Mùa Xuân Về Cội

nguyenythuan


Tính theo vai vế và sự liên hệ rắc rối của đại gia đình họ Nguyễn thì tôi phải gọi nàng bằng dì và xưng cháu. Đúng như lời giới thiệu trong thư của hai bà mẹ Ở Việt Nam gửi sang cho tôi và Vi để tìm bà con. Cho nó gần, cho nó thân. Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân thích là may mắn lắm con ạ… Cả hai bà mẹ đều viết y chang như vậy để bọn tôi cùng tìm nhau, trong khi tính đến lúc nhận được thư thì hai đứa đã yêu nhau được gần hai năm.

Và cách xưng hô! Than ôi, bọn tôi đã quen – anh em – mất rồi. Anh với em từ hồi mới gặp kìa. Đâu dễ gì mà sửa được. Hai bà mẹ gặp nhau quá muộn, muộn đến độ hảo ý mong con có họ hàng thân thích ở xứ lạ quê người thành mối phiền cho bọn tôi.
Mà phiền thật! Mặt Vi tái xanh khi nói với tôi về lá thư của mẹ nàng. Rồi càng tái hơn khi đọc thư của mẹ tôi. Cái tái của nàng lây sang tôi. Thật là một cú báo tin chết người. Chết chứ sao không? Bọn tôi đã dự định tháng sáu này dắt nhau đến nhà thờ. Chưa kịp báo tin vui về Việt Nam thì hai bà cụ đã phạng cho một quả quá nặng. Vi nghẹn ngào, nói như muốn khóc. 
– Anh tính sao? 
– Đã chắc gì đúng như hai bà cụ nói. 
– Chắc chứ. Anh thấy rõ ràng cả hai bà đều viết như nhau. Còn dặn dò chúng mình phải ráng tìm nhau, giúp đỡ nhau trong cuộc sống… Phải chi mình đừng gặp. 
Tôi đón lấy lá thư từ tay Vi, đọc lại một lần nữa. Cố gắng tìm điểm nào đó để gạt phăng cái sợi giây liên hệ kỳ cục giữa hai đứa. Nhưng vô ích, bà cụ tôi chỉ viết về Vi vài giòng: – Ở bên nhà bác Phấn (tên mẹ Vi) từ Bắc mới vào thăm mẹ, có gì Vi là con gái cũng sang Mỹ, cùng ở California với con, con ráng tìm. Bác Phấn cũng viết thư sang bảo dì Vi tìm con. Con nên sang thăm, giúp đỡ dì Vi thường xuyên, cho nó gần cho nó thân. Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân thích là may lắm con ạ. Con phải gọi dì Vi bằng dì và xưng cháu cho đúng phép tắc… – Chỉ bấy nhiêu câu nhắc về Vi, kèm theo địa chỉ của nàng và tự nhiên Vi nhẩy lên làm dì tôi. Bên mẹ Vi cũng vậy, cũng nhắc đến tôi với những lời lẽ như thế và kèm theo địa chỉ của tôi với câu: – Con ráng chăm nom, giúp đỡ cháu… – Giúp đỡ? Chúa ơi! Tôi còn lớn hơn Vi tới năm tuổi lận. Chăm nom? Phật ơi! Có tôi chăm tới để nom nàng thì có. Vi lúc nào cũng nũng nịu và hờn giận trong hai năm quen nhau. Lúc nào em cũng có anh để che chở. Đã có lần Vi bảo tôi khi ngồi tại một công viên. Vậy mà bây giờ mọi việc đều thay đổi. Hai bà cụ chỉ báo cho bọn tôi biết là dì cháu một cách khơi khơi, còn liên hệ thế nào chả nhắc đến. Nên điều quan trọng nhất mãi một năm sau cả hai mới được biết. 
Hãy tưởng tượng một năm trời kéo dài với cơn đau từ cú đấm vào tim thì đủ thấy thời gian dài đến độ nào. Đau lắm chứ sao không? Đang vui vẻ yêu nhau thì đột nhiên ngàn trùng xa cách vì lý do gia cảnh một cách lãng xẹt thì ai mà không chết được. Sống là ráng sống vậy thôi. Bọn tôi gượng gạo kéo dài liên hệ trong vòng mấy tháng đầu theo lời chỉ dẫn của hai bà mẹ. Những lần gặp gỡ không còn không khí tự nhiên, ân cần, tràn đầy hạnh phúc nữa mà thay bằng những câu hỏi thăm ngượng nghịu. Chán vô cùng là chán! Lần nào Vi cũng giữ thái độ e dè, tạo ra một khoảng cách giữa hai đứa. Lá thư quá – ép phê – với nàng. Hơn nữa, cái hình ảnh hai – dì cháu – mà hôn nhau như chim nếu hai bà già biết được dám có hai đám ma cùng ngày, cùng giờ ở Việt Nam lắm. Chẳng riêng Vi có thái độ đó. Mà chính tôi cũng giữ gìn. Những cử chỉ thân mật mất biến giữa hai đứa. Lúc nào cũng có một cái gì ngượng ngập, gượng ép bao quanh. 
Mệt hơn hết là lối xưng hô – dì cháu – , dĩ nhiên khó lòng mà gọi nhau trong trường hợp này. Còn – anh em – thì đâu được? Sự thật đã rõ rành rành, còn nằm trên hai lá thư gửi từ Việt Nam. Nên đành phải thay bằng cách khác. Tôi gọi trống tên nàng và xưng tôi. Nàng cũng chỉ gọi trống một tiếng anh và cũng xưng tôi. Lối xưng hô có tính cách gia đình này làm những lần gặp nhau trở thành buồn tẻ. Hai năm trời đã quen những lần anh em ngọt sớt. Đột nhiên thế này ai mà chịu nổi. Càng về sau chúng tôi càng cố tránh mặt nhau. Xưa tuần hai, ba lần. Rút xuống còn những buổi cuối tuần. Rồi hai, ba tuần một lần… 
Chúng tôi đang dối lẫn nhau và dối cả chính mình. Sáu tháng sau ngày nhận được thư, tôi quyết định bỏ về San Jose để sống. Bỏ lại Santa Ana với bao nhiêu kỷ niệm. Cùng Vi: bà – dì – người – yêu – tôi. 
Đi là phải. Ở lại chỉ làm đau lòng nhau thêm. Tôi đã nghĩ thế và Vi cũng nghĩ thế. Một trong hai đứa phải rời khỏi Santa Ana mới êm được. Ở lại có ngày dám cầm súng bắn chết người bà con oan gia, rồi quay súng tự tử y hệt tuồng cải lương Mỹ lắm à! Vượt biên sang đây mà phải đóng tuồng cải lương – Tự tử vì tình – thì lãng nhách! Và thằng đàn ông là tôi hy sinh là đúng. Ai lại để cho đàn bà con gái hy sinh bao giờ? Phải nịnh đầm chứ? Cho dù người được nịnh là bà dì trên trời rớt xuống một cách tàn nhẫn, rớt xuống một cách lãng xẹt, không… bằng chứng. 
Hãy khoan trách bọn tôi là yếu đuối và xử sự cải lương. Hãy khoan nói bảnh mà chê tụi này. Đoạn trường ai có qua cầu mới haỵ Đang yêu nhau ra rít, đang mơ ước đến ngày dắt nhau lên nhà thờ, cười mím chi với Chúa, đang hí hục lo toan tương lai với những nhi đồng trai, nhi đồng gái nối dõi cho đại gia đình họ Nguyễn một cách anh dũng thì bị cú nốc ao cũng vì đại gia đình họ Nguyễn. Chết chứ chả chơi đâu. Tưởng tượng đến cảnh một người con gái yêu mình và mình yêu nói chuyện như vầy xem sao.
– Anh khỏe chứ?
– Khỏe. Còn Vi?
– Cũng khỏe.
Im lặng.
– Anh đi làm đều chứ?
– Đều. Còn Vi?
– Cũng đều.
Lại im lặng.
– Vi nhận được tin nhà chứ?
– Không. Còn anh? 
– Cũng không.
Thêm một cú im lặng.
– Vi có gì lạ không?
– Không. Còn anh?
– Cũng không.
Lại im lặng. Lại tiếp tục những mẩu chuyện đại loại như thế. Lâu lâu thay đổi không khí thì hai đứa đi ăn sáng, dạo phố loanh quanh, uống cà phê rồi ai về nhà nấy. Đối thoại trong thời gian đi chơi cũng na ná như sau.
– Hôm nay thiên hạ đông ghê.
– Ờ, đông ghê!
– Chủ nhật có khác.
– Ờ, cuối tuần mà.
Im lặng xuống xe. Dắt nhau vào phở Hòa chẳng hạn. Dĩ nhiên hai đứa đi theo kiểu – nối đuôi – . Đứa trước đứa sau, bố bảo cũng không dám cầm tay chứ đừng nói ôm eo như trước.
– Vi ăn gì?
– Cho – tôi – tô tái nhỏ.
Xoay sang người hầu bàn, tôi gọi thức ăn. Xong, cả hai đứa nhìn nhau rồi tránh nhau. Mắt hai đứa hết nhìn lọ tương đỏ, lại nhìn sang lọ tương đen. Hết lọ tương đen lại sang lọ Ớt. Hết lọ Ớt lại sang lọ mắm. Hết lọ mắm lại quay về lọ tương đỏ. Cứ tưởng trên đời này ngoài những lọ tương, lọ mắm, lô ớt thì chẳng có gì quan trọng. Chán nhìn tương, mắm chúng tôi chuyển cái nhìn sang phía khác. Tuyệt nhiên không dám nhìn vào người đối diện. Hệt như đang ngồi một mình. Cho đến khi người hầu bàn bưng phở ra, Vi lau đũa theo thói quen – của những lần ăn trước – đặt trước mặt tôi. Tôi cũng nói theo thói quen – của những lần ăn trước – nhưng không thò tay nắm tay nàng nghịch ngợm trong khi nói – như những lần ăn trước.
– Cảm ơn Vi.
– Ăn đi anh.
– Ăn đi Vi.
Rồi mạnh đứa nào đứa nấy nhai, húp. Bây giờ tô phở trước mặt là điều đáng để ý nhất thế giới.
– Ăn được chứ?
– Ngon lắm. Còn anh?
– Cũng vậy vậy.
Xong đứng dậy trả tiền. Rồi sang khu Phước lộc Thọ đi vòng vòng. Cuối cùng là một màn cà phê với những câu đối thoại nhạt như nước ốc. Vậy là xong một lần đi chơi. Mạnh ai nấy về và ráng nghĩ như không có gì.
Làm bà con và vờ vĩnh hết yêu nhau được nửa năm, cả hai đều thấy tình trạng này không thể kéo dài được. Chịu sao thấu? Đến lúc nào đó cầm lòng không đặng thì phiền biết bao nhiêu? Thà không biết thì thôi. Biết mà vẫn ráng yêu thì tội hai bà già ở Việt Nam quá. Đành phải hát bài biệt lỵ Và tôi đi.*
Không hẳn tất cả các điều các cụ dạy đều đúng, đó là điều tôi nghiệm thấy ở San Jose Xa mặt cách lòng là điều rõ ràng nhất. Cách lòng đâu chả thấy chỉ thấy càng nhớ nhau thêm. Nhớ ray rứt, nhớ tàn bạo, nhớ quay quắt, nhớ như chưa bao giờ biết nhớ. Lúc nào cũng cảm thấy như thiếu một cái gì bên cạnh. Tôi đã thất vọng vì điều hai bà mẹ dạy bảo, bây giờ lại thất vọng hơn vì điều các cụ nói. Các cụ của chúng ta không còn hợp thời rồi. Ít nhất cũng sai trong trường hợp này. Tự nhiên cảm tình của tôi dành cho những người lớn tuổi ít hẳn đi. Tôi không còn khoái nghe họ nói nữa. Cho dù có bị nghe thì tôi cũng mang định kiến là họ nói không thiết thực và khó lòng áp dụng vào hoàn cảnh sống tại đây.
Không khó lòng sao cứ tưởng xa nhau, không gặp mặt và đến một vùng đất lạ hoắc thì sẽ nguôi ngoai là sai bét. Tôi nhớ Vi suốt ngày dù đã cố vùi đầu vào công việc. Nhưng vô ích, sau thời gian làm việc, khi vừa khóa cửa tòa soạn để về nhà là những ý nghĩ về Vi lại đến. Suốt con đường về lúc nào tôi cũng tưởng tượng đến cảnh có Vi ngồi bên cạnh, kể cho nàng nghe những mẩu chuyện mà tôi sẽ chế ra. Hẳn Vi sẽ cười, sẽ gật gật cái đầu như mọi khi… Như mọi khị Mẹ kiếp! Tôi nhăn mặt mỗi khi kỷ niệm trôi về với một tiếng chửi thề. Cố gắng nghĩ sang vấn đề khác, nhưng than ôi! Hình như tất cả mọi điều có trong cuộc sống này đều liên quan đến Vi.
Chưa hết. Đêm về moi thật là khổ tâm. Luôn luôn những kỷ niệm kéo về. Này là buổi chiều cuối năm ngoái hai đứa lang thang trong khu hội chợ xuân. Vi cười cười trước pho tượng mẫu trong cửa hàng thời trang và chê tôi nghèo. Này là buổi tối giao thừa tại khoảng vườn của ngôi chùa nằm trên đường First, hai đứa hôn nhau tôi cố tìm sớ hành trong kẽ răng khôn của nàng. Hơi thở thơm mùi hành pha với nước hoa vẫn còn phảng phất… Từng nơi chốn, từng thời gian trở lại làm tôi ngán ngẩm. Sau cùng để quên, tôi tìm đến những viên thuốc ngủ.
Nhưng vẫn không yên! Kỷ niệm bây giờ chạy luôn vào giấc ngủ. Những cảnh trong mơ cứ y hệt những cảnh quá khứ. Sáng dậy đầu nặng trĩu và ngây ngây say… cảm xúc còn sót lại trong mơ làm cái chán lại càng chán hơn. Tôi hết đường chối sự thật. Tôi hết đường dối mình.
Hai tháng sau tôi bò về Santa Ana thăm bạn bè. Lý do là thế và tôi đã tự nhủ: không dính dấp gì đến Vi trong chuyến đi này cả. Chỉ về thăm bạn bè và nhậu. Vậy thôi! Nghĩ thế và vui vẻ mua vé máy baỵ Nhưng lúc ngồi trên phi cơ, ý nghĩ bẻ cong lại. Cái náo nức của lần về này ngoài lý do thăm bạn bè còn có niềm vui về vùng đất có Vi đang ở nằm bên trong. Dù không gặp nàng – nhất định sẽ không gặp nàng – nhưng về đây tôi vẫn cảm thấy được an ủi, gần gũi hơn. Tôi nhìn xuống thành phố khi máy bay lượn vào phi đạo của phi trường John Wayne Dưới đó là Vi đang sống. Dưới đó là Vi đang ở một góc nào đó. Hẳn nàng đâu biết rằng tôi đang về. Cảm giác nao nao dấy lên trong lòng, tôi bùi ngùi đặt mình vào hoàn cảnh rất cải lương. Miệng lẩm bẩm hát lại bài nhạc cũ của Hoàng Quý. Đến khúc Em có hay chăng tôi về tự nhiên tôi run hẳn. Rồi ráng tưởng tượng đến một cảnh cảm động như phim Tàu. Vi tình cờ ra phi trường đón bạn bè hôm naỵ, bọn tôi sẽ gặp nhau. Chắc cảm động lắm. Nhưng để làm gì? Hình ảnh hai bà già ở Việt Nam hiện lên làm tôi cụt hứng, chấm dứt một cú tưởng tượng không thể xảy ra khi máy bay đáp xuống phi trường.
Ra đón tôi là người bạn làm thơ họ Trịnh. Gọi hắn bằng cái tên Trịnh thi sĩ cho dễ nhớ. Vừa gặp nhau Trịnh thi sĩ đã phang một câu.
– Mày có vẻ xuống sắc thấy rõ.
Tôi cười gượng xách túi quần áo đi theo hắn ra xe. Bên cạnh thân thể béo tốt, đầy đủ tình yêu của thằng bạn tôi cảm thấy mình yếu kém và xuống cơ hẳn. Hắn nhắc lại khi vừa mở máy xe.
– Mày sao vậy? Bịnh à?
– Ừ, bịnh cả tuần nay.
Tôi đáp bừa, vậy mà thằng thi sĩ này có vẻ tin. Nó hỏi tới.
– Bịnh gì? Ngủ được không?
Tôi ú ớ. Mẹ kiếp! Không lẽ lại bảo mỗi ngày ông vẫn tọng cơm ba lần, cộng thêm một viên thuốc ngủ mỗi tối.
– Có gì phải suy nghĩ không mày?
Suýt nữa tôi buột miệng chửi thề. Có thằng bạn tốt kể cũng phiền thật. Không lý lại bảo tao đang thất tình chứ bịnh hoạn gì. Đành phải ậm ừ cho xong chuyện. Nhưng chưa hết, đến quán cà phê Rendez vous trong khu Phước Lộc Thọ mới thật là phiền. Bạn bè đông đủ cả, toàn là những đứa lơ ngơ với cuộc sống, ở Mỹ mà vẫn đi trên mây và mỗi cuối tuần kéo ra ngồi tán dóc. Trịnh thi sĩ đưa tôi đến đó lúc bàn cà phê độ hơn chục đứa hệt như Trịnh thi sĩ, vừa gặp mặt, cả bọn đã tra hỏi. Có lẽ mặt tôi xuống sắc thật. Trước lòng tốt của bạn bè, tôi chỉ biết trả lời quanh co, sau cùng phịa đại.
– Tao… tao… ho ra máu… mấy bận.
Đến bây giờ tôi mới hiểu bạn bè thương nhau đến mức nào. Nghe tôi phịa, thằng thì khuyên cái này, thằng thì khuyên cái kia. Tôi vừa cảm động vừa xấu hổ vì đã nói dối lại vừa bực mình vì không biết nói lại thế nào. Cường bủng – chuyên viên thuốc ngủ đã chỉ dẫn cho tôi hiệu thuốc ngủ – an ủi.
– Đừng lo nghĩ gì nữa… Và làm như hiểu rõ tâm trạng tôi, hắn tiếp tục một cách lửng lơ – Từ từ rồi cũng qua!
Tôi giật thót người sau câu nói của hắn. Làm sao thằng này biết kỹ thế. Xoay sang hắn, tôi chăm chăm nhìn kỹ khuôn mặt thằng bạn thân có đôi má mỗi ngày một xệ xuống. Ngoài cặp kính có vẻ thông minh, còn lại tất cả mọi thứ trên mặt đều không có gì chứng minh rằng hắn hiểu chuyện. Cặp kính dĩ nhiên không biết nói, vậy thằng bạn này chỉ nói khơi khơi, nói theo linh tính. Tôi ậm ừ cố lái sang chuyện khác.
Thú thật trong lần về Santa Ana ngoài niềm vui với bạn bè, tôi còn tìm thây một điểm rất quan trọng. Đó là tâm trạng gần gũi với Vi. Suốt thời gian mấy ngày dù ở một quán cà phê hay trong một chầu nhậu lúc nào tôi cũng cảm thấy có Vi bên cạnh. Lãng mạn kiểu Tàu và cải lương kiểu Tây là tôi và Vi đang cùng hít thở chung một bầu không khí. An ủi rất nhiều, nên tôi tiếp tục chi tiền cho hãng American Airline đều đều để về Santa Ana… hít thở!
Dù thương tôi đến đâu Trịnh thi sĩ cũng phải bực mình vì cảnh đưa đón hoài. Ban đầu là hai tháng một lần, sau một tháng một lần, sau hai lần một tháng. Rồi mỗi tuần một lần. Tối thứ sáu từ San Jose bay về, sáng thứ hai từ Santa Ana lên. Tôi đi đi lại lại nghỉ cuối tuần ở Santa Ana để hít thở như một ông triệu phú đa tình. Lương mỗi tháng lãnh ra đủ để trả tiền ăn, tiền phòng, tiền máy baỵ Còn lại các khoản khác đều ké. Cà phê ké, nhậu ké, thuốc ké… Nghĩa là ké được cái gì là ké. Nhưng ké thì ké bạn bè tôi chẳng đứa nào quan tâm đến vấn đề ấy cả. Gặp nhau là mừng rồi. Duy nhất chỉ có Trịnh thi sĩ là rầu rĩ đáng lẽ những cuối tuần hắn dành cho cô bạn hay nũng nịu trọn vẹn thì phải san xẻ cho tôi bằng những lần ngồi đợi ở phi trường. Bực mình hơn nữa là những chuyến bay về phi trường John Wayne lại có thú trể giờ. Luôn luôn trể và luôn luôn kéo dài giây phút… thơ mộng của người đến đón đã có lần Trịnh thi sĩ bảo tôi, sau cú đợi ba tiếng.
Từ ngày nhận nhiệm vụ đón mày đến giờ, tự nhiên tao làm thơ được nhiều hơn…
Tôi chỉ cười trừ, chẳng biết nói gì hơn. Trong số bạn bè chỉ có thằng này là đúng giờ nhờ nó chắc ăn nhất! Chẳng bao giờ phải lo chuyện gọi tắc xi về nhà. Cứ thế, tôi làm phiền Trịnh thi sĩ dài dài. Nhưng tính cho cùng cả tôi lẫn nó đều có lợi. Tôi đỡ xuống sắc – nó bảo thế – và nó làm được khối thơ – cũng vẫn lời nó bảo.*
Bây giờ là tuần lễ cuối cùng của năm. Tôi đã chuẩn bị cho chuyến về Santa Ana ăn tết. Và Trịnh thi sĩ đang rầu rĩ chờ một cú phone hẹn giờ ra đón. Nhưng lần này không phải một mình Trịnh thi sĩ rầu rĩ, mà cả tôi nữa. Rầu thí mồ chứ giỡn sao? Không khí những ngày cuối năm làm lòng người chùng lại. Những kỷ niệm thường trở về rõ nét hơn bao giờ hết. Chỉ cần một thoáng gió se se lạnh, chỉ cần một tia nắng nhạt của chiều là đủ nhớ lại một trời ngập gió, ngập nắng thuở nào. Chuyện của tôi và Vi đâu có lâu dữ vậy? Đâu phải xảy ra từ thuở nào. Mới năm ngoái mà. Lại nữa, khung cảnh đâu phải đã chìm khuất vào quá khứ mà không thể tìm lại. Còn rành rành ở trên đất Mỹ. Đó – ngay Santa Ana đó, ngay khu Phước Lộc Thọ đó, ngay ngôi chùa đường First đó… Vậy mà chẳng còn gì. 
Tôi rầu rĩ nhìn xấp vé máy bay có hai màu xanh đỏ mà hình dung đến mùa xuân này của mình. Đầu tiên sẽ gặp một khuôn mặt cũng rầu rĩ của Trịnh thi sĩ ở phi trường. Rồi đến khung cảnh quen thuộc trong không khí xuân của những nơi hai đứa đã rong chơi năm ngoái. Biết Vi giờ này thế nào? Có còn nhớ đến tôi không? Trời đất! Sao tôi lại nghĩ thế. Vi rõ ràng là bà dì của tôi – một bà dì được ấn chứng hẳn hòi trên hai lá thự Quên đi! Quên đi! Tôi lẩm bẩm trong khi đầu óc vẫn hiện ra khung cảnh khu hội chợ năm ngoái có Vi bên cạnh. Những chi tiết nhỏ nhặt nhất đã được gặp chợt hiện về như đang trước mặt. Pho tượng mẫu với bộ quần áo mốt mới, cô ca sĩ hở rốn hát ở hội chợ, hai cô gái bưng phở, sợi hành trong kẻ răng khôn của Vị. Bất giác, tôi hít mạnh một hơi dài, trong không khí trước mặt “cái mùi thơm kỳ cục” từ hơi thở Vi đêm giao thừa lại về. 
Tôi thở dài đứng dậy khi người bưu tín viên đặt xấp thơ trước cửa. Lẫn trong đống bills gửi về là một lá thư từ Việt Nam. Tôi buồn rầu nhìn nét chữ xiêu vẹo của mẹ tôi trên phong bì mà đoán những điều mẹ tôi viết trong thự Lại những lời báo tin về gia đình, lại những câu thăm hỏi, âu lo quen thuộc và thế nào cũng có một đoạn mà tôi nản nhất -… Con gắng đến thăm dì Vi thường xuyên, ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân thích là may lắm… – Ôi! Chẳng biết hai bà mẹ ở Việt Nam thấy may tới mức nào, chứ ở đây bọn tôi chả được tí may mắn nào cả. Những đoạn nhắc về Vi trong thư đã bị tôi bỏ quên trong vòng nửa năm ở San Jose. 
Đúng như tôi đoán, phần đầu và phần giữa y chang những lời báo tin về gia đình, hỏi thăm tôi. Nhưng lần này tôi chỉ đoán đúng một nửa. Nghĩa là phần cuối thư cũng nhắc đến dì Vi Nhưng không phải một đoạn ngắn như mọi khi mà lại dài thoòng. 
– Con vẫn đến thăm dì Vi thường xuyên đấy chứ? Ở xứ lạ quê người mà có họ hàng thân thích là điều may lắm! À hôm nọ bác Phấn đến thăm nhà ta, có cho mẹ xem hình cái Vi (mẹ tôi đã xuống chức nàng). Con bé (lại xuống chức thấp và thân hơn nữa) trông kháu tệ. Mặt mũi sáng sủa, dễ xem mẹ cũng nói về con, bác Phấn cũng có vẻ thích lắm (sao kỳ vậy cà!). Con thấy cái Vi thế nào? Quên mất, mẹ chưa bảo con họ nhà mình và họ nhà bác Phấn xa lắm. Đến bốn năm đời cơ đấy, mà lại là họ ngoại. Cụ tằng tổ của con và cụ cao tổ của cái Vi là hai anh em cột chèo. Tiếng rằng có họ nhưng lại xa lắm. Máu mủ mấy đời cũng nhạt đi phải không con. Ở xứ lạ quê người chuyện trăm năm của con mẹ không dám bàn, nhưng mẹ khuyên con máu mủ có nhạt cũng còn hơn nước lã. Vã lại: – Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ giống má nhà tạ – Mẹ và bác Phấn đều nghĩ thế. Thế nào bác Phấn cũng hỏi ý cái Vị Con thấy được thì tiến tới… -. 
Được quá đi chứ mẹ ơi! Tôi hét lên thật lớn khi đọc xong láthư của mẹ tôi. Bây giờ niềm tin về những điều các cụ nói đã thay đổi hẳn. Các cụ nói chả bao giờ sai cả. Nhất là lại nói bằng… thơ lục bát hẳn hòi: 
Cháu cậu mà lấy cháu cô Thóc lúa đầy bồ giống má nhà ta. 
Và tôi hiểu, chẳng cần phải qua một trường lớp nào ngtười ta vẫn có thể trở thành một nhà văn một cách dễ dàng. Mẹ tôi đấy, bà mới học xong cao đẳng tiểu học và đoạn thư trên không phải là một trong những áng văn hay nhất thứ giới hay sao? 

*
Mùa xuân, có những loài chim thiên di quay về tổ có những loài cá voi trở lại vùng biển đã sinh ra. Đó mới là chim và cá, nói chi tôi và Vi. Đại gia đình họ Nguyễn thuở xưa có hai cụ tổ nắm tay hai chị em của một gia đình, dắt đi giang hồ hai ngả. Xa tít và xa tít. Như hai đường cong tẽ hai bên, trên một vòng tròn. Xoay một vòng sẽ gặp nhau tại một điểm để làm thành vòng chu vi tròn trịa. Tôi và Vi đang đứng tại đó để nối lại vòng tròn cho đại gia đình họ Nguyễn. Các cụ cao tổ, tằng tổ hẳn sẽ mỉm cười khi thấy hạnh phúc đang về với chút, chít trong mùa xuân về cội. 
Ngày mai tôi về Santa Anạ.  Đón tôi tại phi trường John Wayne sẽ là Vi và mùa xuân tròn trịa. Thật tròn – để không có cái cười nào là rầu rĩ – kể cả nụ cười của Trịnh thi sĩ. Dĩ nhiên! 

Nguyễn Ý Thuần

Advertisement

ĐIỀU CÒN LẠI

nguyenythuan

– Chú kể hết cho Khanh nghe về chú đi.
Người con gái nắm lấy tay chàng, nói giọng nũng nịu. Chàng ngồi im, nhìn cô gái 22 tuổi. Mười năm ở Mỹ với cuộc sống đầy rẫy tiện nghi, với những hoang loạn của xã hội không làm cô gái mất vẻ dễ thương của người thiếu nữ Việt Nam. Mái tóc cắt ngắn. Đôi mắt to. Bờ môi cong lên, gợi cảm. Khanh đẹp. Một thứ nhan sắc pha trộn giữa đông và tây đã cho Khanh vẻ quyến rũ đầy lửa cộng nét ngây thơ, dịu ngọt. Chàng khẽ gỡ tay cô gái ra.
– Kể hết là sao? Đời chú chẳng có gì cả…
– Không được! Bố bảo chú sống cuộc sống… ly kỳ lắm.
Chàng lắc đầu nhìn cô bé thương hại. Ly kỳ? Là thế nào? Có phải là chuỗi ngày chiến đấu? Có phải chuỗi ngày đắng cay tủi nhục, chui rúc để né tránh kẻ thù? Có phải quá khứ với vùng hào quang nhỏ được Phan – bố của Khanh – người bạn gìa của chàng vẫn kể cho con cái để tìm lại chút ấm êm trong đó, hòng khỏa lấp những lo âu của đời sống tại đây? Và từ đó, Khanh, đứa con gái đầu lòng của Phan – đã nghĩ về chàng qua một thứ lăng kính đẹp.
– Khanh lầm rồi. Đời chú cũng bình thường như trăm ngàn người khác. Đi học, lớn lên đi lính, vào tù rồi trốn trại. Bây giờ thì ở đây.
– Nhưng mỗi đoạn đường chú qua không bình thường như những người khác.
– Ai bảo thế.
– Bố bảo và cháu nghĩ thế.
Lại bố bảo! Chàng ngán ngẩm nghĩ đến Phan. Sang Mỹ từ 75, Phan vẫn không bỏ được những kỷ niệm cũ. Mười năm ở đây với Phan thoảng qua như cơn mộng. Làm. Kiếm tiền. Sống với dĩ vãng. Nghĩ cũng tội, trên một mặt nào đó Phan là người có tình, có nghĩa. Nhưng từ phía khác, Phan thành một kẻ đi lạc đường. Ngày được tin chàng đến trại tỵ nạn, Phan cứ nằng nặc đòi bảo trợ. Dù sao chú cũng phải sang với tôi. Chàng cảm động khi nhận được thư Phan. Và đồng ý.
Vừa đặt chân xuống phi trường, chàng đã được gia đình Phan đến đón. Đông đủ cả và người thiếu nữ 22 tuổi với vẻ đẹp đông tây lẫn lộn nhìn chàng chăm chăm. Chàng cười, chào cô gái và quay sang Phan.
– Ai đây?
– Con bé Khanh đấy.
– Con bé Khanh ngày xưa vẫn…
Cũng may chàng kịp ngừng ở đó. Con bé Khanh – đứa con gái ốm o, bé xíu vẫn đái dầm hằng đêm và mỗi lần chàng đến hay bỏ chạy ra nhà sau vì xấu hổ. Chàng hình dung lại căn nhà của Phan ở vùng Bà Quẹo. Ừ, qua khỏi ngã ba, vào một con đường đất nhỏ, tận cuối dãy là căn nhà gỗ. Hai vợ chồng Phan sống tại đó. Âm thầm, bình lặng như hầu hết cuộc sống của các nhà giáo. Chàng bấy giờ đang là một sĩ quan trẻ của một đơn vị tác chiến. Đôi lần ngồi uống với nhau Phan đã ao ước có cuộc sống như chàng. Lần nào cũng thế, chàng mỉm cười với bạn.Thôi ông, ông hãy lo cho bà chị và mấy đứa bé. Nói thế như một lời an ủi người bạn hơn tuổi – đã quen nhau từ Nha Trang – thuở còn học trường Võ Tánh. Mọi mơ ước của những ngày ở vùng biển cũ đã tắt ngấm từ lâu trong Phan. Hạnh phúc còn lại với người vợ, đàn con, một căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô Saigon, sự bình yên giữa cuộc chiến đang bùng cháy là quá đủ. Phan biết những ao ước đó chỉ nhóm lên khi trà dư tửu hậu. Nhưng vẫn nói. Để khỏi bị khuất lẫn vào giòng đời bình lặng. Cũng như chàng, nghe bạn nói. Hiểu và mặc nhiên thốt ra những lời an ủi không thực tế nhưng rất cần thiết cho những lần gặp lại. Căn nhà vùng Bà Quẹo đã thành nơi chốn trở về cho chàng trong những lần về phép. Thân quen đến độ đứa con gái đầu lòng của bạn, năm đó đâu như còn cởi truồng vẫn nhớ từng lần về của ông chú. Bây giờ là cô gái đó,đang chăm chăm nhìn chàng. Như tìm một nét gì quen thuộc hơn mười năm về trước. Bất giác chàng cảm thấy ngượng ngập. Những thứ tầm thường như quần áo, đôi dép, chiếc sắc tay mà chàng vẫn coi thường nay trở thành vướng víu, khó chịu trong ý nghĩ mang đầy mặc cảm thua kém.
Thái độ tự nhiên – dĩ nhiên là phải có với người đã sống gần mười năm tại đây – của Khanh,của vợ Phan và 2 đứa con nhỏ làm chàng chợt thấy lạ lùng. Những con người lam lũ, quê mùa thay đổi đến thế sao? Duy nhất chỉ có Phan đứng nhìn chàng thông cảm. Nhưng từ đôi mắt Phan,cũng thấy ánh lên một chút thương hại. Cố nén tiếng thở dài,chàng quay lại bạn:
– Nhà có xa đây không?
– Gần thôi. Khoảng 15 miles.
Chàng làm một con tính thật nhanh trong đầu, 15 miles mà bảo gần thôi. Bất giác chàng thấy mình… lạc hậu. Đất Mỹ với 15 miles. Chuyện thường. Nhưng từ đó chàng chua xót nhận thấy thêm một điều: sự ngạc nhiên về 15 miles với giá trị xa gần. Khác biệt với Phan. Sự khác biệt đã mặc nhiên xác nhận chàng đi sau thế giới một khoảng cách lớn.
– Sao? Cháu Khanh học đến đâu rồi.
– Cháu đang theo năm thứ hai ở college.
– Mau quá nhỉ!
– Vâng. Chú sang đây có một mình, còn thím vẫn ở lại?
– Thím nào?
Chàng ngạc nhiên hỏi lại. Cô gái cười:
– Thì vợ chú.
– Chú vẫn còn độc thân.
Chàng trả lời thật nhanh. Như vẫn trả lời câu hỏi đó cho những người đã hỏi. Cảm giác đau buốt chợt có trong tim. Hình ảnh người con gái nằm xõng xượt trên đường. Mái tóc dài be bét, đẫm máu, đỏ quánh lại màu đỏ chết. Tiếng ồn ào của đám đông vang lên. Chết rồi. Chết rồi. Chàng nhắm mắt lại gọi thầm một cái tên. Lâu lắm rồi, đã 6 năm phải không Cát. Mãi cho đến giờ này anh vẫn nhớ. Nếu anh đến sớm hơn vài phút. Phải rồi! Nếu anh đến sớm hơn vài phút…
– Chú đang nghĩ gì thế?
Tiếng Khanh vang lên. Chàng giật mình nhìn chung quanh. Mình đang ở đây mà. Ở tại một quán cà phê của thị trấn này. Chàng gượng cười nhìn Khanh.
– Sao cháu thích – điều tra- chú thế?
Vẫn nụ cười đầy quyến rũ. Cô gái lại cầm tay chàng.
– Chú ngộ lắm!
– Ngộ thế nào?
– Quê không ra quê Tỉnh không ra tỉnh. Bạn bè Khanh thấy chú đi với Khanh bọn nó – tức- lắm.
– Tức?
– Vâng. Có nhiều đứa để ý chú.
– Để ý đến chú?
– Vâng.
Chàng phì cười:
– Ai thế?
– Chú hỏi làm chi?
Giọng cô gái bực bội làm chàng ngạc nhiên. Ngước nhìn, chàng bắt gặp hình ảnh thân quen. Thật thân quen với chàng. Mái tóc cắt ngắn xõa ngang tầm vai, khuôn mắt trái soan, bờ môi cong. Cát của những năm Nha Trang trở về. Đã mất rồi một thời mơ mộng cũ. Biển, gió, thành phố và tình yêu. Làm sao anh quên được em. Giữa cuộc sống quay cuồng đến chóng mặt của xã hội này anh vẫn còn những phút sống riêng cho anh. Thật an bình. Thật dịu ngọt với vùng biển cũ. Cát ơi, nếu anh đến sớm vài phút. Hẳn bây giờ ta đã có nhau… Anh nhớ đón em. Yên chí cô bé. Thôi em về. Chưa về được. Còn gì nữa? Một nụ hôn. Mẩu đối thoại cuối cùng sau buổi họp tràn đầy yêu thương. Nụ hôn cuối cùng trước thềm nhà, dưới dàn thiên lý. Chút nắng trưa qua khe lá lấp lánh trên gương mặt em. Đôi mắt to tròn như chứa đầy mơ ước. Thế mà mãi mãi không còn. Vào cuộc,anh đã có cái để mất. Cuộc đời. Qúa khứ sĩ quan. Gia đình thượng lưu. Còn em. Em đâu có gì để mất với chế độ. Vậy mà vẫn căm thù, vẫn đấu tranh. Tình yêu cho anh chăng? Đâu phải thế, có bao giờ loài người lấy tình yêu làm động lực đấu tranh đâu. Tương lai ư? Em có chứ – nếu chấp nhận xã hội… Phải. Mãi đến giờ này anh vẫn chưa hiểu được tại sao em lao vào đấu tranh. Với anh. Với bạn bè anh. Đầy lửa,đầy đam mệ Hẳn những kẻ giết em cũng phải ngạc nhiên. Làm sao hiểu nổi. Cát ơi! Hình ảnh cuối cùng của mái tóc dài be bét máu, chiếc cặp da bật nắp, đống truyền đơn tung toé trên mặt đường. Chết rồi! Chết rồi! Những tiếng nói của đám đông ồn ào. Vẫn còn trong anh. Như một lời buộc tội đeo đẳng theo anh trong cuộc sống. Sáu năm mà tưởng như hôm qua.
Bây giờ chiều đã xuống, quán bắt đầu đông khách. Hai người vẫn ngồi yên. Từ góc phòng tiếng hát Khánh Ly vang lên trong một bản tình ca cũ. Chuỗi kỷ niệm lại quay về. Khẽ gỡ tay cô gái ra, chàng ôm mặt. Hai bàn tay chà sát thật mạnh trên vùng thái dương. Tiếng nói của Khanh đến mơ hồ như từ xa lắm. Nghe ngắt quãng, chìm khuất từng đoạn, lẫn vào tiếng hát. Cảm giác nhức nhối lại có. Chàng bàng hoàng mở mắt. Qua khe của những ngón tay, khuôn mặt cô gái đầm đìa nước mắt.
– Khanh.
– Dạ.
– Sao cháu khóc.
– Chú lại nhớ dì Cát phải không?
Chàng gật đầu thay cho câu trả lời. Sự im lặng đến giữa hai người. Biết nói thế nào? Chú biết nói thế nào đây Khanh. Vùng trời cũ sống mãi trong chú. Hình ảnh của Cát mãi sống trong chú. Đã thành máu. Đã thành tim. Như một phần thân thể.
Qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cô gái, chàng bàng hoàng nhận thấy một điều từ lâu chàng đã bỏ quên: Khanh đã làm sống lại hình ảnh của Cát. Phải. Sự liên hệ huyết thống giữa hai dì cháu đã cho Khanh những nét của Cát năm 18 tuổi. Và những lần ngồi quán cà phê, những buổi đón chàng tan học, những chiều kể chuyện Việt Nam bên giòng sông Sunvalley đã thành thân quen. Thân quen đến độ cần thiết.
– Nín đi cháu.
– Sao lúc nào chú cũng nghĩ đến dì Cát. Dì chết rồi. Đã sáu năm…
– Cháu làm sao hiểu được? Chú đã có lỗi rất nhiều với dì Cát.
– Dì Cát bị bọn công an Việt cộng bắn. Đâu liên quan gì đến chú.
Đâu liên quan gì đến chú. Gật đầu công nhận là xong, là quên hết những dằn vặt từ mặc cảm chạy trốn, phản bội nhau. Sự trốn chạy là hành động cần thiết, anh không thể ở lại để bị bắt. Nhưng quay lưng. Gạt đám đông. Len lỏi bỏ đi. Những động tác dập dờ vô thức – bỏ em nằm xõng xượt trên mặt đường với vết máu đẫm loang mái tóc. Anh đã làm điều đó. Sự trừng phạt chỉ nằm trong tâm thức. Một mình anh biết. Không nói, chẳng ai biết. Như anh đã giữ kín sáu năm naỵ Tự mình chịu đựng và lơ là với những an ủi chung quanh. Tất cả chỉ là lời an ủi có tính cách giải thoát. Cậu làm thế là đúng, ở lại bị bắt ngaỵ Bạn bè, đồng đội nói thế. Công an Việt cộng bắn chứ chú đâu liên quan gì. Khanh – cháu của em cũng nói thế. Nhưng Cát ơi! Chỉ là lối giải quyết của mọi người – để chọn cuộc sống. Chẳng hiểu giữa chúng ta còn những thứ khác biệt. Đó là tình yêu. Đó là buổi trưa ngập nắng dưới giàn thiên lý. Đó là những môi hôn vội vã từ ngày trung học. Mười năm cho một tình yêu. Nuôi dưỡng,chắt chiu. Vậy mà anh bỏ em ở lại.
– Chú.
– Sao Khanh?
– Cháu…
Cô gái ngập ngừng. Bàn tay bóp nhẹ trên tay chàng. Chàng ngại ngùng nhìn vào mắt Khanh. Có thoáng lửa bối rối lẫn âu yếm trong đó.
– Cháu phải nhớ. Chú là bạn của bố cháu và chú yêu dì Cát.
– Nhưng…
– Mình về.
Chàng thở dài đứng dậy. Thoáng gió lạnh hắt vào mặt khi chàng bước vội ra cửa. Hệt như lần trốn chạy sáu năm trước tại Sàigòn.
Hai người bạn ngồi tại một góc của quán ăn dưới núi. Phía trước mặt họ là dãy cọc dẫn dài theo sườn núi, cao vút và khuất lẫn vào tuyết. Đã bắt đầu mùa đông. Cái lạnh cùng khắp, se sắt với từng cơn gió trôi đến. Phan cười với chàng:
– Lạnh quá nhỉ.
– Ừ. Giống như Đà lạt năm 69.
– Lại thèm một tô phở Tùng.
– Chàng mỉm cười nhìn bạn. Mười năm vẫn thế. Vẫn ước ao. Vẫn thèm khát những điều bình thường trong cuộc sống,bằng tình cảm. Mặc những xô bồ, chen chúc chung quanh. Phan sống bình yên. Saigon cũng vậy. Sunvalley cũng thế. Đâu có gì khác biệt. Hình như tự Phan đã chọn lựa lối sống. Và an tâm với chính mình. Chàng nói ý nghĩ đó với Phan. Trong nụ cười hiền hậu, Phan choàng tay qua vai chàng:
– Tại sao phải thay đổi? Hội nhập ư? Mười năm ở đây, làm việc, sống, và sống riêng mình. Chẳng chết…
– Thì đâu chết. Nhưng có vẻ như lạc hậu.
– Lạc hậu?
– Phải.
– Thì đã sao? Đất Mỹ này có phải quê mình đâu. Tại sao ngoài những tiện nghi vật chất và văn minh quá mức này mình không tìm riêng cho mình một cuộc sống?
Chàng im lặng nhìn khoảng không gian trước mặt. Dãy núi ngập tuyết ánh lên màu trắng loé. Gây cảm giác gai lạnh từ cái nhìn. Lại cô đơn hơn với hàng cọc sắt trải dài. Một cành cây khô, chơ vơ bật lên giữa khoảng trắng xoá đó. Cô đơn, lạc lõng. Như Phan và cuộc sống mười năm ở Mỹ.
– Này cậu.
– Sao.
Phan ngập ngừng, cầm ly nước lên, rồi nói thật nhanh.
– Cậu nghĩ sao về con bé Khanh?
– Khanh?
Chàng giật mình nhìn bạn. Nét mặt Phan vẫn hiền hoà, nhưng nụ cười không còn. Vẻ nghiêm trang hiện rõ.
– Phải.
– Nghĩ gì là nghĩ gì?
– Về nó.
– Tôi làm sao biết được. Khanh là con của cậu…
– Cậu không thành thật.
Phan buông lời trách móc. Chàng ngượng ngập nhìn bạn.
– Khanh nó yêu cậu. Hôm qua nó nói với tôi.
Phan nói với giọng đều đều. Chàng ngạc nhiên, cố tìm một nét giận dữ hay khó chịu trên khuôn mặt bạn. Nhưng tuyệt nhiên không có.
Vẫn bình thường và thản nhiên. Như đang nói đến chuyện của người khác.
– Khanh nói thế nào?
– Thì như cậu biết. Nó yêu cậu và…
– Nhưng tôi… còn Cát…
– Cát đã chết! Gia đình tôi cảm ơn cậu về tình yêu cho Cát. Nhưng Cát đã chết, tôi nhắc lại. Cậu còn trẻ, phải có cuộc sống khác. Không thể ôm hoài một kỷ niệm được…
Cát đã chết. Chàng xót xa nhìn Phan. Thế đấy, trong ý nghĩ của mọi người em đã chết. Cả Phan – anh của em cũng khuyên anh nên chọn cuộc sống khác. Dĩ nhiên phải thế… Nhưng với anh đâu được. Còn tình yêu, còn chuỗi ngày quá khứ, còn sự ăn năn trải dài. Em đã theo anh, theo bạn bè anh trong cuộc đấu tranh thầm lặng của tuổi trẻ Saigon sau 75. Không có gì để mất. Không có gì để đòi hỏi cho riêng bản thân. Làm sao giải thích được. Chính anh cũng không hiểu được động lực nào thúc đẩy em có hành động phản kháng chế độ. Đã có lần anh bắt gặp những con người như em trong cuốn truyện của một nhà văn viết cho tuổi trẻ. Cảm thông được tuổi trẻ. Ông ta đã viết về những người trẻ như em. Không có gì để mất. Không có gì để đòi hỏi. Đã đứng dậy trong âm thầm của Saigon những năm cuối thập niên 70. Anh mừng rỡ. Đọc. Lấn lướt từng trang để tìm nguyên dọ Mà chính anh, kẻ trong cuộc, cũng chưa hiểu được. Vẫn không giải thích ở phần cuối truyện. Chỉ nhắc đến. Chỉ ghi nhận thái độ. Một thái độ thách đố mà lịch sử không có quyền lãng quên. Một thách đố dành cho Cộng sản. Đêm đó anh chợt hiểu. Em và những người như em còn sống. Mãi sống. Lại nữa… Làm sao anh quên được. Chàng thú nhận với Phan:
– Phải! Cát đã chết. Nhưng chỉ với cuộc sống. Còn với tôi, Cát vẫn còn… Tôi có lỗi với Cát.
– Cậu hãy quên đi. Mình biết nhau gần hai mươi năm naỵ Đâu như lúc đó cậu còn cởi trần đạp xe khắp phố đi đá bóng. Sự thân thiết như ruột thịt. Có cậu thêm vào gia đình là điều tốt. Đừng nghĩ gì cả.
Chàng nhìn Phan cảm động. hai mươi năm với tình bạn đã cho Phan những lời nói hôm naỵ Còn chàng, cũng với tình bạn đó thì thế nào? Chàng bối rối, gượng đùa:
– Vậy tôi gọi ông là gì? Bố hả? Chịu thôi.
– Ai bảo cậu gọi tôi là bố.
Chàng phì cười. Phan cũng bật cười theo. Cả hai đều nhận thấy điều ngớ ngẩn vừa có. Rồi im lặng. Sau cùng Phan vỗ vai bạn:
– Cậu suy nghĩ đi. Vợ chồng mình đã bàn với nhau. Cậu đã thành một người của gia đình mình từ lâu. Bây giờ thành… rể thì đã sao.
Chàng mỉm cười nhìn về phía sườn núi. Chiều đã xuống, đổ dài theo hướng nắng bóng gốc cây khô kéo thành một vệt đen trên mặt tuyết. Lung linh và chơ vơ.
Sáng hôm sau, trên chiếc xe bus Trailsway màu đỏ từ Sunvalley về một thành phố trung Mỹ. Chàng bùi ngùi nhìn lại bóng cây khô lần chót. Đi theo chàng, vẫn chỉ có chiếc sắc tay cũ. Hệt như khi chàng đến nửa năm về trước.

NGUYỄN Ý THUẦN

NGÃ TƯ

nguyenythuan

Chàng đến thành phố này vào một buổi chiều cuối năm. Chuyến xe bus màu đỏ vỏn vẹn hai người khách. Chàng và một người Mễ. Mỗi người chiếm một băng dài, nằm thoải mái, gác chân sang ghế bên cạnh – trong một đoạn cuối của cuộc hành trình hơn 2000 miles. Gã đàn ông Mễ ứ ứ hát đi hát lại một bài hát. Ban đầu, chàng hơi khó chịu. Sau quen và kệ hắn. Chàng vật vờ trong giấc ngủ ngắt quãng. Mãi đến lúc người tài xế đến cạnh, gọi dậy.
– Đã đến Wichita.
Chàng giật mình, cười xin lỗi và xuống xe. Trời lạnh căm với cơn mưa tuyết đang đổ. Bến xe vắng tanh. Loáng thoáng một vài người qua lại. Chàng đảo mắt, vẫn không thấy ai đầu đen cả. Chắc Thúy ra trễ. Chàng nhún vai theo thói quen sẵn có từ ngày đi học. Nhún vai như vừa gặp phải một vấn đề nào, và bỏ quạ Một thói quen xấu. Thúy vẫn thường bảo. Chàng mỉm cười nghĩ đến Thuý. Người đàn bà lãng mạn từ năm 16 tuổi. Yêu nhau. Xa nhau. Thúy lấy chồng. Chàng lấy vợ. Rồi lưu lạc, sang đến đây mỗi người ở một tiểu bang, xa tít, xa tít mù khơi như chẳng bao giờ gặp. Vậy mà tình cờ biết được địa chỉ của nhau. Liên lạc. Đến thăm. Dĩ nhiên. Tình cũ không rủ cũng đến. Huống chi là tình đầu và cả hai đang sống một mình tại xứ người. Đã lâu lắm rồi, dễ chừng gần 10 năm chưa gặp. Hẳn phải có nhiều bỡ ngỡ. Bất giác chàng nhìn bóng mình trên chiếc gương dài đính vào cột nhà. Một gã đàn ông ngoài ba mươi. Cặp lông mày rậm, cái mũi thẳng. Cười thử xem. Vẫn đẹp trai chán! Chàng nghịch ngợm với chiếc bóng. Nheo một mắt. Đá lông nheo đấy mà. Và bật cười một mình.
– Anh chờ lâu không?
Chàng giật mình quay lại. Một người đàn bà lộng lẫy trong lối trang điểm đang mỉm cười. Thúy đó. Vẫn đẹp. Vẫn đẹp như xưa. Chàng nắm tay Thuý.
– Trời ơi! Em chẳng thay đổi tí nào cả.
– Anh cũng thế. Vẫn nghịch ngợm như xưa. Em đứng sau, nhìn anh cười, nheo mắt, hỉnh mũi. Mười năm mà vẫn thế.
Chàng bật cười. – Buồn cười lắm phải không?
– Buồn cười và cảm động.
Chàng nhìn Thúy thông cảm. Những lần nghịch ngợm ngày xưa là kỷ niệm rõ nét nhất. Trong số đám thanh niên theo đuổi Thúy chỉ mình chàng là kỳ cục. Đùa giỡn và khôi hài hoá tất cả.Ngay lúc tỏ tình cũng thế. Hình như, với chàng mọi việc xảy ra đều buồn cười. Đã có lần Thúy bảo:
– Ai mà lấy anh, cả đời chả được gì cả. Trừ nụ cười.
– Em chứ ai.
– Đừng ham…
– Phải ham chứ. Còn gì hơn lấy người mình yêu.
– Em sẽ không lấy anh.
– Em sẽ lấy anh.
Chàng vẫn tỉnh bơ, cười cười như mọi chuyện đã xong. Lạc quan,hài hước là bản chất của chàng. Vậy mà xa nhau. Chẳng một lý do gì cả. Xa nhau lúc tình yêu đang rực cháy. Bình thường như trăm ngàn cuộc tình khác. Chỉ có điều đẹp nhất là chẳng ai phụ ai. Ngày nhận được thiệp cưới của Thúy chàng hơi ngỡ ngàng. Và từ Đà Lạt bay về ngaỵ Trước ngày cưới hai hôm họ gặp nhau.
Đó là một buổi tối cuối năm. Thành phố biển sống dậy vẻ tưng bừng. Dọc con đường chính nối dài từ chợ Đầm, đến cuối khu Độc Lập người người chen vai đổ xô về miệt chợ Tết. Hai dãy sạp được dựng trong lòng đường Phan Bội Châu. Sáng choang ánh điện. Suốt một năm, thàng phố sống bình lặng với gió, với nắng. Chỉ ồn ào thời gian này. Mùa Tết và mùa cưới. Chàng vẫn nói với Thúy lúc còn ở Nha Trang. Thúy gật đầu.
– Thiên hạ chỉ đợi mùa này làm đám cưới.
– Em biết tại sao không?
– Chắc tại gần tết.
– Đúng và không đúng.
– Đúng và không đúng?
– Phải… Đúng là gần tết và không đúng vì lý do khác.
– !!!
– Nha Trang nóng quanh năm, chỉ mùa này mát dễ… nằm gần nhau.
– Nham nhở.
– Rồi mình cũng thế.
– Mình nào?
– Anh và em chứ ai.
– Khỏi đi. Em sẽ lấy chồng vào mùa hè.
Thế đấy. Nhưng cuối cùng Thúy cũng đi lấy chồng vào mùa đông. Chàng xót xa nhìn quang cảnh cũ. Thúy đi bên cạnh im lặng. Hai người đưa nhau đến rặng dương, phía xéo góc bưu điện.
– Cuối cùng em cũng bỏ anh.
– Nhưng…
Chàng quay sang Thuý. Ánh mắt thật buồn. Có lẽ đây là lần đầu tiên, từ lúc yên nhau Thúy thấy chàng buồn. Thúy bồi hồi cầm tay chàng.
– Em xin lỗi anh.
– Em chẳng có lỗi gì cả. Tất cả là cuộc sống. Em không thể chờ anh mãi được.
– Dù sao em cũng có lỗi…
Chàng cười gượng gạo. Nhìn thẳng vào mắt Thuý.
– Đừng nói thế. Hãy để tình yêu của mình thật đẹp. Xa nhau nhưng chúng ta chẳng mất nhau. Anh mãi yêu em và anh hiểu em mãi yêu anh. Thúy im lặng, nhìn về khoảng biền trước mặt. Tháng mười hai với từng cơn sóng dữ, tưởng như đang gào thét, phẫn nộ. Chàng nói bâng quơ những câu chuyện cũ. Chẳng ăn nhập vào đêm cuối cùng của nhau. Thúy hiểu: chàng chỉ muốn mình an tâm. Dĩ nhiên phải buồn chứ. Một mối tình thật đẹp. Vậy mà mình đi lấy chồng. Thúy liên tưởng đến Quí, người đàn ông sẽ lấy làm chồng vào ngày mai. Một gương mặt bình thường, cặp kính trắng. Sống cần cù với từng đồng bạc. Một mẫu đàn ông tốt đẹp để làm chồng. Công chức. Đứng tuổi. Có tài sản. Không mơ mộng viễn vông và đo lường được tương lai bằng thứ giác quan riêng biệt của những người vốn quen thận trọng. Lấy Quí, hẳn cuộc sống mình sẽ trôi dài. Thúy nhắm mắt lại. Gạt bỏ hình ảnh của người chồng tương lai.
– Em đang nghĩ gì thế?
– Chẳng gì cả. Mai anh có đến nhà thờ với em không?
– Đến chứ. Chàng bình thản nói. Anh sẽ làm… đàng gái. Đến dự lễ ở nhà thờ. Tiếp khách tại nhà hàng. Nghĩa tử, nghĩa tận mà!
Thúy bật cười, chàng luôn luôn nghịch ngợm. Bất giác nàng thấy yêu chàng vô vàn và nảy ra ý nghĩ thật táo bạo.
– Anh…
– Sao em?
– Hay em… đi với anh.
– !!!
– Em… Em… bỏ đám cưới!
– Bỏ đám cưới?
– Vâng.
– Đi với anh?
– Vâng.
Chàng phì cười. Ôm vai Thuý.
– Đừng đùa cô bé. Mai lấy chồng thật. Và đó là cuộc sống. Giọng chàng nghiêm lại. Em đừng nghĩ bậy nữa. Lúc nào anh cũng yêu em và muốn em hạnh phúc. Còn đi theo anh! Trời đất, anh đang đi học. Sống bữa có, bữa không…
– Em nói thật mà.
– Thì anh cũng nói thật. Em phải nghĩ đến gia đình. Nếu không thuận thì không thuận từ đầu. Bây giờ…
Giọng chàng nhỏ hẳn và ngắt ngang. Cơn gió biển ào đến. Những cánh dương khô bay vào tóc Thuý. Nàng đưa tay định gỡ. Mép bàn tay đặt trên tóc chợt cảm thấy có hơi nóng. Thúy bồi hồi quay lại, gặp đôi mắt chàng âu yếm. Nàng nhắm mắt. Họ hôn nhau giữa trời biển và tình yêu. Và đó, họ xa nhau.
Sau đám cưới Thuý, chàng bỏ Nha Trang đi biền biệt. Không một lần trở lại vùng biển cũ. Mối tình đầu như một vết hằn trong tim.Chàng sợ hãi từng cơn sóng biển, từng dải cát trôi dài. Né tránh những vùng trời biển mênh mông. Đà Lạt. Sài Gòn. Rồi những quân trường. Pleikụ Komtum. Rồi cơn bão lịch sử ào đến. Từng địa danh xa lạ mọc trên những vùng đất thân quen. Những hàng thép gai bọc quanh trại tù cải tạo. Cực nhọc trên từng thớ thịt, góc xương. Đói khát. Đầy đọa. Chàng như lãng quên chính mình. Lãng quên cả một thời mơ mộng cũ. Rồi trôi nổi. Chàng lấy một người đàn bà. Cũng xong một đời. Tưởng xong một đời. Những vẫn đổi thaỵ Người đàn ông dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam trở thành bất lực. Chàng bám víu vào người vợ tần tảo. Dĩ nhiên sẽ vỡ nát. Bắt đầu là mặc cảm từ chàng. Rồi đến sự khinh mạn của người vợ. Rồi những lần cãi vã. Và cuối cùng…
Chiếc xe dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Thúy lay vai chàng:
– Dậy anh. Ngủ gì mà tài thế…
Chàng ậm ừ.
– Anh hơi mệt. Hai ngày một đêm ngồi từ Sunvalley về đây. Bị nhồi như một quả bóng chứ ít sao?
– Ai bảo anh đi xe bus…
– Anh thích thế. Nhìn nước Mỹ cũng là cái thú…
Thúy cười. Hai người xuống xe. Căn nhà nằm riêng biệt với một khoảng sân rộng rãi. Lối đi lát cement trải dài từ cổng. Vài khóm hoa khô queo trong mùa tuyết. Mặt đất ngập trắng. Cái lạnh se sắt. Chàng kéo cao cổ áo:
– Lạnh thật.
– Nhanh lên anh.
Thúy kéo tay chàng bước vội về phía cửa. cái va-li đong đưa theo nhịp chân. Thúy lẹ như một con sóc. Người thiếu phụ vẫn còn những nét son trẻ của thời đi học.
°°°
Họ yêu nhau ngay từ phút đầu gặp. Chàng và Nhã đều hiểu diều đó. Mối tình nghe thật phi lý với những người ba mươi. Nhưng với chàng, đó là sự thật. một điều rất thật và tất nhiên phải xảy đến cho chàng. Hơn mười năm ôm mối tình của Thúy để lại. Chàng đã mơ mộng thật nhiều về khoảng đời cũ. Rồi thời gian trong trại cải tạo, chàng – qua những dằn vặt, những tận cùng của khổ đau đã thèm được một mối tình dịu dàng. Và vẽ vời một mẫu đàn bà hiền lành, mơ mộng. Cho phù hợp với bản chất lãng mạn của mình. Lấy vợ, cuộc sống đầy mặc cảm bên cạnh người vợ tần tảo ngày đêm, chàng càng khao khát cuộc sống cũ. Nuôi dưỡng thứ tình cảm lãng mạn tận đáy hồn. Dấu kín và sống với tình cảm đó. Ngoài ba mươi nhưng con tim vẫn hai mươi. Mơ mộng, lãng mạn như một vai nam trong truyện tình yêu. Gặp Nhã với mái tóc xõa, với nét đẹp dịu hiền. Với cái cười nhỏ nhẹ. Chàng bàng hoàng và đột nhiên thấy Thúy xa lạ. Mối tình hơn mười năm từ vùng biển cũ đã chết.
Nhã hiền lành đến độ tội nghiệp. Sống chung với Thúy như hai thái cực. Thúy là mặt trời chói bừng, đốt lửa cuồng nhiệt trong từng nhịp thở. Nhã là mặt trăng âm thầm nhớ thứ ánh sáng dịu mát trên mặt người vồn vã. Nhã khép kín cuộc sống trong căn phòng với những bức tranh. Nguồn vui duy nhất của nàng từ ngày đến đây. Hai mươi bảy tuổi với mối tình vỡ vụn từ ngày mất nước. Nhã im lặng nhìn cuộc đời trôi quanh. Những người đàn ông của thành phố này ban đầu còn theo đuổi. Sau chán nản và xoay sang Thúy – Khối nam châm rực lửa. Nhã mỉm cười nhìn bọn đàn ông, không một phê bình, không một buồn bực. Ý nghĩ được nàng phết trên khung vải. Và ngưng lại tại đó. Ngày 8 tiếng đi làm. Hết giờ trở về. Chuyện trò với Thúy dăm câu. Xem truyền hình. Đọc sách và vẽ. Cuối tuần, đảo quanh một vòng thành phố. Mua sắm lặt vặt. Lại vẽ. Tranh xếp khắp basement. Chẳng cần treo. Chẳng cần xem lại. Vẽ như một lối thoát của ý nghĩ. Ngày một nhiều. chồng chất lên nhau cho đến lúc gặp chàng.
Người đàn ông trung niên đến và đảo lộn cuộc sống của nàng. Tấm gương tại bàn phấn vẫn bỏ quên nay thành nơi chốn của buổi sáng khi thức giấc, của buổi chiều trước giờ cơm. Sự thay đổi từ ngày thứ hai từ lúc chàng đến. Giá vẽ được căng khung vải mới. Đám màu nâu sẫm buồn nản đựơc thay bằng sắc xanh. Một cảnh trời đất mênh mang hy vọng với nhữntg cánh hoa hướng dương phía trước mặt người con gái. Nét vẽ dịu lại. Nhã âu yếm phết từng cọ sơn trên khung vải. Sau cho màu sắc hài hòa. Sao cho khung cảnh ngút mắt hạnh phúc. Sự say mê bộc lộ trong dáng người nghệ sĩ. Chàng xuống basement, tự nhiên như hai người đã quen nhau từ lâu lắm. Đảo một vòng. Lật từng bức tranh. Và dừng lại trước người đàn bà đang vẽ.
-… Thật là bất ngờ!
– Bất ngờ gì ạ?
– Cô và những bức tranh.
– Đó là niềm vui…
– Phải gọi là hạnh phúc mới đúng. Trong thế giới riêng biệt của cái basement này hẳn cô đã sống những phút đẹp nhất.
– Anh nghĩ thế? Nhã thân mật trong lối gọi.
– Vâng. Giữa những xô bồ của xã hội này, cô tách rời…
– Thúy nói?
– Phải, Thúy nói và tôi thấy.
Nhã mỉm cười. Anh chàng tàn gái theo lối… cổ điển. Nhập đề “lung khởi”. Bất giác nàng buồn cười. Đã lâu lắm mới gặp lại mẫu đàn ông thế này ở xã hội Mỹ. Đám đàn ông vây quanh nàng trước kia bạo dạn, bạo dạn đến độ trâng tráo.
-… Hẳn tôi nói sai?
Nàng lắc đầu. Đừng nói nữa, đừng nói nữa anh chàng hiệp sĩ cổ điển ạ. Từ cái nhìn và thái độ hôm qua của anh, em đã hiểu. Chẳng phải em có đầy kinh nghiệm về tình yêu nhưng tự em cũng có những rung động. Thế chẳng đủ hay sao?
– Anh về chơi lâu không?
– Chẳng biết nữa. Thúy bảo ở lại luôn, nhưng tôi chưa biết thế nào…
Lại Thúy bảo. Nhã đột nhiên bực bội, vất mạnh cây cọ xuống sàn. Mỉa mai.
– Anh có vẻ… nghe lời Thúy quá nhỉ…
Nàng giật mình vì thái độ của mình. Bỏ lửng câu nói. Họ nhìn nhau. Im lặng. Ngoài trời mặt trời muộn của một ngày mùa đông vừa rực sáng.
Tình yêu bắt đầu từ hôm đó. Cả hai không hẹn đều mặc nhiên chấp nhận sự liên hệ tình cảm một cách thầm lặng giữa cái rộn ràng nhưng nhỏ bé của một mùa xuân trên xứ người. Săn sóc nhau bằng những cử chỉ, thái độ. Chia xẻ hạnh phúc cho nhau trong từng cái nhìn. Cuộc sống tay ba tại căn nhà nhỏ đột nhiên thành một vòng tròn. Thuý, bằnh linh cảm của một người đàn bà khôn ngoan đã nhận thấy. Nhã, một buổi sáng đi vắng, còn lại chàng và Thuý. Bấy giờ họ đang ngồi trong phòng khách.
– Anh thấy cuộc sống ở đây thế nào?
– Bình lặng và hiền lành.
– Thích chứ?
– Dĩ nhiên, vì có em tại đây.
-… và bạn em.
Thúy thêm câu nói thật nhanh. Chàng giật mình. Thúy vẫn thản nhiên trong động tác cắm lại lọ hoa, giọng đều đều:
– Anh và cô ấy có vẻ hợp nhau…
– !!!
– Anh nghĩ sao về cô ấy?
– Nghĩ là nghĩ thế nào?
Chàng gượng gạo hỏi lại. Thúy buông mình xuống chiếc ghế, ngả đầu về phía thành sau. Đôi mắt khép lại. Hai chân duỗi dài trên mặt bàn. Vùng da thịt tươi mát căng lên dưới lớp vải mỏng. Chàng quay mặt về phía khác.
– Anh nói thật đi…
– !!!
– Giữa chúng ta chỉ còn lại mối tình cũ. Chẳng có gì quan hệ điến độ anh phải dối em…
Giọng Thúy nhỏ lại. Căn phòng chìm vào im lặng. Khoảng trống bao quanh hai người. Thứ khoảng trống ngột ngạt của những con người gượng gạo đóng nốt vai trò của mình trong một màn kịch cuối cùng.
– Anh… Chàng ngập ngừng quay sang Thuý.
– Anh cứ nói đi. Em đã hiểu, nhưng muốn anh tự cho em biết. Để những mặc cảm phụ rẫy anh ngày ở Nha Trang không còn đeo đẳng em nữa…
Thúy vẫn giữ nguyên thế ngồi buông trôi. Chàng nhìn chăm chăm vào người thiếu phụ trước mặt. Sự xa lạ đột nhiên hiển hiện. Gương mặt, đôi môi, bờ tóc. Những hình ảnh chấp mối trong suốt một khoảng đời vừa qua vẫn quấn quít bên chàng đã thành xa lạ. Thúy đó sao? Người đàn bà thảnh nhiên nhận sự phụ bạc của mối tình đầu đời bằng thái độ lạnh nhạt. Chàng xót xa nghĩ đến những kỷ niệm cũ. Sự đổi thay thật bất ngờ. Hơn mười năm cho một tình yêu bỗng chốc thành vỡ nát.
– Phải! Anh đã không còn…
– Đã không còn yêu em ?
Nụ cười chớm trên môi. Thúy khẽ mở mắt. Nét bối rối pha chút thương hại ẩn hiện trên gương mặt người đàn ông khiến Thúy khó chịu. Tôi đâu cần sự thương hại. Nhan sắc của tôi đã thắng tuổi tôi. Tôi đẹp, tôi hãnh diện vì nhan sắc. Đám đàn ông ở thành phố này há chẳng điên đảo theo đuổi tôi sao? Đến với anh chẳng có gì ngoài mối tình từ những ngày đi học. Thúy bật dậy, dựa lưng vào thành ghế.
– Cảm ơn anh đã nói thật.
– Anh xin lỗi em.
– Chẳng cần phải nói thế. Giữa chúng ta chỉ còn kỷ niệm.
– Dù sao anh cũng có lỗi với em…
– Em đã bảo: anh không cần nói thế. Sau tình yêu là tình bạn không được sao?
Thúy đứng dậy, bỏ vào phòng ngủ. Chàng tần ngần với tay bẻ một cánh hoa. Sắc gai của cánh hồng đâm vào taỵ Cảm giác đau nhói không đủ nhấc chàng ra khỏi trạng thái hụt hẫng vì thái độ của Thuý.
°°°
Thúy xoay người, úp mặt xuống nệm. Ngọn đèn ngủ màu xanh nhạt hắt những tia sáng yếu ớt lên căn phòng. Vẻ cô đơn bao quanh như Thúy và ý nghĩ. Thế là hết. Sự tan vỡ thật tình cờ. Em đâu ngờ được. Hơn mười năm cho một mối tình. Em đã sống những ngày dằn vặt bên cạnh người chồng không yêu. Đồng sàng dị mộng. Đồng sàng dị mộng. Mộng mơ em gói trọn cho anh. Anh đi biền biệt, không một lần trở lại vùng biển cũ, đâu biết có những chiều em lang thang dọc theo con đường Duy Tân. Biển và sóng âm vang từng lời kể lể trong tâm tưởng. Em sống như người mộng dụ Người chồng tội nghiệp vẫn cần cù lo toan cuộc sống. Em tách rời và thả trôi cuộc đời trong nỗi nhớ. Để ý tin anh và theo anh trong ý nghĩ. Đà Lạt, Sài Gòn, Pleiku, Komtum, Long An… Những nơi chốn xa lạ anh qua được em lần mò trên bản đồ cho thành thân quen. Và thân quen thật với những người lính Biệt Động Quân xa lạ. Em hạnh phúc trong hình ảnh những người lính cùng đơn vị với anh. Em âu lo với những chết chóc của từng địa danh. Còn nữa, còn sợ hãi vẩn vơ mỗi khi nghe bài hát lá cải “Nguyễn Thị Mộng Thường” viết về cuộc tình của người lính Biệt Động. Ôi vu vơ trăm điều! Cũng từ những dịu ngọt, ân cần của anh quấn quít bên hững hờ của chồng em. Cơn đồng thiếp âu lo càng lớn khi những ngày cuối tháng 3 ào đến thành phố biền cơn bão lửa. Em, mệt mỏi rối bời trong làn sóng người trốn chạy vẫn nghĩ đến anh. Vẫn hãi hùng khi hình tưởng đến anh giữa cuộc chiến. Cầu nguyện suốt đoạn đường di tản dành cho anh. Em đã ngoại tình từ ngày đầu tiên lấy chồng cho đến lúc chồng chết. Qúi nằm xoãi người, đầu nát bét vì sức phá của viên đạn, chỉ còn cái cằm loe ngoe cặm vài chiếc răng. Cảnh tượng hãi hùng của người chồng chỉ làm em lo sợ cho anh. Con đàn bà vô lương tâm là em…
Thúy thở dài, ngẩng đầu lên. Thành giường mica trắng lẫn với sắc xanh nhạt từ ngọn đèn làm những sợi vân quánh lại màu xám ngoét. Nàng rùng mình, với tay bật điện. Ánh đèn loé lên, căn phòng đột nhiên hẹp lại. Khung cảnh thân quen hàng ngày tự nhiên thành buồn tẻ. Chiếc đồng hồ đặt phía bàn phấn buông những tiếng tích tắc đều đặn, nhỏ từng tiếng động buồn nản. Thúy bịt chặt hai tai, nàng vùi đầu vào chiếc gối rộng.
Cuốn theo làn sóng người bỏ nước. Em sang đâu. Nước mắt và nỗi nhớ theo em từng ngày. Ra đi. Đi đến đích là hạnh phúc cho những người vượt biển. Cũng thế, em trôi vào nhịp sống của mọi người. Nhưng chỉ được vài tháng đầu rồi lại khóc ngất. Em ân hận vì đã đi. Bao giờ mới gặp lại anh. Ý nghĩ trái ngược xoay tròn trong em. Nếu em ở lại Việt Nam thì vẫn còn hy vọng gặp anh. Sang đây là mất hết. Em âu lo với khoảng đời trước mặt. Lấy một người chồng. Chẳng khó khăn gì mới một người đàn bà tại đây. Lại nữa, em biết em đẹp! Nhưng với tình yêu của mình em làm sao quên được. Trong tuyệt vọng em bắt đầu rong chơi và dày xéo lên bọn đàn ông chung quanh. Kỹ sư, Bác sĩ. Già, trẻ, Đủ cả. Anh đâu biết, sự ân hận kéo dài, đeo đẳng trong em. Mãi đến lúc nhận tin anh. Hạnh phúc ào đến. Em sống lại từ ý nghĩ đầy mơ mộng. Xa lắm, Hai ngàn miles, nhưng rất gần trong ý nghĩ. Và tìm đến nhau.
Thúy mím chặt môi. Cảm giác ngột ngạt bao trùm. Nàng khẽ nhấc mặt rời gối. Hai tay vẫn vòng quanh chiếc gối rộng. Im lìm mhư một người đã chết. Đêm đã khuya. Hẳn chàng đã ngủ. Hẳn Nhã đã ngủ. Từ lâu chẳng còn tiếng động nào.
Sao vẫn chỉ mình tôi trong thao thức. Giờ này chắc cả hai đang trong những giấc mơ về nhau. Hình tưởng đến gương mặt Nhã bừng lên rạng rỡ, nàng chợt khó chịu. Người bạn gái chung nhà. Quen nhau từ ngày còn trong nước. Nhã chẳng có gì nổi bật, bình lặng và cuốn mình trong cuộc sống riêng tự Chàng nồng nhiệt, ồn ào như gió, như bão. Tưởng như hai thái cực. Vậy mà họ yêu nhau. Và mình trở thành bà mai. Thúy chua chát cười trong bóng tối. Có cơn gió lạc loài rít lên những tiếng vi vút, lạnh tanh như hai hàm răng đang nghiến lại, từ bên ngoài.
°°°
Tôi ngột ngạt trong hạnh phúc pha lẫn ân hận. Tình bạn với Thuý. Tình yêu với chàng. Tôi đứng giữa như thân cây nhỏ trước gió. Thái độ của Thúy làm tôi thật ngạc nhiên. Bình thản như không có gì xảy ra. Sống như những ngày bình thường nhưng tôi hiểu, Thúy đã biết về tình yêu của chúng tôi. Ào ạt đến nhanh như không tưởng. Làm sao tránh né khi chính mình cũng còn mời gọi.
Tôi đàn bà nên tôi phải yêu. Và chàng đó, hiện thân của thứ tình yêu tưởng như không có tại đây. Chàng thành thật kể lại chuyện tình với Thuý. Tôi hình dung. Chẳng một chút ghen tương nào cả. Để cuối cùng thông cảm với chàng. Để cuối cùng nhận tình yêu của chàng. Hai mươi bảy tuổi, tôi yêu như ngày mười tám. Đem màu sắc hoà tươi khung vải, mỗi đường cọ là một nụ cười. Mỗi bức tranh là những lần đóng khung ý nghĩ trong hạnh phúc. Chàng đứng cạnh. Chàng ngồi bên. Tôi vẽ. Và nhìn nhau. Mê say như mới yêu lần đầu. Bỏ quên tất cả để sống. Rồi bừng dậy nhìn Thúy ăn năn. Người bạn từ ngày xưa đã cùng tôi chia xẻ tháng ngày của thành phố xa lạ này. Kể hết. Tâm sự hết cả về tình yêu, về cuộc sống. Mỗi lần nhắc đến người đàn ông xa lạ của những năm Nha Trang, Thúy luôn luôn mỉm cười:
– Anh chàng diễu không tưởng được.
Tôi nghe và chẳng một ý nghĩ nào về anh chàng diễu không tưởng được của Thuý. Và bỏ quên như trăm ngàn câu chuyện hỗn độn hàng ngày. Vậy đó, người đàn ông đó đã đến. Mang hạnh phúc và đau khổ chan vào không khí này. Tôi tránh né những lần gặp mặt tay bạ Tôi sợ hãi phải đóng vai trò kỳ cục với tôi. Yêu mà như không yêu. Ghen mà như không ghen. Tôi đàn bà từ lúc yêu chàng. Bắt đầu có những cảm xúc rất là người. Tình yêu và tình bạn đã thành nỗi khó chịu. Phải nói. Phải nói thẳng để cái ngột ngạt không còn.
Nhã buông cọ bước lên cầu thang. Những bước chân của nàng chợt vang lên kỳ cục. Tiếng động như lớn hơn bình thường. Nàng ngạc nhiên khi nhận được điều đó. Đứng lại nhìn quanh. Không khí của cái basement quen thuộc đột nhiên nặng trĩu. Ánh sáng từ ô cửa sổ nhỏ hắt vào một bức tranh tĩnh vật. Chiếc ly màu đỏ trong tranh ánh lên sắc đỏ chói chan. Nàng đăm đăm nhìn vào vệt nắng. Như một đốm máu vừa bắn lên khung vải. Nhã bước xuống thang, đến gần bức tranh. Màu đỏ của màu pha với sắc nắng đã quyến rũ nàng. Tất cả chẳng còn chàng, chẳng còn Thuý, chẳng còn tình yêu. Chỉ hiển hiện một sắc máu vừa tìm thấy.
Bữa cơm diễn ra trong không khí ngột ngạt. Cả ba người đều tránh nhìn nhau. Chậm rãi trong từng động tác rời rạc. Gắp. Nhai. Nuốt. Sự ngượng ngập đan vào từng phút. Bắt đầu thế nào? Cả ba đều tránh né và nhường nhau nói trước. Đã đến lúc phải giải quyết. Thúy xót xa nhìn chàng, vẫn những nét hồn hậu nhưng sao xa lạ. Lần gặp lại đâu ngờ thay đổi. Biết thế chẳng liên lạc với nhau. Để mãi mãi còn những ý nghĩ đẹp cho kỷ niệm. Như hôm nay, giữa không gian của xuân, của những kỷ niệm cũ đang sống lại như tuổi đương độ phải là hạnh phúc, nhưng…
Thúy đặt chén cơm xuống bàn. Buông đũa và ngả lưng vào thành ghế. Chàng ngước lên.
– Thôi hả em?
– Vâng.
Lại im lặng. Mẩu đối thoại chìm vào khoảng trống. Tắc nghẽn. Như hoàn cảnh hiện tại. Nhã bối rối nhìn bạn. Nét mặt Thúy lạnh tanh. Chẳng một nét gì khác lạ. Vẫn kiêu hãnh như đã từng kiêu hãnh vì nhan sắc của mình. Chuyện xảy ra giữa ba người Thúy đã biết. Vậy mà vẫn thản nhiên. Nhã nhìn bạn đăm đăm. Bất chợt Thúy ngước lên. Hai ánh mắt chạm nhau. Nhã cúi xuống. Hoá ra người đáng thương chính là mình. Thúy như một thân cây vững chãi. Luôn luôn mình chỉ là thứ cỏ nép bên Thuý. Từ lúc còn đi học và đến hôm naỵ Trong tình yêu dù mình có, dù Thúy mất mình vẫn đáng thương. Nhã xô ghế đứng dậy. Cả hai người, Thúy và chàng đều nói cùng lúc.
– Nhã…
Nhã đứng yên ngượng ngập.
– Bồ ngồi xuống. Bọn mình nói chuyện một tí. Giọng Thúy trôi đều đề. Chẳng biểu lộ gì cả. Nhã lại ngồi xuống ghế. Chàng bật lửa châm thuốc chờ đợi. Thúy ném cái nhìn về phía người đàn ông.
– Mình đã hiểu…
Nhã bối rối.
– Tôi… xin lỗi.
– Chẳng ai có lỗi trong việc này. Tự cuộc sống đã thế. Đến một lúc nào đó, mình chẳng còn là mình của những ngày cũ. Đúng vậy không?
Chàng mỉm cười gượng gạo.
– Phải. Giữa chúng ta đã hiểu nhau. Anh xin lỗi Thúy lần nữa. Nhưng…
– Chẳng cần thế anh ạ! Giọng Thúy vẫn đều đều. Mọi việc đều rõ ràng. Cái cần thiết là bây giờ, chúng ta sẽ giải quyết thế nào? Không thể kéo dài như thế này mãi. Em có tự ái riêng của em và hai người còn hạnh phúc riêng…
Giọng Thúy nhỏ lại và mất hút. Một giọt nước mắt lăn xuống. Người đàn bà trong Thúy đã về. Đập vỡ lớp vỏ kiêu hãnh vẫn mang. Sự ê chề của lần mất mát là cái thật nhất cho nàng. Nhã chợt hiểu. Thúy và nàng chỉ là thân cỏ yếu đuối. Tình cảm bạn bè sống dậy. Nhã nắm lấy tay Thuý, bóp mạnh.
– Thuý…
Thúy xoay sang bạn. Nét bối rối pha chút thương hại hiện trên ánh mắt Nhã. Thúy chợt thấy bực bội, nàng hất tay Nhã thật mạnh. Xô ghế và đứng lên. Những hành động ào ạt biểu lộ sự giận dữ. Chàng giật mình với tay sang, bàn tay vừa chạm đến tay Thúy đã bị hất lại.
– Đủ rồi. Mặc tôi…
Thúy nói nhanh, giọng cao như đang hét. Nàng chạy nhanh về phía phòng ngủ. Nhã nhìn chàng.
– Anh nên vào với Thuý…
Chàng lắc đầu, dụi mạnh điếu thuốc xuống chiếc gạt tàn. Không khí lại lắng xuống. Mặt bàn ăn chợt như khoảng cách ngăn đôi hai người.
°°°
Chàng ngả lưng vào thành ghế, nhìn ra cửa sổ. Trạm xe bus vẫn vắng tanh. Lác đác dăm người khách ngoại quốc đang chờ xe. Khung cảnh hệt như khi chàng đến. Dãy kính đính trên hàng cột vẫn sáng bóng. Quán café vẫn im lặng với lũ bàn ghế chổng chợ Chàng mệt mỏi nhắm mắt lại khi người tài xế bước lên xe. Wichita sẽ chẳng còn từ hôm naỵ Chàng thở dài khi chiếc xe bắt đầu chạy. Ngang qua một ngã tư, chàng đóng mạnh ô cửa sổ. Phía dưới đường, Nhã đặt chiếc valise xuống vệ đường, chờ đèn báo hiệu băng ngang. Trạm xe bus trước mặt là điểm bắt đầu cho lần ra đi. Nàng hà hơi vào bàn tay lạnh ngắt. Liên tưởng đến căn nhà gỗ đã sống. Hẳn giờ này chàng và Thúy đang say ngủ.
Bên ngoài, mùa xuân đã hết.

Nguyễn Ý Thuần

Số Độc Đắc

nguyenythuan

Chàng bắt đầu mê Lottery từ lúc cô bé bảo:
-Anh chàng bạn trai của em khá lắm. Kỹ sư sang từ năm 75 và…
Một lô cái “và” được kể ra, và chàng ngậm ngùi nghĩ đến câu nói của các cụ. Trâu chậm uống nước đục. Dĩ nhiên, sang Mỹ sau một năm lỗ một năm. Mọi người đều bảo thế và thấy thế. Rõ ràng nhất là chàng vừa tập tễnh được hơn năm. Nghèo lại càng nghèo hơn vì chàng lang thang hết tiểu bang này sang tiểu bang khác. Và Cali, nơi vừa đến hơn hai tháng đã bắt đầu cho câu chuyện của chàng.

Đúng ra chàng cũng chẳng ham giàu cho lắm. Bản tính hồn hậu, tự nhiên, chàng đã chấp nhận cuộc sống dễ dãi. Làm thư ký tòa soạn cho một tờ báo thương mại, chàng kiêm đủ thứ việc. Từ A đến Z. Quên mất, phải nói từ B đến Z mới đúng vì công việc typesetting dành cho cô bé. Nghĩa là từ lay out, trình bày, sửa bài cho đến cả việc… trả lời tâm tình bạn đọc. Đã có lần cô bé hỏi:
– Anh làm tối ngày chắc lương cao lắm.
Chàng cười gượng, nói đến đồng lương khiêm tốn của mình. Cô bé tròn xoe mắt.
– Vậy mà em cứ tưởng…
Tưởng thế nào thì cô bé cứ tưởng. Còn chàng, như đã nói, hồn hậu, dễ dãi chấp nhận cuộc sống nên mặc anh chủ báo đì. Chàng thản nhiên làm. Vì trong công việc chàng vừa có niềm vui lớn. Sự gần gũi với cô bé trong vai trò typesetting và người lay out là chàng phải có mỗi ngày.

Thật tình mà nói, quan hệ giữa chàng và cô bé chẳng có gì. Đó là ý nghĩ của chàng. Có gì sao được. Chàng hơn cô bé những một con giáp. Khoảng cách về tuổi tác, về sự kém văn minh đã làm chàng buồn rầu nhận chức anh nuôi . Cho nó gần, cho nó thân mật trong lúc làm việc. Sự hồn hậu của chàng và tính hồn nhiên của cô bé thật hợp với nhau. Lại cùng cầm tinh con rắn. Lại làm cùng một phòng nên đã hợp lại càng… hợp hơn. Bởi cầm tinh con rắn nên số chàng long đong, lận đận. Tử vi bảo thế thì biết thế. Còn long đong hay không là do mình. Chàng vẫn tự an ủi khi nghĩ về thân phận. Rồi an tâm, vui vẻ quên mình là con rắn. Con rắn long đong từ lúc mới đẻ. Con rắn thất tình từ năm mười bốn tuổi.
Nữ thập tam, nam thập lục. Các cụ dạy thế, nhưng chàng không thế. Chỉ cần thập tứ là chàng đã thất tình bà chị họ. Cũng ra ngẩn vào ngợ Cũng tập tành cà phê, thuốc lá và… mần thơ khi bà chị đi lấy chồng. Mỗi đêm chàng nặn ra cả chục pho thợ. Toàn là đắng cay, sầu khổ, phẫn hận… Đại loại là thứ tình cảm làm cuộc sống nát bét. Chàng nhìn tên anh rể họ mà thèm thuồng. Hắn ngon lành quá xá! Con nhà giàu và đẹp trai. Tất cả những cái hắn có chàng đều không có. Từ một cái honda dame cho đến sợi râu mép. Với hắn là bộ râu mép tỉa cắt đàng hoàng. Còn chàng, than ôi! Chỉ là những sợi lông tơ loe hoẹ Dưới mắt hắn và bà chị họ, chàng chỉ là một chú nhi đồng đang trổ mã. Thỉnh thoảng gặp, chàng còn bị hắn biểu diễn một màn xoa đầu, cho tiền đi ăn đu đủ bò khộ Và chàng âm thầm nặn ra từng cục thợ. Tim chàng lớn từ đó. Gặp ai cũng yêu, cũng thương. Yêu để tỏ ra mình đã lớn. Ban đầu là thế. Sau thành… thói quen! Chàng yêu tùm lum. Gặp ai đường được một tí là yêu ngay! Được hay không chẳng quan trọng. Chàng vui vẻ sống với thứ tình cảm kỳ lạ. Đếm lại, chàng hơn trăm mối tình. Mỗi mối tình là một cái tên, một con người. Hơn trăm người chàng yêu – nhưng chẳng  ai yêu chàng-. Thất tình liên miên, bạn bè đã có đứa cười, chế riễu:
– Mày yêu cả thế giới đàn bà.
Chàng nhún vai:
– Dĩ nhiên.
Thằng bạn tiếp. Giọng xỏ lá:
– Và thất tình cả thế giới đàn bà.
Chàng vẫn tỉnh bơ:
– Lại càng dĩ nhiên hơn!

Thản nhiên đến độ buồn cười. Chàng thoải mái sống với ý nghĩ thật hồn hậu. Yêu là yêu, còn được yêu hay không thì hậu xét. Coi như tất cả là chuyện đùa. Cứ thế, chàng mắc bệnh thất tình kinh niên. Yêu và thất tình đối với chàng bình thường như chúng ta ăn, ngủ. Riết rồi thành cuộc sống của chàng. Sang đến Mỹ, chàng yêu còn bạo hơn hồi ở Việt nam. Độc thân, mồ côi, lúc nào cũng mang tâm trạng cô đơn nên đã hay yêu lại càng dễ yêu. Đã hay thất tình lại càng thất tình nhiều hơn. Chàng yêu tùm lum và sản xuất ra hàng loạt pho thơ mỗi khi cảm thấy bị thất tình. Yêu chị bạn, yêu em bạn. Yêu con bạn và lâu lâu chàng làm một phát yêu… vợ bạn. Dĩ nhiên chỉ yêu một mình, nên chàng chẳng làm phiền ai cả. Ngay cả người chàng yêu và ngay cả chàng!

Gặp cô bé cũng thế. Chàng yêu ngay từ lúc mới nhìn thấy cô bé bước chân vào tòa soạn và chỉ hai phút sau là chàng cảm thấy thất tình cô bé. Anh chàng bạn trai cô bé xuất hiện phía sau lưng. Và sau màn giới thiệu, chàng âm thầm tự giao hẹn: chỉ xem cô bé là cô em… nuôi! Không nên léng phéng mà mất… cảm tình.

Mọi người trong tòa soạn, dù bất đồng ý kiến với nhau đủ mọi điều nhưng đều đồng ý với nhau một điểm: cô bé thật dễ thương. Từ anh chủ báo đã có vợ con lòng thòng cho đến anh chàng loong toong làm chức vụ phát hành tờ báo, diễn nôm là bỏ báo. Đều công nhận thế. Đã có nhiều tên gọi thật hay dành cho cô bé. Chàng loong toong thì tỉnh queo gọi là: người đẹp. Hai ông nhà văn già thì tặng cái tên kiểu cách: công chúa. Bà vợ Ông chủ báo vốn mồm mép thì âu yếm gọi: cưng của chị. Ông chủ báo vốn gốc chợ trời Sàigòn, chữ nghĩa đong vừa cái lá mít nhưng cứ như là dân quí tộc thời trung cổ, lịch sự với tiếng: cô… Đủ thứ. Đủ loại. Tùy theo trình độ và hoàn cảnh. Mỗi người gọi một cách. Nhưng tất cả đều mềm mỏng. Còn chàng? Tội nghiệp cho chàng, dù đã nặn ra cả trăm bài thơ tình và thất tình. Dù thuộc lòng cả trăm bài thơ tình và thất tình của các thi sĩ nổi tiếng, chàng vẫn chẳng biết gọi cô bé bằng cái tên nào cho… đa đã. Chỉ vỏn vẹn một tiếng “em” cụt ngủn và xưa hơn quả đất.

Bởi xác định chỉ xem cô bé như em nuôi nên chàng chẳng cần phải kiêng cữ điều gì cả. Làm cùng phòng, từ chiếc bàn lay out sang chỗ ngồi đánh typesetting của cô bé chỉ cách nhau ba thước, họ nói chuyện thật dễ dàng. Ban đầu chàng và cô bé chỉ vẩn vợ Sau thân, chàng kể cho cô bé nghe đủ thứ chuyện. Từ ngày đi học. Đi lính. Cải tạo. Vượt biên. Ở đảo. Chuyện đi học ở Mỹ và cuối cùng là chuyện tình. Mỗi ngày chàng kể cho cô bé nghe khoảng hai, ba chuyện tình của mình. Mỗi chuyện là một người. Mỗi chuyện là một cái tên. Tuần đầu cô bé thích thú theo dõi. Sang đến tuần lễ thứ tư, sau khi kể xong một chuyện tình hấp dẫn cỡ yêu… vợ bạn, cô bé hỏi:
– Anh năm nay bao nhiêu tuổi?
– Anh cùng tuổi với em. Cũng con rắn. Nhưng rắn lớn.
Cô bé nhìn chàng chế riễu:
– Mỗi lần yêu của anh khoảng… mấy tháng?
Chàng vẫn vô tình:
– Còn tùy…
– Tùy cái gì?
– Tùy có yêu nhiều hay yêu ít.
Cô bé phì cười:
-Trung bình là bao lâu.
Chàng ngẩn ngơ:
– Anh đâu để ý.
– Anh nên để ý lại, vì nhân tất cả người yêu của anh đã kể, mỗi người chỉ ba tháng, thì anh biết yêu từ lúc hai tuổi.
Chàng đực mặt ra nhìn cô bé:
– Em… em…
– Không phải sao? Anh thử tính xem.
Chàng yên lặng một lúc, rồi phá ra cười.
– Chưa hết đâu, còn nhiều lắm.
Cô bé cười theo:
– Vậy thì anh biết yêu từ lúc… còn trong bụng mẹ.
– Không phải từ lúc còn trong bụng mẹ.
Chàng tỉnh bơ tiếp
– Anh biết yêu từ lúc mười bốn tuổi…
– Vậy thì vô lý…
Chàng nhún vai, đứng dậy, tiến đến trước mặt cô bé:
– Em không tin?
– Tin sao nổi. Vô lý quá trời.
– Đâu có gì vô lý. Có nhiều lúc anh yêu một lúc năm, sáu cô là thường…
– Ai mà chịu cảnh đó?
Cô bé ngạc nhiên. Chàng làm thêm một cái nhún vai:
– Anh đâu cần họ chịu!
– !!!
– Anh yêu họ chứ đâu cần họ yêu anh.
Cô bé tròn xoe mắt nhìn chàng. Chàng mỉm cười:
– Lạ không? Anh vậy đó.
Chàng bỏ về chỗ ngồi, lại tiếp tục với công việc. Cô bé ngưng đánh máy, bước đến cạnh chàng.
– Anh…
– Sao?
– Anh có vẻ… dễ yêu quá hả?
– Dễ yêu?
– Dạ…
Chàng thích thú nhìn cô bé. Cặp kính cận theo mốt mới to tướng choán hết gương mặt trông là lạ.
– Dĩ nhiên là dễ.
– Lỡ họ không… chịu thì sao?
– Thì kệ họ. Anh đâu cần.
Bây giờ cô bé thấy chàng có vẻ mát mát. Còn chàng thì thấy mặt cô bé nghệt ra, trông khờ căm. Cả hai nhìn nhau, rồi đột nhiên họ bật cười. Tình cảm nếu chia ra làm mười nấc để dẫn đến nhà thờ thì cô bé mới ở mức khởi hành và chàng đã đi đến nấc thứ mười một.

Nếu cuộc sống cứ bình thường và dễ dãi như chàng nghĩ thì chẳng có điều gì đáng nói giữa giống đực và giống cái. Từ lúc giống cái đầu tiên biết dụ giống đực đầu tiên cắn miếng táo, cho đến nay đã không biết bao nhiêu đấng đàn ông thê thảm vì đàn bà. Mỗi khi xảy ra một thảm kịch của cuộc sống nào, chàng thường nhún vai, chê nạn nhân là vớ vẩn… Với chàng, yêu và thất tình quá quen thuộc. Được yêu hay không cũng đâu thành vấn đề. Cần quái gì phải bi thảm hóa cuộc đời. Cứ coi như pha là xong hết. Với cô bé ban đầu chàng nghĩ thế, cũng coi như pha và vui vẻ nhận làm em nuôi. Chẳng có gì đáng bận tâm cả. Có chăng chỉ là những sự săn sóc có tính cách… gia đình. Mua cho nhau lon nước ngọt. Giúp đỡ nhau trong việc làm. Thế thôi! Và những mẩu đối thoại trong khi làm việc chỉ thu lại trong vòng tâm sự. Chẳng bao giờ tiến quá mức. Nói cho cùng, thỉnh thoảng chàng cũng thấy nhơ nhớ cô bé. Như những lần đi chơi với bạn bè chẳng hạn. Pic nic hay một buổi dạ vũ. Nhìn đám bạn mặt câng câng bên cạnh bạn gái, chàng đâm ra bực bội. Mẹ kiếp! So với cô bé thì chỉ đáng xách dép. Nên đôi lần chàng vẽ vời ra những “sen” hấp dẫn như xi nê trong đầu. Tưởng tượng những gương mặt đực ra của đám bạn bè khi thấy cô bé đi cạnh chàng, chàng bật cười thích thú.

Nhưng đó chỉ là tưởng tượng. Chẳng bao giờ chàng sẽ cùng cô bé đi chơi. Luôn luôn bên cạnh cô bé là anh chàng kỹ sự Còn chàng? Chàng thở dài, buồn rầu với thân phận. Sự gần gũi với cô bé chỉ là những lon nước ngọt cho nhau. Cho đến một buổi chiều thứ năm.
– Bao giờ em lấy chồng?
– Chẳng biết!
– Sao lại chẳng biết?
– Ai ưng mà lấy.
Cô bé nói như thật. Chàng hỏi tiếp, trong lồng ngực trái tim bỗng đập nhanh hơn.
– Còn… anh chàng kỹ sư?
– Chỉ là bạn trai.
Cô bé thản nhiên đáp, chàng dù hồn hậu đến đâu cũng đủ khôn ngoan để hiểu không nên ngưng tại đây.
– Anh thấy hắn cũng đường được…
Cô bé ngước lên, bắt gặp ánh mắt kỳ cục của chàng. Trong đôi mắt cô bé có thoáng bối rối, rồi tắt ngấm sau cặp kính cận thật nhanh.
– Còn anh? Bao giờ lấy vợ?
– !
– Nói đi chứ.
Biết cái gì mà nói?
Chàng ấp úng…
– Anh nghèo thí mồ…
– Thì ráng làm cho giàu.
– Biết bao giờ giàu nổi.
Chàng ngậm ngùi buông chiếc kéo cắt giấy xuống bàn. Phía sau lưng cô bé mỉm cười, nói một câu chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện hai người đang nói.
– Anh chàng bạn trai của em khá lắm. Kỹ sư sang từ năm 75 và…
Chàng xoay lại. Bắt gặp cái cười của cô bé.
– Anh mới sang làm sao bì được với mọi người.
– Thì mua lottery…
– !
– Trúng sớm có vợ sớm.
Cô bé riễu cợt. Chàng đột nhiên bực bội.
– Con gái ở Mỹ phải có tiền mới lấy được?
– Dĩ nhiên.
– Kể cả em?
Xong câu nói chàng mới ân hận. Đã đi quá lố. Cô bé tròn mắt nhìn chàng, lắp bắp.
– Anh… anh…
Chàng ngập ngừng xin lỗi, nhưng cô bé đã cúi xuống. Những ngón tay chạy rào rào trên khóa chữ. Chàng buồn rầu nhặt cây kéo lên. Và sự bất bình thường đến với chàng bắt đầu từ phút đó.

Sau một đêm mất ngủ, sáng hôm sau chàng đến tòa soạn với tâm trạng hồi hộp. Biết nói thế nào để xin lỗi? Từ bé đến lớn chàng có xin lỗi ai đâu? Yêu một mình nên chẳng làm phiền ai, chẳng có ai giận đến độ phải xin lỗi. Còn cô bé? Nhất định là chàng chẳng yêu, nhưng phải xin lỗi. Tưởng tượng đến lúc gặp cô bé với gương mặt nặng như đeo đá, chàng đâm ngán. Những mẩu đối thoại, những nụ cười khi đùa giỡn với cô bé đã là một cần thiết cho chàng. Ít nhất cũng thành sự an ủi khi làm việc. Vậy mà chỉ vì một tí nóng giận mà… hư sự!

Chàng bước vào phòng làm việc. Cô bé vẫn chưa đến. Vài nhân viên của tòa soạn gặp chàng đưa tay chào. Chàng uể oải gật đầu. Những ý nghĩ rối tung làm chàng mệt mỏi. Gương mặt bí xị như đưa đám, chàng ngồi xuống ghế. Người bạn già đến cạnh:
– Hôm nay cậu có vẻ là lạ.
– Đâu có gì.
– Đâu có gì sao được? Buồn thấy rõ.
Chàng giật mình, đứng dậy. Bước nhanh vào toilet Gương mặt hiện trong gương thấy kỳ cục. Chàng dí mặt gần tấm gương hơn nữa. Dưới lõm mắt hai vừng đen nổi lên, mờ nhạt. Trời đất! Cô bé áp phê dữ vậy? Có bao giờ chàng lại thảm hại vì một cú giận như thế này? Hai bàn tay xoa xoa trên vùng má, chàng bàng hoàng nghĩ lại những hành động của mình từ lúc cô bé tỏ ý giận. Lay out thì sai bét. Đêm về đánh vật với nửa chai Rémy, say khướt, trằn trọc ngủ không được. Sáng dậy lơ ngợ Lúc nào cũng thấy buồn buồn như mất một cái gì. Lại còn mang bộ mặt đưa đám nữa chứ. Ra thế. Cô bé đã… control chàng.
Chàng tắt đèn, bước ra ngoài. Dãy hành lang vắng hoẹ Những cánh cửa phòng đóng kín. Vẫn còn sớm chán. Đi tìm cà phê uống cho tỉnh táo. Chàng bước xuống cầu thang. Được hai bước thì cô bé xuất hiện dưới cầu thang. Chàng ngưng lại, cố nở nụ cười méo xệch và chờ gương mặt lạnh như đồng. Nhưng không, cô bé vẫn cười thật tươi như mọi ngày.
– Hi! Anh đến sớm thế?
– À… à… vừa đến.
Chàng đứng lại. Cô bé tiến lên ba bước. Giọng vẫn tỉnh queo.
– Anh chưa làm à?
– Định đi uống cà phê -Chàng cảm thấy yên tâm hơn- Em… em đi với anh chứ?
Cô bé lắc đầu. Chàng xoay người lại, bước lên theo. Cô bé cười cười.
– Sao lại không đi?
– Anh đổi ý…

Họ về chỗ ngồi, chàng vui vẻ lật đống báo ra bắt đầu làm việc. Hú hồn! Vậy ra cô bé chẳng giận mình. Chàng huýt gió một điệu quân hành. Mặt tươi hẳn, có vẻ yêu đời thấy rõ. Tự nhiên chàng cảm thấy công việc thật thoải mái và dễ dãi dù đồng lương ít ỏi. Đang lui hui thì cô bé đến bên cạnh.
– Hôm qua em gặp anh chàng bạn trai của em.
Chàng cảm thấy hụt hẫng. Thảo nào cô bé chẳng giận mình. Niềm vui với chàng boy friend làm cô bé dễ dàng tha thứ. Mẹ kiếp, mình chả là cái quái gì. Vậy mà mất một đêm mất ngủ. Chàng gượng cười.
– Có gì không em?
– Có chứ. Bọn em vừa bàn với nhau…
– !
– Tháng mười một chắc bọn em tính làm đám cưới!
Chàng cảm thấy như đang rớt từ trên tầng lầu cao nhất thế giới xuống. Tim thót lại. Chàng há miệng hớp một hơi không khí.
– Tháng mười một này?
– Vâng!
Cô bé vô tình trả lời. Chàng cúi xuống. Rọc mạnh một bản tin đánh máy hự Con dao lệch ấn sâu trên mảnh giấy, đâm vào đầu ngón taỵ Một giọt máu ứa ra, lan nhòe trên giấy. Cô bé giật mình nắm lấy ngón tay chàng. Và chàng, ngu như tất cả những thằng đàn ông đã ngu, làm hành động quân tử tàu không đúng lúc là rút bàn tay lại.
– Anh chẳng sao cả…
Cô bé ngạc nhiên nhìn chàng. Gương mặt đần ra với cái nhìn ngơ ngác trông thật buồn cười.
– Đau không anh?
– Không.
Chàng đưa ngón tay, ngậm vào miệng .Vị mặn mặn của giọt máu tan trong lưỡi. Cơn đau bắt đầu có từ ngón taỵ Chàng bình tĩnh trở lại. Liên tưởng đến câu chuyện hôm qua, chàng cảm thấy hận mình vô cùng. Phải chi mình vượt biên sớm vài năm! Mẹ kiếp, giờ này cũng kỹ sư như ai chứ bộ? Giờ này tệ lắm cũng có cái xe, đâu đến nỗi nghèo như vầy? Hà! Từ giờ đến tháng mười một? Chàng rầu rĩ nghĩ đến thời gian. Ba tháng? Tại sao cô bé quyết định nhanh như vậy? Cộng tất cả tiền lương và trừ đi mỗi ngày hai gói mì của ba tháng vẫn chưa đủ tiền… in thiệp. Chàng ngậm ngùi.
– Anh nghèo quá…
-!
– Phải chi anh trúng lottery…
– Chi vậy?
Chàng bối rối ra mặt. Tình cảm đã biểu lộ rõ ràng. Không phải những cú yêu đương vớ vẩn như ngày trước. Lần này thật sự là yêu. Thái độ của chàng làm cô bé ngạc nhiên. Và hiểu.
– Bọn em quen nhau lâu rồi.
– Ừ. Chàng ngậm ngùi tiếc rẻ.
– Anh..

Họ im lặng. Tiếng máy lạnh chạy rì rào nghe mỗi lúc một lớn. Sự đè nén của không khí bao quanh làm hành động trở nên nặng nề. Mọi thứ gọi là thoải mái và dễ dãi với cuộc sống đã thành xa lạ với chàng. Mọi nét hồn nhiên đã biến mất trên mặt cô bé. Bây giờ là sự ngại ngùng và ngượng ngập. Cả hai chẳng biết sẽ mở đầu như thế nào. Chàng mân mê con dao cắt giấy. Ngón tay bị đứt đã thôi không còn rỉ máu. Nhưng cơn đau vẫn còn.
– Anh… anh xin lỗi.
– Em hiểu.
Cô bé thở dài quay về chỗ ngồi. Tiếng lách cách từ những khóa chữ vang lên rời rạc. Và con dao cắt giấy trở nên nặng chĩu trên tay chàng. Công việc của một buổi sáng ở tòa soạn tờ báo thương mại không còn vui vẻ như mọi hôm

Hai tháng sau chàng trở thành một tay cạo vé số chuyên nghiệp. Mỗi ngày một lần, sau khi hết giờ làm việc chàng ghé xuống tiệm 7 Eleven, hăm hở trả tiền, hăm hở cạo, hăm hở gởi từng phong bì đến nha xổ số tiểu bang. Để mỗi thứ bảy chàng buồn rầu nhìn từng người lên quay số. Vẫn chẳng thấy tên mình. Cái nghèo vẫn đeo đẳng theo chàng. Lại càng nghèo hơn vì số tiền dư mỗi tuần đều đem cúng vào xổ số. Chàng hốc hác thấy rõ. Chưa bao giờ tiền bạc lại làm chàng bận tâm như bây giờ. Phải giàu thật lẹ. Để… lấy vợ. Để cô bé phải ân hận vì đã lấy chồng. Tình cảm từ thoải mái biến thành cay cú. Sự thay đổi làm chàng biến thành con người khác. Đôi lúc nghĩ lại, chàng đâm ra xấu hổ vì mình. Bần tiện và dơ dáy. Chàng đã tự nhổ vào tấm gương trong buồng tắm khi soi mặt. Nhưng đâu lại hoàn đấy khi gặp mặt cô bé. Vẻ hồn nhiên và coi như không có gì của cô bé làm chàng đã uất lại càng uất hơn. Lúc nào cũng cười, cũng thân mật như lúc đầu. Chẳng bao giờ cô bé nhắc đến chuyện xảy ra ngày hôm đó. Vẫn những lon nước ngọt mua cho nhau. Vẫn những câu chào hỏi như thường lệ. Nhưng khoảng cách đã có. Khoảng cách do chính chàng làm nên. Đã thế, thỉnh thoảng cô bé còn riễu cợt mỗi khi thấy chàng cẩn thận dán tem lên chiếc phong bì gửi đến nha xổ số tiểu bang.
– Vẫn chưa trúng hả anh?
– Chưa.
– Chừng nào anh trúng?
– Làm sao biết được.
– Phải biết chứ. Vì… tháng mười một em lấy chồng.

Lần nào cũng thế. Câu chuyện ngưng. Đúng lúc mặt chàng hầm hầm cúi xuống chiếc bàn lay out. Và mười lần như một, chàng đều không thấy nụ cười thích thú của cô bé, nên nạn nhân đều là những bài báo bị ráp tùm lum. Đã có lần chàng cho anh chàng điệp viên của câu truyện trinh thám đi lạc vào cuộc tranh tài của các hiệp sĩ tại núi Hoa sơn. Hoặc giả bản tin về Reagan thì khúc đầu ở Washington khúc đuôi nằm ở cửa hàng thương nghiệp Hà Nội. Độc giả viết thư chỉ trích. Anh chủ báo lúc đầu còn nhắc khéo, sau bực bội ra mặt. Cho đến lúc những tác phẩm của bà chủ báo cũng bị chàng lay out tùm lum, thì mọi việc bắt đầu không còn dễ dãi. Sự nhắc nhở biến thành cảnh cáo. Job của chàng bắt đầu lung lay.

Nhưng với chàng, mọi việc đâu có gì còn quan trọng. Những tờ lịch của tháng mười đã bóc gần hết mà những phong bì gửi nha xổ số Cali vẫn đi biền biệt, không một tín hiệu nào mang ý nghĩa của sự trở về. Hy vọng trúng số được gom lại trên những đồng đô la cuối cùng còn sót lại trong túi áo được chàng… cạo thật cẩn thận. Hành động tầm thường khi cầm đồng xu cạo lớp sơn, hồi hộp nhìn những con số được thay bằng cái nhìn thật mê say với hình ảnh cô bé. Và khi người xướng ngôn viên của buổi thu hình xổ số đọc đến tên người cuối cùng lên quay tuần tới vẫn không phải là chàng thì hình ảnh anh chàng kỹ sư trẻ tuổi, giàu có hiện lên với nỗi hậm hực. Chàng luôn luôn tắt máy truyền hình bằng hành động cáu kỉnh và buông gọn lỏn một tiếng chửi thề. Làm sao không bực được? Làm sao không… rối trí? Cái hẹn tháng mười một đã thành nỗi ám ảnh trong cuộc sống.

Việc làm bắt đầu trễ nải. Hai vợ chồng anh chủ báo đã tỏ thái độ chủ nhân ra mặt. Thỉnh thoảng lại gọi chàng vào phòng dũa. Chàng – dĩ nhiên – coi những lời nói của anh chủ báo như phạ Đã cùi thì còn gì mà sợ lở. Mẹ kiếp! Làm thì làm, không làm thì thôi. Vài trăm bạc một tháng ông đâu có màng. Ông còn lo chuyện đại sự Và chàng thản nhiên đánh vật với những phong bì của nha xổ số, qua hình ảnh của cô bé và chàng kỹ sư hiện về mỗi đêm.

Bạn bè chung quanh đều ngạc nhiên về sự thay đổi này. Tất cả những nét hồn hậu, dễ thương cũ đều biến mất. Thay vào đó là thú… mê xổ số. Gặp nhau, những câu chuyện về văn nghệ, báo chí mà chàng xưa nay vẫn thích được thay đổi bằng những con số, những lô trúng tuần này và những con người sẽ lên quay tuần sau. Một con bạc hiện lên rõ ràng qua thái độ. Đã có thằng bạn chửi thề khi ngồi tại một bàn nhậu:
– Mẹ mày, dạo này thay đổi thấy rõ.
Chàng im lặng. Thằng bạn tiếp, giọng mỉa mai.
– Hẳn thơ của mày dạo này cũng toàn những con số của lotto…
Chàng vẫn im lặng. Có thằng nào hiểu được nỗi khổ tâm của chàng? Ba mươi mấy năm thả lỏng cuộc sống, coi tiền bạc như trò đùa, coi tình yêu như pha vậy mà lần này vướng đạn. Đau chứ sao không. Nào có xấu trai, ngu đần gì cho cam! Đẹp trai và thông minh nữa chứ. Vậy mà chỉ vì nghèo… Phải chi mình qua Mỹ sớm một tí. Hẳn đã khác. Đâu cần phải đau khổ vì… xổ số thế này. Lần nào cũng thế. Chàng luôn luôn im lặng, cái im lặng lại càng im lặng hơn khi những tờ lịch cuối cùng của tháng mười vừa được bóc xong.

Đầu tháng mười một chàng quit job. Mọi người trong tòa soạn chẳng ai hiểu được tại sao. Cô bé ngỡ ngàng khi nhận được tin chàng bỏ việc. Chiếc bàn lay out với hình ảnh quen thuộc của chàng vắng tênh. Đống dao, kéo, hồ nằm chỏng chơ trên mặt bàn. Phòng làm việc chỉ còn lại một mình cô bé lủi thủi với công việc. Tiếng máy chữ vốn khô khan nghe càng buồn chán. Bây giờ những câu nói đùa của chàng đã thành cần thiết. Sự trống vắng bao quanh cô bé. Chẳng một lời giã từ. Anh chàng coi vậy mà tệ. Mới hôm qua đi làm còn tỉnh queo bàn về kỳ xổ số. Mới hôm qua còn hăm hở chạy xuống lầu mua lon nước ngọt cho cô bé. Mới hôm qua còn bối rối trước câu hỏi thăm quen thuộc… mới hôm qua… mới hôm qua… Những “cái mới hôm qua” xoay tròn trong ý nghĩ. Bất giác cô bé đến cạnh chiếc bàn lay out, tựa vào thành bàn. Cái kéo, con dao, đống báo. Tất cả là đồ nghề của anh. Một lần cô bé nói đùa. Anh chàng bật cười. Còn thiếu một thứ. Cô bé nhún vai. Gì nữa? A! hộp keo?. Chàng lắc đầu. Vẫn thiếu. Gì cở Em? Chàng nói thản nhiên. Em là đồ nghề của anh. Không có em đánh máy lấy gì anh lay out. Những câu nói đùa chợt sống lại. Mới như hôm qua… Lại mới hôm qua… Cô bé buồn buồn quay về chỗ làm. Chiếc máy typesetting trông thật xa lạ.

“Cuộc sống đầy rẫy những ngộ nhận và hiểu lầm. Có những điều ngộ nhận xảy ra làm con người mất hết. Bi thảm từ đó. Dù hồn hậu đến đâu chàng cũng… chết dở. Dù hồn nhiên đến mức nào cô bé cũng… ngất ngư vì buồn. Chẳng nên thế! Sao không thay khổ đau bằng một nụ cười.” Một người bạn già đã bảo thế, nên câu chuyện đã ngưng đành phải thòng thêm một đoạn chót. Bằng một cú phone, na ná như một chuyện vui chúng ta thường nghe.
– Hello.
– Hello. Anh đó hả. Khỏe không?
– Em đó sao?
– Phải!
– Đã… đã… đã làm đám cưới chưa?
– Chưa! Còn chờ… anh trúng số.
Im lặng một lúc. Tiếng chàng thật nhỏ trong giây nói.
– Anh vẫn chưa trúng em ạ.
– Thật không? Lâu quá…
– Thật… đã sắp Noel rồi…
Lại im lặng.
– Anh…
– Sao em?
– Anh ngu quá!
-!
Tiếng nói trong giây nói bỗng nhanh hơn.
– Anh trúng từ lâu rồi mà… sao không lãnh!

NGUYỄN Ý THUẦN

tối tháng năm tại quán ăn đường fifth

nguyenythuan

tặng Cao Xuân Huy

– Hình ảnh cuối của tao về cuộc chiến là cái xác cụt đầu nằm vắt ngang bờ ruộng. Hai bàn chân trắng bệch gác lên mặt đường.
– Của…
– Chẳng biết của ai. Vỏn vẹn một cái quần đùi với những vệt máu đặc bám quanh cổ.
Họ nhìn nhau rồi cùng quay sang hướng khác. Người có râu xoa cằm. Những sợi râu xoắn lại làm vệt bọt bia bám trên mép loang xuống, lấp lánh ánh đèn hắt vào. Ðám râu như khuyết một lỗ.
– Thảo nào…
– Thảo nào cái gì?
– Ít khi nghe mày kể chuyện lính.
Người không râu không trả lời. Khuôn mặt trắng xanh có đôi lông mày rậm, giao nhau giữa trán. Trừ đôi lông mày, hắn trông hiền như người chỉ biết bốn bức tường và các dụng cụ văn phòng. Hắn bưng ly bia lên uống cạn, buông một tiếng “khà” khoan khoái khi nhìn qua khung cửa kính. Bên kia đường là bãi đất trống cạnh con đường nhỏ, sâu, yên tĩnh với hai hàng cột điện sáng vàng vọt. Một vài chiếc xe vụt qua, ánh đèn loé lên rồi tắt như chưa từng có.
Từ ngã tư, đèn đường thay từng lúc hắt lên mặt người có râu những vệt màu. Hung hãn đỏ. Mệt mỏi xanh. Rồi màu da hòa vào vàng. Khuôn mặt biến theo nhịp đèn, chỉ còn đám râu với vệt bia bẩn không đổi. Ðôi mắt hắn nheo lại, những nếp nhăn nổi lên.
Người không râu bật cười.
– Mặt mày lúc xanh, lúc đỏ như con cắc kè.
– Mày cũng thế.
Họ nâng ly.
– Mừng những con cắc kè.
– Và hai con cắc kè tại đây.
Họ cười lớn, chạm hai chiếc ly vào nhau làm những gợn bia sóng sánh. Vài người tại bàn khác nhìn sang nhưng cả hai không để ý. Quán đã thưa khách. Đám nhậu bàn giữa ồn ào cười nói, bát đũa ngổn ngang trước các khuôn mặt đỏ gay. Tận góc quán, cạnh cửa bếp, đôi trai gái thầm thì nói chuyện. Người đàn bà ngồi trong quầy thu tiền nhìn đám khách, lơ đãng như đang nhìn từng lọ tương, chai mắm. Bề mặt tỵ nạn trong xã hội lạ thành một thứ bột bánh riêng trộn với các loại bơ, muối, đường. Người không râu nói ý nghĩ này với bạn. Người có râu gật đầu. Đám râu lay động, hất vệt bọt bia lăn xuống.
– Dĩ nhiên. Như tao, như mày. Cùng là lính mà lại nghĩ và làm khác nhau.
– Tao không thích nhắc quá khứ. Nói ra thật xấu hổ. Tao vào lính vì thất tình.
– Tao biết, mày đã kể. Nhưng với tao, đoạn đời lính gắn bó từng ngày, từng con người của đơn vị. Quá khứ của tao là một kỷ niệm để sống.
– Tao biết. Mày đã kể nhiều lần.
Người không râu lập lại lời bạn với một tiếng “nhiều” thêm vào rồi cười. Người có râu vẫn xoắn đám râu bằng các ngón thô, rám.
– Nhắc lại quá khứ là điều lố bịch, nhưng đôi lúc cần thiết. Tao… Nhưng thôi, bọn mình đang nói chuyện gì nhỉ? A! Cái còn lại! Mà không! Hình ảnh còn lại sau cuộc chiến. Nói đi, tại sao lại nhắc chuyện này khi mày là thằng ghét chuyện lính tráng?
– Phải. Trong trí tao luôn hiện ra cái xác cụt đầu, nằm vắt ngang bờ ruộng trên đường từ Long An về Sàigòn mỗi khi nghĩ hoặc có ai nhắc đến cuộc chiến.
– Chỉ vậy thôi?
– Vậy thôi là quá đủ cho cuộc chiến vừa qua.
– Tao không hiểu.
– Thật giản dị. Ngày hai tháng năm bảy lăm, sau khi dắt nửa đại đội còn lại chạy vòng vòng miệt Long An, Bình Ðiền, tao chỉ thấy toàn cờ tụi nó với từng đám người reo hò những khẩu hiệu lạ.
– Sao lại đến mùng hai?
– Mày đâu biết, đêm ba mươi tháng tư tao vẫn tỉnh queo giữ tuyến ở vòng đai Long An. Sáng mùng một, ông đại đội trưởng và tao bàn chuyện chia hai đại đội. Mỗi người chạy một ngả vì mất liên lạc với tiểu đoàn. Mẹ kiếp. Bấy giờ bọn tao nhìn nhau cùng hiểu trò chơi khốn nạn lúc chạy làng tại liên tỉnh lộ 7B đang lập lại nhưng không dám nói.
– Tao hiểu. Lúc chạy tại Quảng Trị, Thuận An bọn tao cũng thế. Tháng ba của tao là tháng tư của mày.
Người không râu xoay chiếc ly trên tay. Dưới đôi lông mày rậm, mắt rực lên sắc máu của những sợi gân nhỏ. Chỗ lông mày giao nhau trũng xuống trên các vết nhăn. Ánh đèn từ ngã tư tình cờ hắt tia đỏ vào. Khuôn mặt chợt dữ và man rợ.
– Liên lạc với tiểu đoàn không được, tao bẻ cò sang liên đoàn nhưng cái máy vẫn câm, không một tín hiệu trả lời. Tụi tao nằm dưới lòng kinh cạn suốt ngày mùng một. Ðêm đó hai đứa chia tay. Ông ta về Mỹ Tho, tao về Bình Ðiền. Mỗi người một nửa đại đội, chạy lung tung trong khoảng ruộng ven vòng đai Long An. Sau cùng tan hàng hôm mùng hai. Tao dẫn thằng đệ tử ruột về, trên người chỉ còn cái quần đùi. Ngang qua nhà máy xay lúa Long An, thằng đệ tử tạt vào xin hay cướp tao không rõ, được hai bộ quần áo dân sự. Bọn tao mặc thường phục vào Long An. Hình ảnh đầu tiên là cờ ba màu, là những khuôn mặt hân hoan. Tao biết mình thua từ lúc nghe radio, nhưng bấy giờ, lạc giữa đám người đó, tao muốn khóc…
Người không râu bỏ lửng câu nói, bưng nhanh ly bia đưa lên. Lại một tiếng “khà”. Bàn tay với những ngón nhỏ, trắng quệt nhanh trên mép thô bạo. Chất lính đã lộ.
– Lang thang tại Long An đến chiều mùng hai, bọn tao đón xe về Sàigòn. Và cái xác…
Giọng chùng xuống, hắn nhìn bạn, mắt dịu đi. Ánh đèn đường tình cờ hắt sắc xanh vào khiến nước da trắng chợt xanh mét. Chỗ hũm giữa cặp lông mày như sâu hơn. Tối đen một chấm. Khuôn mặt đang chìm vào ký ức. Cửa ngõ của một ngày tháng năm cũ đã mở.


Hai người đàn ông nhìn nhau lo ngại khi chiếc xe đò chật người ngưng lại. Người lớn tuổi mặt khắc khổ với các nếp nhăn trên trán.
– Thiếu úy…
– Mẹ kiếp úy với tá cái gì! Im đi mày.
Người trẻ cắt ngang, giọng khó chịu.
– Chắc trạm kiểm soát.
Người lớn tuổi lại nói, giọng thấp hơn trong tiếng ồn ào của một bọn người chen nhau lên xe. Người lơ xe bám vào cửa trước, thân đong đưa, miệng không ngớt la. Hai người đàn ông nhích vào trong nhường chỗ cho một người đàn bà. Bên ngoài ngập gió và nắng. Người trẻ hít một hơi dài, cảm giác khó chịu tan dần. Người lơ xe vẫn oang oang.
– Hòa bình rồi bà con ơi. Nhường nhau chút đỉnh. Bà con xích dzô dùm… Rồi… rồi, lên đi anh Hai. Dạ, hòa bình rồi… hết đánh nhau rồi, hết trạm kiểm soát rồi…
Người trẻ ngả đầu vào thành ghế, mắt nhắm nghiền trong cái ngột ngạt của các thứ mùi trộn lẫn. Xe chạy tiếp, những luồng gió hắt vào. Người lớn tuổi bắt chuyện với người đàn bà, loáng thoáng những tiếng “giải phóng”, “hòa bình”, “làm ăn”, “đoàn tụ” trong câu chuyện. Người trẻ nắm chặt bàn tay. Những sợi gân xanh nổi lên khi hình ảnh cũ loáng thoáng hiện trong trí. Một chỗ đóng quân ven vòng đai Long An có đám lính mệt mỏi nằm trong hầm đếm đạn 122 ly cạnh vài cái xác nát bét dưới lớp bao cát. Chiến trường gần. Chiến trường xa. Những tiếng nổ. Dãy núi T4, T5 của miệt biên giới với độ cong yên ngựa. Con suối hòa bình có trạm treo súng của hai bên. Từng địa danh trôi theo thời gian. Vỏn vẹn chỉ còn cái chết của đồng đội để đánh dấu. Thằng Do chết ở làng Gia An, Bình Ðịnh, vết đạn xuyên từ trán làm vỡ toang mảng đầu phía sau. Thằng Tâm lãnh nguyên trái 75 vào ngực, xương thịt vãi bung tại một góc liên tỉnh lộ 7B. Thằng Hùng, thằng Nam… Những cái chết làm thời gian nhạt nhòa, chỉ còn địa danh gợi nhớ. Tên người và tên đất. Cái chết và không gian. Ðời lính trôi trong ranh sống chết. Những người lính ngơ ngác khi chiếc máy PRC 25 u u từng hồi lúc liên lạc với cấp trên, không một tín hiệu trả lời. Ðạn 122 ly vẫn rót trên đầu. Mỗi giờ thêm 60 quả pháo. Mỗi phút lại một lần tưởng mình được sinh ra. Rồi bùi ngùi chia hai đơn vị. Ðứa nào theo tao? Ðứa nào đi với ông Truyền? Tôi. Em. Tôi. Em. Thằng thì tôi, thằng thì em. Thằng nào cũng là lính. Thằng nào cũng sống chết với nhau. Thôi, tôi đi với thằng một, thằng ba. Ông đi với thằng hai, thằng bốn. Ráng về Saigon xem sao. Tôi sẽ ráng. Cái vỗ vai cuối cùng. Rồi mất hút. Người trẻ tuổi chà mạnh tay vào mặt. Có giọt nước mắt vừa nhoè trong kẽ tay.
Xe lại ngừng. Người lơ xe vẫn trong thế đứng đong đưa lại lải nhải.
– Hòa bình rồi, hết đánh nhau rồi, bà con vui lòng xích dzô một chút…
Trong xe, người chật cứng và nồng mùi hôi. Người đàn bà và người lớn tuổi đã thân mật hơn, đã anh anh, em em và hỏi về gia cảnh nhau. Người trẻ ngáp lớn, chán ngán nhìn ra cửa sổ. Cảnh tượng bên ngoài hiện bất ngờ. Một xác người nằm vắt ngang bờ ruộng sát quốc lộ. Một cái xác cụt đầu.
Người trẻ chăm chăm nhìn cái xác. Những vết máu vừa đông và cái bụng trắng nhợt chưa kịp trương. Hẳn bị giết chưa lâu. Một cái xác của giờ thứ hai mươi lăm. Bi thảm với những rẻ sườn cong trước lỗ rốn sâu. Cái cổ như vươn dài, loang lổ máu với những vết gân xanh nổi rõ. Cái xác quay đầu về phía ruộng, hai tay thõng xuống bùn, chân vắt lên đường nhựa. Dưới nắng, cái xác cụt đầu trần trụi như trăm ngàn cái xác khác.
Người trẻ tuổi nhìn không xúc động. Cái cổ, cái bụng, vệt máu, những rẻ sườn, lỗ rốn, hai tay, chiếc quần đùi đỏ… Tất cả thành hình ảnh bình thường của chiến tranh, mỗi ngày. Cụt đầu hay vỡ ngực cũng thế. Ðạn hỏa tiễn hay mã tấu cũng vậy. Cũng đưa đến cái chết cho con người.


– Chẳng có gì lạ, dù mày “miêu tả” hơi kỹ.
Người có râu riễu cợt.
– Ðúng. Chẳng có gì lạ. Chỉ là một cái xác trong chiến tranh. Ngày ấy tao cũng nghĩ như mày.
– Vậy có gì phải nhớ?
Người không râu dụi mạnh điếu thuốc vào đĩa thức ăn bỏ dở. Một sợi khói mỏng bay lên, tỏa đi.
– Nhớ chứ. Vì đó là ngày mùng hai tháng năm. Và cái xác với cái bụng chưa kịp sình thối đủ để tao hiểu… Cả mày nữa. Không lẽ bọn Thủy Quân Lục Chiến tụi mày chưa bao giờ thấy xác, không phân biệt được xác đã chết lâu hay mới chết? Ðiều tao muốn nói là cái chết sau khi ngưng bắn. Một cái xác đang tìm về gia đình, sau chiến tranh.
Người có râu im lặng, rót thêm bia vào hai cái ly đã cạn.
– Trước khi mất đầu và sau khi mất đầu là điều tao muốn nói với mày.
– Có gì khác? Cũng chỉ là xác người.
– Không giản dị thế. Lúc còn đầu là còn căn nguyên, còn nguồn gốc, còn nơi về để được nhận, biết. Khi mất đầu thì hoàn toàn không còn gì, chẳng thể biết từ đâu đến, sẽ về đâu và có ai, của ai. Không một dấu nào ngoài cái thân trần trụi nằm vắt ngang bờ ruộng.
Bia rót tiếp. Mắt người không râu đỏ, mệt. Cặp tình nhân đã bỏ đi. Ðám nhậu bàn giữa chỉ còn vài người.
– Hôm nay đúng ngày tao trông thấy cái xác.
– Ờ. Hôm nay mùng hai tháng năm.
Người không râu gật gù, vài lọn tóc xõa xuống trán, bàn tay lại xoay xoay cái ly. Lanh canh. Những cục đá chạm thành ly. Tại bàn giữa, đám nhậu đã tàn, người đứng ngồi trao nhau từng cái bắt tay chuệnh choạng từ giã.
– Tại sao mày hay nhắc chuyện lính?
Người không râu chợt hỏi. Người có râu tắc lưỡi.
– Không kể sao được? Tao sống chết trong thời gian đi lính. Phần đời này gắn lấy tao. Bây giờ và cả cuối đời.
– Tao cũng sống chết với đoạn đời lính. Nhưng nhắc lại tao chúa ghét… Xấu hổ nữa là khác.
Người có râu mỉm cười trước sự bướng bỉnh của bạn.
– Bọn mình khác nhau chỗ đó.
– Khác thế nào? Mày Thủy Quân Lục Chiến. Tao Biệt Ðộng Quân. Thằng nào cũng sống, chết, đi tù và vượt biển. Sao sang đây lại khác nhau?
– Có lẽ tại cuộc sống.
– Cuộc sống? Tao không nghĩ cuộc sống tại đây lại làm tao thay đổi. Như mày biết, tao đã tỉnh bơ đón nhận mọi thứ. Mà hôm nay…
– Mùng hai tháng năm.
– Ờ, mùng hai tháng năm.
Người không râu gật gật.
– Hôm nay là… Bao nhiêu năm rồi kể từ ngày tao gặp cái xác.
– Lại cái xác.
Người có râu mỉm cười. Người không râu gằn giọng.
– Vẫn cái xác? Ðúng, nhưng hôm nay đã thành biểu tượng cho cuộc chiến bọn mình đã tham dự.
– !!!
– Cái xác không đầu lúc nằm bên bờ ruộng chỉ biết mình là cái xác. Tự cái xác đã là sự bi thảm nhưng chính nó không biết. Tự phơi cái bi thảm mà nó chẳng ngờ. Từ đâu đến? Sẽ về đâu? Cuộc chiến này là thế. Chỉ lộ rõ thực thể, còn căn nguyên và mục đích thì ngay cả người trong cuộc cũng mù tịt…
– Mày say rồi đó.
– Mẹ kiếp!
Người không râu chửi thề rồi nói lớn.
– Bây giờ tao lại thấy mày giống cái xác cụt đầu. Chẳng còn gì ngoài những rẻ sườn lộ trên cái bụng lép mà cứ phơi sự bi thảm ra.
Người có râu lắc đầu nhìn bạn. Ðôi mắt người không râu đờ hẳn, giọng líu lại.
– Tao… tao… thấy mày cầm cờ hôm ba mươi tháng tư vừa qua thật buồn cười. Bộ quân phục quen thuộc bỗng lạ hoắc. Còn đôi giày nữa chứ. Mũi giày to, tròn, u lên. Trông kỳ lắm.
– Tao thấy cần phải làm vậy.
– Thì cứ làm. Nhưng có đúng là cần như mày nói không? Hay chỉ là những cái xác cụt đầu chẳng biết sẽ về đâu. Hết rồi mày ạ…
Người không râu kéo dài tiếng “ạ” chán chường, vẫy người đàn bà tại quầy. Người đàn bà uể oải đi về phía hai người. Ðôi giày cao gót có mũi nhọn theo mốt mới. Người có râu liên tưởng đến những đôi giày trận mũi tròn, thô, lạc tại xứ người. Ðột nhiên máu nóng dồn lên mặt, người có râu buông tiếng chửi thề. Người đàn bà ngạc nhiên nhíu mày.
– Mấy anh cần gì?
– Mấy… mấy giờ cô đóng cửa?
Người không râu lè nhè. Người đàn bà nói mà không nhìn.
– Dạ, còn sớm mà anh.
– Lấy thêm bia đi… Hai, mà không… bốn chai nữa.
Người đàn bà quay vào. Hai người bạn im lặng, tránh mắt nhau. Mãi đến lúc người đàn bà trở lại, để bia lên bàn.
– Uống đi.
– Uống chứ.
Lại im. Mẩu đối thoại tắc. Người có râu nhìn về phía cột đèn, những ánh xanh, đỏ, vàng vẫn đổi đều. Con đường vẫn vắng, sâu. Ðêm đã khuya.
– Tại sao mày nghĩ thế?
– Mày buồn?
Người không râu hỏi lại. Người có râu nhún vai.
– Buồn chó gì!
– Phẫn?
– Phẫn chó gì! Tao chỉ lạ vì sự đổi thay của mày. Cũng là dân tác chiến, cũng sống chết một thời với cuộc chiến, dù tham dự chỉ vì thất tình như mày nói, nhưng sự thay đổi thật lạ. Nếu không biết, chẳng ai có thể nghĩ mày là một thằng thiếu úy Biệt Ðộng. Chẳng còn dấu gì của đời lính ngoại trừ tấm chứng chỉ tại ngũ mày còn giữ. Ðôi lúc, tao nghĩ mày còn riễu cợt cả những thằng lính.
Người không râu ngả lưng vào thành ghế, mệt mỏi buông từng tiếng.
– Tao cũng là một cái xác cụt đầu của cuộc chiến, chỉ còn vỏn vẹn cái quần đùi đỏ trên thân. Không thể biết của ai, từ đâu đến và về nơi nào. Một cái xác bi thảm hơn tụi mày là chẳng còn nguồn gốc.
– Mày có vẻ say.
– Say thật chứ có vẻ gì! Mẹ kiếp, lại buồn mửa…
Người không râu gục mặt xuống, trán tựa vào mép bàn. Một giòng thức ăn trộn nước ào ra, bắn tung xuống mặt đá hoa. Cổ họng cay và đầu luỡi chua. Cảm giác quay quay trong đầu, rồi nặng chĩu với cánh tay buông thõng.
Người có râu mỉm cười đứng dậy, đi về quầy tính tiền. Người đàn bà ngước lên.
– Anh ấy say hả anh?
– Vâng, nó bắt đầu ăn vạ, cô tính tiền hộ.
Người có râu quay lại bàn, đỡ bạn dậy. Người đàn bà đã mở cửa sẵn.
– Anh về.
– Vâng. Cám ơn cô.
Không khí bên ngoài hắt vào mặt. Trời tháng năm thoáng và mát. Người có râu xốc nách bạn, vắt cánh tay bạn ngang cổ, hít sâu một hớp không khí. Không gian vắng lặng với ánh đèn đường hắt xuống. Bãi đậu xe không còn ai, chỉ còn chiếc xe cũ của họ đậu bên một chiếc xe mới. Người có râu thở dài nhìn cảnh vật. Hai chiếc xe cũ, mới cạnh nhau. Hình ảnh đôi giày trận mũi tròn bên đôi giày cao gót hiện về. Lẩm bẩm những tiếng vô nghĩa, người có râu dìu bạn đi từng bước. Bóng hai người đổ dài, ôm choàng nhau thành một vệt đen. Ngang qua cột đèn, người có râu giật mình nhìn xuống. Dưới ánh điện, bóng của hai người thun lại, phình to bề ngang. Như một cái xác cụt đầu đã sình thối.

nguyễn ý thuần

Đường Về

nguyenythuan

Tôi khóa cửa tòa soạn. Bên trong, lũ bàn, ghế, giấy, bút ngổn ngang đã là thế giới khác. Tôi bước ra từ cửa một cuộc sống để đến một cuộc sống. Con đường William trước mặt. Tám đoạn đường cắt ngang. Từ đường Second đến Ninth là bốn lần đèn xanh, đỏ và bốn lần bảng stop. Tôi bắt đầu từ một cầu thang để đi xuống. Tôi chấm dứt bằng một cầu thang để đi lên. Tòa soạn và khu chúng cư. Khoảng giữa là một thế giới khác, một cuộc sống khác. Thế giới William và cuộc sống William.

Đôi dép nhật màu xanh, mòn gót phải đem từ Santa Ana lên vẫn được mang. Chẳng cần bỏ hay đổi. Tại sao phải là đôi giày da? Tại sao phải là áo vest với đuôi cà vạt lụa? Con đường William vẫn thiếu ánh điện trên vài đoạn đường và gái giang hồ, những thằng say còn tụm trên hè phố. Đôi giày da và bộ vest sẽ làm tôi mất một thế giới đang lồng trong thế giới hàng ngày. Tôi ngột ngạt và cần thở. Đâu có con điếm nào mặc áo dạ hội đứng đường đón khách, cũng đâu có thằng bụi đời nào thắt cà-vạt, ngồi bệt giữa đường tu rượu. Tại sao tôi phải vất đôi dép chưa đứt quai để thay bằng đôi giày da đi trên con đường này. Hơn nữa tôi đang cần một cuộc sống khác. Tôi cần. Tôi đang cần. Như đôi dép đang cần chạm vào mặt đường để đôi dép được là đôi dép. Không mang trong chân, hay gói trong bọc để ở một cửa hàng nào đó, hay đặt trên mặt thảm, hay vất vào thùng rác, hay… thì sẽ là cái gì? Đâu còn là đôi dép. Mớ cao su từ đâu đến, trộn màu xanh cùng những hóa chất nào đó được nấu, được đổ vào khuôn, được cắt thành hình. Rồi chờ chạm vào cuộc sống. Bao nhiêu đôi? Làm sao tôi biết được? Một triệu, hai chục triệu, ba trăm triệu, bốn tỷ…? Những con số để đếm. Những đôi dép giống nhau và khác nhau. Mà cần gì phải biết khi tôi hiểu đôi dép nhật của tôi đang sống trong khi còn nhiều đôi dép trong bọc không được sống. Dù cuộc sống chỉ là con đường William đầy gái điếm và những thằng bụi đời say rượu.

Tôi không yêu con đường này. Nhưng tôi thích đi bộ tại đây. Làm sao yêu được một con đường lạ. Lạ từ cái tên lạ đi. Dù đó là con đường nhỏ, hai bên có những tàng cây, nhà cửa thụt ra, thụt vào va ánh điện lúc có, lúc không. Nghĩa là con đường có những nét để thành một con đường tôi đã sống. Nha Trang. Nhưng vẫn lạ bởi trong tôi chỉ có các con đường đã mất. Hai Chùa. Hoàng Tử Cảnh. Nhà Thờ. Biệt Thự… Có gia đình. Có bạn bè. Có các quán cà phê. Có ấu thời… Nhưng tôi thích đi bộ trên con đường này. Những lý do như mất bằng lái xe bởi say rượu gây tai nạn. Hoặc đi bộ cho cơ thể tốt hơn sau một ngày làm việc theo lời chỉ dẫn của một tạp chí, một ông bác sĩ nào đó. Hay như lời thằng bạn học cùng lớp tại trường Võ Tánh, hiện đang làm bác sĩ tâm thần tại một dưỡng trí viện dọa. Mày phải vận động. Làm báo, viết lách, suốt ngày cắm đầu vào computer và mớ chữ trông mày ngơ ngơ như thằng điên. Có ngày khùng thật con ạ. Khùng và điên… Thêm vài lý do với chữ thích và chữ phải. Thích đi bộ và phải đi bộ. Tôi chọn chữ thích. Đâu có gì là phải trong tôi. Con tinh trùng đã bơi tự do trước khi kết hình. Tôi muốn kéo dài cuộc sống William sau những cuộc sống khác. Nhích từng bước trong cái mệt để nghe máu rân ran trong thân. Lắng nghe tiếng lép nhép của đế dép cao su chạm mặt đường giữa không gian vắng. Chín giờ tối đoạn đường đã chết. Chỉ có tiếng dép. Mỗi bước chân là một tiếng. Kéo dài trên mặt đường. Tôi nghe. Tôi nhận tiếng động của mặt đường và miếng cao su được gọi là dép chạm nhau. Truyền qua lòng bàn chân rồi tỏa rộng vào thân. Rõ từ lúc mũi dép đặt xuống, kéo lê thành vệt cho đến khi gót dép được nhắc lên. Mỗi bước là một tiếng. Những tiếng lép nhép kéo dài hết đoạn đường từ Second đến Third ngắn chừng năm mươi thước. Không một ánh đèn. Tối và tối. Tôi đi và tôi đang đi. Tiếng dép cao su kéo trên mặt đường và tiếng dép cao su đã kéo trên mặt đường. Tôi bắt đầu một cuộc sống.

Hết những căn nhà trồi ra, thụt vào của dãy phố Second và Third là một gốc cây lớn. Tàn cây tỏa rộng, kín một góc hè. Đoạn đường đã tối đến đây lại tối hơn. Cái cây đen mang hình thù kỳ lạ. Giống như cây nấm Hiroshima bị tô đen. Cây nấm năm bốn lăm thỉnh thoảng được nhắc lại cộng với những con số đứng trước cái được gọi là cái chết. Tại sao tôi lại dài dòng với những thứ cái được kể. Sự liên tưởng ngu xuẩn. Bây giờ là cuối năm. Tôi đang đứng tại một tiểu bang giàu có của một đất nước giàu có. Gốc cây có liên quan gì đến cây nấm năm bốn lăm? Gốc cây chỉ là gốc cây. Dù đó là gốc cây đầy bóng tối trên con đường đầy bóng tối. Và tôi đang đứng trong bóng tối nhìn về cột đèn đường cách khoảng 10 thước. Cột đèn của ngã tư đường Fourth và William.

Chữ don’t walk đỏ trên đèn báo hiệu. Từ đây đến đó khoảng mười thước. Mười thước là bốn mươi bước chân thường. Mười thước là sáu mươi bước chân dạo chơi. Tôi không trong cuộc sống thường. Tôi đang trong đời sống khác. Tôi không đi bốn mươi bước trong mười thước. Tôi cũng không đi dạo nhàn hạ. Tôi không cần đi sáu mươi bước trong mười thước. Tôi sẽ đi tám mươi bước nếu tôi thích. Tôi sẽ đi một trăm nếu tôi thích. Nhưng phải dài hơn sáu mươi bước. Tôi đang sống. Tôi dè xẻn cuộc sống William cho tôi. Thêm một bước là thêm một nấc thời gian. Tôi giữ cho tôi. Riêng tôi. Chỉ riêng tôi nên cây nấm năm bốn lăm không cần phải nhớ. Tôi ích kỷ bởi tôi đang yêu tôi.

Trước mặt tôi là chữ don’t walk đỏ nhấp nháy. Mỗi lúc như nhanh hơn. Khoảng bước chân thứ năm mươi mấy gì đó, lúc tôi đang còn trong bóng tối đèn bật chữ walk trắng với bóng đèn tròn, xanh bên trên. Tôi không vội trong bốn thước cuối. Tại sao tôi phải vội khi tôi đã vội quá nhiều?

Bây giờ chữ don’t walk đứng yên. Màu vàng của bóng tròn vụt tắt. Nhóe ánh đỏ. Don’t walk có nghĩa là đừng đi bộ, không được đi bộ, cấm đi bộ v.v… Đủ thứ để hiểu: không cho phép mà cứ băng ngang, lỡ bị xe đụng thì ráng chịu. Mạng sống được quí trọng tại xứ này nhưng luật cũng cần tôn trọng. Tôn trọng và quí trọng. Đâu ai cân thử để biết cái nào nặng hơn. Băng ngang khi đèn đỏ lỡ bị tông thì cái chết kéo thêm một vài phiên tòa thiếu người chết. Rồi xong. Tôi không muốn chết lãng. Tôi sẽ tôn trọng luật lệ của chiếc đèn đường nếu tôi không đang trên đường William. Nên don’t walk mặc kệ don’t walk. Tôi đâu có đi bộ. Tôi đang sống với đôi dép nhật mang trên chân. Don’t walk để cấm người đi bộ băng qua đường. Don’t walk đâu cấm người sống và đôi dép sống. Tôi không muốn ngưng cuộc sống này. Tôi cũng không muốn đôi dép của tôi không còn là đôi dép trên đoạn đường William. Tôi không muốn tôi không còn là tôi.

Tiếng thắng xe rít và tiếng bánh xe nghiến dài trên mặt đường nghe chói. Tôi quay sang trái. Ánh đèn pha lóa mắt. Một cái đầu thò khỏi cửa sổ xe.

– Fuck you!

Mỹ đen hay Mỹ trắng? Có thể là Mễ. Ánh đèn làm tôi không nhìn rõ khuôn mặt. Nhưng sao lại là fuck you mà không là mẹ mày hay đụ mẹ mày. Tiếng fuck you nghe lạ. Thằng người này đang sống trong cuộc sống khác. Chẳng dính gì đến tôi. Tôi không có nó. Nó không có tôi. Fuck you thì cứ fuck you. Đôi dép và tôi vẫn sống. I don’t care.

– Are you crazy?

Thằng người trong xe thò đầu ra gào lên. Tại sao nó la lớn thế? Tôi ngạc nhiên. Giữa cuộc sống William lại có một thằng la lớn tại đoạn đường này? Khúc đường để la lớn là khúc dưới kia. Ngay đầu đường Seventh, chỗ bức tường khai mùi nước đái. Đây là đường Fourth. Đoạn đường phải được im lặng để tiếng dép trên mặt đường rõ từng tiếng. Thằng người trong xe hẳn ngu. Hay một thằng điên. Are you crazy? Nó hỏi ai? Nó hỏi nó hộ tôi? Có thể. Nó đang hỏi nó hộ tôi. Tôi sẽ trả lời hộ nó cho nó. Nhưng cần gì phải trả lời. Nó đâu hiểu gì. Nó đâu biết trước mặt nó là cuộc sống William. Và đoạn đường Fourth cần yên lặng.

Tôi bỏ lại thằng người ngồi trong xe và chiếc xe của nó. Bây giờ đường đã được chiếu sáng bởi các bóng đèn nhưng tiếng dép thôi còn lép nhép. Mặt hè không được tráng xi măng. Tiếng dép quen thuộc thành đục, khàn khi chạm vào cát. Lớp cát được đổ làm sân của bốn căn nhà cất riêng. Tôi đang sống trước căn số hai. Một bụi bông giấy tỏa ra ngoài tường. Tôi thấy ánh đèn qua ô cửa sổ trắng. Căn nhà có người ở. Mấy người trong đó? Họ đang làm gì? Ăn tối? Coi truyền hình? Nói chuyện hay làm tình? Họ sẽ không cãi nhau. Sao tôi lại biết họ không cãi nhau? Tôi không biết. Tôi không hiểu nhưng tôi không thích họ cãi nhau. Tôi không thích họ cãi nhau trong một căn nhà đang sống. Đang tham dự vào cuộc sống William. Cãi nhau làm gì khi dăm phút nữa tôi sẽ gặp căn thứ tư, một căn nhà không sống mỗi đêm từ tám đến mười giờ. Tôi chỉ biết thế, bởi giờ về của tôi nằm trong khoảng thời gian này. Căn nhà tối, đen. Luôn tối, đen dù cũng có hàng rào bao quanh với bụi bông giấy nhô ra ngoài và trước sân trải cát. Căn nhà thứ tư không sống dù giống căn thứ hai. Tôi nghĩ thế. Căn nhà đã thế như tôi nghĩ. Bên cạnh những căn nhà là những nhà mồ. Bên những con người cũng có những xác người. Phải thế. Dù đó là William. Cuộc sống ngắn mà tôi đang dè xẻn. Để sống.

Quả nhiên căn nhà thứ tư không một ánh điện, không một tiếng động. Căn nhà chết trong bóng tối và yên lặng. Tôi đứng lại nhìn cái chết của căn nhà để thấy tôi đang sống. Sự cách biệt không còn là hàng rào với bụi bông giấy mà nằm trong trí. Tôi đang sống để nhìn cái chết. Tôi hạnh phúc bởi đang sống trước cái chết.

Đoạn đường Fifth bắt đầu bằng bảng stop. Cuối đoạn đường Fifth là một bảng stop. Xe ngưng lại, người lái ngó trước ngó sau, ngó phải ngó trái rồi mới chạy. Tôi thì không. Tôi không có xe. Tôi chỉ có đôi dép. Chẳng có bảng stop nào dành cho tôi và đôi dép. Luật không ghi điều cấm cho tôi và đôi dép. Luật chỉ ghi cho xe. Lần này lỡ bị xe đụng là có bồi thường. Có tiền trả nhà thương. Có tiền trả cho căn phòng trắng nào đó mà tôi sẽ nằm nếu được tung. Có đủ thứ quyền lợi do luật pháp định sẵn. Vẫn những bước chân tám mươi bước mười thước, tôi và đôi dép cùng hướng về bảng stop cuối đường.

Tôi dừng lại ở bước thứ hơn một trăm. Một trăm lẻ. Một trăm mười mấy. Hai mươi mấy gì đó. Tôi nghĩ thế và chắc thế. Tôi dừng lại ở bước thứ hơn một trăm khi hình ảnh một căn phòng bệnh viện về trong trí. Bốn bức tường trắng toát bao quanh. Bốn chiếc giường bốn góc. Bốn thằng lính, ba đơn vị với bốn thứ thương tích khác nhau. Nhưng bốn câu chửi thề lớn như nhau khi bốn cái bụng được xức dầu cù là bởi bàn tay của bốn phu nhân vào ủy lạo. Chẳng biết trò chơi xức dầu vào rốn mấy thằng què là sáng kiến của ai, nhưng chúng tôi hoàn toàn không chịu nổi. Tôi đã bực dọc vì đoạn sống này hệt như ba thằng bạn cùng phòng. Ba thằng bạn cùng phòng? Ba thằng bạn què giờ ở đâu. Cuộc chiến tàn nhẫn đã làm chúng tôi sống vội đến độ khi chia tay mà không kịp lấy địa chỉ của nhau. Bây giờ tụi nó có được sống với đôi dép như tôi không? Dù sao tôi cũng có hạnh phúc riêng. Hạnh phúc? Mẹ kiếp, bây giờ bị thằng nào húc ẩu thì sao? Tôi sẽ bị trói giữa bốn bức tường bệnh viện. Tôi sẽ tách rời cuộc sống mà tôi đang dè xẻn. Tôi không thích thế. Nên tám mươi hay hơn tám mươi bước của mười thước rút lại. Có thể ít hơn bốn mươi bước của mười thước. Tôi và đôi dép hối hả đến bảng stop. Tôi không muốn chết như căn nhà thứ tư.

Tay bám vào cột của bảng stop, tôi thở dốc. Chân mỏi và đôi dép hình như cũng rã rời. May mà không có cái xe nào đụng. Tôi cần tiền, tôi cần nhiều tiền nhưng thứ tiền ăn vạ qua một văn phòng luật sư để bồi thường tai nạn tôi không ham. Tôi tránh điều cần một cách hạnh phúc. Hèn chăng? Nhát gan chăng? Tại sao không? Căn phòng số bốn ở chúng cư William nằm vẫn thích hơn là một cái phòng trắng.

Hai tiệm ăn nằm cạnh nhau. Một Tàu và một lai Tàu. Tôi biết, bởi có lần tôi nói chuyện với bà chủ lai Tàu trong một buổi sáng đến uống cà phê. Sao tôi lại nhắc điều này ở đây? Bà chủ đâu đẹp. Luống tuổi và mập. Lại có chồng. Mà lai Tàu hay Tàu chính gốc thì đã sao? Cũng là tiệm ăn và cùng nằm trên đường này. Tại sao tôi lại nhắc khi nhìn thấy tôi vừa thoát chết, đứng trước tiệm lai Tàu đã đóng cửa. Sao tôi không nghĩ đến một điều

gì khác khi biết tôi còn sống, đứng gần tiệm Tàu chính gốc còn mở cửa. Khách vẫn đông. Tôi thấy rõ từng cái miệng đang nhồm nhoàm nhai. Có những cọng mì được vớt cao, vắt vẻo trên đôi đũa khoắng lên. Tôi ngửi trong điều tôi thấy. Những tô mì giống nhau và khác nhau. Tôi đã ăn bao nhiêu tô để ngửi được mùi mì tôi thấy? Những hành động nhai, nuốt ngon lành hay ngán ngẩm đều được tôi nhận rõ trên mặt từng người. Tôi thấy tôi trong cái tôi đang nhìn. Cả ngán lẫn ngon. Cả ngẩm lẫn lành. Tôi thấy họ như đang thấy tôi từ một thế giới khác. Hai thế giới được ngăn bằng lớp kính trong có sơn hai chữ Tung Kee đỏ. Cũng trong lúc này họ có thấy tôi không? Họ có thấy họ trong cái nhìn của họ về tôi không? Hẳn phải có. Nhưng tại sao phải có khi tất cả cái mồm kia đang nhồm nhoàm nhai nuốt. Hay chỉ tôi thấy tôi trong họ vì tôi có đôi dép.

Lại một cột đèn với ba bóng tròn xanh, đỏ, vàng để vào con đường của gái điếm. Bóng tối vẫn trộn ánh đèn đường vài nơi trên hè phố, nhưnghông khí đã đượm mùi phấn son và mồ hôi đàn bà. Trước rạp chiếu phim sex là một tam cấp bẩn với đám người đứng, ngồi. Cao, thấp, nhấp nhô đủ kiểu tóc. Đen, trắng, vàng những màu da. Mập, ốm lẫn lộn trong cái nhìn. Những người con gái bày thân trước khi mua bán. Tôi đăm đăm vào những bầu ngực hở.

– Do you like me?

Có câu hỏi từ một người nào đó hướng về tôi. Đứng hay ngồi gì đó. Đen hay trắng gì đó. Đôi dép và tôi dừng lại trên một ô vuông của hàng gạch lát hè phố. Cảm giác thèm muốn chợt đến. Tại sao không khi tôi vẫn sống, dù giữa cuộc sống khác với cuộc sống thường? Cây nấm Hiroshima và 130.000 người chết có ảnh hưởng gì đến phút động tình của một con đực? Những tấm ảnh đen trắng chụp cảnh đổ nát với xác người, nhà sập, lửa, khói v.v… đâu rõ nét bằng những thân người bày trước mắt. Tôi đàn ông. Tôi khỏe mạnh. Tôi có tiền. Nhưng cây nấm cũ tôi không muốn nhớ sao cứ về trong trí. Lại rõ ràng từng con số. Những con số lạnh của cái gọi là cái chết.

– Do you like me?

Lại hỏi. Lần này tôi thấy rõ từ đâu. Một người con gái – hay đàn bà? – tóc hoe đỏ tiến về phía tôi. Chiếc váy ngắn, hở đến độ cây nấm Hiroshima biến mất. Tôi nhìn cô gái. Tôi nhìn tấm áp phích treo trên tường rạp chớp bóng. Cái mông của người đàn bà – hay cô gái? – trong tấm áp phích hấp dẫn hơn cô gái tóc đỏ trước mặt.

– Do you like me?

Lại hỏi. Tại sao lập lại mà không là một câu khác? Tóc tôi đen hay da tôi vàng? Ngôn ngữ mua bán cũng phải giới hạn trong vòng kỳ thị hay sao? Tôi thọc tay vào túi quần. Sự đụng chạm trong thân làm mặt tôi nóng bừng. Cảm giác căng, cứng bị nén dưới lớp tế bào được gọi là da được nhận rõ. Những ngón chân của tôi nhột nhạt, ấn mạnh, sâu trên lớp cao su mềm của đôi dép. Tôi muốn nói một câu gì đó nhưng không được. Đôi dép cũng bị dán chặt xuống hè đường. Lớp cao su dưới bàn chân tôi cũng đang bị nén đến độ nhăn nhúm, thảm hại.

Cô gái kéo vạt trước váy lên. Chiếc quần lót màu trắng, mỏng có thêu một đóa hướng dương lớn ở giữa. Tôi không muốn nhìn hoa trong váy đàn bà. Dù đó là hoa hướng dương. Và tại sao lại là hoa hướng dương mà không phải là hoa gì khác? Hay ngược lại, tại sao lại là hoa khác mà không phải là hoa hướng dương? Hướng dương và tôi đâu liên quan đến nhau. Nhất là hoa hướng dương trên một chiếc quần lót. Tôi không thích. Tôi không thích cái hoa lớn che phần da thịt cần được lộ.

Tôi muốn nói một câu gì đó nhưng vẫn không được. Người con gái thả chiếc váy xuống, nhoẻn cười. Tôi cũng cười. Nhưng hai bàn chân mang dép bắt đầu nhúc nhích. Người con gái thôi cười, ngạc nhiên. Tôi vẫn cười khi bắt đầu đi. Nụ cười của tôi không thành tiếng khi có những tiếng cười ré lên phía tam cấp. Tôi nghe một tiếng chửi thề từ người con gái có đóa hướng dương trên quần lót. Lại fuck you.

Tại sao tôi không nói được? Tại sao lại có đóa hoa trên quần lót? Tại sao hai bàn chân mang dép lại nhúc nhích? Tại sao cô gái và tôi cùng cười? Nếu tôi nói được một câu nào đó. Nếu không có đóa hoa trên quần lót. Nếu đôi dép đừng nhúc nhích. Nếu cô gái và tôi không cười. Tôi hình dung đến một mặt nệm bẩn thỉu. Chưa chắc. Có lẽ là nệm sau của một chiếc xe. Cũng chưa chắc. Có thể là bóng tối của một gốc cây nào đó như bóng của gốc cây trên đường Fourth. Lại gốc cây giống cái nấm Hiroshima. Sao đêm nay tôi lại nghĩ đến cái nấm nhiều thế? Mấy mươi năm rồi. Chuyện đã cũ còn gì phải nhắc. Lại nữa, cái nấm cũng có tuổi hơn tôi. Giữa tôi và cái nấm này có gì đâu. Chỉ là những tấm ảnh và các lời chú thích đã đọc. Ở đâu? Trong sử hay trong tự điển. Cũng có thể là truyện ký của một người sống sót sau khi cái nấm cuốn lên trời, viết lại với mục đích nào đó, có thể lớn hơn sự thật hay nhỏ hơn sự thật. Cũng có thể một người nào đó, chẳng liên quan đến cái nấm, gom những điều có sẵn về cái nấm để viết về cái nấm với những điều gì đó, có thể nhỏ hơn chữ chứng nhân cũng có thể lớn hơn chữ chứng nhân để làm chứng nhân cho cái nấm, qua sách vở. Cũng có thể một người nào có liên quan đến cái nấm… Lại cái nấm! Cái nấm. Cái nấm và cái nấm. Tôi buộc miệng chửi thề khi đến đường Eighth.

Tôi đã ngạc nhiên vì những con người của hai đoạn đường ít khi đứng cạnh nhau. Tại nơi khác thì bên cạnh bọn say rượu, cần sa, bụi đời là dăm cô gái điếm. Hay ngược lại. Nhưng trong đời sống William thì ít thấy. Trước rạp chiếu phim sex thường toàn là đàn bà và trước hai cái bar tôi chỉ thấy những gã đàn ông say ma túy và rượu. Kỳ thật. Con đường này không như những nơi khác. Hai đoạn đường như dành riêng cho hai loại người. Chẳng ai làm phiền ai. Nếu cần nhau thì sang tìm như một lần trao đổi. Rồi đâu về đấy. Ranh giới được vạch bằng hai ngọn đèn có ba bóng tròn xanh, đỏ, vàng tại hai đầu đường. Luật chỉ còn những chữ walk và don’t walk. Walk là đi. Don’t walk là đừng đi. Từ đoạn đường gái điếm đến đoạn đường ma túy và rượu có các khoảng được đi và cấm đi. Như cuộc sống thường đã định. Tôi và đôi dép đang băng ngang qua với chữ walk màu trắng.

Amadeux là tên cái bar thứ nhất. Nghe đủ biết có những thằng Mễ say rượu kiểu cải lương Mỹ đang ngồi bên trong. Tôi nghe tiếng nhạc lẫn tiếng người vọng ra. Âm thanh lớn, vang cả góc đường. Một bản nhạc Rock từ năm bảy mươi với ban nhạc đã chết một người. Tôi đã nghe và đã thuộc. Bản nhạc quen đến độ tôi nhớ lại nét mặt và cử chỉ của người ca sĩ đã hát trong một phim chiếu tại rạp Tân Tân, Nha Trang. Tôi đứng lại, nhẩm hát theo. Một thói quen mỗi khi nghe bài hát này. Và luôn liên tưởng đến những ngày còn đi học. Nhưng hôm nay thì không. Tôi vẫn nhẩm hát theo nhưng trí trống rỗng. Trống rỗng như tia mắt của người đàn ông da đen đang nhìn tôi. Một người đàn ông da đen có mái tóc trắng. Hắn tựa lưng vào tường, đầu ngoẻo qua một bên, miệng ư ử hát bài hát tôi đang nhẩm theo. Đôi mắt trắng nhiều hơn đen nhìn tôi lờ đờ. Hắn đang tìm về quá khứ như tôi đã làm những lần trước khi nghe bài hát này? Ý nghĩ này làm tôi khó chịu khi thấy tôi trong hắn. Những lần tìm về quá khứ đều lờ đờ, ngơ ngơ như vậy sao? Tôi đã thế bao nhiêu lần khi nghe? Không thể nhớ nổi. Đâu ai nỡ đếm những lần tìm về kỷ niệm như đếm tiền? Khoảng khắc đó tôi vẫn chờ từng dịp gặp lại. Nhưng đêm nay thì không.

Tránh nhìn mình trong đôi mắt người da đen tóc trắng, tôi bỏ đi. Hè đường nối liền hai cái bar la liệt bọn say đứng, ngồi. Những tiếng âm ư, những cử chỉ dật dờ của bầy hình nộm say thoạt nhìn thì giống nhau nhưng để ý thì khác. Chẳng ai giống ai dù tất cả đều say. Gã bên phải tôi ư ử một bài dân ca Mỹ, miệng trễ với âm ow… ow… của chữ cow…boy… kéo dài. Trong trí gã hẳn đang có tiếng nhạc ngựa với đám bụi bốc phía sau. Gã bên trái tôi ngồi bệt xuống đường. Một tay cầm lon bia loại lớn đưa qua, đưa lại. Các ngón tay của bàn tay còn lại búng vào thành lon chậm rãi. Những tiếng lách chách vang lên làm tôi hình dung màu vàng óng của bia còn – phải còn quá nửa trong lon – gây cho tôi cảm giác nhờn nhợn. Cái nhờn nhợn khi bắt đầu say mà rượu còn đầy trong ly. Gã này đã uống không nổi. Lon bia không còn là sự mê thích mà đã thành mối nợ cho gã. Uống tiếp hay vất bỏ? Câu hỏi đáng giá támmươi chín cents được đặt ra không nằm trên giá trị tiền mà nằm trong chất nước vàng óng. Tôi đã hỏi như gã hỏi hôm nay.

Tôi băng ngang đường William, bỏ lại bức tường với hai gã say bên phải, bên trái tôi và những gã say bên phải, bên trái của hai gã. Thói quen băng ngang đường khi qua khỏi bức tường này đã thành nếp. Chẳng bao giờ tôi đi đến cái bar thứ nhì tại cuối đoạn đường. Cuộc sống William ngắn nên chỉ cần, chỉ đủ cho tôi nhìn cảnh say của bar Amadeux. Tôi còn nhiều bước chân phải đi trong khoảng hai mươi thước còn lại để đến đường Ninth.

Đêm nay tôi sẽ nhịn đói. Tôi đi ngang quán Hương Lan, cái quán food to go quen thuộc mỗi đêm vẫn ghé mua thức ăn, như chưa hề biết nó. Qua cửa kính tôi thấy cô con thứ hai của bà chủ tiệm đang nhìn tôi. Cô ta sẽ nghĩ gì khi thấy người khách quen không vào? Tôi no? Tôi đã ăn một chỗ khác? Tôi hết tiền? Mà tại sao cô ta phải nghĩ về tôi chứ? Sự hiện hữu của tôi đâu quan trọng đến độ người khác phải nghĩ về mình. Nhưng cô ta đang tại đây có quan trọng hay không mà tôi lại nghĩ về cô ta? Tôi bật cười. Tôi đã nghĩ về người con gái này nhiều hơn ý nghĩ cô ta sẽ nghĩ gì về tôi.

Đêm nay tôi sẽ nhịn đói. Tôi không no. Tôi không ăn tại quán khác. Tôi còn tiền. Quán Hương Lan chưa đóng cửa. Nhưng tôi thích thế. Có thể tôi sẽ uống rượu hay hút cần sa. Để làm gì? Tôi không biết.

Còn ba bước cuối là đến cầu thang dẫn lên phòng. Tôi và đôi dép đứng yên ngần ngại. Cuộc sống William sắp sửa tách rời. Tôi sẽ bước vào cuộc sống của căn phòng thuê. Sự ngán ngẩm chợt đến. Tôi nhìn lại đoạn đường đã đi. Dù dè xẻn đến đâu thì cũng hết. Mỗi nấc thời gian vẫn có giá trị nhất định của nó. Tôi không nhìn đoạn đường đã đi nữa. Tôi nhìn về phía đường Tenth. Tại đó sẽ có gì nếu tôi đi tiếp? Nếu tôi không thuê phòng ở chúng cư này để dừng tại đây thì sau đường Tenth sẽ là gì. Tôi chưa đến. Tôi sẽ không bao giờ đến. Cuộc sống William của tôi phải được ngắt ngang đây. Kéo dài thêm sẽ là đời sống thường. Tôi tiếc nhưng tôi thích thế. Và tôi đã làm, đã ngăn con đường William bằng đoạn đường William. Như đã sống, đã ngăn giữa cuộc sống bình thường bằng cuộc sống William.

Hết bước cuối cùng để đến cầu thang. Tôi không còn thấy tôi nữa.


Nguyễn Ý Thuần

Apollo / David

nguyenythuan

“Bộ đội Hưng” là tên tôi gọi người đàn ông có giấc mơ trở thành một thứ Van Gogh tại Mỹ.

– Em đi theo diện ODP với gia đình. Bố là sĩ quan đi trước.

Ngay câu đầu tôi đã thấy lời không thật. Nhưng có gì quan trọng? Giữa chúng tôi chẳng chút dính líu. Tiền bạc? Không. Liên hệ gia đình? Không. Tình cảm? Cũng không. Chỉ là hai người hàng xóm thỉnh thoảng gặp, trao đổi dăm chuyện. Thoảng có dư thời gian cũng chỉ tâm sự vớ vẩn. Tại sao phải dùng đến lời nói mất lòng.

– Mình sang trước theo diện thuyền nhân.

Tôi bỡn cợt bằng lối dùng chữ của Hưng. Anh không nhận ra, vẫn vui vẻ.

– Cả ông anh, bà chị đi bằng thuyền một lần?

Tôi thôi đùa. Tội nghiệp Hưng không thấy cái nghịch ngầm của người khác. Người đàn ông lớn lên tại một tỉnh nhỏ miền Bắc chưa sắm nổi vai trò của người miền Nam. Chỉ cần gặp lần đầu, nếu tinh ý, ai cũng có thể nhận ra vẻ lạc lõng của người nghệ sĩ này. Đi đôi với cách nói là thái độ của Hưng khi gặp người chung quanh. Khoảng cách vẫn còn lúc tiếp xúc với người đã tham dự vào chính quyền hay quân đội miền Nam. Mặc cảm khi gặp người sang trước. Sự thèm thuồng cuộc sống hợp pháp tại Mỹ… Tất cả đã tạo cho Hưng một nhân dáng khác với vai đang sắm. Tôi cố cư xử với Hưng bằng sự gần gũi, thân mật để tạo nên thứ tình cảm giữa hai người xa xứ.

Thật sự, đôi lúc tôi tự hỏi thân với Hưng để làm gì? Nhưng chưa bao giờ tìm được câu trả lời. Hầu hết những lý do đưa ra khi kết bạn đều không có. Thành thật? Hưng dối như cuội khi nói về bản thân và gia đình. Giúp đỡ? Tôi chẳng có gì cần. An ủi? Vợ chồng tôi vẫn hạnh phúc. Tâm sự? Tôi bắt đầu già và chỉ thích uống bia một mình. Đó là phần tôi. Còn phần Hưng cũng không có lý do để gần tôi. Tôi ích kỷ, nghĩ đến mình nhiều hơn người khác. Lũ em gái của tôi ở Mỹ đều có gia đình, đâu còn dư để Hưng tòm tèm… Nhiều lý do khác cũng được tôi đặt ra từ hai phía nhưng vẫn không tìm thấy câu trả lời. Đành tạm nhận điều đã nói là tình cảm của hai người xa xứ. Một lý do rất mong manh vì chung quanh – chỉ riêng San Jose – đã có chừng một trăm ngàn người Việt khác cùng xa xứ, nhưng tôi có thân với ai đâu? Nhưng thôi, dù mong manh vẫn là cái cớ để lý giải còn hơn lúc nào cũng tự hỏi tại sao về một chuyện đã có.

Cứ thế, chúng tôi trao đổi những chuyện vẩn vơ mà không ngờ đó là từng lớp sóng nhỏ mang phù sa đắp vào khoảng cách quá khứ. Ngày một gần. Khoảng bảy tháng sau, kể từ lúc dọn đến, Hưng đã thôi ngại như lúc mới biết tôi là một người lính cũ. Chúng tôi đã anh em. Tất nhiên tôi đóng vai “ông anh” và Hưng đóng vai “ông em”. Những mẩu chuyện bị rào đón từ từ mất để thay bằng sự cởi mở, thân mật. Ngay cả những câu đùa của tôi, dù biết, cũng không làm Hưng phật ý. Đôi lúc, chính anh cố tình sử dụng các chữ đặc chất bộ đội để cả hai cùng cười. Lớp vỏ của Hưng dần được tháo bỏ. Rồi đến lần ngồi với nhau trong sân nhà tôi.

– Lúc tham gia quân đội, ông anh thuộc lực lượng nào?

– Biệt Động Quân.

– Biệt Động Quân? Ở đơn vị chủ lực chắc ông anh tham dự nhiều trận ác liệt lắm… Đóng ở đâu thế?

– Bồng Sơn, Tam Quan. Liên đoàn sáu.

– Bình Định hả anh?

– Ờ!

– Em cũng ở Bình Định.

Hưng vô tình đắm vào câu chuyện. Tôi nhìn anh.

– Sư đoàn ba Sao Vàng?

Hưng cũng nhìn tôi. Ngập ngừng rồi gật đầu. Trong mắt có ánh dò xét. Tôi bật cười.

– Vậy là ngày xưa tụi mình choảng nhau.

Lây cái cười của tôi, Hưng cũng cười theo.

– Vâng.

Chúng tôi đã vượt qua lằn ranh của những người hàng xóm và lằn ranh vạch ra cho đất nước mấy mươi năm. Cũng như câu hỏi thân với Hưng để làm gì từ lúc nào không biết, đã được tôi quên lửng.

Tôi được biết giấc mơ họa sĩ của Hưng vào một sáng chủ nhật. Bấy giờ là mùa đông của San Jose. Trời nặng vì những đám mây đen. Hưng sang nhà tôi.

– Ông anh có rỗi không?

– Bộ đội Hưng cần gì? Vào đây làm ly cà phê đã.

– Cảm ơn anh, em uống rồi. Sang bên em một tị.

Tôi theo Hưng sang bên kia đường, đến cái nhà chứa xe được chữa lại của căn nhà trước mặt. Bên ngoài được giữ nguyên nhưng trong đã biến thành phòng vẽ của Hưng. Gọi là phòng kể cũng gượng vì chủ nhà đã hà tiện, cố ăn gian trong khoảng cho mướn. Trên ba tấm tường gỗ, lẫn với các bức tranh của Hưng là đủ thứ dụng cụ lau nhà, làm vườn được móc, đặt trên hàng kệ đóng sát vách. Sàn xi măng hẹp đầy đồ đạc. Mặt giường bừa bãi chăn gối. Cái bàn con xiêu vẹo. Hai cái đèn. Một máy truyền hình cũ nằm sát góc phòng có dăm ly nước chưa cạn đặt phía trên. Giá vẽ dựng giữa phòng với đống cọ, ống màu vung vãi chung quanh… Rất nghệ sĩ. Đó là ý nghĩ đầu khi tôi bước vào.

Nhưng tôi đã thất vọng trong ý nghĩ kế khi nhìn thấy các bức tranh. Đó là sự cóp nhặt từ những danh họa trên thế giới. Bóng dáng từng thiên tài ẩn hiện qua sự chắp vá vụng về. Tôi tìm thấy Venus của Botticelli sinh ra trong dáng xồ xề của một chị đàn bà quá tuổi, đứng õng ẹo trên cái vỏ sò treo cạnh người đàn bà quấn áo choàng lông của Rubens nhưng có khuôn mặt Á Đông.

– Mặt bằng hơi chật nên bừa bộn.

Tôi không để ý lời Hưng vì bận nhìn vào phần dưới thân thể của người đàn bà trong bức tranh đang vẽ, đặt trên giá. Cái rốn lồi. Ngấn bụng thõng. Vệt đen giữa hai mép thịt tòe như khe đất bị nứt hình tam giác hẹp góc. Người đàn bà trong thế nằm của Venus. Nhưng thay vì khép đùi với khoanh vải vàng che kín bụng dưới, lại mở hai chân để mọi thứ lộ ra xỗ xàng. Như gợi sự thèm muốn của người xem. Mà thèm thật. Trong bức tranh cóp lại của Guido Reni, tôi không để ý các chi tiết khác bằng cái tam giác hẹp góc giữa hai mép thịt.

– Ông anh thấy sao?

Tôi giật mình, nhìn Hưng. Dưới ánh điện, những lọn tóc khô cứng tua túa đâm lên, hắt bóng vào bức tranh đang treo trên tường giống đám cỏ đen bám vào thân người trong tranh. Lại một Venus. Lần này của Allori với tay phải đang duỗi để nắm tay Cupid. Nửa thân trên xoãi ra, giống như bức tranh đang treo tại viện bảo tàng Uffizi, nhưng nửa dưới thay vì khép hai chân, người mẫu của Hưng lại chàng hãng. Chân phải đưa lên làm Cupid đang giằng cây cung bị đá tung lên trời để háng mở rộng. Cửa mình vẽ tỉ mỉ. Hai mép thịt được xén gọn. Sắc hồng của da làm người xem bị kích thích. Tôi nhắc Hưng về thế nằm trong bức tranh có tên “Venus và Cupid”.

– Em biết, nhưng người đặt vẽ họ muốn nằm kiểu này.

Ra thế! Người đàn bà muốn vẽ theo ý để khoe cái cửa mình đã cắt dẻo thịt thừa. Bao nhiêu tiền? Trí tôi lẩn vẩn các mẩu quảng cáo trên những tờ báo thương mại trong vùng. Hưng lui hui tìm trong chồng sách, rồi reo lên, rút ra một cuốn sách khổ lớn, dầy. Nude of Art. Ba chữ vàng nhũ in trên nền bìa là các bức tranh nổi tiếng được xếp thành ô. Tôi cầm sách, lật vài trang.

– Cuốn này khá đủ. Em mua cho người thuê vẽ chọn.

– Bức tranh nào cậu thích nhất?

Lái qua chuyện khác, tôi gấp sách và đặt lên mặt ghế bên cạnh. Hưng kéo một cuộn vải từ góc phòng. Phủi qua bụi rồi cẩn thận tháo các vòng dây gai. Bức tranh được trải rộng. Lại một thân thể trần truồng. Các vệt nâu vàng được phết trên lưng người đàn bà nằm xoay mặt vào trong, giữa đám chăn màn do Van Gogh vẽ, được Hưng dựng lại.

– Ai thế?

Tôi tò mò. Hưng ngần ngừ.

– Thoa.

Rồi nói thêm về người đàn bà.

Cũng một thế nằm hơi giống với tranh mẫu, Thoa xoãi trên giường. Chung quanh có những đồ trang trí kiểu Hy Lạp – một mốt thường thấy của người Việt tại San Jose – trông quê mùa và có vẻ dôn dốt với các lớp màn phủ và hai cái cột thấp. Đôi mông lớn, tròn trịa đập vào mắt tôi. Thoa là một khuôn mặt nổi và có thế giá tại đây. Nhìn mông cô ta cũng thú. Nhất là trong thế nằm này. Bức tranh của Hưng gợi dục hơn tranh của Van Gogh.

Tôi chợt hiểu khi Hưng bắt đầu câu chuyện con lạc đà chui qua lỗ kim.

Bỏ lại quê hương với những gì đang có, Hưng theo người đàn bà hơn tuổi làm chuyến phiêu lưu cho giấc mơ họa sĩ và tình yêu. Tuy hơn tuổi, nhưng Thoa đẹp và khá giả. Điều này càng hấp dẫn hơn khi đó là người đàn bà độc thân, trở về từ Mỹ. Qua sự quen biết giữa hai gia đình, chỉ cần gặp lần đầu, cả hai đều tìm thấy sự cần thiết của người trước mặt. Với Thoa là thân thể khỏe mạnh của Hưng. Con cái rạo rực, chồm lên đòi sống. Với Hưng, ngoài các điều Thoa có còn nước Mỹ đầy hứa hẹn. Hưng biến thành một thứ doanh nhân đến tham khảo thị trường. Một chuyến đi hợp pháp để Hưng trở thành bất hợp pháp khi hết hạn tạm trú tại thiên đường với các đồng dollar vừa cạn.

Nhưng phía sau sự thèm khát của Thoa là khoảng trống. Khi hết những ngày hạnh phúc, Thoa hất Hưng ra khỏi cửa như đã hất những người đàn ông đến trước. Hưng ngơ ngác giữa đám bạn chưa kịp thân. Trong tay vỏn vẹn cái valy và bức tranh vẽ Thoa dở dang.

Hưng thở dài khi dứt chuyện.

– Em chẳng ngờ…

– Rồi lúc đầu cậu sống thế nào?

– May cho em, có một người quen với gia đình đứng ra hỗ trợ để thuê xưởng vẽ này. Nhờ người mối lái, em vẽ tranh đặt. Lúc đầu hơi thiếu, gia đình phải giúp thêm nhưng bây giờ khả quan hơn. Người này giới thiệu người kia. Chỉ tiếc không được vẽ theo ý mình.

Tôi không cười nổi khi nghe hai tiếng xưởng vẽ được dùng. Tội nghiệp Hưng đã bỏ những điều đã có để tìm giấc mơ khó đến. Gia đình không còn là nơi để về khi những bức tranh vẫn vẽ theo các cách thế gợi dục. Điểm thoát cuối cùng của Hưng chỉ còn hai cách là tài năng hay phép lạ. Tài năng? Tương lai không biết sao, nhưng hiện tại Hưng không thể thành công khi chắp nhặt từng mẩu thân thể đàn bà từ các bức danh họa. Còn phép lạ? Tôi ngán ngẩm nghĩ đến thời gian dài đã sống tại đây. Hầu như không một phép lạ nào, trừ việc trúng số, xảy ra cho người xa xứ ngoài những giọt mồ hôi đổ xuống. Nhưng ngay cả việc muốn đổ mồ hôi cũng đòi hỏi một tờ giấy hợp pháp mới có quyền làm. Hoàn cảnh của Hưng thật đáng ngại. Anh phải kéo dài cuộc sống bất hợp pháp và lây lất này đến bao giờ? Nước Mỹ chưa hẳn là thiên đường.

Hưng nhìn bức tranh, vuốt ve lên mặt vải.

– Cũng may còn bức tranh.

– Cậu yêu Van Gogh?

– Vâng. Em nghe nói tại viện bảo tàng Amsterdam có nhiều tranh Van Gogh.

Tôi kể về một thành phố có những tòa nhà đủ màu nằm sát bờ nước. Tại đó có viện bảo tàng Van Gogh, nơi có những con người đến từ khắp nơi trên thế giới, ngơ ngẩn ngồi trên băng ghế, miệt mài chi tiêu thời gian trước các bức tranh với giấc mơ như Hưng.

– Em mong có ngày được đến đấy.

Hưng thèm thuồng nói. Tôi cắt ngang chuyện về tranh để tránh điều không muốn nói và lái sang thú vui xác thịt tại Amsterdam. Cửa hàng sex hợp pháp như các cửa hàng khác. Món hàng thịt người được bày biện sau khung kính giống mọi món hàng khác. Rõ và tự nhiên với thân thể đàn bà được phơi trong các mảnh vải thưa hoặc trần truồng. Những gì cần che giấu tại các nơi khác được trưng ra tại đây. Lõa thể đứng sát cửa hoặc ngồi trên ghế với tấm voan mỏng vắt hờ hững trên bụng. Kín và hở. Phơi bày và che giấu chiếu lệ. Những thân người được đánh dấu bằng chữ số. Tôi đã chọn một con số trùng với ngày sinh của mình, khi vợ tôi mải mê ngắm các viên kim cương nổi tiếng của thế giới được trưng bày tại một xưởng làm nữ trang.

– Thích quá ông anh nhỉ.

– Thích thì thích, nhưng nhìn vào tập ảnh dầy khó chọn lắm. Hoa cả mắt vì chẳng ai giống ai. Mỗi người một kiểu, một màu, một vẻ… Chỉ muốn được ôm hết nhưng sức mình không kham nổi.

– Đắt không anh?

Hưng hỏi thêm. Tôi nói một con số và liên tưởng đến người con gái đã gặp trong thoáng chốc. Trừ mái tóc, tất cả được cạo cẩn thận, trơn, sạch như miếng thịt bày tại siêu thị.

Hưng bật cười thích thú rồi chép miệng.

– Thích thật! Ông anh sướng thật. Gặp tay em chỉ cần đứng ngoài nhìn là đủ hết ngày.

Câu chuyện sa đà thêm. Tôi vui miệng kể và lúc đó hoàn toàn không nhận thấy Hưng có vẻ thích nghe chuyện các cô gái bán thân nhiều hơn hỏi về tranh Van Gogh.

Hết mùa thu San Jose, Hưng bắt đầu nói đến những bế tắc. Đêm của Hưng vẫn chắp vá, pha trộn đường nét của các thiên tài. Ngày của Hưng trôi từng giờ, chập chờn trong giấc ngủ mệt. Những vệt màu trên khung vải đã chớm mùi nhàm chán của sự lập lại. Như một người thợ làm việc hàng ngày. Bỏ quê hương, Hưng đâu muốn làm một con kiến nhẫn nại, tha mồi theo từng động tác quen thuộc. Hay đâu ngờ phải chờ từng người đàn bà quá thì, thõng thện vú đùi đến phơi bày thân xác để kiếm sống.

Không tránh được và phí hoài sinh lực trong những buổi vẽ tranh, Hưng thú thật với tôi là đang làm công việc của một anh điếm đực. Hầu hết những người thuê Hưng đều sẵn sàng cho không. Hoặc tệ hơn, thuê vẽ chỉ là một cái cớ để họ tìm đến Hưng mà không phải e ngại khi tìm một địa chỉ đen, hay làm một chuyến du lịch dành cho phụ nữ tại Thái Lan. Họ truyền tai chuyện Hưng như một khám phá mới. Rồi những bức tranh thuê vẽ cũng không còn cần thiết. Những người đàn bà nằm, ngồi trong dáng Aphrodite chỉ muốn được thỏa mãn mà không cần biết mình đang sắm vai nào. Con của Zeus và Dione hay đã hóa thân trên vỏ sò, từ hạt giống của Uranus? Sao cũng được. Họ ngắm, chọn các kiểu nằm, ngồi trong cuốn Nude of Art chiếu lệ. Đặt vẽ như một cách tìm thú vui mang vẻ lãng mạn, trưởng giả để khai thác sinh lực của người đàn ông to xác, khỏe mạnh.

Cho đến lúc Hưng chỉ còn bữa trưa nấu vội gói mì. Chút sinh lực còn lại, bùng lên lần cuối cạn dần. Các bức tranh lõa lồ, khiêu dâm không còn là cái mốt cho những người đàn bà dư tiền tìm đến. Chung quanh đã có những loại người khác để thay Hưng mà họ không mất thời gian đóng vai Venus. Khung vải bỏ trống cạnh những ống màu khô. Hưng bị cuốn vào áo cơm khi nguồn tiền từ Việt Nam bị cắt. Mơ ước của ngày đầu đã nhạt. Chỉ còn âu lo trước mặt. Hưng lao đao bám vào đời sống Mỹ, chờ ngày đổ xuống.

Tôi không dám gợi ý Hưng trở về quê hương nhưng đã kể lại cảnh khó khăn của những ngày vừa hết cuộc chiến. Đủ loại nghề lạ đã được làm nhưng trong tôi giấc mơ không bao giờ mất. Tôi đã nhọc nhằn để làm việc cần thiết nhất là kiếm sống trong khi chờ cơ hội ra đi. Phải sống trước đã. Và trong những lúc tuyệt vọng, tôi luôn tìm thấy một cánh cửa nào đó được mở. Như ánh mắt Hoa – cô gái buôn hương – khi dắt tôi về túp lều lụp xụp nằm sát đường xe lửa để nương thân. Như sự ngạc nhiên tại khoảng đường lầy giữa khu kinh tế mới Dương Minh Châu và Trảng Bàng, khi được hai người bộ đội gác đường – thay vì bắt giữ – đã giúp tôi đẩy chiếc xe đạp thồ than qua vũng bùn ngập ngang đầu gối; xong, còn dặn không nên đi trên tuyến này trước nửa đêm. Như các đồng bạc nhăn nhúm nằm trong chiếc mũ tai bèo cũ, được bố thí từ những người xa lạ khi đang ăn mày tại ga xe lửa Sài Gòn… Quá khứ chắp vá lại trong từng lần nói chuyện chỉ mong Hưng thấy cảnh sống hiện tại vẫn còn những con đường rộng hơn các lối tôi đã qua.

Song song là chuyện những người Mễ cũng sống bất hợp pháp như Hưng. Cũng ngọng nghịu khi nói chuyện với người bản xứ. Họ nhọc nhằn đẩy xe bán hàng rong, trải tấm bạt để cóp nhặt từng đồng từ các món đồ vất đi tại chợ trời. Tất cả đều bắt đầu từ số không để hôm nay, đã có những con người tuy chưa thành một thứ Van Gogh, nhưng ít nhất cũng có đời sống bình thường trên mảnh đất này.

– Cậu nên ngưng lại.

– Vâng, em cũng nghĩ thế. Nhưng sẽ bắt đầu cách nào?

Chúng tôi ngồi trong khoảng sân trước nhà sau cơn mưa xuân. Những hạt nắng vàng bám trên cảnh vật làm cái nhìn vui hơn. Không khí thoáng, nhẹ để con người có hơi thở sâu. Trước mặt tôi là con đường nhỏ nối liền với đường chính, ngắt từ ngã ba và uốn theo hai hàng cây có từng căn nhà chen vào. Bên kia đường, nơi Hưng ở, nửa cuộn cửa cuốn của cái nhà chứa xe đang mở. Từ chỗ tôi ngồi, đồ vật bên trong ẩn hiện vào các vết đen, tối. Người nghệ sĩ này đã tiêu thời gian trong khoảng hẹp đó với sự bế tắc và bị ăn mòn từng ngày, khi ánh sáng vẫn rực chung quanh.

– Sao cậu không nghĩ đến một cách buôn bán nào đó? Chợ trời chẳng hạn.

– Bán gì hả anh?

– Có gì bán đó, tùy theo hàng mình mua. Tuần bốn ngày, còn lại ba ngày cậu vẫn có thể theo đuổi điều mơ ước. Chẳng có ai kiểm soát, chẳng cần phải xin giấy phép. Đã nhiều người cùng hoàn cảnh với cậu đang sống bằng cách đó.

– Nhưng em không được lái ô tô.

Hưng nói khi tôi nhớ đến Số – người lính cùng đơn vị – cũng sống tại đây hơn ba mươi năm, vẫn còn giữ tình thân của những người đã chia nhau các phút sống chết và nhất là đang sống cạnh chợ trời nhỏ San Jose. Một nơi chốn Hưng có thể bắt đầu kiếm sống bằng khoảng đi bộ ngắn. Tôi gợi ý và nhắc đến Số. Hưng suy nghĩ rồi ngập ngừng.

– Anh Số thế nào hả anh? Nhỡ anh ấy biết em là…. Còn vốn nữa, liệu có nhiều không anh?

– Chẳng bao nhiêu, cậu đừng lo. Chỉ cần chịu khó lang thang các nơi bán garage sale hay dậy sớm đón mua hàng và đứng phơi nắng để bán hàng. Số là người tốt, dễ gần gũi. Bộ đội Hưng yên tâm, ngày xưa Số đã cứu tôi thoát chết một lần. Mảnh đạn 57 ly SKZ còn nằm trong vai tôi có thể từ một cái bấm cò của cậu.

Tôi thêm câu đùa để Hưng khỏi mặc cảm và lo lắng. Hưng bật cười theo và tự nhiên, dưới nắng xuân, tôi tìm thấy niềm vui như lúc thoạt bước vào cái xưởng vẽ được chữa lại từ một nhà chứa xe.

Hai tuần sau khi đưa Hưng đến nhà Số để tạm trú, tôi bận việc tại nước ngoài. Trên chuyến bay British Airways, chập chờn trong các giấc ngủ ngắn, tôi nhớ lại những ngày vừa hết cuộc chiến. Hệt như Hưng bây giờ. Anh sẽ bắt đầu bằng những giọt mồ hôi tại xứ lạ. Nhưng liệu Hưng có giữ được giấc mơ để quên những giấc ngủ ngày đã làm hai mắt trĩu nặng? Tôi bước xuống phi trường Heathrow với hy vọng Hưng sẽ “thành công” trong nghề bán chợ trời trước khi quay lại với khung vải.

Sau chín tháng, tôi trở về San Jose và đến chợ trời nhỏ vào một chủ nhật. Trong cái lạnh của ngày chớm đông, tôi đã thích thú tìm thấy Hưng trong cái áo Biệt Động Quân rằn ri như tôi đã mặc. Trước mặt Hưng là tấm bạt bày các thứ đồ hổ lốn. Hưng đang tiếp một người đàn bà tóc vàng. Từ xa, qua cung cách của của hai người, tôi thấy Hưng có vẻ đã quen với ngôn ngữ bản xứ. Khuôn mặt Hưng đầy lại, khỏe với nước da rám.

Tôi vỗ vai Hưng khi người đàn bà bước đi với cái túi nhựa trên tay.

– Sao? Thế nào?

Hưng giật mình quay lại.

– Giời ơi! Ông anh đã về!

– Quen rồi chứ? Buôn bán thế nào?

Tôi mỉm cười, hỏi thêm. Hưng vui vẻ.

– Quen rồi ông anh ạ. Em bán cũng khá vì cứ có lời là bán… À…

Hưng bỏ ngang câu và thọc tay vào túi trong, phía trên ngực áo khoác, lôi ra một cái phong bì. Bằng hai tay, rất lễ phép, Hưng đưa tôi.

– Ông anh cho em gửi.

– Gì thế? À…

Tôi nhớ đến món tiền nhỏ – vài trăm dollars – đã đưa Hưng làm vốn lúc đầu và đón lấy cái phong bì được dán kín bằng hai vệt băng keo dán chéo phía sau. Mặt phong bì nhăn nhúm, lợn cợn các dấu tay bẩn làm tôi xúc động. Hưng đã để riêng món tiền này từ lâu và chờ ngày tôi về. Anh vẫn giữ thế đứng của một người đã cầm súng chiến đấu. Sòng phẳng với cái nhìn thẳng về phía trước.

Lại một người khách đến. Lần này Hưng bập bẹ trả lời. Đã thích thú tôi lại càng thích thú hơn khi nghe các câu nói bằng tiếng Mễ của hai người. Mỹ rồi lại Mễ. Hưng đã bỏ giấc ngủ ngày để khoác áo, tự nhiên đẩy cửa bước ra ngoài từ sáng sớm. Một lớp áo dù chưa nhuần nhuyễn lắm nhưng đủ để anh chịu được cái lạnh của mùa đông đang đến. Hệt như chiếc áo lạnh Biệt Động Quân đang được mặc tự nhiên giữa dòng sống xứ người.

Tôi bắt tay từ giã để Hưng tiếp khách. Nhưng vừa đi dăm bước đã có tiếng Hưng gọi theo.

– Ông anh chiều xuống nhà anh Số nhé.

Tôi quay lại.

– Mấy giờ?

– Bảy, tám giờ gì cũng được. Chúng em sẽ chờ!

Tôi gật đầu và lúc bảy giờ tối được thấy chiếc xe kéo hàng của Hưng. Đó là chiếc xe tự chế theo kiểu xe lôi ở miền Nam, người đạp ngồi phía trước nhưng chỗ ngồi của khách thì thay bằng thùng xe chứa hàng. Trên đó, các món hàng đủ loại được xếp.

– Chịu cậu thật! Chế lúc nào?

– Em với anh Số “phát minh” ra cái xe này, nhưng chỉ dùng được ở đường trong để đến cổng sau chợ trời. Cũng đỡ mệt lắm anh ạ. Anh Số bảo không được đi đường ngoài, police sẽ bắt.

– Chịu khó thêm thời gian nữa. Tôi nghĩ cậu sẽ xin được bằng lái xe tạm theo luật mới.

– Vâng, em có nghe chuyện này.

Tôi theo Hưng vào nhà để bắt đầu cuộc rượu. Nếu đứng ngoài, nghe những câu chuyện được kể ra giữa tiếng cười của ba người đang về già, không ai ngờ ngày xưa chúng tôi đã chỉa súng vào nhau tại chiến trường Bình Định. Từng địa danh đầy máu và nước mắt được nhắc với các kỷ niệm, kinh nghiệm đã trải một cách bình thường. Bồng Sơn, Tam Quan, Phù Cũ, Phù Cát, đồi Hai Vú, Gia An… Chúng tôi nhắc lại trong đêm xứ lạ như kể cho nhau những chuyện cổ tích. Các thứ lý tưởng trở thành vô nghĩa. Những người lính chỉ là những người bình thường như tất cả mọi người, điểm khác biệt là hành động dám nhìn thẳng, sòng phẳng với mình và kẻ bắn mình.

Cuối cuộc rượu, câu chuyện được lái sang đời sống tại đây. Tôi nhớ đến giấc mơ của Hưng.

– Bộ đội Hưng còn vẽ chứ?

– Vâng. Ông anh vào đây với em.

Hưng vui vẻ kéo tôi đứng dậy. Vòng qua cánh cửa hẹp dẫn đến nhà để xe của Số, trí tôi hiện lên những thân đàn bà trên khung vải. Nhưng không, trên ba tấm tường gỗ không có một Venus nào. Chỉ là cảnh những con người đang kiếm sống tại chợ trời nhỏ San Jose. Tôi tìm thấy một người đàn bà đang ngồi trước sạp hàng loe hoe vài chiếc áo cũ, nét mặt mệt mỏi được treo cạnh một người đàn ông Mễ đang ôm đàn, cười méo mó với chiếc nón lật ngửa trước mặt. Bỏ giá vẽ đang dở dang những vết màu của cảnh một đám đông đang bận rộn, trải bạt, bày biện hàng sửa soạn buôn bán, tôi đến cạnh Hưng.

– Cậu bắt đầu lại từ lúc nào?

– Mấy tháng rồi ông anh ạ. Bỏ trống ba ngày trong tuần cũng phí. Ông anh thấy được không?

Tôi không trả lời khi niềm vui chợt đến. Hưng đã tìm lại giấc mơ trong cảnh sống của người chung quanh. Đâu cần với tay lên cao để tìm những dáng người huyền thoại. Thất bại hay thành công? Có gì là quan trọng? Ít nhất, Hưng cũng tìm thấy những viên đá do chính mình đẽo gọt để đặt xuống con đường đang đi.

Chúng tôi ra ngoài sân để hút thuốc. Dưới ánh sáng của ngọn đèn gắn trên tường, phía trước thùng hàng của Hưng, chiếc xe đạp có hai cái càng trông giống chiếc xe đạp thồ than của tôi năm nào. Niềm vui trong tôi chợt mất và thay bằng nỗi xót xa khi nhớ lại buổi chiều đứng trước pho tượng “Apollo / David” của Michelagelo, trong viện bảo tàng Bargello. Bấy giờ tôi cố gắng như bao người đã đứng trước pho tượng để đoán đây là Apollo hay David. Nhưng câu trả lời chẳng bao giờ có. Sự thật đã chia hai để lý luận, để tranh cãi gần năm trăm năm hệt như dân tộc tôi, sau cuộc chiến vẫn còn có những điểm chưa phân định.

Apollo hay David? Hưng hay tôi? Chúng tôi lẫn vào nhau trong các giấc mơ, các vai trò và đứng yên một chỗ. Bỏ mặc thế giới đổi thay từ lá cờ đầu tiên cắm trên mặt trăng hơn nửa thế kỷ trước, đến hôm nay đã đem về trái đất các mảnh vụn của hỏa tinh.

Mấy mươi năm, chúng tôi chỉ làm được một điều duy nhất là đổi chỗ cho nhau.

NGUYỄN Ý THUẦN