Chúc mừng Thư Quán Bản Thảo 17 tuổi

Thư Quán Bản Thảo chào đời vào tháng 9/2001, cùng năm và tháng với sự kiện khủng bố 911. Dịp này bọn khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda đã cướp tổng cộng 4 máy bay: hai chiếc đâm vào hai ngọn tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York, chiếc máy bay thứ ba nhằm vào Ngũ Giác Đài ngay bên ngoài Washington D.C., và chiếc máy bay thứ tư bị rơi trên một cánh đồng ở Pennsylvania. Sự kiện này đã làm rúng động toàn thể nước Mỹ cũng như thế giới.

Tôi tin rằng Thư Quán Bản Thảo (TQBT) cũng đã làm rúng động giới văn chương Việt Nam trong nước và hải ngoại khi hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã ráng trụ và lèo lái tờ tạp chí này trong suốt 17 năm qua để ngày một thêm khởi sắc và vẫn giữ được chủ trương từ những ngày đầu. Từ bấy đến nay thoáng chốc đã 17 năm trôi qua và bây giờ TQBT đang bước vào năm thứ 18.

Ngày ấy hai anh đã tập họp một số thân hữu “cùng một lứa bên trời lận đận” để cho ra đời TQBT, mà trong số tháng 11/2001 có nhắc đến:
“Mục đích là giữ gìn và phổ biến những sáng tác của bạn bè thân hữu và những người làm văn học nghệ thuật của miền Nam trước 1975. Họ đã bị quên lãng. 25 năm qua, quá lâu, quá dài, để nói một lời tạ lỗi và cám ơn của chúng tôi. Về những giữ gìn của họ, về khí phách của họ, nhọc nhằn của họ, để văn chương miền Nam ngày nào không bị đồng hóa và lai hóa.” (*)

Ngoài những thành quả của những năm trước như đã giới thiệu các tạp chí văn học nghệ thuật cũng như các tác giả của văn chương miền Nam trước năm 1975. Như các tạp chí Ý Thức, Trước Mặt, Bách Khoa, Văn, Sáng Tạo, Khởi Hành, Trình Bầy, Hiện Đại, Nghệ Thuật, Mai, Văn Học, Văn Hóa Nguyệt San, Tình Thương. Về các tác giả có thể kể: Y Uyên, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Bắc Sơn, Võ Hồng, Vũ Hữu Định, Hoài Khanh, Nguyễn Nho Sa Mạc, Phan Nhự Thức, Từ Thế Mộng, Trần Dzạ Lữ, Lê Văn Trung, Khuất Đẩu, Thảo Trường, Doãn Dân, Luân Hoán, Lâm Vị Thủy, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Thị Thanh Sâm, Khoa Hữu, Nh Tay Ngàn, Dương Nghiễm Mậu, Phạm Ngọc Lư, Phùng Thăng, Hoàng Ngọc Hiển…

Trong năm vừa qua, TQBT đã giới thiệu thêm 4 tác giả: Lữ Quỳnh, Triều Sơn, Trần Hoài Thư và Cao Đông Khánh cùng tạp chí Giữ Thơm Quê Mẹ. Đặc biệt là tác giả Triều Sơn cùng tác phẩm Nuôi Sẹo và tác giả Cao Đông Khánh. Nhà văn Triều Sơn đã qua đời từ khi còn rất trẻ – 33 tuổi – và tiểu thuyết Nuôi Sẹo của ông còn ở dạng bản thảo đã được đăng từng kỳ trên báo Tình Thương (TT) của sinh viên Đại Học Y Khoa Saigon. Nhưng đăng chưa hết thì báo TT đã bị đình bản và bản thảo duy nhất viết tay ấy nay đã bị thất lạc. Nhờ một thân hữu giúp mượn 29 số báo TT từ thư viện đại học Cornell qua interloan library mà TQBT đã đánh máy lại và giới thiệu được phần tác phẩm đã đi trên TT. Còn nhà thơ Cao Đông Khánh đã mất từ năm 2000. Năm 2001 tạp chí Văn Học kêu gọi bạn bè đóng góp bài vở để thực hiện số chủ đề “Tưởng Niệm Cao Đông Khánh” nhưng không thành công. Với sự giúp đỡ của anh Tô Thẩm Huy cùng những thân hữu khác, hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn đã thực hiện được một số báo kể là rất “gai góc”, như trường hợp số báo chủ đề về nữ sĩ Phùng Thăng. Còn hạnh phúc nào hơn?

Nhắc đến TQBT, không thể không nhắc tới chị Nguyễn Ngọc Yến, hiền thê của anh Trần Hoài Thư, người đã cùng anh lặn lội đến những thư viện Cornelle và Yale của Hoa Kỳ để sưu tầm di sản văn chương miền Nam đã bị ngọn lửa lịch sử oan khiên đốt sạch tại quê nhà.

Chỉ là yêu một bài văn
Mà tay chị lật một trang sử đời
Đến khi yêu dấu một người
Là yêu người của một thời chiến chinh
Là bao gian khổ hy sinh
Chia ly, tù ngục, điêu linh, nhọc nhằn
Là năm và tháng gian nan
Âm thầm, son sắt, tảo tần, thủy chung
Nắng mưa bão tuyết chia cùng
Chị – người chiến hữu của Trần Hoài Thư
(Lãm Thúy – Đau lòng lắm chị Yến ơi!)

Hai bộ văn thơ miền Nam dày mấy ngàn trang là hai bộ sách rất quý đã được giới trẻ trong nước dùng làm tài liệu để viết những luận án về Văn chương miền Nam trước 1975. Chị cũng là người ngoài việc nội trợ trong gia đình, đã giúp anh khâu bằng chỉ những cuốn sách dày cả ngàn trang, phụ khiêng những thùng giấy, viết địa chỉ, bỏ sách báo vào phong bì, dán tem… Một cánh tay mặt rất đắc lực của anh. Vậy mà sau cơn đột quỵ vào cuối năm 2012, nghĩa là đã gần 6 năm, một mình anh phải cáng đáng mọi việc, từ việc nhà, săn sóc và nấu ăn cho chị Yến cũng như lo cho TQBT.

Vậy mà em bỏ đi xa
Bỏ ngôi nhà, bỏ buồng thờ, đèn nhang
Em đi để nhận đoạn trường
Xe lăn định mệnh, chiếc giường nghiệp oan

Hay là em chuộc giùm chồng
Như xưa Chúa đã chuộc giùm thế gian?
(Trích từ tập thơ VỊN VÀO LỤC BÁT của Trần Hoài Thư
Thư Ấn Quán xuất bản, tháng 7-2017)

Năm vừa qua, sức khỏe của chị ngày một xấu hơn. Đầu óc chị không còn minh mẫn như xưa. Nhưng may mắn là chị vẫn còn nhận ra anh. Những món ăn anh nấu chị thích thì có khi bây giờ chị không đụng tới. Thương lắm! Anh cứ phải lên mạng để tìm kiếm nấu những món ăn thích hợp với khẩu vị của chị. Hôm nào chị ăn hết anh vui mừng như đứa trẻ được quà. Còn những hôm chị không chịu ăn anh lại buồn rười rượi… Ngoài ra, bệnh Gout thỉnh thoảng lại hành hạ khiến anh có khi không “lết” nổi. Vậy mà TQBT vẫn ra đều đều cứ mỗi 2 hoặc 3 tháng. Chưa kể những cuốn văn thơ phụ bản anh làm giúp thân hữu. Có thể nói tập thơ “Thu Hoang Đường” của Lê Văn Trung với bìa in nổi tuyệt đẹp, ai cũng phải trầm trồ.

Anh Phạm văn Nhàn cũng thế. Anh bị đau chân và hiện giờ cũng đang chăm sóc chị Thu, vợ anh, bị bệnh.

Tình cảnh của hai người trụ cột như thế nên TQBT còn sống được đến hôm nay là một phép mầu.

Cầu mong mọi sự an lành sẽ đến với hai anh cùng hai chị để hai anh có thể tiếp tục con đường mà hai anh đã chọn. Mong TQBT sẽ mãi là một mái nhà để anh em cầm bút chia sẻ những sáng tác mới, là nơi gìn giữ di sản văn chương miền Nam và luôn được bạn đọc yêu thương, ủng hộ.

Trần thị Nguyệt Mai
12.8.2018

(*) trích từ tạp bút “Có một thời như vậy” của Cao Vị Khanh

—-

Kính viếng hương linh nhà thơ Phạm văn Bình *

Giờ anh đã đi thật xa
Mười hai tháng, chẳng tháng nào còn anh
Ngày ấy từ thuở chiến tranh
Bốn vùng chiến thuật bước chân chẳng ngừng
Anh đi gìn giữ quê hương
Cho hoa tự do nở trên đường thắm tươi
Một ngày vật đổi sao dời
Anh vào tù gánh nặng đời gian nan
Qua rồi khổ ải lầm than
Đến vùng đất mới ủi an tuổi già
Giờ thì anh đã thật xa
Mong anh yên nghỉ hiền hòa trời mây…

Trần thị Nguyệt Mai
12.8.2018

(*) Tác giả bài thơ “Mười hai tháng anh đi”

Advertisement

Chúc Mừng Sinh Nhật Thư Quán Bản Thảo

 

 

 

Tạp chí Thư Quán Bản Thảo (TQBT) ra đời vào tháng 9/2001. Năm nay là tròn 16 tuổi, với 76 số báo đã được phát hành. Một chặng đường thật dài và lắm gian nan, về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng với quyết tâm khôi phục lại di sản văn chương miền Nam một thời lừng lẫy, nhân bản, các anh Trần Hoài Thư, Phạm Văn Nhàn cùng nhóm chủ trương đã cho ra đời những số báo mà tưởng chừng như không thể thực hiện, nhất là đối với một tạp chí không bán, không nhận quảng cáo như TQBT. Tiếp theo 71 số báo của lần sinh nhật năm ngoái, đến nay TQBT đã phát hành thêm được 5 số báo (kể cả số báo này bạn đang có trên tay).

 

72: Giới thiệu tạp chí Văn Học (1962 – 1975)

73: Giới thiệu tạp chí “di cư” Văn Hóa Nguyệt San (1952 – 1974)

74: Báo sinh viên và Nguyệt san Tình Thương

75: Những số báo văn học cuối cùng của miền Nam

76: Nhà văn Lữ Quỳnh

 

Mỗi một số báo với nội dung cực kỳ phong phú, có một không hai, đưa người đọc trở về với nền văn chương tự do, nhân bản của miền Nam trước năm 1975. Anh Trần Hoài Thư viết lại hành trình của từng tạp chí để người đọc có một cái nhìn tổng quát, giới thiệu những bài viết tiêu biểu và những “bút chiến”, nếu có, của từng thời kỳ mà hiện giờ nếu anh không nhắc, có lẽ mọi người đã quên hoặc cũng chẳng biết. Như vụ Văn Học khai chiến với Văn năm 1966, Duyên Anh làm sập tiệm “Quét Sân Đình” của Văn (TQBT số 72). Đặc biệt số báo Văn Học này có bài phỏng vấn dịch giả Nguyễn Minh Hoàng của Ngọc Bút, một thân hữu của TQBT ở VN, đã làm sáng tỏ ai thật sự là “Mõ Làng Văn” làm cho Duyên Anh nổi giận.

 

Ngoài ra, những hồi ức văn học thật quý giá như bài viết của Nguyễn Hoàng Lưu “Đọc ‘Cõi Đá Vàng’ của Nguyễn Thị Thanh Sâm”, Phùng Quán “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” viết về nhân vật Trần trong tiểu thuyết “Cõi Đá Vàng” càng làm cho ta hiểu rõ nhân vật này hơn để càng thương cảm cho số phận của một chiến sĩ / nghệ sĩ với trái tim nhân bản không có chỗ dung thân trong guồng máy cộng sản. Và để càng xót thương hơn cho một nhân vật được nhắc đến trong truyện, là người phụ nữ yêu nước bất chấp nguy hiểm băng qua lửa đạn về với bộ đội tình nguyện làm “chị nuôi”, để phải chết thê thảm đau đớn quằn quại khi 3 mũi tên tẩm thuốc độc thử nghiệm bắn vào bụng vào ngực nhưng không chết, nên giãy giụa, la thét thảm thiết khiến người lính thi hành bản án này trong cơn hoảng loạn đã dùng “dao găm đâm tới tấp vào ngực của nạn nhân để kết thúc”. Còn gì man rợ cho bằng! Có thua chi những hình phạt thời Trung Cổ?

 

TQBT 73 giới thiệu Tạp Chí Văn Hóa của Bộ Giáo Dục VNCH với nhiều bài vở nghiên cứu văn hóa giá trị mà trước đây chỉ lưu hành nội bộ, không được bày bán ở các sạp báo. Với khuôn khổ tờ báo giới hạn, anh THT đã cố gắng đưa vào những bài viết giá trị mà khi tìm trên mạng hoặc không có, hoặc có nhưng thiếu sót nội dung hay tên tác giả… như Văn Hóa Đình Làng của Nguyễn Đình Thục, Giai thoại về văn học và lịch sử của Phạm-Nguyễn Du tiên sinh của Hồng Liên Lê Xuân Giáo, Lịch sử và giai thoại bưu trạm Việt Nam của Hương Giang, …

 

Đặc biệt TQBT 74 với chủ đề Báo Sinh Viên & Nguyệt San Tình Thương, khởi đầu chỉ với một số báo “Tình Thương” do nhà văn/ bác sĩ Ngô Thế Vinh gửi tặng. Sau đó, một thân hữu đang làm việc tại một thư viện ở Florida đã giúp mượn giùm 27 số Tình Thương từ thư viện Cornell (theo cách Interlibrary loan với lệ phí khá cao cộng phí chuyên chở qua hai địa chỉ để đến được tòa soạn TQBT), anh đã thực hiện được một số báo mà chắc chắn các bác sĩ từng là sinh viên của Đại Học Y Khoa Saigon xưa đã rất bồi hồi cảm động khi cầm nó trên tay. Không bồi hồi sao được khi đọc lại bài thơ tình của cô nữ sinh 17 tuổi hoa khôi trường Thoại Ngọc Hầu (Long Xuyên) Lý Thị Kim Xương một thời là đề tài cho các anh thích thú bàn luận đến nỗi có anh đã thuộc lòng và vẫn còn nhớ sau gần nửa thế kỷ! Thêm vào đó, TQBT còn sưu tập được ảnh chân dung của cô nữa. Hay những bài thơ nhập cuộc của Đỗ Nghê mà đến bây giờ đọc lại vẫn như còn mới toanh:

 

nếu các con còn nhớ
đã cùng sinh ra trong một bọc
thì hãy nghe ta

 

đốt hết sách vở, xé hết cờ xí đi

rồi đứng ôm nhau mà khóc
nước mắt sẽ làm tươi lại cỏ cây
nước mắt sẽ làm phì nhiêu mảnh đất

 

hãy tha thứ cho nhau – tha thứ hết
rồi nắm tay cùng gầy dựng lại quê hương
vì lỗi lầm này nào phải bởi các con

(Đỗ Nghê – Tâm Sự Lạc Long Quân)

 

Phải nhờ số báo này, độc giả ngày nay mới có dịp nhìn lại để thấy Tình Thương là tờ báo của những trí thức trẻ, những bác sĩ tương lai nhập cuộc và dấn thân, “đối lập” với chính quyền lúc đó vì yêu nước, chỉ trích những cái không hay để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, bằng cớ là khi ra trường các anh đã chọn những binh chủng “dữ dằn” để đầu quân, như Thủy Quân Lục Chiến (Trần Xuân Dũng, Phạm Đình Vy), Nhảy Dù (Nghiêm Sỹ Tuấn), Biệt Cách Dù (Ngô Thế Vinh), …

 

TQBT 75 giới thiệu những số báo văn học cuối cùng của miền Nam phát hành trong tháng 3 & 4/1975 với ba tạp chí tiêu biểu Bách Khoa, Văn và Thời Tập. Những bài phỏng vấn nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn nói về Ban Mê Thuột, Huế, Qui Nhơn, Cam Ranh và cuộc di tản đau thương, hay trang Sinh Hoạt “Ai còn ai mất…” của Thu Thủy (Võ Phiến) trên Bách Khoa, hoặc những trang Nhật Ký của Mai Thảo và mục Sinh hoạt Văn nghệ trên Văn và đặc biệt Thời Tập với Văn Chương trước tình thế mới, mục Quanh Bàn Viết với Một Lời của Dương Nghiễm Mậu; cũng như những sáng tác văn chương đi trên những số này như  Cơn Sốt (Tô Loan), Ngoài Bãi (Trùng Dương), Mùa Sẽ Còn Dài (Mường Mán), Thị Trấn Cà Phê Hoa (Trần Hoài Thư), hay những bài thơ của Nh. Tay Ngàn, Tạ Hiền, Kim Tuấn, Đặng Phú Phong, Trần Dzạ Lữ, Trần Văn Nghĩa, Viên Linh, Nguyễn Đình Huy, Hồ Minh Dũng, Viễn Di, v.v… là những sưu tập rất quý khi nhìn về quá khứ. Đó là lần gần nhất (cũng đã hơn 40 năm) chúng ta còn có văn chương tự do nhân bản, người cầm bút không phải bẻ cong ngòi viết của mình, không phải “vừa viết vừa lách” để có được tác phẩm xuất bản trong nước.

 

Kể ra đây để thấy những tâm huyết rất lớn, những nỗ lực rất đáng trân trọng của hai anh Trần Hoài Thư và Phạm Văn Nhàn. Khi tờ báo ra đời cách đây 16 năm, các anh đã bước vào tuổi 60, đã “ê mình” trong cuộc vật lộn áo cơm ở vùng đất mới sau những tháng năm bị đầy đọa trong những trại tù cải tạo mà nhà văn Ngô Thế Vinh đã so sánh: “Không khác với các trang sách viết của Solzhenitsyn về Gulag Archipelago nhưng là Made in Vietnam, tinh vi hơn với phần học thêm được cái ác từ Trung Quốc.” (*)  Nhưng các anh đã cố gắng khôi phục lại Di Sản Văn Chương Miền Nam để chứng tỏ với mọi người, trong cũng như ngoài nước, là trong 20 năm ngắn ngủi ấy miền Nam đã xây dựng được một nền văn học nhân bản, đẹp và rực rỡ như thế đó; chứ không như bên thắng cuộc đã tuyên truyền khi ra tay phần thư sau tháng 4/1975, cho đó là những sách báo phản động, đồi trụy, nọc độc, tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ Ngụy (sic) tại miền Nam.

 

Theo như bài phỏng vấn gần đây trên trang văn học nghệ thuật Phạm Cao Hoàng, anh THT cho biết đã hai lần suýt chết trên đường lái xe đến thư viện Cornell vì trời bão tuyết. Và ngày đó anh còn có chị Yến, người vợ yêu quý, một trợ thủ đắc lực của chồng, ngoài nhiệm vụ nội trợ trong nhà, đã luôn giúp anh lái xe trên đường đến những thư viện Mỹ sưu tầm sách báo. Hoặc phụ anh may từng tập sách, bỏ báo vào phong bì, ghi tên người nhận, … Thế mà đã gần 5 năm nay, sau trận đột quỵ tháng 12/2012, chị đã nằm một chỗ, để anh mất đi một chỗ dựa thật cần thiết:

 

Vậy mà em bỏ đi xa

Bỏ ngôi nhà, bỏ buồng thờ, đèn nhang

Em đi để nhận đoạn trường

Xe lăn định mệnh, chiếc giường nghiệp oan

 

Hay là em chuộc giùm chồng

Như xưa Chúa đã chuộc giùm thế gian?

(Trần Hoài Thư – Vịn em)

 

Những bài viết của anh về chị trong thời gian này thật xót xa, cứa thấu tâm can người đọc. Như bài gần đây nhất trong TQBT 75 – tháng 6/2017, anh kể:

 

“Càng ngày tôi càng chạm trán với những sự thật không ngờ, hay không thể tưởng tượng nổi xảy ra cho Y… Hậu quả của bệnh “đột quị” thật khủng khiếp. Nhìn người bệnh nằm trên giường, mền drap vung vãi, chơ vơ hai cái chân khẳng khiu, tôi không thể nào không chảy nước mắt. Sao tuổi già của chúng tôi lại buồn quá đỗi như thế này. Tôi đắp lại mền trên ngực Y., sửa lại ngay ngắn tấm drap và chuẩn bị cho Y. ăn. Tôi lại bắt đầu nghe những lời nói sảng, và phải trả lời những câu hỏi đầy mê sảng đó. Với cả cõi lòng tan nát…

 

Ở bên giường bệnh, lòng tôi rướm máu, thì về nhà tôi lại chạm vào một hình phạt khác. Đó là nỗi cô độc rợn người, bắt tôi muốn điên khùng.Căn nhà đầy những di vật của người bệnh chẳng khác một bảo tàng viện. Chúng bao vây tôi bắt tôi phải nghĩ ngợi. Muốn nhắm mắt mà sao mắt cứ như thấy một người bệnh nằm trên giường, với tiếng la gào thất thanh khi người bệnh bị những lằn sét định mệnh bủa xuống đầu óc. Những lời nói mê sảng không còn từ cửa miệng của một con người dù cái thân thể vẫn có tứ chi vẫn có đầu mình vóc dáng con người. Những lời nói không còn có thuốc chữa trị, mê cuồng, như đánh thốc vào đầu tôi, cứa vào tim tôi. Để tôi phải ôm mặt. Tôi phải làm gì để cứu lấy Y.? Tôi phải làm gì để cứu lấy tôi?”

(Trần Hoài Thư – Nửa đêm)

 

Ngoài ra, còn thêm căn bệnh Gout hành hạ chân anh đau nhức khủng khiếp, nhưng anh vẫn gắng nấu cơm đem vô nhà thương ngày hai lần cho chị:

 

Bước lên bước xuống bực thềm

Chân lê tay vịn bù đền trúc mai

Bước lên tay vịn lê giày

Bước xuống nhăn mặt mồ cha mày đồ Gout

Muốn ký phép, nghỉ giải lao

Nhưng thương bà xã không người nấu ăn

(Trần Hoài Thư – Tam cấp ở Ashbrook Nursing Home)

 

Và anh vẫn gắng ra TQBT đều đặn đảm nhiệm từ A đến Z công việc của một ông chủ lẫn người thợ trong khâu xuất bản và phát hành sách, với sự đồng hành của anh Phạm Văn Nhàn, người bạn cố tri hơn 50 năm nay, từ thuở hai anh là lính đóng ở Quy Nhơn với bao kỷ niệm vui buồn… Ấy là chưa kể những phụ bản đặc biệt gần đây như tập thơ Đan Tâm và tập truyện ngắn Sợi Khói Bay Vòng của Phạm Ngọc Lư, những số Văn, Thời Tập, Tình Thương, Văn Hóa Nguyệt San… khi có bạn đọc yêu cầu.

 

Chúc mừng TQBT vững bước trên con đường đã định, luôn được độc giả yêu thương, ủng hộ. Cầu mong hai anh “chân cứng đá mềm” vượt qua những khó khăn, trở ngại để đưa tờ báo đến với bằng hữu, với những ai còn quan tâm đến Di Sản Văn Chương Miền Nam cho những thế hệ tiếp nối…

 

Trần Thị Nguyệt Mai

28.7.2017

 

——-

 

(*) Ngô Thế Vinh: Tìm lại thời gian đã mất – Tưởng nhớ một vị danh sư: Giáo sư Y khoa Phạm Biểu Tâm.

 

(Nguồn: Thư Quán Bản Thảo – tháng 9/2017)

Nguyễn Thị Khánh Minh, Người Nối Đường Tơ…

 

 tranthinguyetmai

Ở cuối mỗi điện thư, chị thường ký tắt km, chữ nhỏ, không hoa. Là “khánh minh”. Ai cũng hiểu như vậy. Nhưng bỗng một hôm anh Đỗ Hồng Ngọc khám phá ra: km là kí-lô mét.

khánh minh viết tên mình

km khiêm tốn

thư từ bè bạn

nhiều lúc đọc nhầm

thành kilomet

nhiều lúc hỏi thầm

từ đây đến đó

bao nhiêu khánh minh?

(km – đỗ hồng ngọc)

Khám phá này thật hay và cũng thật đúng với “tên” của chị nữa. Vì, bằng trái tim mẫn cảm và ngòi bút thơ mộng, chị đã như một gạch nối đưa thơ văn vào trong tim người đọc với những bài giới thiệu thật đặc sắc. Và, hẳn nhiên, tác giả rất cảm động vì được chia sẻ. Như là: “Nguyễn Lương Vỵ, người thơ hát âm”, “Bất chợt thơ Nguyễn Xuân Thiệp. Và gió…”, “Du Tử Lê, dòng sông hẹn hò biển cả”, “Lữ  Quỳnh, Thơ. Và con mắt của giấc mơ”, “Lữ Kiều, chàng lãng tử của thời gian”, “Khuất Đẩu. Và cõi đẹp”, “Phan Tấn Hải. Người Tới Như Mộng”, “Lê Giang Trần. Chiếc vòng kim cô nhớ”, “Vũ Hoàng Thư. Hạt Nắng Phiêu Du”, “Hoàng Xuân Sơn. Quỳnh ơi, hồn nhiên một đóa…”, “Ngoại chờ bên kia sông”, “Trịnh Y Thư, lắng nghe hài cỏ”, “Nguyên Minh, chân kiến dặm trường”, … [1]

Nhớ có lần anh Khuất Đẩu nhờ giới thiệu sách của anh trên blog TTNM theo mẫu do Tương Tri thực hiện, nhưng tôi đi bằng một bài viết của chị như sau:

Sau khi đọc bài điểm sách “Khuất Đẩu. Và Cõi Đẹp” của nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, một số bạn muốn tìm đọc nên viết thư hỏi địa chỉ mua sách… [2]

E nhà văn không hài lòng, tôi hỏi lại cho chắc: “Nếu cần sửa đổi gì xin anh cho em hay…”

Tôi đã thật vui khi nhận thư trả lời:

Nguyệt Mai ơi,

Như vầy là quá chu đáo rồi. Bài viết của KM có bút lực rất lôi cuốn, không cần thêm lời giới thiệu của TT.

(trích điện thư riêng ngày 12/2/2016)

Anh Tô Thẩm Huy (người giữ mục “Đùa Với Đường Thi” trên tạp chí Văn Học trước đây, ký tên là Đàn Bách Kiếm) đã nhận xét về bài viết “Ngoại chờ bên kia sông” của chị, cảm nhận từ bài thơ “Bông Hồng Cho Mẹ” của Đỗ Hồng Ngọc, như sau:

Tôi không biết Nguyễn Thị Khánh Minh thân, sơ với anh thế nào, nhưng rõ ràng là chị đã cảm bài thơ của anh đến vô cùng, đến “tận cùng của đẹp”, tận cùng của ý nghĩa sinh tử kiếp người, không khởi đầu, không chấm dứt. Thời gian tan biến mất. Thơ tuyệt, mà người cảm thơ cũng quá tuyệt. Anh thật là người may mắn có được người đồng điệu như thế.

(trích điện thư của anh Tô Thẩm Huy gửi bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc)  [3]

Vì chị cũng là thi sĩ, nên văn chị đẹp tựa thơ. Tôi yêu từ những trang đầu tiên của “Bóng bay gió ơi”, tập tản văn gần đây nhất của chị,

Nhắm mắt lại, phút này đây.

… nghe được hương trâm trâm bên vệ đường rầy xe lửa về quê nội, ai biết được mầu lấm tấm ngũ sắc kia đã cấy trong tôi mùi quyến luyến quê nhà đến vậy. Hễ chìm vào là nghe tiếng xe lửa xập xình, ánh nhìn cô gái nhỏ chạy lùi theo những hình ảnh vụt qua, bụi cây, ngọn núi, chiếc cầu nhỏ, những ô lúa xanh và con mương ốm chạy ngoằn ngoèo theo bờ ruộng…

 Tôi đã theo chị “Bồng bềnh quê nhà” để cảm nhận được:

… mùi đất bùn khô dưới nắng, phải là nắng buổi trưa oi nồng, mùi lá tre, mùi cỏ bên vệ đường, mùi đống rơm trong sân gạch nhà và đặc biệt mùi phân trâu bò trên đường đất, quyện vào trong  gió tre, bạn ơi tôi mong là bạn cũng đã từng ngửi thấy để có thể chia sẻ cùng tôi vì tôi không biết diễn tả thế nào, tôi gọi đó là mùi nhà quê, với tất cả thương yêu gắn bó mà tôi có được với nó…

 Rồi đi vào “Mái ấm”:

Chỉ cần cúi xuống bên cái võng thong thả theo nắng buổi sáng là có thể hái trong tay chiếc lá nham nhám, hương ngái của lá và hoa như chiếc thuyền thả tôi trôi về quê nội, hai bên đường hoa chùm bao phủ trắng xen lẫn sắc trâm trâm

Đến “Mưa nắng thềm nhà”:

Buổi sớm, trong yên lặng trầm, mọi thứ chuyển động nhẹ nhàng theo từng nhịp ánh sáng, lòng tôi cũng vậy, nhẹ bẫng, và như bay cao, không phải cái vụt lên ngẩn ngơ của một trái bóng tuột khỏi tay cầm, mà là cái lồng lộng của con diều còn có một sợi dây nối với một bàn tay. Có phải đó là cảm giác của lâng lâng trong khí trời chưa rối bởi muôn  thứ âm thanh?

Qua “Đáy đĩa mùa đi”, từ Hạ:

… Lộng ngát trời hè xứ lạ những đám mây ngày cũ êm đềm trôi về, làm tôi thấy yên lòng, lẫn một chút nôn nao của những gắn bó vừa nhú sợi rễ non

tới Thu:

Trời ạ, gió và lá vàng, nó góp thêm vào ký ức hai mùa nắng mưa ngày xưa của tôi tiếng lăn giòn của lá khô, màu lá ruộm vàng nắng thu. Cái se lạnh chiều Calif. lăn tăn da thịt làm tôi tơ tưởng tiếng gió heo may Hà Nội và vốc cốm xanh rức trên tấm lá sen, chênh vênh những con đường phố cổ đang chờ tôi gõ bước chân hẹn hò, dường như mình đã có một ước hẹn với mùa thu nơi ấy?

rồi Đông:

Mùa Đông là một dấu chấm lửng lơ quyến rũ, từng bước đi đến điểm khép lại, cùng lúc mở ra lung linh nhịp hội hè cuối năm. Và cứ rơi vào điểm kết sổ này là ký ức lại đẩy đưa… Và, có phải người, trong bất ngờ một nhịp lẫy của thời gian, gửi tới mùa đông này vạt gió tơ lụa, ẩn mật một lời hẹn?

và vào Xuân:

Có một niềm vui mà tôi phải chia để thấm hết nỗi đầy, cuối năm của tôi đã được khép lại trong tiếng khóc đầu tiên của bé cháu gái, cái chớp mắt chào đời của bé như thể tôi vừa được mở ra một tấm thiệp đẹp đẽ nhất của đất trời với những lời chúc phúc, một trang mới tinh khôi, tràn trề nhịp chảy sinh động của dòng sống, rồi tôi sẽ có những chữ lần theo cái lật cái bò cái lẫm chẫm bước đi non tơ ấy… Tiếng oa oa như nắng trên cao đang vỡ ra trong ban mai tín hiệu của ấm áp, có phải cả hải hà đang tao nôi hạnh phúc ta không, bé bỏng ơi…

 Hãy đọc đi bạn ơi, đọc cho hết cuốn tản văn này, theo cùng tác giả lần về những kỷ niệm, những ngày tháng cũ quá đỗi dấu yêu, có khúc vui, khúc buồn, khúc cô quạnh, khúc sâu lắng… Nhưng, dù như thế nào, đến cuối đất cùng trời ta cũng chẳng thể quên:

Đã hẹn đã hò, cũng ước cũng thề, thì dẫu con đường có dài, thời gian có mịt mù thế nào đi nữa thì cũng có lúc chúng mình sẽ gặp lại, nói cho sâu lắng đá vàng hơn, thì chúng mình sẽ tái ngộ, nối lại một đường tơ lơ lửng…

 Cám ơn người thơ Nguyễn Thị Khánh Minh đã nối giùm một đường tơ mong manh hư ảo đẹp tuyệt vời để cho tôi có những phút giây tao ngộ hạnh phúc với kỷ niệm, với đất trời biển cả mưa nắng thuở nào ở quê nhà…

Trần Thị Nguyệt Mai

December 5, 2016

 

 

Ghi chú:

[1] Những bài này đã đi hoặc trong tản văn “Bóng bay gió ơi” hoặc trên các trang mạng văn chương.

Những chữ in nghiêng trong bài, nếu không dẫn nguồn, đều trích từ tập tản văn “Bóng bay gió ơi” của Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà xuất bản Sống phát hành năm 2015 tại Hoa Kỳ.

 

[2] Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2016/02/12/sach-truyen-cua-nha-van-khuat-dau/#more-17118

 

[3] Nguồn: http://www.dohongngoc.com/web/lom-bom-hoc-phat/nghi-tu-trai-tim-lom-bom-hoc-phat/ngoai-cho-ben-kia-song/

Tình cha mẹ

Trần Thị Nguyệt Mai

miro_joan-peinture_femme_se_poudrant

Joan Miró, femme se poudrant

Đề tài “Tình cha mẹ” là một đề tài rất xưa cũ và cũng là rất mới.

Bởi vì đã có rất nhiều thi văn nhạc sĩ đã viết về nó. Chúng ta đã nghe, đã đọc và cũng đã nhiều lần rơi lệ khi nghe những bài hát, cũng như khi đọc những áng văn thơ viết về đề tài này.

Từ những ngày càng nhỏ, chúng ta đã từng nghe bà, nghe mẹ hát ru:

Ầu ơ…

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con…

Những lời ru đó ngỡ sẽ như là những hạt bong bóng nước trôi đi nhanh chóng vào những ngày trời mưa. Nhưng không, nó đã ở lại trong tim của một cô bé Việt Nam sinh ra và lớn lên tại hải ngoại. Bất ngờ như một mùi hương thoang thoảng tỏa ra từ một khu vườn cổ tích… Cô đã làm cho Mẹ cô cảm động đến không ngờ vì chị chưa bao giờ có dịp giải thích với con về đạo hiếu, mà cháu đã hiểu được như vậy. Và cũng đã làm cho tôi chảy nước mắt khi đọc những lời tình nghĩa dễ thương và quý giá đó. Nhất là của một người con sinh ra và lớn lên ở một phương trời cách biệt quê hương nửa vòng trái đất!

Trong một bài tập làm thơ ở lớp, cô bé đã nhớ lời mẹ ru ngày xưa và ghi lại:

Sonnet 1

So tall, so strong, so right, and terribly old
With eyes that shine as wise as Athena’s bird
I came to you when times were dark and cold
Your warmth erased the hurt I had endured
You’ve raised me since I was a little girl
I will forever think of all you’ve taught
You give up so much to give to me the world
And for me you’d kill without a second thought
I’m older now and understand: In truth
You’re not that strong and only four feet ten
It’s now my turn to sacrifice for you
To fulfill the words our ancestors once penned

The famous final lines found in the song
Đó là: Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Vân Nguyễn Quỳnh-Hương

*The final line of the poem comes from the final line of a famous Vietnamese ca dao. There is no equivalent English term for the word ca dao; it is similar to a proverb structured as a short poem. The final line when translated in English is:

To complete the circle is to be a true son or daughter

The ca dao reminds us of our duty to care for our parents when they become too old to take care of themselves in return for all the care we received from them when we were too young to take care of ourselves. In essence, the ca dao tells us to complete the circle of filial piety.

Bài Thơ 14 Câu Cho Mẹ

Như chim Athena cao lớn và mạnh mẽ, (*)
Có đôi mắt sáng rực và khôn ngoan, là mẹ!
Khi con đến bên mẹ trong đêm tối và giá lạnh
Hơi ấm mẹ xóa tan nỗi đau con khóc chào đời
Mẹ đã nuôi con khi con còn là cô bé nhỏ
Con sẽ mãi khắc ghi trong lòng lời mẹ dạy
Tình mẹ hy sinh cho con cả thế giới này
Vì con, mẹ đã chôn kín những ước mơ xanh
Nay con đã lớn khôn và hiểu ra sự thật
Mẹ không mạnh mẽ và chẳng cao lớn hơn con!
Giờ sẽ đến phiên con đền đáp tình mẹ
Thực hiện những tôn chỉ của tổ tiên mình
Câu hát cho mẹ con tìm thấy trong lời mẹ ru
Ầu ơ … “Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”!

Nguyễn Diệu Tâm phỏng dịch.

*Chim Athena: Theo thần thoại hy Lạp, Athena là nữ thần của trí tuệ, khôn ngoan, can đảm, cảm hứng, công lý, sức mạnh, chiến lược, nghệ thuật, tay nghề thủ công, kỹ năng v.v…

Trong sử thi Homere – khoảng thế kỷ 8-9 BC trở đi, Athena được mô tả dưới tên gọi Glaukopis, nữ thần có đôi mắt sáng và lấp lánh, kết hợp giữa từ Glaukos và Ops – Glaux cùng gốc từ với “Owl” (con cú), có lẽ vì đôi mắt đặc biệt của loài chim này. Thời cổ đại, hình ảnh nữ thần Athena thường được mô tả có con chim cú đậu trên tay tên là Glaucus (hoặc “con cú của Athena” và sau đó dưới thời Đế chế La Mã, được gọi là “con cú của Minerva”, nữ thần thi ca, nghệ thuật, khôn ngoan …). Cặp đôi nữ thần và chim cú này được lưu truyền và phát triển đến ngày nay. Loài chim cú được tôn trọng như một biểu tượng của sự thông minh và uyên bác.” [1]

Tôi cũng đã khóc khi đọc bài của anh Đoàn Xuân Thu viết về việc Cha anh đã chọn thêm nghề đánh máy mướn sau những giờ làm trong công sở. “Hôm nào được lãnh lương hoặc đánh máy có tiền nhiều, Ba vẫn thường ghé qua xe bán bánh mì Tám Cẩu ở ngã tư Cao Thắng và Phan Thanh Giản, gần rạp hát Đại Đồng, mua vài ổ bánh mì về cho con.

Về nhà Ba vô giường, bế từng đứa dậy, đặt ngồi ngoài bàn, rồi bảo: “Ăn đi con!” Ăn thì khoái thiệt nhưng ‘bù ngủ’ híp con mắt luôn! Em gái tôi cắn miếng bán mì nhai, chưa kịp nuốt thì gục xuống bàn… ngủ tiếp. Ba lại bế từng đứa, cho vào giường ngủ.” [2]

Tôi hình dung ra hình ảnh người cha sau 16 giờ làm việc trong ngày. Ngoài trời đã khuya. Người đã quá mệt mỏi. Vậy mà, ông còn ghé ngang qua xe bán bánh mì thịt mua cho các con. Khi về đến nhà lại bế từng đứa con ra khỏi giường kêu chúng ngồi dậy ăn, trong khi ông còn chưa ăn bữa cơm chiều!

Tôi đã không cầm được nước mắt. Và chắc bạn cũng không cầm được nước mắt khi nhớ về người cha của mình năm xưa… Những người Cha đã tận tụy hy sinh tất cả, chỉ mong cho con mình có một ngày mai tươi sáng.

Con như trăng mãi vun đầy

Bên cha lại khuyết – hao gầy tháng năm

Một thời gian khổ, khó khăn

Cha luôn đứng mũi lo chăm cả nhà…

(Bài thơ về cha – Trần Nguyễn Dạ Lan)

Như vậy thật không ngoa khi có ai đó nói rằng mỗi ngày đều là ngày của Cha và của Mẹ. Và:

Nước biển mênh mông không đong đầy Tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín Công Cha.

Chỉ ước mong sao những người con biết thương yêu và săn sóc cha mẹ mình ở lúc tuổi già, đừng bỏ rơi hai đấng sinh thành. Như trường hợp của một ông cụ, đã bán hết cơ ngơi sự nghiệp của mình để đi theo người con đến một nơi xa lạ đúng với ý thích của con. Tiền tài hao cạn, sự nghiệp không còn khi cậu con đã học xong ra trường và may mắn có việc làm tốt. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, cậu đi theo tiếng gọi của con tim, bỏ lại người cha hy sinh suốt đời cho mình. Cụ đau buốt tâm can, nhất là khi tin tức của đứa con dần dần biệt tăm. Quá đau khổ, cụ đã té ngã và bị liệt, phải sống cô đơn suốt đời trong một nhà dưỡng lão. [3]

Trần thị Nguyệt Mai

9-6-2013

[1] Bài Thơ 14 Câu Cho Mẹ – Nguyễn Kim Tiến (TQBT số 56 tháng 6 năm 2013)

[2] Ba Tôi! Người Đánh Máy Mướn! – Đoàn Xuân Thu (TQBT số 56 tháng 6 năm 2013)

[3] Ngày Từ phụ – Nghĩ về những người cha cô đơn – Chu Tất Tiến

Người lính trong TRUYỆN TỪ VĂN* của Trần Hoài Thư

Trần Thị Nguyệt Mai

bia-truyen_tu_van-1

Trong bài giới thiệu về tác giả Trần Hoài Thư của nhà văn Mai Thảo đăng trên tạp chí Văn ngày 1-3- 1972, ông đã viết:

“…Người đọc có thể chê trách người lính bệnh của Trần Hoài Thư trong Bệnh Xá Cuối Năm đã đề cập tới những chủ đề lớn như chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước, đoàn viên và thương yêu hai miền, bằng một tâm hồn quá đơn giản, thơ ngây. Người lính của chúng ta hiền quá. Hiền thật. Làm thế nào được. Dân tộc ta hiền, mãi mãi hiền, mặc dầu đã hai mươi năm lâm trận. Cái tính hiền đó được biểu hiện cùng khắp trong những truyện ngắn về tiền đồn, về mặt trận, của Trần Hoài Thư, mà Bệnh Xá Cuối Năm là một.”

Thật vậy, trong các truyện ngắn của anh trong tập “Truyện từ Văn” (*) mà tôi hân hạnh được đọc, nổi bật lên hình ảnh người lính VNCH thật hiền, dù là khi nằm trong bệnh viện hay khi đang lâm trận, hoặc ở bên người em, người tình. Họ chỉ có một mơ ước duy nhất, là ngày hòa bình mau trở lại để trở về với làng quê, xóm cũ, bên cha mẹ già, lấy vợ sinh con. Thôi không còn những ngày nằm mương nằm mả truy lùng địch. Không còn hỏa châu, trái sáng, tiếng đạn bom trên quê hương đã quá nhọc nhằn.Rồi tôi và lũ bạn ở trong trại bịnh sẽ dắt dìu nhau, kẻ chống nạng, người băng bó đầy mình, kẻ tóc râu như con dã thú, kẻ xanh xao, ốm yếu như một tên nghiện thuốc phiện… Chúng tôi sẽ mở cánh cửa sắt của bệnh xá này, trải con tim thật nhạy cảm cùng nhân loại, để làm một cuộc duyệt binh thật vĩ đại cùng những người đang lâm chiến. Họ ở Trường Sơn xuống. Hạ Lào qua. Cao Miên lại. Họ từ muôn nơi tụ hội lại, cùng bắt tay nhau, cùng chúc mừng nhau, cùng nghẹn ngào chào nhau. (Bệnh xá cuối năm – trang 12)

Họ mang một trái tim nhân hậu, không phân biệt đối xử ngay cả với tù binh. Các tù thương phế binh miền Bắc được săn sóc như những người lính miền Nam. Chứ không phải như ngày hòa bình mới lập lại, kẻ chiến thắng đã đuổi tất cả các thương bệnh binh VNCH đang nằm dưỡng thương ra khỏi quân y viện… Anh Trần Hoài Thư đã nhìn, đã tả người lính phía bên kia bằng con mắt anh em, rất người, rất bao dung Tiếp tục đọc

Giới thiệu Thư Quán Bản Thảo số 52 – Sự im lặng của cát bụi

Trần thị Nguyệt Mai

thuquanbanthao52

Cầm cuốn TQBT số 52 trên tay, tôi thật sự cảm động. Tôi hiểu anh chị đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc và công sức để thực hiện những số báo rất quý giá này. Giữa thời buổi mà báo mạng hầu như đã chiếm ưu thế trong mọi gia đình Việt Nam, báo giấy đương nhiên càng gặp khó khăn với tình hình kinh tế hiện nay. Như gần đây tạp chí Hợp Lưu đã thông báo sẽ đổi thời gian phát hành từ hai sang ba tháng, thì Thư Quán Bản Thảo lúc sau này đã ra báo đều đặn hai tháng một lần. Một tờ tạp chí thuần túy văn học với những chủ đề rất hiếm có, đặc trưng như giới thiệu nhà thơ Lâm Vị Thủy với tập thơ Sao em không về làm chim thành phố, nhà văn Nguyễn thị Thanh Sâm với tác phẩm Cõi Đá Vàng, v.v… Báo in thật đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức, không bán, chỉ để tặng cho bạn bè và thân hữu hoặc những ai có yêu cầu. Không có lấy một trang quảng cáo. Vậy thì cái gì đã khiến anh chị làm như vậy? Nếu không vì lòng yêu mến văn chương, muốn giúp các bạn trẻ tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm, là nơi để anh và bạn bè có thể trải lòng viết lách mà không sợ bất cứ một thế lực hoặc một cơ quan kiểm duyệt nào, cũng không sợ bị hacker phá hoại. Như gần đây chúng đã phá hoại một trang văn chương mạng trong nước và người chủ mạng cũng gặp khó khăn với chánh quyền sở tại (bị kêu lên “hầu” ít nhất là ba lần vì đã đưa lên những bài vở quá “nhạy cảm”). Và nhất là để chứng tỏ với mọi người rằng văn chương miền Nam không chết, nó vẫn đang được những người cầm bút, cũ và mới, viết tiếp ở hải ngoại và ngay cả trong nước. Như trường hợp nhà thơ Khoa Hữu. Khi còn tại thế, anh vẫn âm thầm sáng tác những bài thơ vinh danh người lính đã bị bức tử oan nghiệt sau tháng 4-1975.  Thơ của anh đã được đưa ra ngoài và đăng trên những tạp chí hải ngoại Tiếp tục đọc

Hành trình của “Cõi Đá Vàng”*

Trần thị Nguyệt Mai

coi-da-vang

Bây giờ, nghĩ lại, tất cả đều bắt nguồn từ một chữ “duyên”…

Cái duyên để một hôm nào nhà văn Trần Hoài Thư đã chọn tùy bút “Phiên khúc ngày mưa” của Cam Li NTMT, “sư tỉ” của tôi, đăng trong bộ Văn Miền Nam – tập 4. Chị Cam Li đã kể cho tôi nghe về việc anh và các bạn đã thành lập Thư Ấn Quán với chủ trương sưu tầm và khôi phục lại nền văn chương miền Nam đã bị hủy diệt, thất tán sau ngày 30-4-1975. Vô cùng cảm phục và ngưỡng mộ tấm lòng của anh đối với văn chương miền Nam, tôi đã làm quen và được anh giao cho nhiệm vụ “thầy cò” của tạp chí Thư Quán Bản Thảo từ số 46. Gần đây, khi sửa lỗi chính tả cho TQBT số 50 – chủ đề “Giới thiệu nhà thơ Nguyễn Đức Sơn”, được biết họa sĩ Đinh Cường là bạn thân của thi sĩ và có những tài liệu văn bản gốc, tôi đã nhờ anh giúp rất nhiều trong việc sửa lại những sai sót mà khi các tác giả đánh máy lại hoặc lấy trên mạng đã bị “tam sao thất bổn”. Anh đã nhiệt thành giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ. Tuy không nói ra, nhưng chúng tôi đều mong muốn đây sẽ là một món quà tết đầy ý nghĩa để tặng thi sĩ Sơn Núi đang bị bệnh tại quê nhà, cũng như TQBT 50 sẽ là một tập tài liệu rất tốt, đáng tin cậy cho những ai muốn tìm hiểu về nhà thơ Nguyễn Đức Sơn Tiếp tục đọc

Chị Yến

Trần Thị Nguyệt Mai

________________

ch-nny-tht-dc

Từ trái: Cúc Hoa, Nguyễn Ngọc Yến, Trần Hoài Thư, Đinh Cường (Nguồn: Blog Pham Cao Hoàng)

Trong tháng 12 tôi thật bận rộn sau một chuyến đi xa trở về. Anh Trần Hoài Thư cho biết Thư Quán Bản Thảo 55 có chủ đề “Nhà văn Dương Nghiễm Mậu” sẽ phát hành tháng 1-2013 với phụ bản “Địa ngục có thật”, một bút ký của ông viết về Tết Mậu Thân, mà anh đã cùng với chị Yến đi lên Đại học Yale sưu tập (vì gần nhà anh chị hơn Đại học Cornell). Anh chị đi lần thứ nhất, phải đóng $35 làm thẻ thư viện chỉ có giá trị trong một tuần lễ (chuyện tiền nong này, đại học Cornell không bao giờ đòi hỏi). Tuy nhiên, dù anh đã đứng trước kệ sách tìm hoài tìm mãi nhưng vẫn không thấy. Hỏi thì được biết cuốn sách đã có người mượn và chưa hoàn trả. Anh buồn bã ra về. Anh đã nản chí, đã nghĩ là sẽ ra báo nhưng không làm phụ bản nữa. Nhưng hai ngày sau khi nhận được email của Yale cho hay sách đã về tới thư viện và yêu cầu anh tới nhận sách trong vòng 10 ngày, thì chính chị Yến là người đã động viên, đã khuyến khích anh thực hiện ý định của mình. Để anh chị lại lên đường thêm một lần nữa. Nói như vậy, để bạn thấy rằng, đằng sau anh Trần Hoài Thư luôn luôn có người vợ, người cộng sự đã đồng hành với anh trên mỗi bước đường, mỗi dự án. Sẽ không bao giờ có cả ngàn, cả chục ngàn trang sách sưu tầm văn thơ miền Nam thời chiến nếu không có chị Yến tiếp tay ủng hộ với anh Trần Hoài Thư để thực hiện những dự án đồ sộ ấy. Như anh Phạm Cao Hoàng đã ghi lại trên trang blog của anh Tiếp tục đọc