Xích lại gần anh tí nữa em
Sương khuya lạnh giá rớt bên thềm
Hãy để cho anh làm ấm lại
Chút tình ngây dại sót trong em…
Võ Xuân Đào
Đó là anh Nguyễn Bắc Sơn (70 tuổi) và anh Nguyễn Như Mây (65 tuổi). Cả hai cùng họ, nhưng không phải là họ hàng nên tôi gọi là nhị Nguyễn. Cả hai người sinh và lớn lên ở đất Phan Thiết và khá thân nhau qua những vần thơ của mỗi người, một người có chất ngang tàng của kẻ sĩ (Nguyễn Bắc Sơn), một người lại đem vào thơ mình hơi thở của thiền dù trong những bài thơ ca ngợi tình yêu (Nguyễn Như Mây). Nguyễn Bắc Sơn là dân Bình Thuận gốc, còn quê hương của Nguyễn Như Mây là Gò Bồi, Tuy Phước, Bình Định. Anh Bắc Sơn ở trong một con hẻm đường Trần Lê (thuộc phường Đức Long), phía nam thành phố Phan Thiết, còn nhà anh Như Mây thì nằm trên đường Cao Thắng, phía bắc của thành phố này.
14/3/2014:
8h30 sáng, từ chiếc điện thoại 01264249949:
-D. nghe đây anh Đào.
-Chào Tôn Nữ chủ bút, chủ báo. Nghe thiên hạ đồn Thu Dung về Việt Nam và dự định đi nhiều nơi, nhưng bị bịnh nằm bẹp dí ở Nha Trang nên gọi hỏi thăm xem đã khỏe chưa?
-Dạ, cảm ơn anh, D. khỏe nhiều rồi!
Chất giọng nữ Huế nghe ngọt lịm, còn ngọt hơn đường cát, mát hơn đường phèn, ngon hơn đường phổi của xứ Quảng (Quảng Ngãi)! Lại thêm tiếng xưng “D đây. ” dịu dàng rất đặc biệt từ người bạn trang lứa làm tôi nhớ đến Lê Ngọc Dũng (Dulehue) người bạn học đang sống ở Vũng Tàu đã từng nói cùng tôi: “Tao là dân Huế chính gốc mà cũng phải điêu đứng và lên bờ xuống ruộng vì chất giọng nữ Huế đấy!”. Nguy hiểm quá!
-À, mà anh Đào đang làm gì và ở đâu vậy?
-Đang ở Sài Gòn, chuẩn bị để mai đi Phan Thiết dự đám cưới con trai Cao Hữu Hùng.
-Anh đi bao lâu?
-Dự định sáng đi, tối dự đám cưới xong, khuya lên tàu về lại.
-Anh ở lại ngày chủ nhật, thứ 2 hãy về. Chủ nhật anh thay Tương Tri đi thăm các anh Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây ở Phan Thiết giúp D. đi.
-Nhưng, mình chưa biết và cũng không có địa chỉ của các anh ấy!?
-Phan Thiết cũng nhỏ mà, có thể anh Cao Hữu Hùng bạn anh biết các anh ấy hoặc anh gọicho anh Trần Văn Nghĩa hỏi địa chỉ. Làm ơn làm phước nhen !!!
-Cũng được. Mình sẽ đi thăm các anh.
Đúng là tôi chưa một lần diện kiến các anh, nhưng những ngày còn học phổ thông trước 30/4/1975 qua Bách Khoa, Đối Diện, Ý Thức … tôi đã “biết đôi chút” các anh qua những vần thơ bàng bạc sông, trăng (Nguyễn Như Mây) hay những câu thơ phản chiến có chút khinh bạc, ngang tàng (Nguyễn Bắc Sơn) như:
“Trong thành phố này ta là người phản chiến
Ngày qua ngày ta chỉ thích đi câu
Râu tóc mọc dài như bầy cỏ loạn
Sống thật âm thầm, ai hiểu ta đâu”.
(“Cười lên đi tiếng khóc bi hùng” của Nguyễn Bắc Sơn)
Trăng ở bên này sông
Đêm đêm còn một nửa
Nửa kia vàng thương nhớ
Ai gửi nước xuôi going
Trăng ở bên kia sông
Đêm đêm mòn nước chảy
Ai có về bên ấy
Cho gửi nỗi chờ mong
Trăng hai bên bờ sông
Đêm đầy rồi đêm khuyết
Nỗi niềm nào ai biết
Chỉ thấy trăng mãi còn
(“Trăng” – Nguyễn Như Mây)
Thời ấy, hai anh cùng những văn nghệ sĩ khác như Nguyễn Mạnh Côn, Du Tử Lê, Hoàng Ngọc Tuấn, Mường Mán, Mai Thảo, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng v.v… đã thổi những ngọn gió mới, lạ vào mảng văn hóa, nghệ thuật miền Nam tạo thành những đợt sóng trong các phong trào “du ca”, “thơ tự do”, văn học mang nhiều tính chất như: dấn thân, phản kháng, siêu hình hoặc triết lý.
Nên khi Tôn Nữ Thu Dung đề nghị thay mặt và đại diện cho Tương Tri (oai quá) đi thăm các anh, tôi nhận lời ngay.
15/3/2014:
11h15 tại quán café Villa gần nhà Cao Hữu Hùng:
-Chào anh Trần Văn Nghĩa, em Đào đây, anh còn nhớ em không?
-Ừ…ừ.
-Võ Xuân Đào đây anh, đã gặp anh ở Sông Trăng hôm hội ngộ với Tương Trí đó! Anh
khỏe không?
-Khỏe. Rồi! Anh nhớ rồi, Đào đang ở đâu?
-Dạ, Phan Thiết, em đi dự đam cưới con người bạn ở đây!
-Anh ở Phan Rang, nếu có dịp đi ngang qua Phan Rang thì gọi anh với Nguyên Vi, anh em mình bù khú nhé.
-Dạ, cảm ơn anh. Nếu đến Phan Rang em sẽ gọi. Chúc anh khỏe.
Vậy là ý định “cù rủ” anh Trần Văn Nghĩa cùng đi thăm anh Nguyễn Bắc Sơn, Nguyễn Như Mây không thành rồi! Quay sang Cao Hữu Hùng hỏi nhỏ:
-Này, ông có biết anh Nguyễn Bắc Sơn, anh Nguyễn Như Mây không?
-Biết chứ! Còn thân nữa. Lúc bà xã tui mở quán café ở công viên đối diện nhà anh Nguyễn Như Mây, sáng nào các anh ấy cũng đến uống.
-Ông biết nhà không?
-B…i…ế…t.
-Vậy chiều nay mình đi tới nhà các anh đi.
-Chiều nay phải lo chuyện đám cưới cho con, làm sao đi được. Để sáng mai đi cha nội!
16/4/2014:
7h00 sáng tại nhà Cao Hữu Hùng:
Cao Hữu Hùng đưa tôi chiếc xe hắn gọi là “cần câu cơm hàng ngày” và bảo:
-Nhà anh Nguyễn Bắc Sơn ở Đức Long, còn anh Nguyễn Như Mây ở đường Cao Thắng, đi đâu trước?
-Nhà ai gần đây nhất thì đến trước. Ông là “thổ địa” dẫn đường.
-Ông đi xe tui, tui với Lưu Đình Trọng (cũng là bạn học thời đệ nhất cấp) đi xe của thằng con đến nhà anh Nguyễn Như Mây.
Trời ạ, “cần câu cơm hàng ngày” mà mỗi lần muốn thắng xe phải “dậm từ sáng mồng 1 đến tối rằm” xe mới đứng lại, cũng may còn sớm và Phan Thiết cũng ít xe, chỉ phải luồn qua lách lại giữa cái chợ tạm độ dăm phút là đến nhà anh. Vừa dừng xe trước nhà, cửa sắt nhà anh cũng vừa được kéo ra, Cao Hữu Hùng hỏi người con gái vừa kéo cửa:
-Ba có ở nhà không con?
-Dạ, ba con đi rồi. Mới đi lúc sáng. Chắc tí nữa về. Hay chú gọi cho ba con đi.
-Số máy của ba là?
-Dạ, 0913837992.
-Nói với ba là có chú Hùng (cô Khánh Linh) lại là ba biết.
Tôi nói với Hùng:
-Tới nhà anh Nguyễn Bắc Sơn đi, gọi anh Như Mây sau.
Hùng chạy trước dẫn đường về hướng nam thành phố, đến đường Trần Lê, lòng vòng đến con hẻm thứ ba của đường này mới đến đúng nhà anh.
Đứng trước ngôi nhà có sân vườn nhiều cây cảnh, Hùng bảo đây là nhà của anh Nguyễn Bắc Sơn. Mấy chú chó thấy có người đứng trước cổng chạy ra sủa vang, một lát sau chị vợ anh lửng thửng bước ra cổng, Cao Hữu Hùng ghé tai nói nhỏ với tôi:
-Chị vợ anh Nguyễn Bắc Sơn đấy! Khó tính lắm. Để tui hỏi cho.
-Chào chị, có anh Bắc Sơn ở nhà không ạ?
-Ổng đi Sài Gòn chữa bịnh vài ngày nay rồi!
Tôi hỏi thêm:
-Dạ, khi nào thì về hả chị? Bọn em ở trong Sài Gòn ra, ghé thăm anh.
-Cũng không biết nữa.
Không gặp được ai trong hai anh. Tôi nói với Hùng:
-Về nhà ông đi rồi tính.
Trở lại nhà Hùng, cất xe và kéo Trọng, Hùng ra quán café Villa gần đó. Tôi gọi cho anh Nguyễn Như Mây theo số của con gái anh đã cho lúc sáng:
-Dạ, xin lỗi phải số máy của anh Nguyễn Như Mây không ạ?
-Dạ, đúng rồi. Xin lỗi ….
-Em là Đào, bạn của Tôn Nữ Thu Dung trang Tương Tri đây anh ạ.
-Chào anh.
-Em đang ở Phan Thiết, lúc sáng lại nhà, nhưng không có anh. Giờ không biết anh đang ở đâu?
-Anh ở chỗ nào? Tắm xong tôi sẽ chạy lại.
-Dạ, em đang ngồi ở quán café gần ngã ba Tam Biên.
-Đường nào?
-Dạ trong hẽm Trần Hưng Đạo. Anh nói chuyện với Hùng, bạn em, hắn sẽ chỉ đường cho
anh.
-Chào anh Như Mây, em Hùng (Khánh Linh) đây.
……….
-Dạ, nhà em trong hẽm giữa Ngân hàng Nông Nghiệp và hãng xe Bích Thanh đó anh.
…….
5 phút sau anh đến trong dáng dấp của một nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hùng là người đã quen biết anh nên chủ động giới thiệu Lưu Đình Trọng và tôi với anh.
-Vợ Hùng là Khánh Linh, em gái của thầy Ngô Minh Triết dạy toán tôi năm đệ tứ. Các anh là người Bình Định hả? Tui cũng gốc Bình Định đấy, cha tôi ở Gò Bồi, Tuy Phước.
-Em là Võ Xuân Đào, bạn của Tôn Nữ Thu Dung. Biêt em ra đây, Thu Dung nhờ em đến
thăm anh.
-Thu Dung …..?
-Dạ, chủ bút trang Tương Tri đó anh.
-Có nghe tên, nhưng chưa gặp mặt.
-Dạ, Dung về Việt Nam với dự định đi nhiều nơi, nhưng bị bịnh nên chỉ ở Nha Trang, không đi đâu được.
-Tôi giờ cũng nhiều thứ bịnh lắm, thấy cái bụng tui không? (anh đưa tay xoay tròn cái bụng bự của mình) giống như bụng bầu chưa biết lúc nào đẻ, phải ăn chay trường để chữa bịnh; nhưng có một thứ bịnh mà không bác sĩ hay bệnh viện nào ở Việt Nam hay nước ngoài chữa được.
-Bịnh gì vậy anh? Sáng nay bọn em vào nhà anh Nguyễn Bắc Sơn, chị vợ anh ấy nói ảnh đi Sài Gòn chữa bịnh rồi!
-Có thể anh Bắc Sơn đi chữa bịnh thật, dạo này anh ấy cũng yếu lắm. Bịnh của tôi là ngồi hay đứng bên phụ nữ là bị mất điện. Ha…ha… Nói vậy chứ đi nhiều lắm, thích là lấy xe máy chạy đi, đi Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, … Trưa nay Đào về hả? Thế nào tí nửa cũng phải ghé tệ xá một chút nhé.
-Dạ được, em sẽ lại.
-Ta chụp mấy tấm hình kỷ niệm đã.
Nói xong anh lấy máy hình của mình ra chụp từng người trong chúng tôi và chụp chung với anh, anh mở máy hình cho tôi xem những tấm hình anh chụp trên đường mình đi qua mà bất chợt bắt gặp vẻ đẹp độc đáo của cảnh vật nơi ấy như hình ảnh những cây đay còn sót lại lung linh dưới bóng nước sông Mao.
Tôi bấm máy gọi cho Thu Dung:
-A lô, Dung hả? Mình đang ngồi uống café cùng anh Nguyễn Như Mây đây, Dung nói
chuyện với anh ấy nha.
…………
– Chào Thu Dung, cảm ơn. Hy vọng sẽ có dịp gặp Dung. Tôi có nhiều bịnh lắm, có một bịnh mà không bác sĩ, bệnh viện nào chữa được, kể cả ở Mỹ, tôi đã nói với Đào rồi.
……
-Bịnh ngồi bên phụ nữ là bị mất điện. Ha…ha…ha…
Nói chuyện một lúc, anh lấy hai tập thơ chép tay “Núi” do anh tự mình thực hiện, ghi tặng cho Lưu Đình Trọng và tôi thật trang trọng rồi chở tôi về “tệ xá” của anh, đưa tôi lên phòng anh, cho tôi chiêm ngưỡng những tấm ảnh do anh chụp, những tấm ảnh đẹp, sống động cứ như của một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp chứ không phải là người chụp ảnh nghiệp dư như anh khiêm tốn. Tôi được xem những bài thơ của anh đăng trên các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Giác Ngộ … của nhiều năm trước được anh cắt, giữ cẩn thận trong tập album, anh chỉ cho tôi chiếc ghế trong phòng mà đêm qua anh đã ngồi nhìm trăng trải dài trên cửa sổ nhà anh như lả lơi, mời gọi. Cũng nơi chiếc ghế này, nhiều đêm hay mỗi sáng anh ngồi ngắm “núi” và những ý thơ về “núi” đã xuất hiện. Anh đang thực hiện (cũng chép tay) một tập thơ tình “thơ tình nắn nót” của anh và hứa sẽ tặng tôi một tập khi làm xong.
Biết tôi vội đi, anh lấy tập thơ “Núi” (bản thứ 168) ghi tặng cho Tôn Nữ Thu Dung nhờ tôi chuyển lại rồi chở tôi qua lại nhà Cao Hữu Hùng, trên đường đi anh dặn:
-Khi nào Đào ra Phan Thiết cứ lại nhà tôi ngủ, nghỉ, có gì ăn nấy, anh em ta nói chuyện nhiều hơn.
Trở lại nhà Cao Hữu Hùng, anh bảo phải trở về để giữ xe cho khách hàng của con gái vì khách đang đông mặc cho tôi nài nỉ.
Anh Nguyễn Như Mây và Võ Xuân Đào trong quán café Villa (Phan Thiết)
Cuộc viếng thăm nhị Nguyễn của tôi theo ủy thác của Thu Dung kết thúc như thế đấy. Tiếc là không được gặp anh Nguyễn Bắc Sơn!
VÕ XUÂN ĐÀO
Võ Xuân Đào
Tháng 02 năm 2013, dù khá bận rộn với việc chuyên môn ở hãng, xưởng, hay công ty. Nhưng với tình yêu văn chương như một nghiệp dĩ đời mình của những người đã từng viết văn, làm thơ, cộng tác hay là độc giả trung thành của những “Tuổi hoa”, “Tuổi ngọc”, “Văn”, “Thời tập”, “Liên sinh” v.v… trước 1975 đang sống ở các bang khác nhau tại Mỹ, Úc đã không ngại ngần hợp tác cùng nhau tạo dựng nên “tương tri.com” để trải lòng mình qua những “con chữ” và họ đã cố gắng tập hợp ngày càng nhiều, nhiều hơn nữa những người đã từng “say mê” những “tuổi hoa”, “tuổi ngọc”, “liên sinh”, “thời tập”, “văn”, “văn học”… trước 1975 lẫn những cây viết chuyên, không chuyên sau 1975 đã và đang sống rải rác khắp nơi trong và ngoài nước để chuyển tải những “con chữ” của người viết đến với những người yêu thích văn chương Việt.
Tháng 02 năm 2014, “tuongtri.com” tròn tuổi thôi nôi, 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, họ (những người chủ trương) mỗi ngày dành ra khoảng vài tiếng đồng hồ trước khi đi làm, lúc nghỉ ngơi hay trước khi ngủ cần mẫn làm công việc của những “chú kiến con” gom về những bài viết của mọi người và rồi lại làm những “con tằm” nhả tơ từng ngày, từng ngày đem đến cho người đọc, những người yêu thích thơ văn món ăn tinh thần.
Một năm, chưa phải là dài nhưng cũng không ngắn với những người làm văn chương. tuong tri.com đã lần lượt in và xuất bản 12 số báo để hôm nay chính thức mang về hội ngộ tại đất Sài Gòn vào chiều tối ngày 08 tháng 02 tại quán Sông Trăng, sau những cuộc gặp gỡ, giao lưu ở Đà Nẵng, Hà Nội và Tây Sơn (Bình Định).
Vài hình ảnh dưới đây sẽ thay cho những câu chữ nói lên sự mến phục, hâm mộ của những người viết, người đọc, bạn bè đối với “tuong tri.com”