Vui buồn đời thợ ảnh

 

 

 

Tôi đã mang cái máy ảnh 26 năm. Làm nghề chụp hình để nuôi bản thân và gia đình. 26 năm, gần nửa đời tôi đã đi qua. Vui có, buồn cũng không ít với những gì mà nghề chụp hình mang lại

Người ta thường gọi nghề này là nghề Nhiếp ảnh, riêng tôi, tôi cho rằng hai chữ “Nhiếp ảnh” lớn lao quá, nó chỉ dành cho những “Nhiếp ảnh gia”, chuyên chụp những tấm hình nghệ thuật. Còn tôi, từ khi vào nghề, đã xác định là chụp hình kiếm cơm, kiếm cái ăn để sống nên từ ấy cao đẹp quá tôi không dám gán cho mình. Quả thật thế, 26 năm cầm máy ảnh, tôi chưa ghi được một tấm hình nào có đủ yếu tố để gọi là nghệ thuật, nên tôi luôn cho mình chỉ là anh “thợ chụp hình”. Nhờ nghề này, tôi tiếp xúc với nhiều khách hàng, với những hoàn cảnh buồn vui. Của mình và của người…

Nay tôi đã vào tuổi 63, xem như gần cuối đời, nên chăng ghi lại những câu chuyện này như những dòng… tâm sự?!

 

 1.Vào nghề:

Khoảng cuối năm 1982, Tôi rời nơi cư trú là Quảng Sơn, Ninh sơn, Ninh Thuận, vào Sài gòn kiếm sống bởi nơi đây không cho tôi được ngày hai bữa ăn như mong ước đơn giản nhất của tôi và cũng của nhiều người.

Người dân nơi đây lần hồi bỏ xứ vào Đồng Nai, xin vào công nhân Nông Trường Cao su, lên Buôn Mê Thuột làm thuê, làm nông, hoặc vào miền Tây làm ruộng…Họ đi bất cứ nơi nào, dù vất vả nhưng kiếm được cái ăn. Còn nơi đây, làm nông thì không được bởi nắng mưa thất thường. Đi buôn chuyến thì cũng có người sống được qua ngày nhưng không kiếm đâu ra vốn! May mắn lắm cho ai có bà con, thân nhân có hộ khẩu Sài gòn thì bám lấy nơi đây, chạy xe thồ, xích lô, buôn bán chợ trời, làm nghề linh tinh kiếm sống!

Tôi chẳng có ai bà con thân thích, chỉ có một đứa cháu gọi tôi bằng cậu. con bà chị đầu của tôi, đang học năm thứ ba trường đại học Y khoa và một vài người bạn thân cũng rời bỏ vùng dất khô cằn Quảng Sơn trước tôi, vào mưu sinh nơi thành phố khó khăn nhưng cũng có nhiều cơ hội, dù chỉ là cơ hội để tồn tại!

Bạn bè gặp lại nhau, sau cái bắt tay mừng là lo âu. Trước mắt, ai cũng lo lắng kiếm cho tôi một công việc để sống. Nhiều công việc, nhiều phương án được đưa ra nhưng rồi xét đi xét lại không chọn được việc nào. Đi bỏ trà và thuốc lá lậu, là công việc mà các anh em vào sài gòn trước tôi thường chấp nhận làm để qua ngày trước khi tìm một công việc khác ổn định hơn, thì tôi không có vốn gối đầu, lại không rành đường Sài gòn, không có các quán quen làm nơi tiêu thụ đều đặn (mối). Đạp xích lô cũng gặp phải trở ngại này, từ nhỏ đến lớn tôi sinh ra, lớn lên nơi Quảng trị, rối vào Ninh Thuận, chọn nơi đây làm quê hương thứ hai sau khi Quảng Trị tan hoang vì bom đạn từ mùa hè dỏ lửa 1972, thỉnh thoảng vào Sài gòn. Còn ngơ ngác như chú nhà quê trước cái bề thế của thành phố này.

Sài gòn ngày tôi vào lại chỉ nhiều đường sá. rộng lớn có sẵn trước đây thôi, cái sầm uất ngày nào chỉ còn trong kí ức của người Sài gòn. những dổi thay 7 năm, sau 1975 là một sự vắng vẽ, im lìm. chứ không đông đúc, náo nhiệt, xô bồ… như hôm nay.

Bạn bè thân tình thương thì thương nhau lắm, nhưng sẻ chia cơm áo trong những năm này thật không dễ chịu chút nào! Ai cũng có một hoàn cảnh khó khăn riêng nên không thể cưu mang thêm tôi. Vả lại, tôi cũng không muốn mình trở thành gánh nặng cho riêng ai.

Cái ăn đã khó, cái ở còn khó hơn, một vài người bạn vì tình cảm mà liều lĩnh muốn đưa tôi về ngủ trong nhà mình, nhưng vì biết là sẽ rất phiền toái cho bạn nếu bị xét hộ khẩu đột xuất hằng đêm…nên tôi từ chối, chấp nhận hằng đêm ra ga Bình Triệu hoặc Hòa Hưng, gần đâu thì về đó. thuê chiếu ngủ rồi sáng mai lại…lang thang gặp gỡ bạn bè tìm kiếm việc làm.

Vận may tình cờ đến với tôi, cùng lúc giải quyết luôn cả hai khó khăn: ăn và ở!

Một hôm, đang ngồi ăn cơm trong một quán bình dân ở đường Nguyễn Duy Dương, quận 5. Tôi gặp một người đạp xích lô, tên Tấn. anh ta lớn hơn tôi chừng sáu tuổi, chuyện trò qua lại, anh cho tôi biết là trước đây, anh từ Quảng Ngãi vào, cũng lang thang như tôi, sau đó anh xin được vào làm công, đóng bao bì ( két gỗ đựng bia hay nước ngọt chai) cho một xưởng mộc của Trường Lê Quý Đôn. Không hợp đồng giấy tờ hộ khẩu gì, Chỉ cần đưa cho tổ trưởng CMTND. Cứ sáng đến chiều tổ trưởng đếm được bao nhiêu thì tính tiền bấy nhiêu, một tuần lãnh tiền một lần vào chiều thứ bảy, chúa nhật nghỉ. Anh sẽ hỏi lại rồi báo cho tôi biết vào ngày sau.

Ngày sau, cháu tôi chở tôi đến quán cơm, hồi hộp chờ anh Tấn. Anh đến ăn muộn vì vừa đạp một cuốc xe qua quận Bình Thạnh.

Anh vừa lau mồ hôi vừa bào tin mừng cho tôi, không những đã xin được cho tôi việc làm mà còn có thể ngủ lại vào ban đêm cùng với nhóm thợ máy rong xẻ gỗ.

Tôi chộp lấy hai vai anh Tấn lắc mạnh với lòng biết ơn, ngưỡng mộ!

Anh Tấn chở tôi đến xưởng mộc chiều hôm đó, vào làm ngay. Tôi được giao cho một túi đinh 3 phân, chừng 2kg. Một công nhân dẫn tôi đến chỗ để gỗ, cứ ôm về đóng, hết thì  đến lấy tiếp. Công việc dễ đến độ tôi nhìn thoáng qua là làm được ngay. Buổi chiều hôm ấy, tôi đóng được 17 cái thùng. Một cái 0,5 đồng (năm hào), ngày sau và những ngày kế tiếp trung bình đóng được 40 cái. Tính ra một ngày được 20 đồng. Thu nhập khá cao cho cuộc sống của tôi khi ấy! Cơm trưa được ăn tại xưởng, không mất tiền, tối ăn cơm bình dân 2 đồng, sáng tôi uống cà phê với gói thuốc Mai hết 2 đồng. Một ngày trước mắt tôi thừa được 16 đồng. Tôi tính nhẩm, trước tiên, sẽ cố gắng để dành cho đến khi mua được chiếc xe đạp.

Niềm vui ngập lòng, tôi mong đến chúa nhật để khoe cho bạn bè yên tâm. đồng thời giới thiệu anh Tấn, ân nhân của tôi với họ. Tôi nghĩ đến chuyện sẽ cùng anh em uống mừng công việc và cũng bù cho những tình cảm mấy hôm nay của bạn bè. Địa điểm là các quán phở ở đường Kỳ Đồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, ga Hòa Hưng. Nơi đây phở rẻ nhất. một tô một đồng (rẻ là bởi có thể xin thêm dĩa giá trụng vun mà không thêm tiền). Về đây tìm là gặp bạn bè tôi.

Một tháng sau, tôi để dành được trước sau 50 đồng. một người bạn đem tôi lên đường Lê Lai, nơi đây là chợ xe đạp. Mới có, cũ có, vào hầm chứa xe thì có thể chọn theo ý mình. Tôi cùng bạn chọn một chiếc, cũ nhưng khá tốt: Xich, líp, Niềng và Sườn đều của Nhật.

Tôi hỏi bạn xe đâu mà ở đây nhiều thế?

– Xe chôm từ các nơi gom về đây. Cứ yên tâm vì chiếc này ráp từ ba chiếc lại, không ai nhận ra đâu!

Tốt nhưng rẻ, chiếc xe chỉ 36 đồng, vẫn còn thừa 14 đồng! Tôi có thể trả chiếc xe mượn từ hôm vào đến hôm nay lại cho cháu tôi đi học. Nó ở KTX  đường Ngô Gia Tự qua trường cũng gần nên mấy hôm nay nó đi bộ.

oOo

Xưởng mộc của trường Lê Quý Đôn là nơi hợp đồng của một HTX nào đó. Lấy nguồn gỗ từ Đồng Nai, dạo này vào mùa mưa, thỉnh thoảng bị gián đoạn vài ngày vì không có gỗ. Họ cũng đang có ý định chuyển hướng sang sản xuất đồ mộc cao cấp, nếu vậy thì cần ít công nhân hơn và tay nghề cao. Những ngày nghỉ tôi đạp xe loanh quanh tìm bạn bè ngồi chuyện trò, May mà tôi đã mua được chiếc xe để đi lại, công việc không còn đều đặn nên thời gian này cũng không dành dụm được gì!

Một hôm tôi đang ngồi đóng thùng, bảo vệ báo có người tìm, tôi ra cổng thì gặp Lượng. Lượng là em ruột Quảng. một người bạn thân của tôi, từ hôm vào đến nay tôi chưa gặp. Chuyên trò chút xíu rồi Lượng hẹn chờ tôi đi ăn cơm tối.

Quảng đã vượt biên bốn năm nay, Lượng cho tôi biết là Quảng đang đinh cư ở Canada.

Lượng hỏi han tình hình công việc, nơi ăn ở của tôi hiện nay. Nghe xong. Lượng đề nghị:

– Lâu nay trong gia đình của em vẫn xem anh như anh Quảng, nay ba mẹ mất rồi, anh Quảng cũng đã ở xa, trong nhà không còn ai, anh đã vào đây thì về ở với tụi em cho vui.

Từ ngày vào Sài gòn, những đề nghị của bạn bè như thế này cũng có, nhưng tôi từ chối vì biết là sẽ khó khăn nhiều cho bạn. bây giờ Lượng đưa ra đề nghị này làm tôi băn khoăn.

– Hình như em đã lập gia đình rồi phải không?

– Dạ, vợ em hiền và dễ chịu chứ không khó khăn gì đâu!

– Từ Bình Thạnh mà lên Lê Quý Đôn, Quận l, đi làm thì xa quá Lượng ha?!

– Em nghĩ anh thôi làm chỗ đó đi.

Tôi nhìn Lượng dò hỏi:

– Hiện nay bên quận Bình Thạnh, có mở Câu Lạc Bộ dạy nhiếp ảnh, anh qua ở với em rồi đăng ký học chụp hình đi, em thấy anh làm nghề này cũng hay, đỡ vất vã.

Tôi nói với Lượng:

– Mai anh em mình đi gặp anh Trung, hỏi xem ý anh ấy thế nào.

Anh Trung cũng là người ra đi từ nơi tôi ở, vào Sài gòn trước chúng tôi. Trước năm 75, anh ấy làm hiệu trưởng dồng thời dạy Pháp Văn cho một trường tư thục Thiên Chúa Giáo ở Nha Trang. Sau 75 đi cải tạo hai năm, về không được đi dạy nữa, anh đem vợ và hai đứa con vào Sài Gòn. Hiện anh làm bảo vệ không lương cho một võ đường Teakwondo,. Có nhiệm vụ trông coi, quét dọn sàn tập hằng đêm sau khi võ sinh tập xong. Chúng tôi thường đùa vui:

-Tầm cỡ bảo vệ võ đường Teakwondo thì in ít cũng là tam đẳng trở lên đây nhe…Liệu hồn mấy thằng lơ mơ!!!

Thực ra, anh nhỏ con và thậm chí gầy còm, đâu khoảng chừng 46 kg.

Không có lương nhưng anh lại có chỗ tá túc cho vợ con trong một căn phòng nhỏ chừng 12m2 của võ đường. Căn phòng ở tít lầu ba, cầu thang thì hẹp, không gởi xe ở dưới được, nên chúng tôi hoặc là vác xe lên lầu ba, hoặc là đứng ở dưới rồi hét gọi anh ấy mỗi lần cần gặp nhau.

Hai chúng tôi gọi thật lâu mới thấy con trai anh ấy thò đầu ra nơi cửa sổ, thấy tôi và Lượng, cháu quay vào gọi anh Trung. Chúng tôi cùng nhau đến quán cà phê đầu dường, quán cà phê không phải cửa hàng quốc doanh là một nơi xa xỉ, chúng tôi chỉ dến những quán này khi nào rủng rỉnh tiền bạc hoặc có chuyện quan trọng cần bàn, quán ngồi riêng từng bàn, cách nhau bởi các chậu cây cảnh chứ không ngồi bàn dài, tập thể như các cửa hàng quốc doanh!

Chính anh Trung là người báo cho Lượng biết tôi đã vào Sài Gòn…Anh lớn tuổi và chín chắn, rất có tình với anh em nên ai cũng quý mến và tôn trọng anh như anh cả. Nghe Lượng nói chuyện đưa tôi về ở trong nhà rồi đi học chụp hình, anh Trung nghĩ ngợi thật lâu:

– Trong anh em, Lượng là người có diều kiên nhất. Nhà của mình, kinh tế cũng tàm tạm chứ không chạy bữa như những anh em khác, chú Sinh về ở với Lượng thì tốt rồi, nhưng chuyên đi học chụp hình rồi kiếm sống bằng cái máy ảnh không biết có ổn không?

Lượng nói:

– Nghề này được cài là dễ học, đi sâu vào nghệ thuật thì khó nhưng mình chỉ cần biết kỷ thuật chụp, tráng rọi ảnh…kiếm cơm thì hai anh em cùng làm với nhau như lâu nay em làm, tính ra cũng đủ nuôi gia đình. Có mối thì đi chụp, khi nào rãnh  cứ lên công viên, bến nhà rồng… kiếm chừng hai chục kiểu là có ăn.

– Chuyện ăn ở, bên phường có khó khăn chi không?

– Có anh Sinh thì thêm chút xíu, nhưng hàng tháng anh Quảng có gởi cho em vài kg thuốc Tây. Em không khó khăn như anh em mình ở đây. Có anh Sinh như có người lớn trong nhà. Ông tổ trưởng rất thương em, hôm bà vợ ông ấy bệnh, anh Quảng gởi về cho mấy hộp thuốc, từ đó ông coi em như con ruột. Em cứ báo anh Sinh là anh con bác ngoài quê vào là êm, Tụi mình cùng nói “trọ trẹ” họ tin liền!

Lượng tuy đã có gia đình, nhưng còn nhỏ. chỉ mới hai mươi bốn tuổi. nhỏ hơn Tôi sáu tuổi. Lượng có một chị, lấy chồng hiện đang ở quê chồng dưới miền Tây. Sau Lượng còn hai em nhỏ học cấp hai. Trong nhà hiện nay gồm hai vợ chồng và đứa con hai tuổi, hai đứa em, thêm tôi vào là sáu miệng ăn nhưng đều còn nhỏ nên cũng không chật vật. Lượng rất chịu làm. Ngày lên hồ Con Rùa và các nơi chụp ảnh lưu niệm cho khách, tối về rọi, sáng mai giao. Trung bình ngày cũng kiếm được bốn năm chục đồng. Những ngày lễ có ngày được cả trăm.

Tôi ôm vai Lượng như ôm một đứa em. Gương mặt Lượng rất giống với Quảng, hồi còn nhỏ, Quảng rất lo cho cu câu, nghe đâu có đành lộn là y như rằng có Lượng. Tự nhiên Lượng thay đổi hẳn sau ngày cha mẹ qua đời…Nhờ vậy, Quảng mới yên tâm vượt biên.

oOo

Hôm đó tôi về nhà ngủ đêm đầu tiên với Lượng. Tôi gặp vợ Lượng ra chào mà ngạc nhiên không biết có phải đây là vợ của Lượng không ?! Một cô bé con chứ đừng nói đây là một thiếu nữ. lại là đã có một đứa con! Đóan được điều ngạc nhiên trong tôi, Lượng cười:

– Vợ em mới hai mươi tuổi thôi anh Sinh!

Tôi cười đùa:

– Ừ, tại chú dụ dỗ nên hoang sớm phải không?

Tối lại, hai anh em chúng tôi ngủ chung trên tấm chiếu trải giửa nên nhà, nằm đốt thuốc rầm rì chuyện xưa chuyên nay, phần nhiều là nhắc đến Quảng. Lượng kể tôi nghe cái khốn đốn ngày cha mất, rồi năm sau đến mẹ! Quảng vượt biên cũng do một người bạn của cha, thương mấy anh em côi cút, cho đi chớ nhà không có tiền hay vàng gì cả!

– Ban đầu, anh Quảng định cho em đi. Nhưng bác ấy nói:

– Con đi, trước mắt cứ đưa mấy em về ở với nhà em gái con. Chị em nuôi nhau, con đi được qua bên đó mới làm lụng được, nuôi mấy em chứ Lượng còn nhỏ, biết làm gì nơi xứ người!

– Thế chú lấy vợ khi nào?

– Anh Quảng đi, tụi em về ở với chị Thương dưới miền Tây. Vợ em là cháu của anh Thục, chồng chị Thương.

Gần sáng, hai anh em định chợp mắt một lát để ngày mai lên câu lạc bộ nhiếp ảnh dăng ký cho tôi học chụp hình. Tôi nhắm mắt thì nghe Lượng lâm râm một mình:

– Em nói gì vậy?

– Không, em cầu nguyện, từ khi anh Quảng vượt biên, đêm nào em cũng đọc kinh, giờ thành quen, tối nào không đọc, cứ trằn trọc…khó ngủ!

Sáng sớm. Lượng dậy trước tôi, lục tìm một lúc rồi đưa cho tôi hai cuốn Kiến Thức Phổ Thông, hai số báo chủ đề về nhiếp ảnh. Hai anh em đến cửa hàng giải khát Thanh Niên. Lượng mua phiếu hai ly cà phê, tiêu chuẩn kèm cho hai ly là một gói thuốc Hải Đảo. Tất cả là hai đồng. Chừng bảy giờ rưỡi, chúng tôi đến Câu lạc bộ. Học viên đăng ký chỉ cần có Chứng minh thư và đóng mười hai đồng cho một khóa ba tháng. Lượng không cho tôi đóng tiền:

– Anh giữ lại mà tiêu vặt, để em đóng.

Tôi mua tại quầy sách ở cổng một tập vở dày và một cây bút. Lượng dắt xe ra, nói với tôi:

– Có mấy ông thầy giỏi lắm. Em hồi đó nhờ thầy Tôn Lập. Vài bữa em giới thiệu với anh. Ông dạy Chân Dung và Háa chất, tráng rọi ảnh. Nhà cũng gần nhà mình…

Tôi vào học nghề Chụp hình như thế, một nghề mà từ trước tôi chưa bao giờ nghĩ đến, sẻ là nghề gắn bó với tôi suốt hai mươi sáu năm. Nuôi sống bản thân rồi cả gia đình, bốn đứa con…cho đến khi không thể theo nghề được nửa!

oOo

Khốn khổ phim Liên Xô ! 

Sau này, khi tuổi đời đã khá lớn, tôi mới thấy rằng cuộc đời nhiều chuyện đến với mình, suông sẻ hay trầy trật…cũng đều do cài Duyên cái Số.

Nhưng vào thời kỳ tôi dang chật vật với cái ăn, cái ở… những ngày tháng đầu khi đặt chân đến đất Sài gòn, với tuổi đời chưa tới ba mươi, tôi cho là số mình may mắn, thậm chí còn có chút tự hào là mình “Biết xoay xở” “ Cố gắng”và “ Tài giỏi” nữa!

Gặp lại Lượng, em của một người bạn thân trước 75 là Quảng, giờ đã vượt biên và định cư ở Canada. Về ở với Lượng, đi học chụp hình và cùng làm nghề nuôi thân với Lượng, cuộc sống tôi ổn định và thú vị với cái nghề tạm gọi là: Chụp hình lưu niệm.

Thời kỳ này, đã bắt đầu chụp hình màu trở lại. Ngày trước 75, cũng đã có hình màu nhưng phần nhiều là hình chụp lấy liền, với loại máy Polaroid vả giấy ảnh chụp xong là có hình, chỉ cần bóc lớp giấy mỏng. Sau 75, do khó khăn là thị trường không nhập được giấy ảnh nên rất đắt, rồi dần hết hẳn. Về sau, thời kỳ tôi làm chụp hình dạo, một số phim màu được đem về từ Đức, hiệu Agfa, thỉnh thoảng có  Kodak( Mỹ), bắt đầu có hình màu trở lại. Nhưng cũng rất khó khăn vì khâu tráng rọi thủ công. Cả nhóm thợ chúng tôi, nhiều khi  ba, bốn điểm chụp mới có một máy gắn sẵn phim màu, chỗ nào có khách thì chạy đến lấy về chụp rồi trả máy ngay. Khi cắt phim để rửa vì chưa hết cuộn,  rất buồn vì phải mất chừng ba kiểu phim, dù đã nối đuôi phim! Phần nhiều là thợ nào cần gấp thì chịu khoản phim này, Hẹn khách cả tuần mới giao ảnh, và đắt như vàng, chỉ tám kiểu là có thể ngang với một chỉ vàng!

Lượng đón đầu “phong trào” bằng cách đi học tráng rọi ảnh màu.

Quảng gởi về cho Lượng mấy đợt thuốc Tây, dành dụm mua được cái máy rọi ảnh Axomat, của Đức., vừa rọi ảnh đen trắng vừa có thể rọi ảnh màu, nhưng phải kèm nhiều phụ kiên hổ trợ như: Đồng hồ ngắt điện tự dộng (timer). Máy phân tích màu…( analiser) Thay cho cái máy Lucky cũ chỉ rọi được hình đen trắng.

Thời điểm chúng tôi làm nghể, cài gì của Đức cũng tốt! (hơn Liên xô và các nước XHCN khác).

Học chụp hình ở CLB chỉ ba đêm một tuần, tôi vẫn theo học đều đặn vì rất cần giấy chứng nhận của CLB. Người ta nói: “học thầy không tày học bạn”, trường hợp tôi thật đúng, chỉ cần Lượng bày cho tôi hai buổi, là tôi có thể tự canh ánh sáng qua khẩu đô, tốc độ, chỉnh nét….

Thực tập thêm bằng cách hai anh em đạp xe ra dường Tôn Đức Thắng, gần hãng tàu Ba Son, Lượng làm người mẫu, tôi chụp hình, lấy nửa người, nguyên người, có phông là những chiếc tàu, hay xóa phông, phông xa, phông gần, bố cục ảnh, chiều sâu ảnh…chưa đến một cuộn phim Orwo là tôi chụp được. Tối hôm thực tập, hai anh em cùng pha hóa chất, tráng phim. rọi ảnh. Lượng chờ sấy hình xong, đem ra hai anh em cùng xem…Lượng phán một câu làm tôi mát dạ:

– Ăn tiền thiên hạ được rồi!

Cái máy ảnh của Lượng tôi đang dùng hiệu Canon QL 17. gọi là mày gián tiếp, phân biệt với máy trực tiếp là hình ảnh đến mắt qua một lăng kính sau ống kính. Máy gián tiếp thì che tay đầu ống kính vẫn thấy hình vật chụp, Máy trực tiếp nếu che đầu kính sẽ không thấy gì. Máy gián tiếp lấy nét bằng cách chỉnh cho hai hinh chập lại nhau, trời sáng rõ thì dễ, chỉ nhắm hạt nút áo, hoặc một bên vai…nhưng trời âm u hay hơi tối thì rất khó khăn. Sai nét tức là bỏ tấm hình vì khách nào nhận tấm hình mờ! Suốt ngày, lúc nào rảnh là tôi mang máy ra tập chỉnh nét (focut). Chi tiết kỷ thuật này ám ảnh tôi ngay cả trong lúc ngủ!

Ngày sau, Lượng đem tôi đến gặp tổ trưởng tổ chụp hình lưu niệm, thuộc HTX nhiếp ảnh quận I. Xin thế chân Lượng, vì Lượng hoàn toàn dành thời gian cho việc học ảnh màu. Đã là dân chụp hình kiếm cơm, anh em thợ phần nhiều rất thoáng. Chúng tôi làm quen bằng một chầu nhậu, cũng chỉ rượu cây lý,  khô cá đuối…

Tôi bắt đầu vào sáng hôm sau, bấm những kiểu hình ăn tiền của khách!

oOo

Hai anh em chúng tôi dậy cùng lúc. Lượng vào phòng tối, đem cho tôi cái túi xách màu đen, Tôi ngạc nhiên nhìn Lượng lôi từ trong túi ra một con gấu bông, một cái lục lạc…đồ chơi trẻ con. Lượng cười với tôi:

– Bảo bối đó, có khách nào ẳm theo em bé, anh dụ cho cháu cười rất dễ, lại dụ thêm vài kiểu cũng không khó!

Hôm nay không uống cà phê cửa hàng, chúng tôi lên tới nơi chụp hình, uống cà phê với anh em thợ.

Gần cuối năm, thợ cứ ngồi với nhau là kháo chuyện chụp hình dịp tết. Ai cũng hy vọng vào dịp này có thể trang trải nợ nần, giải quyết nhưng khó khăn trong năm.

Lượng cũng sẽ đi chụp trong dịp tết nên hai chúng tôi đang lo lắng vì hiện chỉ có một cái máy, mua thêm thì không đủ tiền!

May cho tôi, chú em con chú ruột tôi, là Trung úy Quân cụ, bị thương mất một mắt, ngày 30/4 là thương binh, trốn trình diện, trốn cải tạo, về miền Tây, ở tận Minh Hải, Cà Mâu. Làm nghề bán cà rem từ 75 đến nay. Nghe tôi vào Sài gòn, đang làm nghề ảnh, chú viết cho tôi một lá thư dài, kèm thêm 05 đồng cho tôi đi xe… nhắn tôi về chơi. Tôi về, anh em mừng mừng tủi tủi vì quá lâu không gặp nhau, giờ gặp lại trong hoàn cảnh này…Sau khi thắp nhang trên mộ Thím tôi, chú ấy khóc thật nhiều:

– Em về đây là để tính chuyên vượt biển. Hai lần rồi không được, may là không bị bắt. Em tính khi đi thì chôn số vàng còn lại dưới tấm bia mẹ em, rối qua được sẽ nhắn anh vào đem mẹ em về quê. Chuyến vừa rồi, em chôn tới 4 cây vàng đó, vậy mà …

Là vai em, nhưng chú ấy lớn hơn tôi tới 15 tuổi. Về nơi đây, chú khai không biết chữ, thỉnh thoảng có việc gì phải ký tá, chú ấy xin lăn tay hoặc viết chữ thập! Nhưng rồi con gái đầu học lên đến cấp 2. không có ai kèm nên chú kèm cho nó. Thầy ngạc nhiên vì nó học xuất sắc, nhất là toán. Hỏi nó ai dạy cho nó, nó hồn nhiên nói là ba dạy! Chuyên vỡ lở, nhưng địa phương rất thoáng, họ cho qua hết, chỉ lâu lâu có việc gì cần người biết viết lách…thì nhờ chú ấy!!!

Đêm lại, chú ấy đem ra một cái máy mới tinh, bọc nhiều lớp vải, còn nguyên bao da màu nâu, hiệu Minolta. Máy này là của chú em, em của chú ấy đem về từ Mỹ. sau lần đi du học Kiểm soát không lưu mấy năm trước, Sau 30/4, chú ấy qua lại Mỹ từ phi trường Biên Hòa.

– Anh cầm lên Sài gòn mà làm nghề, em để lâu cũng hư !

Tôi xem qua máy, bấm nghe màn trập nhảy tốt, mừng vô cùng!

Về Sài Gòn. Lượng cũng mừng, máy dễ sử dụng vì ánh sáng auto. Trên đầu máy có một màn hình, hai chiếc kim, một chiếc màu dỏ nhỏ, một chiếc kim màu xanh lá cây lớn hơn. Cứ hướng máy về vật chụp (chủ đề), kim đỏ sẻ nhảy theo ánh sáng lúc đó, thợ chỉ cần vặn cho kim xanh chồng lên kim đỏ là đúng sáng!

Chụp và tráng rọi mấy kiểu hình, cả hai chúng tôi an tâm lắm. Ngày sau, tôi bỏ máy Canon ở nhà, dùng máy mới…Đến nơi chụp, anh em thợ ai cũng trầm trồ vì máy mới, ống kính trong veo, không một chút halo vì nhìn vào lớp màu tím nơi ống kính là biết. Lượng nói với tôi:

– Lâu lâu anh cũng nên dùng máy Canon kẻo quên đi kiến thức. Máy này thực ra không dùng cho thợ. Anh không chủ động kết hợp khẩu đô và tốc đô để tạo được chiều sâu ảnh, không xóa được phông, không chụp được hình ngược sáng…Qua tết, có đủ tiền thì mình mua thêm máy.

Lúc này, ban đêm tôi đi học, các thầy đang dạy: “ Tăng một nấc khẩu độ, bằng giảm một nấc tốc độ, hoặc ngược lại…”.

Tôi vẫn không nản, cứ ngồi nghe thầy giảng những đều đã biết! Giáo trình hình như được lấy từ hai cuốn Kiến Thức Phổ Thông mà tôi đã thuộc nằm lòng!

oOo

 

Càng gần đến tết, chúng tôi càng xôn xao vì chỗ chúng tôi đang hành nghề không phải lả điểm tập trung khách. Phần nhiều thợ tìm đến những điểm khác ngoài địa bàn xin vào chụp mấy ngày tết.

Tôi và Lượng cũng băn khoăn nhiều về chuyện này, nhưng vì tôi không có giấy phép và hộ khẩu nên chưa biết làm sao!

Cũng thêm một dịp may đến với tôi, nhưng lần này thì không suông sẻ!

Một bạn nghề già, chú Vang, lớn tuổi rồi, năm nay cũng đã 58 tuổi, nhưng vẫn còn làm nghề, chú khoe với tôi là chú có một ông hàng xóm, ngoài Bắc vào, hình như là con ông cháu cha gì đó bên sở Văn Hóa. Thầu chụp hình ở cảng Nhà Rồng. Lúc này vừa xây xong nhà lưu niệm rất hoành tráng. Cần nhiều thợ. Bản thân chú Vang cũng sẽ chụp ở đó dịp tết này. Tôi và một anh thợ nữa, anh Tùng, làm nghề khá lâu rồi, quê ở tận Bình Dương, cũng không có hộ khẩu Sài gòn, nhờ chú ấy xin dùm…

Không khó khăn gì, chiều 28 tết, chúng tôi cùng nhau đến gặp ông Danh, người thầu ở Bến Nhà Rồng để hợp đồng. Chúng tôi rất phấn khích, háo hức và tin tưởng lắm…

Tôi lo nhiều nhưng cũng trấn an mình vì nhờ cái máy mới, Không có đèn (flast) nên tôi quyết định không chụp ban đêm như lâu nay. Ba chú cháu chúng tôi luôn cặp kè bên nhau, những ngày này ít khách, ngồi uống cà phê hoài. Chiều chiều chúng tôi cũng làm vài xị cây lý, lạc quan mong chờ ngày tết!

Hợp đồng rất dễ: Chúng tôi chỉ cần có máy và tay nghề. Phim, tráng rọi ảnh đều do tổ tráng rọi của ông Danh lo, hẹn khách ngày sau nhận hình. 22 giờ giao phim và đếm biên lai giao tiền cho tổ trưởng, nhận phim cho ngày mai… tại nhà ông Danh.

Nhưng đến ngày cuối, khi nhận xong phim và những tập biên lai thì người của ông Danh yêu cầu thợ hẹn khách ba ngày! Phim được nhận không phải là phim Orwo của Đức như lâu nay chúng tôi vẫn dùng mà là phim Liên xô! Tên đọc từ tiếng Liên Xô là “Tắc ma”, cũng có loại hệt như thế, dọc là “ Xvai ma” Có hộp nhưng nhìn qua, chúng tôi rất nghi ngại về chất lượng, vả lại chúng tôi không quen chụp phim này, chú Vang hỏi, muốn tự mua phim orwo nhưng không được, người của ông Danh bảo: Cứ chụp bình thường như phim orwo.

Thực ra, phim này đã lưu hành lâu rồi nhưng ít ai dùng, chỉ trong các cơ quan, dịch vụ của nhà nước. Chất lượng có thể gọi là “may rủi”, Thợ chụp hình tránh xa, đến độ có người không biết nó tồn tại trên thị trường, như tôi !

Sáng mồng một chúng tôi có mặt, gặp nhau nhưng vì chưa có khách nên vào Can tin, uống cà phê. Ở đây cũng đã có một đám thợ khác, là người đã hợp đồng thẳng với HTX Nhà Rồng từ trước. Họ ung dung và có vẽ không lo lắng gì, họ có điểm giao hình và có người trực giao hình cho khách. Gần chín giờ, cũng lác đác vài anh thợ nữa đến, họ cũng hợp đồng với ông Danh. Nhập bọn cùng nhau, chúng tôi cũng chuyện trò thân tình vì cùng là thợ kiếm cơm như nhau…

Những thợ này cũng lo lắng vì phải chụp phim Liên xô và hẹn giao hình ba ngày như chúng tôi! Tự giao hình là một khó khăn vì khách phải tìm thợ, giao hình thì trở ngại chuyên chụp hình! Chúng tôi dự tính sẽ nêu khó khăn này với ông Danh vào cuối ngày…

oOo

Không có đèn flass là một thất lợi lớn. Tôi không dám chụp trong phòng trưng bày, chỉ lợi dụng hành lang và cửa sổ, nhưng cũng chỉ chụp hạn chế rồi đề nghị khách ra ngoài. Đêm thì hoàn toàn bó tay. Suốt ngày mồng một tôi chỉ chụp được năm (05) cuộn. Cổ tôi khàn, chân rã rời vì lên xuống cầu thang, chỗ này qua chỗ nọ theo khách!

Chiều, tôi về nhà ông Danh giao phim và tiển. Đếm theo biên lai được 184 kiểu, mỗi kiểu 05 đồng. Tôi nộp dủ 920 đồng cho thu ngân. Thu ngân là con gái của ông Danh. Tôi nhận biên lai rồi chạy về tìm Lượng ở điểm chụp.

Cái flas Lượng đang dùng hiệu Sunpak, có giá tới hai chỉ vàng. Nhưng có tiền chưa chắc đã mua được, phải ra các Kios chuyên buôn bán vật tư máy ảnh ở đường Nguyễn Huê đặt hàng may ra có, mà có cũng phải chờ vài tháng!

Tôi ngồi nghỉ một lát rồi thế chân cho Lượng nghỉ, uống ly nước, hút điếu thuốc! Lượng không chờ tôi hỏi, đưa năm ngón tay ý là đã năm cuộn phim. Tối nay nếu khá thì cũng thêm chừng  02 cuộn.

Lượng tuy ngồi nghỉ, nhưng luôn quan sát tôi để nhắc “gối phông”. Chụp đèn những nơi này mà không gối đầu và thân của khách lên một cái gì đó thì thua. Một bức tượng, một chậu hoa cao, Gốc cây….Ánh sáng đèn bắn vào khoảng không coi như chỉ sáng khuôn mặt, xung quanh tối, tóc mất hai mảng bên này, bên kia, hình rất xấu!

– Chụp đèn bên ngoài khác xa với trong nhà, nên phải luôn luôn tìm một cái gì đó làm vật phản quang nhe anh Sinh!

Lượng dặn tôi thật kỹ từ tháng trước, khi anh em tập sử dụng đèn, nhớ lời Lượng như in, tôi kiếm những chậu hoa kê gần tường, cho khách đứng…

Giao máy lại cho Lượng chụp, tôi phụ thu tiền và ghi biên lai.

Đúng như tôi dự đoán, đêm đó Lương chụp thêm 02 cuộn. là 07 cuộn. Mười giờ đêm chúng tôi về đến nhà, Tôi nói với Lượng về việc tôi dùng phim Liên Xô. Lượng cũng lo lắng không kém tôi.

Hai ngày, mồng hai và mồng ba, đám thợ hợp đồng của ông Danh và chúng tôi mong chờ tối mồng ba đễ nhận hình khách từ tổ tráng rọi ở nhà ông Danh.

Nỗi ám ảnh hình xấu, hình hư làm tôi lo lắng không một phút nào quên. Tôi không biết có phải đây là lương tâm nghề nghiệp hay không, nhưng cứ nghỉ đến khách thất vọng rồi to tiếng…là tôi lạnh người!

Chiều mồng ba. Minh, một người bạn từ hồi còn ở đường Hồ Đắc Hanh Quảng trị. Ghé vào tìm tôi. Lâu quá không gặp…Minh cũng chụp hình dao bên Thủ Thiêm, chụp loanh quanh các gia đình chứ không có điểm cố định nào. Anh em cho biết tôi ở đây, nên ghé thăm.

Khi tôi quay trả phim để ráp cuộn mới, Minh cản tôi lại:

– Trong máy tao còn chừng 16 kiểu, mày chụp luôn dùm tao, tối giao thợ làm hình, khỏi phải cắt phim mất công! Mai tao đem hình và phim qua.

Tôi hỏi Minh:

– Phim gì vậy Minh?

– Orwo. Vậy mày chụp phim gì?

– Phim Liên Xô mới lo chứ!

– Ủa sao không xài Orwo?

– Tay nhà thầu bảo giống nhau.Thợ hợp đồng với nó toàn xài loại này!

Tôi rã rời không muốn chụp tiếp. xong đoạn phim của Minh, hai chúng tôi cùng đi uống cà phê, đưa tiền 16 kiểu cho Minh rồi tôi về bên nhà ông Danh giao phim…

Đúng ra, ngày hôm nay là thợ phải nhận hình chụp hôm mồng một, mồng hai, để sáng mai giao cho khách theo như hẹn ba ngày. Nhưng cô thu ngân nói là tổ làm hình làm chưa xong. Cứ đóng phim và tiền ngày hôm nay, rồi ngày mai, mồng bốn nhận hình và thanh toán luôn tiền công.

Tôi phân vân, vì thợ vẫn đang chụp nên không gặp ai mà hỏi han. Tiền và phim chụp ngày hôm nay được 04 cuộn, tôi cũng đã đóng! Lo lắng mà không nói được với ai, tôi quay lại Nhà Rồng gặp chú Vang và anh Tùng. Họ cũng tức tối và lo lắng rã rời, các thợ khác cũng xúm lại xôn xao…

Một anh thợ có vẽ sành sỏi, bộ dạng ra dáng dân giang hồ:

– Đù má tụi này định chơi trò “ Sóng giang” rồi!

Chú Vang hỏi:

– Sóng giang là sao?!

– “Sáng dông” đó mà, mai mốt tụi nó ôm tiền về Bắc, thánh nào tìm cho ra?! Tụi mình đừng chụp nữa, bây giờ về nhà cha Danh, nhớ là không giao phim và tiền ngày hôm nay. Đòi đưa hình hai ngày trước, có hình mới tiếp tục. nếu không có, mai chúng ta mua phim va biên lai. Tự chụp…Nhớ là chưa có hình thì không giao phim và tiền…

Tôi như đứng không vũng, muốn ngồi thụp xuống đất. Tôi đã giao tiền và phim hôm nay. Cà ba ngày là 13 cuộn phim, Tôi không giữ lấy đồng nào!

Cả nhóm gần chục thợ cùng kéo nhau về nhà ông Danh đòi hình…

Cuối cùng, một gả đàn ông chừng 35 tuổi, đem ra một ôm phim trắng nhếch, thả tất cả xuống cái bàn:

– Các anh không biết chụp hình, coi phim này, hoàn toàn thiếu sáng, phim thế này làm sao ra hình cho được! Cả bọn im lặng, chết điếng đi một lúc, rồi cũng anh thợ có dáng giang hồ lớn tiếng:

– Đù má, tao nói cho mày nghe nhé, thằng nào ở đây cầm máy ảnh bét gì cũng dã 5 năm, ăn cơm thiên hạ mòn răng rồi, tụi mày lấy phim quá đát, lại là của liên xô, không bắt sáng. Giờ đổ thừa cho thợ phải không?

Một anh thợ khác:

– Mày ra đây, tao còn trong máy mấy kiểu, mày chụp tụi tao rồi tráng phim ngay, coi tại ai?

Gả đàn ông lầm bầm rồi lén vào trong nhà

Con hẻm xôn xao, người trong xóm đến xem chật ních. Lúc này mới có nhiều bà con cho biết:

– Nhà này là của một cán bộ, lâu nay cho thuê, dạo gần đây thì đóng cửa cho đến khi ông Danh vào…

– Đù má, đúng bài sóng giang mà! Anh em giữ lấy tiền ngày hôm nay, cố gắng tìm chỗ làm hình giỏi, may chăng cứu được. Mai mua phim orwo và biên lai, tự chụp, tự kiếm chỗ làm hình và tự giao. Không lẽ bỏ cái tết sao?!

Tôi nghe đắng trong cổ mình, Cái tết nhiều hy vọng mua cái flass tiêu tan!

Không dủ can đảm chụp tiếp vì sợ khách làm  reo. Mấy hôm sau tôi về đứng phụ chụp cho Lượng. Thấy tôi cứ bần thần buồn bã, Lượng nắm tay tôi siết thất chặt;

– Mình em chụp cũng dư mua đèn, anh đừng buồn, còn nhiều cái khốn nạn nữa chứ chưa hết đâu!

 

 

Chia tay là vĩnh biệt.

                                     

 

 

Qua tết, Tôi vẫn còn sốc với chuyện phim Liên xô! Tâm trạng hoang mang không biết có nên tiếp tục làm nghề chụp hình lưu niệm không?

Kiếm một công việc khác để nuôi thân vào thời điểm này cũng không dễ. Lượng hối thúc tôi đi mua cái flash, nhưng tôi ngần ngừ chưa muốn, thứ nhất là vì còn dao động trong thâm tâm, thứ hai là tiền mua đèn hoàn toàn do Lượng chi ra chứ tôi không có.

Tháng trước, hai anh em tôi đã lên nhận giấy chừng nhận xong khóa học ở CLB, đăng ký học tiếp khóa II được hai tuần rồi. Với tấm giấy chứng nhận này, tôi chỉ có thể cầm máy ảnh và sử dụng hợp pháp chứ chưa thể xin vào điểm chụp hình nào trong thành phố vì không có hộ khẩu thường trú.

Sau tết, công việc tráng rọi ảnh màu của Lượng cũng bận rộn, Lượng vừa học vừa làm phụ với thầy nên tôi chụp ban ngày, ban đêm tự tráng rọi ảnh để ngày mai giao cho khách. Có khi Lượng ghé điểm chụp hình, hai anh em cùng về, có khi tôi về trước, 11giờ đêm Lượng mới về tới nhà!

Lượng thấy tôi nản lòng, khích lệ:

– Làm nghề này được cái tự do, ít phụ thuộc, đỡ vất vả hơn so với những việc làm kiếm cơm khác. Nhưng cũng có những lúc xui xẻo. Anh đừng nản lòng. Sau nảy còn có những chuyện không do mình mà là do nhiều cái khách quan gây ra…Cũng đắng cay lắm!

– Ừ, anh cũng thấy như vậy. Nhưng thế này, mình xem có loại đèn nào rẽ, mua một cái làm một thời gian rồi tính. Em còn cả gia đình, bỏ ra hai chỉ vàng mua cái đèn cho anh, anh xót ruột lắm!

Lượng ngẩm nghĩ một lúc:

– Em nghĩ mua đồ làm nghề thì nên mua một cái cho ngon luôn. Hiện nay có loại đèn Crown chỉ năm phân vàng là mới tinh trong hộp. Thợ cũng dùng rất nhiều.

– Được đó, mình mua loại đó đi Lượng.

Hai anh em chúng tôi đạp xe một ngày, rảo qua các cửa hàng bán đồ nhiếp ảnh. Mua được một cái đèn hiệu Crown. Cũng dùng 4 pin, mua luôn bộ charge. Đèn lên khá nhanh, độ phát sáng không bằng đèn Sunpak, thợ dùng quen cho biết là nên tăng ½ khẩu độ, cự ly 3,5m trở lên thì tăng 1 khẩu độ khi chụp là vừa.

Lượng nói thêm:

– Mình chủ động tráng phim nên anh không lo, cứ tráng tăng thời gian chút xíu là đẹp hình thôi.

Nhìn cái đèn, 4 viên pin và bộ chage, mới tinh và hiện đại…tôi lại phấn chấn tinh thần…Lượng cũng vui với niềm vui của tôi.

oOo

Sau tết là mùa nghỉ của thợ ảnh. Minh tìm chúng tôi rũ đi chơi. Gặp anh em bạn bè mấy hôm, chuyện trò vui vẽ…So với anh em, Lượng và tôi làm ra tiền nhẹ nhàng hơn nên phần nhiều cuộc vui Lượng dành thanh toán.

Trong số bạn bè, có Phương là người ở Sài gòn lâu nhất. Một hôm Phương đến tìm tôi và Lượng tại nhà:

– Ê, có mối chụp hình này ngon lắm.

Lượng và tôi cùng hỏi:

– Ở đâu?

– Bình Dương. Chổ xưởng rượu “ Gin” tao đang làm đó. Xưởng nhận bằng khen và huy chương hôm triển lảm hội chợ Hàng Tết ở Hà Nội.

Phương vào Sài gòn khá lâu, bên vợ có nhà ở khu Hòa Hưng. Vùng này có một số gia đình là công chức chế độ cũ. Các ông gom vốn mở xưởng sản xuất rượu Gin, tạo công ăn việc làm cho con cháu…

Ở Sài gòn sau 30/4/75. Thành phần không có việc làm rất dễ bị đi kính tế mới, hoặc TNXP. Những người này có trình độ, họ cũng còn chút vốn liếng, xin hợp đồng với Huyện đôi Huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, mở một xưởng sản xuất rượu, công thức họ nghiên cứu từ quy trình sản xuất rượu trái cây lên men của Pháp. Tận dụng nguồn trái cây của Bình Dương…Không những tạo việc làm cho con cháu, xưởng cũng thu nhận khoảng chừng 30 công nhân địa phương…

Vừa qua, triển lãm Hôi chợ hàng Việt Nam, xưởng được tặng huy chương mặt hàng Rượu. Chính quyền tỉnh Bình Dương rất vui mừng. Các bác trong xưởng làm tiệc mừng đón nhận huy chương theo gợi ý của Tỉnh.

Hồi mới vào Sài Gòn, Phương có rũ tôi vào làm công trong xưởng rượu, nhưng do lương không đều, lại rất thấp vì các bác phải bán tài sản trả lương, duy trì hai năm nay, với rất nhiều khó khăn mới hình thành và sản xuất được hàng đem triển lãm và tiêu thụ với số lượng ít ỏi, nên tôi từ chối, Tôi cũng có theo Phương về ở chơi vài lần, công nhân rất vui vẻ và thuận hòa vì xưởng tổ chức như một gia đình.

Lần này tôi và Lượng cùng lo vì chưa lần nào tôi chụp hình hội nghị, đám tiệc đông người. Nhưng rồi Lượng khích lệ tôi:

– Tiệc buổi trưa nên cũng không khó, anh cứ gắn đèn, bắn phụ vì đứng xa và nhiều người trong ảnh. Tránh cửa sổ vì bị ngược sáng, ánh sáng này rất mạnh, nhưng có đèn phụ nên cũng bớt lóe sáng. Bố cục anh đóng khung ảnh cho thật chặt, đừng thừa, đừng cắt mặt và đầu người, cái này thì về làm hình mình bố cục lại, nhưng tránh trước vẫn hơn. Chú ý cái phông và nội dung ghi trên phông. Khi chụp bàn tiệc anh nhớ là đứng trên một chiếc ghế đẩu rồi khom người xuống, cao hơn bàn tiệc để tránh đầu người lô nhô trong ảnh. Khi họ nâng ly anh nhắc hạ bớt đừng để che mặt nhau!

Những lời khích lệ của Lượng, trở thành bài học cho tôi lấn ấy và rất lâu, suốt những năm cầm máy sau này…

oOo

Sáng chúa nhật hôm đó, tôi run thật sự, khi mấy chiếc xe của tỉnh đoàn, huyện đoàn và quan chức đến. Tôi ân hận sao không kéo Lượng đi theo, dù sao cũng lên tinh thần hơn! Lượng không cho tôi dùng máy mới tự đông mà chụp bắng máy Canon QL 17. Tiêu cự 40mm rộng hơn máy Minolta, tiêu cự 50mm

Rồi cũng qua giây phút sợ hãi ban đầu, tôi nhủ lòng: Phải cẩn thận, nhẩm lại những gì Lượng dặn, tôi chụp chậm và tính toán kỷ từng tấm hình. Phương và bác Giám đốc không hạn chế số lượng ảnh: “ Mày cứ chụp thoải mái”, Phương nói  thế nhưng tôi chỉ chụp 50 kiểu, chưa hết 2 cuộn phim Orwo.

Chụp xong, tôi định đạp xe về, mấy công nhân kéo tôi ở lại để chụp ngoài, nhưng tôi hẹn lại khi nào về giao hình sẽ thong thả hơn, chụp đẹp hơn…Họ muốn chụp bên lò chưng cất, bể lọc nước và trong kho lên men…nơi mà hàng ngày họ sinh hoạt.

Tuyền, con của chú Vàng, tổ trưởng tổ lên men, đem đến cho tôi một cái khăn ướt và ly nước chanh đường. Lúc này tôi mới thấy mình ướt nhẹp mồ hôi. Tôi cảm ơn Tuyền bằng ánh mắt, ngồi xuống nơi bậc cấp uống ly nước mát lạnh. Cổ tôi khàn đi vì lo lắng, vì luôn miệng nhắc nhở các vị khách, cứ nâng ly là không thấy được mặt ai trong bàn!

Tuyền ngồi bên tôi như chờ lấy ly và khăn. Tôi nhìn Tuyền, nét phúc hậu, khả ái hiện rõ trên toàn gương mặt. Tự dưng tôi bâng khuâng!

Tôi đã gặp Tuyền trong những lần về chơi trước đây, Có chú ý Tuyền ví cô lớn tuổi nhất, có vẻ là đàn chị của tổ lên men. Lúc làm việc, họ mặc áo dài phủ tay, mặt đeo mạng và ai cũng giống ai. Tôi cũng có chút cảm tình đặc biệt với Tuyền cũng bởi cô là con gái lớn của chú Vàng, người ít nói nhưng hay cười, hiền hòa ngồi bên lò chưng cất với cuốn sách thường xuyên trên tay. Lần đầu tôi được Phương dẫn vào giới thiệu lò, Chú đang đọc cuốn “Quo Vadis”. Bằng tiếng Pháp. Tuyền cũng đã đỗ tú tài và đang học đại học thì biến cố 75 đến!

Các bác, các chú ở nơi đây đều có trình độ, từng làm công chức chế độ cũ. Đi cải tạo về với tấm giấy khoan hồng của chính phủ cách mạng lâm thời, trung bình chỉ chừng một tháng, tháng rưởi… Họ mừng vì với những người bạn đồng liêu ở các nơi, bây giờ vẫn còn đang lao động trong các trại cải tạo, có người bị đưa ra tận Nam Hà, ngoài Bắc!!!

Họ rũ nhau lập xưởng với công sức và tài chánh không còn bao lăm sau đổi tiền. Với số tài sản còn lại ít ỏi họ không ngại ngần bán đi để cùng xây dựng nên xưởng sản xuất rượu Gin.

– Anh lên lại Sài gòn chiều nay ả?

– Ừ, tráng phim và rọi hình xong, khoảng chiều ngày kia anh xuống lại.

– Những tấm ở bàn của khâu lên men, anh làm thêm cho em với nghe.

Tôi nửa đùa nửa thật:

– Đẹp thì làm thêm mà xấu thì thôi nhé?!

– Kỷ niệm mà, xấu đẹp gì !

Một đám cả nữ lẫn nam kéo đến:

– Chị Tuyền, chị nói anh nhiếp ảnh vào chụp cho tổ mình một kiểu ngay “dãy chuồng lên men” đi.

Khu lên men được xây y hệt chuồng nuôi heo, cao khỏang 90cm và ngăn lại, Chia ô lên men, ô chứa Thơm, ô chứa Mít, Chuối…ủ dưới những bao tải. Vào khu này lúc nào cũng có mùi ngây ngây như men rượu. Tuyền nói, giọng nhẹ nhàng:

– Anh Sinh phải đạp xe lên Sài Gòn. Xa quà, thôi để ngày kia ảnh xuống lại, mình chụp nhiều nhiều luôn.

Tôi chào Tuyền và các công nhân. Một cậu trai chạy đến cầm tay tôi:

– Em có phát biểu trong lễ, anh Sinh phóng thêm cho em tấm nghe.

– À, anh làm thêm cho cả tổ lên men nữa. Chờ nghe, ngày kia.

Tôi dắt xe ra cổng, đạp về Bình Thạnh. Hình ảnh Tuyền đi cùng tôi trên suốt đoạn đường, ngay cả khi vào phòng tối, chuẩn bị tráng phim và rọi ảnh!

oOo

Bỏ những thau thuốc cũ, tôi pha lại thuốc mới. Hồi hộp tráng phim, sau khi cho “riu”qua thuốc định hình, tôi mừng rỡ khi kiểm tra phim, phim trong và đẹp. Đôi mắt dịu dàng của Tuyền lại hiện đến làm  hưng phấn lòng tôi.

Chờ Lượng về, tôi ra đầu ngõ uống ly cà phê. Ngồi vẫn vơ…nhớ Tuyền…

Tôi cũng đã hai mươi tám tuổi, cùng tuổi với Tuyền. Không phải lần đầu tôi biết xao xuyến vì một cô gái. Cũng đã có những cuộc tình đến rồi đi… Những cuộc tình qua đi vì tôi không cố níu giữ. Níu giữ làm gì khi mà bản thân chưa lo được cái ăn, cái ở cho mình, Mưu sinh trong một hoàn cảnh khó khăn, những thiếu thốn tối thiểu nhất đã làm tôi sợ hãi chuyện hôn nhân!

Nhưng dạo gần đây, ở cùng gia đình Lượng, tôi nhiều khi thèm cài hạnh phúc gia đình, một cuộc sống bình yên với một người vợ sẻ chia cùng nhau những buồn vui…Tôi tự cười tôi, nhưng rồi lại thấy rằng đây là một quy luật tự nhiên, một thèm muốn rất bản năng trong con người của thằng Tôi 28 tuổi, sợ cô đơn, thèm hạnh phúc!

Cái khăn ướt và ly nước chanh chiều nay nhận từ dôi tay của Tuyền, ánh mắt, nụ cười…Tuyền không nói gì, nhưng tất cả những cái ấy đã cùng lúc nói thật nhiều vời tôi, rồi lớn lên , chiếm lĩnh hồn tôi với niềm cảm xúc tuyệt vời!

Gặp nhau chưa lâu, chỉ thỉnh thoảng, nhưng trong lòng tôi đã hình thành một hình ảnh khá trọn vẹn về Tuyền! Tôi đã yêu rồi người con gái ấy!

Lượng về nhà không thấy tôi, nhìn hai dãy phim đang treo, đoán là tôi ra quán.

– Phim đẹp đó chứ anh Sinh!

– Ừ, anh toát mồ hôi mấy lần, không có những kinh nghiêm Lượng dặn trước, anh chắc bỏ về không dám chụp luôn!

Thường thì chúng tôi phải đi mua lẻ giấy rọi ảnh nơi cửa hàng vật tư ngành ảnh Hồng Đào,  đường Quách Thị Trang, quận 1. Nhưng mấy hôm nay sau tết ít hình, giấy còn thừa rọi cho gần hai cuộn phim tôi vừa chụp. Chuẩn bị một lát, rữa sạch mấy cái chậu đựng thuốc định hình, rửa ảnh, Lượng muốn tôi tự làm nhưng tôi nói:

– Chú rọi số hình này, luôn tiện bố cục lại, lại nữa phim không đều “tông” , anh làm không đẹp bằng chú đâu.

oOo

Cho phim và hình vào túi xách, tôi nói với Lượng:

– Anh về giao xong hình, có thể ở lại chơi thêm một hai ngày…

Hôm qua khi rọi hình, tôi có chỉ cho Lượng xem hình của Tuyền. Tuy hình đông người, nhưng nhờ vị trí ngồi ngay giữa ảnh, nên Tuyền khá rõ ràng. Lượng cũng thấy Tuyền xinh:

– Để em đem vào cho vợ em xem, chị ấy coi bộ phúc hậu nhưng hơi lớn tuổi phải không?

– Bằng tuổi anh, con gái đầu nên có vẻ chững chạc, chín chắn lắm!

– Lần này anh coi “ dừng bước giang hồ” được rồi…

Tôi cười nói với Lượng:

– Anh vẫn chưa tỏ tình hay hỏi han cô ấy câu nào về tình cảm của cô ấy đối với anh!

Quả thật, tôi quá trẻ con và chủ quan khi tin rằng Tuyền cũng có cảm tình với tôi!

Con đường Điện Biên Phủ dài thật dài, qua khỏi cầu Bình Triệu, Tôi ghé vào quán nước gần ga xe lửa, uống ly cà phê. Chủ quán là một trung niên, có cái máy Cassette khá to và là tay sành “ nhạc vàng”. Đã uống vài lần nơi đây nên anh ta biết tôi. Chào hỏi qua loa rồi vào trong thay cuốn băng: “Băng Vàng Shotgun 71”. Gồm những bản nhạc tiền chiến mà tôi rất thích từ những ngày còn cắp sách đến trường, trốn học, học đòi làm người lớn, ngồi nhâm nhi nghe nhạc bên ly cà phê đen…

Tôi xuống đến Thuận An cũng đã trưa. Các chú bác đi họp trên tỉnh chưa về, Khi chưa giao được hình thì trong lòng tôi hồi hộp không yên, may mà các công nhân kéo tôi đi chụp nơi này nơi kia… Tuyền luôn bên tôi, tôi thực sự cảm nhận được tình cảm của Tuyền dành cho mình.

Khi tuổi đời không còn nhỏ, chỉ cần một ánh mắt, một nụ cười… cũng đủ để nhận ra tình cảm của nhau…Tôi hút thuốc nhiều, Tuyền mang cái túi xách đựng hình. Tay cầm hộp quẹt và gói thuốc dùm tôi…

Chiều hôm đó các chú họp về, gương mặt không vui. Khi tôi đem hình đến văn phòng, Chú Hòa giám đốc khen hình đẹp nhưng cũng với thái độ hững hờ rồi gọi Dung, cô con gái làm kế toán kiêm thủ quỹ:

– Con xem thanh toán tiền cho anh thợ nhé. Ba lên Sài gòn trước với các chú, con lên sau.

Chú Hòa cùng vài người nữa buồn bã lên chiếc Toyota cũ của chù Hòa. Chú Vàng ba của Tuyền, gọi công nhân bộ phận lọc nước căn dặn rồi cũng lên xe theo các chú về Sài gòn…

Không khí của xí nghiệp chìm hẳn xuống, công nhân vẫn bình thường nhưng Tuyền thì buồn ra mặt. Tôi lên tầng trên, nơi có hồ nước lớn, tìm Dũng, bạn thân của tôi. Thấy tôi, nó hỏi to:

– Mày lên Sài Gòn hay ở lại?

– Chắc là ở lại, tối tao ngủ đây nhé?

– Ô kê ! Để tao đi kiếm cái gì lai rai…

Trời chiều, vùng nông thôn Bình Dương buồn buồn nhưng dịu mát, vườn cây um tùm bao bọc khắp nơi. Những cây dâu tây to lớn mọc che kín nhà cửa trong khu dân cư, đứng trên cao nhìn ra chung quanh, chỉ cỏn một màu xanh cây lá.

Dũng trở về với Kha. Con trai của bác Hòa, công nhân vẫn chưa quen gọi bác là giám đốc. Người Kha lấm lem dầu mỡ vì suốt ngày vật vả với chiếc xe chở trái cây và củi của xí nghiệp!

Kha nhỏ hơn tôi chừng hai tuổi, gương mặt gầy với cái miệng móm nhưng khi cười thì trông rạng rỡ vui vui.

– Anh Sinh ở lại chơi luôn à? Anh Dũng, có cái ca nào đưa em cái coi?

– Mày coi trong bi-đông còn rượu không, hôm qua tao với Giai, Phú làm hơi quá hớp!

Kha quay tìm cái bi-đông, lắc lắc rồi cười to:

– Có ông Giai mà rượu còn thì chuyện lạ!!!

Dũng lấy cái ca nhựa, lau qua bằng vạt áo may ô rồi đưa cho Kha, nói rồi nheo mắt cười với tôi:

– Nửa ca thôi Kha ơi, anh Sinh còn “tư tác” tối nay nữa đó!

– Tư tác gì vậy anh Dũng?

– Thì lâu lâu người ta về Thuận An, phải đi thăm vườn cây vườn quả chứ!

Chính tôi cũng chưa xác định được tình cảm của tôi với Tuyền và ngược lại, nhưng sự ân cần của Tuyền với tôi trong những lần tôi xuống chơi đã làm cho bạn bè cảm nhận được là chúng tôi có tình cảm với nhau, dù rất mơ hồ…

Kha cười cười cầm ca đi xuống chiếc cầu thang sắt:

– Chị Tuyền ghét mấy thằng nhậu lắm đó nghe.

– Ai biểu mày uống vào là cứ lải nhải, nói dai… ai chịu cho được!

Rượu ở đây chúng tôi không mua, chỉ cần múc nửa xị rượu nguyên chất ở lò chưng cất, cho nước lọc vào là ra một bi-dông, Vẫn ngon và đậm đà hương vị trái cây. Cái thích nhất là say cỡ nào sáng mai cũng không nhức đầu…

Lúc nảy, Dũng đi kiếm mồi nhậu, cũng chẵng có gì, một trái xoài và dĩa “thịt vịt quay hàng xanh”…Các quán nơi đây lên tận Hàng Xanh mua vịt quay về bán cho dân nhậu, dĩ nhiên là đắt như vàng!

Uống một lát, Tuyền và Hương cùng xuất hiện nơi cầu thang. Hương là bồ của Dũng. Hương thương Dũng lắm nhưng ngán nhất cài gàn bướng khi rượu vào! Những đêm say, hắn khoái ngủ trên thành bồn lọc nước, bề ngang chỉ chưng 0,20cm.  Nằm vòng tay ngủ. Rớt xuống bồn nước cũng nguy hiểm vì đang say, rớt ra ngoài bồn cũng không thua gì vì cao tới 3m5! Nói gì cũng không chịu nghe. Khi nào có tôi về, Dũng mới chịu nằm nền nhà cùng nói chuyện, thỉnh thoảng chay ra xem mức nước trong bồn, tinh thần trách nhiệm cao quá độ!

Có lẽ thấy mấy anh em nhậu với mồi quá đơn sơ, hai chị em nháy mắt với nhau rồi xuống dưới. chỉ chừng một giờ sau, cả hai khệ nệ bưng lên nồi cháo và con gà luộc, muối chanh…Dũng và Kha cùng cười:

– Gà và cháo của ai đây ta?

Tôi nhanh miệng:

– Còn của ai nữa, ở đây chỉ có Hương là người địa phương, Mày coi ăn đi rồi mai chi tiền Hương đem trả lại cho bà già!

Tuyền cười cười, vừa xé thịt gà vừa nói:

– Cả chuồng mà Hương chỉ bắt con này, nói là Gà đen ăn bổ, ông Dũng ho mấy hôm nay!!!

Chừng mười giờ đêm, cũng vừa xong bi-dông rượu. Kha xin đi ngủ sớm, mai còn tháo cái láp xe đưa lên Sài Gòn tiện lại. Dũng xuống tổ lên men cùng Hương tìm trái cây ăn “ giải nhiệt”.

Tôi và Tuyền ra ngồi nơi cầu thang. Bầu trời đêm trong vắt lấp lành những vì sao trông thật thanh bình.

– Sao chiều giờ buồn vậy Tuyền?

– Không biết mấy hôm nay họp chuyện gì mà các chú xuống tỉnh họp hoài, cứ họp về là ai cũng rầu rầu buồn bã, ít nói, làm cả xưởng buồn theo!

Tôi cũng buồn lây, nắm tay Tuyền rồi quàng tay kia ôm nhẹ bờ vai. Mùi hương lạ ngào ngạt, có lẽ là của những loại trái cây đang ủ trong các ngăn, vương vất trong không gian cộng với mùi thơm riêng biệt của mái tóc dài cột đơn sơ của Tuyền hòa với nhau…làm tôi ngất ngây!

Muốn an ủi Tuyền một câu gì đó nhưng tôi không biết phải nóí gì ngoài sự đồng cảm mù mờ…Đặt lên mái tóc Tuyền một cài hôn nhẹ, tôi ghì lấy đôi vai rồi tìm đôi môi…Tuyền quay người lại, nụ hôn thật dài…Tôi cảm nhận được tình yêu của Tuyền qua đôi môi ngọt, vòng tay ấm quàng qua lưng mình! Chúng tôi im lặng, dành thời gian cho những nụ hôn,..lấp đầy trời đêm mát lạnh.

oOo

Tôi có thể ở lại chơi thêm, nhưng tâm trạng không vui của Tuyền và của anh em công nhân làm tôi ngần ngại. Sau khi uống cà phê với Dũng. Kha, có Phương vừa từ Sài Gòn xuống và cả Tuyền, tôi lên lại Sài Gòn!

Thứ bảy đến thật nhanh, Phương ghé nhà cho tôi biết là Tuyền muốn gặp tôi ở xưởng chiều thứ bảy này. Tôi nhìn đồng hồ, đã hơn 06 giờ chiều. Cũng rán về thôi, một linh cảm bất an cứ ngồn ngộn trong lòng!

Vừa đạp xe vừa nghĩ ngợi. Có chuyên gì xảy ra được đây. Tôi nhớ lại câu chuyên của Hợp Tác Xã Mành trúc ở ngoài quê, Khi các Soeur Dòng thánh Phao Lô ở đó, vận động bên tòa Giám Mục và các nơi, tổ chức nên một xưởng sản xuất mành trúc, tạo công ăn việc làm cho các tu sĩ của Dòng cùng một số Thanh nữ ở địa phương. Nông dân thì đi rừng khai thác trúc về bán lại cho xưởng. Từ nhiều khó khăn ban đầu, ba bốn năm sau thì hình thành và sản xuất được hàng đem bán, Địa Phương đã đưa người vào nắm quyền, gọi là chủ nhiệm, Soeur trông coi công việc chính và giao dịch, bị làm kiểm điểm lên xuống huyện nhiều lần…Rồi lấy cớ đã già không cho làm việc nữa! Một HTX Mây-Tre-Trúc ra đời không còn dính dàng gì đến Dòng Phao Lô, nơi mà từ đó cơ sở này ra đời!

Cái chết ngoắc ngoải của HTX này tôi đã chứng kiến trước khi vào Sài Gòn…

Hay là ván bài này cũng đang xảy ra với Xí nghiệp rượu Gin?!

Gặp nhau tối hôm ấy, nỗi lo lắng về xưởng bị quốc doanh không làm cho Tuyền buồn lắm, mà là chuyện ba củaTruyền, chú Vàng và các chú bác lo lắng với câu nói làm tuyệt vọng mọi người từ miệng ông Bí Thư Tỉnh Bình Dương:

– Nợ máu của các anh lớn lắm, cải tạo một hai tháng không nghĩa lý gì…Thế nên các anh cần thành khẩn, nhiệt tình cộng tác với các cấp địa phương…

Bảy tám năm nay không nhắc gì đến chuyện cải tạo, nợ máu…nay nghe như thế, không ai khỏi lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Mọi người gầy xọp đi trong chỉ mấy ngày!!!

Tuyền gầy và buồn bã như người bệnh, tối đến, trên bồn lọc nước cao, Tuyền khóc thật nhiều, tiếng khóc rấm rứt như xé lòng tôi. Tôi ôm Tuyền bằng hai tay không nói. Hôn những nụ hôn lên đôi mắt sủng nước, vẫn không linh cảm được chuyện chia tay! Cuối cùng Tuyền nói trong nghẹn ngào:

– Ba tính chuyện vượt biên anh ạ!

Tôi buông vòng tay ôm, dặt hai tay lên vai Tuyền.

– Sao không tạm thời chấp nhận cho họ quản lý xưởng rồi tính sau?!

– Ba nói có thể họ sẽ bắt đi cải tạo lại, rối đưa người thay thế hết, họ sẽ trừ ba ra vì khó có người thay thế khâu kỷ thuật. Nhưng bác Hòa quyết đinh ra đi, ba theo bác Hòa!

– Bao lâu nữa?

Tuyền lắc đầu.

– Em không biết!

Chuyện vượt biên bằng tàu, những năm này rất khó khăn. Từ trên bờ cho đến trên biển và cả những trại tập trung chờ các nước bảo lãnh!

Cái cảm giác sợ hãi lại bất chợt ập đến với tôi. Từ dạo lênh đênh trên chiếc tàu năm đó, sự sợ hãi như đã thường trực trong lòng tôi mỗi khi nghe đến biển.

Sống trong thời điểm này, không ai không nghĩ đến chuyện tìm cách ra đi. Nhất là những thanh niên nhẹ nhàng ít gánh nặng như tôi. Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện phải đi bằng đường biển.

Sau 30/4/1975. Tôi cùng một anh bạn xin phép Ủy Ban Quân Quản đi tìm thân nhân. Vợ và con anh ta cùng gia đình bên vợ đều lên tàu mà Linh mục hướng dẫn xứ chúng tôi xin tòa Đại sứ Mỹ đưa dân vùng tôi ở rời Việt Nam. Cha quá ngao ngán vì đã chạy từ Quảng Trị vào trong này lánh nạn vẫn chưa yên…Tàu đến Hải phận Quốc tế thì nghe đâu có một cuộc điên thoại gọi cho Linh mục: “Sài gòn chưa mất mà cha!” Vốn không mặn mà gì với người Mỹ. Ngài tự ái gọi xin ngay hai chiếc tàu của Korea ( Đại Hàn) rồi quay tàu vào Phú Quốc chờ…

Tàu Korea đến các nơi như Long Hải, Vũng Tàu nhưng không có dân và Linh Mục. Họ cũng vớt lên tàu một số dân tứ xứ có một vài gia đình còn kẹt lại vì nhiều lý do…Tin Sài Gòn thất thủ đến khi họ ra khơi vì chẳng biết phải làm gì, họ cứ tưởng là Cha đã đưa dân dến đảo Guam nên cho tàu đến dó, đâu biết rằng toàn bộ dân và Linh mục vẫn đang ở Trường An Thới, Phú Quốc chờ tàu trong tuyệt vọng!

Đến Rạch Giá chừng 10 giờ đêm, hai chúng tôi xin được quá giang ra Phú Quốc trên một chiếc ghe dánh cá lớn. Ngồi trong khoang với tâm trạng an toàn, chúng tôi vui cùng các ngư dân Phú Quốc đi buôn bán trở về.

Hai ngày sau, khi đã gặp thân nhân, tôi trở lại Rạch Giá bằng chiếc ghe loại nhỏ…Ghe đánh cá, chủ ghe tham lam cho lên ghe nhiều người quá. Đi khoảng một hai giờ thì nghe nhốn nháo là có tàu Khờ me đàng xa! Mọi người lâm râm cầu nguyện, Lạy Phật, Gọi Chúa!!! Tôi nhìn mạn thuyền Cách mặt nước chỉ ba lóng tay mà sợ hãi, ghe chạy mà như vẫn đứng yên một chỗ! Sợ từ đàng trước, sợ từ trong thuyền! Chưa nói đến bọn Khờ me tàn bạo mà tiếng đồn nghe lâu nay…Nếu thuyền có sóng to, mạnh một chút thôi. Lắc lư một chút thôi cũng có thể bị chìm! Xung quanh mênh mông biển khơi, con thuyền cô đơn cùng với số phận của bao nhiêu con người chỉ cỏn biết cầu mong vào Trời Phật, Thánh Thần! Chuyện sống sót giữa biển khơi như thế này thật hy hữu!

Ôm chặt Tuyền trong vòng tay, tôi hy vọng bác Hòa và gia đình Tuyền không đi trên những chiếc ghe như thế!

Hôm đó, chúng tôi ngồi suốt đêm bên nhau. Tôi dự tính ngày mai chúa nhật sẽ ở lại thêm một ngày nữa với Tuyền. Nhưng sáng ra, Kha từ Sài Gòn xuống thật sớm, thì thầm với Tuyền cùng mấy người nữa trong gia đình, chuẩn bị lên Sài Gòn bằng chiếc xe Toyota cũ của bác Hòa.

Tôi lẫn Tuyền bàng hoàng, Nụ hôn cuối vội vàng sau căn phòng nhỏ của dãy lên men, tưởng chỉ là phút tạm biệt, chia tay cho một chuyến đi xa …Tôi nói với Tuyền, giọng nghèn nghẹn:

– Anh sẽ tìm cách qua bên đó với em.

Đâu ngờ rằng dó là lần vĩnh biệt. Chiếc tàu của gia đình bác Hòa đến được Bidong, Chiếc có gia đình Tuyền không đến được bến bờ nào, nó im lìm đâu đó trong lòng đại dương mênh mông!

Hai năm nghe ngóng chờ tin, tôi loay hoay tìm đường đi bộ qua ngã Campuchia, nhưng hai lần đều thất bại.

Có những lúc thật buồn, lòng tràn ngập nhớ thương, tôi đưa ngón tay trỏ sờ lên môi mình gọi khẽ:

– Tuyền ơi!

Sàigòn, 03 tháng 5.năm 2017,

Trạch An-Trần Hữu Hội.

 

 

2 thoughts on “Vui buồn đời thợ ảnh

  1. Thật là đáng tiếc, âu cũng là kiếp người. 😦

  2. lê ngọc duyên hằng nói:

    Xa Quê lên Phố Tìm Sinh nhai…
    Đơn thân độc mã phận Trắng Tay!
    Tìm đến Bạn bè NHỜ rất NGẠI!
    Giúp nhau có thể”Một ngày,hai…”?
    ….Bởi lòng Tự Trọng-SỢ Phiền toái!
    Tự mình lo liệu chẳng NHỌC AI?
    Và rồi CẢM ƠN điều đưa đẩy…
    Bạn giúp VIỆC LÀM -Quả thật may?
    …Công sức bỏ ra-Sống TIỆN TẶN
    Muốn gì cũng TÍCH CÓP dần dần…
    Thực hiện CÓ NGHỀ hầu nuôi Thân
    Tiện Lợi đó Nghề CHỤP HÌNH ẢNH…
    …..Bến NHÀ RỒNG nơi TRỤ Kinh doanh
    Nơi Hợp tác Xã cùng nhau LÀM…
    SINH-Tôi đã sống và HỤT HẪNG…
    ”Sóng giang”-sáng dông…GÌ CŨNG GIAN!
    ….Quen Tuyền có lẽ như cái DUYÊN
    Có lẽ nhờ Thật thà CHÂN TÌNH?
    Nhưng TRẮC TRỞ số mệnh Xui Khiến!
    ”Chuyến Vượt Biên Nàng CHÌM đáy Biển!”
    ….SINH -Tôi đau khổ MẤT CUỘC TÌNH!
    Tình đầu Tình cuối đó MỐI TÌNH!
    Tình Vương Vấn HOÀI Những Nụ Hôn…
    Quàng Vai-Ôm Hông…Buồn Buồn TƯỞNG…
    *Thầm gọi tên TUYỀN dòng Suối trong..
    Long lanh Mắt em Chiều Thơ Mộng…
    RỪNG Xanh gió ngàn muôn tiếng VỌNG…
    Tiếng SÓNG Khơi xa dậy NỖI BUỒN…!

Comment