CHIẾC-DƯƠNG-CẦM IM LẶNG

Hoàng Ngọc Trâm

piano_key-HD

Trong một chuyến về nước thăm gia đình, lên căn gác gỗ nhỏ nhắn chứa đầy những đồ vật cũ kỹ, tôi đã tìm thấy một vật mà gần bốn mươi năm về trước nó được gọi là chiếc-dương-cầm của hai anh em chúng tôi — một vật mang nhiều kỷ niệm sâu sắc mà tôi không thể nào quên. Chiếc-dương-cầm của chúng tôi là một chiếc bàn bằng gỗ thô cũ kỹ, dài khoảng một thước, được anh em chúng tôi dùng làm bàn học từ đời anh cả truyền xuống cho đến đứa em nhỏ nhất. Ai trong gia đình học lớp cao nhất thì được ngồi học ở bàn này, và có lẽ mỗi anh em chúng tôi đã có những kỷ niệm khác nhau với nó. Giờ đây chiếc bàn này đã gần sáu mươi tuổi, mặt bàn trầy trụa, loang lổ nhiều vết mực, có nhiều chữ viết chồng lên nhau, có những hình vẽ ngoằn ngoèo và những đường kẻ hình dạng những “phím đàn” cũng mờ hẳn đi. Đặt những ngón tay của mình lên những “phím đàn”, tôi xúc động vô cùng, tưởng như còn nghe văng vẳng những khúc nhạc tôi yêu thích hồi còn nhỏ Tiếp tục đọc

Advertisement

Mẹ tôi

Hoàng Ngọc Trâm

Dorothea Lange, Migrant Mother

Dorothea Lange, Migrant Mother

Viết tặng mẹ tôi, người đã sống suốt đời vì các con

Mẹ tôi có mười người con, bà sinh bảy anh em chúng tôi, còn ba cô em gái nhỏ là con của người vợ lẽ của ba tôi. Mẹ tôi thương yêu tất cả chúng tôi, bà nuôi nấng, dạy dỗ, rồi cưới vợ, gả chồng cho từng đứa. Giờ đây bà có hai mươi người vừa con, dâu, rể và hơn hai mươi đứa cháu nội, ngoại.

*

Mẹ tôi mồ côi cha từ thuở lên ba, mồ côi mẹ lúc mười ba tuổi, bà luôn khao khát tình phụ tử và tình mẫu tử. Bà lớn lên bên cạnh một người chị dâu trưởng nhân hậu. Người chị dâu trưởng của mẹ tôi có một người con trai đầu lòng bằng tuổi mẹ tôi nên bà đã thương yêu mẹ tôi như một người con, cho mẹ tôi đi học cùng với con trai của bà.

Mẹ tôi là một người thông minh, cùng với thời của bà, phụ nữ hiếm có ai đi học mà học giỏi như bà. Mẹ tôi đã từng là thư ký kế toán tại quận Vĩnh Xương – Nha Trang, vì thương con mà bà thôi việc ở nhà để nuôi dạy con cho chu đáo. Mẹ tôi viết chữ rất đẹp. Trước khi chúng tôi bắt đầu đi học lớp một, ở nhà bà dạy cho chúng tôi tập viết, tập đọc và làm toán cộng toán trừ, cho nên khi đến trường, chúng tôi không hề bỡ ngỡ với sách vở.

Mẹ tôi thích âm nhạc, bà biết hát nhiều bài hát thời tiền chiến của Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương …, giọng bà trong trẻo và cao vút. Bà cũng thích xem phim của châu Âu nên biết nhiều tài tử nổi tiếng thời 1945–1970. Ba tôi cũng thích âm nhạc, ông biết đàn mandoline. Ba mẹ tôi thường tuyển chọn những phim hay rồi đưa cả nhà đi xem.

Mẹ tôi là một người phụ nữ luôn hy sinh cho chồng con, bà phục sức rất đơn giản, ăn uống rất dễ dàng không kén chọn, luôn nhường nhịn thức ăn ngon cho chồng con. Bà thích đọc sách, đặc biệt là loại sách học làm người và sách về triết lý của đạo Phật. Chúng tôi lớn lên, được đọc những sách mà mẹ tôi mua về để trong nhà, được nghe những bài nhạc tiền chiến hay. Mẹ tôi thường bảo rằng bà đã chẳng cần phải la hét hoặc giảng giải gì nhiều, các con của bà lớn lên trong không gian của sách vở và âm nhạc, cách bà dạy dỗ chúng tôi thật đơn giản mà vô cùng hữu hiệu Tiếp tục đọc

LÀM SAO ĐỂ LEO LÊN NHỮNG ĐỈNH NÚI

Bản dịch của Hoàng Ngọc Trâm.
(How to Climb Mountains – Paulo Coelho in Like the Flowing River)

leonui

Tặng Thầy tôi, người đã bắt đầu bước lên một đỉnh núi cheo leo;
và các bạn thân của tôi — người đã đến gần đỉnh núi
người đã leo được nửa ngọn núi;
và người đang tìm lối để leo lên một ngọn núi sừng sững trước mặt.

Hãy chọn ngọn núi bạn muốn leo

Đừng bị ảnh hưởng bởi những gì người khác nói: “ngọn núi kia đẹp hơn” hoặc “ngọn núi kia trông dễ hơn”. Bạn sẽ bỏ ra nhiều sức lực và đam mê để đạt được mục đích của bạn, và bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình, vậy hãy nắm thật chắc những gì bạn đang thực hiện.

Hãy tìm cách để đi đến ngọn núi

Thường thường bạn có thể nhìn thấy một ngọn núi ở đàng xa — đẹp đẽ, lôi cuốn và nhiều thử thách. Tuy nhiên, khi bạn cố gắng để đi đến đó, điều gì sẽ xảy ra? Chung quanh nó sẽ có rất nhiều lối đi; những rừng cây sẽ chắn lối giữa bạn và mục tiêu của bạn; và những gì bạn thấy rõ ràng trên bản đồ sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều trong thực tế. Vì vậy, bạn phải thử hết những lối đi và những đường mòn, cho đến một ngày nào đó, bạn tìm thấy đỉnh núi mà bạn muốn trèo lên.

Hãy học hỏi từ người nào đã từng lên đến đỉnh đó rồi

Dù cho bạn có khác những người chung quanh thế nào đi nữa, vẫn luôn luôn có một ai đó trước kia đã từng có cùng một ước mơ như bạn và là người đã để lại những dấu vết giúp những người đi sau bớt gian khổ: điểm tốt nhất để buộc sợi dây thừng, lối mòn với những dấu chân, những cành cây đã được bẻ gãy để đi qua được dễ dàng hơn. Đây là cuộc leo núi của bạn và đây cũng là trách nhiệm của bạn, nhưng đừng bao giờ quên rằng những kinh nghiệm của người khác thì luôn luôn hữu ích.

Những nguy hiểm, khi quan sát cận kề, có thể chế ngự được

Khi bạn bắt đầu leo lên ngọn núi ước mơ của bạn, hãy luôn lưu tâm đến những gì đang xảy ra chung quanh bạn. Dĩ nhiên sẽ có những vách núi sừng sững. Sẽ có những chỗ nứt nẻ không dễ dàng nhận thấy. Có những tảng đá láng bóng do mưa và gió bào mòn nên chúng trơn trợt như băng vậy. Nhưng nếu bạn biết bạn đang đặt chân mình nơi nào, bạn sẽ thấy được những cạm bẫy và có thể tránh chúng.

Phong cảnh chung quanh thay đổi, vậy hãy tận hưởng chúng

Tất nhiên bạn phải luôn nhớ đến mục tiêu của bạn — leo lên đỉnh núi. Tuy nhiên, trong khi bạn leo, khung cảnh chung quanh thay đổi, không có gì là sai trái nếu bạn thỉnh thoảng ngừng lại để ngắm cảnh. Cứ mỗi thước bạn leo lên, bạn lại có thể trông thấy xa hơn, vậy thì hãy bỏ ra một chút thời gian để khám phá thêm những điều mà từ trước đến giờ bạn chưa hề trông thấy.

Hãy tôn trọng cơ thể của bạn Tiếp tục đọc

HẠNH PHÚC – SỐ PHẬN

Hoàng Ngọc Trâm

MargueriteChristinePorten

Marguerite, Christine Porten

HẠNH PHÚC

(nàng kể)

Khi nàng 18 tuổi, nàng thường ngắt những cánh hoa Marguerite, miệng lẩm nhẩm: “yêu”, “không yêu”, “yêu”, “không yêu”, “yêu”, “không yêu”, “yêu” “…” Nàng chỉ ngừng lại khi đoá hoa có số cánh là một số lẻ.

Và nàng mỉm cười, hạnh phúc.

Ba mươi năm sau, giữa những lần hoá trị, nàng ngắt những cánh hoa Artichoke, miệng lẩm nhẩm “bệnh”, “hết bệnh”, “bệnh”, “hết bệnh”, “bệnh”, “hết bệnh”, “…” Nàng chỉ ngừng lại khi đoá hoa có số cánh là một số chẵn.

Và nàng mỉm cười, hạnh phúc.

SỐ PHẬN

(chàng kể)

Vào lứa tuổi mộng mơ, nàng ngắt từng cánh hoa Marguerite để bói: “yêu”, “không yêu”, “yêu”, “không yêu”, “…”. Nếu cánh hoa cuối cùng rơi vào chữ “không yêu”, nàng sẽ không tin, bói lại từ đầu bằng một đoá hoa khác. Và nàng chỉ hài lòng ngừng lại khi cánh hoa cuối cùng rơi vào chữ “yêu”.

Ba mươi năm sau, trong lúc phải chống chọi với căn bệnh ung thư hiểm ác, nàng ngắt từng cánh hoa Artichoke, lại bói: “bệnh”, “hết bệnh”, “bệnh”, “hết bệnh”, “…” Và nàng chỉ ngừng lại ở cánh hoa rơi vào chữ “hết bệnh”.

Nàng là người quyết định cho số phận của chính mình.

10-2010

HOÀNG NGỌC TRÂM

Dịch và viết. Làm việc và sống với chồng (Lê Trung Tự) và hai con (Ngâu & Việt) tại Sydney, Australia. Thích đọc và dịch sách của Paulo Coelho.