Rời khỏi trụ sở Công ty Tiện ích Montana-Dakota (MDU), tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà tìm Quỳnh Châu,
“Chồng em có việc làm rồi! Ba ‘thằng Thìn’ hết thất nghiệp rồi!”
“Mừng chồng yêu, mừng cho gia đình mình!” nàng rơm rớm nước mắt rồi dường như chợt nhớ ra điều gì, nàng đứng lui nửa bước nghiêng đầu nhìn vào mặt tôi, “Ông kỹ sư đẹp chai của em cần có áo quần mới để đi làm. Chồng không nên ăn mặc lùi xùi quá, mấy cô thư ký tóc vàng mắt xanh trong sở cười cho mất mặt anh hùng.’”
“Ai cười nấy hở mười cái răng, anh đi làm chớ có phải đi dự đại hội thời trang đâu mà lo. Mình nghèo mình mặc đồ cũ, ăn cắp ăn trộm gì của ai mà sợ,” tôi gạt ngang.
“Anh gọi điện thoại cho ông Gardner liền đi, báo tin cho ông mừng,” nàng cười chúm chím một cách bí mật.
Ông bảo trợ Gardner chúc mừng tôi và nói,
“Tôi đã nói chuyện với Francis hàng xóm của anh và nhờ anh ấy dàn xếp đưa anh đi mua sắm áo quần mới.” Thì ra Quỳnh Châu đã bàn tính chuyện này với ông Gardner; nàng chu đáo không thua gì mẹ.
“Nhưng cháu không có tiền và không muốn nhờ vả về tiền bạc trong lúc này. Cháu tính đợi lãnh lương rồi mới sắm sửa,” tôi giãy nảy không chịu.
“Francis làm giám đốc cửa hàng bách hóa J. C. Penny rất lớn dưới phố. Anh ấy sẽ có cách giúp anh, anh tin tôi đi.”
Chiều thứ Sáu, sau giờ ăn trưa ông Francis sang đón tôi. Vào cửa hàng J. C. Penney, gặp nhân viên nào ông cũng hãnh diện giới thiệu tôi là người Việt tỵ nạn được nhà thờ Ba ngôi Lutheran bảo trợ và sắp làm kỹ sư cho MDU. Ông đưa tôi đến phòng Tín dụng để tôi điền đơn xin thẻ tín dụng, ông chấp thuận ngay tại chỗ và giải thích,
“Thẻ này cho phép anh mua hàng hóa và dịch vụ ở bất cứ cửa hàng J. C. Penny nào mà không phải trả tiền ngay. Hôm nay, chúng ta dùng thẻ để anh mua sắm.”
“Vậy là cháu có thể mua hàng mắc chịu. Nhưng làm sao trả tiền, lỡ cháu không đủ tiền trả thì sao?” tôi nhớ mình nợ tiền vay ngân hàng lúc các em mới đi học, và không biết bao giờ mới lãnh lương.
“Tháng này anh chưa phải lo. Bắt đầu từ tháng sau, công ty gửi hóa đơn về nhà cho anh. Anh không phải trả hết một lần, nhưng tùy theo khả năng cần trả càng nhiều càng tốt vì số tiền nợ lại sẽ tính lời với lãi suất rất cao.”
Tôi hiểu ra và nhận xét,
“Thẻ tín dụng tiện lợi thực, nhưng nếu không cẩn thận mà mua sắm bừa bãi thì mang nợ cả đời.”
“Anh nói đúng, công ty cấp thẻ tín dụng để khuyến dụ anh mua hàng càng nhiều càng tốt chứ không phải vì tốt bụng với anh. Ở xứ này không có gì miễn phí, và không ai cho không ai cái gì cả. Anh nhớ điều đó,” ông Francis nói với nét mặt nghiêm trang.
“Cháu học về kinh tế và hiểu rằng trong nền kinh tế thị trường của Hoa kỳ, khi ai nấy đều tối đa hóa lợi nhuận của mình thì toàn thể xã hội sẽ đạt tới mức tối ưu. J. C. Penny là cơ sở thương mại dĩ nhiên cần kiếm lợi tối đa. Vấn đề là làm sao cháu dùng thẻ theo cách lợi nhất cho mình.”
Cầm chiếc thẻ tín dụng tạm thời (thẻ chính thức bằng plastic in nổi số thẻ và tên họ sẽ gửi về nhà sau), tôi hơi lo về chuyện nợ nần nhưng cảm thấy một thoáng tự hào, mình mua mình trả chứ không xin xỏ ai. Hôm nay là lần đầu tiên tôi đi mua áo quần may sẵn bán ngoài tiệm. Ngày còn bé, ngoài áo quần cũ thừa hưởng của anh Quang thải xuống, mỗi năm tôi có hai bộ áo quần mới mẹ đặt may và để sẵn, đến ngày tựu trường và mồng một Tết mới được mặc. Khi tôi lên trung học, mẹ mua vải đưa trước cho tiệm may quen gần nhà, tôi chỉ việc đến đo ni tấc và đợi ngày tới lấy về. Khi lên đại học và đi làm, tôi đến vài tiệm may có tiếng ở Sài gòn, chọn lựa mẫu vải và kiểu quần áo thịnh hành chưng bày trong tiệm, đặt may rồi hẹn ngày đến trả tiền lấy về. Giày mang đi học hay đi làm cũng vậy, tôi đặt đóng ở tiệm giày quen theo cỡ chân với kiểu giày và loại da mong muốn.
Ông Francis đưa tôi đến khu bán quần áo đàn ông, tôi hoảng kinh nhận ra áo sơ-mi cũng như quần dài, chiếc nào chiếc nấy to tổ chảng, tôi “bơi” bên trong vẫn còn rộng. Thí dụ, quần đàn ông nhỏ nhất có vòng thắt lưng 34 inch, trong lúc vòng thắt lưng khiêm tốn của người Việt trung bình như tôi chỉ chừng 28 inch. Đành sang khu bán đồ con trai tuổi choai choai. Lục lọi áo quần máng trên năm, sáu cái giá dài, tôi tìm được một số quần áo mặc vừa, nhưng kiểu may, loại vải, và màu sắc khó coi. Không có áo sơ-mi cổ cứng để mang cà-vạt, tôi mua cà-vạt đen (ở Việt nam tôi dùng mang đi đám ma) với cái móc plastic để móc nút cà-vạt vào cổ áo trông như đồ chơi. Không có com-lê cả bộ, tôi mua áo vest chửi nhau với mấy cái quần dài. Đứng trước gương trong phòng thử, tôi thấy mình lạ hoắc và trông . . . không giống ai.
Rời khu con trai với hai bao áo quần trẻ em tạp nham, tôi theo ông Francis đến khu bán giày. Tôi không biết cỡ giày mình, ông ra lệnh cho cô bán hàng lấy máy đo bàn chân tôi,
“Đây là máy Brannock do một anh chàng tên Charles F. Brannock ở Nữu Ước sáng chế năm 1925. Anh là kỹ sư có thể tìm hiểu nguyên tắc hay tính chất của máy, còn hàng bán giày chúng tôi chỉ cần anh đặt bàn chân lên máy rồi điều chỉnh các cần đo và đọc cỡ giày anh nên mang.”
Cô bán hàng đo chân tôi rồi cho biết giày tôi cỡ tám rưỡi (8½) D. Cỡ 8½ là chiều dài tính bằng inch từ gót chân đến đầu ngón chân xa nhất. “D” là ký hiệu chỉ bề rộng của giày. Cô dịu dàng nói thêm,
“Trong cách xếp hạng cỡ giày Mỹ, ‘D’ là bề rộng tiêu chuẩn hay trung bình, ‘C’ là hẹp, và ‘E,’ ‘EE’ (hay ‘2E’), và ‘EEE’ (hay ‘3E’) là cỡ rộng hay rất rộng. Nếu ông giúp bà nhà chọn cỡ giày, xin nhớ là bề rộng tiêu chuẩn của giày đàn bà là ‘B,’ chứ không phải ‘D’ như ông đâu nhé.”
Phần lớn những kiểu giày bày trên kệ và mấy chiếc bàn thấp đều thô kệch dềnh dàng hay màu mè phô trương, không có kiểu nào thanh nhã như các mốt (mode) Âu châu ở bên nhà. Ông Francis cầm đưa lên một chiếc giày mũi nhọn có các lỗ thủng nhỏ chạy thành hình cánh chim rẽ ra hai bên tới gần gót giày,
“Đây là giày wingtip (đầu cánh chim) rất thông dụng trong giới doanh nghiệp, anh thấy sao?”
Tôi nhìn xuống chân ông Francis, đó là kiểu giày ông mang. Theo lời khuyên của ông, tôi chọn hai đôi wingtip, một đôi màu đen và một đôi màu vỏ dà để thay đổi theo màu quần. Mất nguyên cả buổi chiều mua sắm nhưng tôi không mua được món nào vừa ý. Nếu ngày Sài gòn tôi tự hào với tủ quần áo chọn lọc và cách ăn mặc hợp thời trang, hôm nay chỉ biết than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu.
Sáng thứ Hai, tôi trình diện ở trụ sở MDU và bắt đầu cuộc đời đi “làm sở Mỹ” mà áy náy bồn chồn vì bộ vận trẻ em của mình. Đôi giày wingtip lại quá chững chạc, tương phản ngộ nghĩnh với bộ áo quần bên trên. Tôi biết các bạn đồng nghiệp mới thấy rõ điều này vì đến cuối ngày trước khi chia tay ra về, anh bạn Charlie khen, “Đôi giày đẹp, Ba Hoa anh khéo chọn lắm!”
* * *
Khoảng một tuần sau, trong bữa cơm tối tôi kể chuyện thẻ J. C. Penney với các em. Mắt thằng Sang sáng rỡ,
“Mai anh đi mua giùm tui bộ stereo (máy hát âm thanh nổi) vừa nghe ra-đi-ô vừa nghe dĩa hát. Tới kỳ lương tui trả tiền lại cho anh.”
“Mày có dĩa đâu mà mua máy?” tôi hỏi gặng để can nó đừng mua.
“Mấy thằng bạn ngoài trạm xăng hứa cho một lô dĩa hát mà tui không có máy nên cứ làm bộ ta đây không thèm. Mà tui mua máy cho cả nhà nghe chớ đâu phải một mình tui!”
“Được rồi, mai mày ra J. C. Penny với anh,” tôi chịu thua.
“À, hôm trước anh Ba Hoa ‘bóc lột’ tiền ăn trưa của em để gửi cho cha mẹ, giờ anh phải đền lại cho ‘công chúa’ bằng cái T-shirt (áo thun ngắn tay). Luôn tiện, anh mua cho chị Châu một cái để tỏ lòng . . . hiếu thảo với vợ,” Bình thừa dịp đòi nợ.
“Tụi em cần quần lót,” Lâm và Trọng nhao nhao.
Chiếc thẻ tín dụng đầu tiên ấy giải quyết một số nhu cầu cấp bách của chúng tôi. Sau khi trả xong món nợ vay ngân hàng, tôi được xem có thành tích trả nợ đàng hoàng, tức là “điểm tín dụng cao,” và mời nộp đơn xin thẻ tín dụng VISA của ngân hàng. Khác với thẻ J. C. Penny, thẻ VISA có thể dùng ở bất cứ nơi nào chịu nhận thẻ, từ cửa hàng bách hóa đến nhà hàng ăn, hãng du lịch bán vé máy bay, công ty cho thuê xe hơi, và khách sạn. Nhà buôn được lợi là bán hàng hóa hay dịch vụ dù khách chưa sẵn tiền mua, và nhận ngay tiền ngân hàng ứng trước. Bù lại, ngân hàng ăn ba phần trăm huê hồng. Chủ thẻ như tôi, nếu cuối tháng trả trọn số tiền mắc nợ thì kể như dùng thẻ VISA vay tiền miễn phí. Miễn là trả hết; có lần tôi ký chi phiếu trả tiền vô ý ghi thiếu một xu (1¢), tháng sau thấy hóa đơn cộng thêm tiền lời 29 phần trăm tính trên tổng số nợ tháng trước.
Hệ thống “tín dụng” thương mại chi phối mọi khía cạnh của đời sống Hoa kỳ. Hệ thống này cho phép những người ban đầu túng thiếu như tôi có được những món cần thiết bằng cách mua chịu. Những gia đình trung lưu có thể có xe hơi, nhà cửa, và các tiện nghi khác bằng cách vay tiền ngân hàng và trả góp hàng tháng. Xe hơi là phương tiện di chuyển không thể thiếu, và làm chủ một căn nhà là giấc mơ của mọi gia đình Mỹ. Nhờ đó, người làm việc hưởng thụ cuộc sống đầy đủ và thoải mái, cửa hàng bán chạy hàng hóa, và ngân hàng phồn thịnh nhờ thu tiền lời. Chỉ cần người vay nợ có lợi tức vững vàng, không vung tay quá trán ăn xài quá sức mình, và thanh toán hóa đơn hàng tháng đầy đủ và đều đặn.
Trong bốn năm cuối thập niên 1970, nền kinh tế Hoa kỳ suy thoái bốn đợt, mức thất nghiệp lên tới tám phần trăm, lạm phát 18 phần trăm một năm, và công nhân bị hãng xưởng sa thải. Đối với nhiều người Mỹ, mất việc là khánh kiệt, là tán gia bại sản, và là mất tất cả. Không trả tiền vay mua xe, nhà băng kéo xe. Không trả tiền vay mua nhà, nhà băng xiết nhà. Thiếu thốn mọi thứ về vật chất, vợ chồng sinh ra gấu ó cãi cọ ngày đêm, rốt cuộc gia đình tan rã, và chị vợ chia tay mang con ra đi.
Tôi dùng máy stereo của thằng Sang nghe dĩa nhạc và cảm thông nỗi sầu não của cảnh khánh tận thời trước qua bản nhạc đồng quê nổi tiếng “All I Got’s Gone” (Mọi thứ tôi có được đều đã mất),
Whole lot of people bought automobiles,
Didn’t know how they’s a-gonna feel,
Rode around so grand and proud,
Notes come due, couldn’t pay it out.
All they got’s gone, all they got’s gone.
I went to the bank to borrow some money,
I tell you right now, didn’t find it funny,
The banker said he had none to loan,
Get your old hat and pull out home.
For all we got’s gone, all we got’s gone.
(Có khối người đi mua xe hơi,
Không biết họ sẽ cảm thấy làm sao,
Chạy quanh sao thấy cao sang và hãnh diện,
Đến kỳ trả nợ, không tiền trả,
Mọi thứ họ có được đều đã mất, mọi thứ họ có được đều đã mất.
Tôi ra nhà băng mượn một ít tiền,
Phải nói ngay, có gì tức cười đâu,
Chủ băng nói không có gì cho vay,
Chụp chiếc mũ cũ đội và rút lẹ về nhà.
Vì mọi thứ ta có được đều đã mất, mọi thứ ta có được đều đã mất.)
Bản nhạc này được Ernest Van “Pop” Stoneman (1893 – 1968) thu dĩa năm 1934. Ông là một nhạc sĩ thu dĩa hàng đầu trong thập niên 1930, thời gian đầu tiên nhạc đồng quê được phổ biến thương mại và cũng là thời gian cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.
Nếu người Pháp có câu tục ngữ “Tiền bạc không tạo nên hạnh phúc” (L’argent ne fait pas le bonheur) thì ở Mỹ mất việc có thể đồng nghĩa với chịu trăm cay ngàn đắng nhìn hạnh phúc đội nón ra đi. Trong 37 năm làm việc ở xứ này, chưa một lần tôi bị cho nghỉ việc. Không phải người Việt tỵ nạn nào cũng may mắn như tôi.
Nguyễn Ngọc Hoa