Thử giải mã sức quyến rũ trường cửu của NHẠC XUÂN MIỀN NAM TRƯỚC 1975: Chiến Tranh, Hoà Bình, Nước Mắt &…cả Nỗi Chết!

Vì sao miền Nam trước 1975 có một dòng nhạc gọi là nhạc Xuân, còn miền Bắc thì không?
Một câu hỏi mà muốn trả lời chắc phải bằng một tiểu luận hoặc 1 quyển sách, một câu hỏi về một lãnh vực mà ngày nay ít nhiều đã bị trùm phủ bởi những trí trá hư-nguỵ.

Chỉ biết rằng cũng chừng ấy bài, từng ấy giọng ca… nhưng nỗi bùi ngùi & cảm hứng “phải” nghe nhạc Xuân thì năm nào cũng là một nỗi bùi ngùi & háo hức mới…Có thể “e Tết lại không rượu mềm môi, không bánh không trà, chẳng hạt dưa”, “không có hoa mai không có hoa đào trang điểm trần ai…Không áo xanh áo đỏ thơm hương”…nhưng nhất thiết phải có…nhạc Xuân….Bắt đầu có thể rất sớm, sau đêm Noel …là…đến mùa nhạc Tết, “hát lên nhân loại trả buồn cho Đông”.

Trước năm 1975, nhạc Việt không màu, bởi trăm nghìn hồng tía nên không ai tô vẽ màu cho âm nhạc. Danh từ “nhạc vàng”cũng ít được sử dụng. Có chăng chỉ có ban Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn do nhạc Phó Quốc Lân phụ trách, “Nhạc vàng”trong chương trình ca nhạc này chỉ mang ý nghĩa những bài nhạc hay, được tuyển chọn cho chương trình này (*), hoặc số hiếm những cuốn băng có ghi nhạc vàng = “chương trình nhạc yêu cầu êm dịu”. Trong khi đó, miền Bắc sau này gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, được dán nhãn chính trị là nhạc “ru ngủ”, “đồi trụy”và “phản động”. Cũng trong ý hướng “bênh vực” cho “thứ” nhạc vàng ròng đó, bài viết ngắn này cũng muốn khơi chuyện thế nào là một nền văn chương & một bề dày âm nhạc miền Nam dát vàng, vàng của vàng son rực rỡ, vàng cùa vàng mười quý hiếm, không phải vàng của vàng vọt ủ ê hay vàng ệch của rã rời bải hoải!

Nói về âm nhạc miền Nam là phải nói về một bối cảnh nghệ thuật rực rỡ nghìn hoa đua nở của tất cả văn học nghệ thuật của bên này vĩ tuyến trong vòng vỏn vẹn chỉ 2 thập niên ngắn ngủi.
Cũng trong cùng 1 vùng cảm thức của “văn chương miền Nam” như vậy, để bàn về lời ca rất đặc sắc của những bài ca Xuân, tôi muốn dựa vào những hình ảnh mà nhà văn Trần Hoài Thư đã phân tích đến rốt ráo và tận cùng ý nghĩa của “nhân bản” qua những góc nhìn/ hình tượng “sáng” lên tính chất này của văn chương miền Nam: Tiếng khóc / Hoà Bình / Cây Súng. Nhạc Xuân cũng có những hình ảnh và những vùng cảm thức như vậy…

Trong đó, hình ảnh tiếng khóc/ cây súng – hai hình ảnh âm u & khốc liệt – lại là (một trong những) điều làm nhạc Xuân khó quên và có chất gây “nghiện” như nó đang và đã là! (và nói như nhà cảm-nhạc-bolero Trần Hữu Ngư: “Một bài hát hay, đứng được với thời gian, người nghe không thể nào quên là nhờ ở lời ca hay nốt nhạc? Có lẽ ca từ là yếu tố quan trọng để khắc ghi hình ảnh, cảm xúc… rồi nhờ giai điệu (mélodie) chuyển tải vào lòng người. “Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc”, nếu bài hát chỉ là những nốt nhạc thì nó sẽ trở thành “Những bài quên không bao giờ ca”!”)

Nếu như “Thơ thời chiến không chỉ sắt và máu, là bắn giết, là huy chương. Nó còn mang theo trái tim cùng với ba lô và súng đạn. Trái tim ấy cứng như thép khi lâm trận, nhưng cũng mềm như lụa sau khi hết trận. Người lính miền Nam khác người lính miền Bắc là ở chỗ đó. Văn chương miền Nam cũng khác với văn chương miền Bắc là ở chỗ đó…” (**) như ước mơ đơn giản, ngát hương hoà bình trong bài thơ Một Bông Hồng Nở Giửa Tim Anh – Phạm Cao Hoàng

“…em yêu dấu đây là lần thứ nhất
trong đời mình anh thấy quá hân hoan
anh muốn nói với muôn người trên mặt đất
rằng nơi đây sắp hết điêu tàn
và có thể nào đêm nay không còn tiếng súng
không còn nghe tiếng còi hụ giới nghiêm
ba giờ sáng xuống ngã tư quốc tế
ăn một tô mì thơm ngát bình yên
có thể nào sáng mai trên phố cũ
người ta bảo nhau hôm nay hòa bình
người ta dắt nhau trên đường trẩy hôi
riêng một bông hồng nở giửa tim anh…”

hay Kim Tuấn “những điều ghi được trong giấc ngủ”:

“Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh.

Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió. Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình. Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.

Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực. Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở. Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.

Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc. Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền. Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh. Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc….”

… thì nhạc Xuân cũng vậy, vẫn cái mộng ước hoà bình buồn và lắng ấy, ước mơ Hoà Bình lớn đến nỗi có 2 tác giả cùng có một ước muốn về 1 mùa Xuân Hoà Bình – 2 tác giả : Trầm Tử Thiêng & Nhật Ngân viết 2 bài cùng chủ đề với những ca từ nghe…buồn muốn khóc !

“Nếu mùa xuân này quê hương HÒA BÌNH
Người người vui chơi, hội hè suốt đêm suốt sáng
Nếu mùa xuân này quê hương hòa bình
Nhà nhà hân hoan, mừng người thân mình quay về…”
(Nếu Xuân này hòa bình – Nhật Ngân)

“Nếu xuân này hòa bình
Cây nở hoa không chờ đợi mùa
Anh tìm em không cần hẹn hò
Yêu cho đầy ắp đôi tay chờ
Mẹ sẽ giăng đôi tay già nua
Đón con về từ ngoài sa trường
Mừng đầy vơi khóc như trẻ thơ
Cha tìm con giữa đời lạc loài
Con gọi cha xanh lời vụng dại
Cha con cười vỡ đêm Xuân dài”
 (Nếu Xuân này hoà bình – Trầm Tử Thiêng)

“Bạn hỡi, vang lên
Lời ước thiêng liêng
Chúc non sông HOÀ BÌNH, HOÀ BÌNH
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
đợi anh về trong chén tình đầy vơi”
 (Ly rượu mừng – Phạm Đình Chương)

“Anh ơi! Xuân đến bên thềm rồi nhắp rượu hồng vơi đi
HẾT RỒI MÙA CHIA LY cho tình Xuân vừa ý
Xin yêu thương đến vơi hận thù để tiếng hát hôm nay
Người chiến sĩ mơ say bên đàn trẻ bé thơ ngây” (Mùa Xuân đầu tiên – Tuấn Khanh)

“Giờ đây, mùa Xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầu nhớ
Vui ca tung gieo nguồn sống
ĐẮP XÂY TỰ DO…”
 (Xuân miền Nam – Văn Phụng)

“Ôi nhớ xuân nào THUỞ TRỜI YÊN VUI
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi”
 (Xuân này con không về – Trịnh Lâm Ngân)

“Đầu Xuân xin chúc QUÊ HƯƠNG YÊN BÌNH thành đô đến nơi đồng xanh,
Ý lành nước non vươn màu xanh mới đón Xuân thắm trong niềm vui …”
 (Đầu Xuân lính chúc – Hoài Linh & Tấn An)

“Tiền đồn heo hút nhắc em kỷ niệm ấu thơ.
Hỏi “em có nghe trong tâm hồn gợi giây phút xưa?”
Năm nao đêm giao thừa ngày KHÓI LỬA CHƯA KÍN QUÊ HƯƠNG,
Và đôi ta nhỏ bé, thức xem giao thừa,
Kể chuyện vu vơ và thức trong mộng mơ…”
 (Phút giao mùa – Trần Thiện Thanh)

“Tôi chúc muôn người mọi đều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng THANH BÌNH
Để người anh lính chiến quay về với gia đình
Tìm vui bên lửa ấm…”
 (Cánh thiệp đầu Xuân – Lê Dinh & Minh Kỳ)

“Đợi hai ba năm nữa, QUÊ MÌNH THÔI KHÓI LỬA,
mời xuân đến với tôi, giờ còn nặng hai vai,
thân chinh nhân hồ hải, hỏi xuân có gì vui,
 (Tôi chưa có mùa Xuân – Châu Kỳ)

Và tiếp sau, hãy nói đến một điều thú vị trong nhạc Xuân (mùa lẽ ra phải vui, thế mà….):tiếng khóc, tiếng khóc bùng trỗi dậy và ướt đẫm những bài nhạc Xuân.
Hình ảnh của nước mắt, của đau đớn trở thành “nhân bản” và …tình cảm thế nào…trong nhạc Tết?
Cũng như trong văn chương thời chiến:
“Về phương diện vật lý, tiếng khóc, làm rung bần bật đôi vai mềm, làm môi vị mặn, làm đôi mắt sưng vù. Nhưng về phương diện tinh thần, những giọt nước mắt chính là những giọt nước cứu rỗi. Con tim bị đau, bị cứa… thì tiếng khóc phải bật ra, phải ào tuôn, phải làm đá phải mòn, phải khóc để mà chia sẻ. Đó là phương thuốc cứu rổi mầu nhiệm.
Và đó có lẽ là lý do thi ca thời chiến miền Nam lai láng những tiếng khóc…”

“Ngày mai đi nhận xác chồng
Say đi để thấy mình không là mình
Say đi cho rõ người tình
Cuồng si độ ấy hiển linh bây giờ
Cao nguyên hoang lạnh ơ hờ
Như môi thiếu phụ nhạt mờ dấu son
Tình ta không thể vuông tròn
Say đi mà tưởng như còn người yêu”
(Lê Thị Ý, Thương Ca 1)

Không phải là những tiến lên, những xung phong, những nhanh tay gặt lúa, những vui mừng khanh khách đủ chỉ tiêu cho một mùa Xuân vinh quang & thắng lợi… Nỗi buồn trong nhạc Xuân, từ những bài hát cũ, nhưng năm nào nghe lại cũng mới…là một thứ đặc sản giản dị mà sang cả của miền Nam, nỗi buồn (& mộng ước hoà bình như đã viết ở trên) là hai phương tiện cứu rỗi tâm hồn của người miền Nam khi Tết đến Xuân về. Nhạc (Xuân) miền Nam là loại nhạc đứng về phía nỗi buồn, về phía nước mắt, về cả phía …những cái chết (lạ lùng thay, người ta thường tránh nói về mất mát trong 3 ngày tết 4 ngày Xuân, nhưng nhạc Xuân thì được ưu ái…chừa ra, khắp hang cùng ngõ hẻm, người ta…” vui Xuân” bằng cách mở nhạc Xuân, và trong nhạc Xuân…có cả nỗi chết!!!)

Hãy nghe lại đi, hãy nhìn lại đi: ràn rụa lệ tuôn, ràn rụa thâm âm của nỗi buồn, nhưng buồn không phải để héo úa, mà là buồn để mãn khai, để đón chờ, để con tin rung lên, để “suối tuôn lệ mừng vòng tay thân yêu ôm trọn mùa Xuân”, khóc để “ta đón đợi Xuân Hồng ngày mai”…À, mà có khóc đâu, đó là nụ cười với nàng Xuân đấy chứ : “Cười tuôn nước mắt cho Xuân tình dấy men”:

“Bàn tay nâng niu hoa cúc/ Bàn tay hiu hắt GIỌT LỆ ĐẦY” (Mùa Xuân đó có em – Anh Việt Thu)

“ Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho XÁC CHẾT ngậm cười, cho NƯỚC MẮT thôi rơi.”

(Đan áo mùa Xuân – Phạm Thế Mỹ)

“Hoa xưa dần qua biết bao kỳ đâm bông
Riêng ai buồn thương hắt hiu còn trông mong
Và Xuân thay áo mấy mùa đợi chờ
MẮT HUYỀN LỆ RƯNG RƯNG, sầu héo đến bao giờ”

(Xuân tha hương – Phạm Đình Chương)

“Mẹ ơi hoa cúc hoa mai nở rồi
Giờ đây đời con đang còn lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu
Nhìn Xuân về lòng BUỒN MÊNH MANG”

(Mùa Xuân của mẹ – Trịnh Lâm Ngân)

“Dừng chân trông hoa Xuân hồng thắm
BUỒN TÌM VỀ tình ai đằm thắm
Giờ vun vút trời mây”

(Nhớ một chiều Xuân – Nguyễn Văn Đông)

“Anh ơi em là hoa hoa biết nói
Giữa tuổi Xuân thắm tươi
Vẫn không yêu kiếp người .
Anh đi trong ngày Xuân hay bóng tối
Hồn em như chới với
Mắt em như LỆ RƠI”

(Những kiếp hoa Xuân – Anh Bằng)

“Con đã thấy mùa Xuân trong lòng mẹ
Mẹ đã tìm mùa Xuân trong mắt cha
Mẹ RƯNG RƯNG ôm Xuân nồng hội ngộ
Cha mừng Xuân trong sắc áo sương pha”

(Tôi đã gặp mùa Xuân – Trầm Tử Thiêng)

“Xuân tôi ơi ! Sức Xuân tôi còn khát khao
Dù nay, dù mai cũng như mọi ai CHẾT trong địa cầu” (Xuân ca – Phạm Duy)

“Bài Xuân này xin hát quanh năm

Hát say mê reo mời Xuân về
áo đua bay theo mùa hội hè
Tìm gặp đây lao xao tâm sự
chuyện thời xưa thời loạn ly
Hát suy tôn ƠN NGƯỜI DƯỚI MỘ
đã xuôi tay môi cười xong nợ
rời mùa Xuân tìm mùa Xuân”

(Bài Xuân này xin hát quanh năm – Trầm Tử Thiêng)

“Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ RƯNG RƯNG lòng nhớ thương”
 (Xuân thì – Phạm Duy)

Và cây súng? Một vật vô tri vô giác nhưng là biểu tượng thảm khốc của chết chóc, của chiến tranh…, thế mà trong văn chương miền Nam, nó có hồn, nó rưng rức, nó chấp nhận căn phần trong một định mệnh bên này không muốn…

“hình như cây súng con lạ lắm
sao nó run lên khi đạn lên nòng
tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
một kẻ nằm, kẻ đứng, xót xa không? “
(Nguyễn Dương Quang – Đêm cuối năm viết cho má)

“Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
suy nghĩ làm gì lao tâm khổ trí
(Chiến tranh Việt Nam – Nguyễn Bắc Sơn)

Cái sự “uỷ mị” “nhân bản” ấy, phải chăng làm thành thứ “nhạc vàng” và một “bên thua cuộc”… Súng không còn là vật tiêu diệt, mà giờ súng ở đó, như một bầu bạn, như một nhân chứng, như một chia sớt …

“Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào Xuân đến súng xa vang rền
Xác hoa tàn rơi trên báng súng
Ngỡ rằng pháo tung bay
Ngờ đâu hoá lá rơi”
 (Phiên gác đêm Xuân – Nguyễn Văn Đông)

“ Chim mách rằng anh đang ngoài chiến tuyến
người yêu thay tay súng, gối mộng là lá rừng
Vì quê hương còn khổ, tình yêu xin để đó
cho xác chết ngậm cười, cho nước mắt thôi rơi.”
 (Đan áo mùa Xuân – Phạm Thế Mỹ)

“E Tết lại không rượu mềm môi
Không bánh không trà chẳng hạt dưa
Chắc lại mừng Xuân bằng quân lương khô
Ðón giao thừa bằng đèn hỏa châu rơi”
 (Thư Xuân trên rừng cao – Trịnh Lâm Ngân)

“Tình Xuân chớm nở đêm qua
Khi mùa chinh chiến đã lui ra ngoài đời

Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa…
 (Xuân thì – Phạm Duy)

Ừ, mà sao lạ nhỉ? Người ta không thấy …hân hoan, không thấy muốn …quay trở về, không thấy muốn ngồi xuống chiêm nghiệm lại thăng trầm 1 năm, muốn thắp một nén nhang cho những người đã khuất, muốn sắm sửa thêm cho gia đình một món gì đó, muốn mua cho đàn em chút quà mọn ngày đầu năm, muốn quên đi những chuyện không may, và không hay đã xảy ra khi…. nghe “Mùa xuân này về trên quê ta…”…hay “Lặng nghe nước reo âm vang mùa xuân ước mơ rực sáng” hoặc “Mùa xuân người cầm súng lộc giắc đầy trên lưng /Mùa xuân người ra đồng trải dài nương lúa “, mà người ta cứ nghe ba cái nhạc Xuân gì xưa cũ.

Nhạc Xuân gì xưa như trái đất, nghe (tưởng) sầu thúi ruột nhưng hay…ve kêu!

“Tôi xin cảm ơn người
Cảm ơn ai, đã đem.. luyến thương.. nồng ấm… đến với…” nhân gian!

Nguyễn Trường Trung Huy

Đêm 30 giao thừa (Tết Dương Lịch), “niềm vui đến không bến bờ…”

P/s: Tất cả những điều nói ra trên đây, đều bắt gặp trong chùm ca khúc Xuân của Trầm Tử Thiêng, tính ra ông có khá nhiều bài nhạc Xuân từ trong nước ra đến hải ngoại, xin được làm 1 collection và tặng mọi người (tính ra các bài Xuân của ông, vài bài thoạt nhìn là nhớ ra ngay và tưởng là có nhiều version chính thức ở hải ngoại, nhưng thật ra cũng khá hiếm, vd như Mùa Xuân Trên Cao chỉ có 2-3 version, hoặc bài Mùa Xuân Đi Qua (TTT lấy bút danh Tôn Nữ Thuận An – và hình như là bài duy nhất ông viết với bút danh Tôn Nữ này) hay Mùa Xuân Không Đợi sau 1975, mỗi bài chỉ có 1 version (Hồng Hạnh thu trong CD Lời đầu năm cho con bài Mùa Xuân Đi Qua, Khánh Ly thâu trong CD Asia Tết bài Mùa Xuân Không Đợi …), hoặc Tôi Đã Gặp Mùa Xuân cũng ít ca sĩ thu (Hương Lan, Ngọc Lan….), bài Bài Xuân Này Xin Hát Quanh Năm chỉ có version Khánh Ly hát trong tape Shotgun Xuân 1975. Một điều thú vị là có 2 bài Nếu Xuân Này Hoà Bình – 1 của Trầm Tử Thiêng, 1 của Trịnh Lâm Ngân.
https://www.mediafire.com/…/TRAM_TU_THIENG_-_NEU_XUAN_…/file
1. Mùa Xuân trên cao – Giao Linh (CD Phượng Hoàng – Ly Rượu Mừng)
2. Nếu Xuân này hoà bình – Hồng Hạnh (CD Làng Văn – Trường Sơn/ Duy Khánh – Lời đầy năm cho con)
3. Tôi đã gặp mùa Xuân – Ngọc Lan (CD Mimosa – Xuân nhớ mẹ)
4. Mùa Xuân không đợi – Khánh Ly (CD Asia – Xuân)
5. Thư Xuân hải ngoại – Ngọc Hạ (CD Thuý Nga – Mộng chiều xuân)
6. Bài Xuân này xin hát quanh năm (tape) – Khánh Ly (tape Shotgun Xuân 1975)
7. Mùa Xuân đi qua – Hồng Hạnh (CD Làng Văn – Trường Sơn/ Duy Khánh – Lời đầy năm cho con)
Bonus 1 : Mùa xuân trên cao + Tâm sự ngày Xuân – Hoàng Oanh & Trung Chỉnh (CD Thuý Nga)
Bonus 2: Tôi đã gặp mùa Xuân – Hương Lan (CD Giáng Ngọc – Dạ Vũ Mừng Xuân)
Bonus 3: Nếu Xuân này hoà bình (Nhật Ngân) – Thái Hiền (tape Làng Văn – Mùa xuân & Tuổi trẻ)

(*) có tham khảo nhận xét của Lê Hữu trong “Nhạc vàng: Bên thắng cuộc”
(**) Tính nhân bản trong thơ văn miền Nam thời chiến – Trần Hoài Thư

Advertisement

55 năm ngày Trùng Thất – Nhất Linh 7/7

Thứ 7 – ngày 7/7 … nhớ về một ngày Song Thất khác của năm 1963 !
“Người quay tơ đôi bạn tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt?
Ðời mưa gió lạnh lùng bướm trắng, buổi chiều vàng đâu nhỉ nắng thu?”
(Vũ Hoàng Chương khóc Nhất Linh)

Đọc lại một vài số báo tưởng niệm ngày Trùng Thất này, trong đó có một vài bài ít thấy trên mạng.

Khi tôi đưa những trang sách này lên Facebook, có những comment về Nhất Linh và sự kiện 1/11/1963 như sau :

“ Sinh thời Nhất Linh được rất nhiều người tôn vinh, không chỉ đồng chí của ông. Ông được tôn vinh phần lớn vì tài năng xuất chúng, nhưng cũng một phần vì “màn sương mù huyền thoại” ông tạo ra. Chắc chắn ông cũng thích những “huyền thoại” đó, cũng như sự tôn vinh mà người thường cũng như đồng chí dành cho ông. Tuy nhiên, chúng (những “huyền thoại”) lại trở thành sức nặng đè lên ông, níu kéo ông khi ông chỉ còn muốn làm một nhà văn… Đó là lúc ông từ Đà Lạt trở về Sài Gòn, khơi lại TLVĐ, ra tạp chí Văn Hóa Ngày Nay, cả hai đều thất bại. Rồi đến biến cố 11/11/1960 (cuộc đảo chánh thất bại) , mà ông được coi là người “thủ lãnh” không chính thức. (Nếu cuộc đảo chánh thành công, thì người đứng ra lãnh trách nhiệm lãnh đạo quốc gia chỉ có thể là NTT)…

Theo tôi, đáng lẽ ông nên ra trước tòa án, và công khai nhận trách nhiệm, dù có phải đi tù một vài năm… Như thế mới đúng là một lãnh tụ!!!”

“…Sự thất bại của chính quyền Ngô Đình Diệm sau cùng có thể viện dẫn bằng duy nhất thái độ cứng rắn hay cứng ngắc của “ông Cố vấn” Ngô Đình Nhu. Là một học giả, thông kim bác cổ, đọc qua thiên vạn pho sách Đông Tây, nhưng chưa từng lăn lộn trong bùn lầy của cuộc sống thực, cuối cùng chỉ có thể dựa duy nhất vào cái đầu mình.

Đó là “công thức” chắc chắn nhất để tự cô lập mình, ngày càng xa rời thực tế. Ngay cả khi mình đúng nhất, lại chính là khi mình sai nhất. Đó là điểm tàn bạo nhất của chính trị! Khi chỉ một mình mình đúng, thì kẻ đó sẽ phải chết cho “chân lý”. Không thể nào khác.

Tôi đoán, khác với cụ Diệm, ông Nhu chắc hẳn không bao giờ thực sự đọc hay hiểu phần nào Thánh Kinh. Thánh Kinh truyền dạy rằng có một Chân Lý duy nhất, và đó cũng chính là Thượng Đế. Nhưng cả hai vẫn chỉ là tên gọi, không phải là Đạo. Đạo là bác ái, là tình yêu, là san sẻ hạnh phúc hay khổ đau.

Dưới cái vỏ của một ông quan cựu triều, ông Diệm là người biết thương yêu, sẵn sàng hy sinh bản thân cho dân tộc, nhưng sự thật đó lại bị che lấp bởi bộ mặt lạnh lùng của bào đệ Ngô Đình Nhu, một nhà kỹ trị đúng nghĩa. Một tấm thảm kịch tầm vóc vĩ đại, nhất là khi nó không chỉ cho hai anh em TT Diệm, mà cho cả dân tộc”
——————

Ngoài báo VĂN của Nguyễn Đình Vượng có thể dễ dàng đọc cái bài trên mạng như
VĂN – HOÀI NIỆM NHẤT LINH http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=13353&rb=08
Thì có những bài trên VĂN HỌC cũng rất giá trị…

(Ở đây cần mở ngoặc nói thếm về tạp chí này – trích từ Thư Quán Bản Thảo https://tranhoaithux.wordpress.com/2016/10/10/hanh-trinh-cua-tap-chi-van-hoc-1962-1975/

“Văn Học được ra đời do một số người trẻ nhập cuộc. Họ là những học sinh, sinh viên của các trường Trung học, Đại học trên toàn quốc, và một số đang du học tại ngoại quốc nhưng đã cùng nhau chung một lý tưởng thực hiện một tờ tạp chí nghiên cứu và phê bình về văn hóa và chính trị để làm diễn đàn chung cho những thanh niên tự do tại Miền Nam.
Số đầu tiến phát hành vào tháng 11- 1962 trong thời Đệ nhất Cọng Hòa, và số cuối cùng là số Mùa Xuân 75, kéo dài được 13 năm – số tuổi xem như rất thọ so với các tạp chí văn học miền nam khác , ngoại trừ chỉ sau tạp chí Bách Khoa. Từ số 1 đến số 72 (1-5-67), khổ báo khổ lớn (15×25 cm). Từ số 73 đến số cuối cùng khổ giấy loại nhỏ (14×20 cm).
Hai năm đầu, báo được phát hành mỗt tháng một kỳ, sau đó, báo đổi thành bán nguyệt san, phát hành mỗi nửa tháng một kỳ (kể từ số 21).
Chủ nhiệm đứng tên là Phan Kim Thịnh, nhưng chủ bút thì thay đổi ba lần. Hai năm đầu (1961-1963), chủ bút là Dương Kiền, sau đó chủ bút là Phan Kim Thịnh. Tiếp đến vào năm 1966 là Nguyễn Đình Toàn (từ số 63 ngày 1-9-66 đến số 69 ngày 15-11-66). Sau đó vai trò chủ bút lại được giao lại cho Phan Kim Thịnh.
Hai năm đầu (từ số 1 đến số 20), tạp chí nhắm vào thành phần thanh niên sinh viên như tiêu đề trên bìa của tạp chí: Nguyệt san văn hóa xã hội nghệ thuật. Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do.Mỗi số báo đều có mục liên quan đến sinh viên như Sinh Hoạt Sinh Viên do Trần văn Ngô, Phương Khanh, Hà Thanh phụ trách… Cọng thêm vào những bài viết liên quan đến những vấn đề của sinh viên như “vài tâm trạng nghịch thường của thanh niên trước những giá trị xã hội (Dương Nhất Nhân – số 1), Sinh Viên và trí thức lảnh đạo (Quan điểm, số 2), Chính sách sinh viên (Quan điểm, số 3), cái nhìn của người sinh viên (Nguyễn Vũ, số 4),. Dân chủ hóa nền đại học (Quan điểm, số 5), Chỉ huy hay hướng dẫn (Quan điểm, số 6) hay mỗi số có mục Vấn Đề của chúng ta ví dụ: Bài trả lời ông Nguyễn Đăng Thục, Khoa trưởng đãi học văn khoa SG của Văn Học(số 4), Nhân các kỳ thi: Đặt lại vấn đề nguyên tắc (số 6) v.v….
Sau số 20, tiêu đề Diễn đàn sinh viên Việt Nam tự do được lấy ra, và nội dung Văn học có tinh cách khai phóng hơn, ảnh hưởng nhiều bởi thời sự. Sau 1965 chiến cuộc càng lúc càng leo thang, những người cọng tác viên trẻ phải vào quân ngũ, hay xa Saigon, để lại một khoảng trống lớn cho Văn Học. Cọng vào sắc luật 007 đã khiến chủ trương của Văn Học từ một tờ báo chính trị văn học đổi sang một tờ báo thuần túy văn học kể từ năm 1968” )
Nhìn vào những số Văn Học có nhắc đến Nhất Linh cũng là nhìn lại một đoạn đường lịch sử với những sự kiện liên quan đến chính thể Đệ Nhất Cộng Hoà và sự kiện 1/11/1963.

Số 9 (tháng 7 / 1963) chỉ một bài TƯỞNG NIỆM NHẤT LINH của NGUYỄN MẠNH CÔN, đến 4 tháng sau, khi báo đã lên khuôn thì xảy ra sự kiện 1963 – ngay lập tức những trang hồng perlure được thêm vào và lần này, NHẤT LINH được nhắc lại một cách trang trọng.

Số 41 VĂN HỌC (ra đúng ngày 7/7/1965) có bài của NGUYỄN ĐÔNG NGẠC (*) “Vài thắc mắc về Nhất Linh” , bài “Ít hàng về Nguyễn Tường Tam” của NGUYỄN QUÂN .

Tạp chí VĂN số 14 (7/7/1964) có một bài thơ Tưởng Niệm Nhất Linh của Trần Như Liên Phượng thì..ngậm ngùi thay số VĂN 37 Thương Nhớ Nhất Linh (7/7/1965) chúng ta thấy một trang AI TÍN thông báo về cái chết của chính nhà văn / nhà thơ / người lính này!
Và cũng trong số VĂN 37 này có một truyện ngắn liên quan đến Nhất Linh của Nguyễn Đăng (một bút danh khác của Mai Thảo) viết.

(*) Về nhà văn Nguyễn Đông Ngạc, nổi tiếng trong vai trò chủ nhà xuất bản SÓNG với tập truyện tuyển tập NHỮNG TRUYỆN NGẮN HAY NHẤT CỦA QUÊ HƯƠNG CHÚNG TA :
http://www.luanhoan.net/tacpham/hoikyroi/NguyenDongNgac.htm

“Xen kẽ trong thời gian đứng trên bực giảng, bàn chân Nguyễn Đông Ngạc thơm tho cỏ đất trường đua ngựa và bàn tay anh trải ra những luống chữ trên Hành Trình, Nghệ Thuật, Quần Chúng, Đất Nước, Văn Học…Cuộc sống phơi phới đào hoa của Ngạc bỗng bị neo giữ trong tay chị Nguyễn Thị Nga, đốc sự Quốc gia Hành Chánh, ái nữ của bà Nguyễn Thị Thế, em gái nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam. Nguyễn Đông Ngạc từ giã cuộc sống độc thân năm 1964, nhưng không tạm biệt những cuộc tình. Lãng mạn nhưng không trác táng. Dựa vào ưu điểm của quán sách Khai Trí, do bố mẹ anh gầy dựng tại Bình Dương (không phải Khai Trí của ông Nguyễn Hùng Trương tại Sài Gòn), Nguyễn Đông Ngạc cho khai sinh nhà xuất bản Sóng, tung ra thị trường chữ nghĩa miền Nam trước 1975 các tác phẩm: Chuyện Tình (Love Story của Erich Segal), Một Ngày Cho Người Yêu (Goodbye Columbia của Philip Roth), Những Cuộc Tình Không Trở Lại (tuyển tập nhiều tác giả ngoại quốc), Buổi Sáng Cuối Cùng (Women In Love của D.H.Lawrence). Các tác phẩm này đều do bà Phan Lệ Thanh chuyển sang Việt ngữ. Công trình đồ sộ nhất trong các tác phẩm do nhà xuất bản Sóng của Nguyễn Đông Ngạc phát hành là tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Trên Quê Hương Chúng Ta, được đến tay bạn đọc năm 1973. Để thực hiện tác phẩm văn học này, Nguyễn Đông Ngạc đã phải dồn hết tâm sức lẫn tài chánh. Từ việc xin bài, gom bài đến nhờ chụp bắt chân dung từng tác giả, Nguyễn Đông Ngạc đều đích thân lo tận tình, chu đáo”

Nguyễn Trường Trung Huy

(huyvespa@gmail.com)

Người Con Gái Ngồi Đợi Một Chuyến Tàu Về

nguyentruongtrunghuy

 truyện dài cuối cùng của Duyên Anh trước 1975

Truyện dài còn dang dở của DUYÊN ANH – có lẽ, lần đầu tiên xuất hiện “đầy đủ” trên cõi thế – nơi tôi, như một tưởng nhớ 20 năm ngày mất của một người đã dựng bày thiên đường – thiên đường tuổi nhỏ/ thiên đường mộng tưởng / thiên đường của những viễn du vào lòng thiện, đi đến những vùng đất hứa nơi “nước mắt” biết “rơi khi tình ra đời”, nơi “đời người chỉ có một lần để cô gái nghe cậu trai nói trong cơn mê xúc động Cám Ơn Em Đã Yêu Anh” / thiên đường của những van lơn nhỏ nhoi “xin cho em một chiếc áo như mây trời”…

Do một cơ duyên chưa biết vì sao có (hoặc có chăng đến từ Luật Của Thỏi Nam Châm Tâm Trí – Law of Attraction ?!? – “J’ai fait la magique élude/ Du bonheur, qu’aucun n’élude – Ai nghĩ về hạnh phúc/ Sẽ đạt nguồn diễm phúc” (Arthur Rimbaud) – và những cơ duyên đẹp diệu kỳ này là một làm bằng xác tín trong tôi về một phép màu có thật của cuộc sống – rải rác trong gần 10 năm, những gương mặt thiếu nữ với đôi mắt xoe tròn, ngậm một nhánh cỏ hay một cành hoa…lãng đãng và bâng quơ nhìn vào cuộc sống, trao đi một trìu mến , du người đến một nỗi “ Bàng hoàng gặp lại ngày xưa tuyệt vời/ Ru ta sáng thế, ru người yêu nhau “ (Ru ta, ru người – Duyên Anh) …. từng số báo, ngẫu nhiên xô dạt vào đời tôi, để cuối cùng tròn vẹn những số báo theo thứ tự – như những cánh rong trôi dạt về miền tôi…từ một miên viễn xa ngái nào đó… trôi về và neo tặng những cơn mộng đẹp…

“Mộng này là thần tiên? Mộng này là quyến luyến” (TCS) … Một cơn mộng đẹp, một cơn mộng vô cùng cần kíp, khi “đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được”(TCS)… Tuổi Ngọc & Duyên Anh, thời ấy, năm ấy…, với “Thi ca trong sữa lúa/ Tiểu thuyết trên lụa đào”… hơn bốn thập niên sau, vẫn như đang cùng tâm tình, đang cùng gióng giã lên những hồi kinh tình yêu, tình thân, tình quê…

NGƯỜI CON GÁI NGỒI ĐỢI MỘT CHUYẾN TÀU… truyện dài mà tác giả Duyên Anh xác quyết không còn là “những truyện tình mộng tưởng quen thuộc bấy lâu” mà là một dựng bày như một “phản kháng đích thực” hòng “níu giữ ít nhiều mơ mộng của tuổi trẻ trong thời chiến”…

Nhưng rồi…(bất chấp cho những lạc quan của Duyên Anh ước vọng về “khởi hành từ bóng tối” và “hy vọng sẽ bình minh ở hoàng hôn” trong một bức Thư Toà Soạn trước đó 1 tháng…)

Người con gái ấy đã mù khơi, chuyến tàu đã không bao giờ tới…thiên đường cũng đã lỡ …với số báo áp cuối (số 156) (tôi đồ là thế, vì trước đến giờ vẫn chưa nghe hay thấy số báo 158 (nếu có thật) “sẽ” ra vào ngày 20/4/1975, 10 ngày trước cơn đại hồng thuỷ)… Nhưng hình ảnh đep đau thương và những ấp ủ nguyện ước về những chuyến tàu nối những sân ga hiu quạnh trên đất nước này, về linh cảm“nếu mai này hoà bình”, về ước vọng “một mai qua cơn mê”, về rộn ràng cuộc tao ngộ “ta đón nhau về, khi non nước yên bề sông núi vào hội yêu thương ”… và cũng, những măng sét, những đôi mắt, những ngọn cỏ, những cánh lá…trang bìa… đẹp “khó tin” như…huyền thoại …thì còn mãi…như những câu chuyện cổ tích!

Cuối cùng, nhắc đến Duyên Anh, nhắc đến Tuổi Ngọc và số phận của bền bỉ 157 tờ báo neo giữ & níu giữ “những năm tháng mơ mộng đẹp nhất đời người”, không khỏi thoáng rùng mình và xúc động – như một lời tiên liệu – khi hai truyện ngắn cuối cùng trong số báo 157 Tuổi Ngọc có tên lần lượt là “Đâu phải cái gì cũng mong manh” (Nguyễn Thanh Trịnh) và sau đó “ Rất dịu dàng ta đã khóc” (Ni)!

“Giọt nước mắt tỏ tình thương ngàn xưa hư vô
Giọt nước mắt tội nghiệp còn thế giới hoang vu
Giọt nước mắt tâm tư
Giọt nước mắt ươm mơ
Rơi xuống em ơi. Xanh ngọc vàng tơ…” (Giọt nước mắt cho Việt Nam – Duyên Anh)

“Đừng tuyệt vọng nghe không / Còn trang thơ thắm lại với trời hồng” (Bùi Giáng), và những giọt lệ có nào đâu tan đi, mà …đã ánh lên màu nhiệm Xanh Ngọc Vàng Tơ! “Đâu phải cái gì cũng mong manh”…

 

16665203_10202761170386274_1049749310820425695_o

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

TÌNH CA…

nguyentruongtrunghuy

Thơ và nhạc trước 1975, như là một quyền phép lạ lùng, vì nó mang cái hồn sâu kín, nó gợi nhớ, và nhắc nhớ….nhiều khi chỉ bằng vài từ, ngữ.
Chỉ cần vài từ ngữ, sẽ thấy thênh thang cung đường về kỉ niệm…Một chút xanh xao, mơ hồ của thưở vừa biết yêu … & rơi một nỗi sầu quạnh quẽ…sầu đã rụng thành hoa…đã đơm bông kết trái thành những câu lục bát à ơi diễm tuyệt, vừa mang tâm sự hồn người, vừa tha thiết một tình với quê hương.
Thơ Cung Trầm Tưởng là những thực thể sống động như thế, những hàng, những chữ nằm im lìm trên giấy, nhưng có sức lay động ghê gớm, và nhắc nhớ nhiều.
Cung Trầm Tưởng gắn bó với giai đoạn đầu của thời chia đôi đất nước, qua thi tập Tình Ca, mười ba bài mà Phạm Duy đã phổ nhạc 6 bài, đó là Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Về Ðây, Tương Phản (PD đổi thành Bên ni bên nớ) , Khoác Kín (Phạm Duy đổi là Chiều Ðông) và Chưa Bao Giờ Buồn Thế (Phạm Duy đổi thành Tiễn Em). Tất cả năm bài đều thuộc vào những bài thơ phổ nhạc tiêu biểu cho sự gặp gỡ giữa thi ca và âm nhạc ở cung cao sáng tạo.
Những tác phẩm này phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, thời kỳ mà những nhà thơ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng… từ Pháp, đem theo tư tưởng Tây phương về như món quà tặng cho lớp trẻ.
Phạm Duy đã từng nhận xét về Cung Trầm Tưởng:
“…Saigon 1958. Chính quyền ở miền Nam đã đứng vững sau mấy năm thành lập. Người dân (nhất là người dân ở thành phố) sống trong an ninh và thịnh vượng hơn là trong thời chinh chiến vừa qua. Phòng trà mọc lên khá nhiều. Thế hệ ca sĩ thứ ba ra đời sau các thế hệ ca sĩ ”tiền bối ” Ái Liên, Thương Huyền, Thái Thanh v.v… Tân Nhạc ở miền Nam phát triển mạnh mẽ với xu hướng nhạc tình.
Cung Trầm Tưởng, một thi sĩ trẻ vừa ở Paris về, đưa cho tôi mấy bài thơ để phổ nhạc trong đó có hai bài nói về mùa Thu và mùa Ðông Paris. So với nhạc tình thời đó, hai bài này rất mới lạ cho nên được các nữ ca sĩ trẻ đẹp như Thanh Thúy, Thu Hương, Lệ Thanh trình bày hằng đêm tại các phòng trà. Các Ðài Radio, các nhà xuất bản, các hãng làm đĩa hát đua nhau phổ biến những bài thơ phổ nhạc này của chúng tôi. Nó trở thành những tình khúc của một thời. Thời kỳ đẹp nhất của người Việt trong thế kỷ này chăng ?…”
Thụy Khê đã từng nhận định về những bài thơ của Cung Trầm Tưởng được Phạm Duy phổ nhạc như sau….
“ Kiếp Sau – Bài thơ rất ngắn, sau này Cung Trầm Tưởng có viết lại hai version khác, nhưng có lẽ vẫn không vượt được bản đầu in năm 1959 ở Sài gòn:
“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Quên thôi, bông sẽ phai hường,
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu.
Non sông bóng mẹ sầu u,
mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
Thôi em xanh mắt bồ câu,
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau.”
Kiếp Sau làm năm 1956. Hơn bốn mươi năm. Không một vết nhăn.
Trò chuyện về thơ tức là chuyện trò với chữ -vấn đề ngữ sự- nói như Cung Trầm Tưởng.
Trước hết là chữ bù. Bù em. Phạm Duy có lẽ vì nhu cầu âm nhạc đã đổi ra đền. Ðền em, nũng nịu, Tây hơn, hợp thời hơn, nhưng Bù em, mới hiếm, mới Việt. Chữ đền có nghĩa đổi trao, lấy đi rồi đền lại. Chữ bù chỉ thấy cho, chỉ “lấp đầy”. Nguyên lý lấp đầy lại rất phụ nữ, rất nhục cảm, rất Sartrien, rất Cung Trầm Tưởng. Bù lại gần với âm bu. Bu là gọi mẹ theo tiếng quê ta. Một người “Tây con” như Cung Trầm Tưởng thời ấy, làm thơ tặng những em “tóc vàng sợi nhỏ” mà lại viết Bù em thật tuyệt.
Nhưng Phạm Duy có lý khi ông đổi lại là đền em. Ai cũng hiểu. Ở Phạm Duy là ý thức cộng đồng, ý thức dân ca, ở Cung Trầm Tưởng là ý thức biệt dã, ý thức thi ca. Bù em là ngôn ngữ thứ nhất, ngôn ngữ bùa chú khác lạ, không giống ai: Ngôn ngữ vừa được nhà thơ tác tạo. Cả bài thơ có hơi cổ điển, có hồn ca dao. Nhưng không phải ca dao thuần túy mà là ca dao đã hóa thân, cổ điển đã tục lụy.
“Thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ”
Các cụ xưa đâu viết thế. Các cụ môn đăng hộ đối, đâu có thẩy bình dân “cũng rồi” ngồi chung chiếu với quý tộc “thiêu nương”. Rồi lại:
“Thôi em xanh mắt bồ câu”
Ca dao đâu viết thế. Ca dao thường trực tiếp, dễ hiểu: Em thôi, mắt xanh, hay mắt em, thôi xanh v.v… Nên khi gặp thôi em xanh mắt người đọc lạc vào mê đạo.
“Mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu”
Toàn thể câu thơ là một bể hoang đường, lạc đất.
Tất cả những “cũng rồi”, “mà xưa”, “nghe dường” gieo vào câu thơ ở những chỗ bất ngờ nhất, làm lỗi nhịp, làm đảo thần lục bát, phát sinh một hồi âm mới: Wagner hay Mozart? Phạm Duy hay Văn Cao? Có hết. Tất cả đồng quy ở tiếng gọi thiên thu hay tất cả đều đã hoang sơ?
Cung Trầm Tưởng đã xướng lên một thứ cổ dao hiện đại:
“Non sông bóng mẹ sầu u
Mòn trông ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu”
Những tiết tố âm nhạc, quá khứ, hiện tại, không gian, thời gian, ẩn hiện, giao tỏa với nhau. Những hình ảnh sáo mòn như “đơm hoa kết mộng”, “sông Thương trắc trở” được hồi sinh trong một kiếp mới, nhờ cách xếp câu, đảo tứ:
“Bù em một thoáng trời gần,
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi!
Bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
Bù em xuôi có ngàn thơ,
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương”
Những cách treo chữ: cũng rồi, cũng ngần…, buông chữ: bù em, thôi em…, đảo chữ: mòn trông…, hoặc tạo cảnh: chiều lu mái sầu… đều có tính cách phá tán âm thanh lục bát, phá tan nội dung ca dao để tạo ra, về mặt thời gian, một tiếng gọi từ ngàn xưa vọng lại, về mặt âm thanh và tư tưởng, một khúc điệu mới, phong liệm nỗi buồn nguyên thủy, rồi nghiền tán nó ra, rắc vào không gian, gieo vào vũ trụ, tạo ra một môi trường buồn ẩm nhạc:
“Ngày đi, chiều tới không nghiêm,
khoan thai gió cởi phong niêm rũ buồn
Bờ nghiêng nắng giốc đường thuôn,
thiết tha tiếng cũ nghe luồn không trung.”
(Về Ðây)
Trong bài Bémol, Buồn lại rơi theo nhịp khác, như nốt nhạc bị giam cầm:
“Chiều buồn lạc thanh âm
Hoang sơ vào khuya tối
Linh hồn tôi dương cầm”
Bài Khoác Kín cũng là một trong những giá trị độc đáo của thi ca Cung Trầm Tưởng mà Phạm Duy đã phổ nhạc và đổi tên thành Chiều Ðông (Phạm Duy có tài lựa những tuyệt tác của mỗi tác giả để đưa vào cung bậc âm thanh). Khoác Kín cũng là một bài thơ ngắn, nhưng mỗi câu, mỗi chữ đều là những giọt tuyết lệ của thời gian, nhỏ trong không gian tàn tạ:
“Chiều đông tuyết lũng âm u
bâng khuâng chiều tới tiếp thu trời buồn
Nhớ ngày tầu cũng đi luôn,
ga thôn trơ nỗi, băng nguồn héo hon.
Phường xa nhịp sắt bon bon,
tàu như dưới tỉnh, núi còn vọng âm.
Sân ga mái giọt âm thầm:
Máu đi có nhớ hồi tâm đêm nào?
Mình tôi với tuyết non cao;
với cồn phố tịnh buốt vào xương da;
với mây trên nhợt ánh tà;
với đèn xóm hạ cũng là tịch liêu.
Tôi về bước bước đăm chiêu,
tâm tư khoác kín sợ chiều lạnh thêm.”
Giọng buồn Cung Trầm Tưởng, thời 55-60, đã khác hẳn giọng sầu Huy Cận trong thời thơ mới. Cung Trầm Tưởng đem lại một cô đơn mới: Cô đơn hiện sinh. Cô đơn của con người trong sự nhận thức lại chính mình. Cô đơn của một Roquentin trực diện với “bản lai chân diện mục” của mình trước gương soi mói, soát lục. Cô đơn của gã tử tù Meurseult, xa lạ với loài người:
“Hoang liêu về chết tha ma
Tiếng chân gõ guốc người xa vắng người”
(Tương Phản)
Và chắc hẳn Wagner dưới suối vàng cũng đã có phần nào trách nhiệm trong cách biến tấu nhịp điệu thể xác và linh hồn lục bát Cung Trầm Tưởng” ./.

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

TUỔI NGỌC, TUẦN BÁO CỦA YÊU THƯƠNG

nguyentruongtrunghuy

10365803_4224297661614_2293984641937827397_n

“Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh
….
Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó
!!!”(*)
Này những TUỔI NGỌC, TUỔI HOA, những người, những bạn..đã mang sầu trọn kiếp chưa, đã đến được bến bờ nào rồi….Tôi không biết, tôi không làm cách chi mà biết được….Nhưng…”còn lại mấy tờ thư”, đây, “của tin còn một chút này làm ghi“…tôi lại lật giở lại từng trang hoài niệm – một hoài niệm đẹp của Saigon – và thấm thía làm sau cái cảm giác “trong lòng thương nhớ cơn mơ lạ kì”…
Mộng này là thần tiên? Mộng này là quyến luyến”…Một cơn mộng đẹp, một cơn mộng vô cùng cần kíp, khi “đời sống đã mang đi hết những câu kinh trinh bạch mà không phải lúc nào, giờ nào, thời nào cũng thổ lộ cùng nhau được”(**)….thì đây, TUỔI NGỌC, thời ấy, năm ấy… và giờ đây, như đang cùng thổ lộ, đang cùng gióng giã lên những hồi kinh tình yêu, tình thân, tình quê…
“…Không gian như có giây tơ, Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu...”(***)
Đã từng có một thời gian, không gian như thế…
Ai cũng từng một lần…bước xuống bậc tam cấp cửa lớp, giã từ, giã từ…những nhung lụa tuổi nhỏ, những hoa gấm ngọc ngà, bước xuống bậc tam cấp ấy..là bước xuống đời…chia xa những hồn nhiên tuổi ngọc, những gương mặt thân quen, những âm vang hạnh phúc…Những thương nhớ muôn vàn ấy, dù muốn hay không, cũng đã phủ kín hồn chúng ta, mất rồi!
Biết đến kiếp nào, đời nào..mới đi lại trên con đường ấy, mới vô tư ngắm gió trời, nghe tiếng ve rả rích và (giả bộ) sầu lo…? Biết đến bao giờ mới còn thấy buổi chiều học trò rực rỡ, buổi sáng học trò mầu nhiệm và buổi trưa học trò với “cỏ biếc, vườn xanh“???
Những mùa hạ xa vắng ấy đã trôi mãi xa, ngàn xa, đã phủ lên hồn ta một chút hanh hao, một chúc tiếc nhớ..nhưng cũng đủ để quay quắt khi vời trông..
Một ngọn gió kỉ niệm đang bay qua và luồn vào trí nhớ, một “trí nhớ nhỏ nhoi“..nhưng đủ chỗ để khi khơi vang từng tiếng động, thứ “tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi“, cũng đủ để ta như kẻ mộng du, lần mò theo thanh âm ấy đế nắm níu được sợi dây nhung nhớ…đi tìm một thời gian nào đó đã nghìn trùng xa cách!
TUỔI NGỌC nắm níu những xa cách tưởng chừng đã ngàn trùng ấy.
Tôi ngỡ ngàng trước những dòng những chữ…(tưởng chừng) vô thức, nhưng đằng sau, là cả một trời hoa mộng, những ủi an và chia sớt về nỗi buồn, những rung động đầu đời, những vụt mất của mối tình đầu, những xao xuyến …nghe ra sao thấy ngọt ngào như hương trái vừa chín tới, ngất ngây như dư vị của một mùa yêu xưa…

1625650_4226293351505_3180577142152878482_n

.. .Trong THƯ TÒA SOẠN, số 1, năm 1971, DUYÊN ANH đã viết:
“Mỗi lần xuất bản báo là một lần hồi hộp. Như cậu trai vừa lớn chờ đợi người tình ở gốc cây. Cây khuất nhất trước cổng trường con gái. Như thí sinh làm bài dở chờ đợi nghe kết quả. Không sai chút nào. TUỔI NGỌC. Tuần báo của tuổi vừa lớn, xin được coi giống như một bài thi làm dở của thí sinh chăm học. Và bạn đọc sẽ là thầy chánh chủ… khảo tuyên bố kết quả. Nếu bạn phán hai tiếng “Đọc được” có nghĩa là TUỔI NGỌC đã đâu vớt”
Xúc động quá, và..dễ thương quá…
Và tôi, giờ đây, có khác chi một nhân vật trong “ÁO TIỂU THƯ” của DUYÊN ANH (và cũng là truyện …khai trương số 1 TUỔI NGỌC năm 1971)
“…Anh đã thật sự giã từ cuộc đời thơ mộng và đang vất vả leo dốc vật chất. Mọi người đều có một lần biệt ly bùi ngùi đó. Chỉ bất hạnh khi sợi khói tương tư vướng vào mắt, người ta không nhớ nổi kỷ niệm đầu đời .
Khói của chiếc xe buýt già làm cay mắt anh.Anh mơ hồ nghe tiếng gió êm đềm mười sáu năm qua luồn vào tâm tưởng . Anh đứng im lặng giữa chiến khu kỷ niệm…”

Nhưng may mắn quá, tôi còn được gặp lại, còn được nhớ lại những xôn xao thưở ấy, “vùng tuổi xanh”… trong tôi còn chưa bay mất…!
Khói tương tư vẫn chưa cuốn lên, mà tôi thấy mắt mình cay cay!
(*): thơ VŨ HOÀNG CHƯƠNG
(**): trích TRỊNH CÔNG SƠN
(***): thơ Xuân Diệu.

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

“Hát nữa đi H. – hát điệu nhạc buồn; điệu-nhạc-quê-hương…”

nguyentruongtrunghuy

Sẽ nói thôi, rất nhỏ…
“Những lời này cho em”…
Sẽ hát thôi, rất khẽ…
“Hát điệu nhạc buồn, điệu nhạc quê hương”…

“Nước mắt rơi cho tình ra đời
Nước mắt khô âm thầm không lời…”

Và nước mắt đã rơi trước hừng đông sau chót, của một ngày cuối tháng Tư nóng giãy, ràn rụa những chia phôi và hỗn mang…

Ôm choàng một khúc hát, cầm tay một giai điệu, soi vào những bừng sắc truyền cảm typo , dìu thêm những gam màu óng ánh một niềm nhớ…từ những nhạc tập thời tiền-thuyền-nhân, tôi biết mình đang gom lại những tả tơi vàng son của một Saigon đã úa nhàu, trên tay – ôi những “gấm nhung phiền thế thời”/ tháng Tư – “dưới mặt trời ngồi hát hôn mê” – ngồi hát (lại) như đang khấn nguyện những bản cầu hồn sầu bi và diễm ảo đã vào sâu dĩ vãng, hát một mình, hát nguyện trong nhà-nguyện-riêng-tây nơi thành-phố-tình-yêu đã mục ruỗng từ dạo đó, để rồi vấy thốc lên từng lớp bụi bảng lãng giữa không trung – Thứ ”bụi khói khóc hư vô” – ôi những bụi khói làm mắt cay vô cớ… những bụi khói thời gian mịt mùng bay lên từ điển lễ khâm liệm – khâm liệm một Saigon đẹp của những “cầu vồng bắc giữa mưa và nắng” – và đó, những lớp bụi cũng từ cuộc đào huyệt một vang bóng Saigon đẹp – đẹp từ những phế tích, từ những cố-tình-huỷ-diệt, từ những vết-tích-chết, từ những “tàn hơi hám cũ” – Saigon đẹp cả đến những cái tên nhân văn của bảng hiệu những ấn quán phát hành – những cái tên mà không cần chi khác, chỉ bằng cách nghĩ để định danh từ những chủ nhân cũng đủ thấy “tầm” & “tâm” của những người muôn năm cũ: Gìn Vàng Giữ Ngọc, Khai Phóng, Kẻ Sĩ, An Tiêm…(đó là còn chưa kể bảng hiệu của những ấn quán xuất bản triệu triệu những ấn phẩm khác như Lá Bối, Diên Hồng, Khai Trí, Trí Đăng, Cảo Thơm, Vàng Son…). Ôi cái đẹp của một thời “Thi ca trong sữa lúa /Tiểu thuyết trên lụa đào”…

Sau cuộc-khổ-nạn-của-người-Việt-Nam, sau trận phần thư khủng khiếp…Những quyển sách, những tập nhạc, im lìm…chờ hát – im lìm chờ mở ra – im lìm cam phận – Hồn một thứ gì đó/ hồn một ai đó đang âm thầm nương náu – Có phải?!?
Khi hát lên những bản tình ca cũ – trí nhớ như đã ướp bằng hương. Hương thời gian dắt mình đi trên “đường xưa lối cũ” về thời “đang nâng niu cuộc tình lộng lẫy” – để thấy lại một khung trời hoa mộng, bỏ hết những thề nguyền và bội phản của những ngày tháng Tư sầu xé lệ tang thương, chỉ còn những rung vang, chỉ còn những thi-nhạc-hoạ, chỉ còn những êm đềm (& ám ảnh) những đôi mắt cô quạnh của tranh bìa Nguyên Khai, Đinh Cường, Duy Liêm, Trịnh Cung, Duy Thanh, Hồ Thành Đức…dặt dìu như một cơn mộng đẹp; những gương mặt chìm ảo như đến từ một cõi chiêm bao – cánh áo bay lên – “đổi gì được đây lấy lại thơ ngây” – những nét đẹp khó nắm giữ, như “cho lần cuối” – “gần thắm thiết trong mối sầu” nhưng cũng “xa như hình bóng, còn gặp lại nhau chăng” & những dòng kẻ nhạc – một yêu dấu đã từng – dịu dàng & mỏng mảnh…”còn tiếng hát gửi người” – gửi những gì xa ngái…

“Sài gòn trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm…”
(Saigon Trường Ca – mở đầu Saigon Ngày Dài Nhất – Duyên Anh)

Ôi những điệu ru kỷ niệm, với bảng lảng hồn đầy và đam mê tình ngất, hôm nay, một mình mình hát – tiếng hát xé mây đưa thời gian trở lại, và dừng lại – dừng lại ở thời thảm-kịch-chưa-dựng-bày, dừng lại ở thời thiên đường – dù biết “thiên đường có thật – chỉ là sự thật – khi đó là những thiên đường đã lỡ”…

“Ngày xưa em lụa đào
Anh nắng vàng xôn xao
Ôi người yêu ngọc ngà
Sợ quên em đêm nhớ
Nụ hôn đêm nào cho
Khi về còn ngẩn ngơ
Dòng sông đưa chuyện tình
Theo sóng đầy lênh đênh
Em lụa phai nhạt màu
Nụ hôn xưa rớm máu
Vạt nắng sáng nguồn cơn
Bây giờ… hoàng hôn!”
(Chuyện Tình – Duyên Anh)

“Ngày đó chúng mình” đã hát, và hôm nay, với một lần xuyến xao được tìm lại /thấy lại bằng những khúc ca – “dung nhan mang tình yêu” chấp chới ẩn hiện về trong trí nhớ…là một cánh rừng mịt mùng thác lá đổ “nối gót người vào dĩ vãng nhạt màu” , là những ốc đảo cô đơn “đã chìm vào cơn mưa”, là những lướt thướt của chấp chới “nắng chiều”, là mãi mãi những tiếng trầm hồ cầm âm u dội vào lòng nhau vĩnh viễn một “chiều đi lặng lẽ, thương nhớ muôn bề”, là những “vì sao đêm đi về bí mật”… rơi xuống đời thành những “giọt nước mắt cho ngàn sau” – giọt nước mắt quạnh quẽ, cô liêu khi “một mình ta đứng nhìn mối tình duyên tan theo”, hay giọt nước mắt phủ xuống hồn người đã tả tơi khi “buồn rơi trên tâm hồn lẻ loi, thương hình hài con người nhỏ bé”, hay giọt nước mắt hòa tan cùng “trời còn làm nước mắt rơi mau/trên vùng tuổi mưa ngâu…”, hay cũng có thể lắm chứ, giọt nước mắt vui mừng khi “có một lần tôi đưa em, đưa em về miền nắng ấm/ những con chim thôi ngủ sau mùa đông lạnh căm” – quay lại cùng từng nhánh rong trôi về nguồn, trong từng sát na của ” năm tháng úa trên lưng tháng ngày”, trong không gian của 1 nơi chốn “sưởi ấm những giọt tình nồng”, trong từng góc phố “mưa giăng chiều nắng tàn”…và trong chất ngất những nghẹn ngào của vùng kí ức; quay về – vẹn nguyên – những buổi trưa “theo em xuống phố”, những buổi chiều “ngày hôm qua trong nắng thiên đường”, những buổi tối “đèn xanh đã tắt giọng hát ân tình”, những ngày “dĩ vãng màu xanh trong thân yêu”, những tháng “gần thắm thiết trong mối sầu”, những năm “thách đố thương đau”…

“…Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua…”
(Ta về – Tô Thuỳ Yên)

Bằng những khúc hát, ta đã về như thế… Về với dĩ vãng & ở lại vĩnh viễn bởi lẽ “Từ đây tôi sống bằng kỷ niệm” như tuyên ngôn một nhân vật từ nhà văn của tuổi hoa mộng Duyên Anh.
Những tập nhạc của một thời hoa mộng, khi anh biết yêu lần đầu – khuôn mặt của thiên đường, khi em biết yêu lần cuối – nụ cười của vực thẳm.
Hát lên đi em ơi, để không còn là những “hiu hắt quê hương bến cỏ hồng”, hát lên đi em ơi, để chờ đợi, để gom lại một chút bụi khói sương của một thiên đường đã lỡ bốc cháy.
Hát nữa đi em, để còn biết “đôi khi hạnh phúc…buồn”, để biết “trong bao kiếp hoang…vui chưa tìm thấy”.

Và hát để đưa bồng bềnh của những đám mây kỉ niệm quay về gần, một lúc nào đó, sẽ rơi rụng xuống trần gian này thành những mơ mộng mông mênh…góp đầy cho một lần thương nhớ…

“mưa thân ái trên tay
tay mỏi rời trong tóc
tóc nhớ ai mọc dài
mắt nhớ ai muốn khóc

tay của em,
tóc của em, và
mắt của em
của mưa của mưa, ừ
của mưa
tay em tay mưa tóc em tóc mưa mắt em mắt mưa

ôi gia tài quí báu của đời ta
ngàn vàng không đổi được”
(Một Chút Mưa Thơm – Mường Mán)

Những “gia tài quí báu của đời ta” này…ở đây, hôm nay, hát lên trong những ngày cuối cái tháng oan khiên – tháng mà ở đó, với nhiều người, bao nhiêu năm trôi qua đi nữa thời gian mãi mãi cũng chỉ có duy nhất một – tháng mà ở đó, nửa đất nước như lên cơn đồng thiếp…

Mưa cũng đã rơi, không còn là những “móc mưa hạt huyền”, không còn là “giọt mưa tìm đến để chia lầm lỡ với người hoài trinh”, không còn là những “giọt mưa trên lá”, không còn là những “giọt mưa rớt trên tượng đá” để ai đó phải đau khổ muôn niên, không còn là những hiền như sương sớm trong tuổi đá buồn với giọt “mưa rơi mênh mang trên hai tay xuôi” …

…chỉ còn là những cơn mưa quái ác …
“qua trận gió kinh thiên”…
& mưa … & nước mắt….
…nước mắt
sau
cơn
mưa…

“Giọt nước mắt nghẹn ngào
biển ướp muối khô tim
Giọt nước mắt oan khiên
Giọt nước mắt cô đơn
…Ôi giọt nước mắt cho những thân phận sắt se
cho những tâm hồn tái tê
cho những con người não nề…
Giọt nước mắt tỏ tình thương ngàn xưa hư vô
Giọt nước mắt tội nghiệp còn thế giới hoang vu
Giọt nước mắt tâm tư
Giọt nước mắt ươm mơ
Rơi xuống em ơi. Xanh ngọc vàng tơ…”

(Giọt nước mắt cho Việt Nam – Duyên Anh)

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

ĐÀ LẠT: CÙNG RÓT BAO NHIÊU NGÀY HOANG…

nguyentruongtrunghuy

Mắc giữa hai cây cành một điệu boston. Rồi bằn bặt giấc thiếp.

Căn nhà màu tím . Lũ lũ diệp lục trườn bò khắp trên ngọn đồi sầu hoang.

Một lắng đọng chìm…chìm xuống giữa những bạt ngàn gió núi đơn côi…chìm sâu hơn lũng thấp…
Dưới lũng, một cánh bướm ngơ ngác bay lạc trong nắng… Một đóa quỳ vàng nở ra như từ vạn đại, một con ong chết trầm mặc trong lòng nhụy như từ ngàn kiếp sau…

Xao xác từ căn phòng trên cây là mênh mông phù ảo những cung điệu…Sang Ngang còn nhiều tình khúc “đổ lệ” khác…Và bây giờ, ám ảnh trong rung rẩy giọng tình âm tính cùa nam ca sĩ Tuấn Anh là “Rồi em cũng bỏ tôi đi”…

“Lùa cơn nắng say vào đôi cánh tay
Lùa cơn gió lên vào đôi môi mềm thấy lòng bồi hồi…”
Ngước lên…

Lá đổ xuống thành một dòng thác nhỏ. Mưa của lá mang theo mùi hương xa ngái. Phải chăng là mùi của một lặng im thông Cam Ly một-chiều-nào-chúng-ta, một ngọt quyện hồng Trại Mát đến-và-đi-phiêu-du-như-gió, một thơm-như-môi-hồng đào hồ Tuyền Lâm của mùa xuân nào phôi pha, và cả bàng hoàng sương nữa, sương sớm Suối Vàng hoặc những giọt lệ đầu ngày ướt trên mi Thung Lũng Hồng.

Cây cuối xuống và lá rụng đầy hồn người, sợi chiều trói mình vào khoảng mông lung, rớt trên lưng chừng đèo một tiếng chim xao xác…

Chợt vang vang về một ý nghĩ ngông cuồng ngày cũ của Thiện: “Tất cả lịch sử Việt Nam đã chết trong tôi. Tôi muốn tất cả nước Việt Nam bị tiêu diệt và chỉ chừa lại thành phố Đà Lạt mà thôi. Chỉ có Đà Lạt mới xứng đáng là Việt Nam trong tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng nhứt và thơ mộng nhất của Việt Nam. Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt …”

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY

12299158_10201076557271999_1006992831975063541_n

Nguyễn-thị-Hoàng “Chút tình xin…đừng lãng quên” * (tuyển truyện từ VĂN)

nguyentruongtrunghuy

Trước khi nổi tiếng với tác phẩm đầu tay VÒNG TAY HỌC TRÒ, Nguyễn-thị-Hoàng xuất hiện trên văn đàn với chất giọng thơ lạ và lẩn khuất đâu đó là một niềm sầu sâu thẳm rất đàn bà như trong những bài thơ ký dưới tên Hoàng Đông Phương trên VĂN…

…Em đợi anh về những chiều thứ bẩy
Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai
Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay
Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật

Cho em xin một chiều vui thứ bẩy
Có nhạc phòng trà có lá me bay
Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ
Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay…

..Người ta chỉ biết nhiều đến Nguyễn-thị-Hoàng khi bà nổi lên với ồn ào scandal “Vòng Tay Học Trò” và trước đó cũng là … một chuyện “ồn ào” với “vòng tay” khác nơi phố biển NHA TRANG.
Nhìn gần hơn có thể thấy, Vòng Tay Học Trò – xuất hiện nhiều kỳ trên 1 tờ báo khá “chính thống” là Bách Khoa và ký tên là Hoàng Đông Phương bắt đầu từ 1966 – ngoài là thành công đầu tay khiến Nguyễn-thị-Hoàng đường hoàng bước vào “chiếu trên” trên văn đàn từ những năm đầu thập niên 60, trong một chừng mực nào đó là 1 cơn déjà-vu..xảy ra đến 2 lần với bà..

Trong một bài phỏng vấn với Mai Ninh, bà Nguyễn  thị  Hoàng đã nói rõ & nói kỹ về quyển này như sau
…Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt. Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng. Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết.
Khi viết, với không phải viết cái gì đã sống, mà trên khung cảnh, sự kiện, nhân vật của khoảnh khắc thoáng qua “trong vai” cô giáo ấy, tăng giảm biến đổi để đúng vóc dáng một câu chuyện. Đã không tính đến chuyện viết tiểu thuyết hay hình thành một tác phẩm với dụng ý, mục đích nào mà chỉ góp nhặt lại những mảnh vụn của một khúc đời đã vỡ.
Thế mà nó trở thành tác phẩm, tác giả với hàng loạt những hệ quả sinh khắc liên hồi từ ấy.
Được lồng bóng trong một giai đoạn thời sự bất an, những ngộ nhận phê phán không thuần túy qua lăng kính văn học nghệ thuật mà nhiều vấn đề ngoài nó.Cái nhãn hiệu độc dược hiển nhiên dễ dán là vô luân lý đạo đức, hay một chữ gì đó tương đương hoặc nặng nề hơn.
Nhưng nó là như thế nào so với hàng loạt những tác phẩm đã dịch và in ra, những câu chuyện có thật trong đời thật. Trong VTHT hay bất cứ đâu, nếu cô giáo yêu một học trò ngoài lớp mình dạy bị kết án thì những mối tình hay hôn nhân giữa thầy giáo với học trò(chuyện thường thấy), lớp mình hay lớp khác trong trường, thì được phép, tại sao?
Nên hình như chủ đề chỉ là cái khiên, những mũi tên nhắm phần sau là một trường hợp, của một giai đoạn.
Nó là cái chìa khóa mở cửa vào một thế giới, nhưng hơn mười năm sau, cũng là thứ chìa khóa đóng kín thế giới ấy lại để có mặt bỗng nhiên vắng mặt.
Nó là cái khởi đầu muốn chấm dứt tất cả những gì trước và sau nó, nhưng thật phản tác dụng, nó lại là cái tín hiệu, là mối nối của những tương giao, hiệu ứng hai mặt của một tính cách định mệnh. Bởi, nó gián đoạn, chôn vùi gần kín thời gian một đời người hay một đời viết, nhưng bù đắp, cái gián đoạn chôn vùi này lại lắng đọng và tích lũy một tố chất cuồn cuộn khác trong hồn nhiên tự tính.
Trên tất cả, nó đem đến những kiếm tìm gặp gỡ và bù đắp cái không là gì cả mà là tất cả của hôm nay, như giọt lửa sau cùng dưới đám tro vùi, thắp lại được một phần còn mong manh mà kỳ thực là cái khởi đầu chờ mong của SỐNG và VIẾT.
Khoảng 71, 72 gì đó, Kiều Chinh và Đặng Trần Thức có tìm gặp NTH định làm phim VTHT. Về sau lại thôi, hình như vì sợ đọ sức với Mourir d’aimer của Pháp. Sau đó (sách hay phim) ai làm gì liên quan đến VTHT, NTH hoàn toàn không hay biết, cho đến nay. NTH vẫn vấp phải những thứ tương tự oan khiên như vậy. Sự thật, những thứ kia là thuần túy phim ảnh, tiểu thuyết, phía mình thì trích dẫn và phóng tác bằng chính những mảnh vỡ đời mình. Ví dụ, một thời gian sau cuốn Ngày Qua Bóng Tối, NTH xem Un Certain Sourire của F. Sagan. Những nhân vật trong NQBT của NTH lại giống như Luc (với Rossano Brazzi Ý), Bertrand, Dominique và Francoise, chỉ khác ở F.S thì phá phách, ở NTH thì rã rời (trong truyện này).
Tấm ảnh nào trên HL? Có người về khi đi mang theo mấy tấm hình NTH trong thời gian viết VTHT, sau khi ra khỏi vai trò cô giáo thoáng qua. Có phải trên trận biến hóa liên hồi của những vai trò và tính cách, con người (hoặc NTH) không thể khoác áo sai lúc và nhầm vai? Chỉ mỗi một điều ngàn muôn năm không thay đổi, cái là tự tính bất biến, hoặc “luyện tập” (không phải luyện tập để có ma lực!), để trở thành bất biến hoại, để có ai còn tìm kiếm kiếp nào sau, còn nhận ra và gặp lại.
NTH xin lỗi về những lời đáp lại không vừa ý những câu hỏi; trong phạm vi bài này và từ mọi phía thắc mắc chưa gặp được nhau. Bởi vì NTH đã không thu nhỏ hoặc phóng lớn mình theo thói thường của một phỏng vấn xưa kia. Chỉ vì những câu hỏi trên đã “chạm mối thương tâm”, nhức nhối mấy mươi năm trời nên đành phóng tỏa không đắn đo suy nghĩ gì hậu quả những lời mình. Cám ơn, MN và “ai đó” (biết có chữ nào qua giới hạn chữ nghĩa?) đã giúp người câm- câm thời khí, không phải bẩm sinh- bỗng được nói “sau ngần ấy năm trời”. Còn gì nữa không? Còn. Vẫn còn. Vẫn còn những gì không bao giờ có thể hết.

Sáng tác sung mãn (như phần nhiều các tác giả trước 1975 – dĩ nhiên trong số các tác phẩm của bà có quyển hay rất hay và dở rất dở). Nhưng trong những cái “rất dở” đó tôi vẫn luôn bắt gặp được điều gì đó rất độc đáo, có khi là cách dùng một từ đảo, một câu văn dài hay chỉ đôi khi là một ý tưởng miên man hoài hoài không chấm dứt…(khác ngược hẳn với văn chương hiện nay, nhiều quyển chỉ…”kiêu” mỗi cái tựa sách, bên trong…là một cùng cực của sự rỗng tuyếch và sáo mòn)

Cái sự miên man bất tận như những lời độc thoại của nhân vật cũng có thể nói là phong cách sáng tác đặc trưng của bà, đặc biệt trong các truyện ngắn trên Văn…

Bà từng nói về việc VIẾT của mình như sau

“Một tác phẩm có mặt từ ba yếu tố: nghĩ (hay cảm), viết, và in. Nghĩ thì như thở, càng bị rượt đuổi vây khổn, càng dập dồn, chồng chất. Viết ra thì khó liên tục nếu ăn ở không yên và chèo chống không ngừng với mọi vấn đề. Nếu vượt hai điều trên được, lại phải đứng dừng trước bức tường thứ ba: in ra, ngoài khả năng của một tác giả tận cùng đơn độc, trong mọi nghĩa. Khi qua đi một khúc đoạn ở cuộc đời hay nỗi niềm riêng, NTH vẫn ngạc nhiên là mình vẫn còn sống và câu hỏi duy nhất là làm sao để in ra, cũ và mới những gì đã ứa ra từ quá trình sống… chín này.”

Tôi không biết lúc bà đang sáng tác những tác phẩm này trên VĂN – bà có một niềm ưu tư hay món nợ tình cảm gì đang nợ nần với ai không mà trong mỗi tác phẩm, để lại dư vị trong tôi đều là một chút buồn…loang ra như nền “trời xanh trên mái cao”, cuộn trào như sóng, cao xa tầm tay với, buồn thấm đẫm vào thịt da qua từng con chữ, từng câu văn…Khi chấm hết mội truyện ngắn, Nguyễn-thị-Hoàng gieo vào độc giả một thứ dung môi “độc hại” nhưng đầy thú-đau-thương “ứa ra từ quá trình sống chin” ấy của bà…

Những nỗi buồn “oan trái” đôi khi mang chút ít dằn vặt “hiện sinh” đã từng gây nên ít nhiều “dè bỉu” nơi những người cho văn chương của Nguyễn-thị-Hoàng chỉ là một thứ văn chương “làm dáng”… (như Mai Thảo?!?) Tôi không biết nên đồng tình hay phủ nhận ý kiến này…?!?

Chỉ biết rằng sự “làm dáng” ấy, hay nói đúng hơn là cái ý thức “làm văn” nơi Nguyễn-thị-Hoàng , nếu có, đến từ sự ham muốn biến tiểu thuyết/ truyện ngắn của mình thành một “phương tiện” để lý giải đời sống, lý giải sự “vô-lý” của đời sống và cái hoa mỹ, nếu có, chính là sự khỏa lấp vết thương sâu trong lòng các nhân vật bất hạnh của mình…Vì hơn ai hết, bà biết, cái kết không viên mãn, cái kết dấy lên như một vết sưng tấy… là bản án mà mỗi nhân vật phải lãnh chịu, không hơn không kém…

Những chữ, những dòng, những chấm và cả những-không-chấm trong truyện ngắn Nguyễn thị Hoàng…như một chiếc thuyền lòng đã mắt nạn và nằm kẹt lại vĩnh viễn nơi người đọc, những “triết lý”, những câu hỏi liên tiếp reo lên trong truyện ngắn của Nguyễn-thị-Hoàng neo lại trong lòng tôi một chút mơ màng trong đời sống chật chội này, nó cũng đủ làm dấy sáng trong tôi leo lét những lân tinh hy vọng, dù là ít ỏi… hy vọng lấy từ chút hơi tàn sức kiệt muốn sống và phải sống… Cái triết lý ấy từng được Nguyễn  thị Hoàng nói đến đâu đó trong nhiều tác phẩm

“Trong mỗi mấp máy , bước chân đi vào hay ra khỏi đời sống hỗn tạp mang mang, trong từng thấp thoáng linh cảm hay cỏn con mơ tưởng của con người đều vẩn vơ dấu vết của bước chân định mệnh. Bước chân đó dù ghé dến thềm đời của một người nào, dù dịu dàng hay mãnh liệt, dù thầm kín hay ngang nghiên cũng đều là một ma lực kì dỵ, vừa dẫn dắt ta theo con đường vạch sẵn từ tiềm thức nhưng đồng thời cũng dìu ta lên một cõi sáng láng nào, dù là khoảng cao phải trải qua bao nhiêu vực thẳm của đời sống và tâm hồn. Sự trốn chạy chỉ là một cách để dấn sâu thêm vào vực thẳm. Và sự dấn sâu tâm hồn hay đời sống vào vực thẳm cũng là một cách để cuối cùng bay vút lên cao” (Cho Đến Khi Chiều Xuống – truyện dài)

Đi sâu vào cõi sống tâm hồn và giải nghĩa… ý nghĩa của định mệnh , phải chăng Nguyễn thị Hoàng cố công đi tìm câu trả lời “Đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn…anh đó” ?!?

Cách diễn tả tâm trạng của người nữ trong những truyện ngắn trên VĂN của bà cũng thật đặc biệt và táo bạo: thường là một trào dâng thèm khát yêu thương, thèm khát được vỗ về… tình thương như là một cứu cánh cần kíp cho đời sống trong từng nhân vật của Nguyễn  thị Hoàng, họ có thể không ăn, không ngủ…nhưng họ phải yêu, phải tận hiến cho tình yêu, phải thở “khói thương nhau”…thì lúc đó họ mới tồn tại…cho đến khi sự bất toại của đời sống xảy đến, những người nữ ấy bàng hoàng nhận ra khuôn mặt đau đớn của đời sống…Buông tay và trượt ngã…nhưng họ, vẫn tiếp tục phải sống, phải đối mặt…
Vẽ thêm nhiều khuôn mặt cho nỗi buồn, Nguyễn thị Hoàng còn biến truyện ngắn của bà hấp dẫn độc giả bằng chính cái cảnh huống bà gán ghép cho những nhân vật như chưa thể bi kịch hơn của mình – có khi là khung cảnh của một đêm tối, chàng trai vô danh nào đó gặp lại cô gái nhỏ năm nào, giờ đã “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề” trong ĐÊM TÀN OANH TRẢO; bao nhiêu kỷ niệm – bấy nhiêu đau đớn… ; có khi lại là một hành trình đi tìm sự cứu cánh trong tình yêu của một người nữ đã qua thời xuân sắc gặp lại người em gái nhỏ năm nào…trao yêu thương để rồi bẽ bàng thấy rõ vị trí của mình, chỉ có thể là bên lề của cuộc sống, khi mà “đi chỉ là dẫm đẹp lên chỗ của những người khác ” trong MÙA XUÂN LÁ VÀNG (cũng có thể nói phải chăng Nguyễn thị Hoàng là nhà văn đầu tiên chạm đến vấn đề nhạy cảm trong văn chương : đồng tính nữ với tinh tế trong ngòi viết không thể “sensual” hơn) ; lại có khi là một cõi sống mịt mùng trong đó tình yêu tìm đến trong một bóng dáng vừa xa xôi, vùa gần gũi nhưng rồi tất cả cũng chỉ là hư ảnh dể rồi cuối cùng con người còn lại trong chính nỗi bơ vơ cực cùng của mình khi tuyệt vọng ùa đến một cách choáng ngợp và bất ngờ trong BÓNG SAO CHÌM , BÓNG MA…Và rồi nữa, sự hạnh ngộ thoáng chốc, tưởng chừng là một nhịp cầu tương phùng giữa hai tâm hồn lạc loài, nhưng rồi, gặp chỉ để càng xa thêm, vì mỗi người đã tự đẩy mình sang hai bờ của trùng dương cô đơn… trong GỢI NIỀM THÂN MẬT…
….
Nữ nhà văn “hồng nhan đa truân” ấy, sau khi khuấy đảo văn đàn trong một thời huy hoàng của văn chương miền tự do, nay đã chọn cho mình một lối sống im lặng…nói như bà trong trường thiên “nhật ký” NHẬT KÝ CỦA IM LẶNG… phải chăng “bất động cũng là hành tung của một kẻ ẩn mình”…Tôi thấy đâu đó cũng có sự “nổi loạn” ngay trong “phát ngôn” có phần yếm thế kia…

Tôi luôn bắt gặp những suy tư rất riêng, và nhiều lúc, những độc thoại này, như một độc thoại dành riêng cho mình trong truyện ngắn Nguyễn thị Hoàng

“…đến một lúc nào đó, ta gặp một người nào, chỉ một lần, dù mến yêu dù thù ghét, cũng chỉ một lần, rồi từ đó cho đến ngày nhắm mắt, vĩnh viễn, dù trái đất còn quay, người ta vẫn có thể còn đi lại, viếng thăm nhau, những đường bay vẫn tiếp tục nối kết mây trời và biên cương nhưng không bao giờ, ta còn gặp lại người đã gặp một lần thứ hai nào nữa, DÙ SỐNG SÓT ĐẾN VẠN TRIỆU ĐỜI TA SỐNG..”

Tôi không mong đó là những gì mà Nguyễn thị Hoàng muốn dành cho chính bà trong đời sống này…
Chút tình…xin đừng lãng quên! *

HUY VESPA
(CHÚT TÌNH XIN LÃNG QUÊN – Tên 1 truyện dài của NTH)

ĐỌC TÙY BÚT MAI THẢO…

nguyentruongtrunghuy

“ Đọc Mai Thảo, không phải là đọc những gì ông viết mà là đọc cái cách ông viết ra những gì ông đã viết. Một căn nhà vùng nước mặn. Một chuyến tàu trên sông Hồng. Một bản chúc thư trên ngọn đỉnh trời. Ðó không phải là những cái truyện, những tên truyện. Ðó là mảnh vỡ của những cuộc đời, long lanh hạnh phúc, ràn rụa nước mắt. Không kể lại được. Phải đọc từng dòng, từng chữ của Mai Thảo, để thấy ông nghĩ, ông viết thế nào về những truyện đó, chứ không phải những gì chất chứa trong những truyện đó”(Nguyễn Đình Toàn)

Đọc Mai Thảo , đặc biệt là những tùy bút dạt dào “nội dung siêu hình cùng những tâm thức lãng mạn, đớn đau..”… là có thể đọc đi đọc lại, mỗi lần đọc là mỗi lần va chạm vào một xao xuyến mới, tiệm cận với một rung động liền kề, hứng chịu một mê đắm từ những giọt mưa cường toan rát buốt sát thương hết những … phiền nhung gấm, mân mê một buốt tấy mê man từ vùng yêu thương còn tưởng như gần sát…

Mai Thảo đã thả cánh bướm Trang Tử trên những nhịp nhàng chữ nghĩa, trên những cuộn xoáy ảnh hình…tạo ra một cú sốc ngôn ngữ “mới” đối với người đọc (không những là trong 20 năm huy hoàng của văn học nghệ thuật miền Nam) mà còn là những độc giả “bây giờ”…để ta/ chúng ta…sửng sốt trước sự khai phóng đủ sức làm độc giả lạc lối trong một thế giới vừa thực vừa phi thực mà tác giả đã xây dựng…đọc Mai Thảo là đi tìm lại thời gian đã mất (hay cũng có thể..là chưa?!?), là ấp ủ một cái đẹp mong manh , là “để tưởng nhớ mùi hương”…

Là người của kỷ niệm, của dĩ vãng, của “căn nhà vùng nước mặn” chợ Cồn, Hải-hậu, Mai Thảo còn là người Hà-nội, người sông Hồng, người Sài-gòn… mà lại rất Paris, rất Camus, rất Sartre.

“Văn phong Mai Thảo dào dạt, mãnh liệt, đau đớn, thiết tha, đó là những chân dung: chân dung kỷ niệm, chân dung sao trời, chân dung Hà-nội, chân dung bạn văn, chân dung nụ hôn, chân dung ngọn cỏ, chân dung Cửu-long, chân dung sông Hồng, chân dung cuộc tình… Đó là những bức họa, ấn tượng, trừu tượng, siêu thực ẩn hiện trong những điệu nhạc jazz trầm uất..”

Ngay từ những ngày đầu “đọc Mai Thảo”, tôi đã bị cuốn hút vào “những rừng từ chương và những biển suy tưởng”, những khai phóng “mở đường” (có thể) gây sốc thưở ban đầu nhưng sau vụt thoát thành một lấp lánh văn phong thấy thấp thoáng đâu đấy trong cách viết một vài tác giả, một phong cách maithảo – với rốt ráo tận cùng ngữ nghĩa của từ này trên danh xưng của một – mỹ tính từ…

Đó, trước hết, đến từ cách dùng chữ MỘT – khi thì là trạng từ, khi thì động từ. Nhưng nhiều nhất là tính từ và động từ. Với cách viết này, Mai Thảo loại bỏ hẳn một số từ khác thường đứng trước chúng. Thay vì “một cuộc lưu đày” thì là “một lưu đày”; thay vì “một nỗi nhớ nhà” thì “một nhớ nhà”; thay vì “một sự khuấy động” thì “một khuấy động”, vân vân. Ta gặp dài dài cách dùng đó trong văn Mai Thảo: một tình cờ, một trao phó, một bùng cháy, một bất ngờ, một vượt thoát, một mê đắm, một yếu đuối….Nhiều. Đã quen với cách viết đó, mà thú thật, đôi khi tôi cũng ngỡ ngàng khi gặp chữ một của Mai Thảo, nhất là khi ông thêm vào sau đó một tính từ nào đó (có khi là một cụm từ) có tính cách diễn tả: một lưu đày dịu dàng vào cô đơn, một lạnh buồn vô tận, một gần gụi diễm lệ…khiến cho câu văn đột nhiên mang một vóc dáng khác lạ, thú vị…

Những “MỘT” chơ vơ và tưởng-chừng-đơn-giản…đã là một đằm thắm rõ nét, một tịch liêu vây phủ…trong lòng độc giả (hay ít ra là trong lòng tôi)…

“- Rồi thì một lạnh buồn vô tận đấy nhỉ? Rồi thì là một nhớ nhà vô chùng đấy nhỉ? Khi, giữa một đêm quê người, một đêm ở Mỹ như đêm qua…”
– Tiếng chuông vang lên, âm thanh mang hình ảnh một đường chỉ thẳng vút truyền đi, thật sâu và thật xa vào một phía bên trong thăm thẳm, ở đó là một im lặng lớn nằm giữa một lắng đọng đầy…”(Những tấm hình của chị Thời)
– …Chính ôm lấy người đàn bà. Người đàn bà của một gặp gỡ ngắn. Một tình cờ ngắn. Một hạnh phúc ngắn” (Hồng Kông ở dưới chân)
– Không có tiếng vang, không có một bùng cháy, một bất ngờ, một khuấy động nào nữa (Mười đêm ngà ngọc)
…”
Cái MỘT trơ trọi đó, phần nào, trong một thoáng nghĩ, tôi tin chắc đó là MỘT của một dáng hình, một trầm tư rất MAI THẢO mà trong những phác họa chân dung từ những văn hữu cùng thời, MAI THẢO là một hiển lộ của một cô đơn đến tận cùng … cũng như Mai Thảo đã từng viết “chết tận cùng đến điểm cuối cái chết”, “Tắt tới cái điểm le lói cuối cùng của lửa.”…

Đó là cô đơn của..
“Sớm ra đi sớm hoa không biết
Đêm trở về đêm cành không hay
Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu
Nơi góc tường in cái bóng gầy”

hay
“Ngồi tượng hình riêng một góc quầy
Tiếng người: kia, uống cái gì đây?
Uống ư? một ngụm chiều rơi lệ
Và một bình đêm rót rất đầy”

Nguyễn Trường Trung Huy

NHỮNG TRANG SÁCH CŨ

1796517_4714740922389_161989185487846309_n

“Tổ quốc bất khả phân đã phân
Từ dòng sông từ bản hiệp định kia
Đất nước mấy nghìn đời không thể mất
Chỉ một ngày đã mất
Lịch sử triệu trang vàng một trang đen đã lật..”
(Mai Thảo)

Trang đen lật ra, mở theo sau là ngàn ngàn triệu triệu những trang chữ khác bị thiêu hủy, bị bức tử…
Hồn phách của cả 1 dân tộc lao đao, lạc loài trên/ theo/ cùng những trang sách tơi tả…

“…một cuốn sách không phải lúc nào cũng để đọc. trên những chuyến đi có khi tôi mang theo sách chỉ để thấy yên tâm: một thứ gì đó mơ hồ nhưng rất quan trọng tôi còn phải nghĩ; hồn của một thứ gì đó vẫn từ lâu chờ tôi biết về sự hiện diện cùng sự mong manh của nó; nỗi buồn mà một người hay một dân tộc nào đó còn phải đi qua… tất cả đang nằm trong quyển sách này. tôi chỉ cần mở nó ra.
tôi mang theo sách và biết rằng nếu tôi đọc và lặn lội một chút, cuộc đời dù trôi bên ngoài, nó cũng trôi bên trong tôi… chúng ta vừa gây ra mọi khổ luỵ trên đời này, vừa gánh chịu chúng với bao nhiêu ngơ ngác, như thể chúng ta không hề là tác nhân.
chúng ta cũng vừa là chứng nhân, nếu chúng ta có một cuốn sách…
nếu chúng ta mở nó ra. nhưng thường thì không.”

Đọc đoạn trên của cô Đoàn Minh Phượng , tôi có cảm giác cô đang viết về những trang sách giấu mặt, ngậm ngùi…/ những trang thơ tự hủy, xót xa…/những trang báo oằn mình, đớn đau… cũng như thân phận của 20 năm miền huy hoàng chứa đựng nó – Đó, vừa là thân phận của miền Nam và cũng là nỗi thống khổ của 20 năm văn chương miền Nam …

Đã nhiều những nát tan và thất tán, “của tin còn một chút này” hàng ngày tôi còn gom góp … là tiếng vọng lại những tiếng nói những tâm hồn – những tâmn hồn đẹp, tự do và bát ngát như nắng Tân Định, như gió Đakao…

Doãn Quốc Sỹ trong một bài viết của mình đã ghi:

Từ sau 1954 đến nay, những người sống chết với đất nước này, đau niềm đau của đất nước này, vươn lên sức vươn bất tuyệt của đất nước này, như VÕ PHIẾN, NGUYỄN MẠNH CÔN…, chúng ta quên họ sau được. Những hoang mang rã rời, những cựa mình bão tố kết tụ nơi những tác phẩm dài ngắn của THANH TÂM TUYỀN, MAI THẢO, DƯƠNG NGHIỄM MẬU, LÊ TẤT ĐIỀU…vân vân và vân vân, chúng ta quên họ sao đượcLàm sao mà quên được những “móc mưa hạt huyền” họ đã khóc cho dân tộc này, và cũng chính những hạt sương mai ấy, họ kết thành muôn ngàn nỗi mừng, mong manh mà trường cửu, nhỏ bé mà muôn vàn tươi mát cho dân tộc này”

Những mặt người, những giọng văn, những ý niệm, những tư tưởng, những xúc cảm… bày biện đủ đầy trên bìa NGHỆ THUẬT kỷ niệm đệ nhất chu niên, 48 năm sau, đọc lại, để nhắc & để nhớ…để tưới tắm hồn người bằng những “móc mưa hạt huyền”…

Những trang sách cũ đã được mở ra…

NGUYỄN TRƯỜNG TRUNG HUY