giới thiệu tác phẩm mới

 

Thơ Nguyễn Tấn Cứ – TỰ DO CHO SỚM MAI
Lotus Media xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ, 2017
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên

——————

Một trong những cây viết trong ngoài nước phản kháng chế độ đương tại Việt Nam, Nguyễn Tấn Cứ viết rất bộc trực, thẳng thừng. Cứ can đảm, dũng lực ở chỗ biết những gì mình viết rất dễ bị tai họa không lường giáng xuống thân mạng mình bởi thế lực đỏ/đen trùm khắp, nhưng Cứ vẫn viết huỵch toẹt. Những dòng thơ chính luận, thời sự hiện thực của Cứ không chỉ rĩ máu oan khiên từ nỗi xa xót phận mình, phận người, phận dân đen, mà còn vang to những lời phản đối, kêu gọi sự phản tỉnh, hô hào đứng dậy đấu tranh. Muốn có những câu để viết biểu ngữ xuống đường, rất dễ tìm thấy trong thơ Cứ. Đọc những gì Cứ viết về thực tại, ta sẽ ngậm ngùi, tủi hận, nghẹn uất, có thể nhỏ nước mắt bi thương hay phẫn nộ nhưng rồi ta vẫn thấy lấp ló hy vọng về cuộc đổi thay trước những bỉ ổi, dối trá, đốn mạc của hiện tiền nhan nhãn. Bởi chữ nghĩa của Cứ là sự lật tẩy, tố cáo mạnh bạo, ngoan cường, và dựng lại “ý thức mới”[1].  Chữ nghĩa của Cứ, đặc biệt keo quánh lại trong thơ, có máu lệ và niềm an ủi, có tuyệt vọng lẫn niềm tin. Chữ nghĩa đó là sự cứu rỗi, ở nhiều mặt. Ở mặt này, cứu rỗi cho chế độ chuyên chính, toàn trị nếu họ kịp thức tỉnh. Ở mặt khác, cứu rỗi thế hệ trẻ nếu kịp mở mắt rời bỏ những gian trá, xảo quyệt đang điều kiện hóa, robot hóa họ. Mặt khác nữa, chữ nghĩa của Cứ đang cứu rỗi những văn nhân, nghệ sĩ, nhà báo khỏi những oan khiên do bó buộc phải hay lỡ u mê chấp nhận “văn hóa chuồng trại”. Trên hết, chữ nghĩa đó là sự cứu rỗi cho mọi người bị áp bức, trù dập. Chữ nghĩa của Cứ như thế, nói theo Edward Hirsch, là một hình thái cứu chuộc, một nguồn hy vọng cứu thế – a form of expiation, a hope for redemption[2]. Cứ đã tự mình đóng đinh mình trên thập giá của chợ đời náo hoạt, cuồng loạn, ngập ngụa những thanh toán, thù hận, chạy theo danh vọng, tiền tài,  để cứu chuộc tội lỗi cho mọi người. Chắc chắn sau này sẽ có rất nhiều văn thi sĩ biết ơn Cứ, lịch sử văn chương Việt Nam sẽ tô một vết son cho những cây bút như Cứ, tựa như những tay viết kiên cường của Nhân Văn Giai Phẩm một thời bị chà đạp, trù dập và bây giờ lại được đề cao.

Thơ của Nguyễn Tấn Cứ làm nhớ lại thời đất nước Ba-lan tối tăm, thê thảm, bị phanh thây xẻ thịt  dưới các chế độ Phát xít và Cộng Sản. Những nhà văn, nhà thơ Ba Lan lúc đó, ngoài tình trạng bất mãn vì bị gò ép, bó buộc sáng tác theo một định hướng sắt thép chủ nghĩa xã hội, dân tình điêu linh, lại còn tuyệt vọng trước viễn cảnh mờ mịt, mất hướng của thế giới sau Thế Chiến II đang chạy hộc tốc theo kỹ thuật hóa. Nhưng đã có rất nhiều nhà thơ Ba Lan của thế hệ hậu chiến phản tỉnh, nhìn ngó lại hiện tình và dấn thân vào cuộc sáng tạo mới. Họ từ chối thơ trữ tình, vần nhịp êm ái, chữ nghĩa rất kêu mà rỗng tuyếch, rất ấn tượng mà giả tạo, dối gạt. Họ đã quyết liệt xổ toẹt lên thứ văn chương, chữ nghĩa hoa mỹ, cường điệu, khoa trương. Thơ họ viết không cần ngôn ngữ ma mị, yểu điệu,  mà vô cùng đơn giản, dễ hiểu, cụ thể. Thơ của họ tỏ bày sự bất phục, không tin tưởng một chút nào vào tín điều và ý hệ, giáng mạnh vào sự không tưởng, ma mị, phù thủy của chủ nghĩa Cộng Sản. Chữ nghĩa của họ vừa như lời thống hối của kẻ được sống còn sau chiến tranh, kẻ có tội với lịch sử, vừa biểu đạt mạnh mẽ, quyết liệt tố cáo mọi sự xấu xa, phi nhân, rừng rú của lũ thống trị. Nhại lại nội hàm bài “Thơ và Lịch Sử: Thơ Ba-lan sau khi Thế Giới Chấm Dứt” của Edward Hirsch, có thể nói rằng Nguyễn Tấn Cứ VIẾT lịch sử bằng thơ, viết thẳng thắn, rõ ràng, cụ thể như nói, như kể, như đàn hạch. Và mong rằng đây cũng là điều khải đạo cho sứ mạng người viết ở Việt Nam sử dụng chữ nghĩa, thơ văn để LÀM lịch sử, những trang sử mới và trung thực.

Thơ của Nguyễn Tấn Cứ cũng làm kinh hoàng nhớ đến lối cai trị bá đạo, phi nhân, tham quyền cố vị, luôn tìm cách tru diệt những người yêu nước, phản kháng; dập tắt mọi tiếng nói đòi hỏi công chính; xua đuổi hay đày đọa, giam cầm, tống xuất những người vô tội, hiền hòa, tay không tấc sắt để gìanh ưu thế, gian manh chiếm dụng tài sản, đất đai, ruộng vườn, ao cá, biển khơi… mà những chế độ nô lệ, đế chế, bạo quyền, xâm lược, chuyên chính, toàn trị, quân phiệt và cận đại là những nhà nước Cộng Sản, những tập đoàn Khủng Bố đã và đang ra tay. Daniel Jonad Goldhagen, dạy môn chính trị học tại đại học Harvard, trong cuốn “Tồi Tệ Hơn Cả Chiến Tranh”, đã dùng chữ “Eliminationist” (chủ nghĩa/chủ trương  Loại Trừ) để mô tả và dẫn chứng lối cai trị bá đạo trên[3]. Chủ nghĩa Loại Trừ này được nhà nước áp dụng không chỉ bằng võ lực công an, quân đội, mật vụ, mà còn tác động bằng văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, truyền thông, báo chí, cách sử dụng nhân sự, kế hoạch kinh doanh, hoạt động ngân hàng,…để tận diệt mọi thành phần cản ngại sự tham lam vô bờ, sự tàn ác vô nhân; để dập tắt mọi tiếng nói đòi bứt xích phá xiềng. Đọc văn thơ của Nguyễn Tấn Cứ để thấy những tấn tuồng thảm thương này đang diễn ra thường xuyên trên quê hương Việt tộc. Cái khốn nạn lớn nhất mà Cứ hay vạch trần là chủ trương Loại Trừ những tay viết văn làm thơ yêu nước, chọn đứng về phía người dân bị áp bức, đày đọa.

Còn thơ tình của Cứ ra sao? Yêu nhau trong một xã hội bất toàn, đầy rẫy giả dối, nghi hoặc; bủa vây bởi những đe dọa, thanh trừng khốc liệt; ngập tràn những trò phô diễn tung hứng kịch cỡm,… làm sao tìm cho được một ngày êm đềm, hạnh phúc thật sự. Tìm đến nhau, dù cháy rực đam mê, quấn quyện chan hòa, nhưng như chừng Cứ vẫn thấy cô đơn, vẫn chập chùng những ám ảnh về tình trạng thất tán, đổ vỡ, bất an như đang diễn ra trong sinh cảnh hiện tại của lứa đôi, cái cảnh đời u ám, tàn hoại mà Cứ phải vật vã kinh qua.

Nhưng, dù có chán ngán, buồn bực, bế tắt, Nguyễn Tấn Cứ vẫn tin vào lòng nhân và tình thương sẽ cứu rỗi tất cả. Và chữ nghĩa sẽ là con sông trăm nhánh, là biển cả bao la dung chứa và chuyển tải lòng nhân ái kia đi xa, đi khắp.

Uyên Nguyên
(tháng 8/2017)

 

Advertisement

THUỞ LÓT SÁCH, KÊ VÁN NẰM!

uyennguyen

Do tôi post mấy tác phẩm nghệ thuật làm từ sách của nghệ sĩ Jacqueline Rush Leen, nhà văn Tôn Nữ Thu Dung, chủ bút nguyệt san văn chương Tương Tri, đã chia sẻ quan điểm về sứ mệnh của sách và lòng quý trọng sách, bên trang facebook. Chị gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm.

“… chức năng của sách chỉ là để ĐỌC thôi mà Tran Triet. Bắt nó kiêm nhiệm chị không cam lòng!  Không nên bắt sách phải có công năng phụ như : Lót chân ghế, gói xôi hay chấm chấm chấm … dù nhiều quyển cũng đáng để chấm chấm chấm … Sách hay ĐỌC rất tuyệt. Và sách dở cũng cần ĐỌC để phân biệt với… sách hay…( TNTD)”

Tôi tin có một quan niệm văn hóa chung chung cho thái độ quý trọng sách. Nhưng bàn về thái độ, tôi xin kể lại đây một vài trường hợp mà tôi đã mục kích.

Nhiều người nại cớ miếng cơm không đầy, không còn đủ tâm trí sáng tác, mà có sức viết cũng không dư dả tiền nong để in thành sách. Thời Thầy tôi ở chùa, nhân những lúc gặp gỡ giới văn nhân thi sĩ, nghe kể như vậy, ông liền nói: “Quý anh chị viết đi, tôi lo chuyện in”. Phật tử cúng dường bao nhiêu, Thầy tôi dành phần nhiều để thực hiện lời hứa đó.

Nhưng khổ, và thiếu ăn của thành phần trí thức miền Nam sau năm 1975, là điều có thật!

Tôi cũng còn có một vị thầy giáo khác nữa, có thói quen những khi đọc sách, thỉnh thoảng xé toạc một số trang trong quyển sách ấy, gấp lại ngay ngắn bỏ vào túi, về nhà ông lại mở ra, xếp vào một quyển sổ riêng. Phần còn lại, ông vứt. Vứt thật!

Gần đây tôi cũng biết nhiều bạn ở Việt Nam có dịp sang Mỹ, do thân hữu tặng hoặc mua từ nhà sách về, những quyển sách mình thích, đọc vội vàng, rồi cũng như vị thầy giáo kia, xé toạc những trang có thông tin cần, giấu đâu đó cho dễ trong vali, mang về được trong nước. Sách nặng và cồng kềnh thì “vứt” lại!

Thuở còn đi học, ngồi cạnh tôi là một anh bạn giỏi toán và vật lý nhất lớp, sách của anh luôn luôn là những quyển sách nhàu, chi chít những dòng phụ chú do tự tay anh ghi lại. Gia đình nghèo, đông con, anh không đủ tiền để mua tập vở…

Lâu lắm rồi, một lần về Việt Nam, bạn tôi là một nhà văn, từ chối dẫn tôi về nhà của vợ chồng chơi để biết nơi biết chốn. Buồn một chút! Nhưng sau có người kể lại: “Nó ngại nhà không có chỗ để tiếp cậu, căn phòng bốn bề là kệ sách, chỉ còn đủ một khoảnh kê bốn chồng sách, trên đặt một tấm ván, là chỗ vợ chồng con nhỏ ngã lưng”.

Cũng vậy, có hôm nhà văn Viên Linh kể lại với tôi, bây giờ mỗi bận sang Virginia thăm chú Nguyễn Hữu Hiệu, đi trong nhà, phải lấy chân gạt gạt đống sách dưới đất mới có đường mà đi, nhà chú toàn sách.

Bấy giờ, dù có một quan niệm xã hội khoa bảng, chung chung cho thái độ quý trọng sách, nhưng không có một thái độ chỉ nhìn vào những quyển sách, để đánh giá ai quý sách hơn ai!

Tất nhiên, ở đây tôi không bàn đến chuyện nhảm của cô cậu nào đó, dùng sách kê chân ghế cho một chương trình truyền hình thời XHCN. Nhưng tôi biết rất rõ một điều, sau tháng Tư 1975 cho đến tận bây giờ, biết đâu, vẫn có rất nhiều gia đình Việt Nam phải lâm cảnh “đốt sách”, và người cầm bút chân chính Việt Nam phải lót sách, kê ván mà nằm.

Giữa thời đại vi tính, khái niệm tác phẩm đang dần dà thay đổi, hoặc đã thay đổi. Một nhà văn có thể không có tác phẩm in, nhưng có nhiều trước tác online. Ở đây chúng ta đang bàn đến tác phẩm chứ không phải vớ vẩn là chuyện cái bìa cứng có kẹp xấp giấy ở giữa. Cũng vậy, một nhà văn đích thực thì không cậy sự khổng lồ như quyển thi vân kỷ lục, hay phải là thành viên của Hội Nhà Văn Việt Nam thì mới có thể sáng tác được. Ý nghĩa thiết cốt của sáng tác, trước hết, anh phải hoàn toàn tự do.

Ngay khi viết mà bị chế độ độc tài cầm tù, một nhà văn đích thực, vẫn tự cảm thấy mình tự do viết…

Ngày 8 tháng Năm, 2015
UYÊN NGUYÊN ( nguồn Uyên Nguyên’s blog)

Transformed-Books3__700-460x250

 

Mấy lời Tương Tri cùng Chị,

tuongtri1-970-460x250

UYÊN NGUYÊN

Mấy lời Tương Tri cùng Chị,

nhà văn Tôn Nữ Thu Dung

 

1.

Chị gởi cho bộ TƯƠNG TRI, số đầu tiên cho đến số mới nhất, mình mang về mà không đọc vội. Ở trong đó có rất nhiều điều cần phải đọc, mới và cũ, của nhiều tác giả tên quen hoặc chưa quen. Nhưng lúc nhận được quyển báo trên tay, mình đoan chắc một điều, TƯƠNG TRI là tâm huyết cả đời của Chị. Thấy Thương!

Vậy thì, đã Hiểu nhau chưa!?

2.

Nguyệt san vào đời trong tâm thể đó – TƯƠNG TRI – để những bạn văn, và những ai yêu, dù có ra đi hoặc ở lại, vẫn tìm thấy nhau trong nỗi điêu tàn của những thân phận đan, níu, không rời – Quê Hương, Con Người, Văn Vật – trải thêm một ngày, là một ngày trở thành di sản. Cái Di Sản Việt Nam sau mấy độ phong ba, nằm trong một Tiếng Nói. Bấy giờ dù được bày tỏ dưới hình thức nào – là tiếng khóc – như một lần nhà văn Viên Linh nói, vì tiên liệu có một cuộc trùng phùng mai sau:

Sanh ở đâu mà giạt bốn phương

trăm con cười nói tiếng trăm giòng

ngày mai nếu trở về quê cũ

hy vọng ta còn tiếng khóc chung.

– Viên Linh – Dư Tập, Thủy Mộ Quan

TƯƠNG TRI vào đời, trước hết, bằng tâm thể lắng nghe, và chỉ cần lắng nghe thôi, cũng đủ dâng niềm hạnh phúc cho người, và vơi đi những nỗi buồn cho người.

1. NGHE

Phong ba lắm nỗi điêu tàn

Xẻ đàn tan nghé bạt ngàn tồn vong

Bao năm vỡ tổ phiêu bồng

Tha phương lạc xứ kẻ còn người không

Nay nghe tương hợp ấm nồng …

2. ĐẬM

Pha chi nhân thế lắm màu ?

Ta còn nguyên đó cơ cầu tích xưa

Đuổi chi phù ảo cợt đùa ?

Đốt trầm hương cũ gom mùa hạt rơi

May ra còn chữ với đời …

3. MÙI

Hoa cau nở ngát vườn cau

Mộng em hàm tiếu thẹn chào trẩy xuân

Trời thật cao. Đất đủ gần

Đã nghe thơm ngát nụ tân nương rồi

Về đây góp hạt buồn vui.

4. TƯƠNG

Sáo rừng hót giọng xa khôn

Con quốc nhớ nước kêu non thiệt buồn

Người dưng khác họ ngàn phương

Tiếng lòng trăm mối nghe dường đậm sâu

Vườn đây, gieo hạt đủ màu…

5. TRI

Tương giang ai vĩ, ai đầu ?

Chỉ đôi câu chữ bỗng đâu hiểu người

Thì ra trong cuộc rong chơi

Đã từng tri ngộ lớp người, vai ta

Lớp, vai nào cũng rồi qua …

– Chu Thụy Nguyên, Dăm Nụ Lục Bát rêu,

thân tặng Quý Anh Chị Em đến cùng Tương Tri

Bài trang đầu tiên, số nguyệt san Tương Tri đầu tiên

3.

Nếu chuộng những điều gì mới, thì cái mới nào rồi cũng thành cũ. Nhưng cái cũ nào ở lại lâu với chúng ta, thì luôn mới, mình nghĩ vậy! Nên đến với nghệ thuật nói chung hay văn chương nói riêng, mình thích cái mới, nhưng đồng thời vẫn yêu những giá trị cũ. TƯƠNG TRI có cả hai điều đó, như lời nhà văn Phạm Quốc Bảo nhận xét.

Mấy lời tâm phúc ruột rà

tương tri dường ấy mới là tương tri

– Nguyễn Du

31 tháng 8, 2013

UYÊN NGUYÊN