Hoa rụng hết rồi

nguyendangmung

Ngày mai qua cuộc phong trần
Tàn phai giọng bướm một lần sang sông

(Nguyễn Văn Dũng)

Hoa nửa mùa xuân rụng hết rồi
Mời em về giữa cõi trần ai
Nửa đêm đom đóm sầu đôi cánh
Rớt giữa rừng mơ tiếng thở dài

Mùa dậy thì em má xanh xao
Sương khói nợ nhau tự buổi đầu
Áo vẫn xanh và tóc vẫn uớt
Ai động phòng say khướt chiêm bao

Một dòng sông cho chuyến đò ngang
Một vầng trăng khuyết giữa sương ngàn
Cắn răng mà tưởng người chưa mất
Mở lòng canh cánh đợi mùa sang

Bên kia bờ tay vẫy làm chi
Dòng sông đã cạn giữa xuân thì
Dòng sông đã nghẹn lời khóc ngất
Giọng bướm cũng tàn sương vu quy.

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG
(Pleiku 1974)

Advertisement

Hương đã về xuôi!

nguyendangmung

Sáng nay Hương về dưới ấy
Mùa thu ở lại trên này
Lá vàng rơi theo lối cũ
Buồn nghiêng vàng phía chân mây

Hương về làm chi cho vội
Để chiều Pleiku heo may
Nhớ em không chừng tôi khóc
Phố quen trống trãi thế này

Đã tới đèo Mang Giang chưa?
Mà sương mù trong cõi nhớ
Ai bảo sương tan rồi hợp
Để tôi khấp khởi mong chờ

Hay là Hương không trở lại?
Mà lòng tôi chẳng hề hay
Rằng xứ sương mù ẩn hiện
Những giấc mơ buồn lắt lay

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

Pleiku 1974

NHỮNG THẰNG CẠO TRỌC

nguyendangmung

 

Nhớ bạn bè những thằng cạo trọc
Giam mình trong phòng suốt mùa thi
Sống và chết cũng từ đây, con ạ
Đạn lên nòng và súng nổ ngoài kia

Tôn hầm hập lột da đầu cạo trọc
Nhà cháy rồi cha dựng lại mái tôn
Mắt mạ đỏ hoe, chè đậu huyết
Cái chái nghèo thơm ngát nước non

Con học chi mạ cha chẳng biết
Chỉ thấy mắt con khi khóc khi cười
Con học sử hồn ngoằn ngoèo sông núi
Con học văn rớm máu tim người

Ôi trang sử trang văn thời tao loạn
Sáng mở mắt ra sống chết trốn tìm
Mấy tháng hè tóc con chưa mọc kịp
Pháo đạn ngút trời con đi lính mạ ơi

Lên trại tù bạn bè trọc lóc
Ghẻ ruồi sốt rét tóc bằng không
Có ai nhìn mà đẹp trai cho mệt
Em tóc dài như có như không

Bốn mươi năm sau những thằng cạo trọc
Đứa vô chùa đứa ngứa ngáy thành quen
Đời không sá huống chi là tóc
Bình vôi đi hết kiếp thằng hèn

Nhưng em ạ đêm về anh vẫn nhớ
Xóm làng xưa tóc rủ dưới mùa trăng
Anh mơ mộng tóc ai dài hun hút
Tiễn nhau về giấc mộng mù tăm.

NGUYỄN ĐĂNG MỪNG
(1/5/2014.)

ĐỒI ÁI TỬ

nguyendangmung

Gió khô khốc, đất hố bom màu máu
Mắt vằn lên, tranh cứa rách má bầu
Hai mươi tuổi trở thành “bán nước”
Máu quyện mồ hôi, nhớ mạ ăn trầu

Đồi Ái Tử từng đoàn người câm lặng
Ngày đêm ơi trời đất phương nào
Tiếng kẻng giật mình ai chém mộng
Hương còn vướng víu em về đâu

NGUYỄN ĐĂNG MỪNG
(Trại Ái Tử, mùa hè 1975)

HOA BƯƠM BƯỚM

Đường về nhà em hoa bươm bướm
Nở ngập tràn theo lối cỏ ngoan
Anh khẽ hái rồi vui miệng hát
Em giật mình buông lửng tay đan

Cửa sổ nhà em trông ra đường ấy
Tóc lọn đào hoa trắng cài lên
Anh qua lại trăm lần bối rối
Bươm bướm cười hoa không có tên

Lâu lắm không về thăm đường cũ
Bươm bướm bay đầy trong giấc mơ
Hoa rừng nở trắng anh ngồi hát
“Hoa tím đồi sim” của người xưa.

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG

TRỐN TÌM

Bụi mía trước sân bình yên mọc
Anh cùng em mê mãi trốn tìm
Mía cứa má hồng rưng rức đỏ
Trốn tìm máu ứa chảy về tim

Lâu rồi không chơi trò con nít
Sáu mươi hai đứa lại trốn tìm
Vạt áo em bay dài như trắng
Mặt trời trưa nắng cứ làm thinh.

NGUYỄN ĐẶNG MỪNG ( Tặng C)

RU NHAU MUỘN MÀNG

(Tặng bạn bè CHS Nguyễn Hoàng).

Ngủ đi những cọng cỏ
dậy thì chưa đuợc xanh
bước đi đôi gót nhỏ
theo lối mòn loanh quanh.

Em chạy về dĩ vãng
Võ vàng đôi chân trần
Đường xa anh ngoái lại
Quê. Một trời phù vân.

Ngủ đi những chiều mưa
Trôi nhanh dòng kỷ niệm
về sông biển chiêm bao
Cơ hồ mây vẫy chào

Còn lần nào gặp mặt
Tay rã rời mắt sâu
Đàn chim xưa về đậu
Giữa sân trường lao đao.

Em hát khúc tình đầu
Ngơ ngác trời mưa ngâu
Chim trời bay tám hướng
Về đâu? ta về đâu?

Vê đâu? em về đâu?

Nguyễn Đặng Mừng

Về làng

Nguyễn Đặng Mừng

velangndm

Đàn bà thắt đáy lưng ong

Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con

( Ca dao )

Hàng năm cứ vào tháng chín âm lịch, bà con ở xa thường về làng chạp mả. Nhiều khi ở cả tháng trời cũng chưa chạp xong mộ bên nội bên ngoại. Làng có tám họ tộc, mấy chục đời gả qua lấy lại gần như bà con cả. Nhớ cho ra bà con thế nào, nội ngoại ra sao, ai anh ai chị, ai chú ai bác, ai o ai dì là một chuyện không dễ. Có những trường hợp tôi vừa là ông vừa là cháu của một người nào đó, nếu theo giai bậc của cách gọi bên này và ngược lại bên kia. Phải nhớ để khỏi bị trách là điều thiệt khó đối với những người ở xa về. Từ ngày xa quê tôi thường ghi chép để khỏi bị các chú bác cô dì trách: “Ơn say chưa” *

Nghĩa địa hình thành tự bao giờ trên các triền rú. Rú, ở quê tôi, là những đồi cát thấp có nhiều cây dại. Hồi còn nhỏ, rú là nơi bí ẩn linh thiêng đối với chúng tôi. Năm lên mười, lần đầu được vác cuốc đi chạp mã ngoại, được các cậu chỉ bày đâu là mộ ngài nhất thế tổ, đường kính cả hàng chục mét, đâu là ngài khai khẩn, khai canh. Khi cuốc phải một cái om đất nào các cậu bảo đó là của người Hời để lại. Người Hời đối với chúng tôi như là người âm phủ. Chuyện về ma Hời một lần nghe ai kể là đêm ngủ đứa nào cũng tranh nhau nằm giữa. Lòng vòng một chặp chẳng nhớ ngôi nào là thế nào, chỉ trông mau nghe tiếng phèn la giục để kéo về nhà thờ họ ăn xôi thịt. Trời cuối thu, mưa lay phay lành lạnh mà ăn xôi thịt là nhất. Một mâm gồm xôi một bên, thịt một bên, gọi là tả xôi hữu thịt. Có ít chuối chát, khế và nhất là nước mắm mụ Cung nữa thì phải biết.

Lần này nhân khánh thành đình làng mới xây hàng tỷ đồng, phần lớn của những đại gia xa xứ đóng góp, bà con trong Nam và Việt kiều về nhiều, tôi cũng thế. Lâu rồi mới được một lần sum họp bà con vui thế này. Đúng mùa chạp mả nên trên rú đông như ngày hội. Mồ mã không còn phải chạp như xưa. Không ai cần mang cuốc, chỉ thắp nhang. Nghĩa địa được xây như một “ thành phố âm phủ ”. Họ ni phái tê ganh đua xây dựng. Những lăng mộ “ hoành tráng ” thi nhau mọc lên. Đứa ở Mỹ phải hơn đứa ở Pháp. Con nông dân mới phất phải hơn con địa chủ ngày xưa. Thế là… ông bà được một phen… hãnh diện, “ nở mặt nở mày ”. Thằng Thỉ hướng dẫn tôi đi thắp nhang mộ chú Gàn, chú Rìu và các ngôi mộ của nhũng người ngày xưa cùng đội sản xuất Tiếp tục đọc