần quan bận, phải biết điều, li cà phê gói thuốc được qui thành tiền bỏ vô cái phong bao, len lén nhét vô túi anh. Chẳng may anh đóng phim thanh liêm, móc ra đập lên bàn là mình mang tội đưa hối lộ. Mà không có tiểu tiết ấy thì anh hẹn. Làm sao? Phải có cái anh cò, ta đưa cái bì kèm cò điếu thuốc, thế mới qua. Sợ thật đấy, nhưng lại không sợ vì anh chịu ăn thì chuyện chi cũng qua. Có lần làm thuê tháng, thằng tôi trông coi và điều hành công việc cho một tay chủ rẩy giàu có. Vợ chồng hắn ăn rồi tụ tập nhập sòng. Một hôm nghe ồn tôi vào và chứng kiến cả hai bị Công An Thành Phố còng với sự có mặt của Công An xã. Hỏi, Anh Công An sở tại nói không biết phạm tội gì mà cặp nầy bị truy nã. Không biết? Dân trong tầm kiểm soát của anh mà không biết về nhân thân họ là sao?
Ma và công quyền không sợ. Vậy anh sợ chi? Tôi sợ gì?
Không biết thiên hạ sao, riêng tôi đó đây mười hướng đất trời, làm dăm bảy nghiệp kiếm cơm, biết hết mười hai bến sĩ nông công thương ngư tiều canh mục yên ba tửu chước, cả cái bến tắm ngựa cũng rành. Sợ nhất cái anh, cái chị… xạo.
Xạo tức nói dóc, nói láo. Nó hoàn toàn khác với nói khoác. Những tay một tấc đến trời như Bác Ba Phi. Thủ Thiệm. Mười Giáo… với những câu chuyện tin không nổi của họ làm người nghe, người đọc sảng khoái cười. Chuyện của họ đại loại như: “ – … Tao điên lên xáng cho con vợ bạt tai, nó đâm đầu bỏ chạy, tao cũng phê chai ba xị lăn ra ngủ, tới sáng không thấy ẻm đâu, chạy qua bà già vợ cũng không thấy, ra chợ tìm suốt buổi cũng không, tao tưởng ẻm bỏ tao rồi. Buồn tình tao về nhà xách dao ra sau vườn cắt cải nấu canh, vừa thò dao vô thấy con vợ đang khoanh dưới lá cải ngủ ngon lành… Mày chưa thấy đám cải nhà tao đâu, lá nào lá nấy to bằng cả mái nhà…. Hoặc: “- Quê tao có một cái cây nó cao đến độ có một tổ chim bị gió thổi bay, trứng rơi xuống mới tới nửa cây đã nở thành con, rơi tiếp xuống hai phần ba cây đã đủ lông cánh để… bay tiếp.
Nói khoác cho đời vui kể cũng đáng biểu dương.
Nhưng nói dóc thì ngược lại. Thật đáng sợ cho quý ông quý bà dóc tổ. Họ sẵn sàng phịa ra những chuyện không thể tin được, và nói bằng một cái giọng cực nghiêm chỉnh, buộc nguời nghe phải tin rằng họ đang nói thật.
Tôi là nạn nhân của rất nhiều nguời như vậy. Là do cái tánh hay cả nể của tôi, lại luôn lắng nghe những gì tha nhân nói và gật gật cứ như anh nói tôi tin lắm, nói nữa đi… Thành Dù – Bạn tôi – Thuở chiến chinh với tầm cao mét bảy, Thành đi lính Nhảy Dù, sau ba tháng quân trường bị đẩy đi giải tỏa Cổ Thành Quảng Trị, bị một phát vô bụng, thoát cái chết về phố cứ ba tháng lảnh kì lương thương phế binh. Thành ba hoa rằng:
Bây biết không? Ba tháng tao nhảy năm chục sô dù .
Nghe là không lọt tai. Chín mươi ngày nhảy năm chục sô. Ngày rưởi một sô. Thời gian đâu mà ôm súng tập bóp cò? Nghe mà thẹn giúp cho Thành. Tôi cả nể không nói, nhưng có thằng vặc lại:
– Mày đi lính năm bảy mốt, lúc đó làm đếch gì có huấn luyện nhảy, mà nếu có mày nhảy sao mà ra năm mươi sô nói tao nghe coi.
Mày biết khỉ mẹ gì, tao nhảy mướn cho mấy thằng chết nhát.
Đúng là trời ơi đất hỡi. Lính tráng mà có thuê mướn, xạo tầm đó là không ai bì. Chưa hết. Sau thống nhất bọn tôi đi đục đá tấm ở mấy sân bay dã chiến của quân đội Mĩ. Những sân bay nầy được đổ bằng bê tông có cốt thép, dày những hai mươi phân. Một toán đi đục ít nhất là bốn người, sức khỏe và cơ bắp tầm Lí Đức, Phan Văn Mách ngày nay mới dám đụng vô. Búa tạ chín cân anh, cán bằng cây Lão Mai dẽo như vũ nữ Chăm múa Ápsara, Con chạm bằng thép, lộng vô hai thanh tre gai già. Kẻ rê chạm, người vung búa, đánh suốt ngày dưới cái nắng bén như thủy tinh. Thằng nào dai lắm vung hai mươi búa là thay tua, cở tôi chín búa là hết đát. Lại cũng Thành Dù:
– Hồi còn ở quân trường tao có thằng bạn, búa mười lăm cân anh nó đánh từ sáng đến trưa không nghỉ mà chỉ đánh có một tay.
Đang nắng, nghe xạo. Cảnh Thời Tân quặc lại:
– Mày xạo vừa thôi, làm đếch gì có búa mười lăm cân anh, mày có hiểu vì sao người ta gọi búa ba kí, năm kí, chín kí không? Là cái lực mày đánh ra đó ông nội. Ở quân trường đánh búa tạ tế bà tụi bây hả?
Mày biết khỉ mẹ gì, bọn tao đi đóng nọc sắt làm hàng rào quân trường.
Đợi tới mày đi lính người ta mới làm hàng rào phòng đào ngũ chắc?
Mày biết khỉ mẹ gì?
Câu nầy Thành Dù luôn nói khi ai đó cự lại.
Vào Miền Đông, dân rẩy sở tại thuê đào ao nuôi cá, Vai u thịt bắp chúng tôi ra sức thi công. Những Leng, Xẻng thi nhau xắn, đào quăng đất lên bờ. Thoạt tiên gần và cạn đất bay ra còn xa, lúc xuống sâu cứ đặt lên bờ rồi lại quăng tiếp. Thành – lại Thành – :
– Hồi tao về Tiền Giang đào đìa, quen thằng bạn nó dùng leng ống quăng một phát xa chín thước.
Một người trong toán nói:
– Chín thước thì tôi quăng cũng tới, vì đìa Miền Tây là sình, trơn như thoa mỡ vậy. Tôi chứ vợ tôi quăng cũng chẳng chi khó.
Đó là tao chưa nói hết.
Nói hết đi.
Hầm sâu bốn mét, nó quăng xa thêm…
Đến đây thì cả bọn phá ra cười. Cả nể như tôi cũng không nhịn được.
Quả thật đáng sợ cho Thành.
Nhưng cở Thành cũng chưa mùi mẻ gì so với Thu Hương bà chủ nợ của tôi.
Hương xấu ình, mắt con nhỏ con to, đã hăng rô còn sún hai cái cửa. Tôi đã cả nể lại còn là con nợ của Hương. Thực ra cô chẳng giầu có chi, chỉ tại cái tôi quá ư nghèo. Thời gian khó tôi những bốn đứa con nheo nhóc. Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi của Ông Trần Tế Xương mùi mẻ gì, tôi toác cả máu ra mà vẫn đói. Hương khác, nhờ xấu nên không ma nào dám vô gá nghĩa, vậy nên cô có của để dành. Ai túng ngặt cô cũng rộng lòng làm phước, lãi rẻ rề mười phần trăm một tháng. Đành vậy, lúc túng ngặt cở nào cũng phải năn nỉ mong chị mở cái ruột tượng cho con ve sầu em có cái mà ve ve.
Hương cảm mến tôi lắm, vì tôi luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu lời cô nói. Chao ôi, thật cực hình, thật sợ khi phải ngồi nghe tràng giang đại hải những khoe khoang, những hiểu biết, những mắt không hề thấy, tai chưa hề nghe, thậm chí não còn không luận ra được, vậy mà cô nói ngon nói lành cứ như đang là người trong cuộc… Tôi phải gật, phải biểu đồng tình, phải biết tròn xoe mắt ở những cái gọi là cao trào. Hương thú vị thật sự khi tôi là kẻ để cô trút bầu … xạo. Không vậy, e chừng hầu bao cô không mở để thằng tôi qua bẩn chật.
Hồi đó ở Miền Đông có rất nhiều đoàn Sơn Đông bán thuốc dạo. Một chiếc xe con cóc, dừng lại một chợ miền Kinh Tế Dân Lập nào đó. Họ bày ra những Cao Đơn Hoàn Tán, đủ mọi gia truyền trị bá chứng, dân tình xem đông lắm vì có biểu diễn xiếc, thi triễn công phu, có cả hai tay võ sĩ so găng với nhau để thu hút hiếu kì. Nhưng chủ xị của đoàn luôn là những võ sư tên tuổi. Đến đâu họ luôn tìm đến nhà những người yêu thích võ để làm quen. Ra biểu diễn họ luôn nói rằng : “- Chúng tôi tài hèn sức mọn, đến địa phương nầy để phục vụ bà con, biễu diễn ba cái vụn vặt để bà con xem chơi, không dám múa rìu qua mặt thợ, mong các bậc cao minh chỉ giáo, và nếu có chi thất thố mong bà con niệm tình bỏ quá cho”. Mấy giang hồ nầy là bạn rượu của tôi. Những Dương Hải Thanh. Đặng Hồng Minh, Trần Kim Quang…Ai nấy đều dễ thương và cực khiêm tốn.
Một hôm Hương đến nhà tôi, mặt lộ nghiêm trọng, cô kể rằng:
Anh nghe tin ông Trần Kim Quang bị đánh chết chưa?
Tôi lỏ con mắt ếch. Hương tiếp:
Ông bị nhỏ Lý Phi Yến người tàu Chợ Lớn ở Định Quán đánh chết ngay tại chợ.
?
– Anh biết sao không? Ổng dám thách dân Định Quán ai có tài cứ ra dợt với ổng, nghe vậy nhỏ Yến nổi tự ái cho ổng một trận, bị trúng một đòn đá ổng chết ngay tức khắc.
Rồi có sao không cô?
Công An có đến nhưng mà đâu bắt nhỏ Yến được vì ông Quang thách đấu…
Nghe qua tôi cũng không hiểu sao mà cô ta có thể dựng được chuyện vô lí vậy. Đâu chừng nửa tháng sau Trần Kim Quang về xứ tôi kính thưa bà con cô bác tiếp. Và cũng lại Hương:
– Bữa nay ông Trần Kim Quang về chợ mình bán thuốc, vậy mà không biết ai đồn ổng bị bị đánh chết ở Định Quán.
Thiên hạ đồn bậy thôi cô ơi, chấp làm gì.
Sao mà họ xạo được nghĩ cũng hay.
Lẹo tẹo sao đó bụng Hương lớn phổng lên. Ông bà nói đúng thiên hạ cười ba tháng chứ chẳng ai cười nổi ba năm. Hương chả sợ ai, cô cần có đứa con để khi về già có người hủ hỉ. Cũng đáng sợ thay cho thằng ôn dịch nào ôm được Hương mà ngủ với cô. Tôi nói với vợ:
Chắc thằng đó say khướt nên ai cũng hóa Hằng Nga.
Vợ tôi bảo:
– Cả người điên mà còn phải đẻ, huống gì con Hương có tiền. Nó xấu nhưng kết cấu của nó đẹp. Ông đừng có mà….
Mỗi lần vợ “sai” tôi qua Hương mượn chút ít tôi sợ lắm lắm. Hãy nghe:
– Anh biết không, con gái em lúc mới sanh ra, có một sợi giây từ rốn quấn lên cổ của nó, sợi dây đó hiếm hoi lắm, ai được nó quấn sau nầy là ông nầy bà nọ, giàu nứt đố đổ vách đó anh.
Nghe tiếp:
Ba của con em đang ở Mỹ, ảnh nói sẽ gửi tiền cho con bé ăn học.
Vậy à?
Ảnh mới gửi về cho em một ngàn đô la Mỹ. Ảnh thương em lắm.
Cô Hương thật may mắn…- Tôi nịnh.
Đùng một cái Hương đau bụng. Tôi đích thân đưa cô lên bệnh viện, con gái cô vợ tôi chăm. Hương phải mổ. Phải chuyển viện. Nói chung là cần nhiều nhiều tiền. Lúc đó mới biết cô không đủ chi phí cho phẩu thuật. Nhìn cô ảm đạm quá tôi phải tập trung mấy tay đang là con nợ của cô (cả tôi luôn) hồi tiền lại để cô qua cửa tử mà nuôi con. Vẫn không đủ. Tôi diện nghèo, bà xã tôi được xã hổ trợ cho cái bảo hiểm y tế. Tôi phải khai gian với y tế cô là vợ, để cô được hưỏng đặc ân. Biết là gian dối, nhưng thây kệ.
May quá, mọi chuyện qua. Nhờ có bảo hiểm, thẳng tay chắc Hương phải bán cả nhà. Thoát tay thần chết, Hương nói với đầu trên xóm dưới rằng:
– Bảo hiểm chỉ tính có hai mươi phần trăm mà em tốn hết năm mươi triệu. May mà có mấy đồng đô ba con gái em gửi về , nếu không em chết chắc.
Thật là tình. Đồng ý có cái giá năm chục triệu, nhưng cô chỉ tốn có hai mươi phần trăm trong số đó. Cô nổ với thiên hạ chả nói làm chi, lại xạo với chính vợ tôi.
Vậy thì có sợ không người hỡi?
Cũng có người ương bướng, không vì tiền mà ba phải như tôi. Họ độp thẳng vào mặt Hương, thậm chí còn nói bà quăng lựu đạn vừa vừa, nổ banh xác thiên hạ hết. gặp những người đó Hương tắt đài, chỉ có tôi là cô tha hồ trút.
Tôi nghĩ suy và ngộ ra những người ấy vốn dốt nát, bất tài nhưng luôn muốn thể hỉện mình. Khoe khang để người khác ngưỡng mộ. Có sợ, nhưng tôi tội nghiệp họ hơn. Những loại ấy cũng dễ trị, ta có thể đánh trống lãng nếu nhu nhược không dám thẳng vào mặt họ.
Loại có học, có tiền mới kinh hồn. Tôi đi xây dựng cho một tay thầu, anh có Card-visit là Kĩ Sư, thầu những công trình tầm cỡ, dưới trướng trên trăm công nhân. Trừ xây dựng anh còn là một nhà thơ. Anh ta gom đâu chừng năm chục bài in thành tập cả nghìn bản trên giấy tốt để tặng anh em. Bọn vôi vữa chúng tôi đứa nào cũng có. Thứ bẩy anh tụ cái hội của anh lại để ngâm ngợi những thơ ca hò vè, và ăn nhậu. Không hiểu sao tôi ngu độn đâu biết gì thơ thẩn vẫn được anh mời, có lẽ tại cái ba phải chi cũng khen, chi cũng gật gù, nên anh mến tôi chăng?
Hội thơ của anh Kĩ Sư kiêm Thầu Khoán đủ nam nữ. Men bia vào, ai cũng ngâm ngợi, ca hát, và khen nhau. Tôi đọc thơ, nghe bạn bè tụng anh là thi sĩ, tôi cũng phong anh lên hàng ấy. Kệ đi, ai thích chi tôi cho nấy, không mích lòng là được rồi. Nhưng thơ anh chỉ xà quần trong hội, và cái hội không quá chục nhân mạng. Lí do? Anh bảo:
Anh biết không, tôi có gửi cho mấy tờ báo lớn, nhưng họ không in.
Sao vậy anh?
Thầu Khoán trầm ngâm:
– Nói chung, họ không nhìn thấy ý ẩn trong thơ tôi. Thứ nữa, muốn in trên báo ta phải quen biết, bằng không anh gửi đến họ vứt vô sọt rác hết, vì thế nên tôi bỏ tiền ra tự in ấn để lưu giữ cho con cháu về sau.
Sợ mình ngu không hiểu được ý ẩn như anh nói, tôi về lôi tập thơ nghiền ngẫm lại. Quả tôi ngu thật, không lôi ra được ẩn ý, liền lôi ra ru cháu nội mong ngộ ra khi đọc lớn. Đến câu tuyết rơi trên cánh đồng. Vợ tôi hỏi:
Thơ của ai vậy?
Của anh Trúc Tuệ.
– Ở đây hai mùa mưa nắng, mùa mưa còn nóng hơn mùa hạn, đồng khô cỏ cháy, tuyết đâu mà rơi, toàn bậy bạ không à, ông ru thằng nhỏ vậy ba bữa lớn lên nó cũng xạo cho ông coi.
Vợ tôi giật tập thơ trong tay tôi lướt qua vài bài rồi vụt vô xó nhà:
Vầy mà ông đọc được, kể cũng rảnh dữ à.
Rồi cô nhặt lên lại:
– Sách đẹp vầy, bỏ ra chắc nhiều tiền lắm đây. Tôi cũng không hiểu tại sao người ta lại cấp phép cho cái loại thẩn thơ như vầy, và cái ông nhà xuất bản cũng vì tiền quá lắm. Tiền in tập thơ nầy để cho mấy đứa ăn mày như tôi và ông còn có ý nghĩa hơn.
Thật đáng sợ.
Nhưng sợ nhất, chưa phải là là xạo, là dóc tổ. Sợ nhất là lới hứa.
Hứa mà lèo, nó hơn cả ma quỷ, là chúa xạo. Thực vậy.
Trước mùa bầu cử, các Ứng Viên long trọng rằng:
– Tôi đã từng…Tôi đã là… tôi đã… đã… đã và đã, nếu được bầu vào… tôi sẽ…sẽ… và sẽ..
Sau đó thì mèo vẫn cứ là là mèo.
NGUYỄN TRÍ
Nghe D. bày đây , cứ nhắm mắt lại là không sợ gì cả !!! bạn Nguyễn Trí .
Ma không sợ sợ bóng!Bóng ảo mờ tưởng vọng..Sợ lạnh cả xương sống!Ma thật rất muốn trông?Dóc xạo vô hình chung!?Bởi cả tin nhẹ lòng!..Bệnh dây chuyền tác động..Nói trong phút cao hứng!Xạo dóc chuyện quan trọng!!Mới tội hành nặng lòng?Còn vui chơi lông bông..Thật lòng trong phút nông….cạn nghĩ.!.
Đọa anh Trí, NV cũng thấy…SỢ anh luôn! He he…Thân ái.
Mẹ ui! Đọc chứ hổng phải…Đọa!!!