Đọc một số bài thơ trong “Lễ tẩy trần tháng tư – The purification festival in April” của Inrasara

 

Inrasara là bút danh quen thuộc của một cây bút người Chăm. Tên thật của anh là Phú Trạm. Quê anh là làng Chăm Mĩ Nghiệp – nổi tiêng với nghề dệt thổ cẩm – thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Inrasara sinh năm 1957. Năm 2917 này, anh tròn 60 tuổi.

“Lễ tẩy trần tháng Tư – The purification festival in April” là một tuyển tập thơ và trường ca được Nhà xuất bản Văn Nghệ xuất bản năm 2005. Tuyển tập thơ gồm 26 bài thơ và 6 đoạn trường ca và được in với 2 thứ tiếng: Việt, Anh. Tác phẩm này đã mang về cho Inrasara 2 giải thưởng: Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (ASEAN).

Trong bài viết này, tôi chỉ điểm qua “Lời đề từ” và 5 bài thơ mà tôi yêu thích. Như thế, bài viết sẽ ngắn gọn hơn, ít làm mất thì giờ quí báu của người đọc hơn.

  1. “Lời đề từ”

“Lời đề từ” ở đầu sách được in bằng 3 thứ tiếng: Chăm, Việt, Anh. “Lời đề từ” lại là một bài thơ ngắn, chỉ gồm 5 dòng. Có một thầy giáo dạy Văn đã thuộc lòng “Lời đề từ” này, đọc cho tôi nghe và bảo rằng: “tôi chẳng hiểu Inrasara nói gì cả”!

Theo tôi, có lẽ đây là một tuyên bố, tuyên ngôn về đổi mới chữ nghĩa, đổi mới văn chương, đổi mới tư duy, tư tưởng, tình cảm, … của nhà văn, của nghệ sĩ. Đó là một khát khao lớn của nhà thơ. Vì thế, anh đặt nó lên đầu tập sách. Việc anh cho 41 chữ cái Chăm, các chữ cái La tinh tắm gội cùng anh trên dòng sông Lu chỉ là một ẩn dụ, có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Tôi trích nguyên vẹn “Lời đề từ” dưới đây để người đọc rộng đường tìm hiểu:

… Buổi sáng – rất sảng khoái, tôi ra sông Lu

gánh theo đầu kia 41 inư akhar Cham KCT (1),

đầu này nhúm chữ cái Latinh ABC

nhận đầu chúng xuống nước bắt tắm gội từng đứa một

và tôi vui vẻ tắm với chúng.

Theo tôi biết, Inrasara sử dụng thành thạo tiếng Chăm, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh (41 mẫu tự Chăm: tiếng Chăm, các mẫu tự La tinh: tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh).

 “Đứa con của đất”

“Đứa con của đất” là một bài thơ dung dị, mộc mạc, đã khắc họa chân thực chân dung của tác giả qua các thời kì: sinh ra ở một miền đầy nắng và gió của vùng cực nam trung bộ, được nuôi dưỡng bằng tình mẹ, tình cha, tình ông, tình làng, lớn lên trong chiến tranh, tiếp xúc các trào lưu tư tưởng của thờ đại, chới với, bế tắc, gặp người yêu, quên mất những câu ca điệu hát của dân tộc mình, cảm thấy như đui mù, như bị vứt bỏ. Và, cuối cùng nhà thơ đã “ngóc đầu dậy”, “trườn lên”, “rướn mình”, tìm lại được chính mình và “nắng quê hương”. Tất cả như một sự phục sinh kì diệu:

… Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi

Tôi lạc mất điệu đwa buk (2), câu ariya (3), bụi ớt

Trái tim đui

Tôi như người bị vứt

rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.

  Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên

rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ

như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố

tôi tìm lại tôi

tìm thấy nắng quê hương!

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy

lại chảy trong tôi – dù sông đã chết

chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru

chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

 Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

 “Đêm Chăm”

Đêm Chăm” tái hiện sinh động đêm hội Katê tưng bừng tại một làng quê Chăm. Bao người con của làng đi làm ăn xa, đã hối hả, lũ lượt quay về làng để cùng vui, cùng múa hát với tiếng trống ginăng, tiếng trống baranưng (4) thân yêu:

Với đêm nay rừng tháng Mười phát sáng

với đêm nay mắt họ bừng kiêu hãnh

tha hương bao nhiêu năm vẫn nhịp đề huề.

 Baranưng vỗ dội bờ dĩ vãng

người nông dân buông mình vào mẫu số chung định phận

trong bập bềnh những thế kỉ ginăng.

 Thơ Inrasara không hấp dẫn bởi ngôn từ đẽo gọt, óng mượt mà hấp dẫn bởi lời tự sự chân thực, bởi câu chữ mộc mạc, dung dị và mới lạ.

  1. Không ai có thể hát thay chúng ta

“Không ai có thể hát thay chúng ta”, theo tôi, là một thông điệp sâu sắc: không ai sống cuộc đời của ta, không ai chịu trách nhiệm về số phận của ta. Mỗi người phải sống cuộc đời mình, phải tự viết lịch sử của đời mình:

Không ai có thể hát thay chúng ta

nơi đây và lúc này

cả hôm sau có lẽ….

 … Không có ai

tim dễ cháy hơn trái tim chúng ta

phía đau khổ.

 Cha

Cũng với lối tự sự thủ thỉ, chân phác, Inrasara đã khắc họa chân dung người cha và biểu hiện mối tình cha – con sâu nặng, đằm thắm. Người cha sinh ra trong hoàn cảnh y tế, y học chưa phát triển, bệnh tật hoành hành hung tợn. Như một phép lạ, ông đã sống sót để làm người:

Xưa

dưới cái rây lịch sử khổng lồ

cha lọt sàng sống sót.

 Lổm ngổm bò dậy làm người

một phép lạ.

 Phải lo mưu sinh, làm nhà, làm ruộng, làm rẩy, … cha anh không có thời gian cho văn chương, triết học. Đa số những người đàn ông thuộc các thế hệ trước đều “phải” như thế! Chỉ có rất ít người được học hành đến nơi đến chốn và có đủ áo cơm để mơ mộng, suy tư.

 

Glang Anak, Pauh Catwai (5) phải vội vã

viết đã rất ngắn

như thể trối trăng.

 Cha giấu mặt sau trang thơ

ngăn tiếng nấc.

 Kẻ sống sót không có giờ cho văn chương

một khoản trời để thở.

 Không mơ dựng tiếng tăm

một ngôi nhà cư trú.

 Nhưng, đến thế hệ của anh, được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà đẫm mồ hôi và nước mắt của cha, anh đã lớn khôn, đã trưởng thành, đã có thì giờ để làm thơ, viết văn và luận bàn triết học.

Từ ngôi nhà này

con ra đời và khôn lớn

con biết nghĩ siêu hình / tập làm văn chương

con không quên cha / không quên mình

vẫn đủ giờ suy tư siêu hình, sáng tác văn chương

đủ giờ nghĩ kĩ, viết dài

dài mười lần trăm lần nghìn lần hơn

Pauh Catwai, Giang Anak.

 Thơ hay là nghệ thuật của sự chân thành. Inrasara không hề nói thương, nói yêu mà ngập tràn yêu thương, mà thắm thiết tình phụ tử!

  1. Chân dung nàng

“Chân dung nàng” mang dấu ấn thời cuộc: nông dân rời bỏ ruộng đồng, nương rẫy để vào các thành phố mưu sinh. Nam nhi trai tráng đã gặp vô vàn bất trắc huống gì các cô gái. Cô gái Chăm lại càng khó khăn hơn. Nhưng, vì sự sống của gia đình và của chính bản thân, người con gái Chăm vẫn phải rời xa ngôi nhà thân yêu, rời xa cha mẹ, xóm làng. Cô gái phải ra đi, phải vào phố như một sự ép buộc:

Em bị nhổ khỏi plây (6)

bị văng vào phố.

 Em không có dây chuyền / không có quần jeans

mang linh hồn ngọn đồi

em lạc vào phố lạ.

 Nhiều đồng ruộng tốt tươi đã bị san lấp để làm nhà máy này, xí nghiệp nọ, sân gôn kia, … và vì thế người nông dân đã phải bỏ làng vào phố một cách bất đắc dĩ. Họ gặp phải vô vàn gian khó, trùng điệp nhọc nhằn nơi đất khách quê người. Tất cả đều xa lạ với cô gái Chăm:

Em giặt giũ trong căn gác lạ

em thợ phụ trong xưởng may lạ

em hoảng hốt trong con hẻm lạ.

 Mang linh hồn ruộng đồng

em rụng vào đêm lạ.

Năm tháng đi qua, cô gái Chăm có lần về thăm làng đôi hôm, nửa ngày rồi lại quày quã vào phố, tình yêu cũng phải quên đi, cô gái chào từ biệt xóm làng, chào từ biệt người yêu – người con trai – nay đã “vợ con đủ đầy”!

Nàng vẫn đi về mênh mông hướng phố

vẫy anh em đang mắt nhìn mở cửa

vẫy người yêu đã vợ con đủ đầy

vẫy bà con mãi liêu xiêu bão lũ.

 Ta chúc cho cô gái Chăm, các cô gái nói chung, phải bỏ làng vào phố, được bình an, gặp nhiều may mắn và thành công!

Và, vui biết bao, cuối cùng, cô gái Chăm đã về lại làng, về với đồng ruộng, về với những ngọn đồi quên thuộc:

Hình như hồn buồn nàng hé nắng

sẵn sàng mọc trái cây ban mai.

 Bỗng một hôm làng có em trở về

vỡ linh hồn ngọn đồi ruộng đồng

như một dòng khởi đầu in đậm.

 Tóm lại, ta thấy rõ thơ Inrasara có một nét riêng độc đáo. Đó là sự mộc mạc, dung dị của ngôn từ, cái mới, cái lạ trong diễn đạt, sự chân thành, kín đáo trong biểu hiện tình cảm, cảm xúc. Có lẽ vì thế, thơ Inrasara dễ đi vào lòng người.

Ninh Thuận, 15-11-2017

PHAN THÀNH KHƯƠNG

 

(1) 41 inư akhar Cham KCT = 41 mẫu tự tiếng

(2) đwa buk = vũ điệu truyền thống của người Chăm.

(3) ariya = thi ca

(4) ginăng, paranưng = 2 loại trống của người Chăm.

(5) Glang Anak, Pauh Catwai = các trường ca cổ của dân tộc Chăm ở đầu thế kỉ XIX.

(6) plây = palei = làng.

 

Advertisement

Nhớ Huế 

Nhớ gì như nhớ Huế thương,
Ngự Bình thông đợi, sông Hương thuyền chờ.

Nhớ gì như nhớ Huế mưa:
Mù trời, tối đất. Người chưa thấy về!

Nhớ gì như nhớ Huế yêu,
Nụ cười nón lá tím chiều áo ai!

Nhớ gì như nhớ Huế xưa,
Hoàng thành trầm mặc nắng mưa dãi dầu!

Nhớ gì như nhớ Huế thơ,
Trăng soi Vĩ Dạ, sương mờ Kim Long.

PHAN THÀNH KHƯƠNG

“Xin đổi kiếp này”, một bài thơ thế sự độc đáo

phanthanhkhuong

Thơ thế sự, thơ thời thế thường là thơ của người cao tuổi. Bởi một lẽ giản dị là sau nhiều năm nghe, thấy chuyện đời, tiếp xúc với thực tiễn, người lớn tuổi thường muốn giải bày những kinh nghiệm, nêu ra những nguyên lí, những ưu tư, những suy ngẫm về cuộc đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đúc kết: ”Còn bạc, còn tiền, còn đệ tử; Hết cơm, hết rượu, hết ông tôi.”. Nó như một nguyên lí, một công thức toán học.
Nhưng, trường hợp Nguyễn Bích Ngân lại rất khác biệt. Nguyễn Bích Ngân mới 14 tuổi, đang là học sinh lớp 8A1 Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) lại có những ưu tư rất “già”, rất “cao tuổi”. Tôi đã chia sẻ (share) bài thơ của Nguyễn Bích Ngân trên Facebook của tôi và tôi đã có một lời bình (comment) ngắn như sau:
“Tuy mới 14 tuổi, đang học lớp 8, Bích Ngân đã có nhiều ưu tư, trăn trở về cuộc sống, về xã hội, về tự nhiên, … Đặc biệt, Bích Ngân đau đáu về môi trường sống bị tàn phá, bị hủy hoại không thương tiếc bởi sự tham lam, ích kỉ của con người! Bích Ngân muốn “hóa thành cây”, “hóa ruộng đồng”, “hóa đại dương” và “làm không khí”. Bích Ngân muốn “thử” những 17 tình huống khác nhau để biết sức mình, biết khả năng chịu đựng của mình. Tiếc thay, những điều Bích Ngân ưu tư, trăn trở mỗi ngày mỗi tệ hại hơn, khốc liệt hơn và như người ta hay nói: “vẫn đúng qui trình”! Ôi! Cái “qui trình” ngu ngốc, phi khoa học, phi đạo lí, phi nhân, phi nghĩa … của những kẻ cũng được gọi là người!”.
Chủ đề của bài thơ là môi trường sống bị tàn phá, bị hủy hoại, bị hủy diệt và sự bất lực, sự vô vọng và gần như là sự tuyệt vọng của con người. Cái độc đáo của Nguyễn Bích Ngân là nhà thơ nhí đã “xin đổi kiếp” người để hóa thân thành “cây”, thành “ruộng đồng”, thành “đại dương”, thành “không khí” để “thử” chịu đựng, “thử” đối phó, “thử” sống còn trước sức tàn phá, sức hủy hoại của thiên tai và nhất là của nhân tai.
Nguyễn Bích Ngân đã xót xa kêu lên:
“Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,”
Vâng. Nguyễn Bích Ngân đã “biết nói” đấy. Nhiều người cũng đã “biết nói” dám nói. Nhưng, tất cả đều “như nước đổ lá môn”, có ai muốn nghe, có ai thèm nghe đâu! Và, Nguyễn Bích Ngân đã giận dữ, đã “vô phép” chỉ ra thủ phạm của tất cả những điều tệ hại, khủng khiếp ấy. Đó là “vì lũ người ích kỷ”. Họ, “lũ người ích kỷ” ấy chắc chắn phải to xác và nhiều tuổi hơn Nguyễn Bích Ngân!
Và, Nguyễn Bích Ngân khẩn thiết báo động, đã cảnh tỉnh mọi người về “cái chết cận kề”, cái chết không tránh khỏi của nhân dân ta và của cả loài người.
Bài thơ khép lại bằng cả loạt câu nghi vấn ở ngôi thứ nhất, tác giả tự hỏi. Nhưng, đó cũng là những câu hỏi đặt ra cho mọi người, cho cả nhân loại:
“Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này! Trời đất có cho tôi?”

Bài thơ gồm 5 khổ thơ. Bốn khổ thơ đầu là bốn giả định: “Nếu … thành cây”, “Nếu … hóa ruộng đồng”, “Nếu … hóa đại dương” và “Nếu … làm không khí”. Qua đó, Nguyễn Bích Ngân đã vạch ra cho mọi người thấy rõ cây, ruộng đồng, đại dương, không khí đều đã bị ô nhiễm, bị hủy diệt một cách khủng khiếp, kinh hoàng. Nguyễn Bích Ngân cũng đã kín đáo kêu gọi con người hãy sớm thức tỉnh, và nếu không từ bỏ được thì hãy hạn chế bớt sự tham lam ích kỷ của mình.

PHAN THÀNH KHƯƠNG

PHỤ LỤC:

Xin đổi kiếp này

Nếu đổi được kiếp này tôi xin hóa thành cây,
Thử những nhát rìu rạch sâu da thịt.
Trong biển lửa bập bùng thử mình cháy khét,
Thử chịu thói độc tàn, thử sống kiên trung.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa ruộng đồng,
Thử nếm vị thuốc sâu, thử sặc mùi hóa chất,
Thử chịu bão giông, thử sâu rầy, khô khát,
Thử ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần dâng.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin hóa đại dương,
Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối,
Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói,
Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên.

Nếu đổi được kiếp này, tôi xin làm không khí,
Thử khói bụi ngày đêm, thử ngột ngạt trưa hè,
Thử không còn trong xanh vì lũ người ích kỷ,
Thử tiếng ồn đinh tai, thử cái chết cận kề.

Tôi làm gì đây? Khi vẫn kiếp con người!
Tôi nhận về bao nhiêu? Tôi lấy gì trả lại?
Tôi phá hoại những gì? Tôi đã từng hối cải?
Xin đổi được kiếp này! Trời đất có cho tôi?

18-5-2016
Nguyễn Bích Ngân
(học sinh lớp 8A1, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội)

“GẶP TRÊN ĐƯỜNG VỀ” – LỜI TỪ BIỆT THẾ GIAN ĐẦY LƯU LUYẾN VÀ LO ÂU

phanthanhkhuong

Nhà thơ Tường Linh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1931 tại làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 23 tuổi (1954), ông ra Huế, Quảng Trị. Năm 25 tuổi (1956), ông vào Sài Gòn và từ đó đến nay, suốt 60 năm qua, ông sống ở Sài Gòn.
Ngày 12 tháng 12 năm 2005, nhân sinh nhật lần thứ 74, ông viết “ Gặp trên đường về” (xem phụ lục) với một chú thích được đặt trong ngoặc đơn “(Dành cho ngày từ biệt tất cả)” Vậy “Gặp trên đường về” là gặp trên đường từ biệt thế gian, từ biệt cõi đời này, là “sống gửi thác về”, là “về” với ông bà.
“Gặp trên đường về” là bài thơ thứ 396 trong tập “Thơ Tường Linh tuyển tập” (NXB Văn học, năm 2011) và cũng là bài thơ cuối cùng của tuyển tập thơ mà tác giả cho rằng “cũng tạm tiêu biểu cho cả đời thơ” của ông như ông đã nói trong “Thư vào tập” ở đầu tuyển tập đồ sộ này.
Tuy là “(Dành cho ngày từ biệt tất cả)” nhưng bài thơ đã biểu hiện tâm trạng lưu luyến thế gian, lưu luyến cõi đời này và không ít lo âu của nhà thơ trước hiện thực đất nước và thế giới.
Bài thơ mở đầu bằng một lời phân trần:
Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa
Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ
Ngàn lần xin lỗi Mẹ
Ngàn lần xin lỗi cố hương.

Có lẽ nhà thơ nghĩ rằng việc đưa thi hài của mình về an táng ở quê nhà là không cần thiết và cũng phức tạp, khó khăn cho con cháu, người thân dù nhà thơ trọn đời thương nhớ “chốn quê xưa”. Và ông đã thành khẩn xin lỗi: “Ngàn lần xin lỗi Mẹ/ Ngàn lần xin lỗi cố hương.”.
Đoạn hai khái quát hình ảnh tác giả lúc ra đi thời trai trẻ và ngày “về” khi tuổi đã cao. Tác giả cũng nói rõ một thực tế không vui của một người cao tuổi:
Ngày đi phơi phới sức thanh xuân
Ngày về nằng nặng hồn lão trượng
Bạn trẻ không biết ta
Người hiểu ta không còn nữa
Bình minh ở phía sau lưng.

Trên đường “về” ấy, nhà thơ đã gặp: người gái Chăm, hiện thực đất nước, hiện thực thế giới, tảng đá vô hồn và chú chim bầu bạn thời thơ ấu.
Thật lạ nhưng cũng dễ hiểu vì sao “người gái Chăm kiều diễm” là đối tượng mà nhà thơ gặp đầu tiên trên đường “về” bên kia cuộc đời. Làng Trung Phước của nhà thơ chỉ cách Thánh Địa Mĩ Sơn non 10 cây số đường chim bay. Nhà thơ hẳn biết rõ quá khứ không vui giữa hai dân tộc Kinh, Chăm. Nhà thơ đã bắt gặp “đôi mắt hờn trái chủ”, đôi mắt hờn trách của một chủ nợ, của cô gái Chăm. Nhà thơ cũng khổ tâm lắm, đấy là món nợ mà nhà thơ chẳng hề vay và cũng chẳng biết phải trả như thế nào! Mời đọc đoạn thơ dưới đây để có thể đồng cảm với nhà thơ:
Ta chỉ gặp người gái Chăm kiều diễm
Thổ cẩm giữ hương vương chế thuở hoàng kim
Dung mạo đẹp ẩn hồn cổ tháp …
Bỗng dưng ta rờn rợn mắt em nhìn!
Đôi mắt ấy – đôi mắt hờn trái chủ
Mà ta là con nợ chẳng hề vay
Ta khổ hơn em
Vì ta mất ta, em có hiểu?
Món nợ khó đòi và chẳng biết đòi ai!
Thì thôi, em hãy hát cho ta nghe huyền âm thành quách cũ
Hãy đứng dáng thiên cổ sầu của tháp buồn kia
Ta đáp lại bằng lời thơ một đời mộng ảo
Mộng tan rồi, thơ kể với sao khuya.

Đọc đoạn thơ trên, tôi cũng có những dằn vặt như nhà thơ. Làng tôi ở sát cạnh làng nhà thơ Tường Linh. Trong huyết quản của tôi, ai dám bảo không có những giọt máu Chăm? Hai dân tộc đã sống bên nhau suốt mấy trăm năm rồi! Tôi có nhiều người bạn Chăm thân thiết, có hàng ngàn học sinh người Chăm. Tôi thấy chẳng có giải pháp nào tốt hơn cho hôm nay là hai dân tộc Chăm, Kinh và hơn 50 dân tộc anh em khác đang sinh sống trên quê hương Việt Nam phải được bình đẳng với nhau, thương yêu, đoàn kết để chung sức bảo vệ và dựng xây một nước Việt Nam chung, một nước Việt Nam hùng cường và giàu đẹp!
Đối tượng thứ hai mà nhà thơ gặp trên đường “về” là hiện thực đất nước. Đó là một hiện thực với nhiều thành tựu, nhiều đổi mới nhưng cũng còn không ít những điều bất hợp lí, những điều đáng lo âu. Nhà thơ vừa vui mừng vừa buồn phiền và dù đang trên đường “về” bên kia thế giới, ta vẫn thấy ông gắn bó, lưu luyến cõi đời này biết bao nhiêu:
Ta đứng lặng giữa chiến trường xóa vết
Đất phai sắc máu để thành hoa
Ngói mới vươn tầng hạnh phúc
Ánh điện về tận xóm nhỏ, làng xa
Cánh giai điệu lượn trên đời rộn rã
Bao thế hệ đau buồn như thể đã qua …
Nhưng đây đó những lâu đài đang đè bóng
Trên những túp lều che không thể gọi là nhà
Bé đi học còn thiếu trường
Bé sơ sinh còn thiếu sữa
Những bệnh viện không còn sức chứa!
Những «làng ung thư» cộng phát bởi đâu ra?
Người cày ruộng vì sao ngồi nhớ đất?
Mẹ cao tuổi còn buồn rất giống mẹ già ta …

Và, trước một thế giới còn lắm bất ổn, còn không ít những kẻ cực đoan, những kẻ hung bạo, nhà thơ chẳng thể an tâm khi rời xa nó:
Và đâu đó xa hơn, vọng dư âm cường bạo
Bom hạt nhân rình cả trên giấc trẻ thơ
Lửa thiêu rụi văn minh
Hủy diệt thanh bình
Gang thép cắt lìa sự sống
Thân phận loài người vẫn mạnh được yếu thua
Quyền lực, kim ngân soán ngôi phẩm giá.

Đối tượng thứ tư mà nhà thơ “gặp lại, đối diện cùng” là tảng đá vô hồn. Tảng đá là một biểu tượng. Ta có thể hiểu tảng đá là sự vô tri, sự vô giác, sự vô cảm, sự vô hồn, sự bảo thủ, sự cực đoan, sự giáo điều, sự độc đoán, …
Ta gặp lại, đối diện cùng tảng đá
Qua ngàn vạn năm đứng đợi ta về
Phút hội ngộ có bao điều đáng nói
Nhưng ngàn vạn năm đá vẫn câm lời
Ta trở về, đá cần chi phải cản?
Một đời ta đi, đá cản, hóa rong chơi!

Nhà thơ đã khốn khổ vì tảng đá vô hồn này không ít:
Ta như loài chim:
Mỗi tiếng hót cất cao phải hao từng giọt máu
Chạm mãi đá vô hồn, lượng máu cứ thêm vơi …

Cuối cùng, thật may mắn, trên đường “về”, nhà thơ gặp chú chim thời thơ ấu, chú chim chốn quê xưa. Ở trên, nhà thơ đã nói “Ta như loài chim”. Bây giờ, “chim” lại gặp chim, nhất là được gặp lại chú chim của những ngày còn bé, chú chim chốn quê nhà, hẳn là vui khôn xiết:
Ta cất bước bỗng dừng bởi nghe con chim hót
Tiếng chim hiền quen thuộc ở quê xưa
Chim mang đến cả vòm trời tuổi nhỏ
Tìm gặp ta để hót tiễn đưa
Xin rất cảm ơn loài chim từng bầu bạn
Hãy ở lại khu vườn tiền nhân ta khai sáng
Đầy hoa thơm, quả ngọt bốn mùa …

Cuối cùng, bài thơ khép lại với 4 câu thơ được tác giả cho in đậm. Đến thế gian với tay trắng, từ giã thế gian cũng tay trắng. Nhà thơ trân trọng gửi lại “phía bình minh” một đời thơ, một đời lao động nghệ thuật miệt mài, cần mẫn:
Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn
Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình
Đi tay trắng thì trở về tay trắng
Thơ một đời gửi lại phía bình minh
.
Với một ngôn ngữ thơ trong sáng, ý thơ phong phú, “Gặp trên đường về” đã biểu hiện bao tâm tư, bao tình cảm sâu lắng, bao yêu thương gắn bó và bao âu lo của nhà thơ đối với cõi đời này, thế giới này, dù nhà thơ đang trên đường rời xa nó.

Ninh Thuận, 18-9-2016
PHAN THÀNH KHƯƠNG

PHỤ LỤC:
GẶP TRÊN ĐƯỜNG VỀ
(Dành cho ngày từ biệt tất cả)
Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa
Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ
Ngàn lần xin lỗi Mẹ
Ngàn lần xin lỗi cố hương.
Vẫn giày vải, áo đơn
Ta một mình quay bước
Ngày đi phơi phới sức thanh xuân
Ngày về nằng nặng hồn lão trượng
Bạn trẻ không biết ta
Người hiểu ta không còn nữa
Bình minh ở phía sau lưng.
Ta chỉ gặp người gái Chăm kiều diễm
Thổ cẩm giữ hương vương chế thuở hoàng kim
Dung mạo đẹp ẩn hồn cổ tháp …
Bỗng dưng ta rờn rợn mắt em nhìn!
Đôi mắt ấy – đôi mắt hờn trái chủ
Mà ta là con nợ chẳng hề vay
Ta khổ hơn em
Vì ta mất ta, em có hiểu?
Món nợ khó đòi và chẳng biết đòi ai!
Thì thôi, em hãy hát cho ta nghe huyền âm thành quách cũ
Hãy đứng dáng thiên cổ sầu của tháp buồn kia
Ta đáp lại bằng lời thơ một đời mộng ảo
Mộng tan rồi, thơ kể với sao khuya.
Ta đứng lặng giữa chiến trường xóa vết
Đất phai sắc máu để thành hoa
Ngói mới vươn tầng hạnh phúc
Ánh điện về tận xóm nhỏ, làng xa
Cánh giai điệu lượn trên đời rộn rã
Bao thế hệ đau buồn như thể đã qua …
Nhưng đây đó những lâu đài đang đè bóng
Trên những túp lều che không thể gọi là nhà
Bé đi học còn thiếu trường
Bé sơ sinh còn thiếu sữa
Những bệnh viện không còn sức chứa!
Những «làng ung thư» cộng phát bởi đâu ra?
Người cày ruộng vì sao ngồi nhớ đất?
Mẹ cao tuổi còn buồn rất giống mẹ già ta …
Và đâu đó xa hơn, vọng dư âm cường bạo
Bom hạt nhân rình cả trên giấc trẻ thơ
Lửa thiêu rụi văn minh
Hủy diệt thanh bình
Gang thép cắt lìa sự sống
Thân phận loài người vẫn mạnh được yếu thua
Quyền lực, kim ngân soán ngôi phẩm giá.
Ta gặp lại, đối diện cùng tảng đá
Qua ngàn vạn năm đứng đợi ta về
Phút hội ngộ có bao điều đáng nói
Nhưng ngàn vạn năm đá vẫn câm lời
Ta trở về, đá cần chi phải cản?
Một đời ta đi, đá cản, hóa rong chơi!
Ta như loài chim:
Mỗi tiếng hót cất cao phải hao từng giọt máu
Chạm mãi đá vô hồn, lượng máu cứ thêm vơi …
Ta cất bước bỗng dừng bởi nghe con chim hót
Tiếng chim hiền quen thuộc ở quê xưa
Chim mang đến cả vòm trời tuổi nhỏ
Tìm gặp ta để hót tiễn đưa
Xin rất cảm ơn loài chim từng bầu bạn
Hãy ở lại khu vườn tiền nhân ta khai sáng
Đầy hoa thơm, quả ngọt bốn mùa …
Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn
Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình
Đi tay trắng thì trở về tay trắng
Thơ một đời gửi lại phía bình minh.
Sài Gòn, 12-12-2005
TƯỜNG LINH

LẦN ĐẦU ĐẾN SÀI GÒN

phanthanhkhuong

(Hôm nay, 24-5-2016, Tổng thống Barack Obama đến Sài Gòn lần đầu tiên. 43 năm trước, hè năm 1973, tôi cũng đã lần đâu tiên đến Sài Gòn. Tôi xin phép kể lại vắn tắt như dưới đây)

Hè 1973, sau khi kết thúc năm học thứ 3 ở ĐHSP Huế, tôi về Hòa Khánh (cách Đà Nẵng non 10 Km) để nghỉ hè. Gia đình tôi tản cư đến ở đấy. Nhưng chưa nghỉ được ngày nào thì có người rủ đi làm thợ nề trên đèo Hải Vân. Tôi đi làm ngay vì muốn có ít tiền để vào Sài Gòn cho biết Hòn Ngọc Viễn Đông nó như thế nào!
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”

(“Áo lụa Hà Đông” – Nguyên Sa – Trần Bích Lan)
“Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát”

(“Trả lại em yêu” – Phạm Duy)
Và ca khúc “Ghé bến Sài Gòn” của Nhạc sĩ Văn Phụng cứ thôi thúc tôi!

Công việc thợ nề của tôi là xây các vách ở hai đầu các cống thoát nước. Vách có hình thang vuông: đáy 2 mét, đỉnh 0,2 mét. Cống có đường kính 2 mét, bằng thép. Và xây các đường dẫn nước phía vách núi để khi mưa lớn, nước chảy mạnh, không bị xói lở. Mỗi ngày được trả 250 đồng.
Tôi dự định sẽ bắt xe Phi Long hay Tiến Lực để đi Sài Gòn. Nhưng, làm được hơn một tháng, đã có hơn 10.000 đồng thì ông anh họ nói sẽ gửi đi máy bay. Thích quá!
Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến chỗ làm của ông anh họ (gần Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng). Chờ một lát thì có người đọc danh sách những người được bay chuyến sáng hôm ấy. Nghe tên mình, tôi lên xe.
Chiếc GMC chở gần 30 người, chạy ra phi trường Đà Nẵng. Xe đến gần một chiếc máy bay khổng lồ. Đó là chiếc máy bay Lockheed C-130 Hercules. Chúng tôi được hướng dẫn lên máy bay từ phía đuôi máy bay và được chia đều ngồi dọc hai bên. Mỗi ghế một người và phải buộc dây ngang bụng.
Tấm bục lớn ở đuôi máy bay được nâng lên, khép kín phía đuôi máy bay và chiếc Lockheed C-130 Hercules lăn bánh, cất cánh. Qua ô cửa nhỏ, tôi thấy bên dưới là núi rừng trùng điệp. Có lẽ “nó” đang bay trên Tây Nguyên.
Tôi đã bay trên một số loại máy bay trực thăng, C123, … nhưng phải công nhận anh C130 này rất êm, rất thoải mái.
Có người bảo: “Đến rồi! Sông Đồng Nai kia rồi!” Và máy bay hạ dần độ cao rồi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất.
Tôi lên một chiếc Lambretta để ra cổng phi trường rồi đi xích lô về nhà bạn, người bạn cùng lớp thời trung học, đã vào Sài Gòn để học Đại học.
Ngày thứ nhất, bạn giao cho tôi một chiếc xe máy Suzuki. Tôi đi đổ xăng và mua một cái bản đồ Thủ đô Sài Gòn và bắt đầu khám phá Hòn Ngọc Viễn Đông.
Tôi đến đường Trương Minh Kí, ngắm Đại học Vạn Hạnh. Đi hết đường Trương Minh Giảng, rẽ trái, đến Ngã tư Bảy Hiền, ngắm Bệnh viện Vì Dân đồ sộ, vào Hương lộ 14 để thăm ông anh cô cậu. Khu Bảy Hiền có rất đông người Quảng Nam vào làm ăn sinh sống.
Ở chơi nhà ông anh cô cậu đến 14 giờ, tôi đến đường Trần Quốc Toản để thăm bà chị kết nghĩa. Năm 1964, Quảng Nam bị lụt lớn, thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản. Trường Trung học Trưng Vương (Sài Gòn) của chị N. quyên tiền giúp học sinh miền Trung. Lớp 11A2 của chị N. đã gửi tiền giúp lớp tôi. Tôi và bạn tôi, mỗi người nhận được 200 đồng. Tôi viết thư cảm ơn lớp 11A2 của chị N. Từ đó, chị N. và tôi thường viết thư cho nhau. Chị N. học trên tôi hai lớp. Tôi cũng nhận được nhiều thư của các chị cùng lớp với chị N. nữa. Ba chị N. là một Bác sĩ và sau này chị N. cũng trở thành một Bác sĩ. 21 năm sau (1973-1994), trong dịp đi tăng cường cho Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận, chị N. có đến Khu tập thể trường THPT. DTNT. Ninh Thuận để thăm gia đình tôi.
Từ giã chị N. và gia đình, tôi đến chợ Bến Thành, đi qua nhà sách Khai Trí, vòng ra đường Bạch Đằng chiêm ngưỡng tượng đài Đại Vương Hưng Đạo – Trần Quốc Tuấn.
Sau đó, tôi đến dinh Độc Lập, ngắm công trình của Kiến trúc sư lừng danh Ngô Viết Thụ, đến chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà rồi đến Bảo tàng Lịch sử.
Tại Bảo tàng Lịch sử, nhìn những cây cọc Bạch Đằng, hình ảnh Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lí Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung, … lòng tôi dào dạt cảm xúc tự hào, cảm phục cha ông mưu trí, anh hùng, kiên cường, bất khuất! Ngắm những phiên bản trống đồng Đông Sơn, thạp đồng Đào Thịnh, những mũi tên đồng, … tôi như thấy lại cả một quá khứ gian khổ, hào hùng và tài hoa của dân tộc!
Rời Bảo tàng Lịch sử, tôi vào Thảo Cầm Viên để xem voi, gấu, sư tử, … Con hổ trong Thảo Cầm Viên, lúc này, trông rất giống con hổ của Thế Lữ trong bài thơ nức tiếng “Nhớ rừng”. Nó khinh khỉnh, nghênh ngang, dữ dằn, hung tợn lắm! Chắc là được ăn uống đầy đủ nên rất sung sức, mạnh mẽ.
Gần 17 giờ, khát nước và mệt, tôi quay về nhà bạn. Gặp một chị bán trái cây, đang đẩy xe đi bên đường, tôi dừng lại, hỏi: “Bao nhiêu một chục cam vậy chị?”. Chị trả lời ngay: “Bốn đồng chú à!”. Tôi nói: “Chị bán cho em một chục!”. Chị nhặt cam, bỏ vào một bao giấy đã được dán sẵn. Tôi trả tiền cho chị.
Cầm bị cam, nghe nằng nặng, tôi mở xem. Thấy 13 trái cam, tôi nói với chị: “Dư 3 trái chị ơi!”. Chị bảo: “Không dư đâu! Một chục là 12 trái, tôi biếu chú 1 trái nữa là 13. Nghe tiếng chú, tôi biết chú ở ngoài Trung mới vào. Quảng Nam phải không? Ở đây, tôi tính chục 12, chứ chú xuống miền Tây, người ta tính cho chú chục 14, chục 16 nữa kìa.”. Tôi vô cùng ngạc nhiên: chục 12, chục 14, chục 16 và còn biếu 1 trái vì “tôi biết chú ở ngoài Trung mới vào”! Người Sài Gòn sống nghĩa tình quá! Tôi vô cùng cảm động trước tình cảm của chị bán trái cây, tôi nói: “Vậy, em cảm ơn chị! Chào chị nhé!”.
Ngày thứ hai, tôi đi lung tung: đến cầu Chữ Y, qua Khánh Hội, đến Đa Kao, Chợ Lớn … Đi trên các con đường Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, … rợp bóng me, hoa và lá me rắc vàng trên đường. Đúng là những con đường dành cho các nhà thơ!
Đến chiều, tôi đến nhà sách Khai Trí, mua gần 20 quyển sách các loại: từ điển, thơ, tiểu thuyết, sách dịch, sau khi tính toán số tiền cần để ăn uống và đi xe.
Sáng hôm sau, tôi chia tay bạn và lên xe Phi Long để về lại Đà Nẵng.
Xe chạy tới Sa Huỳnh thì trời tối, những người anh em con Lạc cháu Hồng đang bắn giết nhau, xe không thể đi tiếp. Xe phải đưa hành khách xuống bờ biển để lên 2 chiếc thuyền. Thuyền chạy cách bờ vài cây số. Nhìn vào trong đất liền, thấy đạn bay đỏ trời, hỏa châu chiếu sáng, tiếng súng lớn nhỏ, lúc nhặt lúc thưa. Tôi không hiểu sao người Việt Nam mình lại thích bắn giết nhau dữ vậy!
Ra tới quãng thị xã Quảng Ngãi, thuyền mới cập bến, chúng tôi lên bờ và lên xe – một xe Phi Long khác – để đi tiếp ra Đà Nẵng.
Đấy, lần đầu đến Sài Gòn của tôi là như thế. Còn rất nhiều tình tiết nhưng tôi xin thuật vắn tắt như thế vì sợ làm mất thì giờ của người đọc!
Sài Gòn thật tuyệt vời! Đúng là một Hòn Ngọc Viễn Đông! Hòn Ngọc không chỉ là nhà cửa, lâu đài, cao ốc, đường sá, … mà quan trọng hơn, đó là Hòn Ngọc của Tình Người, của Nhân Cách, của Tâm Hồn người Sài Gòn!

PHAN THÀNH KHƯƠNG

MẤY KỶ NIỆM NHO NHỎ VỀ BỐN NĂM ẤY.

PHAN THÀNH KHƯƠNG

83298572

Trong 4 năm ấy, 4 năm học tại Đại học Sư phạm Huế (1970-1974), kí ức của tôi đã lưu lại nhiều điều mà mãi sau gần 40 năm (1974-2013), tôi vẫn còn nhớ rõ. Tôi xin được chia sẻ mấy kỉ niệm nho nhỏ sau đây:

1. Lạnh tê cóng hai bàn tay: Năm học thứ nhất, tôi ở tại Cư xá Huỳnh Thúc Kháng (cơ sở báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng). Cư xá này dành cho sinh viên Quảng Nam ra học tại cố đô. Năm đó, Huế lạnh 11 độ. Tôi chẳng có áo ấm. Khi qua cầu Trường Tiền, gió buốt, tôi run cầm cập. Đến lớp, thầy giảng, các bạn ghi chép, tôi chẳng tài nào viết được. Hai bàn tay cứng đơ. Tôi khoanh tay, kẹp hai bàn tay trong nách mãi cho tới khi … hết giờ học!
2. Đi khiếu kiện ở dinh tỉnh trưởng: Hôm nọ, đi học về thì biết tin cảnh sát vào Cư xá Huỳnh Thúc Kháng, đánh đập anh em sinh viên ở đây. Chúng tôi làm ngay một băng rôn “phản đối cảnh sát vô cớ đánh đâp sinh viên”. Tôi là một trong hai người cầm băng rôn, chúng tôi kéo qua dinh tỉnh trưởng, đòi gặp tỉnh trưởng để yêu cầu giải quyết vụ việc. Lính gác không cho vào. Tranh cãi một hồi, họ bảo cử đại diện vào gặp tỉnh trưởng. Cuối cùng, ông tỉnh trưởng đã xin lỗi và hứa chăm sóc các bạn bị đánh. Có lẽ ai đó đã mật báo gì đấy với cảnh sát Tiếp tục đọc

QUẢNG NAM, QUÊ TÔI (*)

Tôi xa Quê những bốn mươi năm,
Tim vẫn đập cùng Quê suốt mười bốn ngàn sáu trăm ngày ấy.
Lòng vẫn cưu mang tất cả những gì đã nghe, đã thấy, …
Từ thuở lọt lòng cho đến lúc phải xa Quê.
Nhớ sông Thu Bồn trong những chuyến đi, về,
Dâu, bắp (1) xanh non suốt hai bờ sông thần thánh.
Nhớ đèo Le với những trái sim to, chín mọng.
Nhớ Hội An tiếng chuông vọng chùa Cầu.
Nhớ Quế Lộc, xã t ôi, có hai hồ nước nóng gần nhau,
Hơi nước bốc trắng phau cả một vùng thung lũng…
Nhớ tất cả những Người con kiên trung, anh dũng,
Những Con người “hay cãi” (2) của Quảng Nam ta:
Nhớ Phan Châu Trinh, nhớ Huỳnh Thúc Kháng, nhớ Tiểu La,
Nhớ Trần Quí Cáp, nhớ Trần Cao Vân, nhớ Thái Phiên, nhớ Hoàng Diệu,
Nhớ Ông Ích Khiêm, … nhớ những Người con trung hiếu
Chỉ với Nhân dân, với Tổ quốc mà thôi!
Phải trái phân minh, đen trắng rạch ròi!
Nhớ quả bòn bon ngọt thơm kì lạ,
Từng được mệnh danh là quả nam trân.
Nhớ câu ca, từ thuở mới chào đời, tiếng mẹ vang ngân:
“Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng,
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu (3) ơi!
Thương cha nhớ mẹ thì về,
Nhược bằng (4) thương kiểng (5) nhớ quê thì đừng …” (6)
Và nhớ bia mộ ông bà rêu bám từng nét chữ,
Các em, các cháu có gìn giữ, sửa sang?
Tôi tự trách mình trong bấy nhiêu năm,
Không viếng mộ, chẳng trồng hoa trên mộ!
Và dù vào Sài Gòn hay ra Hà Nội,
Tôi vẫn không quên giọng nói Quảng Nam mình:
Mộc mạc, chân phương, ấm áp, thân tình, …
“Đi khắp thế gian,cũng đừng quên Quê mình anh hỉ!”
Lời nhắn nhủ đơn sơ mà nặng tình, nặng nghĩa,
Tình Quê hương, nghĩa với nơi cắt rốn chôn nhau.
Tôi vững lòng tin là con, cháu mai sau
Sẽ vẫn giữ cốt cách của cha ông thuở trước.
Cốt cách Quảng Nam ngàn năm bất diệt.
Và tôi nguyện trọn đời, sống như một người con của Quảng Nam thứ thiệt:
Trung thực, chân thành, “hay cãi”, thẳng ngay
Và nghĩa, tình trọn kiếp chẳng hề phai!

Ninh Thuận.
PHAN THÀNH KHƯƠNG
________________________________

(*) Quảng Nam vốn gồm cả Đà Nẵng vì Đà Nẵng là đứa con đã trưởng thành của Quảng Nam vừa được cho ở riêng.
1- Bắp = ngô.
2- Dân gian có câu: “Quảng Nam hay cãi …” . Cãi ở đây có nghĩa là bàn cãi, tranh cãi, phản biện để tìm ra chân lí, lẽ phải, ghét thói độc đoán, chuyên quyền và tuyệt nhiên không phải là “cãi chày cãi cối”.
3- Nhược bằng = nếu mà.
4- Bậu = bạn.
5- Kiểng = cảnh.
6- Ca dao Quảng Nam.

CÂY CAM ĐƯỜNG

Phan Thành Khương

Nắng như trút lửa trên cành,
Cam đường vẫn cứ tươi xanh một màu;
Trăm trận gió, suốt bốn mùa,
Cam đường nào có hề thua trận nào.

Gai đầy mình, muốn thế đâu!
Vì yêu Cuộc sống muôn màu đẹp xinh;
Bên bờ biển lớn Thái Bình,
Lắng nghe tiếng sóng rập rình tháng năm.

Đoá hoa trắng – nụ cười thơm,
Cam đường dâng trọn cho Non Nước này;
Mỗi cành như mỗi bàn tay,
Nâng bao quả ngọt, ngày ngày sẵn trao.

Nhìn cây, thấy dáng tự hào,
Sống trên dải đất xiết bao anh hùng;
Một đời gắn bó, thuỷ chung,
Mặc cho nắng lửa kết cùng gió lay!

Cây mà biết … sống đẹp thay!
Ta yêu cây lắm! Vạn ngày nào vơi!
Đắng cay, cây nhận mười mươi,
Ngọt ngon, cây để cho Đời cả trăm!

Phượng nở, nhớ Huế

Từ Đà Lạt mát mẻ,
Về Phan Rang nắng nôi,
Phượng vẫn sống xanh tươi
Dù chẳng cần chăm bón.

Hơn mười năm đằng đẵng,
Cho đến sáng mai nay,
Trong nắng vàng, gió nhẹ,
Phượng nở tím ngọn cây.

Nhìn chùm hoa tím biếc,
Lòng thấy nhớ Huế nhiều.
Nhớ thứ Hai đầu tuần,
Huế ngập tràn sắc tím.

Tím sân trường Đồng Khánh,
Tím cả cầu Trường Tiền,
Tím suốt đường Lê Lợi,
Ấy. Nét riêng Huế mình!

Màu phượng và màu áo
Chẳng hẹn mà hệt nhau.
Nhìn phượng, bỗng nhớ Huế
Thì có gì lạ đâu ?!

Phan Rang, 02-6-2013
PHAN THÀNH KHƯƠNG

Về Ninh Thuận

Em hãy về Ninh Thuận với Anh
Để ngắm biển xanh – biển xanh Ninh Chử;
Để tắm nắng vàng, gió vàng Phan Rang;
Để được nhìn những cánh đồng muối trắng, thênh thang
Của Cà Ná, Đầm Vua, Phương Cựu;
Để được cầm trong tay những chùm nho xanh, tím, đỏ
Của quê hương Ninh Thuận yêu thương;
Để được trông tháp Pô Klong sừng sững, rêu phong,
Màu không gian, màu thời gian hội tụ;
Để được đi dưới phượng hồng quyến rũ
Của con đường Tháp Chàm – Phan Rang;
Để được nhìn đôi bàn tay rất đỗi khéo léo, dịu dàng
Của mẹ, ở làng gốm cổ xưa Bàu Trúc;
Để được ngắm những cô gái, cô tiên làng Mĩ Nghiệp,
Dệt bướm thêu hoa trên thổ cẩm quê hương;
Để được nghe tiếng trống pi-găng,
Tiếng trống pa-ra-nưng
Và tiếng kèn sa-ra-nai rộn ràng, vang vọng.
Ninh Thuận quê mình vòng tay mở rộng,
Ninh Thuận quê mình nhịp đời sôi động –
Nhịp tình yêu, nhịp sống… khôn nguôi…
Em phải về Ninh Thuận với anh thôi!

Ninh Thuận, 05-5-2005
Phan Thành Khương