HẠT CÁT TRÊN SA MẠC

nguyenhuynh


( Viết cho những ai cho mình là hạt cát)

Rất có thể tôi là hạt cát trên sa mạc
Chịu nằm im cam phận nhỏ nhoi mình
Chịu phơi thây cho mặt trời nung nóng
Chịu quay cuồng cho gió lốc đẩy đưa
Chịu cô đơn cho cô quạnh hoành hành
Và chịu chết cho một vùng đất chết!

Rất có thể tôi là hạt cát trên sa mạc
Chỉ dám mơ một giấc mơ mưa
Chỉ dám nghĩ một màu xanh bát ngát
Chỉ dám ước một ngày trời râm mát
Một bước chân người in dấu chân qua…

Nhưng cũng rất có thể tôi là hạt cát
Biết dậy mình phẫn nộ mặt trời kia
Biết uất ức vì gió đang sai khiến
Biết bất công vì sao mưa không tới
Biết dấy lên một bão cát san bằng
Mỗi hạt cát là một mũi tên sắc nhọn.

Cũng có thể anh là hòn núi
Tặc lưỡi mình thôi thây kệ thế gian
Sợ một chiếc lá trong rừng rơi rụng
Sợ một hòn đá bên sườn sạt lỡ.

Cũng có thể anh là biển rộng
Nhưng không dám một lần nổi sóng phong ba
Nỗi uất hận nuốt sâu dưới đáy
Sợ bên bờ đất lỡ trôi đi…

Hỡi những người sống ở hôm nay
Tôi muốn nói một lời rất thật
Một hạt cát biết trồi mình lên cử động
Còn hơn là biển cả tự đóng băng!

NGUYỄN HUỲNH

Advertisement

TÔI VỀ…

nguyenhuynh

Tôi về sửa giấc chiêm bao
Cho vừa vặn với hư hao chiếu giường
Gối chăn xô lệch vất vương
Mộng tôi nghiêng ngã giấc đường đen đêm.
Tôi về đo ước mơ thêm
So cho cao thấp không hơn hình hài
Bản lai diện mục không hai
Mơ tôi vừa đủ ngang tài tôi thôi.
Tôi về đếm hạnh phúc rồi
Trừ qua dĩ vãng dư dôi chút nào
Đem chia vách dốc vị lai
Nằm trên thương số ngã dài bóng tôi.
Tôi về đong lại tôi xưa
Khí cha huyết mẹ cho vừa vặn ơn
Đặt trong một cuộc thiệt hơn
Một vuông mộ huyệt nằm trên phận mình!

NGUYỄN HUỲNH

TÔI NGỒI …

nguyenhuynh

Tôi ngồi cạnh tuổi thơ qua
Không đi lớn nữa đường xa mệt nhoài.
Xoa lên ước vọng thiếu thời
Một câu xin lỗi một lời tri ân.

Tôi ngồi bên những dòng sông
Nơi tôi đã đến mà không thấy về
Vỗ lên mặt nước sông quê
Tìm con sóng nhỏ lăn về mênh mang.

Tôi ngồi qua những đường làng
Kiếm chân gót sót thênh thang năm nào
Hỏi vào viên sỏi vì sao
Đường xưa phong tỏa dấu nào chân tôi!

Tôi ngồi trên cuộc đời rồi
Qua phong vũ biểu biết đời tôi ương!
Thôi thì mộng gửi Trùng Dương
Vào câu thơ với vào hương hoa đời.

NGUYỄN HUỲNH

LỤC BÁT HAI CÂU

nguyenhuynh

1.
Nửa đêm uống chén rượu thừa
Thấy trong đáy cốc vạt thưa nắng chiều.
2.
Đọc đi đọc lại thơ mình
Dường như con chữ rập rình đằng xa.
3.
Đêm đông bó gối ngủ vùi
Mơ trong bếp lửa một mùi khoai lang.
4.
Cong môi đánh một vòng tròn
Thấy thân vô chủ nằm trong vô thường.
5.
Câu thơ cùng với gạo tiền
Nhìn tôi như thể muộn phiền điều chi.
6.
Mặt trăng cùng với mặt trời
Là hai bản mặt, mặt người nữa ba.
7.
Buồn tay ném đá xuống sông
Đáy sông đá chết, đáy lòng dửng dưng.
8.
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu!
Gợi bao viễn xứ xanh màu viễn du.
9.
Nấu cơm nghĩ mộng kê vàng
Giật mình cơm cháy, cháy lan đời người.
10.
Nằm im giả chết xem sao
Gối lên hư ảo mộng vào hư không.

NGUYỄN HUỲNH

ĐOẢN VĂN CHO EM

nguyenhuynh

Có bao giờ một sớm tinh mơ, vuông cửa sổ ngập tràn nắng quái, cội mai già chợt trổ đầy hoa. Em có biết hoa đang đẹp hay nắng ngày đã đẹp?

Tôi yêu em không biết vì đâu, là tất cả hay không là gì cả. Tình yêu vốn dĩ đã mong manh và hạnh phúc cũng chỉ là sương sớm khoe bảy sắc cầu vồng!

Có bao giờ chợt giữa ban trưa, vầng nhật nguyệt song hành ngoài hiên nắng, trước sân nhà nhảy múa những lung linh. Bởi lóa mắt trước nhát chém của hào quang, nên em mãi đinh ninh có hai miền ĐÃ, SẼ.

Tôi yêu em không có khởi nguồn nên không kết thúc. Tình yêu vốn vô thủy vô chung trong cuộc vân hành!

Có bao giờ một buổi chiều đông, gió mang đến hoàng hôn đỏ quạch, trên song cửa ửng màu trinh nữ, những ráng chiều ngả ngớn cuối chân mây. Em đứng đó giữa mây và ráng đỏ, níu mùa đông cho mưa trước đêm tàn.

Tôi là gã lực điền trên mảnh rưộng tình hoang hóa, mong mưa em mang đến một lần. Em chỉ ngại bóng mây không ướt áo, nhưng em ơi, trong tình yêu thơm thảo thế cũng vừa.

Có bao giờ trong đêm nguyệt tận, quỳnh ngoài sân chợt nở bùng một đóa rằm xuân. Dưới hang sâu rung lời dế sót, trinh nữ quên gai mình nở vội vài bông.

Tình yêu vẽ những đường cung tuyệt mỹ, chính vì thế mà không thể viên tròn.

Nguyễn Huỳnh.

RỒNG RẮN LÊN MÂY.

nguyenhuynh

Hồi tôi còn là đứa trẻ khóc nhè, mẹ tôi thường dọa: “ Ông bị cọ bắt bỏ bị!”. Nhưng đối với tôi không ăn thua gì. Lão ăn mày thi thoảng dừng lại trước cửa nhà tôi, khi lon gạo lúc năm hào, trông ông chẳng có gì đáng sợ cả. Nhưng nếu mẹ tôi khẽ nhìn ra doi cát: “ Xì!…Bà ma lai kia! ”, tôi im thin thít ngay.
Doi cát nằm ở cuối làng tôi, do đầm Cù Mông bọc quanh bồi đắp nên. Ở đó lồng lộng gió và cát. Ven mép nước mọc độc một loại cỏ lá cứng như gai, tua tủa từng chùm. Tháng sáu, vào những buổi sáng nước cường, sóng liếm vào chân cỏ làm chúng tơi ra trơ cả gốc, lại gặp ngọn gió nồm vừa chướng nhổ lên thổi lăn lông lốc qua doi cát, đến tận mép nước bên kia. Tại đây, đến xế chiều trời trở gió, ngọn nam Lào đẩy chúng ngược hành trình trở lại. Người ta gọi chúng là hoa cát. Bọn trẻ chúng tin chắc bà Huê thuộc loại hồn ma bóng quế vì thường thấy bà vừa chạy đuổi theo bầy hoa gió vừa cười khanh khách. Lại nghe những người đánh cá bảo rằng vào những đêm trăng sáng, họ thấy bóng một người đàn bà đứng im phăng phắc xõa tóc hứng trăng ngoài doi cát. Một thời gian dài, mỗi khi đi ị ngoài bãi sông, tôi phải kệ nệ vác theo cây cuốc.
Mãi cho tới năm 1975, khi mọi người tưng bừng chào đón hòa bình thì bà Huê bỗng diện quần là áo lượt, tóc bới cao, chân đi guốc, gặp ai cũng chào hỏi tươi cười. Bà đi tới đâu bọn trẻ chúng tôi dạt ra tới đó. Ông ngoại tôi trừng mắt bảo:” Việc gì mà sợ! Bà ấy là ma thì chúng mày là quỉ hết!”. Mẹ tôi nói: « Con dọa cháu chứ ma cỏ gì bà ấy. Ông Dền sao vẫn chưa về ?… ». Tôi không rõ ông Dền là ai, chỉ nghe phong thanh ông là chồng sắp cưới của bà Huê, đi tập kết ra Bắc từ năm 54, đến nay vẫn bặt cá tăm ngàn. Sau đó bà Huê ra chợ thưa dần, rồi ở luôn ngoài doi cát với những đêm trăng xõa tóc. Và như thể hằng đêm ánh trăng phớt bạc lên mái tóc bà. Bà già đi nhanh chóng.
Năm năm sau, ông Dền đột ngột trở về vừa lúc không còn ai nhắc tới ông nữa. Ông vận bộ đồ ka ki, đeo xắt cốt đứng tần ngần giữa chợ. Dưới chiếc mũ cối lòa xòa những lọn tóc lóm đóm bạc để dài phủ xuống tận quai hàm, ở đó bộ râu quai nón nhuộm sương tiếp tục bao quanh khuôn mặt càng tôn vinh vẻ phong sương, bi tráng của con người ông. Ông Dền hỏi thăm tìm đến nhà ông bộ Kiểm – cha của bà Huê -, một giờ sau ông trở ra, chiếc nón cối trễ một bên, xăm xăm đi thẳng ra doi cát. Người ta đồn ông làm tướng tá gì đó trong quân đội, hết đánh Mỹ lại kéo quân sang biên giới Tây Nam. Sau không rõ vì lẽ gì ông bị giáng chức rồi cho về hưu. Không ai biết quê ông ở đâu. Sau cách mạng tháng Tám, ông về dạy bổ túc văn hóa ở quê tôi. Thưở ấy, ông là một thanh niên tài hoa, hoạt bát nên chẳng bao lâu cô học trò đẹp nhất lớp, xinh nhất làng, con của ông bộ Kiểm giàu sang, cành vàng lá ngọc đã đem lòng yêu ông say đắm dù bị gia đình cấm đoán, cho ông là đồ trôi sông lạc chợ, đũa mốc mà chòi mâm son. Không ai biết sau trên hai mươi năm, gặp nhau trong một tiếng đống hồ ân ân oán oán tại nhà ông bộ Kiểm, họ đã nói những gì, chỉ thấy ông trở ra với bộ dạng của một bại tướng.
Ông Dền bắt tay sửa sang lại căn lều, tóm cổ bọn hoa gió chất đống rồi nổi lửa, đào hố trồng dừa. Bà Huê như hóa thành trẻ thơ tung tăng quanh những gốc dừa non, cười cười nói nói luôn miệng. Người ta kể lại rằng bà dở khôn dở dại sau lần một đám tử tế trầu cau dạm hỏi, ông bộ Kiểm tưởng rằng con mình đã quên người thầy giáo bặt vô âm tín mấy năm rồi , không ngờ bà Huê gào khóc : « Anh Dền ơi anh Dền ! Anh lang thang những đâu, đầu gềnh cuối thác ; anh trôi dạt nơi đâu, chết bờ chết bụi gì sao không về giữ lấy em ! ». Bà nổi đóa đá đổ cả mâm trầu hủ rượu : « Đừng có hòng ! Đừng có hòng ! Tôi là gái đã có chồng ! Chồng tôi là anh hùng hảo hán, là thằng lường gạt, là gã Sở Khanh… ». Ông bộ Kiểm cất một cái chói tranh ngoài doi cát, đuổi bà ra đó ở.
Vườn dừa ông Dền được chăm bón chu đáo nên trong ba năm đã cao bằng đầu người và bắt đầu ra những quả chiếng. Cánh lá xum xuê và rợp bóng là đất lành cho muôn chim về làm tổ. Những chú chào mào đội trên đầu túm lông đỏ trông như chiếc vương miện đăng quang cho tiếng hót lảnh lót, vút cao trên những tàu lá non chưa xòe lá trong những sớm tinh mơ. Buổi trưa, cái nóng oi bức, rã rượi, tất cả dường như lắng lại nhường đường cho ngọn nồm hây hẩy thổi từ cửa biển vào làm phe phẩy những cọng lá khép, bật kêu những hồi re re rè rè càng làm cho không gian khu vườn thêm trễ tràng, biếng nhác. Thảng hoặc đâu đấy, la đà trên tàu lá khô vắt vẻo một chú chim cu choàng mắt thức giấc thúc lên một vài tiếng gáy cầm canh. Về chiều, gió bắt đầu đổi hướng và theo đó không gian mở rộng ra theo những chiều kích khác. Bay cao hơn hết và ồn ào hơn hết là bầy sáo sậu giành chỗ ngủ trong ánh tà huy.
Đam mê của tôi thuở ấy là được cung phụng những chú chim sắc vừa dập bụng cứt, lún phún trổ bộ lông sặc sỡ màu ngủ sắc trong những chiếc lồng xinh xắn. Vậy là khu vườn nhà ông Dền bị xáo động bởi một thằng nhỏ trần trùng trục lăm lăm giàn thun trên tay, ngửa mặt sục sạo trên những đọt dừa ,tàu lá. Vào một buổi trưa, khi tôi đang ngồi tót trên đọt dừa ngắm nghía những chú chim non đang vươn cao cổ, chao chao những chiếc mỏ vàng nở toác nôm như những đóa cúc dại thì bất đồ nghe giọng đằng hắng phía dưới của ông Dền : « Con cáo có hang, chim trời có tổ, sao cháu nỡ phá nó đi ? ». Từ buổi trưa hôm đó, hòa bình được vãn hồi nơi vườn nhà ông Dền. Đam mê của tôi chuyển qua con đại bàng ăn khế trả vàng, con cá chép móng nước ngoài biển khơi, con ngựa xích thố của Quan Vân Trường, con trâu cưỡi mây của Tôn Tẩn…trong tiếng kể chuyện vừa như trẻ học bài, vừa như lời hát ru, vừa như tụng niệm của ông Dền. Ông ngồi trên bộ ván dừa sầy sướt, vừa kể chuyện vừa móm mém bập bập điếu thuốc vấn trễ bên mép. Thỉnh thoảng ông dừng kể, lừa điếu thuốc dính vào đầu lưỡi, há miệng nhả khói. Làn khói vừa ra khỏi miệng liền bị gió đánh bạt vào bộ râu của ông, và dường như nó nhập vào những sợi bạc lơ phơ ấy. Tôi nằm dài trên thềm, gối đầu lên ngạch cửa, thiếp dần vào những giấc mơ bay cao cùng câu chuyện kể. Khi đã chán những Bàng Thống thoát y tại thị, Tào Tháo tử lộ Hoa Dung, tôi ra thềm ngồi đánh chắc nẻ một cụp ca hai ca cụp cùng bà Huê, hoặc chơi ô ăn quan mà thường khi bà cứ « Mượn lúa » dù ô của mình vẫn còn.
Người ta kể nhau rằng hồi ông Dền về dạy hoc, đã bày những trò chơi như vậy trong những đêm trăng thanh gió mát. Cả tới cái ngày ông Dền hành trang xuống tàu tập kết, bà Huê trao gối xôi còn đang nóng hổi: « Anh đi chân cứng đá mềm », ông lại nhảy lò cò quanh bà hát câu rồng rắn lên mây : « Thiên đường địa ngục hai bên, ai khôn thì dai ai dại thì khôn, đêm nằm nhớ chúa nhớ cha… ». Một hôm tôi đang bồng bềnh thiu thỉu ngủ cùng với sóng nước Triệu Tử Long đoạt ấu chúa thì giật thót người khi nghe bà Huê kêu lên: « Cháy nhà ! ». Bà ngồi bệt xuống đất bên những ô vuông kẻ bằng than, tay đập đập mảnh sành:« Uổng công tao ! Lầu ba lầu bảy mà mày nhảy vào, cháy cả ! ». Ông Dền ngoái cổ nhìn ra cười bảo: « Lợi bất cập hại, việc gì phải nhà lầu xe hơi ? ». Bà Huê đứng dậy, hươ hươ mảnh sành lên cao: « Tôi sẽ cất lại, đụng trời mới thôi. Trời mà làm nhà tôi cháy, cháy lan cả trời cho xem. ». Ông Dền nghiêng tai bảo : « Bà giống con chim chiền chiện ngoài kia quá, bà có nghe nó hót không ? Chỉ hoài công thôi ». Tôi dõi mắt lên nền trời xanh pha lê, một cánh chim đang chấp chới nâng mình lên cao theo chiều thẳng đứng. Càng lên cao tiếng chim càng ríu rít líu lo cho tới khi chỉ còn một chầm nhỏ nhoi trong bầu trời bao la, nó bất thần im bặt, đồng thời cụp cánh lại và rơi tự do, gần tới đất nó xòe cánh liệng một vòng rồi lại chấp chới cánh lên cao cùng với tiếng hót.
Mùa hè năm 1985, tôi lên huyện học cấp ba. Hàng tuần về nhà tôi thường xuyên băng qua khoảng ruộng hẹp ra doi cát thăm hai ông bà lão. Bà Huê ngày càng trẻ lại với những trò chơi của mình. Ông Dền già đi nhanh chóng, bom đạn chiến trường bây giờ mới có thời cơ phát huy tác dụng của nó.Những câu chuyện kể của ông đã bị nhầm lẫn, như Điêu Thuyền cưỡi ngựa Xích thố…
Tốt nghiệp trung học, tôi theo trường vào thành phố vẫn không quên hai ông bà lão trước ngày lên đường. Tôi bắt gặp họ ở bãi cát, sát mép nước. Ông Dền ngồi xé tập thơ Đường ra và xếp lại thành những con thuyền giấy cho bà Huê thả xuống sông. Gió nam Lào tháng sáu đi qua những ngọn núi nóng rẫy, hừng hực đổ ra biển nhanh chóng thổi những chiếc thuyền giấy mang theo cả Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Lý Bạch…ra khơi. Bà Huê nhón chân, nghiêng người thả tiếp một chiếc nữa, khẽ ngâm: « Quân tại Tương giang đầu / Thiếp tại Tương giang vĩ / Tương tư bất tương kiên / Đồng ẩm Tương giang thủy. ». Ông Dền ngừng tay, thẩn thờ nhìn theo những chiếc thuyền giấy bị sóng đánh ra xa. Sau ông đưa quển sách đã rách gần nửa cho tôi, nói: « Tặng mày đấy. À, ngày trước bắt gặp mày trên đọt dừa tao chưa nói hết câu nói của chúa Giê Su : Con cáo có hang, chim trời có tổ, song con người không chỗ gối đầu. ». Tôi cầm quyển sách, tự hỏi sau này mình có thể xé ra làm những con diều lướt gió không ?. Ông Dền bước tới nắm tay bà Huê, nét mặt trở nên tươi tắn, rạng rỡ cất giọng: « Thiên đường địa ngục hai bên, ai khôn thì dại ai dại thì khôn, đêm nằm nhớ chúa nhớ cha… ». Và rồi họ dung dăng dung dẻ đi về phía cuối doi cát. Tôi không ngờ đó là hình ảnh cuối cùng của hai người bạn già trong suốt thời thơ ấu của mình.
Mãi cho tới khi hoàn tất chương trình đại học, tôi mới có dịp trở về quê thì được tin họ đã mất. Tôi ra doi cát vào một chiều chớm đông khi ngọn gió bấc bắt đầu se se lạnh. Thời gian này kế hoạch nuôi tôm sú đại trà đã phổ biến rộng rãi trên các vùng ven biển. Doi cát cũng nằm trong kế hoạch. Tôi đi giữa những bờ ngang bờ dọc tiếp nối, đan chéo nhau chạy quanh bờ mép nước, giữa tiếng cười nói ồn ào của những người nuôi tôm, tiếng xe ủi gâm rú. Những thân dừa bị đốn ngã, phát quang. Thế giới loài chim ngày xưa tan tác. Tôi đi về cuối doi cát, nơi hình ảnh cuối cùng còn lại trong tôi về hai ông bà lão nắm tay nhau dung dăng dung dẻ mà dõi mắt lên bầu trời hoàng hôn mông muội, cố tìm một bóng chim chiền chiện. Dường như ngoài kia, trên mặt đầm Cù Mông tím sẫm, có một chiếc thuyền giấy khổng lồ đang dần hiện rõ. Trên cánh buồm rách tả tơi nổi bật một dòng chữ lấp lánh như ánh lân tinh, chập chờn như ma trơi: « Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương… ».

Nguyễn Huỳnh.

ĐÊM Ở BIỂN ĐÔNG

nguyenhuynh

( Như một nén tâm hương…)

Đêm hôm nay trăng sáng. Mặt biển êm ả chỉ lăn tăn gợn sóng. Hộ tống hạm HQ10 Nhật Tảo đã vùi dưới đáy biển trên 40 năm, đêm nay dường như giũ mình lấp lánh dưới đáy trăng.

Như mọi đêm, hạm trưởng trung tá Ngụy Văn Thà điểm danh, giọng âm âm lất phất trong ánh nước :
– Nguyễn Thành Trí
– Có ! – Thiếu tá hạm phó dáng vẻ thư sinh, đứng lên trên chiếc chân còn lại dõng dạc.
– Hoàng Duy Thạch
– Dạ có… Thưa trung tá, xương cốt của em bị bùn cát vùi quá sâu rồi.
Một giọng rổn rảng phía sau vang lên :
– Đù má ! Vùi như vậy mới còn nguyên vẹn. Không hiểu vì sao tướng tá tôi to như thế này mà xương cốt nhẹ tênh tênh, trôi đầu một nơi tay chân một ngã.
Một con cá vừa nghiêng mình, ánh vảy bạc chui qua lỗ thủng trên ngực đầy rong rêu của thượng sĩ người nhái Đinh Hữu Từ.
– Nguyễn Thành Trọng – Người hạm trưởng tiếp tục
– Có.
– Phạm Tiến Chung.
– Có.
– …
– …
– Người cuối cùng, người thứ 75…
Giọng trung tá Thà bỗng ngèn ngẹn :
– Chúng ta vừa mới tìm được trung sĩ Phạm Ngọc Đa, anh đã cô độc trôi nổi trên biển những 42 năm nay.
Bóng một người lướt thướt đi lên, tái nhợt. Anh ta ôm từng người và khóc :
– Các anh tề tựu ở đây, dù lạnh lẽo nơi đáy biển vẫn còn có chiến hạm tránh mưa tránh nắng. Riêng tôi thân xác trôi dạt ba ngày nhưng hồn phách phiêu linh nơi đầu gềnh cuối thác, cho tới nay mới tìm được các anh.
Tiếng khóc râm ran vang lên. Đàn cá vội dạt ra xa.

Hạm trưởng Thà ngửa mặt lên trời :
– Các anh em có nghe mùi gì đang thoảng đến không ? Mùi gì mà trên 40 năm nay chúng ta mong đợi mà chưa được một lần thưởng thức ?

– Mùi hương hoa ! – Lại gã người nhái họ Đinh to xác mau đói trả lời.

– Phải rồi ! – Hạm trưởng xúc động : Từ đất liền tưởng niệm chúng ta. Ba miền đất nước đang tưởng niệm chúng ta. Sài Gòn, Đà Nẵng và cả Hà Nội đang xuống đường tưởng niệm chúng ta.

– Nghe bảo ở Vũng Tàu nhóm anh Trần Bang bị côn đồ giật vòng hoa. Ở Sài Gòn, nơi tượng đài đức thánh Trần bọn chúng xua lũ quét dường ra ngăn cản. – Hạm phó Thành Trí nói trong buồn bực.

– Đù móa ! – Gã người nhái tên Từ hét lên : Để tui về vặt cổ chúng nó hết cho xong!

Cũng hạm phó, Nguyễn Thành Trí, người có dáng thư sinh giơ cao chiếc nạng làm bằng thân rong, bảo :
– Không cần. Sẽ có người xử bọn chúng ngay thôi.

– Nhưng sao là nghĩa sĩ Hoàng Sa mà không phải liệt sĩ ?- Ai đó hỏi vọng lên

– Chúng ta không cần. – Hạm phó Thành Trí ồn tồn : Khẩu hiệu của chúng ta là : Đất nước là trên hết, khác với những liệt sĩ hiện nay.

– Nghe bảo, người ta đang khởi công xây khu tưởng niệm cho chúng ta, vậy chúng ta có về trú ngụ nơi đó không?

Ngụy Văn Thà đưa mắt dò nhìn từng người một, sau ông phất tay :
– Không. Chúng ta phải ở lại đây. Chúng ta và chiến hạm còn phải canh chừng Hoàng Sa cho đến khi nào Hoàng Sa trở về tay Việt Nam chúng ta.
Hạm phó Thành Trí :
– Đất nước Việt Nam chúng ta dễ tới ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ, nhưng cha ông chúng ta vẫn dành lại được trọn vẹn lãnh thổ. Hôm nay cũng vậy, nhất là thời khắc chuyển giao này,Hoàng Sa là của chúng ta nay mai thôi.

– Đù móa Trung cẩu ! – Gã người nhái Đinh Hữu Từ lại văng tục : Đỗ Mười nó, hôm qua tui thấy máy bay chúng chở vợ ra đảo Chữ Thập bên Trường Sa chụp hình tự sướng.

– Chúng nó bán hết rồi ! – Thành Trí lẩm bẩm.

Bỗng hạm trưởng Thà đứng phắt dậy :
– Phạm Văn Qúy đâu ?
– Có mặt.
– Chuẩn bị khởi động chiến hạm. Tất cả vào vị trí. Chúng ta lần này không đi tuần tra Hoàng Sa như mọi đêm. Nhiệm vụ chúng ta là bảo toàn lãnh thổ đất nước, Trường sa cũng vậy. Đêm nay chúng ta trực chỉ hướng nam.
Đại úy Hoàng Duy Thạch, mở hết tốc lực chạy về Trường Sa.
Và HQ1O Nhật Tảo rẻ nước, lao vun vút trong đêm. Và như một con tàu ma, và đúng là một con tàu ma.
Đêm đã khuya, mảnh trăng đã ngã về tây. Đáy biển lờ mờ trong ánh lân tinh. Bỗng nhiên vẳng đâu xa xa tiếng ai nỉ non ai oán :
Việt Nam ơi, thời gian quá nửa đời người và ta đã tỏ tường rồi…
Nguyễn Thành Trí rùng mình :
– Uả, hình như ai đang hát bài ” Việt Nam tôi đâu ” của Việt Khang ?
Hạm trưởng quay lại hỏi Duy Thạch :
– Chúng ta đang ở đâu ?

– Dạ gần đảo Gạc Ma

– Có những bóng đen đang ẩn nấp trong các dãy san hô, thưa hạm trưởng. – Nguyễn Thành Trọng đang xoay nòng pháo nói vọng xuống.

– Từ từ, không được bắn. Hình như không phải bọn Tàu.
Những bóng đen lần lượt ra khỏi nơi ẩn nấp, tiếng hát càng rõ dần.
– Có tất cả 65 người. – Tay người nhái hét lên : Đù móa Việt Cộng !
Thành Trọng chòm chòm trên tháp pháo :
– Bắn chưa chỉ huy ?

– Bắn chết mẹ chúng đi ! – Aí đó hét lên.
Hạm trưởng phất tay :
– Không được bắn.
Rồi ông bước tới phía đám đông, hỏi một người đang cầm một cán cờ đã gãy :
– Các anh là ai ?

– Chúng tôi là những oan hồn đã chết ở đảo Gac Ma ngày 14 tháng 3 năm 1988.

– Sao gọi là oan hồn ?
– Vì chúng tôi chết mà không được bắn như các anh. Chúng tôi là những tấm bia. – Nói xong anh ta chỉ vào những lỗ thủng to như miệng chén trên cơ thể : Các anh thấy đó, đạn 12ly 7 xuyên qua và chúng tôi ngã xuống như những vật tế thần !

– Anh tên gì ?

– Thiếu úy Trần Văn Phương.

– Tôi nghe nói trận chiến đảo Gac Ma các anh có 64 người, sao hôm nay 65 ? Người mặc thường phục kia là ai ?

Một người đàn ông gầy gò đen nhẻm bước lên :
– Tôi là Trương Đình Bảy, ngư dân Bình Sơn Quảng Ngãi mới bị Trung Quốc sát Hại.

– Chúng tôi nghe báo chí nói là tàu lạ ?

– Tàu lạ cái con đĩ mẹ nó ! – Người đàn ông nổi giận : Tàu là Tàu chứ lạ chó gì !

– Tại sao hồn phách anh không về với xác thân anh ?

– Vì tôi là một oan hồn. Không ai bênh vực cho tôi, không ai dám nói kẻ đã giết chết tôi là ai.

Nguyễn Thành Trí quay qua hỏi đám đông đang liêu xiêu theo sóng nước :

– Vì sao các anh hát bài hát khi nãy ?

– Chúng tôi không còn tổ quốc. Chúng tôi không biết Việt Nam tôi đang ở đâu. Chúng tôi sống dật dờ trên những mõm san hô, thân xác chúng tôi cũng như thân xác các anh tan rửa trong lòng đại dương, nhưng hồn phách các anh còn có chiến hạm và trọng pháo che chở, chúng tôi không một tấc sắt trong tay.
Hạm phó Nguyễn Thành Trí hỏi tiếp :
– Nếu chúng tôi mời các anh lên tàu các anh có đi không ?
Dứt lời đã nghe thấy hai bên nhao nhao. Hạm phó dang hai cánh tay về phía hai bên tiếp tục :
– Ân oán 30 năm nhồi da xáo thịt đã qua lâu rồi. Tôi và các anh đều là những người hy sinh cho đất nước. Đất nước, dân tộc là trên hết. Trên cả hận thù . Chúng ta cùng một kẻ thù chung. Chúng ta cùng là người Việt. Tất cả điều đó lẽ nào không làm nên một cuộc hòa giải dân tộc, điều mà trên dương gian người thật đang cố làm. Vậy hãy để những con ma chúng ta làm gương trước họ.
Lời nói vừa dứt thì tất cả hai bên nhào tới ôm chầm lấy nhau khóc lóc râm rang một góc biển.
Tất cả cùng lên tàu. Tiếng hát lại cất lên. Lần này lời hát vang lên hùng tráng, trong pha lẫn giọng Bắc và Nam :
Từng đoàn người đi chẳng nề chi / Gìa trẻ gái trai giơ cao tay / Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược…
Và hộ tống hạm HQ 10 Nhật Tảo hú lên một hòi còi lanh lảnh, mở hết tốc lực phăm phăm rẽ sóng về phía mảnh trăng trôi đằng tây, nơi đất liền mong đợi.

Ngày 19/01/2016. GLQT

MÁI HIÊN DƯỚI MƯA

nguyenhuynh

Hồi đó, năm 22 tuổi, khi tôi học năm cuối trường Trung cấp Xây dựng Số 6 Tuy Hòa, những tối thứ bảy là những tối nở rộng với mọi chiều kích. Có khi, lúc sẵn tiền, chúng tôi rủ ra quán Cây Trâm uống vài chai rượu Nàng Hương cho tới chếnh choáng quên lối về, cũng có khi chúng tôi ngồi trong phòng nội trú hát rống lên những bài hát vô nghĩa, nhưng thường nhất là chúng tôi cuốc bộ lên quán cà phê Tản Đà dễ chừng ba cây số, uống chung hai thằng một ly cà phê, cốt nghe nhạc ké.
Hôm nay thì không, chúng tôi không còn tiền dù cho ba thằng một ly. Bọn chúng nằm dài và hát những bài hát vô nghĩa. Tôi lại nhớ con đường và chiều thứ bảy. Và tôi đi. Bước chân lầm lũi trong chạng vạng tối tháng mười. Sau những cơn mưa trời đất no nước, sờ vào cái gì cũng thấy ươm ướp. Con đường tối nay cũng vậy, phủ loang loáng màu nước. Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen, Tôi nhảy qua những khoảng trắng, đôi dép tổ ong xộc vào bùn đất ngược lên trung tâm thị xã.
Tôi có rủ nhưng bọn nó không đứa nào đi vì biết tôi không có tiền. Mộng Điệp đang hí hoáy viết gì đó trên những tờ giấy kẽ ngang vàng xỉn. Nó lắc đầu. Nó đang viết văn. Đỗ Như Phương nằm dài trên giường tầng vọng xuống : “ Có tiền không? ‘. Tôi lắc đầu. Bùi Xuân Bác nhìn tôi hấp háy nhưng tôi lờ đi, và nó xổ một tràn vọng cổ giọng Quảng có câu” Chỉ cần một trái lựu đạn! “ trong vở tuồng “ Tìm lai cuộc đời “, đắc chí cười rống lên. Chẳng là hôm rồi nó rủ tôi đi uống cà phê ở quán Phượng nằm trên đường Duy Tân, Sau khi uống hết hai ly đôi ( Gấp hai ly bình thường, uống vào sánh cả lưỡi) và hút hết một gói Smit, Hắn đứng dậy bảo tôi : “Chạy! “ Khi tôi còn đang ngỡ ngàng thì nó phán tiếp : “ Mi không chạy thì tau chạy “, tôi thấy nó ung dung bước ra khỏi quán, riêng tôi đi như chạy theo nó, nó cười cười bảo : “ Ăn phở tau còn chạy nữa là cà phê! “. Tôi không rủ nó, lờ đi là lẽ vậy.
Con đường chạy ngang đồng lúa đã thu hoạch xong trơ gốc rạ, vang dần tiếng ếch nhái, hăng hắc mùi bùn đất, đìu hiu như lời hát Trịnh Công Sơn “ Đời sao hoang vắng như đồng lúa gặt xong”. Trong tôi ngân câu hát, càng sau càng thắm thiết, và nếu như thỉnh thoảng không có một vài ánh đèn xe loạng choạng qúet qua, chắc tôi đã khóc. Có khi chỉ một cảm xúc nhỏ lại có thể mang theo một năng lượng lớn đủ sức nấc bỗng tâm hồn ta lên khỏi mặt đất. Nhưng bụng tôi đang đói, kéo tâm hồn tôi xuống đúng vị trí của nó. Một gã đen nhẻm, gầy trơ xương và cao lêu nghêu như một cái đinh mười phân liêu xiêu ngược gió. Bửa cơm chiều thời bao cấp chẳng bõ bèn gì với cái bao tử rặt nông dân ăn chắc mặc bền. Tối qua trong ca trực đêm, tôi được phân công trực ở cổng nhà ăn, gần sáng, chị nấu bếp ra về ngang qua cổng dúi cho tôi một vạt cơm cháy, tôi nhai kỹ từng miếng nhỏ và cứ để cho những gì có được tự trôi vào cuống họng chứ không dám phí phạm nuốt đi. Tôi nghĩ tới điều này vì song song với cảm xúc về lời hát Trịnh Công Sơn, sự mách bảo của bao tử, đã đồng hiện trong tôi một cảm xúc sinh đôi : Tôi gần như muốn khóc khi vừa nhai miếng cơm cháy vừa ngắm trăng hạ huyền chênh chếch trên đỉnh Chóp Chài lúc hừng đông. Hạnh phúc.
Có thể lúc này Mộng Điệp đã buông bút, Bùi Xuân Bác đã hết hơi và Như Phương đã nhổm lưng ra khỏi giường tầng, tất cả đút vào túi quần chiếc muỗng chuẩn bị cho cuộc hành quân từ thắng tới hòa. Ngoài những bữa ăn chính thức trong trường, các sinh viên đôi lúc được người nhà cho thêm vài ký gạo. Vậy là trong khuôn viên trường, không góc này thì xó kia rụt rè ánh lửa của những cái bếp dã chiến bởi nhà trường cấm tiệt, kỷ luật như chơi. Chúng tôi dấu muỗng sẵn trong túi quần, như những thích khách dấu đoản kiếm. Và như vậy, lang thang như những thằng bài vở xong xuôi và nhàn rỗi, nhưng hễ thấy bếp nào vừa tắt, vung vừa mở ra là xáng lại múc lấy múc để. Cả chủ nhân và kẻ ăn giật không ai nói lời nào. Chỉ có tiếng muỗng khua khoắn trong nồi, tiếng xì xụp xuýt xoa. Và chỉ là những hạt cơm trắng…
Tôi phiêu diêu như vậy qua hết con đường đất. Bắt đầu từ đây là đường Trần Hưng Đạo, con đường trung tâm Thị Xã. Tôi chào đón con đường hoành tráng nhất Thị Xã bằng nhịp bước lê dép bất cần. Trong đầu tôi trống rỗng, chỉ có tiếng dép lê trên đường và lời dặn “ Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen”. Thị xã ngày ấy còn nghèo và thưa thớt. Một vài chiếc xe máy vội vàng vụt qua trong chiếc áo mưa thùng thình giống như con thú một mắt trần truồng. Vài hàng quán núp trong lều bạt, thoang thoảng mùi bắp nướng. Trong tôi bỗng nhiên tràn ngập một ước muốn cùng cực : Được cùng người yêu ghé vào quán nhỏ, ngồi trên những chiếc ghế gỗ ấm áp, hong mình bên lò nướng cùng những trái bắp vàng ươm bóng màu mỡ hành…
Tôi lại tiếc lon gi gô mắm ruốt mà chị tôi đã tự tay làm gửi vào cho tôi. Tối hôm kia tôi lấy ngón tay quệt một miếng nhỏ mun mút, thế là cả phòng mười hai thằng nhao nhao xin mỗi đứa một ngón. Ngón này ngón nữa, đứa này đứa nữa chẳng mấy chốc cả lon mắm sạch trơn. Bùi Xuân Bác đổ vào ít nước quậy quậy rồi ngửa cổ uống sạch, nó trả lon cho tôi rồi nói : Khỏi rửa ! Lại nhớ có lần nó hái ở đâu mang về một nắm ớt xanh, ngồi một mình vặt ăn từng trái, cứ mỗi miếng nó hít hà rồi tu một hớp nước. Xong, trong khi nước mắt nước mũi chảy ròng, nó cười hà hà bảo : “ Đưa cay cho nở c… ! “.
( Viết tới đây tự nhiên tôi muốn ở ngôi thứ 3, và…)
Hắn đã tới được quán café Tản Đà, dưới núi Nhạn như dự định hành trình. Tiếng hát Khánh Ly vọng ra thiết tha nức nở như mọi khi, nhưng sao Hắn cảm thấy mệt mỏi và chán chường. Hắn ngồi thụp xuống dưới gốc sứ trắng tỏa ra từ trong hang rào của quán. Thinh lặng. Tiếng hát vụt thinh lặng. Hắn nhận ra rằng Hắn không phải vì âm nhạc hay vì café, mà vì con đường. Những bước lang thang sẽ kích lên trong Hắn một cảm xúc mới lạ của đan xen nhiều cảm xúc. Sự cô đơn, long kiêu hãnh, nỗi buồn lâng lâng…
Và Hắn thả bước đường về. Những chiêm nghiệm xoay quanh bước chân, trong tiếng rột roạt của đôi dép. Bầu trời mùa đông đang bắt đầu chớp lóe những tia sáng yếu ớt phía chân trời giăng một màu đen kịt. Hắn vẫn thủng thỉnh bước đi. Tới con đường đất ngang cánh đồng thì sấm chớp đã ình oàng và sáng rực, nhưng Hắn vẫn chậm rãi bước đi. Hề chi. Hắn nghĩ thế. Và trời đổ mưa cũng là lúc Hắn đứng trước căn chòi vách đất, mái làm bằng lá dừa dựng tạm bên đường. Có lẽ là của những người làm ruộng. Hắn tần ngần một lúc rồi bước vào mái hiên, ngồi xuống một khúc gỗ ẩm ướt mốc meo, tấm áo khoát vừa đủ ướt len những giọt sót qua khe nách chảy xuống hông nhồn nhột. Ngoài trời mưa nặng hạt. Một đôi sên cố lết tấm thân nặng nhọc dưới chân, Hắn phì cười trước vẻ vội vàng của chúng rồi nhặt chúng lên đặt xuống sát chân vách đất nơi chúng muốn đến. Tư nhiên Hắn cảm thấy thích cái nghĩa cử này. Cơ hội làm ơn cho đời với Hắn rất nhỏ, vậy nên Hắn thấy vui.
Có tiếng ngã ngoài đường. Hắn đứng dậy và thấy bóng một cô gái lóp ngóp trong vũng nước, chiếc xe đạp ngã một bên bánh vẫn còn xoay loang loáng. Hắn bước ra hỏi : Có sao không? Cô gái đứng dậy, mình mẩy bê bếch bùn đất : “ Anh đắt dùm em cái xe”. Nói rồi hai tay che đầu chạy vào mái hiên. Hắn dắt xe dựng bên lề đường. Cô gái ngồi trên khúc cây lúc nãy Hắn ngồi, bảo : “ Anh ngồi xuống đi”. Hắn ngồi xuống, dưới ánh sáng mờ mờ của đèn đường, dáng cô gái nhỏ nhắn đang run lên từng hồi, ánh chớp soi rõ một đôi mắt đen tinh nghịch. Đôi sên lúc nãy có vẻ thư thái, yên tâm hơn, chúng nép sát vào nhau ngạc nhiên quan sát hai kẻ lạ, Hắn có cảm giác như vậy. Hắn hỏi : “ Lạnh à? “. “ Lạnh”. Hắn mở rộng áo khoác, cô gái nắm vạt áo choàng qua vai. Hắn cảm nhận hơi ấm sau lần vải ướt. Chắc cô ấy cũng vậy, Hắn nghĩ và ước gì mình là đống lửa. Cô gái hỏi : “ Anh học ở trường xây dựng?” Hắn xác nhận. Cô gái nói mình học ở trường Trung cấp Ngân Hàng. Trường Xây dựng và Ngân Hàng cùng một lối từ Thị Xã chạy xuống, tới dốc quán Cây Trâm thì rẽ hai. Hai trường cách nhau vài trăm mét. Ngoài trời mưa như có vẻ sẽ không bao giờ dừng. “ Vũ vô kềm tỏa năng lưu khách/ Sắc bất ba đào dị nịch nhân “. Và lòng Hắn xao động. Hắn nghĩ tới ước muốn lúc chiều, ngang qua hàng quán dậy mùi bắp nướng. “ Những con kiến thật tội” Cô gái nhích vào bên Hắn khẽ nói. Hắn nhìn xuống đất, một đàn kiến đen di tản trên những đường hang nhỏ. Nước ở ngoài đang dần dần tràn vào mặt sân, tới đâu đất ở đó nở ra những bong bong. “ Anh biết gì không?” Nàng chỉ vào những bong bong. Hắn lắc đầu. “ Hoa đất! “ Hắn ngạc nhiên quay lại nhìn nàng, một đôi mắt đen nở trên khuôn mặt trắng nhợt. Hắn cảm nhận hơi ấm từ cơ thể nàng và vụt nghĩ, hoa của khuôn mặt ? Chiếc xe đạp chòng chành ngoài lề đường sau từng cơn gió. Nàng hỏi : “ Đố anh nó ngã không?” “ Chắc ngã!”. Và nó ngã thật. Hắn định bước ra nhưng nàng nắm tay Hắn níu lại: “ Để nó nằm vậy anh, khỏi phải ngã nữa.” Hắn cảm nhận một bàn tay mềm mịn và ấm áp. Tự nhiên một nỗi buồn vô cớ xâm chiếm, giống nỗi buồn của một dự cảm trái đất sẽ không còn. Nàng nói : “ Lúc nãy em bói thử : Xe không ngã thế nào anh với em cũng là bạn…” “ Vậy xe ngã, và đã ngã?”. Nàng im lặng. Hắn bạo dạn: “ Sẽ yêu nhau?”. Nàng cười rung rung bờ vai.
Mưa bắt đầu tạnh. Trời sáng hơn và trăng náu mình sau những đám mây đen giờ hửng sáng sau những vết nứt của mây. Đàn kiến thôi không còn dắt díu nhau trên đường di tản, đôi sên lặng lẽ đi đâu tự lúc nào, và hoa đất đã tàn…Hắn chở nàng về trên chiếc xe đạp. Nàng có vẻ thấp thỏm phía sau, dường như mong đợi điều chi. Lòng Hắn rối bời, một cảm giác thăng hoa, một chút sung sướng, một chút buồn, một chút ô trọc dấy lên trong Hắn. Tới con dốc quán Cây Trân Hắn dừng lại trả xe cho nàng, từ đây xổ hết dốc tới trường Ngân Hàng, còn Hắn cũng thế nhưng rẽ phải. Ngã ba của một con đường bình thường nhưng sau này Hắn nghĩ lại, có thể là ngã ba số phận…Nàng ngồi lên xe, quay lại nhìn Hắn, trong mắt đã không còn long lanh nữa. Và nàng xổ dốc, tiếng nàng vọng lại : “ Sao anh không hỏi tên em?” Hắn há miệng định kêu lên điều gì đó, nhưng bóng nàng đã xa, xa dần và khuất sau một khúc cua đầy những cây bàng và lá bàng bay…
Những ngày sau đó Hắn không ngủ được. Hắn nhớ nhung. Hắn tới cổng trường của nàng đứng đợi hàng giờ liền mong tìm một người không biết tên, một bóng dáng mờ mịt và một gương mặt trổ hoa mắt. Hắn đứng trên con dốc chờ đợi, cố tình đưa mặt ra hy vọng nàng sẽ nhìn thấy, nhưng tất cả đều vụt qua vai . Hắn đợi một cơn mưa dầm dề, lội ngược con đường ướt lạnh ngồi co ro trong căn chòi nát mong chờ một tiếng xe ngã. Nhưng đêm vắng lặng. Chỉ có cơn mưa là đồng hành cùng Hắn. Đôi sên không còn thấy dìu nhau đi, đàn kiến chắc đã tìm ra miền đất mới. Nước vẫn tràn vào sân, nhưng vì sao hoa đất không còn nở nữa?

Nguyễn Huỳnh.

ĐẤT NƯỚC NHỮNG NĂM KHÔNG CHIẾN TRANH

 

nguyenhuynh

Đất nước tôi những năm không chiến tranh
thiếu tiếng súng nhưng quá thừa tiếng khóc
của người nông dân mất đất
hạt mầm nứt vỏ trên đôi bàn tay nứt nẻ
không biết đặt vào đâu
nức nở bây giờ không thể gọi tên.
những resort sân golf lạ hoắc
người nông dân tiếc của đứng ngoài tường rào
bóng các quan thầy vun vút gậy
như loài ma trơi ném lân tinh lên trời
người nông dân ngửa mặt giơ cao hạt thóc
sinh linh này tôi đặt vào đâu?

Nước thì chảy về chỗ trũng
còn tiền bạc chảy ngược lên cao.

Đất nước tôi những năm không chiến tranh
biển hòa bình nhưng biển có bình yên?
chiếc thuyền câu không đợi được trăng lên
không đợi được gió nam nồm trở thổi
không đợi được câu hò lưới đăng lưới đó sắp trỗi
đã chìm sâu dưới bao lớp sóng
sóng ngoại xâm hà hiếp chiếm ngư trường
sóng cướp biển cướp đảo lè lưỡi bò chiếm dần bờ cõi
sóng nhu nhược bờ này nhưng tàn bạo bờ kia
người ngư dân nuốt nước đắng vào trong
bạn thuyền ơi nước mắt đã cạn dòng!

Kẻ nhu nhược náu mình nơi đất trũng
người khí khái thích đứng ở đồi cao.

Đất nước tôi những năm không chiến tranh
những chiến trường xưa cỏ lá đã thành ngàn
nhưng chiến trường nay xơ xác xã hội tan nát đạo đức
nơi đầu đường xó chợ
nơi giảng đường lớp học
nơi cao nguyên rừng rú
trẻ con bây giờ biết học cách hạ thủ vi cường
những bạo lực học đường tàn nhẫn
những vụ án thương tâm
những câu chửi tục ngôn ngữ tiếng lóng lên ngôi
đào đâu ra tiếng thở dài non nước?

Con đường Duy Tân, ngày xưa Hoàng Thị
Chiếc áo dài bây giờ xấu nhất Việt Nam.
Đất nước tôi những năm không chiến tranh
nhưng có những cái chết còn xót xa hơn chết trận
một người già vừa chết trôi sông
một trẻ sơ sinh vừa vứt xác ngoài đồng
một thanh niên vừa vào cửa pháp quyền
trở ra thành thây ma bầm dập
một cô dâu tươi tắn trên phi trường xuất ngoại
đã trở về trên chiếc xe tang
những ôsin rãi khắp thôn làng ngõ xóm thế giới
chết bờ chết bụi, nước mắt nhỏ ngược lên trời.

Đất nước tôi những năm không chiến tranh
có khi chiến tranh để tất cả cùng hướng về phía quân thù ?

NGUYỄN HUỲNH
(Tháng 10/2015)