MƯA MẶT NẠ

nhatchieu

Chiều hôm ấy, gió không chỉ đưa lá về làng, không chỉ đưa mây về làng, không chỉ đưa chuồn chuồn về làng, nhưng dẫu sao đi nữa, chiều hôm ấy lá bay linh loạn đủ màu sắc, lá bạc lấp lánh, lá đỏ hừng hực như lửa, lá vàng như cá lượn, lá xanh như én bay, một trận mưa lá.

Tiếp sau trận mưa lá ấy, chiều hôm ấy, là một trận mưa mặt nạ, những chiếc mặt nạ bay tứ tung, làm bằng chất liệu gì không rõ, trông tựa như da người, mà có thể đó chính là da người, một cầu vồng muôn màu đang vỡ muôn nghìn mảnh và bay tứ tung, xé không gian làng ra thành từng phiến màu nhỏ xíu.

Mặt nạ đủ loại đang bay, đang nhảy múa, đang chơi đùa, đang cười, đang khóc, đang hóa trang cho gió, cho nắng, cho cát bụi, cho vận mệnh chiều hôm ấy, cho linh hồn xa xưa, cho linh hồn sắp tới.

Có những chiếc thuần màu mốc, thuần đỏ hay thuần trắng hồng, có những chiếc nửa xanh nhạt, nửa trắng hồng, phân đôi bằng một lằn dọc từ chóp trán đến tận cằm, có những chiếc đa sắc hơn với da mặt tím, đuôi mắt xanh, miệng đỏ, mày đen và những nét viền vàng.

Dân làng tranh nhau nhặt mặt nạ và biết đâu, mặt nạ cũng đang tranh nhau nhặt con người, dưới cơn mưa ảo, dân làng tranh nhau nhặt cái ảo như thể đang nhặt vàng, nhặt bạc, như thể đang nhặt lên những giấc mơ, những khát vọng, những mảnh vụn của bóng tối trong đáy sâu tâm thức, hoặc đang nhặt những cơn điên, những phiêu lưu vô định.

Có vô số mặt nạ, nào giai nhân, anh hùng, yêu ma, nào ác bá, chồn cáo, công hầu, nào chim, cá, bướm, nào bé con, lão tiều, hề, nào người hầu, gian thần, đạo tặc, nào thiên nữ tán hoa, nào ca diếp vi tiếu…

Có cả mặt nạ của trinh tiết, mặt nạ của ái ân, mặt nạ của từ bi, mặt nạ của cứu rỗi, có cả mặt nạ của mặt nạ, mặt nạ của hư không, mặt nạ của chân lý, mặt nạ của giải thoát…

Liệu có mặt nạ của nửa này nửa nọ, mặt nạ của cả này lẫn kia chứ, liệu có mặt nạ của sắc và không chứ, có chứ, mặt nạ của nửa mê nửa tỉnh, nửa thiện nửa ác, cả cười lẫn khóc, cả yêu lẫn hận, mặt nạ mà, trong siêu thị của mặt nạ cái gì cũng có nhưng mà người mua là bạn thì người bán cũng là bạn.

Vậy là, chiều hôm ấy dân làng bội thu và thay vì bội thu lúa vàng thì bội thu mặt nạ, có người ướm mặt nạ lên mặt và đeo ngay, mặt nào cũng vừa vặn như được đo sẵn, chẳng lẽ khuôn mặt ta sinh ra là để cho mặt nạ, và gió định mệnh sẽ thổi mặt nạ ta cần đến cho ta như thổi phấn hoa đi, và đeo mặt nạ là thụ phấn sao, đeo mặt nạ có phải là tự đốt sáng mình lên như đom đóm để từ chối làm côn trùng sâu bọ, hay từ chối làm con người bản nhiên thì cũng vậy chớ gì, có người không đeo ngay mà đem mặt nạ về nhà, không chỉ một chiếc mà nhiều chiếc, cả mặt nạ tốt lẫn xấu, nhưng mặt nạ là mặt nạ, làm gì có tốt xấu kia chứ, mặt nạ là vô sai biệt mà.

Rõ là mặt ấy mặt này chứ ai (Nguyễn Du)

Ai cũng tươi cười như ngày lễ hội, tưởng như họ trở lại thành trẻ thơ khi đeo mặt nạ vào, lạ thật đấy, thường ngày thì hầu như không ai biết cười.

Đó là thôn làng không biết cười.

Thôn làng ấy không biết cười đâu, hoặc có khi biết nhưng đã quên rồi, đó là thôn làng đã lãng quên nụ cười, mỗi trú xứ trên thế gian này đều lãng quên một vài thứ, và ở đây người ta quên mất nụ cười, có thế thôi.

Tôi tình cờ có mặt trong làng từ mấy hôm trước, đến làng theo lời mời của một chàng trai mà tôi tình cờ gặp bên thác T.

Đến làng tôi chơi đi, Man nói làng của Man rất buồn và Man là người rất trầm lặng, làng của tôi buồn thật đấy nhưng anh đến đi, biết đâu làng sẽ thay đổi, tôi chẳng có khả năng thay đổi điều gì hết, tôi là một con người tưởng tượng, đó là điều chúng tôi cần, làng chúng tôi thiếu cái ấy, cái gọi là tưởng tượng ấy.

Có một thành phố buồn, buồn thảm đến nỗi nó quên mất tên mình rồi, S.Rushdie mở đầu một quyển sách như thế, làng của Man buồn hơn thế nữa, nó không có tên để mà nhớ hay quên, ở đó, người ta đặt tên cho mọi thứ, trừ quê quán của mình.

Tôi hỏi Man, làng của anh buồn quá, tại sao vậy, Man im lặng hồi lâu mới đáp, hình như buồn là điều tự nhiên, đứa bé ra khỏi lòng mẹ không cười bao giờ, cười phải học, phải được sáng tạo, dân làng tôi không sáng tạo điều gì, lần đầu tiên tôi nghe một điều như thế.

Chiều hôm ấy, tôi đang đi lang thang trong làng thì gặp trận mưa lá và mưa mặt nạ, tôi giơ tay hứng lấy hai chiếc mặt nạ, trắng và đen, trên nền mặt nạ thuần trắng, chỉ vẽ một giọt lệ hồng, long lanh và đẹp mê hồn, tôi chỉ cầm mà ngắm giọt lệ hoàn hảo ấy, không hề ướm lên mặt mình, nhưng làm sao tôi biết thế nào là một giọt lệ hoàn hảo chứ, thật rõ vớ vẩn.

Chiếc còn lại thì có màu nền đen huyền và trên đó chỉ vẽ một nụ cười trắng, một nụ cười tuyệt vời tinh khôi, thì cứ cho là như vậy đi dẫu ta không biết thế nào là tinh khôi, nhưng tôi hy vọng có lần nào đó trong đời tôi sẽ đạt đến nụ cười này, trong đời sống chứ không phải là trên mặt nạ.

Cả hai chiếc là một loại mặt nạ kép, áp vào nhau mà bay, tôi tách một chiếc đưa cho Man, Man không nhặt một mặt nạ nào, tôi cảm thấy lo sợ, anh nói.

Tôi ở nhà Man, tối hôm ấy, chúng tôi uống rượu, nhìn hai chiếc mặt nạ khóc cười treo trên vách và trò chuyện.

Chưa từng thấy mặt nạ ở đâu mà đẹp đến thế, đẹp thì có đẹp nhưng tôi không hiểu mặt nạ dùng để làm gì, vô dụng, trái lại, nó được dùng rất ưu ái mọi lúc mọi nơi, xưa cũng thế mà nay cũng thế.

Có lẽ vậy nhưng không phải ở làng này, làng này buồn ủ buồn ê có lẽ vì nó không biết nói dối, không biết phát minh ra cái thực nào khác ngoài cái thực mà nó nhìn thấy, tôi e rằng trận mưa mặt nạ chiều nay sẽ biến cải làng tôi.

Tôi cảm thấy nỗi âu lo của Man lây sang tôi, tình bạn chúng tôi vừa mới gặp đã vô cùng thân thiết.

Có một cô gái trong làng Man rất yêu, mười sáu tuổi, tên là Hồ.

Nàng là Hồ, anh biết không, là nơi tôi có thể tắm những giấc mơ, nỗi buồn, cái nhìn, niềm đam mê, lời ca hát, nàng là Hồ, nhỏ bé mà mênh mông, trong trẻo mà sâu thẳm, mơ hồ mà hiện tiền. Hồ, không thanh âm nào đáng yêu hơn, nàng là Hồ, và tôi là cơn gió thổi qua lòng nàng.

Bài thơ tình của anh tuyệt diệu, tôi làm thơ sao, đó chỉ là cảm tưởng Hồ, thì thơ là cảm tưởng mà.

Sáng hôm qua, Man vào rừng lấy củi, tôi có đi theo.

Dù hẹn hò với Hồ, anh vẫn để tôi bên cạnh, cứ như tôi là cái bóng của anh, hai người hôn nhau trước mặt tôi.

Hồ là một cô gái duyên dáng, nhẹ nhàng như lá, nàng gợi lên trong tâm tưởng ta một cái hồ trong vắt, có lẽ do đôi mắt nàng quá trong. Có một suối nước trong gần đó, em vào suối đi, Man bảo nàng, và nàng khỏa thân, vào suối, nằm trôi trên suối như một dáng thuyền trắng mộng.

Nhớ lại cái đẹp mà tôi được dự lãm hôm qua, tôi lo ngại nhìn Man qua ánh nến,

Hồ có nhặt một chiếc mặt nạ nào không, không biết nữa, cô ấy quá ngây thơ, có thể không biết mặt nạ là gì, và có thể đã nhặt phải một chiếc ghê gớm nào đó, có quá nhiều mặt nạ, nào là hồ mị, nào là hoa yêu, nào là thị mầu, nào thị hến, nào là người điên, rồi kỹ nữ, rồi đạo cô…

Hồi chiều, tôi thoáng nhìn thấy Hồ, nhưng rồi sau đó nàng biến mất, khó mà tôi có thể tự tha thứ cho mình nếu như điều gì đó không hay xảy đến cho nàng, không có gì đâu, có lẽ ở nàng, mặt nạ chỉ là mặt nạ.

Người phát minh một gương mặt cho chính mình/Phía sau nó/ Người sống, chết, và hồi sinh/ Bao nhiêu lần/ Gương mặt người ngày hôm nay/ Có nhiều vết nhăn của chính gương mặt ấy/ Còn những vết nhăn của người thì nào có mặt mày.

Có tiếng bước chân trên lá ngoài ngõ, Man đứng phắt dậy, bước nhanh ra cổng, tôi đi theo anh.

Trước mặt chúng tôi là một cô gái đeo mặt nạ hồ nguyệt cô cực kỳ xinh đẹp, có thể nhận ra hồ nguyệt cô vì hai vành tai nhọn mượt lông của loài hồ và đôi mắt sâu thẳm như đêm. Man và cô gái nhìn nhau, cả hai đều ngượng ngập, bối rối.

Cô là, em là Hồ đây mà, em gỡ mặt nạ ra đi, không được, từ khi đeo mặt nạ rồi, em không tài nào gỡ ra được nữa, nó dính liền da mặt em và trở thành làn da em mất rồi.

Trời ơi, em có sao không, không đau chứ, không đau gì cả, thế còn những người khác, hình như ai đeo mặt nạ vào thì cũng vậy, các bạn em đều như em, đều trở thành người mặt nạ, biến thành vượn trắng, rắn xanh, hay yêu cá, hàng xóm có kẻ thành ma cà rồng, thành hề, có người thành người dơi, cô gái mèo, tôn ngộ không…

Gương mặt Man vốn trầm tĩnh giờ đây đổi màu, tái xanh và bồn chồn, tuy mặt nạ của em rất đẹp, nhưng em có còn là em nữa không, em sợ lắm nên chạy vội đến đây, em không biết đang đeo phải mặt nạ gì. Man cũng không rõ, tôi bảo họ đấy là mặt nạ hồ nguyệt cô, là ai vậy, một con cáo tu luyện ngàn năm ngậm ngọc mà hóa thành một cô gái đẹp, rồi bị lừa tình mà mất ngọc, phải trở lại kiếp hồ xưa, vậy đây là một mặt nạ hồ ly, thì đã sao, nhưng Hồ của anh thì không phải là hồ ly, nhìn cô ấy xem.

Man nhìn Hồ như lần đầu tiên anh nhìn thấy nàng, Hồ à, em có chắc là em vẫn cảm thấy bình thường chứ, thì em vẫn thế thôi, có phải mặt nạ này đẹp hơn gương mặt cũ của em không, ai cũng nói là nó quá đẹp, một tuyệt thế giai nhân, còn em thì chỉ là một cô gái bình thường.

Đôi mắt em tuyệt đẹp, sáng lấp lánh, anh khen đôi mắt em hay một đôi mắt hồ, em ghen à, nhưng ghen với ai, ghen với chính em ư, mặt nạ là mặt nạ, không phải là em, em là em, và anh chỉ nhìn thấy có em mà thôi, nhưng từ đêm nay, giữa chúng ta bao giờ cũng là một mặt nạ xinh đẹp, anh biết không.

Hồ nói đúng, vẻ đẹp siêu phàm của mặt nạ đã hoàn toàn che lấp nhan sắc thuần hậu của nàng, ánh mắt của Man từ đây chỉ còn tiếp xúc với cái lớp mê hồn ấy, cái ảo ảnh rất thực ấy, gương mặt xưa của Hồ chỉ còn lại trong ký ức, nhưng Man ơi, ký ức liệu còn lại bao lâu, gương mặt mới của Hồ không thể chê được, mơn mởn, gợi tình, tỏa ngời một ánh hồng như đang chiếu dọi một ánh lửa thu hút thiêu thân, một khi đã quen rồi, có lẽ Hồ sẽ tự hào với nhan sắc mới này, khi đã quen rồi, có lẽ Man sẽ say sưa với nhan sắc mới này, còn xuân thu cũ ai hay làm gì.

Dưới ánh trăng, ngõ trúc bỗng xuất hiện anh hề, một gương mặt nhiều màu nhất thế gian, với cái cười vô tận. Hồ nói, anh hàng xóm của em đấy, từ khi mang mặt nạ hề, cứ ca hát suốt, trước đây thì ngay cả nói năng cũng lười, quả nhiên anh hề vừa đi vừa hát.

Trăng là mặt nạ của đêm ư/ hay đêm chính là mặt nạ/ ư ư ư ư/ Trăng là mặt nạ của hồ ư/ hay hồ chính là mặt nạ/ ư ư ư ư,
Mưa là mặt nạ của mây ư/ hay mây chính là mặt nạ/ ư ư ư ư,
Khóc là mặt nạ của cười ư/hay cười chính là mặt nạ / ư ư ư,
Xác là mặt nạ của hồn ư/ hay hồn chính là mặt nạ/ ư ư ư ư,

Tôi bắt chuyện với anh hề, chào anh hề, bài hát của anh hay quá.

Chào người xa lạ, ư ư ư ư/ư nghĩa là gì/ hư hư hư hư/ ư là hư ư/ hư là ư ư và anh hề bỏ đi, lại hát.

Mặt nào mặt thật/ hê hê hê hê/ Mặt nào mặt nạ/ hê hê hê hê/ Mặt trái mặt phải/ hê hê hê hê/ Mặt ấy mặt này/ hê hê hê hê…

Hồ đặt một bàn tay lên vai Man mà lay mạnh, anh ta đã xúc phạm đến em mà anh không làm gì ư. Nét mặt Man lộ vẻ ngạc nhiên thấy rõ, sao cơ, anh ta chỉ hát thôi mà, anh không nghe rõ lời hát của anh ta sao, lại hát nữa đấy, nghe đi, trăng là mặt nạ của hồ ư, hay hồ chính là mặt nạ, chẳng phải là anh ta đang réo gọi tên em ra mà mắng ư.

Nếu em bắt bẻ một bài ca thì tất cả bài ca trên thế gian này đều xúc phạm ai đó, nhưng Hồ ơi, trước đây em đâu có như thế, là do em đeo mặt nạ ư, cái mặt nạ xinh đẹp khốn kiếp này đã đốt cháy mặt thật của em rồi, nhưng kệ nó đi, em vẫn là Hồ, anh biết không, sao anh lại phải hồ nghi, hở em, nhưng mà, anh ơi, em bắt đầu không tin mình lắm nữa, có gì đó trong em đang bắt đầu vỡ vụn, anh phải canh chừng em đấy, phải sẵn sàng cứu giúp em, em sợ lắm.

Khi chúng tôi vào trong nhà thì không còn cháy ánh nến nào, nhưng trong bóng tối có hai vật sáng lấp lánh lượn bay, đó là hai chiếc mặt nạ khóc và cười mà tôi và Man đã treo trên vách, giờ đang rập rờn nhảy múa và tỏa sáng trong bóng đêm. Nhìn thấy chúng tôi, chúng đồng thanh nhao nhao lên tiếng, hu hu, ha ha, vừa kêu khóc, vừa cười ran, vừa ca hát.

Mặt nạ khóc
Ta chờ ta đợi
ta chờ ta đợi
giọt giọt nóng hổi
không có người chơi
lang thang đêm tối
ta thèm sinh sôi,
mà hoan lạc đời,

Mặt nạ cười
Các bạn ta ơi
các bạn ta ơi
oang oang ca hát
sóng trào biển khơi,
Ta là mặt nạ
Ta là mặt nạ
bay mưa vào đời,
đi tìm người chơi
thèm dâng cuộn sóng

Lượn lờ bay nhảy một hồi, chúng chập vào nhau làm một, bất ngờ bay vút qua cửa sổ trong đêm tối mà biến mất.

Dường như Hồ đang lao vào Man, ôm ghì lấy anh như chụp lấy con mồi, tôi nghe những tiếng hổn hển, rên rỉ lạ thường của cô gái, tôi cảm thấy không gian có mùi xạ hương nhưng không chắc, biết đâu chỉ là tưởng tượng.

Không biết chuyện gì đang xảy ra và sẽ xảy ra trong làng này với những người mặt nạ, tôi sẽ ở lại với họ hay là cao chạy xa bay, nhưng trước hết, tôi nằm xuống giường cố dỗ giấc ngủ.

Mà sao khó thế, liệu có ngủ được không trong tiếng kêu gào cuồng dại của Hồ, đó là tiếng kêu của ái ân hay của một điều gì khác.

Không biết.

NHẬT CHIÊU

Advertisement

Người không chiêm bao

nhatchieu

1. Tinh mơ. Trong khi người không chiêm bao còn say ngủ, nàng lặng lẽ rời khách sạn, mang theo máy ảnh và đi ra Hồ.
Người không chiêm bao
Hồ. Trong thơ xưa, nó được xưng tụng là gì nhỉ? Nàng Tây Thi. Bây giờ Hồ đang nằm duỗi mình trong sương mù, mượt mà, long lanh và hư ảo. Xứng danh người đẹp.
Bây giờ vẫn còn chưa trang điểm, nàng và Hồ.

2. Trời còn lạnh.
Hồ đẹp đến nỗi tôi xấu hổ mình đã quá vội vàng, chưa trang điểm mà đã đi gặp Hồ. May mà còn có chiếc khăn san đỏ sẫm màu rượu vang quấn quanh cổ tôi!
Giờ này quanh Hồ biết đâu có sói, sói có thể mang đầu người, bụng người và chân người. Đó là tôi chợt đùa thầm với chính mình trong làn sương bềnh bồng sớm đông.
Bầu trời màu tro ửng một chút hồng.
Với tôi, bầu trời lúc nào cũng đẹp. Tôi thường ngẩng nhìn, trong khi đi đường, cái vòm bao la đổi màu liên tục ấy.
Đừng thế nữa, chồng tôi nhiều lần trách mắng, nhìn mặt đất mà đi chứ!

3. Ngay cả khi nhìn mặt đất, Nàng vẫn thấy thanh thiên phản chiếu trong gương, phản chiếu trong hồ, phản chiếu trong vũng nước…
Trong một giọt sương, nàng cảm thấy, cũng có ký ức của bầu trời xanh.
Ngay cả khi nhìn mặt đất,
Nàng vẫn lạc đường, vẫn bơ vơ, vẫn chờ đợi, vẫn đi về một chân trời xa.
Ngay cả khi nhìn mặt đất,
Nàng vẫn mang dáng vẻ mộng du và nàng đã gặp anh trong trạng thái đó, đã lấy anh trong trạng thái đó.
Nàng đã lấy người không chiêm bao.

4. Trước khi rời phòng, tôi ngoái nhìn về chiếc giường anh đang nằm.
Anh quấn mình trong chăn ấm. Như một con sâu. Ngáy đều. Như một ao tù rền âm thanh của bóng tối.
Ngay cả mang tai của anh, tôi cũng không thấy đâu. Đôi mắt anh giấu trong bóng tối của chính nó.
Giấc ngủ của anh bao giờ cũng say.
Giấc ngủ của anh có thời khắc chuẩn xác và không bao giờ mộng mị. Tôi biết.
Biết hay không biết thì cũng vậy.
Giá như một lần tôi có thể đi vào giấc ngủ ấy, cái thế giới trống rỗng không có gì ấy. Trong cái nhà tù hư vô ấy, chỉ có bóng tối.
Tôi đã may mắn thành công khi thuyết phục được anh trở về thăm cố hương từ một phương trời buốt lạnh, mịt mùng tuyết bay.
Chỉ để nhìn lại hồ, ngắm những vạt sen hồng và dõi mắt theo một bầy chim thiên di rủ nhau bay về An Bá, Yên Thiên.
Trong mơ, có lần tôi thấy mình bay trong bầy chim di trú ấy, vai mọc đôi cánh màu tím biếc, vẫy gió mà bay. Tỉnh dậy, mắt ướt. Chồng tôi ân cần hỏi han trong khi tôi vừa khóc vừa kể lể.

5. – Có gì thế em?
– Không.
– Có.
– Em chiêm bao…
– À, chiêm bao!
– Đừng chế giễu em.
– Em thấy em đang tậu một miếng đất trên mặt trăng, phải không?
– Miếng đất nào? Em chỉ thấy mình bay về An Bá trong hình hài một con chim thiên di, chính xác là con sâm cầm lẻ loi giữa một bầy cò, nhạn, giang, le le…
– Tội nghiệp em chưa, tội nghiệp những người phải sống thường xuyên với những giấc chiêm bao. Giá mà em có thể sống như anh. Như anh.

6. Bởi vì anh chưa từng biết mộng mị là gì. Trong hàng ngàn giấc ngủ anh trải qua từ bé đến giờ, tuyệt không hề có một giấc chiêm bao nào.
Anh đã thú nhận với nàng như thế ngay trước phút cầu hôn.

7. Và bây giờ, khi ngoái nhìn anh ngủ, tôi biết rõ một chốc nữa đây, đúng bon 6 giờ, anh sẽ mở mắt. Đôi mắt anh không lưu đọng một bóng hình hư ảo nào, hoàn toàn sáng rõ như hòa nhập với ánh nắng mai sẽ tràn vào phòng qua cửa sổ.
Anh sẽ đi vệ sinh, rồi rửa mặt, rồi đánh răng, rồi tập thể dục, rồi mở máy vi tính bắt đầu một ngày mới. Đó là một nghi lễ bất di bất dịch.
Ngày nào cũng như ngày nào.
Cho dù có luân hồi chuyển thế, anh nói, anh không tin là anh có thể sống khác với thời khóa biểu của mình.
Hay cho dù có động đất, sập trời, anh cũng thế.
Bởi thế, tôi không thể đánh thức anh dậy sớm, ra bờ Hồ giăng sương, đón đợi bầy sâm cầm bay xuống và vẫy nước trên Hồ. Trong cuộc đón đợi này, tôi phải lẻ loi thôi.
Nhưng kể từ khi lấy anh, có một cuộc đón đợi nào, nếu như thật sự là một cuộc đón đợi, mà tôi không lẻ loi đâu.

NHẬT CHIÊU

Người ăn gió

Nhật Chiêu

40146371_137326sm[1]

Ăn gió? Và cuối cùng, gió là thức ăn duy nhất mà tôi có thể ăn được sau chứng bệnh quái ác kia. Tôi không còn có thể chạm đũa vào cơm, canh, cá, thịt… chứ đừng nói gì đưa chúng vào miệng. Toàn bộ cơ thể của tôi từ lâu rồi dị ứng với các thứ ấy.

Ban đầu tôi thử ăn trái cây. Chỉ được vài ngày thôi. Rồi thì cả hoa quả cũng làm tôi lợm giọng.

Nghĩ người ăn gió… ( Nguyễn Du)

Một đêm kia, trên sân thượng của một trà quán, tôi bất ngờ khám phá ra mình ăn được gió. Một miếng gió bỗng dưng bay nhẹ vào miệng tôi, chạm vào đầu lưỡi và trong đó có lẫn chút hương cà phê.

Lập tức vị giác tôi thức tỉnh và rung động ngây ngất. Miếng gió tan dần trên lưỡi tôi như một loại kem tuyết tuyệt hảo. Khi nó tan hết rồi tôi vẫn còn nhấm nháp cái dư vị phi thường của nó, cái dư vị pha chút hương hoa quỳnh nở gần đấy, trong cái góc lặng lẽ mà tôi đang ngồi.

Cứ thế, tôi chờ gió. Dần dà tôi quen cách đón rước miếng gió nào bay gần, dùng lòng bàn tay hất nhẹ nó vào miệng mình.

Đêm đó tôi ăn một tiệc gió ngon lành. Sau một tháng đói lả, tôi bỗng tươi tỉnh hẳn lên, lấy lại khí sắc xưa. Khi đã no nê, tôi kết thúc cuộc ăn trả bữa bằng một chén trà có vị quế.

Nhưng thức ăn gió ở thành phố lớn này nhanh chóng làm tôi chán. Vì nó không tinh khiết. Trước ngày ra đi tôi đem Kinh Dịch ra bói. Được quẻ Di Di (Nuôi nấng): Bói được quẻ này rất tốt, nhận ra cái đạo dinh dưỡng, tự nhờ bản thân mà kiếm cái ăn.

Trời đất sáng tạo, nuôi nấng muôn loài. Nuôi thể chất và nuôi tinh thần. Tự nuôi mình và nuôi tha nhân.
Lời Tượng: Dưới núi có sấm là hình tượng quẻ Di, quân tử thận trọng lời nói và ăn uống tiết độ Tiếp tục đọc