Thi sĩ TRẦN THOẠI NGUYÊN: Đời Thơ – Phận Người

Trời lạnh, tôi đứng bên nầy sông Santa Ana, sau cơn mưa nước sông cũng chỉ như dòng suối, nhưng bên cạnh là mặt hồ rộng của công viên Centennial. Tôi tưởng tượng điếu thuốc Pall Mall trên môi và nhìn làn khói trắng tan vào trong gió, thói quen để chống trả cảnh hiu hắt và giá lạnh giữa biển khơi thuở nào. Hình ảnh đã xa lắm, nhưng hôm nay đứng đây, bất chợt tôi liên tưởng đến anh bạn Trần Thoại Nguyên (TTN), trên tay lúc nào cũng kẹp điếu thuốc. Và
mơ hồ, nhân vật Tất Đạt trong “Câu chuyện Dòng Sông” của Hermann Hesse. Hai nhân vật không liên quan gì với nhau, nhưng cùng lúc cả hai hiện hữu trong trí nhớ của tôi.

Trần Thoại Nguyên – người bạn kết nối từ những dòng thơ trên FaceBook – Tất Đạt và TTN mỗi người một tính cách. Tất Đạt, sau khi từ bỏ lý thuyết và những điều thầy (Cồ Đàm) dạy, đi tìm cho mình lý thuyết tốt đẹp hơn với một ý chí thép – đạt tới đích hoặc chết –

Còn TTN một mình, một cõi, không phe nhóm, không hội đoàn, chàng thong dong sống với thơ trong mơ hồ về Phật tánh, về triết lý siêu hình, bằng cảm giác và trải nghiệm của một thi sĩ.

“Tôi đi giữa lòng cuộc đời
Không hội đoàn băng nhóm.
Cánh cửa hồn thơ tôi
Mở ra những chân trời huyền diệu mộng!”
Trích – HUYỀN NGÔN THƠ.

Khi Tất Đạt theo hồng nhan Kiều Loan và đại gia Vạn Mỹ, sống trong trụy lạc, tham lam. Đời sống trở nên trống rỗng, nhàm chán. Lạc thú và của cải không thay thế được nhu cầu tri thức, Tất Đạt tìm đến bên dòng sông, làm người đưa đò với Vệ Sĩ – Người thực sự giúp cho Tất Đạt chứng nghiệm và giác ngộ.

Trần Thoại Nguyên, sau bão tố lịch sử, những xáo động của xã hội bắn tung chàng lãng tử rơi từ thiên đường xuống địa ngục, từ cõi nhân gian vào chốn lọc lừa. Càng lăn lóc, thơ TTN càng quấn quít với chân tình và phảng phất khói hương thiền tông Phật đạo. Trên đường thơ, có khi TTN lạc vào mê hồn của Hàn Mặt Tử theo trăng.

“Tình yêu phụng hiến trăng là nguyệt
Khép mở muôn trùng … cánh sao băng!”

Rải rác, trong thơ TTN ta gặp trăng:

“Trên đỉnh thu sầu màu trăng vỡ
Đường nhân gian lạnh buốt đêm dài!
Người yêu hỡi ! Trăng vàng suối ngọc
Cát mịn màng … sóng vỗ biển dâu.”
(Cõi Tàn Phai)

Và :
“Triệu con trăng khóc tang mùa
Tôi nằm tuyệt huyết bên chùa động chuông.”
(Bướm lạ)

“Tàn khuya núi đá vô ngôn
Bướm tiền duyên về đậu
Ôm mảnh cô hồn
Tôi gối đầu trăng sao say sáng tạo.”
(Thi sĩ)

Trăng với TTN như một nhân duyên kết tụ, ngoài những trăng rải rác trong các câu thơ, ta bắt gặp “ĐÊM TRĂNG LEO LÊN MÁI CHÙA” , “ĐÊM TRĂNG PHƯỚC TÍCH”(*), và “ĐÊM TRĂNG NGỦ TRÊN ĐỒI CÙ ĐÀ LẠT”(**).

ĐÊM TRĂNG LEO LÊN MÁI CHÙA

Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non.
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn.

Ồ. Hồn tràn mộng trắng
Tôi ôm trăng không màu
Tôi ngút xuống biển dạng
Tôi dại khờ mắt nâu.

Ngắt một bông trắng lau
Hương thắm giọt máu đào.
Đêm bừng lên nguyệt thẹn
Tôi nằm dài xanh xao.

Chim về ngủ ôm trăng,
Ngô đồng rơi chánh điện.
Tôi ngồi giữa Phật đàng
Làm thơ như thánh hiện.

Máu ràn rụa tây hiên,
Ồ. Máu băng ngực điên!

Tôi tĩnh mịch trang thơ
Hồn bay theo nhang khói.
Chim chết giữa điện thờ
Tôi rớt xuống điện thờ.

Chùa BẢO LỘC, Thu 1970.

Đêm trăng leo lên mái chùa là định mệnh, là cột mốc giữa đời sinh viên lang bạt, bằng một sự kiện hi hữu, TTN trở thành thi sĩ.
Sau khi bị té từ mái chùa xuống đất, đầu rướm máu, TTN xuất hồn viết bài thơ trên giấy của bao thuốc Bastos xanh, bài thơ qua tay người ban đến với Thiền sư Tuệ Sĩ, được chọn đăng trên Tập san TƯ TƯỞNG của Viện Đại Học Vạn Hạnh – Cơ quan ngôn luận, dẫn đạo về tư tưởng, Triết lý, Giáo dục và Văn hóa rất uy tín của Phật Giáo Việt Nam.

Hai mươi tuổi, chàng sinh viên Trần Thoại Nguyên có thơ đăng trên tạp chí TƯ TƯỞNG là một vinh dự lớn. Chỗ đứng của một bài thơ tự khắc xác định đảng cấp của một tác giả. Nhưng với người phê bình, không thể vì “Bứt dây động rừng” mà né tránh những nhận thức của mình với “Đêm trăng leo lên mái chùa”.

Đọc bài thơ, như tác giả thổ lộ với Lý Thừa Nghiệp thì leo lên mái chùa là ” định chơi ngông muốn thưởng trăng nơi cõi thượng giới ” thưởng trăng cõi thượng giới là cách nói từ vô thức. Thượng giới thuộc về trời cao, vô biên. Khoảng cách độ cao từ mái chùa đến mặt đất, đối với vô biên chỉ là con số không, nghĩa là thưởng trăng dưới đất và trên mái chùa như nhau. Do ý nghĩ sai lầm đó, TTN đem vào trong thơ những từ ngữ triết học và thiền tông, bài thơ trở nên khó hiểu, nó chỉ phù hợp với một số đọc giả tin vào giá trị và uy danh tạp chí Tư Tưởng của Đại học Vạn Hạnh. Bài thơ được đăng ở Tư Tưởng số 16, trang 27, năm 1970. Tên tuổi Trần Thoại Nguyên đứng chung với những tác giả lừng danh như Thích Minh Châu, Thích Nguyên Tánh, Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát, Kim Định, Trúc Thiên, Lê Tôn Nghiêm, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư ….. tự khắc, chỗ đứng của bài thơ mặc nhiên khẳng định TTN là một Thi Sĩ. Chàng Thi Sĩ hai mươi tuổi từ đó sa đà vào dòng thơ mang tính cách bác học, ý niệm Thiền và hơi hướng Phật giáo chi phối lổn ngổn trong nhiều bài thơ của TTN, nó hướng tâm hồn của thi nhân vào chỗ đứng cao ngất ngưỡng, cần có một số vốn liếng triết học và căn bản Phật học môn phái Thiền tông, mới hoà nhập vào hồn thơ và ý nghĩa của “Đêm trăng leo lên mái chùa”.

Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non.
Nghe lòng mình cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn.

Nguyệt lộ là trăng sáng, sương rơi, là cảnh đẹp thiên nhiên. Vô ngôn trong Thiền tông diễn tả trạng thái tự chứng pháp, tức là thâm mật, là bản trụ của pháp tính. Một khổ thơ rất đẹp, trong vườn sương long lanh ánh trăng, chàng thanh niên ngồi hôn màu trăng non, lòng vui sướng tự chứng cho mình một pháp tính, các khổ thơ tiếp theo diễn đạt thêm. Một bài thơ mang tính thiền, ở đây tôi đang trình bày về Đời thơ, Phận người và Thi sĩ Trần Thoại Nguyên, chỉ lướt qua một ít thơ đặc trưng theo chủ đề, để có thể định hình tính chất Trần Thoại Nguyên trong thơ.

Chúng ta thử tách ra một vài khổ thơ rồi dấu tên tác giả TTN, như:

Cây lá xanh biêng biếc thời gian
Chuồn chuồn châu chấu mãi bay sang
Cầu vồng sinh tử thiên thu soi bóng
Lối bay về thiên sứ ca vang.
(Huyền ngôn thơ)

Đọc khổ thơ trên, Có thể nhiều bạn đọc nghĩ là thơ của Bùi Giáng.
Hay, một chút gì váng vất Tuệ Sĩ, dưới đây:

Từ đỉnh núi cao đến biển sâu thăm thẳm
Hạt cát vàng lấp lánh khắp cõi uyên linh.
Hôn giọt nắng ta nghe lòng mình xanh thắm
Người yêu ơi ! Màu năm tháng mãi xanh tình.
(Mỗi sáng mai mở cửa ta chào ngày mới)

Với bài “Bướm lạ” tặng Pham Thiên Thư, TTN viết những câu lục bát tài hoa. Không phải ai làm thơ lục bát cũng thành thơ , TTN đã viết những câu lục bát để tặng cho tác giả “Động hoa vàng” ở lứa tuổi hai mươi đậm chất thiền, lại ứng vào đời sống như một tiên tri.

Triệu con trăng khóc tang mùa
Tôi nằm tuyệt huyết bên chùa động chuông.
Có con bướm hiện dị thường
Gáy liên thiên mộng hoang đường nửa đêm.
Ngần ngần hồn vỡ thơ điên
Ồ! Con bướm lạ ấy tiên tri đời.

Trên đây là những trích dẩn khi tôi đọc lướt qua một vài bài thơ của TTN, mà đời thơ TTN quá đồ sộ, diễn tả đủ mọi tình huống. Cho nên trích dẫn có thể là tích cực, nhưng thường là theo chiều hướng tiêu cực. Còn tôi, tôi muốn người bạn tài hoa của tôi nhìn lại mình, làm sao để mọi người khi đọc lên là nhận ra thơ của Trần Thoại Nguyên, chứ không thể ai khác.

Thi sĩ Trần Thoại Nguyên sống đời lảng tử, mê thơ, sáng tác thơ từ thuở thiếu thời. Lớn lên giữa chiến tranh, thơ song hành cùng với những nẻo đường lang bạt kỳ hồ. Người lính ngoài trận địa tin vào hoả lực, tin vào sức mạnh vũ khí, thì người thơ sống bằng ý thức, được tâm hồn chuyển hoá thành thơ. Tâm hồn thi nhân là sợi tơ căng giữa cuộc đời, bao nhiêu biến chuyển của xã hội tác động làm rung sợi tơ. m thanh từ sợi tơ tác động tâm hồn, người thơ vịn vào khả năng của mình, cùng với tâm hồn, thơ ra đời từ đó.

Trong số bạn bè thân thiết, nhiều người biết thơ TTN, thuộc thơ của chàng. Trần Thoại Nguyên có thơ đăng rải rác trên các tạp chí danh tiếng từ những thập niên 70 của thế kỹ 20. Nay có nhiều trang mạng văn nghệ chọn đăng, nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Một đời người, đời thơ nhưng TTN đến nay chưa có tác phẩm nào xuất hiện. Tuy nhiên, trong một phản hồi trên FaceBook, TTN đã có lần thổ lộ:

Thân du tử ! Đi về đâu chẳng biết
Zulu DC ơi ! Bằng hữu đẹp thơ ơi !
Đời mộng ảo trần gian chân lếch thếch
Sông đã nguồn con sóng lạ trùng khơi !

Thơ tôi làm ra tặng đời sao kể xiết
Thuở mười hai nay suơng gió bạc đầu
Thơ là hơi thở thơm tho hồn bất tuyệt
Chưa in được thi phẩm nào ! Ai biết vì đâu !

Tôi đã từng gọp thơ trình bày rất đẹp
SẦU CA TÓC XANH thuở trung học mê gái lang thang
THIÊN SỨ CA bạn bè sinh viên chuyền tay đọc khen hết biết
TRƯỜNG CA MẸ TÔI cũng đều thất lạc trong ngọn lửa hung tàn !

Ôi năm tháng mộng tình bay theo mây trắng
Thơ một đời cùng tay trắng chào lúc ra đi
Còn vần điệu ghim trong lòng người đồng cảm
Thuộc lòng từ xưa cho lại như cánh nhạn lai thi !

Trần Thoại Nguyên đi nhiều, sống nhiều, quen biết nhiều những tài danh như Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ sĩ ….. Trịnh Công Sơn.

Tôi biết Trần Thoại Nguyên qua những bài thơ trên Facebook, những bài thơ thấp thoáng ánh đạo vàng, một chút về thiền, thiên nhiên, tình bạn, tình người ….. Thơ TTN không thâm nhập trực tiếp, nó đòi người đọc chiêm nghiệm, trăn trở với thơ, với những ngôn từ lạ lẫm, những câu thơ tân hình thức, hậu hiện đại. Loại thơ thích hợp cho những ai có nhu cầu khám phá mới lạ của ngôn ngữ mà thôi.

Gió thổi qua mùa hư không
Lá vặn gân lá máu đông
Hoa tàn kiệt
Mặt đất rung cơn hủy diệt
Cõi người xương máu áo cơm
Điêu khắc thành sầu đáy huyệt
Cõi người xương máu điêu linh
Héo hắt những linh hồn !
(Thi Sĩ)

Trần Thoại Nguyên là một thi sĩ dấn thân, không phải vào đời thường, chàng lăn xả vào thi ca, liều mạng và độc lập, nhưng chưa thể tạo cho mình bản lĩnh và làm nổi bật cá tính của một thi nhân.
Trần Thoại Nguyên, với tính cách nghệ sĩ, là gạch nối dàn trải sinh hoạt trực tiếp văn chương giữa hai chế độ, hai xã hội, hai nền văn hoá, từ khi chàng còn rất trẻ. Bằng trình tự dân tộc và cảm thức trong sức sống của miền nam, TTN tiếp thụ văn hoá mới và đồng thời duy trì, phát triển văn chương nhân bản, văn học khai phóng của nơi TTN sinh và lớn lên.

Đứng nhìn bóng phượng liên chiều
Chiều ơi ! Chiều dại ! Chiều xiêu ngã lòng.
Chiều vang, chiều trắng, chiều không
Ồ ! Tôi đứng hát giữa mông mênh chiều.
(CHIỀU KHÔNG)

Tính cách nghệ sĩ của TTN không bị dòng Bến Hải ngăn đôi, dù hình thức hay tư duy. TTN vẫn làm thơ, sống với thơ, lang thang trong thơ như mạch sống lăn đều, như những toa tàu, chỉ thay đổi hành khách lên xuống, TTN vẫn là TTN với cảm xúc tự chân tình, vẫn thân quen. Nếu có khác, thì chỉ khác ở mức độ hoàn cảnh mà thôi. Họa hoằn lắm, để ý chúng ta có thể thấy kinh nghiệm phiêu du một thời của bóng đêm và sự tỉnh lặng còn sót lại chút gì như khắc khoải, vô vọng đâu đó trong thơ.

Đập đổ tan mọi thần tượng
Cho cây đời trổ hoa ngát hương.
Cho tôi sống hồn nhiên ngất ngưỡng
Ca hát Tự Do trên những con đường.
(HUYỀN NGÔN THƠ)

Thơ Trần Thoại Nguyên có sức thuyết phục nhờ nôi dung phong phú, không gian trải rộng và chữ nghĩa được chắt lọc kỷ càng, nhưng đôi khi thơ đưa người đọc đến chỗ vô vọng, dửng dưng với cảm xúc, nhiều từ ngữ mang tính triết lý, hơi hướng thiền và câu thơ gần với tân hình thức, là một dạng thơ kén chọn người đọc.

Hạt cát vàng lấp lánh thế gian
Đóa hoa nghiêng chao trời đất mơ màng.
Vô biên xanh tay cầm khoảnh khắc
Chớp mắt sáng lừng vĩnh cửu mang mang!
(Huyền ngôn thơ)

Nhưng đó chỉ là những lúc xuất hồn, ngôn ngữ trong thơ là thứ ngôn ngữ của tỉnh với mê, khi tâm hồn thi nhân lạc vào trong những công án thiền, làm cho ý tưởng thoát ra ngoài cõi nhân gian, xa lạ, đòi hỏi sự cảm nhận đồng điệu, cùng một tần số mới hiểu được những gì trong thơ của thơ.

Nhìn một tác giả từ nhiều góc cạnh, trong mênh mông của văn chương, những gì lưu lại với tâm trí của người đọc rõ nét nhất, nó sẽ làm nên tên tuổi của tác giả.

Thơ TTN không có gì to tát lắm, những đề tài thường là biểu tỏ nội tâm mang tính triết lý, ảnh hưởng thiền định và tinh thần Phật giáo. Tình gia đình, bạn hữu, tình quê hương.
Thi sĩ Trần Thoại Nguyên, con người và thơ văn là sự kiện văn học nối từ nền Cộng Hoà qua Xã Hội Chủ Nghĩa. Thơ đến với TTN tình cờ, như cơn gió thoảng cho tâm hồn ta mát, cho tình ta gần lại và lòng ta đẹp hơn. Những ý niệm về Thiền, về Phật trong thơ TTN chỉ là nét chấm phá nguệch ngoạc của chú tiểu bắt đầu học kinh.

Điều chúng ta quí mến ở TTN là tấm lòng. Thơ anh khao khát tình thân, bè bạn, yêu đời nhưng bất cần danh vọng, quyền uy. TTN như là lữ khách rảo bước trên con đường thơ, bằng cảm xúc và chân tình, chàng đi tìm tri kỹ, tri âm. Thơ như cây lá ven đường, có khi sương che, gió thoảng, người lữ hành đơn độc, tựa hồ như đi vào vườn khuya trăng chiếu, vẻ huyền hoặc đó mơ hồ đưa thơ TTN vào cõi mông lung, thơ vươn ra khỏi cảnh bình thường.

Thơ là tiếng lòng do tâm hồn cô đọng lại, là ngôn ngữ được chắt lọc mang tính sử thi, thơ gần gủi thực sự khi chúng ta nghe trong tiếng mẹ đẻ ấy có tiếng của lòng mình. Điều nầy Trần Thoại Nguyên thể hiện chính xác và tài tình.

Sông Trà chết giấc nay bừng tỉnh
Bạn quê ơi ! Nâng chén,đừng than !
Giá phải đêm trăng dòng lấp lánh
Có bờ xe nước múc ánh vàng…

Cây lá xanh đôi bờ vẫn mộng
Vẫn ngân vang chén rượu chiều nay
Thưa em mây gió vô cùng sóng
Bạn hữu quê hương bát nước đầy!
Anh bạn dang tay như múa hát
Đọc thơ sang sảng quán chiều mưa
Đọc thơ sang sảng Cao Bá Quát
Nhớ “Trăng Sông Trà” một đêm xưa !
Sóng nước miên man nguồn ơi biển
Nâng chén khà khà thân củi trôi!
Cầm tay Trà Khúc lòng quyến luyến
Nửa thế kỷ buồn thân phận tôi !
(CHIỀU MƯA UỐNG RƯỢU SÔNG TRÀ)

Về hình thức thơ TTN đa dạng, ở lãnh vực tình cảm, nhiều bài thơ đã lưu lại trong trí nhớ của bạn bè, người đọc. Nhiều bài được các nhạc sĩ phổ thành nhạc, nhưng chưa có đĩnh cao để nhìn cho rõ tính cách của thơ Trần Thoại Nguyên.

Con người trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng nhiều bởi ngôn ngữ của thời đại, bởi tính cách xã hội uốn hình lịch sử, cho nên thơ TTN không thể vươn lên khỏi vận nước, dù rằng chàng vẫn ôm ấp giấc mơ làm cho thơ mình đạt đến cõi siêu thức. Có thể đó là nguyên do thơ TTN còn tạp chất và chưa định hình rõ nét.

Thơ của Trần Thoại Nguyên chưa có dấu hiệu mệt mỏi, bao nhiêu cảm xúc cho đầy
tâm hồn nghệ sĩ như TTN. Yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên sự vật, chàng mê trăng, mê cả sông hồ. Nhưng rất lạ, chàng yêu luôn gió, mà yêu một cách trang trọng. Với Trần Thoại Nguyên gió là một thực thể hữu hình, chàng đối đãi với gió như là người bạn tri âm. Có khi TTN một mình thức trắng đêm, sự thôi thúc của sáng tạo, của thơ và đối mặt với cô đơn, gió thành người bạn.

ĐÊM TRẮNG

Tàn khuya gió gọi ngoài hiên vắng
Tôi thức mình tôi. Gió cứ vào !
Cửa khép hờ, bàn trang giấy trắng
Gió cùng tôi vẽ mộng chiêm bao!

Trên bầu trời lấp lánh trăng sao
Dưới mặt đất hoa cỏ nhiệm màu
Tôi thở luồng hơi sương khói trắng
Chập chờn bóng ảnh gió lao xao!

Đêm tĩnh lặng dòng hương tinh khiết
Tôi thức mình tôi. Đêm trắng tinh.
Xương máu gọi thơ reo gió biếc
Hồn tôi đêm trắng một trang kinh!

Đêm tỉnh mịch, bầu trời lấp lánh trăng sao, mặt đất hoa cỏ nhiệm mầu. Trong căn phòng êm ái, tàn khuya là hết đêm, tác giả chưa ngủ, ngoài hiên thì thầm tiếng gió. Trong căn phòng TTN đặt sẵn trang giấy trắng, cửa khép hờ để gió vào cùng chàng vẽ mộng chiêm bao.

Trần Thoại Nguyên, thi sĩ chân tình với thơ, phong thái ngoài đời và hình ảnh trong thơ, TTN là anh chàng lảng tử, phiêu bạt giang hồ, hiền hoà, thân thiết với anh em, bè bạn, hiếu thảo trong gia đình và thanh thản ngoài xã hội.

Trần Thoại Nguyên, một thi sĩ có bề dày hơn 55 năm sáng tác, là một tên tuổi trong giới văn nghệ sĩ, với hoàn cảnh, với thời cuộc, TTN vẫn là một lử hành chưa chọn ra điểm đến, một sa di chưa có mái chùa, một thi sĩ chưa có tác phẩm, dù thơ chàng trải dài hơn nửa thế kỹ nay.

Zulu DC.

Advertisement

NHỚ NÚI

MÓN QÙA CUỐI NĂM

zulu

Ngày cuối năm mưa lất phất, gió nhẹ, cái lạnh vừa đủ cho ta thân thiết hơn với thời gian, cho ta đủ nhớ tuổi thơ, cho ta hồi tưởng về kỹ niệm. Nhưng tất cả bỗng ngưng bặt khi tôi cầm trên tay một phong thư, chỉ thoáng qua tôi biết ngay món qùa nầy của Thu Dung và trong đó có cái gì. Tôi quên một lời cám ơn với anh chàng UPS đưa thư.
.
“TIỂU KHÚC”
Tôi đã thấy hình tập thơ nầy của Thu Dung trên trang FaceBook, nhưng cầm nó trên tay tôi vẫn ngạc nhiên, không những màu sắc hài hoà, trình bày mỹ thuật, khổ sách lý tưởng và mẫu chữ đẹp, tất cả làm nên cái duyên của một món qùa.
Với tôi hình thức cũng tác động vào tâm lý người đọc, nó làm cho tâm hồn chúng ta cảm nhận bằng sự bình an và tin ở nội dung hơn. Vậy là tôi nhắm mắt, như khi bói Kiều, tôi mở trang sách và đọc ngay bài “Khúc Chiều Rơi”.
.
Kiểu như người mù sờ voi, với tập thơ non trăm trang, chỉ đọc một bài để viết về tập thơ thì tôi thành ra thầy bói văn học. Nhưng tôi tin khả năng mình, không biết nhiều về “Tiểu Khúc” nhưng chỉ vài ba câu thơ, tôi biết tác giả là người thơ, là thi sĩ, ….. hay chỉ là “Nhà Thơ” trong cánh rừng bạt ngàn mà con người cày nát ngổn ngang như hôm nay.
.
Đầu tiên, trong Khúc Chiều Rơi chúng ta không nhận ra không gian, thời gian ở trong thơ. Chất nghệ sĩ trong Tôn Nữ Thu Dung không có biên giới, chất ấy làm cho tâm hồn mở rộng, có ai định vị được tâm hồn, thì ra thi sĩ chính là ở đó.
Ai gọi tôi về chốn cũ
Tiếng sóng hoang vu thở dài
Một con dế buồn trong cỏ
Ngậm sương chờ đợi dấu hài

Đem hiện hữu vào thơ, đưa thơ vào tâm hồn, xoá sạch mọi lằn ranh, mọi định kiến, mọi xu thế ….. là nghề của những thi nhân, làm được như vậy mới là thi sĩ.
Ngồi xuống cùng tôi -thơ dại –
Trái tim bong bóng vỡ rồi
Bàn tay nào che khuất mặt
Nụ cười một thuở mưa bay

Một cuộc đời, một mối tình gom lại trong bốn câu thơ, nó mang tính cách và chữ nghĩa rất Tôn Nữ, lại như rất mới, trong khi tất cả đều quá cũ, âu đó là cái dáng thơ của Thu Dung – Vừa phóng đạt, vừa e ấp làm cho người đọc cảm nhận ra rằng, trong vô vàn tha thiết, lại thoáng một chút bất cần – Đó chính là Tôn Nữ Thu Dung.
Không như những tập thơ chúng ta thường bắt gặp ở những trang đầu là lời giới thiệu, lời bạt … của bạn bè hay những người thơ có chút tiếng tăm. Ở đây Thu Dung cho in một lá thư vô đề, kiểu như cho có lệ, kiểu như tình thân, nhưng thực sự nó không ích gì cho giá trị một tập thơ mà tác giả cần đến …bởi người viết dù là một thi sĩ nổi tiếng, nhưng ông chỉ viết như viết cho một cô em gái … rất vô tư lãng tử.
.
Dù đọc chỉ mấy câu, thơ của Thu Dung, tuy không mới, không cũ, nhưng thơ của Thu Dung có một chút gì Tôn Nữ còn sót lại, một chút gì như men đời thấm vào tâm hồn nghệ sĩ làm cho thơ đẹp hơn.
Tóm lại đây một tập thơ cân đối, hài hoà từ hình thức đến nội dung. Mẫu chữ đẹp, trình bày trên giấy bóng rất nghệ thuật, một tập thơ cho người yêu thơ và một tập thơ cho người cần trưng bày trong tủ sách.

ZULU

Màu Cổ Tích

zulu

Trong lớp học, mỗi lần nhìn Kate Stern tôi ngờ ngợ như quen biết, như đã gặp ở đâu. Tôi đến Mỹ hơn một năm, cô gái tóc nâu, mắt xanh, làn da trắng mịn, khuôn mặt rám nắng không phải là người Việt, nhưng sao nhìn Kate tôi cảm thấy thân thiện, gần gủi. Trong dáng đi và nụ cười của nàng, có gì cứ bắt tôi tìm kiếm, nhớ về.
Lớp học chỉ có hai mươi sinh viên, tôi ngồi hàng ghế đầu. Kate thường đi học trễ, cô đứng khom người, gật đầu chào rồi dọt lẹ xuống cuối lớp. Cách chào của Kate làm tôi nhớ lúc nhỏ, thầy giáo năm lớp nhì tập cho chúng tôi chào nhau như thế. Bây giờ, mỗi lần gặp Kate, tôi gật đầu đáp trả, nàng mỉm cười nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ.
Nơi tôi ở hoạ hoằn lắm mới thấy tuyết rơi, nhưng đến trường có nhiều xe còn tuyết phủ trên mui. Tôi thích mang tuyết về nhà, lấy nước tuyết tan nấu pha trà. Tôi trọ trong garage của người bảo trợ, cái garage biệt lập được sửa lại thành nhà ở. Đó là thế giới riêng, có khoảng cách một hồ tắm và sân basketball, rất yên tỉnh. Buổi sáng dậy sớm, tôi đi bỏ báo rồi đến trường , tối về đi giao Pizza ( Pizza Delivery ).
Một buổi sáng không kịp lấy tuyết, tan học tôi xách cái xô ( Bucket ) hăm hở đến chiếc Lincoln Navigator, bỗng giật mình. Kate trong xe mở cửa bước xuống. Cô nàng vồn vã.

– Hey ! You’re Dien, aren’t you ?
– Yes, I am. How are you ! Kate ?
Học kỳ đầu, Kate học chung lớp Math 251, nay tôi mới có dịp nói chuyện, sau vài phút trao đổi, Kate cho biết xe không nổ máy. Nhìn khuôn mặt lo âu của nàng, tôi nói không sao, tôi có thể giúp Kate. Khi biết nguyên nhân, tôi đề nghị Kate thay distributor. Tôi chở Kate đến Auto Part, luôn tiện ghé nhà lấy dụng cụ, trở lại trường trời sụp tối, mùa Đông gió lạnh, qua ánh sáng ngọn đèn trong bãi đậu xe, tôi thay distributor.
Kate rối rít cám ơn, nàng lên xe, lồng ngực tôi muốn vỡ tung vì lo lắng, tôi nín thở chờ kết quả, những phút giây im lặng kéo dài, hồi hộp, tôi nghe tiếng lách cách của chùm chìa khóa, một tiếng cạch rồi máy xe nổ ình ình, tôi quên cả đêm lạnh, Kate hạ kiếng, cô nàng chồm qua cửa, vẫy tay chào, cám ơn rồi lao xe vào bóng đêm.
Hôm sau ra khỏi lớp tôi gặp Kate đến chào và xin lỗi tối qua phải đi gấp vì đường xa và trời tối, Kate đem theo xô tuyết, cô nàng chỉ chỗ đậu xe và dặn tôi đến lấy.

Sau những ngày nghỉ Merry Christmas và New Year, đến lớp tôi cảm thấy lạc lõng hơn. Do chỉ mình tôi là người Việt Nam, sự cách biệt giữa hai thế hệ, hoặc ngôn ngữ. Tôi tự hỏi và tự trả lời, có lẽ do cả ba. Buổi học đầu năm thầy giáo không đến, tôi ký tên vào tờ giấy trước cữa lớp rồi ra về, trời nắng nhưng rất lạnh, chưa biết đi đâu, dọc hai bên hành lang hoa Tường Vi nhiều màu sắc, đập vào mắt là những đoá hoa vàng rực rỡ, tôi bỗng nhớ tết, biết tết sắp đến. Sau một thoáng tần ngần, tôi vào Cafeteria Restaurant uống cà-phê, còn bốn giờ nữa tôi có lớp buổi chiều, đi lang thang dưới những hàng cây gầy guộc, trụi lá, tôi vào thư viện để trốn lạnh và coi lại bài vở.
Tâm trí của tôi không tập trung, những kỹ niệm choán chỗ, ký ức năm học lớp nhì ập đến, cũng những ngày cận tết, cả lớp đang thi Đệ nhất lục cá nguyệt môn tập vẽ, đề tài tự do, thầy Thi mãi mê chuyện trò với cô giáo Mơ dạy lớp ba. Cả lớp im lặng, chuẩn bị nộp bài, Loan Châu – Cô bạn ngồi bên cạnh – đang chấm mực, nắn nót viết tên lên trang giấy vẽ bình hoa. Tôi nghe có một âm thanh gì, không rõ rệt, một con chuột từ mái nhà rơi ngay vào đầu tóc mới uốn của Loan Châu, cô nàng khóc thét lên, ôm choàng, dúi đầu vào ngực tôi.
– Diên, Diên, con chuột, con chuột, bắt nó.
Con chuột không thoát được, chân vướng vào những sợi tóc quăn, cứ vùng vẫy, tôi chụp cái đuôi, con chuột quay đầu lại, tôi buông tay, nó chun vào chiếc áo len nhưng không được, con chuột treo tòn ten trước ngực nàng, sợ nó cắn, tôi chưa biết phải làm gì thì Đắc ở bàn sau, nắm đuôi chuột kéo ra, xách tòn teng làm cả lớp huyên náo. Trên mái nhà con rắn bắt hụt mồi, cứ lo le cái lưỡi trườn đi lặng lẽ như chẳng có chuyện gì xẩy ra. Tai hoạ của Loan Châu không phải con chuột, trong lúc hoảng hốt, Châu làm bình mực đỗ loang lên trang giấy vẽ, giờ nộp bài sắp đến, cô nàng chỉ biết khóc, khóc vì không có bài nộp, vừa khóc vừa thì thào.
– Diên, làm sao đây, giúp Châu được không ?
– Ừ, giấy đâu tui vẽ cho.
Chưa biết vẽ gì, tôi đão mắt tìm kiếm, bình trà và tách nước trên bàn thầy giáo ập vào mắt, tôi chụp ngay đề tài, chỉ vài phút đã vẽ xong, thấy còn giờ, tôi vẽ thêm cánh cửa sổ, nó thành ra một bức tranh rất lạ. Không ngờ đó là bức tranh cao điểm nhất lớp.
Hình ảnh con chuột treo lủng lẳng trước ngực Châu cứ ám ảnh tôi, có lẽ suốt đời. Tôi cười vui với kỉ niệm mỗi khi nhớ đến, bây giờ chẳng biết Châu ra sao. Hết năm học lớp nhì, tôi trở lại Huế, thầy cô, bạn hữu và mái trường Ái Tử nhạt nhoà, tan loãng vào niềm vui tuổi thơ. Tôi thênh thang trên những nẻo đời, cho đến một hôm, trong thương xá TAX, bất ngờ có người reo lớn.
– Diên, trời ơi ! Diên.
Tôi trố mắt nhìn người gọi tên mình, đó là một cô gái ăn mặc sang trọng, đứng bên anh chàng Mỹ cao lớn. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi chưa biết phải cư xử thế nào với người lạ. Cô gái hỏi dồn.

– Biết ai không ? Loan đây.
– Ô ! Loan Châu, nhìn chị không ra,
– Mười ba năm rồi, nghe Diên học hàng hải, sao đi lính ?
– Động viên, còn Châu ?
– Loan làm thư ký, hắn là ông chủ của Loan đó. John, this is Mr. Phan – my friend – And this is my husband – John Stern.
Chuyện xẩy ra đột ngột và quá bất ngờ, tôi ú ớ mấy câu anh văn xã giao, lấy cớ đến giờ làm việc để chào từ giã. Nào ngờ, đó là những bước nổi trôi trong chiến tranh, giữa mịt mù cuộc sống, gần như không có tương lai. Cho đến hôm nay, ngồi trong thư viện của một trường đại học Mỹ, tôi thấy đời tôi là những tình cờ đưa đẩy, và tôi biết tôi đang có một cơ hội để làm lại cuộc đời.

Thứ Sáu, ngày tôi không có lớp, một buổi sáng đang làm sạch hồ tắm ( Brush Swimming Pool Wall ) tôi nghe có tiếng thắng xe ở sân Basketball, chuyện bất thường, tôi sửng sốt đến độ hoảng hốt, Kate đến quá bất ngờ, cô nàng chào hỏi, khi đến gần Kate nói.
– Xin lỗi, vì không biết số điện thoại Kate có làm phiền anh không ?
– Rất hân hạnh được Kate đến nhà, tôi đang làm sạch hồ tắm để mừng năm mới.
Tôi mời Kate vào nhà, nàng chỉ xô tuyết để ở xe, tôi xách vào.
– Chúng ta uống trà, Kate bận gì không?
– Được uống trà lúc này còn gì thú hơn, trà nấu bằng nước tuyết?
Kate lấy trong xách tay trao cho tôi tấm thiệp Merry Christmas có thêm hàng chữ “Chuc mung nam moi“ viết tay bằng mực xanh. Tôi cám ơn và xin lỗi vì không có thiệp chúc Tết cho nàng.
Kate nâng tách trà hai tay áp sát ngực, hơi nóng bốc lên như sương khói, nàng hít thật sâu, rất nhẹ, từ từ hớp từng ngụm trà. Ngừng lại một lát, Kate nói.
– Nhớ bữa hôm nhìn kính chiếu hậu, thấy anh xách cái xô đi lấy tuyết.
– Xe của Kate bao giờ cũng là xe có nhiều tuyết nhất.
– Nhà em ở Big Bear Lake, ba mùa có tuyết. Nhưng để yên, anh kể chuyện ở Việt nam cho em nghe đi.
Tôi chỉ biết trầm ngâm, im lặng. Chưa bao giờ tôi nghĩ có người hỏi mình như vậy, bắt đầu như thế nào. Tôi cố tìm một câu chuyện thì Kate tiếp.
– Chẳng hạn như điều gì làm cho anh hãnh diện nhất, tủi nhục nhất, hạnh phúc nhất và đau khổ nhất ?
– Trên thế giới chỉ có người Việt Nam đánh thắng quân Mông Cổ, đồng hoá hai dân tộc, Chiêm Thành và Thuỷ Chân Lạp. Tủi nhục nhất là hoạ cộng sản đang dìm dân tộc xuống tận cùng của khiếp nhược, ươn hèn và nghèo đói. Hạnh phúc nhất là khi anh đến được bến bờ tự do. Đau khổ nhất là khi anh ra khỏi tù.
– Tại sao ra tù là điều đau khổ nhất? Anh tiếp đi.
Tôi như đứa học trò trả bài, nói xong lại nghẹn những uất hận, không thể nói gì được nữa. Kate trầm ngâm như bị lây cảm xúc đột ngột của tôi. Nàng nói.
– Vậy thì để lần nào, khi thuận tiện anh kể tiếp, giờ chúng ta kiếm gì ăn, dạ dày em trống không rồi.
– Pizza, anh có sẵn, em thích loại nào ?
Tôi mở ngăn đá tủ lạnh, lấy ra một chồng Pizzas. Đó là những cái Pizzas thỉnh thoảng tôi được đem về từ những đêm có người đặt mua nhưng không đến nhận. Kate lắc đầu.
– Sao không là thức ăn Việt Nam, em thích ăn thức ăn Việt Nam hơn.
Cũng may, tôi ướp sẵn con cá rô từ sáng sớm, tủ lạnh còn bó rau muống, xà-lách và một ít cà chua. Làm gì cũng được, nhưng nấu ăn thì tôi quá vụng, trong tình huống này đành liều mạng, tôi nói.
– Chúng ta sẽ ăn cơm với cá rô chiên và canh rau muống.
– Hai món ăn tôi có thể nấu thành thạo từ khi đến Mỹ. Lục ngăn đá, tôi lấy bao tôm khô, bao tôm mang từ Việt Nam qua gần như còn nguyên, đã hơn một năm, tôi chỉ nấu canh mấy lần. Vào bếp, Kate lật cái thau nhôm thấy cá rô ướp gia vị, nàng lấy chảo đổ dầu vào chiên. Tôi ra ngoài dùng búa đập nát những con tôm khô, trở vào nghe tiếng dầu sôi nổ lách tách, Kate đang lau những vết dầu trên mặt, trên tay nàng. Tôi lấy nắp đậy chảo dầu lại.
– Làm sao đây Diên, Tóc và cả áo quần em đều dính dầu chiên cá, em tắm được không?
– Tuỳ em.
Tôi định rửa rau muống, từ phòng tắm, Kate hé cửa, thò đầu ra nói.
– Diên, giúp em giặt áo quần, càng nhanh càng tốt.
Đợi cho Kate khép cửa, tôi đem áo quần ra sân, với cái thau nhôm, tôi giặt bằng tay, vài phút đã giặt xong, tôi vắt thật khô bỏ vào máy sấy. Vào nhà vừa tháo dây bó rau, tôi nghe Kate gọi, nhìn lại cửa phòng tắm hé mở, Kate thò đầu ra ngoài, khuôn mặt và mái tóc đẫm nước.
– Diên, khăn tắm anh để đâu ?
Không trả lời, tôi chọn hai khăn tắm mới đem đến, Kate nhìn tôi, trong cái bẽn lẽn như có dấu nụ cười, nàng lấy khăn vội vàng đến nỗi quên khép cữa phòng tắm. Tôi đứng ngẩn ngơ, bó rau nằm yên trước mặt, mùi cá chiên cháy khét làm cho tôi tỉnh lại, tắt bếp điện, khuôn mặt Kate hiện rõ, tôi cũng đã từng tìm hiểu văn hoá Mỹ, nhưng tôi không ngờ người Mỹ tự nhiên đến kinh ngac. Sự kinh ngạc làm cho tôi hoang mang, lo sợ.
Từ phòng tắm đi ra bếp, Kate run run đến đứng bên tôi.
– Có lạnh không Diên ?
– Lạnh, tôi bận ba lớp áo vẫn lạnh.
– Nhìn Kate giống như cô gái Chăm đẹp nhất trần gian. Với hai khăn tắm, nàng biến thành xà rông và áo khoác. Người con gái sau khi tắm có một vẻ đẹp lạ lùng, vừa huyền bí, vừa gợi cảm, vừa hấp dẫn, thứ hấp dẫn ví như sức hút nam châm với kim loại. Tôi định lấy áo quần vào cho Kate, nhưng nghe âm thanh chiếc máy sấy vẫn quay nên lại thôi. Cuộc chiến mãnh liệt giữa lương tâm, lý trí và dục cảm nay trở thành sự dằng co của ham muốn và sợ hãi. Nỗi sợ của một người mới đến Mỹ hơn một năm.
Kate và tôi đều im lặng, nồi cơm chín bốc thơm, cá chiên cháy và bó rau muống chưa rửa. Gió lạnh lùa vào. Kate kéo cánh cửa đóng kín, hương thơm da thịt con gái mới tắm thanh khiết, mùi thơm xua hết mọi thứ đoạ đày ở chốn trần gian, xua luôn nỗi sợ hãi. Tôi nắm bàn tay Kate, mềm mại, ấm áp, chiếc khăn vô tình rơi xuống đất.

Tỉnh dậy, tôi bàng hoàng trong trạng thái của một giấc mơ, cảm giác về thời gian và nơi chốn không còn nữa, nhìn chung quanh vắng vẻ, cái vắng vẻ đặc quánh bao trùm căn phòng, tôi không biết thực hay mộng, khi nhìn ánh sáng ngọn đèn phòng khách chiếu hình tượng nữ thần Venus De Milo lên vách, tôi nhận ra đêm. Như từ cõi tiên lạc xuống trần, sáu giờ chiều, mùa Đông đêm tối như mực, tôi đi tìm Kate, không thấy nàng, có tiếng gió thổi đẩy thau nhôm cọ lên nền xi-măng, áo quần của Kate không còn trong máy sấy, sân Basketball vắng tanh, tôi nuốt nước bọt đi vào nhà, bình trà lạnh ngắt đang đặt dằn lên trang giấy :
Diên,
Kate về, thấy anh ngủ ngon nên em không đánh thức. Thứ Sáu đến là Tết Việt nam, trùng ngày nghỉ của anh, lên em chào năm mới, chắc mẹ em vui lắm, vì nhà chỉ có mẹ và em thôi. Có gì thứ Tư này cho em biết.
Kate

Tôi suy nghĩ, không biết phải cư xử thế nào, toàn chuyện bất ngờ. Những bất ngờ thành định mệnh, hay định mệnh bắt đầu bằng những tình cờ. Tôi phiêu lưu trong ý nghĩ tìm biết về một xã hội văn minh, nên mong cho mau đến ngày thứ Tư.
Kate đến sớm, trao cho tôi mảnh giấy hướng dẩn đường đi đến Big Bear Lake, bên dưới ghi chú : Anh có thể vào tiệm Pearl Flowers, sẽ có người dẩn về nhà. Như vậy cho tiện.
Chuyện đã rồi, tờ giấy dẫn đường như mệnh lệnh. Đón Tết mình phải có món quà, tôi ghé vào tiệm mua bó hoa hồng màu xanh, không biết hoa màu xanh mang ý nghĩa gì, tôi mua vì thấy lạ.
Đến Big Bear Lake, tiệm Pearl Flowers còn đóng cửa, nhìn đồng hồ mới 9:30 sáng, trời lạnh, tôi định trở lại xe ngồi đợi nhưng có người mở cửa.
– Xin lỗi, Ông là Ông Phan ?
– Vâng, tôi là Phan, bạn học của Kate.
Cô gái Mễ tây cơ nhìn tôi chăm chú, cười vui nhưng vẫn lộ ra vẻ ngỡ ngàng, cô ấy tiếp:
– Tôi tên Elena, sẵn sàng đưa Ông về nhà Kate.
Tôi ngồi bên Elena, xe vừa trở đầu đã có tiếng còi của một chiếc xe mới đến, người đàn bà ra hiệu cho Elena ngừng lại.
– Bà chủ của Elena đó, bà ấy cũng người ViệtNam.
Tôi ngồi yên trong xe, nhìn theo Elena đi về phía bà chủ đang ôm một vài vật dụng trên tay, Elena nói:
– Ông Phan mới đến, tôi đưa ông ấy về nhà.
Bà chủ trao những vật dụng cho Elena, từ từ đi về phía tôi. Bước xuống xe, tôi không thể ngờ tận Big Bear này lại có người Việt Nam. Bàng hoàng với cảm giác vui buồn lẫn lộn, tôi chăm chú nhìn bà chủ và như môt phản ứng tự nhiên.
– Chào Bà, Chúc mừng năm mới!
Bà chủ chẳng nói năng, chăm chú nhìn tôi một lúc, bằng ánh mắt kinh ngạc, bàng hoàng. Bà ấy nói như chỉ để cho bà nghe:
– Có phải anh Diên không?
– Chị Loan Châu!
Tôi reo lên vì mừng, vì ngạc nhiên gặp lại người bạn học thời thơ ấu. Loan Châu hơn tôi một tuổi, ở tuổi bốn ba mà trông như cô gái ba mươi. Tôi nói tiếp:
– Trông chị trẻ quá, lạ quá, tôi không nhận ra cho đến khi nghe chị nói.
Có thể Loan Châu là mẹ của Kate, tôi nghĩ thầm, cố tìm một câu hỏi gì về Kate để biết liên hệ giữa hai người, chưa nghĩ ra thì Loan Châu nó:.
– Năm mới chúc Anh Diên mọi sự tốt lành, gặp nhiều may mắn, an vui và hạnh phúc trên đất Mỹ. Tiện đây mời Diên ở lại, Loan đem lễ vật cúng đầu năm. Năm nay Anh Diên xông đất chắc công việc hanh thông, tốt đẹp.
Tôi nhìn Elena đặt lễ vật từng món đúng vị trí lên bàn thờ, cô gái Mễ đã bị Việt hoá đốt 4 cây nhang rồi cung kính trao cho Loan Châu. Với dáng điệu trang nghiêm, thành khẩn, Loan Châu khấn nguyện những gì tôi không nghe được.
Trên đường lái xe về nhà, Loan Châu nói.
– Loan cứ nghĩ bạn học của Kate là ông Phan nào còn nhỏ, ai ngờ Phan Diên. Cái ngày gặp Diên tại thương xá TAX ở Sài gòn, là ngày em mua sắm một ít vật dụng chuẩn bị đi Mỹ, lúc đó Kate 2 tuổi. Hai mươi năm như chiêm bao, ngày tháng ở Mỹ qua nhanh lắm, cứ lu bu công việc Tết đến không hay, năm nào mấy đứa bạn bên Việt nam gọi qua nhắc Loan mới nhớ.
– Loan Châu được mấy cháu? Tôi hỏi.
– Qua đây mấy năm, đang tính sinh thêm một cháu, thì anh John tử nạn trong một chuyến leo núi.
– Xin lỗi chị, vô tình tôi đã nhắc lại chuyện buồn.
– Còn Diên thì sao ?
– Chuyện của tôi dài lắm, không thể nói bây giờ, nhất là trong ba ngày Tết, chúng ta nói chuyện gì cho vui đi.
– Ở nhà Loan cúng trước khi ra tiệm, nay còn chiếc yacht “Little Pearl” Nhưng phải về nhà, chắc Kate đang đợi.
Căn nhà hướng ra mặt hồ mái còn vướng tuyết, Kate mở cửa nói.
– Happy New Year !
Khi nói chúc mừng năm mới, tôi sực nhớ bó hoa hồng màu xanh còn để trong xe, vậy mà hay, nếu mang theo chắc khó xử trong trường hợp này. Kate hỏi.
– Ông Phan có lạnh không ?
Tôi chưa kịp trả lời, Loan Châu liền nói:
– Ông Phan là bạn học của mẹ thời tiểu học, không ngờ nay là bạn học của con.
Vừa nói Loan Châu vừa pha trà, đem mứt gừng, hạt dưa và bánh chưng đến, tôi ngồi nhìn Kate, khuôn mặt biến sắc, trang nghiêm mất hết vẻ hồn nhiên thường ngày. Tôi nói cho tan đi sự im lặng,
– Lên đây tuyết phủ khắp nơi nhưng không lạnh như ở Redland.
– Vậy chúng ta đi trượt tuyết, anh thích không ?
– Để dịp khác, giờ Kate ra coi tiệm giúp Mẹ. Mẹ mời Ông Phan xuống cúng chiếc tàu, luôn tiện để xuất hành đầu năm. Ông Phan là dân hàng hải đó.
Nhìn qua góc phòng khách, một bàn thờ có di ảnh của John Stern, tôi đến thắp nén nhang. Loan Châu dục Kate ra coi tiệm, rồi quay qua tôi.
– Anh Diên, mời anh xuống bến cúng chiếc tàu với Loan.
Không biết phải nói gì, Kate nhìn tôi lặng lẽ ra đi. Loan Châu mang nhang đèn, bánh và trái cây đã đặt sẵn trong xách. Chiếc Catalina màu trắng được lau chùi sạch sẽ. Lên tàu mới hay đó là chiếc du thuyền nhỏ, có đủ mọi tiện nghi. Sau khi cúng xong, Loan Châu dẫn tôi vào phòng lái giới thiệu về hệ thống truyền tin, radar và một vài chi tiết khác, Loan Châu nói tất cả là do một tay John đặt mua và tự ráp lấy. Đến phòng khách tôi nhận ra ngay bức hình tôi vẽ cho Loan năm lớp nhì, bức hình được phóng lớn. Thấy tôi chăm chú nhìn bức tranh, Loan Châu giải thích.
-Thấy em trân qúi bức tranh, anh John đem lên Las Vegas phóng lớn, mỗi lần nhìn tranh, em nhớ chuyện con chuột, John cũng thích nhìn bức tranh ấy, ảnh nói không hiểu sao, nhìn nó lại nhớ bạn bè, lại gợi lên một cảm giác thiếu vắng!
– Tôi nhớ tôi đã vẽ nó trong một tình huống bức bách, xuất thần từ những hạt nước mắt. Bây giờ nhìn lại, không hiểu sao trong đầu óc tôi lúc đó có cái cửa sổ, nhờ cái cửa sổ cái bình, cái tách trà mới có tiếng nói.
– Loan chỉ cảm nhận chứ hỏi Loan tại sao trân qúi thì Loan chịu, không giải thích được.
Loan Châu tiếp tục giới thiệu cho tôi phòng khách, phòng tắm, phòng vệ sinh nhưng bỏ qua phòng ngủ. Tôi leo lên boong tàu, màu trời, màu nước, lênh đênh, nhấp nhô, tất cả đều lạ, nhưng sao tôi thấy mình rất quen, cảm giác như tôi vừa mới đi phép về.
Trở lại phòng khách, Loan Châu đang thay nước trên bàn, thấy tôi xuống, Loan Châu liền nói.
– Còn mười phút đúng Ngọ, mình xuất hành. Mấy năm trước Loan chọn hướng Đông, năm nay đổi qua Tây xem có gì khác không.
Tôi tách con tàu gần như xê dịch theo chiều ngang rồi phóng nhanh, lao đi trên mặt hồ yên tĩnh, ngồi bên tôi, Loan Châu choàng tay ngang qua vai, nhưng đột nhiên nàng rút tay lại, chỉ cho tôi một vài nơi trên tấm bản đồ:
– Thôi, tùy anh, đến đâu cũng được.
Lác đác vài con tàu di chuyển, gió nhẹ, mặt hồ chỉ gợn sóng đủ cho con tàu cho ta cái cảm giác lênh đênh. Tôi giảm tốc độ, trên bếp lò ấm nước sôi phát ra âm thanh cao vút, Loan Châu vừa pha trà vừa nói:
– Ngừng lại đi Diên, mình uống trà.
Tôi cho con tàu chạy ngược chiều gió để thả trôi tự do. Ngồi bên Loan Châu ăn mứt gừng, uống trà. Nhìn Loan Châu trầm ngâm nâng tách trà một cách trang trọng, tha thiết, tôi nhớ Kate, nàng đang nghĩ gì, bất giác tay tôi mân mê những hạt điều trong dĩa bàn trước mặt. Loan nói.
– Hay là Diên uống rượu ?
Loan Châu dẫn tôi đến quầy rượu, nhiều loại, thứ nào tôi cũng thích, Loan Châu lấy chai Hennessy Xo đưa lên hỏi tôi.
– Chai này được không Diên ?
– Nó thuộc loại đế vương. Ở Việt Nam mỗi khi có Cognac Xo, tụi tôi gọi là buổi tiệc đế vương.
Lâu ngày không uống rượu, đến ly thứ ba tôi cảm thấy nóng, bắt đầu choáng váng. Loan thì nét mặt đăm chiêu, không nói, chỉ thỉnh thoảng nâng ly cụng với tôi, cứ thế tôi uống đến ly thứ năm , Loan Châu mới lên tiếng.
– Diên mệt rồi, vô nằm ngủ đi, để Loan lái tàu về.
Tỉnh dậy, Loan Châu đang đút cho tôi những muỗng nước chanh, nghe tiếng sóng vổ mạn tàu, tôi nhớ lại chuyến đi, đồng hồ chỉ 5 giờ nhưng tôi không biết buổi sáng hay buổi chiều. Nhìn Loan tôi cảm thấy mắc cỡ, nói gượng gạo.
– Xin lỗi Loan, tôi say làm phiền Loan nhiều quá.
Nói xong, tôi gượng ngồi dậy nhưng Loan đưa tay cản lại.
– Diên cứ nằm nghỉ cho khoẻ, đừng ngại, bây giờ đã hơn 5 giờ chiều, đường có tuyết, Diên chưa lái xe về được.
Loan Châu nắm kéo vạt áo của tôi xuống cho kín bụng, lấy mền đắp phủ lên, cứ mỗi thao tác là y như vô tình, cùi chõ của nàng đánh thức tôi tỉnh hẵn, tôi phải xoay người nằm nghiêng về bên phải, co giò lại để dấu cái tật đàn ông, đã vậy, Loan Châu khi đưa ly nước chanh, cúi xuống thấp, tôi vươn người ra khỏi giường để uống, mắt tôi cách ngực nàng chỉ hơn một tấc, tay nàng vẫn vịn hờ cái ly, tôi nghe hơi thở dồn dập. Có tiếng điện thoại reo từ phòng lái, Loan Châu chạy vào nghe, tôi dọt lẹ vào phòng rửa mặt, gội luôn cả đầu tóc, nước lạnh ngắt, tôi tỉnh hẳn, đến chào Loan Châu ra về, chỉ cần chậm thêm một phút, tôi đã ngã qụi trước những tình cờ đưa đẩy. Đời sống tuy nối tiếp bởi nhiều tình cờ, nhưng tôi nhất quyết, không để cho tình cờ đưa đẩy đời sống.
Tôi lái xe đi trong đêm, ánh đèn chiếu vào tuyết trắng làm cho con đường sáng hẳn lên. Mùa Xuân đang về trên quê hương Việt Nam, nhưng ở đây mùa Đông lạnh, như chính lòng tôi đang lạnh.

Zulu