Các cao thủ võ lâm đã mất tích như thế nào?

phamhoainhan

Bang chủ Cái bang Hồng Thất Công là một tay cao thủ võ lâm. Xét về trình độ võ công, ông được xếp vào top 5, đó chính là Võ lâm ngũ bá vang danh thiên hạ. Thế nhưng xét theo tiêu chuẩn đại gia thời nay thì ông chả là cái thá gì hết, chỉ là một lão ăn mày rách rưới. Hồng Thất Công không có laptop xịn, không có xe hơi đời mới, lại càng không có biệt thự triệu đô. Tuy vậy, ông có một chiếc điện thoại di động. Điện thoại giá bèo thôi, chỉ vài trăm ngàn đồng Việt Nam. Ấy, vì tuy là bang chủ nhưng lại là bang chủ bang ăn mày nên ông thường xuyên bị gậy đi… ăn xin, đám đệ tử cái bang sắm cho ông chiếc điện thoại để khi hữu sự còn có thể liên lạc với bang chủ chứ nếu không thì ông lang thang xó xỉnh, bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm.

Một hôm, Hồng Thất Công đang nhồm nhoàm nhai cái đùi gà vừa xin được thì điện thoại reo. Ngỡ là đệ tử gọi, ông bắt máy thì nghe thế này:

– Xin chào, quý ông có phải là Hồng Thất Công, chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cái Bang không ạ?

– Phải, nhưng không phải chủ tịch, mà là bang chủ. Rồi sao?

– Xin giới thiệu chúng tôi là Ngân hàng Tiền Rừng Bạc Biển, chúng tôi mời ông gửi tiền vào ngân hàng chúng tôi với lãi suất cực kỳ hấp dẫn ạ. 18%/ năm nếu số tiền dưới 1 tỷ, 20%/năm nếu trên 1 tỷ. Ngân hàng chúng tôi là nơi huy động vốn với lãi suất cao nhất trên giang hồ đấy ạ.

Hồng Thất Công nhổ nước miếng cái phẹt, lẩm bẩm: Mẹ nó, gặp ăn mày mà nó kêu huy động vốn!

Rồi ông cúp máy. Chưa kịp tu một ngụm rượu thì điện thoại lại reo, lần này là một cao thủ khác:

– Chào ông, hân hạnh giới thiệu chúng tôi là công ty địa ốc Nhà Cao Cửa Rộng, mời ông đến tham quan và mua biệt thự cao cấp của chúng tôi với đầy đủ tiện nghi sang trọng, theo tiêu chuẩn Châu Âu tại…

Hồng Thất Công cúp máy. Ông ngửa mặt lên trời than: Ăn mày là ta, mền trời chiếu đất, có lầm người chăng khi kêu ta mua cái building?

Chưa dứt tiếng than, điện thoại lại reo. Hồng Thất Công bắt máy.

– Kính chào, xin mời quý ông tới thử xe hơi đời mới nhất của chúng tôi tại… Xe sang trọng, tiện nghi tối đa, nội thất tuyệt vời. Quý ông sẽ hài lòng khi mua xe mới của hãng chúng tôi…

Lần này Hồng Thất Công quá bực mình, ông nghiến răng tung chiếc điện thoại lên cao, vung đả cẩu bổng quất một phát làm chiếc điện thoại vỡ làm nhiều mảnh, văng xa hàng trăm trượng.

Không có điện thoại, đám đệ tử không liên lạc được với ông. Hồng Thất Công mất tích từ đó.

Lại nói về Âu Dương Phong, cũng là một cao thủ trong võ lâm ngũ bá. Âu Dương Phong luyện sai Cửu âm chân kinh, bị dở dở ương ương, trong người có một chiếc điện thoại di động để phòng thân.

Ngày nọ, Âu Dương Phong đang luyện võ thì nhận được tin nhắn: Muốn luyện Cáp mô công, hãy gửi tin nhắn theo cú pháp abcd đến số 88xx. Ông háo hức gửi tin và nhận được trả lời, bèn hì hục luyện theo.

Chưa đầy một khắc, tin nhắn khác lại gửi đến: Luyện Dịch cân kinh của phái Thiếu Lâm? Hãy gửi tin nhắn đến…. Âu Dương Phong lại gửi và lại nhận tin, lại hì hục luyện Dịch cân kinh.

Thế rồi tin nhắn gửi đến ào ào, nào là Ngọc nữ tâm kinh, nào là Tịch tà kiếm phổ, nào là Quỳ hoa bảo điển… Âu Dương Phong cứ thế mà luyện lung tung, càng luyện càng… điên. Ông chẳng còn biết mình là ai, đang làm gì, cứ thế mà đi lang thang vô định.

Âu Dương Phong mất tích từ đó.

Đoạn cuối câu chuyện được Kim Dung kể lại trong Thần Điêu đại hiệp, rằng hai lão cao thủ này gặp nhau trên đỉnh Hoa Sơn, giao chiến cùng nhau một trận long trời lở đất rồi ôm nhau cùng chết.

Có một tình tiết Kim Dung quên kể, đó là: Khi Âu Dương Phong chết, chiếc điện thoại rơi ra. Dương Quá nhặt được và thấy trên đó một tin nhắn như sau: Để tải nhạc chờ bài Hồn tử sĩ, hãy gửi tin nhắn đến số 4444.

Phạm Hoài Nhân

Advertisement

“Á đù” nghĩa là gì?

phamhoainhan

“Á đù” nghĩa là gì?
Chắc các bạn cũng như tui, đều cho rằng “Á đù” xuất phát từ một từ rất tục tĩu mà ra nên ngại sử dụng. Haizzaaa, nó tục tĩu lắm nên xin phép không nhắc xuất xứ ấy ở đây, chỉ biết rằng “Á đù” là một thán từ nhằm diễn tả trạng thái “thiệt là chịu hổng nổi!”, “tệ hại như vậy sao?”, “bậy bạ hết sức!”…

Mới đây, qua nghiên cứu, tui được biết rằng “á đù” không phải xuất phát từ cái chữ mà mọi người vẫn nghĩ. Vậy nó là gì?

Là vầy. Mọi người đều biết trong tiếng Anh chữ education nghĩa là giáo dục. Từ đó sinh ra chữ viết tắt edu để chỉ những gì liên quan đến giáo dục luôn. Thí dụ như: trong tên miền, những tên có phần đuôi là .edu là của tổ chức, đơn vị ngành giáo dục, EduGame là trò chơi có tính chất giáo dục, vv…

Ngành giáo dục Việt Nam luôn tạo ra những thành tích kỳ tài, từ cải cách giáo dục, tới vào trận đánh lớn xét tuyển đại học, tới biên soạn sách giáo khoa… Những thành tích ấy kinh hoàng tới mức người nghe, dù là người Việt hay nước ngoài nghe qua đều sửng sốt, không biết nói gì, không biết nhận xét ra sao, chỉ biết thảng thốt kêu lên: Edu?!

Tâm trạng của người thốt ra thán từ trên từ chỗ kinh hoàng sửng sốt rơi xuống nỗi thất vọng tột cùng, cho nên âm tiết đầu vút lên cao: É , còn âm tiết sau rơi xuống não nề: đù… Lâu ngày, âm tiết đầu biến thành Á vì nó thể hiện sự bàng hoàng nhiều hơn. Thế là ta có thán từ Á đù!

Vậy đó, á đù chẳng những không phải là một từ tục tĩu mà là một từ rất có giáo dục. Các bạn cứ dùng tự nhiên, đừng ngại nha!

Phạm Hoài Nhân

Kẻ bất tài

phamhoainhan

Tui không phải kẻ bất tài! Chí ít tui cũng là một nhà thơ, vì từ lâu rồi tui đã có thơ đăng trên báo… Nhi đồng. Đại để bài thơ đó như vầy nè:

Con gà nó gáy ó o
Gọi em dậy sớm, đi cho tới trường
Nếu mà ngủ nướng trên giường
Sách buồn, vở khóc, ai thương bé nào?

Sau này lớn lên, tui có gởi nhiều thơ đăng báo, nhưng… không báo nào chịu đăng. Thành thật và khiêm tốn mà nói, chắc là thơ tui không đủ hay và tui không đủ tài hoa. Nhưng không phải tài hoa thì đâu hẳn là bất tài, bằng chứng là tui đã từng có thơ đăng báo. Phải hông nè?

Thây kệ các tờ báo không chịu đăng thơ tui, bây giờ đã có Phây-búc, tui làm thơ xong tự đăng lên đó cũng được thôi. Thế nhưng như đã nói, tui rất thiệt tình và khiêm tốn, nên trước khi đăng thơ của mình, tui cũng coi qua các trang Phây của mọi người coi hoạt động thơ phú nó như thế nào.

Phây-búc quả là bầu trời đầy sao sáng. Nhiều người làm thơ rất hay, được khen ngợi tíu tít. Để góp mặt vào thi đàn (nói vậy cho nó oai), tui nghĩ mình phải góp phần nhận xét vô những bài thơ hay đó. Chết một nỗi, trí tuệ tui hơi kém (trí tuệ hơi kém chớ chưa phải bất tài à nghen), nên đọc thơ thấy hay đó mà chẳng biết bình luận làm sao. Còm-men theo kiểu khen “hay quá!” khơi khơi thì xoàng quá, chả ra vẻ hiểu biết tí nào. Còn bình luận thì, hic, chỉ sợ mình bình luận ngu quá người ta cười cho thúi đầu.

Tui tự nghĩ, thôi thì mình không đủ sức nhận xét thơ của những bậc tài hoa thì mình đọc thơ của những tay ngang vậy. Ít ra tài năng của họ cũng bằng mình trở xuống, như vậy mình mạnh dạn nhận xét hơn.

Tui vô trang Phây của một đại gia chuyên bán cám heo. May quá, đúng lúc anh này tung lên trên trang của mình mấy câu thơ:

Ào ào gió thổi hiu hiu
Trăng vàng chíp chíp, ghập ghềnh bóng mây

Ái chà, gặp đúng chỗ rồi. Thơ gì mà củ chuối vầy, thua mình là cái chắc. Gió hiu hiu mà ào ào. Trăng mà kêu chíp chíp như gà con. Bóng mây mà gập ghềnh như bánh xe bò. Thơ thì không có vần, mà lại còn viết sai chánh tả nữa chớ.

Vốn tánh cẩn thận, trước khi hạ… tay lên phím góp ý, tui thử đọc coi người khác đã còm-men những gì. Ngạc nhiên chưa? Toàn là những lời khen ngợi:
…Ôi, tuyệt vời quá sếp của em ơi!
…Em không ngờ anh giỏi bán cám mà lại còn làm thơ tuyệt tác tới vậy. Đúng là văn võ song toàn!
…Người tài, thơ cũng hay. Thật là GATO quá đại ca ơi.
…Tài năng thiên phú của sếp làm em kính phục.

Ngoài ra còn cả list vài chục câu còm nữa, câu nào cũng khen nức nở, làm tui bàng hoàng tự hỏi phải chăng mình chưa hiểu nổi cái hay trong câu thơ của chàng bán cám heo? Thiên hạ nói rằng: một lời nói sai, không tin!; hai lời nói sai, không tin!;… nhưng trăm lời nói cùng một ý thì ắt rằng đó là chân lý. Vậy đích thị hai câu thơ của chàng bán cám heo là tuyệt tác rồi, vậy mà mình hổng hiểu gì hết, lại cho là thơ dở ẹc! Bây giờ mà mình còm vô phê bình thơ này dở thì rõ là quay ngược bánh xe lịch sử, là bẻ gậy chống trời rồi!

Vậy là hết! Thơ của bậc tài hoa ta không hiểu đã đành, thơ của người bán cám heo ta cũng đánh giá không đúng luôn, vậy ta đâu còn là nhà thơ nữa mà đích thị là kẻ bất tài.

Tui rầu lắm. Tưởng Phây là cái gì hay lắm, dè đâu vô nhởn nhơ trong đó mới biết mình là thằng ngu, là kẻ bất tài. Các bạn chơi Phây có bị giống tui hông?

Pham Hoai Nhan

Coi xong rồi bỏ

phamhoainhan

Xét rằng:
Các tin nhắn, message gởi qua điện thoại, máy tính đều được lưu trữ. Đây là một điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì có lưu trữ nghĩa là có tồn tại. Có tồn tại nghĩa là có thể bị phát hiện. Bị phát hiện nghĩa là không còn riêng tư, bí mật.

Bà xã cầm điện thoại của mình, thấy trên đó có tin nhắn của bồ nhí: Bi kịch. Điện thoại bị chôm, đối thủ trong kinh doanh phát hiện những thông tin chiến lược của mình trên đó: Tai họa. Mấy thằng bạn mất dạy giả bộ mượn điện thoại của mình, lén đọc tin nhắn riêng tư trên đó rồi rêu rao tùm lum: Thô bỉ. Chưa kể thời buổi này bọn hacker đông hơn quân Nguyên, ai biết nó hack dữ liệu của mình lúc nào để… đòi tiền chuộc.

Nghe nói rằng:
Để giải quyết tình thế ấy, chàng nhóc Evan Spiegel bên Mỹ đã cho ra đời ứng dụng Snapchat, nhắn tin đọc xong xóa liền. Tan biến vào cõi hư vô, không lưu trên máy ta, không lưu trên máy bạn, cũng không giữ trên máy chủ.

Sáng kiến có vẻ như đi ngược về thời tiền sử này lại tỏ ra hay quá, khiến nhiều người khoái quá, tới nỗi nhóc Zuckerberg của Facebook đòi mua với giá 3 tỷ đô, nhưng nhóc Spiegel hông thèm bán.

Cũng nghe nói rằng:
Ở Việt Nam ta, Mobifone vừa noi gương Snapchat bên Mỹ, cho ra đời dịch vụ Safe Text. Nhắn tin xong, đọc xong là xóa luôn. Nghe đâu một số vị có bồ nhí đang rất quan tâm sử dụng.

Hai Ẩu nghiệm thấy rằng:
Cho dù là Safe Text hay Snapchat thì cũng không có gì chắc ăn. Nhà mạng cũng không tin được, có chắc là họ giữ bí mật thông tin cho mình không, hay là có ai yêu cầu thì họ xả cảng liền? Snapchat nói rằng nó xóa luôn tin nhắn trên máy chủ, nhưng ai biết rằng đó là nói thiệt hay nói xạo?

Tóm lại là nếu trao đổi thông tin qua trung gian một người thứ ba là không bảo đảm an toàn.

Cho nên Hai Ẩu có sáng kiến mới rằng:
Sáng kiến này an toàn hơn cả Snapchat, do đó dĩ nhiên là có giá trị hơn. Để biểu thị sự khiêm tốn của mình, Hai Ẩu sẽ bán đấu giá sáng kiến với giá khởi điểm rất bình dân: 1 tỷ USD thôi! (quá rẻ so với 3 tỷ đô mà Facebook đòi mua Snapchat!)

Sáng kiến đó là: Khi muốn trao đổi thông tin chi thì quăng phứt cái điện thoại đi, chỉ kề tai nói nhỏ thôi. Không thông qua trung gian nào hết, tuyệt đối giữ bí mật.

Hai Ẩu đã thử nghiệm sáng kiến như sau:
Hai Ẩu trao đổi thông tin với một người phụ nữ bằng phương pháp kề tai nói nhỏ. Sau đó còn tăng cường độ bảo mật bằng cách dặn dò: Đừng nói cho ai nghe!

Sau đó chẳng bao lâu, những điều Hai Ẩu nói được… cả làng biết! Sao kỳ vậy ta? Tính bảo mật đã được đặt cao đến mức tối đa rồi kia mà!

Đất trời lồng lộng, chẳng lẽ không có gì giữ bí mật được sao ta?

PHẠM HOÀI NHÂN

Trong vòng 3 nốt nhạc

phamhoainhan

Một tay giáo sư tên Michal Kosinski của trường Stanford nào đó bên Mỹ vừa công bố một nghiên cứu rằng chỉ cần cho coi 10 cú bấm Like trên Facebook của một người thì máy tính có thể xác định tính cách của người đó chính xác hơn bạn đồng nghiệp của hắn ta, nếu coi 70 cú bấm Like thì biết tính cách người đó rõ hơn bạn thân của hắn, còn coi 250 cú bấm Like thì thậm chí biết rõ tính cách của hắn ta còn hơn cả vợ hắn! Nói theo kiểu Trò chơi Âm nhạc, thì trong vòng 1 nốt nhạc biết rõ đương sự hơn đồng nghiệp, trong vòng 3 nốt nhạc biết rõ hơn bạn thân, trong vòng 7 nốt nhạc biết rõ hơn vợ chồng!

Hai Ẩu hổng tin, bèn tức tốc lên mạng chat với Michal Kosinski nhằm hỏi cho ra ngô ra khoai.

Hai Ẩu: Ê, xạo bà cố vậy cha nội? Làm sao mần được chuyện như vậy?

Kosinski: Tụi tui làm có cơ sở khoa học đàng hoàng. Từ năm 2013, tụi tui tập hợp thông tin về những lần bấm Like của 6 triệu người chơi Facebook. Từ đó lập ra mô hình toán học để xác định tính cách của người dựa vào những lần bấm Like. Mới đây tụi tui chứng minh mô hình của mình xịn bằng cách thử nghiệm trên 50.000 người, kết quả là máy tính của tui luôn cho kết quả nhận định chính xác hơn người thiệt nhận định.

Hai Ẩu: Má ơi! Làm chi cho cực vậy? Để làm gì chớ?

Kosinski: Nhiều chuyện lắm chớ. Chuyện lớn như khi vận động bầu cử, biết rằng đưa thông điệp thế nào thì người đó ứng xử ra sao, từ đó có chiến dịch tranh cử hợp lý. Hay người tư vấn hướng nghiệp biết học sinh có xu hướng gì để định hướng nghề nghiệp cho đúng. Còn chuyện nhỏ như anh coi số lần bấm Like của đồng nghiệp mình mà biết tính tình của nó, thí dụ nó có bị gay hông, nó có mê tín dị đoan hông, có nghiện sex hông… từ đó anh có biện pháp chơi nó để dành ghế.

Hai Ẩu: Bà nội ơi! Như vậy anh chỉ cần coi những lần bấm Like của tui là biết tui blah blah blah hả?

Kosinski: Hoàn toàn chính xác! Nhưng thiệt ra phương pháp này chưa phải tuyệt vời nhất đâu. Nếu biết được rằng anh coi những trang web nào, mua hàng qua mạng những gì… là còn biết chính xác hơn cả chục lần ấy chứ!

Hai Ẩu: Bà cố ơi! Vậy là biết tỏng tòng tong mọi thứ rồi còn gì nữa. Nhưng may mà hổng ai biết tui vô coi những trang web nào.

Kosinski: Đừng tưởng bở! Mấy nhà khoa học như tui hoặc người bình thường thì không biết anh coi cái giống gì, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), mấy nhà làm trình duyệt và kể cả một số công ty tiếp thị nữa biết hết mấy chuyện đó. Họ sẵn sàng cung cấp những thông tin đó cho các nhà quảng cáo, các đối thủ cạnh tranh, cả các tình địch của anh nữa. Tóm lại là trong thế giới này anh như bị lột trần truồng ra vậy đó!

Hai Ẩu: Trời đất ơi! Như vậy tui hổng dám lên mạng nữa, tui xóa sạch dữ liệu trên laptop mới được.

Kosinski: Vô phương! Anh vẫn còn cái smartphone, nó xác định anh đang ở đâu, làm gì. Tóm lại, hãy chấp nhận thương đau đi, anh chả còn gì riêng tư trên đời này đâu!

Sau cuộc trò chuyện với Kosinski, dù đang ở nhà một mình, mặc xà lỏn ngồi bên laptop nhưng Hai Ẩu vẫn vội vàng đứng dậy mặc mấy lớp quần áo vô cho nghiêm chỉnh. Ừ, dù sao thì cũng có cảm giác đỡ hơn một chút, chứ không thì cứ như là mình đang bị lột trần truồng phơi ra trước thiên hạ, nhột thấy bà luôn vậy á!

Phạm Hoài Nhân

Gần mực thì đen

phamhoainhan

Như 30 triệu người Việt Nam, Ba Trợn tham gia chơi Facebook. Như 41 triệu người Việt Nam, Ba Trợn sử dụng Internet để đọc tin tức và các loại thông tin khác. Oái oăm thay, chính những tin tức, thông tin trên Internet ấy lại tố khổ rằng Facebook là một chốn tệ hại nhất thế gian, chẳng nên giây vô làm gì!

À há, trên mạng Internet nó nói Facebook tệ như thế nào:
Đó là một chốn nhảm nhí, nơi để khoe mặt mốc, khoe đồ ăn, khoe con cái, có khi còn… khoe thân nữa. Chỉ tổ làm mất thời giờ, chả ích lợi gì.
Đó là nơi lan truyền những thông tin thất thiệt, nơi các thánh chém gió. Chẳng nghĩa lý gì!
Đó là nơi lừa đảo nhau bằng đủ thứ cạm bẫy.
Vv và vv…
Chính vì đọc những thông tin như thế mà Ba Trợn đâm ra hoang mang, không biết có nên tiếp tục xài Facebook nữa chăng. Mang nỗi niềm ấy, Ba Trợn tìm đến chuyên gia tâm lý và cũng là nhà đạo đức Hai Ẩu để nhờ tư vấn. Hai Ẩu “lên lớp” ngay với cậu em của mình:
-Người xưa có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Chú chơi với người tốt thì chú sẽ tốt theo, còn chơi với người xấu sẽ xấu theo. Facebook là mạng xã hội thì cũng như xã hội thật ngoài đời, phải biết chọn bạn mà chơi. Nếu bạn Facebook của chú toàn là những người đàng hoàng, tài giỏi thì những điều họ cập nhật thể hiện trên dòng thời gian của chú, cũng như những comment của họ với trang của chú đều là những thứ có giá trị chớ làm gì có cái thứ nhảm nhí, thất thiệt, lừa đảo?
Ba Trợn tâm đắc với những điều Hai Ẩu vừa nói, nhưng băn khoăn hỏi thêm:
-Em hiểu rồi. Facebook tốt hay xấu là do mình cả thôi, nói cụ thể là mình chọn bạn là mực hay đèn. Nhưng làm sao em biết ai là đèn để mà kết bạn cho đúng đây anh Hai?
Hai Ẩu ra vẻ ban ơn:
-Chuyện này không khó. Bạn Facebook của anh đương nhiên là tốt rồi, anh sẽ giới thiệu họ cho chú, bảo đảm chú sẽ gần đèn.
Thế là Ba Trợn có được những người bạn Facebook mới nhờ sự giới thiệu của Hai Ẩu.

Một thời gian sau, Ba Trợn gặp lại Hai Ẩu và hân hoan báo cáo kết quả.
-Em đã làm theo lời anh Hai, kết bạn với những người bạn đèn sáng rực rỡ của anh Hai.
-Ừa, tốt đó. Kết quả ra sao? Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng chớ?
-Dạ quá đúng anh Hai, câu tục ngữ của ông bà ta không sai chút nào.
-Vậy bây giờ trang Facebook của chú rất là sáng sủa, sạch sẽ phải không?
Ba Trợn cười hềnh hệch:
-Đâu có! Nó cũng vậy hà, toàn là những thứ nhảm nhí và chém gió phần phật. Mấy người bạn của anh Hai giờ đây nhảm nhí và chém gió đâu kém chi ai!
-Sao vậy? Bạn anh tốt lắm mà. Chẳng phải chú mới nói câu Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng là đúng sao?
Có vẻ rất đắc ý, Ba Trợn cười hí hí trả lời:
-Đúng ở vế đầu đó anh Hai. Mấy người bạn của anh Hai kết bạn với em, gần em. Thế nhưng em là mực, mấy người đó gần mực nên đen thui hết rồi anh Hai à!

PHẠM HOÀI NHÂN

Mãi dâng cho đời bài tình ca Đất Phương Nam.

phamhoainhan

Tui ngồi buồn, làm toán cộng toán trừ thì thấy vầy:
Cuộc chiến Trịnh – Nguyễn phân tranh được ghi là bắt đầu từ năm 1627, lấy sông Gianh chia đôi Đàng Ngoài và Đàng Trong. Thiệt ra là cuộc phân tranh có từ trước đó nữa – chắc là năm 1600, khi Nguyễn Hoàng trốn về Nam, không theo lệnh Trịnh Tùng nữa. Nhưng thôi, cứ lấy mốc 1627 khi có con sông chia đôi đất nước vậy.
Ta cũng lấy luôn mốc 1627 là mốc khởi đầu của Nam bộ đi cho gọn, vì cùng lúc đó các chúa Nguyễn mới mở mang bờ cõi về phương Nam, còn trước đó làm gì có!

Từ đó, cho dù lưu dân Nam bộ có gốc gác từ Đàng Ngoài, nhưng các thế hệ người dân lớn lên mà không hề có sự giao tiếp văn hóa với phía Bắc, bởi vì đôi miền đã bị ngăn cách bởi sông Gianh. Điều này kéo dài mãi tới năm 1802, khi Gia Long thống nhất giang sơn. 1802 trừ đi 1627 là 175 năm. Trong 175 năm đó vì không có giao lưu văn hóa, nên nếp sống, tâm tính, suy nghĩ của cư dân Nam bộ đâu có giống Bắc bộ.

Cứ tạm cho là trong triều đại nhà Nguyễn đất nước thống nhất đi, Bắc Trung Nam cùng nhau gặp gỡ đi, thì thời kỳ kéo dài bao lâu?
– Tới năm 1858 Pháp đã xâm lược Việt Nam. 1862 Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông. 1867 chiếm tiếp 3 tỉnh miền Tây. Từ 1867 Nam kỳ là xứ thuộc địa, nghĩa là tách hẳn ra khỏi Bắc và Trung, giống như là một đất nước khác, theo chính sách chia để trị của Pháp. Nếu tính mốc 1867 thì thời kỳ 2 miền Nam Bắc giao lưu văn hóa tự do với nhau là 1867 – 1802 = 65 năm.
– Thời kỳ thuộc địa Nam kỳ theo sử sách là tới năm 1945, là năm độc lập. Thế nhưng thật ra ngay sau đó vẫn là chiến tranh và 2 miền không thông thương được mãi cho đến 1954. Rồi từ 1954 đến 1975 vẫn là phân chia Nam – Bắc. 1975 – 1867 = 108 năm. Hơn một thế kỷ ấy, Nam vẫn đi đường Nam, Bắc đi đường Bắc.
– Tính suốt từ 1627 tới 1975 là 348 năm thì có tới 283 năm miền Nam được sinh ra và lớn lên tách biệt hẳn với miền Bắc, chỉ có 65 năm có giao lưu văn hóa mà thôi.
– Nếu tính tới bây giờ, 40 năm thống nhất đất nước thì có 105 năm giao lưu văn hóa Bắc Nam và tới 283 năm không có giao lưu, gần gấp 3 lần!

Tui không nói miền Bắc tốt hơn hay miền Nam tốt hơn, Hà Nội văn minh hơn hay Sài Gòn văn minh hơn. Tui chỉ muốn nói là với thời gian cách biệt lâu như vậy thì Nam là Nam, Bắc là Bắc, đâu có giống nhau đâu!

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”

Dạ, hổng dám cãi, Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một chắc chắn đúng rồi, nhưng trong nước Việt Nam ấy thì Nam là Nam, Bắc là Bắc, phải hông à?

Còn hỏi rằng tui thích Nam hay thích Bắc, thì tui là dân Nam bộ, câu trả lời dễ biết quá mà!

Phạm Hoài Nhân ‘s blog

Sherlock Holmes đã mất tích như thế nào?

 phamhoainhan

Cha đẻ của Sherlock Holmes, ông Conan Doyle, đã cho nhà thám tử lừng danh biến mất như sau: Sherlock Holmes và kỳ phùng địch thủ của mình là James Moriarty cùng rơi xuống thác nước Reichenbach, chết mất xác.
 
Đó là một kết cuộc bi tráng, nhưng tiếc thay, nó không đúng. Việc mất tích của Sherlock Holmes là một bí ẩn mà chỉ một mình Hai Ẩu được biết, xin kể cho các bạn nghe (nhớ đừng tiết lộ cho ai khác nhé!).

Sherlock Holmes đang ngồi nghiên cứu vụ án thì vị khách bước vào xin gặp. Đây là một vị khách bình thường, bình thường đến mức bằng tài năng nhận xét và phân tích thiên tài của mình, Holmes vẫn không rút ra kết luận gì cả.

Ông ta không thuộc về phe hung thủ trong vụ án.
 
Ông ta không thuộc về phía nạn nhân.
 
Ông ta không phải là nhân chứng.
 
Ông ta cũng không phải người của sở cảnh sát đến can thiệp vào công việc của Sherlock Holmes.

Vậy ông ta là ai? Đến đây làm gì?

Vị khách lạ niềm nở chào Sherlock Holmes:

  • Thưa Ngài Sherlock Holmes, tôi biết Ngài là một thám tử lẫy lừng nhất nước Anh, đã, đang và sẽ nắm trong tay những bí mật của những vụ án ly kỳ nhất.

Holmes dè dặt đáp lời: Cảm ơn ông. Xin ông đi thẳng vào vấn đề.

  • Vâng, thưa Ngài, tôi muốn nói về những điều bí ẩn ly kỳ mà Ngài đang nắm trong tay.

Holmes khẽ nhếch mép: Thế ra ông định mua chuộc tôi để dấu nhẹm những bí ẩn à? Có phải chăng những bí ẩn ấy có liên quan đến tội ác của ông?

Khách lạ vẫn giữ bình tĩnh: Ồ, thưa Ngài Sherlock Holmes, Ngài nói đúng một phần. Tôi định mua những bí ẩn của Ngài, nhưng không phải để dấu nhẹm, mà là để công khai!

Holmes nhíu mày: Thế là thế nào? Ông là người của một thám tử cạnh tranh với tôi, muốn mua những thông tin tôi đã có để tiến thêm trong vụ án? Nếu thế, tôi sẽ không bao giờ bán. Hay ông là người thân của nạn nhân, đang rất nóng lòng muốn biết thêm thông tin? Nếu thế tôi cũng sẽ không bán ông à. Tôi sẵn sàng cung cấp thông tin cho ông miễn phí, nếu nó không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, bằng không thì ông cũng không thể nào moi được thông tin.

Khách mỉm cười, kiên trì giải thích: Thưa Ngài, tất cả các giả định của Ngài đều SAI! Tôi không cạnh tranh với Ngài, thậm chí tôi còn muốn Ngài tìm ra manh mối của càng nhiều vụ án càng tốt. Tôi cũng chẳng phải thân nhân của nạn nhân nào trong các vụ án của Ngài cả. Tôi chỉ là nhà biên tập báo thôi à.

Holmes ngạc nhiên: Nhà báo? Nhà báo thì liên can gì ở đây? À, nếu để đăng tin thì xin ông chờ đến khi kết thúc vụ án.

  • Ngài nói phải, tuy nhiên xin lưu ý Ngài là quá trình phá một vụ án rất dài, cho dù người phá án là một thám tử lừng danh cỡ Sherlock Holmes. Các vụ án mà Ngài thụ lý thế nào cũng có liên quan đếncướp, giết, đốt, hiếp, đó là những thứ rất hấp dẫn bạn đọc. Vậy thì khi có những thông tin rùng rợn, gay cấn, hay chụp được những bức ảnh ly kỳ, xin Ngài hãy cung cấp ngay cho chúng tôi. Độc giả sẽ say mê theo dõi những thứ đó, và Ngài sẽ được trả nhuận bút rất hậu. Ngài viết những lời bình thống thiết cho những vụ án bi thảm, mô tả thật khủng khiếp những cảnh thảm sát, tự vẫn… là độc giả sẽ đọc say sưa, và báo tôi sẽ bán rất chạy, Chuyện bé xé ra to, kéo dài càng nhiều kỳ càng tốt, Ngài ạ.

Sherlock Holmes trầm ngâm suy nghĩ. Vụ án có kết thúc thành công thì thu nhập của Holmes cũng chẳng đáng bao nhiêu, mà công sức bỏ ra rất nhiều, có khi nguy đến tính mạng. Còn ở đây, Holmes chỉ cần ngoáy những chi tiết đắt giá nhất (bi thảm nhất, rùng rợn nhất) để đưa lên báo nhằm thu hút độc giả là có tiền nhuận bút ngay(mà những chi tiết ấy vụ án nào lại không có!). Viết tào lao thôi chứ chả cần điều tra chi cho cực! Vị khách lạ lại gợi ý một mức nhuận bút cao đến mức Holmes phải xiêu lòng.

Thế là Sherlock Holmes đồng ý. Thay vì dùng dữ kiện để điều tra, Holmes cứ đưa bứa bừa lên báo để thu hút độc giả, bất kể đã được kiểm chứng hay chưa, bất kể có ảnh hưởng gì đến quá trình điều tra hay không. Những cuộc điều tra đầy tính suy luận của thám tử Sherlock Holmes biến mất, thay vào đó là các bài báo lá cải (với bút danh khác, không phải Sherlock Holmes).

À, còn bác sĩ Watson, người bạn của Sherlock Holmes thì ra sao? Khi thám tử Sherlock Holmes biến mất, Watson cũng giã từ nghề bác sĩ. Ông về vườn trồng cải, loại cải có lá thật to. Nghe nói lá cải này được cung cấp cho Sherlock Holmes để viết báo!

Phạm Hoài Nhân  ( nguồn PHNHAN.VNCGARDEN.COM)

Coi vậy chớ đâu phải vậy!

phamhoainhan

Ông Tư già rồi, mới được con cháu sắm cho cái smartphone. Mới đầu, ông cũng chỉ nhắn tin và gọi điện như bình thường thôi. Sau, tụi nhỏ nó bày cho ông xài Zalo, Viber để gọi điện, nhắn tin và làm nhiều thứ khác nữa mà không tốn tiền. Ờ, xài cũng dễ, ngoài nhắn tin, gọi điện qua các OTT như đã nói, ông còn coi tin trên web được nữa. Chỉ có điều, cái “nhiều thứ khác” nói trên thì tụi nó chưa có thời giờ hướng dẫn, nên ông phải lọ mọ tìm hiểu thôi.

Bữa nay, ông Tư đang cầm smartphone đọc tin trên mạng bỗng đọc được một bài hay quá. Nội dung bài này về cái gì thì vì lý do tế nhị, ta tạm chưa nói ở đây, chỉ biết là nó nói về một công dụng của Zalo. Ông Tư đọc xong thì khoái chí, bèn xài Zalo để thử ngay cái công dụng mà bài báo nêu lên.

Lần theo mô tả trong bài viết, ông Tư truy cập Zalo, vào phòng chat, chọn mục Tìm quanh đây. Sau đó, ông chọn “Chỉ hiện nữ”. Khi danh sách những bạn chat hiện lên, ông Tư coi lại bài báo để tìm hiểu cách chọn bạn. Rồi, thế là ông chọn được một người. Ông liền chat với bạn đó, nội dung chat là gì thì vì lý do tế nhị ta không kể ra đây, chỉ biết là sau đó ông Tư đã hẹn gặp bạn đó ở quán cà phê gần nhà. Ông hí ha hí hửng, khen thầm: Báo nói như thần, chỉ đâu đúng đó!

Ngồi ở quán cà phê chưa nóng đít, người hẹn chưa thấy xuất hiện thì thằng Cu Tí, con ông hàng xóm bỗng dáo dác chạy tới. Ông Tư than thầm: “Mình tới đây vì chuyện tế nhị mà tự nhiên thằng nhỏ này lại ló mặt, làm sao đây?” Cu Tí thấy ông Tư ngồi một mình thì sáp vô ngồi chung, vồn vã hỏi thăm: “Sao đi cà phê có một mình vậy bác Tư? Con ngồi chơi cho vui nhe!” Bất đắc dĩ, ông Tư phải cho nó ngồi chung nói chuyện.
Mười lăm phút trôi qua, người hẹn của ông Tư vẫn chưa thấy tới. Thấy ổng có vẻ sốt ruột, thằng cu Tí cười cười rồi hỏi:” Bác Tư chờ ai vậy? Em Kiều Diễm phải hông?”

Ông Tư giựt mình, sao thằng nhỏ này nó nói đúng chóc vậy ta? Ông cà lăm: “Sao, sao mầy biết?”

Cu Tí cười hì hì, giơ smartphone của nó ra cho ông Tư coi, nói:
“Thì con là Kiều Diễm nè, hồi nãy con chat với bác Tư chớ ai! Bác Tư ơi, bác tính làm dê già đi kiếm cỏ non hả?”
Ông Tư tức mình quá, thằng nhỏ hỉ mũi chưa sạch này dám giả bộ làm con gái để lừa ông. Ông lôi cái smartphone của mình ra, mở đến đúng bài báo mình mới đọc cho nó coi và cãi lại:
“Cha mầy! Tao từng tuổi này rồi mà còn mê gái hả? Tao vừa đọc bài này nè: Cạm bẫy gái gọi trên Zalo. Bác Tư mầy chỉ làm theo những gì bài báo này nói để kiểm chứng coi sự thiệt có đúng như vậy không thôi mà. Hiểu chưa đồ con nít ranh?”
Cu Tí cũng giơ smartphone của mình ra, nói:
“Thì con cũng vậy thôi, con cũng mới đọc bài báo đó và thử tạo ra một cái nick giả để kiểm chứng coi người ta có đi tìm gái gọi qua Zalo như bài báo ấy nói hay không thôi mà.”

Ra là vậy, ông Tư và cu Tí đều là những người đàng hoàng, có đâu làm chuyện bậy bạ, họ chỉ kiểm chứng nội dung bài báo thôi mà. Coi vậy chớ đâu phải vậy!

Còn bài báo kia, thoạt nhìn thì có vẻ như bài viết cảnh báo hiện tượng xấu trong xã hội, lợi dụng công cụ Zalo nhưng thực tế hình như là đang vẽ đường cho hươu chạy, đưa nội dung để câu view. Ai biết đâu nà, coi vậy chớ đâu phải vậy!

Phạm Hoài Nhân

Quan Lớn lập trang Facebook

 phamhoainhan
Lâu nay Quan Lớn vẫn coi thường Facebook. Coi thường và không ưa nữa. Coi thường là vì Quan thấy nó rất nhí nhố. Ấy, thỉnh thoảng Quan vẫn nghía vô trang Facebook của thằng con nên mới biết nó nhí nhố. Nào là chụp hình tự sướng, nào là rên rỉ buồn chán, rồi ăn uống cái giống gì cũng thả hình lên Phây. Còn khó ưa là bởi vì Quan nghe nói trên đó bọn nó chửi rủa vung mạng lắm. Chửi lung tung như vậy mà mình ló mặt lên không chừng bị văng miểng!Thế rồi hôm trước Tết, Quan Lớn nghe Thủ tướng biểu rằng các quan không được né tránh Facebook, mà phải biết sống chung với Facebook. Ngay sau Tết, Ban bí thư Trung ương Đoàn ra chỉ thị khuyến khích mỗi cấp cơ sở Đoàn lập trang Facebook riêng cho mình. Rồi cùng lúc có bà bộ trưởng cũng công khai trang Facebook.
Vậy là không thờ ơ được rồi. Mình là quan thì phải làm theo quan trên chứ. Phải có trang Facebook thôi. Quan cho gọi Quân Sư tới để chỉ đạo :
-Anh mần liền cho ta một trang Phây Búc.
-Dạ, quan muốn mần trang Facebook cá nhân hay trang fanpage?
-Giải thích ta nghe?
-Dạ, trang cá nhân là trang của một người, thí dụ như anh Tèo, anh Tí. Anh chơi với người này người nọ, thích cái này thích cái kia. Còn fanpage thì tạm dịch là trang dành cho người hâm mộ (fan đó mà!). Có thể đó là trang của một doanh nghiệp, một cơ quan, cũng có thể là của một người nổi tiếng… để người ta tỏ lòng hâm mộ.
-Hiểu! Ta đâu phải một người, ta là Quan Lớn kia mà. Vậy hãy lập cho ta một fanpage ngay và luôn nghe chưa!
Quân Sư mất 30 phút để làm xong fanpage cho Quan Lớn, nhưng giả vờ kéo dài tới mấy ngày để chứng tỏ công việc khó khăn, vất vả (có vậy mới được thưởng công hậu hĩ). Quan Lớn xem qua hài lòng lắm, nhưng thắc mắc:
-Làm sao ta biết có nhiều người hâm mộ ta không?
-Dạ, đó là số người Thích ạ. Quan nhìn vô chỗ này nè.
-Ủa sao có một đứa thích ta vậy? Người hâm mộ ta có bi nhiêu đó thôi hả? Coi sao được?
-Dạ, đứa đó là em đó quan. Quan muốn có nhiều người hâm mộ – tức là nhiều người Thích – thì dễ ợt hà, muốn bi nhiêu có bi nhiêu. Nhưng mà cái đó là dịch vụ đó quan, chuyện gì cũng có giá của nó quan à. Thời giá bi giờ cũng cỡ vài trăm ngàn đồng cho 1000 lượt Thích đó quan.
-Nhiêu cũng chơi! Ta duyệt, anh làm liền cho ta.
Thế là sau khi Quân Sư ẵm một mớ tiền và trang fanpage của Quan Lớn có vài chục ngàn Thích thì sứ mạng coi như cơ bản hoàn thành. Quan Lớn đi khoe với cấp dưới và báo cáo cấp trên rằng mình đã có trang Facebook với lượng fan khủng.Ít lâu sau, thêm một nhu cầu phát sinh. Trang Facebook của Quan Lớn chẳng có ai vô coi và cũng chẳng có thông tin gì mới. Quan Lớn hỏi kế Quân Sư. Quân Sư nói rằng có dịch vụ đóng giả Quan Lớn để post bài lên, và có luôn dịch vụ đóng giả người hâm mộ để còm-men lên trang của quan. Quan Lớn đồng ý chi tiền để làm dịch vụ đó, trả tiền hàng tháng như trả lương, cho trang Phây của mình được rộn ràng, nhộn nhịp, nở mày nở mặt với người ta.
Và cũng từ đó, thông qua môi giới của Quân Sư, giới IT nghiệp dư có thêm một nghề khá đơn giản mà kiếm tiền tương đối tốt: dịch vụ lập trang Facebook cho các quan, bao gồm cả: tăng like, post bài, còm-men…
PHẠM HOÀI NHÂN