
BÀI NHÂN GIAN THỨ NHẤT
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
đôi mắt người hồ như biển đông
có mưa-tôi-cũ về ngang đó
tự buổi thiên đàng chưa lập xong
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
mái tóc người hồ như rừng cây
có mây che lối về cho lá
và những con đường thật riêng tây
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như vết thương
có đêm ngó xuống bàn tay lạnh
và chỗ em ngồi đã bỏ không
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tấm gương
thấy tôi thắt cổ trên cành tuyết,
và bóng đo dài nỗi tủi thân
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như hạt sương
có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
tôi thấy từ em một quê hương
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tiếng chim
theo cơn bão rớt về ngang phố
tôi học từ em: niềm lãng quên
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như ấu thơ
đêm đêm khóc vụng cùng chăn gối
và thấy buồn như mẹ ở xa
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi biết người mang một nỗi buồn
biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
cùng nỗi sầu bay đầy hư không
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi
Bài thơ đầu tiên tôi đọc được là “Bài nhân gian thứ nhất”. Một cảm giác “hồ như” có và không, đan xen điều nghĩ ngợi, nhưng tôi cũng không định hình mình đang nghĩ về điều gì, chỉ cảm nhận một điều là: rất thơ, rất tình!
“…Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như hạt sương
có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
tôi thấy từ em một quê hương ”
Và từ đó, tôi cảm thấy hứng thú về việc khám phá ngôn ngữ, hình ảnh thơ của tác giả Du Tử Lê.
Rất nhẹ nhàng trong lắng, một lời thơ gọt nhẹ nhàng từng cánh mỏng ngôn từ. ” Bài nhân gian thứ nhất” là một bài thơ như thế, nỗi đau đã giấu trong tầng thẳm cảm xúc giữa một vùng hoài niệm mênh mang. Một thể thơ bảy chữ với rất nhiều ngôn ngữ niệm hoài.
“Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
đôi mắt người hồ như biển đông
có mưa-tôi-cũ về ngang đó
tự buổi thiên đàng chưa lập xong”
Hình như chỉ là mộng, mộng mới là “hồ như”, “ đôi mắt hồ như biển đông” và “cơn mưa- tôi- cũ về ngang đó/ tự buổi thiên đàng chưa lập xong”. Với tôi thì lại cảm nhận nó rất thực, thực như đang cảm nhận nỗi buồn đang ướt đẫm trước mắt. Hình như nhà thơ rất thích mưa, thích trầm mình với mưa, mưa ký ức, mưa trên “những con đường thật riêng tây” , mưa “đêm ngó xuống bàn tay lạnh/ và chỗ em ngồi đã bỏ không”. Nghe có vẻ nhẹ nhàng và mơ hồ thật nhưng lời trách cứ dùng dằng đau buốt. Ý thơ cứ tăng cấp, càng nhẹ càng sâu, mơn man lại thấy lòng bải hoải. Chỉ có thể dùng một từ diễn đạt một cảm giác: Rỗng!. Đúng như vậy, rỗng bởi chỉ còn lại thơ, còn lại “người”, còn lại nỗi mong cầu: xin hiểu cho…
Và tất cả chỉ còn lại một cái bóng cô độc, một hình nhân mang linh hồn thật buồn, một bài thơ thủ thỉ ngọt ngào mà lại có cảm giác đau buốt:
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tiếng chim
theo cơn bão rớt về ngang phố
tôi học từ em: niềm lãng quên
Làm sao quên được đây người ơi? Có lẽ tôi đã quá cảm câu thơ này của tác giả: “tôi học từ em: niềm lãng quên”. Cảm chừng như người đang học lãng quên: từ phố, từ tiếng chim, từ rừng cây, từ cớ mượn mây che lá, về từ ấu thơ nhìn thấy mẹ ở xa…Lời thơ cứ thì thầm thì thầm, cơ chừng mãi mãi đến cạn khô kiếp người. Lãng quên hay nỗi khát khao từ trong tiềm thức – mà hình như Người cũng chẳng hiểu chính bản thân mình.
“ Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi biết người mang một nỗi buồn
biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
cùng nỗi sầu bay đầy hư không”
Bài thơ kết thúc trên vết rạn của niềm khát khao cháy bỏng, một tâm trạng nhớ nhung đã phó thác vào cảm giác “hồ như” tất cả như nhòa đi, nhòa đi với dòng lệ chảy (tôi đang tưởng tượng ra như vậy)
“Bài nhân gian thứ nhất” trải rộng nỗi niềm sâu đến tận địa đàng, trải tình tôi lên tận mấy ngàn. Nhân gian rộng lớn quá, cụ thể quá, mà lại mơ hồ quá. Cái hữu hạn của đời người đang nghẹn ngào trước cái vô cùng của nhân gian. Bài thơ kết thúc trên vết rạn của niềm khát khao cháy bỏng, một tâm trạng buồn phó thác cho một điều kỳ diệu từ “người”:
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi
Từng câu, từng chữ đang bay, tất cả đều “hồ như ” – đang nhòa, nhòa…bởi “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu”. Cầu mong Người sẽ phục sinh
Nguyễn Hoàng Anh Thư