Giữa tháng Mười Một, mặt trời North Dakota lặn sớm, mới năm giờ chiều mà đã chạng vạng tối. Chiều nay tan sở, tôi và anh bạn Charlie đứng xếp hàng sau chiếc xe chở hàng phân phát gà tây ở góc bãi đậu xe; hàng năm, vào khoảng thời gian này, công ty tặng nhân viên mỗi người một con gà tây để ăn lễ Tạ ơn. Charlie hiếu kỳ hỏi tôi,
“Ở Việt nam anh có ăn gà tây hay mừng lễ Tạ ơn không?”
“Ngày Sài gòn tôi biết hai điều: Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm tuần lễ chót của tháng Mười Một, và lính Mỹ đóng ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều được ăn tiệc gà tây trong dịp này. Gà tây thì mỗi năm tôi ăn một lần – vào đêm Giáng sinh, khi được mời dự bữa ăn nửa đêm theo kiểu Pháp sau khi đi lễ mi-xa nhà thờ,” tôi ngượng ngập trả lời.
“Anh nhớ lễ Tạ ơn nhằm ngày thứ Năm thứ tư của tháng Mười Một chứ không phải thứ Năm cuối cùng vì có khi tháng Mười Một có đến năm ngày thứ Năm,” chàng nháy một bên mắt chỉnh tôi, “Đối với dân Mỹ, lễ Giáng sinh mang tính cách tôn giáo và lễ Tạ ơn thiên về gia đình hơn. Nhưng cả hai đều là dịp gia đình sum họp vui vầy. Hàng năm vợ chồng tôi ăn lễ luân phiên giữa hai nhà: nếu Tạ ơn với gia đình tôi thì Giáng sinh với gia đình bà xã, và năm sau thì ngược lại.”
Ở nhà tôi, trong những ngày trước lễ Tạ ơn, cha rộn ràng mở tiệc “cám ơn Chúa” lần lượt mời ông bà Mục sư Nielsen, ông bà Gardner, cặp vợ chồng “thân” nhất với cha khi đi lễ nhà thờ, và sau hết là bác Kiệt đến nhà “dùng cơm gia đình.” Tuy cha không giao thiệp với “đám Việt nam không ra chi,” nhưng bác Kiệt là ngoại lệ. Cha nghe nói trước đây bác mở trường dạy Anh văn ở Nha Trang và chắc mẩm thế nào bác cũng biết cha đã giữ chức vụ quan trọng ở vùng duyên hải và sẽ phục cha không biết để đâu cho hết.
Bác Kiệt mang bó hoa tươi tới tặng mẹ; cha đón nhận và biểu tôi tìm bình hoa cắm vào và để giữa bàn phòng khách, nhưng không gọi mẹ ra chào. Như các khách người Mỹ dự tiệc trước, bác Kiệt rất đỗi ngạc nhiên nhưng không nói gì khi thấy bàn tiệc chỉ có cha và bác ngồi đối diện nhau. Xưa nay cha vẫn đãi khách như thế. Mẹ nấu nướng sau nhà bếp, Quỳnh Châu và Bình phụ giúp để kịp làm món ăn trong thực đơn cha đề ra, và bọn con trai là đội ngũ hầu bàn phục vụ tỉ mỉ. Bác khen dồi các món ăn mẹ nấu và lắng nghe cha khoe khoang thành tích và quyền hành ngày cũ, nhưng không hùa theo tán dương; có lẽ cha thất vọng lắm. Bác khiêm tốn,
“Thưa bác, tôi dạy học nên không biết nhiều về quân sự và chính trị.”
Khi ăn trái cây tráng miệng, cha hết chuyện nói bèn chuyển sang đề tài mà chín người mười ý, dân tỵ nạn lúc nào cũng tranh luận sôi nổi và trong lúc cãi cọ khó lòng giữ được hòa khí: Tại sao mình mất nước? Cha đưa ra ý kiến huyền hoặc,
“Nếu mà thằng Mỹ và thằng Pháp không bắt thằng Thiện từ chức, bây giờ Việt nam Cộng hòa (“VNCH”) mình vẫn còn khả năng chiến đấu và chưa mất.”
Bác Thiện là bạn thân và cũng là thần tượng của cha. Ngày tôi học đệ tam niên trường kỹ sư, cha muốn kết thông gia với bác và ép tôi làm rể. Tôi không bằng lòng, cha nổi trận lôi đình từ bỏ “thằng con bất hiếu bất mục,” và tôi cuốn gói bỏ nhà ra đi bụi đời. Tôi nhớ như in tối thứ Hai 21 tháng Tư (1975), cả gia đình xúm xít trước chiếc ti-vi đen trắng xem trực tiếp truyền hình bác Thiện tuyên bố từ chức tổng thống tại dinh Độc lập. Không đồng ý với cha nhưng bác Kiệt nhẹ nhàng hỏi,
“Thế ạ? Làm sao ông Thiện làm được?”
“Thằng nớ hắn giỏi ghê…ê…ê…ê lắm,” cha thán phục nói lớn.
“Thưa bác, ông ấy giỏi làm sao ạ?” bác Kiệt vẫn từ tốn.
“Tiếng Anh và tiếng Pháp hắn giỏi ghê lắm,” cha suy nghĩ vài giây rồi nói thêm, “Hắn là thằng tướng duy nhất tốt nghiệp đại học trước khi gia nhập quân đội.”
“Điều này mới, tôi chưa được biết. Ông ấy học đại học nào ạ?”
“Sau khi học hết đệ tứ (lớp 9) và đậu bằng diplôme (Trung học đệ nhất cấp), hắn học trường Hàng hải và hai năm sau tốt nghiệp sĩ quan hàng hải. Hắn không thèm làm việc trên tàu biển khi biết tụi Pháp trả lương thấp hơn sĩ quan Pháp và ghi tên nhập học trường Võ bị Quốc gia khóa 1 ở Đập Đá Huế. Chỉ có tay tài giỏi kinh hồn như hắn mới có cơ lật ngược thế cờ.”
Trường Việt nam Hàng hải sau này thuộc Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật ở Phú Thọ, trung tâm gồm cả trường Cao đẳng Điện học của tôi, và chương trình sĩ quan hàng hải ngang hàng với bậc cán sự kỹ thuật. Ngày Sài gòn, tuy cãi lệnh cha về việc hôn nhân, tôi vẫn một lòng kính trọng vị nguyên thủ quốc gia vì thấy bác là người đàng hoàng chín chắn nhất trong số các tướng lãnh và chính trị gia đương thời.
* * *
Trong đợt người từ trại tỵ nạn Đồn Chaffee đến Bismarck định cư sau cùng, bác Hòa được mọi người kính nể nhất. Bác là đệ nhất tham vụ tòa Đại sứ VNCH tại Trung hoa Dân quốc (Đài Loan), nhân vật số hai của tòa đại sứ. Bác trạc dưới bốn mươi, người tầm thước lịch sự, nói năng dịu dàng, và làm việc ở nha Chức nghiệp North Dakota và chuyên tìm việc cho người Việt. Bác gái trẻ hơn bác hai, ba tuổi, mặt đẹp như hoa, và thường kiên nhẫn chỉ dẫn cho các bà các cô về lối sống gia đình ở Mỹ.
Bọn đàn ông thường vấn kế bác Hòa về việc mua xe hơi, mua bảo hiểm, và bảo trì xe cộ. Hầu hết những người này chưa bao giờ ngồi vào ghế tài xế lái xe nên làm chủ chiếc xế tứ và oai vệ lái phom phom chạy ngoài đường là ước ao tột cùng. Có việc làm và để dành đủ món tiền trả trước là tính ngay đến chuyện mua xe. Với túi tiền giới hạn, họ chỉ đủ sức mua xe cũ – có tên văn hoa là xe tiền sở hữu (pre-owned) – và trở thành mồi ngon cho hãng và người bán xe cũ. Những người bán xe cũ học một sách lừa dối khách hàng nghèo mà cần mua xe như nhau. Thí dụ, dù chiếc xe cọc cạch đã chạy sáu, bảy chục ngàn dặm Anh, anh nào cũng lôi ra bài quảng cáo cũ mèm,
Máy móc và bên trong xe còn mới toanh. Chủ trước là bà cụ già góa chồng giữ gìn xe cẩn thận và mỗi tuần chỉ lái đi nhà thờ một lần.
Bác Hòa hay kể câu chuyện khôi hài,
Người bán xe cũ và luật sư là hai hạng người chuyên ăn gian nói dối. Hỏi: Làm sao biết được khi nào họ nói dối? Trả lời: Khi thấy môi họ mấp máy!
Điều kiện cần để mua xe cũ là có vài trăm đô la trả trước và việc làm, tức là có lương để trả góp hàng tháng. Sau khi hai bên thương lượng giá cả mà thua thiệt về phần người mua, anh bán xe cũ “thương tình” khách hàng và vào trong văn phòng “năn nỉ ông sếp” đồng ý cho vay trả góp số tiền còn lại với lãi suất “rất nhẹ.” Anh ta thừa biết nếu khách hàng ra nhà băng vay tiền mua xe, nhà băng sẽ từ chối vì khách không hội đủ tiêu chuẩn về lợi tức để trả nợ. Thế là ông di dân mới hí hửng ký giấy vay nợ mua xe với mức lời cắt cổ 29 phần trăm một năm, rước về chiếc xe cà rịch cà tang, và è lưng kéo cày trả nợ 36 tháng dài.
Tôi không phải qua cầu đoạn trường đi mua xe cũ vì hai tuần sau khi tôi nhận việc, Charlie mua xe mới và tặng tôi chiếc Chevrolet Chevelle đời 1967 cũ của anh; tôi nhận xe và cuối tháng lãnh lương đưa cho anh 100 đô la. Chiếc Chevelle tám máy to gần bằng chiếc tàu đánh cá di tản ra biển Đông, dư sức chở người và đồ đạc đi câu cá hay cắm trại, thoải mái cõng bàn ghế tủ giường khi dọn nhà giùm, ăn chịu với tôi hơn hai năm, và gồng mình qua ba mùa đông dài không hề ho hen hư hỏng. Bạn tỵ nạn gọi nó là chiếc “phi thuyền” và chế nhạo tôi kẹo kéo bủn xỉn, đi xe cũ kỹ xấu xí làm “người Việt mình” mất mặt bầu cua với Mỹ.
* * *
Cuối tuần lễ Tạ ơn, mẹ, bác Hòa gái, và vài bà khác tụ họp nấu nướng ở nhà bác Hòa để mừng lễ Tạ ơn trễ, tổ chức thành một buổi sinh hoạt chung. Sau bữa ăn thịnh soạn, mọi người chia làm hai phe: Phe đàn bà ngồi ở phòng ăn bàn chuyện . . . đàn bà, phe đàn ông tiếp tục uống bia và cãi nhau chí chóe trong phòng khách. Như một truyền thống tự ngàn xưa, chuyện gì đàn ông An nam cũng cãi nhau cho bằng được, và chuyện gì họ cũng khăng khăng cho mình giỏi mình đúng và mọi người khác đều dở đều sai. Thí dụ, khi nói về chuyện bảo hiểm xe cộ, anh nào cũng gân cổ trưng ra lý lẽ chứng tỏ hãng bảo hiểm của mình có uy tín nhất, mình mua bảo hiểm rẻ nhất, và hợp đồng bảo hiểm của mình tốt nhất, và các người khác đều chọn lầm và mua lầm. Làm tôi nhớ lại chuyện ngụ ngôn “thầy bói mù xem voi”! Họ chỉ đồng ý với nhau một điều,
“Bọn Mỹ trong sở tao ngu như bò. Tao hỏi mua xe ‘mới’ trả bảo hiểm bao nhiêu tiền, tụi nó ngu ngơ lắc đầu không biết và biểu tao gọi hãng bảo hiểm mà hỏi.”
Thấy tôi ngồi yên tay cầm lon bia còn uống dở, bác Hòa bước lại,
“Sao không nói năng gì cả vậy, anh cần thêm gì không?”
“Dạ không. Rượu vào lời ra, cháu chưa đủ đô (dose) nên chưa thưa thốt và còn dựa cột mà nghe,” tôi cười cười.
“Vậy thì anh qua kia ngồi nói chuyện ba lăng nhăng với tôi. Hay là muốn sang với ‘cô ấy’ để hóng chuyện ngồi lê đôi mách của các bà?” bác chỉ sang phòng ăn; nói “cô ấy” bác ám chỉ Quỳnh Châu.
“Cháu mà lết sang bên kia thế nào cũng bị ‘cô ấy’ đuổi trở lại đây, ‘Khu liền bà, anh léo hánh tới làm chi?’ Vả lại, cháu có chuyện quan trọng muốn hỏi bác,” tôi đứng dậy đi theo bác; hơn nửa năm nay tôi băn khoăn thắc mắc về chuyện bác Thiện.
Đầu tháng Tư dân Sài gòn đồn đại bác Thiện ra lệnh cho thống đốc Ngân hàng Quốc gia liên lạc với hai hãng hàng không Trans World Airlines và Pan Am và hãng bảo hiểm Lloyd’s of London để chuyển 16 tấn vàng ra ngoại quốc nhằm tài trợ chính phủ lưu vong và mua vũ khí cho quân kháng chiến trong trường hợp đất nước lọt vào tay Cộng sản. Đêm thứ Sáu 25 tháng Tư, bốn ngày sau khi từ chức, bác rời Sài gòn bay sang thủ đô Trung hoa Dân quốc là Đài Bắc với danh nghĩa đi phúng điếu cố Tổng thống Tưởng Giới Thạch mất trước đó ba tuần rồi bay đi Anh quốc. Tiếng đồn lan rộ lên: Bác lấy 16 tấn vàng mang theo. Từ đó, mỗi khi nghe người đồng hương lên án bác biển thủ tài sản quốc gia, tôi không biết thực hư nên cứ xót xa trong lòng. Bây giờ có dịp hỏi bác Hòa,
“Thưa bác, ông Thiện có mang 16 tấn vàng sang Đài Bắc hay không?”
“Làm quái gì có chuyện đó! Trong trại Đồn Chaffee, tôi đã cãi cọ với nhiều người về lời đồn ác nghiệt này. Thủ phạm không ai khác hơn lũ Việt Cộng lưu manh phao tin láo toét, trong lúc phần lớn dân mình ngây thơ dễ tin. Nhưng có đôi ba thằng tướng tá vốn hèn nhát ôm vợ con của cải chạy trốn, có tật giật mình, và đồn rân lên để bôi nhọ ông Thiện xuống hàng giun dế như nó,” bác Hòa giận dữ mặt đỏ gay.
“Sao bác biết chắc như vậy?”
“Tôi không biết thì ai biết? Ông Thiện đến Đài Bắc bằng máy bay quân sự Mỹ. Đại sứ Kiển là anh ông Thiện đi vắng, đi đâu không biết, và đích thân tôi ra phi trường đón đưa gia đình ông Thiện,” bác giơ tay ra quả quyết, “Chính tay này mang tất cả 31 chiếc va-li của gia đình ông Thiện từ trên máy bay xuống cũng như đưa lên máy bay khi họ rời Đài Bắc đi Anh. Nếu chia đều 16 tấn vàng cho 31 chiếc va-li, mỗi va-li phải đựng vào khoảng nửa tấn, tức là 500 kí. Làm sao sức người có thể đưa lên đưa xuống máy bay?”
Hơn ba thập niên sau, năm 2006, chính phủ Việt Cộng cuối cùng thú nhận toàn bộ số vàng gồm 1,234 thỏi vẫn nằm y nguyên tại Sài gòn và được bàn giao cho chúng “khớp với sổ sách từng chi tiết nhỏ.” Nợ bác Thiện một lời xin lỗi những kẻ phe VNCH đã kết tội bác, dù tưởng lầm hay có ác ý. Nhưng không ai đứng lên tạ lỗi. Dầu sao đã cũng trễ rồi. Bác mất năm năm trước tại Boston thuộc tiểu bang Massachusetts.
Nguyễn Ngọc Hoa