Từ Một Con Vịt

nguyenthihaiha

Chiyo, cô bé con của một dân chài nghèo rớt mồng tơi và bà mẹ bị ung thư, về sau bị bán cho trà đình rồi trở thành nàng geisha Sayuri nổi tiếng, đã tả căn nhà thời thơ ấu của mình ở trên một triền núi cheo leo, nó có vẻ ngất ngưởng lảo đảo như người say rượu. Căn nhà thời thơ ấu của tôi thì không như thế, nó giống một bức tranh ghép bằng nhiều mảnh giấy màu, như một tấm bích họa.

Má khoe, “Nhà mình ngon lành nhất xóm!” Chúng tôi phải đi bộ từ khu tạm cư đến bến đò. Ngồi trên đò Má bảo ngồi xuống nền ghe, tay giữ thành ghe kẻo ngã xuống sông. Khách đi đò, người lớn, ngồi hai bên thành ghe. Cùng đi chung chuyến đò với tôi có mấy con heo con còn đỏ hỏn, nằm trong giỏ ló mõm ra ngoài kêu eng éc, mũi hếch hếch cố tìm một mùi quen thuộc nào đó, có lẽ là của mẹ nó. Từ bến đò đi vào khu nhà mới định cư của dân nhà cháy cũng chừng hai cây số.

Tôi hơi thất vọng, vì nó không phải là căn nhà ngon lành nhất xóm như tôi tưởng tượng. Trái lại nó như một cái hộp được mặc cho cái áo vá chằng chịt. Vách nhà là những tấm vá theo chiều nằm ngang, mỗi mảnh vá dài và hẹp gồm nhiều màu từ nâu đậm đến nâu nhạt. Mái tôn thì là những tấm vá hình vuông của tôn mới và tôn cũ hơi rỉ sét. Nhà hình hộp, không cửa sổ. Sở dĩ căn nhà tôi có vẻ giống như một bức tranh bích họa dán ghép bằng những mẩu báo giấy bời rời bởi vì Má mua gỗ vụn ở một trại cưa gần đấy. Sau này, tôi mới biết là Má một thân một mình, hai tay cắp hai mảnh gỗ kéo từ trại cưa về nhà, kể cả những khi mưa dầm trên con đường đất sét. Đường đất sét trời mưa đi rất trơn. Muốn không té thì phải đi chân không, hai ngón chân cái phải bấu quặp xuống đất để không bị ngã. Có khi tôi đi học về, trường học ở mãi ngoài bến đò, từ trường về nhà bình yên, nhưng khi đến dưới cổng dàn hoa giấy, chỉ lơ đãng một giây thôi, tôi té lăn quay lấm dơ hết quần áo. Ý là tôi đi tay không, trên vai chỉ đeo cái cặp. Má không than kéo cây nặng mà chỉ than đau ở hai đầu ngón chân cái và bàn chân của Má nứt rạn khắp nơi nhất là phía sau gót. Cất xong cái nhà, ai giúp Má cất nhà tôi không biết, bà bị lao phổi, ho từng búng máu. Tuy nhiên không thể buộc tội Má nói láo, bởi vì so với những căn nhà mái lá,vách đất chung quanh, nó có vẻ rất bề thế. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình may mắn, bởi vì tôi đã chẳng bao giờ mang cảm giác tủi hổ mình là con nhà nghèo.
Một hôm tôi chạy về nói với Má, “Má ơi, nhà trước mặt mới mua một bầy vịt con, dễ thương lắm.” Má thấy vậy ra chợ mua cho tôi một chục vịt con mới nở lông còn vàng óng. Tôi mê lắm. Má dạy tôi xắt rau, xắt hành lá trộn với tấm cho vịt ăn. Cái mùi vịt con trộn với mùi tấm và hành lá làm tôi mê đến phát run. Mấy con vịt con có cặp mắt như hạt cườm nhấp nháy, rỉa ngón tay tôi, rỉa cả mũi tôi khi tôi cầm một chú vịt con đưa ngang mặt. Thả ra khỏi chuồng là chúng chạy theo tôi làm như tôi là mẹ chúng vậy. Nuôi trong chuồng cho đến khi chúng lớn lông cánh mọc lơ thơ thì thả ra đồng ra kênh đào cho nó bơi lội và mò tôm ốc. Tôi chăm sóc đàn vịt kỹ lắm, chúng là bạn của tôi. Đôi khi mất một con vịt vì bị rắn bắt tôi khóc rưng rức cả ngày. Buổi chiều, để kêu vịt về tôi chỉ cần mang thau lúa đứng trên bờ kêu “kía kía,” để cái thau thấp xuống là đàn vịt bu đến ăn. Thau lúa rủ đàn vịt về chuồng, chỉ làm một lần là sẽ trở thành thông lệ. Đôi khi chúng ham ăn ốc ăn cua không chịu về, Má làm cho tôi một cần lùa vịt bằng một thanh trúc dài, có buộc một miếng giẻ ở đầu cần và tôi chỉ đứng trên bờ xua vịt về.

Đàn vịt của tôi lớn lên thì đàn vịt của bác Ba cũng lớn lên. Vịt nhà tôi được ăn lúa nên đến giờ là chạy về chuồng. Còn vịt của bác Ba thì cũng chạy theo đàn vịt của tôi để được ăn ké. Lúa thì ít mà đàn vịt của bác Ba thì cũng như đám con của bác, thường xuyên đói. Tôi khổ sở bảo vệ thức ăn cho đàn vịt của tôi. Hai tay nắm hai cổ hai con vịt, một hai ba, tôi ném. Vậy mà không có con vịt nào bị gãy cổ hay gãy chân, nghĩ cũng lạ thiệt. Dường như trời cũng thương hại những con vịt đói nên ban cho chúng một khả năng tự tồn không dễ bị bẻ gãy. Về sau khôn hơn một chút, tôi nhốt vịt vào sân đóng cổng rào rồi mới cho vịt ăn.

Rồi có một hôm đàn vịt về mà vẫn còn thiếu một con. Tôi đoán có lẽ con vịt này nhập bọn với đàn vịt của bác Ba và quên lối về. Mặt trời bắt đầu lặn, nước kênh đào dâng đầy, gió thổi hây hây, giờ này mà Má đi chợ bổ hàng bán vẫn chưa về. Tôi cần phải đi tìm con vịt này trước khi Má về.

Tôi đi dọc theo bờ kênh đào ra hướng cầu sắt. Bên trái là con kênh đào nước lớn đục ngầu, rộng gấp đôi lúc nước ròng. Bãi lát ven bờ nước ngập lên gần đến ngọn. Bên phải là những ngôi nhà vách lá đứng thành hàng thành luống, chung quanh nhà nào cũng có mương. Nước của con kênh đào chảy theo những cái cống nhỏ vào mương, nhà nào cũng cắm vài bè rau muống hay rau nhúc. Không thấy con vịt tôi đi dần đến chỗ cầu sắt và đến đây thì tôi nghe tiếng vịt kêu.

Quẹo trái tôi sẽ đi qua cây cầu sắt và con đường này sẽ đưa tôi đến trường học ở ngoài bến đò tôi vẫn đi mỗi ngày. Quẹo phải là hướng đi về ngôi chùa mới. Chùa này cũng là do những người bị cháy nhà mới xây chung nên gọi là chùa mới để phân biệt với ngôi chùa cũ ở trên đường ra bến đò và gần đó là một cái đình rất to nơi đó tôi thường ra xem cải lương. Thỉnh thoảng có gánh cải lương hát dạo về trình diễn ở đây. Trước mặt tôi là con đường mòn đầy cỏ u ru cao khỏi đầu người. Đây là một chỗ vắng vẻ, cỏ mọc bít kín lối đi. Thường xuyên khi đi đến ngã tư này tôi chỉ quẹo trái, hay quẹo phải. Tôi chưa bao giờ đi vào còn đường mòn này. Rậm rạp nên tôi sợ có rắn, tuy nhiên, tôi nghe tiếng vịt kêu nên tiếp tục đi lần về hướng đó. Con đường mòn dẫn đến một lối cụt. Cuối đường là bãi cỏ mọc cao, bên ngoài bãi cỏ là khúc quanh của con kênh đào. Tôi mon men đến gần bãi cỏ, tiếng vịt kêu rõ ràng hơn. Buổi chiều, nước lớn, tiếng vịt kêu nghe thăm thẳm buồn, cái buồn lẽ bạn. Con vịt của tôi, có cái bớt đen trên đầu, cái sẹo to ở gần mép vì có lần bị vướng lưỡi câu của bác Hai Tôn ở cách nhà tôi mấy căn, đang ở trong đám lác vừa kêu vừa rỉa nước.

Tôi gọi con vịt về. Kía kía. Nó nhấp nhỏm cái cổ có vẻ muốn theo tôi nhưng lại thôi không theo. Lúc nãy tôi quên mang theo cái cần lùa vịt. Đàn vịt đã nhốt vào chuồng rồi còn xách cần lùa vịt để làm gì. Rất là sai lầm, chứ nếu không thì giờ này có thể dùng cái cần mà xua con vịt. Túng thế, tôi lấy vài viên đá nhỏ ném chung quanh con vịt cho nó sợ mà chạy về. Con vịt hốt hoảng bơi vòng tròn chung quanh bụi lát. Tôi ném thêm vài viên đá nhỏ gần con vịt hơn thì tình cờ một viên đá trúng vào đầu con vịt. Nó quay vòng vòng rồi cắm đầu xuống nước bất động. Tôi húi húi, xuỵt xuỵt, nhưng nó vẫn cắm đầu xuống nước. Có lẽ nó đã chết. Tôi không biết làm sao nên ngồi bệt xuống đất khóc rấm rức. Khóc vì thương con vịt vì tôi mà chết và vì sợ phải trả lời với Má số phận của con vịt và sẽ gặp cái lắc đầu chán ngán thở dài của Má. Tôi chẳng làm gì nên thân.

“Con vịt của mày nó bị kẹt chân vào bụi lác. Chắc là chân nó bị dính dây nhợ gì đó nên càng vùng vẫy nó càng bị kẹt.”

Nghe tiếng nói sau lưng, tôi quay lại nhìn. Con nhỏ tóc hớt bom bê, cao bằng tôi, đầu có cái khăn màu đỏ sậm, rất cũ dính bùn đen lấm tấm. Cái khăn cột như một cái băng đô, để lộ chòm tóc phủ ngang trán.

Tôi nói qua nước mắt: “Tao lỡ tay, chọi cục đá trúng đầu con vịt chết rồi.

“Chắc là nó xỉu thôi, mày chờ một chút nó tỉnh dậy. Sao mày không lội xuống bắt con vịt về?” Con nhỏ đội khăn đỏ hỏi tôi như thế. Trời tối dần, nắng trên sông phản chiếu đủ để tôi thấy cái lúm đồng tiền nhỏ xíu gần khóe miệng của nó. Câu nó nói làm tôi yên tâm nên tôi nín khóc.

“Tao bơi chưa rành. Má tao dặn không đuợc xuống sông khi lùa vịt.” Nhìn mặt nó tôi nói thêm. “Cái đồng tiền của mày coi ngộ quá. Thường thường đồng tiền của người ta nằm ở giữa má còn đồng tiền của mày nằm ở gần mép môi.”
“Ờ, lùa vịt mà không biết bơi dễ bị chết đuối. Bữa nào mày rảnh tao chỉ mày bơi. Mày không có số chết dưới nước đâu.” Con nhỏ khăn đỏ nói.

“Nhà mày ở gần đây hả? Sao tao ít khi gặp mày?” Tôi hỏi. Nó đưa tay chỉ về hướng chùa mới rồi nói “Đằng kia.” Tôi hỏi tiếp, “Ủa, nhà mày ở gần chùa hả, sao tao với má tao đi chùa hoài mà chưa lần nào gặp mày?” Nó nhìn về hướng chùa rồi nhìn tôi, “tao ở ngay phía sau chùa.” Nó nói tiếp “mày có gì ăn không, tao đói bụng quá.” Trong túi tôi có viên kẹo dừa tôi đưa cho nó. Nó nói, “thôi mày đi về đi không thôi má mày đi kiếm đánh đòn bây giờ, để tao canh con vịt cho mày.”

Tôi thấy trời đã tối, và đói bụng. “Mày có muốn theo tao về nhà ăn cơm không? À mày tên gì?” Tôi hỏi. Nó nói, “thôi, tao ở đây, chút nữa mày có rảnh thì ra đây chơi với tao.” Tôi hỏi, “sao mày không về nhà đi?” Nó nhiếc tôi, “mày hỏi nhiều mà hỏi cái gì đâu không. Tao ở đây canh con vịt, chút nữa nó tỉnh lại tao sẽ lội xuống bắt nó dùm mày.” Con nhỏ đội khăn đỏ nói giọng chắc nịch nên tôi không nghi ngờ gì cả. Quên hỏi coi làm sao mà con nhỏ hay quá biết con vịt không chết. Quên hỏi nó là sao nó không vớt con vịt lên giùm mình bây giờ. Tuy nhiên tôi sợ Má rầy nên lật đật chạy về.

Tối hôm đó, khi theo Má đến chùa tôi lén rọc một miếng lá chuối ở cây chuối trồng bên hè rồi gói theo một ít cơm mới nấu và cá khô nướng. Khi Má bắt đầu cầu kinh tôi lẻn ra khỏi chùa chạy đến chỗ ban chiều. Tôi gọi, nhỏ ơi, nhỏ khăn đỏ ơi, nhưng không có ai trả lời. Trong bóng tối mịt mùng, tiếng gọi của tôi rơi vào con sông nước đã bắt đầu lui. Con vịt không còn ở đó, có lẽ nó đã bị nước cuốn đi. Tôi trở lại chùa ngồi đợi Má. Cái chùa này về sau trở nên thân thiết với tôi lắm. Thân thiết vì tôi đã ở đó mấy năm khi có một lúc lẫy hờn tôi ôm gói bỏ nhà đi ở chùa. Không cạo đầu đi tu, vẫn mặc áo dài đi học, nhưng khi qua khỏi cây cầu sắt thì thay vì quẹo tay mặt đi về nhà tôi đi thẳng đến chùa. Mãi khi căn bệnh lao phổi của Má trở nặng, và Má năn nỉ, tôi mới chịu về.

Buổi sáng hôm sau, trước khi đi học, tôi thả vịt ra đồng và ngạc nhiên thấy số vịt đầy đủ. Con vịt tối qua tôi tưởng đã chết và nước cuốn trôi đã về từ lúc nào và làm thế nào để vào chuồng thì tôi không biết. Ban đầu tôi ngỡ là con vịt hàng xóm lẫn lộn vào nhưng cái bớt đen trên đầu và cái sẹo gần mỏ vịt không thể nào nhầm lẫn được. Tôi định bụng sẽ đi tìm con nhỏ khăn đỏ để cảm ơn, và hỏi nó đã làm thế nào để trả con vịt lại cho tôi, chợt nhớ ra là mình không biết chỗ ở của nó.

Má đi chùa thường vào buổi tối, ngày rằm và mồng một. Khi đến chùa tôi cố ý tìm nó khắp nơi nhưng không gặp. Sau chùa có vài căn nhà tôi biết mặt gần hết mấy đứa trẻ. Bên trái của chùa là nhà con Tiền con của cô hai Đẹp. Cô ở nhà quê, chỗ nào đó còn nhà quê hơn chỗ này, có chồng theo du kích, bị bắt tra hỏi mãi nên phải trốn lên Sài gòn. Đằng sau chùa là nhà của ông bà Tư Xị có một đàn con gái tên Khai, Nở, Nhị Hoa, Hường, đúng năm cô nên được gọi là Ngũ Long Công Chúa. Công chúa gì mà nghèo rớt mồng tơi cứ phải qua chùa ăn cơm ké. Kế bên nhà con Tiền là nhà hai anh em thằng Quan thằng Quyền. Thẳng Quan hơi giống giống Ấn Độ, có đôi mắt rất to và hàng lông mi vừa rậm vừa cong. Tôi rong chơi nghịch ngợm khắp nơi mà tôi không bao giờ thấy con nhỏ khăn đỏ. Một hôm đi chùa với Má, tôi ngu dại chê ông Mười bán cơm tấm đánh trống Bát Nhã không đúng bài bản gì cả nên ông nổi giận đuổi tôi ra khỏi chùa. Mọi người bắt tôi mang hương đèn ra xin lỗi ông nhưng tôi đổ chướng, không đúng thì tôi nói không đúng chứ làm gì mà phải xin lỗi. Tôi bỏ chạy ra khỏi chùa và đến bờ sông, chỗ bụi lác mà con vịt bị mắc kẹt, ngồi khóc thút thít một hồi thì tôi nghe giọng con nhỏ sau lưng. “Sao mày ít khi đến đây mà lần nào đến đây mày cũng khóc hết vậy.” Giọng nó bất thình lình làm tôi giật mình nhưng nghe nó cười thì tôi nín khóc ngay. Thật ra tôi khóc không phải vì sợ mà vì giận. Giận là sao không ai bênh mình kể cả má của mình. Tôi kể nó nghe đầu đuôi câu chuyện. Nó nói, “Mày nín khóc đi tao kể chuyện trong chùa cho mày nghe. Cái ông Mười bán cơm tấm đó tu hành gì mà tham sân si dữ lắm. Mày xui lắm mới dám chê ổng, mà thiệt ổng không phân biệt tiếng trống nào là tiếng trống nào. Ông đánh trống bài gì nghe cũng như người ta đánh trống múa lân vậy. Ông sắp đuổi thầy Xuân ra khỏi chùa vì thầy và chị Khai có tình ý với nhau. Chị Khai người nảy nở tròn trịa, một bên mắt bị hột cườm nhưng tính rất dễ thương. Thầy Xuân có miệng móm móm có duyên hết cỡ. Trời ơi thầy chùa gì mà hát vọng cổ hay quá xá hay. Ổng đi tu từ hồi nhỏ, vì nhà ổng rất nghèo nuôi không nổi nên cho đi tu, chứ không phải đi tu kiểu trốn lính như mấy ông thầy chùa khác. Ổng nói đuổi thầy Xuân ra khỏi chùa bây giờ thì thầy sẽ phải bị đi lính.” Con nhỏ nói vanh vách cái gì cũng biết hay thật. Tôi và nó hẹn nhau cứ mỗi lần rằm hay mồng một tôi theo Má đến chùa thì chúng tôi sẽ ra bờ sông gặp nhau nói chuyện chơi.

Chúng tôi nói đủ thứ chuyện. Tôi kể nó nghe chuyện tôi đi học sáng sớm bị heo rượt. Chị Bé lớn chê ông thầy giáo dạy chị tướng đi hai hàng giống như người mắc bệnh phong tình. Nó bảo tôi học bơi muốn cho giỏi thì phải học chìm trước rồi mới học nổi và học bơi. Điều này cũng đúng khi đã hết sợ bị chìm thì tôi muốn chìm cũng không được, thân hình cứ tự động nổi lên, ngay cả khi tôi trầm minh xuống đáy sông, cấu lấy bùn để được chìm lâu lâu chút nữa. Đêm mùa hè nóng nực nó cởi quần áo nhảy tòm xuống sông và nằm thật lâu dưới mặt nước đến độ tôi sợ nó chết đuối. Dưới ánh trăng, mặt nó nhìn xuyên qua lớp nước trông giống như cười. Tôi ngạc nhiên hỏi làm sao mày cười dưới nước hay vậy. Nó dạy tôi khi bơi thì phải gối sóng theo dòng, hễ muốn giữ mạng sống thì không nên bơi ngược nước. Nó chỉ tôi ngôi sao sáng nhất trên trời xéo xéo phía dưới mặt trăng đó là sao Lớn bây giờ tôi biết đó là sao Hôm và cũng là sao Mai. Chùm sao bốn góc hình thang có một dọc ngôi sao bên trên như cái cán chổi là chùm sao bánh lái lớn và gần đó là chùm sao bánh lái nhỏ. Tôi phàn nàn tao không thích ở đây, chỗ ở gì mà kỳ cục không có cầu tiêu. Ngày mới về Má bắt lấy cái cuốc đào một lỗ nhỏ đi cầu xong lấp lại. Có lúc đi cầu cá thì nghe cá quậy mà hết hồn. Mà thôi mình nói chuyện khác đi, nói mấy chuyện này nghe mắc ói quá. Nó nói giọng người lớn, người mình lo chuyện ăn còn không xuể nên không muốn lo chuyện ỉa, rồi cười hì hì. Ngày ở ổ chuột trong thành phố dùng cầu tiêu công cộng, dòi bọ lúc nhúc, trống trước trống sau, nồng nặc hôi thúi nhưng có một chỗ để mình biết đó là cầu xí. Còn ở đây người trong xóm ra bậc tam cấp dẫn xuống sông để đi cầu dơ cả lối đi.

Nghĩ cho cùng chuyện bài tiết là chuyện tất nhiên nhưng không có một chỗ để bài tiết cho kín đáo cũng là một điều mà cả hai đứa bé như chúng tôi cùng hổ thẹn. Tôi kể nó nghe lúc sau này tôi không dám đến chùa không phải vì sợ ông Mười bán cơm tấm sau vụ đánh trống mà vì tôi sợ gặp thằng Quan.
“Nó làm gì mày mà sợ?”
“Tao không sợ nhưng tao mắc cở.”
“Mắc cở vụ gì?”
“Tao thấy nó có cặp mắt đẹp tao thích nhìn. Nó biết tao nhìn nên nhìn lại. Vậy thôi. Một hôm ở nhà trời nắng nóng tao muốn đi tắm. Cái lu nước đầy để tắm ở phía sau nhà. Tao cởi quần áo xong nhưng không có cái gáo múc nước vì tao bỏ cái gáo trong cái lu đằng trước nhà. Tao nghĩ giờ này không có ai ở ngoài đường, chung quanh ai cũng ngủ trưa nên tao đi ra phía trước nhà để lấy cái gáo nhưng tao làm biếng không mặc quần áo vào. Vừa đi tao vừa nghĩ nếu xui xẻo lúc này thằng Quan thấy thì chết.”
“Rồi sao nữa, kể lẹ lên, mày hay ngừng nửa chừng làm tao sốt ruột muốn chết.”
“Tao nghĩ nhưng cứ tiếp tục đi. Chỗ này không phải là chỗ thằng Quan đến. Nó không có bạn ở đây. Trường học thì ở ngoài bến đò. Tao mới nghĩ đến đó thì đã ra đến cửa. Tao chạy nhanh đến cái lu, vớt cái gáo quay lại.”
“Mày gặp thằng Quan?”
“Ờ! Không biết nó đi đâu mà đạp xe ngang, nó nhìn tao, cười, rồi quay mặt đi.”
“Nó thấy mày? Nguyên con?”
“Ờ, nguyên hình nguyên con.”
“Xấu hổ thiệt!”
Hai chúng tôi khúc khích cười. Hai đứa nằm dài ngược chiều nhau đỉnh đầu nó chạm vào đỉnh đầu tôi. Con đường ít người qua lại mưa trôi đất nên đá đỏ lổm chổm cấn lưng khá đau. Đêm không tối đen như người ta nghĩ. Dù không trăng nhưng ánh sáng từ sao từ mây vẫn đủ cho chúng tôi thấy nhau lờ mờ. Tôi thích nghe tiếng gió lướt nhẹ trên sông và xuyên qua cỏ lát. Với nó nói chuyện gì cũng vui cũng cười được. Tôi rủ nó mày về xin với ba má mày đến nhà tao ở luôn. Nó cười.
“Tao không ở nhà mày được!”
“Tại sao?”
“Nhà mày không dư cơm và má mày không cho!”
“Tao xin má tao! Má tao hiền lắm thế nào cũng chịu. Sao mày nghĩ là má tao sẽ không cho?”
“Tại vì tao là ma.”
Tôi cười khúc khích. “Vậy à, ma như mày chẳng ai sợ. Mày là ma thì tao là quỷ. Má tao kêu tao là con quỷ rồi nên ma hiền lắm thế nào Má cũng thương.” Tôi nói.
“Tại mày không sợ tao nên tao với mày mới gặp nhau. Chớ má mày mà biết mày chơi với tao là bà sẽ cấm ngay. Mày sướng mà không biết, mày có má cưng mày quá trời, thử tưởng tượng những đứa nhỏ không biết ba má nó là ai, không có một chỗ ở, suốt ngày chờ mà không có ai để chờ, có tên nhưng chẳng ai gọi nên lâu ngày như không có.”
“Ờ nói tới tên mới nhớ, mày tên gì?”
“Mày muốn kêu tao bằng cái gì cũng được, cần gì phải biết tên tao.”
“Mày sao điệu đà quá hỏi tên mà cũng không nói.”

Có một hôm nó móc trong túi một cục gì giống như kẹo màu đo đỏ nhai rồi thoa lên mu bàn tay phải của tôi, bảo là trả lại cho tôi cái gì của tôi và cũng để nhắc cho tôi nhớ nó. Lúc đó da tôi khô lại như bị thoa vôi chứ không thấy đau rát gì cả. Bẳng đi một thời gian không thấy nó tôi buồn muốn điên. Có một đêm đang ngủ, trăng sáng, mơ hồ tôi nghe có ai gọi, tôi thức giấc lén mở cửa lò dò ra bờ sông. Tôi thèm có người trò chuyện với tôi. Má ngủ tiếng ngáy khò khẹt không đều làm tôi sợ Má sẽ nín thở và chết. Ngồi ở bờ sông một hồi tôi đi về. Đang đi tôi nghe có tiếng xe đạp cán trên mặt đá đỏ lào xào phía sau. Giờ này khuya lắm rồi trăng đã lên đến đỉnh đầu. Tôi không muốn người đi xe đạp nhìn thấy tôi nên lủi vào bụi cỏ khom người chạy nhanh về nhà. Người đạp xe như có gì đó tò mò hoặc nghi ngờ, hắn chạy một đổi xa đến con đường ở phía sau nhà của tôi rồi quanh xe trở lại như để tìm tôi nhưng lúc ấy tôi đã vào nhà.

Chiều hôm sau khoảng bốn giờ có người dựng xe đạp ở giàn bông giấy và hỏi má tôi. “Thưa bác, ở đây có hai cô bé cao chừng này không?” Người thanh niên có vẻ trẻ hơn anh tôi, có lẽ chưa đến ba mươi, tay để chừng ngang ngực anh để ra dấu chiều cao các cô bé anh ta muốn hỏi. Chợt nhìn thấy tôi, anh nói cở cô bé này. Anh hỏi tôi, “đêm qua em có đi đâu ra khỏi nhà không?” Dĩ nhiên là tôi chối biến đi, vì sợ Má đánh đòn tội nửa đêm lén nhà ra sông. “Dạ không, tối em không đi đâu cả. Đi để làm gì?” Má muốn biết đầu đuôi câu chuyện nên anh kể là anh đang đạp xe về thì thấy có hai cô bé từ bờ sông đi lên. Anh đoán là hai cô bé xuống sông để đi cầu, nhưng thoáng một cái đã biến mất tiêu. Anh đoán chắc nịch một cô bé là tôi, vì tóc bom bê. Má nói xóm này chỉ có nó là con gái. Còn con nhỏ kia ra làm sao, anh nói cũng cao tương đương, nhưng có đội cái khăn.

Té ra đó là anh hàng xóm mới dọn về đây ở. Anh ta về rồi Má biết tỏng tôi nên hỏi to hỏi nhỏ vặn vẹo mãi nên cuối cùng tôi kể Má nghe về con nhỏ đó. Má dẫn tôi đến bờ sông chỗ tôi và nó thường ngồi trò chuyện với nhau nhưng chẳng tìm thấy gì. Chung quanh chỉ toàn cỏ mọc và sát mé nước cỏ che lấp hết có một cái miếu rất nhỏ chỉ bằng cái lồng chim. Trong miếu có một tấm bài vị đã phai bạc hết màu không còn nhìn thấy chữ nghĩa gì nữa. Trong chùa ở hậu liêu có một bài vị của một cô bé mười một tuổi, chết đuối. Người nào đó biết chuyện bảo rằng con nhỏ đi tìm con vịt lỡ chân té xuống sông chết chìm. Mẹ nó gửi bài vị vào chùa từ lúc chùa mới xây rồi bỏ đi mất luôn không ai biết tông tích nữa. Phía sau bài vị có ghi tên con nhỏ, ngày sanh tháng đẻ. Một sự trùng hợp lạ thường, nó cùng tên, cùng ngày tháng và năm sinh với tôi. Người ta không ghi giờ nhưng chắc là nó phải sinh vào ban đêm lúc tối tăm nhất. Má cấm từ nay không được đến góc sông này. Cấm không được chơi với con nhỏ đó. Má nghĩ là nó âm mưu bắt tôi theo. Điều đáng buồn là về sau không ai bắt mà tôi vẫn bỏ má tôi. Càng lớn lên tôi càng đi xa, càng tách rời, càng nổi loạn rồi bỏ Má đi đến tận bên kia bờ đại dương. Con nhỏ khăn đỏ có lần nói thường thì người ta sợ mất con hơn là sợ mất mẹ. Thường thì con bỏ mẹ nhiều hơn mẹ bỏ con. Chỉ những người bị bỏ mới cảm thấy cái bất hạnh này.

Lúc chuyến tàu tôi đi bị chết máy, cả tuần lênh đênh trên biển, tôi nghĩ đến lời con nhỏ bảo rằng số tôi không chết dưới nước. Thử tưởng tượng, không biết chết vì no, no vì nước tràn vào miệng đầy bao tử, tràn vào mũi ngập phổi hay chết dần mòn vì đói và khát cái nào đáng sợ hơn. Nhớ cái mặt của nó nằm dưới nước cười. Tôi tự hỏi không biết có thật nó là ma hay không hay chỉ là một sản phẩm trong óc tưởng tượng của tôi, vì thiếu bạn mà tự chế ra một đứa bạn để trò chuyện cho đỡ buồn. Tóm lại chỉ có mình tôi thấy nó, biết nó, và nói chuyện với nó. Trên mu bàn tay phải của tôi nơi con nhỏ trét vào tay tôi một chất gì như vôi vẫn còn cái bớt màu đỏ tươi. Đây có thể là một bệnh ngoài da. Nhưng tôi không giải thích được làm sao anh hàng xóm thấy trong cái đêm trăng sáng đó cùng chạy bên cạnh tôi có một con bé đội khăn. Tôi hỏi nó sao mày lúc nào cũng đội khăn. Nó nói tại cái đầu tao vừa bị méo vừa bị sẹo ghẻ xấu lắm. Má nói khi chôn người chết người ta cho đắp lên mặt cái khăn màu đỏ. Tôi và con nhỏ là hai linh hồn ở hai thế giới khác nhau, do một tình cờ của định mệnh, chỉ có thể gặp nhau trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, trò chuyện đôi lần rồi đường ai nấy đi, đời ai nấy sống (và chết). Tôi không biết cơ duyên nào đưa chúng tôi đến với nhau nhưng từ lúc đó tôi tôi luôn luôn thèm có một người bạn như thế để chia sẻ mọi vui buồn với tôi.

Người ta nhớ về một quê hương có hoa thiên lý, lũy tre còm tả tơi, con sông đào xinh xắn, cánh diều biếc bay trên đồng. Tôi cũng nhớ quê mình, bên cạnh tất cả những cái đẹp tha thiết dịu dàng của quá khứ, còn là vùng đất nghèo nàn thiếu cả cái cầu tiêu. Gần đây đọc quyển Anh Em của Yu Hua thấy nói lu bù chuyện cầu tiêu công cộng, nhân vật trong truyện dám lội xuống hố phân mà cứu người. Rồi đọc quyển Kế thừa sự thua thiệt mất mát nhân vật trong quyển này nhớ lại lúc rời quê hương đi nước ngoài nhìn thấy dân làng của ông ta ngồi dọc theo đường rầy xe lửa mà đi cầu, tôi không khỏi liên tưởng đến câu chuyện ngày xưa tôi và con nhỏ ma than thở và hổ thẹn vì không có chỗ đi cầu kín đáo. Tôi muốn nói với nó, Nhỏ ma à, không phải chỉ có dân xứ mình chỉ quan tâm đến chuyện ăn mà không màng đến chuyện bài tiết. Dân của hai cái xứ lớn hơn xứ mình là Trung Hoa và Ấn Độ cũng cùng cảnh ngộ đó thôi. Thỉnh thoảng cái bớt đỏ trên tay tôi ran rát như nhắc nhở tôi rằng con nhỏ vẫn ở quanh đây, vẫn nghe tôi nói như ngày xưa chúng tôi đã nói chuyện với nhau bên con đường đầy cỏ cạnh khúc kênh đào vắng vẻ. Tôi không khỏi tự hỏi liệu có lúc nào chúng tôi sẽ gặp lại nhau. Và chúng tôi sẽ cùng đồng ý là bao nhiêu năm qua, vật đổi sao dời, vậy mà quê hương chúng tôi vẫn lo mỗi chuyện ăn và vẫn không quan tâm đến chỗ bài tiết.

NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

Advertisement

Bạn bây giờ đã quên

nguyenthihaiha

Tôi tìm cái giếng rồi nói vọng vào
chuyện không thể nói ám ảnh suốt đời ân tình đứt đoạn trói buộc khôn nguôi[
1]

Bây giờ, tôi không còn nhớ mặt bà nữa. Nếu có đi trên phố chạm mặt nhau tôi không chắc là tôi có thể nhận ra bà. Tôi gặp bà đúng hai lần. Bà có dáng cao, mảnh mai, dễ nhìn, dù không trang điểm. Không còn nhớ nét mặt bà nhưng tôi vẫn nhớ trường hợp chúng tôi gặp nhau. Và chính cái trường hợp ấy đã khiến tôi thầm xem bà như bạn.

Hôm ấy, đầu mùa hè khoảng hơn năm giờ chiều, giờ tôi đi làm về. Ở đây, mùa hè năm sáu giờ chiều vẫn còn nắng. Bướng, đứng giữa phòng khách ngó ra đường. Mặt nó căng thẳng, tôi dò hỏi.
– Có chuyện gì?
– Tóc Đỏ đang trên đường đến đây.
Tóc Đỏ và Bướng yêu nhau chừng hai năm. Hai năm tình lận đận, tụi nó cãi nhau, đòi bỏ nhau ba bốn lần. Gần đây có chuyện gì không biết hai đứa hục hặc dữ dội. Tôi hỏi thì Bướng gạt ngang “Con không muốn bàn chuyện này.”
– Mẹ tưởng con với nó đã nghỉ chơi rồi. Nó đến đây để làm gì?
– Chị của nó nói nó khóc um sùm, đòi chị nó chở đi đến đây để năn nỉ con. Nó đang say rượu. Chị nó không chịu chở thành ra nó đi bộ.
– Con gọi điện thoại cho bố mẹ nó biết đi. Kêu bố mẹ nó đến đón nó về. (Tôi cố giữ cho giọng từ tốn không hốt hoảng hay nạt nộ.)
– Gọi rồi. Bố nó không bắt điện thoại. Mẹ nó đi làm chưa về. Chị nó nói bao giờ mẹ nó về chị nó sẽ nói với mẹ nó. Bướng trả lời xẵng giọng, như muốn bảo “biết rồi, nói mãi.”
*
Tóc Đỏ dành tôi ra khỏi tay Tóc Vàng lúc cả ba đứa chúng tôi ở cuối năm Senior[2]. Mẹ nói là lớp mười hai. Thật ra tóc nó không phải màu đỏ mà là màu nâu sậm. Buổi chiều trước khi đến giờ Prom (dạ tiệc trước khi tốt nghiệp Trung học), Tóc Đỏ nhuộm mái tóc nâu của nó thành màu đỏ. Nó biết mẹ nó sẽ nổi giận nhưng nó cứ muốn làm như thế để đánh dấu ngày nó trưởng thành. Tóc Đỏ có đôi mắt mơ màng, lông mi cong và rất dài, nó rất hay buồn và hay khóc. Tóc Đỏ và Tóc Vàng chơi thân với nhau dù tính tụi nó rất khác nhau. Tóc Vàng là con nhà giàu còn Tóc Đỏ là con nhà nghèo. Tôi biết Tóc Đỏ thích tôi, dù biết tôi và Tóc Vàng cặp bồ với nhau, vì nó hay nhìn tôi và cái nhìn của nó nhiều khi rất hỗn. Nó thích học ngành tâm lý học. Nó nói nó hiểu tâm lý con gái, và khi không có Tóc Vàng nó nói riêng với tôi. “Tớ cũng xứng đáng được yêu thương chẳng kém gì ai, mà sao chẳng ai yêu thương tớ.”
Trong một buổi chơi bóng chuyền, có đứa nào đó ném bóng một quả bóng khác vào đầu tôi rất mạnh làm tôi bất tỉnh. Tóc Vàng an ủi tôi rồi để chocolate lên bàn học của tôi. Tóc Vàng cao và gầy, tóc nó xoăn xõa trên trán trông rất nghệ sĩ. Tóc Vàng giỏi computer, có thể viết codes, sửa computer, còn biết đàn guitar nữa chứ. Tụi con gái chê Tóc Vàng geeky[3] nhưng tôi thích nó. Cuối năm Junior (lớp 11), Tóc Vàng đậu bằng lái xe và ngay lập tức mẹ nó tặng cho nó chiếc Honda màu bạc. Có xe, suốt mùa hè trước khi vào năm Senior tôi và Tóc Vàng gặp nhau. Mẹ không muốn tôi có bạn trai sớm, nói nầy nói kia, nhưng làm sao cấm tôi được. Suốt năm học Senior, tan học Tóc Vàng đưa tôi về nhà, tôi không phải đi xe buýt chật chội và bị tụi Mỹ trên xe bắt nạt. Bố Mẹ đều đi làm, tôi muốn làm gì thì làm miễn là đừng có dại mà khai ra.
Lâu rồi, trong lúc đưa tôi đi bác sĩ, Mẹ nói:
– Con đừng ngủ với con trai quá sớm, phải biết bảo vệ thân thể con để tránh bệnh tình dục hay có thai. Tốt hơn hết con chờ đến khi nào con gặp tình yêu đúng nghĩa hãy làm chuyện đó.
Tôi quay mặt ra bên ngoài cửa kính xe, để khỏi phải nói chuyện với mẹ. Mẹ chẳng biết gì cả, không hiểu tuổi trẻ, hở một cái là diễn thuyết hết cái này đến cái kia. Đứa nào khi tôi yêu tôi cũng thấy đó là tình yêu đúng nghĩa, tình yêu thật cả. Có ai yêu dối được bao giờ.
– Mẹ đừng nói với con chuyện birds and bees[4] có được không? Con đã học giáo huấn tình dục từ hồi năm freshman (lớp tám) rồi. Học trò trong lớp thực tập bằng cách đeo bao cao su vào trái chuối. Tóc Vàng nó theo đạo Thiên Chúa. Nó sẽ giữ trinh tiết cho đến khi nào nó chính thức lập gia đình.
Mặt Mẹ giãn ra, bớt lo lắng làm tôi cười thầm, thương hại mẹ. Mẹ dễ tin lắm. Tôi nói Bác sĩ viết toa để mẹ mua thuốc ngừa thai cho tôi. Tên thuốc là tên khoa học không phải hàng hiệu, tôi nói để điều hòa kinh nguyệt, tránh đau bụng, và trị mụn là mẹ không nghi ngờ gì cả. Chính vì tin tôi nên mẹ không tránh được vẻ kinh ngạc và kinh hoàng khi có một hôm mẹ về sớm và bắt gặp tôi đang hành sự với Tóc Vàng. Mẹ gõ cửa phòng tôi, ban đầu nhẹ tôi không nghe vì đang bận rên rỉ, khá mạnh. Mẹ gọi tôi và Tóc Vàng ra cho mẹ nói chuyện. Vì bị bắt quả tang nên Romeo của tôi không thể nhảy qua cửa sổ chuồn đi như thường lệ. Mẹ hỏi Tóc Vàng “Bướng bảo với tôi cậu sẽ giữ chữ trinh vì cậu theo đạo Công giáo mà.” Mẹ có vẻ ngơ ngác, một chút phẫn nộ và đau đớn nữa, nhưng chính cái vẻ chưng hửng của mẹ làm tôi phì cười. Và cái cười phì của tôi làm mẹ càng thêm giận dữ. Tôi nghĩ, mẹ tôi càng ghét tôi hơn. Tôi chẳng màng đến cơn giận của mẹ. Who cares?
*
Tôi không biết cách nói chuyện với con tôi. Nói tiếng Việt thì nó không hiểu trọn vẹn. Không hiểu nên không nghe lời. Còn nói tiếng Anh thì tôi ấp a ấp úng ba trật bốn vuột nên không thể thuyết phục nó. Người Mỹ đánh giá sự thông minh của một người qua cách sử dụng ngôn ngữ. Vì tôi nói tiếng Anh dở, con tôi nghĩ là tôi khờ, ngu nữa là đằng khác. Tôi mở miệng chưa kịp nói hết câu nó đã nhảy tót vào trong họng tôi mà ngồi. Chẳng những thế, khi hai mẹ con bắt đầu tâm tình, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh, thì Bố nó gằn giọng nghiêm trang. “Nói tiếng Việt!” Thế là cả hai mẹ con cụt hứng bỏ đi chỗ khác. Nhưng nếu tôi và con Bướng có thể nói chuyện tay đôi bằng tiếng Anh hay tiếng Việt thì tôi sẽ nói gì với con tôi?
Con gái Mỹ không có cái khái niệm giữ gìn chữ trinh, trừ những cô thật là ngoan đạo. Các cô không hề nghĩ con trai dắt mình vào giường là lợi dụng mình, cũng không để dành cái ngàn vàng gọi là dâng hiến cho một người nào đó. Không biết, có oan hay không, khi đổ thừa phim ảnh Mỹ đã đầu độc trẻ con từ khi chúng mới mười ba mười bốn tuổi, bằng ý nghĩ phá trinh để đánh dấu ngày mình trưởng thành. Tình dục, được các cô bé dùng để chứng tỏ sức mê hoặc của thân hình son trẻ. Có được một chàng đẹp trai, chơi thể thao giỏi, thèm muốn thân xác mới lớn của các cô là một điều hãnh diện, một chiến công với đám con gái trang lứa. Tôi nhìn toa thuốc ngừa thai của Bướng, nghĩ thầm, “rầy mắng vô hiệu, hãy xem đây là điều may mắn vì nó biết lo ngừa thai!” Tụi nó làm tình ở đâu nếu không cho nó làm tình ở nhà? Không phải là chuyện đáng khen ngợi, nhưng nếu cấm nó ngủ với trai ở nhà mình thì nó sẽ ngủ ở nhà của thằng đó. Cha mẹ thằng đó bắt gặp sẽ mắng con mình và mắng cả mình không biết dạy con. Nếu tụi nó làm tình ngoài công viên, sau thùng rác, dưới mấy cái băng ghế của vận động trường thì sẽ bị cảnh sát bắt. Dù gì con mình cũng phải chịu tai tiếng xấu hổ hơn là tụi con trai. Tôi không biết khi chuyện ấy xảy ra, các bà mẹ Mỹ nghĩ thế nào, nhưng với các bà mẹ Việt thì cái xấu hổ nó tăng lên thành nỗi nhục nhã. Nhục với gia đình, tổ tiên, và cả văn hóa Việt. Người Mỹ họ sẽ nói, con gái Việt lố lăng như thế. Riêng tôi, con hư là nỗi đau ngấm ngầm, đau vì mình không biết dạy con. Con tôi cũng không thể nào tưởng tượng được chuyện yêu đương bồ bịch của nó lại là cái nhục cho tôi.
Nhiều người bảo, con gái khó dạy hơn con trai. Tôi không biết có thật như thế không và nếu có thì khó hơn như thế nào. Nuôi con gái nếu không sợ mất trinh thì chỉ sợ có thai. Sợ có thai thì đã có thuốc ngừa thai. Ở Mỹ thời bây giờ cho dù có thai cũng không phải là chuyện trời sập. Không phải như thời phong kiến ở Việt Nam có thai hoang thì bị đánh đập chết đi sống lại, rồi cạo đầu bôi vôi cho tóc không thể mọc ra, rồi đuổi ra khỏi nhà thậm chí khỏi làng. Cũng không phải như đàn bà Trung quốc có người chửa hoang, mới vừa đẻ xong người ta vây quanh nhà đòi bắt cả mẹ lẫn con. Sợ bị đánh và bị hiếp người mẹ đã ôm con nhảy xuống giếng tự tử. Ở đây, đẻ thì nuôi. Không nuôi thì đem cho. Hay tống đứa bé cho bà ngoại nuôi. Đó là nỗi sợ của tôi. Tôi rất sợ tuổi già còn phải nuôi vừa con vừa cháu ngoại. Nhưng dẫu sao điều này vẫn còn ít đáng sợ hơn nếu con mình đem con nó bỏ ở mấy cái trạm thu nhận trẻ em chửa hoang bị bỏ rơi. Báo chí lâu lâu lại đăng chuyện mấy bà mẹ trẻ ném đứa trẻ mới sinh vào thùng rác hay bỏ vào cầu tiêu. Trên tất cả nỗi sợ đó là sợ con mình khổ, sợ con mình rơi vào cảnh túng nghèo vì bỏ dở dang chuyện học hành. Sợ con mình làm bậy có thể đưa đến tù tội, và tan nát tương lai.
Buổi chiều trước khi Prom của Bướng và Tóc Vàng bắt đầu, mẹ của Tóc Vàng nhắn với tôi:
-Tôi không thuê thợ chụp ảnh chuyên nghiệp. Bà có thể đến nhà tôi chụp ảnh cho Bướng với Tóc Vàng.
Chiều hôm ấy là lần đầu tiên tôi gặp Tóc Đỏ. Bướng đứng giữa, mặt mày rạng rỡ. Cái áo dạ hội màu tím khoe mảng ngực trần căng phồng. Con nhỏ hơi đẫy nên đầy đường cong quyến rũ. Tóc Vàng và Tóc Đỏ đứng kè hai bên Bướng. Bướng cao hơn tôi, 1m62, nhưng so với hai thằng Mỹ thì chỉ mấp mé đến ngực
Tóc Đỏ mặc bộ đồ com lê màu trắng, tóc nhuộm đỏ. Nếu không có mái tóc đỏ trông nó khá giống Elvis Presley, lúc nhạc sĩ này đã nhậu nhẹt chơi bời quá độ trở nên mập bệu. Tóc Đỏ chẳng buồn ngó vào ống kính. Đôi mắt nó từ trên cao cứ chiếu thẳng xuống bộ ngực căng tròn của con Bướng. Chướng mắt thiệt. Một bà hai ông, cứ như là chuyện Táo quân. Tụi trẻ không có khái niệm chung tình à? Hay tụi nó chỉ là bạn thôi, tình bạn giữa nam và nữ đám già cổ hủ như tôi không thể nào hiểu nổi? Tôi lớn lên trong cái quan niệm hễ bạn thì không có quan hệ tình dục. Giữa tụi nó chỉ là tình hờ thôi? Hay tụi nó không biết đến quan niệm “yêu ai yêu chỉ một người?” Người ta sẽ nghĩ gì nói gì về con tôi khi nó bồ một lúc với hai thằng Mỹ? Sau lưng của những cô gái hư hỏng là những bà mẹ thất bại?
*
Độ một tuần sau ngày mãn khóa Trung học tôi nói với Mẹ là tôi đã nghỉ chơi với Tóc Vàng và tôi yêu Tóc Đỏ. Mẹ không tán thành:
– Mẹ không thích cái thằng đó. Nó như là đồ rắn độc ấy. Nó là bạn của Tóc Vàng mà lại dụ con.
Tôi cự:
– Chẳng ai dụ con cả.
Mẹ không biết. Tôi đã cãi nhau với mẹ của Tóc Vàng vì mẹ nó mắng nó là thằng bất tài nhu nhược, làm khổ bà. Tóc Vàng hăm tự tử thì mẹ nó nói có gan thì chết đi cho rảnh nợ. Tôi nghĩ làm mẹ mà nói như vậy với con thì rất là sai lầm. Tóc Vàng chỉ có khóc nhưng tôi thì nói thẳng với mẹ nó bà là một bà mẹ xấu. Bà nổi giận, cấm không cho chúng tôi gặp nhau nữa.
Chỉ một tuần sau khi tôi và Tóc Đỏ “go out”(đi chơi) với nhau, Tóc Đỏ đòi nghỉ chơi với tôi. Dành tôi ra khỏi tay Tóc Vàng và bây giờ thì đòi bỏ tôi. Dĩ nhiên là tôi khóc.
Mẹ nói:
– Thấy chưa. Karma (trả nghiệp) mà. Con bỏ Tóc Vàng nên bây giờ Tóc Đỏ bỏ con. Ít ra Tóc Vàng nó còn có tài sửa computer còn thằng này chẳng có tài gì cả.
Tôi ghét cái cách mẹ nói chuyện với tôi. Bà không nói ra nhưng tôi biết bà muốn nói ít ra Tóc Vàng còn có xe, còn Tóc Đỏ thì đi đâu cũng phải có người đưa đón.
– Tóc Đỏ chỉ nhát gan thôi. Nó chưa quen với chuyện tình yêu, nó sợ commitment. Nó cứ nói “chuyện không thành đâu, chúng mình đi học ở hai nơi khác nhau, nên break up ngay từ lúc này.” Để từ từ tôi sẽ huấn luyện nó.
– Nó mới quen với con mà đã đòi bỏ con thì lâu dài không tốt.
Tôi nạt:
– Mẹ đừng bàn chuyện của con có được không. It’s none of your business.[5]
Tôi nhìn mặt mẹ tôi bành ra, giận dữ đến độ méo mó xấu xí. Nếu tôi đứng trước mặt Mẹ thêm một phút nữa chắc là Mẹ sẽ xông vào cấu xé tôi. Tóc Đỏ bỏ tôi vì nó ghen. Nó không muốn tôi giữ tình bạn với Tóc Vàng. Nó nói hễ bồ thì không bạn, hễ bạn thì không bồ. Tôi quan niệm khác. Trước khi là bồ tôi và Tóc Vàng là bạn. Tôi muốn giữ tình bạn ấy.
*
Bướng khóc hù hụ mỗi lần bị Tóc Đỏ đòi nghỉ chơi. Nó rống thảm thiết đến độ tôi tự hỏi nếu lỡ tôi hay bố nó lăn ra chết nó có khóc nhiều và rống to như thế không? Mỗi lần thấy con quằn quại tôi đau lòng, nhưng không biết phản ứng thế nào. Tôi muốn ôm nó vào lòng giải thích con yêu sớm như thế chỉ làm tan vỡ trái tim của con, nhưng tôi sợ nó sẽ xô tôi ra. Và thật tình tôi giận nó lắm. Giận nó đã không nghe lời tôi, đã bướng lại còn hỗn. Giận nó không biết giữ thể diện. Người ta đã nói không yêu mình thì thôi, khóc lóc làm gì. Nhưng già như tôi thì còn biết gì về tình yêu chứ. Với tôi, bây giờ chỉ có trách nhiệm, tình yêu đã chết từ lúc nào không ai hay. Tụi con nít làm sao biết được trong cuộc sống lứa đôi, tình yêu chết trước nhất, chỉ có trách nhiệm là tồn tại.
– Mẹ không thích Tóc Đỏ. Đứa nào đối xử không tốt với con, làm con khóc Mẹ không ưa. Con đừng yêu nó nữa có được không?
Nó nói như một bà cụ non.
– Con thà yêu mà đau khổ còn hơn suốt đời không biết yêu là gì.
Thật ra, tôi ghét Bướng vì nó có nhiều cái giống tôi, nhất là giống những tật xấu như ngu và mê trai. Nó bỏ thằng Tóc Vàng, con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai, để yêu cái thằng mập phệ, không có xe. Mỗi lần hai đứa hẹn nhau hoặc là chị hoặc là mẹ của nó phải đón đưa. Còn tôi cũng phải đưa đón con Bướng. Tôi gặp mẹ Tóc Đỏ trong một lần tôi đưa Bướng đến nhà Tóc Đỏ.
*
Khi người đàn bá Á châu thả Bướng trước cửa nhà tôi, trông bà đầy vẻ phiền muộn. Bà mở cửa xe, xuống chào tôi, nhưng hình như tâm trí của bà ở đâu đâu. Lưng bà như oằn dưới một cái gánh nặng vô hình. Tôi nghĩ mấy bà mẹ Á châu có vẻ khó khăn hơn những bà mẹ Mỹ.
Tôi chào:
– Cảm ơn bà thường đưa đón con tôi, cho hai đứa gặp nhau.
Bà trả lời:
– Cảm ơn Bà đã cho phép Bướng đến chơi. Nếu cần xin Bà gọi, tôi sẽ đến đón con tôi về. Cậu ấy là con trai lớn nhất của bà? Mẹ Bướng hỏi.
– Tôi có tất cả năm đứa con. Hắn là con trai duy nhất trong bốn người chị và em gái.
Gia đình tôi theo Công giáo và rất mộ đạo. Chúng tôi không sử dụng phương pháp ngừa thai. Bướng có vóc dáng nảy nở. Nhìn thân hình, có thể lầm nó hơn mười tám tuổi. Trông Bướng sành đời hơn thằng con tôi. Có lẽ vì hắn là con trai duy nhất, được nuông chìu hơn mấy cô con gái, nên lớn vóc mà vẫn gà tồ. Hắn khá ngoan, mùa hè đi làm dành dụm tiền để đi học đại học. Chỉ có điều đáng buồn là hắn bị bệnh trầm cảm rất nặng. Hắn thường nằm lì trong giường không chịu làm ăn gì cả. Không đúng loại thuốc hay không đúng liều là hắn đòi tự tử và thường khi cau có vô cớ. Tôi cho rằng quan hệ giữa hắn và Bướng chỉ là chuyện trẻ con. Nay mai, khi hai đứa vào đại học chắc là đường ai nấy đi. Nhiều lần, tôi muốn hỏi Bướng, “Cháu có dùng thuốc ngừa thai không?” Hỏi nó như thế thì bất lịch sự quá, và e rằng nó hỏi lại tại sao tôi không hỏi con tôi.
Ai nói có con trai không cần phải lo? Thời buổi này, tụi con gái chủ động tấn công con trai nhiều hơn thời tôi còn là con gái. Có con trai thì sợ nó lái xe nhanh, sợ lái xe lúc say, sợ nó vướng vào xì ke ma túy, và sợ nó làm một đứa con gái nào đó mang bầu. Thời bây giờ chỉ cần đem thử DNA là biết đứa nào là cha, và phải nuôi con cho đến khi đứa bé được mười tám tuổi, dang dở tương lai của con mình và cả con gái của người ta. Thậm chí cha mẹ của cả hai bên cũng liên lụy.
Bà mẹ Bướng vừa lái xe đi một lúc thì hai đứa lại cãi nhau. Tóc Đỏ không cho Bướng vào nhà, xua đuổi, và ra ngồi trên sân cỏ. Bướng quì gối bên cạnh, ôm mặt thằng con tôi hôn lên mắt lên môi, vẻ nài nỉ khẩn thiết rồi úp mặt xuống cỏ khóc um sùm. Chúng nó chẳng kể gì hàng xóm nhà tôi đang nhìn. Mẹ Bướng quay xe lại đón Bướng vừa kịp nhìn thấy cảnh tượng trên. Bà gọi con gái về nhưng nó chẳng kể gì đến mẹ cứ tiếp tục van nài con tôi. Chán nản, bà lái xe đi, mặt bà đanh cứng lại. Tôi thấy tội nghiệp bà. Giá mà tôi có thể an ủi bà.
*
Bướng nhìn ra cửa sổ kêu lên:
– Nó đến rồi kìa!
Tóc Đỏ cao lêu nghêu, đi lảo đảo. Vừa qua khỏi hộp thư ở đầu con đường nhỏ dẫn vào nhà nó té sụm xuống nằm bất động. Chập sau đứng dậy, vừa đi vừa bò trên con dốc vào nhà tôi. Cái áo thun trắng của nó lấm lem, thấm ướt mồ hôi loang lổ trước ngực và sau lưng.
Tóc Đỏ gõ cửa và lè nhè:
– Bà ơi, xin làm ơn cho tôi nói chuyện với Bướng. Tôi sẽ lễ phép. Trước giờ tôi vẫn lễ phép với Bà.
Tôi mở cửa.
– Cháu đi về đi. Bướng không muốn gặp cháu nữa.
Tóc Đỏ đẩy tôi qua một bên bước vào nhà. Bước chân nó xiêu vẹo, mùi rượu nồng nặc. Chỉ sau một năm đại học ở tiểu bang bên cạnh nó gầy đi rất nhiều. Cái má xưa phúng phính nữa, nay hóp sâu và đôi mắt trũng xuống thâm quầng. Tóc Đỏ bò lê trên nền phòng khách. Tấm thân đồ sộ gần hai mét chiều dài của nó choán cả phòng. Nó úp mặt vào ghế sa lông khóc sướt mướt, miệng nói không ngừng:
– Bướng ơi, xin đừng bỏ anh. Em bỏ anh là anh chết mất. Chỉ có em là có thể chữa trị và thay đổi anh thôi.
Tôi bảo Bướng.
– Gọi về nhà nó. Nói với bố mẹ nó, nếu không đến rước nó về thì mình sẽ gọi Cảnh Sát.
Bướng trả lời:
– Mẹ của nó đang trên đường lái xe đến đây.
*
Người Tóc Đỏ ướt đầm mồ hôi. Từ nhà tôi đến đây khoảng mười lăm phút lái xe, nó đi bộ hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi năn nỉ:
– Thôi lên xe mẹ chở về.
Nó chẳng trả lời cứ khóc lóc và nói lảm nhảm. Nó không chịu uống thuốc trị bệnh thần kinh và mất ngủ cả tháng nay. Ngay từ đầu khi nó mới quen Bướng tôi đã nói con không chịu được những thất vọng của tình yêu, con bị bệnh mà. Nói biết mấy nhưng chẳng ăn thua gì. Nó vẫn rên rỉ bù lu bù loa trên nền nhà. Bên ngoài trời bắt đầu nhạt nắng.
Tôi dùng điện thoại di động gọi 911. Khi người ta hỏi địa chỉ của nhà Bướng, tôi lúng túng. Mẹ Bướng đưa điện thoại nhà bảo dùng điện thoại nhà để cảnh sát lần theo địa chỉ qua số điện thoại. Tôi nói với người trực 911.
– Con tôi say. Trước khi đi nó đã uống bia ở nhà. Trên đường đi nó ghé quán rượu uống thêm. Nó có mang dao theo nhưng say quá lúc ngã ngoài sân đã đánh rơi con dao. Tôi nhặt dao bỏ vào xe khóa lại.
*
Xe Cảnh sát đến trước. Sau đó là xe cứu thương. Hai người Cảnh sát vào nhà tôi. Một người đứng canh cửa. Người kia đứng nói chuyện với Tóc Đỏ vẫn còn nằm phục trên nền nhà.
– Cậu bé, cậu có dùng drug không?
Khi thấy Cảnh Sát, Tóc Đỏ dường như tỉnh táo hơn. Nó nói lè nhè lẫn trong tiếng khóc.
– Tôi chỉ uống rượu. No drugs.
Người Cảnh sát khi nói chuyện vẫn đặt tay lên báng súng. Trò chuyện, phỏng vấn, ghi chép biên bản, rất lâu và cuối cùng họ thuyết phục được Tóc Đỏ đứng dậy. Tóc Đỏ để cho họ xốc nách dìu ra khỏi cửa nhà tôi, và nằm lên cáng cứu thương. Hai ba người nhân viên cứu thương, ràng dây nịt chung quanh cáng và đưa Tóc Đỏ lên xe chở đi.
Mẹ Tóc Đỏ nhỏ nhẹ nói chuyện với Bướng.
– Con tôi bị bệnh thần kinh. Tình cảm sóng gió giữa cháu và con tôi làm bệnh nó nặng hơn. Hai đứa nên xa nhau vĩnh viễn để cả hai có cơ hội hàn gắn tâm hồn mình.
Bướng vốn chẳng chịu nghe lời ai, nhất là tôi và bố nó, nhưng nó lại có vẻ chấp nhận lời giải thích của mẹ Tóc Đỏ. Dù mẹ Tóc Đỏ trẻ hơn tôi cả chục tuổi, ngày hôm ấy tôi thấy bà già đi. Lưng bà như cõng một quả địa cầu phiền muộn. Có một lần đi làm về tôi thấy Tóc Đỏ ngồi khóc trong phòng của Bướng và Bướng thì đang lầm lì giận dữ. Tiếng khóc dấm dẳng của Tóc Đỏ làm tôi nổi cáu. Tôi bảo Bướng nếu hai đứa không dàn xếp cho êm đẹp thì hai đứa nên ra sân sau, hay vào nhà kho khóc cho đã rồi hãy vào nhà. Tôi không biết những trận khóc của Tóc Đỏ là hiện tượng của chứng bệnh trầm cảm.
Tôi và Bướng đứng ở cửa nhìn xe cứu thương chở Tóc Đỏ đi, nhìn mẹ Tóc Đỏ lái xe theo xe cứu thương. Tôi chợt nhận ra Bướng vừa bị đổ vỡ thêm một mối tình. Và thêm một lần nữa mẹ của một thằng Mỹ bảo đứa con gái Việt là đừng gặp con trai của bà nữa. Một thứ tự ái dân tộc trong tôi nổi dậy làm tôi bực mình với con tôi đến độ tôi muốn mắng nó. Tuy nhiên, tôi cảm được nỗi thất vọng và đau đớn của một cô gái trẻ vừa bị tan vỡ một cuộc tình. Tôi ôm con Bướng vào lòng. Nó cao to hơn tôi nhưng tôi có cảm giác nó vẫn còn bé dại. Chỉ khi ở trong vòng tay tôi nó mới bắt đầu khóc và run khe khẽ. Tôi cố dằn lòng không nói. Mẹ đã bảo đừng yêu.
Sau đó tôi không còn gặp lại bà mẹ của Tóc Đỏ. Nếu có tình cờ gặp bà ngoài đường chắc tôi sẽ không nhớ mặt. Dù chỉ nói với nhau dăm ba câu, chính những điều chúng tôi không có cơ hội nói với nhau và không thể nói với con của mình là những điều thường ám ảnh tôi, người làm mẹ. Chúng tôi không thể giải thích với các con là tình yêu quá sớm, đặt không đúng chỗ, đúng người, chỉ là thứ trái non đắng chát. Nhưng kinh nghiệm của chúng tôi là kinh nghiệm đã lỗi thời, và ngôn ngữ của chúng tôi không phải là ngôn ngữ của phim ảnh tiểu thuyết thời đại. Tôi tin là bà cũng đau đớn khi nhìn thấy con bà quằn quại với tình yêu. Những đau đớn này chỉ tự các cô các cậu trói buộc vào nhau. Mối tình tan vỡ của con tôi với Tóc Vàng và với Tóc Đỏ lại là sự thông cảm giữa tôi với mẹ của hai cậu. Hễ làm mẹ là mang nỗi nhục nhằn do con mình gây ra.
Ghi chú của tác giả: Truyện dựa trên những nhân vật thật nhưng hầu hết mọi chi tiết là do tác giả bịa đặt hay thêm mắm thêm muối cho giống sự thật. Nếu có trùng hợp với chuyện riêng của ai, điều đó ngoài ý muốn của tác giả. Thành thật xin lỗi.

Nguyễn thị Hải Hà
February 2015

[1] Thơ của Hồng Nhiên, Blog the Kitchen Window. Nguyễn thị Hải Hà dịch. Nguyên tác là:
I found a well into it I said. It’s the unspoken that haunts, and the broken that binds.
[2] Những chữ tiếng Anh được dùng để diễn tả cách nói chuyện của người Việt sinh ra lớn lên ở Mỹ. Xin độc giả chấp nhận và bỏ qua cho tác giả.
[3] geeky chỉ những người thông minh giỏi kỹ thuật nhưng vụng về trong việc giao tiếp.
[4] birds and bees, chim và ong, thành ngữ dùng để chỉ chuyện giao hợp và sinh sản con cái.
[5] Không phải chuyện của mẹ.

Vài Điều Suy Nghĩ Về Ngày Trở Về Của Nhà Văn Lưu Vong

nguyenthihaiha

Một ngày không tên vào cuối thập niên bảy mươi tôi được tặng một tập thơ mỏng của Nguyễn Đức Sơn, trong đó có một bài thơ mà đến giờ tôi vẫn còn nhớ.

Ôi biết ngày nao anh trở lại
Vườn xưa cây trái ngả nghiêng sầu
Anh đi trong nắng tàn hoang dại
Thấy lá sầu riêng bạc hết màu
[1]

Bài thơ cho tôi cảm tưởng nhà thơ sắp đi rất xa, có thể biệt xứ, không còn cơ hội trở về. Tuy nhiên đến nay nhà thơ vẫn còn ở Việt Nam, có nghĩa là, ông chỉ di chuyển đến một địa phương khác; thế mà đã buồn đến bạc lá sầu riêng.

Loanh quanh trong nước, vẫn có cơ hội quay về mà đã thương nhớ quê nhà đến thế; những người phải lìa bỏ quê hương, vượt đại dương, không còn đường trở về, nỗi nhớ có lẽ càng khắc khoải hơn. Việt Nam có hai cuộc di cư vĩ đại; từ Bắc vào Nam và từ miền Nam sang nước ngoài. Tôi cũng biết, có những cuộc vượt biên từ miền Bắc hay tập kết ra Bắc, nhưng bài này xin chỉ giới hạn trong việc quan sát ý muốn và hành động trở về của một số văn nghệ sĩ di cư từ Bắc vào Nam và từ miền Nam sang tị nạn ở nước ngoài.

Đã có nhiều định nghĩa về văn nghệ sĩ lưu lạc, lưu đày, lưu vong, tị nạn, di dân, và nhập cư. Mỗi từ mang một ý nghĩa chính trị khác nhau. Trong bài này để giản dị hóa tôi xin được dùng từ lưu vong để chỉ chung cho cả hai trường hợp di cư và tị nạn. Đơn giản, dùng từ này vì nghe quen tai. Văn nghệ sĩ tôi quan sát gồm có ba nhóm: di cư trước tị nạn sau (Phạm Duy, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Trùng Dương), tị nạn (Võ Phiến, Trần Hoài Thư, Lê thị Huệ, Nguyễn thị Thảo An[2]) và một số nhà văn sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở hải ngoại (Kim Thúy, Andrew Lam)[3]. Sự trở về ở đây bao gồm hai mặt: một cách hiện thực với thân thể của văn nghệ sĩ, và biểu tượng, bằng tác phẩm.

Có thật ai bỏ xứ ra đi đều muốn quay về hay đó chỉ là ý nghĩ lãng mạn chỉ xuất hiện trong văn thơ hay nhạc? Chúng ta lớn lên với quan niệm đã được cấy sẵn vào đầu. Cây có cội, nước có nguồn. Chim có tổ, người có tông. Hễ có những cuộc ra đi là tự nhiên ngầm coi như có những lời hứa hẹn sẽ trở về. Ha Jin, nhà văn Trung quốc lưu vong ở Hoa Kỳ quả quyết rằng tất cả mọi người khi lưu lạc đều thương nhớ quê nhà và muốn trở về. “Đa số những người lưu vong đều ấp ủ một mơ ước ngày nào đó trở về quê hương. Nỗi niềm nhung nhớ này thường làm họ mất phương hướng và ngăn ngừa họ bắt rễ ở bất cứ nơi nào.” (Jin, The Writer As Migrant, 2008, p. 63)[4] Ha Jin định nghĩa quê hương như sau: “Theo thường lệ, quê hương của một người là xứ sở nguồn cội của người ấy. Nơi nầy người ấy thường mong muốn trở về dù đi đến bất cứ nơi nào.” (Jin, The Writer As Migrant, 2008, p. 65)[5]

Phạm Duy, là người thể hiện mạnh mẽ nhất cái ý muốn trở về quê hương. Tôi quan sát Phạm Duy như một thi sĩ vì một số lớn ca từ của ông là thơ được phổ nhạc. Bài Thuyền Viễn Xứ mang nỗi sầu cố lý mênh mông. Tuy nhiên, tôi vẫn không thể khẳng định sầu hoài hương có nghĩa là muốn hồi hương. Trong Come back to Sorrento, Phạm Duy đặt lời Việt thành Trở Về Mái Nhà Xưa, ông đã thể hiện mơ ước trở về chốn cũ. “Về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với màu gió ngày lang thang. Về đây với xác hiu hắt lạnh lùng…” Đây là một bản nhạc Ý, độc giả có thể đọc bản chính và bản dịch ở Wikipedia[6], tuy nhiên lời Việt của Phạm Duy lập đi lập lại hai chữ về đây như một xác định trở về dù chỉ là quay về với điêu tàn. Ngay cả khi chọn bản nhạc này để đặt lời, phải chăng ý muốn trở về đã nằm trong tâm tưởng của ông? Một bản nhạc ngoại quốc khác ông viết “Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xa…Tìm một miếng đất cho gã si tình…Nàng hãy chôn trái tim non buồn thương.”[7] ca từ thể hiện sự nhớ thương quê nhà, hoàn toàn khác bài dân ca của bản nhạc gốc. Ở Ngày Trở Về, chúng ta cũng có thể tưởng tượng Phạm Duy là anh chàng thương binh trở về quê nhà, để gặp lại mẹ già đã mù lòa, người vợ trẻ thành đóa hoa tàn tạ, và tiếng cười đùa trở thành giọng hát rầu rầu. Khi sang Hoa Kỳ ý muốn trở về của Phạm Duy rõ rệt hơn. “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà, nhà của đôi ta xinh xinh nhỏ bé…” Nhà, ở đây có thể là giàn thiên lý, mảnh vườn, miếng nấm mồ, hay là cõi chết nơi ông được ở lại muôn đời. Cuối cùng, Phạm Duy đã trở về, bằng hình hài xương thịt. Khi di cư ông là một trong những người đi trước. Khi trở về ông cũng đi trước rất nhiều người.

Alexander Solzhenitsyn, suốt mười tám năm lưu đày, sống ở tiểu bang Vermont Hoa Kỳ luôn mong muốn trở về quê hương. Ông từ chối không vào quốc tịch Mỹ, và thường nói rằng ông sống chỉ viết cho người Nga đọc. (Jin, Writer As Migrant, 2008, pp. 5-7). Milan Kundera thì trái lại. Xuất thân là người Czech, tác phẩm của ông bị cấm lưu hành ở xứ ông sinh ra. Năm 1975 ông di cư sang Pháp. Lúc 60 tuổi ông bắt đầu viết văn bằng tiếng Pháp. Ông luôn nhấn mạnh, ông là nhà văn Pháp. Có nghĩa là không những Kundera không nhớ tiếc quê nhà mà còn chối bỏ nguồn gốc của ông.[8]

Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan, và Mặc Đỗ là trường hợp đặc biệt. Nếu xem mỗi nhà văn là một cái cây thì các ông bị nhỗ bật rễ hai lần. Để tìm xem các ông có ý muốn trở về miền Bắc khi đang sống và viết văn ở miền Nam, tôi đọc một số tác phẩm các ông đã xuất bản ở miền Nam và ở hải ngoại[9]. Bàng bạc trong hầu hết mọi tác phẩm, cả bốn nhà văn đều biểu lộ rõ rệt sự nhớ tiếc tuổi thơ, cảnh cũ, người xưa, tâm trạng lạc lõng của những người xa quê nhà. Chỗ ở mới chưa cố định, công việc chưa vững chắc, nhưng các nhà văn này không mấy hoang mang, thất lạc, hay tuyệt vọng. Độc giả vẫn nhìn thấy những tia sáng của hy vọng vào một tương lai tốt đẹp. Các nhà văn di cư không hề phàn nàn bị kỳ thị Bắc Nam, cũng không phải vất vả đương đầu với một ngôn ngữ xa lạ như nhà văn miền Nam tị nạn sang nước ngoài.

Mai Thảo biểu lộ tâm trạng lạc lõng của người xa quê hương: “Y giống như người đến từ một hành tinh khác. Y đã mất quá khứ, như một thân cây mất rễ. Những ngày tháng về trước đã nhạt nhòa dấu tích, ấn tượng xa xưa chỉ là một vực đen sâu không cùng. Y sống cũng như chết. Y chết giữa cuộc sống.”[10] Cũng có lúc Mai Thảo thoáng nghĩ đến sự trở về nhưng chỉ là một ý nghĩ viển vông. “Từ Cửu Long, chúng tôi sẽ về đánh chiếm lại Hồng Hà. Để những buổi chợ đất nước lại được mở thành hội ở hai bên bờ sông.”[11] Đọc câu này tôi không khỏi mỉm cười. Với bộ vó nhà thơ, ông lấy gì để đánh chiếm lại Hồng Hà chứ? Lúc gần cuối đời, Mai Thảo có tặng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng bài thơ tựa đề Bài Tiễn:

Xuống tầu đưa bạn đi ra biển
Thả tàn tro xuống Thái Bình Dương
Biển mênh mông lặng lòng giông bão
Chẳng biết nơi nào nữa viễn phương
[12]

Bài thơ làm tôi liên tưởng đến số phận người vượt biển, câu thơ khiến tôi nghĩ dù Mai Thảo vẫn nhớ đến Việt Nam nhưng nơi này không còn là một chỗ để về.

Thanh Tâm Tuyền trẻ hơn, mộng ước phiêu lưu tràn đầy, thẳng thắn bày tỏ ước muốn ra đi và không trở lại: “Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết.” […] “Nó chờ đợi một chuyến đi xa, không trở về cái đất nước nhục nhã này, đi tìm cái chết nơi hải cảng trong quán rượu xa lạ, chết một mình bên chai rượu.”[13] Thanh Tâm Tuyền có nghĩ đến ngày về, nhưng ông tự chế nhạo cái ý nghĩ viễn vông ấy.
“Đến bao giờ anh tính về ngoài ấy?”
“Anh tính về?” – Người đàn ông cười gằn – “Anh tính sao được, phải đợi thống nhất chứ.”[14]

Vũ Khắc Khoan khẳng định, nhớ nguồn gốc thì vẫn nhớ, nhưng không muốn trở về. “Con người cũng như vạn vật cũng đều phải theo cái lẽ đó mà sinh sôi nảy nở. Nhưng thỉnh thoảng đến chỗ cùng cự của tang thương biến đổi thì tĩnh tâm, thành ý, con người lại nuôi ứ muốn trở về nguồn. Lớn rồi đi, đi rồi xa, xa rồi trở về […] Nguồn tất phải đẹp. Vì nguồn là tuyệt đối. Cho nên con người từ phân hóa sinh thành, mấy ai mà quên hẳn được nguồn.”[15]

“Thế là hết câu chuyện Trương Chi của tôi. Và bây giờ thì chắc ông cũng hiểu tại sao tôi lại không quay về Hà Nội. Cuộc đời Trương Chi có ngang trái chỉ vì họ Trương chưa tìm được người đồng cảnh. tôi may mắn hơn anh ta. Vì tôi đã gặp những người đồng cảnh.”[16]

Vũ Khắc Khoan lớn tuổi nhất và có lẽ do có kinh nghiệm sống dài nhất, ông biểu lộ ý thức chính trị rõ rệt nhất. Và vì lý do chính trị, ông không muốn trở về.

“Ông có hiểu anh trùm Phường đã nói gì với Trương Chi không? Tôi chắc ông cũng thừa hiểu. Đã hơn một lần, tôi chắc những người như ông đã được nghe những lời tương tự. Có phải bắt đầu thì bao giờ cũng là những danh từ quyến rũ: Cách mạng, Lực lượng đang lên… Ông là cái chất ma túy của những danh từ! Và trong cơn mê đắm của tuổi hai mươi, ông đã vội vàng không thèm nghĩ, mà nhận ngay cái vai trò đẹp nhất trong một tấn kịch mới mở màn đầu. Một với hiệp sĩ phong lưu sảng khoái, cả đời chỉ chuyên vào việc cứu khổn phò nguy. Trong mỗi con người, nhất là chúng ta, bao giờ mà chả tiềm tàng một Don Quichotte? Chúng ta đã lên yên. Chúng ta lại có thêm ngọn giáo. Làm gì mà chúng ta chả lăn xả vào một cái cối xay! […] Từ địa vị một chàng hiệp sĩ phong lưu, chúng ta trở nên một con sĩ tốt, cúi đầu chịu lệnh một vị tướng vô hình. Hỡi ơi!”[17]

Mặc Đỗ viết về đời sống xa quê hương như sau: “Anh Giáp phải kéo dài cuộc sống ở đây, không vui với không khí gia đình nhưng rất thương vợ con, lúc nào cũng hy vọng có cơ hội đổi được cái không khí lạc lõng ấy, chẳng hạn đưa gia đình trở về Việt Nam. Nhưng cơ hội mãi không đến vì lẽ này lẽ nọ. Bây giờ hi vọng xem như tiêu tán luôn mãi mãi. Nga bảo có một bữa gần đây chợt Giáp đã buồn rầu nói rằng: ‘Tôi đành ở luôn đây thôi.’”[18]

Tôi cố tìm một sự khẳng định ý muốn trở về, thật mạnh mẽ, như Scarlett O’Hara muốn trở về Tara để tìm lại sự hỗ trợ tinh thần của một nơi nàng đã từng sống trong hạnh phúc ở bốn nhà văn này nhưng không thấy.

Tôi đã đọc một số truyện và tùy bút của Võ Phiến[19] nhưng lúc ấy tôi không để ý tìm xem ông có ý muốn quay về hay không. Thành thật mà nói, dù muốn tôi cũng không thể đọc hết tất cả tác phẩm của ông. Rất có thể, chìm khuất đâu đó nhân vật của ông lớn tiếng đòi về mà tôi chưa đọc tới. Tâm trạng hoài nhớ quê hương của nhà văn Võ Phiến xuất hiện hầu hết trong các bài tùy bút, đặc biệt là tác phẩm Cuối Cùng, của ông. Nỗi buồn này đã được nhà văn John Schafer ghi nhận trong quyển biên khảo “Võ Phiến and the sadness of exile.” Dù Võ Phiến không về hay chưa về bằng xương bằng thịt thì tác phẩm của Võ Phiến đã được nhà văn Thu Tứ đưa về Việt Nam dù phải chịu cái cảnh nằm sao cho vừa chiếc giường của Procrustes[20].

Không đề cập đến sự trở về trong tác phẩm, không hẳn là nhà văn không muốn trở về. Rất có thể với chiến tranh càng lúc càng trở nên khốc liệt, mức độ chia rẽ giữa hai miền Bắc Nam càng lúc càng sâu, cơ hội trở về không có và không thiết thực nên không ai nhắc đến sự trở về? Có thể nào cái một lòng một dạ quay về với tổ quốc của Solzhenitsyn chỉ vì ông không thể sử dụng ngôn ngữ nào khác hơn tiếng mẹ đẻ? Khi trở về quê hương Solzhenitsyn bị tiếp đón lạnh nhạt một thời gian rất dài. Một trong những lý do khiến Solzhenitsyn không thích hợp với cuộc sống và không thể sáng tác được ở Hoa Kỳ là vì trở ngại ngôn ngữ. Và rất có thể thêm một lý do nữa, nói như nhà văn Vũ Khắc Khoan là vì ông ta không tìm được người đồng cảnh. Giả tỉ như lúc bấy giờ có cả triệu người cùng lúc ra đi với ông, qui tụ lại cùng viết và xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ, như các nhà văn Việt, có thể ông đã ở lại Hoa Kỳ.

Nhà văn Trùng Dương di cư vào Nam khi bà chừng 9 tuổi, đọc tác phẩm Lập Đông, tôi thấy có nét hoài nhớ mảnh đất bà đã ra đi, nhưng nỗi nhớ không đậm đà như các nhà văn thuộc thế hệ trước. Bà nhớ mang máng là mùa xuân nơi ấy rét lắm khi xuân ở Saigon nóng bức. Tương tự như Trùng Dương, nhà văn Việt sang Mỹ từ lúc 9 hay 10 tuổi nỗi hoài hương không đậm nét, và càng sống lâu ở xứ người, ý thức Việt Nam là quê hương càng phai nhạt. Trong tác phẩm Ru, nhân vật của Kim Thúy, sang Hà Nội làm việc, nhưng quê nhà của cô xuất hiện bằng cái mùi hương xà phòng bột của xứ Canada còn phảng phất trên chiếc áo của chồng cô. Tác phẩm của Linda Lê đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, bản thân Linda Lê cũng đã đến Việt Nam để giới thiệu tác phẩm. Trường hợp của Linda Lê không thể nói là “về” mà phải nói là “đi đến” bởi vì cô không tự nhận là người Việt Nam. Bản sắc Việt dính vào cô như một thây ma chết mà cô phải cưu mang[21]. Andrew Lam, vẫn nhận mình là người Việt, Việt Nam là nơi chốn anh sinh ra, và anh đã nhiều lần trở lại Việt Nam.[22]

Có nhiều nhà văn Việt cương quyết không trở về dù bằng tác phẩm hay thân xác. Nhà văn Trần Hoài Thư là một trong những nhà văn này. Toàn bộ sáng tác của ông được viết ra ở miền Nam. Từ khi sống ở Hoa Kỳ ông không sáng tác nhiều, đa số thì giờ ông dùng để khôi phục những tác phẩm của ông cũng như nhiều tác giả khác đã bị cấm đoán chối bỏ. Nhiều lần tôi trực tiếp hỏi và được biết từ khi ra khỏi nước ông chưa hề trở lại Việt Nam và cũng không cần phải trở về xuất bản tác phẩm của ông.

Nhà văn Lê thị Huệ trở lại Việt Nam nhiều lần, thành quả của những lần trở lại ấy là quyển Văn Hóa Trì Trệ[23] nhưng nhân vật của bà không muốn trở lại. Hãy nghe nhân vật Lan Hương bày tỏ ý nghĩ:

“[…] Có khi tao muốn cắt bỏ luôn quá khứ. Tao muốn ở lại Mỹ đời đời. Tao muốn quên luôn Việt Nam. Nhưng đôi khi tao cũng có nhu cầu tìm lại nơi đã đưa tao vào đời sống này. Tao muốn gặp ba má và anh chị em của tao. Nhưng tao sợ khi về lại Việt Nam tao đã thành một kẻ xa lạ.”[24]

“Em ghét Việt Nam. Em ghét xứ sở này. Em ghét trở về một cái xứ sở ngu dốt. Xứ sở trì trệ. Xứ sở u mê.”[25] (Lê, 2005)

Từ bỏ xứ sở nơi sinh ra vì lý do chính trị và không sử dụng ngôn ngữ của xứ sở bà cư ngụ khi viết văn, Lê thị Huệ xem ngôn ngữ Việt là quê hương. Khi được sử dụng ngôn ngữ mẹ ở đất khách nhà văn không cần phải về nguồn bằng tác phẩm. Như Milan Kundera, Lê thị Huệ cho hai nhân vật Việt tha hương, gặp nhau ở trên giường của một khách sạn, hai kẻ xa lạ nói tiếng Việt với nhau suốt đêm. Với bà, tiếng Việt là nơi hội ngộ, kết hợp hai linh hồn, đây là biểu tượng của sự trở về với quê hương.

Nhà văn Nguyễn thị Thảo An thì dùng dằng nửa về nửa ở. Thảo An nghĩ rằng:

“Theo truyền thuyết, cuộc đời chúng ta là một chuỗi luân hồi.”

“Có nghĩa là chúng ta sinh ra nơi nào thì sẽ trở về nơi đó. Mười mấy ngàn năm, qui luật đó không bao giờ thay đổi.”[26]

Sau đó Thảo An nghĩ ngược lại:
“Nó hình dung ra một cuộc sống cô đơn ngoài biển khơi, nhưng mà còn hơn trở về để chết.”[27]
“Bạc lẳng lặng quay đầu vô vách khe. Nó lạ lẫm trên chính quê nhà của nó. Lần đầu tiên, nó có cảm giác lạc lõng giữa đàn. Bạc chợt ước, phải chi nó chết ở một nơi nào đó trên đường trở về. Để cái quê hương dấu yêu kia mãi mãi vẫn còn trong tim của nó.”[28]

Khi đề cập đến việc trở lại quê hương, một cuộc trở lại vật chất, của con người bằng xương bằng thịt, chúng ta thấy có nhiều quan điểm. Solzhenitsyn cương quyết trở về. Milan Kundera, Cao Xingjian, là những con hoàng hạc một đi không trở lại. James Joyce xem sự lưu đày là nguồn cảm hứng để sáng tác. Vladimir Nabokov quan niệm, ngay cả quốc tịch của nhà văn cũng không đáng kể, chỉ có nghệ thuật biểu lộ trong tác phẩm mới quan trọng. Để được tự do theo đuổi nghệ thuật, Nabokov đã chối từ quê hương Liên Xô của ông trên cả hai mặt chính trị và ngôn ngữ. Tôi không tìm thấy chứng cớ chắc chắn là Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan muốn trở về Việt Nam bằng xương bằng thịt vì tác phẩm của các ông thất lạc rất nhiều, và như đã thú nhận, tôi không thể đọc tất cả tác phẩm của các ông. Tuy nhiên, đã là nhà văn lưu vong, sự trở về quan trọng nhất phải là sự trở về của tác phẩm. Ha Jin cho rằng ngoại trừ việc giúp cho nguôi ngoai nỗi nhớ về quá khứ, cuộc trở về bằng xương bằng thịt của nhà văn chẳng có ý nghĩa gì cả. (Jin, Writer As Migrant, 2008, p. 21)[29]

Bởi vì tính chất chính trị của sự ra đi; sự trở về bằng tác phẩm của nhà văn lưu vong thường bị xem là hành động phản bội. Phản bội những nhà văn cùng khuynh hướng đã từng bị tù đày, làm nhục chỉ vì họ đã viết những điều không được nhà cầm quyền chấp nhận. Nếu bảo rằng chúng ta ra đi khi tình trạng rất tồi tệ; nay chúng ta trở về vì tình trạng trở nên tốt đẹp hơn, và nhà cầm quyền chẳng những chấp thuận mà còn khuyến khích; thế thì tại sao rất nhiều văn nghệ sĩ trong nước vẫn còn bị tù đày vì khác ý thức chính trị với giới cầm quyền? Sự trở về của nhà văn lưu vong mang ý nghĩa đồng tình với, nếu không nói là ủng hộ chính sách của nhà cầm quyền. Văn nghệ sĩ cố gắng trong tuyệt vọng để rời khỏi đất nước, có phải vì tiếng nói của họ bị bóp nghẹt? Tại sao nhà văn lưu vong được khuyến khích mang tác phẩm trở về trong khi rất nhiều văn nghệ sĩ trong nước đang muốn được trở thành người lưu vong? Nếu tình hình chính trị trong nước đã trở nên tốt đẹp hơn sao vẫn có người không chấp nhận được tình trạng sống và viết hiện nay? Có thật văn nghệ sĩ muốn trở về vì yêu thương quê nhà, tìm về cội rễ, hay chỉ vì lợi ích cá nhân của người viết?

Có lẽ rất thầm kín, nguyện vọng to lớn nhất của nhà văn là có người đọc và có chỗ đứng quan trọng nhất trong văn học của nước nhà. Khi bị tách ra khỏi quốc gia, nhà văn bị mất nhiều hơn một người bình thường. Bên cạnh mất gốc rễ, tài sản, bản sắc, khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ, còn một cái mất lớn lao vô cùng là người đọc. Với nhà văn Việt Nam sống ở hải ngoại, số người Việt sống rải rác khắp nơi, nên việc xuất bản sách tiếng Việt và có độc giả Việt là một chuyện khó khăn. Nhà văn, nếu phương tiện sinh sống là tiền bán sách, không có người đọc đồng nghĩa với hao mòn sự sống. Một trong những lý do chính đáng mà nhà văn Việt ở hải ngoại muốn trở về cố quán là tìm số đông độc giả.

Quan điểm về sự trở về quê nhà của văn nghệ sĩ lưu vong mỗi người mỗi khác. Một số tác giả tôi đề cập bên trên đã góp phần quan trọng vào việc thành hình nền văn học miền Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Góp phần, họ chỉ là đại biểu của một khuynh hướng, một nhóm, trong nền văn học miền Nam vốn rất rộng lớn và đa dạng. Chỉ mới nêu lên một số nhà văn mà độc giả đã nhìn thấy chín người mười ý này, thế thì ai có thể đứng ra thay mặt tất cả văn nghệ sĩ để nói lên nguyện vọng, về hay không về, của họ? Ai có thể đòi hỏi sự trở về cho cả văn học miền Nam trước năm 75. Không ai cả. Văn nghệ sĩ nói chung chưa hề bình chọn ai là người lãnh đạo để bày tỏ nguyện ước, đòi hỏi, hay than thở thay cho họ. Nhà văn, nhất là nhà văn, hay tự vác lên vai cái nghĩa cử cao đẹp là nói dùm cho những người không thể nói. Tuy nhiên, xin đừng quên rằng một trong những lý do người ta trở thành nhà văn là vì người ta muốn được có tiếng nói và được nghe chính tiếng nói của mình. Khi nói giùm thiên hạ, chúng ta nên tự hỏi, liệu những người, chúng ta muốn nói giùm, có chấp nhận cái thông điệp của chúng ta, và có đồng ý với người nói giùm hay không.

Trở về hay không đó là sự chọn lựa, dựa trên nhu cầu và lợi ích của cá nhân. Nhà văn, nhất là nhà văn có nhiều độc giả, thường bị nhà cầm quyền lo ngại, sẽ thuyết phục và hiệu triệu người dân chống đối chính quyền. Thu phục được một văn nghệ sĩ nổi tiếng là thu phục được cái đám đông đồng tình với văn nghệ sĩ này để phục vụ cho bất cứ mục tiêu chính trị nào đó, nếu có. Sự ra đi hay trở về của nhà văn chỉ có giá trị đối với nhà cầm quyền khi nhà văn đã thành danh và có một số lượng độc giả đáng kể.

Trở về, cộng tác với nhà cầm quyền có thể mang lợi ích lớn cho người viết. Được viết bằng ngôn ngữ mẹ, bên cạnh việc có số lượng người đọc đông đảo, người viết còn có hy vọng đạt đến những giải thưởng cao quý, như giải Nobel. Mặc Ngôn phục vụ cho đảng Cộng sản Trung quốc được giải Nobel văn chương. Lưu Hiểu Ba lên tiếng chống đối phải đi tù dù được giải Nobel hòa bình. Ha Jin cho rằng Joseph Conrad, người Ba Lan, viết tiếng Anh nhưng luôn tự nhận mình là người Ba Lan, mất giải Nobel vào tay Wladyslaw Reymont, một nhà văn Ba Lan khác kém tài và ít được biết tiếng hơn, chỉ vì Conrad không đại diện cho quốc gia nào (Jin, Writer As Migrant, 2008, p. 34). Tuy nhiên khi trở về, người viết phải chấp nhận có thể rơi vào trường hợp giống như nhà văn Võ Phiến, đã cho phép những đứa con tinh thần bị chặt chân.

Ngày nay với tính cách toàn cầu của internet, nếu chỉ để được có người đọc, và thu nhập tài chánh không phải là vấn đề sống chết, người viết không nhất thiết phải trở về Việt Nam trên cả hai phương diện thể chất và tác phẩm. Bởi vì, sách có thể được xuất bản theo dạng điện tử trên mạng, và có sách in không có nghĩa là có người đọc. Và có người đọc không chắc đã được người thông cảm hay chấp nhận quan điểm của mình. Nói cho cùng, số phận của người viết luôn luôn là số phận bất hạnh. Cái bất hạnh của nhà văn thời hiện đại là nhiều người viết nhưng ít người chịu đọc. Người chịu đọc thì không chịu mua sách vì có thể “đọc cọp” trên internet.

Tôi vẫn nghe một vài nhà văn tiền bối than thở rằng văn học miền Nam bị bức tử. Tôi không nghĩ thế. Những quyển sách kinh điển có thể đóng bụi trên kệ, ai cũng nghe nói nhưng không ai đọc. Sách mà không có người đọc thì chỉ là giấy. Truyện của Faulkner và Mark Twain có thời cũng bị cấm đoán, kiểm soát đục bỏ. Lịch sử thế giới đã có biết bao nhiêu cuộc phần thư nhưng những quyển sách đáng nhớ đáng giữ vẫn tồn tại. Cho rằng Văn học miền Nam bị bức tử là không đặt đúng mức sức thuyết phục ngầm của văn học. Tôi cho rằng văn học miền Nam sau năm 1975 như một cánh rừng bị đốt cháy. Hạt giống của cây đã rơi theo gió chìm dưới mặt đất và gặp lúc thuận tiện lại mọc thành cây. Ngay cả rừng già lâu năm cũng cần bị cháy để có thể duy trì luật tiến hóa của cây. Không cần chờ lời kêu gọi giữ lại chứ đừng trả lại, đã từ lâu, thỉnh thoảng chúng ta lại thấy một tác phẩm văn học của miền Nam được chuyển thể thành phim. Tủ sách Talawas là chủ trương của một nhà văn ra đời và lớn lên trong chủ nghĩa Cộng Sản. Thế hệ sau đã khôi phục nhiều tác phẩm văn học của miền Nam trước khi có người chính thức kêu gọi khôi phục tác phẩm của văn học miền Nam. Đòi hỏi khôi phục toàn thể văn học miền Nam là một đòi hỏi hào hiệp nhưng có vẻ như đòi chơi cho vui không thiết thực. Ai làm? Và tiền đâu? Khôi phục kiểu nào? Có lợi cho ai? Về với hình thức nào? Bằng khua chiêng giống trống hay kéo dài thân cắt chân cho đúng khuôn mẫu người ta đưa ra. Người muốn về nghe tiếng gọi thơ mộng“Về đây nghe em, về đây, mặc áo the đi guốc mộc.”[30] Người không muốn về nghe âm vọng trong đầu “Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra sao?”[31]

Bản chất của cuộc đời là biến chuyển không ngừng. Bản chất của nhà văn là phụ bạc. Người đọc tác phẩm thế hệ trước bắt buộc phải thay đổi, biến hóa, thậm chí quên đi những điều mình đã đọc để tác phẩm của mình có sự mới lạ. Nhà văn cũng như ca sĩ, bị đào thải nhanh chóng, thay thế bằng giọng hát mới và nhan sắc mới. Thế cuộc có lúc thay đổi, người không muốn về bây giờ có thể sẽ đổi ý. Nhà văn chúng ta bản tính vốn ương bướng kỳ lạ. Gần chết bỗng nhớ con đường làng, khóm trúc bờ ao, tiếng gà khan gáy vang bên đồi, rồi chồm chồm đòi về quê để chết. Đó là tự do của cá nhân.

Dù tôi rất tôn trọng hai mươi năm văn học miền Nam, tôi cho rằng sự thiệt hại mất mát đã xảy ra, không ngăn cản sự sáng tác của thế hệ sau. Nhà văn có thể rút kinh nghiệm của cuộc sống mà biến thành tác phẩm. Dẫu sao đã đến lúc chúng ta nên quan tâm đến một chủ đề khác. Nếu không thì 60 hay 80 hay 100 năm sau chúng ta vẫn cứ tưởng nhớ đến hai mươi năm văn học miền Nam. Chúng ta không thể mãi mãi mang tâm trạng của một đứa bé bị thương, ngồi săm soi vết đau, trông đợi một lời an ủi để sụt sùi rơi nước mắt. Hãy tự hỏi nhau rằng, đã bốn mươi năm, gấp hai lần chiều dài của hai mươi năm văn học miền Nam, với tự do sáng tác và tài nguyên phong phú ở nước ngoài, chúng ta đang có gì và sẽ có gì?

[1] Nguyễn Đức Sơn, người viết ghi lại theo trí nhớ.
[2] Tôi không chắc thân thế của nhà văn Nguyễn thị Thảo An, rất có thể nhà văn đi theo diện di dân nhưng xin ghép Thảo An vào nhóm tị nạn cho tiện.
[3] Nhóm nhà văn này dùng ngôn ngữ của xứ sở họ đang sinh sống. Nói chung họ là người gốc Việt, đôi khi mang tâm trạng của nhà văn vô xứ theo định nghĩa của nhà văn Đoàn Trung Đạo, bài đăng trên mạng Gió O.
[4] Jin, Ha, The Writer as Migrant, 2008, Chicago, The University of Chicago Press, p. 63. “Many exiles, emigrants, expatriates, and even some immigrants are possesed with the desire to someday return to their native lands. The nostalgia often deprives them of a sense of direction and prevents them from putting down roots anywhere.”
[5] Jin, Ha, Writer As Migrant, 2008, Chicago, The University of Chicago Press, p. 65 “Conventionally, a person’s homeland is his country of origin, to which he longs to return no matter where he goes […]”
[6] http://en.wikipedia.org/wiki/Torna_a_Surriento.
[7] Bản nhạc tựa đề Scarborough Fair dân ca phiên bản của Simon and Garfunkel.
[8] Milan Kundera, Wikipedia.
[9] Mai Thảo (Chuyến Tàu Trên Sông Hồng, Mưa Núi), Thanh Tâm Tuyền (Bếp Lửa, Dọc Đường), Vũ Khắc Khoan (Mơ Hương Cảng, Thần Tháp Rùa) Tất cả các tác phẩm nói trên đều ở Tủ sách Talawas. Mặc Đỗ (Trưa Trên Đảo San Hô, Gió O)
[10] Mai Thảo, Những Vì Sao Thứ Nhất. Tuyển tập Chuyến Tàu Trên Sông Hồng.
[11] Mai Thảo, Mưa Núi.
[12] Nguyễn Xuân Hoàng, Căn Nhà Sau Lưng Tiệm Song Long, Tạp chí Văn 123&124, Tháng Ba&Tư, 2007, p. 6
[13] Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa.
[14] Thanh Tâm Tuyền, Tư. Tuyển tập Dọc Đường.
[15] Vũ Khắc Khoan, Nhập Thiên Thai, Tuyển tập Thần Tháp Rùa.
[16] Vũ Khắc Khoan, Trương Chi, Tuyển tập Thần Tháp Rùa.
[17] Như trên (note 16).
[18] Mặc Đỗ, Một Ngày Như Thường Ngày, Gió O. http://www.gio-o.com/Chung/MacDoSanHo2MotNgay.html
[19] http://www.gio-o.com/Chung/NguyenThiHaiHaVoPhien.htm
[20] Procrustes, huyền thoại Hy Lạp, là một người thợ rèn cấu kết với đảng cướp. Hễ khách đi ngang vùng hắn ta ở phải trọ trong khách sạn của hắn và băng đảng lập ra. Để hành hạ du khách, hắn bắt người ta phải nằm cho vừa cái giường sắt do hắn chế tạo. Hễ người khách cao chân dài quá hắn sẽ chặt chân, nếu thấp hắn cho kéo căng người khách cho dài ra. Không ai có thể nằm vừa cái giường của Procrustes vì hắn bí mật làm ra hai cái giường có kích thước khác nhau.
[21] Đinh Linh, phần giới thiệu Tiếng Nói của Linda Lê. Văn, 2003, trang 8.
[22] “I left Vietnam as a child when communist tanks rolled into Saigon and ignominiously ended the Vietnam War for Americans. That was on April 28, 1975. My family fled, among the first wave of refugees. I was 11 years old. I grew up and became an American citizen and a writer and journalist. But I never forgotten Vietnam, and have returned many times to witness my native land emerge from behind the bamboo curtain.” Andrew Lam, The Glow of Vietnam, National Geographic Traveler, Vol. 32, No. 2, April 2015, p. 65, http://travel.nationalgeographic.com/travel/countries/traveler-vietnam-photos/
[23] Văn Hóa Trì Trệ Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21, http://www.gio-o.com/SachGioOVHTT.html
[24] Lê thị Huệ, Tiếng Dỗi Hờn của Thân Xác, p. 15
[25] id. p. 71
[26] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu.
[27] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu
[28] Nguyễn thị Thảo An, Lửa Bạc, Da Màu
[29] “only through literature is a genuine return possible for the exile writer. […]In truth, other than slaking the writer’s nostalgia, the writer’s physical return to his native land has little meaning.”
[30] Nhạc Trần Quang Lộc, thơ của A Khuê.
[31] Nguyễn Du, Kiều

Nguyễn thị Hải Hà
Tháng Ba năm 2015

Tiếng Thu

Nguyễn Thị Hải Hà

Autumn-by-felipe-gabaldon-575x382

Bạn có thể nhìn thấy màu sắc thu ở nhiều nơi trên thế giới nhưng bạn không thể ngửi được mùi thu, hay nghe được tiếng thu ở nơi khác. Và tôi sẽ kể bạn nghe tiếng thu ở nơi đây.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã để lại bài thơ Tiếng Thu bất hủ. Em không nghe mùa thu. Lá thu rơi xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô. Phân tích từng câu thơ thì thấy chẳng có gì đặc sắc, có thể nói là thơ. Tuy nhiên toàn bài mang lại cảnh thu mà dân thành phố ít người được nhìn thấy. Lá vàng còn có chút ít chứ còn nai thì là con vật hiếm quý, chỉ có một vài con được nuôi để trưng bày trong sở thú.

Tôi ở chỉ cách đường xa lộ 22 chừng 350 mét. Đi bộ năm phút là đã đến xa lộ bốn lane. Thế mà chung quanh tôi cây cối rất nhiều, sau nhà tôi nhiều cây đến độ tôi thường khoác lác gọi nó là rừng và nai thì nhiều lắm. Mỗi tối đi bộ tôi thường nghe tiếng nai chạy rộn ràng sau những rặng cây um tùm của nhà hàng xóm. Nai thỉnh thoảng đứng ngó vào cửa sổ nhà tôi. Có nhiều con rất to, có sừng có gạc. Và trong những blog trước bạn đã thấy có cả những con nai bé vẫn còn đốm sao trắng trắng trên lưng. Nai xinh xắn và hiền. Nhiều khi lái xe về nhà trời tối, nai đứng đầy đường ngó ánh đèn rồi như say đèn không biết chạy hướng nào. Nai vàng xuống suối đứng bâng khuâng. Ở đây, mỗi khi mưa nhiều nước chảy thành những con suối nhỏ thoát ra cống ở hai bên nhà. Cũng nghe tiếng róc rách, đôi khi ồ ạt cuồn cuộn chảy trong đêm. Nhà thơ Lưu Trọng Lư không chỉ nghe tiếng bước chân của nai trên lá ông nghe cả tiếng lòng thổn thức của người cô phụ Tiếp tục đọc

Những Chuyện Tình ở Ga Xe Lửa

NGUYỄN THỊ HẢI HÀ

Jeff Rowland

Jeff Rowland

Hằng ngày tôi đáp xe lửa từ ngoại ô vào thành phố để làm việc. Ga tôi đón xe lửa là một ga nhỏ, khách không mấy đông người nên ai cũng biết mặt nhau. Không thân thiết gì ngoại trừ dăm ba câu chào hỏi vớ vẩn về thời tiết. Một hôm ở ga bỗng xuất hiện một cặp trung niên, cả hai đểu tóc đã muối tiêu, người da trắng. Cả hai đều tầm thước, khá bệu mỡ, trong cách ăn mặc họ có vẻ là những người làm việc phòng giấy nhưng không giữ chức vụ cao. Người đàn ông mắt lộ, môi dầy, quần kaki , áo sơ mi, thỉnh thoảng ông ta mặc áo thun có cổ bẻ, hôm nào trời lạnh ông ta mặc áo khoác gió loại ngắn. Người đàn bà tóc ngắn, tóc dợn sóng lọn to, làm tôi nghĩ đêm nào đi ngủ chắc đầu của bà cũng đầy ống quấn tóc. Bà ta khá béo. Hai cái đùi to đầy mỡ của bà như khép chặt lại vào nhau. Quần bà hơi ngắn trên mắt cá chân, giày thấp. Những người đàn bà quá mập hay bị cái nạn ống quần dính vào đùi làm khoảng ống quần bên trong khoảng giữa hai chân rút ngắn lại, do đó nhìn có vẻ xộc xệch. Họ lại thường hay bị yếu đầu gối vì phải mang trọng lượng thặng dư vì thế không thể mang giày cao gót. Và như thế lại càng làm cho dáng vẻ của họ thô kệch hơn. Nói chung , đây không phải là một đôi vợ chồng già đẹp tướng.

Họ cũng không có vẻ là vợ chồng. Trông họ có vẻ như là một cặp tình nhân mới. Sáng nào cũng thế, giữa chốn đông người, hai người ôm hôn nhau thắm thiết như một cặp trai gái mới lớn còn háo hức chuyện thăm dò thân xác của người yêu. Khi xe lửa đến Penn ga lớn nhất của tiểu bang New Jersey, dưới chân cầu thang cả hai lại ôm nhau hôn ngấu nghiến. Những nụ hôn thật say đắm làm tôi có cảm tưởng như đây là những cái hôn cuối cùng. Ngày mai họ sẽ chia tay nhau vĩnh viễn.

Tự bao giờ hình ảnh sân ga vẫn là đề tài của những cuộc chia tay. Của “lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông . . . Jersey, suốt đời làm chia ly. . .” Của đêm “tuyết rơi phủ con tàu, trong ga em lạnh đầy, làm sao em nói hết, cho ấm mộng đêm này . . .”[1] Tôi tự hỏi không biết vì lý do gì mà họ phải chia tay nhau Tiếp tục đọc

Ghen

Nguyễn Thị Hải Hà
_______________

The-Hiker.-Plaster-on-hessian-canvas-20-x-45cm

Quê liếc nhìn tờ giấy đặt ở góc bàn làm việc của chồng. Đến gần hơn một chút chị nhận ra đó là tờ báo cáo hàng tháng của Visa. Quê ngạc nhiên, chồng chị không khi nào để giấy tờ liên quan đến tiền bạc lộ liễu như thế. Lấy nhau lâu năm chị không hề biết chồng làm bao nhiêu tiền, tiêu xài vào khoản nào bởi vì chồng chị giấu rất kỹ những chuyện “riêng” như thế. Có lẽ anh vội vã chuyện gì đó nên quên. Tò mò chị cầm tờ báo cáo lên xem, dịp may có một không hai mà. Trên tờ báo cáo đa số là những khoản chi tiêu bình thường như tiền chợ ở Shop Rite, đổ xăng, cái bánh sinh nhật mừng chú em rể. Tuy nhiên, có ba khoản tiền lạ, đó là tiền ăn ở nhà hàng sushi ở Highland Park vào buổi trưa một ngày thứ Tư, tiền ăn ở một tiệm sushi khác ở Edison vào chiều thứ sáu, và tiền ăn ở cái Diner Sunset cách nhà Quê hai đèn giao thông vào sáng thứ Bảy. Thứ Tư và thứ Sáu Quê đi làm. Thứ Bảy Quê đi thư viện rồi đi chợ và thật tình chị không chú ý anh ở nhà hay đi đâu. Mà anh có đi đâu loanh quanh thì cũng là chuyện bình thường. Anh em của anh sống gần chung quanh. Anh đến nhà anh em, ở ăn cơm hay giúp làm giấy tờ nếu có ai nhờ.

Chị biết tính chồng rất giản dị. Anh không thích đi ăn ở nhà hàng, viện cớ phải đóng bộ cho tươm tất, phải chờ đợi lâu lắc, thức ăn dầu mỡ không tốt cho sức khỏe. Anh lại càng không thích sushi bảo rằng ăn gỏi cuốn ngon hơn gấp mấy lần. Quê không thể nào hình dung chồng chị vào nhà hàng gọi thức ăn rồi ngồi ăn một mình bởi vì cái hình ảnh ấy quá khác biệt với người chồng chị chung sống bao nhiêu năm.

Ai? Đồng tiền nối liền khúc ruột. Đàn ông thường mở hầu bao nơi họ đặt trái tim. Ai là người khiến anh vượt qua thói quen không đi ăn nhà hàng và không thích ăn sushi? Nếu anh đi ăn với bạn bè sao chẳng nghe anh nói? Trước hôm tiệc Giáng sinh, anh đi mua sắm quần áo. Đây là chuyện lạ, ít khi anh chưng diện se sua. Có lẽ chị để lộ vẻ ngạc nhiên nên anh giải thích, “tiệm nào cũng có big sale, anh thấy rẻ quá nên mua thêm quần áo giày vớ.”

Quê vừa khen chồng, vừa đùa: “Anh diện lên trông trẻ hẳn ra. Coi chừng người ta mê là mệt nhé! Tiếp tục đọc