GHẺ

Hovietkhue

Bao giờ sau mùa sò cũng đến…mùa ghẻ.
Tay, chân đám trẻ sống ở các làng ven biển thường chơi vọc đất cát là mảnh đất màu mỡ cho cái ghẻ sanh con đẻ cháu.
Trong làng, từng đống vỏ sò vỏ ốc như những cái mộ lúp xúp phơi mưa nắng là nơi tụ tập của ruồi nhặng. Gió mang chúng với những cái cánh đầy vi trùng len lỏi vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình.
Thọat đầu chỉ là mụn nhỏ ngứa ngáy, rồi gãi, rồi trầy trụa, rồi sinh ghẻ và lây lan khắp chân tay. Rồi đứa trẻ này lây cho đứa trẻ khác. Có mùa ghẻ phát triển rầm rộ đến nỗi ngành y tế từ tỉnh đến làng xã phải phát động chiến dịch chống ghẻ.
Cô bé Thanh Triều bị ghẻ. Các bạn hàng xóm của Thanh Triều cũng bị ghẻ. Chúng cãi nhau, đứa này đổ cho đứa kia lây ghẻ cho mình.
-Con Triều bị ghẻ trước. Ghẻ mọc đầy kẽ tay nó.
-Trong lớp, tao thấy thằng Tín đút tay trong hộc bàn gãi đã quá trời!
-Thằng Bổn không thuộc bài mà còn đứng “đờn” nên cô giáo cho về nhà…lập ban nhạc luôn.
Không đứa nào chịu đã giới thiệu ghẻ cho bạn mình.
Ba Thanh triều lắng nghe chúng cãi nhau. Ông phì cười, đưa tay rờ mấy sợi râu cằm. Chợt ông nghe ngứa ran. Ông đưa tay lên nhìn: ở kẽ tay ông đã nổi lên mấy cái ghẻ từ lúc nào.
*
Thằng bé gãi lia lịa. Tay này gãi tay kia. Hai tay gãi khắp mình mẩy. Nó đứng sau các tấm bình phong che các bàn với nhau, giương mắt thao láo nhìn mẹ nó. Nó đói bụng. Nó cố kiễng chân nhìn các thức ăn trên bàn. Nó mới năm tuổi. Nó không dám kêu mẹ xin ăn vì mẹ nó cấm vào nơi này nhưng nó đói quá. Hồi chiều, nó mải chơi rồi ngủ quên, chưa ăn cơm.
Bia ôm cũng là một thứ dịch như…dịch ghẻ. Nó lây lan từ thành phố đến làng quê. Nó đến thị xã miền biển này hồi nào chẳng ai hay. Nó hiện diện trong nhà hàng quốc doanh biển đõ chữ vàng đến quán lá xập xệ mang tên cúng cơm của cô chủ.
Cái quán bia mà ba Thanh Triều đang nhậu thuộc lọai quán bình dân, chỉ có bia chai “Sài Gòn” và bia “lên cơn”* sản xuất tại thị xã. Nhiều quán còn đại-bình-dân hơn, chỉ cần vài xị rượu cũng…chễm chệ ôm như ai. Dạo này ba Thanh Triều ghiền cái khỏan uống bia có chỗ “gác tay” lắm. Nhờ làm ở cơ quan mà dân buôn bán thường phải quan hệ nên ba Thanh Triều được chiêu đãi luôn.
Ba Thanh Triều đang úp mặt vào bộ ngực của cô tiếp viên thì thằng bé vụt kêu:
-Má!
Cô tiếp viên hốt hỏang xô ba Thanh Triều ra, ba thanh Triều kịp nhìn thấy đôi mắt thằng bé tròn xoe nhìn ông.
Thằng bé lắp bắp:
-Con đói.
Cô tiếp viên nắm tay thằng bé lôi đi. Khi cô trở lại, ba Thanh Triều hỏi:
-Em đưa con tới quán chi vậy?
-Nhà không có ai. Em đã dặn nó chơi ở ngòai sau.
Cô tiếp viên trả lời, giọng buồn buồn nhưng rồi cô nhỏen cười và hôn cái chụt vào má ông, ghì riết đầu ông vào ngực cô.
Ánh mắt của thằng bé làm ba Thanh Triều cụt hứng. Ông xin phép các bạn về sớm mặc họ nài nỉ, không quên “boa” cho cô tiếp viên gấp đôi thường lệ.
*
Khi ba Thanh Triều thoa thuốc trị ghẻ cho em, cô bé khóc lóc cứ giấu hai bàn tay ra sau mông. Dù ba Thanh Triều dỗ ngon ngọt thế nào cô bé vẫn khóc thét, giãy nãy.
Sáng Chủ nhật, ba Thanh Triều chở em và Tín, đứa bé hàng xóm dạo chơi về miệt đồng bằng xe máy. Dạo này ruộng lúa bị rầy nâu phá dữ lắm. Trên đường đi, thỉnh thỏang ba Thanh Triều dừng xe, chỉ cho hai đứa xem những bóng người mang bình, huơ vòi dài xịt thuốc trong các ruộng lúa.
Ba Thanh Triều xin phép chủ ruộng nhổ một bụi lúa bị rầy cho hai đứa săm soi và giảng giải:
-Hai con xem thân lúa bị rầy nâu bám đầy ví như cánh tay hai con bị ghẻ vậy. Nếu không xịt thuốc bảo vệ thực vật, rầy sẽ “ăn” chết lúa. Hai con không thoa thuốc trị ghẻ, ghẻ sẽ “ăn” khắp tay chân, mình mẩy hai con, da hai con sẽ sần sùi đầy sẹo lở dơ dáy lắm. Hai con ngồi ở đâu sẽ kéo theo ruồi nhặng tới đó, gây hôi thối khiến mọi người xa lánh.
Sau buổi dạo chơi về, Thanh triều ngoan ngõan để cho ba thoa thuốc trị ghẻ. Cả các bạn Tín, Bổn, Bi cũng được ba Thanh Triều trị ghẻ cho. Mỗi khi thoa thuốc, để các em đỡ đau rát, ba Thanh Triều dạy chúng đồng ca:
“Cái ghẻ mày ngủ cho ngoan
Nếu không tao sẽ khảy đờn lung tung
Cái ghẻ mày chớ nổi khùng
Coi tao thoa thuốc sát trùng mày đây!”.
Trông các cô cậu vừa hát vừa chảy nước mắt nước mũi thật tức cười.
Ba Thanh Triều chợt nhớ tới thằng bé trong quán bia ôm. Không hiểu má nó có thoa thuốc trị ghẻ cho nó hay không? Đêm đêm má nó có còn mang nó tới nơi làm việc? Từ đêm đó ba Thanh Triều chưa trở lại cái quán bia đó. Mãi đến giờ, ánh mắt của thằng bé cứ như còn nhìn xóay vào ông.
Có tiếng còi xe cúp trước cổng. Người bạn cùng sở làm với ba Thanh Triều cười toe tóet, ra dấu bảo ông đi chơi. Nó đến giờ này là có “độ” rồi. Người bạn không chờ ông kịp leo lên xe, hí hửng:
-Quán mới! Có mấy em đã lắm.
Người bạn rồ ga nhưng ba Thanh Triều lại quay vào nhà. Ông lấy chai thuốc trị ghẻ cho vào túi quần. Ông muốn trở lại quán cũ.
-Đến quán số 9 đi!
Người bạn ngạc nhiên nhưng cũng chiều ý ba Thanh Triều.
Ba Thanh Triều muốn tặng chai thuốc trị ghẻ để cô tiếp viên thoa cho thằng bé và cho cô. Lần đó cầm tay cô, ba Thanh Triều phát hiện trong kẽ tay cô nổi những chấm đỏ như mình. Thuốc trị ghẻ này hay lắm, ba Thanh Triều thoa có ba lần đã hết trơn…

HỒ VIỆT KHUÊ

Advertisement

LÒNG TỰ TRỌNG

Hovietkhue

Bà lão bảy mươi tuổi lẻ, từng bị tai biến não nên tê liệt nhẹ, khi di chuyển kéo lê một chân, một tay cứng đơ cử động chậm chạp. Vậy mà hàng ngày bà vẫn phải đi bán vé số trên đường phố.
Thị xã nhỏ, công việc buộc tôi thường chạy xe máy ngoài đường nên tôi thường nhìn thấy bà lão tàn tật đáng thương vai mang cái sắc nhỏ chào mời mọi người mua vé số.
Không nhớ từ lúc nào, ở các nơi tôi đến làm việc, người ta thường tặng phong bì. Không nhiều, vài ba trăm ngàn, với đôi lời biện bạch để dùng bữa cơm, hẹn dịp khác rảnh rổi sẽ nhậu lai rai tâm sự. Mỗi lần có phong bì, tôi không quên chia sẻ cùng bà lão không vì tôi mơ làm tỷ phú, tôi cũng biết sáng mua vé số chỉ để chiều xé và giúp cán bộ công ty xổ số có thu nhập ngất ngưỡng nhưng vì hoàn cảnh đáng thương của bà. Bởi có lần hỏi chuyện, tôi biết bà lão bán vé số không con cháu, phải tự kiếm sống.
Tôi làm phóng viên cho một tờ báo địa phương. Thời ngồi ghế nhà trường, tôi không hề nghĩ mình sẽ trở thành nhà báo, dù tôi học môn văn luôn đạt điểm cao. Chú tôi là chức sắc ở địa phương ấn tôi về tòa soạn báo, dù tôi tốt nghiệp đại học ngành thủy lợi. Tôi phản ứng yếu ớt thì chú nghiêm mặt: “Làm thủy lợi chỉ khai thông đường nước cho một cánh đồng, còn làm báo khai thông dòng tư tưởng cho cả xã hội. Cháu thấy nhiệm vụ nào vinh quang hơn?”. Thật tình tôi nghĩ được đi làm sớm thì có lương sớm, không ăn bám cha mẹ chứ không nghĩ nhiệm vụ vinh quang hay hèn mọn gì!
Chú tôi điện thoại: “Thằng X sắp được phong thống chế ngành xây dựng. Cháu viết một bài về nó đi. Chú giới thiệu cháu với nó rồi”. X là chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn, trúng thầu xây dựng hầu hết các công trình có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước như cầu cống, đường sá, bến cảng, trụ sở cơ quan trong khu vực. Tôi biết X không chỉ là cánh hẩu với chú tôi mà còn cánh hẩu với lô lốc vị chức sắc khác. Nếu không, dễ gì hàng năm X bú bầu sữa ngân sách ngọt sớt vài trăm tỷ đồng.
Vừa gặp, chủ tịch X dúi ngay vào tay tôi tập báo cáo thành tích đề nghị phong tặng danh hiệu tuyệt đại cao quý ngành xây dựng. Ông xua tay khi tôi bấm máy ghi âm: “Tất cả đều gói trong này. Em nghiên cứu rồi viết chứ anh kể lể dông dài lắm”. Tôi liếc nhanh, người khai báo thành tích báo cáo đầy đủ từ thành phần xuất thân, bước đầu khởi nghiệp, các công trình xây dựng đã hoàn thành, các đóng góp vật chất cho xã hội, các chương trình từ thiện ủng hộ người nghèo…Tôi chỉ hỏi thêm một câu ngắn: “Ông tâm đắc nhất là chương trình từ thiện nào mà ông và tập đoàn đã triển khai?”. Ông X cười hóm hỉnh: “Cái tâm đắc nhất là cái mình còn ấp ủ. Giàu có, làm ra tiền đến phát ngán thì khi chết cũng đâu mang xuống âm phủ xài được? Sắp tới tôi sẽ xây một nhà dưỡng lão để nuôi dưỡng khoảng một trăm người nghèo neo đơn, tàn tật”. Tôi hí hoáy ghi chép, hân hoan tán thành ý tưởng nhân đạo của một doanh nhân thành đạt biết cảm thông, chia sẻ với người bất hạnh. Tôi sẽ lấy câu tuyên bố này để giật cái sa-pô cho bài báo hoành tráng viết theo tập tài liệu dầy cộm có trong tay.
Thằng đồng nghiệp chụp ảnh đi cùng hoan hỉ lắm, nó lạc giọng: “Phong bì tới hai triệu lận, mày ạ!”. Thì ra khi hai thằng bước xuống cầu thang, nó đã sè sẹ mở phong bì đếm mấy tờ giấy bạc. Thôi thì cũng bõ công nó nghiêng ngó tìm góc cạnh đẹp nhất để chụp ảnh chân dung ông thống chế ngành xây dựng của địa phương. Còn tôi, tôi thầm so sánh, hai triệu là thu nhập cả tháng tôi chạy xe máy khắp hang cùng ngõ hẻm để lấy tin chó cán xe.
Tôi quên bẵng cái nhà dưỡng lão của thống chế X một thời gian dài, cho đến một trưa nắng đổ lửa, tôi thấy bà lão tàn tật lê lết men theo các mái hiên trên đường phố. Chiều đó, xong việc sớm, tôi tạt vào trụ sở tập đoàn X. Tiếp tôi là một chủ tịch trẻ. “Ông X là ba cháu. Ba cháu bàn giao cho cháu quản lý tập đoàn ở Việt Nam, còn ông đã định cư ở Huê Kỳ”. Tôi vớt vát: “Còn dự án nhà dưỡng lão ba cháu tuyên bố với báo chí?”. Tân chủ tịch tập đoàn nhún vai: “Cháu đâu nghe ba cháu nói gì về dự án đó”.
Về nhà, tôi nhận được thiệp mời dự tiệc tiễn đứa em con chú tôi đi du học Mỹ. Tôi nhiều lần nghe thím tôi bàn bạc trong gia đình chuyện em gái đi học và tìm cách định cư ở nước ngoài. Nếu em có quốc tịch nước ngoài thì chú thím tôi cũng có cơ hội có thêm một quốc tịch thứ hai khi chú tôi đã nghỉ hưu. Vì sao nhiều người làm giàu nhờ xứ sở này lại muốn bỏ quê hương?

Có lần tôi trót hứa với bà lão bán vé số sẽ xin cho bà một chiếc giường trong nhà dưỡng lão một trăm chỗ nên tôi tránh bà dù vẫn thường thấy bà trên phố. Trưa nay, tôi tắp vào một cây xăng để đổ xăng thì gặp bà nhưng bà tảng lờ như không nhận ra tôi. Tôi vồn vã: “Chào bác, bác không nhận ra cháu sao?”. Bà cười móm mém: “Sao không nhận ra cậu. Nhưng tôi bán cho cậu toàn vé số trật nên gặp cậu tôi ngại ngùng lắm. Tôi không thể lạm dụng lòng tốt của cậu”. Tôi đùa: “Bác mà biết vé số sẽ trúng thì bác đâu có bán cho mọi người”. Dù hôm nay không có phong bì nhưng tôi cũng mua giúp bà lão năm tờ vé số.
Đêm đó, tôi xem tivi thấy cảnh chú tôi thăm một xã miền núi. Chú động viên người dân về tinh thần kiên trì bám đất sản xuất, chung tay xây dựng bản làng. Chú trò chuyện rất chân tình giống như ông X ngày nào nói với tôi về mục đích xây dựng nhà dưỡng lão. Và tôi nhớ đến bài báo bốc thơm của mình, cũng như thái độ miễn cưỡng của bà lão bán vé số trưa nay khi trao năm tờ vé số cho tôi.

Hồ Việt Khuê

ĐÀ LẠT KHÔNG EM

Hovietkhue

 

Anh về hỏi nhỏ con đèo
Không em đèo mãi ngoằn ngoèo trong sương
Run chân thầm hỏi con đường
Phố cao phố thấp bóng trườn đè anh
Vu vơ hỏi nắng mong manh
Tan trong hoa, nắng long lanh sắc màu
Ngàn thông vọng gió thung sâu
Lời ai điếu mối tình đầu ngu ngơ
Anh vùi trong đám cỏ khô
Chờ em mồi lửa hư vô tìm về.

Hồ Việt Khuê

CHUYỆN CHÓ

Hovietkhue

Tôi có người bạn thân hơn ba mươi năm trời nhưng tôi chưa một lần đặt chân vào nhà bạn. Lúc nhỏ muốn rủ bạn đi học đi chơi, tôi dừng xe đạp trước nhà bạn làm Tạczăng hú lớn; lớn lên đi làm bằng xe máy, tôi thắng xe trước nhà bạn bóp còi toe toe; sau này có điện thoại di động, tôi nhắn tin hẹn gặp bạn ở quán xá.
Vì nhà bạn ở bên hông chợ, trên con phố mua bán sầm uất, nhà chật chội lại chứa đầy hàng hóa, trong nhà chỉ chừa lối đi mà người nặng cân phải nghiêng mình mới lọt qua. Dù tôi rất muốn bước chân vào nhà bạn, không chỉ thăm bạn rồi ra về, bởi bạn có đứa em gái rất xinh đẹp nhưng đành chịu.
Em bạn nuôi con chó Nhật lông trắng xinh xắn, khi vắng khách mua hàng, nàng ôm người bạn nhỏ vào lòng vuốt ve, nựng nịu; còn con chó cứ làm nũng rên ứ ứ làm trong đầu tôi xuất hiện hình ảnh dĩa thịt cầy hấp xả. Một sáng sớm phố xá vừa thức giấc, tôi đến nhà bạn và chứng kiến một chuyện làm tình cảm của tôi dành cho nàng không trọn vẹn như trước.
Nàng và một bà chủ tiệm buôn cách mấy căn chửi nhau vì chuyện chó ỉa.
Mỗi sáng sớm, khi các cánh cửa sắt rền rỉ hé mở, các cô cậu chó lao vút ra đường, đến lãnh địa mà nó đã đánh dấu để trút bỏ cặn bã làm ấm ức cả đêm. Chúng đặc biệt ưa thích gốc cây, tường nhà, bồn hoa, trụ điện, trụ biển báo giao thông…Tóm lại là nơi nào thuận tiện để mấy con cẩu giơ một chân lên hay dạng hai chân sau ra mà không vướng víu.
-Sao bà không xây cầu tiêu cho chó nhà bà ỉa đái…
Nàng hỏi người hàng xóm. Vì chó của bà ta đái ngay chân sạp hàng nhà nàng kê trước mái hiên.
Ở dãy phố buôn bán này, mọi người gọi tên nhau bằng nghề nghiệp. Ba Xe đạp, Bảy Chiếu hoa, Chín Phụ tùng Xe máy, Hai Điện đều có nuôi chó nhưng có ai xây cầu tiêu cho chó ỉa đâu? Nhà phố chật chội, hàng hóa chất đầy chỉ chừa lối đi, chó lấy chỗ nào mà ỉa? Mặc nhiên mấy người chủ chó ngầm hiểu đường phố là nơi chó tự do ỉa đái, cả ông tổ trưởng gia đình văn hóa. Mọi người chưa quên chuyện Tư Photo chửi té tát một bà công chức về hưu khi chó của bà này ỉa dưới tấm biển chỉ nghề nghiệp của cô, dù hai con chó Nhật lông xù của cô sáng nào cũng chạy sang nhà Mười Cơm bình dân xả mấy lọn. Việc này, Tám Hải sản bình luận:
-Em Tư Photo hoàn toàn sai trái khi không cho chó, dù chó của nhà buôn, của dân thường hay của công chức được bình đẳng trong vấn đề ỉa đái. Phải công nhận là chó ở phố văn hóa mình rất giỏi nín và thương chủ, vì nó không bao giờ ị trong nhà mà phải chờ đến sáng, có lẽ nó sợ chủ tốn công hốt dọn.
Chiều đó tôi rủ bạn nhậu lai rai, chờ lúc chếnh choáng tôi hỏi bạn:
-Nhà mày có xây cầu tiêu cho chó ỉa không?
Nó trợn hai tròng mắt trắng bệt nhìn tôi kinh ngạc. Tôi bảo bạn về hỏi em gái nó. Đêm đó tôi bắc ghế ngồi trước hiên nhà nhìn bầu trời đen nghịt, không buồn đập đàn muổi đói, thắc mắc tại sao người ta có thể thương yêu ôm ấp một con chó mà lại sẵn sàng cấu xé một người hàng xóm lớn tuổi hơn mình vì chuyện chó ỉa?
Tôi có thói quen tập thể dục mỗi sáng bằng cách đạp xe đạp qua các con đường vắng vẻ. Thành phố mở rộng, người ta san lấp ao hồ làm các khu dân cư mới, người giàu mua đất để kinh doanh nên có nhiều con đường thưa thớt nhà cửa, vắng người xe lưu thông. Nhiều buổi sáng tôi đang lơ ngơ thì tiếng chó sủa dồn dập rồi cả đàn chó nhe hàm răng sắc nhọn lao về phía tôi. Tôi luống cuống nhảy khỏi yên, xoay ngang chiếc xe cà tàng cản đàn chó gầm gừ như muốn nuốt sống thằng tôi. Nhà cửa thưa thớt nhưng chó nhiều quá, chúng tụ tập chạy nhảy, phóng uế và đe dọa người đi đường. Tôi rút kinh nghiệm mấy lần suýt bị chó cạp bàn chân nên mang theo mấy cục đá trong chiếc giỏ xe. Sáng đó, tôi bình tỉnh xoay ngang chiếc xe ngăn đàn chó, lấy một cục đá cạnh sắc nhọn nhắm đầu con chó hung hăng nhất thẳng cánh quăng mạnh. Hình như cục đá chỉ trúng cổ con chó, nó la ẳng ẳng và chạy mất, rủ đồng bọn chạy theo. Tôi chưa dứt câu chửi thề thì nghe tiếng quát:
-Sao ông quăng đá chó tui. Đồ…
Quá bất ngờ nên tôi không nghe rõ là đồ ác hay đồ chó.
Cô thiếu nữ mặc bộ đồ ngủ màu hoàng yến đứng chống nạnh nhìn tôi xỉa xói, mặc tôi ra sức phân bua. Tôi giận đến hoa mắt, thấy nhòe nhoẹt đằng sau gương mặt hãnh tiến của cô chủ chó sưng sỉa giận dữ, mặt con chó bị trúng hòn đá ngoẹo cổ sủa ăng ẳng cũng giận dữ không kém chủ. Tôi bỏ dở buổi tập xe đạp, ngán ngẩm vì mở đầu một ngày mới đầy tai lời chửi bới. Cô ta quý con cẩu bốn chân hơn tính mạng thằng người hai chân chăng?
Hơn mười năm nay tôi không chén thịt chó, từ sau một bữa ăn tại nhà người bạn. Hắn thịt con chó hắn nuôi và rủ một đám bạn đến nhậu. Tại sao người ta có thể lạnh lùng xiết cổ con vật quấn quýt bên mình hàng ngày. Từ đó tôi thề không ăn thịt chó nữa và cảnh giác với con người nhiều hơn.
Sợ đàn chó rượt đuổi, từ đó tôi đạp xe về hướng có cổng chào khu phố văn hóa. Mỗi sáng tại đây, tôi đều gặp một cô thiếu nữ dắt chó đi dạo. Dáng cô cao lại mặc chiếc quần sọt ngắn nên đôi chân dài thon thả trắng muốt cứ lồ lộ làm tôi cảm thấy một ngày mới thật rạo rực. Mỗi lần ngắm nàng hờ hững nắm sợi dây xích chó đi dạo, tôi lại thấy nàng thật quý phái.
Cho đến khi tôi phát hiện nàng không dắt chó đi dạo mà mỗi sáng, nàng dắt chó đi ỉa đái. Than ôi! Con chó cưng của nàng cứ đến trụ cổng khu phố văn hóa là nó ghì xích đứng lại và giơ một chân sau lên…
Và nàng bình thản đứng đợi!

HỒ VIỆT KHUÊ

ÔNG TRỜI NGÓ NGHIÊNG

Hovietkhue

-Đ. M. Mày! Nông dân mà uống nước bình!
Lão Nục dốc ngược bình nước hai mươi lít kê vào miệng. Không còn một giọt. Cơn khát thiêu đốt cổ họng lão sau chầu nhậu đổ vào họng cả lít rượu đế làm lão nổi điên, lão kê cái bình không vào tường, dồn sức mạnh vào cánh tay mấy mươi năm lao động nặng nhọc vung nắm đấm làm cái bình nhựa cứng vỡ mấy mảnh rơi khô khốc trên nền gạch cốm.
-Đ. M. Mày! Nông dân mà uống nước bình!
Lão Nục chửi lớn tiếng. Vợ lão nhàm tai câu chửi quen thuộc của lão mỗi đêm sau chầu nhậu với bà con chòm xóm, bình thản dỗ tiếp giấc ngủ. Lão Nục thả mình lên chiếc võng đan bằng cây thơm tàu bắc ngang hai cây cột nhà. Võng đan bằng thơm tàu nằm vừa êm vừa mát không loại võng nào sánh bằng, võng ny lon càng thua xa vì nóng lưng và không rút mồ hôi.
Sáng nay, lão Nục phát hiện bụi thơm tàu to bằng cái chái bếp mà lão dùng đổi võng bắt đầu lụi chết. Trời đất! Loài cây hoang dại mọc trên đất cát chay khô khốc như thơm tàu mà cũng chết thì còn cây nào sống sót. Cơn khát cộng với nỗi hoang mang của kẻ bao năm gieo hạt, vun xới cây trồng chờ đợi hái quả bây giờ thấy trước có đổ bao nhiêu mồ hôi, vốn liếng cũng trắng tay làm lão trằn trọc.
Một trưa, thiu ngủ trên trên chiếc võng trong đám xoan chịu hạn, nắng xộc vào mắt lão Nục làm lão giật thót người nhận ra đám đọt xoan trên cao héo rủ. Rồi đám lá gốc vàng úa và rụng dần. Lão như còn nghe văng vẳng lời lẽ hùng biện của tay cán bộ hội nông dân tuyên truyền về giống cây xoan chịu hạn có nguồn gốc từ một nước sa mạc. Thật vậy, ở vùng đất cát trắng nhức nhối mắt vào trưa nắng chang chang như ở làng ven biển quê lão, đám xoan chịu hạn mới trồng ba năm đã um tùm xanh mướt cả trong mùa khô, dựng nên vành đai chắn gió, chắn cát, giữ độ ẩm cho mảnh đất canh tác của người dân.
Nhưng rồi bên cạnh nguồn của cải nuôi sống người dân, những con người chỉ có mảnh đất và sức lao động làm vốn liếng, một công trường khai thác titan gọi nôm na là cát đen mọc lên với máy đào máy xúc, dàn vít xoắn đãi cát ngày đêm. Họ hút nước ngầm để đãi cát, cát trắng trôi đi, cát đen có tỷ trọng nặng lắng lại, được đóng vào bao bán thô cho thương nhân nước ngoài. Của cải trong lòng đất nghìn năm bỗng chốc bán tháo bán đổ không tiếc rẻ.
Đồi cát biến dạng, lòng đất mở toang sâu hun hút, tầng nước ngầm cạn kiệt làm những bộ rễ cây hụt hẩng, cả bộ rễ cây cổ thụ cũng không còn nước cắm vào để chuyển thành nhựa nuôi thân huống chi đám rễ cây xoài cây ổi hay rễ cây ngắn ngày. Cây cối trong vườn trơ trọi những nhánh tay xương chỉa lên trời, người nông dân ngồi bó gối trong hoàng hôn chập choạng than thân trách phận mà đành bất lực.
Mực nước ngầm tụt sâu xuống địa ngục, người ta bơm cả nước biển vào để đãi cát đen. Vì mang biển lên đồi nên cả vùng đất canh tác nuôi sống con người trở thành đất chết. Cả giống xoan chịu hạn đến từ sa mạc cũng chết khô vì chúng chịu hạn chứ đâu chịu mặn. Người sống bằng trồng trọt cả đời bây giờ phải mua từng trái ớt, bụi hành. Khi cái ao nước ngọt trong vắt ở góc vườn lão Nục vục mặt uống cả ngụm mây trắng lơ thơ lởn vởn trên trời xanh trưa hè văng vẳng tiếng ve đã mặn chát như nhiều giếng nước trong làng, chủ công trường khai thác cát đen mới xoa dịu người dân bằng cách cấp phát cho mỗi hộ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước nhiễm mặn hai bình nước ngọt mỗi ngày. Hai bình là bốn mươi lít nước cho ăn uống, tắm giặt.
Người dân làng chài ven biển bao giờ chẳng tay lưới tay cuốc. Ngày trời thanh biển lặng, họ dong thuyền đánh cá mực. Những chiếc thuyền con neo đậu bãi ngang đánh bắt ven bờ giúp họ có đồng ra đồng vào chi tiêu hàng ngày, mua giống mua phân bồi bổ cho đất. Ngày biển giận sóng gào, họ gieo hạt. Mùa lạc mùa dưa cho họ chút của dành dụm. Chẳng hiểu sao khi cây trái trong vườn lụi tàn vì đất đai nhiễm mặn, con cá con mực ven bờ cũng thưa thớt dần. Người già bảo vì dòng nước đen đãi quặng cát thẩm thấu ra biển đã hủy diệt nguồn thức ăn của các loài thủy tộc nên chúng bỏ đi. Đất đã không lành thì con chim con cá cũng ly tán huống chi con người.
Làng ven biển trầm lặng và hiền hòa của lão Nục thay đổi nhanh lắm. Nhiều đứa con gái rời làng làm thuê ở các khu du lịch bên kia eo biển. Ở đó có nhiều việc cho chúng như rửa chén bát, dọn buồng. Có đứa còn học được nghề đấm bóp làm ra khối tiền. (Hai cánh tay quen lao động nặng nhọc của chúng mà đấm bóp thì xương cốt nghe răng rắc chắc đã tai lắm). Đám trai gác lưới chèo, kéo thuyền bỏ bờ chạy xe thồ, làm phụ hồ hay nhiều nghề linh tinh. Có đứa áo quần bảnh chọe, miệng chửi thề dòn tan như pháo nổ, tay kẹp thuốc lá thảnh thơi làm nghề dắt mối từ mối đất xây khách sạn năm sao đến miếng đất xéo. Những người già bươi móc miếng ăn sót lại trên mảnh đất hoang tàn. Lúc chập choạng nhá nhem mặt người, họ túm tụm thì thào với nhau, người thì bảo ông trời không có mắt, vì nếu có mắt ông đã chẳng để mảnh đất màu mỡ thành mảnh đất chết; hay ông trời ngó nghiêng ngó ngửa, vì nếu ông trời ngó thẳng ông đã chẳng để họ rơi vào tỉnh cảnh hiện nay.
Lão Nục hiếm được bữa say quất cần câu như trước kia nhưng quen thói cà khịa khi có hơi men. Càng thèm say, lão càng thèm chửi.
-Đ. M. Mày! Nông dân mà uống nước bình! Hai bình là bốn chục lít nước, không đủ cho tao rửa hai hòn dái!
Nhẫn nhịn với người kiếm tìm miếng ăn trong sóng gió nuôi vợ con là đức tính của người phụ nữ làng ven biển nhưng có lúc bà Nục cũng nổi quạu, xỏ xiên chồng.
-Ông rửa cả đùm chắc phải tốn bốn thùng nước!

Hồ Việt Khuê

HOÀN CỐT

Hovietkhue

Gã bảo vệ tạt vào quán lá bìa rừng mua bao thuốc lá, cẩn thận soát lại túi quần, yên tâm chỉ còn mấy đồng bạc lẻ và cái quẹt ga. Hôm nay gã trực rừng cả ngày, nội quy không cho phép nhân viên trực mang theo tiền khi vào rừng, nếu cấp trên kiểm tra bất thường mà có tiền trong người sẽ bị quy tội nhận hối lộ của bọn lâm tặc.
Gã tạt qua trạm kiểm sóat lấy súng và bi đông nước, liếc bảng phân công rồi cắt đường mòn đến điểm gác số Ba. Có nhiều con đường từ rừng về các làng dưới chân núi, hễ bảo vệ rừng canh giữ gắt gao, bọn phá rừng lại mở con đường mới vừa đủ cho ngựa thồ hay chiếc xe bò một luồn lách giữa các cội cây. Không phải lúc nào cánh bảo vệ và bọn phá rừng cũng chơi trò đuổi bắt, cứ nhìn màu xanh rừng nguyên sinh ngày xa dần làng mạc là thừa biết.
Năm trước, một đồng nghiệp của gã bị đuổi việc vì người đưa hối lộ tố cáo. Tất nhiên bạn gã kêu oan, nhưng đểu thật, thằng đưa hối lộ có chứng cứ rành rành là đọan băng ghi âm cuộc trả giá cho mỗi chuyến xe bò gỗ ra khỏi rừng. Tội của bạn gã lý ra đi tù nhưng cấp trên sợ đổ bể nhiều chuyện khác nên chỉ xử lý nội bộ. Dù sao đó cũng là bài học cho tất cả bảo vệ, không chỉ ở trạm cửa rừng mà gã được nhận xét năng nổ, trung thực và xếp lọai chiến sĩ thi đua.
Gã vẹt cành lá chui vào lùm cây rậm xéo ngã ba mà cánh chở gỗ thường đánh xe bò đi ngang. Mùa khô, lớp lá vàng xếp dầy trên mặt đất có vẻ sạch sẽ nhưng cẩn thận, gã dùng que cây hất mấy chiếc lá bên trên, phòng lũ kiến vàng hay một con rắn chui rúc. Đốt điếu thuốc, rít hơi dài khoan khóai, gã lơ đãng nhìn con đường lơ thơ bóng cây, tơi tả bụi đất dưới ánh nắng gay gắt.
Gã thu mình, lặng lẽ quan sát người đàn bà đội chiếc nón cời sùm sụp che khuất mặt hiện ra nơi khúc quanh. Cái giỏ lát treo trên cán rựa đong đưa theo từng bước chân của mụ giúp gã nhận ra người quen, vợ một tay làm nghề rừng. Mụ có nhiệm vụ dò đường, theo dõi đám nhân viên bảo vệ để xe bò gỗ của chồng ra khỏi rừng trót lọt, không phải nạp tiền mãi lộ. Gã mặc mụ dò đường đi qua, nín cười vì bộ dạng lấc cấc và ánh mắt láo liên của mụ.
Gã giật thót người, thọc tay vào trong lưng quần dài. Một con kiến quái ác chui sâu cắn ngay chỗ nhạy cảm của gã. Gã mò mẫm, có lẽ tới hai, ba con kiến cắn gã. Đứng lom khom không xong, gã đứng thẳng người, tuột cả quần dài xuống ngang gối, thọc cả hai tay vào quần lót mới bắt được mấy con kiến. Gã chà tan nát xác kiến bằng hai ngón tay, chợt nhớ bài đồng dao một thời trần truồng chạy rong cùng đám bạn:
-Kiến cắn cu. Sưng chù vù. Không có tiền. Mua thuốc dán. Dán con cu. Cho nó gù…
Gã muốn cười to, cả vỗ tay nữa như ngày xưa nhưng chiếc xe bò gỗ đang ì ạch cày bụi mù ngay ngã ba. Gã thét to:
-Đứng lại!
Gã không ngờ mình có thể thét to đến vậy, tiếng thét vang vọng trong rừng trưa im ắng nghe như tiếng hú của lòai vượn.
Gã bước ra khỏi lùm cây, bình thản nhìn con bò thỉnh thỏang co duỗi chân vì xe gỗ nặng, trong khi kẻ phá rừng quang quác chửi vợ bằng những từ ngữ thô tục nhất. Kẻ phá rừng nhịp cây roi quất bò, tiến về phía gã cười bợ đỡ.
– Anh thông cảm. Em chỉ quơ ít củi khô về nấu cháo heo…
Gã chăm bẵm dò xét, đánh giá thiện chí của kẻ có thâm niên nghề rừng mà đồng nghiệp gã đồn đãi y rất quỷ quyệt, chỉ chịu xùy tiền khi bị bắt tại trận với tang vật chứ không lo lót mua đường vào rừng như kẻ khác.
-Củi khô cái mả mẹ mày, củi khô mới chặt đêm qua hả, củi khô mà nhựa còn chảy ròng ròng…
Gã gầm gừ. Gần đây, gã không phát âm bình thường như mọi người, mà chỉ gầm gừ trong cổ họng.
Gã tháo khẩu súng dài khỏi vai, đi vòng qua bụi rậm khác. Kẻ tội đồ bám chân gã, không ngừng van nài và đưa ra các đề nghị nhưng gã lẳng lặng, không tỏ thái độ. Gã ngồi chồm hổm, xoa bàn tay chai sần lên mặt đất, dùng ngón trỏ vạch mấy chữ số.
-500.
Kẻ tội đồ ngồi lom khom trước mặt gã, chà xóa số 5, viết con số 3 trước hai con số 0. Gã cau mặt, xóa cả ba chữ số, rồi thọc sâu ngón trỏ vào mặt đất, khắc đậm con số 4. Gã đứng lên, thái độ dứt khoát. Kẻ tội đồ chần chừ rồi gật đầu, đi về phía chiếc xe bò, gã chửi thề rít qua kẽ răng ken két.
Khi chiếc xe bò vừa qua khúc quanh, gã vội dúi mấy tờ giấy bạc vào một hốc cây.
*
Gần khuya, gã bảo vệ rừng theo hơi men nồng nặc về nhà. Gã xỉa hai tờ bạc trăm ngàn vào mặt vợ. Gã đã nộp nửa tiền vào quỹ trạm theo luật, số tiền này trạm trưởng, trạm phó chi tiêu thế nào thì nhân viên không được biết. Gã hài lòng vì cuộc mặc cả không tiếng người. Máy ghi âm tối tân thật nhưng không phải không có cách đối phó.
Không nói năng, gã lôi tuột vợ vào buồng trong. Cả năm nay gã ít khi nói tiếng người. Trong rừng, gã chỉ nói bằng tay với những kẻ chở gỗ. Ở nhà, gã không có dịp nói vì thường về vào nửa đêm, sau chầu rượu bí tỉ cùng đồng nghiệp và bọn buôn gỗ, bọn phá rừng. Lúc uống rượu gã càng không nói, vì gã thừa biết họa từ miệng.
Gã chồm lên người vợ, trên bộ ván gỗ quý mà gã đổi bằng mười chuyến xe bò vào rừng. Gã nhe hàm răng sát mặt cô, đôi môi gã to dầy chà sát môi cô, phả men rượu khắp người cô, áp chặt bộ ngực lông rậm vào ngực cô, ghì xiết cô bằng hai cánh tay dài ngoằng, còn hai chân quặp chặc đùi cô và gầm gừ khoái trá.
Người vợ nhắm nghiền mắt, co rúm người chịu đựng. Hình ảnh con vượn nhốt trong chuồng ở lâm trường bộ động tình gào rú man dại nhảy cỡn trong đầu cô./.

HỒ VIỆT KHUÊ

ĐẤT BUỒN

Hovietkhue

Cơm trưa xong, Hai Qui kềnh bụng đánh một giấc mê mệt rồi nướng qua nướng lại trên bộ ván hầm hập cong vênh bởi nắng xế rang nóng căn nhà tôn thấp nhỏ. Mấy lần lão toan dậy nhưng lại ườn xác vì không biết thức để làm gì. Cả năm nay tay chân lão co rút dần, các bắp thịt nhão nhoét, xương cốt rời rã. Lão như món đồ phế thải đang mục ruỗng.
Nắng xộc vào mắt, Hai Qui mới lạng quạng ra sau nhà, kéo gàu nước giếng lên rửa mặt. Vừa ngậm họng nước, lão vội phun toẹt. Ngày qua, nước càng mặn chát. Nước không nhiễm mặn mới là chuyện lạ khi đồng làng năm hai vụ lúa một vụ màu biến thành ao đìa chứa nước biển, rồi nước thủy lợi không đủ, người ta khoan sâu tận địa ngục để đêm ngày hút nước ngầm pha với nước biển cho thích hợp với con tôm sú. Nước ngọt tầng ngầm cạn kiệt, nước biển chỉ cách cánh đồng một dãy động cát âm thầm len lỏi trong từng thớ đất. Vào một sớm mai, cả làng chưng hửng khi ngậm họng nước mặn chát trong chiếc gàu kéo lên từ giếng thơi. Từ đó, cả làng phải mua nước ngọt chở từ nơi khác về để ăn uống, tưới tắm.
Hai Qui ngắt một trái ớt chín đỏ rực trong chậu kiểng đút qua kẽ nan chiếc lồng tre cho con nhồng. Con nhồng nhảy loi choi, chửi thề mừng món ăn khoái khẩu: “Đu ma”. Hai tiếng này con nhồng học được từ đám nhỏ xóm Mới mà Hai Qui dọn về ở gần ba năm nay. Hai Qui khóa cửa nhà, thói quen lão mới học được. Ngày còn ở trên miếng đất sát chân ruộng lúa, căn nhà tre lá của gia đình lão gió lộng trăng thanh mấy khi kín cửa. Mỗi trưa chập chờn mê mệt giấc ngủ nhớp nháp mồ hôi, lão lại nhớ chiếc võng gai toòng teng giữa hai thân dừa với hương đất đai căng đầy buồng phổi. Con nhồng trong chiếc lồng treo bên hiên nhà lâu lâu lại nhắc lão “bác Hai dậy đi, tối rồi”, hay “anh Long, chị Phụng học về”. Long và Phụng là hai đứa con chưa ra riêng. Hai Qui nghĩ mình phận rùa suốt đời mang chiếc mai nặng nề cực khổ nên đặt tên con là rồng là chim hy vọng đời con sẽ bay bổng giàu sang.
– Giàu sang đâu không thấy, bây giờ thằng Long chạy xe ôm, còn con Phụng làm công nhân may tuốt ở Sài Gòn.
Hai Qui lầm bầm, men theo các ranh vườn đi về hướng cánh đồng.
Căn nhà giữa đồng của Hai Qui trở thành nơi bà con tụ tập để nghe giải thích chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên cánh đồng làng Vạn Phước.
– Vì sự nghiệp phát triển kinh tế của một xã có bề dầy thành tích cách mạng, chúng ta phải biết hy sinh chút quyền lợi riêng tư của mình bằng cách giao ruộng lúa cho người có điều kiện nuôi tôm.
Chủ nhiệm hợp tác xã rao giảng.
Nhưng những người nông dân cố cựu hoá thân của hạt lúa củ khoai từ đời ông sơ bà sẩm ngoan cố không chịu giao đất nên ngày kia đích thân chủ tịch huyện phải xuống gặp dân. Chủ tịch đanh thép :
– Con tôm cho siêu lợi nhuận. Một ký lúa bán hai ngàn đồng. Một ký tôm bán một trăm ngàn đồng. Một ký tôm bằng năm mươi ký lúa. Vậy nuôi tôm hay trồng lúa?
Trong lúc các lão nông còn tranh cãi thì chủ tịch đánh bài ngửa :
– Nói thiệt với bà con, nghị quyết đã nói cánh đồng này chuyển lúa thành tôm, bà con không đồng ý là…chống chủ trương.
Chủ tịch và bà con về lâu rồi mà cái đầu chỉ biết tính toán phân-giống-sâu rầy của Hai Qui còn ong ong câu nói lặp đi lặp lại của chủ tịch “Một ký tôm bằng năm mươi ký lúa”. Đào đìa nuôi mấy sào tôm cần vốn liếng vài trăm triệu thì nông dân Vạn Phước đào đâu ra tiền? Đành ngậm ngùi từ biệt ruộng đồng thôi!
Hai Qui ngồi bệt trên đám cỏ xác xơ, bần thần nhìn ao đìa, gò bãi ngổn ngang. Qua mấy vụ tôm thất bại, các chủ đìa bỏ đất hoang hóa. Mấy đứa trẻ không dừng tay đào lấy cắp ống nhựa dẫn nước mặn từ biển vào chôn sâu dưới đất, chúng quá quen thuộc hình ảnh lão già nhàn tản hút thuốc nhìn trời mây.
Mỗi chiều, Hai Qui lại lẩn thẩn ra đồng. Mái nhà, cây dừa, giếng nước của lão giờ chỉ là cái đáy ao nứt nẻ phơi lớp sình trắng bọt muối. Lúc nhận hơn năm mươi triệu tiền đền bù, lão an ủi không phải tất cả là ruộng của mình, coi như trả lại cho làng nước vì ông bà nội lão để lại cho ba má lão chỉ có hai sào ruộng, ba má lão móc máy được thêm một sào ruộng và đám đất trồng hoa màu cho con. Ngày làng Vạn Phước thành lập hợp tác xã, hộ xã viên được chia bình quân mỗi khẩu một sào mốt ruộng. Hộ xã viên Hai Qui có sáu khẩu, lúc đó hai đứa gái lớn chưa lấy chồng, tính ra được nhận sáu sào sáu ruộng nhưng mới có ba sào nên được nhận thêm ba sào sáu ruộng nữa. Sáu mươi tuổi, Hai Qui mới được cầm số tiền lớn vậy nhưng tiêu mau hết quá. Mua miếng đất, cất nhà: hai mươi triệu. Mua cái xe máy cho thằng Long: mười triệu. Con Phụng học may: ba triệu. Vợ lão lận lưng mua đầu chợ bán cuối chợ: năm triệu …
Hai Qui đang lo lắng không tiền cưới vợ cho thằng Long thì một đứa cháu hớt hãi báo tin Long bị đâm chết tại bến xe. Lão chạy xiên quàng băng ao đìa về nhà, vợ lão ôm xác con gào rú :
– Em con thất nghiệp…Nó nói em con làm đĩ cũng được, con đánh nó chi…!
Mãi sau Hai Qui mới hiểu, Long đánh bạn chạy xe ôm vì thằng này nói Phụng bán bia ôm ở Sài Gòn rồi chữa bụng thè lè, đang thuê nhà ở dưới tỉnh chờ ngày sinh con.
Nhà đông người khiến con nhồng sợ hãi, hét toáng: “Một ký tôm. Năm mươi ký lúa”. Hai Qui nhảy ba bước, giựt cái lồng quăng mạnh vô tường. Con nhồng đập cánh loạn xạ, cố lách đầu qua mấy nan tre gãy, gào the thé: “ Một ký tôm. Năm mươi ký lúa. Một ký tôm…tôm…tôm! Đu ma! …” ./.

HỒ VIỆT KHUÊ

TẶNG MỘT NGƯỜI MỖI CHIỀU ĐẾN CHÙA TỤNG NIỆM

Hovietkhue

Sân chùa anh đứng nghe kinh
Tiếng chuông tiếng mõ tiếng tình đan xen
Tòa sen có kẻ mon men
Rủ rê con Phật bon chen nợ tình

Sân chùa anh đứng nghe kinh
Ngẫm thương thân phận chúng sinh bao đời
Thương em góa bụa lâu rồi
Nhớ câu kinh kệ quên lời bướm ong

Sân chùa anh bước lòng vòng
Tiếng chuông tiếng mõ tiếng lòng đan xen
Phật cười rung cả tòa sen
Thương anh toan tính gây men ái tình

Hồ Việt Khuê

NHỮNG NGÀY TRỞ GIÓ

Hovietkhue

Tôi đã nhắm kỹ mới gắp, thế nào không phải thịt mà là miếng gân gà dai nhách. Tôi ghét cay đắng mấy cha ăn tiệc cứ bươi, hất, đá lựa miếng ngon. Thà nhắm kỹ chộp một cái cho vô chén mình. Nhai hòai cũng dở, nuốt chẳng xong, nhả ra thì kỳ cục, tôi trệu trạo dùng bia chiêu cục gân gà cho nó trôi qua thực quản thầm mong đừng bị sây sát gì.
Tay cựu bí thư chi bộ, lão X giờ trở lại nghề cũ, đánh cá ven sông, ngồi trước mặt tôi ngấu nghiến nhai cái đùi vịt luộc. Lão quá móm mém, cái đùi vịt già làm lão vất vã, mồm mép và hai tay lão dính đầy mỡ. Xưa, lão chùi mép kỹ lắm mà.
Quanh cái bàn đầy bia và thức ăn ê hề, đông đủ các vị lãnh đạo cái xứ nhỏ nhoi miền biển này. Ngôi nhà lầu còn thơm mùi vôi vữa. Ngày mừng tân gia cũng là ngày gia chủ đón con ở phương trời xa về. Tất nhiên, thực khách đủ thành phần. Nhưng quanh cái bàn tròn này, được mời vào giờ đặc biệt, đồ ăn thức uống cũng đặc biệt vì gồm tòan các vị cầm chịch ở cái làng biển này.
Hắn, kẻ ở trời Tây về, phốp pháp, hồng hào, đường bệ. Hắn để ria mép, tóc tỉa khéo, nung núc thịt từ cằm, má đến từng ngón tay. Hắn giơ cao lon bia, oang oang :
– Thưa ba má, thưa các bác, các chú, các anh! Hôm nay là ngày đòan tụ với gia đình, với quê hương. Xin mời các bác, các chú, các anh cứ tự nhiên…
Cứ tự nhiên ? Nãy giờ tôi cố tập tự nhiên đây. Này lão X cựu bí thư chi bộ. Này lão Y cựu chủ tịch xã. Này chú Z tân chủ tịch. Này bác A công an. Này anh B xã đội. Này đại biểu hội nông dân. Này chủ nhiệm hợp tác xã nghề cá. Này…tôi, cựu bí thư đòan xã nay là nhân viên văn thư ủy ban. Này…Này…Xin mọi người cứ tự nhiên cho. Dô! Dô! Bốp! Bốp! Mấy khi được uống bia lon xả láng thế này. Tiền Mỹ mà! Dô trăm phần trăm. Mọi người cứ tự nhiên. Tôi thì hết tự nhiên nổi rồi!

Bí thư X chủ trì cuộc họp. Chủ tịch Y quăng xấp giấy lên bàn. Chủ tịch gằn giọng:
– Lệnh trục xuất trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ của cấp trên. A lê hấp! Đi kinh tế mới!
Tôi và tay trưởng công an cùng chồm người chụp xấp giấy. Lệnh ký khống chỉ. Phong trào vượt biển trốn ra nước ngòai lan rộng cả tháng nay tòan thị xã. Ở xã tôi đã xảy ra vài chục vụ. Để răn đe những kẻ toan tính, cấp trên ký lệnh cưỡng bức cư trú những hộ có thân nhân vượt biển dù thóat hay không. (Còn nếu thóat cả hộ thì miễn bàn).
Bí thư X nhìn từng người:
– Ai thắc mắc gì không? Rồi bí thư phân công : công an theo dõi chặc các đối tượng có nghi vấn. Xã đội tăng cường tuần tra ven biển. Còn thanh niên – bí thư hất hàm với tôi – chuẩn bị đội xung kích ứng chiến đầy đủ vào sáng mai. Mai sẽ có xe “xúc” mười hai hộ ngoan cố còn lại…

Thức ăn ê hề. Bia lon ê hề. Ngôi lầu này xây lên do tiền của hắn gửi về. Cả nhà này sống cũng bằng nguồn tiền hắn gửi về. Qua đó hắn làm nghề cũ. Nghề biển.
Hắn trẻ, khỏe rất nhiều so tuổi ba mươi lăm. Tôi cùng tuổi hắn, học chung với hắn bậc tiểu học, bạn bè lối xóm chơi với nhau cho tới ngày hắn vượt biển năm 1978. Khi tôi mới vào nhà, hắn đã chào tôi bằng…chú. Đứng cạnh hắn, trông tôi già, nhếch nhác và tiều tụy quá.
Ba hắn ăn uống cầm chừng để tiếp khách. Ngòai bảy mươi mà ông cứng cáp lắm. Đang làm biển, ông bị…tai họa trời giáng. Tay quen cầm chèo, quăng lưới bị đưa lên miệt đồng cầm cuốc, cầm cày sao chịu thấu. Ông lộn về một mình đi biển thuê. Bị đuổi lên đuổi xuống, lận đận cả mười năm mới lo được cái hộ khẩu để đưa vợ con về lại nơi ông sơ bà sẩm đã sống.
Má hắn đang nhai trầu với mấy bà bạn già. Bà mập hẳn ra. Tôi cố tránh ánh mắt của bà. Qua một cuộc bể dâu, người đàn ông hay người đàn bà độ lượng hơn?
Cô em gái hắn đã tay bồng tay bế. Tôi sợ…con quỷ cái này. Nó thù dai nhách. Dù ngày xưa, vâng, đã là ngày xưa tuy mới thập niên bảy mươi đây thôi, nếu hắn không nổi máu giang hồ thì không chừng tôi dám là…cha của đám nhi đồng lóc nhóc gọi hắn bằng cậu lắm. Mãi sau này con quỷ cái vẫn không quên chuyện cũ, gặp tôi nó làm mặt lạnh lùng, có lần nó còn cố ý nhổ tọet bãi nước bọt trước mặt tôi. Đến khi cả nhà về lại cái làng biển này nó mới thôi thái độ căm hận tôi.
Dô! Dô! Các đại biểu khác dô tự nhiên vì họ đều công tác sau này, không có vướng víu gì với gia đình hắn. Chỉ có lão X, bác Y và tôi là thâm niên cán bộ xã. Lão X và bác Y nghĩ gì ? Tôi thì hết muốn dô rồi. Tôi ân hận đã đến dự bữa tiệc này.

Người đàn bà nằm lăn lộn ngay cửa cái không cho đội thanh niên xung kích chúng tôi vào dọn nhà. Bà chửi…ông trời ác nghiệt.
Người đàn ông bình tỉnh hơn. Trong đôi mắt ông những sợi gân đỏ hằn lên tóe máu. Ông ngồi trên bộ ván trước hiên. Câm lặng. Cam chịu.
Cô gái mắt đỏ hoe, tóc rối bời. Đêm qua, các bạn trong chi hội liên hiệp thanh niên giải phóng đã năn nỉ, ỉ ôi với cô hết lời vì cái tai họa không ai muốn này.Tai họa cho gia đình cô. Và tai họa cho bạn bè cô phải thi hành cái lệnh quái ác kia.
Tôi, đêm qua họp tới khuya, khi về ngang nhà em định tạt vào nhưng rồi đi luôn ra biển ngồi một mình nghe sóng vỗ miên man đến khi lạnh run mới thất thểu trở về. Những ngày này biển động. Gió ào ào trên mặt biển đêm đẩy sóng chồm lên bủa bờ, giận dữ quăng đập vào kè đá làm bụi nước tung tóe trên người tôi. Lần đầu tiên tôi ngồi trên bãi khuya một mình.
Du kích mang súng đứng ngòai rào.
Công an và chủ tịch xã vào nhà, đọc lệnh.
Tôi và mấy anh em trong đội thanh niên xung kích lấp ló quanh nhà. Hắn đã đi, chưa biết sống chết thế nào nhưng với những người ở lại này, trong phút chốc chúng tôi không thể nào xem họ là…Là gì ta? Đại để là…”đồng lõa với bọn vượt biển trốn ra nước ngòai nhằm mục đích phản cách mạng, phản bội tổ quốc ” như cái lệnh trục xuất kia đã ghi rành rành.
… Cuối cùng cái xe cam nhông cũng chuyển bánh với tất cả tủ-bàn-giường-ghế-nồi-niêu-soong-chảo-gà-vịt-chó-mèo-lưới-chài của gia đình hắn. Người đàn bà chủ nhà được khiêng bỏ lên xe như một con vật.
Cô em hắn, người yêu của tôi, dịp này đã nhìn tôi bằng ánh mắt đầy hận thù và khinh bỉ. Cái nhìn của em làm tôi chùn tay, run chân, lóng ngóng thế nào mà cái tủ thờ do tôi và ba thanh niên ra sức khiêng đã ngã kềnh. Qua vụ này, lão X phê phán tôi một trận dữ dội và ghi vào lý lịch đòan viên của tôi ; “ Thành phần tiểu tư sản dao động, lập trường tư tưởng không vững vàng, cần xem xét lại, hõan đào tạo. ”.

Đôi lần, gặp con quỷ cái ra biển một mình, dáng em nghiêng trên đồi cát, tóc rối xỏa đầy vai, lòng tôi bỗng…“ trở gió”. Đã ba con mà em vẫn mặn mòi. Và tôi nhớ lại…Tôi thật tình ngượng ngùng, xấu hổ vì thái độ hung hãn, thậm chí dã man của tôi và các bạn tôi ngày xưa đối với gia đình hắn. Còn hắn, dù hắn không có mặt nhưng qua các thùng quà, các tin tức truyền miệng, nhất là khi cái nhà một trệt hai lầu sừng sững mọc lên thì hắn thực sự hiện diện đầy hào quang, biểu tượng của sự giàu có trong cái làng biển hàng ngày phải vật lộn với sóng gió để kiếm sống này. Hôm nay, kẻ đi làm ăn xa trở về, những kỷ niệm…không vui và chưa xa ấy không hiểu hắn có để bụng nhưng sao lòng tôi cứ áy náy. Tôi không ân hận hay nuối tiếc điều gì, tôi đã làm tốt công việc của mình, ngày đó cũng như hiện tại. Có điều phải chi ngày đó chúng tôi biết yêu người hơn, biết độ lượng hơn. Tôi chưa quên lời huấn thị của lão X với cánh thanh niên chúng tôi: “Quần chúng chưa giác ngộ, ta phải cưỡng bách họ, dần dần họ sẽ hiểu và sẽ theo ta”.
Lũ con nít đầy trong sân, ngòai cổng. Người nhà của hắn đang phát quà cho chúng. Tôi thấy thằng con của tôi đang chen vai, húych cùi chõ, giơ tay cao mong được nhận quà. Tôi tu một hơi bia dài nhưng nuốt không vô nữa. Tật của tôi là vậy, uống đến độ nào đó thôi, nếu ráng thêm sẽ cho ra ngay. Tôi lặng lẽ không chào ai, lẻn ra cổng nhấc bổng thằng con lên vai vác đi về. Tôi dụi mặt vào bụng con, thằng nhỏ cười ú ớ vì trong miệng còn ngậm cục kẹo to./.

HỒ VIỆT KHUÊ ( 1991)