ÔNG BÙI HIỀN NÊN ĐẾN NƯỚC MẶN ĐỂ TẠ LỖI VỚI NHỮNG VỊ KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ

Chuyện ông phó giáo sư tiến sĩ Bùi Hiền xướng xuất việc cải cách chữ Quốc Ngữ một cách dị hợm tưởng chừng như đã chìm vào quên lãng, không ngờ ít lâu nay lại tái bùng nổ làm cho mọi người càng thêm xôn xao. Chính vì sự tái bùng nổ này mà chúng tôi kinh ngạc khi được biết bộ Giáo Dục Việt Nam không “lấy đó làm chơi,” trái lại đã nghiêm chỉnh hỏi ý kiến viện Ngôn Ngữ Học về bản đề xuất cải cách chữ viết của ông Bùi Hiền. “Hỏi ý kiến” tức là có sự cân nhắc nên áp dụng hay không. Viện Ngôn Ngữ Học đã bác bỏ đề nghị cải cách chữ Quốc Ngữ của ông này. Nếu không bác bỏ thì viện Ngôn Ngữ Học cũng “chả ra làm sao cả.”

Chuyện cải cách chữ Quốc Ngữ một cách dị hợm của ông Bùi Hiền thiết tưởng đã rõ rành rành ra đấy, không cần bàn thảo, cũng không cần phê bình thêm nữa. Ở đây, nhân chuyện “chả ra làm sao cả” này, chúng tôi nghiêm chỉnh đòi ông Bùi Hiền phải đến thăm Nước Mặn để tạ lỗi với những vị đã khai sinh chữ Quốc Ngữ.

Nước Mặn là một địa điểm thuộc thị xã Quy Nhơn (tỉnh Bình Định.) Nước Mặn được linh mục Alexandre de Rodes vẽ trên bản đồ vương quốc Đàng Trong vào thế kỷ 17 với tên phiên âm là Nehorman (theo cách viết của linh mục Cristoforo Borri.) Vào thế kỷ này, Nước Mặn là một hải khẩu giao thương quốc tế, ngang hàng với Cửa Hàn (Đà Nẵng) và Hải Phố/Faifo (Hội An.)

Năm 1615, linh mục người Ý tên là Francesco Buzomi đến Cửa Hàn. Năm 1617, ông bị chúa Nguyễn trục xuất, lại lâm bệnh nặng, nằm tại Quảng Nam. Ông được quan trấn phủ Quy Nhơn là Trần Đức Hoà đưa về Quy Nhơn chữa bệnh. Quan trấn phủ Trần Đức Hoà là em kết nghĩa (*) của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nên nhiều người tin rằng việc ông đưa linh mục Buzomi về Quy Nhơn không ngoài ý của chúa Sãi, nhằm tách linh mục ra khỏi những vị quan quá khích muốn trục xuất, cầm tù hoặc xử tử ông. Năm sau (1618), chính quan trấn phủ Trần Đức Hoà đã cùng linh mục Buzomi đến Cửa Hàn đón thêm những tu sĩ Công giáo khác về Quy Nhơn, trong đó có linh mục Cristoforo Borri (người Ý) và Francisco de Pina (người Bồ Đào Nha.) Sau đó, quan Trần Đức Hoà cấp cho nhóm giáo sĩ này một ngôi nhà đẹp ở Nước Mặn làm cơ sở truyền giáo và chế tác chữ Quốc Ngữ.

Có chỗ ở an toàn và tâm trí thảnh thơi, bộ ba Buzomi, Borri và Pina đã chú tâm vào việc phiên âm tiếng Việt và chế tác chữ Quốc Ngữ, dựa theo các mẫu tự La-tinh. Về sau, linh mục Buzomi, là bề trên, đã tình nguyện lãnh hết trách nhiệm truyền giáo, để cho hai linh mục cộng sự của mình là Borri và Pina dồn tâm trí vào việc chế tác chữ Quốc Ngữ.

Cùng thời, hai địa điểm cũng được xem là những nơi xuất phát chữ Quốc Ngữ đầu tiên là Hội An và Dinh Chiêm (**), tuy nhiên nhiều tài liệu chứng minh rằng Nước Mặn vẫn là nơi đầu tiên phát sinh chữ Quốc Ngữ.

Linh mục Pina có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ. Ông có thể giảng đạo một cách trôi chảy bằng tiếng Việt mà không cần người thông ngôn.

Năm 1624, có bốn linh mục đến Đàng Trong. Hai linh mục Gaspar Luis (người Bồ Đào Nha) và Girolamo Majorica (người Ý) vào Nước Mặn học tiếng Việt với linh mục Buzomi. Trong khi đó, hai linh mục Alexandre de Rohdes (người Pháp) và Antonio de Fontes (người Bồ Đào Nha) đến Dinh Chiêm học tiếng Việt với linh mục Pina (lúc ấy linh mục Pina đã được thuyên chuyển về Dinh Chiêm.)

Có những tài liệu cho thấy một số chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai đã được ghi lại trong các bản tường trình của: João Rodrigues Giram (1620), João Roiz (1621), Gaspar Luis (1621), Christoforo Borri (1618-1622), Francisco de Pina (1623), Alexandre de Rohdes (1625), Gaspar Luis (1626), Francesco Buzomi (1626), Antonio de Fontes (1626).

Linh mục Alexandre de Rhodes là một thiên tài kiệt xuất về ngôn ngữ. Ông đã tổng hợp, hệ thống và chuẩn xác hoá các tài liệu chữ Quốc Ngữ để cho ra đời hai tác phẩm bằng chữ Quốc Ngữ đầu tiên có tầm vóc quốc tế là “Phép Giảng Tám Ngày” và “Tự Điển Việt-Bồ-La,” ấn hành tại Roma năm 1651. Ông tôn trọng thầy của mình là linh mục Pina (người Bồ Đào Nha) nên tự điển có phần tiếng Bồ Đào Nha mà không có phần tiếng Pháp, mặc dù ông là người Pháp.

Từ Nước Mặn ngược về thành phố Quy Nhơn, chúng ta sẽ gặp tiểu chủng viện Làng Sông. Đây là một trong những nơi có cơ sở ấn loát chữ Quốc Ngữ đầu tiên của người Việt. Tiếc rằng năm 1946, Việt Minh trưng thu cơ sở ấn loát này, lấy làm nơi in tài liệu, truyền đơn. Sau đó máy móc bị phân tán đi nhiều nơi. Ngày nay tiểu chủng viện Làng Sông chỉ còn căn phòng ngày xưa vốn là cơ sở ấn loát, với hình ảnh những máy in được chụp lại, treo trên tường. Nay tiểu chủng viện Làng Sông là tu viện của các nữ tu Công giáo.

Nhìn lại lịch sử chế tác chữ Quốc Ngữ, chúng ta thấy đó là một công trình lâu dài, qua nhiều thế hệ với những trí tuệ kiệt xuất. Sau đó là đến các thế hệ Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trương Vĩnh Ký, Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, v.v… Đây mới là chuyện không thể “lấy làm chơi,” để rồi trong phút chốc, một ông “không phân biệt được các khái niệm ngữ âm – âm vị học, không phân biệt được âm và chữ; các con chữ mà ông đưa ra không liên quan gì tới đặc điểm ngữ âm của nó” (nhận xét của viện Ngôn Ngữ Học) là ông Bùi Hiền phá nát thứ chữ này bằng những đề nghị cải cách trái khoáy, phản khoa học, vi phạm một cách trầm trọng những nguyên lý cơ bản về ngôn ngữ học, tách chữ Quốc Ngữ ra khỏi khối ngôn ngữ quốc tế dùng mẫu tự La-tinh để ghi âm.

Tôi đề nghị ông Bùi Hiền nên đến Nước Mặn để tạ lỗi cùng những vị đã khai sinh chữ Quốc Ngữ, thứ văn tự quý báu của người Việt chúng ta.

QUYÊN DI

___________________
(*) Có người cho rằng quan Trần Đức Hoà là em rể của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
(**) Dinh Chiêm là thủ phủ của Dinh Quảng Nam. Ở đây “dinh” không có nghĩa là toà nhà, mà là một đơn vị hành chánh vào thế kỷ 17, gồm phủ Điện Bàn, phủ Thăng Hoa, phủ Tư Nghĩa và phủ Hoài Nhơn. Dinh trấn Quảng Nam nằm bên bờ bắc sông Thu Bồn.

Advertisement

One thought on “ÔNG BÙI HIỀN NÊN ĐẾN NƯỚC MẶN ĐỂ TẠ LỖI VỚI NHỮNG VỊ KHAI SINH CHỮ QUỐC NGỮ

  1. lê ngọc duyên hằng nói:

    Nước Mặn -Qui Nhơn-Bình Định
    Nước Mặn-hải khẩu thương thuyền lưu thông.
    Nước Mặn vùng miền Đàng Trong.
    Nước Mặn bang giao Khách Thương quốc tế.
    ….Nước Mặn nổi tiếng bởi vì.
    Thương khách ngoại quốc đến đây buôn bán..
    Trao đổi hàng hóa chuyện vãn…
    Ngôn ngữ chú thích phiên âm để nói…
    ….Nhờ những Linh mục tài giỏi..
    Pháp-Ý-Bồ đào nha những người biên soạn….
    Để thành ngôn ngữ thông dụng.
    Cả khổ nhọc lắm Kỳ Công mới có.
    ….Mới được Tiếng Việt Ngôn Ngữ.
    Lưu dụng bao đời vẫn cho hiệu quả.
    Tiếng Việt bỏ Hán loại Nho.
    Theo ngôn ngữ loại Mẫu tự La Tinh.
    ….Cái hay học lấy giữ gìn.
    Bao đời bao năm hình thành Chữ Nghĩa.
    Ngôn ngữ Tiếng Việt phát huy.
    Nhân Tài lỗi lạc bao Vị ra đời…
    …Bất ngờ rơi vào cái Thời…
    Ngôn ngữ Chữ Nghĩa bỗng rối cả lên!?
    Quan quyền thích Mới tiên tiến…?
    Cách Tân chỉnh đổi sinh chuyện Rối ren…?

Comment

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s