Quán Trưa
Tạt quán ven đường, trưa nắng gắt
Một ly trà nguội còn hương phai
Sợi tóc người vương trong khóe mắt
Có thấy bên trời mây trắng bay?
Một ta quán vắng, không hò hẹn
Sao nỗi chờ xưa cũng dậy men?
“Người muôn năm cũ không về lại
Người nghìn năm sau cũng bặt tăm” (*)
Mây trắng nghìn phương còn bay mãi
Đời trắng phù vân, ta với ta
Đốt bài thơ cũ còn vương khói
Chợt thấy lòng xưa cũng nhạt nhòa.
(*) Ý từ bài thơ Đăng U Châu Đài Ca của Trần Tử Ngang :
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giã
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi thế hạ.
Dưới Chân Đèo Vạn Tượng
Ta ngồi kể trăm lần câu chuyện cũ
Mà trăm lần nghe như mới hôm qua
Người vợ trẻ bên mộ chồng cỏ úa
Xé khăn tang thay tạm một lá cờ
Ôi bé thơ nghĩ cha mình nằm đó
Cha sẽ về với bé trong cơn mơ
Anh ở lại dưới chân đèo Vạn Tượng
Vài chiếc lá khô thay nhang khói tiêu điều
Đồng đội anh đưa tay chào vĩnh biệt
Cũng cạn rồi nước mắt tiễn anh đi
Bom đạn vẫn xé ngang trời Tổ Quốc
Ai hoan ca? Ai đứt ruột tội tình
Người vợ trẻ bỗng nhiên thành góa phụ
Con mồ côi, chồng chất nỗi oan khiên
Chiều tháng ba dưới chân đèo Vạn Tượng
Gió Trường Sơn, mùi tử khí xông lềnh
Người hoảng loạn trên bước đường di tản
Di tản về đâu ôi đất nước quê hương?
* Để nhớ chuyến chạy bộ vượt đèo tháng 3. 1975
Dòng Xưa Bến Cũ
Quê cũ lâu rồi không trở lại
Sông Thu ngày ấy nước còn xanh?
Sóng còn vỗ nhịp sầu thiên cổ
Vào nỗi lòng mơ chuyện thái bình
Ai có ngang qua cầu Vĩnh Điện
Dong thuyền ngược nước về Phú Đa
Bến đò xưa có còn neo đậu
Hỏi kẻ tha hương có nhớ nhà?
Ai gửi cơn mơ về phố Hội
Mà xao xác sóng nước sông Hoài
Rặng liễu vi vu hồn Cửa Đại
Nghe buồn hun hút gió thiên tai
Lâu quá không về chừng lãng quên
Dòng xưa bến cũ nhớ ta chăng
Theo sóng sông Hàn xuôi ra biển
Có bóng ta như nhánh lục bình.
Tháng Tư. 2021
Người Đi Không Hẹn Quay Về
Chẳng lẽ đi là đi biền biệt
Năm năm, mười năm cũng không về
Chẳng lẽ ra đi là tuyệt tích
Nghìn năm chưa dứt cuộc phân ly
Có những chuyến tàu không sân ga
Có những kiếp đời không quê nhà
Tàu đi không hồi còi đưa tiễn
Người đi không một lời chia xa
Như người thiên cổ qua sông vắng
Chủy thủ rơi chìm dưới đáy sông
Cái nghĩa sinh ly cùng tử biệt
Nhẹ tênh như một chiếc lông hồng
Như người thiên cổ qua sông vắng
Một đi là không hẹn tương phùng
Mà sao lòng người như ngọn sóng
Réo sầu trong suốt cõi trăm năm
Cứ tưởng bên trời xa cố xứ
Có ai ngồi đợi bên triền sông
Ngắm mãi mây tan chiều vô định
Thầm hỏi người có trở về không?
viết cho tháng Tư
Thôi Khóc Cười Chi Cuộc Tử Sinh
Ta về níu gọi cơn mơ cũ
Nghe tiếng chim kêu hạ cuối vườn
Mảnh gương ngày ấy vùi trong đất
Cùng ta soi lại dấu tang thương
Ta về tay vịn rêu bờ giếng
Thấy bóng mây mù trong đáy sâu
Bay mãi còn ta sầu đứng ngóng
Ôi mây ngày cũ bay về đâu?
Ta về
Câu hát người quên, sót
Bỏ lại bên thềm xưa úa phai
Con dế vô tình đem câu hát
Ru thành bi khúc khóc thiên tai
Ta về đi lại con đường cũ
Tìm dấu chân người trên lối xưa
Chợt thấy lòng mình như cỏ dại
Đìu hiu vàng úa lạnh đôi bờ
Ta về khi bóng chiều đang xuống
Hãy thức cùng ta giun dế ơi
Bí tích hồi sinh từng giọt máu
Bí tích nào rửa sạch thương đau
Ta về đánh thức niềm quên lãng
Hãy khóc lên nào sỏi đá ơi
Nhân thế mịt mù cơn nhiễu loạn
Giọt lệ khô bầm trong mắt ai
Ta về chơi cuộc cờ thương hải
Xé lụa phù hoa vá cuộc tình
Ta về vẽ bức tranh vân cẩu
Thôi khóc cười chi cuộc tử sinh.
Thơ Đề Trên Bục Cửa
Ta chép bài thơ lên bục cửa
Người về đọc nốt
Một lần
Quên
Cỡi áo – tình – nhân
Lau hạt bụi
Bám vào nỗi nhớ đã rêu xanh
Ôi thơ là những câu Huyền Ngữ
Tinh kết từ sương của đất trời
Người về sương chạm lời thơ vỡ
Giọt lệ tình xưa cũng vỡ, trôi
Bục cửa mùa trăng ngồi chải tóc
Người như tượng đá từ trăm năm
Tóc rối hồn ta vừa ẩm mục
Đọc nốt thơ
Rồi
Cũng lãng quên
Bao giờ trở lại gian nhà cũ
Lòng bỗng như vừa chợt nhớ ra
Có kẻ đề thơ lên bục cửa
Đợi chờ tàn úa những cơn mơ.
Lê Văn Trung