TỪ ĐÊM NGUYỆT TẬN

.

 

Biết rằng khuất mất mùa xuân
Từ đêm nguyệt tận cõi tang thương người
Mất trăng tôi tự trách tôi
Như con chim khổ mồ côi giọng khàn
.
Soi gương sầu sợi tóc sương
Thấy trong tâm nỗi đoạn trường phân ly
Đêm đông chim khóc những gì?
Riêng tôi rất rõ sầu bi khúc tình
.
Trăm năm một kiếp nhân sinh
Bụi hồng tan hợp, hợp tan não lòng
Cố nhân còn gặp lại không?
Đêm nay khuyết nguyệt đầy hồn sương rơi!
.
Nguyên Lạc

Advertisement

LỜI VĨNH BIỆT

 

 

(Thương tiếc thi sĩ Tô Thùy Yên)

.

Riêng người đây một nén hương!
Tiếc chàng thi sĩ vô thường tan mau
Biếc chiều nghiêng nắ́ng ngang đầu
Chiêu hồn chuông gọi lời đau đến người!
Mắt đầy sương khói chiều rơi
Tiếng chiều đồng vọng người ơi nghìn trùng!
.
“Tam Giang” rày đã cạn cùng!
“Trường Sa chếnh choáng” “Anh Hùng Tận” ôi! [*]
.
Xin người an ngủ đi thôi!
” Ta Về” “nghe nặng đất trời từ tâm” [**’
,,,,,,,,,,
[*] Tên một số bài thơ của thi sĩ Tô Thùy Yên: Chiều trên Phá Tam Giang/ Trường Sa Hành/ Anh Hùng Tận…
[**] Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.- Ta Về
TIỄN NGƯỜI
.
(Tiễn biệt Tô Thùy Yên)
.
Đất trời gầy cuộc ly tan
Tôi mang áo trắng khăn tang tiễn người
Nắng chiều nhuộm tím bờ vai
Lay hồn tám sải chuông hoài vọng âm
.
Người đi vào cõi hư không
Để vần thơ lại muôn năm cho đời
“Ta về”. về với đất trời
“Từ tâm vô lượng” những lời “nở hoa”
.
“Cảm ơn hoa nở vì ta”
“Mười năm ta vẫn cứ là ta” thôi!
“Một lần kể lại rồi thôi”
“Ðành không trải hết lòng” tôi với người!
.
“Vầng trăng tiếc cuộc rong chơi”
“Tiếc đời hữu hạn”. lẻ loi. “Ta về”!
…….
(” “) Một số lời thơ trong bài “Ta Về” của Tô Thùy Yên
.
Nguyên Lạc

RƯỢU CHIÊU HỒN

.

“Tháng Ba Gãy Súng” một thời [*]
Một cơn cuồng nộ. một trời can qua
Mấy mươi năm vẫn xót xa
Bạn bè chiến hữu lệ nhòa. máu rơi
.
Tháng Tư!
Yên ngủ đi thôi!
Này đây!
Nghiêng chén ly bôi. ta mời!
.
Sao. như còn đó tiếng cười?
Mộng đời tuổi trẻ. vá trời lấp sông
Động chiều. tám sải hồng chung
Nhắc người
Sinh. Tử. Có. Không. Vô thường
.
Chiêu hồn chiến hữu. mười phương
Vĩnh hằng. miên viễn…
Bình thường. An nhiên!
.

Nguyên Lạc
……………….
[*]. Tên sách “Tháng Ba Gãy Súng” – hồi ký Cao Xuân Huy: Ghi lại cuộc tàn sát các người lính Thủy Quân Lục Chiến (VNCH) tháng 3, 1975 tại cửa biển Thuận An – Quảng Tri (bởi chiến binh CS – VN) Đa số các TQLC còn lại bị bắt làm tù binh.
Có thể đọc truyện tại đây:
https://hung-viet.org/a3462/thang-ba-gay-sung

CẢM NHẬN VÀI BÀI THƠ CỦA “BÀ CHÚA THƠ LỤC BÁT”

.

BÀI “ĐỌC TẬP THƠ BẤT TƯƠNG PHÙNG, KHÔNG TIN…”

I. NHỮNG TRÍCH ĐOẠN
Tình cờ đọc được bài “Đọc Tập Thơ Bất Tương Phùng, Không Tin Của Phạm Hiền Mây” của nhà bình thơ Trần Trung Thuần thấy hay hay, xin được ghi ra đây vài trích đoạn “ấn tượng” của bài viết ĐỌC TẬP THƠ…[1]
[ … Ý tôi muốn mở bài viết hôm nay về thơ Phạm Hiền Mây, qua tập Bất Tương Phùng Không Tin do nhà Nhân Ảnh ở San Jose, Mỹ, xuất bản năm 2018, tôi vừa nhận được đầu năm mới, 2019, từ một người gửi ở Tiểu Bang Nevada, cũng Mỹ. Phạm Hiền Mây thì ở Việt Nam, ngay tại thành phố Hồ Chí Minh. Phạm Hiền Mây, nói theo lối của Xuân Diệu, mới đã: đây là Bà Chúa Thơ Lục Bát Nước Ta! Cả tập thơ Bất Tương Phùng Không Tin toàn thơ Lục Bát dày tới 250 trang, tổng thể là 100 bài rất dài hơi.

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, tôi có hai cái hạnh phúc: năm ngoái, 2018, nhận tập Lục Bát Tản Thần của Nguyễn Hàn Chung gửi cho từ Texas, Mỹ, năm nay, 2019, nhận tập Bất Tương Phùng Không Tin của Phạm Hiền Mây (do ai) gửi cho từ Nevada. Trước hết là tôi Biết Ơn bạn bè luôn luôn chúc tôi có hạnh phúc, sau là Biết Ơn hai tác giả đều “chuyên khoa” làm thơ Lục Bát, theo cách định nghĩa của Nguyễn Du.
Thơ Lục Bát của Nguyễn Hàn Chung là loại thơ có tư cách Nguyễn Hàn Chung: Nói thẳng, nói thật, nói tuột luốt cái tư duy có trong đầu mình, trong bụng mình, không đụng hàng ai hết…thỉnh thoảng có giống giống chút thôi bởi không dè…người ta (Nguyễn thị Hoàng Bắc, Sơn Núi, Bùi Giáng…) lại có tư duy như Nguyễn Hàn Chung, không khéo mà thành Công Duy…(như chữ Tư Sản đã thành Công Sản vậy). Thơ Nguyễn Hàn Chung: Vui và Tuyệt Cú Mèo (dùng chữ Tuyệt Tác thì lễ phép hơn nhỉ?).
Thơ Lục Bát Phạm Hiền Mây…có thể “trùng thanh” nhiều người (toàn bậc thượng thừa) như Hồ Dzếnh, Trân Huyền Trân, Nguyễn Du, Huy Cận, Cung Trầm Tưởng…, có thể “trùng ý” nhiều người (toàn thể ai…hay yêu và hay buồn). Cái tài của Phạm Hiền Mây là làm thơ Lục Bát hay quá và đều tay quá, không chỉ một tập thơ dày cộm này, Bất Tương Phùng Không Tin! Phạm Hiền Mây có một đứa con thật mà có tới ba đứa con tinh thần, và chắc không ngừng ở số ba!

Bây giờ tới chuyện Phạm Hiền Mây, không khen là tôi đắc tội (không phải Phạm Hiền Mây đẹp). Tôi tin nếu Xuân Diệu còn sống thì Xuân Diệu cũng bái phục Phạm Hiền Mây như Xuân Diệu từng làm điều đó với Hồ Xuân Hương, Bà Chúa Thơ Nôm. Dù tôi “phát biểu”: Phạm Hiền Mây Là Bà Chúa Thơ Lục Bát, hơi hướng Xuân Diệu, nghĩ có sao đâu? Có thể có người bảo tôi “ninh tinh”, thì cứ lý lụn đi nào, coi ai lụn bại, ai thành công. Nếu “kết lụn” thua nghiêng về tôi, tôi sẽ méc Má tôi: tại Má sinh con ở Nam Bộ…phận!

Tôi không có nhận xét nào thêm để dài dòng về một thi tài độc đáo là Nữ Thi Sĩ Phạm Hiền Mây. Chuyện của Phạm Hiền Mây qua thơ (Tôi chỉ biết thơ, thú thật hổng biết Thơ Ca hay Thi Ca nghĩa là làm sao?). Tôi coi Phạm Hiền Mây như một đóa hoa mai. Nhất sinh đê thủ, rồi. Tôi coi Phạm Hiền Mây là Bà Chúa, tôi nghĩ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn không bắt lỗi tôi
Tôi không còn gì để nói thêm! ](Trần Trung Thuần)

II. VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI ĐỌC TẬP THƠ

1. Đọc lời khen của nhà bình thơ Trần Trung Thuần, tôi chợt nhớ lại bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán:

Lời mẹ dặn
Phùng Quán

Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu…

2. Đây là vài ý nghĩ của các bạn tôi khi đọc bài khen thơ trên:
– Chưa từng thấy có lời khen “tuyệt vời” như vầy
– Quảng cáo tập thơ cô thi sĩ trẻ quá siêu!

THƠ CỦA “BÀ CHÚA THƠ LỤC BÁT”

Theo lời giới thiệu: “Phạm Hiền Mây, nói theo lối của Xuân Diệu, mới đã: đây là Bà Chúa Thơ Lục Bát Nước Ta!”(Trần Trung Thuần), tôi mạo muội ghé qua “vương cung” (Facebook) của “bà chúa” để thưởng thức các bài thơ tuyệt với như lời “quảng cáo”.
Thấy gì?
— Đúng là nơi “vương giả” chỉ dành riêng cho thiểu số tót vời, giới thượng lưu.
Này nhé: – Dầy đặc trong các bài thơ những cụm từ “hàn lâm”: Hư không, vô ngôn, miên khê, miên trường, miên du, uyên nguyên, phiêu bồng, địa đàng, thiên cổ, cát bụi, nguyên sơ, phù vân, cố thổ, tà huy, tà dương và nhiều nhiều nữa.
Gặp ở đây nhiều chữ của Phật giáo, của các triết gia, đặc biệt là của thi sĩ Bùi Giáng những chữ mà ông thường dùng một cách nhuần nhuyễn.

I. Phân tích một số chữ tiêu biểu được dùng trong thơ

Xin tạm phân tích một số chữ của “bà chúa” Phạm Hiền Mây dùng trong các câu thơ. Có gì không đúng xin bà giảng dạy thêm.
– Miên trường
Tiếng Hán Việt (H) giống như tiếng Anh (E) tính từ đứng trước danh từ, ngược với tiếng Việt(V).
Thí dụ: Bạch mã (H) White horse (E) Ngựa trắng (V)
Do đó “miên trường” không phải là giấc ngủ dài, mà là dài rất dài: Trường = dài; miên = dài (miên viễn).
Áp dụng vào các câu thơ:
“thiên lý dặm miên trường mù không” ̣Phạm Hiền Mây (PHM)]
(thiên lý dặm = ngàn dặm đã dài rồi, thêm miên trường = rất dài vào, ôi!)
“mới cơn bụi cát miên trường đêm say”(PHM)
“ừ anh mật ngọt miên trường giọt môi”(PHM)]
tôi thấy chúng sao ấy, nếu không nói là vô nghĩa!
– Tà dương ̣
Tà dương ̣hay tịch dương: Mặt trời lúc sắp lặn, có nghĩa là buổi chiều gần tối.
Câu thơ: “có em chiều xuống tà dương” (PHM) dư chữ “chiều xuống”
– Vô ngôn
Vô ngôn là cụm từ của Phật giáo với nghĩa không lời. Sóng tràn thì phải động mới tràn, nghĩa là có âm thanh: Xem như có lời.
Vậy câu thơ: “sóng tràn vô ngôn” thi sĩ muốn nói về điều gì? Vô ngôn?
– Biển ngâu
Trong “mai đời dẫu khóc biển ngâu” có hai chữ “biển ngâu”
Sự tích Ngưu Lang – Chục Nữ gặp nhau ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, ngày mưa Ngâu (Ngưu) sụt sùi. Bắc cầu “ô thước” qua “sông” Ngâu chứ đâu có “biển” Ngâu: Biển làm sao bắc cầu. Lại nữa, dãi ngân hà giống như dòng sữa, nhìn như dòng sông chứ đâu phải khắp bầu trời mà gọi là biển?
– Miên khê
Miên khê là khe nước đứng yên (ngủ), giang đầu là đầu nguồn sông lớn… vậy câu sau đây có nghĩa là gì?
“giang đầu nguyệt bóng miên khê”
Và “nguyệt bóng” là gì tôi tìm từ điển không thấy, xin bà chúa giải thích cho biết?
Hai chữ “nguyệt bóng” này làm tôi nhớ đến “sự đảo chữ”

II. Bàn sơ lược về đảo chữ

Tôi thấy “bà chúa thơ” rất “sính” đảo chữ. Mời đọc những chữ này: Nắng vạt, hoặc nghi, phai phôi, nguyệt bóng, trùng muôn… nhiều nhiều nữa.
Thí dụ:
“hư không níu trùng muôn bớt dài”
Trùng muôn nghĩa là gì vậy nữ sĩ?

Tôi thấy đa số những cụm từ đảo trên gợi ra nhiều vấn đề. Bà chúa thích “đố chữ”?
Xin có vài ý kiến qua trích đoạn dưới đây:

[…Phép đảo chữ (đảo từ):
Đảo: Ngược, đảo ngược.
— Trong nói đảo người ta thường dùng lối chuyển đổi trật tự, vị trí các chữ trong một nhóm chữ (nhóm từ)
— Ta phận biết được ba trường hợp trong phép đảo chữ:
1. Chữ mới khi được đảo có thể xem như cùng nghĩa với chữ trước khi đảo:
Ngồi ngủ/ ngủ ngồi.
Đứng ăn/ ăn đứng
Khổ đau / đau khổ…
2. Chữ mới khi được đảo sẽ “vô nghĩa”, nghĩa là không thể nào đảo được.
Chữ mới khi được đảo sẽ “vô nghĩa”, nghĩa là không thể nào đảo được.
Độc đáo / đáo độc: Đáo độc vô nghĩa
Độc lập/ Lập độc: Lập độc vô nghĩa
Tà huy / huy tà: Huy tà vô nghĩa
– Khờ khạo / khạo khờ: Khạo khờ vô nghĩa.
– Vừa vặn / vặn vừa: Vặn vừa vô nghĩa.
Muôn trùng / trùng muôn: Trùng muôn vô nghĩa
câu thơ:
Hư không níu trùng muôn bớt dài (PHM): vô nghĩa.
Các thi sĩ nên xét lại! Nếu có nghĩa xin các thi sĩ cho biết tên từ điển Việt nào?
3. Chữ mới khi được đảo khác nghĩa với chữ trước khi đảo, nghĩa có khi trái nghịch…]
(Đảo Chữ – Nguyên Lạc)

Sẵn dây xin được ghi ra trích đoạn về ngôn ngữ thơ mà tôi tâm đắc của Lê Hữu
[… Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng … chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.
Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.
Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.
[Lê Hữu: Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn]

III. Cảm nhận hai bài thơ tiêu biểu của “bà chúa thơ lục bát”

1. Hai bài thơ tiêu biểu
Các bài này đã được phổ nhạc và được rất nhiều thi sĩ “lão thành” có tiếng khen (like), tức nhiên nó phải hay và chắc tôi không cố ý chọn lầm.

VẼ EM…

vẽ em
bằng hết đời
sầu
anh tô lại đẹp từ đầu giấc mơ
từ đầu buổi mắt xanh thơ
còn trong veo nắng màu tơ sợi trời

**
còn chân gót hát ca lời
vẽ em
anh vẽ mưa rời rợi
đau
tay vời vợi níu tay nhau
mùa đông hoài gạt lệ dàu dàu vương

**
mùa đông hoài vắng người thương
hoài thiên lý dặm miên trường mù không
vẽ em
bằng hết chờ
trông
đợi anh tịch lặng mênh mông bóng gầy

**
trăng treo cao bóng lên đầy
tiếng khuya lả tả trắng bầy rong rêu
trắng dòng lá mục lêu bêu
vẽ em
anh vẽ vạc kêu sương
tàn

**
vẽ em
bằng nỗi vui
tràn
anh hoàng hoa xuống cội vàng cánh xương
cội hoàng hoa đóa uyên ương
mây hoàng hoa bến mộng thường vân lâu

**
yêu cho bằng hết bể dâu
sông
anh ru cọ ơ ầu
vẽ em… .

VÔ CÙNG TRĂM NĂM… .

yêu anh
cuộc
mộng nghìn trùng
dấu cô lý bến mịt mùng xa xăm
gót chân viễn xứ mù tăm
bâng khuâng bờ vắng em nằm chờ mai

**
bâng khuâng cõi vốn phôi phai
yêu anh
từ độ chia hai mây
trời
đất mơ gặp gỡ nhau đời
tạc câu huyền sử bời bời uyên ương

**
ghi rằng trời đất vấn vương
mới cơn bụi cát miên trường đêm say
yêu anh
yêu
cả gầy tay
hương thơm ngón thắp em ngày ái ân

**
hương xanh đôi thắp phù vân
thắp men tình muộn màng trần gian không
còn gì ngoài gió mùa đông
yêu anh
em
trái tim hồng cánh môi

**
yêu anh
yêu
vĩnh hằng ngôi
chỉ duy nhất một bồi hồi xưa sau
hàng mi khép lúc giọt mau
rót riêng em giấc ngủ màu bao dung

**
như nhiên đã lối về chung
em yêu anh
rất vô cùng
trăm năm…
(Phạm Hiền Mây)

2. Vài nhận xét

a. Vài ý đóng góp:
Đây là vài ý của bạn tôi đóng góp khi chúng tôi trao đổi về 2 bài thơ tiêu biểu trên:
— Người được gọi là ” Bà chúa lục bát” có giọng thơ hơi sáo rỗng:
“mùa đông hoài vắng người thương
hoài thiên lý dặm miên trường mù không
vẽ em
bằng hết chờ
trông
đợi anh tịch lặng mênh mông bóng gầy” (sic)

Các câu khác cũng vướng lỗi gần giống vậy. Ví dụ:
“còn chân gót hát ca lời
vẽ em
anh vẽ mưa rời rợi
đau
tay vời vợi níu tay nhau
mùa đông hoài gạt lệ dàu dàu vương” (sic)

— Khổ 2:
“Còn chân gót hát ca lời” là ý gì?
“Mùa đông hoài gạt lệ dàu dàu vương”: Câu này có ăn nhập gì với câu đầu (còn chân gót hát ca lời) của đoạn thơ không? Đã vậy lại vừa thừa vừa thiếu, Thừa cái kể lể, thở than; thiếu mất hình ảnh thương sầu, ly biệt.
— Khổ 3:
Câu đầu rất ổn, nhưng câu kế vừa thừa lại vừa lang bang.
“Thiên lý” là ngàn dặm rồi, vậy “Thiên lý dặm” nghĩa là gì đây?
Lại nữa, “Thiên lý” đã diễn tả được cái cách biệt, cái xa xăm nghìn trùng rồi, lại nối theo hai chữ “miên trường” (thôi thì cứ hiểu theo ý tác giả “miên trường” là đằng đẵng, là vô cùng) vậy thì cái ” thiên lý dặm miên trường” nên hiểu sao đây? (Chữ “hoài” đầu câu là phó từ, 2 chữ “mù không” phía sau là ngữ động từ mình tách ra)
— Hai bài thơ khác nhau, mỗi bài đều có 2 chữ “miên trường”
“hoài thiên lý dặm miên trường mù không”
“mới cơn bụi cát miên trường đêm say”
đúng là đặt ở hai ngữ cảnh khác nhau. Tuy nhiên xét kỹ thì hai cụm chữ:
“Miên trường mù không”
“Miên trường đêm say”
Giai địêu lập lại, cách dùng lập lại, ý tưởng không khác. Nghĩa là tác giả tự bị TRÙNG TÁC với chính thi phẩm của mình.
[Đỗ Phú]

b. Ý nghĩ riêng tôi:
— Trước hết xin có ý kiến: Rong rêu và lá mục thường xanh đậm (xanh rêu) hoặc xanh đen chứ không thể nào màu trắng. Làm gì mà “trắng bầy rong rêu”?
— Theo chủ quan của tôi, trong con người cái tôi chia ra hai phía, hay nói một cách đơn giản là có hai cái tôi nhỏ: Cái tôi lý trí và cái tôi cảm xúc:
. Cái tôi lý trí do lý trí chi phối, mang tính hơn thiệt, đúng sai, được thua.v.v.. Trong cái tôi này có chứa cái tôi sợ hãi. Biết rằng mình không thích, biết rằng dối gian… nhưng vẫn phải làm. Cái tôi sợ hãi này thì có nhiều thi sĩ, văn sĩ XHCN đã kinh qua và lên tiếng rồi. (Nếu tôi nhớ không lầm là Tô Hoài)
. Cái tôi cảm xúc: Đây là cái tôi đích thực, cái tôi nhân bản, cái tôi của thương yêu, cái tôi cảm nhận sự thua thiệt, không cần tiền tài,danh tiếng, vân vân và vân vân. Nhà thơ rất cần cái tôi này.
Một bài thơ hay khi nào “cái tôi cảm xúc” lên làm chủ, đè “cái tôi lý trí” xuống. Do đó, người ta thường nói: Tình yêu thường “mù quáng” là vậy. Nghĩa là lý trí “đi chổ khác chơi”: Thơ mà chỉ có lý trí, chỉ sắp xếp chữ, không có cảm xúc thì thơ chắc không gây một hiệu ứng nào đối với người đọc, và chắc sẽ bị quên mau .
Hình như tác giả Phạm Hiền Mây đưa cái tôi lý trí lên “đỉnh”, đè bẹp “cái tôi thực sự, cái tôi cảm xúc”.
Nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, đại khái: – Thơ loại này (lý trí làm chủ) “Ào ào lá đổ nhưng chẳng thấy mùa thu đâu!: Thơ thiếu vắng” hồn thơ”
Hai chữ “cảm xúc” cũng xuất hiện trong định nghĩa về thơ của William Wordsworth:
“Poetry is the spontaneous overflow of powerful feelings: it takes its origin from emotion recollected in tranquility”.[3]
“Thơ là sự tuôn trào tự phát của cảm xúc mạnh mẽ, bắt nguồn từ cảm xúc được hồi tưởng trong sự tĩnh lặng”
— Xin được ghi ra đây vài ý về “thơ mở ngõ”
[… Về thơ mở:
Thơ muốn “hay” phải là thơ mở, nghĩa là bài thơ tác giả mở ngõ, mời độc giả dự phần, đưa tâm tư của riêng mình vào. Độc giả bây giờ không còn là người bàng quan và sẽ nghĩ rằng thơ viết cho mình, nên rất thích thú, thấy bài thơ hay thêm.
– Xin giới thiệu bài thơ mở của thi sĩ Trần Phù Thế, thi sĩ mời các bạn gởi tâm sự riêng mình vào:
khóc
tuổi thơ
khóc
kiếp người
từ đâu tiếng khóc gọi mời nỗi đau?
khóc là cười chẳng được sao?
(khóc cười – Trần Phù Thế)…]
[Vài Khái Niệm Về Việc Dùng Chữ Trong Thơ – Nguyên Lạc]

Một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho ta, thấy có cuộc đời riêng của ta trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào. Nếu tất cả đã được nói ra hết rồi thì độc giả bây giờ chỉ là người bàng quan và từ đó nghĩ thơ viết cho ai chứ đâu phải cho mình; do đó thơ sẽ bớt hay.
Trong các bài thơ của Phạm Hiền Mây, hình như thi sĩ đã nói lên “hết tất cả”rồi, không còn gì để độc giả đóng góp thêm được nữa. Không còn “ngõ” nào để vào “lâu đài” thơ “Bà Chúa”, chỉ đứng ngoài cửa nhìn vào. Hay nói chính xác hơn, thi sĩ Phạm Hiền Mây là ông thầy đang “giảng đạo”, độc giả chỉ biết lắng nghe và tuân theo. Hoặc như Trần Trung Thuần đã nói: Phạm Hiền Mây là “Bà Chúa thơ lục bát VN”, nên “Bà Chúa” đang ban “huấn từ” cho người dân, đã đầy đủ rồi phải tuân theo, không được ý kiến. Chữ nghĩa ơi là chữ nghĩa!
Qua trên là những cảm nhận của tôi và bạn tôi về các bài thơ tiêu biểu của “Bà Chúa thơ lục bát VN”, giờ xin thử đọc thơ của “người dân dã”.

THỬ ĐỌC VÀI BÀI LỤC BÁT CỦA “NGƯỜI DÂN DÔ

Xin thử đọc vài bài thơ mà theo tôi “cái tôi đầy cảm xúc” làm chủ: Thơ của “người dân dã”, thi sĩ Quỳnh Nga, người tôi chỉ tình cờ biết qua Facebook.
Đây là vài bài thơ với lời lẽ giản dị, đọc hiểu ngay, không “hàn lâm”, không “đố chữ”, khỏi cần chạy tìm từ điển:

CÁI ĐÊM TRĂNG MỎNG EM TỪ TÔI NGHIÊNG

Cái đêm mưa gió ướt đầm
Cái đêm tôi nhớ điếng bầm ruột đau
Cái đêm ta nợ nần nhau
Cái đêm ân ái mùa sau để dành

Cái đêm phiến nhớ long lanh
Cái đêm tơ lụa mong manh khôn cùng
Cái đêm em chạm ngại ngùng
Cái đêm tôi đợi cháy bừng đêm tôi

Cái đêm hôm ấy phải rồi
Cái đêm cánh gió gọi trời sang thu
Cái đêm em tóc hương nhu
Cái đêm trăng mỏng em từ tôi nghiêng…

GÕ CỬA THÁNG GIÊNG

Tôi về gõ cửa tháng giêng
Hỏi ai giấu tuổi hồn nhiên đâu rồi?
Tháng giêng tôi mở cửa tôi
Tìm mong gặp lại một thời chân quê

Tháng giêng tôi đón tôi về
Áo vàng hoa với đường đê hoa vàng
Nghe hồn quê rộng thênh thang
Nghe tôi về giữa nồng nàn yêu thương!
(Quỳnh Nga)

***
Đó là thơ lục bát của hai người, “bà chúa” và “người dân dã”, tự các bạn cảm nhận và phán đoán.

Nguyên Lạc
…………………
Ghi chú:
[1]. Tôi đồng ý với Trần C. Trí không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Xin xem:
“từ và chữ” – Trần C. Trí
https://damau.org/archives/51321
[2] (William Wordsworth Quotes, Brainy Quote, brainyquote.com)
(https://www.brainyquote.com/quotes/william_wordsworth_390135)

TÌM LẠI

.
Khói đốt đồng chiều…
Người xưa cay mắt!
Mùa vẫn xưa!
Em có biết người về?
Tìm lại một khoảng trời
Khoảng trời ký ức
.
Ai? Đánh thức giấc mơ tôi một thời
Một thời tôi cố quên!
Một thời tôi có em
“Một thời để yêu và một thời để chết” [*]
.
Tôi đi tìm em
Chỉ thấy tôi riêng!
Chiều hấp hối bên bờ kinh nắng quái
Tiếng kêu chiều chim vịt cứa lòng quê!
.
Đã ra đi!
Sao lại về?
Để con nước xô bờ!
Để lặng lờ hoa tím!
.
Cổ độ!
Sông ráng chiều khói tỏa
Một bóng người thấy bao nỗi tàn phai!
Đời mong manh!
Tình mong manh!
Đâu đây tiếng gió thở dài
Nghe trong hồn tiếng sương rơi lạnh!
.
Tiếng bần rụng
Tiếng hò ơi
Tiếng thời gian
Tóc bạc màu ai
Tím biếc cõi lòng người lữ thứ!
.
Bến sông vắng
Tiếng kêu sương vạc khổ!
Mơ một thời!
Mờ theo sóng… trôi…trôi!
………
[*] Tên quyển tiểu thuyết của Erich Maria Remarque
.
Nguyên Lạc

VÀI KHÁI NIỆM VỀ VIỆC DÙNG CHỮ TRONG THƠ

CÁC KHÁI NIỆM
Vài khái niệm cần thiết cho việc dùng “chữ” trong thơ: [1]
1. Theo Nguyễn Anh Khiêm (Ký Ức Sơ Sài) thì tiến trình ngôn ngữ như sau: Đủ chữ/ đủ ý: Thoại –> đủ chữ/ nhiều ý: Văn –> ít chữ/ nhiều ý: Thơ.
Do vậy trong thơ càng ít chữ mà càng nhiều nghĩa thì thơ càng hay; không cần phải ầu ơ ví dầu ,”hoa lá cành” cho dài ra, làm bài thơ loãng, dễ chán.

2. Theo tôi: Trong văn chương, dùng chữ bình thường, bình dị mà đủ nghĩa tốt hơn dùng chữ hoa mỹ mà vô nghĩa, sáo rỗng. Tuyệt nhất là dùng chữ bình thường mà tạo được nghĩa bất thường.
Đây là ý kiến của Nguyễn Thị Thảo An
[…Dùng những chữ đời thường đôi khi nghe ngô nghê, tưởng chừng như không thể là ngôn ngữ thơ, nó là ngôn ngữ trẻ con, của vỉa hè,… nhưng nếu biết đặt đúng vị trí nó sẽ trở thành những “viên ngọc” sáng lóng lánh, làm nổi bật ý nghĩa của câu thơ.
Ví dụ: “Đem thân làm gã tù lưu xứ/ Xí xóa đời ta với đất trời”. Chữ “xí xóa” là chữ của trẻ con, thế mà đặt ở câu thơ này thật tuyệt]

3. Trong văn, văn phạm phải rõ ràng và chữ thường có một nghĩa chính xác. Ngược lại trong thơ, sự chính xác văn pham đôi khi không cần thiết lắm; chữ càng nhiều nghĩa càng tốt, để người đọc suy đoán theo trãi nghiệm riêng mình. Thơ phải mở ra để độc giả dự phần vào – thơ mở – thì mới hay.
4. “Thơ khác hơn văn xuôi ở chỗ đặt cơ sở trên cảm giác về âm vận, tiết điệu. Cũng thời bao nhiêu chữ, bao nhiêu câu đó, phải lựa chỗ, lựa nơi, thêm chữ nầy, bớt chữ kia, cố sắp xếp làm sao tạo được cái cảm giác bồi hồi cho người đọc. Mỗi chữ, mỗi lời phải xôn xao, nhảy múa, linh động… Từ cái tính chất xao xuyến, chơi vơi đó, nhà thơ dẫn dắt độc giả vào cõi mông lung của cảm giác, chuyện khó như nhảy xuống nước mò trăng” (Võ Kỳ Điền – Vài nét lạ trong thơ Lưu Nguyễn)
5.Một bài thơ hay phải hội đủ ba yêu tố: Vần, nhạc và họa . Thơ hay là phải có vần điệu, nhạc diệu và hình ảnh (họa). Nhờ những điều này, thơ mới dễ đi vào hồn người; thiếu một trong ba thì không thể là thơ hay được.
6. Theo tôi, một bài thơ hay khi ta cảm thấy hình như thơ ấy viết riêng cho mình, thấy có cuộc đời riêng của mình trong đó. Thơ mở rộng cánh cửa để ta đặt cuộc đời riêng mình vào. Nó bây giờ không phải của riêng tác giả nữa, mà là của chung, hoặc nói theo cách khác, của riêng người đọc, người đồng cảm. Cùng cái HỒN THƠ đồng cảm này, người đọc có quyền nghĩ theo, dịch theo – nếu thơ tiền nhân – kinh nghiệm đặc thù riêng mình, có quyền diễn đạt theo ngôn ngữ, chữ nghĩa hiện đại riêng mình. Nếu tất cả đã được nói ra hết rồi thì độc giả bây giờ chỉ là người bàng quan và nghĩ thơ viết cho ai chứ đâu phải cho mình, do đó sẽ giảm bớt cái hay.
Xin ghi ra những điều tôi tâm đắc về thơ từ Nguyễn Hưng Quốc:
“Thơ mở ra, gợi ra man mác những nỗi niềm tâm sự chung. Thơ là một cảm xúc đi tìm một đồng cảm. Thơ là tiếng nói một người nhân danh tất cả mọi người trong hoàn cảnh ấy, số phận ấy. Nhà thơ chỉ độc quyền được cho mình một cánh cửa. Sau cánh cửa kia là của mọi người.
Trên núi Kính Đình ngày xưa chỉ một mình Lý Bạch ngồi buồn hiu hắt ngắm mây bay chim bay nhưng còn nỗi cô đơn của ông, nỗi cô đơn ấy là của chung của nhân loại. Cả ngàn năm nay, mỗi khi con người lẻ loi trước thiên nhiên thì chợt nhớ lại, đọc lại “Chúng điểu cao phi tận / Cô vân độc khứ nhàn / Tương khan lưỡng bất yếm / Duy hữu Kính Đình san”. Ngỡ như nỗi cô đơn và niềm bâng khuâng ấy là của riêng mình. [Nguyễn Hưng Quốc]
7. Là thơ Việt, người thơ phải thủ đắc một số thơ của tiền nhân, căn bản triết lý Đông Phuơng để dùng nó khám phá những hàm ẩn, “ý tại ngôn ngoại” của bài thơ. Người thơ cũng nên học hỏi thêm để biết vài thủ pháp về thơ, biết sơ lược về cách phân tách ngôn ngữ cần thiết cho thơ.
8. Xin lại được ghi ra đây những câu bàn về thơ hay mà tôi tâm đắc của ông Lê Hữu:
[… Ngôn ngữ thơ là chữ nghĩa, hình ảnh, ý tưởng … chỉ có ở trong thơ hơn là trong đời thực. Có điều, khi đọc, nghe, ta cảm thấy như là có thực, có ý nghĩa và chấp nhận được; hơn thế nữa, lại còn rung cảm vì thứ ngôn ngữ ấy. Bất kỳ cách diễn đạt nào làm cho người ta đọc ra thơ, nghe ra thơ, hiểu ra thơ muốn “nói” điều gì, đều là ngôn ngữ thơ.
Chữ nghĩa cần có sự phát minh, sáng tạo hơn là lặp lại rập khuôn người đi trước. Những vô thường, vô vi, phù vân, phù ảo, hư ảo, hư không, tà huy, miên trường… mà người làm thơ cố đưa vào bằng được trong thơ mình thường có một vẻ gì khập khiễng, gượng gạo như một kiểu tạo dáng kém tự nhiên, đôi lúc khiến câu thơ tối tăm, khó hiểu.
Thường, thơ khó hiểu thì khó hay; thơ tạo dáng thì khó tạo được cảm xúc.
— Ý tưởng
Câu thơ đẹp thường có mang theo ý thơ đẹp. Ý tưởng mờ nhạt, có mới mà không hay, hoặc có hay mà không mới, thường kém sức hấp dẫn. Ý tưởng cần sáng tạo hơn là vay mượn.
Biệt ly dù ở ga nào,
cho tôi ngồi một toa tàu lãng quên (Hôm nay, Nguyễn Tất Nhiên)
— Hình ảnh
Hình ảnh tô đậm thêm những tình ý trong thơ. Ý tưởng đẹp, minh họa bằng hình ảnh đẹp, thường đọng lại về lâu về dài trong tâm tưởng người yêu thơ.
Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san (Truyện Kiều, Nguyễn Du)
— Âm điệu: Thơ, nhạc và tranh
-Thơ, nhạc và tranh nhiều lúc vượt ra ngoài biên giới của ngôn ngữ. Cái làm cho thơ “không biên giới” là ý tưởng và hình ảnh (đôi lúc chữ nghĩa) hơn là âm điệu – vần điệu, nhịp điệu hay nhạc điệu. Đọc một bài thơ hay của nước ngoài ta thấy nhiều phần cái hay là hay về ý tưởng hoặc hình ảnh…]
[Lê Hữu: Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn] [2]
9. Theo tôi: “Cảm nhận đưa tới cảm xúc -tức cảnh sinh tình- rồi cuối cùng đưa tới thơ”, do đó điều quan trọng nhất ở thơ là cảm xúc – “cảm xúc thật” của lòng. Những bài thơ sắp xếp chữ do lý trí do kinh nghiệm có thể hay, nhưng chắc chắn sẽ không có HỒN, nghĩa là sẽ không tồn tại lâu trong tâm tưởng con người.

VỀ VIỆC PHÂN TÍCH VÀ DÙNG CHỮ
Để minh họa những điều nói trên, chúng ta hãy xét sự dùng vài chữ trong các câu thơ sau đây:
Cố hương mất dấu, đoài phương ấy
Vẫn mãi trong tôi bóng nguyệt đầy!
(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Tôi ở nơi này thương nhớ lắm
Xứ đoài bóng nguyệt vẫn rạng, hay?
(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)
Trong các câu thơ này, tôi sẽ lần lượt phân tích 5 chữ: đoài, nguyệt , bóng, đầy và chữ “hay”mà tác giả dùng với chủ ý.
— Nhận xét đầu tiên: Trong các câu thơ trên, có “đoài” mà có cả vầng trăng (nguyệt) chứng nhân. Đoài là hướng tây (giải thích sau).Tây là chữ địa dư giữa bai bờ Đai Dương. Tây còn là phương thương nhớ, vùng ký ức… và còn là cõi về của Nguòi – “về cõi Tây phương” khi chết.
Giờ tôi giải thích trọn nghĩa cách xử dụng các chữ trên:
— Chữ “đoài ” : Trong “Hậu thiên bát quái” của Kinh Dịch, quẻ Đoài nằm vị trí hướng tây (Chấn hướng đông), các nhà Nho – trí thức xưa ai cũng phải nằm lòng để đi thi, nên trong văn chương, nhắc tới đoài là người ta muốn nói tới hướng tây. Hướng tây là hương mặt trời lặn, tượng trưng cho buồn bã, thương nhớ, nhớ về…cũng là hướng của nước Việt Nam nếu nhìn từ Mỹ. Do đó trong câu thơ nó cũng có thể được nghĩ là phương thương nhớ, vùng ký ức, là cõi về đối với người sống ở Mỹ như đã nhận xét trên
Đoài cũng có nghĩa đoài đoạn – “thương nhớ đoài đoạn”.
Đoài ở đây có nhiều nghĩa như vậy với điều kiện: Viết thường – danh từ chung, chứ không viết hoa – danh từ riêng như trong bài “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của Quang Dũng.
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
(Đôi mắt người Sơn Tây – Quang Dũng)
(Chữ Đoài, viết hoa danh từ riêng- ở đây chỉ nhớ người (tên Đoài) hay nhớ quê (tên Đoài) thôi)
Tôi sẽ giải thích rõ điều này sau, ở phần “Viết Hoa Hay Viết Thường”
— Chữ “nguyệt”: Chữ nguyệt – viết thường, danh từ chung – tượng trưng cho trăng, chứng nhân hoặc khuông mặt, người con gái, và xa hơn nữa là khoảng trời xưa cũ, niềm nhưng nhớ.v.v…và xứ sở, quê hương. Chữ Nguyệt – viết hoa, danh từ riêng – it nghĩa hơn, chỉ là tên người con gái (Nguyệt), hoặc tượng trưng cho bóng dáng thân yêu.Có một số người ngộ nhận viết hoa thì Nguyệt mạnh nghĩa hơn, “ấn tượng” hơn; cái gì cũng muốn viết hoa vô tình làm giảm nghĩa. Như đã nói, sẽ giải thích rõ ở phần dưới
— Chữ “bóng”: Ở vị trí này trong câu thơ trên, đồng nghĩa với nó là chữ “ánh” hoặc chữ “dáng”. Tại sao tác giả chỉ chọn chữ “bóng”?
Lý do:
. Chữ “ánh” có thể là rực rỡ, vui tươi… Các câu thơ này là câu “thơ buồn”, nên chọn nó thì không hợp
. Chữ “dáng”: Nếu dùng chữ này – dáng nguyệt – thường được hiểu chỉ là người con gái, ít nghĩa không đúng với điều tác giả muốn nói. Lại nữa dáng là “trung tính”buồn vui không rõ, cảm xúc không hàm ẩn.
. Chữ “bóng”: Đây là chữ mà tác giả nhắm vào, lựa chọn để gởi gắm tâm sự, vì nó chứa nhiều nghĩa và đầy cảm xúc. Bóng nguyệt – nguyệt viết thường – là bóng dáng người con gái, bóng dáng kỷ niệm, bóng dáng quê hương như đã giải thích trên về chữ nguyệt. Bóng thường mờ ảo, buồn. Lại nữa nó liên hệ đến “bong bóng nước”, dễ vỡ nếu không cẩn trong, nâng niu. Chữ đầy cảm xúc đúng theo tác giả mong muốn
— Chữ “đầy”: Ở vị trí này của câu thơ cũng có một chữ tương nghĩa là “gầy” – nguyệt gầy – tại sao tác giả không chọn?
Giải thích:
. chữ “gầy”: “Nguyệt gầy” chỉ tượng trưng cho người con gái. Chữ “gầy” làm ít nghĩa câu thơ
. chữ “đầy”: Hợp với chữ nguyệt và tạo nhiều nghĩa hơn: “Nguyệt đầy”nghĩa người con gái, niềm thương nhớ, chứng nhân, xứ sở, quê hương…vẫn tròn đầy, rực sáng trong tâm
Đó là lí do tác giả chọn chữ “đầy”.

LIÊN HỆ THÊM VỀ NHẠC ĐIỆU, THƠ MỞ…
Sẵn đây tôi liên hệ thêm về nhạc điệu, thơ mở.
— Về nhạc điệu
thử xét các câu:
Ai rồi. như áng mây trôi
Trong tôi vẫn mãi. một thời đã xa!
(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)
Chú ý chữ “mây trôi”. Gần giống với nó là chủ “mây trời”
– “mây trôi” tượng trưng cho người con gái, cuộc đời … bị đưa đẩy trôi đi, nhưng nó vẫn còn tồn tại.
– “mây trời” nhiều nghĩa hơn: – Nó bao gồm cả mây trôi đi, nhưng cũng có thể mây tan, không còn hiện hữu nữa… Lại nữa, “mây trời” lại có nhiều màu, tùy theo tâm trạng người đọc, do đó ẩn tàng nhiều nghĩa hơn.
– Giữa hai cụm từ nầy còn có nhạc điệu: Ta chú ý thấy “mây trời”2 chữ khác thanh nên nhạc trầm bổng hơn “mây trôi” cùng thanh. Phải liên hệ đến những chữ đứng trước và sau nó , để chọn chọn chữ nào cho nhạc điệu trầm bổng.
Và cũng nên nhớ cái nghĩa của chữ so với ý, tứ bài thơ.
Ở bài này tôi chọn “mây trôi”, ít nghĩa hơn, nhưng vì bóng hình người con gái chỉ xa khuất, vẫn tồn tại; trong khi “mây trời” nhiều nghĩa hơn nhưng không hợp, kể cả nhạc điệu khi liên hệ với những chữ trước sau nó
— Về thơ mở:
Chữ “hay?” trong câu thơ trên tác giả để mở, mời độc giả dự phần đoán: Vẫn rạng hay hết rạng.

Để minh họa rõ thêm về “thơ mở”, mời các bạn xét trường hợp sau:
Đây là 4 câu thơ:
Bất chợt nhớ một câu thơ cũ
Người ngày xưa giờ ở phương nào?
Thương đến thế đôi mình cách mặt
Lòng vẫn đầy mãi chẳng bên nhau!
(Nguyên Lạc tự chế để minh họa)

Ở câu cuối, ngay vị trí chữ “mãi”, ta cũng có thể dùng chữ “sao”. Thử xét cách dùng 2 chữ này:
— Chữ “mãi”: Tác giả muốn diễn tả nỗi đau, nỗi xót xa kéo dài không ngừng, khắc khoải không nguôi. Câu thơ xác định, xem như sự đã rồi, độc giả chỉ bàng quan: Đâu có viết cho tôi!
Có chắc là mãi không trong cuộc đời này? Biết đâu, trong khoảng thời gian tương lai nào đó, một “hạnh ngộ” nào đó thì chữ “mãi” nầy mất bóng. Lại nữa chữ “mãi” nầy trung tính hay nói đúng ra chỉ có chút cảm xúc, vì nó là câu khẳng định.
— Chữ “sao”: Khi thay thế chữ “sao” vào vị trí chữ “mãi”, câu thơ bây giờ là một câu hỏi (?). Câu hỏi này, nỗi đau này, sự xót xa này sẽ kéo dài mãi cho cuối đời người. Nghĩa là chữ “mãi” không dài và nhói đau bằng chữ “sao” .
Câu thơ gợi ra câu hỏi, mời độc giả dự phần vào, đưa tâm trạng của chính mình vào, tự trả lời theo tâm tư riêng mình. Độc giả bây giờ không còn là người bàng quan và sẽ nghĩ rằng thơ viết cho mình, nên rất thích thú, thấy bài thơ hay thêm.
Lại nữa , câu thơ là câu hỏi, là niềm bâng khuâng, day dứt nên chữ “sao” đầy cảm xúc.
Do những điều này, tác giả chọn chữ “sao”, câu thơ bây giờ như sau:
Lòng vẫn đầy sao chẳng bên nhau?
“Thơ mở” ý là vậy!

VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG?
1.
Để minh họa về phần này, tôi xin được ghi ra đây trích đoạn từ bài viết “VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG” đã đăng trên Web

[…Hãy xét bài ca dao
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con
(Công Cha Nghĩa Mẹ)
Theo tôi, hai chữ “thái sơn” phải viết thường. Thái Sơn (viết hoa) là sai.
Các bạn chắc sẽ hỏi tại sao?
Giải thích:
Vì nếu hai chữ thái sơn viết hoa, chúng ta sẽ đem hữu hạn thế cho vô hạn! Này nhé:
– “thái sơn” (viết thường, danh từ chung) là núi rất lớn, vô hạn (thái= rất bự, rất lớn; sơn = núi). Còn “THÁI SƠN” (viết hoa, danh từ riêng) là một ngọn núi bên Tàu, chỉ cao khoảng 1450 m (đo được, hữu hạn). Vậy nếu viết hoa: THÁI SƠN thì không phải là hữu hạn thay cho vô hạn sao?
– Nghĩa mẹ = “nguồn nước chảy ra vô tận, không dứt”, đối với “THÁI SƠN” (viết hoa: danh từ riêng ) đo được chỉ vài trăm hoặc ngàn mét. So sánh ra thì công cha như số không ! Sao BỘI BẠC VỚI CHA quá thế!
– Còn nếu viết “thái sơn (viết thường: danh từ chung) = lớn, bự vô hạn”, công cha sẽ gần như bằng công mẹ.
Do điều này, ta phải dùng thái sơn danh từ chung (viết thường) . Hai câu đó tôi nghĩ như vầy
Công cha như núi, …… thái sơn (to vô cùng)
Nghĩa mẹ như nước,…. trong nguồn chảy ra (luôn không dừng).
– Xin nói thêm: thái sơn, sơn hà (viết thường, danh từ chung) tượng trưng đất nước, tổ quốc; nếu chúng viết hoa (trở thành danh từ riêng) thì sẽ không còn nghĩa này nữa, mà thành tên ngọn núi Tàu, tên riêng vùng nào đó …] (VIẾT HOA HAY VIẾT THƯỜNG – Nguyen Lac)

2.
Thử áp dụng những điều bàn trên vào các câu thơ sau đây của nhà thơ Nguyễn X. xem sao?
Câu thơ Nguyễn X (tên hư cấu) viết như vầy:
Trưa chín HÈ, PHƯỢNG đỏ thật thương
Tiếng ve nấc nỗi niềm vương rất lạ
(Ví dụ minh họa)
Nhà thơ Nguyễn X cố tình viết chữ HÈ và PHƯỢNG hoa, chắc anh cho là nó “ấn tượng” hơn!
Theo tôi, chữ “phượng” viết thường hay hơn và nhiều nghĩa hơn. Lý do?
Giải thích:
– PHƯỢNG viết hoa là danh từ riêng chỉ chính xác một nghĩa: người con gái – tên người con gái. Viết hoa chữ PHƯỢNG, sẽ làm nó trở thành “nội gián” phá hỏng ý bài thơ. Rõ ràng là bài thơ nói về mùa hè buồn hoa phượng nở đỏ. Nếu viết hoa chữ PHƯỢNG, thành ra cô gái PHƯỢNG “đỏ mặt” – hoa phượng mất dấu ở đây – thì cón thể thống gì nữa mà liên hệ đến ve sầu câu dưới? Chữ phượng viết thường, danh từ chung bao gồm cả hoa phượng, mùa phượng, mùa bãi trường và người con gái…
Tuong tợ như vậy về chữ HÈ – viết hoa – cũng khiến người ta nghĩ đến một anh chàng tên HÈ nào đó
Rất mong nhà thơ Nguyễn X, nói rộng ra các nhà thơ trẻ chú ý đến điều này. Hãy mở lòng lắng nghe tha nhân góp ý, ai tự thỏa mãn sẽ bị dừng lại, hay đúng ra sẽ lùi so với sự tiến bộ của người khác

LỜI KẾT
Chữ Việt chúng ta tuyệt vời lắm, đừng “ngộ nhận” nó kém so với chữ nước ngoài
Nên nhớ rằng: Trong các “nghề chơi”, chơi văn chương chữ nghĩa là cao sang nhất, nhờ nó ta mới phân biệt được người thấp người cao, ai sang ai hèn, chứ không phải ở giàu nghèo.
Chơi cho lịch mới là chơi,
Chơi cho đài các, cho người biết tay.
(Cầm Kỳ Thi Tửu – Nguyễn Công Trứ)
Đọc một bài văn, bài thơ mà giống như ăn “mì ăn liền”, chỉ ăn cho no; không cần biết hương vị thơm tho của bát mì, công phu nghệ thuật của người nấu ra nó thì chỉ là “phàm phu tục tử”.

Nguyên Lạc
—————
Ghi chú:
[1] Tôi đồng ý với Trần C. Trí không dùng chữ “từ”, vì nó chính là cội rễ của tất cả những “từ” độc hại khác. Xin xem:
“từ và chữ” – Trần C. Trí
https://damau.org/archives/51321
[2] “Thơ lục bát còn, tiếng Việt còn” – Lê Hữu
http://t-van.net/?p=35489

THẮP NẾN ĐÊM TRẮNG TUYẾT

 

Thắp nến lên
đêm mùa đông
Tôi
một mình!

Tiếng thời gian
tích tắc!
tích tắc!

Điệp khúc trầm
như tiếng cầu kinh!

.

Thắp tôi lên
Đêm mùa đông
Thấy thanh xuân vỡ vụn
xuôi qua kẽ tay vèo theo áng mây bay!

.

Mây trắng vẫn bay
Màu thời gian nhuộm tóc ai!
Tích tắc
điệp khúc buồn
như khóc cho nỗi tàn phai!

.

Đem hồn ra
Sắp xếp lại phiến đời
Tôi tìm thấy tôi
Một thời mắt môi
Một thời vụng dại

.

Một thời
à ơi tiếng mái chèo khua
tiếng khàn “bìm bịp kêu
con nước lớn
buôn bán không lời chèo chống mỏi mê” [*]

.

Thắp nến lên
mong xua nỗi lạnh
ngoài song
đêm trắng
bông tuyết rực trời

.

Đêm trắng tuyết
một người ngồi thắp nến
Tìm chút ấm
trong căn phòng cóng lạnh mùa đông
Chạm tay
miền ký ức xa xăm!

.

Ai thắp nắng giùm tôi?
Đêm cô miên!
Niềm lữ thứ!

.

Nguyên Lạc

…………….

[*] Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê

(Ca dao)

CHIỀU

Chiều Tiễn Đưa

 

Đất trời gầy cuộc ly tan
Tôi mang áo trắng. khăn tang tiễn người
Nắng chiều. nhuộm tím bờ vai
Lay hồn. nỗi tiếc thương hoài ngàn thu!
Chiều Rơi
Chiều hanh rải nắng lên mây
Vàng pha từng sợi. chiều gầy mơ phơi
Bóng người đâu. chỉ bóng tôi?!
Muôn trùng gió gọi. rụng rơi trời hồng!
Chim buồn. mờ bóng từng không
Tiếng than gởi lại. nỗi mong nhớ người!
Sương rơi. thấm lạnh vai rồi!
Chuông khuya êm vọng. đôi lời từ tâm!
Hạnh Ngộ
Đã thương
hình như kiếp trước?
Sao tin chi những lời đau?
Quay lưng
người ơi đừng vội!
Biệt ly
rồi sẽ phương nào?
Người đi. đóa hoa chợt héo!
Mây bay. vút tận trời cao!
Chiều nay. sao lòng day dứt
triền miên
chẳng biết vì sao?
Dõi theo xa mờ. mong đợi
Hạnh ngộ chắc phải đời sau?!
Tưởng chừng. thì thầm tiếng gọi
Có không
ta sẽ kiếp nào?!
Thuyền Trăng
Hờn ai. mây vội từng không?
Đong đầy sầu đủ. nét cong trăng thuyền?
Chao nghiêng
chắc nặng ưu phiền?
Trút đi sao chẳng?
Buồn riêng phương này!
Gọi chi
lời gió đêm nay?
Bay đi
cùng với Nguyệt tôi. bóng người!
Hạt Bụi
Như là hạt bụi trăm năm
Bụi về cát bụi. tình thâm vẫn hoài
Mắt vương lệ đắng vì ai?
Tim vương tình đắng. thương hoài thiên thu!
Nguyên Lạc

QUÊ HƯƠNG

 

Ôi lịch sử những dòng đời cay nghiệt,
Những tự hào hoá giải với oan khiên.(Trần Kiêm Đoàn)

 

Quê hương có gì để nhớ
Mà sao nước mắt lưng tròng?

1.

Quê hương. chiếc đò nho nhỏ
Qua sông. kham khổ từng ngày
Thân me vai gầy. gánh khổ
Thương con. chịu nổi đắng cay

 

Quê hương còn đầy thương nhớ
Ngoại nhai tóm tém trầu cay
Mẹ mày. thằng cháu mất dạy
Rong chơi lêu lổng suốt ngày

 

Quê hương làm sao không nhớ?
Cầu tre lắt lẻo sáng mai
Đường vui. trống trường réo gọi
Cây cao. chim hót từng bầy

 

Chia nhau từng viên đạn nhỏ
Bịt mắt. kiếm  tìm. Ai đây?
Chia nhau nỗi lo thầy gọi
Nhói đau. thước khẽ bàn tay
Chia nhau trái me keo  ngọt (+)
Chia nhau từng tiếng cười đầy

 

Quê hương làm sao không nhớ?
Dòng sông tuổi trẻ mênh mang
Bần de. phóng đùng. nước mát
Lặn tìm. chân bắt. la vang
Bờ sông. chị khàn tiếng gọi
Vết roi cha đánh. tím bầm!

 

2.

Quê hương đỏ màu phượng vĩ
Hè sang.   ve sầu khóc vang!
Tạ từ. lời ca ly biệt
Buồn trao lưu bút. lệ tràn!
Biết rồi mùa sau gặp lại?
Hay rồi đôi ngã ly tan!

 

Quê hương. buồn vui gác trọ
Thả hồn. giọng Khánh Ly khàn
Chia nhau. chút đầu thuốc vụn
Khói bay. theo khúc tình tan

 

3.

Bao năm đời này vẫn nhớ
Xuân nao. thay đổi phận người!
Bể dâu. biệt ly. mong đợi!
Khổ đau thay thế nụ cười!

 

Bao năm chém tre đẵn gỗ
Bạn bè. chết không nắm mồ!
Mẹ già vượt đồi núi khổ
Thăm con. lệ cạn mắt khô!

 

Con ơi. vợ con Kiều đó
Bán thân. lo giúp cho chồng!
Chữ Trinh. thôi đành phụ bạc!
Đoạn trường. con biết hay không?!

 

4.

Bao năm đời này vẫn nhớ
Đêm thâu. xuôi mái theo dòng
Người đi. không lời từ biệt
Buồn ơi. tím biếc dòng sông!

 

Quê hương ta ơi. thôi nhé!
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!
Rặng cây quê hương mờ bóng
Có còn gặp lại được không?

 

5.

Quê hương hoài mong thương nhớ
Cô thân. lưu lạc phuơng người
Chiều nay. nhớ dòng sông ấy
Lục bình hoa tím hoài trôi!

 

Quê hương ta ơi …đừng nhớ!
Muộn phiền. cay đắng mà thôi!
Cố quên. sao lòng vẫn nhớ!
Quê hương nhớ lắm… ơi người!

 

Quê hương còn gì để nhớ?
Buồn ơi. nước mắt lưng tròng!

Quê hương sẽ còn để nhớ?
Quê hương đáng nhớ không người?!

 

Nguyên Lạc                 

——————————————————————————————————–

Chú thích:

(+) Me nước hay còn gọi me keo, găng tây, keo tây (danh pháp khoa học: Pithecellobium dulce) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu (Fabaceae).

 

VỀ BẠN TRI ÂM : THI VĂN SĨ LÊ MAI LĨNH

 

                                  

Thả tiếu: 

Nhân sinh hàm khổ lụy / Y phạn tích bại thành

Phóng thủ vạn sự tuyệt / Đắc tiếu, tiếu nhất thanh.

Hãy Cười: 

Kiếp người nhiều khổ nhọc,/ Cơm áo lắm được thua,

Buông tay muôn việc hết,/Ðùa được, thì cứ đùa! 

(Nguyên tác và dịch: Hạt Cát)

 

***

Thi Sĩ Lê Mai Lĩnh đă gởi tặng thi phẩm THƠ TÌNH THẾ KỶ, LƯƠNG QUYỀN – CÔ LÁNG GIỀNG và TUYỂN TẬP LÊ MAI LĨNH như món quà Xuân quí. Bỏ qua một thời gian cũng khá lâu đọc các tác phẩm, Nguyên Lạc xin được ghi ra đây CẢM NHẬN của mình thành một bài viết.  Bài này xem như lời cảm ơn trân trọng đến Thi Nhân!

Xin mạn phép được chụp ra đây, ghi vài hàng tiểu sử,  cùng vài trích đoạn tuyệt vời (riêng với Nguyên Lạc tôi) tuyển chọn trong các tác phẩm.

  1. VÀI HÀNG TIỂU SỬ

Thi sĩ Lê Mai Lĩnh tên thật là Lê Văn Chính sinh năm 1942 tai Làng Quảng Điền, xã Triều Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Khởi nghiệp văn chương từ năm 16 tuổi (1958) với bút hiệu SƯƠNG BIẾN THUỲ. Từ sau ngày lưu vong sang Hoa Kỳ (1/1994) lấy bút hiệu Lê Mai Lĩnh

Lê Văn Chính là Trung Úy sĩ quan VNCH. Sau khi “Bên thắng cuộc” chiếm miền Nam, ông được Đảng “vĩ đại” ưu ái cho ghi tên vào học  trường “Đại Học Nhăn Răng” Í lộn Nhân Dân. Đại học đó có tên là “Học tập Cải Tạo” mà thi sĩ Hà Thúc Sinh đặt tên là “Đại Học Máu”. Chuyên “ngâm cú” môn: “Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn” (*). Mặc dù học hành bê bối, vậy mà còn “bài đặt” Đề Nghị  Ngài TBT Lê Duẩn “đáng kính”, yêu cầu THAY ĐỔI ĐƯỜNG LỐI LÃNH ĐẠO, Đảng và nhà nước cũng khoan hồng cho “tốt nghiệp” sau 8 năm, rồi “đạp” ra khỏi VN, đến xứ “tư bản giãy chết” Hoa Kỳ.

Sang ở Hoa Kỳ, ông tiếp tục sự nghiệp văn chương với tên Lê Mai Lĩnh và sau này KHÙNG THI SĨ sáng tác nhiều bài thơ “trong sáng đầy ấn tượng”. Ông tặng tui một bài, đọc đã quá, tui đưa vào bài Loạn Bút về Chữ Tình của tui luôn (đăng trên trang Bạn Văn Nghệ của thi sĩ Trần Yên Hòa)(**) Đó là lý lịch trích ngang của ông. Tui không dám nói nhiều, sợ người đời nói rằng tui xạo, thấy sang bắt quàng. Thôi để tui hú ông thần khác vào nói hộ.

– Ông ơi, vào gầy sòng!  Dạ đây là ly XO, xin mời ngài uống rồi nói giúp cho vài lời!

– Ực, khà! Hảo tửu, hảo tửu!  được rồi ta nói thế cho:

Tôi chưa gặp anh dù – Chỉ một lần,

Mà quý anh ngợp trời khí phách.

Dòng đời quanh co, ai dơ, ai sạch,

Huynh vẫn trong ngần một khối tinh anh.

Núi càng cao, sông càng thác lũ,

Mới biết ai thất phu, ai đấng anh hùng.

Trời càng cao, càng gió to, bão dữ,

Mới biết đâu là chim sẻ, chim hồng!

Tay hào kiệt vươn ngoài vạn lý,

Thì có sá gì một nhúm biển khơi?

Ly cụng ly, rượu tràn tràn sĩ khí,

Thiếu tiếng gươm khua vang bóng một thời!

Huynh nửa miệng cười đời ngạo nghễ

Cổ lai hy còn “Chống gậy tìm tình”!

(Uống Rượu Với Lê Mai Lĩnh – Kha Tiệm Ly)

Thấy chưa! Thôi bây giờ tui xin phép trích ra đây vài đoạn thơ của ông thần sư phụ  tui: Thi sĩ Lê Mai Lĩnh – KHÙNG THI SĨ .

  1. VÀI CẢM NHẬN NGẮN VỀ THƠ VĂN LÊ MAI LĨNH

Đầu tiên có thể nói thơ của Lê Mai Lĩnh là thơ TÌNH, thơ TÌNH CHỊU CHƠI, Tuyệt đối với TÌNH. TÌNH cho EM và cũng TÌNH cho ĐẤT NƯỚC.

Nào mời các bạn theo ông thần này “Chống gậy tìm tình” chơi.

Tìm tình như thế tìm trầm

Rừng thăm thẳm, núi cheo leo

Vì tình chống gậy cố trèo

Tình ơi, tình ơi, tình ơi.

 

Tìm tính, chống gậy tìm tình

Một mai gậy mòn, gối mỏi

Ta lê, ta lết, ta bò

Tình ơi, tình ơi, tình ơi.

( Chống gậy tìm tình)

Kế tiếp xem  Ngài “lụy” Tình như thế nào.

Ta ướp Trăng với trái tim si

Rượu được cất giữa bếp tình nóng bỏng

Nàng thơ ơi, hãy nhấp chén rượu tình.

Hãy nhấp chén rượu tình, Trăng ơi ta muốn chết

Trong mắt, môi và giữa địa đàng Trăng

Ta muốn chết dưới Trăng vàng, giếng ngọt

Cỏ biếc , suối, khe, ta bất xá, gục đầu.

(Lê Mai Lĩnh : Thơ Của Thời Trăng Mật)

– Bái phục, bái phục! Thơ TÌNH của Ngài nghe quá đã.

– Ha ha! Chưa hết đâu, dâng lên cho ta thêm một ly XO nữa, ta sẽ chỉ bảo thêm!

– Vâng đây, ly XO, kính xin Ngài đón nhận và cho thêm lời vàng!

– À há, hảo tửu, nhà ngươi hãy nghe ta  phán thêm đây:

Cảm ơn em,

Người đàn bà ngủ muộn.

Nhờ em, anh chàng còn muốn gõ mõ, tụng kinh

Gõ mõ thì mỏi tay

Tụng kinh thì mỏi miệng

Anh sẽ vì em

Miệng, tay dùng vào việc khác.

Cảm ơn em,

Người đàn bà ngủ muộn

Nhờ em, anh đứng, quỳ, nằm, bò đúng đội hình hành quân

Như thời tân binh

Trong quân trường Thủ Đức.

Cũng tại em, do em và bởi vì em

Anh hít đất không thua gì thời bị huynh trưởng phạt

Khi ra nhà thăm nuôi mà không đi những bước khoan thai…

(Người Đàn Bà Ngủ Muộn -2 – Lê Mai Lĩnh)

– Đủ chưa?  Thôi bai (bye) ngươi, ta đi gõ mõ, tụng kinh,  rồi “bò đội hình hành quân”

 

***

Giỡn chơi cho vui, các bạn đừng phiền, chớ cái TÌNH của thi nhân cũng ẩn nỗi niềm trong đó. Buồn là chuyện muôn đời của nhân sinh, đâu ai tránh được? Giàu nghèo, sang hèn ai cũng có nỗi niềm riêng! Thử xem nỗi niềm của Thi nhân ra sao?

Này có BẮC KỲ không còn nhỏ

Cô dứt áo ra đi, vội vàng chi, để rơi lại vài hột nút

Thoạt dầu, ta cũng muốn giữ lại làm kỷ niệm cho một cuộc tình muộn, si và mê tơi

Để đôi lúc, kẹp giữa hai chân, tìm chút hơi ấm của người góa phụ đang độ xuân thì

Vậy, này cô BẮC KỲ không còn nhỏ

Hãy nhin thời gian, trở lại chút chút, để mang đi theo những hột nút nầy.

Đơm lên lại trên chiếc áo ngày xưa cô thường nhờ tôi giúp cô mở khuy

Những lúc tôi chậm tay, cô la tôi như mẹ la con

Nhưng tôi vui lắm, mỗi lần được cô la như mẹ la con.

(Hãy Trở Lại Nhặt Giùm Ta Mấy Hột Nút – Khùng Thi Sĩ LML)

Và đây là bài tôi tâm đắc nhất của Thi sĩ: TÌNH CHO ĐẤT NƯỚC.

Tôi mơ một ngày

Tôi trở lại Sài Gòn

Bắt tay và nói lời cảm ơn những người cầm bút

Tôi đã quen tên mà chưa gặp mặt:

Đỗ Trung Quân, Bùi Chát, Nguyễn Cung Thương, Bùi Chí Vinh

Tôi sẽ chào các bạn theo kiểu nhà binh

Dẫu ngày trước chúng ta không chung chiến hào

Chưa có dịp nổ súng vào đầu nhau

Nên nay vẫn còn làm thơ, vẫn còn uống rượu, vẫn còn chưởi thề, và ve gái

Vẫn còn phất phơ bay bướm, buớm bay.

Chúng tôi vinh danh người yêu như Nữ Hoàng, Nữ Chúa

Thượng Để chúng tôi không sợ, nhưng chúng tôi sợ những người tình

Người tình càng nhiều càng tốt

Chúng tôi không từ chối bao giờ, một ai

Em nào đến, chúng tôi đều nhận, vui vẻ cầm tay

Nhưng em nào muốn đi, chúng tôi sẵn sàng phóng thích

Thi sĩ, đàn bà, chúng tôi nương tựa vào nhau mà sống

Không có đàn bà, thi sĩ chết rập

Không có thi sĩ, đàn bà cũng thoi thóp

Như gà nuốt dây thun.

Chúng tôi là vậy, chúng tôi là những người làm thơ

Thi sĩ là công dân thế giới

Nhưng với bọn độc tài, chúng sợ chúng tôi như sợ cọp

 

Chúng có thể cầm tù hay hãm hại xác thân thi sĩ

Nhưng với trái tim, tâm hồn thi sĩ, chúng đừng hòng

Chúng tôi, thi sĩ, những người không chết

 

Chúng tôi, thi sĩ, quan toà của lịch sử

Nhốt chúng thiên thu trong mọi lời thơ

Cầm tù chúng muôn đời trong những bài thơ bất tử.

(Thi Sĩ, Đàn Bà và Nhà Độc Tài)

Còn nhiều nhiều nữa những bài thơ và văn rất tuyệt, các bạn hãy tìm đọc.

Sẵn đây Nguyên Lạc tôi xin trích ra đây một đoạn văn (theo tôi) tuyệt vời  của Thi Văn Sĩ LÊ MAI LĨNH.

[…Tôi cũng nhớ tới một tình huống khác của một người bạn tôi, nhà văn Trần Hoài Thư, trong truyện ngắn Vườn Mía, đăng trên tạp chí Dân Việt số này. Nguyên văn đoạn văn hay tình huống đó như sau: «Một ngày nọ đại đội chúng tôi rời Tam Quan trở lại đơn vị sau gần một tháng hành quân, khi về Bồng Sơn, đoàn xe ngừng để đám lính vào chợ mua sắm và những sĩ quan ghé quán cà phê bên đường. Chúng tôi cùng nhau đấu láo, đủ điều, đủ chuyện. Riêng tôi không ngừng liếc trộm bờ tay lông măng cùng đôi mày rậm đen của cô hàng nước. Bỗng nhiên một cái bóng nhỏ vụt chạy đến. Tôi nhận rõ thằng bé cỡ 11, 12 tuổi. Nó quăng vào quán trái lựu đạn. May mắn cho chúng tôi, lựu đạn đã không nổ. Tôi chụp súng chạy đuổi theo thằng bé. Nó chạy vào trong xóm. Rồi nó băng ra đồng. Nó chui vô vườn mía. Nhưng làm sao nó có thể chạy bằng tôi và làm sao nó qua mặt được con mắt của tôi. Tôi chạy tới vườn mía. Tôi làm bộ la lên: Tao biết mày ở đâu rồi. Ra tao tha, thằng nhỏ. Sau đó tôi lên đạn cách cách, nói lớn, tao đếm một đến năm, nếu mày không ra, thì đừng trách tao. Tôi la một, hai, chậm và chờ đợi. Đến tiếng thứ ba thì thằng bé xuất hiện. Nó bò ra khỏi vườn. Tôi nhìn nó. Hay tôi nhìn lại tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ tôi. Hay tôi nhìn cái tuổi thơ Việt Nam. Tôi bỏ súng xuống, mắt cay nồng. Tôi bảo thằng bé chạy đi. Lần sau tao bắt được, đừng trách tao.” Sau khi đọc xong truyện ngắn trên, tôi gọi phone cho Trần Hoài Thư.
– A lô, cho tôi gặp anh Trần Hoài Thư
– Tôi là Trần Hoài Thư đây
– Anh biết tôi là ai không ?
– Tôi biết rồi. Có gì nói đi người anh em
– Ông thật có tội với nhân dân và lịch sử
– Cái gì mà khiếp thế
– Tôi đọc xong Vườn Mía của ông rồi
– Mà sao ?
– Cái thằng nhỏ ném lựu đạn mà ông tha cho nó chạy, sau này chính là thằng Lê Đức Thọ, quậy nát trời ông địa trong Bộ Chính Trị Hà Nội và là thằng có nhiều tội lỗi nhất lịch sử.

Điều sau cùng tôi muốn nói là, việc giết thằng bé thì dễ quá, nhưng lựa chọn việc cho thằng bé chạy là một lựa chọn đầy tính nhân đạo. Chúng ta chiến đấu vì con người, thì trước nhất, chúng ta phải sống, phải hành xử, xứng đáng là một con người…]

NHÂN BẢN thay, và cũng tội tình thay những chàng LÍNH TRẺ miền Nam VNCH, những chàng”NGỤY QUÂN”! Chính vì nhân bản nên mới là “Bên Thua Cuộc”. Nhớ lời một ông tướng CS đã nói với tướng VNCH Lê Minh Đảo rằng:  ” Các anh có biết tại sao các anh thua không? Không phải vì Mỹ bỏ rơi hay gì, mà vì các anh không dám cầm súng bắn vô đồng bào, còn chúng tôi sẽ làm khi có lệnh”  (Tướng LÊ MINH ĐẢO)”  (***)

III. KẾT

CHỮ quan trọng lắm, có thể làm chết hoặc tiêu tan sự nghiệp và tài sản con người. Không nhớ vụ án MINH SỬ triều Thanh đã làm tiêu mạng biết bao Nho sĩ MINH mà Kim Dung đã viết trong phần nhập của bộ truyện Lộc Đỉnh Ký sao? Và hàng chữ “Kim loại màu vàng” mà các Ngài CS ghi khí kiểm kê vàng của người dân miền Nam để cướp lấy!

Chữ viết chắt lọc từ tiếng nói, văn và nhất là thơ là tình túy của CHỮ. Nên cẩn trọng với CHỮ. Hãy dùng nó cho CÁI ĐẸP, phục vụ nhân sinh. Đừng dùng nó làm công cụ hạ thấp người khác, phổ biến điều xấu xa, giả dối. Đừng “hòa quá nhiều nước lã vào mực.” (Modern poets mix too much water with their ink – Goethe) Nghĩa là phải lương thiện.

Qua những bài văn, bài thơ tôi đọc trong các tác phẩm và kể cả trong giao thiệp hàng ngày, tôi có thể kết luận là: Thi Văn Sĩ Lê Mai Lĩnh là MỘT NGƯỜI LƯƠNG THIỆN

Đây là câu văn “trên cả tuyệt vời”(theo NL), tôi xin đưa hai tay bái phục Ngài!

Con người có thbthua cuc mt giai đon nào đó vì nhng di trá, bo tàn, phi nhân, nhưng cui cùng, con người luôn luôn là kchiến thng”   (Lê Mai Lĩnh)

Cám ơn THI VĂN SĨ LÊ MAI LĨNH đã tặng cho đời những bông hoa đẹp !

 

Nguyên Lạc                         

Garland, TX 2017

——————————————————————————————————————